Vai trò “trung tâm” của Nhật Bản trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương

Lý Thái Hùng

Sự kiện Thủ Tướng Yoshihide Suga bay sang Hoa Thịnh Đốn và là người đầu tiên được Tổng Thống Joe Biden đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 16 tháng Tư, 2021 đã làm nảy sinh hai cảm xúc: vui và lo trong dư luận Nhật Bản hiện nay.

Vui là thấy vai trò của Nhật Bản đã trở thành “trung tâm” trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đối với cựu Thủ tướng Abe, người tiền nhiệm của Thủ tướng Suga, và đảng Dân Chủ Tự Do Nhật Bản thì đây là một điều đáng “hãnh diện” vì ý tưởng nối kết và xây dựng Ấn Độ và Thái Bình Dương thành khu vực chiến lược của thế kỷ 21 là do Nhật đề xuất từ năm 2004 cho đến nay, và đã được Tổng Thống Biden chính thức chọn lựa như một thử nghiệm trong quan hệ đối tác đa phương mới, linh hoạt, nhằm định hình sự cân bằng quyền lực ở Ấn Độ – Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy khá hung hăng của Trung Quốc. Việc Tổng Thống Biden, đề cử cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Kurt M. Campbell, nằm trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, làm cầu nối quan trọng giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản để khai triển chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương trong 4 năm tới là điều mà Tokyo thấy rằng chính quyền Biden đã chuyển hướng rõ rệt về Á Châu và nhiệt tình nghĩ đến Bộ Tứ.

Lo là liệu Tổng Thống Biden nói riêng và chính quyền Hoa Kỳ nói chung sẽ kéo dài “nhiệt tình” đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đến bao lâu? Giới kinh doanh và chính trị tại Nhật Bản hoan nghênh về sự đối xử đặc biệt của siêu cường Hoa Kỳ đối với Nhật Bản, nhưng cũng quan ngại rằng người Mỹ thay đổi hướng đi rất nhanh một khi quyền lợi không còn phù hợp hay tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Hoa Thịnh Đốn. Ngoài ra, chính quyền Biden có nhiều mối quan hệ với Châu Âu hơn là Châu Á, và rất ít thành viên cao cấp trong bộ máy quốc phòng và đối ngoại có chuyên môn sâu rộng về Á Châu, đặc biệt là về Nhật Bản hay Ấn Độ. Nhưng cái mà Tokyo cũng lo ngại là liệu Nhật Bản có đáp ứng được hết các đòi hỏi từ Hoa Thịnh Đốn trong thế liên minh mới của Bộ Tứ, trong lúc phải cân bằng các quan hệ thương mại với Bắc Kinh.

Khi đến Bộ Ngoại Giao nói chuyện vào tháng Hai, 2021, Tổng Thống Biden đã nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ là sự cạnh tranh mang tính địa chính trị, mà quan trọng hơn là cuộc chiến giữa dân chủ và độc tài. Chính từ nền tảng này, chính quyền Biden đã “thuyết phục” Tokyo phải hành động tích cực hơn về dân chủ của Á Châu. Sự thuyết phục này đã thành công khi Hoa Kỳ và Nhật Bản đã cùng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh đã vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng tại Tân Cương cùng các vấn đề khác, sau cuộc họp giữa Bộ Trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của hai nước (được mệnh danh là cuộc họp 2+2) vào ngày 16 tháng Ba, 2021.

Không những thế, Nhật Bản cũng đã linh động hơn quan điểm về Đài Loan kể từ sau cuộc họp 2+2. Trong hơn 5 thập niên qua, Nhật Bản luôn luôn giữ lập trường nhất quán là: “Khuyến khích đối thoại cho một giải pháp hòa bình giữa đôi bờ eo biển Đài Loan.” Nhưng nay, Tokyo đã cho rằng các hành động răn đe quân sự của Bắc Kinh ở eo biển Đài Loan là “sự kiện đáng quan ngại.”  Sau cuộc họp 2+2, Hoa Kỳ và Nhật Bản cam kết tổ chức thường xuyên các cuộc tập trận trên quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quần đảo Senkaku – do Tokyo kiểm soát, nhưng Bắc Kinh cố đòi hỏi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Nếu nhìn xa hơn dụng ý của các cuộc tập trận này người ta phải ngầm hiểu cũng là nhằm phòng thủ cả Đài Loan. Đó cũng là lý do vì sao trong cuộc gặp mặt ở Tòa Bạch Ốc lần này, Tổng Thống Biden và Thủ Tướng Suga sẽ bàn về tình hình eo biển Đài Loan.

Những diễn tiến nói trên, rõ ràng là Nhật Bản đã trở thành “trung tâm” của chính sách đối ngoại mà Tổng Thống Biden muốn qua đó, tiếp cận các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc đang chiếm đến 65% ảnh hưởng theo cuộc thăm dò mới đây của Trung Tâm ASEAN thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược ISEAS Yusof Ishak, Singapore.

Mặc dù Bộ Tứ (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ) coi khối ASEAN là trung tâm của chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương; nhưng qua cuộc thăm dò nói trên, có đến 40% các nước trong khối ASEAN chưa hiểu rõ chủ đích của Bộ Tứ là liên minh thuần túy quân sự hay kinh tế, và có đến 20% nghĩ rằng đây chỉ là công cụ để các cường quốc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.

Cũng qua cuộc thăm dò này, các nước trong khối ASEAN đánh giá cao vai trò của Nhật Bản  trong khu vực. Thứ nhất là về mức độ tin tưởng để cộng tác, Nhật Bản chiếm đến 51%, trong khi Hoa Kỳ chỉ đạt 30%, Trung Quốc 12% và các nước khác 7%. Thứ hai là về vai trò lãnh đạo Á Châu nếu Hoa Kỳ không còn  muốn can dự nữa, thì Nhật Bản được chọn là 40%, Ấn Độ 19%, Trung Quốc 18% và còn lại các nước 23%. Những con số này tuy không nói lên tất cả, nhưng rõ ràng là Nhật Bản có một vai trò “tiên phong” để tranh thủ khối ASEAN hợp tác với Bộ Tứ trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Tóm lại, Nhật Bản không còn núp sau những “tế nhị” thương mại và an ninh khu vực nữa, mà đã có quyết tâm thay đổi chiến lược để cùng với Hoa Kỳ xây dựng một chiến lược mới nhằm, không chỉ ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, mà còn thay đổi cục diện tại Á Châu trong cuộc chiến giữa dân chủ và độc tài chuyên chính.

Nhưng quan trọng hơn cả là Hoa Kỳ, đặc biệt là chính quyền Biden, phải nhanh chóng có ngay một số thành quả liên quan đến giá trị Mỹ mà nhân loại xiển dương như vấn đề Tân Cương, Hong Kong và nhất là sớm chấm dứt cuộc thảm sát tại Miến Điện mà khối ASEAN đang bất lực giải quyết. Nếu không, Hoa Thịnh Đốn không chỉ đánh mất uy tín, mà còn bị khối ASEAN và thế giới coi là con cọp giấy trước một Trung Quốc đang trỗi dậy một cách hung hãn.

Lý Thái Hùng

https://viettan.org/vai-tro-trung-tam-cua-nhat-ban-trong-chien-luoc-an-d...