Nhà Xuất Bản Tự Do được trao giải thưởng Prix Voltaire 2020 của Hiệp Hội các Nhà Xuất Bản Quốc Tế IPA

Nhà xuất bản Tự Do - Liberal Publishing House

Hôm 3 tháng Sáu, Hiệp Hội các Nhà Xuất Bản Quốc Tế (International Publishers Association – IPA), một tổ chức hỗ trợ những người bảo vệ quyền tự do xuất bản đã công bố trao giải thưởng Prix Voltaire năm 2020 cho Nhà Xuất Bản Tự Do của Việt Nam.

Trong số bốn ứng cử viên vào chung kết, tất cả đều là những nhà xuất bản dũng cảm thúc đẩy quyền tự do xuất bản ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Mã Lai, Việt Nam và Pakistan, Ủy Ban Tự Do Xuất Bản của IPA cảm thấy Nhà Xuất Bản Tự Do nổi bật vì nhà xuất bản này tập trung vào mục tiêu bảo vệ quyền tự do để xuất bản. Các cá nhân đằng sau Nhà Xuất Bản Tự Do đã tự chấp nhận đối diện với nguy hiểm rủi ro lớn để cho phép những người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ.

Ông Kristenn Einarsson, Chủ Tịch Ủy Ban Tự Do Xuất Bản của IPA nói rằng: “Các thành viên của Nhà Xuất Bản Tự Do ở Việt Nam hoạt động như các nhà xuất bản du kích, để những cuốn sách có thể được đến tay người đọc trong một môi trường đầy đe doạ và rủi ro cho sự an toàn cá nhân của họ. Đây là một điều đáng ngưỡng mộ. Cộng đồng xuất bản quốc tế công nhận sự dũng cảm của họ và sẽ hỗ trợ họ bằng mọi cách có thể.

Nhà Xuất Bản Tự Do được thành lập vào tháng Hai, 2019 tại Sài Gòn bởi một nhóm các nhà bất đồng chính kiến như là một thách thức trực tiếp đối với sự kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam trong ngành xuất bản. Các thành viên của Nhà Xuất Bản Tự Do bị buộc phải làm việc trong bí mật để tránh sự đàn áp của chính quyền, vu khống những gì họ làm là “hoạt động chống nhà nước.”

Nhờ những việc làm của Nhà Xuất Bản Tự Do mà tiếng nói của các nhà văn bất đồng chính kiến ngày càng đông ở Việt Nam đã đến được người đọc trên toàn quốc. Tại Việt Nam, các ấn phẩm như vậy bị chính phủ cấm và bị liệt vào thể loại sao chép và phân phối sách bất hợp pháp, dưới cái tên Samizdat*.

Nhóm Chiến Dịch Việt Nam của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho biết, công an có lúc đã thẩm vấn và bắt giữ gần 100 người vì họ sở hữu hoặc đọc những sách được in bởi Nhà Xuất Bản Tự Do. Bất chấp những quấy rối và đe dọa, nhà xuất bản được trao giải Prix Voltaire năm 2020 vẫn tiếp tục hoạt động trong điều kiện nguy hiểm, để mang đến hy vọng cho người dân Việt Nam rằng bất kỳ ý kiến nào, dù được chính phủ đồng ý hay không, đều được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận.

Thông báo công bố người/tổ chức được trao giải thưởng có đoạn, IPA công nhận tầm quan trọng của sự đóng góp của Nhà Xuất Bản Tự Do đối với thông điệp quan trọng này và chúc mừng người được trao giải thưởng vì sự cống hiến và lòng can đảm mẫu mực của họ.

Hiệp Hội các Nhà Xuất Bản Quốc Tế – IPA là liên minh các nhà xuất bản lớn nhất thế giới, với tổng cộng 83 cơ quan xuất bản thuộc 69 nước ở các châu lục. IPA liên kết hàng ngàn người làm xuất bản trên khắp thế giới, phục vụ một thị trường rộng lớn hơn 5,6 tỷ người đọc.

Giải thưởng của IPA được trao từ năm 2005, với tên gọi ban đầu là giải Tự Do Xuất Bản. Năm 2011, nhà thơ Bùi Chát – người sáng lập Nhà Xuất Bản Giấy Vụn – là người Việt Nam đầu tiên nhận giải này.

Từ năm 2016, giải được đổi tên thành Prix Voltaire, để tưởng nhớ triết gia và văn hào-thi hào Pháp François-Marie Arouet, bút danh Voltaire.

Giải thưởng Prix Voltaire đi kèm với phần thưởng tài chính trị giá 10.000 CHF** (1 Swiss Franc – CHF = 1,04 USD theo thời giá)

Trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Phạm Đoan Trang, người phát ngôn của Nhà Xuất Bản Tự Do cho biết:

Giờ này, tất cả các gương mặt của NXB Tự Do đều đang… không ở nhà. Họ đều buộc phải rời nhà đi lang thang, để thoát khỏi sự truy lùng, săn đuổi của lực lượng an ninh Việt Nam.

Mong rằng mỗi người trong số họ đều đang an toàn ở một nơi nào đó trên đất Việt Nam và cùng vui mừng nhận được tin này.

Đây là giải thưởng cho họ – những người làm xuất bản không kiểm duyệt.

Cũng xin được coi đây là một giải thưởng chung cho phong trào dân chủ Việt Nam và đặc biệt, cho hàng chục ngàn độc giả dũng cảm và đáng yêu của NXB Tự Do ở khắp trong và ngoài nước.
 

* Samizdat: Một hình thức hoạt động bất đồng chính kiến ​​trong các nước khối Đông Âu cũ thời cộng sản, trong đó các cá nhân sao chép thủ công các ấn phẩm bị cấm/kiểm duyệt, thường là bằng tay, và chuyền tay các tài liệu từ người nầy qua người khác.