Nga tăng cường mạnh mẽ lực lượng hải quân ở Địa Trung Hải

WELT
Nguyễn Xuân Hoài
 
Sau cuộc tấn công của Putin, Nato tập trung vào việc bảo vệ phía Đông. Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Italia quan sát thấy các động thái đáng lo ngại của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải. Trong cuộc phỏng vấn ông đề cập tới những việc cần làm, kể cả về vấn đề di dân từ Phi Châu.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Ý Lorenzo Guerini gần đây đã trình bày một khái niệm chiến lược mới về bảo vệ Địa Trung Hải tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid. Chính trị gia của Đảng Dân chủ Ý (thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội Châu Âu) nhận thấy những mối đe dọa mới đối với an ninh của Châu Âu trên “Mặt trận phía Nam”, không chỉ đến từ Moscow.
 
WELT: Cụ thể định hướng này của NATO sẽ ảnh hưởng như thế nào đến “mặt trận phía Nam” ? Cho đến nay, dường như việc mở rộng bộ máy quân sự đều tập trung vào các quốc gia ở phía Đông.

Lorenzo Guerini: Việc tăng cường đúng đắn bộ máy răn đe và phòng thủ ở sườn phía Đông có liên quan trực tiếp đến tình hình hiện tại. Điều mà Ý đã yêu cầu và đạt được nhờ sự hỗ trợ của các đồng minh khác, trước hết là Tây Ban Nha, Pháp và Hy Lạp, là NATO cũng cần để mắt đến các mối đe dọa có thể xảy ra từ các hướng khác, kể cả từ phía nam. Vấn đề không phải là lựa chọn giữa Đông và Nam, an ninh Euro-Đại Tây Dương là một khối thống nhất, không thể tách rời.
 
WELT: Ý đặc biệt quan tâm đến Địa Trung Hải, coi đây như một lợi ích của quốc gia. Tại sao lại như vậy?
 
Guerini: Chúng ta đang nói về một vùng biển có sự kết nối thuận lợi nhất giữa Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, với một hải trình bắt buộc qua eo biển Sicily, khoảng 20% hàng hóa toàn cầu được vận chuyển trên tuyến đường này. Dưới đáy biển có "các đường giây thông tin liên lạc ", kết nối Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Địa Trung Hải có tầm quan trọng cơ bản đối đối với đất nước chúng tôi, với toàn bộ nền kinh tế, do đó cũng rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và thành công của các doanh nghiệp và người dân Italia.
 
WELT: Trong báo cáo chiến lược của mình, ông đề cập đến các nguyên tắc đối phó với các cuộc khủng hoảng ở Địa Trung Hải. Vậy những tình huống nguy hiểm nhất là gì?
 
Guerini: Trong một thời gian dài chúng tôi đặc biệt chú ý đến châu Phi. Tình hình phức tạp, dai dẳng ở Libya, sự bất ổn ở một số quốc gia ở khu vực cận Sahara, sau đó là sự hiện diện của các nhóm khủng bố, thái độ hung hăng và thậm chí quân phiệt của một số chủ thể quốc tế, sự hỗn loạn do chiến tranh ở vùng Sừng châu Phi nạn cướp biển hoành hành, triền miên. Cũng không thể không nói đến những rủi ro do sự hiện diện của các tổ chức tội phạm lớn, cạnh đó là các cuộc khủng hoảng lương thực do chiến tranh gây ra, hậu quả của tình trạng này sẽ là một sự di tản ồ ạt chưa từng có từ trước tới nay. Do đó chúng ta luôn phải sẵn sàng hành động, không chỉ với các biện pháp quân sự, mà phải kết hợp với biện pháp ngoại giao và trên hết là chú ý hơn đến viện trợ phát triển.
 
WELT: Sau khi xâm lược Ukraine, Nga đã tăng cường một hạm đội với sức mạnh chưa từng có ở Địa Trung Hải; Bộ tham mưu Hải quân Ý gần đây đã nói về 18 tàu chiến và hai tàu ngầm. Điều đó có làm Bộ trưởng lo lắng không?
 
Guerini: Địa Trung Hải là một trong những vùng biển được giám sát tốt nhất từ trước đến nay. Chiến dịch Sea Guardian và lực lượng hải quân thường trực của NATO, Chiến dịch Irini của EU và các hoạt động của các nước khác nhau cho phép chúng tôi có thể đánh giá tình hình một cách chính xác, có nghĩa là "Nhận thức được tình huống". Sự hiện diện của Hải quân Nga, dù ở trên hay dưới mặt nước, chắc chắn là có ý nghĩa quan trọng và đôi khi họ tỏ ra hiếu chiến. Tuy nhiên, điều đó không làm chúng tôi lo lắng vì chúng tôi quan sát, theo giõi liên tục mọi động thái của đối thủ và đánh giá các động thái đó một cách đúng đắn.
 
WELT: Trên mặt trận chống khủng bố nhắm vào tổ chức thánh chiến như sứ mệnh Takuba ở Sahel đã đi đến chấm dứt. Đây là một hoạt động của Châu Âu do Pháp dẫn đầu,có sự tham gia của Ý và Đức. Tình hình ở đây sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào? Có nguy cơ về một Afghanistan thứ hai tại đây không?
 
Guerini: Tình hình ở Sahel khác với ở Afghanistan. Việc kết thúc chiến dịch Takuba không có nghĩa là sẽ rút khỏi khu vực này. Takuba là một trong nhiều sáng kiến được tạo ra nhằm hỗ trợ các nước châu Phi trong khu vực bị chủ nghĩa khủng bố đe dọa. Tôi có thể nêu một ví dụ, chiến dịch Barkhane, đang được tiến hành ở Sahel trong mấy tuần gần đây, chiến dịch này có sự tham gia của phái bộ châu Âu EUTM Mali, G5 Sahel và các sáng kiến song phương khác nhau. Cũng giống như Mission Misin của chúng tôi tại Niger, đội ngũ nhân viên, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng không ngừng được bổ sung. Do đó sự kết thúc của Takuba không có nghĩa là chúng tôi sẽ rời khỏi Sahel, mà đây chỉ là thời điểm để chúng tôi đánh giá lại tình hình nhằm sau đó có thể hoạt động có hiệu quả hơn.
 
WELT: Báo cáo chiến lược của ông nêu bật hai yếu tố: khả năng hoạt động của cơ quan tình báo và mức độ răn đe của các lực lượng vũ trang. Ông có nghĩ rằng đất nước của ông có những công cụ như vậy?
 
Guerini: Hệ thống thông tin và bảo mật của chúng tôi hoạt động có hiệu quả và được thừa nhận do có khả năng duy trì mạng thông tin, có năng lực phân tích và dự báo đáng tin cậy. Thêm vào đó các lực lượng vũ trang của chúng tôi có tính chuyên nghiệp cao, điều này đã được chứng minh trong nhiều thập kỷ từ các hoạt động ở Lebanon, Afghanistan, ở Châu Phi và các nước Baltic. Khi người ta biết mình đang làm gì, có ý chí quyết tâm cao, có phương tiện để thực hiện, đây chính là sự răn đe hiệu quả nhất. Bức ảnh chụp tàu sân bay "Cavour" của chúng tôi, đang hoạt động trên Địa Trung Hải cùng với "De Gaulle" và "Truman" của Mỹ, là một dấu hiệu cho thấy tính thuyết phục của điều này.
 
WELT: Liệu có nguy cơ sự gia tăng lực lượng của Mỹ ở châu Âu và lực lượng phản ứng nhanh của NATO sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch phòng thủ châu Âu mới được thành lập?
 
Guerini: Ngược lại, theo tôi khi khối Liên minh được củng cố và tăng cường thì sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy Liên minh châu Âu khẩn trương thực hiện Kế hoạch Hành động, La bàn Chiến lược, đã được phê duyệt hồi tháng 3 năm ngoái. Sự bổ sung cho nhau giữa NATO và EU đã được thừa nhận và đang được thực hiện, việc bảo vệ châu Âu trong tương lai càng củng cố trụ cột của NATO trên lục địa này. Một Liên minh châu Âu mạnh hơn, về mặt quân sự, cũng sẽ củng cố NATO.
 
WELT: Các lực lượng vũ trang của Ý đã có những đóng góp đáng kể trong tất cả các hoạt động gìn giữ hòa bình trong 25 năm qua. Nếu một thỏa thuận đạt được ở Ukraine, chúng ta có sẵn sàng can thiệp?
 
Guerini: Tôi không thấy có sự lựa chọn nào khác ngoài sự can thiệp dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Vấn đề này tất nhiên tùy thuộc vào quyết định của Nghị viện. Nhưng điều tôi có thể nói là các lực lượng vũ trang của chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện công việc của mình theo đúng quy định của Hiến pháp.
 
WELT: Nếu như Bộ trưởng buộc phải dự đoán, thì khi nào cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc?
 
Guerini: Có rất nhiều biến số có thể quan trọng đối với cuộc xung đột này, nhưng ít nhất người ta có thể giả định rằng với tình trạng giao tranh hiện nay và sự bế tắc chung, điều mà chúng ta phải tính đến là một “cuộc chiến tranh tiêu hao” Đó là lý do tại sao cần phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine, giúp họ tiếp tục kháng cự là vô cùng quan trọng. Không có cách nào khác là phải thuyết phục Moscow, họ không thể giành chiến thắng trên thực tế và đàm phán là cách duy nhất để tìm ra một giải pháp được chấp nhận./.

Nguồn:Mittelmeer: Italiens Verteidigungsminister Guerini warnt vor russischen Kriegsschiffen – WELT