Một năm dài không thể dài hơn!

VietTuSaiGon’s blog – RFA

Giả sử như đời người được đánh dấu bằng những năm tháng đi qua, bằng tuổi tác, và tầm vóc của con người được đánh giá bằng những biến cố, sự kiện gắn trên các năm tháng ấy, thì có lẽ, nên ví năm 2020 là một đời người riêng lẻ, một đời người với đầy đủ mọi biến cố đi qua và tầm vóc của cuộc đời này lại được đánh giá bằng những cái chết, những giọt nước mắt tang thương và cả sự tuyệt vọng, không lối thoát. Năm 2020 là một năm quá dài, dài không thể dài hơn.

Khởi động năm 2020 là dịch tả lợn châu Phi, hàng triệu người làm nông, chăn nuôi của Việt Nam phải điêu đứng vì dịch bệnh, giá thịt heo tăng vùn vụt, kèm theo thời giá các loại hàng khác cũng tăng tỉ lệ. Như để xoa dịu không khí này, một quan chức cấp Bộ đã khuyên người dân nếu không ăn được thịt lợn thì dùng thịt gà thay thế. Vậy là các trại gà, vịt xuất hiện khắp đất nước cùng với dịch cúm gia cầm khiến mọi thứ trở nên thậm thò thậm thụt, rất khó nói. Và thiệt hại của người nuôi lợn cũng được nhà nước cử các thôn trưởng, đại diện hội phụ nữ tới lấy thông tin thiệt hại, hứa sẽ hỗ trợ. Lời hứa ấy vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, người dân vẫn dài cổ chờ đợi tiền hỗ trợ, càng đói thì sự kiên nhẫn chờ đợi càng cao.

Sau dịch tả lợn châu Phi là dịch cúm Vũ Hán (tại sao cứ phải gọi tên y học là Covid-19 trong khi nó xuất phát từ Vũ hán, Trung Quốc? Liệu một nhà khoa học của Trung Quốc phát hiện ra ngôi sao nào đó thì ông/bà ấy có chịu để người ta gọi tên khác ngoài tên ông/bà ấy hoặc nơi ông/bà ấy đang sống không?!), dịch bùng phát khắp các tỉnh thành Trung Quốc, sang các nước châu Á, châu Âu, sang Mỹ, và đương nhiên là Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đợt chống dịch lần 1 diễn ra vào tháng 4, kéo dài hơn tháng, mọi chuyện tưởng rằng đã ổn thỏa, chính quyền cũng bắt đầu gáy thành tích. Chưa kịp dứt tiếng gáy thì đợt nhiễm dịch lần hai, có người chết, có những hình ảnh đau lòng, làm rúng động tâm lý, rồi từ tỉnh này qua tỉnh khác, gần hai tháng trời cầm cự, chống chọi… Mọi thứ bắt đầu lộ rõ sự bất ổn của nó.

Trong đợt chống dịch lần hai, tỉnh Thừa Thiên Huế gần như cấm người Quảng Nam và Đà Nẵng vào địa phận Thừa Thiên Huế. Điều này gây bức xúc không ít. Nhưng người Huế chưa kịp mừng vì “thoát nạn” Covid-19 thì liền sau đó, bão số 5 tiến thẳng vào Huế, Quảng Trị và Quảng Bình quăng quật, dày xéo làm nhà cửa tan nát, trụ điện gãy hàng trăm cây, hoa màu ngã đổ… Tiếp sau đó là lụt lội, thủy điện xả đập. Huế chưa kịp hoàn hồn thì tiếp tới Quảng Nam, rồi Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Các cơn bão liên tục đổ bộ vào miền Trung, từ Nam Trung Bộ, đến Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, không có tỉnh nào là không có thiên tai, lụt lội, đất chuồi, sạt lở núi, chết người…

Người ta chưa kịp nguôi xót xa vì hình ảnh người chồng quì lạy thần nước hãy buông tha người vợ đang trở dạ của anh ở Thừa Thiên Huế thì tiếp đó, sạt lở núi, thủy điện Rào Trăng 3 làm hàng chục người mất tích, chết chóc ở Tây Thừa Thiên Huế, rồi sạt lở đất ở Quảng Trị, Hà Tĩnh, tiếp đến là Trà Leng, Trà My, Tây Quảng Nam sạt lở đất gần thủy điện Sông Tranh 2 làm chết nhiều người, sau đó các vụ sạt lở liên tiếp xảy ra ở Quảng Nam, rồi đến đồi Ra Pan ở Quảng Ngãi nổ tung sau một trận mưa và gây ra sạt lở nghiêm trọng…

Chưa bao giờ miền Trung thấm cảnh lụt vào, lụt ra rồi lại lụt vào, bão ra thì lụt vào, đủ các kiểu biến tấu của thiên tai, nhân họa như năm nay. Và cũng chưa bao giờ người Việt nghe khái niệm “đa thiên tai” như năm nay, chưa bao giờ mà đất khắp mọi nơi, núi non khắp các miền đất nước lại nhão chảy như bùn trong vài năm trở lại đây. Ba năm trước, ở Yên Bái và các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc đều xảy ra hiện tượng lũ bùn, lũ quét. Và năm nay thì miền Trung Việt Nam xảy ra tình trạng sạt lở đất kinh khủng hơn nhiều!

Công tâm mà nói, rừng ở miền Bắc còn nhiều diện tích nguyên sinh hơn rừng miền Trung, hơn nữa, lượng thủy điện ở miền Bắc nhiều chưa bằng 50% lượng thủy điện ở miền Trung, đó là chưa kể tới các thủy điện cóc âm thầm mọc lên trên khắp đỉnh Trường Sơn, nơi giáp ranh với nước bạn Lào. Đương nhiên, tình trạng thủy điện mọc ra như nấm sẽ kéo theo tình trạng khai thác rừng lòng hồ, khai thác rừng vùng đệm lòng hồ, khai thác gian lây lan, khai thác tài nguyên, khoáng sản, khai thác lớp đất mặt của rừng để làm phân bón… Có một ngàn lẻ một kiểu khai thác rừng trước khi làm thủy điện và tôi cũng không muốn nhắc đến những chiêu bài của nhà đầu tư thủy điện cũng như mục đích làm giàu từ rừng nấp sau tấm bình phong thủy điện của họ. Vấn đề là cách nhìn nhận, đánh giá từ phía Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam hiện tại chỉ làm cho tình hình càng thêm xấu đi.

Điều này khiến tôi đặt câu hỏi: Liệu có chăng những người của chính phủ cũng có lợi ích liên đới từ các thủy điện nên họ cố tình che giấu sự thật? Hoặc giả chính phủ Việt Nam không còn đủ sức, đủ quyền hạn, quyền lực và uy tín để quản lý một cách rốt ráo vấn đề rừng cũng như thủy điện. Bởi tôi nhớ không lầm, Việt Nam có hai hiện tượng Thủ tướng, đó là Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc.

Nguyễn Tấn Dũng khi nhậm chức Thủ tướng đã tuyên bố đến năm 2010 mà đất nước còn tham nhũng thì ông sẽ từ chức, không làm Thủ tướng nữa. Và để trả lời cho tuyên bố này của ông Dũng, nhiệm kỳ của ông Dũng là nhiệm kỳ mà tham nhũng tác oai tác quái mạnh nhất, lợi ích nhóm nổi lên như giặc cỏ, và hậu quả của nó là tình hình tham nhũng hiện tại dường như không thể khống chế mặc dù ông Nguyễn Phú Trọng đã chính thức đốt lên cái lò chống tham nhũng gần ba năm trời rồi mà tham nhũng vẫn có mặt mọi nơi, lúc nhúc từ trung ương tới địa phương. Đươgn nhiên là ông Dũng không từ chức, mà còn muốn leo lên cao hơn, cho đến khi bị hất cẳng ở đại hội 12.

Ông Phúc thì ngay thời còn làm Phó Thủ tướng thường trực đã tuyên bố bằng mọi giá phải đóng cửa rừng, không để một cái cây trong rừng nào chảy máu nữa, khi người ta chặt một cái cây thì phải thắp hương vái lạy… Kết quả là từ lúc ông tuyên bố đóng cửa rừng, cây rừng nhanh chóng tự mọc chân chạy khỏi rừng, vì trên các văn bản luôn báo cáo là rừng được bảo tồn rất tốt, không mất mét vuông nào. Thế nhưng khi ông Phúc chính thức làm Thủ tướng chưa đầy ba năm thì chuyện mất rừng không còn và vấn đề nổi cộm để nhức nhối nữa (vì nó đã vượt ngưỡng) mà lúc này, nỗi nhức nhối chuyển sang vấn đề hậu quả của việc tàn phá rừng và những phát biểu đầy bất minh của giới chức.

Bởi không cần nói nhiều thêm nữa, ai cũng biết rừng nguyên sinh ở miền Trung gần như bị cạo nhẵn và thay vào đó là rừng trồng, lớp vỏ núi bị đục xới và biến thành lớp đất vườn để trồng rừng, khi mưa tới thì biến thành lớp mặt ruộng, chức năng điều tiết nước, dẫn nước xuống các mạch ngầm của lớp vỏ mùn rừng triệu năm cộng với rễ cây chằng chịt đan xen làm lưới giữ đất của rừng nguyên sinh đã bị lấy mất. Thay vào đó là những đám ruộng trồng keo lá tràm giữa rừng, mùa nắng thì khô khốc, cháy bất kì lúc nào, mùa mưa thì nhão nhoét, sạt lỡ. Mạch nước ngầm bị khô hạn bởi núi không còn là nơi điều tiết nước đưa về mạch ngầm. Bên cạnh đó, thủy điện tích nước sẽ làm tổn thương các mảng địa tầng, gây chấn động địa tầng, tạo đới đứt gãy giãn nở… Hậu quả là chỉ cần mưa nhẹ đã sạt lở núi, bởi vì trước đó, núi đã được rùng cho rạn nứt bằng những trận động đất…

Và nếu làm một bài toán thô sơ thì mỗi năm, thiên tai, nhân họa gây tổn thất nhân mạng và tài sản không hề ít, tổng tài sản bị mất đi trong nhân dân luôn nhiều hơn một vài cái thủy điện, năm sau nhiều hơn năm trước, đến năm nay thì kinh khủng hơn, và chẳng biết năm sau ra sao nữa! Trong khi đó, chính phủ vẫn tìm cách chứng minh rằng thủy điện không ảnh hưởng, rừng nguyên sinh vẫn còn nhiều, chưa hề bị tàn phá… Nói như vậy là che giấu sự thật, phủ nhận nỗi đau của nhân dân và đang cười nhạo vào sự khờ khạo của nhân dân!

Nói như vậy để thấy rằng chưa có năm nào dài hơn năm 2020, bởi một năm chưa kết thúc mà có quá nhiều chuyện để đau đầu, để xót xa, và xót xa hơn nữa là dường như người dân tự che chở, bảo vệ nhau là chính, may mắn lắm thì có lực lượng quân đội đến tìm xác sau khi lâm nạn. Còn lại, mọi thứ vẫn là một ẩn số chết chóc. Năm 2020 quá dài và bi thảm! Và với kiểu đánh giá lấp liếm như chính quyền Việt Nam hiện tại, thì tình hình càng thêm xấu đi!