30 năm sau “bức tường Berlin”, lịch sử có lặp lại ở Triều Tiên?

Hãy phá đổ bức tường này!

Đó là lời thách thức mà Tổng Thống Ronald Reagan gửi tới nhà lãnh đạo tối cao của Liên Bang Xô Viết Mikhail Sergeyevich Gorbachev ngày 12 tháng Sáu, 1987 trong bài phát biểu trước cổng Brandenburg của thành phố Berlin. Hai năm sau, ngày 9 tháng Mười Một, 1989, bức tường Berlin – biểu tượng của sự chia cắt và thù hận, biên giới nhân tạo được xây lên để cầm tù con người, nhân danh vì Tự Do và Hòa Bình thế giới – đã bị phá bỏ bởi những người dân Đức.

Kể từ sự kiện lịch sử đó, thế giới đã bước sang một trang mới và “bức màn sắt” – một khái niệm của địa chính trị thời “chiến tranh lạnh” ám chỉ các quốc gia nằm trong tầm kiểm soát, ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu – đã phân rã nhanh chóng với sự đổ vỡ không thể cưỡng lại của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Liên Xô – đế chế đỏ vĩ đại, quốc gia có lãnh thổ trải dài qua 170 độ kinh độ, bao phủ phần lớn Heartland và một phần Rimland của đại lục Âu – Á, cũng chỉ tồn tại thêm được 2 năm nữa.

Tuy vậy, cảm xúc say đắm lòng người và những viễn tượng Tự Do từ bài hát bất hủ “Wind of Change” của nhóm danh ca huyền thoại Scorpions lan tràn qua khắp các lục địa đã không dễ dàng trở thành hiện thực. Ở cuối thế kỷ 20, thế giới còn phải chứng kiến những tội ác diệt chủng không kém phần tàn khốc ở những quốc gia từng là nạn nhân của phát xít Đức trong thế chiến 2 như xung đột sắc tộc Bosnia – Serb – Croatia, cuộc tắm máu khủng khiếp ở Thiên An Môn với một nhà nước Trung Quốc trở nên sắt máu và chuyên chế hơn.

Những trật tự cũ sụp đổ, những hệ tư tưởng từng là trụ đỡ và chất kết dính cho những hệ thống xã hội và nhà nước khổng lồ cộng sản chủ nghĩa tan rã như bìa các tong ngấm nước. Trong khi đó, những lực lượng dân chủ chưa đủ mạnh, các giải pháp chính trị thay thế chưa sẵn sàng… đã khiến cho phần lớn các quốc gia thuộc Liên Bang Xô Viết cũ rơi vào trạng thái hỗn loạn rồi quay trở lại chế độ độc tài quân sự nhanh chóng. Một nước Nga cố gắng gượng trong tuyệt vọng để tìm lại ánh vinh quang của quá khứ với một thứ chủ nghĩa dân tộc méo mó và chuyên chính còn hơn cả chế độ phong kiến với một Sa Hoàng Putin. Bức tranh thế giới “hậu chiến tranh lạnh”, cũng không Hòa Bình hay Hạnh Phúc hơn.

Khi Liên Xô vĩ đại tan vỡ, khoảng trống quyền lực to lớn ở đại lục Âu Á mà nó để lại đã tạo ra cơ hội vàng cho một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình không chỉ là tham vọng khôi phục lại một “đế quốc đại Đường” của thế kỷ 21, mà là một sự trở lại của khát vọng địa chính trị đầy nguy hiểm từ thời Halford Mackinder hay Karl Haushofer – “kiến trúc sư trưởng” của Hitler – nhưng dưới màu sắc khác và tầm vóc mở rộng hơn nhiều. Những học giả quân sự và tướng lãnh Trung Quốc đang say mê Alfred Thayer Mahan và coi những câu châm ngôn hiếu chiến nhất của ông ta như kinh thánh.

Thế giới sẽ phải đối đầu với một quốc gia tham vọng hơn, hiểm độc hơn, linh hoạt hơn rất nhiều so với Đức quốc xã trong thế chiến 2. Những ưu thế này không xuất phát từ ý thức hệ đã lỗi thời và chỉ là vỏ bọc cho quyền lực chuyên chế cộng sản chủ nghĩa, nó có nguồn gốc sâu xa từ chủng tộc. Đó là mối nguy hiểm dai dẳng và đáng sợ nhất.

Khi “bức tường Berlin” đổ xuống vào ngày 9 tháng Mười Một, 1989, một “bức tường” khác ở Châu Á – ranh giới phân chia hai miền Nam Bắc của bán đảo Triều Tiên – cũng là một biểu tượng và sản phẩm của thời kỳ “chiến tranh lạnh” vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Bất chấp, mong muốn thống nhất và hòa bình của dân tộc Triều Tiên, những độc tài hậu duệ của Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành vẫn giữ vững quyền lực và duy trì đường biên giới ngăn cách theo ý chí của riêng mình.

Nhưng một định luật không bao giờ thay đổi là kẻ thống trị không bao giờ có thể mãi mãi đủ mạnh mẽ để giữ vững quyền lực. Khi kẻ thống trị suy yếu, đó là lúc thay đổi. Dường như thời điểm đó đang đến rất gần. Hôm 30 tháng Sáu,  2019 vừa qua, người ta chứng kiến một sự kiện “siêu thực” khi Donald Trump bắt tay “cậu nhóc tên lửa” Kim Chính Ân ở “đường biên giới chết chóc” và dắt tay nhau vào “ngôi nhà Hòa Bình”. Nếu điều đó thực sự xảy ra và không chỉ dừng lại như một cuộc gặp mang tính biểu tượng. Ông ta – Donald Trump, sẽ lặp lại một sự kiện lịch sử 30 năm trước khi Ronald Reagan đứng trước cổng Brandenburg nói với người dân Đức và Mikhail Sergeyevich Gorbachev rằng: Hãy phá đổ bức tường này!

Tân Phong
https://viettan.org/30-nam-sau-buc-tuong-berlin-lich-su-co-lap-lai-o-tri...