Ai sẽ cứu Lục Vân Tiên?

Ngay khi tin tức cho hay ngày 15/8, Bộ Thông tin và Truyền Thông (Bộ TT-TT) ra quyết định thu hồi giấy phép làm báo và phạt tiền tờ báo điện tử Tri Thức Trẻ vì phát hành bài viết xúc phạm phụ nữ, tiếng vỗ tay đã vang lên khắp nơi, từ báo chí Nhà nước cho đến các trang mạng xã hội. Bộ TT-TT bất ngờ trở thành một Lục Vân Tiên giữa đời thường, thấy chuyện bất bình mà ra tay. Thế nhưng câu chuyện hào hiệp này cũng cần được mổ xẻ thêm một chút, cho rõ Lục Vân Tiên ấy, thế nào.

 

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra, là việc nghiêm khắc đóng cửa tờ báo này – nghe qua thì có vẻ rất kỷ cương, nhưng nếu nhìn sâu một chút, bạn có bao giờ tự hỏi vì một người viết bài, một tổng biên tập tạo nên sai lầm đó, tại sao lại bắt cả cơ quan phải nghỉ việc. Trong đó, chắc chắc rằng anh bảo vệ, chị kế toán, những phóng viên khác, biên tập khác… đã không gây nên lỗi lầm gì?

Thay vì làm hành động kỷ luật ban biên tập chính hay cách chức tổng biên tập, thì Bộ TT-TT lại hành động một cách hàm hồ là huỷ diệt cả một tờ báo. Huỷ diệt dễ dàng luôn cả một cơ quan báo chí, vô hình trung trở thành một kiểu phô diễn quyền lực của một Nhà nước độc tài truyền thông, và hy sinh cả những người không liên quan để tạo thế trình diễn sự mị dân. Loại trừng phạt kiểu vì một người bệnh, bắt cả đám đông chung quanh phải uống thuốc thay, là một kiểu làm xưa cũ và chỉ cho thấy sự lụn bại của cách thức kiểm soát truyền thông hiện nay.

Theo quy cách truyền thống của báo chí, người nào làm sai phải chịu trách nhiệm rõ trước người đọc. Tờ báo đó sẽ phải tiếp tục đăng tải thông tin về việc chịu trách nhiệm, đăng tải thư xin lỗi về sai lầm của mình. Giờ thì mọi thứ không khác gì cho chìm xuồng. Vai trò trách nhiệm phản hồi trước độc giả của một cơ quan báo chí độc lập cũng bị tước bỏ, không khác gì đứa trẻ trong gia đình bị phạt, cắt bữa bú chiều vì tội quấy.

Các tờ báo khác phải đăng tải hậu sự của tờ báo Tri Thức Trẻ, dù muốn dù không, cũng bị đặt dưới góc nhìn là bầy kên kên vui vẻ quanh cái chết của đồng nghiệp. Mà khốn nỗi, thật sự không ai biết các thủ phạm chính sẽ về đâu, hay nay mai lại được im lặng bổ nhiệm vào vị trí mới, cho một tờ báo mới?

Một câu hỏi khác, là nếu không tỉnh táo, cứ vỗ tay hoan hô “cái đúng” của Bộ TT-TT qua sự kiện này, sự vui mừng hời hợt này có phải là cú hích, giúp cho khuynh hướng xiết chặt tự do báo chí từ Nhà nước Việt Nam hay không?

Báo chí – cũng do Nhà nước dựng nên – theo một hành lang được xiết chặt đến nghẹt thở, và rồi kẻ xấu xuất hiện ngay trong hành lang ấy, lại được Bộ TT-TT đóng vai là một Lục Vân Tiên giải cứu. Khán giả vỗ tay cám ơn nhưng bị cảm giác đúng-sai đánh lừa một thực tế quan trọng: Báo chí và Bộ TT-TT trong xã hội Việt Nam có mối quan hệ sâu đậm như cha con.

Trong bối cảnh nhiễu nhương của xã hội Việt Nam lúc này, đặc biệt trước loạt đại hội Đảng bộ cấp cơ sở vào tháng 4/2015, hầu như các viên chức lãnh đạo, cơ quan nhà nước… đều đau đáu tìm cách giới thiệu thành tích, hành động như những “người tốt”. Việc hồ đồ hành động mang màu sắc Lục Vân Tiên của Bộ TT-TT, lại cho thấy thêm một cách hành xử hiện rõ vai trò độc tài kiểm soát báo chí, và cũng cho thấy cách hành xử của các vị lãnh đạo truyền thông trong chuyện này hoàn toàn không có chút thông minh nào.

Câu chuyện xúc phạm phụ nữ nhằm chỉ để câu view của báo Tri Thức Trẻ, chỉ là chuyện vặt của nền báo chí Việt Nam. Nó cho thấy thói quen được đặt ra lâu nay, từ trên xuống, trong giới báo chí, là miễn đừng nói chuyện chính trị, thì tào lao hay vô giáo dục cỡ nào cũng được phép. Việc vạch rõ lằn ranh này khiến cho chuyện kinh dị, chuyện khiêu dâm, chuyện thách thức đạo đức… xuất hiện ngày càng nhiều trong làng báo, nhưng chuyện viết về biển Đông hay chỉ trích Trung Quốc là các báo phải xếp hàng, ngồi chồm hổm chờ được bật đèn xanh.

 

Xét cho cùng, bài viết về phụ nữ của tờ Tri Thức Trẻ chỉ là cú sẩy chân tháng Bảy cô hồn, vì so với nhiều đồng nghiệp của mình lâu nay, thì bài viết ấy vẫn chưa là gì.

 

Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu là một người tự do và chân thành. Hai tư chất đó khó mà soi thấy được trong nền báo chí xã hội chủ nghĩa. Ai sẽ vén màn để nhìn thấy được Lục Vân Tiên đang được Bộ TT-TT đánh tráo, trình diễn trên một sân khấu tự biên tự diễn của mình? Rồi ai sẽ cứu linh hồn Lục Vân Tiên?

Nguồn: nhacsituankhanh.wordpress.com

*****

Báo điện tử Trí Thức Trẻ bị phạt nặng

Bài viết gây tai tiếng đã được rút khỏi trang báo
 

Báo điện tử Trí Thức Trẻ vừa nhận quyết định đình bản ba tháng và bị phạt 207 triệu đồng vì đăng bài nói về phụ nữ miền Tây "gây bức xúc cho dư luận".

Hôm 12/8, báo này đăng bài có tựa đề "Gái miền Tây và 3 chữ “N” nổi danh thiên hạ" của một tác giả ẩn danh.

Bài báo bình luận về các cô gái ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: "Về độ “ngon”, độ “ngoan” thì tôi dám quả quyết không gái miền nào địch được gái miền Tây. Nhưng còn về độ “ngu” thì phần lớn gái miền Tây cũng là những cô gái “ngu dốt” vô đối".

Khi đăng tải, bài này đã gây phản ứng khá gay gắt trong dư luận.

Chiều thứ Năm 14/8, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam Trương Minh Tuấn đã họp khẩn cấp với Thanh tra Bộ, Cục báo chí, và một số cơ quan khác để xem xét vụ này.

Ông Tuấn vừa ký quyết định số 1171/QĐ-BTTTT ngày 15/8 đình bản báo điện tử Trí Thức Trẻ ba tháng.

Sau thời gian đình chỉ tạm thời nói trên, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ xem xét để quyết định việc tiếp tục hoạt động của báo này.

Cùng ngày 15/8, Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông cũng quyết định phạt báo điện tử Trí Thức Trẻ 207 triệu đồng.

Đây là mức phạt cao nhất từ trước tới nay đối với một tờ báo.

 

Vi phạm nghiêm trọng

Kết luận của Bộ Thông tin-Truyền thông đánh giá rằng bài viết đã đăng trên tờ Trí Thức Trẻ là "điển hình của những trò giật gân, câu khách rẻ tiền trên một số tờ báo điện tử hiện nay".

"Ngoài việc vi phạm pháp luật nghiệm trọng, thông tin trên báo điện tử Trí Thức Trẻ còn ảnh hưởng đến xã hội, gây bức xúc cho dư luận."

Tác giả bài báo, viết từ góc độ một người miền Bắc từng yêu một cô gái miền Tây, đã tỏ thái độ khinh miệt phụ nữ vùng này.

"Dù không là người miền Tây, nhưng đã từng tiếp xúc, đã từng yêu gái miền Tây, tôi tiếc và khá thất vọng về họ."

Quyết định đình bản đã được áp dụng cho một vài tờ báo ở trong nước trước đây.

Năm 2009, báo Du lịch cũng bị đình bản trong ba tháng vì 'sai phạm nghiêm trọng' trong số Tết Kỷ Sửu 2009, khi đăng bài nói về quan hệ Việt-Trung.

Báo điện tử Trí Thức Trẻ thuộc Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam và do Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam (VC Corporation) vận hành, khai thác.

VC Corporation hiện có hơn 20 sản phẩm trong lĩnh vực Truyền thông, Thương mại điện tử và Mạng xã hội. Công ty nhận đầu tư nhiều triệu đôla của Quỹ Intel Capital năm 2012.

Trước đó, năm 2007, VC Corporation nhận đầu tư start-up của quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam, công ty gắn liền với tên tuổi ông Henry Nguyễn Bảo Hoàng, con rể Thủ tướng Việt Nam.

Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese