Ước mơ về một hệ thống giao thông tiện lợi nhanh chóng và an toàn cho Việt Nam

Ảnh Ks Nguyễn Ngọc Bảo -

Việt Tân 

 
Đảng Việt Tân chủ trương "Canh Tân Đất Nước là nỗ lực toàn diện bao gồm các lãnh vực: con người, cơ chế chính trị và môi trường sinh hoạt xã hội."
 
ƯỚC MƠ CANH TÂN: HỆ THỐNG GIAO THÔNG TIỆN LỢI, NHANH CHÓNG, AN TOÀN CHO VIỆT NAM
 
- Ks Nguyễn Ngọc Bảo -
 
Đây chỉ là một số gợi ý rất tổng quát của người viết, dựa trên những gì đã thấy và học hỏi được tại Pháp và Liên Âu, cho nhu cầu xây dựng, bảo trì, tân trang một hệ thống giao thông tiến bộ. Còn phải nghiên cứu thêm rất nhiều với những chi tiết dựa trên địa lý và thời tiết Việt Nam và nhu cầu chỉnh trang các vùng có dân sinh sống (kế hoạch hóa đô thị) và các khu vực kinh tế (kỹ nghệ tiền tiến với nguyên liệu nhập cảng, các khu vực chế biến cho nhu cầu nội địa ,…) nhằm đáp ứng cho mục tiêu phát triển lâu dài của Việt Nam.


 
Tất cả các quốc gia phát triển đều có nhu cầu xây dựng một hệ thống giao thông trải rộng trên khắp lãnh thổ, để có thể di chuyển nhanh chóng và an toàn con người, hàng hóa, nguyên liệu. Hệ thống giao thông tiền tiến gồm các trục xa lộ và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường di chuyển, các tuyến hỏa xa, các hải cảng, các bến phà (cho những vùng có nhiều sông ngòi, bờ biển, đảo), các phi trường cho máy bay và trực thăng. Trong hoàn cảnh Việt Nam, với một hình thể dài và hẹp, với hơn 4600 cây số bờ biển, cần phải thiết kế một hệ thống giao thông phù hợp với địa lý (3/4 là vùng đồi núi, ¼ là vùng đồng bằng), để bớt tốn kém, xây dựng được nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu phát triển của Việt Nam trong tương lai.
 
Song song cần suy nghĩ đến nhu cầu chiến lược về quốc phòng, để có thể điều động tăng cường quân đội nhanh chóng tại các vùng biên giới trọng yếu như phần biên giới phía Bắc với nhiều cao nguyên, rừng núi hiểm trở. Việc xây những trục lộ giao thông, các phi trường gần những nơi này sẽ giúp mở ra (khai thông) cho các hãng xưởng,trung tâm phân phối, tồn kho, các trung tâm du lịch, nơi nghỉ hưu, …
 
Việc xây dựng hệ thống giao thông cần được gắn liền với các quy hoạch về thiết kế các vùng trong đất nước. Những nơi nào sẽ là trọng điểm cho các kỹ nghệ nặng, các kỹ nghệ chế biến phực phẩm, các trung tâm phát triển công nghệ thông tin. Những nơi nào sẽ là trọng điểm cho các sản xuất về nông, lâm, ngư nghiệp. Những nơi nào sẽ là trọng điểm về du lịch. Ngoài ra cũng cần khai dụng các tiến bộ mới nhất về kỹ thuật để xây cất các trục giao thông an toàn, nhanh chóng, để có thể di chuyển từ bắc xuống nam trong vòng tối đa 2 ngày (từ Ải Nam Quan xuống mũi Cà Mau).
 
Khoảng cách Sàigòn – Hà Nội là 1150 km đường chim bay, hay 1700 cây số qua quốc lộ 1. Tại Pháp, khoảng cách Paris-Marseille (thành phố phía Nam, trên bờ biển Địa Trung Hải) là 750 cây số, xe lửa cao tốc TGV chạy mất 3g là đến Marseille. Xây dựng một tuyến xe lửa cao tốc chạy từ Sàigòn đến Hà Nội trong khoảng 7 tiếng 30 phút sẽ giúp thu ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa Bắc-Nam. Cần tận dụng mọi kỹ thuật hiện đại nhằm giúp người lái xe hơi, xe lửa, xe vận tải, xe bus an toàn hơn qua việc nối tuyến giữa các thiết bị (sensor) của xa lộ, chỉ dẫn tình hình lưu lượng xe qua lại và thiết bị trong xe, dự báo thời tiết, thông báo ngay các tai nạn đang xảy ra trước mặt, … sẽ giúp tránh được nhiều tai nạn và sinh mạng.
Việc vận chuyển nặng (các hàng hóa, nguyên liệu) cần được tiến hành qua đường biển. Với một vận tốc trung bình khoảng 10 cây số giờ cho các xà lan, các xà lan chở cả ngàn tấn hàng hóa sẽ mất khoảng 2 ngày đến đi từ cảng Sàigòn đến Nha Trang (450 cây số) và 4 ngày rưỡi để đến Đà Nẵng (970 cây số). Trên trục Đông Tây, với nơi rộng nhất Việt Nam khoảng hơn 650 cây số tại Miền Bắc và nơi hẹp nhất (80 cây số) tại Quảng Trị, cần ưu tiên các phương tiện hàng không, vì phi cơ chở hàng hóa chỉ mất non nửa tiếng là có thể từ Kontum đến Quy Nhơn (190 cây số), từ Lai Châu đến Hà Nội (380 cây số), hay từ Tây Ninh đến Vũng Tàu (185 cây số).


 
Tóm lại sau đây là một số điểm chính về hệ thống giao thông cho VN dân chủ :
 
- Phát triển, trùng tu hệ thống giao thông dựa trên nhu cầu phát triển lâu dài, bên vững của đất nước và không lệ thuộc vào quyền lợi của một phe nhóm nào.
 
- Nhanh chóng, an toàn và tiện lợi, đồng thời có khả năng ứng dụng ngay các kỹ thuật hiện đại nhất để giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi sinh, lưu lượng xe quá tải và lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nhiên liệu bên ngoài.
- Mở mang các trục Nam-Bắc và Đông-Tây. Khai thác tối đa các tuyến đường ven biển.
 
- Xây dựng các phi trường, hải cảng có tầm vóc quốc tế với đầy đủ thiết bị cho các trục vận chuyển hàng hóa, nhiên liệu từ Ấn Độ Dương qua Tây Thái Bình Dương.
 
- Xây dựng các tuyến đường bay và tầu biển tới Hoàng Sa, Trường Sa.