Nước Anh và bài học về quyền lực mềm của Nữ hoàng

Nữ hoàng Anh Elizabeth II

Nguyễn Duyên

Chiều 19/9 (giờ Hà Nội), nước Anh và thế giới đưa tiễn Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị về nơi an nghỉ cuối cùng. Việt Nam chỉ cử cấp Ngoại trưởng, ông Bùi Thanh Sơn tới London để dự quốc tang Nữ hoàng.  

Việc Việt Nam không những không cử Chủ tịch nước mà chỉ cho người đại diện, cấp lại khá thấp như vậy, thấp hơn cả Trung Quốc cử Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình, đến dự quốc tang Nữ hoàng khiến tôi và nhiều người khác tiếc nuối. 

Sách kiếm hiệp hay dẫn câu: “Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ”, nghĩa là ở đời này có biết bao câu chuyện mà bản thân mình chẳng thể làm chủ được, phải hành động theo “ý chỉ” của bề trên. Khái quát này có thể mô tả và lý giải khá chính xác động thái ngoại giao vừa qua của chính phủ Việt Nam.  

Nói thậy là tôi thấy sốc vì nhiều lẽ: Thứ nhất, phải chăng VN đang phụ thuộc ngày càng tăng trong bang giao với Trung Quốc và Liên bang Nga? Hoàng gia Anh không mời Putin sang dự, do cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine. Còn Trung Quốc, tuy được mời mà ông Tập hẳn nhiên cũng chẳng mặn mà gì với Nữ hoàng. Nhưng ít nhất, ông đã cử cấp phó sang đại diện. Có phải vì sợ làm mất lòng “hai đại ca”, Việt Nam “chia sẻ” bằng một ứng xử vụng về, bất chấp sự thật là các nước ASEAN đều cử lãnh đạo cao cấp nhất nhì đi dự tang lễ.  

Thứ hai, Việt Nam đánh mất một cơ hội hiếm hoi để có thể đi ra với thế giới văn minh. Trước tang lễ, Tân Vương Charles III long trọng tiếp lãnh đạo 14 nước trong khối Thịnh Vượng Chung. Tân vương cũng tiếp các khách mời của mình, bao gồm Vua Tây Ban Nha, Nữ hoàng Đan Mạch, Hoàng đế và Hoàng hậu Nhật Bản, Thái tử Ả Rập Xê Út, các Tổng thống Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu...Chủ tịch nước Việt Nam đáng ra có chỗ ở đấy nhưng đã chọn ngồi nhà. Có phải các lãnh đạo cao nhất đang tự mình “tách khỏi” cộng đồng văn minh nhân loại? 

Thứ ba, Việt Nam nghĩ gì về quy chế “quan hệ đối tác chiến lược”,  ký từ tháng 9/2010 với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Ai đó muốn khái niệm “đối tác chiến lược” trở thành mỉa mai và không hề phản ánh các tiêu chí cũng như bản chất cần có của mối quan hệ?  

Thiển nghĩ, sau vụ này, nếu phía chính phủ Anh có quyết định xem xét lại “quan hệ đối tác chiến lược” của họ với Việt Nam thì cũng không có gì làm lạ.

Thành kính, vinh danh và ném đá

Ngược lại với thái độ thất thố nói trên là tình cảm của thường dân và một số quan chức Việt Nam đối với Nữ hoàng.  Họ thật sự thành kính và vinh danh Bà. Đại sứ Anh tại Hà Nội Iain Frew ghi trong Sổ tang Nữ hoàng: “… Chúng tôi nhận được rất nhiều lời chia buồn ấm áp và cảm động, từ các chính khách cho tới người dân Việt Nam mọi lứa tuổi. Họ đều bày tỏ lòng thành kính và vinh danh những di sản của Bà”. 

Nhưng có phải vì vậy mà một số cá nhân... nóng mặt.

“Ngạc nhiên đến bất ngờ: Tin tức dày đặc về Nữ hoàng trên truyền thông Việt Nam” kể về một facebooker là Chau Bui bị nhiều người ném đá vì... “sính ngoại, quên lịch sử nước nhà”, do dám gọi Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị là... NGƯỜI! Tuy nhiên, câu chuyện chưa ngừng ở đó. Thay vì chửi đổng, đưa ra những lập luận ngu ngơ khi khi tham gia “hạ bệ” Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, trên trang Facebook có tên là Tifosi có một bài được chuẩn bị khá công phu đã gắn Nữ hoàng của Vương quốc Liên hiệp Anh mới qua đời với việc “gây ra đau thương cho nhân dân Việt Nam”.  

Thật tội nghiệp và cũng đáng lo cho một thế hệ luôn được nuỗi dưỡng bằng tâm thức “đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ…” Nhưng đến khi đọc các “tuýt” của những người nhận lương hàng tháng để “chơi” FB thì tôi mới giật mình. Họ viết các “tuýt” truyền bá những dòng trạng thái, đại thể như: Nữ hoàng ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam, dù năm 1858 thì cha của ông chúa Elizabeth Windsor cũng chưa ra đời, và năm 1946, khi Pháp theo chân Đồng minh giải giáp quân Nhật quay lại Đông Dương thì cô công chúa mới 20 tuổi. 

Theo họ, đã là Nữ hoàng thì chắc chắn phải “gây ra đau thương cho nhân dân Việt Nam”. Vừa đọc, vừa cảm thấy rùng mình.

Quyền lực mềm và danh tiếng quốc tế

Những tranh cãi trên làm người Việt Nam, nhất là các lãnh đạo quên đi một bài học rất quan trọng: quyền lực mềm trên trường quốc tế. 

Quyền lực mềm của Nữ hoàng đã giúp giữ Vương quốc Anh lại với nhau thành một quốc gia. Khi người Scotland bỏ phiếu đòi tách khỏi Vương quốc vào tháng 9/2014, vai trò của Nữ hoàng đã bị soi xét kỹ lưỡng. Vào thời điểm đó, lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland Alex Salmond, cam kết rằng nếu các cử tri ủng hộ việc tách khỏi Liên hiệp, Elizabeth II sẽ vẫn là “Nữ hoàng Scotland”. Salmond đã đánh giá chính xác tâm trạng phổ biến của thần dân – 52% dân chúng muốn giữ Bà lại.  

Nữ hoàng không thuộc một phe nhóm, một địa phương cụ thể nào, không thiên tả hay thiên hữu, trong một chế độ dân chủ vốn được thiết kế với mục đích cho mọi người có cơ hội tự do trong hợp tác và đấu tranh lẫn nhau. Bà là nhân tố đoàn kết, thống nhất, sử dụng quyền lực mềm của mình một cách tế nhị và kín đáo với mục đích duy nhất là gìn giữ Liên hiệp và những dấu tích của Đế chế, Khối thịnh vượng chung, theo một bài trên CNN.

Quyền lực mềm của Bà nằm ở khả năng quy tụ. Khả năng của Nữ hoàng trong thấu cảm và và điều hướng sự phức tạp trong mối quan hệ giữa lãnh đạo xứ Scotland với London theo cách mà các chính trị gia Anh – đặc biệt là những người theo Đảng Bảo thủ – hiếm khi nắm bắt được. Bà cũng đóng vai trò xoa dịu nỗi đau khổ cá nhân của cuộc xung đột giữa quyền lực Anh và chủ nghĩa dân tộc Ireland. Đó là những cống hiến của Bà cho sự thống nhất của đất nước. Bài học làm lãnh đạo để hàn gắn các rạn nứt, đau thương trong quá khứ, do các thế hệ trước gây ra, là rất cần thiết cho Anh, cũng như cho Việt Nam.

Một cây bút ở Hoa Kỳ, ông Ngô Nhân Dụng viết trên VOA Tiếng Việt rằng Nữ hoàng Anh đóng vai Nguyên thủ quốc gia một cách bình thản lặng lẽ, dùng những lời ái ngữ vừa phải. Mọi cử chỉ, hành vi của Bà đều có chừng mực như thể tất cả đã được quy định trước, nhưng Bà biểu lộ rất thoải mái, tự nhiên, như thể đã được sinh ra để sống đúng theo nền nếp đó. Tôi và không ít người Việt Nam cảm thấy nước Anh may mắn có một người lãnh đạo đứng đầu, trong 70 năm làm biểu tượng vững vàng khi quốc gia trải qua bao sóng gió.

Theo tờ “Financial Times” (17/9/2022), khi cả nước Anh, trong niềm tiếc thương Nữ hoàng, chào đón các vị Nguyên thủ quốc gia thế giới, thì đấy chính là cơ hội để thu hẹp khoảng cách giữa các tuyên bố và thực tế đã ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Anh quốc trong một thời gian dài. Vương quốc Anh đang cân nhắc liệu có nên tham dự vào cuộc họp đầu tiên của “Cộng đồng Chính trị châu Âu” sắp được tổ chức ở Prague vào đầu tháng 10/2022 thật đáng khích lệ. 

Vương quốc Anh tiếp tục có thể giữ vai trò lãnh đạo quốc tế nếu chính phủ nước này đặt ra các ưu tiên rõ ràng và theo đuổi chúng một cách nhất quán, như thái độ của Anh quốc đối với cuộc khủng hoảng Ukraine. Nơi tốt nhất để khởi động một chiến dịch nhằm nâng cao vị thế quốc tế của nước Anh chính là Ukraine. 

Có một thông điệp quan trọng đằng sau việc hiện nay còn hơn 100 quốc gia, kể cả các cường quốc như Ấn Độ, Nam Phi, Brazil vẫn từ chối trừng phạt Nga.  

Nước Anh có đủ khả năng mở ra các cuộc tranh luận với những nước này về hoạt động của hệ thống quốc tế. Anh quốc cũng có thể giúp cải thiện lập trường khá tiêu cực hiện nay của Việt Nam đối với khủng hoảng Ukraine. 

Trong nhiều thập kỷ trị vì của Nữ hoàng, nước Anh đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng ảnh hưởng và sức mạnh thuyết phục của họ trong hệ thống đa phương. Tân vương Charles III vừa lên, ngay trong 10 ngày đầu đã tỏ ra có uy tín đáng nể trên thế giới. Ngay cả khi ông cẩn trọng trên chính trường quốc nội, kinh nghiệm quốc tế của ông và tư cách nguyên thủ của 14 nước Commonwealth tự nó là một động lực để phát huy cao độ quyền lực mềm mà Nữ hoàng đã để lại.  

Tôi chưa thấy các lãnh đạo Việt Nam hiểu được điều này để đón năm 2023 sắp tới, năm đánh dấu nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao London-Hà Nội. Tôi chỉ mong mình sai.

Nguyễn Duyên,  BBC News