Tập Cận Bình đối đầu Chloé Zhao

Diễn viên Frances McDormand (trái) và đạo diễn Chloe Zhao, tại lễ trao giải Oscar, 25 tháng Tư.

Ngô Nhân Dụng - VOA|

Người ta thường hãnh diện khi thấy dân nước mình thành công ở ngoại quốc. Chẳng hạn dân Algerie xuống đường hoan hô khi Zinedine Zidane làm bàn giúp đội tuyển Pháp chiếm giải Túc Cầu Âu châu. Người Argentine cũng ăn mừng khi Diego Maradona được cả hai đội lớn FC Barcelona và Napoli giành dựt. Năm 1958, giải Tchaikovsky khai trương ở Moscow, Van Clibburn được huy chương vàng mới 23 tuổi, được người Mỹ đón tiếp như một anh hùng. Khi Đặng Thái Sơn, 22 tuổi, chiếm giải Chopin năm 1980 không những người Việt mà các nước Á châu đều hãnh diện.

Cộng sản Trung Quốc khác hẳn! Chloé Zhao, tên thật là Zhao Ting (Triệu Đình, 赵婷) mới được tặng giải đạo diễn xuất sắc nhất cho cuốn phim “Nomadland” (đất của dân không nhà); cuốn phim cũng được tặng giải. Nhưng bây giờ các báo, đài ở Trung Quốc không được phép nhắc đến tên cô. Tên cô và tên cuốn phim xuất hiện trên mạng bị kiểm duyệt xóa ngay tức khắc.

Nhưng các công dân mạng bên Trung Quốc vẫn tiếp tục trao đổi tin tức và bình luận về cô đạo diễn đồng hương 39 tuổi. Thay vì gọi tên Triệu Đình, họ chỉ cần viết “Cô Gái Đó!” Hoặc đặt cho cô cái tên mới “Con gái của Mây!” Tên cuốn phim, dịch sang tiếng Trung Hoa là “Vô Y Chi Địa” được đổi thành “Hữu Y Chi Thiên!” Sau mấy ngày, các quan kiểm duyệt khám phá ra trò chơi đổi tên này và tiếp tục truy nã!

Những người vào mạng Weibo (Vi Bác) thích thú nhất về mấy câu mở đầu cuốn Tam Tự Kinh mà Triệu Đình đọc, bằng tiếng Tàu, “Nhân chi sơ – Tánh bổn thiện.” Cô kể chuyện hồi nhỏ ông bố dạy cô học Tam Tự Kinh (Sách Ba Chữ) và bầy trò chơi thử thách cô con gái đọc lại cho đúng.

“Con người sinh ra vốn sẵn tánh thiện.” Cô Triệu Đình nhắc đến những nhân vật trong cuốn phim, những người Mỹ lớn tuổi phải thay đổi chỗ ở luôn luôn vì mất việc chỗ này lại đi kiếm ăn chỗ khác, như dân du mục – nomad trong tiếng Anh. Cô cùng với cô Frances McDormand, người chiếm giải nữ diễn viên xuất sắc, cùng nhau đi tìm hiểu cuộc sống của những người không có nơi cư trú nhất định. Cô mời nhiều người tham dự khi quay phim. Triệu Đình nhắc đến câu Tánh Bản Thiện để ghi nhận rằng, “… tôi luôn luôn thấy tánh thiện ở những người tôi gặp khắp nơi trên thế giới.”

Đáng lẽ người Trung Hoa khắp thế giới phải hãnh diện khi thuyết “Tánh Thiện” do Mạnh Tử đề xướng được truyền đi trong một đại hội phim ảnh thường có vài chục triệu người theo dõi trên ti vi – năm nay chỉ còn một phần ba. Có lẽ đây là lần thứ nhì có người Trung Hoa đóng vai sứ giả văn hóa như vậy. Người đi trước là triết gia Hồ Thích. Năm 1945, năm cường quốc thắng Đại Chiến Thứ Hai thành lập Liên Hiệp Quốc. Hồ Thích là đại sứ Trung Hoa Dân Quốc, đã vận động đại diện của các nước khác đồng ý ghi một câu vào bản Hiến chương: “Người trong bốn biển đều là anh em.” Đó là lời Khổng Tử, “Tứ hải chi nội giai huynh đệ.” Hồ Thích đưa ra một câu trích trong sách Luận Ngữ, còn cô Triệu Đình chỉ học tới Tam Tự Kinh! 

Tam Tự Kinh là cuốn sách đầu tiên trẻ em được học ở Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản đời xưa. Không ngờ, đến thời Đặng Tiểu Bình ở bên Trung Quốc còn những ông bố dạy con những câu thơ ba chữ đó! Hiện tượng này cho thấy Mao Trạch Đông hoàn toàn thất bại khi muốn xóa sạch quá khứ! Vì thế, một cô gái đã từ giã quê hương từ năm 14 tuổi; trong lòng vẫn giữ được những câu “Tánh bổn thiện!”

Tháng Hai vừa qua, cô Chloé Zhao đã được tặng giải Golden Globes về cuốn phim này. Khi đó, đảng Cộng sản còn chưa biết gì về cô, cho nên báo đài nhà nước coi cô là một “niềm hãnh diện.” Trên mạng Weibo xuất hiện bao nhiêu lời khen ngợi. Tài tử Chương Tử Di, nổi tiếng trong phim Tàng Long Phục Hổ, đã chúc mừng và tiên đoán, “Chờ đoạt giải Oscars!”

Mấy ngày sau, có tay mật thám tìm thấy và đưa trên mạng lời của cô Triệu Đình từ năm 2013, cô nói rằng Trung Quốc là nước “đâu đâu cũng chỉ toàn dối trá.” Khi đó cô đã qua Mỹ được mươi năm, sau khi học trung học ở bên Anh. Các quan kiểm duyệt bắt đầu chém. Họ không cho các đài chiếu đêm hội Oscars như mọi năm, dân Hồng Kông cũng không được coi! Trên mạng còn bêu xấu cô, đưa lên lời cô nói với một nhà báo Australia vào cuối năm 2020, rằng “Bây giờ nước Mỹ là quê hương tôi” – mặc dù tờ báo sau đó đã cải chính, xác định lời cô nói thật sự là “Nước Mỹ chưa phải là quê hương tôi.”

Khi cô Triệu Đình được giải Oscars, chủ bút tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo bản tiếng Anh, Global Times, cũng khen ngợi cô không quên nguồn cội, và tỏ ý hy vọng cô sẽ đóng một vai hòa giải giữa hai nước Trung, Mỹ. Nhưng sau đó, tờ báo cũng đổi giọng.

Năm 2014 Tập Cận Bình đã kêu gọi dân chúng phải “tự tin về văn hóa,” và đề cao vai trò của các nghệ sĩ, nhất là các nhà làm phim, gọi họ là “linh hồn của dân tộc.” Ông muốn Trung Quốc phải chạy đua với phim ảnh Mỹ và Ấn Độ, hai nước nổi nhất thế giới về phim ảnh. Nhưng Cộng sản Trung Quốc không thể nào khích lệ các nghệ sĩ. Vì con người chỉ phát triển óc sáng tạo khi được sống và suy nghĩ tự do. Chính các đạo diễn nổi tiếng như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca đã nhiều lần bị cơ quan kiểm duyệt cảnh cáo. Cuốn phim cuối cùng của Trương Nghệ Mưu, “Một Giây” gửi đi dự đại hội điện ảnh Berlin năm 2019, bị rút lại vào ngày chót.

Cô Triệu Đình không phải là người nổi tiếng đầu tiên bị chế độ cộng sản đuổi ra khỏi các mạng chỉ vì nói sự thật. Một cầu thủ quốc tế là Hác Hải Đông, Hao Haidong, đã về hưu nhưng bây giờ vẫn giữ kỷ lục số bàn đá vô khung thành, cũng bị đảng “khai trừ” không được lên mạng. Năm ngoái, ông và bà vợ, một cựu vô địch cầu lông (badminton) đã lên tiếng trong ngày kỷ niệm Thiên An Môn. Họ tố cáo cuộc thảm sát và chỉ trích chính sách diệt chủng ở Tây Tạng. Họ nói thẳng đảng Cộng sản gây ra những tội ác đối với loài người! Hai vợ chồng bị cấm lên mạng, tên tuổi họ bị xóa trên các diễn đàn chuyên về thể thao. 

Trung Cộng có thể xây nhiều xa lộ và đường xe lửa nhất thế giới; làm nhiều điện thoại và xe chạy điện nhất thế giới; dân Trung Quốc vẫn ăn nhiêu thịt heo nhất thế giới; nhưng Tập Cận Bình sẽ thất bại trong cả hai lãnh vực, văn hóa và thể thao. Đúng như Hác Hải Đông nhận xét, môn bóng đá ở cả Trung Quốc không ngoi lên được, chỉ vì nạn tham nhũng! Trong một tỷ dân thế nào cũng phải có những tay đá banh xuất chúng. Nhưng các cầu thủ thiếu niên muốn được đi tập luyện ở các trường nhà nước thì cha mẹ phải hối lộ. Các trận đấu đều được đánh cá độ, và chính các cầu thủ cũng cố ý thua nếu được các quan trên đưa tiền.

Tập Cận Bình cũng bỏ lỡ một cơ hội không biết lợi dụng giải Oscars của cô Chloé Zhao. Những lời cô chê Trung Quốc “ở đâu cũng toàn dối trá” thực ra có mấy người dân nghe thấy đâu! Mà họ nghe cũng không sao, vì hơn một tỷ dân đã biết như thế từ lâu rồi, đâu cần cô Triệu Đình mách bảo! Nếu Tập Cận Bình khôn ngoan thì mời Zhao cô về nước, tặng huân chương, và nhờ cô đóng một vai hòa giải với nước Mỹ!

Nhưng Tập Cận Bình không thể khôn ngoan như thế được. Đảng Cộng sản đã quen hoạt động như vậy. Nó ganh ghét những người thành công, nhất là thành công ở nước ngoài. Nó nghe ai nói gì xấu về chế độ thì phải “chặt đầu” liền, như một cái máy chém tự động. Cái máy đó bây giờ lại dùng tin học điện tử và trí khôn nhân tạo nên phản ứng rất nhanh và rất tàn bạo! Chắc bây giờ cô Chloé Zhao phải tự hỏi: Nên chọn nơi nào làm quê hương?

Ngô Nhân Dụng