Phong trào Dân Chủ Việt Nam: 46 năm nhìn lại và giải pháp cho tương lai

 

Nhân đánh dấu 46 năm (1975-2021) ngày 30 tháng 4, ngày mà những công dân của nước Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 gọi là “Ngày mất nước” hay còn gọi là “Tháng Tư Đen.” Tức là một quốc gia Việt Nam Cộng Hòa có chủ quyền, được quốc tế công nhận đã bị Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Cộng sản Bắc Việt) dùng bạo lực để tước đoạt chính quyền, lãnh thổ và người dân.

Đảng CSVN áp đặt sự cai trị của họ trên toàn lãnh thổ Việt Nam và tước đoạt các quyền tự do, dân chủ của toàn thể người dân Việt Nam trong suốt 46 năm đã qua.

Nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ vẫn đang bền bỉ đấu tranh nhằm xóa bỏ chế độ độc tài CSVN để xây dựng lên nước Việt Nam tự do, dân chủ, đa đảng.

Tôi xin điểm lại sự ra đời và những bước phát triển thăng trầm của Phong trào Dân chủ Việt Nam.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, hàng trăm ngàn người thuộc quân đội, cảnh sát, an ninh, công chức của nước VNCH đã bị chế độ độc tài CSVN bắt đi cải tạo vô thời hạn. Hàng chục ngàn người đã không có cơ hội trở về với gia đình. Hàng triệu người người phải bỏ nước ra đi để thoát họa độc tài CSVN và tìm kiếm tự do, hạnh phúc. Hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trên đường chạy trốn cộng sản để tìm kiếm tự do.

Trong sự cùng cực đó, đã có những người tiếp tục đấu tranh chống lại sự bố ráp và khống chế của an ninh CSVN, với sự ra đời của nhiều lực lượng đấu tranh mà ngày nay gọi chung là phong trào kháng chiến của thập niên 80.

Sau khi khối cộng sản Liên Xô tan rã vào thập niên 1990, các lực lượng đấu tranh chống lại chế độ CSVN đã biến thành phong trào đòi tự do dân chủ và bắt đầu xuất hiện những tiếng nói bất đồng chính kiến trong các cựu quan chức CSVN như Trung tướng Trần Độ, Tổng biên tập báo Quân Đội cựu Đại tá quân đội Phạm Quế Dương, Chánh văn phòng Bộ CA Đại tá Lê Hồng Hà, Giáo sư Hoàng Minh Chính, Giáo sư Trần Khuê, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang,… Và những người trẻ tuổi hơn như Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình,…

Khởi đầu họ thành lập lên Nhóm Chống Tham nhũng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, một số bị bắt cầm tù, Nhóm Chống Tham nhũng tan rã, chỉ còn những tiếng nói độc lập.

Ngày 8 tháng 4 năm 2006, Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam được công bố với 118 người tham gia ký tên ban đầu. Và đây là sự kiện dẫn đến sự ra đời Khối 8406 (Bloc 8406) được đông đảo người Việt ở trong và ngoài nước tham gia, được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Sau này được gọi là Phong trào 8406 tiền thân của Phong trào Dân chủ Việt Nam.

Tiếp theo Đảng Dân Chủ Việt Nam được Giáo sư Hoàng Minh Chính tuyên bố phục hoạt, Đảng Thăng Tiến, Công đoàn Độc lập, Ủy ban Nhân quyền VN, Nhóm Bạch Đằng Giang, Tập hợp Thanh niên Dân chủ,… được thành lập. Những tổ chức này đã tạo ra được những sinh hoạt dân chủ thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của người Việt ở trong và ngoài nước trước khi bị đàn áp.

Tới cuối năm 2006 và đầu năm 2007, nhà nước độc tài CSVN tiến hành đàn áp, hàng chục người bị bắt như Nhóm Bạch Đằng Giang, Nhóm của Linh Mục Nguyễn Văn Lý và đảng Thăng Tiến tại Huế, Ls Nguyễn Văn Đài, Ls Lê Thị Công Nhân,… và một số phải chạy tỵ nạn ra nước ngoài.

Phong trào Dân chủ VN suy yếu và trùng xuống sau các đợt đàn áp và bắt giữ vào năm 2008 với nhóm của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Đức Thạch; năm 2009 với Đảng Dân Chủ Việt Nam của Ls Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức,… năm 2011 với nhóm Thanh niên Công giáo;…

Năm 2011, sau sự kiện Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam cắt cáp tầu thăm dò dầu khí Bình Minh, phong trào biểu tình bảo vệ chủ quyền quốc gia bùng lên, kéo dài tới năm 2018. Nổi bật là cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người ở 13 tỉnh thành để chống dự luật đặc khu và luật an ninh mạng vào ngày 10 tháng 6 năm 2018.

Cũng trong thời gian đó, hàng loạt các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) được thành lập và hoạt động công khai ở Việt Nam như: Nhóm NO-U; Hội Anh Em Dân Chủ, Hội cựu Tù Nhân Lương Tâm; Hội Phụ Nữ Nhân Quyền; Hội Bầu Bí; Hội Nhà Báo Độc Lập… khoảng trên 20 tổ chức XHDS đã xuất hiện trong những năm đó.

Đồng thời với sự ủng hộ và giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức của người Việt ở hải ngoại, các tổ chức NGO quốc tế, các tổ chức XHDS, các tổ chức tôn giáo và các nhà hoạt động độc lập ở trong nước đã có những hoạt động công khai tranh đấu bảo vệ môi trường, chủ quyền quốc gia và các quyền con người khá nổi bật.

Nếu tiếp tục mở rộng và phát triển thì những hoạt động này sẽ đe dọa tới sự tồn vong của chế độ độc tài CSVN và đem lại tự do, dân chủ cho đất nước.

Nhà nước độc tài CSVN chưa cam chịu, họ lại thực hiện các đợt khủng bố, đàn áp, bắt giữ những cá nhân, tổ chức từ cuối 2015 cho tới hiện nay.

Hàng trăm nhà hoạt động bị bắt và một số phải chạy tỵ nạn ra nước ngoài. Các tổ chức XHDS gần như tê liệt, không còn hoạt động.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, các nhà quan sát quốc tế và trong nước đều đánh giá mức độ đàn áp khốc liệt chưa từng có của nhà nước độc tài CSVN với Phong trào Dân chủ.

Nhiều người bi quan cho rằng Phong Trào Dân chủ đã bị dập tắt. Có thể nói tới thời điểm này, trên mặt nổi thì Phong trào Dân chủ tại Việt Nam gần như yên lặng.

Nhưng chúng ta cần nắm rõ nguyên tắc này: Chừng nào còn độc tài thì vẫn còn đấu tranh chống độc tài đòi dân chủ; chừng nào còn áp bức, bất công thì vẫn còn đấu tranh chống áp bức, bất công.

Bởi vậy những cơn sóng ngầm vẫn ngày đêm tích lũy năng lượng để tới một ngày trào dâng nhấn chìm chế độ độc tài CSVN.

Vì thế, trước bối cảnh khó khăn này, Phong trào Dân chủ Việt Nam cần phải làm gì để sớm đánh bại độc tài CSVN?

Phong trào Dân chủ VN là tập hợp của rất nhiều các tổ chức chính trị, đảng chính trị, tổ chức XHDS và các cá nhân độc lập ở trong và ngoài nước.

Các tổ chức, cá nhân đấu tranh phải thấy rõ được sức mạnh của truyền thông mạng xã hội. Mỗi tổ chức phải có ít nhất là 3 kênh truyền thông: Web, Youtube, Fanpage Facebook. Và phải có những cá nhân làm truyền thông suất sắc để thu hút người đọc, nghe, xem ở trong nước.

Thông qua truyền thông mạng xã hội, thông qua mối quan hệ của người Việt ở hải ngoại để vận động các thế hệ người Việt ở trong nước, hình thành lên các nhóm, các tổ chức nhỏ và sau đó liên kết, liên minh lại với nhau.

Thông qua mạng xã hội để vận động, tác động mạnh mẽ vào giới trẻ tại Việt Nam, giúp họ hiểu về tự do, dân chủ. Khơi dậy trong họ niềm khát khao có tự do, dân chủ. Khơi dậy trong họ lý tưởng cao đẹp là tham gia góp phần vào việc đấu tranh xóa bỏ độc tài, đem lại tự do, dân chủ cho chính họ và đất nước.

Các tổ chức, cá nhân phải nghiên cứu có sáng kiến, đưa ra các giải pháp, phương pháp, cách thức đấu tranh phù hợp cho thế hệ trẻ Việt Nam. Vận động, giáo dục, đào tạo, tổ chức, lãnh đạo thế hệ trẻ Việt Nam đứng lên đấu tranh.

Ở hải ngoại các tổ chức, cá nhân cần có được sách lược đấu tranh phù hợp để vận động tốt các thế hệ người Việt để họ đóng góp cho Phong trào Dân chủ Việt Nam.

Các cá nhân, tổ chức cần phải có sáng kiến, đưa ra các việc làm cụ thể, thiết thực, có thể đo lường được để vận động đồng bào cùng thực hiện.

Ngày nay, với sức mạnh của truyền thông mạng xã hội, tiềm lực về con người và tài chính của cộng đồng người Việt tại hải ngoại thì chúng ta chỉ cần có phương pháp đấu đúng, phù hợp để vận động đồng bào tham gia.

Chắc chắn, Phong trào Dân chủ Việt Nam sẽ đánh bại được chế độ độc tài CSVN để đem lại tự do, dân chủ cho Nhân dân và đất nước Việt Nam.

Luật Sư Nguyễn Văn Đài