Cô gái 16 tuổi vận động mọi người bỏ học để biểu tình chống biến đổi khí hậu được đề cử giải Nobel hòa bình

Cô Greta Thunberg (16 tuổi) người Thụy Điển  khuyến khích học sinh, sinh viên lên tiếng đòi hành động nhanh chóng để chống biến đổi khí hậu, là linh hồn của những phong trào lan rộng khắp Thụy Điển và châu Âu.

Đây sẽ là một tuần lễ đáng nhớ và bận bịu đối với Greta Thunberg.

Tiếp đó, vào thứ 6, một cuộc biểu tình do Greta phát động sẽ diễn ra trên toàn thế giới, khi hàng chục nghìn người trẻ tuổi sẽ đổ xuống đường tuần hành ở 112 nước nhằm kêu gọi hành động chống lại sự biến đổi khí hậu.

Thunberg viết trên Twitter rằng cuộc biểu tình vì khí hậu này sẽ diễn ra ở hơn 1700 địa điểm trên toàn cầu.

Cô đã vận động và khuyến khích học sinh bỏ một buổi học để tham gia biểu tình, đòi hỏi phải có những hành động rốt ráo hơn về vấn đề biến đổi khí hậu, một phong trào đã lan rộng ra ngoài biên giới Thụy Điển đến nhiều quốc gia Châu Âu khác.

Phong trào tổng thể mà Greta phát động có tên là "Thứ Sáu vì Tương lai" (Fridays For Future), bắt đầu vào tháng 8 năm ngoái khi Thunberg ngồi trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển mỗi ngày trong 3 tuần liền để phản đối sự thiếu hụt những biện pháp và hành động nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.

"Chúng ta đang đối mặt với một thảm họa mà rất nhiều người phải gánh chịu nhưng rất ít người lên tiếng", Thunberg phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng 1 vừa qua. "Giải quyết khủng hoảng khí hậu chính là thử thách lớn nhất và phức tạp nhất mà con người từng phải đối mặt".


Khoảng 30.000 người diễu hành ở Sydney hôm 15/3 kêu gọi chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP.

Theo những người tổ chức thì chỉ tính riêng tại Mỹ, khoảng 100.000 người trẻ được cho là sẽ tham gia và ít nhất 400 cuộc biểu tình riêng rẽ diễn ra ở 50 bang.

Những cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu trên hành tinh của chúng ta vẫn tiếp tục gióng lên.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ NASA cho biết 5 năm vừa qua chính là 5 năm nóng nhất kể từ khi có dữ liệu ghi lại bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Và lượng khí CO2 trong khí quyển – loại khí được cho là chịu trách nhiệm chính làm trái đất nóng lên – đã tăng lên đến mức báo động, chưa từng thấy trong hàng ngàn năm, và chắc chắn là trong hàng triệu năm trước đây.

Ngoài ra, như Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo vào tháng 10 năm ngoái, cần phải có "những sự thay đổi nhanh chóng, có ảnh hưởng lớn và chưa từng thấy trong mọi khía cạnh của xã hội" để chống lại những tác động nguy hại nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu". Mục tiêu được đặt ra là giữ mức độ nóng lên ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) cao hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp, và điều này gần như là không thể trừ khi những động thái khẩn thiết và cấp bách được thực hiện.

Về giải Nobel Hòa bình, Thunberg viết trên Twitter rằng cô rất "vinh dự và biết ơn vì được đề cử cho giải thưởng này". Các đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm nay được thực hiện bởi 3 nhà lập pháp người Na Uy và giải sẽ được trao và cuối năm.

Theo Hãng tin AP ngày 14-3, Thunberg được ba nhà làm luật Na Uy đề cử giải Nobel hòa bình, coi đây là một tiếng nói nổi bật trong phong trào chống biến đổi khí hậu.

Chính trị gia Freddy Andre Oevstegaard và hai thành viên của Đảng Xã hội cánh tả Na Uy cho rằng "phong trào lớn mạnh do khởi xướng có đóng góp rất quan trọng cho hòa bình". Bất cứ chính trị gia của nước nào cũng có quyền đề cử người xứng đáng đoạt giải Nobel hòa bình.

Theo ông Oevstegaard, các mối đe dọa quanh vấn đề khí hậu là một trong những nguyên nhân chính của chiến tranh và xung đột trên thế giới. "Chúng tôi đề cử Greta Thunberg, vì nếu chúng ta không làm gì để giảm biến đổi khí hậu sẽ gây ra chiến tranh, xung đột và người tị nạn" - ông Oevstegaard nói.

Sáu tháng trước, cô nữ sinh Thunberg cắm trại bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thụy Điển với tấm bảng viết tay "Đình công lớp học vì khí hậu". Kể từ đó, cô bé xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, tạo nên tiếng nói của những người trẻ "vỡ mộng" vì người lớn chậm chạp trong việc chống biến đổi khí hậu.


Greta Thunberg dẫn đầu một cuộc biểu tình ở Pháp hồi tháng 2-2019 - Ảnh: REUTERS

Ủy ban Nobel Na Uy không bình luận công khai nào về các đề cử. Giải Nobel năm 2019 nhận được 304 đề cử, bao gồm 219 cá nhân và 85 tổ chức. Giải thưởng thường được công bố vào ngày 10-12 hằng năm.


Năm 2014, nhà hoạt động trẻ Malala Yousafzai của Pakistan trở thành người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải này ở tuổi 17.