Đổi tên trạm thu phí – Ý đồ không hề đơn giản

“Việc đề xuất đổi tên thành ‘trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ’ sẽ xóa nhòa cái tên B.O.T, cho phép Bộ Giao Thông Vận Tải tiếp tục đưa ra hàng loạt khoản thu thay thế với rất nhiều lý do để biện minh rằng đó không còn là khoản phí sử dụng dịch vụ của nhà đầu tư kinh doanh thuần túy. Khi đã được luật hóa thì mọi ý kiến phản đối những sai phạm của các B.O.T bẩn sẽ bị bẻ lái từ phản đối với chủ đầu tư, phe nhóm lợi ích sang nhà nước, đương nhiên sẽ vấp phải rào chắn vững chắc nhất mà các nhóm lợi ích có thể sử dụng.”

Bót thất thủ xả trạm - Lý do phải đổi thành Trạm Thu Tiền: https://youtu.be/OFUhPvtRN-Y

Theo tin từ TTO ngày 07/05/2019, Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) vừa đưa ra ý kiến về dự thảo liên quan việc xây dựng, tổ chức hoạt động thu phí sử dụng giao thông đường bộ. Theo đó, Bộ Giao Thông Vận Tải đưa vào dự thảo đề xuất đổi trạm thu phí (B.O.T) thành “trạm thu tiền”. Câu chuyện thật như đùa này nhìn qua tưởng như Bộ Giao Thông Vận Tải đang “quan tâm, có trách nhiệm” nhiều lắm. Nhưng nhìn lại và liên kết với chuỗi những phát ngôn và hành động của Bộ GTVT gần đây thì nó không đùa và cho thấy một sự thật khác hẳn.

Không có tên nào phù hợp hơn “trạm thu phí”.

Năm 2018, khi cao trào bùng nổ các cuộc phản đối B.O.T lan rộng cả nước, để đối phó thì Bộ Giao Thông Vận Tải từng có một đề xuất gây cười tương tự là đổi “thu phí thành thu giá”. Đề xuất này của Bộ GTVT đã vấp phải một làn sóng châm biếm ồn ào, trở thành đề tài để ngay nghị trường quốc hội cũng phải tham gia. Nếu không có ý kiến từ Chủ tịch quốc hội (QH) thì rất có thể các trạm thu phí sẽ đã yên ổn cái tên “thu giá” vừa tối nghĩa vừa kệch cỡm.

Cái kết của đề xuất tên “trạm thu giá” tuy không được dùng. Nhưng những người phản đối B.O.T bẩn thì đối mặt cuộc trấn áp, bắt bớ bởi bộ máy vũ lực được huy động từ dưới lên trên tham gia. Tất nhiên, các kết luận điều tra với tội danh “gây rối trật tự công cộng” được ký, đóng dấu như trường hợp Hà Văn Nam là điều dễ hiểu vì nó vốn rất thường thấy trong cách mà chính quyền thường áp dụng với người dân. Cho dù bản chất việc trả tiền phí giao thông (B.O.T) chỉ là giao dịch mua bán dân sự. Trạm thu phí chỉ là một điểm kinh doanh của doanh nghiệp đã biến thành “nơi công cộng” để nhà nước ra tay can thiệp.

Trở lại đề xuất đổi tên “trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ” thành “trạm thu tiền sử dụng đường bộ”. Mới nghe qua cái tên có vẻ ngớ ngẩn , chắc chắn hầu hết ngạc nhiên đặt ra câu hỏi: Không thu tiền thì thu gì? Tất nhiên mục đích chỉ là để thu tiền, nhưng vấn đề đặt ra là: Việc đổi tên thành “trạm thu tiền sử dụng đường bộ” sẽ giải quyết vấn đề gì? Tại sao lại phải đổi?

Cái tên “trạm thu phí” không chỉ là cái tên nghe đã quen mà là từ chỉ đúng nghĩa nhất trong ngôn ngữ của nhân loại để chỉ nó từ khi loại hình mua bán này hình thành tới nay. Không hề có chuyện Bộ GTVT lại ngẫu hứng đưa một cái tên lạ tai như vậy vào đề xuất nhằm hợp pháp hóa bằng luật như vậy.

Xóa nhòa bản chất thu phí B.O.T  hay tạo scandal truyền thông để che giấu ý đồ giao đường cao tốc Bắc – Nam cho nhà thầu Trung quốc?

Trên thực tế, các “trạm” này dù mang tên gì thì chức năng của nó vẫn chỉ là thực hiện khoản tiền mà người dân đã đi trên đường. Nhưng “trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ” thì khác hẳn “trạm thu tiền sử dụng đường bộ”. Vì “sử dụng đường bộ” sẽ không còn sự phân biệt giữa đường kinh doanh B.O.T với đường giao thông công cộng. Loại phí khi sử dụng dịch vụ B.O.T sẽ bị đánh đồng thành khoản thu đương nhiên, không bao hàm ý nghĩa tách bạch nguồn gốc đầu tư có phải trả phí hay không, giá trị lợi ích của sản phẩm hay dịch vụ cụ thể như thế nào.

Đọc kỹ cái tên “trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ” sẽ thấy lý do ẩn sau cái tên có vẻ “mộc mạc” này.

Mặc dù phong trào phản đối các trạm B.O.T sai vị trí, thu gian, thu quá hạn, v.v. bị chính quyền đàn áp nặng tay nhưng đã đặt ra nhiều khó khăn hơn cho các nhóm lợi ích giao thông do Bộ Giao Thông Vận Tải quản lý. Trạm B.O.T Trung Lương – Sài Gòn phải trì hoãn nhiều lần quyết định thu phí trở lại chỉ là một chỉ dấu cho thấy điều mà các nhóm lợi ích trong Bộ GTVT không muốn, bằng chứng là Bộ GTVT vẫn đang ráo riết vận động và tìm lý do cho trạm này thu phí trở lại sau khi đã thu hết thời hạn.

Khoản tiền thu khổng lồ từ các trạm B.O.T hàng ngày trên cả nước của các nhóm lợi ích đã khiến quan chức Bộ GTVT mờ mắt. Việc đề xuất đổi tên thành “trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ” sẽ xóa nhòa cái tên B.O.T, cho phép Bộ GTVT tiếp tục đưa ra hàng loạt lý do để hợp thức khoản thu nghe có vẻ có lý hơn. Kèm theo những chiêu trò lươn lẹo câu chữ để biện minh rằng đó không còn là khoản phí sử dụng dịch vụ của nhà đầu tư kinh doanh thuần túy.

Khi đã được luật hóa thì mọi ý kiến phản đối những sai phạm của các B.O.T bẩn sẽ bị bẻ lái từ phản đối với chủ đầu tư, phe nhóm lợi ích sang nhà nước, đương nhiên sẽ vấp phải rào chắn vững chắc nhất mà các nhóm lợi ích có thể sử dụng.

Gần đây, Bộ GTVT trở thành một trong những tâm điểm chú ý của dư luận liên quan dự án đường cao tốc Bắc – Nam. Theo những gì mà các quan chức Bộ GTVT phát biểu trên truyền thông thì dự án này Bộ GTVT thể hiện rất rõ ý đồ sẽ chọn giao cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Một trong những chủ ý mà đa số người dân và cả truyền thông lẫn một số cán bộ có lương tâm, trách nhiệm thật sự phản đối quyết liệt.

Khi thời hạn mở thầu càng gần thì thông tin hỏa mù từ Bộ GTVT càng xuất hiện nhiều hơn. Hàng loạt lý do, báo cáo từ Bộ GTVT với các nội dung: “chỉ nhà thầu Trung Quốc quan tâm; chỉ doanh nghiệp TQ đáp ứng đủ các điều kiện; doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực, v.v.” được đưa ra cho thấy mục đích giao thầu cho nhà thầu Trung Quốc đã được Bộ GTVT xác định ưu tiên số 1, bất chấp các phản biện và ý kiến phản đối của người dân lẫn các chuyên gia.

Khả năng Bộ GTVT sẽ còn nhiều chiêu trò để nhà thầu Trung Quốc thắng thầu đường cao tốc Bắc – Nam. Nhưng phản đối của dư luận vẫn là trở ngại không hề nhẹ. Việc tung ra đề xuất đổi tên trạm thu phí thành “trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ” là một mũi tên bắn 2 đích vô cùng thâm độc.

Kết quả thế nào thì Bộ Giao Thông Vận Tải vẫn đạt được mong muốn nhất định cho dù có được phê chuẩn hay không.

Thiên Điểu

Nguồn: Việt Nam Thời Báo