Dưới góc nhìn đạo đức "của kẻ trôm cắp"!

Người phụ nữ có “khuôn mặt khả ái” trong tấm ảnh  là “Tiến sĩ” Hoàng Xuân Phương, “nguyên” Trưởng bộ môn truyền thông ứng dụng, khoa báo chí và truyền thông Trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại Học Quốc gia TP.HCM), đồng thời là “nguyên” Phó khoa quan hệ công chúng - truyền thông Trường Đại Học Dân Lập Văn Lang.

Việc có thêm chữ “nguyên” trước những chức danh “rất ngầu” như trên, là bởi vì nghe nói hiện nay “nữ tiến sĩ” này đã tạm nghỉ việc ở cả hai nơi(?) sau một scandal về việc cô này đã “đạo sách” của những tác giả là người nước ngoài và bị chính tác giả tố cáo.

Theo thông tin từ báo TTO, Giáo sư Jim Macnamara của Úc đã gửi email đến Trường Đại Học KHXH & NV để tố cáo “nữ tiến sĩ” có gương mặt khả ái này đã chôm 85 % nội dung bài viết mà ông đã công bố trên tạp chí quốc tế uy tín Journalism & Mass Communication Quarterly:

“Đó là bài viết "Mối quan hệ giữa chuyên viên PR và nhà báo: dưới góc nhìn đạo đức truyền thông" của tác giả Hoàng Xuân Phương - Vũ Mộng Lân đăng trong cuốn sách "Báo chí và truyền thông - những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại" do TS Đỗ Văn Biên - quyền giám đốc Nhà xuất bản ĐH Quốc Gia TP.HCM chịu trách nhiệm xuất bản và nội dung; khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức bản thảo và chịu trách nhiệm tác quyền.”

Thật là trơ trẽn và cực kỳ lố bịch khi ‘kẻ trộm cắp’ lại mạnh miệng rao giảng “dưới góc nhìn đạo đức”(?)

Những năm gần đây, tình trạng “đạo văn”, hay nói cách khác là ‘trộm cắp tri thức’, ngày càng phổ biến trong “giới tinh hoa” tại Việt Nam. Nhiều vụ việc “đạo văn” công khai và đình đám gây ồn ào dư luận, như vụ ông Nguyễn Đức Tồn ở Viện ngôn ngữ hay “nghi án” ông Cường bí thư tỉnh ủy Đaklak, đã không được truy vấn và xử lý đến nơi đến chốn.

Có lẽ chính điều này đã tạo ra những tiền lệ và là động cơ để những kẻ vô liêm sỉ tiếp tục thực hiện việc ‘đạo văn’, mà đặc biệt là ‘đánh cắp học thuật’ một cách trắng trợn, bôi nhọ hình ảnh quốc gia dưới mắt của các học giả nước ngoài, như trường hợp của nữ tiến sĩ Hoàng Xuân Phương và Vũ Mộng Lân?

Cho dù “nữ tiến sĩ khả ái” này đã bào chữa một cách thiếu thuyết phục, rằng mình đã “bất cẩn” khi đứng tên đồng tác giả với Vũ Mộng Lân mà không hề kiểm tra một cách kỹ càng(?) thì cũng không thể che đậy được hành vi ‘ăn cắp’ đã quá rõ ràng.
Bởi lẽ, không chỉ có bài viết nói trên bị chính tác giả là Giáo sư Jim Macnamara người Úc tố cáo, mà cuốn sách ‘PR từ chưa biết tới chuyên gia’ của tác giả Hoàng Xuân Phương, dùng làm giáo trình cho sinh viên, cũng bị tố đạo văn từ sách nước ngoài bản gốc của giáo sư Larry Litwin(!)

Cũng chính “nữ tiến sĩ” này, sau những bao biện để chối bỏ lỗi lầm, đã thú nhận rằng “đây là vết nhơ trong sự nghiệp của tôi”!
Nhưng, theo tôi nghĩ, đây không chỉ là “vết nhơ” trong sự nghiệp cá nhân của cô ta, mà còn là ‘vết nhơ’ của nền học thuật trong nước hiện nay?

Vì vậy, đã đến lúc cần phải có ‘những biện pháp chế tài nghiêm khắc’ đối với hành vi “đạo văn”, ăn cắp học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy, đặc biệt là ở bậc đại học và sau đại học. Thậm chí, ngoài những cách “xử lý” thông thường như cách chức, buộc thôi việc... còn cần phải truy tố, bỏ tù vì tội bôi nhọ dân tộc và làm nhục quốc thể!

https://tuoitre.vn/thu-hoi-sach-ve-bao-chi-va-truyen...