Sở Giáo Dục tỉnh Long An ra lệnh bán ‘áo lót’ cho nữ sinh

Theo lệnh của Sở Giáo Dục tỉnh Long An, Phòng Giáo Dục huyện Cần Đước gửi công văn đến các trường học địa phương kiêm nhiệm luôn cả việc tiếp thị “áo lá kháng khuẩn” cho nữ sinh.


Văn bản của Phòng Giáo Dục huyện Cần Đước tỉnh Long An gửi các trường “tiếp thị” áo lá “kháng khuẩn” cho nữ sinh..

Vụ này được báo Giáo Dục Việt Nam đề cập từ ngày Thứ Sáu, 19 Tháng Bảy, sang ngày Thứ Bảy, 20 Tháng Bảy cho là “một chuyện khôi hài.”

Nhiệm vụ của trường học là truyền dạy kiến thức nhưng các trường học bị lợi dụng để bán các loại hàng hóa từ nồi niêu song chảo đến “máy sục khí khử độc,” nay thấy tiếp thị cả áo lót cho nữ sinh của một công ty quảng cáo là “áo lá kháng khuẩn.”

Tin tức bị rò rỉ được tờ Giáo Dục Việt Nam nói hôm 18 Tháng Bảy, ông Đặng Minh Tấn, phó trưởng Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Cần Đước, tỉnh Long An, ký văn bản gửi các trường trong huyện thúc giục “phối hợp, hỗ trợ Công ty dệt may Nguyên Dung triển khai kế hoạch giới thiệu dòng sản phẩm ‘ao lá kháng khuẩn.’”

Không phải Phòng Giáo Dục Cần Đước tự làm mà đã nhận chỉ thị từ cấp trên, tức Sở Giáo Dục–Đào Tạo của tỉnh Long An để bán áo lót. Điều này cho thấy có một kế hoạch ăn chia qua nhiều cấp nên cái món “áo lá kháng khuẩn” không biết tác dụng “kháng khuẩn” thế nào hay chỉ quảng cáo láo, mà đã được “hét giá” tới 129,000 đồng (khoảng $5.54 theo hối suất hiện tại).

Theo tờ Giáo Dục Việt Nam dẫn lại một bài viết trên tờ Tiền Phong kể rằng “Lâu nay, một số trường học vẫn bị phê bình vì biến lớp học thành cái chợ khi tiếp thị bán đủ các loại đồ ‘thượng vàng hạ cám’ như sách vở rồi ép học sinh mua tăm, mua sách báo hay đồ dùng học tập… Nhiêu thầy cô giáo, các em học sinh phải méo mặt khi phải mua hàng theo kiểu gượng ép.”

“Không biết có phải ngành Giáo dục của tỉnh nhà làm thay việc của cha mẹ học sinh nữ hay không khi rất nhiệt tình khi ra hẳn công văn giới thiệu hàng ‘áo lá diệt khuẩn,’” tờ Giáo Dục Việt Nam đặt nghi vấn.

Theo tờ Giáo Dục Việt Nam, “Chắc ngành giáo dục của tỉnh Long An biết công văn là phương tiện giao tiếp chính thức của cơ quan nhà nước với cấp trên, cấp dưới và với công dân và có công văn nghĩa là có tiếng nói chính thức của ngành” nay cái phương cách truyền đạt mệnh lệnh giáo dục đó lại được dùng cả vào việc bán hàng, mà lại bán cả áo lót cho nữ sinh “thì đúng là chịu thật rồi.”

Đầu Tháng Giêng năm 2017, người ta thấy tờ Giáo Dục Việt Nam đăng tải ý kiến của một độc giả và cũng là một giáo viên tên Trần Văn Tám kêu rằng “việc tiếp thị sản phẩm trong trường học không chỉ gây phiền toái cho nhà trường mà thậm chí có không ít thầy cô bị lừa bởi những chiêu tiếp thị như thế.”

Ông Tám nói: “Tôi tin chắc một điều tất cả các trường học trên cả nước ít nhiều các vị hiệu trưởng đã từng tiếp nhân viên tiếp thị khi thì họ đến chào bán sách tham khảo, lúc thì bán tăm, bán bút bi, vé xem ca nhạc, treo bảng quảng cáo, tour đi tham quan du lịch cho giáo viên hay học sinh.”

Khi tin tức bị xì ra, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, trưởng Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Cần Đước, “thừa nhận, việc giới thiệu sản phẩm này đúng là hơi nhạy cảm, và Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện sẽ rút kinh nghiệm,” tờ Giáo Dục Việt Nam kể lại. (TN)