Lê Thu Hà: chúc cô chân cứng đá mềm

Cô Lê Thu Hà sau thời gian 5 tháng ở Đức đã quyết định quay trở về Việt Nam. Quyết định của cô làm cho nhiều người bất ngờ, điều đáng nói là đòn tâm lý ác độc lại được đem ra sử dụng.
Chính quyền đã đánh đòn thâm độc vào tâm lý hiếu thảo của người Việt. Trước giờ không ít người đã bị nhà cầm quyền cộng sản từ chối cấp thị thực nhập cảnh để thăm cha mẹ già yếu hay chịu tang cha mẹ qua đời chỉ vì liên hệ mật thiết với cộng đồng tỵ nạn cộng sản, hay vì biểu lộ ý kiến bất đồng với nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam. 
 
Cô Hà, giờ là một phụ nữ ốm yếu sức khoẻ suy nhược sau khi bị giam cầm mấy năm trời mà vẫn là sự đe doạ cho nhà cầm quyền đến nỗi không được quay trở về Việt Nam để sống cùng mẹ già. Đòn tâm lý độc ác này sẽ giáng một đòn nặng hơn vào tâm lý của cô Hà vốn đã bị trầm cảm sẵn. 
 
Kêu gọi cộng đồng người Việt giúp đỡ cô Hà hội nhập? 
 
Vị thế của cô khi đến Đức không phải là người tỵ nạn cộng sản vượt biên, nên cô không thể trông chờ sự giúp đỡ của cộng đồng tỵ nạn cộng sản. Cô là một người sinh ra và lớn lên sau năm 1975 nên cô không thể hoà nhập được với những người luôn sinh hoạt cộng đồng với sự hiện diện của cờ vàng. 
 
Cho dù là người bị chính nhà cầm quyền cộng sản trục xuất nhưng để tạo được niềm tin cho cộng đồng này cần phải có thời gian nếu không có thể sẽ bị xếp vô nhóm cộng sản nằm vùng cho chính quyền cộng sản cài cắm nhằm tăng cường cho cánh tay nối dài của đảng cộng sản ở nước ngoài. 
 
Cô cũng không thể trông chờ sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt tỵ nạn từ Đông Đức trước đây và những người mới sang nhập cư sau này. Nhóm người này phần lớn chỉ muốn yên ổn kiếm tiền, không dây vào chính trị hay dân chủ gì cả. Họ sợ cho sự an nguy của bản thân ở ngay trên đất Đức và của cả người thân họ ở Việt Nam. Vì vậy họ sẽ không dại gì mà giúp đỡ hay liên hệ với cô Lê Thu Hà, một nhân vật phản động bị trục xuất khỏi Việt Nam, để bị Đại sứ quán và mật vụ đưa vào diện cần theo dõi. 
 
Bản thân cô Hà sẽ khó hội nhập được với những người không đồng quan điểm trước đây, thì giờ lại càng khó hơn vì sự nghi kỵ khi có những ý kiến rằng cô muốn quay về với chính quyền cộng sản. 
 
Bất lực 
 
Cho dù cô Hà từng là một giáo viên tiếng Anh, đã du học ở Philippines, nhưng cuộc sống ở một quốc gia châu Âu lại hoàn toàn khác. 
 
Khác với các quốc gia có khí hậu ấm áp, các quốc gia Tây Âu khép kín chứ không rộng mở. Người ta sống khép kín, không có hội hè vui chơi sau giờ làm việc vào ngày thường. Chợ búa đóng cửa sớm vào ngày thường, và ngày chủ nhật cũng không có mở cửa. Nên có thể nói với người Việt mới qua thì đó là một cuộc sống rất buồn chán. 
 
Nước Đức không phải là quốc gia có số người nói tiếng Anh nhiều và phố biến. Chưa kể đến việc cô đã bị giam cầm hơn hai năm trong trại giam, vốn tiếng Anh không sử dụng đã bị mai một thì việc sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với người Đức là việc không dễ dàng chút nào. 
 
Cứ nghĩ đến chuyện phải đi khám bác sỹ liên tục nhưng không thể giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Đức mà phải qua thông dịch hay giao tiếp vất vả bằng tiếng Anh khi khai bệnh đã là một việc gây căng thẳng và tạo cảm giác bất lực khi có miệng nói mà không thể diễn đạt cảm xúc lẫn bệnh trạng của mình. 
 
Học ngoại ngữ mới cũng là một thách thức lớn. Tiếng Đức không phải là một thứ tiếng dễ học mà có thể thành thạo chỉ trong vòng vài ba năm khi phải vừa lo học tiếng, vừa lo học nghề và kiếm việc làm thêm để trang trải thu nhập để lòng tự trọng không bị tổn thương khi chỉ biết sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ. 
 
Hãy cứ thử xem có bao nhiêu người Việt Nam đến Đức sau 30 tuổi có thể học nói tiếng Đức thành thạo và lấy được bằng đại học bằng tiếng Đức? Hay họ đều bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền thường nhật? 
 
Vô dụng
 
Những ngày ở Đức này có lẽ cô Hà có cảm giác vô dụng. 
 
Làm một giáo viên tiếng Anh và sau đó là trợ lý cho ông Đài, cô Hà không có thể dễ dàng kiếm việc ở Đức phù hợp với khả năng của bản thân. 
 
Rào cản trước tiên là ngôn ngữ, việc này có thể khắc phục nếu như cô làm việc cho chủ người Việt với các công việc tay chân đơn giản. Nhưng như đã đề cập ở trên, ai có gan thuê một người phản động vô làm việc? Đi làm việc ở nơi sử dụng tiếng Đức thì lại thiếu kỹ năng làm việc và sức khoẻ cần thiết. 
 
Cho nên cô lại phải đi bắt đầu từ con số không, học tiếng để đủ giao tiếp, đi làm để nâng cao trình độ tiếng và để hội nhập vào xã hội Đức. Khi phải bắt đầu lại ở tuổi không còn trẻ, nhất là với một phụ nữ đơn độc nơi xứ người thì cái cảm giác mình bỗng nhiên thành người vô dụng là điều không thể tránh khỏi. 
 
Chúc cô chân cứng đá mềm
 
Trầm cảm không là một bệnh lạ ở xứ lạnh. Khi cảm thấy tâm trạng ảm đạm, không muốn làm gì trong vòng hai tuần lễ, cộng thêm cảm giác mệt mỏi, bồn chồn, bất lực và vô dụng thì đã bị xếp vô nhóm người bị bệnh trầm cảm. 
 
Một khi sức khoẻ không tốt, hay trong người có sẵn bệnh thì cái gió buốt người của mùa thu ướt át, cái lạnh lẽo của mùa đông xám ngắt dễ làm cho tinh thần con người ta đi xuống rất nhanh nếu không có một thần kinh thép hay có sự giúp đỡ về tinh thần của bạn bè và người thân. 
 
Chính bản thân cô Hà đã xác định không ở lại Đức mà muốn quay về Việt Nam đã làm cho động lực hội nhập với cuộc sống mới ở Đức của cô không được kích hoạt. Với tâm trạng như vậy mà cô Hà không rơi vào tình trạng trầm cảm thì mới là chuyện lạ. 
 
Giờ đây đường về của cô Hà đã vĩnh viễn khép lại. Cô chỉ còn một chọn lựa duy nhất là bắt đầu lại một cuộc sống mới ở nước Đức. Cô sẽ vẫn được chính phủ cho đi học tiếng, đi học nghề cũng sẽ không mất tiền, ngoài ra sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp cho vô vượt qua những ngày tháng đầy khó khăn này. Hi vọng rồi sẽ có lúc cô đủ mạnh mẽ để lại tiếp tục con đường “làm phản động” để góp phần nào mang lại một tương lai dân chủ cho dân tộc Việt Nam. 
 
Phương Thảo (VNTB)