Sự vô trách nhiệm của lãnh đạo Sài Gòn trong việc chống ngập

Mưa: đường ngập. Không mưa: đường cũng ngập là câu chuyện đã trở thành một bi hài kịch của người dân Sài Gòn.

Sau mỗi trận mưa, người dân lại phải chống chọi với dòng nước đen ngòm, bẩn thỉu, hôi thối dù ngoài đường hay ở trong nhà. Mưa và ngập đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực vì nó khiến tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng và đương nhiên mọi sinh hoạt bị đảo lộn.

Điều thấy rõ nhất là các cửa hàng buôn bán, kinh doanh của người dân vắng hơn chùa bà đanh. Chưa kể, hàng chục con hẻm trải rộng ở nhiều quận huyện nước tràn nền nhà, người dân vất vả dùng ván ngăn dòng, lấy can nhựa tạt nước, thậm chí có trường hợp vừa ngăn bao cát vừa cho máy bơm hút nước từ trong nhà ra ngoài đường.

Câu hỏi đặt ra là tình trạng nói trên đã kéo dài hàng chục năm qua và biết bao Hội nghị “khắc phục” được tổ chức với nhiều dự án nhưng đâu vẫn vào đó, thậm chí còn tạo ra những tranh cãi trái chiều.

Ví dụ như năm qua, lãnh đạo thành phố Sài Gòn giao cho Tập đoàn Quang Trung thí điểm lắp đặt máy bơm công suất 96.000 m3/h, trị giá cả trăm tỷ đồng ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận Bình Thạnh để chống ngập. Kèm theo đó, chính quyền thành phố cũng khẳng định sẽ nhân rộng mô hình này nếu thử nghiệm thành công.

Nhưng chưa thử nghiệm dự án này thì ngay lập tức gây ra nhiều tranh cãi trái chiều trong xã hội. Truyền thông nhà nước dành những lời hoa mỹ nhất để ca ngợi quyết định trên của lãnh đạo thành phố. Nhưng nhiều chuyên gia thủy lợi lại nhìn nhận giải pháp trên chỉ mang tính chắp vá, cục bộ và phản ánh thực tế việc tìm kiếm giải pháp chống ngập của chính quyền thành phố Sài Gòn đang gặp bế tắc và thiếu viễn kiến.

Thực tế là giải pháp dùng máy bơm để hút nước chống ngập được lãnh đạo Thành Phố Sài Gòn áp dụng lâu nay nhưng không mấy hiệu quả. Lý do là dùng máy bơm để chống ngập chỉ giống như bôi thuốc đỏ để chống ghẻ lở, vì máy bơm chỉ đạt hiệu quả đến một mức nào đó, nên dù nâng công suất máy lên cũng không tăng lượng nước thoát do còn phụ thuộc vào hệ thống cống thoát nước.

Cụ thể là chiều ngày 21 tháng 9, trong cơn mưa ngắn, trạm bơm khủng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh sau 15 phút bơm đã hoạt động hiệu quả, đường khô. Thế nhưng cũng trạm bơm này, cơn mưa lớn chiều 30 tháng 9, sau 2 giờ vận hành thì đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn như sông…

Nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra là đường Nguyễn Hữu Cảnh nằm song song với sông Sài Gòn, cách bờ sông từ 100 mét đến 300 mét, rất thuận lợi xây dựng cống rãnh, cho nước tự thoát ra sông Sài Gòn, vậy tại sao lại phải dùng máy bơm khủng?

Hơn nữa điểm đặt máy bơm hiện nay nằm dưới cầu Thủ Thiêm, chỉ cách bờ sông Sài Gòn đúng 100m, nếu làm cống rãnh thoát nước thì chi phí không tới 5 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Quang Trung lại cho Thành phố thuê máy bơm này với giá 12 tỷ đồng mỗi năm?


Siêu máy bơm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận Bình Thạnh. Ảnh: docbao.vn

Bên cạnh đó, nếu nhân rộng mô hình này áp dụng cho toàn thành phố và xem đây là cứu cánh cho giải pháp chống ngập thì sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy khác.

Ví dụ theo tính toán, nếu dùng máy bơm thì chỉ có cách lắp đường ống xả nước, từ miệng máy bơm kéo dài đến tận chỗ sông rạch gần nhất, thường khoảng vài ba cây số đến hàng chục cây số. Đồng thời, dùng máy bơm 96.000m3/h, thì ống xả nước phải có đường kính khoảng 3mét, cao gần bằng trần nhà chung cư, rộng bằng các căn nhà ống, ô tô có thể chạy trong ống đó. Đường ống to như thế này sẽ chặn hết phố phường, xe cộ và người sẽ không vượt qua được. Điều đó là không khả thi.

Nếu việc lắp một trạm bơm để chống úng cho một cánh đồng rộng lớn đã là không hợp lí, lắp đặt cho đô thị lại càng vô lý hơn.

Trong thủy lợi có một nguyên tắc về công tác thiết kế là với tưới thì công trình phải tập trung, nhưng với tiêu thì phải phân tán. Lịch sử thủy lợi Việt Nam đã vấp phải sai lầm này khi xây dựng 6 trạm bơm tưới tiêu kết hợp ở Hà Nam Ninh. Kết quả là tưới thì rất tốt nhưng tiêu thì hiệu quả không cao, nhiều nơi nước vẫn rút chậm được nhưng lúa bị hỏng vì bị ngâm lâu.

Khó hơn việc tiêu úng tại khu vực nông thôn, việc tiêu úng ở đô thị còn phụ thuộc vào hệ thống cống, nếu cống nhỏ quá thì nước về không kịp và đi kèm nguy cơ xói lở, sập cống nếu lưu tốc trong cống quá lớn. Đó là chưa nói tới việc chống úng cho Sài Gòn ngoài phụ thuộc vào lượng nước mưa còn phụ thuộc vào mực nước triều, đồng thời phải tính đến lũ trên hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Hơn nữa, thông tin từ các báo cáo cho thấy, ngập toàn trong thành phố chính là ngập tại các vùng trũng, nằm lọt giữa vùng đất xung quanh cao hơn. Khi vùng trũng bị ngập, nếu dùng máy bơm, thì nước không có vị trí đổ. Bởi nếu đổ ra xung quanh thì không được, nước sẽ tràn xuống trở lại, muốn đổ vào cống rãnh, thì lấy đâu ra cống rãnh, vì thiếu cống rãnh nên mới xảy ra ngập cục bộ.

Đó là nghịch lý thực sự, khiến cho vấn đề chống ngập cứ loay hoay trong nhiều thập niên qua!

Lý do là hầu hết hệ thống thoát nước cũng như các đê bờ bao của Sài gòn đã cũ kỹ và quá tải. Do đó, giải pháp đầu tiên để chống ngập tại Sài Gòn phải là khai thông dòng chảy, xây dựng một mạng lưới cống rãnh hiện đại phù hợp với tốc độ tăng trưởng lượng mưa và triều cường.

Kinh nghiệm chống ngập nước tại các thành phố lớn ở Hà Lan hay Bangkok cho thấy, để giải quyết bài toán ngập nước, đặc biệt là trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, cần phải thực hiện 3 bước giải pháp:

1/ Giải pháp ngăn chặn bằng các công trình chống ngập (xây dựng hoàn chỉnh hệ cống, trạm bơm, đê ngăn triều…);

2/ Giải pháp thích nghi (xây dựng hệ thống dẫn dòng, hồ điều tiết, hầm chứa nước sự cố...);

3/ Giải pháp giảm nhẹ thiệt hại (xây dựng nhà thích ứng với vùng ngập lụt, xây nhà dân có hồ trữ nước mưa tạm thời,…).

Thực tế tại Sài Gòn, người ta mới loay hoay khai triển bước 1 (ngăn chặn bằng các công trình chống ngập) còn bước 2 và 3 thì hình như là chuyện của ai đó!

Trong khi đó, thành phố Bangkok cũng đã trải qua nhiều năm ngập lụt cũng khủng khiếp không thua gì Sài Gòn trong các thập niên 80 và 90; nhưng Bangkok đã thực hiện hoàn chỉnh giải pháp ngăn chặn chống ngập bằng công trình từ năm 1995 – tức đi trước Sài Gòn khoảng 20 năm.

Một điều đáng nói là những giải pháp các công trình chống ngập ở Sài Gòn đã và đang thực hiện dường như không còn phù hợp với tình hình thực tế, lạc hậu, thiếu gắn kết đồng bộ giữa các quy hoạch thành phần. Nhiều dự án đã hoàn thành nhưng chỉ cần trời mưa với lượng mưa trung bình thì đã gây ngập nặng.

Lùi về lịch sử, trước năm 1975 ngập úng ít xẩy ra tại Sài Gòn, kể cả sau những cơn mưa lớn. Tuy nhiên khoảng 20 năm gần đây, ngập úng tại đây lại ngày càng gia tăng.

Hầu hết các nhà lãnh đạo đều đổ lỗi cho biến đổi khí hậu. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy, đây chính là hậu quả được tạo ra bởi con người, cụ thể là do quy hoạch thiếu tầm, công tác quản lý đô thị kém.

Thay vì phát triển về vùng cao phía Đông - Đông Bắc thì lãnh đạo thành phố Sài Gòn lại chọn hướng ngược lại; theo đó, các khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Nam Sài Gòn lần lượt được xây dựng tọa lạc ngay trên khu vực vùng trũng - nơi trước đây từng là những hồ tự nhiên chứa nước của thành phố.

Thêm nữa, toàn bộ khu Nhà Bè, Quận 7 - cửa thoát nước chính của Sài Gòn cũng đang bị đô thị hóa mạnh mẽ, mà hệ quả của nó là tình trạng san lấp kênh rạch vô tội vạ. Thống kê trong khoảng 14 năm (từ 1990 đến 2004) có chừng 47 kênh rạch lớn nhỏ với tổng diện tích hơn 16 ha đã hoàn toàn bị san lấp. Kết quả là chỉ trong 10 năm đô thị hóa, khả năng chứa nước trong thành phố đã giảm gần 10 lần.

Cho đến nay thành phố Sài Gòn đã tốn hơn 1 tỷ USD từ nguồn vốn ODA, chưa kể đại dự án trị giá 12 ngàn tỷ đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Nhưng cho đến nay, công tác phòng chống ngập lụt ở Sài Gòn vẫn đang là bài toán được giải trong mò mẫm.

Biện pháp và nguồn tài chính để tiếp tục sứ mệnh hầu như đang bế tắc, chưa được tìm thấy hướng giải quyết rõ ràng từ các nhà chức trách. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm với kết quả của những luận chứng thất bại khi điều hành, khi sử dụng khoản tiền khổng lồ, góp phần đẩy nợ công lên cao mà không đem lại hiệu quả thiết thực.