BÁO CHÍ CÔNG KHAI THÁCH THỨC HÀ NỘI

Ngày 3/7/2014 tại dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, các nhà báo và nhân sĩ trí thức khao khát tự do, họp thảo luận về tình hình đất nước trước cảnh ngoại xâm mà nhà nước luôn luôn bưng bít thông tin, buộc báo chí phải hoạt động trong khuôn khổ được chỉ thị gọi là “lề phải”. Kết quả những nhà báo tham dự cuộc họp tuyên bố thành lập “Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam” và ra mắt dư luận ngày 4/7/2014 với chủ trương: “Phải làm thế nào để các nhà báo được cất tiếng nói theo đúng nghĩa của hai chữ Tự Do”. Và “làm thế nào để báo chí được sinh hoạt đúng thiên chức của mình là góp phần xây dựng một xã hội công bằng, một đất nước thật sự độc lập tự chủ, không cúi đầu run sợ trước hiểm họa ngoại xâm”.

Lời tuyên bố và chủ trương của Hội Nhà Báo rõ ràng là một thách thức đối với chế độ độc tài Hà Nội, họ đã từng cúi đầu run sợ trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Dĩ nhiên có người cho rằng sự thách thức của một số ít người không bạo động, không vũ khí trong tay, so với cả một guồng máy công an, cảnh sát, quân đội sẵn sàng đàn áp để bảo vệ cường quyền thì có nghĩa lý gì? Người ta còn nói có bao nhiêu bloggers đã từng làm công tác phản biện, chỉ trích, đối kháng mà cũng bị bắt bớ giam cầm không đi tới đâu! Có người còn hỏi đã có bao nhiêu Tướng Tá, đảng viên cao cấp, kể cả công thần, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp khuyến cáo không nên giao Cao Nguyên cho Tàu Cộng mà lời nói, thư từ của ông cũng bằng “chó sủa lỗ không”. Vậy thì sá gì một nhóm ký giả chỉ dùng ngòi bút, làm sao châm chích được bạo quyền?

Đông tây vẫn thường ví “một cây bút bằng một sư đoàn”. Sự so sánh nầy thật ra không quá đáng bởi vì một bài viết đúng sự thật, hợp hoàn cảnh, thuận lòng người sẽ ảnh hưởng hàng vạn người, sẽ đánh thức hàng vạn con tim, sẽ tạo dựng một phong trào đối kháng, sẽ thúc giục con người hy sinh vì chính nghĩa. Huống chi đây là cả chục, cả trăm, và biết đâu sẽ có cả ngàn ngòi bút chỉnh sửa xã hội, thậm chí có thể thay đổi chế dộ.

Hãy đọc lại bài báo “J’accuse” (Tôi tố cáo) của ký giả Emile Zola, buộc nước Pháp phải xét lại vấn đề phản quốc của Đại Úy Dreyfus.Hãy xem lại quyển “Contrat Social” (Hợp đồng xã hội) của Jean-Jacques Rousseau để hiểu rằng muốn thay đổi xã hội cần phải có những ngòi bút như vậy.Hãy đọc lại “Les Misérable” (Những kẻ khốn cùng) của Victor Hugo để dọn đường cho sự công bằng xã hội. Cho nên đốm lửa của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam có thể đốt cháy đống “bổi” bất công, tham nhũng, cửa quyền, cướp đất, đàn áp tôn giáo, bán nước cho Tàu, v.v.

Ban lãnh đạo của hội nhà báo nầy gồm 5 vị, trong số đó hai người được dư luận chú ý là:

Chủ tịch Phạm Chí Dũng, một hoàng tử đảng, con trai ông Phạm Văn Hùng, cựu Trưởng Ban Tổ Chức Thành Ủy Sài Gòn. Dũng tốt nghiệp Học Viện Kỹ Thuật Quân Sự, tiến sĩ kinh tế, cán bộ ban an ninh nội chính, thân cận với Trương Tấn Sang khi ông nầy còn là Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn. Dũng từng là nhà văn nhà báo, thường viết bài chỉ trích các lãnh đạo đảng. Do đó, Dũng bị bắt ngày 17/7/2012 vì tội có hành vi cấu kết với tổ chức phản động lưu vong ở Mỹ, phá hoại nội bộ đảng nhằm lật đổ chính quyền. Dũng gởi tâm thư từ bỏ đảng ngày 5/12/2013 vì lý do: “Tất cả những gì mà đảng cộng sản thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện trong ít nhứt một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tinh thần”. Và ông kết luận: “Một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi”.

Phó chủ tịch thường trực là một tu sĩ Công Giáo thuộc dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, người điều hành Ban Truyền Thông của nhà dòng từ năm 2009. Ông được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vinh danh hồi tháng 4/2014.Ông muốn “làm sao cho nhiều người biết sử dụng các mạng xã hội để truyền tin cho nhau vì bây giờ có quá nhiều oan sai, quá nhiều bất công ở khắp mọi nơi”.

Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng trong chế độ độc tài độc đảng, báo chí bị đảng kiểm soát hoàn toàn, mà có một Hội Nhà Báo Độc Lập chủ trương gần như một đảng đối lập thật là đáng hoan nghênh kính nể.

Việc gì sẽ xẩy ra?Nhà cầm quyền sẽ phản ứng như thế nào?Họ lo ngại?Họ chấp nhận? Họ thẳng tay đàn áp bắt bớ tù đày? Hay là họ sẽ bị dư luận lên án và toàn dân nổi dậy lật đổ chế độ?

Báo chí Độc Lập có thể tạo nên một phong trào đòi hỏi phải có tự do dân chủ và công bằng xã hội. Xu thế của thời đại chắc chắn sẽ dẫn tới kết quả nói trên. Bởi vì trong lúc lòng dân phẫn nộ vì đảng viên tham nhũng, cướp đất của dân, hèn với giặc, ác với dân, mà có những tiếng nói độc lập, vạch trần những sai trái của nhà cầm quyền, điều đó sẽ tác động tinh thần đấu tranh của quần chúng, đòi quyền tự do sinh sống của con người. Điều đó cũng sẽ khuyến khích, đôn đốc toàn dân đoàn kết chống giặc ngoại xâm.

Trong hoàn cảnh hiện tại, những ngòi bút của Hội Nhà Báo Độc Lập sẽ có ảnh hưởng và tác động trên quần chúng mạnh hơn những tổ chức đối lập âm thầm, rình rập, rỉ tai, vạch trần sai trái của chính quyền, trong khi Hội Nhà Báo là cả trăm, hay cả ngàn ống loa, cả ngàn khối óc, phóng ra những tư tưởng khác biệt với sự nhồi nhét gian xảo, bất chính của đảng cộng sản cầm quyền, Cho nên hiệu quả có thể đoán được là không sớm thì muộn cũng dẫn đến tự do dân chủ, công bằng xã hội và đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm.

Khởi đầu đã có 42 nhà báo khắp nơi xin gia nhập, và sẽ còn bao nhiêu người khác xin gia nhập trong tương lai?Ông Phạm Chí Dũng tuyên bố Hội vẫn mở rộng cho cả các “nhà báo quốc doanh” muốn hồi tâm chuyển ý.

Theo bản tuyên bố ngày ra mắt thì Linh Mục Lê Ngọc Thanh cùng với nhà báo Ngô Nhật Đăng phụ trách hai trang báo của Hội trên Internet là Việt Nam Thời Báo và Việt Nam Times. Dĩ nhiên chính quyền sẽ không bao giờ cho phép ra báo giấy, đài phát thanh.Nhưng thời đại ngày nay với kỹ thuật của Internet, Facebook, Twitter là những phương tiện truyền đến người dân những gì họ muốn biết.Đành rằng không phải thường dân nào cũng có thể sử dụng những phương tiên nói trên.Nhưng Linh Mục Lê Ngọc Thanh đã trả lời phỏng vấn rằng ông từng huấn luyện cho nhiều thanh thiếu niên biết sử dụng các mạng xã hội để truyền tin cho nhau, và ông buồn vì nhiều học trò của ông bị bắt cầm tù.

Phương tiện truyền thông không chỉ có báo giấy chính thức, truyền thanh, truyền hình công khai, mà còn báo chui, báo nói, một loại truyền khẩu còn nguy hiểm hơn vì nó thêm mắm dậm muối cho đậm đà hấp dẫn. Ngày xưa dưới thời Việt Nam Cộng Hòa có vấn đề “thiên hạ đồn rằng” trong dân gian, vô tình nó làm thay đổi nội các liên miên sau năm 1961. Báo miệng truyền khẩu cũng là một phương tiện giúp những người không sử dụng được các mạng xã hội.

Nếu phải đánh cưộc Hội Nhà Báo Độc Lập sẽ tác động được quần chúng không?Sẽ gây được sự chú ý của dư luận nước ngoài không?Tôi tin họ sẽ đạt mục đích.Và tôi hy vọng sẽ không thua cuộc trong cuộc thách đố nầy.

VLT.

Nguồn: Việt Nam Thời Báo