Đồng Tâm sau hai năm: Công an vẫn chưa cấp giấy chứng tử cho ông Lê Đình Kình

Chính quyền vẫn còn ít nhất hai món nợ khác với gia đình này.

Luật Khoa Tạp Chí|

Dù với bất cứ lý do gì, ngày 9/1/2020 sẽ được ghi nhớ như một ngày thảm khốc trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Rạng sáng hôm ấy, hơn 3.000 cảnh sát đã bất ngờ đột nhập, nã súng vào nhà thường dân ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Ông Lê Đình Kình bị bắn chết. Ba viên cảnh sát tử vong. Hai mươi chín người dân đã bị bắt và bị tuyên án sau đó, trong đó có hai người bị tuyên án tử hình. [1]

Hai năm sau cái đêm đen tối đó ở thôn Hoành, chính quyền vẫn còn ít nhất ba món nợ với gia đình ông Lê Đình Kình.

1. Công an vẫn chưa cấp giấy chứng tử cho ông Lê Đình Kình

Công dân Lê Đình Kình – thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội – vẫn chưa chết trong hệ thống dữ liệu nhân khẩu của nhà nước. Bà Dư Thị Thành -vợ ông – cho biết, công an xã Đồng Tâm chỉ đồng ý cấp giấy chứng tử cho ông với điều kiện: ông phải chết tại cánh đồng Sênh, chứ không phải tại nhà – tức hiện trường vụ án.

“Chồng tôi bị công an giết chết tại nhà”, bà Thành kiên quyết nói. Bà đã ở cạnh ông vào cái rạng sáng kinh hoàng ấy. “Tôi không đồng ý ghi sai cái chết của chồng nên giờ họ vẫn chưa cấp giấy chứng tử cho ông.”

2. Hơn nửa tỷ đồng tiền phúng điếu vẫn bị ngân hàng đóng băng

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank vẫn đang phong tỏa 528.453.669 đồng tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình trong suốt hai năm qua. Trả lời Luật Khoa, bà Thành cho hay, đến nay gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ khoản nào trong hơn nửa tỷ đồng này.

Trước đó, gần 700 người dân đã gửi tiền phúng điếu, “thắp hương” cho ông Kình về tài khoản Vietcombank của bà Nguyễn Thúy Hạnh theo lời kêu gọi của bà và ông Trịnh Bá Phương. Chưa đầy một tuần sau, ngân hàng đã phong tỏa tài khoản và không cho bà Hạnh rút tiền chuyển đến gia đình ông Kình. Trả lời báo Pháp luật TP. HCM về vụ việc, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, dòng tiền này có liên quan đến khủng bố, và “pháp luật Việt Nam và các nước đều rất nghiêm khắc với khủng bố, trong đó cho phép áp dụng các biện pháp cần thiết, chẳng hạn như ngăn chặn, kiểm soát dòng tiền”. [2] Thế nhưng, đến nay, những người liên quan đến vụ án Đồng Tâm đã bị xét xử, có nghĩa là công tác điều tra đã kết thúc, nhưng số tiền phúng điếu vẫn chưa đến được tay gia đình ông Kình.

3. Công an Hà Nội nợ gia đình anh em ông Lê Đình Chức hơn 15 triệu đồng

Theo bà Hoàng Thị Hoa, vợ ông Lê Đình Chức, ngay sau vụ tấn công, công an Hà Nội đã bê nhiều vật dụng trong nhà bà đi, trong đó có một két sắt chứa giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế, một con lợn nhựa đựng tiền tiết kiệm của hai đứa con gái nhỏ, 15 triệu đồng mà vợ chồng bà để dành cho việc sinh nở sắp tới. Vụ tấn công xảy ra khi bà Hoa chỉ cách ngày sinh 15 ngày. Sát ngày sinh, bà ôm bụng bầu lên công an xã đòi lại cái két sắt nhưng sau đó, công an thành phố chỉ gửi về một số giấy tờ tùy thân, thẻ bảo hiểm và một cái két sắt rỗng.

“Họ nói tốt nhất là tôi nên về tự chuẩn bị lại tiền đi đẻ. Còn số tiền kia không ai tiêu, trước sau nó cũng ở đấy, khi nào điều tra xong họ mới trả”, bà Hoa nhớ lại. Gần một năm sau phiên toà phúc thẩm, vụ án đã khép lại, công an Hà Nội vẫn chưa trả cho gia đình bà số tài sản này. Gia đình ông Lê Đình Công, anh ông Chức cũng gặp phải tình trạng tương tự. Với danh nghĩa phục vụ điều tra, cơ quan công an đã tịch thu luôn trang sức, nhẫn cưới, mỹ phẩm cùng một số vật dụng khác của các thành viên trong gia đình này.

“Nhà chúng tôi không còn gì, mất tất cả sau buổi sáng hôm đó”, bà Trần Thị Hương, vợ ông Công nói.

Nguồn: Luật Khoa