Trận Waterloo của hoàng đế Tập? – Ai sẽ “chết” trong cuộc chiến tranh tiền tệ Mỹ Trung?

Tân Phong – viettan.org|
 
10% thuế áp dụng cho phần còn lại của giỏ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng Chín, 2019, cùng với tuyên bố “Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ” của Bộ Trưởng Tài Chính Steven Mnuchin ngay sau quyết định giảm giá đồng Nhân dân tệ của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc PBOC xuống dưới mức 7 CNY/1 USD hôm 5 tháng Tám, 2019 – mức thấp nhất trong mười một năm trở lại đây – cho thấy loạt phản ứng gần như tức thì, quyết liệt nhưng đó là những toan tính thực dụng được trù liệu từ trước. Tổng Thống Donald Trump đang áp dụng đúng chiêu thức của “cụ tổ” Trung Quốc Cộng Sản Đảng: “Vừa đánh, vừa đàm”.  Ảnh hưởng của việc định giá thấp đồng CNY của PBOC cũng như đòn trả đũa của Mỹ có thể biến thành một cuộc chiến tiền tệ hay không cần phải được xem xét nhiều phương diện, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Việc một đồng tiền bị định giá thấp hơn giá trị thực của nó sẽ có lợi nhiều mặt cho nền kinh tế. Nó giúp hạ thấp cấu trúc chi phí, tăng xuất khẩu, tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh bằng phí tổn của các đối tác thương mại. Trong lịch sử chiến tranh tiền tệ đều liên quan đến việc định giá thấp đồng tiền, đó là cách rõ ràng nhất, liên quan trực tiếp nhất. Mặc dù, theo sự “tiến hóa” của thị trường tài chính toàn cầu, để phá hoại nền kinh tế đối phương có nhiều phương thức tinh vi hơn. Nhưng việc định giá thấp đồng tiền là một vũ khí có “mức sát thương lớn”, ảnh hưởng ở qui mô rộng lớn tới toàn bộ nền kinh tế.
Một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ sẽ không giống như đổ vỡ về thị trường chứng khoán hay trái phiếu chính phủ, mà nó có thể làm sụp đổ một nền kinh tế hoặc tiêu hủy mọi nỗ lực tăng trưởng trong nhiều thập kỷ. Chiến tranh tiền tệ là một cuộc chiến mà kẻ yếu thế hơn nhưng quỉ quyệt hơn sẽ dành nhiều lợi thế và đó là sự lựa chọn của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Thương chiến Mỹ – Trung chỉ làm lộ rõ bộ mặt nham nhở của Bắc Kinh được che dấu dưới hình hài con gấu trúc dễ thương Po mà thôi.

Trung Quốc đã sử dụng “vũ khí” lợi hại này để hình thành một chiến lược “thảm sát” các đối thủ thương mại và sản xuất toàn cầu. Nó được biết đến với cái tên “China Price and Mass Production” – một nền sản xuất ở qui mô khổng lồ, có khả năng tạo ra bất kể thứ hàng hóa, dịch vụ nào với mức giá thấp đến không tưởng. Đi cùng với thứ “vũ khí hủy diệt” này là chính sách đồng tiền yếu và những “bộ công cụ giết chóc” khác.

Doanh nghiệp có hàng hóa dịch vụ xuất khẩu được nhà nước trợ giá, tiếp cận dễ dàng những nguồn vay vốn ưu đãi, chính quyền ngó lơ thậm chí thông đồng để cùng hưởng lợi việc doanh nghiệp bóc lột tàn tệ lao động, làm hàng giả, ăn cắp bản quyền, xả thải mà không bị trừng phạt… Hàng hóa Trung Quốc dễ dàng đánh bại bất kể đối thủ nào ở sản phẩm cùng loại không chỉ về mặt giá cả mà bằng cả sức mạnh hậu thuẫn to lớn đầy hắc ám của Bắc Kinh. Chiến lược này đã mang lại 4 thập kỷ tăng trưởng phi thường cho Trung Quốc, nhưng là thảm họa cho các nền kinh tế khác.

Ở nhiều phương diện, doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước hoặc các doanh nghiệp chiến lược được hậu thuẫn đặc biệt từ chính phủ, quân đội như Huawei đều là những cấu trúc quan trọng của Chủ nghĩa tư bản nhà nước – một “biến dị” của chủ nghĩa trọng thương mà theo đó doanh nghiệp là cánh tay nối dài của quyền lực Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Những con khủng long như Sinopec, Petrochina, CNOOC, SGCC, Huawei, ZTE… đều mang dáng dấp và đặc điểm giống như mô hình công ty thương mại Đông Ấn của Anh thế kỷ 17 – thứ vũ khí đã tạo ra sức mạnh cốt lõi xây dựng một đế quốc “mặt trời không bao giờ lặn”.

Giờ đây, những “đồ tể Thiên An Môn” đang sở hữu hàng trăm “công ty thương mại Đông Ấn” như vậy. Trung Quốc vừa là công xưởng thế giới vừa là quốc gia có lượng hàng hóa xuất khẩu lớn nhất thế giới và họ có một câu cách ngôn “người Trung Quốc ở đâu, hàng hóa Trung Quốc ở đâu, biên giới Trung Hoa ở đấy”.

“Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm – Kinh Thánh Tân Ước”

Tuy vậy, “chiến tranh tiền tệ” không phải thứ vũ khí vạn năng và cũng không phải thời điểm nào cũng phù hợp. Việc sử dụng nó giống như chơi dao hai lưỡi trong thời điểm suy thoái ngày một nghiêm trọng bởi rất nhiều nguyên nhân khách quan nằm ngoài lý do xung đột lợi ích thương mại đơn thuần với người Mỹ. Hiệu quả tích cực cho thị trường sẽ rất thấp, trong khi mặt trái của chính sách này sẽ tạo ra rủi ro lớn cho một cuộc khủng hoảng lòng tin đang chín muồi – đó là một cuộc tự sát kinh tế. Việc trì hoãn thực hiện các cam kết thương mại với hy vọng rằng Tổng Thống Donald Trump có thể “trượt chân” nhiệm kỳ tiếp theo và quyết định tỷ giá mới của PBOC thể hiện Bắc Kinh thực sự túng quẫn phương sách để đối phó với Mỹ trong bối cảnh thương chiến leo thang những bước nguy hiểm mới.

Ngoài mức thuế mới sẽ áp dụng kể từ ngày 1 tháng Chín, 2019 cho 300 tỷ USD giá trị hàng hóa còn lại, một tin xấu khác cho hoàng đế Tập là Tổng Thống Donald Trump chuẩn bị các bước để tước “sổ hộ nghèo” của Trung Quốc tại WTO. Tuy là nền kinh tế có qui mô thứ 2 thế giới, với bình quân GDP/ đầu người ở mức 9.608,42 USD năm 2018 (theo con số thống kê của statista.com), song Bắc Kinh vẫn cố mọi cách “được” công nhận là quốc gia thuộc “thế giới thứ 3” – một thuật ngữ địa kinh tế dành cho các nước nghèo kém phát triển cần được quốc tế giúp đỡ – để hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều khoản vay ưu đãi, được viện trợ không hoàn lại nhiều dự án y tế, giáo dục, môi trường… và chính sách thuế ưu đãi cho hàng hóa có xuất cảng từ Trung Quốc. Việc bị “mất sổ hộ nghèo” sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng an sinh xã hội mà Bắc Kinh đang phải đối mặt với làn sóng “di cư” của những tập đoàn đa quốc vốn đã làm ăn tại Trung Quốc nhiều thập kỷ qua bởi sức ép của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung.

Trung Quốc thừa nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong thập kỷ vừa qua bởi sự thay đổi chóng mặt trong chính sách thương mại của Hoa kỳ. Người khổng lồ Trung Quốc “mong manh dễ vỡ” hơn người ta tưởng rất nhiều. Dù mục tiêu tái cơ cấu lại nền kinh tế khổng lồ sang hướng “bền vững”, “sạch” và “sáng tạo” hơn đã được nghiên cứu từ sau 1978 tới nay song những nỗ lực cải cách thực sự của hệ thống chính trị cũng như đà quán tính quá lớn của nền kinh tế tỏ ra khó có được sự thay đổi cần thiết.

Tại đại hội nhân dân toàn quốc tháng Ba, 2015, chính phủ Trung Quốc đã hạ tỷ lệ tăng trưởng GDP dự kiến từ 8% xuống 7%. Ông Lý Khắc Cường cũng nói rằng ngay cả hạ mục tiêu tăng trưởng cũng khó lòng đạt được. Một chuyên gia của Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển thuộc Hội Đồng Nhà Nước Trung Quốc – trao đổi với David Shambaugh – tác giả của quyển sách nhan đề China’s Future – rằng họ thậm chí dự đoán mức tăng trưởng sẽ xuống mức 3% vào giai đoạn 2020 -2025. Nhưng ở đây, có một mâu thuẫn cố hữu giữa mong muốn duy trì con số tăng trưởng GDP đẹp của các lãnh đạo tối cao nhằm mục đích thu hút đầu tư, ve vuốt lòng tự tôn của đảng và khả năng thực tế của nền kinh tế.

Trong khi đó, “siêu cấu trúc” của chủ nghĩa tư bản nhà nước khổng lồ này có những điểm yếu chết người đang ở mức chịu đựng tới hạn. Nền kinh tế Trung Quốc lao dốc quá nhanh kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Việc cải tổ không hề đơn giản kể cả khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải chấp nhận giảm tốc tăng trưởng xuống 3% GDP/năm. Điều này, giống như việc phanh gấp một đoàn tàu gồm 30 toa tàu, mỗi toa nặng 50 tấn, đang chạy với tốc độ 250km/h khi vào khúc cua. Sẽ không thể lường trước điều gì sẽ xảy ra với qui mô và mức độ của cuộc đổ vỡ này.

Người ta có thể cảm thấy áp lực xã hội gia tăng nhanh chóng từ con số nợ công ngất ngưởng ở mức 300% GDP, những tòa cao ốc chọc trời trống trơn không có người thuê và những dòng người lao động đang cuồn cuộn đổ về các nước Đông Nam Á, Trung Á hay Phi Châu. Ở một quốc gia mà cái gì cũng có thể làm giả, những con số thống kê dù đẹp đẽ tới đâu thì cũng chẳng có giá trị gì và chỉ khi nào “con voi” Trung Quốc đổ sụp xuống với tất cả sức nặng của nó thì người ta mới có thể biết được phần nào của thảm kịch diễn ra.

Sẽ không vui vẻ gì cho tất cả khi nền kinh tế lớn nhất Châu Á có một kết cục xấu và cũng quá sớm khi nhận định rằng một số quốc gia sẽ được hưởng lợi từ việc đón được dòng đầu tư FDI của các tập đoàn đa quốc gia đang rời bỏ Trung Quốc. Vấn nạn của cuộc sụp đổ này đáng lo ngại hơn là cơ hội nó mang lại, đặc biệt là những quốc gia vốn đã phụ thuộc nhiều vào bàn tay bú mớm của Bắc Kinh. Cái bẫy nợ xập xuống và miếng phomat ăn dở cũng bị lấy đi. Những quốc gia như Việt Nam, Cambodia, Laos… sẽ phải đối mặt với vực thẳm nợ nần trong khi mọi tài nguyên, hải cảng giá trị nhất đã bị bán hết. “Kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm” nhưng đám “theo voi ăn bã mía” thì còn kết cục thê thảm hơn nhiều./.