BÃO BÓNG ĐÁ & TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA.

"Sau một đêm chiến thắng trận chung kết, một biển rác và gần 30 người chết, 200 người bị thương và bị bắt giữ vì (tổ chức) đua xe. Không gì xót xa và đau đớn hơn thế".

Kết quả như thế theo tôi là vì:
1. Xã hội quá ít niềm vui. Chúng ta không có những niềm vui như cổ động bầu cử cho một đảng nào đó hay mừng rỡ reo hò khi đảng mà mình ủng hộ thắng cử; chúng ta cũng không có niềm vui như những carnaval ở Nam Mĩ. Ngay cả những dịp tưởng là vui thì mặt người nào cũng tỏ ra lo lắng, căng thẳng. Không tin, xin hãy nhìn những lễ hội mùa xuân, thậm chí lễ hội ở Đền Hùng. Chỉ có bóng đá mới làm cho người ta thật sự hồ hởi, không còn lo lắng, không cần giữ kẽ. Thế là đi bão!
2. Xã hội quá nhiều ẩn ức. Chúng ta chẳng có gì để tự hào với các lân bang. Rất ít người nước ngoài đến nước ta học tập, rất ít người nước ngoài đến nước ta làm công việc chân tay. Rất ít nhà lãnh đạo các nước đến nước ta để cám ơn. Còn chúng ta thì sao? Không nói cũng biết rồi. Vì thế mà một chiến thắng cỏn con cũng làm chúng ta sướng điên lên: Tao thắng mày rồi nha! Thế là đi bão! Cũng tương tự như cách đây khoảng 30 năm, một anh vừa ra khỏi tình trạng chết đói, dành tiền mua được chỉ vàng 24 liền đeo vào ngón tay để khoe: Tao cũng có vàng, đâu kém gì ai.

Vì vậy mà những người lao vào "cơn bão" như những con thiêu thân, gây ra tai nạn cho mình, cho người thực ra là đáng thương hơn đáng trách.

Chính chúng ta, thế hệ cha anh của họ mới là những người đáng trách. Đáng trách vì chúng ta đã tạo ra một xã hội quá ít niềm vui mà lại quá nhiều ẩn ức. Đáng trách vì chúng ta đã để cho những thằng khi vui thì lè lưỡi ra như lưỡi chó trưa hè, khi hữu sự thì nói như những thằng điên cần đưa vào bệnh viện tâm thần gấp, cưỡi lên đầu lên cổ mình.

Xin đừng trách những người trẻ mà hãy tự trách mình: LỖI TẠI TÔI MỌI ĐÀNG! Vâng, chính tôi, chính chúng ta, cha anh của những thanh niên chết và bị thương kia là những người có lỗi.

*****

NÔ DỊCH BẰNG CẢM XÚC ĐÁM ĐÔNG

Một dân tộc bị nô dịch đơn giản chỉ bởi vì họ đã sống và liên kết với nhau bằng quá nhiều cảm xúc (trực cảm, tính giác) thay vì đáng lẽ ra họ phải được soi sáng bằng lý trí và những logic của trí tuệ. Vậy nên, khó thể nào giải thoát ra được trạng thái mông muội mà đám đông được dẫn lối quá nhiều bởi cảm xúc, thứ sẽ khiến cho bất cứ ai cũng có thể trở thành một kẻ từ vì đạo hoặc là anh hùng vào bất kể thời khắc nào một khi nó muốn.

Một đám đông khi đã tụ họp nhau lại, thường đã tách hẳn mình ra khỏi mọi sự dẫn dắt của lý trí, trong những con người hăng hái bị chi phối bởi cảm xúc và bản năng ấy là một làn sóng không thể nào kiểm soát bằng bất cứ sự khuyến nghị, cảnh báo hay trừng phạt nào. Và đương nhiên rằng, điều này là một thuận lợi vô cùng lớn lao cho bất cứ thể chế độc tài nào, vì lý trí thì đã được nuôi dưỡng bằng chính những sự tự chủ và trung thành với chân lý của nó, phần còn lại thuộc về cảm xúc là một lãnh địa rất dễ dàng để thâu tóm hoặc là chi phối, điều soát, thậm chí có thể giáo dưỡng được nó ngay từ khi còn niên thiếu.

Mặc dù cảm xúc của đám đông rất dễ bị nguội tắt, nhưng để có thể thay thế được nó bởi những đường dẫn của tư duy lý tính sẽ cần vô cùng nhiều thời gian và phương tiện để giải quyết được nó. Cái phẩm chất tệ hại nhất của cảm xúc chính là nó rất dễ khiến con người ta rơi vào sự ảo tưởng, với đủ các ngôn từ và công thức mà có thể ngay lập tức đưa con người ta tới được địa đàng. Nhưng lý trí thì đưa đến sự hoài nghi, mà điều này dẫn tới sự trì hoãn các hành động, mặc dầu chúng đã được tính toán hoặc là chuẩn bị các kế hoạch chu đáo.

Chính bởi tính nguy hại của nó ẩn chứa trong đám đông chỉ có ngọn lửa của cảm xúc dẫn lối, nó là phương tiện dễ dàng nhất và cũng là hữu hiệu nhất để một chính quyền độc tài tập trung những đám đông bị điều khiến nhưng vẫn nghĩ rằng mình là chủ thể của những hành động và những mục đích vĩ cuồng, nhằm thủ tiêu tất cả mọi đám đông ngoan cố khác. Một xã hội như vậy, nó sẽ được định hướng và đặt tất cả sự chú trọng vào việc làm cho thoả mãn cảm xúc trực tính bề mặt của đám đông bằng những niềm vui bản năng, từ nghệ thuật, thể thao cho đến những cảm xúc về lịch sử, sự công bình, lòng bác ái, tự tôn dân tộc mà chúng thực sự chẳng có lấy bất kỳ sự định lượng hay sự liên quan cụ thể nào.

Đương nhiên rằng, nó chính là một trạng thái của sự nô dịch, hoàn toàn bị nô dịch mà không còn phải bàn cãi gì thêm nữa.

Fb Luân Lê