Thư Ngỏ gửi Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam – năm 2020

ảnh tác giả chụp sáng 13-01-2020, ngã 3 Xuân Mai đi Miếu Môn do đường vào Miếu Môn, công an chắn barie không cho đi đến.
Dương Thị Xuân|

 

Mười năm (2010 -2020) nhìn lại vấn đề NHÂN QUYỀN VIỆT NAM

Thưa Quốc hội!
 

Tôi là một người viết báo tự do, là một công dân Việt Nam hiện đang sống ở Hà Nội, theo luật pháp của đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam XHCN thì cương quyết không cho phép nhân dân được quyền có báo chí tư nhân. Chính vì thế nên để đề đạt được ý kiến của mình với Quốc hội (viết tắt là QH), tôi buộc phải viết Thư ngỏ này gửi tới các quý vị lãnh đạo cùng toàn thể các quý đại biểu một nội dung dưới đây:
Thưa Quốc hội !
 
Ngày mai là ngày đầu năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc, và theo phong tục của Tổ tiên ông cha ta thì phép lịch sự tôi phải Chúc mừng Năm mới Quốc hội, nhưng qua sự kiện Đồng Tâm mới xảy ra, tôi thật sự bị sốc, bị rúng động không thể cất được câu chúc đó trước thảm cảnh những người Việt Nam đã ngã xuống không được sum họp đón tết cùng gia đình, bè bạn và nhân dân cả nước. Tất cả đều họ là người Việt Nam, dù là các cán bộ sỹ quan công an hay ông Lê Đình Kình và gia đình. Cách đây 10 năm cũng đã có những người dân Việt Nam đã đổ máu và ngã xuống trong cuộc giải quyết tranh chấp đất đai tôi đã viết trong lá thư “Thư Ngỏ gửi Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam – năm 2010” và xin được trích đăng lại: “báo An ninh thủ đô ngày 19-5-2010 đưa tin sau đây :

“Dùng “luật rừng” để giải phóng mặt bằng

(ANTĐ- An Ninh Thủ Đô) - Cho rằng mức đền bù đất thấp, một số người dân xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng ngày đêm bám trụ giữ đất không bàn giao đất cho chủ đầu tư. Chiều 18-5, gần 50 tên côn đồ mang theo khí giới ập đến thẳng tay đánh đập, đàn áp những người dân vô tội. Hơn 20 người dân bị bọn côn đồ hành hung gây thương tích, trong đó 8 người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
 
Không nhận tiền thì bị đánh!
 
 
Sự việc diễn ra chiều 18-5, khi hơn 20 người dân đang tập trung ở mặt bằng dự án Nhà máy Thép Tam Bảo thuộc KCN Tràng Duệ (Lê Lợi, An Dương) thì Nguyễn Thành Long, Phó Ban giải phóng mặt bằng của BQL Khu công nghiệp Tràng Duệ dẫn theo gần 50 tên côn đồ đi trên 2 xe ôtô và hàng chục xe máy ập đến. Nguyễn Văn Long ra lệnh cho cả bọn: “Đập chết hết chúng nó đi”.
 
Người dân chưa kịp hiểu ra điều gì thì đám côn đồ này tay lăm lăm gậy gộc, cuốc, xẻng xông vào thẳng tay đánh đập, hành hung người dân. Một số người bỏ chạy nhưng vẫn bị đám côn đồ truy đuổi đến tận làng Trạm Bạc. Khi không đuổi được những người dân này, bọn chúng quay trở lại tiếp tục đánh những người đã bị thương nằm lăn lóc trên mặt đất. Mặc cho họ van xin, bọn côn đồ tiếp tục dùng cọc tre, cán xẻng vụt họ. Sau trận đòn tàn ác, nhiều người bị thương nặng rách toạc đầu, gãy xương chân tay, bầm tím toàn thân, chảy máu. 8 người bị thương nặng đã đi Hà Nội điều trị.
 
Điều đáng nói, bọn côn đồ không hề nương tay từ người già đến trẻ nhỏ. Trong số này bà Phan Thị Mỡi, 74 tuổi đã bị bọn chúng đánh gãy tay. 4 người con của bà gồm 2 người con trai và 2 người con dâu cũng bị đánh bầm tím thân thể. Anh Nguyễn Văn Tranh đã bị khoảng 40 tên đánh “hội đồng” đến khi gục xuống chúng mới tha. Theo phản ánh của người dân nơi đây, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Phó Trưởng Công an xã Ngô Văn Thế có mặt tại hiện trường, nhưng bọn côn đồ vẫn ngang nhiên ở lại khu vực này”. (trích báo ANTĐ)
 
Tháng 3-2009, hàng trăm người nông dân ở vùng ven Hà Nội thuộc huyện Văn Giang-tỉnh Hưng Yên già trẻ chân đất, quần áo lam lũ đi theo sau một lá cờ đỏ sao vàng lên Hà Nội để đề đạt kiến nghị với thủ tướng chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng về việc ruộng đất của họ bị thu hồi đền bù rẻ mạt như cướp không và chính quyền địa phương đã thuê đầu gấu về đánh đập nhân dân. Hôm đó những người nông dân này đang đứng tập trung trước vườn hoa Mai Xuân Thưởng –Hà Nội thì mấy xe ô tô “cảnh sát cơ động 113” chở hàng chục thanh niên nam trẻ tuổi, khỏe mạnh mặc quần áo thường phục, có người áo phông tay cầm dùi cui xông vào đoàn dân oan này quật túi bụi. Hàng trăm người nông dân chân đất, tay không ngơ ngác khi thấy chính quyền Hà Nội đánh đập nhân dân dã man không kém chính quyền địa phương đã phải bỏ chạy toán loạn trên đường phố Hà Nội lúc đó. Có một số công an mải mê đánh đập người dân còn xông vào giật cả cờ đỏ giẫm xuống chân di đi di lại, mấy bà dân oan đang có mặt tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng lúc đó, như các bà Nguyễn Thị Gấm- quê tỉnh Quảng Ninh, Thân Thị Giang – tỉnh Bắc Giang, Nguyễn Thị Kỷ - Thái Bình… kêu to lên : “ Này các cháu ơi sao lại giẫm lên “cờ tổ cuốc” thế kia, đau xót quá bao nhiều người ngã xuống vì lá cờ đó đó…”. Tên công an này nói: “bà xót à (lá cờ) lắm à, bắt cả mụ lên ô tô bây giờ !!!”. Mấy bà này và phần lớn những người nông dân biểu tình hôm đó bị công an giả danh đầu gấu lôi kéo đẩy lên ô tô chở về xã Kiêu Kỵ - huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội và sau đó bị công an quẳng họ giữa cánh đồng …
 
Mùa hè năm ngoái 2009, ngay giữa thủ đô Hà Nội, tại khu tập thể Kim Liên thuộc quận Đống Đa, để giải phóng mặt bằng, một công ty xây dựng tại Hà Nội cũng đã thuê hàng chục đầu gấu mang dao dài, tuýp ống nước bằng thép đến ngang nhiên chém dân giữa ban ngày trước trụ sở cảnh sát cơ động phản ứng nhanh 113 của sở công an thành phố Hà Nội ở đường Phạm Ngọc Thạch- quận Đống Đa- Hà Nội chỉ cách có 20 mét thôi. Có bà cụ 70 tuổi bị chém sả vai, khi người con trai bà xông vào đỡ đòn cho mẹ già thì bị chém gãy tay…Thật vô cùng đau xót, vô cùng bất công...
 
Mới đây ngày 25-5-2010, trong lúc Quốc Hội nước CHXHCN VN đang họp ở Hà Nội, tại khu Nghi Sơn, thôn Trung Sơn, xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia – tỉnh Thanh Hóa, khi đến bảo vệ “an ninh giải phóng” mặt bằng khu công nghiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, công an của đảng và nhà nước CSVN đã nổ súng bắn thẳng vào người dân. Trong đó 1 cháu thiếu niên Lê Văn Dũng 12 tuổi và một nông dân nam giới 43 tuổi tên là Lê Hữu Nam trúng đạn chỉ vì anh xông vào cứu cháu Dũng đã bị bắn lòi mắt chấn thương sọ não cả 2 người này đã bị thiệt mạng. Tại sao các sỹ quan công an của đảng CSVN không nhằm thẳng đầu những kẻ ở trên “tàu lạ” đã bắn giết ngư dân ở biển Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Ngãi…để bảo vệ giang sơn biển đảo của tổ quốc, lãnh hải của mình, mà lại bắn bể bụng em thơ, lòi mắt chấn thương đầu người nông dân trong tay không tấc sắt nào ở Thanh Hóa như vừa qua?.
 
Nhà nước của dân mà cán bộ hành hung dân, bắn giết dân lành vô tội như vậy sao, QH có ý kiến gì để bảo vệ dân, tôi đề nghị QH nhanh chóng hãy thảo luận khẩn trương những vấn đề nóng bỏng để bảo vệ sinh mạng của những người dân thấp cổ bé tiếng này và yêu cầu chính quyền các cấp hãy trả lại quyền lợi cho người dân ngay.
 
Ông Hồ Chí Minh cũng đã từng nói : “ Nước nhà có độc lập mà người dân không được hưởng hạnh phúc, không được tự do thì nền độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì ! ”… Vì vậy QH hãy dũng cảm đứng lên bảo vệ hạnh phúc tự do cho người dân, cũng như hãy yêu cầu chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hãy thực thi ngay 8 điều đã được ông Hồ Chí Minh thời trai trẻ nêu trong “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tháng 1 năm 1919”. (hết trích)
 
 
Thưa Quốc hội!
 
Từ năm 2010 đến nay năm 2020, thời gian thấm thoắt trôi nhanh, 10 năm qua thế giới đã tiến từ thời đại công nghệ thông tin 1.0 nay lên 5.0, 6.0 mà tình hình Nhân quyền Việt Nam chưa có gì chuyển biến. Mới gần đây, người dân Đồng Tâm, một lòng tin tưởng vào đảng và chính phủ kiên quyết đấu tranh chống mất đất, họ vững dạ yên tâm là việc làm của họ thể hiện tình yêu mảnh đất quê hương là đúng. Tình yêu đất của họ là tình cảm sâu nặng nhất như đã được ngợi ca qua  khổ thơ:
 
“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt,
 
Như Mẹ như Cha như vợ như chồng,
 
Ôi Tổ quốc nếu cần ta sẽ chết
 
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi con sông”.
 
Những người nông dân thật thà chất phác yêu đất như những người lính trong vở kịch của cố nhà văn Lưu Quang Vũ đã dõng dạc thề: “của người dù là vàng, là bạc ta không màng, nhưng của ta dù là sỏi là đá, ta quyết giữ”. Tình yêu đất mộc mạc chân quê như vậy lại không được nhà nước thấu hiểu cho họ, khi mảnh đất mà họ quyết giữ đúng chỉ là sỏi, là đá, tôi đã đến tận nơi và được người dân cho hay: đất ở đó đất đồi chỉ chuyên trồng sắn?. Nhưng họ vẫn yêu nó tha thiết và tin mình kiên quyết giữ lại cánh đồng đất nông nghiệp này để con cháu không phải tha hương, lưu lạc kiếm ăn xa quê là đúng. Nếu họ sai, tại sao nhà nước không tổ chức phiên tòa để phân định đúng sai, đồng thời nâng cao dân trí cho người nông dân Đồng Tâm cũng như nhân dân cả nước?.
 
Tại sao người dân mở miệng lại bị đàn áp dữ dội như vậy? Khi họ chỉ thể hiện tình yêu đất như cố Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “dân chủ đơn giản là để dân mở miệng ra nói ” mà lại bị đàn áp.  Chính phủ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện nay luôn đề cao vấn đề chính phủ “Thượng tôn luật pháp”, chính phủ của dân, do dân, vì dân... Và cũng theo Lời dạy của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh: “từ chủ tịch nước cho tới cán bộ cấp thấp thấp nhất, tất cả đều là công bộc của dân” ... và một chính phủ phục vụ nhân dân thì cán bộ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Vậy việc cảnh sát bắn ông Kình tại giường ngủ lúc 3 – 4 giờ sáng có phải là hành vi trái luật không? Ông Kình là đảng viên ĐCS, 84 tuổi đời và 58 tuổi đảng, là công dân Việt Nam chưa bị một tòa án nào kết tội, vậy mà ông bị bắn chết dã man lại còn bị báo chí, truyền thông, truyền hình đưa tin, đăng hình kết tội ông thay tòa án có đúng theo luật pháp không? ...
 
 
Thưa Quốc hội!
 
Quốc hội là cơ quan đại diện cho người dân, đề nghị Quốc hội hãy mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ nhân dân, hãy ngăn chặn các cuộc hành sát người dân vừa qua như ở Đồng Tâm. Quốc hội hãy thực hiện quyền giám sát, kiểm tra giám sát các cơ quan nhà nước “Thượng tôn luật pháp” và tuân thủ đúng Lời dạy của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh: “từ chủ tịch nước cho tới cán bộ cấp thấp thấp nhất, tất cả đều là công bộc của dân”. Và đề nghị Quốc hội hãy đấu tranh mạnh mẽ quyền tự do báo chí cho người dân, như trên đây tôi trích dẫn cách đây 10 năm báo chí trong nước còn đăng báo đưa tin về các vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng đất không đúng, nay rất hiếm nếu không nói là không có một tờ báo nào là tiếng nói là diễn đàn để người dân như nông dân Đồng Tâm phát biểu nguyện vọng bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Và để bảo vệ nhân dân, không có những vụ như ở Đồng Tâm thì chỉ có Tự do báo chí, Tự do ngôn luận như cố Chủ tịch Hồ Chí Minh hay Nguyễn Tất Thành ở Paris năm 1919, đã viết trên báo Nhân đạo của đảng Xã hội Pháp, ngày 02 tháng 8 năm 1919, có đoạn :
 
“Rất ôn hòa cả về nội dung và hình thức, các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi và nhằm vào những quyền TỰ DO mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn. Không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có các quyền TỰ DO ấy, thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả”.”… vv…
 
Lời dạy đó đến nay đã 101 năm vẫn còn nguyên giá trị.
 
Trân trọng cảm ơn Quốc hội.
 
Hà Nội, ngày 30, tháng chạp năm Kỷ Hợi 
Dương Thị Xuân 
Email : duongthixuanhoabinh@gmail.com
 
 
Ghi chú: Sáng ngày 13-01-2020, tôi đã đến Đồng Tâm theo đường Xuân Mai – Miếu Môn, nhưng đã bị công an ngăn đường từ ngã 3 (đầu đường 429) nơi rẽ vào Miếu Môn. Sáng ngày 14-01-2020, tôi lại đến Đồng Tâm theo đường Ba Thá vào làng Hoành. Trong lúc tôi đứng ở cổng làng Hoành gần nhà ông Kình thì bị CSCĐ vây quanh và có người hô bắt chúng tôi dẫn giải về trụ sở ủy ban xã Đồng Tâm. Tôi phản đối việc bắt giữ thì công an xã cho biết: hiện nay không cho người nơi khác vào làng Hoành. Tại trụ sở ủy ban xã, tôi bị bắt phải viết tường trình lý do vào làng Hoành như tội phạm, mặc dù tôi không phạm tội gì? An ninh còn khủng bố tinh thần như : lục hết túi, khám người, tra hỏi bắt phải mở điện thoại để họ xóa hết những tin về làng Hoành và trấn áp đe dọa đánh người vì tội tôi dám đi làng Hoành?. Trong khi đó sáng ngày 13-01, báo Dân Trí đăng bài đưa tin ở làng Hoành mọi người dân đã được đi lại bình thường.