Hồng quân – Những con thú dữ được tháo xích xiềng

 
Nhìn lại lịch sử Tháng Tư tang tóc ở châu Âu  
 
Càng tiến về hướng Tây, Hồng quân Liên Xô càng đánh mất đi ý nghĩa tốt đẹp là một đoàn quân giải phóng. Người dân Ukraine phía Tây và các nước Baltic vốn quá rõ bản chất Liên Xô khi Kremlin từng thôn tính quê hương họ từ năm 1939 và do vậy hiểu rằng họ sẽ lại phải gánh chịu một sự thống trị về chính trị lẫn kinh tế. Người Ba Lan không quên rằng cũng vào năm 1939 họ từng bị quân Xô Viết tấn công, vào thời gian mà Liên Xô và phát xít Đức còn là “đồng minh”, thể hiện qua hiệp ước cam kết không gây hấn tấn công nhau Molotov - Ribentrop…
 
Như con thú dữ được tháo xiềng
 
Biến từ những kẻ “giải phóng” thành những người phạm tội ác, đoàn quân Liên Xô trở nên tham lam, lao vào nhặt nhạnh, hôi của và cướp bóc. Họ chỉ còn là những “con thú săn mồi bị thúc giục bởi sự bần cùng”, như nhà văn Sandor Marai viết trong cuốn Hồi ký Hungari (NXB Albin Michel, năm 2004):
 
“Càng chung đụng với họ, quan sát cách sống, sở thích, cách nói chuyện và phản ứng tự vệ của họ, dần dần tôi hiểu ra đâu là nguyên nhân của sự suy sụp nhân cách. Sau hàng chục năm bị tẩy não, bị nhồi sọ, bị bóc lột, bị cưỡng bức lao động tập thể, phải chịu cảnh thiếu thốn đủ mọi thứ, họ đã trở thành những kẻ ích kỷ, nhỏ nhoi, chăm chăm gom nhặt và giữ kỹ từ những thứ tưởng nhỏ nhặt nhất nhưng với họ lại là món quà quý để mang về nhà. Một đôi giày cũ, món đồ chơi, con búp bê, cái hàn thử biểu bị mẻ…, tất tất miễn sao là món đồ vật thực thụ mà họ thực sự là chủ sở hữu chứ không phải những thứ tưởng tượng từ lời tuyên truyền mị dân ráo hoảnh. Sự nghèo khốn thiếu thốn biến họ thành kẻ tham lam, trấn lột chứ không phải chỉ là sự căm ghét muốn trả thù lính Đức và người Đức. Trông họ đáng thương như những con chó ốm đói tranh nhau khúc xương”.
 
“Tồi tệ hơn nữa, họ bị kích động để trở thành công cụ tàn sát bất cứ ai không là đồng đội của họ. Chính quyền Moscow hô hào các binh sĩ trên đường hành quân giải phóng các nước khỏi phát xít Đức rằng, “Đừng đếm bao ngày tháng đã qua, đừng đếm bao nhiêu cây số đã vượt mà chỉ cần đếm số tên Đức mà các bạn đã giết”, một phóng viên chiến trường viết trong một bài báo được đọc trên radio và đăng tải bởi đủ báo địa phương vào Tháng Hai 1945. “Hãy giết bọn Đức, đây là lời khẩn cầu của mẹ bạn. Hãy giết bọn Đức, đây là tiếng thét từ miền đất quê hương của bạn”.
 
Đa số là lính mới chứ không phải là những sư đoàn từng chiếm đóng Ba Lan trong cuộc xâm lược năm 1939, họ bị các chính trị viên bơm vào đầu những khích lệ, ca ngợi và cuối cùng lính Xô Viết tin mình là những chiến sĩ giải phóng thực sự. Cho nên, trước thái độ thiếu thiện cảm của người dân các nước mà họ cho rằng đến giải phóng, lính Liên Xô lại có thêm lý do để tin rằng những hy sinh của mình bị “người ngoại quốc” xem thường. Và họ trả thù.
 
Như con thú dữ được tháo xích xiềng, lính Liên Xô mặc sức làm bậy, từ hôi của đến hãm hiếp và sát hại. Những hành động bạo lực kinh khủng của đoàn quân đến từ phương Đông, rất hung dữ và hầu như bất khả chiến bại khiến đàn ông ở các nước “được” giải phóng hoàn toàn bị khuất phục. Họ chẳng thể chống chọi lại. Họ cảm thấy mình quá bất lực và đành cúi đầu im lặng trong tủi nhục, uất ức. Sự im lặng cứ thế kéo dài năm này qua năm nọ ở Đức, Hungari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumani… Nó cộng thêm vào nỗi lo sợ trước sự tàn bạo và nhẫn tâm của Liên Xô. Nếu không thế thì toàn khu vực Đông Âu đã chẳng bị thống trị và phải theo Liên Xô mãi cho đến đầu thập niên 1990, đến khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 (và hai năm sau Liên Xô tan rã).
 
HỐT TRỌN TỪNG VIÊN GẠCH, BÙ LOONG
 
Ngoài những hành động xuất phát từ cá nhân, tập thể nhỏ, sự vơ vét như một hình thức trả thù còn được chính quyền Liên Xô lên kế hoạch từ năm 1943, được chính Stalin bật đèn xanh. Quốc gia bị hại nhiều nhất là Đức. Những nước ủng hộ Hitler cũng bị trừng phạt. Hàng loạt nhà máy, cơ xưởng công nghiệp Đức trở thành điểm tập kết của đoàn quân Nga. Họ đến tháo dỡ từ trên xuống dưới, tháo đi từ cây đinh vít, bù-loong…, chất lên xe lửa chở về Liên Xô, dù nhiều máy móc và trang thiết bị chẳng thể có hữu ích nào cho kinh tế Liên Xô vì không có kỹ sư, công nhân biết sử dụng, bảo trì và sửa chữa. Kremlin gọi những hành động ấy là “đền bồi thiệt hại chiến tranh”.
 
Theo kế hoạch, 3/4 trang thiết bị công nghiệp Đức sẽ được chở về Liên Xô. Stalin nói rằng Đức phải trả cho Liên Xô $10 - 12.8 tỷ đền bù thiệt hại. Thủ tướng Churchill phản đối nhưng cuối cùng vấn đề không được giải quyết vì thực tế là các nước Anh, Mỹ không thể làm gì để ngăn cản Hồng quân Liên Xô thực hiện “chiến dịch vơ vét để trả thù”. Tháng Ba 1945, một ủy ban do Kremlin dựng ra bắt đầu lập xong danh sách tài sản Đức bị tháo dỡ. Hè năm ấy, ủy ban báo cáo đã chọn được 70.000 “chuyên gia” Liên Xô thuộc nhiều lãnh vực để thực hiện chiến dịch ăn cướp công khai.
 
Cứ thế, máy móc còn tốt hay hư đều được tháo mang đi, cùng với vật phẩm nghệ thuật giá trị bị khuân ra khỏi nhà của những gia đình giàu có. Lính Liên Xô cũng mang đi những bộ sưu tập tư liệu, sách báo lịch sử cổ xưa lẫn hiện đại dù chẳng biết để làm gì. Chúng chỉ biết vơ vét, chất đống và chở đi. Những người Đức tình cờ đi ngang thậm chí bị chặn lại và buộc phải phụ chúng! Oái oăm là một số công ty Đức không chỉ bị tịch thu sạch mọi máy móc mà còn phải thanh toán chi phí vận chuyển. Những công ty trong lãnh vực thực phẩm, đồ gia dụng, nội thất… bị buộc phải bán sản phẩm với giá rất rẻ cho quân đội và doanh nghiệp Liên Xô. Chuyện tưởng đùa mà có thật: Tháng Mười 1945, quân Liên Xô đến Sở thú Leipzig tịch thu tất cả thức ăn nuôi thú; vài tuần sau, chúng trở lại, chở đi luôn các con thú!
 
Theo số liệu mà ông Norman Naimark thu thập được từ tài liệu lưu trữ ở Bộ Ngoại giao Liên Xô, trong tám tháng đầu năm 1945, quân Liên Xô đã tháo dỡ và chở đi 1.280.000 tấn “vật liệu” và 3.600.000 tấn trang thiết bị từ các nhà máy trên lãnh thổ phía Đông Đức. Trong 17.024 nhà máy lớn và trung ở vùng này bị ủy ban Liên Xô lập danh sách thì có trên 4.500 nhà máy bị tháo dỡ trống hốc; khoảng 50 - 60 nhà máy rất lớn vẫn được giữ nguyên nhưng trở thành tài sản của những doanh nghiệp Xô Viết. Từ 1945 đến 1947, nền công nghiệp miền Đông nước Đức bị tiêu mất từ 1/3 đến một nửa khả năng sản xuất. Các nhà máy sản xuất ống thép, sơn công nghiệp, các loại ống kính dùng trong nhiếp ảnh, y khoa… không chỉ bị mất máy móc mà kỹ sư, công nhân cũng bị bắt và đưa lên xe lửa chở về Liên Xô.
 
Nhà máy nhỏ, nhà máy to còn bị lấy, huống chi biệt thự, lâu đài, nhà nghỉ mát ven hồ, căn hộ ở thành phố. Tất cả đều trở thành tài sản của đám tướng tá Hồng quân và đảng viên cao cấp trong các chính quyền địa phương. Hầu như không người Đức nào còn xe hơi riêng. Thống tướng Georgy Zhukov, Tổng chỉ huy Mặt trận Bielorusse số 1, cũng tích cóp cho nhiều căn hộ lớn của mình ở Moscow bằng những thứ vét về từ Berlin.
 
HỒNG QUÂN LIÊN XÔ VÀ HAI TRIỆU VỤ CƯỠNG DÂM
 
- Hai nữ sử gia người Đức Barbara Johr và Helke Sander cho biết có hai triệu vụ cưỡng dâm trên khắp lãnh thổ Đức gây ra bởi Hồng quân Liên Xô.
 
- Trong cuốn Sex and Russian Society (NXB Bloomington, Indiana University Press, 1993), nhà phân tâm học người Nga Igor Kon nói rằng, các vụ lính Liên Xô cưỡng hiếp phụ nữ là “hội chứng tình dục trại lính”, tức những thanh niên trẻ trong quân đội Liên Xô bị dạy dỗ phải yêu quý đảng cộng sản và đồng chí lãnh đạo tối cao Stalin trong khi bị kìm hãm nhục dục suốt thời gian dài. Sau khi vượt biên giới, bọn lính trẻ này – sau bao năm trời không hề dám tán tỉnh cô gái nào – nhanh chóng trở thành những kẻ tấn công phụ nữ Đức, Ba Lan, Ukraine, Bielorussia. Hầu hết chúng đều say rượu khi tấn công phụ nữ.
 
- Giáo sư Anthony Beevor, trường Birbeck College, London kể rằng, riêng tại Berlin, trong những tuần sau ngày 2 Tháng Năm 1945, chỉ tính sổ sách lưu giữ tại các bệnh viện thì đã có từ 80.000 đến 100.000 phụ nữ bị lính Liên Xô cưỡng hiếp.
 
- Và theo sử gia Mỹ Normaan M. Naimark viết trong cuốn The Russians in Germany: A History of the Soviet Zone of Occupation, 1945 - 1949 (NXB Belknap Press of Harvard University Press, 1995), các vụ hiếp dâm phụ nữ kéo dài suốt nhiều tháng trong các vùng do quân Liên Xô chiếm đóng, tuy mức độ thấp hơn so với những tuần đầu ngay sau ngày Berlin đầu hàng. Tại thủ đô Đức, có bức tượng người lính vô danh mặc quân phục Hồng quân ôm đứa bé trong tay được phụ nữ địa phương gọi là “Tượng tên lính hiếp dâm vô danh”.
 
P. Nguyễn Dũng