Quay lưng lại với Trung Quốc? "Nếu chúng ta muốn thất nghiệp hàng loạt ở đây, thì xin mời"

Von Thorsten Jungholt – WELT
Nguyễn Xuân Hoài
 
Đại sứ hồi hưu Wolfgang Ischinger, 76 tuổi, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Hội nghị An ninh Munich.
 
Đại sứ Wolfgang Ischinger là người nhiều năm liền đứng đầu Hội nghị An ninh Munich cho rằng nền dân chủ phương Tây “rõ ràng đang ở thế bị động”. Ischinger cảnh báo châu Âu vẫn phụ thuộc vào Mỹ, cả về chiến lược hạt nhân. Ngoài Ukraine, ông lo ngại về những điểm xung đột rất nguy hiểm khác trên thế giới.
 
WELT: Cách đây hai tuần ông đã tới Ukraine. Thưa ông Ischinger, ông có nhận xét như thế nào về chuyến viếng thăm đó?
 
Wolfgang Ischinger: Tôi đã có cơ hội nói chuyện với chính phủ, các nghị sĩ và thị trưởng, chẳng hạn như ở Butscha. Và tôi cũng giới thiệu cuộc hành trình gian khổ nhưng sâu sắc này cho những tác giả của bức thư ngỏ, những người đang kêu gọi hãy nhanh chóng đình chiến, phát động một cuộc tấn công ngoại giao to lớn để có thể nhanh chóng đi đến kết thúc cuộc chiến tranh này. Tôi chưa gặp bất cứ một người nào ở Ukraine, có thể làm bất cứ điều gì vào lúc này để kết thúc chiến tranh. Bởi vì điều đó có nghĩa là họ phải từ bỏ phần lớn lãnh thổ của đất nước mình và phải theo điều kiện của Nga.
 
Thay vào đó, những gì tôi đã chứng kiến là tinh thần quyếtchiến bảo vệ đất nước cao độ, dù biết rằng sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Nhưng người ta cũng biết giải pháp thay thế sẽ là khủng khiếp, không chỉ đối với bản thân Ukraine, mà còn đối với các nước láng giềng của Ukraine. Vì nếu cuộc xâm lược này thành công, có nhiều dấu hiệu cho thấy nó sẽ được lặp lại ở những nơi khác.
 
WELT: Thưa ông, chiến tranh sẽ còn kéo dài đến bao giờ?
 
Ischinger: Các nhà lãnh đạo Ukraine đánh giá tình hình rất thực tế. Họ không phải là những người cực đoan. Họ biết chính xác tỷ lệ cân bằng lực lượng pháo binh ở Donbass, một điều vô cùng tệ hại. Nhưng tôi có ấn tượng giới chỉ huy quân đội Ukraine hy vọng sẽ giành lại được lãnh thổ ở miền nam đất nước trong những tháng tới.
 
Tôi đã chứng kiến một sự quyết tâm sắt đá. Họ quyết tâm trở lại với những vùng lãnh thổ đã rơi vào tay kẻ thù. Họ xứng đáng được chúng ta ủng hộ một cách toàn diện và bền vững. Đây là điều vô cùng cần thiết cả về lâu dài.
 
WELT: Liệu nước Đức và các đối tác NATO đã làm đủ để hỗ trợ vũ khí cho Ukraine?
 
Ischinger: Chúng ta đã làm rất nhiều, nhưng theo người Ukraine, bấy nhiêu là chưa đủ. Mặt khác, không cần hỏi, tôi đã nhận được lời cảm ơn từ Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine vì đã bàn giao chiếc xe tăng Haubitze 2000. Hệ thống vũ khí này đã nâng cao vị thế của chúng ta ở Ukraine. Nhưng chúng ta cũng không nên đánh giá quá cao những đóng góp của mình. Sự đóng góp của Hoa Kỳ cho cuộc chiến đấu ở Ukraine là hết sức to lớn, có thể nói chiếm một tỷ trọng rất lớn.
 
WELT: Hai năm trước, tại Hội nghị An ninh Munich, ông đã đưa ra thuật ngữ "Phương Tây vô dụng" (Westlessness) , có nghĩa là phương Tây dân chủ không đoàn kết cũng như không đủ quyết tâm để khẳng định các giá trị của mình trên thế giới. Ông đánh giá thế nào về tình hình hiện nay, sau hội nghị thượng đỉnh EU, G7 và NATO?
 
Ischinger: Tin vui là NATO, một bộ phận trong chính sách quốc phòng của phương Tây, đã vượt qua cuộc khủng hoảng về bản sắc trong những năm gần đây. Bạn hãy nghĩ đến lời của Macron về "cái chết não" hoặc "lỗi thời" của Trump. Nato được mở rộng, có thêm hai quốc gia dân chủ, rất ổn định, Thụy Điển và Phần Lan, do đó đã được củng cố về thế lực chính trị.
Tin buồn là kinh tế phương Tây vẫn bị suy giảm, do đó ảnh hưởng đến chính trị và "quyền lực mềm". Các nền dân chủ từng thống trị 2/3 nền kinh tế toàn cầu, giờ chỉ còn 1/3. Phương Tây không còn được thế giới nghiễm nhiên thừa nhận là kẻ đi đầu và là nguồn gây cảm hứng nữa.
 
WELT: Tại sao đến nông nỗi này?
 
Ischinger: Chúng ta phải tăng cường khả năng thuyết phục và tạo độ tin cậy của mình, đặc biệt đối với các quốc gia ở nam bán cầu, họ cáo buộc chúng ta áp dụng các tiêu chuẩn kép, tức là phản ứng đối với cuộc chiến tranh ở Ukraine khác với các cuộc chiến tranh ở các nước Châu Phi, ví dụ như Yemen hoặc Syria. Là các nền dân chủ phương Tây, chúng ta rõ ràng đang ở thế bị động.
 
Các nhà nước chuyên quyền và các thể chế độc tài đang ở vị thế chủ động. Họ ngày càng tỏ ra hung hăng, tự tin, đôi khi tàn bạo, hãy nhìn tấm gương nước Nga. Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng về sự tan rã của trật tự toàn cầu. Ngày càng có nhiều vi phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng đối với luật pháp quốc tế nhưng lại không bị trừng phạt . Ở Châu Âu có chiến tranh nhưng dường như vẫn có những người không nhận ra điều đó.
 
WELT: Làm sao có thể tin cậy vào cam kết của 32 quốc gia thành viên NATO về việc phòng thủ quân sự cũng như đòi hỏi phải tăng quân số nhưng lại chủ yếu do Hoa Kỳ gánh vác?
 
Ischinger: Tôi chỉ có thể hy vọng không chỉ Đức, mà tất cả các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu, sẽ ngày càng nhận thức được sự cần thiết của việc thực hiện cam kết đề ra năm 2014 là dành hai phần trăm, hoặc cao hơn, tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng về lâu dài. Chỉ khi đó yếu tố răn đe mới có thể phát huy tác dụng và đáng tin cậy.
 
Không ai có thể đảm bảo chắc chắn với chúng ta sau hai năm rưỡi nữa, kể từ bây giờ, vẫn có một người bạn xuyên Đại Tây Dương như Joe Biden và một đội ngũ như vậy trị vì ở Washington. Nếu có người lo ngại, và tôi là một trong những người như vậy, về đường lối, chính sách của Hoa Kỳ trong tương lai, thì điều quan trọng là chúng ta, những người Đức và những người Châu Âu khác phải làm cho người Mỹ hiểu rằng chúng ta không phải là những kẻ ăn bám, không có chính sách an ninh của mình.
 
Người nông dân ở Idaho phải đi đến kết luận, đối với ông ta thì việc lựa chọn một nhân vật lên làm tổng thống Mỹ mà người đó thành công trong việc đảm nhận gánh nặng trợ giúp cho việc phòng thủ Châu Âu bằng tiền thuế của người dân Mỹ . Nếu người nông dân ở Idaho thấu hiểu được điều đó thì những người thiên về chính sách xuyên Đại Tây Dương ở Washington có thể giành thắng lợi trong chiến dịch tranh cử. Nếu chúng ta không làm được việc đó, thì không còn gì để nói!
 
WELT: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin gần đây đã giải thích tại Singapore rằng trung tâm của mọi cân nhắc chiến lược của Mỹ không phải là châu Âu, mà là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Như vậy có nghĩa là, ngay cả tổng thống Biden, một người có lạp trường Xuyên Đại Tây Dương chỉ có thể giúp châu Âu thoát khỏi khó khăn lần này là lần cuối cùng?
 
Ischinger: Rất có thể như vậy. Và đó là lý do tại sao chúng ta phải theo đuổi chiến lược kép. Chúng ta phải củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bằng cách tự lực làm nhiều việc hơn nữa. Đồng thời chúng ta phải củng cố nền độc lập của Châu Âu. Emmanuel Macron gọi đó là quyền tự chủ chiến lược, tôi thích gọi cái đó là sự hành động có chủ quyền. Chúng ta không được chỉ tìm cách dựa vào mối quan hệ đối với Mỹ mà phải trở thành một đối tác bằng vai phải lứa với Hoa Kỳ.Trước mặt chúng ta là một chặng đường dài , chúng ta sẽ ở đâu trong việc đối phó với sự xâm lược của Nga nếu không có Hoa Kỳ?
 
WELT: Thủ tướng Đức Olaf Scholz tỏ ra sẵn sàng giành một quỹ đặc biệt 100 tỷ Euro cho quân đội Đức, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
 
Ischinger: Thực tình mà nói, tôi rất phấn khởi trước sự can đảm của Thủ tướng khi ông công khai đề cập đến vấn đề này ngày 27 tháng 2, ngay cả khi đảng của ông còn có những ý kiến trái chiều. Nhưng tôi thấy một thách thức to lớn, 100 tỷ Euro là rất nhiều tiền, và các nước đối tác khác cũng đang chi nhiều hơn cho quốc phòng.
 
Cái thiếu ở đây là sự thiếu phối hợp của Châu Âu trong việc sử dụng khoản đầu tư này. Chúng ta duy trì một số lượng hệ thống vũ khí ở EU nhiều gấp sáu lần so với Hoa Kỳ, nhưng phát huy hiệu quả về quân sự lại thấp hơn. Chi tiêu rất lãng phí. Đã đến lúc châu Âu phải tăng cường cùng nhau phát triển, sản xuất, đào tạo và cả cùng nhau xuất khẩu. Tổng hợp và chia sẻ là vấn đề then chốt. Tất cả những điều này sẽ chỉ phát huy được hiệu quả nếu nó trở thành vấn đề ở cấp cao nhất.
 
WELT: Châu Âu có cần chuẩn bị cả về chiến lược hạt nhân phòng khi ông Biden không được bầu lại vào cuối năm 2024?
 
Ischinger: Chắc chắn là cần rồi. Tôi nghĩ là có thiếu sót khi Đức và các nước khác đã không có phản ứng tích cực khi Macron năm 2020 đã nhiều lần bầy tỏ ý kiến về vấn đề này.
Ông ấy tuy không nêu cụ thể làm thế nào để lực lượng hạt nhân của Pháp có thể tham gia vào việc răn đe hạt nhân đối với toàn châu Âu. Nhưng ông ấy đã mở ra một cơ hội để nói về những vấn đề chiến lược rất phức tạp này. Giờ thì muộn mất rồi. Tất nhiên, Đức phải tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, không được tìm cách để có vũ khí hạt nhân của riêng mình và cũng không được mơ tưởng về điều đó. Nhưng cần phải trao đổi ngầm với người Pháp ở cấp độ chuyên gia quân sự và chiến lược về sự hợp tác có lợi cho châu Âu mà không được làm mếch lòng người Mỹ. Điều này không dễ dàng, nhưng tôi nghĩ điều này có thể làm được.
 
WELT: Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck thừa nhận Putin sử dụng khí đốt làm vũ khí. Ông lần đầu tiên coi năng lượng là một vấn đề về chính sách an ninh và đã đưa nó vào chương trình nghị sự của hội nghị an ninh năm 2013. Chính phủ Đức đã không lắng nghe, hay tại sao Đức lại phụ thuộc quá nhiều vào Nga?
 
Ischinger: Chúng ta thực sự đã mắc một sai lầm chiến lược cơ bản trong 20 năm qua, chúng ta đã coi vấn đề an ninh năng lượng và chính sách năng lượng đối ngoại là công việc của lĩnh vực kinh tế. Nói một cách thẳng thắn, chúng tôi để cho tập đoàn BASF và các khách hàng tiêu thụ khí đốt khác của Đức chọn khí đốt giá rẻ của Nga do có lợi thế về địa điểm và từ đó các đường ống dẫn dầu, khí là cần thiết.
 
Về mặt chính trị, chúng ta cả tin, người Nga chưa bao giờ sử dụng khí đốt hoặc dầu mỏ làm vũ khí chống lại chúng ta, kể cả trong Chiến tranh lạnh. Không ai cho rằng chính phủ cần phải điều tra xem xét các khả năng bị phụ thuộc về năng lượng. Trong khi đó đáng ra điều này cần phải được xem xét sớm hơn và thấu đáo hơn.
 
Bài học từ sự thiếu sót này là cần phải có một Hội đồng An ninh Quốc gia có chức năng và thẩm quyền để thường xuyên giải quyết các vấn đề trên, kể cả đối với các lĩnh vực khác.
 
WELT: Thí dụ như sự phụ thuộc vào Trung Quốc?
 
Ischinger: Những con số đã tự nói lên tất cả, đúng là có sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc không phải vì đường lối chính sách. Trong nhiều thập kỷ, chính sách Trung Quốc của Đức, mà tôi từng tham gia với tư cách là Quốc vụ khanh cách đây 20 năm, là làm sao bán được càng nhiều ô tô cho Trung Quốc càng tốt. Câu chuyện là như vậy, khỏi bàn cãi.
 
Giờ thì ai cũng biết về chiến lược thế là không ổn. Nhưng sẽ là một sai lầm rất tai hại nếu ta đánh đổ đồng Nga với Trung Quốc ngang hàng nhau và tách vấn đề này với Bắc Kinh. Sự phụ thuộc và cơ hội là quá lớn đối với thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Nếu muốn có thất nghiệp hàng loạt ở Đức, vậy thì xin cứ việc.
 
WELT: Thế thì phải làm gì?
 
Ischinger: Phương án của tôi là tạo ra khả năng phục hồi, tức là phát triển khả năng chống lại các rủi ro chiến lược dễ bị tổn thương . Nhà nước trước tiên phải xác định những rủi ro này, sau đó thực hiện các chiến lược để giảm thiểu chúng.
 
Hoặc một người nói: Vì lợi ích của việc tránh tỷ lệ thất nghiệp cao ở Đức nên kiểm tra sự phụ thuộc này, và thay đổi nó nếu cần. Điều đó không có nghĩa là phải tách rời. Có nghĩa là tất nhiên chúng ta giao dịch với Trung Quốc, tức là chúng ta đầu tư vào Trung Quốc một cách tự nhiên. Nhưng theo một nguyên tắc chỉ đạo chiến lược rõ ràng.
 
WELT: Phái Xanh nhấn mạnh các giá trị trong chính sách đối ngoại của họ. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với thương mại với các quốc gia vi phạm quyền con người?
Ischinger: Nếu chúng ta, với tư cách là một quốc gia xuất khẩu, muốn ngừng giao thương và đầu tư vào các quốc gia bị nghi ngờ là không tôn trọng quyền con người, thì chúng ta phải ngừng hợp tác với khoảng 2/3 nhân loại. Đây không phải là một viễn cảnh thực tế đối với Đức. Tất nhiên, nhiệm vụ của chúng ta là gây ảnh hưởng đến các quốc gia như vậy vì quyền con người. Nhưng đó không thể là một tiêu chí duy nhất. Chúng ta không phải là vị cứu tinh của thế giới.
 
WELT: Có nghĩa là chúng ta hy vọng người Trung Quốc không bắt chước Nga cư xử với Đài Loan…
 
Ischinger: Điều đầu tiên chúng ta phải làm là chấm dứt tình trạng Đức, Pháp hoặc Tây Ban Nha theo đuổi một chính sách riêng đối với Trung Quốc. EU cần có một chính sách chung, thống nhất đối với Trung Quốc. Chúng ta phải nói với một giọng điệu giống nhau ở Trung Quốc, chúng ta cũng phải nói với một giọng nói như nhau ở Washington khi đề cập đến vấn đề Trung Quốc, và cần nói chuyện đó một cách vui vẻ. Tất cả chúng ta đều rất ủng hộ không thay đổi hiện trạng của Đài Loan, chắc chắn không phải bằng biện pháp quân sự từ phía Trung Quốc.
 
Nếu điều đó giúp Mỹ răn đe về quân sự trong khu vực, thì càng tốt. Nhưng xin vui lòng có sự phối hợp với châu Âu chúng tôi! Bởi vì tương lai của chúng ta phụ thuộc vào vấn đề này. Nếu chiến tranh nổ ra ở Đài Loan, thì ngay ngày hôm sau ánh sáng sẽ tắt ngóm ở Wolfsburg và Ingolstadt. Chậm nhất là ngày mốt. Đó là lý do tại sao châu Âu phải đóng vai trò chiến lược mạnh mẽ hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và phải thể hiện sự hiện diện nhiều hơn.
 
WELT: Ở Đức, vào lúc này, mọi người chỉ nhìn vào cuộc chiến tranh ở Ukraine. Những điểm khủng hoảng nào hiện chưa được chú ý nhưng có thể bùng nổ trong tương lai gần?
 
Ischinger: Tôi rất lo ngại là chúng ta không có thời gian và sức lực để giải quyết vấn đề Iran, do phải tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine, điều naỳ là cần thiết. Các chuyên gia cho rằng Iran, nếu không ngày nay, thì trong thời gian gần nhất sẽ ở tình thế có đủ nguyên liệu cần thiết cho một thiết bị nổ hạt nhân. Điều này có nghĩa là câu hỏi liệu các cuộc đàm phán hạt nhân cuối cùng có thất bại hay không là rất cấp thiết. Đây chỉ là một ví dụ.
 
Tôi cũng thấy vấn đề Libya chưa được giải quyết, cuộc khủng hoảng lương thực, đặc biệt là ở vùng Sừng châu Phi, các cuộc xung đột ở Yemen và Syria. Thế giới đang đứng trước nhiều hiểm nguy, không chỉ ở Ukraine./.
 
Nguồn: Abwendung von China? „Wenn wir hier Massenarbeitslosigkeit wollen, dann bitteschön“