Con đường dân chủ chông gai của Miến Điện

 
Lý Thái Hùng
 
Tin quân đội Miến Điện đảo chánh, bắt giữ Tổng Thống Win Myint và Cố Vấn Tối Cao Aung San Suu Kyi thuộc đảng cầm quyền Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ Miến Điện (National League for Democracy – NLD) vào rạng sáng ngày 1 tháng Hai, 2021 đã không chỉ gây chấn động toàn cầu, mà còn đưa đến sự lo ngại rằng nền dân chủ vừa mới khởi động trong 5 năm qua trên đất nước Phật Giáo này đang chết lâm sàng.
 
Lấy lý cớ có gian lận trong cuộc bầu cử Quốc Hội hôm mồng 8 tháng Mười Một, 2020 với kết quả là đảng NLD chiếm 80% phiếu bầu trong khi đảng thân phe quân phiệt là đảng Đoàn Kết và Phát Triển Miến Điện (Union Solidarity and Development Party – USDP) chỉ chiếm được 33 ghế/498 ghế, Thống Tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội, đã thực hiện cuộc đảo chánh với tuyên bố rằng “để bảo vệ và tuân thủ Hiến Pháp.”
 
Hiến pháp ở đây là Hiến Pháp do phe quân phiệt soạn thảo và thông qua vào năm 2008, với nội dung dành cho quân đội rất nhiều sự chi phối: Các bộ quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia gồm Bộ Quốc Phòng, Bộ Nội Vụ, Bộ Biên Phòng do quân đội bổ nhiệm chứ không do tổng thống; và quân đội được quyền bổ nhiệm 25% ghế đại biểu Quốc Hội (166 trong số 664 ghế của cả hai viện) mà không cần thông qua bầu cử. Chính quy định này đã trói tay Quốc Hội không thể nào đạt số phiếu 2/3 để tu sửa những điều then chốt trong Hiến Pháp, nếu phe quân đội không đồng ý.
 
Chính vì những rào cản của Hiến Pháp mà những cải cách chính trị dân chủ tại Miến Điện đã diễn ra rất chậm và đầy bất trắc. Mặc dù Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử 2015 và chính thức thành lập chính quyền dân sự, nhưng ở thời điểm này tình hình chính trị Miến Điện đã xuất hiện “nhà nước trong nhà nước,” với một bên là chính quyền dân cử của đảng NLD, bên còn lại là phe quân đội.
 
Với uy tín quốc tế trong hơn 25 năm (1990 – 2015) tranh đấu cho nền dân chủ Miến Điện, bà Suu Kyi khi trở thành Cố Vấn Tối Cao Chính Phủ kiêm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao đã từng bước xây dựng một thế đứng mới cho Miến Điện trong cộng đồng quốc tế, và nhờ vậy mà chính phủ của Bà đã thu hút khá nhiều đầu tư và hỗ trợ quốc tế để cải tổ nền kinh tế.
 
Nói chung, trong năm năm vừa qua (2015 – 2020), chính quyền NLD đã có những cải cách sâu rộng về hành chánh, giáo dục, công ăn việc làm và đưa nền kinh tế từ chỗ lạc hậu, bị các quốc gia Tây phương cấm vận trở thành nền kinh tế năng động. GDP hiện đứng hàng thứ bảy trong khối ASEAN.
 
Nhưng chính phủ của bà Aung San Suu Kyi gần như không có tiếng nói hay ảnh hưởng nào đến các tướng lãnh trong phe quân đội. Điều trớ trêu là chính bà San Suu Kyi lại phải đứng ra bênh vực cho phe quân đội về tội diệt chủng tại Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ) ở La Haye, Hòa Lan, vào tháng Mười Hai, 2019 vì bị chính quyền Gambia đệ đơn kiện quân đội Miến Điện đã có hành vi diệt chủng khi sát hại người Rohingya tại bang Rakhine.
 
Tại Tòa Án La Haye, bà Suu Kyi bác bỏ mọi cáo buộc diệt chủng chống lại người Rohingya, nhưng cũng chính phiên tòa này đã làm cho uy tín của bà bị soi mòn vì bao che cho những tội ác của phe quân đội đối với cộng đồng người Hồi Giáo Rohingya.
 
Bên cạnh đó, bà Aung San Suu Kyi và chính quyền dân sự của đảng NLD còn phải chịu hai áp lực cùng một lúc, đó là từ phe quân đội và từ phía Trung Quốc. Cũng giống như Việt Nam, nền kinh tế của Miến Điện lệ thuộc rất nhiều vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nên chính quyền dân sự còn non trẻ của Miến Điện phải “hợp tác” với Bắc Kinh khi bị những đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây sau biến cố Rohingya. Trong khi đó, phe quân đội luôn luôn đe dọa quyền phủ quyết các dự án cải tổ mà chính quyền dân sự đệ nạp để thông qua tại Quốc Hội.
 
Sự căng thẳng giữa quân đội và chính quyền NLD đã lên tột đỉnh sau kết quả của cuộc bầu cử Quốc Hội vào ngày 8 tháng Mười Một, 2020 khi đảng Đoàn Kết và Phát Triển Miến Điện (USDP) do quân đội hậu thuẫn chỉ chiếm có 33 ghế – thấp hơn cả số ghế mà họ đạt được trong cuộc bầu cử cách đó 5 năm.
 
Chiến thắng áp đảo của NLD còn nói lên 3 điều:
 
1/ Sự tín nhiệm rất cao của dân chúng đối với bà Aung San Suu Kyi, và tiến trình cải cách dân chủ mà đảng NLD đang tiến hành được người dân ủng hộ;
2/ Không những uy tín của đảng USDP do quân đội hậu thuẫn đang tàn lụi, mà ảnh hưởng của quân đội trong đời sống chính trị của người dân Miến cũng đang bị đào thải;
3/ Tham vọng trở thành tổng thống của Thống Tướng Min Aung Hlaing đã hoàn toàn sụp đổ khi đảng USDP thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Bởi 3 ngày trước khi bầu cử, vào ngày 5 tháng Mười Một, Thống Tướng Min Aung Hlaing được quân đội Miến, hay còn gọi là lực lượng vũ trang (Tatamadaw), tuyên xưng với hàm Phó Tổng Thống Liên Bang.
 
Do đó, việc Tướng Min Aung Hlaing dùng lý cớ bầu cử gian lận để thực hiện cuộc đảo chánh chỉ để che đậy tham vọng muốn giành quyền lực từ bà Aung San Suu Kyi. Một cuộc cướp chính quyền trắng trợn như vậy chắc chắn Tướng Hlaing đã “tham khảo” với Bắc Kinh nhân chuyến viếng thăm Miến Điện của Ngoại Trưởng Vương Nghị hôm 12 tháng Giêng, 2021, hai tuần lễ trước khi xảy ra cuộc đảo chánh.
 
Chính vì vậy mà ngay sau khi xảy ra cuộc đảo chánh hôm mồng 1 tháng Hai, Bắc Kinh gọi cuộc chính biến ở Miến Điện là “một cuộc cải tổ nội các” thay vì gọi là “đảo chánh” như chính quyền các quốc gia Phương Tây đã lên tiếng chỉ trích.
Ngoài ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm mồng 2 tháng Hai đã bao che cho phe quân đội Miến khi phát biểu rằng: “Bất kỳ hành động nào của cộng đồng quốc tế đều phải đóng góp cho sự ổn định xã hội và chính trị ở Myanmar, thay vì làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình.”
 
Rõ ràng là cuộc đảo chánh của phe quân đội tại Miến Điện có sự “thông đồng” với Bắc Kinh. Chính vì thế mà hiện nay, các quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc Châu và Liên Âu đều lên tiếng yêu cầu phe quân đội “ngay tức khắc từ bỏ quyền lực mà họ vừa chiếm giữ;” nhưng chưa quốc gia nào đưa ra biện pháp trừng phạt mạnh mẽ vì không muốn đẩy Tướng Hliang lún sâu vào vòng tay của Bắc Kinh.
 
Mặc dù Tướng Hlaing tuyên bố là sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới và trao quyền lại cho đảng nào thắng cử sau một năm đặt Miến Điện trong tình trạng khẩn cấp, nhưng với kinh nghiệm của những cuộc chính biến trong quá khứ, phe quân đội sẽ chỉ tổ chức bầu cử mới khi mà họ cảm thấy rằng đảng UNDP của họ có khả năng chiếm đa số phiếu so với NLD.
 
Với sự lan tỏa rộng rãi của Mạng Xã Hội ngày nay và sự phát triển đa dạng của hàng ngàn đoàn thể xã hội dân sự trong những năm vừa qua dưới chính quyền dân sự NLD, người ta dự kiến là dù phe quân đội có tổ chức và kiểm soát cuộc bầu cử mới trong tương lai, thì Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ NLD và bà Suu Kyi cũng sẽ tiếp tục dành thắng lợi như 10 năm trước đây, trừ phi phe quân đội tráo phiếu.
 
Với viễn cảnh này, tình hình chính trị tại Miến Điện chắc chắn sẽ quay trở lại vào những năm 2000 với các cuộc biểu tình bất tuân dân sự bùng nổ khắp đường phố để chống lại phe quân phiệt, và lực lượng dân chủ Miến sẽ giành lại chính quyền dân sự đã bị đánh cắp.
Lý Thái Hùng - viettan.org