Trung Quốc từ từ siết thòng lọng quân sự quanh Việt Nam

Ảnh  Fb Việt Tân|

- Báo Người Việt -

“Tình nghĩa đồng chí anh em” giữa CSVN với Trung Quốc chỉ là đầu môi chót lưỡi khi Bắc Kinh đang có các hành động siết thòng lọng về quân sự quanh Việt Nam.

Ngày 29 Tháng Tư vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng CSVN Ngô Xuân Lịch nói chuyện qua điện thoại với Tướng Ngụy Phụng Hòa, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, mượn cớ “trao đổi về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của lực lượng quân đội hai nước,” để nói về Biển Đông, theo báo Quân Đội Nhân Dân của Bộ Quốc Phòng CSVN.

Tờ Quân Đội Nhân Dân viết, “Về vấn đề Biển Đông, hai Bộ trưởng cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hai bên cần tăng cường trao đổi, giữ vững hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Phát huy truyền thống quan hệ hữu nghị, thiện chí, Việt Nam kiên quyết, kiên trì giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển vì lợi ích của nhân dân mỗi nước và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.”

Tân Hoa Xã cũng có bản tin kể lại vắn tắt cuộc điện đàm nói trên, thuật lời tướng Ngụy Phụng Hòa nói “hai bên nên gia tăng liên lạc và xử lý các bất đồng một cách thích đáng.”

Tân Hoa Xã thuật lời ông Ngô Xuân Lịch là sẵn sàng “mở rộng hợp tác và bảo vệ an ninh và ổn định trên đất liền cũng như trên Biển Đông” với Trung Quốc.

Người ta không biết đích thực nội dung cuộc điện đàm nói trên nên không rõ có phải Hà Nội và Bắc Kinh dò dẫm phản ứng của nhau, mà chuyện trao đổi về chống đại dịch COVID-19 chỉ là cái cớ, sau khi hai bên gửi công hàm xác định lập trường về chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, gây căng thẳng tình “đồng chí anh em” không bao lâu trước đó.

Theo ông David Koh, một chuyên viên nổi tiếng của Singapore về các vấn đề Đông Nam Á thường được báo chí quốc tế phỏng vấn, hiện đang nghiên cứu tại Viện Hợp Tác và Hòa Bình của Cambodia, viết phân tích trên tờ South China Morning Post, thì cái gọi là tình “đồng chí anh em” giữa Hà Nội và Bắc Kinh không còn nữa. Bắc Kinh chỉ còn coi Hà Nội là đối tác về mặt thương mại nhưng đồng thời là địch thủ trong tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.

Nhằm đối phó với Hà Nội, Bắc Kinh đã chuẩn bị một kế hoạch từ lâu là từ từ siết vòng vây quanh Việt Nam cả trên bộ lẫn trên biển.

Trên biển thì biến quần đảo Hoàng Sa và các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa thành những căn cứ khổng lồ cho cả hải quân và không quân. Trên bộ thì biến các nước láng diềng phía tây của Việt Nam thành những vòng đai cả kinh tế và quân sự hoạt động theo đường lối của Bắc Kinh.

Người ta từng đề cập đến sự lũng đoạn từ chính trị, kinh tế đến quân sự của Trung Quốc ở Lào. Mới tháng trước, Trung Quốc và Cambodia mở cuộc tập trận chung ở tỉnh Kampot, sát cạnh tỉnh Kiên Giang của Việt Nam.

Cuối năm ngoái, báo New York Times thuật tin từ Ngũ Giác Đài tỏ ý nghi ngờ về một phi trường đang được xây dựng bằng tiền của Bắc Kinh tại vùng biển hoang vu tỉnh Koh Kong, phía tây sát Kampot.

Trong khi Hà Nội đưa ra bản “Sách trắng quốc phòng” với 4 không “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế,” thì Bắc Kinh tiếp tục siết thòng lọng quanh Việt Nam.