Ánh sáng trong bóng đêm


Những bạn sinh viên trẻ tự lấy xích trói tay mình đứng trước Toà nhà của cơ quan lập pháp để phản đối một đạo luật tiềm chứa đầy đủ sự bất công.

Những luật sư mặc vét đen dẫn đầu đoàn người biểu tình để bày tỏ chính kiến của mình về một sự chống lại hoàn toàn trước sự thiếu sáng suốt của chính quyền đối với một dự luật sẽ có hiệu lực vào vài ngày tới.


Những dòng người như biển thác cuồn cuộn suốt đêm qua trên mọi nẻo đường, con phố của Hồng Kông để phản đối về dự luật dẫn độ tới Trung Quốc vừa được thông qua.

Dân số Hồng Kông chỉ khoảng 7.5 triệu người, nhưng nhiều năm nay, cứ hết vạn người này tới vạn người khác xuống đường biểu tình chống lại sự yếu nhược của chính quyền trước sự can thiệp từ Trung Quốc, cho đến hôm qua, như một cơn sóng dữ dội với hơn 1 triệu người đồng lòng cùng thực hiện sự phẫn nộ của mình về một dự luật bất công sắp trói chặt họ.

Có phải nhân dân Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức hay Mỹ là những kẻ nhân dân ít học, vô công rỗi nghề, có tư tưởng chống phá nên thường xuyên biểu tình để yêu cầu chính quyền phải thực thi hoặc không được tiến hành một hành động hay chính sách nào đó? Họ nghèo đói và ngu dốt nên thường xuyên biểu tình, họ đang làm loạn xã hội và làm cho đất nước suy đồi, mất an ninh? Không! Họ là nhân dân đã tạo nên những cường quốc phát triển và văn minh hàng đầu thế giới mà thế giới này phải ngưỡng mộ họ về trí tuệ và phẩm cách.


Nhân dân Hồng Kông đã được sống trong một nền chính trị dân chủ bậc nhất trên thế giới từ hàng trăm năm trước đây, với một nền tư pháp độc lập và như một thành trì vững chãi bảo vệ các quyền con người cũng như các giá trị thuộc về nhân dân trước bộ máy chính quyền (nhà nước), nên họ luôn thấy được vị trí làm chủ cùng với các quyền chính trị chính đáng của mình. Họ phát triển và văn minh, họ dũng cảm và đầy hào khí, họ dân chủ và tự do, chính điều đó tạo nên những thế hệ mạnh mẽ và trí tuệ để sẵn sàng đứng lên trước các sự bất công đang diễn ra, nhưng được hiểu rằng, các sự bất công đó cũng chỉ ở mức mà những nơi khác còn chưa thể có được, dù chỉ một phần nhỏ, những nền tảng chính trị và các quyền con người mà chính họ đã và đang được hưởng.
 

Mặc dù vậy, bất công là bất công, sự nguy hại là một rủi ro không được phép tồn tại, và họ hành động để ngăn chặn nó hiện diện với tư cách làm chủ đất nước và chính quyền, hẳn nhiên là làm chủ chính vận mệnh của họ nữa.

Một xã hội văn minh, không thể đứng chung vào và chịu sự cưỡng đoạt từ một thể chế man rợ và tồi tàn, độc tài và toàn trị. Họ không thể sống trong một bầu không khí ngột ngạt, bị nô dịch và trong một nhà tù khổng lồ với cảnh sát, những bàn tay sắt, những sự theo dõi gắt gao và những vụ mất tích hay những cuộc xét xử không công bằng vì không có luật pháp và công lý.

Nhân dân Hồng Kông vẫn hàng năm, trong suốt 30 năm qua, đều cùng nhau tưởng niệm những nạn nhân của thảm sát Thiên An Môn - những người trẻ bị đàn áp man rợ chỉ vì đòi hỏi các quyền dân chủ một cách ôn hoà trước một chính quyền tham nhũng và độc tài. Chính họ hiểu hơn ai hết, từ Tân Cương, Nội Mông cho tới Tây Tạng, từ cuộc chết chóc thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại bởi cách mạng Đại nhảy vọt hay các cuộc thanh trừng, tàn sát trong Cách mạng văn hoá, cho đến những cuộc thảm sát hàng loạt như Thiên An Môn, cướp mổ nội tạng học viên Pháp Luân Công, giam cầm và thủ tiêu người Duy Ngô Nhĩ.

Nhân dân Hồng Kông không thể chấp nhận con đường dẫn độ tới một nhà tù khổng lồ và chết chóc, tăm tối - Trung Quốc. Họ cần mở những cánh cửa văn minh với thế giới và muốn được sống với các nền tảng mà họ đã xây dựng và được thụ hưởng. Nơi mà chính nó đã cứu giúp được cho một nhân vật cộng sản nhờ vào nền tư pháp công bằng và văn minh - Nguyễn Ái Quốc (Tống Văn Sơ). Nếu đó không phải là Hồng Kông hoặc một quốc gia pháp trị (pháp quyền) với nền chính trị tam quyền phân lập, ắt hẳn sẽ khó lòng có được một sự bảo vệ toàn vẹn nhân vật lịch sử này khỏi bàn tay truy diệt của Pháp quốc và lịch sử sẽ đi theo một hướng khác.

Hãy đồng hành và cổ vũ cho các giá trị tốt đẹp của nhân dân Hồng Kông. Đó không chỉ là một hành động cao thượng, mà còn là một phần bổn vụ đấu tranh cho chính mình để giành lấy cơ hội để được hiểu và có thể dụng hưởng những giá trị cao quý của con người, vì một ngày nào đó, chúng ta có thể là nạn nhân của những cuộc bức áp từ bạo quyền khi đã không tranh đấu hoặc song hành với nó ngày hôm nay.

Fb Luân Lê