Việt Trung đồng sàng dị mộng

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn được lãnh đạo hai nước đề cao theo khẩu hiệu “sông liền sông, núi liền núi” và “môi hở răng lạnh” hay có cùng hệ thống chính trị, vừa là đồng chí vừa là anh em. Tuy nhiên bộ mặt thật của mối quan hệ này không hoàn toàn tốt đẹp, mà nó cũng đã nhiều lần trải qua sóng gió.

Vừa qua, hai Bộ Trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Vương Nghị của Trung Quốc đã có một cuộc trao đổi qua điện thoại về những vấn đề liên quan giữa hai nước. Theo tường thuật của báo chí, Vương Nghị với tư cách là đồng chí anh em đã hứa hẹn “Trung Quốc sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.” Vương Nghị cũng nhắc Việt Nam phải lưu ý đến “một sứ mệnh chung” là củng cố niềm tin và sự đoàn kết, tăng cường hợp tác chiến lược và bảo vệ lợi ích chung.

Trong khi đó Bộ Trưởng Bùi Thanh Sơn lại tránh né không đá động gì đến “con đường xã hội chủ nghĩa” mà Vương Nghị hứa dìu dắt. Ông Sơn chỉ nói những vấn đề chung chung xưa nay như “giữ gìn và phát triển tình hữu nghị truyền thống” và coi “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Vương Nghị nhắc nhở Việt Nam “giải quyết đúng đắn các vấn đề trên biển.” Trong khi đó Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đến yêu cầu hai bên giải quyết tranh chấp theo tinh thần tôn trọng lợi ích chung theo luật pháp quốc tế. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn cho yêu sách chủ quyền biển đảo của Việt Nam là không đúng đắn và xâm phạm lợi ích của họ. Theo đó, Trung Quốc chỉ muốn xử lý song phương các tranh chấp theo những gì Việt Nam cam kết với Trung Quốc trong tình hữu nghị. Còn Việt Nam thì muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và hướng về cách giải quyết đa phương trên nền tảng luật pháp quốc tế như Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Như thế, chỉ nhìn qua nội dung những lời phát biểu của đôi bên, người ta thấy rõ quan hệ giữa CSVN và Trung Quốc ẩn hiện trong hình thức “bằng mặt nhưng không bằng lòng.” Người ta còn nhớ vào năm 2014, khi được đại biểu quốc hội chất vấn về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, thủ tướng thời ấy là Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời trong một ý nghĩa tương tự: “đó là vừa hợp tác, vừa đấu tranh.” Cho tới thời điểm hiện nay, trong tư thế kẻ mạnh, sự hung hăng của Bắc Kinh ngày càng làm tăng mối hiềm khích và sự nghi ngờ từ phía Việt Nam, vốn chịu lép vế trước một đàn anh khó tách rời.

Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, muốn quay lại thời kỳ chuyên chính vô sản theo kiểu vừa hồng vừa chuyên để đối đầu với Hoa Kỳ và đồng minh. Ngoài nước thì áp dụng lối ngoại giao “chiến lang” bất chấp luật pháp quốc tế; trong nước thì kích động tinh thần dân tộc để nắm giữ thế độc quyền chính trị.Trong khi đó Trung Quốc cũng muốn Việt Nam tiếp tục đi theo con đường xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc. Như thế có nghĩa là Việt Nam tiếp tục phụ thuộc và gắn kết chặt chẽ với Bắc Kinh để chống lại ảnh hưởng của Mỹ, nhất là tại chiến trường Đông Nam Á. Ngược lại, Việt Nam đang cần tiền nên phải mở rộng thương mại với Mỹ cũng như Châu Âu trong mục tiêu lâu dài là dựa vào Mỹ và các quốc gia Tây Phương để bảo vệ Biển Đông trước sự hung hăng xâm chiếm của Trung Quốc.

Thực tế ấy được nhà phân tích quốc tế Lê Hồng Hiệp nhìn nhận: “Trong khi quan hệ của Hà Nội với Hoa Kỳ ngày càng cải thiện, đặc biệt trên khía cạnh niềm tin chiến lược, thì quan hệ Việt – Trung vẫn đang căng thẳng, niềm tin giảm sút do vấn đề tranh chấp Biển Đông.”

Nói cách khác, với phát biểu của Vương Nghị và Bùi Thanh Sơn qua tường thuật khác nhau của báo chí Trung Quốc và Việt Nam cho thấy mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang có những đợt sóng ngầm. Những đợt sóng ngầm ấy xô đẩy nhau tạo thế quan hệ đối đầu tương đối dưới tình trạng “bằng mặt không bằng lòng.”

Hay nói khác đi, Việt – Trung đồng sàng mà dị mộng, do thái độ chèn ép của nước lớn quá nhiều tham vọng.

Phạm Nhật Bình