Lào: Nạn nhân mới nhất rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc

Vay nợ đầm đìa của Trung Quốc để xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có một tuyến đường sắt cao tốc thiết yếu cho mạng lưới Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc, Lào sắp phải nhượng phần lớn quyền kiểm soát hệ thống điện quốc gia của mình cho Bắc Kinh để trả nợ đã đến ngày đáo hạn.

Trong bài phân tích đăng trên báo mạng Asia Times tại Hồng Kông ngày 14/09/2020, chuyên gia kỳ cựu về Đông Nam Á Bertil Lintner đã không ngần ngại cho rằng Lào là nạn nhân mới nhất của bẫy nợ Trung Quốc.

Theo những thông tin gần đây nhất, dự trữ ngoại hối của Lào đã rơi xuống mức dưới 1 tỷ đô la, thấp hơn tổng số các khoản nợ phải chi trả hàng năm, đẩy nước này vào tình trạng sắp bị vỡ nợ. Theo thông tin báo chí, bộ Tài Chính Lào đã yêu cầu chủ nợ số một là Trung Quốc cấu trúc lại các khoản nợ để tránh bị phá sản.

Tháng 8 vừa qua, hãng thẩm định tài chính Mỹ Moody’s đã hạ điểm tín nhiệm của Lào xuống đến mức rủi ro cực cao, từ B3 xuống Caa2, đồng thời hạ thấp đánh giá về Lào xuống mức “tiêu cực” do “căng thẳng thanh khoản nghiêm trọng”.

Lào đã vay mượn rất nhiều để đầu tư vào việc xây dựng các con đập thủy điện trên sông Mêkông và vào một tuyến đường xe lửa cao tốc trị giá 6 tỷ đô la, một trục chính trong Con Đường Tơ Lụa Mới, nhằm nối liền Vân Nam, tỉnh phía nam Trung Quốc, với các quốc gia Đông Nam Á trên lục địa.

Khoản 60% chi phí cho tuyến đường này là tiền vay mượn từ Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc. Số tiền còn lại là do một công ty Nhà nước Lào liên doanh với 3 công ty Nhà nước Trung Quốc đảm trách, với công ty Lào chỉ nắm 30% phần hùn.

Để chi cho dự án này, chính phủ Lào đã bỏ ra 250 triệu đô la lấy từ ngân sách quốc gia, và vay thêm 480 triệu đô la của Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc.

Thế nhưng chính phủ Lào hiện nay có dấu hiệu không thể gánh vác nổi việc trả khoản vay nói trên và đang tìm cách bán tài sản quốc gia để không bị coi là vỡ nợ.

Nhượng mạng lưới điện quốc gia cho Trung Quốc để trả nợ

Ngày 04/09, hãng tin Reuters cho biết là Vientiane đang chuẩn bị nhượng lại cho công ty China Southern Power Grid (CSG) của Trung Quốc quyền kiểm soát phần lớn hệ thống điện quốc gia. Công ty này có trụ sở tại Quảng Châu.

Tân Hoa Xã đưa tin từ Vientiane, ngày 02/09, cho rằng thỏa thuận đó “đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc tăng cường hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa Lào và Trung Quốc trong ngành điện/năng lượng. Tân Hoa Xã còn trích dẫn bộ trưởng bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào Khammany Inthirath, cho rằng CSG với “kinh nghiệm, công nghệ và nhân sự … sẽ mang lại một triển vọng mới cho ngành công nghiệp năng lượng Lào”.

Phía Trung Quốc như vậy đã xem việc Lào nhượng màng lưới điện quốc gia của mình cho Trung Quốc là một công cuộc hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhưng đối với tác giả Bertil Lintner, điều đó lại có nghĩa là Trung Quốc sẽ gia tăng được thế lực trong khu vực. Phần lớn điện do Lào sản xuất hiện nay là để xuất khẩu, không chỉ sang Trung Quốc mà còn sang các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Việc Trung Quốc nắm được ngành điện lực của Lào có nghĩa là Bắc Kinh gián tiếp có được đòn bảy thương mại và chiến lược để gây sức ép với hai nước láng giềng này.

Điều oái ăm được tác giả ghi nhận là Lào đã vay nợ của Trung Quốc đển mức không trả nổi, phải gán tài sản của minh để trả nợ, nhưng cho một công trình như tuyến đường sắt cao tốc, chủ yếu là có lợi cho Trung Quốc, trong lúc bản thân người dân Lào không mấy được hưởng.

Đối với Bertil Lintner, việc Trung Quốc tiếp quản ngành điện của Lào thay cho việc trả nợ là ví dụ điển hình để các nước khác trong khu vực thấy rõ nguy cơ bị sập vào bẫy nợ của Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc. Một vài nước trong vùng cũng yếu như Lào, sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại áp lực của Trung Quốc để bảo vệ nền độc lập về tài chính và kinh tế của mình.