Vài dòng nhân vụ khởi tố Luật Sư Trần Vũ Hải

Phạm Minh Hoàng

Tôi biết Luật Sư Trần Vũ Hải vì ông đã là người đại diện pháp lý cho tôi, và lần tiếp xúc đầu tiên với ông là trong trại tạm giam B34. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi trao đổi với Luật Sư Trần Vũ Hải là một con người rất… lãnh cảm mà người ta hay gọi là COOL. Mình thì rầu thúi ruột vì sắp ra tòa mà ông thì vẫn “vô tư”, cười nói như không có chuyện gì quan trọng. Sau này khi nghe Luật Sư Trần Vũ Hải phát biểu tại tòa cũng như có dịp tiếp xúc với các luật sư khác, tôi thấy hình như ai trong giới luật sư cũng “vô tư” như thế. Thậm chí nhiều lúc tôi tự hỏi là nếu (chẳng may) mình đi theo nghề này thì mình cũng “vô tư” không chừng.

Tôi nghe nói bên Mỹ bất kỳ cái gì người ta cũng có thể lôi nhau ra tòa và luật sư được đồng hóa cho những gì là mánh mung, thủ đoạn − thậm chí còn vô đạo đức nữa. Riêng tôi, tôi còn dị ứng với mấy cái áo thụng họ mặc khi ra tòa − trông như nhóm IS (Hồi Giáo quá khích). Xin lỗi quý anh chị đã và đang hành nghề luật sư về những chia xẻ thẳng thắng của tôi ở trên. Nhưng đó chỉ là ấn tượng có thể đúng và có thể sai, nhưng từ đây trở xuống cuối bài, tôi lại có một số nhận xét khác, sau khi nghe tin vợ chồng Luật Sư Trần Vũ Hải bị “khởi tố”.

Điều thông cảm trước tiên cho giới luật sư − đặc biệt là các luật sư dám bảo vệ cho các tù nhân lương tâm là bị chụp cho cái mũ “vi phạm đạo đức nghề nghiệp” hoặc “vi phạm pháp luật” trước khi bị đe dọa tước giấy phép hành nghề. Tôi tự hỏi “đạo đức” mà nhà cầm quyền cũng như mấy ông gọi là chủ nhiệm luật sư đoàn là gì ? Trong bài phỏng vấn trên báo Sàigòn Giải Phóng tháng Sáu, 2003, Luật Sư Nguyễn Đăng Trừng đã nói rằng “ngoài nhiệm vụ bảo vệ cho thân chủ của mình, luật sư còn có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa (…) khi bào chữa luật sư phải thấy hết những bức xúc khác của xã hội, có nghĩa là luật sư không chỉ biết thấy “cây” mà còn phải thấy “rừng”!

Tôi thiết nghĩ chẳng có luật sư nào “ngu” đến nỗi vi phạm pháp luật trong khi bảo vệ cho thân chủ của mình cả. Cái gọi là “đạo đức” đưọc nêu ra ở đây thường được dùng để nói về nỗi đau của người bị hại (nạn nhân). Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của tư pháp là nguyên tắc suy đoán vô tội. Điều này đã được ghi rõ ràng trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như trong các văn bản pháp lý của V iệt Nam. Nếu vô tội thì luật sư cũng phải được bình đẳng với công tố viên trước tòa. Luật sư sẽ phải làm mọi cách − thậm chí là khai thác những kẽ hở của luật pháp, của nhân chứng để bảo vệ cho thân chủ của mình, điều này không có nghĩa là họ chà đạp lên nỗi đau của nạn nhân.

Theo Luật Sư Lê Công Định − cũng là một tù nhân lương tâm thì “bảo vệ cho những công dân phạm pháp không thể bị đồng lõa với cái xấu và cái ác”. Dĩ nhiên, trong cách tra vấn nhân chứng, cũng có nhiều luật sư sử dụng những ngôn từ, những cách nói có tính cách khích bác dễ làm người nghe bực mình.

Luật Sư Nguyễn Văn Đài, người từng bị kết án 2 lần vì tranh đấu cho nhân quyền đã nói rằng chính nhà nước mới phải xem lại cái gọi là “đạo đức” của họ. Luật Sư Đài cho hay việc tra tấn, ngược đãi bức cung, ép cung của điều tra viên để lấy lời khai của bị can là chuyện thường xảy ra. Báo chí đã nêu vụ hơn 200 người bị chết trong đồn công an sao chẳng thấy nhà đạo đức học nào lên tiếng?

Khi nghe nói về “đạo đức”, về “pháp chế XHCN”, về “thấy cây mà không thấy rừng”, tôi tự hỏi, luật sư đoàn có “thấy” được những “cánh rừng Thủ Thiêm, Dương Nội, Lộc Hưng” hay không? Cũng nhân nói về Lộc Hưng, tưởng cũng nên nhắc lại là nhóm “Luật Sư Lộc Hưng” trong đó đứng đầu chính là Luật Sư Trần Vũ Hải thường bị mai mỉa là “nhóm luật sư toàn thua”. Thắng quái nào được trong cái “đạo đức và pháp chế XHCN”?

Tôi thích cái từ “đạo đức và pháp chế XHCN” vì thực sự nó diễn tả rất đúng bản chất nền tư pháp XHCN ngày nay đầy rẫy những bất ngờ. Trước tiên, theo các quy định trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như trong các văn bản pháp lý của Việt Nam thì ai cũng nghĩ rằng người dân phải được đại diện bởi luật sư, nhưng thực ra điều này không được áp dụng với các tội danh có “màu sắc chính trị”.

Chẳng có tù nhân lương tâm nào được phép gặp luật sư của mình trước khi kết thúc điều tra, nghĩa là khi mọi chuyện đều xong (theo ý của điều tra viên), và vai trò luật sư thực sự chỉ là “nâng đỡ tinh thần” cho bị cáo. Điều này, ngay cả Quốc Hội cũng thấy không ổn. Chính ông Vũ Đức Khiển, Chủ Nhiệm UB Pháp Luật khóa X cũng đã cho rằng việc luật sư tham gia vào vụ án liên quan đến bí mật quốc gia từ đầu cũng là để giúp hội đồng xét xử ra những bản án đúng, tránh oan sai.

Giống như bầu cử ở Việt Nam không có “văn hóa tranh cử công khai”, thì trong tòa án ở Việt Nam không có “văn hóa tranh tụng công khai”! Ra tòa, viện kiểm sát đọc cáo trạng xong đến luật sư đọc bản bào chữa. Sau đó tòa hỏi qua loa vài câu rồi tuyên án. Theo trình tự như thế thì một khi cơ quan điều tra hoàn tất công việc, thì không nhất thiết phải đối chất tại tòa. Chính vì thế chỉ có ở nước ta thành ngữ “án tại tòa”. Chuyện phi lý tưởng như chỉ hiện hữu trong thời phong kiến theo đó “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” mà nó vẫn tồn tại đến ngày hôm nay trên đất nước chúng ta.

Nói một cách chính xác, thì ngoài tòa luật sư cũng có thể chất vấn viện kiểm sát, nhưng trả lời hay không lại là chuyện khác!

Án oan sai là chuyện không thể chối cãi được. Ngay cả chánh án tòa án nhân dân và các đại biểu quốc hội cũng nhìn nhận. Dư luận còn chưa quên những Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Tràn Văn Thêm, Bùi Minh Hải, Trần Văn Chiến… Đó là các vụ “chấn động”, còn”lẻ tẻ” thì chắc phải đến chục nghìn như chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Nguyễn Văn Hiện đã bộc bạch.

Đến ngày nào mà “một đít ngồi ba ghế”, khi nào mà “đạo đức và pháp chế XHCN” còn ngự trị, khi nào còn dùng luật sư như một thứ trang trí cho ngành tư pháp thì chúng ta còn đi ngược với những giá trị cơ bản của Con Người và mãi mãi công lý chỉ là một diễn viên hài.

Phạm Minh Hoàng
https://viettan.org/vai-dong-nhan-vu-khoi-to-luat-su-tran-v…