Phục hồi quyền con người trong chế độ hậu Cộng sản

Năm nay là đúng 70 năm ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời.

Nếu những cuộc cách mạng kỹ nghệ đánh dấu sự thăng tiến của con người về mặt vật chất thì Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đánh dấu một mốc đoạn trong sự thăng hoa tinh thần của văn minh loài người.

Bản tuyên ngôn khẳng định ngay từ đầu trong Điều 1: Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hóa ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu.

Sự ra đời của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền bỏ lại đằng sau thời kỳ lạc hậu trong đó con người đối xử với nhau gần như loài động vật sơ khai cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, kẻ có trong tay khả năng dùng bạo lực hơn người có thể bóc lột, đọa đầy, cướp trắng, ban ơn cho kẻ yếu hơn cơ hội được sống tự nhiên.

Những chế độ độc tài là những chế độ mà kẻ cầm quyền muốn duy trì níu giữ lại tình trạng lạc hậu trên, và chế độ độc tài CS Nguyễn Phú Trọng hiện nay là một ví dụ điển hình.

Theo quy luật của lịch sử những hiện tượng phản động, tức là đi ngược lại sự tiến hóa của nền văn minh con người, sẽ tất nhiên bị đào thải. Cho nên ngày tàn của chế độ CS Nguyễn Phú Trọng tất nhiên chỉ còn là vấn đề thời gian, và không phải là quá sớm nếu ta bàn đến vấn đề quyền con người trong một nước Việt ngay sau CS.

Để sớm chấm dứt độc tài và rút ngắn giao thời chuyển tiếp thường chập chững mò mẫm, người dân Việt cần tiến hành xây dựng ngay những mặt sau đây:

1- Ý thức phổ quát về nhân quyền để hiểu và tin rõ rằng những quyền như tự do ngôn luận, tín ngưỡng, bầu chọn lãnh đạo đất nước v.v… không phải là đặc ân được bề trên nào ban phát mà là những quyền căn bản tự nhiên phải có, không ai có quyền tước đoạt xâm phạm: Chúng ta cùng nhau chia sẻ phổ biến về bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, cùng nhau tìm hiểu, hội thảo cho rốt ráo về những quyền căn bản đã được đề ra trong bản Tuyên Ngôn. Chỉ khi nhập tâm rằng chính mình có những quyền tự nhiên căn bản đó không ai có quyền xâm phạm, ta mới có động lực và ý chí để bảo vệ quyền của mình cho chính mình.

Cùng nhau phổ biến, thảo luận công khai, học hỏi về bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là điều mà bộ máy công an trấn áp của Nguyễn Phú Trọng khó mà có lý do chính đáng để cấm đoán ngăn trở vì chính chế độ của Nguyễn Phú Trọng đã ký kết vào bản Tuyên Ngôn này và vào các Công Ước về nhân quyền tiếp theo đó khi gia nhập Liên Hiệp Quốc. Nếu cấm đoán cản phá việc người dân tìm hiểu bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, chế độ Nguyễn Phú Trọng sẽ càng lộ rõ hơn mặt thật giả dối phản động, đi ngược lại sự tiến hoá của nền văn minh loài người. Xác xuất bị cản phá sẽ càng giảm thiểu hơn khi càng đông người cùng công khai quảng bá cho nhau về Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền khiến công an không còn đủ lý cớ khác để trù dập.

Việc quảng bá cho nhập tâm về các quyền căn bản của con người cần phải được tiếp tục sau khi hết chế độ độc tài Nguyễn Phú Trọng một cách hệ thống trong học đường để người dân có thể mạnh dạn ngăn ngừa mọi mầm mống độc tài mới nẩy lên định tước đoạt chà đạp nhân quyền.

2- Chuẩn bị cho quyền lập hội, lập công đoàn tự quản không chịu sự chi phối của nhà nước. Đây là việc mà dân ta đang bắt đầu làm qua việc thành lập những nhóm xã hội dân sự (XHDS) để tự lo cho nhau về mọi mặt trong xã hội. Ta cùng khuyến khích nhau đẩy mạnh việc này để dần dần càng bớt lệ thuộc vào nhà nước; từ đó thoát khỏi thân phận làm con dân của nhà cầm quyền đóng vai cha mẹ chăn dắt đàn con ngu. Chế độ hậu CS càng cần phải tạo điều kiện khuyến khích phát triển mạng XHDS mà không có sự can thiệp của nhà nước vào việc nội bộ. Nhà nước chỉ có vai trò như cảnh sát giữ đường cho các XHDS hoạt động trong khuôn khổ luật pháp minh bạch.

Trong giai đoạn hiện nay ta cần phân biệt các nhóm XHDS tự dân khác với các tổ chức XHDS do nhà nước thành lập chi phối với mục đích tối hậu là phục vụ cho quyền lợi của nhà cầm quyền thông qua dân. Công đoàn lao động do đảng của Nguyễn Phú Trọng thành lập và chi phối thường đi ngược lại quyền lợi của người lao động là một ví dụ điển hình.

Song song với hai việc trên, ngay sau khi chế độ CS Nguyễn Phú Trọng chấm dứt, và trong khi xúc tiến việc thiết lập một bản Hiến Pháp với tam quyền phân lập, với một cơ chế có thể ngăn ngừa mọi sự độc quyền tự tung tự tác, chính quyền chuyển tiếp tạm thời cần phải xoá ngay:

Mọi chính sách, quy định, điều khoản cho phép sự hiện hữu của một đảng hay cá nhân độc quyền độc tôn, ví dụ như Điều 4 Hiến Pháp hiện hành.

Mọi luật lệ ngăn cản quyền tự do ngôn luận, ví dụ như luật an ninh mạng, chế độ kiểm duyệt v.v…

Mọi cơ chế sinh hoạt của đảng CS chồng chéo chi phối các cơ chế hành chánh, quân đội, công an, tư pháp, vì các cơ chế này dễ trở thành công cụ trấn áp của một đảng độc quyền.

Trên đây chỉ là một số việc cấp bách trong buổi giao thời để xây dựng nền tảng cho sự tôn trọng nhân quyền nơi người dân Việt.

Thực ra ta không đi xây dựng nhân quyền hiện chưa có, mà chúng ta đang trên đường phục hồi, tìm lại và bảo vệ những quyền căn bản đã được thế giới văn minh xác quyết từ 70 năm qua mà tập đoàn CSVN của Nguyễn Phú Trọng đã tước đoạt của chúng ta.

Vì thế, chào đón 70 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948-2018), chúng ta cùng quyết tâm GIÀNH LẠI NHÂN QUYỀN – ĐÒI LẠI DÂN CHỦ cho Việt Nam.