Cố Ý Nhầm Lẫn

Luân Lê

Tình trạng bất đồng ngôn ngữ không quá lớn vào thời điểm hiện tại khi sau mỗi phần tweet sẽ có ngay phiên dịch tại chỗ dưới bài viết. Thế nhưng một số tờ báo trong nước lại dịch và viết một tiêu đề gây nhầm lẫn lớn cho người đọc theo kiểu: Tổng thống Mỹ cảm ơn Việt Nam sau khi nhận được đồ bảo hộ Covid-19.

Twitter giới hạn số lượng dưới 200 từ. Và có phần phụ dịch ngay bên dưới. Thế nhưng tại sao lại từ gà hoá quốc như vậy? Công ty DuPont sản xuất hàng bảo hộ y tế là của Mỹ (đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam) và công ty chuyển vận FedEx cũng là Mỹ, chúng ta chỉ làm thủ tục thông quan hàng hoá cho họ thôi.

Trong tình huống này chỉ có thể nói là họ cố ý nhầm lẫn, chứ không tờ báo nào lại kém tiếng Anh đến thế hoặc thiếu quy trình tới mức không hiểu người ta viết gì, để rồi “viết một đằng hiểu một nẻo”.

 

Đây là hợp đồng mua bán đàng hoàng, không phải tặng cho.

Thực hiện đơn hàng này là do phía công ty DuPont Việt Nam đảm nhận. Mà DuPont Việt Nam thì lại là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của công ty mẹ DuPont Mỹ, đặt nhà máy sản xuất tại Bình Dương. Để nhà máy hoạt động thì phải thuê nhân công là người lao động địa phương tại VN, DuPont Việt Nam phải có trách nhiệm chi trả lương làm việc cho công nhân để đẩy mạnh sản xuất hàng hoá cung cấp cho mẫu quốc của DuPont (tức là Mỹ). Đây là một hoạt động rất bình thường của các doanh nghiệp sản xuất, thì được thổi phòng lên thành “công nhân Bình Dương hỗ trợ may đồ y tế cho Mỹ”, chưa kể báo chí VN cũng bay vào tranh công cho Đảng.

Phía Mỹ cung cấp toàn bộ nguyên vật liệu thông qua công ty DuPont của Mỹ và công tác vận chuyển do công ty FedEx cũng của Mỹ phụ trách. Số tiền chênh lệch này đáng lẽ là tiền lợi nhuận của công ty DuPont của Mỹ nhưng họ đã không tính vào, chứ không phải số tiền chênh lệch này là do phía VN giảm giá. Công ty DuPont Việt Nam (cũng là của Mỹ) vẫn tính phí may gia công bình thường: 50 USD cho mỗi bộ đồ (không hề rẻ). Chính phủ VN chỉ cấp phép bay, giúp thủ tục xuất nhập cảnh thông quan nhanh chóng, dễ dàng cho lô hàng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảm ơn VN theo phép lịch sự.

Hơn nữa, người ta quên nhắc rằng trong 20 năm qua, chỉ tính riêng lĩnh vực sức khoẻ y tế, Mỹ đã dành hơn 706 triệu USD hỗ trợ y tế cho Việt Nam và trong vòng 10 năm trở lại đây, Mỹ cũng đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính đáng kể cho Việt Nam nhằm ngăn chặn, phát hiện và ứng phó những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới.

Mỹ còn tài trợ thuốc ARV để chữa trị HIV/AIDS vốn rất mắc mỏ cho Việt Nam suốt hàng chục năm qua để VN có thể phát miễn phí cho người bệnh tại VN. Mới đây, USAID (Cơ quan Cứu trợ Phát triển Quốc tế của Mỹ) cũng thông báo hỗ trợ y tế thêm 2.9 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam để phòng chống virus Vũ Hán.

Cho nên nếu gọi là “giúp Mỹ” thì chỉ có thể nói trong đại dịch này kiếm được nhân công địa phương làm việc là rất khó khăn, và đây là dịp duy nhất cho tới hiện tại mà VN, cụ thể là người dân VN, có cơ hội hỗ trợ Mỹ về công sức lao động sau khi được Mỹ giúp đỡ biết bao nhiêu năm qua. Và tất nhiên Mỹ sẽ vẫn tiếp tục giúp đỡ cho VN trong tương lai bất chấp thể chế độc tài của VN có tồn tại hay không.

Luật Sư Di Trú