Lương tri tỉ phú đâu rồi?

Tại sao ở Việt Nam các tỉ phú không quan tâm đến người nghèo trong các thảm họa thiên tai và thảm họa nhân tai? Tại sao lại thế? Tại sao họ không có sự bao dung và lòng trắc ẩn như những tỉ phú ở xứ người?

Ảnh Bão Doksuri gây mưa to và sóng rất lớn ở xã Diễn Châu, tỉnh Nghệ An

Bão Doksuri gây mưa to và sóng rất lớn ở xã Diễn Châu, tỉnh Nghệ An
Tôi mong mỏi một điều rằng, sau khi cơn bão số 10 đi qua, sẽ có nhiều tỉ phú Việt Nam đến miền Trung để chứng kiến cảnh hoang tàn sau bão, để sự bao dung và trắc ẩn thức dậy trong họ. Các tỉ phú Việt Nam hãy hiểu một điều rằng: họ trở thành tỉ phú vì có phần mất mát, mất đất của hàng triệu dân nghèo.

Hiện tại yêu thương

Cơn bão Harvey bí ẩn và kì dị đã làm tan hoang một phần Hoa Kỳ, làm hàng trăm ngàn hộ gia đình phải điêu đứng. Ngay lập tức lương tri Mỹ đã trỗi dậy, trong đó có những người Mỹ gốc Việt Nam. Tỷ phú Hoàng Kiều tặng 5 triệu đô la cho nạn nhân bão Harvey, trở thành một trong những mạnh thường quân hào phóng nhất cho đến nay, vượt xa số tiền đóng góp của Tổng thống Donald Trump. Ông Hoàng Kiều nói ông làm như vậy là để “trả ơn nước Mỹ” đã cho ông cơ hội để thực hiện “giấc mơ Mỹ”.

Số tiền tặng của ông Kiều sẽ được dùng để trang trải chi phí vận chuyển các nạn nhân thuộc thành phần dễ bị tổn thương nhất trong bão Harvey – người già, người nghèo và những người cần trợ giúp đặc biệt – từ những trung tâm trú bão tạm thời đến nơi ở lâu dài, theo thị trưởng Houston Sylvester Turner nói với tờ Daily Mail.

Trong số các tỉ phú Mỹ nhanh chóng thiện nguyện giúp đỡ các nạn nhân của bão Harvey có ông Les Alexander, chủ nhân của Houston Rocket, tặng10 triệu đô la. Một tỉ phú khác đồng thời là chủ tịch và CEO của hãng H-E-B cam kết góp 5 triệu USD. Tỉ phú bất động sản cao cấp, và đồng thời là tổng thống Donald Trump đã trích tài sản cá nhân của ông để đóng góp 1 triệu đô la( Tỉ phú- TT Donald Trump giành toàn bộ lương TT của mình, khoảng hơn 450.000 USD/năm, cho công việc thiện nguyện).

Cần biết rằng, vào tháng Ba năm nay ông Hoàng Kiều cũng đã tặng 5 triệu đô la cho nạn nhân lũ lụt ở San Jose. Khi mới đến Mỹ, trong công việc đầu tiên của mình, ông Hoàng Kiều chỉ được trả có 1,25 đô la một giờ. Bây giờ, công ty Rare Antibody Antigen Supply chuyên cung cấp kháng thể hiếm của ông được định giá 14 tỷ đô la.

Hơn cả yêu thương

Trên thế giới, thiện nguyện là một phần lương tri và trách nhiệm xã hội của các tỉ phủ. Từ thế kỷ 19, giới triệu phú(tính theo thời giá bây giờ là tỉ phú) ở Mỹ đã phát tâm thiện nguyện. Họ ý thức được rằng, cần phải cho đi để được nhận lại, cần phải san sẻ yêu thương và bác ái. Không chỉ người nghèo ở Mỹ nhận được sự sẻ chia, trên khắp nước Mỹ, các trường đại học, viện nghiên cứu, các thư viện đều nhận được sự hiến tặng khổng lồ của các triệu phú từ tâm. Chính sự hiến tặng này đã góp một phần lớn vào sự trưởng thành và gia tăng giá trị của giáo dục phổ thông và giáo dục đại học Mỹ.

Trong thời hiện đại, giới tỉ phú trên thế giới vẫn tiếp tục đam mê với sự tận hiến thiện nguyện ở mức độ cao hơn rất nhiều so với thế kỷ 19 và 20. Năm tỉ phú vào loại giàu nhất thế giới đã tiến hành thiện nguyện rất đều đặn và cam kết sẽ cho đi gần như toàn bộ tài sản của mình.

Tỉ phủ trẻ tuổi Mark Zuckerberg ngày 1/12/2015 tuyên bố sẽ hiến số tài sản 45 tỷ USD, tương đương 99% tổng tài sản trong suốt cuộc đời mình để cải thiện cuộc sống vì thế hệ tương lai. Ông chủ Facebook cho biết, đây chỉ là sự đóng góp rất nhỏ, nhưng anh và vợ mình vẫn muốn làm những điều trong khả năng để hỗ trợ mọi người.

Bill Gates là nhà đồng sáng lập hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft, và cũng là tỷ phú giàu nhất thế giới với số tài sản hiện tại khoảng 90 tỷ USD đã dành phần lớn thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện, cùng vợ lập ra và quản lý Quỹ Bill & Melinda Gates. Tổ chức từ thiện của vợ chồng ông tập trung vào các vấn đề nâng cao chăm sóc y tế, giảm đói nghèo và bệnh tật trên toàn cầu, giúp phát triển nông nghiệp, nâng cao cơ hội học tập và tiếp cận tri thức công nghệ thông tin.

Năm 2010, vợ chồng Bill và Melinda Gates đã hợp tác với tỷ phú Warren Buffett phát động chiến dịch mang tên Giving Pledge (Cam kết hiến tặng) nhằm nỗ lực thuyết phục những người giàu có nhất nước Mỹ cam kết hiến tặng ít nhất phân nửa tài sản cho các tổ chức từ thiện. Bản thân Bill Gates cũng cam kết sẽ hiến tặng gần như toàn bộ tài sản của mình để làm từ thiện.

Nhà đầu tư tài ba Warren Buffett không chỉ luôn nằm trong danh sách những người giàu có nhất hành tinh, ông cũng nổi tiếng là một trong những nhà từ thiện hảo tâm nhất. Tỷ phú này cam kết sẽ hiến tặng tới 99% khối tài sản khổng lồ khoảng 80 tỷ USD để làm từ thiện. Năm 2014, Warren Buffett dẫn đầu danh sách tỷ phú làm từ thiện nhiều nhất với khoản tài trợ 2,1 tỷ USD cho quỹ Bill & Melinda Gates Foundation.

Năm 2010, tỉ phú khách sạn và bất động sản Yu Pang-lin( Hongkong- Trung Quốc) tuyên bố ông sẽ chuyển số tài sản trị giá 2 tỷ USD vào ngân hàng, chúng sẽ được làm từ thiện sau khi ông qua đời. Yu là tỷ phú Trung Quốc đầu tiên cho đi toàn bộ tài sản của mình. "Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng mà thôi", ông nói.

Hoàng tử Alwaleed bin Talal của Ả-rập Xê-út, người giàu nhất Trung Đông, vào năm 2015 đưa ra lời hứa sẽ hiến tặng toàn bộ tài sản của mình (trị giá khoảng 32 tỷ USD) cho hoạt động từ thiện trong những năm sắp tới. Trong tuyên bố của mình, hoàng tử Alwaleed nói, ông hy vọng món quà của mình sẽ giúp xây dựng “một thế giới tốt đẹp hơn với lòng bao dung, rộng mở, công bằng và cơ hội cho tất cả mọi người”. Các mục tiêu mà hoàng tử Alwaleed hướng tới trong kế hoạch từ thiện này là tăng cường hiểu biết văn hóa, xóa bỏ bệnh dịch, cung cấp điện cho các khu vực xa xôi, xây các trại trẻ mồ côi và trường học, khắc phục thảm họa thiên nhiên, và hỗ trợ phụ nữ.

Chìm khuất trong mưa

Bão số 10 (tên quốc tế là Doksuri) đã đổ bộ các tỉnh miền Trung với cường độ cấp 11-12, giật cấp 14-15 vào trưa 15-9 gây ra thiệt hại to lớn cho bà con, trong đó nặng nhất là Hà Tĩnh và Quảng Bình. Báo cáo của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, bão số 10 đã làm 13 người chết, 4 người mất tích, 112 người bị thương. Con số thống kê cũng cho thấy bão số 10 đã tàn phá 120.000 căn nhà. Hàng trăm ngàn người dân miền Trung không còn nhà ở. Ai sẽ giúp họ trong bối cảnh nguồn lực từ Chính phủ đang kiệt quệ?

Việt Nam có khá nhiều tỉ phú. Trong khoảng 10 năm lại đây, Việt Nam là đất nước có số người siêu giàu tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tỉ phú số 1 Việt Nam trong nhiều năm liền là ông Phạm Nhật Vượng có nguồn gốc quê hương bản quán ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh- địa phương đói nghèo đang oằn mình sau bão.

Ngoài ngôi vị số 1, Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán cuối 2016 đầu năm 2017 còn ghi nhận các tên tuổi lần lượt nối vị trí ông Vượng như sau: Ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) tài sản theo trị giá cổ phiếu ước đạt 30 ngàn tỷ đồng; Ông Trần Đình Long (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) ước tính tài sản 9.140 tỷ đồng; Bà Phạm Thu Hương (Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup) ước 5.243 tỷ đồng; Ông Nguyễn Đức Tài (Chủ tịch HĐQT Thế giới di động) ước 3.588 tỷ đồng; Bà Phạm Thuý Hằng, (Phó Chủ tịch Vingroup) ước 3.200 tỷ đồng; Bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Phạm Đình Long) ước 2.900 tỷ đồng; Bà Vũ Thị Khanh (thành viên HĐQT Vĩnh Hoàn) với 2.634 tỷ đồng; Bà Nguyễn Hoàng Yến (thành viên HĐQT Tập đoàn Masan) ước 1.806 tỷ đồng.

Đó chỉ là những người giàu được xác định chính xác từ sàn chứng khoán và giá trị cổ phiếu mà họ nắm giữ. Trên thực tế, theo ước tính, số tỉ phú ngầm còn nhiều hơn do tập đoàn của họ không lên sàn chứng khoán, đó là tỉ phú Đào Hồng Tuyển, Dương Công Minh, Dương Bạch Diệp…

Tất cả những người giàu này đã làm gì cho cộng đồng người dân nghèo miền Trung đang vật vã sau bão?

Các kiến thức khổng lồ và thông tin ngồn ngộn trên Internet cho biết, vào đầu giờ chiều ngày 18-9, những người giàu nhất Việt Nam vẫn chưa có hành động cụ thể và chương trình kế hoạch trợ giúp dân nghèo miền Trung. Thì cũng như những năm trước thôi, những người giàu nhất Việt Nam vẫn lặng im trước những thảm họa thiên tai mà người nghèo phải gánh chịu. Lẽ nào, với những người giàu nhất Việt Nam, xây dựng chùa chiền, cúng giường, xây nhà thờ họ, xây dựng các cơ sở du lịch tâm linh hoành tráng là hình thức thiện nguyện cao cả nhất, để từ đó họ cầu mong có được sự bình an?

Liệu lương tri có thức dậy trong ông Phạm Nhật Vượng không khi trước đây ông từng cho rằng " cách làm thiện nguyện tốt nhất là đưa đến những sản phẩm tốt nhất cho người dân" ? Thưa ông Phạm Nhật Vượng, khái niệm "người dân" mà ông đề cập chỉ là những khách hàng trung lưu và thượng lưu- những người hầu như chẳng bị ảnh hưởng gì trước các thiên tai, còn những người dân nghèo mới chính là nạn nhân quen thuộc của các thảm họa thiên tai. Ông Vượng ơi, ông hãy động lòng! Ông Vượng ơi, ông hãy đặt câu hỏi: Tại sao các tỉ phú Mỹ và Châu Âu giàu lòng trắc ẩn và bao dung đến thế?

Tại sao ở Việt Nam các tỉ phú không quan tâm đến người nghèo trong các thảm họa thiên tai và thảm họa nhân tai? Tại sao lại thế? Tại sao họ không có sự bao dung và lòng trắc ẩn như những tỉ phú ở xứ người?

Tôi mong mỏi một điều rằng, sau khi cơn bão số 10 đi qua, sẽ có nhiều tỉ phú Việt Nam đến miền Trung để chứng kiến cảnh hoang tàn sau bão, để sự bao dung và trắc ẩn thức dậy trong họ. Các tỉ phú Việt Nam hãy hiểu một điều rằng: họ trở thành tỉ phú vì có phần mất mát, mất đất của hàng triệu dân nghèo.

Theo ijavn.org

*****

Tỷ phú mới

Khi nước Mỹ có thêm một tỷ phú mới, người dân Mỹ và cả thế giới sẽ có thêm một sản phẩm tiện ích, hiện đại, sành điệu để kết nối yêu thương như Iphone hay Facebook.

Khi nước Nhật có thêm một tỷ phú, người dân Nhật và cả thế giới có thêm những sản phẩm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của họ như Sony, Toshiba hay Lexus.

Nước Mỹ hay Nhật lúc đó sẽ giảm bớt đi tỷ lệ người thất nghiệp, vô gia cư, các quỹ từ thiện vì cộng đồng sẽ được nhiều lên, những nước nghèo đói ở Châu Phi sẽ được giúp đỡ, hỗ trợ.

Khi Việt Nam xuất hiện một tỷ phú mới, rừng sẽ mất đi thêm một ít, tài nguyên sẽ dần cạn kiệt đi, dân oan bị cướp đất cũng sẽ tăng lên, nợ công cũng sẽ phình to sau mỗi nhiệm kỳ, người dân bỏ xứ đi làm culi, làm điếm cũng sẽ ngày càng tăng.

Khi Việt Nam xuất hiện thêm một tỷ phú mới, quốc lộ sẽ có thêm nhiều trạm BOT hơn, thuế phí cũng sẽ tăng thêm vài %, xăng dầu cũng sẽ tăng thêm vài ba nghìn một lít.

Khi Việt Nam xuất hiện thêm một tỷ phú mới, không khí sẽ ngày càng ô nhiễm thêm, bệnh nhân ung thư cũng sẽ tăng thêm, thị trường cũng sẽ nhiều hàng giả - hàng kém chất lượng hơn, kẹt xe cũng ngày càng trầm trọng.

Thế nên, ở Việt Nam, tỷ phú tăng theo cấp số cộng thì người nghèo sẽ tăng theo cấp số nhân. Vui gì mà reo hò tung hô họ!

FB Nhân Thế Hoàng