“Tui chẳng biết hội đồng nhân quyền là cái gì…”

Dịch hạch và dịch tả 2013 là một năm kỳ diệu và không kém phần kỳ quặc. Lần đầu tiên Nhà nước Việt Nam được “đặc cách” vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc với 96% phiếu thuận - một tỷ lệ chỉ có thể so sánh với công tác bầu bán vào thời thịnh trị của chính thể luôn đau đáu với điều 4 Hiến pháp, hoặc ngang ngửa với con số mà Tổng thống Saddam Hussein nhận được trong cuộc bầu cử cuối cùng trước khi ông bị lật đổ ở Iraq.   Toàn bộ giới ngoại giao, tuyên giáo và báo chí khối đảng lại một lần nữa bày tỏ thái độ đắc thắng trước các “thế lực thù địch”. Một tuyên truyền viên cao cấp ngay lập tức cho rằng thành công vào Hội đồng nhân quyền của Nhà nước Việt Nam là một đòn mạnh giáng vào luận điệu xuyên tạc của những thế lực không mấy trong sáng đó.   Trước đó, một trong những “thế lực thù địch” - ông Vũ Quốc Dụng, nguyên tổng thư ký Hiệp hội nhân quyền quốc Tế, ISHR (Đức), ẩn dụ rằng theo một câu châm ngôn của Tây phương, sẽ chỉ là một sự chọn lựa giữa bệnh dịch hạch và bệnh dịch tả nếu bất cứ quốc gia nào được bầu dù là Trung Quốc, Ả Rập Xê Út hay Việt Nam. Câu châm ngôn độc địa trên lại bị xem là phát tác không thể tốt lành hơn trên mảnh đất tuyên giáo màu mỡ Việt Nam. Dù giữ thái độ im lặng và biểu tả tự ti một cách rất không bình thường trước thời điểm Nhà nước “lên bàn mổ” của Hội đồng nhân quyền, các báo đảng lại đồng loạt vỡ òa niềm vui ngay sau đó.   Cường điệu và khoa trương đến mức bất chấp liêm sỉ cũng là một căn bệnh luôn được định dạng như một thói tật rất, rất thiếu trong sáng của người Việt. “Dân khốn khổ đến tận cùng rồi!” “Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người” là một khẩu ngữ mang tính thể diện duy nhất để đối phó với bất kỳ thế lực vô liêm sỉ nào. Việt Nam nào? Và quyền con người cho ai? Cùng thời gian diễn ra cuộc bầu bán ở Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, vụ việc 10 năm tù oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở một vùng nông thôn miền Bắc đã nổ ra. Một kiểm sát viên có thâm niên thổ lộ rằng đó chỉ là vụ hãn hữu được phát hiện, nằm trong rất nhiều án oan khác còn phải trình diện mỗi buổi sáng trong các buồng giam tối mít.   “Tui chẳng biết hội đồng nhân quyền là cái gì, mấy ông chính quyền vô đó làm chi. Chỉ thấy rằng mấy ổng đã làm cho dân khốn khổ đến tận cùng rồi!” - một bà lão dân oan đất đai, người ròng rã mang đơn khiếu kiện từ Nam chí Bắc cả hàng chục năm qua và còn bị công an xô dập mặt, hổn hển thốt lên. Từ khóe mắt bà thảng thốt tuôn lăn những giọt nước mắt. Rất, rất nhiều trường hợp oan trái lẫn đau xót như thế đã hầu như không được các cơ quan phát ngôn của Đảng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Mặt trận Tổ quốc nhắc đến. Cũng không một lần, các tờ Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân và Đại Đoàn Kết dám nói lên tiếng lòng xé ruột của dân chúng về bản chất lobby chính sách về thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội - tác nhân đã gây ra biết bao thảm cảnh tột cùng cho một tầng lớp dân oan thời đại cùng tư tưởng sống chết giữ đất. Ngay cả hàng loạt vụ xả lũ thủy điện như một cách “giết sống” đến vài chục người người dân vùng rốn lũ mà đã dồn dập xảy ra trong thời gian “kinh tế - xã hội vẫn cơ bản ổn định” của Quốc hội thứ 6 khóa XIII - nơi đang tìm mọi cách rút ngắn chặng đường sửa đổi Hiến pháp, cũng không làm cho các đại biểu dân bầu động lòng. Còn báo đảng cũng theo đó mà chìm vào một trạng thái mà người dân Hà Nội thường chì chiết: cấm khẩu. Hoặc đã gần một phần tư thế kỷ lặng cúi từ khi Hiến pháp 1992 ban hành, nhưng điều không thể hiểu nổi là những chủ đề thiết thân về quyền con người như Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật trưng cầu dân ý vẫn chỉ gục đầu trên bàn nghị sự của gần 500 nghị viên.   Rất, rất nhiều chuyện cần và phải được đặc tả về thực hư quyền con người ở Việt Nam, kể từ thời điểm 1982 khi quốc gia này ký kết Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, hoặc không ít cái chết của dân thường trong các đồn công an mà đã làm nên một sắc thái ngọt ngào cho gương mặt nhân quyền của chế độ trên trường quốc tế. Hương sắc ngọt ngào ấy lại là một nghịch lý của hệ thống báo đảng: trong khi vồ vập phát bài về “thắng lợi chính trị và ngoại giao” và điều được coi là thành tích vào Hội đồng nhân quyền, chẳng mấy tin tức xuất hiện trên báo đảng về câu chuyện Nhà nước Việt Nam rốt cuộc đã phải ký Công ước quốc tế về chống tra tấn.   Cũng không hề đề cập đến chi tiết việc ký Công ước chống tra tấn chỉ diễn ra 5 ngày trước khi Liên hiệp quốc xem xét cho giới lãnh đạo đầy tham vọng của Việt Nam một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền - như một chủ trương đối thoại thay cho đối đầu của cơ quan làm nhiệm vụ hài hòa thế giới. Và càng không có bất kỳ thông tin nào về những cái chết luôn bị lấp liếm là “đột tử” của người dân trong đồn công an. Cũng như câu chuyện buôn bán người nhan nhản và còn hơn cả nhẫn tâm đang tràn ngập ở các địa phương trên đất nước này… Quyền con người cho ai? Hoặc vì ai? Cái áo không làm nên thày tu Sự khác biệt còn lại chỉ là thái độ nhận biết và biểu hiện “tẩy chay” của báo chí phi lề đảng, làm nên một biên giới chưa từng thấy với giới tuyên giáo và nội bộ báo đảng. Chiếm ít nhất 90% trong tổng số gần 1.000 báo in và báo điện tử ở Việt Nam, tuyệt đại đa số báo giới đã đồng loạt không đăng phát bài về sự kiện Nhà nước Việt Nam được bước qua khe cửa Hội đồng nhân quyền. Bất chấp định hướng tuyên truyền đầy khích lệ của Ban tuyên giáo trung ương, một số tờ báo đã chỉ xếp tin tức “Luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người” vào mục tin vắn, cùng chỗ với loại tin thu hút nhiều người đọc như vụ một nhà sư giết người tình rồi phi tang xác chết… P. C. D. Nguồn: boxitvn.blogspot.de
......

Việt Nam có sẵn sàng cho điện hạt nhân chưa?

Sự phát triển của nhân loại đi liền với việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng. Xã hội con người càng phát triển thì càng tiêu thụ nhiều năng lượng. Cho đến ngày hôm nay các nguồn năng lượng này đến từ 3 nguồn nhiên liệu chính: nhiên liệu hóa thạch (fossil fuel), năng lượng hạt nhân (nuclear power), và năng lượng tái tạo (renewable energy). Nguồn nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 80% năng lượng sử dụng của nhân loại. Năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 6%. Năng lượng tái tạo chiếm khoảng 13%.   Nhiên liệu hóa thạch là loại nhiên liệu mà con người đã sử dụng cả trăm năm nay bao gồm các thứ như than đá, dầu hoả, khí đốt, v.v.... Nguồn nhiên liệu này mất cả triệu năm mới hình thành trong lòng trái đất. Tuy càng ngày càng khó để khai thác nhưng với trí tuệ và phát minh của con người, nhân loại vẫn còn có thể tiếp tục sử dụng nguồn nhiên liệu này trong một thời gian dài. Nhưng đây không phải là nguồn năng lượng vô tận. Sớm muộn gì nó cũng phải hết. Con người phải tìm ra những nguồn năng lượng khác nếu muốn nhân loại sống còn trong tương lai.  Năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo là hai nguồn hứa hẹn đó.   Trong thập niên 50 với khám phá mới về năng lượng hạt nhân, người ta nghĩ rằng đây là ngõ thoát cho nhân loại. Đến ngày hôm nay có khoảng 400 hơn lò hạt nhân đang hoạt động trên 30 quốc gia. Với hơn nửa thế kỷ trải nghiệm với năng lượng hạt nhân, người ta nhìn ra 2 mối đe dọa chính: mức độ an toàn và việc xử lý phế thải nhiên liệu hạt nhân. Ba quốc gia tiên tiến và có kinh nghiệm về năng lượng hạt nhân lại chính là những nơi đầu tiên hứng chịu các tai nạn lò hạt nhân. Năm 1979, lò hạt nhân Three Miles Island, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ làm thế giới biết đến từ “chảy nóng hạt nhân” (nuclear meltdown) khi lõi hạt nhân bị hư hại và “chảy nóng”. Năm 1986, lò hạt nhân Chernobyl ở Ukraine phát nổ, tán phát chất phóng xạ khắp bầu trời miền Tây Sô Viết và Âu châu. Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra tại lò hạt nhân Fukushima Daiichi, bờ biển miền phía Đông nước Nhật tiếp sau cơn động đất và sóng thần tháng 3/2011. Sự cố Fukushima xảy ra cùng lúc với dự án xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Việt Nam gây nhiều xôn xao. Theo các dữ kiện rất sơ sài có được từ nhà nước thì 2 lò hạt nhân này sẽ khởi công vào năm 2014 và hoàn tất vào năm 2022. Số tiền nợ Nga là 10.5 tỉ USD và đang xin nợ Nhật khoản tiền lớn thế nữa. Dự án lò hạt nhân hiện giờ pha trộn như một nồi cám heo. Công nghệ hạt nhân là của Nhật. Nhân viên điều hành thì được Nga huấn luyện. Các biện pháp an toàn của nhà máy thì theo Mỹ và quy định quốc tế theo kiểu Hàn quốc. Nếu sau này Việt Nam có mua nhiên liệu uranium từ Iran thì cũng không phải là điều ngạc nhiên. Sau tai nạn lò hạt nhân Fukushima thì giới chuyên gia quốc tế thừa nhận là KHÔNG có cách nào chống đỡ, bảo vệ các lò hạt nhân khi có thiên tai quá lớn. Thiên tai là điều không thể lường trước, ngăn chặn hay trốn tránh được; mà chỉ có thể đối phó một cách thụ động. Cơn bão Hải Yến (Haiyan) mới đây với cường độ gió và hướng đi thay đổi liên tục là một thí dụ mới nhất. Nói cách khác là phải chịu thua thiên tai. Vì vậy các nước tiên tiến đi tiên phong trong lãnh vực năng lượng hạt nhân đều đang giảm tốc, hạ nhiệt, giã từ năng lượng nguyên tử. Quyết liệt nhất là Đức. Chính phủ Đức đã khởi động đóng các lò hạt nhân từ năm 2012 và đến 2020 thì đóng toàn bộ.  Cả thế giới đang đua nhau đi tìm năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, địa nhiệt (geothermal), sinh học (biofuels), v.v... để thay thế cho các nhà máy điện hạt nhân mà các kiểu lò phản ứng thông dụng thuộc thế hệ thứ hai đã có từ 60 trước, hiện đang được tháo gỡ dần; trong khi lò phản ứng thế hệ thứ ba chưa được xây dựng thì đã bị coi là lỗi thời và lò phản ứng thế hệ thứ tư thì phải hơn nửa thế kỷ nữa mới hy vọng nghiên cứu xong (1). Một điều lưu ý là trong khi các nước tiền tiến tìm cách bớt lệ thuộc vào năng lượng nguyên tử thì chính các quốc gia đó lại tìm cách bán công nghệ hạt nhật cho các nước đang phát triển và rất cần nhiều năng lượng. Chính sách đẩy mạnh xuất cảng công nghệ hạt nhân của chính phủ Nhật là một điển hình. Hiên nay Nhật đang dự trù một ngân sách khổng lồ khoảng 80 tỷ mỹ kim để “dọn dẹp” những tai hại sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (2) song song với một ngân khoản 7 tỷ mỹ kim khác để quay về xây dựng 14 nhà máy điện chạy bằng khí đốt và than, sẽ hoàn tất vào cuối năm tới (3). Các quan tâm hiện có về dự án nhà máy hạt nhân tại VN là những điều như sau: Đối phó với thiên tai như động đất, sóng thần, bão lụt. Địa thế của Ninh Thuận đối diện với các nguy cơ này. Cơn bão cấp 5 Hải Yến tàn phá các đảo Phi-lip-pin rồi sau đó tiến vào bờ biển phía đông của Việt Nam. May mà bão Hải Yến vòng lên phía đảo Hải Nam. Việt Nam sẽ may mắn như vậy được bao lâu mỗi khi mùa bão đến? Khả năng và tay nghề của công, nhân viên nhà máy hạt nhân Việt Nam bắt đầu từ con số không. Các đoàn nhân viên đầu tiên gửi qua Nhật học thì không có căn bản học vấn và kỹ thuật. Một số xem chuyện học như giỡn chơi và chỉ lo đi shopping hàng về Việt Nam bán lại. Có người vừa học xong khóa huấn luyện là bỏ, chuyển sang nghề khác.  Với khả năng như thế thì làm sao mà điều hành một nhà máy hạt nhân đòi hỏi sự chăm chú và tinh thần bảo an cao độ. Nếu có tai nạn xảy ra thì khả năng đối phó như thế nào. Chúng ta cứ nhìn khả năng cứu lụt hàng năm sẽ rõ Việt Nam có đủ chuẩn bị đối phó với một tai nạn tầm cỡ hạt nhân hay không. Nhật bản mà còn lúng túng với tai nạn Fukushima thì đủ biết.   Bất cứ công trình lớn nào với nhiều vốn đầu tư cũng gặp phải tình trạng rút ruột. Không chỉ các quan chức Việt mà còn kéo theo luôn cả các chủ thầu ngoại quốc như từng thấy qua các vụ tham nhũng chung với Nga, với Nhật trước đây. Công trình xây dựng mà bị rút ruột thì chất lượng xây cất sẽ thế nào?   Trong đất nước với nề nếp xã hội chủ nghĩa lâu năm, với thói quen makeno (mặc kệ nó), cha chung không ai khóc thì sau khi giai đoạn xây dựng béo bở xong rồi thì giai đoạn quản lý vận hành bị bỏ bê vì không còn kiếm ăn đáng kể nữa. Giải quyết phế liệu hạt nhân là cả một vấn đề. Các nước tân tiến phải đục núi chôn vùi phế liệu vào đó và coi như bỏ vùng đó ít nhất là 500 năm hơn. Việt Nam đất hẹp đông người làm sao có đất, có núi để giải quyết phế liệu? Không một quốc gia nào trên thế giới hiện nay sẵn sàng nhận làm bãi rác phế liệu hạt nhân. Năng lượng hạt nhân là công nghệ của thế kỷ 20 trong khi năng lượng tái tạo là công nghệ của thế kỷ 21. Khi lún sâu vào công nghệ cũ thì nợ nần đầy đầu và không còn ngân khoản để tận dụng các phát minh năng lượng mới, an toàn của thế giới.   Cũng như vụ khai thác bô-xít, những người lãnh đạo nhà nước vẫn hành xử theo tâm thức “có quặng trong lòng đất thì phải khai thác” bất kể những tác hại mà kỹ thuật hiện tại chưa có cách hóa giải. Nay có người cho mượn tiền thì phải mượn bất kể những tác hại khủng khiếp gấp ngàn lần và họ hy vọng mơ hồ rằng các thế hệ con cháu sau này “giỏi giang hơn” sẽ giải quyết cả nợ nần lẫn các tác hại mà họ tạo ra hiện nay.   Nhiều chuyên gia về hạt nhân ở Việt Nam và quốc tế có quan điểm là Việt Nam chưa sẵn sàng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Những báo động này bị nhà nước ngăn cản không cho lan rộng trong công chúng. Hiện nay các ký giả, học giả ngoại quốc lẫn Việt Nam không được đến thu thập dữ kiện tại vùng Ninh Thuận này.   Tất cả dẫn đến thắc mắc tại sao? Có phải đây chỉ là một cơ hội béo bở cho một số nhóm lợi ích ở thượng tầng. Sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi. Vì vậy họ phải ra tay gấp trước khi cơ hội độc quyền của họ bị vuột khỏi tầm tay ? Quang Tường Ghi Chú: 1.                  Plutonium : 240 thế kỉ ! (Ta nên biết sợ Điện Hạt Nhân), Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn (http://aivfweb.free.fr/Nang%20luong%20hat%20nhan%20DDC/Plutonium%20240%2...) 2.                  The staggering costs to clean up Fukushima (http://www.smartplanet.com/blog/bulletin/the-staggering-costs-to-clean-u...) 3.                  Japan on gas, coal power building spree to fill nuclear void (http://www.reuters.com/article/2013/10/16/us-japan-power-outlook-idUSBRE...)
......

Ủy ban kiện các thủy điện

Đã có tổng kết đợt mưa lũ vừa rồi: ít nhất 29 người chết, mất tích, trong đó có những cái chết rất thương tâm như câu chuyện hai cô giáo còn rất trẻ-mới 22 tuổi-đi dạy thì bịnước cuốn chết. Chưa kể hàng vạn người trắng tay, màn trời chiếu đất, cơ nghiệp cả đời tiêu tan chỉ trong một đêm. Nguyên nhân của những đau thương trên là do trời: ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đời, gây mưa. Trời làm thì không thể tránh hay kiện cáo được.   Cũng như những tên trộm lợi dụng đêm tối để gây án rồi tẩu thoát, các thủy điện đã lợi dụng “cơ trời” để gây tội: 15 thủy điện đã đồng loạt xả lũ. Bao nhiêu nước do trời mưa, bao nhiêu nước do thủy điện xả lũ, không ai biết. Vì không thể biết nên các chủ nhà máy thủy điện dễ chối tội và vô can. Điều cay đắng, đây không phải là lần đầu tiên. Năm nào người dân Miền Trung nghèo khó cũng bị đại nạn này. Thủy điện xả lũ đã thành đại họa cho dân miền trung. Như án tử hình treo lơ lửng trên đầu họ.   Mỗi lần gây ra tai họa, cộng đồng lại dậy sóng chỉ trích các thủy điện, thậm chí là các cấp chính quyền có liên quan, nhưng rồi mọi việc lại đâu vào đó. Vì sao vậy? Vì cái ác không bị phán xét và trứng phạt thích đáng. Tội ác nếu không được phán xét, trừng phạt thích đáng thì nó sẽ không bao giờ dừng lại. Có một thực tế, chúng ta không thể van xin lòng tốt của kẻ khác. Chúng ta cần lôi chúng ta tòa để công lý được thực thi. Dù bị thiệt hại nặng nề, tính mạng, tài sản bị đe dọa nhưng từng người dân nghèo, thấp cổ bé họng không thể kiện cáo được. Họ bị hạn chế về tiền bạc, thời gian cũng như kiến thức về luật pháp.   Trước thực trạng trên, tôi có ý định lập một ủy ban để tiến hành kiện các chủ nhà máy thủy điện ra tòa. Rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi người. Nguyễn Văn Thạnh Tel: 0984.973.376thanhipi@gmail.com     Nguồn: Blog Huỳnh Ngọc Chênh  
......

Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc: vui hay buồn?

Hãy cứ hình dung một tên Chánh tổng trọc phú nhờ chạy chọt với đủ mặt quan trên vừa được cái hàm cửu phẩm, mặt tươi hơn hớn, đi khắp tỉnh nhà bông dua me xừ các cụ, ra mặt mình cũng là dân chơi có chút vốn liếng về “dân quyền dân sinh” đây. Trong khi đó thì “đồng dân thượng hạ” trong những thôn ấp mà hắn là chủ thu tô đang đói rã họng vì bị vắt kiệt sức, bị bịt mồm bịt miệng không cho kêu van, và ngày ngày bị mấy tên dân phòng hàng tổng vác gậy đến từng nhà đe nẹt, lôi hàng chục người ra đình làng gông lại đánh cho nát đít, để đòi lại ruộng và đất ở cho con cái dâu rể hắn chia lô bán chác với giá cắt cổ, mà một đám doanh nhân ở đâu trên tỉnh lâu nay đang phất lên với những mánh mung bất chính sẵn sàng kéo về thầu tất. Và mỗi khi ngài Tổng từ trên trên tổng cắp ô vác ba toong đến làng, hễ nghe thằng dân nào mở miệng nói lên hai chữ "dân quyền" thì ngài vác ngay ba toong chỉ vào mặt kẻ lớn lối ấy mà nói: "Quân thoái hóa! Dân quyền là dành để mua vui cho các quan chức hàng tỉnh, chứ đâu phải cho chúng bay! Ông thì... thì... lôi cổ ra cho bàn dân "đấu" cho một mẻ để cho mà biết cái "dân quyền" của dân An Nam là như thế nào bây giờ" (Trích Việc làng tân truyện). Ngày 12/11/2013 vừa qua, Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên Hiệp Quốc (LHQ) với một tỷ lệ rất cao. Thực tình mà nói, căn cứ vào cơ cấu của HĐNQ cũng như các ứng viên cho kỳ này, giới đấu tranh trong và ngoài nước không lấy làm ngạc nhiên lắm, nhưng dù gì đi chăng nữa đây cũng là một “tin không vui” cho chúng ta, những người yêu chuộng và tôn trọng những giá trị phổ quát của nhân loại. Tuy nhiên, sau những xúc động ban đầu, chúng ta hãy bình tâm xem xét mọi khía cạnh của vấn đề - nhưng từ nhãn quan của 184 nước đã bỏ phiếu cho VN để thấy rằng họ không hoàn toàn “bị lừa bịp” và cũng để thấy rằng con đường chúng ta đang lựa chọn cho dù còn nhiều chông gai nhưng vẫn có những cơ hội, những hy vọng nhất định. Vài nét về các định chế nhân quyền LHQ Ít được nhắc đến như HĐBA, nhưng Hội đồng Kinh tế xã hội (viết tắt là ECOSOC) là một cơ cấu cực kỳ quan trọng của LHQ. ECOSOC có nhiệm vụ về các vấn đề liên quan đến kinh tế và xã hội toàn cầu. Năm 1946, ECOSOC đã thành lập Ủy ban Nhân quyền (UBNQ) có nhiệm vụ kiểm soát việc tôn trọng các điều khoản đã ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của LHQ. UBNQ gồm 53 thành viên chia thành: châu Âu: 15, châu Phi: 15: châu Mỹ: 11, châu Á: 12. UBNQ nhóm họp hàng năm vào tháng 3, khóa họp kéo dài 6 tuần tại trụ sở ở Genève. Trong khóa họp này, ngoài 3000 đại diện các nước thành viên còn có sự hiện diện của 200 tổ chức phi chính phủ. Đây là điểm hết sức quan trọng, vì qua đó UBNQ muốn lắng nghe tiếng nói khác với các tiếng nói "chính thống". Khác với HĐBA, các quyết nghị của UBNQ không mang tính ràng buộc nhưng vị thế của UBNQ quan trọng ở chỗ là nó liên quan đến một vấn đề vồ cùng nhạy cảm với tất cả các quốc gia, cho dù đó là thành viên hay không của HĐBA, cho dù đó là một cường quốc hay một nước kém phát triển, cho dù đó là một quốc gia trong thời chiến hay thời bình. Đó là vấn đề nhân quyền. Mà nhân quyền (đối tượng của UBNQ) khác chiến tranh (đối tượng của HĐBA) ở chỗ đó là những khái niệm trừu tượng hơn, do con người đặt ra và diễn giải tùy tiện. Chính vì thế nên UBNQ thường xuyên là diễn đàn cực kỳ căng thẳng. Một trong những phiên họp gay go nhất đã xảy ra vào năm 2001 tại Durban (Nam Phi). Chủ đề của phiên họp là bàn về nạn kỳ thị. Tuy nhiên kỳ thị ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng chứ không đơn thuần là kỳ thị về màu da, về chủng tộc và hơn nữa, vì mang tên là UBNQ nên chắc chắn nội dung cũng sẽ đi đến hoặc xoay quanh vấn đề nhân quyền. Chính vì hiểu theo nghĩa rộng ấy nên phạm vi ảnh hưởng của nó lan tỏa khắp năm châu và đặc biệt là như vấn đề Tây Tạng và Pháp Luân Công. Ngay trước ngày khai mạc, "đánh hơi" thấy mũi dùi hướng vào mình, Trung Quốc đã tích cực "đi đêm", vận động hành lang để một mặt triệt tiêu tất cả các hướng tấn công đến từ các hiệp hội như Ân xá Quốc tế, Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch), đồng thời xúi giục các nước Phi châu cũng nằm trong danh sách bị cáo, các nước Ả Rập nhằm làm "chìm xuồng" vấn đề Tây Tạng. Hội nghị Durban được khai mạc trong một không khí cực kỳ căng thẳng. Mặc dù chủ đề của hội nghị đặt trọng tâm vào vấn đề kỳ thị, và mở rộng sang các quyền con người, nhưng các nước trong khối Ả Rập đã biến diễn đàn thành một tòa án kết tội Israel. Nhiều quan sát viên, và kể cả bà Mary Robinson cũng chán nản, bất lực trước tình trạng bát nháo và thô bạo của một số quốc gia Ả Rập và Phi Châu. Nhiều ngày sau, với sự kiên trì và mềm mỏng của ban chủ tọa cũng như của Liên hiệp Âu châu, Hội nghị cũng dần tiến đến việc thông qua một số nội dung quan trọng. Đến lúc này Trung Quốc tung ra một đòn mới: kết hợp với các nước như Burundi, Cuba, Indonesia, Nigeria, Qatar, Myanmar, Sudan, Việt Nam thành một khối được các quan sát viên gọi là "like-minded", tạm dịch là "cùng hội cùng thuyền" hay nói toạc ra là "một băng đảng" vì các nước trên đang nằm trên danh sách đen của UBNQ. Nhóm này chiếm một trọng lượng đáng kể nên thao túng hoàn toàn hội nghị, đồng thời dựa trên một nguyên tắc là không được xâm hại đến chủ quyền quốc gia nhằm triệt tiêu mọi mũi dùi nhắm vào họ. Và cuối cùng Durban đã không đạt được mục tiêu ban đầu của mình. Sau thất bại này, bà Mary Robinson từ chức. Đúng ra là bà ta đã thấy sự vô hiệu quả của UBNQ trước sự thao túng của một số quốc gia thành viên, nhưng bà Robinson cố gằng thuyết phục những nước còn lại đưa ra một văn bản đánh dấu cho Hội nghị Durban. Sự thao túng của nhóm các nước "băng đảng" lên đến đỉnh điểm khi họ đi đêm để loại Mỹ ra khỏi UBNQ trong nhiệm kỳ 2002 và bầu chủ tịch mới là... Libye của Gaddafi. Xướng ngôn viên của đài truyền hình A2 của Pháp trong bản tin 20 giờ đã thốt lên: "Xin quý thính giả nghe rõ, đây không phải là một trò đùa, nhưng Libye vừa được bầu vào ghế chủ tịch UBNQ LHQ...". Hội đồng Nhân quyền và cuộc họp 12/11/2013 Được đưa ra từ năm 2006 để thay thế UBNQ làm việc kém hiệu quả, tuy nhiên HĐNQ vẫn duy trì cơ cấu cũ là phân phối số ghế thành viên theo vùng địa dư. Tổng cộng có 5 vùng lãnh thổ chia nhau 47 ghế. Riêng vùng châu Á Thái Bình Dương có 23 ghế. Nhiệm kỳ là 3 năm nhưng hàng năm sẽ bầu lại 1/3 để đảm bảo tính thời sự. Năm 2013 châu Á sẽ bầu lại 4 thành viên. Các ứng viên sẽ được bầu từ Đại Hội đồng LHQ bao gồm 192 nước. Ngay từ khi các nước nộp đơn ứng viên, nhiều tiếng nói đã nổi lên khi biết đó chính là những nước vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất. Trong vùng Á châu là Trung Quốc, Ả Rập Saudi và Việt Nam. Bà Peggy Hicks của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã than thở "Với sự hiện diện của Nga, Trung Quốc, Ả Rập, Saudi, những người bảo vệ nhân quyền sẽ có nhiều việc phải làm cho năm tới". Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) gồm 178 tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới tỏ ra hoài nghi về khả năng cải thiện nhân quyền của Việt Nam trong thời gian tới sau khi Hà Nội có được ghế tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Bà Julie Gromellon, đại diện Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) nói: “Việt Nam đã không chứng tỏ những cam kết cải thiện nhân quyền trước khi trở thành thành viên của Hội đồng. Cho nên, chúng tôi không nghĩ rằng một khi được ghế rồi thì họ sẽ cải thiện. Thậm chí, thành tích nhân quyền của Hà Nội còn có thể sẽ tệ đi”. Còn Ông Robertson thuộc Human Rights Watch (HRW) nói: "Chúng tôi hết sức quan ngại khi một nước vi phạm nhân quyền tồi tệ với chiến dịch leo thang đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động như Việt Nam lại được chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc". Những diễn biến sau đó chứng tỏ lời thẩm định của các Tổ chức phi chính phủ (NGO) là có lý: lần lượt Iran được bầu vào Hội đồng về Nữ quyền (CSW), Syrie được bầu vào Hội Đồng Nữ quyền của UNESCO và Ả Rập Saudi được bầu vào Hội đồng Bảo an LHQ. Đến cận ngày bầu cử mọi việc đã rõ mười. Trong vùng châu Á Thái Bình Dương, chỉ có 4 ứng viên cho… 4 ghế. Sau khi kết quả được công bố, Tổng giám đốc của UN Watch (UNW), một tổ chức phi chính phủ đấu tranh trong lãnh vực nhân quyền đã phải thốt lên: “Đây là một ngày đen tối cho nhân quyền, những kẻ đúng ra phải đứng trước vành móng ngựa thì nay lại chễm chệ trên ghế quan tòa (…) Danh sách ô nhục này gồm Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Cuba, Algerie, Tchad và Việt Nam”. Nhưng NGO và những người đấu tranh cho nhân quyền quả đã không sai khi cho rằng “ngày hôm nay, nhiều nước gia nhập nó không phải vì họ có thành tích tốt về nhân quyền nhưng lại là những nước vi phạm nhiều nhất. Họ vào chỉ để với mục đích biện hộ cho những thành tích bất hảo của họ”. Và kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 12/11 đã xác định một điều rằng “Một nước được bầu vào HĐNQ không có nghĩa là họ thực sự tôn trọng nhân quyền”. Thiết nghĩ đây là câu trả lời rõ ràng nhất cho những khoe khoang của Hà Nội rằng “đã thành công trong việc tạo được một uy tín lớn trên diễn đàn quốc tế. Điều này cũng thể hiện sự tín nhiệm và ủng hộ của các quốc gia trên thế giới dành cho Việt Nam”. Tuy nhiên, một thắc mắc không thể không đặt ra là tại sao những “tên đồ tể của nhân quyền” này lại được Đại Hội Đồng LHQ thông qua với một số phiếu cao như vậy? VN được bầu với tỉ lệ 184/192 (vì bầu kín nên không biết 8 nước phản đối hay bỏ phiếu trắng là ai). Ai cũng rõ là các nước trong “danh sách ô nhục” này đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức để “đi đêm” trước ngày bỏ phiếu nhưng không lẽ Trung Quốc và Nga lại có thể thao túng và mua chuộc cả thế giới? Muốn trả lời câu hỏi này chúng ta phải lui về thời điểm 12 năm trước, khi hội nghị Durban kết thúc. Phú quý sinh lễ nghĩa. Việc Libye được bầu vào chức chủ tịch UBNQ hoặc các nước như Trung Quốc, Bahrein, Cuba, Zimbabwe, Sudan và Việt Nam được bầu làm thành viên của UBNQ vào năm 2001 bỗng nhiên tạo cho cộng đồng thế giới tiếp cận với một suy nghĩ mới, một phương cách hoạt động mới. Một mặt họ tìm cách khai tử UBNQ và đến năm 2006 cho ra đời Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) với những mục đích hữu hiệu hóa chức năng của định chế này. Nhưng điều quan trọng hơn cả là họ điều chỉnh nguyên tắc hoạt động. Kể từ giờ họ tránh tình trạng đối nghịch giữa các thành viên và tìm cách “lôi kéo” các nước “băng đảng” tham gia sâu vào HĐNQ vì theo họ, các nước vi phạm nhân quyền luôn luôn phải chứng tỏ mình không hề vi phạm nhân quyền (bằng cách này hay bằng cách khác) tham gia vào các diễn đàn kiểu HĐNQ để thao túng; nhưng việc này lại tạo ra nhiều phản ứng tích cực khác: - Trước tiên, với tư cách là thành viên, họ khó có quyền từ chối các thanh tra nhân quyền trên lãnh thổ của họ như đã từng làm trong quá khứ, đây là trường hợp của Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Algerie và Việt Nam (cũng lại những khuôn mặt cũ !). 18 chuyên gia của HĐNQ sẽ hoạt động độc lập, khách quan và không chịu bất kỳ sức ép của bất kỳ cơ quan hoặc của chính phủ nào. Một cái khác giữa UBNQ và HĐNQ là định kỳ các thành viên phải tường trình về tình trạng nhân quyền trong nước của mình. - Sau nữa, với tư cách là thành viên HĐNQ, khi ban hành hoặc kiểm soát các nước khác họ cũng phải ít nhiều e ngại lời chỉ trích của các nước này. Điều này có khả thi hay không cũng chưa ai biết được vì chẳng ai có thể tiên đoán hoặc đo lường phản ứng của các nhóm “băng đảng”. Nhưng khi quyết định dùng “biện pháp mềm” có lẽ cộng đồng thế giới cũng đã nhìn thấy từ các ảnh hưởng tích cực khi thu nhận Trung Quốc, Nga, Việt Nam và các nước độc tài vào Tổ chức Thương mại Thế giới khiến cho các nước này suốt ngày phải “đuổi theo chỉ tiêu tăng trưởng”, đồng nghĩa với việc xa rời cái ý thức hệ độc tài và lỗi thời. - Tuy nhiên điều quan trọng là cơ cấu HĐNQ không có quyền phủ quyết và nếu nhìn vào thành phần 47 nước thành viên thì các nước trong nhóm “băng đảng” vẫn chiếm thiểu số. Bà Peggy Hicks, HRW cũng bày tỏ lạc quan "với việc không có quyền phủ quyết, chúng ta sẽ đạt được nhiều tiến bộ cụ thể”. Với những ràng buộc này, liệu HĐNQ có thành công hơn UBNQ trong sứ mạng của mình? Liệu định chế này, với những biện pháp “dỗ ngọt” này có thành công trong việc cải thiện được tình trạng đối nghịch hoặc “cải tà quy chánh” được những nước trong “danh sách ô nhục”? Con đường còn lắm gian truân nhưng có lẽ nó tuỳ thuộc vào nạn nhân chứ không vào các người cầm quyền. Và cũng chính vì lẽ đó, việc Việt Nam được bầu vào HĐNQ sẽ đặt cho những người yêu chuộng tự do những thách thức và những cơ hội mới, đó là chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để cả thế giới thấy khát vọng chính đáng của mình đang bị một chế độ và là thành viên của HĐNQ đàn áp. Những động thái của nhà cầm quyền VN sẽ bị săm soi kỹ hơn và kể từ đây "nhất cử nhất động" của họ cũng được thế giới chú ý kỹ hơn. Phản ứng mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ như HRW, Phóng viên Không biên giới (RSF), UNW, Freedom House, FIDH… về việc các nước vi phạm nhân quyền trầm trọng như Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Việt Nam, Cuba, Venezuela… cũng đang “hứa hẹn” cho các nước “băng đảng” một tương lai khá “bận rộn”. Ước mong rằng đảng CSVN nhìn ra được mặt tốt của vấn đề, biết xem đó là một cơ hội chứng tỏ mình thực sự là một quốc gia tiến bộ, vĩnh viễn rời bỏ cái băng đảng chuyên quậy phá ngày xưa, hội nhập thực sự và toàn diện vào cộng đồng thế giới văn minh. Từ bỏ thái độ cao ngạo độc tôn của mình để lắng nghe nguyện vọng của toàn dân. Đây sẽ là cách tốt đẹp và hữu hiệu nhất để xây dựng một nước Việt Nam thật sự tự do, dân chủ. Sài Gòn, 14/11/2013 P.M.H. Tác giả gửi trực tiếp cho BVN Nguồn: boxitvn.blogspot.de  
......

Hải Yến & Cơn Bão Phạm Pháp Công Khai

“Lộ ra những căn nhà tốc mái Lộ ra những đời người trống trải Lộ ra tàu thuyền chưa kịp trục vớt Lộ ra cái màu bờn bợt da người Rồi phải lộ ra thôi không thể gì dấu được Nhưng tôi đã bật khóc Khi lộ ra trẻ con Những đứa trẻ đói ăn Tóc quăn tiền sử Ngây ngô và tư lự Hồn nhiên và già nua Những đứa trẻ không phải thời của chúng ta Từ một thuở hồng hoang đi ngược lại Hoàn toàn lộ thiên Dưới những căn nhà đổ sập Hoàn toàn lộ thiên Dưới những ngôi trường mái tốc Bão không làm ra những đứa trẻ ấy Bão chỉ làm lộ ra” (Đông Trình) ** Với sức gió kinh khiếp của đất trời thịnh nộ, cơn bão khủng Haiyan đã định hướng nhắm đường đổ bộ vào miền Trung. Chưa chi đã có kẻ vượt mặt cơ quan khí tượng mà thêm mắm dặm muối cả miền hư cấu để giật tít là cơn bão lịch sử! Chỉ thiếu lời chào tạm biệt thường ngày của VTV: Chúc quý vị một mùa bão lũ lịch sử với nhiều niềm vui… Còn khán thính giả thì chỉ mong sao cho nàng Hải Yến quạu quọ cau có này sắp chạm đất liền là lập tức quày quả quảy mông đổi hướng trở ra biển cả, như phần lớn đường đi các cơn bão vùng Bắc bán cầu đánh võng từ Đông Nam vòng lên Đông Bắc, cho đỡ khổ dân đen lộ khố của một vùng đất vốn đã nghèo nhất nước. Mấy ngày trước, cơn bão án oan (cũng tầm lịch sử) đã phủ chụp dư luận cả nước, cuốn trôi hết cả mớ cặn lòng tin còn sót đọng của người dân đối với quyển sổ hưu và đám nhà nước lưu manh này. Chuỗi tin siêu bão pháp luật tăng cấp từng ngày, cao điểm là ngày 7-11-2013: “ND- Ngày 7-11, UBND thành phố Hà Nội tổ chức mít-tinh chào mừng ‘Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9-11’… Việc tổ chức ‘Ngày Pháp luật’ năm nay trở thành đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân Thủ đô. Nhân dịp này, UBND thành phố tổng kết Cuộc thi ‘Tìm hiểu Luật Xử lý vi phạm hành chính’ năm 2013. Cuộc thi có 212.727 bài dự thi. Ban Tổ chức trao giải nhất cho đội Công an thành phố Hà Nội”. … “TTXVN- Ngày 7-11, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở TP Niu Oóc (Mỹ), Ðại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ Lê Hoài Trung thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký ‘Công ước của LHQ về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác’…”. … “(Ngày 7-11)… So sánh với quốc tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh”. * Ngay trong dịp tổ chức trọng thị và an toàn Ngày Pháp Luật 2013, với thành tích ký tên vào bản Công Ước LHQ Về Chống Tra Tấn, và với khả năng giật giải Giỏi Nhất Việt Nam (xử lý tốt) và Giỏi Nhất Thế Giới (phá án nhanh), nhà nước CHXHCNVN đã hồn nhiên đơn giản hủy bỏ bản án oan 10 năm tù cũ của công dân Nguyễn Thanh Chấn, do bởi sự sám hối và đích thân đầu thú của người tự nhận là hung thủ. Mười năm trước, chính xác là ba nghìn sáu trăm tám mươi sáu cái thiên thu ngoài đời, ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt khẩn cấp và bị kết án khẩn cấp về tội giết người, nhờ tài phá án nhanh của “cơ quan chức năng” (là CA Bắc Giang) đã kịp thời vào cuộc, cho dù là không một ai có thể trưng ra được một người chứng/vật chứng nào trong phiên tòa chớp nhoáng. Bản án hoàn toàn dựa trên cung chứng. Thành tích vang dội này, đặc biệt là điều tra viên đầy nghiệp vụ ép cung Đào Văn Biên, đã được tuyên dương rầm rộ bởi Bộ trưởng Bộ Công an (tại tờ trình số 1358/TTr-BCA-X11) và được Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương (tại tờ trình số 917/TTr-BTĐKT) đề nghị khen thưởng và sau đó được Thủ tướng cấp Bằng khen (tại Quyết định số 919/QĐ-TTg) vì đã lập thành tích xuất sắc “trong sự nghiệp bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Ông Chấn bị thách án tử hình, song vì có “nhân thân tốt” (là con của liệt sĩ có bằng Tổ quốc ghi công), nên được ưu tiên giảm phát, nhằm đề cao tính nhân đạo của nhà nước đã khoan hồng hạ giá bản án tại tòa xuống mức… chung thân. Loại án dựa tuyền vào cung chứng đưa tới hệ quả thảm khốc là mạng người mong manh chực đứt hơi trên tài năng tra tấn lấy giấy khen của công an. Rõ là máu xương của thân phụ ông Chấn, dù đã anh dũng hy sinh cho một dàn lãnh đạo dập dìu thi đua dìm đất nước xuống hàng lụn bại để tự mình trở thành trọc phú, nhưng cũng không hoàn toàn vô ích, vì dẫu sao cũng đã góp phần cứu được người con khỏi án dựa cột cắc bùm tại chỗ. Nếu không thì đã chẳng có cuộc liên hoan trùng nhật với Ngày Pháp Luật năm nay nhằm ăn mừng thành tích Giỏi Nhất Thế Giới của cái cơ quan chức năng (tận lực bức cung cho ra tội và tra tấn đến khi nhận tội) cực kỳ vinh quang kia.* “Nhờ ơn đảng, nhờ ơn nhà nước mà … tôi được giải oan”. Lời phát biểu đầu tiên của ông Chấn ngay khi ra tù là thiết tha như thế. Một số người vội nghĩ đến cái Hội chứng Stockholm, còn gọi là hội chứng “Bị bắt giữ-Rồi kết thân”, là một hiện tượng tâm lý trong đó đám con tin thể hiện sự đồng cảm/cảm thông và có những cảm xúc tích cực đối với những kẻ bắt cóc họ, đôi khi lên cao đến điểm bảo vệ các mẹ mìn đó. Một số người không dấu nỗi bực dọc về cái sự thành khẩn biết ơn kẻ hành hạ mình một cách rất đỗi ngờ nghệch/ngốc nghếch như thế. Song, như đã từng nghe qua đâu đó một nhân sinh quan rất sến là …đời không đơn giản, cho nên, lại có nhiều người khác nhất định rằng… muốn đểu hơn ông Chấn cũng khó lòng làm nổi! Cứ cái kiểu tưng tửng ơn đảng/ơn nhà nước đó, ông Chấn đã lấy cái ngây ngô ra mà nhắc nhớ cho rất nhiều người về loại tác giả chuyên ngành tiểu thuyết hư cấu cuộc đời người khác bằng thực tiễn gông cùm tù ngục theo trường phái “kết oan được khen & giải oan được thưởng”. Ông Chấn đã nhắc nhớ cho rất nhiều người về hàng triệu nạn nhân đã “cảm ơn đồng chí Stalin giúp tôi thấy cái tội tày đình của bản thân”, ngay sau những trận đánh đẹp các màn thẩm tra mớm cung và ép cung của KGB ở xứ bầu bạn quốc tế. Ông Chấn đã nhắc nhớ cho rất nhiều người về lời cảm ơn của Phổ Nghi nói với Mao Trạch Đông, trong bữa cơm Tết Nhâm Dần 1962 tại Di Niên Đường của nhị vị “nguyên thủ khai quốc và hoàng đế cuối cùng”. Trong hồi ký sau này, Phổ Nghi đã viết: “Chúng tôi đã được ngồi ăn cơm, chụp ảnh với vị Chủ tịch vĩ đại của chúng ta. Đây là một ngày hạnh phúc và vinh dự nhất trong cuộc đời mà tôi sẽ không bao giờ quên. Đó cũng là bữa cơm tiếp cho tôi sức mạnh và sự cổ vũ để tôi tiếp tục sống”. Ông Chấn đã nhắc nhớ cho rất nhiều người về hàng vạn nạn nhân đã “ơn đảng/ơn bác” vạch ra muôn vàn tội lỗi cả đời chưa từng nghĩ đến hay biết đến, giờ mới được nghe ra (đến sáng lòng) từ các đội cải cách cùng giai cấp bần nông, và được thấy ra (đến sáng mắt) dưới ánh đuốc bập bùng của những cuộc đấu tố đầu đình.* Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra một Hệ Thống Tư Pháp Sẵn Sàng Phạm Pháp: Trước tiên là lời thú nhận của Trịnh Hồng Dương, nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa IX và khóa X, huân chương Độc lập hạng nhì, huân chương Lao động hạng nhất, huân chương Kháng chiến hạng ba, cùng một huân chương Công lý thượng hạng ngoại hạng để đời: “Luật của ta xử thế nào cũng được”. Xử sống là sống. Xử chết là chết. Thường là dở sống dở chết. Với tiến trình luận tội chính yếu là chỉ thị và không cần bất cứ yếu tố nào khác, kể cả lương tâm kẻ xử hay dư luận thế giới. Và như thế là “không có gì bất thường!”, theo lời bình của đại tá Nguyễn Văn Chức, Chánh Văn phòng kiêm nhiệm Phát ngôn viên của CA tỉnh Bắc Giang. Luật của ta, từ ngả ba đầu đường kách mệnh, đã trở thành vũ khí trả thù của đảng nhắm vào bất cứ ai lọt vào tầm ngắm của đảng, thông qua những cặp mắt cú cùng bầu máu lạnh của lãnh đạo và những “người thi hành công vụ”. Luật của ta, từ thuở “cách mạng thành công”, đã trở thành phương tiện gìn giữ ổn định xã hội hầu phục vụ cho sinh mệnh chính trị của lãnh đạo, và có chức năng chính là biến mọi công dân thành hình sự có tiền án. Luật của ta, từ bấy tới nay, vẫn mang tính đại trà và linh động tùy chọn: - “Nghi can” có thể bị bắt cóc tại nhà, tại sở, tại sân bay, tại khách sạn…; bị ép xe trên đường, bị ép xuồng trên sông…; bị xiết cổ/cặp hông/quặt tay/khiêng ngửa/xốc ngược/đạp mặt/chích thuốc/quăng xe/bịt mắt… - “Nghi can” có thể bị “mất tích” bằng bao bố nhận sông hoặc nhiều hình thái khác; bị gậy quật gãy cổ ngay tại lề đường; bị đạn chỉ thiên thủng đùi xuyên xương chậu; bị súng cướp cò thủng bụng dưới; bị ngã xe vỡ sọ; bị tạt a-xít; bị chận xe nện đá vào đầu giữa lộ; hoặc bị đánh “cho mất khả năng đàn ông luôn”… - “Nghi can” có thể tự ý kết liễu mạng sống của chính mình, ngay tại đồn công an, bằng thắt lưng, bằng áo xé, bằng cả dây cột giày…; hoặc tự đánh vào người cho nứt sọ/bể phổi/nát gan/gãy bẹ sườn/dập lá lách… Trong nhiều trường hợp, việc khám nghiệm thi thể bởi pháp y là điều không cần thiết. Trong mọi trường hợp, nạn nhân đều được cơ quan chức năng tuyên bố đã chết đúng quy trình. - “Nghi can” có thể ngắn gọn gật đầu cung khai đúng theo kịch bản mớm ý của các tác giả tiểu thuyết hình sự giỏi nhất nước, để sống sót; để ngẫm nghĩ về các định nghĩa mới của các con người mới, về các từ giải phóng mặt bằng/cưỡng chế thu hồi đất đai…; để nghe báo chí trong luồng ra tay diễn giải các kịch bản hình sự đính kèm theo những “đề nghị mức án thật nặng để giáo dục quần chúng”…; và để đợi ngày ra tòa. - Trước ngày xử, nhiều gia đình “nghi can”, bấy giờ tự động biến thành “bị can”, chỉ được báo tin không đầy 24 giờ (như tại Mỹ Yên); có gia đình không hề hay biết (là do lỗi của nhân viên phát thư!). Ngay cả luật sư cũng không được thông báo, và chỉ được gặp thân chủ vài chục phút ngay trước giờ xử… - Trong ngày xử “công khai”, phòng xử thường chật cứng công an chìm/nổi/“nhân dân tự phát”… chỉ chừa đủ chỗ cho một người thân của “nghi can” vào dự, hoặc hoàn toàn hết chỗ càng tốt. Tất nhiên, mọi phương tiện ghi âm/ghi hình đều bị cấm tiệt. - Trong ngày xử “công khai”, các đòi hỏi của luật sư để đối chất về các luận cứ buộc tội và giá trị của các tang chứng v.v… có được phát biểu hay không, hoặc dài ngắn ra sao, là hoàn toàn tùy thuộc vào tình trạng vui buồn tại chỗ của chánh án. - Trong ngày xử “công khai”, không một nhân dân nào được phép lai vãng, không những trước sân tòa, mà cả khu vực quanh tòa. Tòa án trở thành một pháo đài đầy ngựa sắt/bảng cấm/dây chăng/xe buýt/vòi rồng… Tất nhiên, toàn bộ khu vực sẽ …bỗng nhiên mất sóng. - Trong ngày xử “công khai”, khu vực quanh tòa sẽ đặc kín công an/băng đỏ/áo xanh/côn đồ… có khi lên đến số nghìn, gấp mươi lần số người thả bộ quanh tòa hóng chuyện hoặc đám đông cầm bảng “con/em/anh/chị/bạn tôi vô tội”, đương nhiên trở thành vùng bẫy để quát nạt, đánh đập, tịch thu máy ảnh/iPad/ iPhone và bắt thêm những “nghi can” khác, về tội công khai theo dõi phiên tòa, tức là coi như …công khai phản động.* Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra không chỉ cái tỷ lệ giải oan tròm trèm một phần chín mươi triệu. Nó để lộ cả cái định hướng quật ngã đối thủ từng ban giấy khen cho công an Bắc Giang về thành tích bắt oan nạn nhân cho đầy chỉ tiêu. Chứ không thì kể cũng khó hiểu về thời điểm ra đầu thú của hung thủ (chưa biết thiệt giả), sau 10 năm lẩn trốn thành công và không có một chỉ dấu nào đe dọa là sẽ bị đưa ra ánh sáng ngoài đường hầm. Nhất là khi chính phủ đang chạy đua lập những thành tích khác để vào hội đồng nhân quyền LHQ, để gia nhập TPP, để mua vũ khí tối tân, hoặc chỉ đơn giản là chứng tỏ là “có một số cải tiến cụ thể thấy được về nhân quyền”! * Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra không chỉ các kỹ thuật bức cung của công an, xuống đến mức chi tiết vượt hẳn ra ngoài sức tưởng tượng có thể có của một bộ phận không nhỏ nhân dân. Có thể ra ngoài cả sức tưởng tượng của Hội Đồng NQ/LHQ, có khi là của cả các cựu nhân viên Nazi hay KGB còn sống tới nay. Nó để lộ ra cả cái cán cân công lý có buộc sẵn một bên cái công trạng (con liệt sĩ được giảm án tử, kẻ “thi hành công vụ” giết người lãnh án treo…).* Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra nỗi sợ hãi cao độ của triều đình, thông qua những trận đánh hợp lực của “ba bộ đồng tình bóp nát nhân dân”: Bộ chính trị, Bộ công an và Bộ tư pháp; thông qua mọi biện pháp sử dụng xuyên suốt quá trình áp dụng luật; thông qua phản ứng đối phó tùy tiện và đầy mâu thuẫn đối với nhân dân theo nhịp độ ngày càng nhặt… Lý do? Nhân dân đã nắm rõ nguyên tắc sống còn của nhà cầm quyền: 1) Mọi chế độ độc tài càng hành xử thô bạo và tùy tiện thì càng rõ là họ rất yếu và rất mực lo sợ độ dài của những ngày tàn; và 2) Qua những chỉ dấu chín muồi đó, người dân càng biết đâu là những hành động hiệu quả và đâu là điểm cần dồn sức.* Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra những câu hỏi sinh tử khác: - Liệu là còn bao nhiêu nghìn ông Chấn khác hiện ở trong tù và bao nhiêu vạn ông Chấn khác sắp vào tù? - Còn hàng ngàn vụ án oan mới, đang diễn ra và sắp diễn ra, thì sao? - Chừng nào mới hết những lời khai trước tòa thường khiến chánh án mắc bệnh điếc tai: “Người ta xui (nhận tội), chứ em không làm”. - Chừng nào mới hết những trường hợp bị bắt tù 32 năm không ra tòa như cụ ông Tôn Thất Tần? - Chừng nào mới hết tình cảnh công dân vào tù không bởi vi phạm điều luật nào, mà bởi sắc luật 003 do Hồ Chí Minh ký 2 năm trước khi chết, như trường hợp người tù xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu? - Bao giờ thì những người lương thiện lãnh án tù vì lòng yêu nước được thả? - Vợ con của những người tù oan phải chạy hàng nghìn cửa, đến lúc nào mới được ngó tới? - Đặc biệt các nạn nhân đã, đang, và sẽ tiếp tục chết trong đồn công an thì ai sẽ giải oan cho họ? - Sau những án oan chung thân và tử hình, liệu là lãnh đạo tối cao của đảng sẽ dùng những chiêu thức nào khác để lấy sinh mạng nhân dân ra mà đấu đá lẫn nhau? - Đến khi nào người ta mới thôi nhắc nhở chủ tịch nước rằng “đừng quên anh là con nhà luật!”? - Khi nào thì tới phiên bản thân mình hoặc người thân của mình nhận lãnh án oan? - Khi nào mới dứt chuyện thiếu niên VN tự tử để tự minh oan với bạn bè/hàng xóm vì bị CA bắt giữ và làm nhục? - Do đâu mà mỗi người dân Việt trở thành con tin của một hệ thống tội ác có tổ chức? - Bằng cách nào giải quyết tình trạng công khai phạm pháp của bộ công an và bộ tư pháp để đánh đổi sinh mạng nhân dân lấy thành tích và giấy khen? - Cách nào để tách rời ngành tư pháp ra khỏi lưới dây giật của lãnh đạo đảng, và giới luật sư không còn là những cây kiểng bonsai trang trí sân tòa? - Cốt lõi án oan ở đâu và làm sao để chấm dứt tận gốc thảm họa “tập đoàn phạm pháp bỏ tù từng người lương thiện” này?* Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để lộ ra một câu trả lời rốt ráo: Không có cách nào khác ngoài việc dẹp bỏ chế độ độc tài hiện nay để xây dựng một thể chế pháp quyền do chính dân làm chủ. 11-11-2013 – Lạy tạ Ơn Trên: cơn bão Hải Yến đã đổi hướng quay ra biển rong chơi. Nhân dân đã có thể tập trung vào việc chống trả cơn bão con tin và tù oan còn lại ở Ba Đình kia. Nguồn: Blogger Đinh Tấn Lực.
......

Cải cách Trung Quốc có tác động VN?

Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đứng trước câu hỏi về cải tổ Một cuộc họp đặc biệt, Hội nghị trung ương 3 khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, đang được tổ chức từ ngày 9 đến 12/11/2013, nhằm đưa ra “những cải cách sâu sắc, toàn diện”.   “Những sai trái trong hệ thống và cơ chế phải bị loại bỏ” - như một nội dung trong thông báo sau phiên họp do Tổng bí thư Tập Cận Bình chủ trì, cho thấy Trung Quốc đang muốn thực hiện mục tiêu chưa có tiền lệ tính từ thời Cách mạng Văn hóa đến nay.   Những lĩnh vực sẽ phải cải cách mạnh mẽ, gồm thủ tục hành chính, các ngành công nghiệp độc quyền, đất đai, hệ thống thuế và tài chính, quản lý tài sản nhà nước, chính sách mở cửa và cải cách. Theo đó, chính phủ sẽ sử dụng các công cụ thuế và tài chính để giám sát thị trường ở tầm vĩ mô.   Điểm trùng hợp là hội nghị trung ương 3 của Trung Quốc diễn ra cùng thời gian với kỳ họp quốc hội cuối năm 2013 tại Việt Nam. Nội tình Đảng cộng sản và Quốc hội Việt Nam có lẽ cũng đang diễn ra “những cải cách chưa từng có”, kể từ thời điểm ban hành hiến pháp 1992 đến nay. Trong suốt nửa đầu năm 2013, lần đầu tiên chính thể được xem là “toàn trị” ở quốc gia này buộc phải chấp nhận một kiến nghị chưa từng có của gần 15.000 công dân về bãi bỏ chế độ độc đảng cùng một số nội dung liên quan đến tính độc quyền trong các lĩnh vực then chốt. Tuy nhiên cho tới nay, điều được hy vọng về một cuộc cải cách chưa từng có ở Việt Nam lại đang được Ban thường vụ quốc hội hứa hẹn sẽ chưa từng có một thay đổi đáng kể nào, từ điều 4 Hiến pháp về chế độ “đảng lãnh đạo toàn diện” đến các tranh cãi về tên nước, lực lượng vũ trang, tổ chức nhà nước, sở hữu đất đai, kinh tế quốc doanh và độc quyền doanh nghiệp nhà nước… 'Đặc quyền đặc lợi' "Sự đổi thay này không xảy ra vào các nhiệm kỳ chấp chính của những đời tổng bí thứ trước đây như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, mà lại xảy ra có phần đột ngột trong khẩu khí “diệt cả ruồi lẫn hổ” của tổng bí thư mới là Tập Cận Bình" Một phác thảo của Hội nghị trung ương 3 tại Trung Quốc đáng được chú ý: Trong lĩnh vực công nghiệp độc quyền, nhà nước sẽ dỡ bỏ kiểm soát đối với việc nhập khẩu dầu khí. Ngành công nghiệp viễn thông sẽ được tái tổ chức nhằm khuyến khích cạnh tranh. Đầu tư vào ngành đường sắt sẽ được đa dạng hóa, ngành điện và hệ thống giá điện sẽ được cải cách. Sau mấy thập niên đóng kín, một số ngành kinh tế “mũi nhọn” như đường sắt, viễn thông, dầu khí và cả ngân hàng đang có cơ may được trút bớt gánh nặng độc quyền sang các thành phần kinh tế khác. Nhưng đáng chú ý hơn, sự đổi thay này không xảy ra vào các nhiệm kỳ chấp chính của những đời tổng bí thứ trước đây như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, mà lại xảy ra có phần đột ngột trong khẩu khí “diệt cả ruồi lẫn hổ” của tổng bí thư mới là Tập Cận Bình. Mới vào giữa năm nay, nguyên bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân của Trung Quốc đã bị kết án tử hình vì tội nhận hối lộ và lạm quyền. Từ tháng 6/2013, Trung Quốc đã hai lần phải giảm quyền trong phê duyệt dự án. Khoảng 310 loại phí do chính quyền địa phương lập nên đã bị xóa bỏ… Trong khi đó, ở Việt Nam vẫn chưa có bất cứ tín hiệu nào về công cuộc xóa bỏ nạn độc quyền và đặc lợi. Sau những phát hiện đột biến vào năm 2011, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã bị báo chí và dư luận người dân xem là một trong những thủ phạm đẩy nền kinh tế vào tình trạng tiêu điều do đầu tư trái ngành cùng số lỗ trên 40.000 tỷ đồng, kéo theo các chiến dịch tăng giá xăng dầu không ngừng nghỉ nhằm trút lỗ lên đầu 90 triệu dân chúng, gần 4 triệu đảng viên, 2 triệu công chức và toàn bộ lực lượng vũ trang. Cũng cho tới nay, tấm lưng còng người dân Việt Nam vẫn phải “cõng” đến 432 loại phí - một trong những biểu tả đậm đà nhất nhằm hoàn chỉnh “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. “Nguồn gốc tội ác” Tác giả cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa có cải tổ gì đáng kể về đường lối cầm quyền thời gian qua Một cải cách dự kiến khác cũng rất đáng lưu tâm của Trung Quốc là điều chỉnh cơ chế sở hữu đất đai. Từ nhiều năm qua, tình trạng thu nhập của chính quyền địa phương phụ thuộc tiền bán đất chính là một trong những nguyên nhân gây ra quá nhiều tranh chấp giữa chính quyền và người dân. Khiếu kiện và biểu tình đất đai cũng là một vấn nạn ở Trung Quốc trong nhiều năm qua. Mỗi năm, quốc gia đông dân nhất thế giới này lại xảy ra đến hàng trăm ngàn cuộc khiếu kiện, so với hàng chục ngàn ở Việt Nam. Lần này, ban soạn thảo kế hoạch cho Hội nghị trung ương 3 Trung Quốc đã đề xuất cho phép đất sở hữu tập thể và đất sở hữu nhà nước được gia nhập thị trường đất phi nông nghiệp. Theo đó, nông dân có quyền sở hữu tập thể trong việc bán đất và được đền bù thỏa đáng dựa trên tiêu chuẩn thị trường. Chính quyền địa phương sẽ không còn được mua đất của dân với giá quá thấp rồi bán lại cho các công ty xây dựng hoặc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với giá cao hơn nhiều. Cải cách trong lĩnh vực này được đề xuất tiến hành trong 3 giai đoạn: 2013-2014, 2015-2017 và 2018-2020.   Nếu chế độ sở hữu đất đai được mở rộng sang hình thức tập thể ở Trung Quốc, đó sẽ là cơ hội cho chính thể của quốc gia này được gia cố hơn trong con mắt dân chúng. Nhưng ở Việt Nam, sau vụ người nông dân Đoàn Văn Vươn năm 2012, dường như những người cầm quyền vẫn chưa rút ra được một bài học sắc giá nào về lòng dân và câu chuyện nước nâng thuyền nhưng cũng sẽ lật thuyền. Trên toàn quốc vẫn diễn ra không ngớt các cuộc thu hồi đất bất công và dẫn tới những cuộc cưỡng chế thô bạo, đôi khi làm chết dân. Người ta có thể chứng kiến nhan nhản tình trạng này trong mấy năm qua ở Bắc Giang, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, cả Dương Nội thuộc ngoại thành Hà Nội, hoặc Thủ Thiêm ở TP.HCM… Nguồn cơn được nhiều người dân xem là “nguồn gốc tội ác” mà đã gây ra nạn cường hào ác bá cướp bóc đất đai chính là chế độ sở hữu đất đai toàn dân, mà cho đến nay vẫn không được thay đổi, bất chấp quá nhiều kiến nghị của các nhóm trí thức, nhân dân trong nước và ở hải ngoại. Cải cách hay là chết? "Theo giới quan sát, Bộ chính trị Bắc Kinh đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ, và tương lai đó sẽ không kéo dài quá lâu, từ 7-10 năm tới." Dù vậy, não trạng của những người trong đảng vẫn hầu như chưa thoát khỏi “bóng đè” của “sở hữu đất đai toàn dân.”   Bất chấp việc quyền định đoạt và mua bán phải thuộc về người dân, cho tới nay Ủy ban thường vụ quốc hội vẫn thay mặt cho “tuyệt đại đa số cử tri” để thể hiện chỉ đạo của tổng bí thư về “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”, tức nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào về chế độ sở hữu đất đai trong hiến pháp mới.   Thậm chí, vấn nạn mà dân oan kêu gào khắp nơi về việc thu hồi đất đối với “các dự án kinh tế - xã hội” vẫn đang được duy trì một cách đầy nghi ngờ. Gần đây, những tờ báo trong nước đã phải hé lộ về những vụ “lobby” chính sách nào đó của các nhóm lợi ích bất động sản kết hợp với các nhóm thân hữu chính trị.   Chính đảng cầm quyền ở Trung Quốc sẽ không thể tồn tại nếu không tự thay đổi. Sự thay đổi ấy sẽ phải thể hiện bằng một cuộc cải cách, nếu không đủ xứng đáng làm nên một cuộc cách mạng toàn diện thì tối thiểu cũng phải giúp cho chế độ độc đảng có lý do để kéo dài thêm một thời gian nữa. Theo giới quan sát, Bộ chính trị Bắc Kinh đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ, và tương lai đó sẽ không kéo dài quá lâu, từ 7-10 năm tới.   Được xem là người bạn “môi hở răng lạnh” và gắn bó với những người đang muốn khuếch trương chủ thuyết “Nhân nghĩa lễ trí tín” của Khổng Tử, đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ phải tự tìm ra một lối thoát cho mình để không phải rước lấy nỗi căm phẫn hồi tố vẫn đang trên đà trào dâng dữ dội của đại đa số dân chúng. “Cải cách hay là chết!” - một số quan chức Việt Nam đã thốt lên bức cảm thầm kín ấy bên ngoài hành lang, ngay sau khi kết thúc những cuộc họp chi bộ và thảo luận nghị trường đầy tính khoa trương và giáo điều. Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese
......

Nguy đâu cứu đấy - Nguy đấy cứu đâu? - Cứu đâu nguy đấy!

Câu phán của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với hàng ngũ đảng viên ở cuối Hội nghị Trung ương Đảng 8, “Dựng nước đi đôi với giữ nước, giữ nước từ khi nước chưa nguy”, để lại trong đầu người nghe nhiều câu hỏi. (Bác Tổng Lú cứ hay làm thế. Nói những câu nghe lạ mà "kêu", nhưng sau đó dù cố gắng cũng ít ai hiểu được bác muốn nói gì.) Trước hết, bác và các đồng chí của bác không hề dựng nên đất nước này nên nửa câu đầu "dựng nước ĐI ĐÔI với giữ nước" bác đang muốn nói với ai? Không lẽ bác đang nhắn gởi tổ tiên, cha ông đã khai sáng ra đất nước Việt Nam? Tổ tiên đều đã khuất và các ngài có cần lời nhắn nhủ của bác Tổng không? Thế là người nghe "bó tay" ngay về nửa câu đầu, chỉ còn nửa câu sau: "giữ nước từ khi nước chưa nguy". Vừa nghe đến đây, trong lòng nhiều người Việt Nam đã bật ngay lên câu hỏi "nước nguy chưa?" hay "phải đến thế nào mới đủ gọi là nguy?" Ngay tại cửa phòng họp hội nghị Thành Đô năm 1990, chính miệng ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã đau đớn thốt lên: "Thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu". Lời tiên đoán đã thành hiện thực. Đến ngày hôm nay, Bắc Kinh đã lấy nhiều phần đất biên giới phía Bắc mà 13 năm sau lãnh đạo đảng CSVN vẫn không dám tiết lộ các bản đồ; lấy một vùng biển rộng lớn trong vùng vịnh Bắc Bộ; chiếm vĩnh viễn quần đảo Hoàng Sa; chiếm nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa; biến nhiều vùng biển xưa nay của Việt Nam thành "vùng tranh chấp" rồi thành "vùng khai thác chung"; chiếm gần trọn biển Đông làm lãnh hải của Tàu và thẳng tay bắn, giết, cướp, đánh, đâm đắm thuyền ngư dân Việt; mở hàng trăm khu biệt lập dọc theo biên giới, trên nóc nhà Đông Dương, và giữa các tỉnh thành; mở sẵn nhiều con đường lớn xuyên biên giới, nối kết các khu biệt lập bằng xe tải vận chuyển "hàng hóa kín" ngày đêm; ... Đối với đại khối dân tộc Việt thì tình hình đã nguy lắm rồi! Nhưng riêng bác Tổng Lú thì ngay cả khi đang ngồi ghế Chủ tịch Quốc hội, giữa lúc hải quân Tàu bắn giết hàng loạt ngư dân Việt, bác vẫn khẳng định: "Tình hình Biển Đông không có gì mới" và cấm đưa chuyện đó vào nghị trình. Và đến giờ phút này bác vẫn bảo: "nước chưa nguy". Bác không chỉ nói bằng lời mà còn có hành động cụ thể, từ việc ký kết cho mở thêm các khu biệt lập, cho xây thêm Viện Khổng Tử, cho các hãng xưởng Tàu trúng thêm nữa và hầu hết các hợp đồng xây dựng lớn trên đất Việt để họ lại có lý cớ mở thêm các khu "công nhân" mới. (Trong lúc lao động Việt vẫn long đong xin việc ở nước ngoài). Tóm tắt là bác Tổng rất an nhàn tự tại với tình hình "nước chưa nguy". Và cách "giữ nước từ khi nước chưa nguy" của bác Tổng là mời thêm Bắc Kinh vào đất Việt, mời nắm thêm các lãnh vực mà họ còn chưa nắm chặt lắm. Nhưng nếu với tâm trạng như thế thì bác Tổng đặt thành vấn đề và Ban Tuyên Giáo chỉ thị cho báo đài đăng lời bác về "nguy" để làm gì? Ngẫm nghĩ mãi và đặt mình vào bối cảnh bác Tổng đang nhắn nhủ đảng viên cấp cao ở cuối Hội nghị Trung ương đảng, người ta mới chợt nghĩ ra ý của bác ấy phải là: "Dựng chế độ đi đôi với giữ chế độ". Và như thế mới giải thích được ý nghĩa và nhu cầu của nửa câu sau: "Giữ chế độ từ khi chế độ chưa nguy". Rõ ràng đây là lời cảnh báo khi bác Tổng nhìn sang Bắc Phi, Libya, Syria, và nước láng giềng Miến Điện. Nói nôm na là chế độ sắp tới mức nguy rồi đấy, đừng để nước đến chân mới nhẩy. Bác Tổng chỉ đồng hóa "chế độ" với "nước" vì thói quen xưa nay và vì không muốn "các thế lực thù địch" biết rõ quá là bác đang lo lắng. Điều gì khiến bác, và hiển nhiên các lãnh tụ khác quanh bác, lo lắng về chế độ đến thế? Phải chăng vì nền kinh tế thị trường theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” (do chính bác đặt tên) đã lụn bại đến hết thuốc chữa vì ngân sách cạn kiệt và tham nhũng đã vào đến gan ruột, óc não chứ không phải ghẻ ngoài da như bác trấn an quần chúng đảng viên. Thế giới đã không còn tin tưởng để đầu tư làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Hiện nay các hệ thống làm ăn có gốc rễ từ Bộ Chính trị chỉ còn trông cậy vào con đường "cạp đất mà ăn", tức cưỡng chế hết khu này đến vùng khác cho các "quỹ đất". Tập thể dân oan đang lan nhanh khắp mọi miền đất nước và lan đến đủ loại thành phần trong xã hội. Mức độ uất ức cũng tăng nhanh và cao như những tòa nhà đang xây trên đất vừa chiếm đoạt. Phải chăng vì ngày càng đông đảng viên đi theo tiếng gọi lương tâm của "diễn biến hòa bình". Họ bảo nhau rời bỏ đảng nếu còn muốn giữ chút đạo đức với dân và chút danh dự với con cháu. Bên cạnh đó, ngày càng đông hàng ngũ trí thức cả trong và ngoài cơ chế lên tiếng kêu gọi bỏ điều 4 hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng và tiến dần đến thể chế dân chủ vì đó là con đường duy nhất ở đầu thế kỷ 21 để đưa đất nước ra khỏi lạc hậu, bất công và đói nghèo. Họ liệt kê hàng loạt dữ kiện từ khắp thế giới và từ lịch sử cận đại của Việt Nam. Cả hệ thống lý luận của đảng không biết cãi lại thế nào ngoài biện pháp lôi điều luật 74, 79, 88, 258 ra dùng để bịt miệng. Phải chăng vì các trò bạo hành của công an với sự trợ lực của vòng rào côn đồ, các đòn hù dọa bằng "các phiên tòa vài giờ để đọc các bản án vài năm", các thủ thuật bao vây kinh tế, bôi nhọ tên tuổi, dán nhãn khủng bố, ... đều mất nhanh tác dụng tạo sợ hãi. Sự liên kết của người Việt từ khắp 3 miền, từ trong ra tới ngoài nước, từ đời thật đến mạng ảo, và với ra cả công luận quốc tế đang nhanh chóng hóa giải các phương tiện mà chế độ đã đầu tư nhiều tiền bạc, công sức xây dựng trong nhiều thập kỷ qua. Phải chăng vì 800 báo đài và đội quân 80.000 dư luận viên dưới sự điều động của ngành công an mạng đã trở nên vô dụng trước mạng lưới dân báo. Mạng lưới này không chỉ bao gồm những cư dân mạng mà còn có cả hàng triệu người dân và nhiều đảng viên với chiếc máy điện thoại lưu động nhỏ gọn trong tay, sẵn sàng chụp hình những cán bộ ác ôn cướp nhà cướp đất, những cảnh công an đánh dân đòi tiền, những tội ác của những kẻ xả lũ không báo trước, và thu âm từ những câu nói vô giáo dục của các cán bộ phòng tiếp dân đến các bài giảng trơ trẽn của các quan chức lớn cho nội bộ đảng viên. Và còn nhiều lý do để lo lắng khác nữa, nhưng các mối lo đó đều hướng về cùng một cốt lõi. Đó là sự kiện đã trở thành hiển nhiên: hiện nay sự an toàn và nguy hiểm của đảng, của chế độ ngược chiều 180 độ với sự an toàn và nguy hiểm của đất nước, của dân tộc. Suốt từ hội nghị Thành Đô, lãnh đạo đảng càng dựa sâu vào lòng Bắc Kinh để giữ an toàn cho chế độ thì đất nước càng mất thêm chủ quyền và càng bị đẩy đến bờ vực hiểm nguy của đồng hóa rồi đô hộ. Khi lãnh đạo đảng càng ban phát cơ hội tham nhũng cho hàng ngũ cán bộ, công an để thêm nhiều kẻ trung thành bảo vệ chế độ thì càng đông người dân bị đẩy vào cảnh trắng tay, khốn cùng, và ngay cả chết thảm trong đồn công an, trên bàn mổ bệnh viện, dưới các khối nước xả lũ, hay trôi theo sông trên đường tới trường. Khi lãnh đạo đảng càng "giải quyết dứt khoát" (như lời Nguyễn Chí Vịnh) lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam để tăng sự an toàn cho chế độ thì dân khí quốc gia càng bạc nhược trong nhiều năm trước mặt. Và còn nhiều những đau xót ngược chiều khác nữa. Nhưng đất nước và dân tộc càng bị đẩy vào tình trạng nguy kịch thì lãnh đạo đảng càng khó biện minh cho khả năng điều hành và bản chất guồng máy cai trị độc tài của họ, càng khó giữ lại tập thể những đảng viên còn lương tâm, và càng khó chận đứng sự phẫn nộ gia tăng liên tục trong quần chúng. Cả 3 yếu tố này đã lần lượt lật sập hết chế độ độc tài quân chủ này đến chế độ độc tài cộng sản khác trên khắp thế giới. Các biện pháp an toàn ngắn hạn cho chế độ đều trở thành cái nguy dài hạn cho chính họ. Do đó, có thể nói chắc rằng: nếu tiếp tục con đường dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lê, sinh mạng của cả đất nước lẫn đảng CSVN đều trở nên "chỉ mành treo chuông". Liệu còn có ai trong guồng máy nghiên cứu chính trị, tư tưởng của đảng có thể mách nước cho bác Tổng Lú không? Chỉ có con đường dân chủ mới trả lời được câu hỏi "Nguy đấy Cứu đâu?" và mới tránh được cái vòng lẩn quẩn "Cứu đâu Nguy đấy!"
......

Chức sắc tôn giáo phản đối NĐ 92 vi phạm quyền tín ngưỡng

Ngày 04.10.2013, các chức sắc tôn giáo tại Việt Nam đưa ra một bản lên tiếng về pháp lệnh tôn giáo năm 2004 và nghị định áp dụng pháp lệnh năm 2012. Bản lên tiếng cho rằng do chủ trương quyền lực toàn trị độc tài, đảng và chế độ Cộng sản luôn coi tôn giáo là kẻ thù, kẻ thù số một, cần phải tiêu diệt. Để thực hiện việc này, nhà cầm quyền Cộng sản dùng bạo lực vũ khí và bạo lực hành chánh. Bạo lực hành chánh hiện thời được thể hiện qua Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo số 21 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày năm 2004 và Nghị định áp dụng Pháp lệnh số 92 ban hành năm 2012 nhằm siết chặt hơn trong việc kiểm soát các giáo hội. Cả hai văn kiện pháp lý này muốn khống chế, kềm tỏa 5 phương diện hay 5 yếu tố của tôn giáo là quy chế pháp lý, nhân sự, hoạt động, tài sản và quan hệ quốc tế. Không công nhận tư cách pháp nhân, nhà cầm quyền chỉ cho các tôn giáo và các tổ chức thuộc tôn giáo phải xin công nhận để được hoạt động với những điều kiện rất khắt khe. Nhiều Giáo hội như Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, Cao Đài Bảo thủ Chơn truyền và nhiều Hệ phái Tin lành như Mennonite hoặc Lutheran Việt Nam bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, do đó bị bách hại dữ dội. Trong lúc đó, nhà cầm quyền lại nặn ra nhiều giáo hội quốc doanh hoặc tổ chức quốc doanh để thay thế hay lũng đoạn các Giáo hội chính truyền hòng lừa gạt nhân dân và quốc tế, dùng đạo chống lại đạo. Từ những phân tích trên, Các Chức sắc Tôn giáo Việt Nam tuyên bố không chấp nhận pháp lệnh nói trên, và đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải bãi bỏ pháp lệnh này, cùng thả mọi chức sắc, tu sĩ, tín đồ đang bị cầm tù vì đã đấu tranh cho tự do tôn giáo hay dân chủ nhân quyền; trả lại mọi tài sản tinh thần là tự do và độc lập cho mọi tôn giáo; trả lại mọi tài sản vật chất là đất đai, cơ sở cho mọi Giáo hội. http://www.youtube.com/watch?v=sOqrIva8TZg  
......

Quảng Ngãi: Giấc mơ hiệu ứng đám đông dân chúng

Lời hứa Trong một hành động hy hữu tính từ cuộc “nổi dậy” của nông dân Thái Bình vào năm 1997, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thỏa mãn gần như toàn bộ yêu sách của ngư dân huyện Tư Nghĩa thuộc địa phương này. Chính quyền địa phương bị tố cáo triển khai dự án nạo vét, cho doanh nghiệp nước ngoài khai thác cát ở khu vực Cửa Đại sông Trà Khúc gây sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến n cư và sinh kế của dân. Một quan chức huyện Tư Nghĩa đã chính thức thông báo sẽ hỗ trợ 125 tàu cá của ngư dân xã Nghĩa An và Nghĩa Phú bị ảnh hưởng với tổng số tiền hơn 2,5 tỉ đồng. Riêng 583 ngư dân đi trên các tàu cá không ra khơi được vì luồng lạch bị bồi lấp, mỗi ngư dân được hỗ trợ 2 triệu đồng. Đáng ngạc nhiên là giữ lời hứa của mình, chỉ sau 4 ngày từ thời điểm cuộc biểu tình của ngư dân nổ ra, chính quyền địa phương bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ cho các chủ tàu cá và ngư dân. Chiếc tàu đánh cá đầu tiên trong tổng số trên 200 tàu ngư dân bị mắc kẹt cũng đã ra tới biển sau nhiều ngày bị ngáng đường do nạn bồi lấp cửa sông - hậu quả của việc nạo vét, tận thu cát nhiễm mặn của hai doanh nghiệp khai thác cát tại đây. Có thể ghi nhận, đây là lần hiếm hoi một chính quyền địa phương ở Việt Nam không nuốt lời. Từ chức Một bài tường thuật của báo Thanh Niên cho biết “vụ Quảng Ngãi” bắt đầu từ chuyện hút cát để khai thông cửa biển và tận thu số cát nhiễm mặn tại sông Trà Khúc. Theo giấy phép mà tỉnh Quảng Ngãi cấp cho hai doanh nghiệp khai thác cát tại cửa sông này, sẽ có khoảng 40 triệu mét khối cát được “tận thu” để xuất khẩu. Cửa sông Trà Khúc cũng sẽ được khơi thông, tạo điều kiện để tàu bè của ngư dân ra vào dễ dàng. Thế nhưng, mới khai thác khoảng 3 triệu mét khối, mối an nguy của làng chài nơi cuối sông Trà bắt đầu xuất hiện. Hàng chục ao tôm của nông dân bị sóng đánh sập, cuốn luôn ra biển. Sóng cũng đã lan đến làng chài Nghĩa An, những cây dương giữ làng có tuổi đời 30-40 năm bắt đầu bật gốc. Hàng trăm tàu thuyền không những không được ra vào thông suốt như lời hứa của doanh nghiệp mà còn bị mắc kẹt do cửa sông Trà Khúc đã bị bít hẳn. Dân đã phản ảnh với tỉnh về thực trạng nguy hại này. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành kiểm tra thực tế và ra quyết định tạm đình chỉ việc khai thác cát từ giữa tháng 9/2013, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục sự cố. Sự việc cứ tưởng như thế là đã ổn thì đùng một cái, nơi cửa biển cuối sông Trà lại xuất hiện những chiếc sà lan cùng con tàu vận tải đầy khả nghi. Một mất mười ngờ, dân Nghĩa An cho rằng các doanh nghiệp đã bội tín, tiếp tục hút cát. Họ tập hợp nhau kéo lên huyện Tư Nghĩa để phản đối, gây tắc nghẽn quốc lộ 1A trong nhiều giờ liền. Đích thân bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi là Võ Văn Thưởng đã phải cấp tốc đến hiện trường để giải thích, thuyết phục đám đông. Cuộc đối thoại của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi với hàng ngàn người dân Nghĩa An ngay sáng hôm sau ngày xảy ra sự cố đã dẫn tới những cam kết của chính quyền với dân. Theo đó, sau 4 ngày, cửa sông Trà sẽ được khơi thông; tiến hành đền bù thiệt hại cho ngư dân do tàu không ra khơi được; yêu cầu doanh nghiệp phải khẩn trương xây bờ kè để chống tái sạt lở; và điều cuối cùng, tỉnh sẽ chấm dứt “tận thu cát nhiễm mặn” nếu như việc nạo vét cửa sông tiếp tục đe dọa làng chài… Thậm chí, chủ tịch tỉnh này còn cam kết “sẽ từ chức” nếu không thực hiện đúng lời hứa.Thanh Niên cũng là tờ báo thường dành thiện cảm đặc biệt cho ông Võ Văn Thưởng. Cả tờ báo này và ông Thưởng đều có liên quan rất thân thuộc đến hệ thống trung ương Đoàn - vốn được xem là “cánh tay mặt của Đảng”. Một ngàn! So với quá nhiều hứa hẹn của giới quan chức chính phủ, các bộ ngành được trình diễn trong các kỳ họp quốc hội, họp tổng kết ngành hay họp báo, hiển nhiên tỉnh ủy và chính quyền Quảng Ngãi đã tạo ra một nét dị biệt bằng vào chức trách “đày tớ” mới đây. Lời hứa của họ còn được người dân cho rằng có thể “nghiệm thu” được, lồng trong bối cảnh nhiễu nhương quan trường và mị dân quan chức quá phổ cập như hiện nay. Câu hỏi còn lại là liệu sự thành tâm của nhà chức trách Quảng Ngãi đã đủ chín để dẫn tới kết quả được xem là khả quan cho bà con ngư dân? Hay còn nguyên do nào khác?Tất nhiên, không thể phủ nhận vài cố gắng của Bí thư Võ Văn Thưởng trong nhiệm vụ “an dân”, sau quá nhiều ví dụ xa dân của chính quyền tỉnh này. Là một tỉnh thuộc diện nghèo của quốc gia, Quảng Ngãi cho đến nay vẫn chưa tự nhấc mình khỏi danh sách nguy hiểm về mặt bằng thu nhập và mặt bằng dân trí. Địa phương này cũng là nơi mà những nguồn tài nguyên còn sót lại vẫn tiếp tục bị khai thác ồ ạt đến mức cạn kiệt, là một trong những địa phương mà giới quan sát bình luận “ăn cả thịt của mình”. Đời sống ngày càng khốn khó, hố phân cách thu nhập ngày càng làm cho người dân khó kế sinh nhai và phát sinh bất mãn. Bất mãn sinh ra phản ứng, phản ứng lại bột phát biểu tình. Vụ biểu tình của ngư dân huyện Tư Nghĩa khá giống với những cuộc biểu tình do quá bức bối trong các năm 2010, 2011, 2012 và 2013 của nông dân mất đất ở Bắc Giang, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Dương Nội… Tuy nhiên, dấu ấn nổi bật của đám đông Tư Nghĩa là số lượng người biểu tình. Nếu các cuộc tuần hành của nông dân mất đất thông thường chỉ tập hợp được vài ba trăm đến nửa ngàn người, thì con sóng làm tắc nghẽn quốc lộ 1A ở Quảng Ngãi vừa qua đã lên đến hàng ngàn. Rõ ràng, cuộc biểu tình mang tính quy nạp đó còn vượt hơn nhiều so với điều thường bị xem là “tụ tập đông người” ở Việt Nam. Thậm chí người dân còn bắt giữ 3 công nhân. Nhưng vì sao đã không xảy ra hành động trấn áp, cô lập hoặc đàn áp của lực lượng cảnh sát Quảng Ngãi - một hiện tượng rất thường thấy ở đất nước của vô số điều luật 258? Có một mối liên hệ không thể bỏ qua giữa đám đông ở Quảng Ngãi với đám đông biểu tình đòi trả tự do của giáo dân tại Hà Nội vào đầu tháng 10/2013, bên phiên tòa xử án luật sư Lê Quốc Quân. Cuộc biểu tình rất quy củ, ôn hòa nhưng không thiếu quyết tâm của người công giáo đã làm cho chính quyền và công an Hà Nội bất lực. Thay cho hành động cô lập, cách ly và bắt bớ như đối với những cuộc biểu tình chống Trung Quốc hoặc với dân oan mất đất, cảnh sát Hà Nội đã im lặng giữ trật tự không kém thua không khí nghiêm túc của giáo đoàn. Tuy nhiên, đến phiên tòa xử án Đinh Nhật Uy ở Long An vào cuối tháng 10/2013, tình thế đã khác hẳn. Chỉ vài chục biểu tình viên - một con số không đủ lớn để một lực lượng công an cùng dân phòng gấp vài chục lần có thể dễ dàng trấn áp. Và trấn áp đã thực sự xảy ra. Dù chỉ câu lưu những người bị bắt giữ trong ít tiếng đồng hồ, song hành động tay chân và dùi cui của giới thi hành công vụ lại trở nên nổi tiếng nhất. Cú ra tay dễ dãi của chính quyền Long An cho phép người biểu tình rút ra một bài học thấm thía: bất cứ cuộc biểu dương nào dưới một trăm người cũng đều có thể bị giải tỏa một cách dễ dàng. Những tiền lệ tiếp nối Dù từ năm 1992 đến nay, hiến pháp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa bao giờ được làm rõ nghĩa hơn bởi Luật biểu tình, và đến giờ cũng chưa một cơ quan nào thành tâm nhận ra cần cung cấp thứ quyền tối thiểu đó cho người dân, song suy thoái kinh tế cùng các nhóm lợi ích lộng hành bất chấp vẫn là chất xúc tác mạnh mẽ nhất tạo ra nhiều cuộc biểu tình không theo công thức. Xã hội Việt Nam đang ở vào giai đoạn mà sức mạnh đám đông được khởi nguồn từ con số, dù chỉ là con số mang tính ô hợp. Khi số người biểu tình chạm mốc một ngàn người hoặc hơn, chính quyền buộc phải e ngại. Những phương án phòng chống biểu tình, bạo động được thiết kế và tập dượt kỹ lưỡng trước đó sẽ khó có tác dụng, cũng chẳng mấy ai đủ can đảm để đưa chế độ cưỡng bức vào thực thi. Trước đám đông và đặc biệt là một đám đông có yêu sách chính đáng và có sức chịu đựng bền vững, ý chí trấn áp của chính quyền trở nên mệt mỏi hơn. Hiệu ứng đám đông cũng đã bắt đầu lan tỏa, từ nông thôn miền Bắc vào miền Trung và bắt đầu có tác dụng đối với bà con ngư dân Quảng Ngãi. Tiền lệ lại tạo ra tiền lệ. Không thể cho rằng những cuộc tuần hành và biểu tình của nông dân và giáo dân ở các vùng nông thôn miền Bắc, đặc biệt là cuộc biểu dương lực lượng của giáo dân Mỹ Yên ở Nghệ An vào tháng 9/2013, đã không có tác động gì đến nhận thức và phương pháp hành động của đám đông biểu tình ở Quảng Ngãi. Trong tình thế quá khó xử như thế, điều dễ hiểu là chính quyền một số địa phương không muốn để xảy ra xung đột và đổ máu, đặc biệt trong bối cảnh xã hội đang tiềm ẩn nhiều ngòi nổ luôn có thể bùng phát, còn hoàn cảnh đối ngoại cũng không cho phép các chính quyền địa phương dùng luật rừng để qua mặt Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Nhưng trên tất cả các chính quyền địa phương, giới lãnh đạo trung ương không muốn dính dáng vào bất cứ trách nhiệm nào đối với các cuộc biểu tình đông người, nhất là khi chuyện biểu tình sẽ làm xấu hình ảnh của Nhà nước Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế, trong đó giấc mơ một cái ghế của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc vẫn chưa hoàn toàn tan biến. Có lẽ đó là một trong những lý do chính để với tư cách là một nhân sự cấp cao của trung ương được “biệt phái về cơ sở”, Bí thư Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng đã lần đầu tiên thể hiện một hành động chỉ đạo có ý nghĩa rất tình cảm cho dân chúng và có thể cho cả chính ông. Riêng với những nhân tố được xem là sáng giá như ông Thưởng, thời gian về cơ sở thường chỉ 2-3 năm. Chỉ vài năm nữa là đến đại hội 12 của Đảng. Vụ Quảng Ngãi chính là cơ hội sáng giá không kém để những người như ông thể hiện sự cống hiến cho nhân dân - nếu quả có cái tâm, hoặc tạo nên tiếng vang trong lòng cấp trên để tiếp tục chinh phục vị thế chính trị cao hơn. Hoặc cả hai… Sự đan xen phức hợp về tâm lý trong não trạng từ chính thể trung ương xuống các cấp chính quyền địa phương như thế, vô hình trung, sẽ khiến cho tiền lệ về những đám đông biểu tình trở nên dày đặc hơn và còn có thể hiệu quả trong thời gian tới. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Nguồn: voatiengviet.com
......

Khi người cộng sản mất phương hướng

Trong bài viết “Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác”, Lênin viết: “Trái lại, tất cả thiên tài của Mác chính là ở chỗ đã giải đáp được những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại đã nêu ra. Học thuyết của ông ra đời thành sự thừa kế thẳng và trực tiếp học thuyết của các đại biểu xuất sắc nhất cho triết học, chính trị kinh tế học và chủ nghĩa xã hội. Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó chính xác, nó hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thoả hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ áp bức của giai cấp tư sản.”(Giáo dục", số 3, tháng Ba, 1913).   Đúng 100 năm sau, Chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ còn là mớ kinh sách vẫn được dùng để tụng niệm tại một vài nước châu Á. Khi mà các đệ tử môn phái này đang rã rời, buồn ngủ, mơ màng những bữa tiệc linh đình và tìm cách hưởng thụ những món tư bản khổng lồ cướp được nhờ địa vị thống trị của mình, dưới cái nhãn mác cách mạng và ô che của cái Học thuyết Mác – Lênin “vĩ đại” danh cho giai cấp vô sản kia. Những thực tế đang diễn ra, đã chứng minh rằng những điều Lênin đã viết kia, đã ca tụng và lăng xê trên, chỉ là những món bánh vẽ và là sản phẩm của những sự hoang tưởng dưới sự kiểm chứng của lịch sử. Họ đã phần nào thành công trong một giai đoạn lịch sử, đã ru ngủ cả chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu người. Nhưng họ đã thất bại trong một quá trình lịch sử, cái lý thuyết huyễn hoặc đó đã nhanh chóng bộc lộ những vô lý và tự hủy. Có thể nói, sự thất bại của Chủ Nghĩa Cộng sản không phải ở chỗ thực hành, mà ngay cả phần lý thuyết cũng đã được thực tế chứng minh là: hão huyền và ảo tưởng. Việt Nam là một trong ba địa chỉ hiếm hoi còn lại trên thế giới đang tiếp tục bám víu vào thứ hỗn mang này. Hai phần ba thế kỷ bám trụ, đi theo, sáng tạo, kiên định… đủ cả mọi ngôn từ và tốn máu xương hàng triệu người, từng phần lãnh thổ đất nước thì thực tế xã hội hôm nay đã chứng minh được điều gì? Thực tế của “Ba cuộc cách mạng” Thay cho “một nền sản xuất có năng suất cao hơn hẳn so với nền sản xuất TBCN” thì năng suất lao động của “phương thức sản xuất XHCN” đã trở thành chuyện hài hước nếu đem so sánh. Thay cho mối quan hệ sản xuất tiên tiến, thì phương thức này đã đẻ ra một mối quan hệ sản xuất sử dụng 30% số người làm việc và 30% số công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về. Đó là những kết luận của quan chức, báo chí Việt Nam tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hôm nay. Thay cho mối quan hệ sản xuất lấy giai cấp công nhân làm trọng tâm, mọi thành phần được hưởng thụ thành quả lao động xã hội, thì sản phẩm xã hội tập trung vào một đám tư bản đỏ là đảng viên Cộng sản. Chức năng của đám này là bòn rút, tích lũy, phá phách sản phẩm xã hội và là giặc nội xâm của đất nước. Với mối quan hệ, trình độ sản xuất và năng suất lao động đó, thì đời sống vật chất mà được nâng cao để dần tiến tới “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” là chuyện điên rồ. Ngoài ra, cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật được coi là “then chốt” thì kết quả thảm hại thay. Cả đất nước không tìm nổi một cơ sở sản xuất chiếc đinh ốc đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế để có thể đảm đương vai trò đại lý sản xuất cho một hãng tư bản con con. Mọi thành quả kỹ thuật của “Phe Xã hội Chủ nghĩa” đều là sự học mót hoặc ăn cắp của “bọn tư bản giãy chết”.  Có lẽ, cần phân tích sâu sắc hơn về cuộc cách mạng thứ 3: Cuộc cách mạng Tư tưởng và văn hóa - Một cuộc phá hủy nền văn hóa lâu đời và niền tin tôn giáo Khi đảng cộng sản hò hét “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội (CNXH), bằng ba cuộc Cách mạng” thì cả nước rùng mình bởi những trận càn vào tâm linh, tôn giáo, văn hóa cội nguồn. Đặc biệt nhất là trong ba cuộc cách mạng, cuộc “Cách mạng Tư tưởng và văn hóa” có chiều sâu nhất đánh vào tâm tư, suy nghĩ, lối sống, đạo đức và tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc. Mở đầu là cuộc Cải cách ruộng đất, một chiến dịch làm tan rã quan hệ sản xuất và nền văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh việc chiếm đoạt công cụ sản xuất, tài sản ruộng vườn của “giai cấp địa chủ”, chiến dịch này còn làm băng hoại những nét văn hóa truyền thống mà để có nó, người dân Việt phải mất hàng ngàn năm chắt lọc và xây dựng. Cuộc “cải cách” đó thực hiện phương châm “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ”, nghĩa là mọi thành phần ưu tú của dân tộc đều sẽ bị tiêu diệt. Bên cạnh việc một tầng lớp người dân bị mất tài sản, thì tư duy cướp tập thể, cướp trắng thành quả lao động bao đời, tư duy bất chấp sự công bằng xã hội xóa bỏ sự lương thiện của con người được công khai du nhập, khuyến khích dưới cái tên mỹ miều: Cách mạng vô sản. Tiếp đến là cuộc cách mạng vào văn hóa, văn học, báo chí… những công cụ trên mặt trận tư tưởng. Vụ Nhân Văn giai phẩm, hàng loạt tác phẩm bị lên án, thủ tiêu, hàng loạt tác giả bị cầm tù, đày đọa, thậm chí là tù đày đến chết. Thế rồi, hàng loạt chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, thánh thất bị triệt hạ không thương tiếc. Khi đó, Đức Chúa, Đức Phật, Thánh, Thần… đều được xếp vào thành phần phản động. Một cuộc “cách mạng vô sản” được thực thi nhằm trục xuất Chúa Trời ra khỏi vũ trụ, trục xuất tư hữu ra khỏi xã hội, trục xuất thần thánh ra khỏi đời sống và trục xuất linh hồn ra khỏi con người. Tất cả để phục vụ một cuộc “cách mạng văn hóa và tư tưởng”. Điển hình, là những phe nhóm cộng sản vô thần được đưa vào chùa chiền, lập căn cứ, nhen nhóm các lực lượng vũ trang, chém giết… những hành động hoàn toàn đi ngược lại với chùa chiền là nơi tu tâm phát đức. Còn những chùa chiền khác không có tác dụng cho những việc đó thì bị đập bỏ không thương tiếc.   Điển hình là những thánh thất, nhà thờ, đền Thánh... nếu không được sử dụng cho cuộc bạo lực cách mạng, nếu không bị đập bỏ, thì hạn chế đến mức tối đa dẫn tới tự tiêu diệt. Tiến hành chiếm, cướp, lấn lướt và chèn ép đến mức có thể nhằm trục xuất khỏi đời sống xã hội. Đặc biệt, thay vì những nơi tôn nghiêm, thờ tự, nêu cao tình yêu thương, nhà cầm quyền Cộng sản dùng Nhà thờ, thánh thất làm “Nơi ghi dấu tích tội ác”. Hậu quả là gì? Một đất nước kiệt quệ, một xã hội hỗn loạn và băng hoại, không có trật tự, con người xử sự với nhau như dã thú. Đạo đức xã hội suy đồi, những hiện tượng con đánh cha, trò đánh thầy, con chửi bố mẹ… là chuyện cực hiếm trong văn hóa đất nước trở thành chuyện thường ngày. Một xã hội ích kỷ và vô cảm, tệ nạn và đồi trụy được hình thành và dẫn đầu bởi chính cái gọi là “Đội ngũ ưu tú của giai cấp công nhân và dân tộc”. Năm 1977, Liên Xô – được coi là thành trì của phe XHCN - tuyên bố đã hoàn thành giai đoạn xây dựng Chủ Nghĩa xã hội để bắt đầu xây dựng Chủ Nghĩa Cộng sản. Thế mà chỉ 12 năm sau, cả thành trì xây dựng bao công sức máu xương kia đổ cái rụp không thể nào chống đỡ. Sau mấy chục năm khẳng định con đường quá độ đi lên Chủ Nghĩa xã hội mà “đảng và bác đã chọn” hộ dân tộc Việt Nam là con đường hiện thực, duy nhất đúng đắn, dần dần các lãnh đạo cộng sản mới thừa nhận sự u mê và hão huyền mơ hồ khi đặt niềm tin vào đó. Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh còn mơ hồ theo kiểu “năm ăn năm thua” rằng: “Chủ nghĩa xã hội sẽ dần dần sáng tỏ”. Còn mới đây Tổng bí thư Đảng Cộng sản ngao ngán thổ lộ: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Nghĩa là, cứ đi hết thế kỷ này theo con đường quá độ và yên chí là chưa có cái Chủ nghĩa xã hội, còn khi đến đó, nó là cái gì thì sẽ biết. Nếu là quả núi thì leo lên ngồi, nhỡ không may là hố sâu, thì cả dân tộc cứ xuống đó mà lặn. Niềm tin yếu ớt vào “ngày mai tươi sáng của Chủ nghĩa xã hội” đã nhanh chóng rơi rớt ngay chính từ những người lãnh đạo, từ chính những đảng viên cộng sản. Hàng loạt cán bộ cộng sản cao cấp đến cấp thấp, những người đã tự nhận, được tôn xưng là người cộng sản gộc đã từ bỏ tư tưởng của mình cách này cách khác, bằng hình thức này hoặc hình thức khác, khi thì cá nhân, khi thì tập thể, khi thì một nhóm, khi cả hệ thống. Điều này rất dễ thấy. Với thể chế đảng lãnh đạo tuyệt đối, luôn nghĩ thay, định hướng thay, lựa chọn thay cho người dân, do vậy khi hàng ngũ đảng viên, lãnh đạo mất phương hướng, thiếu niềm tin, thì xã hội cũng khủng hoảng niềm tin là điều không lạ. Vì vậy, nó tạo nên sự thất vọng ở ngay chính những thành phần cộng sản, tạo nên sự hoang mang và đó là cơ hội cho thói mê tín, dị đoan phát triển. Bên cạnh đó, chủ nghĩa thực dụng, dối trá cũng được dịp bùng nổ ở mọi tầm cao thấp. Những chiếc phao cứu sinh vội vàng chắp vá Chính sự hỗn mang đó đã tạo ra một thứ tôn giáo hổ lốn theo ý những người cộng sản. Trước hết, đảng khẩn cấp sáng tác ra cái gọi là Tư tưởng Đạo đức Hồ Chí Minh, một sản phẩm mới được sáng tác vội vàng lấp vào chỗ trống khi phe cộng sản sụp đổ và người ta thấy những giòi bọ nhung nhúc trong nội tạng của nó. Môn đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh như một món ăn mới được chế biến tốn kém nhưng bởi những đầu bếp tồi. Không đủ sức thay thế món bánh vẽ ngọt ngào về Chủ nghĩa Cộng sản mà người ta vẫn được ru ngủ, được xài miễn phí bấy lâu nay. Do vậy, đảng tiếp tục chi tiền dân cho việc lũng đoạn tôn giáo hoặc sáng tác các tôn giáo mới. Đó là thứ tôn giáo phục vụ sự tồn tại và cai trị của đảng bằng bất cứ giá nào. Đó là thứ tôn giáo “Đoàn kết Công giáo”, là thứ Phật giáo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” dần dần bị hủ hóa miễn là đảng nắm được thứ tôn giáo đó từ gốc đến ngọn. Đó cũng là các thứ tà đạo như tà đạo Hồ Chí Minh, các chùa chiền khổng lồ, các loại ngoại cảm, bói tướng, thầy pháp, đồng bóng, vàng mã… những thứ mà đã một thời là kẻ thù của Chủ nghĩa Cộng sản. Người ta không cần e ngại đảng có trăm tay, nghìn mắt khi người ta đốt vàng mã hàng trăm triệu đồng. Người ta không sợ hãi khi “gọi hồn” chính ông Hồ Chí Minh – ông tổ Cộng sản vô thần ở Việt Nam lên để mà truy hỏi… Người ta cũng không ngại dùng “nhà ngoại cảm” để gọi hồn Hà Huy Tập, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Phùng Chí Kiên, thậm chí là cả Trần Phú. Thậm chí, ngay cả khi người ta đúc tượng Thánh Gióng, họ còn đúc cả tim cho tượng Thánh Gióng và tượng con ngựa. Điều đặc biệt hài hước, là ý tưởng này lại xuất phát từ Thủ tướng Chính phủ, một người đã tự hào là đi theo đảng tận 51 năm nay. Nếu như, những người cộng sản hôm nay còn có niềm tin vào Chủ nghĩa Mác – Lenin, thì những hành động này, là sự phỉ báng công khai cái lý tưởng Cộng sản, cái mà cả đời ông Hồ Chí Minh, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp… đã theo đuổi. Nếu như Các Mác, người đã dành cả đời hoạt động, chiến đấu cho cái “Công”, để rồi khi chết, lại phải chui vào một nghĩa địa “Tư” để nằm, thì những người Cộng sản Việt Nam đã phấn đấu cả đời để chứng minh cho Chủ nghĩa Cộng sản không thần thánh, mà quỷ và linh hồn… đã phải cậy nhờ ma quỷ, thần thánh và linh hồn để tìm lại thân xác mục nát của mình. Và khi sử dụng những biện pháp này, nghĩa là người ta đã phủ nhận công khai những gì họ nói, rằng Chủ nghĩa Mác – Lenin luôn là sợi chỉ đỏ, là nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản. Hoặc nói cách khác, họ ngang nhiên coi đảng cộng sản mà họ là thành viên chẳng có ký lô giá trị nào trong thực tế. Thế nhưng, từ chỗ không tin thần thánh, ma quỷ theo chủ thuyết cộng sản, đến chỗ khủng hoảng và vơ váo bất cứ thần thánh nào, miễn giúp họ thực hiện được giấc mơ thực dụng về vật chất và thăng quan tiến chức bằng mọi giá để thỏa mãn nhu cầu đó, họ đã làm băng hoại các tôn giáo để phục vụ mục đích của họ. Đó là những thể hiện sinh động tình trạng mất phương hướng của người Cộng sản Việt Nam hôm nay. Hà Nội, ngày 31/10/2013 J.B Nguyễn Hữu Vinh Nguồn: Blog Nguyễn Hữu Vinh
......

Định mệnh xoắn lấy hai gia đình Ngô Đình Diệm và Võ Nguyên Giáp

Bố của ông Võ Nguyên Giáp là cụ Võ Nghiễm chịu nhiều ơn của gia đình cụ Ngô Đình Khả, bố của ông Ngô Đình Diệm. Ít ai để ý là cháu ruột của ông Võ Nguyên Giáp (kêu ông Giáp bằng chú) là đương kim giám mục Công giáo ở Nha Trang, là giám mục Giuse Võ Đức Minh. Thân phụ của giám mục Võ Đức Minh là anh ruột của ông Võ Nguyên Giáp, bố mẹ của giám mục Võ Đức Minh đều theo Công giáo và cư ngụ ở miền Nam sau 1954. Không rõ là giám mục Võ Đức Minh có về Hà nội viếng tang chú mình là ông Võ Nguyên Giáp vừa qua hay không? http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GiaoHoiVN/SinhHoat&TinTuc/36GiamMucT... Cô ruột của giám mục Giuse Võ Đức Minh là vợ của trung tướng VNCH là ông Nguyễn Ngọc Lễ. Bà theo Công giáo và sống tại miền Nam trước 1975, qua đời tại Mỹ (bà và chồng rời Việt Nam trong biến cố 30/4/1975). Bà cô ruột này là em gái của ông Giáp lẫn bố của giám mục Giuse Võ Đức Minh. GM Võ Đức Minh Kể ra thì gia đình ông Võ Nguyên Giáp chịu ơn gia đình ông Ngô Đình Diệm nhiều. Bố ông Giáp là cụ Võ Nghiễm khi bị Pháp bắt trong tù thì được ông Ngô Đình Cẩn (em trai út của cụ Diệm) giúp thăm nuôi, khi cụ Võ Nghiễm qua đời thì cũng do ông Ngô Đình Cẩn đứng ra lo việc an táng. Lúc cụ Võ Nghiễm còn sống thì được gia đình cụ Ngô Đình Khả mua ruộng vườn giao cho ông Võ Nghiễm trông coi , canh tác và nộp tô.  Nếu tổng thống Ngô Đình Diệm có cháu ruột (kêu bằng cậu) làm đến chức hồng y bên Công giáo là hồng y Nguyễn Văn Thuận, thì ông Võ Nguyên Giáp cũng có cháu ruột (kêu bằng chú) làm tới chức giám mục bên Công giáo là giám mục Võ Đức Minh (đang ở Nha Trang) đã nói bên trên.- Ông Giáp và ông Diệm đều có tuổi xấp xỉ nhau, đều ở cùng làng cùng huyện tại Quảng Bình. Cả 2 đều nắm chức vụ cao phía Cộng sản và phía Quốc gia Cộng hòa.  Chuyện éo le là giám mục Giuse Võ Đức Minh (cháu ông Giáp) cũng chính là người qua Vatican để làm chứng việc phong thánh cho hồng y Nguyễn Văn Thuận (cháu ông Diệm) ngày 5/7/2013 vừa qua." Nguyệt Đồng Xoài Nguồn: http://www.vietwebradio.net/2013/11/inh-menh-xoan-lay-hai-gia-inh-ngo-in...
......

Sức lay động của "Dậy mà đi!"

Có lẽ những chàng trai cô gái say sưa hát bài "Dậy mà đi" để chào đón Đinh Nhật Uy buộc phải được trả tự do tại Tòa án Long An hôm 29.10.2013 không biết và cũng không cần biết rằng bài đó ra đời từ trong nhà tù thực dân năm 1941, khi đất nước còn nằm trong xiềng xích nô lệ. Bài thơ làm trong nhà tù thuở ấy tự nhắc nhở: "Ai chiến thắng mà không hề chiến bại Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần? Huống đường đi còn lắm bước gian truân Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu"! GS Tương Lai Thế rồi một phần tư thế kỷ sau, lời thơ được biến tấu thành ca từ của một bài hát cùng tên với điệp khúc "Dậy mà đi, dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi" ra đời trong phong trào đấu tranh chống chế độ Sài Gòn của sinh viên và thanh niên Miền Nam những năm 1966- 67. Để rồi hôm nay, lớp trẻ cháy bỏng khát vọng tự do, dân chủ lại đang hát vang khúc ca đòi bẻ gãy những xiềng xích mới.   Lịch sử đang đi những bước oái oăm!   Câu hát năm nao bỗng như một lời tiên tri "Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu". Nếu cứ cho đó là một câu "tiên tri" thì câu "tiên tri" ấy đang biến thành lời giục giã cho cuôc chiến đấu mới "Ai nên khôn không khốn một lần" rồi trào dâng thành một làn sóng dập dồn: "Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào. Hát cho đêm thiên thu... Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên...". Thế rồi, "tiếng hát tung cờ ngày nào" giờ đây vang lên để vạch mặt những kẻ nhân danh lá cờ ấy để tròng một thứ xiềng xích mới lên cuộc sống của đất nước. Xiềng xích ấy đang đè nặng lên tâm tư của cả một dân tộc vốn hiểu rõ chân lý‎ không có gì quý‎ hơn độc lập tự do. Những kẻ nhân danh lá cờ ấy đang đặt những gông cùm mới lên cuộc sống của tuổi trẻ yêu nước không cam chịu cúi đầu trước bọn xâm lược phương Bắc thực thi chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Những kẻ đang cúi đầu trước bọn xâm lược lại đang đang cắm chính lá cờ ấy trên nóc nhà tù, trại giam nhan nhản khắp cả nước để uy hiếp, trấn áp những người yêu nước, bóp chết khát vọng dân chủ, tự do và quyền con người, nhằm củng cố cho một chế độ toàn trị phản dân chủ, phản tiến hóa đang bị lung lay từ chân móng. Lá cờ ấy đang bị hoen ố bởi những hành động đáng xấu hổ mà chế độ toàn trị phản dân chủ này đang gây ra cho cả dân tộc, xúc phạm đến anh linh những thế hệ Việt Nam đã nằm xuống để bảo vệ mảnh đất thiêng của tổ quốc mà vì điều thiêng liêng ấy, cả núi xương, sông máu đã phải đổ ra. Sức lay động của tiếng hát "Dậy mà đi" khởi nguồn từ đó.     Bài hát "Dậy Mà Đi" của các blogger tham gia phiên tòa Đinh Nhật Uy http://www.youtube.com/watch?v=9338gJhe0Qk   Tiếng hát đón chào Đinh Nhật Uy, từ tòa án Long An bước ra là để tuyên bố trước toàn thế giới một chuyện đáng xấu hổ: Việt Nam có lẽ là nước đầu tiên một công dân bị bỏ tù vì đã sử dụng Facebook, một trong những thành tựu văn minh mà loài người có được từ cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin! Đương nhiên Viện Kiểm sát và Tòa án tỉnh Long An gắng gượng viện dẫn bằng được những điều khoản này nọ để ghép “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo khoản 1 Điều 258, BLHS cho Đinh Nhât Uy. Luật sư Hà Huy Sơn đã bác bỏ tất cả những điều đó và đòi "trả tự do ngay tại phiên tòa cho ông Đinh Nhật Uy". Thật ra, với Tòa án của một chế độ toàn trị quen với những bản án "bỏ túi" thì lời lẽ và luận cứ của luật sư chỉ là vật trang sức rẻ tiền, họ bỏ ngoài tai. Họ không thể tuyên Đinh Nhật Uy vô tội và do đó phải được trắng án, phải được bồi thường. Bước đi oái oăm của lịch sử đang dẫm lên vết nhơ này. Chúng ta muốn xây dựng một nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", nhưng chế độ toàn trị phản dân chủ này đang làm ngược lại mong muốn đó. Nó đang phản bội lại lý tưởng cao đẹp của những người từng "dậy mà đi" trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Vì vậy mà hôm nay, tuổi trẻ lại đang phải "hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên...". Bản án dành cho Đinh Nhật Uy rồi cũng sẽ là bản án dành cho những người có lương tri, lương năng đang và sẽ sử dụng những thành tựu của văn minh để làm cho cuộc sống văn minh hơn, đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn. Họ, trước hết và chủ yếu là một thế hệ mới của những người đấu tranh cho dân chủ mà internet là công cụ rất tiện ích và có tiềm năng rất lớn. Họ lại là những người rất trẻ, đủ lòng dũng cảm và trí sáng tạo để thể hiện khát vọng của họ. Họ dùng blog và mạng lưới xã hội để trao đổi thông tin và bày tỏ tình cảm, ý nghĩ của mình, điều mà chế độ toàn trị rất kiêng kỵ! Kiêng kỵ như người ta đã từng kiêng kỵ "xã hội dân sự dân sự”. Một nhà nước pháp quyền đàng hoàng sẽ không thể kết tội Đinh Nhật Uy. Bởi, nếu vậy thì rồi, 32 triệu người sử dung internet [nếu đúng như người ta loan báo để đánh bóng thành tích] đều có nguy cơ bị Điều 258 của Bộ Luật Hình sự cho vào tù bất cứ lúc nào. Nhưng không thể không dằn mặt và răn đe một trào lưu đang như những dòng suối nhỏ đổ ra sông lớn mà sức cuộn chảy của nó không một bờ bao, một con đê nào ngăn chặn nổi. Thêm vào đó, dòng sông đang xuôi về biển cả, sóng đại dương đang tiếp sức cho tốc độ bứt phá của dòng sông cuộc sống. Dư luận quốc tế đang là một sức ép hiện thực mà nhà nước toàn trị này phải tính toán. Đó là sức cộng hưởng của phong trào dân chủ trong nước từ bản Tuyên bố thực thi quyền chính trị và dân sự của giới trí thức nhân sĩ trong và ngoài nước, kết hợp với những sáng kiến của giới trẻ trong đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cùng với những bàn chân nổi giận của người nông dân mất đất rầm rập xuống đường, tạo thành một nội lực to lớn để được tiếp sức của cộng đồng quốc tế, bao gồm chính giới có mối quan hệ nhà nước với nước ta, giới đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền thế giới và mạng lưới truyền thông quốc tế thường xuyên theo sát diễn biến tình hình ở Việt Nam. Bước đi oái oăm của lịch sử cũng đang thể hiện ở thế giằng co chưa ngã ngủ từ đối nội cho đến đối ngoại mà cái sức cộng hưởng nói trên đang in đậm dấu ấn. Dấu ấn ấy hiện rõ trong ứng xử của người cầm quyền trong thế "tiến thoái lưỡng nan", "đi thì cũng dở, ở không xong" trước bao áp lực vì đang "nhả chẳng ra cho, nuốt chẳng vào" những lợi ích phe nhóm khi mà những lợi ích ấy lại được đặt lên trên lợi ích của tổ quốc, lên trước lợi ích và khát vọng của toàn dân. Từ một sự kiện vụ án Đinh Nhật Uy, khởi đầu cho việc xử lý mạng lưới internet đầy bất trắc đối với một chế độ toàn trị trước một xã hội đang tỉnh thức, gây nên sự ngột ngạt trong đời sống của mọi tầng lớp nhân dân đang đối diện với bao khó khăn về kinh tế và an toàn xã hội. Không hiểu điều này có nằm trong cái mà ông Tổng bí thư nọ cảm thấy "ngột ngạt” khi ông nói với cử tri quận Ba Đình ngày 27.9.2013 không, chứ ngay từ đầu thế kỷ XX thì các cụ ta trong phong trào "Duy tân" đã thốt lên rằng: "Văn minh là thế giới nào. Mà ta chìm đắm trong hào dã man"! Xin nhớ cho là tòa án của chế độ thực dân đã tửng xử vụ án "Đồng Nọc Nạn", rồi chính quyền Sài Gòn trước 75 đã không thể không nể trọng các luật sư biện hộ và đấu tranh cho công lý. Và hồi ấy, "ma tà", "lính kín", "sen đầm" chưa phải tổ chức một bộ máy côn đồ du thủ du thực đông đến vậy để huy động vào việc đàn áp dân chúng. Bọn côn đồ này đánh người nhân danh công an, trước mắt công an, được công an khuyến khích, cổ vũ mà chuyện đánh đập dã man gây thương tích công dân Lưu Trọng Kiệt hay chuyện hành hung bloger Lâm Bùi trước cửa Tòa án Long An hôm rồi chỉ là một trong vô vàn những ví dụ! Nhưng bạo lực chỉ có thể là cách giải khát bằng thuốc độc. Bạo lực không khuất phục được tuổi trẻ, ngược lại, đang đổ thêm dầu vào lửa, ngọn lửa của sự phẫn nộ và ý chí đấu tranh. Cũng chính vì vậy, sức lan tỏa của bài hát "Dậy mà đi" các bạn trẻ đang hát kia đang thổi một làn sinh khí vào đời sống ngột ngạt mà xã hội đang phải chịu đựng. Xin được phép trích ra đây những lời gan ruột của bloger Lâm Bùi, người bị hành hung để chứng minh cho điều ấy: "Cái đau này không phải vì là thể xác, mà là ở tâm hồn... đau vì nhà cầm quyền thay vì lắng nghe dân, tôn trọng dân, thì luôn dùng quyền lực, dùng bạo quyền để trấn áp người dân. Coi lợi ích đảng phái phe nhóm lớn hơn Dân Tộc, lớn hơn Tổ Quốc... và coi dân là kẻ thù, là thù địch. Sau phiên tòa, dù rằng Đinh Nhật Uy được hưởng án treo, được phóng thích tại tòa, nhưng đó vẫn là một bản án, một bản án bất công và Uy đã phải bị giam cầm oan uổng hơn 4 tháng trời. Đảng vẫn muốn cai trị bằng quyền lực để phục vụ cho mình, bằng sự dối trá để đầu độc người dân, bằng những điều luật mà mỗi người dân, mỗi người như chúng ta đây, khi muốn thể hiện cái Quyền Con Người chính đáng của mình... thì bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành những Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang, Nhật Uy, Nguyên Kha... và nhiều... tại sao? Hãy lên tiếng, và hãy cứ lên tiếng, vì chúng ta là con người... chúng ta không phải là những con cừu. Chúng ta không kêu gọi lật đổ hay tranh giành, chúng ta chỉ muốn họ thay đổi, hãy xóa bỏ những điều luật không đúng, sai trái, hãy tôn trọng quyền con người của mỗi người công dân... hãy thay đổi cả chúng ta và cả họ... hãy thay đổi... thay đổi vì Việt Nam cho Việt Nam." Đẹp biết bao, cao cả biết bao ý chí của tuổi trẻ, nguồn sinh lực bất tận của dân tộc! Chính họ chứ không phải ai khác đang thúc đẩy lịch sử đi tới, đang góp phần viết nên những trang sử mới của cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do, tiếp tục sứ mệnh của cha anh từng đổ máu cho sự nghiệp giành độc lập của tổ quốc. Vì, họ hiểu rằng, độc lập mà không có dân chủ và tự do, không có nhân quyền thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì cả. T.L Nguồn:Blog Quê Choa
......

Vì Nước bỏ đảng – Vì đảng bỏ Nước!?

Có thể chúng ta sẽ không cùng quan điểm khi nhận xét về nhân cách cá nhân họ. Tuy nhiên không thể nào không công nhận, họ là những người Cộng Sản yêu nước chân chính nhất hiện nay khi họ tự tách ra, vượt lên trên 3 triệu “đồng chí” của họ, gạt bỏ mọi “vinh hoa phú quí” để như vắt máu từ trong trái tim mình nhỏ từng giọt hòa theo dòng lịch sử dân tộc.   Dù đau như đoạn trường bởi nhiều lý do khác nhau nhưng cuối cùng vì văn minh tự do dân chủ, vì lẽ phải công bằng, vì tương lai tiền đồ dân tộc vì vận nước thôi thúc, khẳng khái từ bỏ đảng CS độc tài lạc hậu - Họ là ai?   Nhiều lắm, một thời là tinh hoa của chế độ CSVN như các ông bà: Dương Quỳnh Hoa - Nguyễn Hộ - Trần Xuân Bách - Trần Độ - Hoàng Minh Chính - Vi Đức Hồi - Bùi Tín - Nguyễn Minh Cần - Nguyễn Mạnh Tường - Dương Thu Hương – Lê Hồng Hà - Phạm Đình Trọng - Trần Mạnh Hảo - Huỳnh Nhật Hải - Huỳnh Nhật Tấn. v. v…   Không quá lời khi nói, họ vì đất nước mà dứt khoát từ bỏ “đảng” để: “vắt từ trong trái tim mình, từng giọt máu hòa theo dòng lịch sử dân tộc” Những giọt máu viết thành lời của họ (những người yêu nước ấy) công khai quang minh chính trực để các “đồng chí CS” một thời của họ phải cúi đầu nghiệm suy:   Bác Sĩ Dương Quỳnh Hoa Bác Sĩ Dương Quỳnh Hoa bộ trưởng Y Tế Mặt Trận GPMN, từ bỏ đảng CSVN năm 1979. Bà công khai phát biểu: “Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, đảng đã xem nhân dân như là một kẽ thù tiềm ẩn”. Nhận định về ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, Bà nói: “Đây là ngày tàn của một ảo tưởng vĩ đại”   Ông Nguyễn Hộ Ông Nguyễn Hộ: UV/thường vụ thành ủy TP/Hồ Chí Minh, CT/MT/Tổ Quốc TP/Hồ Chí Minh - UV/TW/MTTQ/Việt Nam, ông từ bỏ Đảng CS năm 1991 sau hơn 53 năm. Ông từng được trao giải thưởng Hellman-Hammett của Tổ chức quốc tế Nhân quyền.   “…Đảng cộng sản Việt Nam phát động chống đa nguyên, đa đảng là chống lại sự nghiệp dân chủ tự do của dân tộc Việt Nam, chống lại văn minh tiến bộ của đất nước, kiềm hãm dân tộc Việt Nam mãi trong mê muội tối tăm, mù quáng. Không phải vì dân tộc, vì đất nước mà chính là vì sợ mất vai trò lãnh đạo và đặc quyền, đặc lợi của cá nhân, một nhóm người lãnh đạo, mà Đảng cộng sản Việt Nam đã chà đạp thô bạo Hiến Pháp của nước CHXHCN Việt nam, biến nó thành một thứ trang trí, không có giá trị thực tiễn trong việc bảo vệ dân chủ tự do và lợi ích của công dân; mặt khác nó che đậy khéo léo bản chất độc tài phản dân chủ của Đảng CSVN... ”[1]   Trung tướng Trần Độ Trung tướng Trần Độ: Phó Chính ủy - Phó Bí thư Quân ủy MTGPMN-Phó CT/QH khóa 7, ủy viên Hội đồng Nhà nước (1989-1992) - Ông chấp nhận khai trừ đảng ngày 4 tháng 1 năm 1999 để được tự do viết theo nhận xét của mình trong “Nhật ký Rồng Rắn”: “…Đảng nói những lời rất hay, làm ra Hiến pháp và luật pháp, nhưng bộ máy của đảng đều làm ngược lại Hiến pháp và luật pháp, bất chấp đạo lý. Đảng tuyên truyền khẩu hiệu “sống theo Pháp luật” thì đảng lại là người sống ngoài vòng pháp luật và sống trên pháp luật trắng trợn nhất. Và đảng cũng chỉ đạo các cơ quan nhà nước làm như vậy. Xã hội ta ở trong tình trạng như vô pháp luật hiện nay, người đầu tiên gây ra tình trạng đó chính là đảng.   Đảng dùng mọi thủ đoạn lừa bịp, dối trá, ngụy biện để nhằm một mục đích duy nhất là duy trì và giữ vững bộ máy cai trị mà họ gọi là “sự lãnh đạo của đảng”. Do đó, trong thực tế bộ máy này là bộ máy phá dân chủ, phản dân chủ một cách trắng trợn, tinh vi và tàn bạo nhất”.   Ông Lê Hồng Hà: Ông Lê Hồng Hà: Cựu đại tá Chánh văn phòng Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, ông đã bị khai trừ khỏi đảng (Vụ án xét lại chống Đảng thập niên 1990). bị kết án, vào tù một thời gian. “…Đảng hiện nay chỉ còn là vai trò kìm hãm xã hội, nhưng ĐCSVN vẫn cố tô vẽ cho thực trạng hiện nay những điều không có thực, vẫn tự khoe khoang, huyênh hoang rằng nhờ mình thì đất nước mới có nhiều điều tiến bộ nhưng thực tế đã cho thấy Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN tụt hậu về nhiều mặt so với các nước trong khu vực. Xây dựng và phát triển đất nước mà lại theo chủ nghĩa Marx-Lenin thì sai hoàn toàn. Chủ nghĩa Marx-Lenin là một học thuyết đấu tranh giai cấp bằng bạo quyền, là một học thuyết “phản” phát triển. Trong tình hình hiện nay của đất nước thì cái Đảng này không thể đổi mới được. Chỉ có dân mới có thể tạo ra đổi mới. Nếu cái Đảng này có làm được cái gì tiến bộ thì cũng phải dựa vào sức ép của dân. Nhân dân sẽ là người bắt Đảng phải thay đổi - Tôi không kêu gọi thủ tiêu “anh” nhưng “anh” muốn tồn tại thì phải thực hiện đa nguyên, đa đảng, dân chủ, để mà tồn tại”. [2]   Ông Vi Đức Hồi:   Ông Vi Đức Hồi: Giám đốc trường Đảng Hữu Lũng, Tỉnh Lạng Sơn, năm 2007 ông bị khai trừ, vì các bài viết phê phán đảng, ông được Human Rights Watch trao giải Hellman/Hammett năm 2009. Ông bị CSVN tuyên án tám năm tù giam vì tội tuyên truyền chống nhà nước. “…Quân đội là của nhân dân, từ nhân dân mà ra, do nhân dân nuôi dưỡng. Ở các nước dân chủ, văn minh, quân đội chỉ làm nhiệm vụ theo quy định của hiến pháp và pháp luật, nhà nước trực tiếp quản lý, điều hành quân đội. Quân đội không thể là công cụ của bất cứ một đảng phái nào, nhiệm vụ thiêng liêng nhất của quân đội là bảo vệ nhân dân, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.   Một lực lượng hùng hậu, được trang bị các phương tiện và vũ khí tối tân, được chăm lo bằng những đồng tiền thuế của nhân dân đóng góp mà nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu lại là để bảo vệ cho sự tồn tại sống còn của một cái “đảng”, thì quả là kỳ lạ…”   Đại tá, nhà văn Phạm Đình Trọng   Đại tá, nhà văn Phạm Đình Trọng: “Tôi là Phạm Đình Trọng, nhà văn, là đảng viên Cộng sản tôi tự thấy đảng Cộng sản không còn phù hợp với lý tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn mà tôi theo đuổi nên tôi tự rút ra khỏi đảng.” [3] “... Cải cách ruộng đất lấy danh nghĩa là đánh đổ tầng lớp bóc lột ở nông thôn nhưng những gì diễn ra đã chứng tỏ rằng đó là cuộc phát động gây hận thù ngay trong lòng dân tộc. Lấy bạo lực chuyên chính vô sản đánh vào giá trị văn hóa, đánh vào đạo lý gia đình, đánh vào văn hóa làng quê, đánh cả vào tín ngưỡng tâm linh, những nền tảng của văn hóa dân tộc. Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã phá sạch cơ sở vật chất của nền sản xuất công nghiệp tư nhân vừa hình thành, biến những người chủ giỏi tính toán làm ăn, biết gây dựng cơ đồ thành trắng tay, thành người làm thuê bằng cơ bắp. Sử dụng cơ bắp XHCN làm thuê làm cho nền kinh tế miền Bắc thụt lùi hàng trăm năm. Tiếp tục cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam đã đưa kinh tế cả nước xuống vực thẳm, đưa dân tộc Việt Nam thông minh, tài giỏi tới nghèo khổ, hèn mọn. Dòng người bỏ nước ra đi kéo dài trong nhiều năm…”   Ông Huỳnh Nhật Hải (trái) và ông Huỳnh Nhật Tấn   Ông Huỳnh Nhật Hải và ông Huỳnh Nhật Tấn: Hai anh em, ông Huỳnh Nhật Hải sinh năm 1943, ông Huỳnh Nhật Tấn sinh năm 1946, là những người, vào cuối năm 1988, đã cùng nhau ly khai, ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời từ bỏ luôn những chức vụ quan trọng đang đảm nhiệm đầy quyền lực, quyền lợi – (ông Huỳnh Nhật Hải là PCT/UBND/TP Đà Lạt kiêm Thành ủy viên và ông Huỳnh Nhật Tấn là Phó Giám đốc Trường Đảng tỉnh Lâm Đồng kiêm Tỉnh ủy viên dự khuyết). Cả hai ông Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn có chung quan niệm để cùng chia sẻ với đồng bào công luận: “Anh em chúng tôi trước khi quyết định từ bỏ đảng đã nói với nhau là: chúng ta đi làm cách mạng không phải để góp phần xây dựng nên một nhà nước chuyên chính độc tài toàn trị như thế này.” [4] Các quyền tự do dân chủ của người dân, càng ngày chúng tôi càng thấy thực tế lại tồi tệ và khó khăn hơn rất nhiều so với thời Việt Nam Cộng Hòa. Ví dụ như khi hoạt động trước 1975, chúng tôi đã từng cho một số viên chức chính quyền miền Nam đọc cả cương lĩnh của Mặt trận GPMN nhưng những người đó không coi chúng tôi là thù địch, họ coi việc khác biệt quan điểm là chuyện hết sức bình thường. Nhưng sau năm 1975 mọi thứ không như thế nữa, tất cả mọi hoạt động, kể cả trong tư tưởng, mà khác với quan điểm của ĐCSVN thì đều không được chấp nhận. Báo chí tư nhân, biểu tình, bãi công, bãi thị đã hoàn toàn bị cấm ngặt mặc dù những bất công, nhu cầu lên tiếng của xã hội hết sức bức bối. Có thể nói điều lớn nhất để chúng tôi nhận thức lại ĐCSVN là sự độc tài toàn trị dựa trên bạo lực và không tôn trọng những quyền căn bản của người dân. Với câu hỏi: Nếu được sống lại thời tuổi trẻ một lần nữa, các ông có tiếp tục ủng hộ và đi theo Việt Minh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam hay ĐCSVN? Ông Huỳnh Nhật Hải: Không, không bao giờ. Đó là một số tiêu biểu những tấm gương người CS “vì nước, bỏ đảng”. Ngược lại, khi mà: “Liên Xô, đế chế hùng mạnh hàng đầu thế giới, lãnh đạo CS quốc tế và toàn khối CS Đông Âu cũng như các quốc gia XHCN vệ tinh, 90% những chế độ một thời theo CS trên toàn thế giới ấy, đã tự nguyện từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, vứt bỏ tư tưởng Mac, đạp đổ tượng đài Lê Nin để đưa quốc gia hội nhập với trào lưu tiến hóa dân chủ hay đa nguyên văn minh của nhân loại, cụ thể như thế giới hiện nay, mà đảng CSVN và nhất là 14 cái “da mặt dày” trong “bộ cai trị”CSVN đã chứng kiến xuyên suốt hơn 20 năm qua…” thì mới đây 23/10/2013…. Tại nghị trường QH - Trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Ông Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”!? (khi thiên hạ đang chôn lấp nó??)   Không biết trong nhóm 14 khuôn mặt “dày da” này có ma nào trả lời được câu hỏi của ngài TBT: "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa. ”!? – Khi quá khứ CSVN đã lấy 4 triệu sinh mạng nhân dân mình làm nhiên liệu đổ vào cỗ máy XHCN chạy suốt 70 năm qua nhưng hiện tại chỉ mới thấy cái nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin đặt lên số phận 500. 000 ngàn thanh niên con em xuất khẩu xin tư bản trước khi “giãy chết” hãy vui lòng bóc lột trả bằng ngoại tệ để CSVN lấy đó định hướng kinh tế thị trường kiểu tư bản mà quá độ lên CNXH!?. Một thứ chủ nghĩa ảo vọng hiện nay như là một món ăn ôi thiu mà thiên hạ đã nôn thốc nôn tháo ra ngoài khi lỡ ăn vào, nhưng CSVN vẫn cứ bịp bợm tri hô là món ngon của đầu bếp Hồ… Chí Minh chế biến bắt cả dân tộc nuốt vào!?. Hơn ai hết 14 khuôn mặt này đều biết tỏng tòng tong CNXH là ảo vọng là không thể có thật trên cõi đời này nhưng vì quyền lợi nhóm màu mỡ vì bã vinh hoa phú quí nên câu kết lừa dân, dối lòng, duy trì độc tài bạo quyền lạc hậu của đảng CS mà bỏ qua vận mệnh của đất nước. Họ, những kẻ hèn mọn “vì đảng, bỏ nước” nhân cách hoàn toàn khác biệt với các đồng chí của họ nói trên “vì nước, bỏ đảng”. Lịch sử vốn dĩ như lăng kính tinh khiết, không có trái tim nên rất lạnh lùng công minh khi phản chiếu phán xét: Ai? Vì Nước bỏ đảng và Ai? Vì đảng bỏ Nước!? Cả dân tộc sẽ vinh danh, nguyền rủa hay trừng phạt, thời điểm ấy không còn xa lắm, khi CS/XHCN như ánh tà dương hiu hắt hấp hối cuối ngày trên toàn thế giới. Hoàng Thanh Trúc Nguồn: danlambaovn.blogspot.com
......

'Cậu Thủy' và 'Cậu Hồ'

Hằng ngày, tôi vẫn vào các tờ báo mạng ở trong nước, từ lề phải đến lề trái, để đọc tin. Có điều, hầu như chưa bao giờ tôi mở các bản tin về những chuyện như “tâm linh” hay “ngoại cảm”. Với tôi, chúng đều thuộc loại nhảm nhí, không đáng mất thì giờ: vô ích, hơn nữa, còn có thể gây cảm giác bức bối khó chịu: vô duyên. Vậy mà, tình cờ, sáng nay, một người bạn lại hỏi tôi về “Cậu Thủy”. Tôi ngơ ngác, không biết gì cả. Anh mới kể vắn tắt về các “thành tích” của “cậu”. Thấy thú vị, về nhà, tôi vào internet để… làm quen với “cậu”.Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã nhờ 'cậu Thủy' tìm kiếm hài cốt và mồ mả của các liệt sĩ. “Cậu” tên thật là Nguyễn Văn Thúy, quê ở thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh, sinh năm 1959, năm nay 54 tuổi. Trước, “cậu” làm công an; sau, không biết vì lý do gì, “cậu” về làm dân. Quen thói cũ, làm dân, “cậu” cũng không chịu sống một cách lương thiện: Cậu tàng trữ vũ khí quân dụng và lừa đảo hết người này đến người khác. “Cậu” và vợ “cậu” bị bắt và ở tù hơn 10 năm. Được thả về, mấy năm sau, “cậu” bỗng nổi tiếng là một nhà ngoại cảm xuất sắc và càng ngày càng giàu. Cái giàu của “cậu” có thể nhìn thấy ngay ở ngôi nhà “cậu” ở: Nhà ba tầng, xây theo kiểu biệt thự, trên nóc có hai con rồng chầu; trước cổng, có hai bức tượng sư tử bằng đá trắng lớn sừng sững rất uy nghi. Trong nhà, nghe nói, các vật dụng đều thuộc loại đắt tiền. Tiền ấy từ đâu ra? Trước hết là từ khách hàng của cậu, những người muốn tìm hài cốt hoặc mồ mả của thân nhân. Suốt mấy chục năm chiến tranh, số người chết mà không tìm thấy xác hoặc xác bị vùi vội vã đâu đó trong rừng hoặc trên đồng hoang khá nhiều. Sau chiến tranh, một số người bị tù hoặc bị cải tạo chết và bị lấp dối giá đâu đó dưới lớp đất nông cũng không ít. Thân nhân những kẻ bất hạnh ấy không ngừng tìm kiếm. Cách tìm kiếm được báo chí trong nước quảng cáo nhiều nhất là nhờ các nhà ngoại cảm, trong đó, có “Cậu Thủy”. Nghe nói khách hàng của “cậu” đông đến độ, lúc nào cũng nườm nượp; nhiều người, muốn gặp cậu, phải ăn chực nằm chờ trước nhà “cậu” cả đến mấy ngày trời. Khi gặp, “cậu” yêu cầu ghi tên người chết muốn tìm để “cậu” gọi âm binh tìm kiếm hoặc nhờ “Mẫu” chỉ giúp.  Sau khi đã được “âm binh” báo cáo, “cậu” cho thuê xe chở gia đình khách hàng đi tìm mộ. Toàn bộ chi phí xe cộ và tài xế cho chuyến đi, khách hàng phải trả, khoảng năm bảy chục triệu. Cuối cùng, sau khi tìm được mộ thân nhân rồi, khách lại phải “hậu tạ” cho “cậu” một số tiền nữa. Nói chung, theo dư luận, muốn đến gặp “cậu”, người ta phải chuẩn bị ít nhất là 150 triệu đồng! Thứ hai, một số cơ quan nhà nước cũng nhờ “cậu”, trong đó, được đề cập đến nhiều nhất là Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cơ quan này đã nhờ “cậu Thủy” tìm kiếm hài cốt và mồ mả của các liệt sĩ. Dĩ nhiên là “cậu” làm được ngay. Tổng cộng, “cậu” tìm được 105 bộ hài cốt; mỗi bộ, được trả 75 triệu đồng; như vậy, “cậu” bỏ túi cả thảy được 7.9 tỉ đồng (khoảng gần 400.000 đô la). Các hài cốt được “cậu” tìm, sau đó, được mang về cải táng trong Nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh một cách long trọng để mọi người thấy rõ là đảng và chính phủ không hề quên ơn những người con đã hy sinh thân mình cho… cách mạng! Nhưng mới đây, một số nhà báo, sau nhiều năm âm thầm điều tra, đã tiết lộ một sự thật khủng khiếp: những cái gọi là hài cốt ấy chỉ là xương heo hay xương bò mà “cậu” Thủy đã thuê người chôn sẵn. Chưa hết. “Cậu” còn khôn ngoan chôn theo một số bình tông (“bidon”, bình đựng nước) có khắc tên nguệch ngoạc cũng như một số đôi dép cao su. Có điều phần lớn các bình tông cũng như dép cao su ấy còn khá mới. Nhưng không sao. Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn nhắm mắt trả tiền cho “cậu”. Miễn là có cái xương nào đó mang về cải táng trong Nghĩa trang liệt sĩ để thân nhân của họ an tâm và đồng bào khắp nơi đến thắp nhang kính vái! Trước những sự thật được vạch trần không thể chối cãi được đó, ngày 28 tháng 10 vừa qua, công an đã đến còng tay “cậu Thủy”. Những ngày sau đó, báo chí khắp nơi nhao nhao chửi bới “cậu” là nhà ngoại cảm dỏm (ý là có những “nhà ngoại cảm” thật?). Riêng tôi, đọc, tôi lại thấy thương “cậu”. Đương nhiên là “cậu” có lỗi, trước hết và chủ yếu là có lỗi với thân nhân những người đã chết. Những người ấy chắc phải thương bố/mẹ/chồng/vợ/con của mình lắm nên trong bao nhiêu năm không ngừng tìm kiếm; đến khi cầm được bộ xương heo/bò ngỡ là hài cốt của người thân, hẳn họ mừng rỡ vô cùng. Đến lúc nhận ra được sự thật, không biết họ sẽ đau đớn đến độ nào? Nhưng dù vậy, tôi vẫn thương “Cậu Thủy” vì, nghĩ cho cùng, tội của “cậu” cũng chả có gì đặc biệt. Ở Việt Nam, trong thế kỷ 20 vừa qua, có một “nhà ngoại cảm” khác lừa dối nhiều người và nhận được nhiều tiền thưởng bất chính hơn “cậu Thủy” nhiều: Đó là “Cậu Hồ”. “Cậu Hồ” cũng có tài sai khiến rất nhiều âm binh. “Cậu” cũng có “Mẫu” chỉ vẽ từng đường đi nước bước. “Cậu” cũng đem nhiều xương heo, xương bò, xương chó… ra lừa dân chúng để mọi người tin đó là thánh tích hay xá lợi của các bậc thần linh rồi sì sụp cúi lạy. “Cậu Thủy” chỉ làm 105 bộ hài cốt liệt sĩ giả; “cậu Hồ” chế tạo không những hài cốt liệt sĩ giả mà cả hài cốt quốc tổ giả và thần thánh giả; không những chỉ quy tập trong các nghĩa trang mà còn dựng sừng sững trong các cung điện, lâu đài, dinh này phủ nọ hết sức lộng lẫy và nguy nga. Nhiều bộ xương đến bây giờ vẫn còn ngọ nguậy và phóng uế tùm lum. “Cậu Thủy” chỉ lừa được một dùm người trong có sáu năm; “Cậu Hồ” thì lừa được cả thiên hạ trong gần một thế kỷ. “Cậu” nào cũng dỏm. Nhưng nghĩ cho cùng, so với “cậu Hồ”, “cậu Thủy” chỉ là một thằng nhóc khôn lỏi. Có gì mà phải làm ầm ĩ chứ? Thôi, tha cho “cậu” ấy đi mấy bạn công an ạ. Đồng môn và đồng chí với nhau cả mà. Nguyễn Hưng Quốc Nguồn:voatiengviet.com
......

Tuyên chiến với dân tộc

Quốc hội Việt Nam đang họp một phiên họp được coi là dài nhất - 33 ngày - và quan trọng bậc nhất, vì sẽ thông qua bản Hiến pháp mới và Luật đất đai (sửa đổi), hàng chục năm mới có một lần.   Xem ra Bộ Chính trị Trung ương đảng CS và Ban Thường vụ Quốc hội quyết tâm thúc ép gần 500 đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao các văn kiện cơ bản trên đây, sau khi Ban Chấp hành Trung ương đảng (Khóa XI) vừa họp lần thứ 8 đã thông qua một cách khá là trôi chảy, dễ dàng. Họ vẫn quen một lỗi nghĩ đơn giản, coi ý đảng là ý trời. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai nói rõ Hiến pháp mới được dự thảo là văn kiện bám chặt theo cương lĩnh của đảng CS đã được Đại hội đảng XI vạch rõ thêm. Có nghĩa là đảng đứng trên nhân dân, quyền lực đất nước này trước hết nằm trong tay đảng CS. Điều đó cũng có nghĩa là Tổng bí thư ra lệnh cho tuyệt đại đa số đảng viên CS trong gần 500 đại biểu Quốc hội - chiếm hơn 90 % đại biểu - phải bỏ phiếu thông qua các văn kiện sẽ được đưa ra, theo đúng kỷ luật của đảng, không được thắc mắc, trì hoãn, đặt lại vấn đề gì nữa hết. Nếp nghĩ của Bộ Chính trị rất dễ hiểu. Vì xưa nay Quốc hội đã có bao giờ dám bác bỏ những văn kiện cơ bản do đảng đưa ra. Cái điều khoản trong Hiến pháp coi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất chỉ là một vòng trang sức hào nhoáng tròng vào cổ các đại biểu. Chuyện Quốc hội từng trì hoãn chủ trương làm xe lửa cao tốc đã được dự định chỉ là một chi tiết nhỏ, một trục trặc tạm thời. Trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương, có ai lo ngại rằng việc thông qua Hiến pháp mới và Luật đất đai (sửa đổi) kỳ này sẽ gặp trở ngại, khó khăn, hay vấp váp không? Không, họ đầy tự tin. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn nói rõ là 2 văn kiện này đã được Ban Thường trực Quốc hội hoàn thiện sau khi đã tiếp nhận hơn 20 triệu ý kiến đóng góp của công dân cả nước, do đó không thể thảo luận kéo dài thêm nữa. Tôi vừa đọc lại toàn «Bản dự thảo Hiến pháp cuối cùng đã được hoàn thiện» được phổ biến trong Quốc hội, tôi không khỏi giật mình, kinh hãi về thái độ tự tin thái quá của Bộ Chính trị, về thái độ khinh thường dân chúng, khinh miệt trí thức của nhóm lãnh đạo cao nhất của đảng CS, về thái độ mù quáng đến liều lĩnh của họ. Tôi băn khoăn tự hỏi, họ mê hay tỉnh? Họ khôn hay dại? Mù quáng, liều lĩnh, Bộ Chính trị và Ban Thường trực Quốc hội vẫn cho ghi nhiều lần «chủ nghĩa Mác – Lênin » vào Hiến pháp mới, vẫn giữ «điều 4» về vai trò lãnh đạo toàn trị của đảng Cộng sản, vẫn «quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội», vẫn «lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo cho nền kinh tế», và vẫn coi «đất đai và mọi tài nguyên là thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý». Đây chính là 5 điều phi lý, mơ hồ, sai lầm tệ hại nhất, rõ ràng nhất, 5 xiềng xích giam hãm xã hội ta trong thân phận nô lệ, 5 cản trở đất nước ta phát triển và hôi nhập với thế giới văn minh. Đó chính là thông điệp cô đọng của 14.785 công dân, đa số là trí thức có trí tuệ và tâm huyết, tinh hoa của dân tộc, công khai, minh bạch bác bỏ cả 5 điều phi lý trên đây với lập luận chặt chẽ, đầy tính thuyết phục, liên quan trực tiếp đến bản dự thảo Hiến pháp mới và Luật đất đai (sửa đổi) trong bản kiến nghị công khai được giao tận tay ban biên tập Dự thảo. Ban Tuyên huấn Trung ương đã huy động hàng mấy chục tuyên truyền viên nói theo công thức giáo điều, nói lấy được, nhưng không có một ai bác bỏ được lập luận của tập thể trí thức trên đây, chỉ phơi bầy sự nghèo nàn về lý lẽ, sự xa rời thực tế và căn bệnh tối tăm về kiến thức khi họ bị lòng tham và quyền lực khống chế. Dứt khoát việc thông qua dự thảo Hiến pháp mới và Luật đất đai (sửa đổi) sẽ không thuận buồm xuôi gió, trái lại nó sẽ vấp phải sự phủ định mạnh mẽ của toàn xã hội do một tập thể trí thức tự tin, gan góc dẫn đầu một cách không thể khoan nhượng nữa. Bởi vì Bộ Chính trị và Ban Thường trực Quốc hội đã hoàn toàn đuối lý về cả 5 vấn đề then chốt trên đây, đã quá chủ quan, tin theo nền nếp cũ, đã dám khiêu khích lương tri dân tộc, dám thách đố sự thật và lẽ phải, dám ngang nhiên nhắm mắt trước yêu cầu cấp bách của toàn dân là phải đổi mới hệ thống chính trị theo hướng từ bỏ độc đoán, chuyên quyền, xây dựng hệ thống dân chủ pháp trị đang thiếu vắng một cách tệ hại và nguy hiểm. Trên thực tế, Bộ Chính trị và Ban Thường trực Quốc hội đã tuyên chiến với cả khối trí thức dân tộc đã thức tỉnh tự lãnh trách nhiệm lịch sử trước toàn dân, thúc đẩy đà chuyển biến đi lên của đất nước, nhằm hòa nhập với thế giới dân chủ văn minh. Điều họ không muốn nhận ra là khối trí thức - dân chủ rất trẻ về tư duy chính trị hiện không còn là đàn cừu để họ chăn dắt, dạy dỗ, dẫn đường nữa. Thế lực này luôn được bổ sung lực lượng trẻ khỏe về kiến thức, dồi dào về sáng kiến, gan góc khi dấn thân, xiết chặt hàng ngũ chiến hữu trong đấu tranh, có một dự án chính trị rất rõ ràng là: giữ trọn vẹn nền độc lập, chống bành trướng, thực hiện đầy đủ các quyền tự do của công dân, xây dựng xã hội dân sự năng động, trên nền tảng pháp luật công minh cho mọi người, từ bỏ dứt khoát, không thương tiếc chủ nghĩa Mác – Lênin cổ lỗ, chế độ CS không tưởn, chủ nghĩa xã hội mờ ảo, việc nuông chiều sở hữu quốc doanh hư hỏng. Sự liên kết, liên minh giữa trí thức với nông dân và quần chúng các tôn giáo luôn đề cao thiện tâm chống cái ác bất kỳ từ đâu, sẽ làm cho cuộc đấu tranh thêm quyết liệt và sâu rộng. Thêm nữa việc các học giả, trí thức, giáo sư, tiến sĩ, sinh viên ưu tú có mặt trong số 14.785 ngôi sao trí tuệ và tâm huyết dân tộc có thừa kiến thức khoa học, lập luận lô-gích biện chứng để đánh đổ và chôn vùi 5 cột trụ lý sự cùn thô vụng của giới cầm quyền hiện tại. Chênh lệch giữa 2 bên khác biệt hẳn nhau như ánh sáng và bóng tối, như ngày và đêm, như khoa học và tà giáo, như sự ngay thật với dối trá, như lòng yêu nước với dã tâm bán nước, như lòng xót xa thương dân với cú đạp giầy vào mặt dân vậy. Nếu tổ chức tranh cãi công khai trước truyền hình trong nước, một em sinh viên trẻ như Huỳnh Thục Vy, Đỗ Thị Minh Hạnh hay Nguyễn Phương Uyên ở phía bên này có thể dễ dàng dồn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và cả Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đinh Thế Huynh ở phía cường quyền vào tình thế ấp úng, lúng túng, ngậm hột thị cho mà xem. Thế lực cai trị đất nước ta đã phơi bày hết dã tâm của họ. Họ đã khinh miệt bác bỏ hết mọi ý kiến tâm huyết đầy trách nhiệm của của nhân dân, coi cả 14.785 công dân yêu nước chỉ bằng con số không, họ vẫn định ép gần trăm triệu dân ta phải nuốt 5 món ăn siu thối chết người đã bị đông đảo loài người loại bỏ dứt khóat. Tuy nhiên, thời kỳ tan rã của phong trào Cộng sản thực tiễn, giai đoạn mạt vận của học thuyết Mác - Lênin từng cổ súy bạo lực, chiến tranh, máu đổ đầu rơi, và tình trạng suy thoái toàn diện của đảng CS Việt Nam không có cách gì cứu vãn nổi. Nguồn: Blog / Bùi Tín / VOA
......

Vụ án Đinh Nhật Uy làm nổi bật thế hệ mới của những nhà tranh đấu ở Việt Nam

HÀ NỘI — Blogger Đinh Nhật Uy đã bị tòa án Việt Nam xét là can tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì đã dùng trang mạng xã hội Facebook để vận động cho việc trả tự do cho em trai là một người chỉ trích chính phủ đang bị bỏ tù. Theo tường thuật của thông tín viên Marianne Brown của đài VOA ở Hà Nội, đây là vụ xử mới nhất liên quan tới một thế hệ mới của những người tranh đấu đặt căn cứ trên internet. Ông Đinh Nhật Uy, 30 tuổi, đã bị đưa ra tòa xét xử hôm thứ ba vì đã đăng tải thông tin trên trang Facebook để ủng hộ người em trai của ông đang thọ án tù 4 năm về tội phát tán truyền đơn chống chính phủ. Ông Hà Huy Sơn, luật sư của ông Uy, nói rằng sau một phiên xử ngắn tòa án đã ra phán quyết cho rằng thân chủ của ông phạm tội dùng trang mạng xã hội này để chỉ trích chính phủ. Ðây là một trong những vụ án đầu tiên ở Việt Nam mà trang Facebook có vị trí trung tâm đối với những gì mà ông ấy (Ðinh Nhật Uy) bị truy tố."   Phil Robertson, Human Rights Watch. "Theo văn bản khởi tố được đăng lại trên trang blog chính trị Dân Luận, những thông tin trên trang Facebook của Đinh Nhật Uy có những nội dung ngụy tạo, vu khống và xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức và công dân." Ông Phil Robertson, phó Giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nói rằng lệnh khởi tố ông Đinh Nhật Uy có tính chất khác thường vì nó đặt trọng tâm vào việc ông sử dụng trang mạng xã hội Face book. "Ngay cả trong trường hợp có những vụ án khác ở Việt Nam dính líu tới những người đã đăng tải thông tin trên Facebook, tôi vẫn cho rằng đây là một trong những vụ án đầu tiên ở Việt Nam mà trang Facebook có vị trí trung tâm đối với những gì mà ông ấy bị truy tố." Vụ án này làm nổi bật một thế hệ mới của những nhà tranh đấu ở Việt Nam, là nước có 32 triệu người sử dụng internet trong khối dân khoảng 90 triệu người.   Hơn 70% công dân mạng ở Việt Nam sử dụng Facebook và mặc dù có đôi lúc bị ngăn chặn bởi một số các công ty cung cấp dịch vụ internet, trang mạng xã hội này đã trở thành một diễn đàn rất sinh động cho những người viết blog chính trị ở Việt Nam. Hiện nay có một thế hệ mới của những nhà hoạt động internet. Họ là những người rất trẻ, rất can đảm. Họ dùng blog và mạng lưới xã hội để trao đổi thông tin và bày tỏ tình cảm, ý nghĩ của mình. Nhà hoạt động Vũ Sỹ Hoàng. Ông Vũ Sỹ Hoàng, một nhà hoạt động ở Sài Gòn, là một trong số hàng ngàn người tham dự lễ thắp nến cầu nguyện tại một nhà thờ ở Sài Gòn hôm chủ nhật để bày tỏ sự ủng hộ đối với Đinh Nhật Uy và gia đình. Ông Hoàng cho biết cảm nghĩ như sau. "Tôi nghĩ rằng hiện nay có một thế hệ mới của những nhà hoạt động, những nhà hoạt động internet. Họ là những người rất trẻ, rất can đảm. Họ dùng blog và mạng lưới xã hội để trao đổi thông tin và bày tỏ tình cảm, ý nghĩ của mình." Tuy hầu hết các nhân vật tranh đấu chính trị sử dụng truyền thông xã hội, các nhà quan sát nói rằng thế hệ trẻ hơn, lớn lên trong một hoàn cảnh kinh tế khá hơn, có cách tiếp cận riêng trong việc thảo luận về đề tài cải cách chính trị. Ở Việt Nam trước đây, thảo luận về cải cách là lãnh vực riêng của các nhà trí thức. Nhưng giờ đây, theo giáo sư Jonathan London của Đại học Thành phố Hồng Kông, internet đang mở rộng cuộc thảo luận tới một khối người đông đảo hơn. "Chúng ta đang thấy sự du nhập hoặc đa dạng hóa của những mô thức bày tỏ quan điểm chính trị. Và dĩ nhiên sức hấp dẫn của truyền thông xã hội ở Việt Nam là nó mang lại cho người dân Việt Nam một điều gì đó rất đặc biệt. Đó là tự do diễn đạt, là ngôn luận chính trị không qua trung gian. Đó là một việc thật sự mới mẻ ở Việt Nam và dĩ nhiên nó làm cho người ta cảm thấy phấn khởi." Điều mà chúng ta đang chứng kiến là cuộc tranh đấu để thấy được những gì làm nên quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam... Jonathan London, Ðại học thành phố Hong Kong. Trong lúc các blogger chính trị tìm cách truyền bá thông tin và gây ảnh hưởng lên hàng triệu người sử dụng internet, chính quyền ở đây đang chật vật để tìm hiểu và quản lý diễn đàn mới của cuộc thảo luận chính trị. Giáo sư London cho rằng vụ xử Đinh Nhật Uy nêu bật mối căng thẳng đó. "Một mặt, những người Việt Nam thuộc mọi thành phần đang đang ứng phó với một cuộc bàn thảo không ngừng thay đổi về xã hội và chính trị. Tôi nghĩ rằng đó là một quá trình mà tự bản thân nó là quá trình rất thú vị và phức tạp. Và mặt khác, đây là một vấn đề chính trị. Điều mà chúng ta đang chứng kiến là cuộc tranh đấu để thấy được những gì làm nên quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam." Ông Phil Robertson của tổ chức Human Rights Watch cho biết ông tin là cáo trạng nhắm vào ông Đinh Nhật Uy có mục đích hăm dọa để những nhân vật tranh đấu và gia đình của họ không đi theo con đường của ông. Nhiều người trong gia đình của các nhân vật bất đồng chính kiến đã sử dụng mạng internet để tranh thủ sự ủng hộ cho cuộc vận động của họ. Chúng tôi làm việc này cho tương lai. Tôi có một đứa con trai và tôi nghĩ về nó rất nhiều. Cho nên tôi nghĩ rằng điều mà tôi đang làm là làm cho nó... Nguyễn Trí Dũng, con trai blogger Ðiếu Cày. Ông Nguyễn Trí Dũng, con trai của blogger Điếu Cày đang bị bỏ tù, cũng dùng trang Facebook của mình để vận động cho cha ông được thả. Ông nói rằng ông có thể bị bắt vì Điều 258 nhưng ông sẵn sàng chấp nhận hậu quả. "Tôi không biết Kha và Uy nghĩ gì, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi làm việc này cho tương lai. Tôi có một đứa con trai và tôi nghĩ về nó rất nhiều. Cho nên tôi nghĩ rằng điều mà tôi đang làm là làm cho nó và mẹ tôi hiểu được điều đó." Theo Human Rights Watch, 61 nhà hoạt động và bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã bị tòa án Việt Nam kết tội trong năm nay, tăng đáng kể so với con số khoảng 40 người của cả năm 2012. Ông Robertson cho biết ông lo ngại là vụ xử Đinh Nhật Uy chứng tỏ xu hướng này sẽ tiếp tục. Nguồn: voatiengviet.com  
......

Lạm dụng luật pháp

Vào khoảng 20h ngày thứ năm, 18/7/2013, 69 blogger và facebooker (gọi chung là blogger) Việt Nam đã đồng loạt công bố trên mạng bản Tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam. Tựa đề và nội dung chính của Tuyên bố này là yêu cầu “Việt Nam phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc”.   Đây là lần đầu tiên giới blogger chính trị ở Việt Nam có một hành động tập thể nhằm nói lên quan điểm chung của họ về việc Chính phủ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (và nghiễm nhiên gạt người dân ra ngoài trong quá trình thể hiện thành tích và chạy đua vào chiếc ghế đó). Nhà nước với “bề dày” lạm dụng luật Thực ra, nếu có thể được bày tỏ ý kiến một cách công khai, có tổ chức và thẳng thắn hơn, các blogger có quyền nói rằng: Nhà nước Việt Nam phải chấm dứt việc lạm dụng luật pháp cho mục đích “quản lý” mà thực chất là để có lợi cho mình và gây thiệt hại cho người dân, cho xã hội. “Để thuận tiện cho hoạt động quản lý” là cái tư duy ăn sâu bám rễ đằng sau việc Nhà nước Việt Nam sử dụng hệ thống luật pháp và các văn bản dưới luật một cách tùy tiện, thỏa thích trong hàng chục năm qua, kể từ ngày thành lập chính quyền (năm 1945). Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn trong hai năm 2012 và 2013 thôi thì chúng ta cũng đã chứng kiến thứ công cụ luật pháp ấy thể hiện sức mạnh của nó trong hàng loạt chính sách ích kỷ và vô tâm của chính quyền: Nghị định quản lý Internet cấm việc công dân phát biểu “vi phạm thuần phong mỹ tục” trên mạng; Thông tư về áp dụng mẫu chứng minh thư nhân dân mới có cả tên cha mẹ; Nghị định về xử phạt xe không chính chủ; cùng hàng chục quyết định tăng giá xăng dầu rất thoải mái của Bộ Tài chính. Một bộ luật tối quan trọng của bất cứ nền luật pháp nào là Bộ luật Hình sự cũng bao gồm rất nhiều điều khoản chứng tỏ sự lạm quyền, hà khắc tới mức vô lý của Nhà nước. Điều 79, “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, không gì khác là sự đàn áp quyền lập hội và hoạt động đảng phái, tham gia chính trị. Điều 88, “Tội tuyên truyền chống Nhà nước”, và Điều 258, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, tiêu diệt tự do ngôn luận, cấm công dân được “nói xấu” nhà nước hay là nói những điều Nhà nước không thích nghe. Lạm dụng luật pháp – điểm chung của các chế độ độc tài Cần nói thêm rằng không phải chỉ chính quyền Việt Nam mới nghĩ ra việc lạm dụng luật pháp để có thể trục lợi, hoặc dành phần lợi cho mình (gọi là “tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành”) và đẩy khó khăn, thiệt thòi về phía người dân. Sử dụng luật pháp làm công cụ trấn áp, vẽ ra luật để xiết dân, là đặc điểm chung của mọi chế độ độc tài, toàn trị. Liên Xô từng luật hóa việc đàn áp đối lập chính trị bằng Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 1927, theo đó, chính quyền có thể bắt giữ tất cả những công dân bị tình nghi là “có hoạt động phản cách mạng”, “kẻ thù của giai cấp công nhân”. Cũng nước Nga, năm 2012, chính quyền đã đưa ra một đạo luật tai tiếng nhằm vào các tổ chức phi chính phủ, kể cả tổ chức quốc tế như Ân xá Quốc tế, Giám sát Nhân quyền, và Minh bạch Quốc tế. Hàng trăm tổ chức ở Nga bị thanh tra, lục soát, thu giữ tài liệu. Luật “nhân viên nước ngoài” này của Nga bị coi như một đạo luật vi phạm nhân quyền và phá hoại xã hội dân sự. Quyền lực nào cũng tha hóa nếu không bị kiểm soát. Nhà nước nào cũng lạm dụng luật pháp, nhưng chế độ càng độc tài thì càng lạm dụng luật pháp nhiều hơn. Ở Việt Nam, cho đến nay, rất nhiều người, trong đó có những người ủng hộ dân chủ-tự do-nhân quyền, vẫn quan niệm rằng “gì thì gì, phải sống và làm việc theo đúng hiến pháp và pháp luật đã”, “chấp hành trước, đấu tranh thay đổi sau”. Quan điểm đó nghe có vẻ rất hợp lý, chỉ có điều người ta chưa trả lời được câu hỏi: Vậy nếu nhà nước cố ý tận dụng luật pháp làm công cụ để xâm phạm tự do của công dân, vi phạm nhân quyền, thì sao? Vẫn cứ phải chấp hành (không biết đến bao giờ)? Không có cơ chế bảo hiến, không có tòa án độc lập, không có quốc hội đại diện thực sự, người dân Việt Nam còn biết làm gì để bảo vệ tự do của họ trước Nhà nước? Đây là lý do đưa đến câu cửa miệng của nhiều người: “Thì làm thế nào được, luật pháp trong tay chúng nó, luật là của chúng nó mà”. Trong lúc chưa thể có một sức ép nào đó buộc chính quyền phải xem xét lại hệ thống luật pháp, đặc biệt là những đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, thì việc vận động để xóa bỏ những điều khoản vi hiến như Điều 258 có thể được xem như một bước khởi đầu. Luật pháp, theo đúng nghĩa, là để bảo vệ tự do của người dân chứ không phải để bảo vệ quyền lợi của chính quyền. Nguồn: phamdoantrang.com Abusing Laws At 8 p.m. Thursday, July 18, 2013, 69 Vietnamese bloggers and facebookers (referred to as “bloggers”) released a statement, calling the government to “amend law todemonstrate Human Rights Council candidacy commitment.” This is the first collective action by political bloggers in Vietnam who voice their opinions about Vietnam’s running for its membership in the United Nations Human Rights Council for the 2014-2016 tenure and, during the process, ignoring the role of its people. Much experience in abusing laws If they were able to openly express their opinions in an organized and straightforward way, the signers must have said that the Vietnamese State must stop abusing laws for the sake of “management”, which actually aims to benefit the State at the expense of the people. “To facilitate public management” is a deep-rooted mindset accounting for the fact that Vietnamese Government has used its system of laws, regulations and fiats at its discretion and out of its interest for dozens of years since the making of the nation in 1945. In the two recent years alone, Vietnam has seen many repressive laws manifested in a series of irrelevant, government-oriented policies: an Internet-controlling decree preventing Internet users from “violating fine customs and traditions” (but what is a fine custom and/or tradition?); a circular on the application of a new ID card form requiring the bearer to submit their parents’ names (what if I were an illegitimate child wanting to protect his privacy?); a decree on fining any citizen who fails to prove the ownership of their vehicle (does it mean I shall have to bring loads of documents with me whenever I go out?); and dozens of discretionary decisions by the Ministry of Finance to increase fuel prices despite skyrocketing inflation. A crucial code of any legal system, the Penal Code, includes a range of repressive provisions. Article 79, “Carrying out activities aimed at overthrowing the people’s administration”, is nothing more than the suppression of the right to association and political participation. Article 88, “Conducting propaganda against the State”, and Article 258, “Abusing democratic freedoms to infringe upon the interests of the State”, inhibit freedom of speech in banning people to express any idea against the government or anything the government dislikes. A common feature of dictatorships It must be said that the Vietnamese Government is not alone in using laws for its benefits, even to seek rents literally (or “to create favorable conditions for management activities” in its euphemistic words) although that may mean “to put people at a disadvantage.” Using legislations as a tool of repression is likely a common feature of all dictatorships and totalitarian regimes. The Soviet Union, for example, legalized repression of political opposition with Article 58 of the 1927 Russian SFSR Penal Code, according to which any suspect of counter revolutionary activities and enemy of workers is subject to detention. 85 years later, the Russian authorities issued a notorious legal policy targeting non-government organizations, including international ones such as Amnesty International, Human Right Watch, and Transparency International. Hundreds of NGOs were audited and raided, their documents confiscated. Russian “foreign agent” law is criticized for violating human rights and undermining civil society organizations. Power always becomes corrupt if it goes without a check-and-balance system. Every state tends to abuse laws; the more dictatorial it is, the more abusive of laws it becomes. In Vietnam, until recently, many people, including those favor liberal democracy, keep opining that “no matter what you do, you must first and foremost obey the law.” Although their opinions seem right, those people fail to answer one question, “So what if the state deliberately uses law as a tool to violate citizens’ rights? Would we obey those laws still?” Without judicial review, an independent judiciary system or a truly representative legislature, what can the Vietnamese do to protect their freedom rights against their repressive state? This leads to a popular slip, “Then what can we do? Law is in their hands; law is theirs.” While the Vietnamese government is still free from any pressure to conduct judicial review, especially to revise such important law as the Penal Code, an effort to urge it to abrogate unconstitutional provisions, including Article 258, can be deemed as one of the first steps. Law, in its true sense, is created to protect the people’s liberty, not to protect the State’s interest.
......

5 NĂM TỚI MIẾN ĐIỆN SẼ Ở ĐÂU?

Theo thông tin Reuter công bố hôm qua, dẫn lời của chủ tịch quốc hội Miến Điện - Shwe Mann - rằng, tổng thống Thein Sein quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ tới vào 2015. Đồng thời ông Shwe Mann cũng cho biết quốc hội quyết định sửa đổi hiến pháp, để mở đường cho bà Aung Kyi ra tranh cử tổng thống. Trong một bài viết cách đây 18 tháng của tôi - Chuyện Đông, chuyện Tây và chuyện nước Việt, tôi có viết, cùng năm 1990 ở Việt Nam và Miến Điện có hai sự cỡi trói lớn. Miến Điện cỡi trói về chính trị để làm nền tảng cho kinh tế bắt đầu mở cửa 2 năm qua. Họ giữ được văn hóa, tài nguyên còn nguyên vẹn. Trong khi đó, Việt Nam cỡi trói kinh tế, mà không thay đổi thể chế chính trị đơn nguyên tập quyền. Và Việt Nam đã có những phát triển rõ nét, nhưng phải trả giá bằng cách đổi tài nguyên, môi trường, văn hóa để có kinh tế tư bản hoang dã hôm nay. Trong khi Miến Điện từng bước thoát Trung Hoa, thì Việt Nam ngược lại trói mình vào Trung Hoa đúng cái mốc 100 tuổi của cụ Hồ. Trước khi rút lui khỏi chính trường ông tổng thống Thein Sein ở Miến Điện làm 3 việc lớn: dời đô từ Rangoon sang Naypyidaw; Cỡi bỏ mọi đàn áp phe đối lập, thả tù nhân chính trị và đưa xã hội Miến Điện trở thành một xã hội dân chủ thực sự bằng hành động cho hoạt động tự do báo chí tư nhân, cũng như sửa đổi hiến pháp theo tinh thần đa nguyên tản quyền. Cũng thì rút khỏi chính trường, nhưng ông cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ở Việt Nam đã kịp thời mang bầu đoàn thê tử sang Trung Hoa ký kết ràng buộc Hội nghị Thành Đô 1990. Hiến pháp nước Việt đưa thêm điều 4 độc tôn cai trị cho đảng cộng sản ở Việt Nam. Tước hết mọi quyền tự do dân chủ ở Việt Nam bằng nghị định và nghị quyết của đảng cầm quyền. Cho nên hôm nay con chiên của đảng cầm quyền trở thành mọt nước sâu dân, văn hóa suy đồi, kinh tế sụp đổ, chính trị hỗn man, và đang chờ ngày diệt vong. Cho tới nay, thế giới kinh ngạc về sự chuyển đổi của Miến Điện. Cuộc chuyển đổi này được ví còn hơn cả những cuộc cách mạng nhung diễn ra ở Đông Âu. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều tập trung nghiên cứu vấn đề của Miến Điện, để làm ra một mô hình cho các quốc gia đơn nguyên, tập quyền và chậm phát triển. Hàng loạt Workshop ở Liên Hiệp Quốc dành cho những sinh viên ưu tú toàn cầu hằng năm đưa Miến Điện ra để cho nghị trình Model United Nations cho các lãnh đạo tương lai. Một câu hỏi đặt ra là, với một nền văn hóa phương Đông, thì cái gì làm nên một Miến Điện có được cuộc cách mạng xã hội êm thắm để thoát ra khỏi chế độ quân quản tập quyền, và thoát được Trung Hoa? Có những kết luận rút ra rất xác đáng làm tất cả mọi người có lương tri phải suy nghĩ, rằng để có một Miến Điện chuyển đổi tốt đẹp như hôm nay cần có những điều kiện tiên quyết sau: Thứ nhất là về kinh tế Miến Điện phải đi đến cùng cực như những năm cuối thập niên 2000s. Chính nó là động lực bắt buộc lãnh đạo độc tài quân phiệt của Miến Điện buộc lòng phải chuyển đổi. Thứ hai là về chính trị, trên nền tảng một chế độ chính trị tập quyền quân quản, nhưng Miến Điện vẫn giữ hình thái đa nguyên chính trị trong suốt từ sau 1975 đến nay. Nó giúp cho các đảng phái chính trị vẫn tồn tại, dù bị đàn áp, nhưng càng đàn áp càng tạo uy tín cho họ. Thứ ba là, vấn đề con người then chốt. Nếu bên đảng phái đối lập có một quý bà thép đầy trí tuệ và hàn lâm Aung Kyi được sự trợ giúp hết mực của chồng, đã can đảm đứng ra trước lằn tên mũi đạn để tạo nên một đối trọng, thì bên nhóm tập đoàn độc tài quân phiệt cũng có một Than Shwe quyết định dời đô và cho phép đa nguyên chính trị, sau đó một Thein Sein tiếp bước, để chuyển xã hội Miến Điện đi từ tập quyền quân phiệt sang một xã hội dân sự văn minh dân chủ. Cuối cùng là, vấn đề góp sức từ bên ngoài. Hành động cấm vận của Hoa Kỳ và phương Tây, rồi sau đó xóa cấm vận nhanh chóng đã giúp góp phần rất lớn để có một thay đổi tư duy của tầng lớp lãnh đạo tập quyền quân phiệt ở Miến Điện. Sự chuyển đổi của Miến Điện buộc lòng các lãnh đạo lớn thế giới phải thân chinh đến thăm để nắm bắt thời cơ làm ăn, quan hệ, trong đó có tổng thống Hoa Kỳ, thủ tướng Anh, chủ tịch Liên minh Châu Âu, và kể cả chủ tịch Trung Hoa, mặc dù, Miến Điện đã thoát ra khỏi Trung Hoa bằng hành động từ chối dự án 2,5 tỷ đô la cho hệ thống dẫn dầu xuyên vịnh Bengan qua Miến Điện về Vân Nam. Nhìn lại Miến Điện ta thấy, vấn đề cốt lõi cho chuyển đổi của đất nước này là vấn đề bên trong nội tại đất nước là chính yếu. Sự góp sức của bên ngoài chỉ là chất xúc tác cho một dây chuyền phản ứng đang diễn ra. Và yếu tố con người đủ khả năng độc thâu tóm quyền hành chịu chuyển đổi tư duy. Dĩ nhiên Phật giáo là quốc giáo cũng đóng vai trò không nhỏ cho hành động vị tha, gác bỏ quá khứ nhìn về tương lai của các phe đảng chính trị cũng góp phần quan trọng cho chuyển đổi, khi bà Aung Kyi tuyên bố, miễn truy cứu tội lỗi của chính quyền Than Shwe. Với một nền chính trị đi đúng quy luật khoa học xã hội về mặt triết học, các quy luật mâu thuẫn, đối lập và phát triển đang giúp đất nước Miến Điện nở hoa từng ngày. Một nền chính trị động và bền vững, nhân bản hiện nay của Miến Điện sẽ là nền tảng tốt cho kinh tế Miến Điện không bao lâu nữa sẽ vượt ra khỏi đói nghèo, và thịnh vượng, ở một quốc gia mà nó đã từng là số 1 khu vực Đông Nam châu Á chỉ sau Nhật Bản ở Châu Á vào 2 thập niên 1960 và 1970s. Có người cho rằng phải 10 năm nữa Miến Điện sẽ bắt kịp kinh tế Việt Nam, nhưng qua theo dõi, tôi cho rằng, chỉ 5 năm tới thôi Miến Điện có thể đứng vào hàng ngũ phía trên của 11 quốc gia Asean. BS Hồ Hải  26/10/2013 bshohai.blogspot.de
......

Nơi diễn tập của dân chủ

Để đàn áp những người tranh đấu cho dân chủ và chủ quyền quốc gia hiện nay, nhà cầm quyền Việt Nam phải đối diện với rất nhiều nghịch lý.   Trước, cách đây mấy chục năm, biện pháp trấn áp những người phản kháng, nhất là dưới hình thức biểu tình, có lẽ rất dễ dàng: Một, công an cứ nhào đến lấy dùi cui nện vào đầu, vào vai, vào ngực, vào bất cứ chỗ nào trên thân thể những kẻ cứng đầu hay những “tên phản động”. Không có ai trong số những người yêu nước hay bất đồng chính kiến có thể khỏe hơn công an và có khả năng chịu đòn lâu dài nên việc giải tán các đám biểu tình thường rất nhanh chóng. Hai, kín đáo hơn, cứ đến thẳng nhà từng người, còng tay và đẩy thẳng vào nhà tù, cho nhịn đói dài dài là bao nhiêu nhiệt huyết sẽ nguội tắt hết ngay. Có điều, cả hai biện pháp trên đều khó áp dụng được trong hoàn cảnh hiện nay. Thứ nhất, với phương tiện truyền thông đại chúng bây giờ, tất cả các biện pháp trấn áp thô bạo ấy đều rất dễ dàng được ghi lại và phát tán khắp nơi trong một thời gian rất ngắn. Thứ hai, sau khi nhiều hiệp ước quốc tế đã được ký kết, Việt Nam chịu khá nhiều áp lực từ bên ngoài, một trong những áp lực ấy là phải tôn trọng nhân quyền. Thứ ba, một phần liên quan đến lý do thứ hai vừa kể, một phần như là hệ quả của xu hướng toàn cầu hóa, Việt Nam dù muốn hay không cũng buộc phải tỏ vẻ “văn minh” để bảo vệ các quyền lợi kinh tế và chính trị của mình. Họ không thể bất chấp dư luận bên ngoài được. Cuối cùng, chính quyền chỉ còn hai biện pháp chính: Thứ nhất, tạo áp lực lên từng cá nhân bất đồng chính kiến. Phổ biến nhất là áp lực tình cảm. Công an, cán bộ địa phương đến rỉ tai thuyết phục hoặc đe dọa ông bà, bố mẹ, vợ hoặc chồng, con cái, hoặc bà con để mọi người dùng tình cảm khuyên can những người bất đồng chính kiến, vì gia đình, từ bỏ con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ và chủ quyền quốc gia. Với một số người, cách này khá hữu hiệu: Người ta có thể cứng cáp trước bạo lực nhưng lại dễ mềm lòng trước nước mắt của bà, của mẹ, của vợ hay của con cái. Cuối cùng, không ít người đành bỏ cuộc. Không làm áp lực trên tình cảm được thì người ta tạo áp lực về kinh tế bằng cách xúi (hoặc ra lệnh) chủ đuổi việc. Nghe kể, một số luật sư can đảm lên tiếng phản đối chính quyền hoặc đứng ra biện hộ cho những người tranh đấu cho dân chủ thì bị công an thay phiên nhau đứng trước cửa khuyên can khách hàng đừng vào văn phòng luật của họ với lời dọa dẫm: “Luật sư ấy phản động, nhờ ông/bà ấy cãi thì tội và hình phạt sẽ nặng thêm, nguy hiểm lắm!” Thế là bao nhiêu thân chủ đều giạt ra hết. Văn phòng luật sư vắng hoe. Càng ngày càng vắng hoe. Thứ hai, nếu những biện pháp tạo áp lực về tình cảm cũng như về kinh tế ở trên không thành công, người ta dùng biện pháp khác: lôi ra tòa để xử. Mục tiêu của các phiên tòa ấy nhằm: một, trừng phạt những người dám chống đối lại chính quyền; hai, đe dọa những người còn lại; và ba, chứng tỏ với thế giới là Việt Nam là một nhà nước pháp quyền, nghĩa là, dân chủ. Thế nhưng biện pháp trấn áp qua hình thức xét xử công khai như vậy gần đây rõ ràng là thất bại thảm hại. Thất bại rõ nhất là nó biến chính quyền Việt Nam thành lố bịch. Không thể tìm ra lý do chính đáng để kết tội những người yêu nước và yêu dân chủ, chỉ muốn thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, chính quyền đành phải sử dụng những cáo buộc hết sức nhảm nhí như trốn thuế hay hủ hóa. Trong một đất nước cứ ra ngõ là gặp đĩ vậy mà công an lại xúm vào làm lớn chuyện về hai cái “bao cao su đã qua sử dụng” của Cù Huy Hà Vũ, nghe, ai cũng thấy buồn cười. Cũng trong một đất nước hầu như mọi người ít nhiều đều trốn thuế, cán bộ càng làm lớn và càng giàu càng trốn thuế nhiều, việc mấy người làm ăn cò con như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và luật sư Lê Quốc Quân bị bắt và phải ra toà về tội trốn thuế, nghe, ai cũng thấy lố bịch. Thất bại trầm trọng hơn là ở điểm khác: Một mặt, nhà cầm quyền muốn dùng tòa án để chứng minh nền pháp quyền của mình trước thế giới, mặt khác, trong việc tiến hành các phiên xử, người ta lại không thể giấu giếm được bàn tay lông lá của những kẻ cầm quyền, cuối cùng, các quan tòa biến thành những con rối, chỉ đọc những bản án đã được ai đó viết sẵn từ trên đưa xuống. Mà việc viết các bản án ấy lại thay đổi tùy theo các cuộc trao đổi chính trị với các cường quốc. Cùng một tội trạng giống nhau, khi cần làm cao, người ta tuyên án thật nặng, khi phải nhún nhường, người ta tha bổng hoặc cho án treo. Những điều ấy làm cho mọi người trên thế giới thấy rõ: chính quyền lấy mạng sống của dân chúng nước mình ra ngã giá với ngoại quốc. Một cách cò kè hết sức dã man. Nhưng thất bại nhất là ở điểm này: Xét xử là để răn đe, nhưng dường như chả có ai sợ cả. Người bị kết tội, ngay cả một thiếu nữ trẻ măng như Nguyễn Phương Uyên, cũng không sợ.  Những người chung quanh cũng không sợ. Theo dõi các phiên toà mấy năm qua, tôi thấy có một hiện tượng đáng chú ý: bất chấp những sự cấm cản của chính quyền, số người đến tham dự trước các tòa án càng lúc càng đông. Công an đánh dẹp lần này, lần sau họ lại tụ tập. Phiên tòa xét xử Nguyễn Phương Uyên ở tận Long An, nhiều người từ Hà Nội, Sài Gòn cũng như từ nhiều địa phương khác, cũng lặn lội đến nơi để bày tỏ sự ủng hộ đối với em. Phiên tòa xét xử Lê Quốc Quân cũng vậy. Nhiều người tận miền Trung hoặc miền Nam cũng có mặt. Cuối cùng, mỗi phiên tòa lại trở thành một cơ hội để dân chúng nhìn thấy rõ hơn bản chất độc tài của chế độ. Là một cuộc tập hợp của lực lượng dân chủ. Là một diễn tập của dân chủ. Nguồn: Blog / Nguyễn Hưng Quốc
......

Kẻ nhốt người hóa ra cũng bị nhốt

Nhà chính trị lão thành Lý Quang Diệu, được coi là cha đẻ của nước Singapore hiện đại, một thời được mời làm cố vấn cho các nhà lãnh đạo Việt Nam khi bắt đầu đổi mới và hội nhập vào cuối thế kỷ trước. Ông vừa ra mắt cuốn sách One man’s view of the world (Nhìn thế giới của một con người). Ông Lý Quang Diệu nhận định rằng 'lãnh đạo Việt Nam bị ý thức hệ cầm tù' Cuốn sách có một đoạn ngắn nói đến Việt Nam. Ngắn nhưng rất bổ ích, rất đáng để những người lãnh đạo của Việt Nam tham khảo, cũng như rất đáng để mỗi ủy viên Trung ương đảng CS, mỗi đại biểu Quốc hội cùng mọi người Việt Nam suy ngẫm. Chúng ta còn nhớ từ đầu năm 2011, nhân đại hội đảng CS VN lần thứ XI, «Ông già Lý» – như dân Singapore thường ông Lý Quang Diệu một các thân mật – đã trả lời phỏng vấn trên báo Straits Times tỏ ý nản lòng, thất vọng về Việt Nam, khi ông cho rằng những góp ý của ông ở Hà Nội những năm xưa đã không được lắng nghe và thực hiện. Hồi đó ông giới thiệu cho ông Võ Văn Kiệt và các đồng sự rằng muốn chống tham nhũng có hiệu quả, phải có 3 điều: pháp luật rất nghiêm (để không ai dám tham nhũng), tiền lương viên chức tạm đủ cho họ và gia đình (để không ai cần tham nhũng để sống) và dư luận xã hội trong sáng lên án mạnh tệ tham nhũng (để không ai nỡ tham nhũng do tự trọng). Nhưng VN đã không làm được cả 3 điều ấy, để cho quốc nạn nội xâm ấy trở thành một căn bệnh trầm kha đe dọa sự tồn vong của chế độ độc đảng, làm nhân dân căm giận, vì bất công xã hội là một điều rất đáng sợ, một nhân tố nguy hiểm cho mọi chế độ. Qua quyển sách mới này, Ông Già Lý nói rõ thêm quan điểm của ông về Việt Nam. Ông nản chí, ông không góp ý kiến xây dựng gì nữa. Ông mất tin tưởng vào những người lãnh đạo hiện nay. Ông nói thẳng ra rằng họ đã không còn có khả năng đổi mới bản thân, đổi mới tư duy chính trị cho kịp thời đại. Ông có nhận xét thâm thúy «Họ là những kẻ bị cầm tù trong một ý thức hệ cũ» (imprisoned in an old ideology). Ông Lý thú nhận:«Tôi không còn lạc quan như những lần đầu thăm nước này trong những năm 90. Giờ đây tôi tin rằng những người lãnh đạo VN kỳ cựu không thể khai phá với cái tư duy xã hội chủ nghĩa cố hữu». Ông khẳng định: « Những vị lãnh đạo lão thành cách mạng này làm cho Việt Nam trì trệ». Ông nhấn thêm rằng «chỉ khi nào các vị này không còn thì Việt Nam mới có thể đột phá theo hướng hiện đại hóa». Đọc đến đây tôi bỗng như nghe thấy tiếng kêu của em Nguyễn Phương Uyên :«Đảng Cộng sản, đi chết đi». Tự đáy lòng em, đây không phải lời chửi rủa, mà là lời cầu mong, vì đảng không còn gì là động lực, đã hiển nhiên biến thành một chướng ngại ngăn chặn còn đường xây dựng một nước VN dân chủ hiện đại, phát triển, hội nhập, với thành quả được chia chung cho toàn dân thụ hưởng. Ông Lý nhận định: «Ở VN, các nguyên lão thăng tiến trong hệ thống đảng nhờ chiến tranh hiện giữ các vị trí trong chính quyền, thăng quan không phải giỏi giang trong quản lý kinh tế hay trong quản trị kinh doanh. Họ thăng tiến vì đã đào hầm, từ ngoài Bắc và trong Nam trong 30 năm dài, họ có ý chí nhưng thiếu tiềm năng ». Và ông chỉ ra nguyên nhân cốt lõi của tình trạng này: «Vì họ bị ý thức hệ cũ cầm tù ». Quả thật, họ bị cầm tù, và họ đã nhốt theo cả dân tộc. Tôi muốn góp thêm một ý: Họ tự nhốt mình vào nhà tù ý thức hệ Mác xít - Lê nin nít, Cộng sản, Xã hội chủ nghĩa của họ. Có ai bắt họ đưa vào nhà tù như họ đang làm với những chiến sỹ dũng cảm đòi tự do cho nhân dân đâu, như họ đã bỏ tù Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, Lê Quốc Quân… Đã có bao nhiêu người CS trót lầm lỡ chọn sai ý thức hệ Mác xít – Lê nin nít đã nhận ra sai lầm để đoạn tuyệt với nó. Đó là Gorbachev, là Havel, là Trần Độ, là hàng chục triệu đảng viên CS khắp các lục địa nhận ra sai lầm, đưa hàng trăm đảng CS của mình vào các nghĩa địa chính trị chỉ trong hơn 20 năm nay. Gần đây là Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Phạm Đình Trọng, là Lê Hiếu Đằng… và hàng ngàn, hàng vạn đảng viên CS nhạt đảng, chán đảng, bỏ sinh hoạt, bỏ đảng, nghĩ đến thành lập đảng khác có bản chất dân tộc, có gốc gác từ nhân dân, lương thiện, trong sạch, tự mình giải phóng khỏi nhà tù ý thức hệ. Mong rằng Bộ Chính trị và Trung ương đảng CS, các đại biểu Quốc hội trong đó 90 % là đảng viên Cộng sản, sớm nhận ra thân phận tự nhốt mình trong nhà tù ý thức hệ cổ hủ trong hơn 80 năm qua để tự giải thoát, từ đó giải thoát cả dân tộc khỏi thân phận tôi đòi, nô lệ cho một học thuyết đã phá sản triệt để, đã bị coi là sai lầm lịch sử lớn nhất, là tội ác đẫm máu nhất của Thế kỷ XX. Bùi Tín
......

Thăm Và Chúc Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 28 Của Thanh Niên Yêu Nước Paulus Lê Sơn 20/10/1985

Trong tâm tình trân trọng và yêu mến, các gia đình thanh niên yêu nước và Nguyễn Xuân Anh (tù nhân lương tâm mới mãn hạn tù) đã bắt đầu xuất phát từ Nghệ An vào lúc 7h30 ngày 20/10/2013, ra xứ Trung Hà- xã Hoàng Trung-Hoàng Hóa-Thanh Hóa để thăm và chúc mừng sinh nhật thanh niên yêu nước, cựu học viên của Viện truyền thông Chúa Cứu Thế anh Paulus Lê Sơn và thắp nén hương cầu nguyện cho người Mẹ quá cố của anh.   Khoảng 11h30 phút đoàn đã đến nơi. Ra đón mọi người là ông Ngoại của Paulus Lê Sơn, Ông nay 76 tuổi, ông đã dẫn đoàn đến nhà Paulus Lê Sơn, khi Ông ngoại mở cổng nhà của Lê Sơn, chúng tôi cảm nhận được một bầu không khí thật ảm đảm, hoang sơ. Nhà chỉ có hai mẹ con, Mẹ đã mất, người con duy nhất lại trong chốn lao tù. Cảnh tượng một căn nhà hoang đang hiện ra trước mắt làm mọi người trong đoàn ai nấy lòng nặng trĩu không khỏi chạnh lòng thương cảm. Thay mặt người con đã mất, người cháu đang bị kết án tù bất công, Ông đã đón nhận bó hoa tươi thay cho bao lời muốn nói. Xúc động trước sự quan tâm, thăm viếng và yêu quí của các gia đình thanh niên yêu nước, Ông đã không thể cầm nổi những giọt nước mắt, nghẹn ngào nói không nên lời khi Ông thay mặt gia đình nói lời cám ơn mọi người. Tù nhân lương tâm Nguyễn Xuân Anh đã tâm sự: “tôi đã gặp Paulus Lê Sơn trong lúc ngồi cùng xe trong ngày xử phúc ngày 23-5-2013”. Sơn nói: “khi anh ra trước thì anh cố gắng đến thắp nén hương cho mẹ của em nhé” và hôm nay Xuân Anh mới có dịp thắp nén hương trước bàn thờ của Mẹ. Cũng xin được nhắc lại, anh Paulus Lê Sơn bị kết án oan sai 4 năm tù giam và 5 năm quả chế cùng với những TNYN khác trong phiên xử phúc thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 23/5/2013. Sau bữa cơm thân mật và chia sẻ cùng với gia đình, đoàn đã trở về và trong tình liên đới hiệp thông.   Nguồn: thanhnienconggiao.blogspot.com
......

Viện Khổng Tử hay cuộc xâm lăng văn hóa Trung Quốc ?

Trong bản tuyên bố chung Việt Nam- Trung Quốc nhân chuyến viếng thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hà Nội giữa tháng 10 vừa qua, hai quốc gia đã thông báo « nhất trí » thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam.   Thật ra, Viện Khổng tử đã được Trung Quốc thành lập ở rất nhiều nước khác trên thế giới. Việc thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam đã được chính phủ Hà Nội quyết định từ năm 2009, nhưng thông báo chính thức về việc thành lập viện này đã một lần nữa gây lo ngại cho giới nhân sĩ trí thức Việt Nam về nguy cơ xâm lăng văn hóa của Trung Quốc, trong bối cảnh mà phim ảnh Trung Quốc từ nhiều năm qua tràn ngập các đài truyền hình Việt Nam và văn hóa Trung Quốc chi phối ngày càng nhiều đời sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là trong kiến trúc đền chùa. Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội nêu lên những nguy cơ tiềm ẩn từ Viện Khổng tử sẽ được thành lập ở Việt Nam : RFI : Xin kính chào tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Thưa ông, những nước như Pháp hay Đức cũng đã có những trung tâm văn hóa ở Việt Nam như Alliance Française hay Viện Goethe. Nhưng vì sao việc thành lập Viện Khổng tử của Trung Quốc lại gây lo ngại như vậy ? TS Nguyễn Xuân Diện : Việc thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam không phải chỉ mới được đặt ra trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Lý Khắc Cường, mà từ năm 2009, ông Tập Cận Bình, khi ấy là phó chủ tịch Trung Quốc, khi đi thăm Việt Nam đã thúc giục Việt Nam thành lập Viện Khổng tử để tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục. Theo tôi biết, trên thế giới hiện đã có hơn 40 nước có tổng cộng hàng trăm Học viện Khổng tử. Riêng Thái Lan thì đã có 13 Học viện Khổng tử. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nét tương đồng nhau về mặt văn hóa và gần đây là người ta có nhắc đến tương đồng về chính trị, nhưng đến bây giờ mới xúc tiến mạnh việc thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam. Theo tôi biết, học viện này sẽ được đặt trong Đại học Hà Nội (Đại học Ngoại ngữ cũ). Từ khi nhận được tin này, những nhà nghiên cứu, những nhân sĩ, trí thức rất là lo lắng. Lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Nhiều nước đã đặt các học viện, các trung tâm văn hóa ở Việt Nam, nhưng những học viện, những trung tâm đó không gây lo ngại nhiều như Học viện Khổng tử này. Lý do là vì trong người dân Việt Nam luôn thường trực một tinh thần phản kháng, một sự tự đề kháng đối với văn hóa Trung Quốc, mặc dù là tư tưởng của Khổng tử, các thiết chế, mô hình Nhà nước theo kiểu Nho giáo của Khổng tử đã có mặt trên đất nước Việt Nam từ rất lâu rồi. Chúng tôi rất lo lắng bởi vì Viện Khổng tử này chắc chắn không phải được lập nên để tuyên truyền về giáo lý, tinh thần triết học hay cuộc đời và sự nghiệp của Khổng tử, cũng như về Nho học : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Tam Tòng Tứ Đức ... RFI : Theo ông biết thì Viện Khổng tử của Trung Quốc ở Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào ? Thực chất đây sẽ là một trung tâm văn hóa và ngôn ngữ, nhằm giới thiệu, quảng bá về văn hóa Trung Quốc : thi ca, âm nhạc, ẩm thực, trà đạo..., và sẽ có những giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc. Đằng sau đó luôn là những hoạt động tư vấn về du học, tức là kéo thanh niên Việt Nam đến Trung Quốc du học ngày càng nhiều. Đây cũng sẽ là trung tâm dạy Trung văn, tức là tiếng Hoa. Đó là những hoạt động bề nổi, còn đằng sau nó chắc chắn sẽ là những hoạt động tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về mặt văn hóa và tư tưởng về một nước Trung Hoa hiện đại. Chính vì vậy nhiều nhà quan sát cho rằng việc thành lập Viện Khổng tử chính một sự thể hiện quyền lực mềm của Trung Quốc, hoặc có người gay gắt hơn thì nói rằng đấy là bước đầu đặt cơ sở cho việc bành trướng văn hóa. Điều này thật đáng lo ngại, bởi vì sức ép và sự tuyên truyền văn hóa của văn hóa Trung Quốc hiện đại lên Việt Nam hiện nay rất là mạnh mẽ. Nhân dân đã không được những người làm công tác văn hóa dẫn dắt, cho nên, họ có sự sùng bái văn hóa Trung Quốc rất là quá đáng. Ví dụ ngôi chùa đạt nhiều kỷ lục ở Việt Nam và Đông Nam Á là chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Ngôi chùa ấy chẳng có dáng dấp gì mang bản sắc Việt Nam, mà thực chất là một ngôi chùa Tàu, mà hàng năm lại thu hút hàng triệu du khách. Các phim ảnh Trung Quốc thì chiếu tràn lan trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương. Rồi thì việc dựng các tượng sư tử Trung Quốc ở các đình chùa, đền miếu, cũng như ở trụ sở các tổng công ty. Rồi thì hàng hóa, đèn lồng Trung Quốc cũng tràn lan. Chính những điều đó khiến người ta lo rằng là với Viện Khổng tử, Trung Quốc coi như đã đặt một bàn chân xâm lăng văn hóa đối với Việt Nam. Chưa bao giờ sức mạnh văn hóa Việt Nam suy yếu nhiều như hiện nay. Khi nào mà chúng ta không chống lại được xâm lăng về văn hóa, thì chúng ta sẽ không còn gì là nền tảng của nước Việt Nam nữa và sẽ bị đồng hóa. Đây sẽ là một điều vô cùng nguy hiểm. Xâm lăng về văn hóa còn nguy hiểm hơn là xâm lăng về quân sự. Cho nên tôi thấy rất lo ngại. RFI : Nhưng trong sự xâm lăng văn hóa này phải chăng cũng có sự tiếp tay của các lãnh đạo văn hóa, đã cho chiếu quá nhiều phim ảnh Trung Quốc trên truyền hình quốc gia, đến mức giới trẻ Việt Nam bây giờ thuộc sử Tàu hơn là sử Việt ? Đúng là bây giờ trẻ con cấp 1, cấp 2, cấp 3 thuộc sử Tàu hơn là sử Việt. Văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng rất nhiều đến ngôn ngữ thường ngày của các em. Sóng truyền hình Trung Quốc tràn lan như vậy. Không những thế các bộ phim của cũng thế. Chúng ta thấy rằng là năm 2010, phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tức là phim Đường tới thành Thăng Long, từ kịch bản, đạo diễn, cho đến diễn viên và vai quần chúng, cũng như bối cảnh, hậu kỳ, trang phục đều là do người Trung Quốc làm. Bộ phim mang tính phản văn hóa như vậy cho nên các nhà nghiên cứu, các học giả đã yêu cầu không được chiếu bộ phim đó trong đại lễ 1000 năm Thăng Long. Về sau người ta mới phát hiện bộ phim đó không chỉ mang tính phản văn hóa, mà còn phản quốc, vì những nội dung lịch sử đã bị bóp méo và làm sai lạc. Chúng tôi lo ngại vì giới lãnh đạo văn hóa Việt Nam hiện nay hiễu một cách rất là ấu trĩ và vô cùng hạn chế về văn hóa Trung Quốc. Vì vậy, họ không phát động được trong cán bộ, công chức trên toàn quốc về việc phải có một sự đề kháng như thế nào đối với văn hóa Trung Quốc. Hậu quả là vào những dịp Tết trong những năm gần đây, có khi cả thành phố, thị trấn thắp toàn đèn lồng Trung Quốc. Hà Nội gần đây đã phải phát động việc dẹp bỏ các tượng đá sư tử ở các đền chùa. Như vậy tức là họ cũng đã thấy được một phần rồi, nhưng những cái mà họ thấy được, nhưng so với những cái mà những người lãnh đạo cần phải có là chưa tương xứng. Chính vì vậy, những người tha thiết với truyền thống, với văn hóa Việt Nam đang rất là lo lắng. RFI : Thưa tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, để cưỡng lại sự xâm lăng về văn hóa đó, liệu chúng ta có thể phát động một chiến dịch giống như chiến dịch kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, để tẩy chay hàng Trung Quốc, cho dù chúng ta vẫn tiếp nhận những cái hay, cái đẹp của văn hóa Trung Quốc ? TS Nguyễn Xuân Diện : Cách đây vài năm Bộ Chính trị đã phát động phong trào người Việt dùng hàng Việt. Lúc ấy báo chí cũng làm rùm beng một vài sự hưởng ứng đó. Nhưng bây giờ chuyện ấy đã chìm đi rồi. Người ta cũng không nghĩ đến chuyện giữ gìn những phong trào đó hay phát động một lần nữa. Nhưng trong nhân dân, nhất là trong giới trẻ đã ngấm ngầm một phong trào muốn tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, trước hết là hàng thực phẩm và thuốc chữa bệnh, nhưng đó cũng chỉ là những phong trào tự phát, chứ không phải là được phát động sâu rộng, được truyền thông Nhà nước cổ vũ, khuyến khích. Tôi nghĩ rằng nên khơi dậy một tinh thần dân tộc và một tinh thần bài Hoa đúng mức. Bài Hoa đây không phải là bác bỏ hết những gì có nguồn gốc từ Trung Quốc, một nền văn minh lớn của nhân loại. Nằm cạnh một nền văn minh lớn như thế, Việt Nam cần tiếp thu, thừa hưởng những giá trị văn hóa, những tác phẩm lớn của Trung Quốc mà đã mang tầm mức nhân loại. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải giới thiệu trong dân chúng, nhất là cho lớp trẻ, những nét đẹp của văn hóa Việt Nam, những giá trị thẩm mỹ thuần Việt, những tác phẩm văn học, mỹ thuật Việt Nam, những văn hóa chùa, làng... Muốn đem lại một sự đề kháng đối với sự xâm lăng văn hóa của bên ngoài, thì trước hết cần phải khơi dậy, giáo dục sự hiểu biết cho lớp trẻ về văn hóa của cha ông. Trong mạnh, thì ngoài mới không xâm lăng vào được. Khi người ta yêu quý những nét văn hóa đẹp đó, thì người ta mới dốc sức gìn giữ nó, tạo nên một lớp áo giáp bảo vệ trước sự xâm lăng từ bên ngoài. Mặc dù Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ cả ngàn năm, liên miên bị Trung Quốc xâm lược như vậy, mặc dù người Trung Quốc đã truyền chữ Hán vào Việt Nam, thiết lập chế độ cai trị, áp đặt văn hóa lễ nghi, nhưng đã không thể đồng hóa Việt Nam. Lý do là vì văn hóa Việt Nam trong mấy nghìn năm qua được dựa trên một nền tảng vững bền của văn hóa Việt gốc ở Đông Nam Á, mà điểm son mà văn hóa làng, chống lại được sự xâm lăng về mặt văn hóa, giữ được những giá trị văn hóa và chính những giá trị văn hóa đó trở lại làm nên sức mạnh của dân tộc, đánh thắng được những trận lừng lẫy trong lịch sử. RFI : Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Nguồn: RFI
......

Thạc sỹ thất nghiệp - Vì đâu nên nỗi?

Việt Nam cam kết đặt giáo dục là ưu tiên hàng đầu của phát triển Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, tình trạng thất nghiệp gia tăng là điều tất yếu. Điều này thể hiện rõ tính cung cầu lao động trong nền kinh tế thị trường. Không riêng gì tại Việt Nam, mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng gia tăng nạn thất nghiệp do khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thời gian qua. Báo chí đã nói rất nhiều về tình trạng lao động chất lượng cao bị thất nghiệp, hoặc phải nhận những công việc không tương xứng với bằng cấp được đào tạo. Chẳng hạn như hàng nghìn cử nhân thất nghiệp ở Nghệ An, gần 25.000 sinh viên ra trường thất nghiệp ở Thanh Hóa, cả nghìn cử nhân làm công nhân tại một doanh nghiệp ở Đà Nẵng,... Không chỉ cử nhân thất nghiệp, mà cả thạc sỹ cũng thất nghiệp. Nhiều bài báo đã nêu lên những trường hợp thạc sỹ thất nghiệp đi bán sim điện thoại, ở nhà nội trợ, thậm chí đi phụ xe để lấy tiền xin việc hoặc đi làm công nhân thời vụ. Đâu là nguyên nhân của vấn đề này? Theo Luật giáo dục, mục tiêu của đào tạo thạc sỹ là “giúp học viên nắm vững lý thuyết, có trình độ cao về thực hành, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo” (điều 39). Đồng thời, yêu cầu chất lượng thạc sỹ được đào tạo phải “nâng cao những kiến thức đã học ở trình độ đại học; tăng cường kiến thức liên ngành; có đủ năng lực thực hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học trong chuyên ngành của mình” (điều 40). "Cũng không tránh khỏi sự háo danh về bằng cấp như dân gian vẫn thường nói “nghèo cũng cố cho con học đại học”. Chính họ, tự dồn mình vào con đường tự ti và bế tắc" Thế nhưng, những trường hợp thạc sỹ thất nghiệp được báo chí nêu ra hình như không đúng với mục tiêu và chất lượng đào tạo. Các ‘thạc sỹ thất nghiệp’ này đều cùng lý do không xin được việc sau khi tốt nghiệp đại học nên học tiếp để hy vọng bằng thạc sỹ sẽ xin việc dễ hơn. Đây cũng là lý do của phần lớn những người đi học cao học ngay sau khi tốt nghiệp. Rõ ràng, mục tiêu đào tạo thạc sỹ là tạo ra lực lượng lao động có chuyên môn sâu về chuyên ngành, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo trong chuyên môn và có khả năng nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, hầu hết lý do học cao học là để dễ xin việc như nói ở trên cho thấy, mục tiêu đi học của những người này không đồng nhất với mục tiêu của đào tạo thạc sỹ. Vì thế, không thấy những người này khẳng định một cách thẳng thắn về năng lực chuyên môn lẫn khả năng sáng tạo và nghiên cứu khoa học để phủ nhận việc loại hồ sơ của họ là bất hợp lý ngoài việc khẳng định họ có bằng thạc sỹ. Thêm nữa, hầu hết chỉ thấy các thạc sỹ này nộp đơn xin việc vào các vị trí công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước. Rõ ràng, các vị trí công chức hành chính lẫn chuyên môn ở từ cấp xã/phường đến cấp sở không cần bằng thạc sỹ. Cũng như các vị trí viên chức trong các trường tiểu học và phổ thông, các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng không cần đến bằng thạc sỹ. Có một điều bất nhẫn là hầu hết những ‘thạc sỹ thất nghiệp’ được báo chí nêu trên đều có gia cảnh khó khăn, gia đình phải vay mượn tiền để cho họ đi học. Và khi học xong, không tìm được việc làm thì nợ lại chồng nợ. 'Cao học làm gì?' Tác giả đặt câu hỏi về mục đích của việc theo học cao học của giới trẻ Không biết sự thật mà báo chí nêu đến đâu, nhưng nếu thực sự là như vậy thì những gia đình này, những ‘thạc sỹ’ này đều có cái nhìn thiển cận về bằng cấp và công việc. Cũng không tránh khỏi sự háo danh về bằng cấp như dân gian vẫn thường nói “nghèo cũng cố cho con học đại học”. Chính họ, tự dồn mình vào con đường tự ti và bế tắc. Vậy, họ cố gắng lấy bằng thạc sỹ để làm gì nếu không có mục tiêu làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, hoặc giảng dạy sau phổ thông? Họ vay tiền để đi học làm gì nếu ra trường không xin được công việc đúng với chuyên môn và bằng cấp? Họ học cao, nhưng tư duy và trình độ có thực sự cao? Bằng cấp có tương xứng với năng lực? Như đã nêu ở trên, không thấy các ‘thạc sỹ thất nghiệp’ này khẳng định có đủ năng lực chuyên môn lẫn kiến thức liên ngành, có đủ năng lực làm việc độc lập và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, dư luận hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi: Bằng thạc sỹ của họ có tương xứng với năng lực thực sự của họ hay không? Mỗi chuyên ngành học đều có những đặc thù về nghề nghiệp, và một người có trình độ cao sẽ khai thác được đặc thù đó trong quá trình tìm kiếm công việc lẫn tạo ra thu nhập của mình bằng đúng chuyên môn đã được đào tạo. Đơn cử trường hợp cô thạc sỹ văn chương mà báo chí nêu trong thời gian qua phải xin đi làm công nhân thời vụ. Một thạc sỹ văn chương loại giỏi hoàn toàn có đủ khả năng làm việc độc lập bằng chuyên môn như có thể đi dạy hợp đồng tại các trường phổ thông, ĐH, CĐ hoặc cộng tác với các báo, tạp chí chuyên ngành để viết bài nghiên cứu, bài báo, thậm chí viết bài đưa tin. Thực tế trong xã hội đã cho thấy những công việc như vậy không quá khó nếu họ có năng lực thật sự tương ứng với bằng cấp. Hiện tại, không ít các sinh viên đã làm những việc như vậy khi còn đang ngồi trong giảng đường. Vậy, tại sao một thạc sỹ văn chương loại giỏi không làm được như vậy mà phải đi làm công nhân thời vụ? Rõ ràng, chỉ có thế là kiến thức thực sự của họ không tương xứng với tấm bằng. Sẽ có người đặt câu hỏi rằng, không phải ai cũng viết bài chuyên môn, viết báo được, hoặc xin đi dạy hợp đồng cũng không dễ. Nhưng xin thưa, điều này hoàn toàn không khó khăn đối với một thạc sỹ văn chương loại giỏi. Nếu không làm được điều này, chỉ có thể là năng lực của họ không xứng đáng với tấm bằng, hoặc có vấn đề trong quá trình đào tạo và cấp bằng của các trường đại học. Trên đây chỉ phân tích một trường hợp cụ thể. Các ngành nghề khác cũng có tính chất tương tự, nghĩa là mỗi ngành đều có một đặc thù riêng trong xã hội, và người có chuyên môn không khó để kiếm việc nếu giỏi thật sự. Tất nhiên, cũng không loại trừ một số lĩnh vực hẹp, và sẽ có những người giỏi khó kiếm việc. Nhưng là khó chứ không phải không thể. 'Việc làm nhà nước?' "Hầu hết các thạc sỹ đều muốn vào làm việc trong khu vực nhà nước... Phải chăng khu vực ngoài nhà nước không có chỗ cho năng lực và bằng cấp của họ?" Nhu cầu lao động chất lượng cao là cần thiết trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu này cần thiết cho cả nền kinh tế quốc dân, nghĩa là cần thiết cho cả các tổ chức, doanh nghiệp khu vực tư nhân chứ không chỉ dành riêng cho khu vực nhà nước. Trong tiến trình cải cách đất nước theo hướng hội nhập và phát triển ở Việt Nam. Khu vực nhà nước sẽ thu hẹp lại ở lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp có thu sẽ chuyển sang cổ phần hóa có vốn nhà nước hoặc tư nhân hóa toàn bộ. Những lĩnh vực công như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hiện tại, lao động chất lượng cao của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Chất lượng đầu ra của các trường đại học, cao đẳng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Rõ ràng, các trường này cũng như những người học phải xác định rõ đào tạo như thế nào và học cái gì để đáp ứng yêu cầu đó. Như vậy, có thể thấy nếu một người được đào tạo đảm bảo chất lượng, có đầy đủ kiến thức chuyên ngành và tư duy tương xứng với bằng cấp, thì không khó kiếm một công việc, kể cả khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng như trong thời gian qua. Thế nhưng, hầu hết các thạc sỹ đều muốn vào làm việc trong khu vực nhà nước như đã nêu ở trên. Phải chăng khu vực ngoài nhà nước không có chỗ cho năng lực và bằng cấp của họ? Nhiều người có bằng cấp ở VN làm các công việc khác với chuyên môn được đào tạo, theo tác giả Có thể thấy, hầu hết các ‘thạc sỹ thất nghiệp’ được báo chí đề cập đều không phải thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Và rõ ràng cơ chế tuyển dụng lao động ở khu vực ngoài nhà nước rất sòng phẳng, minh bạch, không cần tiền “bôi trơn”, không quá quan tâm đến bằng cấp, cũng như mức thu nhập sẽ cao hơn nhiều khu vực nhà nước. Vậy tại sao họ lại cố gắng vào nhà nước, trong khi biết rõ cơ chế làm việc của phần lớn các đơn vị, cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập trong phân công lao động, vẫn còn hiện tượng ưu tiên con ông cháu cha, vẫn còn hiện tượng bỏ tiền để “chạy việc”. Thậm chí, để hoàn thành giấc mơ đó, có thạc sỹ chấp nhận đi làm phụ xe để dành tiền đi xin việc. Rõ ràng, có một sự mâu thuẫn đối với các thạc sỹ này, họ muốn nhận được công việc tương xứng với bằng cấp, nhưng lại không thể hiện được năng lực làm việc tương ứng. Trong khi, khu vực ngoài nhà nước hoàn toàn có thể cho họ cơ hội thể hiện điều đó. Phải chăng, họ chỉ dám nộp đơn xin việc vào cơ quan nhà nước vì chỉ dựa được vào tấm bằng? Vấn đề ‘thạc sỹ thất nghiệp’ sẽ còn nhận được nhiều đánh giá, nhận định khác nhau trong xã hội. Và người viết cũng chỉ đề cập các quan điểm trên theo thực tế chung chứ không phải đúng hết với mọi đối tượng, mọi nghành nghề trong xã hội. Tuy nhiên, có thể thấy rõ sự bất cập trong công tác đào tạo lao động chất lượng cao và nhu cầu của xã hội. Đồng thời, không thể không nói đến chất lượng và định hướng của công tác đào tạo. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước hết, các thạc sỹ này nên tự nhìn nhận và đánh giá năng lực của mình, trước khi đổ lỗi cho cho nguyên nhân khách quan từ cơ chế, chính sách của nhà nước. Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, người đang sinh sống ở Hà Nội. Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese
......

Tương lai đã bị đánh cắp của Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay

Tương lai của thể hệ trẻ là tương lai đất nước, ai cũng quan tâm, tôi cũng vậy, vô cùng quan tâm, dù chỉ là một công dân vô danh. Gần đây có hai câu chuyện khiến tôi nhìn lại vấn đề này từ hai góc độ tuy hai mà một đó: tương lai đất nước và tương lai của thế hệ trẻ (8x và 9x hiện nay). Và tôi đã đi đến cùng một kết luận, vô cùng bi quan. Góc độ thứ nhất, tương lai đất nước phụ thuộc vào tầm nhìn, tài năng, đức độ của các nhà lãnh đạo lãnh đạo đất nước hiện nay, từ cấp cao nhất đến thấp. Ở nước ta, đó là các cán bộ đảng cộng sản VN. Về vấn đề này, cái nhìn khách quan và sắc sảo nhất từ ngoài vào có lẽ là của ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng khai quốc Singapore. Ông đã nói đại ý: Người Việt giỏi và thông minh hàng đầu Đông Nam Á, đáng lẽ họ phải là nước giàu mạnh từ lâu rồi, nhưng lãnh đạo của họ bị kìm kẹp trong ý thức hệ (cộng sản) và những người hiện là lãnh đạo chỉ nhờ (đã) giỏi đánh nhau (trong chiến tranh) nên đất nước không lên được. Bao giờ lớp người này về hưu hết, thế hệ trẻ giỏi giang sẽ lên, Việt Nam sẽ phát triển. Nhiều người Việt trầm trồ tâm đắc vì câu nói “tiên tri” này của ông Lý, và tràn trề hy vọng về tương lai của Việt Nam, nhất là khi cái ông “đánh nhau giỏi nhất” và sống dai nhất cuối cùng cũng đã ra đi rồi. Tôi thì không nghĩ thế. Thứ nhất, theo tôi, đây chỉ là câu nói “có cơ sở - có chê - có khen - có tiên tri - có trí tuệ” của nhà một nhà ngoại giao và lãnh đạo lão luyện và đẳng cấp. Đẳng cấp ở chỗ là nó không bao giờ sai mà không cần nói hết sự thật (mất lòng) mà vẫn được (người bị phê – người Việt) tung hô ca ngợi. Ông Hồ là số ít CSVN thỉnh thoảng nói được những câu như thế, đủ làm cả nhiều triệu dân Việt đê mê triền miên suốt vài thế hệ nay. Nhưng câu của ông Lý chỉ đúng với những năm 80-90 của thế kỷ trước, khi lãnh đạo Việt Nam chủ yếu là các tướng lĩnh công thần. Hơn ai hết ông Lý hiểu rằng thế hệ lãnh đạo Việt Nam hiện nay là thế hệ con cháu của ông, như chính con trai ông – Lý Hiển Long – đang đĩnh đạc làm Thủ tướng Singapore vậy. Họ thông minh và tài giỏi – như ông khen, đa số họ cũng được cả đời đi học (khi đất nước chiến tranh) và có bằng cấp chẳng kém gì con trai ông, mà có khi còn làm thầy con trai ông được (về số lượng bằng cấp)… Con trai ông phải chứng tỏ (và đã chứng tỏ được) tài năng trí đức từ một sĩ quan quèn để lên Thủ tướng, còn các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng phải “hạ biết bao đối thủ” để lên cao như hiện nay, nhưng tại sao Singapore thì đã hóa rồng từ lâu, còn Việt Nam vẫn … là giun? (Việt Nam đang thua Singapore khoảng … 130 năm chứ mấy!)   Thứ hai, là người Việt cùng trong thế hệ của những người đang cầm quyền ở Việt hiện nay, và cũng được đào tạo, dạy bảo như họ, tôi biết họ không hề bị kìm kẹp bởi ý thức hệ như ông Lý nghĩ đâu, họ chỉ giả vờ theo ý thức hệ đó để có quyền và cầm quyền mà thôi. Vì họ biết, qua cha ông họ, cầm quyền sẽ mang cho cá nhân và gia đình họ tất cả mọi thứ họ muốn: giàu sang, an nhàn, danh tiếng, hạnh phúc – tức là sống trên đầu dân chúng, mà không phải chịu trách nhiệm gì cả về đất nước, xã hội. Đất nước, xã hội (mà họ đang cầm quyền) sẽ đi đến đâu, họ không thực sự quan tâm. Điều duy nhất họ thực sự quan tâm là họ sẽ cầm quyền được bao lâu và họ sẽ truyền quyền lực đó cho con cháu như thế nào? Thế cho nên, như thế hệ trước của những người lãnh đạo đất nước Việt Nam (cùng thời ông Lý), thế hệ này (cùng thời con trai ông), hay thế hệ sau sẽ lên (con cháu họ) đều không quan tâm đến việc đất nước Việt Nam có đi lên hay không, mà họ chỉ quan tâm một điều: họ có nắm vững quyền hành trong tay hay không… là điều có lẽ ông Lý không thể hiểu được. Vì, dù ông Lý cũng quan tâm điều đó cho đảng Nhân dân Hành động của ông, nhưng ông quan còn quan tâm một điều khác hơn hết: đó là sự Thịnh vượng của cả Quốc gia Singapore. Có thể thế hệ sau, cháu nội ông Lý cũng vẫn sẽ được làm Thủ tưởng Singapore và đảo quốc nhỏ bé của ông vẫn là điểm sáng chói trên bản đồ thế giới mà tôi luôn ngưỡng mộ, thì đó là nhờ ba điều: ông và con trai ông sẽ giúp (dạy dỗ và trau dồi) hậu duệ mình phát triển, bản thân cháu ông sẽ phải nỗ lực để xứng đáng và chứng tỏ tài năng đức trí để được đa số nhân dân Singapore tin cậy và bầu vào chức vụ đó, và thứ ba – quan trọng nhất – là nhờ thế hệ ông và con trai ông đã đặt nền móng cho một thể chế mà việc bầu bán công bằng như thế đã, đang và sẽ xảy ra. Còn ở Việt Nam thì sao? Những người lãnh đạo đất nước và mọi cấp chính quyền không cần cả ba điều trên mà chỉ cần hai điều khác là đủ tiến thân: được cha ông mình dọn chỗ cho và diệt tất cả những người khác giỏi và tốt hơn họ, để giữ chỗ.   Với cách chọn người như thế, có thể thấy rõ điều ông Lý nói về sự thông minh tài giỏi nói chung của người Việt không hề được khai thác để từ đó tuyển chọn lãnh đạo đất nước, mà còn bị làm kiệt quệ đi với chính sách ngu dân của đảng cộng sản. Nên đất nước Việt Nam cứ đi xuống mãi là lẽ tất nhiên. Và điều này dẫn đến vế thứ hai mà tôi nói đến ở đầu bài về tương lai nước Việt Nam: Liệu thế hệ trẻ của Việt Nam có cơ hội đóng góp tài năng (mà khi đi du học khắp nơi trên thế giới họ luôn đã và đang chứng tỏ), như ý của ông Lý Quang Diệu? Thế hệ trẻ Việt Nam có tương lai trên đất Việt Nam không? Câu trả lời của tôi, thật đau xót, lại là: Không. Không, nếu chế độ cộng sản này vẫn cầm quyền, vì họ vẫn “chọn người” lãnh đạo cách thoái hóa giống nòi như họ đã và đang làm, thậm chí còn theo cách càng ngày càng đê tiện hơn. Để chứng mình cho điều này ở góc độ thứ hai tôi xin kể hai câu chuyện mình biết trực tiếp, như sau. Thứ nhất, câu chuyện chúng tôi. Thế hệ tôi 5x, ông và cha đều “vô tư theo cách mạng đến cùng” nên được học hành đầy đủ và khá “đủ điều kiện” để tiến thân tốt đẹp trong chế độ này. Chúng tôi cứ nghĩ chỉ cần mình phấn đấu và đóng góp hết mình, chứng tỏ tài năng và đạo đức xứng đáng thì sẽ được trọng dụng. Thực tế lại không phải thế. Chỉ những ai có lớp cha chú “dọn chỗ” và “bảo lãnh” thì mới được thăng tiến. Số khác đi lên bằng thủ đoạn và hai đầu gối thì bao giờ và ở đâu cũng có thì tôi không nói đến. Những người đó thường không phải nhóm xứng đáng làm lãnh đạo, thường không đủ tài năng và đạo đức, vì không có sự tuyển chọn, cạnh tranh. Ví dụ, tôi không có cơ hội cạnh tranh bình đẳng, vì ông nội và ông ngoại tôi đều hy sinh từ thời kháng Pháp, còn cha tôi – cán bộ tiểu đoàn 307 phục viên ngay từ 1954 sau khi tập kết, nên không thể và cũng không chấp nhận làm việc “dọn đường” cho tôi. Tôi cũng và càng không muốn thế. Các “bạn” tôi (do có người “dọn đường”) nay rất nhiều người làm to khắp nơi, và tôi thấy việc chúng nó quan tâm nhất sau “kiếm ăn” (tham nhũng) là dọn đường cho đám con cháu ngoi lên, cũng theo “nguyên tắc” như chúng nó đã đi lên: phải có người trên bảo lãnh (thực chất là lo lót và đấu tranh ngoan cường giữ chỗ, mua chỗ) và phải mua đủ bằng cấp để làm đúng thủ tục. Những chuyện này, là bạn bè, chúng nó tâm sự hết: đã lo cho đứa này đứa kia vào chỗ này chỗ kia như thế nào, hết bao nhiêu, và tương lai chúng sẽ lên chức này chức kia ra sao… Tất cả mọi chuyện như thi công chức, tuyển chọn công khai… là đều hình thức và giả dối hết. Trong tất cả các ngành, các cơ quan nhà nước, người ta chỉ nhận người “nhà”, người “của sếp”, người được “gửi gắm chéo”. Gửi gắm chéo là: tôi gửi con tôi cho cơ quan anh và nhận con anh vào cơ quan tôi với điều kiện cơ hội thăng chức và được nâng đỡ tương đương – có đi có lại. Có lẽ trên 90% cán bộ cơ quan và doanh nghiệp nhà nước và cả các lực lượng vũ trang là các dạng “tuyển chọn” như thế nên năng lực, tinh thần và đạo đức làm việc của họ có giới hạn nghiêm trọng. Hơn thế nữa, và nguy hiểm nhất, họ bịt hết, chiếm hết mọi con đường, cơ hội tiến thân, mọi vị trí cống hiến cho đất nước của những người trong đại đa số những người cùng thế hệ có năng lực, tinh thần và đạo đức làm việc tốt hơn họ. Như vậy, các thế hệ gần tôi, người giỏi cũng không có cơ hội tham gia lãnh đạo, dù dân tộc ta là… khá giỏi. (Nói thêm: con tôi hai đứa đã tự đi học nước ngoài, một đứa ở lại, một về nước tự xin việc công ty nước ngoài. Vì tôi đã dạy và khuyên các con phải tự lo hoàn toàn, không có ai dọn chỗ. Cậu con trai út cũng sẽ thế). Cho đến gần đây tôi vẫn chỉ nghĩ và coi những hiện tượng ”con ông cháu cha”, chọn người, dùng người kém như trên chỉ là một vấn nạn đạo đức chung tràn lan của xã hội hiện nay mà thể chế cộng sản này (có muốn nhưng?) không ngăn được do “lỗi cơ chế”, chỉ tạo điều kiện cho nó phát triển thêm. Tôi không ngờ… còn tệ hơn thế! Câu chuyện thứ hai: các học trò của tôi, thế hệ 8x và 9x. Tôi thường hay được mời giảng dạy, đào tạo, nói chuyện cho thế hệ trẻ bởi các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm đào tạo về các đề tài khởi nghiệp, lập nghiệp của các bạn trẻ. Và sau đó, tôi thường làm tư vấn (tất cả đều miễn phí) cho các bạn trẻ để giúp họ khởi nghiệp kinh doanh thành công trong cái xã hội… không thành công này (đang thua xa tất cả các nước xung quanh mà ngày xưa không có đảng thì mình hơn họ!). Tôi dậy họ những cái tôi nghĩ họ cần mà nhà trường XHCN không dậy, để họ khởi nghiệp, để họ vào đời. Học trò của tôi (đã trên cả chục ngàn người học) đa số là thế hệ 8x, 9x rất trong sáng, giỏi giang, đầy nhiệt huyết, đã học xong đại học cao đẳng, nhưng… không thấy có đường đi, không có cơ hội tiến thân, không thấy tương lai, không xin được việc làm sau khi học hay không muốn làm cho nhà nước… Nguyên tắc dạy học của tôi là: tin vào thế hệ trẻ hơn họ tự tin vào chính họ, nói những điều mình làm và làm những điều mình nói, căm ghét (không chấp nhận) tham nhũng và giả dối. Tôi viết một cuốn sách “Là Doanh nhân” để dậy các em hiểu, tự hào và tự tin là doanh nhân đích thực, không làm “ranh nhân”, làm sân sau rửa tiền cho tham nhũng… Một hôm, một bạn trẻ 8x, học trò cưng của tôi tâm sự: “Thầy ạ, ba em là cán bộ đang tại chức ở quê em (phó chủ tịch huyện), mấy năm nay em theo thầy lập nghiệp ở TP HCM rất thành công (cậu bé học vài lớp tôi giảng xong đã lập công ty, kinh doanh mới ba năm, rất phát triển, doanh thu vài chục tỷ đồng, có vài chục nhân viên, kỹ sư…), nhưng ba em cứ muốn em về làm việc trong ủy ban huyện, vì ba nói có chính sách nhà nước khi ba về hưu thì em sẽ được thay ba làm ít nhất đến chức… phó chủ tịch huyện, nhưng em không chịu…”. Trước đó cậu bé cũng từng tự kể cho tôi, ông phó chủ tịch huyện (ba cậu) nghi rằng các lớp học của tôi là “phản động” nên mới lung lạc con trai ông và đám trẻ ham kinh doanh như thế, và đã cử lính theo học các lớp của tôi để ghi âm mang về điều tra, nhưng… không có cơ sở gì đem công an đến bắt tôi! Tôi rất thương cậu học trò quá giỏi và ngoan đó vì cậu bé đang bị giằng xé giữa thầy và cha và con đường tương lai cậu phải chọn đi… Mấy tháng nay, cậu bé đó ít gọi điện thăm tôi. Lần cuối cùng, cậu nói ba cậu sẽ giúp cậu lấy mấy hợp đồng xây dựng lớn theo dự án của nhà nước ở tỉnh nhà, huyện nhà… Tôi đã vội hỏi lại: “Nhưng em đang kinh doanh rất tốt ở đây (TP HCM) cơ mà?”. “Vâng, nhưng em vẫn chỉ là con tép riu thôi…”. Đã từng đưa cậu đến các Hội chợ Quốc tế ở nước ngoài, tôi hiểu giấc mơ của em. Tôi bàng hoàng hiểu ra, cậu học trò của mình đã đi thẳng đến và phải đưa ra một quyết định lớn mà tôi cũng đã phải trải qua hơn chục năm trước: Chấp nhận là con tép riu trên thị trường nhưng được sống là mình trong sạch hay lớn thành “đại gia” nhờ tham nhũng, rửa tiền cùng và cho cán bộ nhà nước, rút tiền nhà nước… Tôi vớt vát: “Em ơi, đồng tiền đó có sạch đâu em… Em làm một việc như thế nào thì em sẽ có thể làm mọi việc như thế đó – trong sạch hay không…”. Nhưng, thêm vào cái chức phó chủ tịch huyện được chế độ cho “kế thừa” cha đang vẫy gọi cậu nữa, cậu bé đã im lặng… Hơn chục năm trước, tôi khoảng bốn chục, đã qua “tam thập nhi lập” từ lâu, còn cậu học trò của tôi hôm nay còn chưa tới ba mươi… Cậu phải lựa chọn: một “hợp đồng của ba” sẽ cho cậu doanh thu bằng cả mấy năm ở Sài gòn này, và chức vụ phó chủ tịch huyện như ba nói là “cầm chắc”, cùng cái xe Zace ba mới mua cho chỉ để chạy ở nhà… Hơn hai tháng nay cậu bé không gọi điện, không đến thăm nữa. Chắc cậu đang về quê? Công ty đã giao lại cho bạn, cũng là học trò của tôi, điều hành tiếp… Khỏi phải nói tôi buồn đau thế nào! Như thấy chính con trai mình dây vào tham nhũng! Sau đó, tôi mới tìm cách kiểm tra lại với các “bạn bè” quan chức của tôi về chính sách “thừa kế” chức vụ cho con cái của chính quyền cộng sản này thì được hiểu là: chính sách đó là chính sách ưu tiên con em cán bộ trong bộ đảng và chính quyền, đã được thực hiện công khai nhiều năm nay ở tất cả các địa phương và trung ương, để giữ trung thành và gắn bó của cán bộ với chế độ và “xây dựng” thế hệ cán bộ trẻ! Không còn nghi ngờ gì nữa, chế độ này đã chiếm hoàn toàn quyền lực tương lai vào tay con cháu họ, bằng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn hẳn hoi. Trong tất cả mọi ngành, kể cả các lực lượng vũ trang! Chỉ một vài học trò trong hàng nghìn học trò tôi dạy đang kinh doanh để hướng tới tương lai đích thực của họ có “cơ hội” đó. Cả thế hệ trẻ còn lại, họ đâu có cơ hội nào để thành công trong một xã hội như thế này, kể cả trong kinh doanh lẫn trong sự nghiệp chính trị? Vì thế, sau vụ đó, tôi không nhận lời dạy hay mở lớp đi dạy các bạn trẻ khởi nghiệp nữa, họ đâu có Tương lai bình đẳng trong xã hội này!? Tương lai của họ đã bị đảng cộng sản đánh cắp! Có lẽ Thế hệ trẻ cần học những điều khác để giành lấy Tương lai của mình vốn đã và sẽ bị đảng cộng sản đánh cắp hèn hạ cho con cháu họ, cùng là giành lại Tương lai cho cả đất nước này. P.C.T. Nguồn: boxitvn.blogspot.com
......

Viết Cho Một Người Sắp Đi Xa

:“…Hầu như những người dấn thân cho dân chủ đều nghèo, họ nghèo vì họ lương thiện, nhất là với một xã hội đảo điên như bây giờ. Sự quan tâm của dư luận Việt Nam, trong cũng như ngoài nước đều mang tính nhất thời và sau đó là quên lãng…” Thầy giáo Đinh Đăng Định Những ngày qua, cả nước Việt Nam đều tập trung mọi sự quan tâm và theo dõi đám tang cụ Võ Nguyên Giáp. Điều đó cũng đúng, vì cụ đã là một “huyền thoại”. Càng đặc biệt hơn khi cụ là một “huyền thoại cộng sản”. Chính quyền Việt Nam đã khai thác tối đa sự kiện này và phong trào dân chủ cũng vậy. Người ta nhắc lại sự kiện cụ Giáp can ngăn sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, cụ cũng can ngăn việc phá bỏ hội trường Ba Đình và nhất là việc cụ ba lần viết thư lên lãnh đạo cao nhất của đảng can ngăn chuyện khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên. Thực ra thì từ sau năm 1975 thì vai trò của cụ trên chính trường coi như đã chấm dứt mà đỉnh điểm của nó là nhiệm vụ “Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch” mà đảng phân công cho cụ. Đám tang của cụ thật là đặc biệt với thật nhiều cảm xúc. Thương tiếc, bùi ngùi, cảm thông, chia sẻ… là những tình cảm mà đa số người dân Việt nam dành cho cụ. Trong dòng người lũ lượt kéo đến viếng cụ chắc chắn sẽ có những người đến để chia tay cụ đồng thời chia tay luôn cả một quá khứ, một quá khứ và dĩ vãng hào hùng, bi tráng nhưng cũng đầy máu và nước mắt. Họ muốn chia tay một người “cộng sản” cuối cùng. Dù công lao của cụ có được ca ngợi hay tung hô đến đâu đi nữa thì có một sự thật phũ phàng là chính cụ đã góp phần không nhỏ tạo nên chế độ này và cùng với nó là những bất hạnh và khổ đau đổ lên đầu người dân Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua và vẫn đang còn tiếp diễn. Tuy nhiên, dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng mọi người đều đồng ý với nhau rằng sẽ không bao giờ còn một đám tang như vậy nữa dành cho bất cứ một vị cộng sản lãnh đạo nào của Việt Nam trong tương lai. Bài viết này không phải viết về cụ mà về một người khác, dù chỉ là một người rất đỗi bình thường và không phải ai cũng biết đến nhưng lại rất đáng để quan tâm và ngưỡng mộ. Người này cũng có nhiều điểm giống cụ Giáp, ông từng là một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, sau khi rời quân ngũ ông làm một thầy giáo. Ông không dạy Sử như cụ mà ông dạy Hóa, chính vì dạy Hóa nên ông hiểu được những hậu quả nghiêm trọng do việc khai thác bô-xít gây ra. Ông đã đi từng nhà và nói rõ cho mọi người ở xung quanh ông hiểu rõ vấn đề nghiêm trọng đó. Ông cũng hiểu rằng những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh của dân tộc chỉ có thể giải quyết được khi đất nước có dân chủ và vì vậy ông đã kêu gọi và cỗ vũ cho một nước Việt Nam dân chủ và đa nguyên… Chính vì những việc làm cao cả đó mà ông, thầy giáo Đinh Đăng Định, giáo viên dạy môn Hóa của trường PTTH Lê Quý Đôn tỉnh Đắk Nông đã bị kết án 6 năm tù giam trong phiên sơ thẩm ngày 9/8/2012 với tội danh “Tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN” theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Và trong phiên phúc thẩm xảy ra ngày 21/11/2012, tại tòa án tỉnh Đăk Nông ông bị tuyên y án 6 năm tù giam. Bất chấp mọi phản đối của các tổ chức nhân quyền và dư luận nhân dân Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đã không khuất phục được ông, nếu ông chịu nhận tội phần nào thì bản án của ông chắc chắn sẽ được giảm đáng kể, tuy nhiên bệnh tật đã không buông tha ông. Sau khi chuyển từ trại giam đến bệnh viện 30/4, quận 5, Sài Gòn trực thuộc Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an để điều trị thì ông đã được các bác sĩ phẫu thuật lấy khối u trong dạ dày và sau đó được chẩn đoán là bị ung thư dạ dày. Hiện tại sức khỏe của ông rất yếu và vợ của ông là bà Đặng Thị Dinh (Số điện thoại liên lạc: 0904643576) đã gửi đơn lên Chủ tịch nước và Bộ trưởng công an xin cho ông miễn chấp hành án về nhà chữa bệnh nhưng đến giờ vẫn chưa có hồi âm. Như chúng ta đều biết, một khi bị bệnh ung thư đã di căn là đồng nghĩa với bản án tử hình đã được tuyên. Sớm thì vài ba tháng, muộn thì đôi ba năm là hết. Không hiểu còn chần chừ gì nữa mà chính quyền chưa chịu tha cho ông? Dù không ai muốn điều đó xảy ra, nhất là những người thân của ông, nhưng điều đó rồi sẽ xảy ra trong một tương lai gần. Ông Võ Nguyên Giáp mất đi mang theo cả thời đại của mình, một thời đại u mê và lầm lạc. Thầy Đinh Đăng Định rồi cũng ra đi nhưng sự ra đi đó đã từng góp phần vào việc mở ra một thời đại mới cho cả một dân tộc: Thời đại của tự do và dân chủ thật sự. Người thân của thầy có thể tự hào rằng bản thân thầy đã có những đóng góp rất cụ thể và thiết thực cho sự hồi sinh của đất nước. Các con của thầy có quyền hãnh diện và tin vào một tương lai tươi sáng hơn, xứng đáng hơn. Điều trăn trở của người viết là làm sao để những người yêu nước như thầy Định không còn cô đơn, khi chấp nhận dấn thân cho dân chủ, cho đất nước. Dù rằng khi dấn thân thầy không đòi hỏi bất cứ ở ai và bất cứ điều gì dành riêng cho thầy, nhưng giá như thầy được quan tâm nhiều hơn thì hiệu quả có lẽ sẽ tốt hơn, nhất là khi gia đình của thầy không có gì là khá giả. Hầu như những người dấn thân cho dân chủ đều nghèo, họ nghèo vì họ lương thiện, nhất là với một xã hội đảo điên như bây giờ. Sự quan tâm của dư luận Việt Nam, trong cũng như ngoài nước đều mang tính nhất thời và sau đó là quên lãng. Những người lên tiếng cho dân chủ đều bị chính quyền tìm mọi cách triệt đường sinh sống, ví dụ trường hợp của Lê Thị Công Nhân. Hiện hai vợ chồng cô phải nuôi vịt để sống dù rằng Quyền, chồng cô từng là một kỹ sư. Sự kiên trì là đặc tính của một tổ chức và của những cá nhân tham gia vào tổ chức. Vì vậy dù muốn hay không thì chỉ có những tổ chức mới có thể quan tâm thường xuyên và đầy đủ đến các thành viên của mình. Điều này đúng với mọi tổ chức lớn nhỏ trong xã hội và càng đúng hơn với một tổ chức chính trị đang tranh đấu. Sự lấn cấn ở đây là một tổ chức chính trị đứng đắn và lương thiện thì lại cũng …nghèo. Việc kêu gọi ủng hộ tài chính của tổ chức thường rất thận trọng và hạn chế vì sợ hiểu lầm và bị chính quyền lợi dụng để công kích. Nhưng nếu không kêu gọi thì sẽ không có ai tự nguyện đóng góp cho các tổ chức. Thường thì các cá nhân người Việt ở hải ngoại muốn và quen với cách là trực tiếp gửi tiền về cho những người tranh đấu trong nước mà họ ngưỡng mộ và quan tâm thay vì đóng góp cho một tổ chức chính trị đứng đắn để qua đó tăng cường sự liên đới và hợp tác giữa những người đấu tranh nghiêm túc. Đấy là chưa kể đến việc những người “chống cộng” ở hải ngoại muốn thông qua việc ủng hộ để gây tiếng vang và rồi thay vì giúp cho phong trào dân chủ trong nước phát triển họ lại kéo lùi tiến trình dân chủ trong nước vốn đang chuyển động rất tiệm tiến. Ở đây chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa những người “chống cộng” và những người “đấu tranh vì dân chủ”, trong tài liệu Cẩm nang Dân Chủ Đa Nguyên-Phần VI - Vì sao phải đấu tranh? Có đoạn viết về những người “chống cộng” ở hải ngoại như sau: “Họ chống cộng chứ không đấu tranh vì dân chủ. Họ cũng chụp mũ, cũng độc đoán, cũng giáo điều, cũng bất dung, cũng trấn áp những người không cùng chính kiến. Nếu nắm được chính quyền thì họ cũng sẽ độc tài như cộng sản, chỉ khác một điều là họ sẽ không thi hành chủ nghĩa Marx-Lenin. Nhưng ngày nay đảng cộng sản cũng đã từ bỏ đường lối Marx-Lenin và chỉ còn là một chế độ độc tài trơ trụi. Nếu thành thực với chính mình thì một số rất đông các tổ chức chống cộng trước đây phải ủng hộ chế độ hiện nay vì đó chính là chế độ họ đang vô tình mong ước”. Cũng trong một bài viết mới của tác giả trẻ Huỳnh Thục Vy “Suy nghĩ về xã hội dân sự”, cô cũng cho rằng cần “phân biệt rõ giữa xã hội dân sự và đảng phái chính trị”. Đấu tranh chính trị để thay đổi thể chế tồi dở, thay đổi cơ chế lạc hậu bằng một thể chế mới, cơ chế mới phù hợp với sự phát triển của xã hội…là công việc chính của các tổ chức chính trị. Cũng theo cô thì “các hoạt động đảng phái là cần thiết và chỉ tốt đẹp nếu nó mang đúng tên của mình”, và đây cũng là điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn cổ vũ. Chúng ta cần có một thái độ rõ ràng và dứt khoát với đúng tên gọi và bản chất của nó. Ở đây cũng cần minh định lại một điều rằng, một tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn đấu tranh là để thay đổi triết lý điều hành đất nước, thay đổi cơ chế đang kìm hãm đất nước chứ không nhằm chống lại bất cứ ai, hay loại bỏ một ai. Chúng tôi không đánh đồng chủ nghĩa cộng sản với những người cộng sản. Chúng tôi kiên quyết loại bỏ chủ nghĩa cộng sản chứ không tiêu diệt những người cộng sản. Người cộng sản cũng là những con người, nếu tháo vòng kim cô Mác-Lê trên đầu họ thì họ cũng sẽ trở thành những người bình thường. Người dân Việt Nam yêu nước và quan tâm đến tiền đồ của dân tộc cần hiểu rõ một vấn đề quan trọng nữa: Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa những tổ chức chính trị với nhau chứ không phải là giữa các cá nhân. Muốn Việt Nam có dân chủ thì mọi người cần ủng hộ cho một tổ chức chính trị đứng đắn và lương thiện, giúp tổ chức đó có sức mạnh để qui tụ nhân tâm. Dân chủ sẽ đến với Việt Nam khi phong trào đối lập có được một tập hợp hùng mạnh, bao gồm mọi thành phần dân chúng. Muốn có được một tổ chức chính trị có tầm vóc như vậy thì người dân Việt Nam phải ủng hộ nó, ít ra cũng là về mặt tài chính, nhất là từ đồng bào hải ngoại như cộng đồng người Việt ở Mỹ, Úc… Chúng ta thường nghe và thấy rằng người dân Việt Nam, nhất là ở nông thôn họ rất thờ ơ với việc đấu tranh hay ủng hộ cho dân chủ, điều đó cũng không có gì là khó hiểu, nhân dân muôn đời nay vẫn vậy, họ biết hết nhưng họ im lặng. Họ chỉ ủng hộ và hành động khi nào họ thấy được sự chiến thắng của phong trào đối lập là không thể đảo ngược. Trí thức Việt Nam phải tạo được niềm tin của dân chúng bằng cách đoàn kết lại, tập hợp lại với nhau trong một tổ chức chung, với một ý chí chung, trên những đồng thuận chung cho một tương lai chung, của cả dân tộc. Việt Hoàng Nguồn: ethongluan.org
......

Cần chuẩn bị khi Đảng Cộng Sản chịu thua

Năm 1989 nhân lọai chứng kiến đảng Cộng sản Liên Xô với trên 20 triệu đảng viên, với một lực lượng quân đội và an ninh lên đến chục triệu người và với một guồng máy tuyên truyền từng tạo ảnh hưởng từ Tây sang Á đã sụp đổ hòan tòan trong một thời gian rất ngắn. Đảng cũng chịu thua!!! Tình trạng dẫn đến sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam đã được chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thú nhận. Khai mạc Hội Nghị 4, ngày 26-12-2011, ông Trọng cho biết:“Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp ... khó nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.” Khi đảng này càng chỉnh đốn thì tình trạng tham nhũng càng bộc lộ. Xin dẫn chứng vài lời thú nhận của tầng lớp cầm quyền để thấy đảng Cộng sản đã hòan tòan bất lực trước tệ nạn tham nhũng: Ông Trương Tấn Sang ví tham nhũng như “bầy sâu”, còn bà Nguyễn Thị Doan nêu rõ chúng "…ăn của dân không từ một cái gì”. Nguyễn Phú trọng thú nhận "Bây giờ ra khỏi nhà, cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng nhỏ cũng có, như ngứa ghẻ, rất khó chịu". Ngày 18-9-2013, trong cuộc họp Uỷ Ban Tư Vấn Quốc hội, Nguyễn Sinh Hùng cho biết “Không tham nhũng lấy tiền đâu mà chạy chức?”, rồi ông đặt câu hỏi: “Có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không?”. Nguyễn Phú Trọng chính thức trả lời là "có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng." Sau Hội Nghị 8, khi tiếp xúc cử tri Trương Tấn Sang cho biết “Vai trò của những cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra là cực kỳ quan trọng. Nếu những cơ quan này tìm không ra thì Đảng cũng chịu thua thôi!!!”. Tham nhũng gắn liền với quyền lực vì thế càng nắm được quyền lực khả năng tham nhũng càng tăng cao. Khi đã nắm được quyền lực không ai tự ý rời bỏ. Chả thế dù biết tham nhũng là ghẻ ngứa, là sâu bọ, là hại dân hại nước, là “Đảng cũng chịu thua”, Nghị Quyết Hội Nghị 8 vẫn tiếp tục kiên định giữ Điều 4 Hiến Pháp độc quyền đảng trị. Tình Trạng Bắc Hàn và Trung Cộng Không Mấy Tốt Đẹp Ngày 19-09-2013 Viện Nghiên Cứu Chiến Lược RAND Corp, một tổ chức chuyên nghiên cứu và cố vấn chiến lược cho chính phủ Hoa Kỳ đã công bố phúc trình khuyến cáo Hoa Kỳ, Nam Hàn và các nước Đồng Minh phải chuẩn bị cho sự sụp đổ của Bắc Hàn. Sự kiện này có thể dẫn đến chiến tranh, nguy hại khủng khiếp so với những gì đã diễn ra tại Đông Âu. Ngày 12-10-2013 vừa qua, Bắc Hàn ra Thông Cáo yêu cầu Hoa Kỳ phải chấm dứt cuộc tập trận với Nam Hàn và cảnh cáo tấn công Hoa Kỳ bằng một cuộc “chiến tranh tổng lực”. Ngày 20-09-2013, tạp chí nổi tiếng Financial times cũng cho đăng bài “Đảng Cộng sản còn tồn tại ở Trung Quốc được bao lâu nữa?”. Nhà báo Jamil Anderlini vạch rõ các điều kiện cần và đủ để nếu đảng Cộng sản Trung Hoa không chấp nhận cải cách chính trị thì cách mạng xã hội sẽ bùng nổ. Mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ là thực hiện tự do dân chủ tòan cầu. Để thực hiện mục tiêu này chiến lược và chiến thuật áp dụng tại mỗi khu vực, mỗi quốc gia và ở mỗi thời điểm có phần khác nhau. Gần đây Hoa Kỳ công khai công bố chiến lược xoay trục về Á Châu. Một chiến lược được đánh giá là bao vây Trung Quốc chuyển hóa nước này và các quốc gia đang bị cộng sản cai trị thành các quốc gia dân chủ. Xét cho cùng chuyển biến chính trị là điều không thể tránh khỏi. Chuyển biến lúc nào và chuyển biến ra sao là điều chúng ta cần quan tâm và chuẩn bị. Con Đường Miến Điện Ôn Hòa Đến nay đảng Cộng sản luôn tìm mọi cách tiêu diệt mọi tiếng nói bất đồng trong hay ngòai đảng Cộng sản. Bởi thế, Việt Nam không thể có được một Tổng thống như ông Thein Sein hay một lãnh đạo dân chủ như bà Aung San Suu Kyi. Mặt khác nhà cầm quyền Miến Điện còn phải đối đầu với những lực lượng sắc tộc đối kháng có quân đội và lãnh thổ riêng. Không có những nhân vật lãnh đạo và hòan cảnh như thế Việt Nam khó có thể có được thay đổi ôn hòa như đã xẩy ra tại Miến Điện. Con Đường Bạo Lực Cộng Sản Việt Nam Trong tình trạng khủng hỏang tòan diện dẫn đến sụp đổ thay vì chấp nhận chuyển đổi ôn hòa, đảng Cộng sản đã chọn con đường bạo lực. Bế mạc Hội nghị 8, Nguyễn Phú Trọng tuyên bố phải: “…có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa…khắc phục tình trạng sơ hở, mất cảnh giác; phòng, chống có hiệu quả các nguy cơ chiến tranh, xung đột trên các hướng; không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, hình thành tổ chức chính trị đối lập…” Tuyên bố như trên chỉ xác định đảng Cộng sản sẽ tiếp tục con đường đàn áp dân oan mất đất, đàn áp tín đồ tôn giáo đòi tự do tôn giáo, đàn áp người yêu nước, yêu dân chủ, đàn áp mọi bất đồng. Như trường hợp Mỹ Yên thay vì chọn phương cách đối thọai ôn hòa, cộng sản đã thẳng tay đàn áp giáo dân, rồi cho diễn tập chống khủng bố ngay tại địa phương. Đương nhiên tức nước vỡ bờ, bạo lực sẽ tạo thêm bất ổn chính trị, dẫn đến nổi dậy của tòan dân. Chiến tranh cũng có thể xẩy ra giữa các phe nhóm trong đảng đang công khai tranh giành quyền lực và quyền lợi, hay do các biến động tại Bắc Hàn và Biển Đông dẫn đến chiến tranh khu vực Á Châu. Mọi biến động đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị tại Trung Quốc. Vì thế cũng có thể xẩy ra trường hợp Trung cộng mang quân đánh chiếm một phần phía Bắc Việt Nam. Điều may mắn là chính đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang lâm vào khủng hỏang tòan diện dẫn đến sụp đổ. Trường hợp Trung Quốc sụp đổ trước sẽ dẫn đến sụp đổ dây chuyền của cộng sản Việt Nam. Cộng Sản Lợi Dụng Cái Chết Của Võ Nguyên Giáp Bế mạc Hội Nghị 8, Nguyễn Phú Trọng cho biết phải "Vận dụng nhuần nhuyễn bài học dựng nước và giữ nước của ông cha". Tuần qua cái chết của Võ Nguyên Giáp một người cộng sản mang nhiều huyền thọai đã được tận tình khai thác. Sự rầm rộ khai thác lại bộc lộ sự bất lực và bế tắc của những người hiện đang cầm quyền. Không lâu cái chết của ông Giáp sẽ đi vào quên lãng để mọi người phải đối đầu với thực tế đang xảy ra hằng ngày. Chuẩn Bị Cho Chuyển Biến Chính Trị Nói tóm lại nhiều yếu tố cho thấy đảng Cộng sản sẽ sụp đổ, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào và sự việc xẩy ra vô cùng nhanh chóng. Điều quan trọng là chúng ta làm  gì để chuẩn bị cho việc ấy xảy ra sớm hơn và ít nguy hại cho đất nước. Hơn 7 năm về trước Khối 8406 đã tiên phong phát động phong trào công khai và ôn hòa đấu tranh đòi tự do dân chủ. Đến nay việc đấu tranh đã chuyển sang một bước mới, với sự hình thành và phát triển của nhiều nhóm, nhiều tổ chức dân sự: Liên Tôn, Nhóm 72, Nhóm Công Dân Tự Do, Nhóm Tuyên bố 258, Câu lạc bộ No-U. Mặc dù các tổ chức dân sự không nhằm mục tiêu tham gia một chính quyền dân chủ hậu cộng sản. Các tổ chức Xã hội Dân sẽ đóng góp rất nhiều cho việc hình thành một hiến pháp tự do, làm hậu thuẫn cho các chính đảng dân chủ và là nguồn cung cấp những nhân sự lãnh đạo cho một Việt Nam tự do. Các chính đảng dân chủ trong thời gian qua cũng đang phục hồi, phát triển và tìm cách liên kết hành động. Trong số các đảng chính trị có Đảng Dân Chủ Xã Hội do Đức Hùynh Phú Sổ sáng lập ngày 21-9-1946, có 1 hậu thuẫn rộng rãi của bảy triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Chính vì thế trong diễn văn bế mạc Hội Nghị 8 Nguyễn Phú Trọng đã phải chính thức tuyên bố không để hình thành các tổ chức đối lập. Hải Ngọai giữ vai trò yểm trợ từ việc ngọai vận, đến truyền thông, từ vật chất đến tinh thần. Khi đảng Cộng sản gia tăng đàn áp nhân quyền thì chúng ta cũng cần gia tăng việc ngọai vận để buộc đảng Cộng sản phải tôn trọng những gì họ đã ký kết với Quốc Tế. Nói đến truyền thông, cũng cần nhắc đến sự đóng góp của Đài Phát Thanh Âu Châu Tự Do đã phá vỡ bức tường sắt Đông Âu. Hiện nay chúng ta có được Đài Á Châu Tự Do, chương trình Việt Ngữ đang vận động chính phủ Hoa Kỳ để tăng số giờ phát thanh từ 2 giờ lên 5 giờ mỗi ngày. Một việc làm cần được hổ trợ vì truyền thanh giúp những việc xẩy ra nhanh hơn và tốt hơn. Không riêng Đài Á Châu Tự Do, chúng ta cần hổ trợ tất cả các đài phát thanh hướng về Việt Nam, các diễn đàn mạng tự do. Truyền Thông là mặt mạnh nhất hải ngọai chúng ta có được. Việc nước là việc chung, vì thế mỗi người trong chúng ta cần sửa sọan để chủ động thực hiện những việc làm tốt nhất trong hòan cảnh, điều kiện và khả năng của mình. Muốn hành động có kết quả mỗi người, mỗi tổ chức cần hiểu, cần chấp nhận, cần tôn trọng và cần bảo vệ sự khác biệt của nhau. Những yếu tố trên vừa là nguyên tắc căn bản của dân chủ và cũng là điều kiện để chúng ta có thể liên kết hành động buộc đảng Cộng sản phải chịu thua. Nguyễn Quang Duy Melbourne, Úc Đại Lợi 16-10-2013  
......

Tiếng lắc của chùm chìa khoá

Tôi theo dòng Moskva Xuống công viên Gorky Lắng nghe ngọn gió đổi thay Một đêm hè tháng tám…   …Thế giới thu nhỏ lại Có bao giờ bạn nghĩ rằng Chúng ta có thể thật gần nhau, như anh em(Wind Of Change - Klaus Meine) Tiếng huýt gió mở đầu bài hát Wind Of Change của Klaus Meine, ca sĩ chính của ban nhạc rock Scorpions cho chúng ta cái cảm giác như anh là một trong những người lính đang đi dọc dòng sông Moskva để xuống công viên Gorky. Nơi anh có thể nghe thấy những người trẻ đang nói chuyện với nhau về giấc mơ tương lai. Nơi mà cơn gió đổi thay đang thổi thẳng vào khuôn mặt của thời gian. Wind Of Change được Meine sáng tác và hát vào năm 1990 để kỷ niệm ngày bức tường Berlin sụp đổ. Là một trong những bài hát đã đem đến cho Meine niềm kính trọng của thế giới về những đóng góp của anh cho âm nhạc và nhân quyền. Và rồi đúng như cái cảm nhận của Meine, gió tự do đã thổi về Moskva và Liên Xô đã sụp đổ sau đó một năm.   Cái thời huy hoàng, cực thịnh của đảng cộng sản ngày nào đến đó là chấm dứt. Hàng loạt những quốc gia cộng sản đã lần lượt sụp đổ, các quốc gia ở Đông Âu đã bắt tay xây dựng lại đất nước của họ từ hai thập niên trước. Phải chăng đây là lúc mà những con dân Việt Nam phải đứng lên nhận trách nhiệm của chính mình cho tổ quốc và các thế hệ tương lai. Chủ nghĩa CS đã ngự trị ở Liên Xô và sụp đổ sau bảy mươi năm, tính ra nó cũng ngự trị ở Việt Nam ngót nghét gần bảy mươi năm rồi. Liệu diễn đàn mang tên “Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự” vừa được một số nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước tuyên bố thành lập có làm thành “ngọn gió đổi thay” cho Việt Nam? Câu trả lời là: Tại sao không!? Hai thập niên trước, không một ai có thể đồn đoán rằng cuộc cách mạng ở Đông Âu có thể làm sụp đổ một cách nhanh chóng thành trì của khối Cộng sản Xô Viết. Còn tại Tiệp Khắc, tin từ chức của Tổng Bí Thư Jakes và toàn bộ hàng ngũ lãnh đạo của đảng cộng sản Tiệp xảy ra quá chóng vánh. Đến nỗi lời tiên đoán của giáo sư Timothy Garton Ash, chuyên gia lịch sử Trung Âu trở thành như tiên tri. Timothy đoán rằng tốc độ sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Đông Âu sẽ diễn ra như sau: “tại Ba Lan mất mười năm; Đông Đức mất mười tuần; và Tiệp Khắc mất mười ngày.” Người dân Tiệp lúc đó không hề biết rằng sự có mặt của họ trong đoàn biểu tình, một hành động nho nhỏ của từng con người, có thể đem lại tự do cho đất nước Tiệp Khắc nhanh chóng đến như vậy. Cho đến tận ngày hôm nay, không ai biết mặt một trong những người hùng đã làm nên chiến thắng của cuộc cách mạng Nhung: người đầu tiên đã rút chùm chìa khóa và lắc lên giữa quảng trường Wenceslas. Tiếng chìa khoá được đáp lại bằng âm vang của 300.000 chùm chìa khoá của những người đang hiện diện trong đoàn biểu tình. Âm vang reo vui của những chiếc chìa khoá này đã đưa nhà văn kiêm nhà biên kịch Vaclav Havel vào vị trí dẫn đầu cuộc cách mạng. Và chính ông - người sau này trở thành vị tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ - đã lèo lái cuộc cách mạng như đạo diễn một vở kịch, với những màn kịch đầy bất ngờ, thú vị và xúc động đến rơi lệ. Con người không thể sống mãi với sự lừa dối và khủng bố. Tôi tin là ở thời điểm này, toàn thể nhân dân Việt Nam đang thực sự mong muốn một đổi thay tốt đẹp cho đất nước mình. Tôi muốn nói đến cái ước muốn của tất cả mọi người dân Việt đang quan tâm đến vận mệnh của đất nước. Xin nhấn mạnh “Tất Cả”. Kể cả những đảng viên cộng sản, những người đang làm việc trong bộ máy cầm quyền. Nếu nhân dân Tiệp Khắc đã cùng nhau đứng lên để thoát khỏi ách độc tài cộng sản và đặc biệt là thoát ách thống trị của người Nga; thì theo tôi, nhân dân Việt Nam không chỉ đứng lên để bảo vệ tổ quốc trước sự xâm lược của Tàu Cộng, họ còn đứng lên để tự cởi bỏ cái ách sợ hãi, mà bộ máy cầm quyền tuy đã rệu rã vẫn còn cố sức kềm toả người dân. Thái độ của các thanh niên yêu nước, của cô sinh viên 20 tuổi Nguyễn Phương Uyên ở trước phiên toà là một điển hình. Cách hành xử vững vàng cương quyết của các em làm tôi nhớ đến tâm sự của nhạc sĩ người Tiệp Ondrej Soukup. Anh có mặt trong hầu hết các buổi xuống đường trong cuộc cách mạng Nhung, anh kể lại: “Mỗi ngày trôi qua là một ngày mà người dân Tiệp cảm thấy mình mạnh mẽ hơn, và đứng thẳng lưng hơn. Người Tiệp chúng tôi thấy mình đường hoàng hơn. Chúng tôi đã quá hèn mọn. Nhưng giờ chúng tôi bắt đầu cảm thấy tự hào. Quả là một cảm giác phi thường.” Đấu tranh cho điều Đúng không chỉ đem lại phúc lợi cho tha nhân, nó đem lại ý nghĩa cho cuộc sống và danh dự cho chính mình. Hơn nửa thế kỷ qua, những nhà văn, nhà báo phải sống với một nền báo chí vô cảm, xoay lưng lại với nỗi đau của đồng bào. Những người từ trước đến giờ vẫn giữ thái độ im lặng, đã không im lặng nữa. Và rõ ràng bạo lực, tù đày vẫn còn đó, vẫn sừng sững trước mặt, nhưng dường như nó đang phải cúi đầu trước sự góp mặt càng ngày càng đông của những nhà báo, những blogger Việt Nam. Hãy nghe anh Nguyễn Lân Thắng khẳng định: “Ngày càng có nhiều nhóm hoạt động dân sự hình thành thông qua mạng xã hội. Nhà nước điên cuồng tấn công các blogger bằng triệu tập, thẩm vấn, và nhà tù… nhưng họ gần như bối rối, bất lực trước sự phát triển ồ ạt của truyền thông xã hội… Những gì đang xảy ra ở Việt Nam 3 năm qua nhanh hơn 30 năm trước gộp lại… Nhất định chúng tôi, người dân Việt Nam sẽ chiến thắng.” Góp mặt trong Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự (XHDS), nhà báo Lê Phú Khải viết: “thực tế tồn tại của đất nước càng ngày nó càng làm cho nhà văn nhà báo hiểu ra và thấy được con đường dân tộc đi phải là con đường tiến bộ, dân chủ chứ không còn cách nào khác” Đúng như nhà báo Lê Phú Khải đã nói, con đường dân tộc đi phải là con đường tiến bộ, dân chủ chứ không có cách nào khác. Diễn Đàn XHDS đang là một tiếp nối, là một mốc điểm; nhưng để được sống còn, Diễn Đàn XHDS phải được tiến hành một cách thực tiễn và linh động. Nó không thể chỉ dừng lại ở trên Mạng Ảo mà phải được thể hiện bằng hành động. Nó phải trở thành biểu tượng của sự hợp lực. Nó phải xuống tới đường phố, xuống từng xóm nhà, xuống từng chung cư sinh viên, .... Cuộc cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc cũng bắt đầu bằng một diễn đàn như thế; được gọi tên là Diễn Đàn Dân Sự (Civic Forum). Với mục đích cao nhất là loại bỏ chủ nghĩa độc tài toàn trị, Havel và Civic Forum đã khéo léo đoàn kết được nhiều thành phần. Tuy có quan điểm từ đồng thuận đến hoàn toàn đối nghịch nhau, nhưng họ đã đứng vào cùng một chiến tuyến để dành chiến thắng cho đất nước Tiệp Khắc thân yêu của họ. Tôi tin vào nỗ lực của các nhân sĩ, trí thức trong Diễn Đàn XHDS và tin vào tấm lòng thiết tha đối với tiền đồ tổ quốc của mỗi người dân Việt Nam. Thời điểm đã đến, và kết quả sẽ không khác được, dân chủ chắc chắn sẽ có mặt tại Việt Nam. Người Tiệp bảo rằng tiếng lắc chìa khoá của họ gửi đến Tổng Bí Thư Jakes và các ông trùm cộng sản Tiệp Khắc thông điệp: “Đến giờ rồi! Đi thôi các ông ơi!”. Để bảo vệ tổ quốc, để mọi người dân Việt Nam được sống và bắt tay vào xây dựng một thể chế dân chủ tốt đẹp cho quê hương, mỗi chúng ta hãy cùng xuống đường với Nguyễn Lân thắng, Lê Phú Khải, Nguyễn Quang Thuận,… và hãy lắc chùm chìa khoá của chính mình./. Nguồn: Viettan.org
......

"VỤN VẶT" THƯỜNG NGÀY

  1. Phải đến khi bị bắt, qua nhiều tháng điều tra, người ta mới rụt rè đưa ra một con số khiến nhiều người choáng váng: Dương Chí Dũng dùng tiền tham nhũng để mua nhà cho bồ và con ngoài giá thú. Số tiền “nhỏ” thôi: 1,6 triệu đô la. Quả thật là nhỏ so với tài sản của ông ta. Vì, Dương Chí Dũng không thể hy sinh toàn bộ gia tài cho cô bồ. Chắc chắn những gì ông ta có phải nhiều hơn thế…Cũng trong cuộc điều tra này, hé lộ em trai ông là Dương Tự Trọng, người tổ chức cho Dương Chí Dũng chạy trốn có 2 con riêng. Ông Trọng đã dùng quyền lực của mình, làm chứng minh thư giả để làm giấy khai sinh cho hai con riêng. Ngoài ra, ông Trọng còn bảo kê cho Đồng Xuân Phong (đang có lệnh truy nã) và Dũng “Bắc kạn”, một giang hồ khét tiếng có 2 tiền án. Hai tội phạm này đã giúp Trọng đưa anh trai đi trốn. Quyền lực nào, khiên che nào khiến ông Trọng có thể đạp lên luật pháp như vậy?   Từ lâu dư luận nói nhiều về các quan tham và mối quan hệ giữa một bộ phận công an và tội phạm hình sự, thì đây là một minh chứng…Mọi chuyện chỉ được đưa ra ánh sáng khi chính cơ quan công an tiến hành điều tra, xác minh. Và không dễ gì những vụ việc như thế này được điều tra bắt nguồn từ dư luận quần chúng...Mà dư luận thì vốn nhiều, vốn ồn ào nghẹt thở từ nhiều năm qua…Nhiều người chống tham nhũng đã phải chịu những oan trái, thua thiệt, thậm chí tù đày. Rồi đây, chắc chắn sẽ có những “dư luận” được bóc trần, nhất là khi có sự “chỉ đạo” từ trên xuống…Và, những quan tham hạ cánh an toàn, không bị lộ diện sẽ còn nhiều hơn… 2. Cơ quan cảnh sát điều tra xác định ụ nổi 83M sau khi được bán với giá 2,3 triệu USD đã được kê lên thành 9 triệu USD, trong quá trình thuê tàu vận chuyển VN, sửa chữa…đã tăng lên gần 20 triệu USD. Đến thời điểm tháng 5.2012, Vinalines báo cáo cho biết tổng chi phí cho chiếc ụ nổi này đã lên tới số tiền 525 tỉ đồng. Nếu đem số tiền này chia cho 450.000 đồng/ tháng (tạm tính) mà nhà nước hỗ trợ cho trẻ em miền núi nghèo để khuyến khích trẻ đến trường học thì sẽ giúp được bao nhiêu trẻ? Ở miền núi, trẻ em nghèo như là đương nhiên…Nhiều trẻ hiện còn bám trường để học chữ vì còn được miếng ăn, được nhận quà của các tổ chức từ thiện...Và cuộc sống của các em không có cách gì so sánh với sự xa xỉ của người giàu dưới thành phố, nhất là quan chức tham nhũng. Và đừng nghĩ việc tham nhũng quá dễ dàng của Dương Chí Dũng không liên quan gì đến cái chết của ba mẹ con chị Nga ở Bình Phước quấn chăn tự thiêu vì cuộc sống quá khó khăn, bế tắc vừa qua… 3. Đang lúc kinh tế suy sụp, cuộc sống của người dân lao đao, khốn khổ thì một dự án khủng như trận cuồng phong thổi thốc vào nỗi tức giận của dân chúng: Tổng cục đường bộ xây dựng dự án trục đường tâm linh từ Hà Nội đi Bái Đính với tổng dự toán lên đến 4300 tỷ đồng. Họ nói đây là nhu cầu của 6,5 triệu dân Hà Nội…Đến giờ chùa Bái Đính chưa phải là nơi hội tụ tâm linh của những Phật tử thuần thành. Không phải 6,5 triệu dân Hà Nội đều là Phật tử. Càng không thể là nhu cầu tâm linh xa hoa mà chính quyền “quan tâm” đáp ứng…(http://songmoi.vn/kinh-te-kinh-doanh/muon-tieu-tien-o-%E2%80%9Ctruc-duon...) NO-U mong muốn xây đập tràn qua con suối nhỏ này cho Háng Đề Sủa Nếu ai đã lên miền núi thì biết đường xá những vùng sâu xa khốn khổ như thế nào…Mùa lũ nào cũng có những cái chết thương tâm của người dân và các thầy cô giáo vùng cao. Mới đây nhóm từ thiện No-U khảo sát để xây một đập tràn cho điểm trường Háng Đề Sủa (Mù Cang Chải) mà hễ mùa lũ đến, học trò đều phải nghỉ học vì không thể vượt qua con suối nhỏ đến trường. Tổng dự toán cho đập tràn và 2 lớp học tổng cộng hết 185 triệu đồng. Tất nhiên số tiền này quyên góp từ những người hảo tâm…Hỏi: với 4300 tỷ đồng kia sẽ xây được bao nhiêu cây cầu, con đường thiết thực cho người dân? Lớp học cắm bản Hồ Nhì Pá Mới hay, một chính quyền không lo xây dựng trục đường lòng tin đến với người dân thì dù có xây bao nhiêu trục đường “tâm linh” cũng không tạo được chút công đức nào… Một cây cầu khác để vào Háng Đề Sủa mong được ai đó giúp xây dựng...Vào mùa lũ sẽ bị chia cắt với bên ngoài Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Đây là tôn giáo giản dị của tôi. Không cần thiết phải có những đền chùa; không cần những triết lý phức tạp. Chỉ cần trí tuệ chúng ta hằng có. Trái tim chúng ta là ngôi chùa; lòng tốt chính là triết lý”. Đừng nhân danh Đạo Phật để che đậy những toan tính, mưu đồ… Đừng nhân danh lý tưởng để đè số phận đất nước dưới quyền lợi của cá nhân của một "bộ phận không nhỏ"… Nguồn: Bloger buudoan.com
......

Khi Công An Trở Thành Người Bị Trói

Xã hội Việt Nam năm 2013 đang trở thành chứng nhân cho sự thừa kế quy luật nhân quả của vài chục năm trước, với tâm điểm thuộc về những người mặc sắc phục và mang trên mình sứ mạng “bạn của dân”. Không còn quá hiếm hoi hiện tượng người dân phản ứng mạnh mẽ với đối tượng được xem là “người thi hành công vụ”. Vụ dân chúng bắt giữ và trói nghiến 5 sĩ quan và chiến sĩ cảnh sát vào tháng 10/2013 là một dấu chỉ điển hình cho kịch tính buổi giao thời. Kịch tính trên xảy ra ở tình Hòa Bình, một trong những địa phương cộm cán về tình trạng khai thác vàng bừa bãi và nạn đầu gấu lộng hành, đã được báo chí trong nước phản ánh rất nhiều lần trong rất nhiều năm qua, nhưng vẫn chỉ chứng nhận tình hình bị mất kiểm soát hơn. Nguyên nhân dẫn đến vụ bạo hành đối với công an hầu như được dắt dây từ tâm thế bất mãn tích tụ quá lâu, nỗi kìm nén không thể giải tỏa của người dân đối với cách hành xử thiếu công bằng và vô tâm của chính quyền địa phương. Trong nhận thức giờ đây của người dân địa phương, hầu như trong các động tác can thiệp của chính quyền và lực lượng công an đều hiện lên bóng dáng những kẻ bảo kê cho nhóm lợi ích. Sau quá nhiều thất vọng cùng niềm tin bị đổ vỡ, sự thể tất yếu phải dẫn đến điều mà báo Đảng thường gọi là “bị giảm sút ý chí cách mạng”. Sống còn Sau 38 năm kể từ đỉnh vinh quang của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xã hội Việt Nam đã liên tục xuống dốc về mọi mặt, kết tụ thành một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc, để giờ đây đang lao nhanh vào một dấu chuyển khác của nhân dân: cách mạng hành vi tự phát. Cách đây không lâu, người ta cũng chứng kiến cuộc cách mạng tự phát đó xuất thần tại quê hương của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Điểm khởi đầu có tính bùng nổ của sự kiện công giáo Mỹ Yên tại Nghệ An chính là việc giáo dân bắt giữ một số nhân viên an ninh mặc thường phục. Những người giấu thẻ ngành trong cốp xe máy đã tự cho mình quyền chặn và khám xét chiếc ô tô chở giáo dân đến dự phiên tòa xử 14 thanh niên công giáo và tin lành, lập tức kích hoạt vô số uẩn ức bị dồn nén lâu ngày trong cơ thể các con chiên thiên chúa. Nghệ An lại rất gần với Hà Tĩnh. Người ta cũng chưa thể quên một vụ phản ứng quyết liệt chưa từng thấy của người dân đối với chính quyền địa phương vào tháng 4/2011 tại huyện Kỳ Anh của ở Hà Tĩnh. Vụ việc bắt nguồn từ chuyện một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan có tên là Formosa, được sự bảo trợ của nhiều cấp từ trung ương đến địa phương, đã tiến hành dự án cảng nước sâu mà do đó làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên lẫn môi trường sinh sống của người dân địa phương. Đã có nhiều vụ đụng độ giữa công an và dân Sau nhiều lần đơn thư khiếu nại của người dân địa phương không được giải quyết thỏa đáng, khi Formosa sử dụng thủ đoạn dùng chính quyền và cảnh sát để dập tắt làn sóng phản đối của người dân nhằm giải phóng mặt bằng thi công, hàng trăm giáo dân xã Kỳ Lợi đã bất ngờ bắt giữ 5 cán bộ và nhân viên công an – những người đang “thi hành công vụ” tại hiện trường. Sự việc hy hữu này chỉ được giải quyết tạm ổn thỏa sau khi chính quyền thương lượng với giáo dân thất bại và các quan chức chính quyền phải dựa vào sự can thiệp của Tòa giáo phận Vinh để thả người – một chuyện tréo ngoe đến khó tin. Trong nhiều năm qua, “những người thi hành công vụ” đã làm nên một trang sử đặc sắc về hình ảnh “công an là bạn của dân”, liên quan đến không ít cái chết và bị chấn thương nặng nề của những người dân bị công an bắt giam tại đồn. Nếu vào thời gian trước, báo chí nhà nước còn e ngại khi đưa tin về những vụ việc luôn được coi là “nhạy cảm” như vậy, thì trong vài năm gần đây, nỗi bức xúc đã trở thành tinh thần phẫn uất về nạn cường quyền không có giới hạn, kiến việc loan tin và mổ xẻ trên báo chí nhà nước đã trở thành một hiện tượng truyền thông và cũng là món ăn đắng ngắt của ngành công an từ cấp trung ương đến địa phương. Khi nổ ra vụ việc cưỡng chế gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng mà giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca đắc ý bình phẩm là “trận đánh đẹp”, phiên tòa xử các quan chức “ăn đất” ở Tiên Lãng cũng đánh dấu độ phẫn uất trong lòng nông dân đã lên đến cao độ. Từ nhiều địa phương, dân oan đất đai hướng về Tiên Lãng với tinh thần hiệp thông với những người đồng cảnh ngộ. Trước tinh thần sẻ chia dào dạt và tràn tính kích nổ ấy, những sắc phục công an lại như chọn cách nhảy sang phía bên kia của chiến tuyến. Không thể nói khác hơn là tâm trạng oán hận và thù địch đối với ngành công an đang dâng cao ở Việt Nam, tại nhiều địa phương và đặc biệt tập trung vào giai tầng nông dân phải chịu thiệt thòi nhất về quyền mưu sinh. Dự án Ecopark ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên là một ví dụ rất sống còn. Ở nơi đây, người dân tin chắc rằng lực lượng công an đã trở thành công cụ của giới chủ đầu tư lắm tiền và lắm tham vọng cướp đất. Cũng bởi thế, cuộc xung đột mang tính đối đầu giữa nông dân với nhóm lợi ích đã mau chóng biến thành cuộc đối kháng giữa dân oan với lực lượng mặc sắc phục. “Tử vì đạo ” Một vụ công an bắn đạn cao su khiến dân bị thương ở tỉnh Vĩnh Long Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy nông thôn Việt Nam đang tái hiện quang cảnh của làng Ô Khảm ở Quảng Đông của Trung Quốc vào cuối năm 2011. Được châm ngòi từ âm mưu cưỡng chế nhằm chiếm đoạt đất của nông dân, công an địa phương đã bắt giữ nhóm cầm đầu khiếu kiện của nông dân và gây ra cái chết của một trong những người này ngay tại đồn công an. Ngay sau đó, dân làng Ô Khảm đả phản ứng dữ dội bằng cách đóng cổng làng, tống cổ các quan chức chính quyền ra khỏi khu vực. Về thực chất, đây là giai đoạn đầu tiên của một cuộc khởi nghĩa nông dân với quy mô nhỏ. Cuộc khởi nghĩa này lẽ ra đã lan rộng và kéo theo sự đồng thuận của nhiều địa phương lân cận khác, nhưng Bắc Kinh đã tỏ ra khôn ngoan khi tiến hành xử lý những viên chức chính quyền sai phạm và còn để cho dân làng Ô Khảm được bầu cử tự do, chọn lựa người đứng đầu cho mình. Cho đến năm 2013, chính cựu bộ trưởng Bộ công an và nguyên ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc - ông Chu Vĩnh Khang - đã bị điều tra và đang có nhiều khả năng phải đối mặt với vòng tố tụng hình sự vì những hành vi cấu kết đậm đặc của ông ta với các nhóm lợi ích. Nhưng ở Việt Nam lại hầu như chưa có tiền lệ như thế. Bất chấp rất nhiều sai phạm đã trở thành hệ thống xảy ra trong ngành công an, bất chấp chuyện ăn hối lộ của cảnh sát giao thông đã trở thành một trong những sẹo lồi gớm ghiếc nhất làm xấu xí dung nhan chế độ, vẫn không có bất kỳ một chiến dịch làm sạch nào được làm đến nơi đến chốn. Trong khi giới quan chức nhà nước luôn kêu gào nhân dân phải có niềm tin với chế độ, giới báo chí đảng vẫn hàng ngày thở không ngớt về điều được coi là “thái độ phấn khởi” của người dân, thực tế lại đang diễn biến ngược chiều chưa từng thấy. Các vụ việc người dân công khai phản ứng với cảnh sát ngoài đường phố trở nên dày dạn và quyết tâm hơn. Vài ba trường hợp còn mang dấu ấn “tử vì đạo”. Vào tháng 9/2013, một nông dân ở Thái Bình là Đặng Ngọc Viết đã dùng súng ngắn giết chết vài cán bộ quản lý quỹ đất của chính quyền tỉnh này. Nhưng dù vụ Đặng Ngọc Viết gây chấn động trong dư luận và chắc hẳn phải làm cho nhà cầm quyền ngao ngán không ít về vị thế chính trị bị thách thức đến tận giường ngủ, chỉ vài tuần sau đó vẫn xảy ra hàng loạt vụ cưỡng chế đất đai vô lối ở Văn Giang ở Hưng Yên và Trịnh Nguyễn tại Bắc Ninh. Không chỉ hiện diện công an trong các vụ cưỡng chế này, côn đồ cũng là một thực thể đang hiện tồn tại các vùng nông thôn Việt Nam. Trong tâm não của rất nhiều dân oan, côn đồ với công an đang hóa thân làm một. Sự hóa thân của cái xấu càng không thể khiến cho tình hình bớt tồi tệ hơn. Phản ứng của người dân đối với công an đang manh nha tự phát và tiến dần vào xu hướng đối đầu bất chấp. Nhưng về phía mình, ngành công an nhiều địa phương vẫn như mắc nghẹn trong tâm thế bế tắc về não trạng và hành vi. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho kết luận này là sau vụ giáo xứ Mỹ Yên, tiêu chí của công an vẫn chỉ là “ngăn chặn” cùng “sẵn sàng trấn áp” mà không một chút gần gũi hơn với đồng loại. Đường cùng của dân chúng lại rất thường là lối cùng của chế độ. Đánh giặc! Vụ dân trói công an mới đây ở Hòa Bình chỉ là một trong những giọt nước đầu tiên tràn ly, biểu tả cho một phong trào có tên “Hồi tố” xuất phát từ dân chúng. Kế tiếp dân chúng, giờ đây các công an viên lại trở thành nạn nhân của phần hậu quả xã hội và chính trị mà họ đã đóng góp “một phần không nhỏ”. Hòa Bình lại rất gần với Ninh Bình – một địa phương mà vào giữa năm 2013 đã nổ ra “trận đánh đẹp” với nạn côn đồ hành dân. “Thông báo với toàn thể nhân dân! Hiện nay đang có một đám người lạ mặt, đầu trọc, xăm trổ đầy mình, có hành vi côn đồ, dùng kiếm, dùng dùi cui, đuổi đánh, dọa đâm, chém, giết dân lành. Mọi người, ai có cuốc, xẻng, gậy gộc ra ứng cứu. Giặc đang càn quấy dân làng, mọi người tập trung mau để đánh giặc! Loa, loa, loa…” – tiếng kêu gọi hệt như lời hiệu triệu cứu quốc thống thiết của ông trưởng thôn Đồng Quân gào vào loa phóng thanh, đã làm cho xóm núi heo khuất ở vùng Ninh Bình bùng lên ký ức rạo rực của những năm tháng tiêu thổ kháng chiến, cùng nỗi giận bất chấp giới hạn pháp luật đối với đám cướp cạn giữa ban ngày ban mặt. Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese/
......

Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đã an bài trong tay TQ

Tôi có ông bạn học hiện làm cấp tướng trong hải quân VN, trong một buổi nhậu bạn bè với nhau cách đây gần năm ở HN, tôi hỏi hắn: “Nếu bây giờ TQ tấn công trên biển, quân của cậu chống được bao lâu?” Hắn cười: “Chắc là chưa đến ba ngày?!” Tôi ngạc nhiên: “Sao chết nhanh vậy?” Hắn lại cười: “Không phải chết, mà là chạy. Thời đại này ai dại gì chết cho ai?!” “Đấy là cậu nói về lính hay sĩ quan các cậu?” “Cả hai, nhưng sĩ quan chạy trước rồi lính mới chạy. Lính không dám chạy trước, chỉ trốn thôi. Sĩ quan mới chạy!” Tôi thắc mắc: “Tại sao thế? Sĩ quan tinh thần cao hơn và phải làm gương cho lính cơ mà?” “Ừ, nhưng sĩ quan lại biết mình toàn nói dối và thấy cấp trên cũng toàn nói dối, và ai cũng biết chết thì mình chịu, thắng thì là chiến công của sếp, tội gì chết thế!” Chúng tôi cười xòa, coi đó là câu chuyện cười nói cho vui, vì ông bạn trong Bộ tổng tư lệnh ở HN, nó đâu có phải ra trận. Nhưng nó cũng không cần phải mua vui với tôi, nó nói có phần nhiều là thật. Thế nên tôi không quên được. Một bữa khác cách nay khoảng nửa năm, trong chuyến xe đêm từ Sài gòn đi Nha Trang, tôi nằm cạnh anh lính trẻ trả phép ra Cam Ranh. Tôi hỏi chuyện ăn ở sinh hoạt của lính nghĩa vụ ngoài đó, cậu thật thà: “Cháu mới đi mấy tháng, nhờ có người quen chạy cho nên không phải đi vùng xa hay đảo, chỉ ra Cam Ranh thôi, được về phép đều đặn, nếu biết quà cáp cho sĩ quan còn được kéo dài phép…” “Thế sĩ quan có về phép thường xuyên không?” “Sĩ quan của bọn cháu toàn sĩ quan chuyên nghiệp, gia đình họ ở Cam Ranh và Nha Trang luôn, họ đâu cần về phép, và họ có thể về nhà bất cứ lúc nào họ muốn, họ sướng lắm!” Thế họ có ăn chung với các cháu không?” “Không, họ có tiêu chuẩn riêng cao gấp mấy lần lính bọn cháu! Họ ăn ở riêng.” “Thế tiêu chuẩn lính bọn cháu thế nào?” “Chúng cháu được 35 ngàn đồng ngày. Thế là cao đấy chú ạ, vì chúng cháu gần Ban chỉ huy Vùng. Mấy thằng bạn cháu đóng quân ở xa kêu khổ lắm, chỉ có 28 ngàn đồng ngày thôi…” “Sao lại 28 ngàn thôi?!” Tôi xót xa nhẩm tính: lính của mình (công nhân và kỹ sư của tôi) ở công trường cảng Vân Phong này được ăn 80 nghìn đồng/ngày mấy năm nay, vừa tăng lên 100 nghìn ngày do giá cả lên, mà tôi vẫn thương chúng khổ, gầy và đen, bắt chúng cố ăn, và lo chúng bỏ về Sài gòn, thế mà chiến sĩ của ta… Tôi lại đi lạc đề muốn nói rồi. Ý của tôi là, chỉ chuyện ăn ở thôi thì lính của ta cũng thiếu sức chiến đấu rồi, chưa nói đến tinh thần chiến đấu và niềm tin vào cấp trên. Giờ nói về chủ đề chính, đó là bảo vệ lãnh thổ. Xin kể câu chuyện thứ ba. Cách đây mấy tháng, chúng tôi tổ chức một đoàn “du lịch- thám hiểm” ra điểm Cực Đông trên đất liền của đất nước với mục đích: sống 1 ngày gần với Hoàng Sa Trường sa nhất (về kinh tuyến). Trên đường ra đó rất khó khăn, chúng tôi không ngờ cả một khu bán đảo rộng lớn bờ biển dài mấy chục cây số không có dân cư (đã bị đuổi đi hết) và chỉ có một đồn biên phòng gần ra đến Cực Đông đã bị bỏ hoang do chuyển vào gần quốc lộ 1 hơn, trong khi đường lớn do các “dự án lớn” của Vinalines làm đến nới cũng bỏ hoang không bóng người. Hỏi ra mới biết đó là tình trạng của hàng loạt đồn biên phòng ven biển và trên các đảo khu vực bắc và nam Vân Phong (thuộc Khánh Hòa và Tuy hòa): họ đã rút hết vào sống trong dân và để quản dân, không quản bở biển nữa. Hàng trăm cây số ven biển không có ai canh giữ, nhưng đã có sẵn đường lớn nhập vào quốc lộ 1… Ngày xưa họ ở đó là để bắt người vượt biên thôi… Biên phòng VN không quay súng ra biển mà quay súng vào dân! Câu chuyện thứ tư. Đơn vị chúng tôi tham gia rất nhiều công trình lớn dọc biển miền Trung, lắp ráp các thiết bị kỹ thuật hiện đại (rất ít khi là đồ TQ). Từ Dung Quất đến Vũng Áng, Vân Phong… Nhưng ở đâu chúng tôi cũng thấy các đơn vị TQ đấu thầu và thắng thầu thi công phần các cầu cảng. Họ chỉ quan tâm và bỏ mọi giá để nhận phần việc đó dù rất nhiều đơn vị VN làm được, nhưng các nhà thầu VN phải lè lưỡi bỏ ra cho họ vì giá của họ quá thấp… Sau đó họ luôn quây kín cả một vùng biển và bờ biển lớn người khác không được vào để họ thi công trong suốt nhiêu năm trời. Và họ thường là đơn vị làm kéo dài các dự án lớn nhưng không ai làm gì được. Khi họ thi công xong chúng tôi mới lên lắp thiết bị và không ai biết bên dưới và bên trong những khối bê tông cầu cảng lớn đó có những gì. Chúng tôi thường đùa nhau: ngày đầu tiên TQ đánh VN họ sẽ cho nổ tung tất cả những cầu cảng trị giá vài chục đến vài trăm triệu đôla này (có thể cặp mạn những con tàu lớn đến 150.000-300.000dwt)… hoặc họ sẽ khống chế chúng để làm điểm đổ quân tuyệt vời cho họ, ở Dung Quất, Vân Phong, Vũng Áng và nhiều nơi nữa phía Bắc và Nam, nhất là Kiên Giang cũng sắn sàng… Câu chuyên thứ năm. Tôi về quê ngoại Quảng Ninh, ra Hạ Long gặp mấy thằng bạn cũ, trong đó có thằng đại gia chuyên san đất lấp biển bán nền, giầu không để đâu hết tiền, luôn khoe có đội xe máy húc ủi đào đông như quân nguyên, đã phá không biết bao đồi núi, lấp biết bao bờ vịnh san hô và sú vẹt để bán trên giấy, từ Quảng yên đến Hải Hà… Gặp nó tôi bảo: - “Tội phá hoại môi trường Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long của mày phải đem ra bắn!” - Nó cười khẩy: “Bắn tao hơi khó! Mày phải bắn hết các bí thư và chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh và các huyện thị Quảng Ninh này đi đã!” Rồi nó quàng vai người ngồi cạnh: “A, cả thằng này nữa, giám đốc Sở tài nguyên Môi trường mà…” Tôi nhăn mặt nghĩ: Đúng thật, nếu muốn bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long và Bái Tử long mà tôi yêu quí, tôi sẽ phải bắn gần hết các bạn học cũ của mình, vì chúng nó làm quan chức kín cả cái tỉnh quê ngoại của tôi rồi… Tôi phán tiếp: “Mày còn một tội lớn nữa! Mày đem xe máy lên Tiên Yên, Ba Chẽ (hai huyện núi biên giới) làm đường từ biên giới xuống cho bọn Ba Tàu sau này tấn công mình lần nữa. Lần trước nó tấn công không có đường xuống, tự vệ dân quan còn cản được. Lần này chỉ mấy giờ là xe nó chạy đến Hạ Long này, lại có cầu bãi chấy rồi, Công chúng mày to quá!” Thằng đại gia xẹp hẳn xuống lẩm bẩm: “Đéo mẹ bọn Tàu! Chúng nó còn không chịu trả tiền công cho tao nữa! Đau quá!” (Đó là nó chửi mấy công ty Đài loan thuê rừng 50 năm rồi thuê nó làm đường lên “trồng rừng”. Đường làm xong lên các đỉnh núi biên giới, không trả tiền và rừng tất nhiên cũng không…). Và câu chuyện cuối cùng. Tôi đưa con trai lên Tây Nguyên chơi, mới đây thôi, để nó biết Tây Nguyên là thế nào. Một số đoạn đi qua đường Hồ Chí Minh mới làm lớn mà vô cùng hoang vắng, thằng bé rất ngạc nhiên hỏi: “Bố, sao mình làm đường lớn đẹp dài mà không có người đi thì làm gì vậy?” Tôi thở dài chua chát “Bố chịu!” Chả lẽ nói ra ý nghĩ thật của mình: “Bố sợ rằng người ta làm đường để sau này TQ đánh VN sẽ dễ chiếm và không chế Tây Nguyên và rồi cả đất nước này?” Sau chuyến đi Tây Nguyên về, tôi đùa với con trai: “Con ơi, hãy học tiếng Anh giỏi để du học rồi ở lại đó luôn, như chị con vậy đó. Bằng không, hãy học tiếng Tàu! Nước mình sắp thay quốc ngữ rồi!” Vâng, ý của tôi là thế đó. Người Việt nam, chính quyền Việt Nam hiện nay đã chuẩn bị sẵn sàng địa thế và mọi cửa ngõ Lãnh thổ quốc gia để TQ tràn vào dễ dàng nhất. Tinh thần quân đội và sức chiến đấu thì rất bạc nhược rồi, cảnh giác thì… chĩa súng vào dân rồi. Các chiến sĩ Trung Hoa cứ yên tâm mà đến! Đất nước này dường như đã có chỉ đạo bàn giao nhẹ nhàng để sát nhập vào TQ? Chỉ còn một điều: Liệu dân Việt ta có chịu thế hay không? Phan Châu Thành Nguồn: danluan.wordpress.com
......

Chuyển trại tù - Hành vi cần phải lên án.

Trên khắp đất nước Việt Nam này từ vùng núi sâu phía Bắc đến tận mũi Cà Mau đâu đâu cũng có trại tù. Gọi là trại cải tạo hay gọi là nơi thi hành, chấp hành án phạt tù hay gọi gì đi nữa thì chung quy vẫn là trại tù. Thường thì các tù nhân phía Bắc thì giam ở phía Bắc. Thậm chí là tù nhân phía Đông Bắc có trại giam như Hoành Bồ ở tỉnh Quảng Ninh. Tù nhân phía Tây Bắc có trại Yên Hạ của tỉnh Sơn La, Quyết Tiến của Yên Bái. Tù nhân bắc trung bộ có Thanh Phong, Thanh Cẩm, Kỳ Sơn, Thanh Chương ở Thanh Hóa, Nghệ An. Trong Nam thì có những trại tù trong Nam. Tù nhân ở gần đâu thì chấp hành án gần khu vực đó, khoảng 300 cây số đổ lại là nhiều.Nếu không căn cứ vào nơi cư trú của phạm nhân, thì người ta căn cứ phạm nhân đó bị kết án tù tại tòa thành phố nào thì đưa đi chấp hành án ở khu vực quanh đó. Nên đôi khi có người miền Bắc nhưng bị kết án bởi tòa miền Nam thụ án trong Nam hay ngược lại. Trường hợp này không nhiều. Người ta làm vậy một phần vì khi xét giảm án, hồ sơ của phạm nhân sẽ được tòa khu vực đó xem xét, nên việc tòa nào xử tòa đó xem tiện lợi hơn. Quản giáo cũng thường là người địa phương tỉnh  hay lân cận. Sở dĩ như vậy là tính nhân đạo của pháp luật, tạo điều kiện cho người nhà đi thăm gặp tù nhân dễ dàng. Cán bộ địa phương thổ ngữ, phong tục am hiểu cũng dễ thấu tâm tư của phạm nhân để nắm bắt giáo dục. Phạm nhân không bi di chuyển xa quá để khác biệt về thổ nhưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như tâm lý tình cảm, không bị khó khăn khi gia đình đi thăm gặp động viên, tiếp tế. Mặc dù khi kết án tù một số người, nhà nước Việt Nam nói rằng ở VN không có tù chính trị, không có tù lương tâm bất đồng chính kiến, mà chỉ có những người vi phạm luật hình sự của nhà nước CHXHCNVN. Nhưng ngay từ khi xét xử đã có những phân biệt như xử công khai mà ngăn cản người đến dự, thậm chí là hạn chế cả thân nhân ruột thịt như anh , em, mẹ... Nhưng sự phân biệt chưa dừng hẳn ở lúc xử, khi phạm nhân bị kết án rồi lại bị đưa đi thi hành án ở những nơi rất xa xôi, khác biệt hẳn về vùng miền. Gây khó khăn cho gia đình thăm nuôi cũng như gây những bất cập cho người thi hành án phạt tù. Gần đây những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam khi bị tòa án cấp thành phố nào đó xử, lúc đầu được giam giữ như thông lệ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó họ bị chuyển đi xa hàng ngàn cây số như trường bloge  Nguyễn Văn Hải bị chuyển từ Nam ra Bắc, trường hợp nhà đấu tranh cho quyền lợi công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh, Mai Thị Dung cũng bị chuyển trại tù từ Nam ra Bắc. Và ngược lại nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng lại bị chuyển tít vào miền Trung. Tuy rằng nhà nước VN nói không có chuyện phân biệt đối xử với những người bất đồng chính kiến, tù nhân chính trị nhưng trong pháp lệnh thi hành án của nước CHXHCNVN lại phân ra làm 3 loại trại giam. Trong đó những người bị kết tội xâm hại an ninh quốc gia bị xếp hạng tù ở trại giam loại 1 ( điều 11 PLTHAPT) cùng với loại tù hình sự tái phạm nguy hiểm hay tù có mức án từ 20 năm đến chung thân. Điều đó có nghĩa là dù người phạm tội XPANQG có bị tù lần đầu tiên, nhân thân tốt, mức án vài năm đi nữa thì cũng bị nhốt chung với những loại tù hình sự nguy hiểm. Loại tái phạm nguy hiểm hay loại đang lãnh mức án 20 năm đến chung thân. (Trại tù loại 1 theo cách gọi của tù hình sự là trại '' trung ương '' để chỉ sự hà khắc mà ngay cả những anh chị giang hồ cũng phải sợ hãi.) Việc di chuyển tù nhân từ trại giam này đến một trai giam khác để chấp hành án phạt tù là rất hạn chế. Nếu chuyển đi vùng miền khác thì càng đặc biệt hơn, phải có lệnh cúa những cơ quan có thẩm quyền. Tức là phải vào dạng đặc biệt có lý do mới chuyển nơi chấp hành án phạt tù. Bởi chuyển tù nhân đi xa sẽ là khó khăn cho quá trình tâm lý, sức khỏe của phạm nhân. Bởi thế điều 16 của PLTHAPT đã được nhấn mạnh - Việc chuyển người từ trại giam này đến trại giam khác Chỉ Được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hay quy định pháp luật. Căn cứ theo thông lệ vùng miền, tòa án thụ lý hồ sơ xét giảm. Căn cứ vào điều 11 , điều 16 PLTHAPT. Cho thấy việc phân loại xếp hạng để đưa vào trại giam loại 1 với các tù nhân tội XPANQG,việc chuyển trại giam đi nơi rất xa nơi cư trú  hay nơi xét xử trong các trường hợp của Nguyễn Văn Hải, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Xuân Nghĩa, Mai Thị Dung là có dấu hiệu phân biệt đối xử giữa các tù nhân . Các gia đình có thân nhân trên có quyền đề nghị đến Bộ Công An, V26 Cục quản lý trại giam đề đòi hỏi làm rõ lý do chuyển trại đối với thân nhân họ và cơ quan nào đã ra quyết định, quyết định trên quy định nào của pháp luật. Việc di chuyển những phạm nhân này cách xa nơi họ cư trú cũng như nơi xét xử là hành vi vô nhân đạo, gây khó khăn cho việc thăm gặp của gia đình phạm nhân, gây cho phạm nhân nhiều trở ngại về phong tục, thổ ngữ, thổ nhưỡng. Trái với những chủ trương nhân đạo của pháp luật là tạo điều kiện cho phạm nhân có hoàn cảnh tốt để yên tâm cải tạo, chấp hành án phạt tù. Mặt khác điều đó cho thấy, không những các phạm nhân bị phân biệt trong quá trình điều tra, tố tụng xét xử. Mà ngay cả đến khi thi hành án phạt tù cũng bị phân biệt đối xử ở những mức độ khiến cho họ nhiều trở ngại hơn trong quá trình CHAPT so với các tù nhân khác. Những hành vi chuyển phạm nhân đến nơi chấp hành án phạt tù xa xôi thế này không những cần phải lên án về mặt pháp lý theo PLTHAPT mà ngay cả về mặt lương tâm cũng cần phải lên án. nguồn: http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2013/10/
......

Mục sư Nguyễn Công Chính thường xuyên bị đánh trong tù

Mục sư Nguyễn Công Chính bị đánh và bị đe dọa thủ tiêu trong tù. Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, Tổng thư ký Hội thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ, cho biết: “Chúng tôi vừa nhận được tin cấp báo của bà Trần Thị Hồng, phu nhân mục sư Nguyễn Công Chính cho biết, hôm 15.10 vừa qua, bà đi thăm nuôi chồng thì được mục sư Chính cho hay ông đang bị đe dọa sinh mạng trong tù. Mục sư cho biết đã hai lần bị mưu sát. Một tù nhân chung trại đã kiếm chuyện hành hung ông, dù ông đối xử rất mềm mỏng, hòa nhã với tất cả mọi người. Bà Hồng cho biết tháng trước đi thăm, thấy chồng bị sung một bên mắt, nên bà hỏi mới hay sự việc”. Mục sư Hoa cho biết tiếp: “Lần này mục sư Chính cho biết là có âm mưu của công an trại tổ chức cho người tự do hành hung, cố sát ông hai lần. Bà Hồng báo lên giám thị trại giam, nhưng họ làm ngơ”. Bà Hồng “xin quy chức sắc tôn giáo và thân hữu cầu nguyện cho mục sư Chính”. Mục sư Hoa, đại diện Tin Lành Lutheran: “Chúng tôi chân thành cám ơn tinh thần hiệp thông của quý vị”. Nữ chánh trị sư Đạo Cao Đài Nguyễn Bạch Phụng lên tiếng: “Kính đề nghị Quý Chức Sắc Tôn Giáo lên tiếng để bênh vực cho MS Chính, đồng thời tố cáo nhà cầm quyền csVn ngược đãi MS Chính, một tù nhân lương tâm trước dư luận trong và ngoài nước”. Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh cho biết: “Sự việc bắt giam mục sư Nguyễn Công Chính rồi ghép tội, vì mục sư đã hướng dẫn đời sống tâm linh cho anh chị em sắc tộc thiểu số Jarai và Bahnar ở tỉnh Gia Lai là một bằng chứng của chính sách hạn chế tôn giáo, và hạn chế quyền tự do tôn giáo của công dân theo quy định của Hiến Pháp”. Việc dung tù hình sự đánh và hãm hại các tù nhân chính trị và tôn giáo là cách thức nhà cầm quyền thường xuyên sử dụng trong suốt gần 40 năm qua đối với các tù nhân người Miền Nam. Việc tồi tệ này được nhà cầm quyền dung cả đối với các phụ nữ như bà mai Thị Dung, cô Đỗ Thị Minh Hạnh … PV. VRNs nguồn: chuacuuthe.com
......

Dân chủ từ dưới lên

Lâu nay, nói đến dân chủ (hoặc không dân chủ), chúng ta thường chỉ tập trung vào một góc độ: chính trị. Trong chính trị, chúng ta cũng chỉ tập trung vào một góc độ: thiết chế (cụ thể là bộ máy chính quyền). Trong thiết chế, chúng ta chỉ tập trung vào một góc độ: cá nhân những người lãnh đạo, và ở những người lãnh đạo ấy, chúng ta thường chỉ tập trung vào một góc độ: cách hành xử, đặc biệt là qua ngôn ngữ, thái độ và hành động của họ trong quan hệ với người dân. Tất cả những cách nhìn trên dĩ nhiên là đúng. Nhưng thiếu. Vấn đề dân chủ hay không dân chủ không phải chỉ thể hiện trong phạm vi chính trị mà còn trong kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa và cả trong gia đình nữa. Chỉ giới hạn trong phạm vi chính trị, vấn đề dân chủ hay không dân chủ không phải chỉ ở thiết chế mà còn ở quan hệ giữa người và người; và ở con người, chúng còn tồn tại ở những nơi chúng ta khó thấy nhất: tâm lý. Từ góc độ tâm lý, dân chủ và không dân chủ có thể được nhìn thấy ở mọi người, ví dụ, trong phạm vi gia đình, có những người bố hoặc chồng dân chủ và ngược lại, cũng có những ông bố hoặc chồng không dân chủ; trong giáo dục, cũng vậy, có những thầy cô giáo dân chủ hoặc không dân chủ; trong phạm vi kinh tế, có những ông/bà chủ, đủ mọi cấp, dân chủ hoặc không dân chủ; và cuối cùng, trong phạm vi quốc gia, có những người lãnh đạo các cấp dân chủ hoặc không dân chủ. Ở những cương vị khác nhau, với những mức độ quyền lực khác nhau trong xã hội, người ta cũng đều có thể trở thành những người dân chủ hoặc những kẻ không dân chủ. Dân chủ khi người ta biết tôn trọng người khác và chấp nhận đối thoại và thương thảo để giải quyết các xung đột; ngược lại họ trở thành không dân chủ khi chỉ khăng khăng cho chỉ có một mình mình là đúng và người khác (từ vợ con đến học trò và nhân viên) đều sai; nếu người khác không chấp nhận cái sai của họ, tiếp tục phản đối, họ sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt hoặc trấn áp ngay tức khắc (với con cái, người ta bợp tai; với học trò, trừ điểm; với nhân viên, sa thải hoặc đe dọa sa thải; với dân chúng, bỏ tù hoặc giết chết). Có thể nói, trong phạm vi chính trị, vấn đề dân chủ hay không dân chủ nằm ở nhiều cấp độ khác nhau: cơ chế, chính sách, cách hành xử, và, quan trọng không kém, trong tâm lý con người. Nhìn từ góc độ tâm lý, vấn đề dân chủ hay không dân chủ có thể xuất hiện ở cả hai giới: lãnh đạo và dân thường. Ở giới lãnh đạo, vấn đề ấy rất rõ và được nói đến rất nhiều: Là dân chủ, khi người ta biết tôn trọng những ý kiến khác, biết chia sẻ ý kiến và quyền lợi cũng như quyền lực với người khác, biết giải quyết các mâu thuẫn bằng sự thương thảo, kể cả việc thỏa hiệp với người khác, biết chấp nhận những luật lệ cũng như quy chế làm giới hạn quyền lực cũng như quyền lợi của chính mình, cuối cùng, biết chấp nhận quyết định của đa số dân chúng trong các cuộc bầu cử cũng như trưng cầu dân ý, kể cả những quyết định hoàn toàn bất lợi cho bản thân mình. Làm ngược lại là không dân chủ hoặc độc tài. Đối với người dân thường, chúng ta không cần đặt vấn đề không-dân-chủ hoặc độc tài bởi ở vị thế của những kẻ không có quyền lực, đó là một vấn đề vô nghĩa. Nhưng chúng ta có thể và, thật ra, nên đặt vấn đề dân chủ với họ. Nói một cách chính xác và ngắn gọn hơn: ở dân chúng, có những tâm lý phù hợp hoặc không phù hợp với dân chủ. Trong trường hợp không phù hợp, tâm lý ấy trở thành đồng minh hoặc trợ thủ của độc tài. Dân chúng có tâm lý dân chủ hoặc phù hợp với dân chủ khi, thứ nhất, họ ý thức về quyền của mình và hành xử theo các quyền được quy định của mình; thứ hai, họ cũng ý thức về quyền của người khác và hành xử theo nguyên tắc tôn trọng các quyền của người khác; thứ ba, trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa các quyền giữa mình và người khác, người ta giải quyết theo một trong hai cách: hoặc dựa vào pháp luật hoặc tìm cách thương thảo, thậm chí, sẵn sàng thỏa hiệp và nhân nhượng; và thứ tư, sau khi đã đạt được một thỏa thuận chung, người ta phải chấp nhận và tuân thủ những điều mình đã cam kết. Ví dụ, ở Úc, trong cuộc bầu cử vào ngày 7 tháng 9 vừa qua, tôi bầu cho đảng Lao Động. Kết quả: đảng Liên Đảng (bao gồm hai đảng Tự Do và Quốc Gia) thắng. Tôi, cũng như gần năm triệu người Úc khác (trên tổng số hơn 14 triệu cử tri), đã bầu cho đảng Lao Động không thể lấy lý do mình không hề bầu cho Liên Đảng để từ chối tư cách cầm quyền của Liên Đảng. Không, luật chơi dân chủ đã định rõ: thiểu số phải phục tùng đa số. Khi kết quả bầu cử đã được công bố và khi mọi người biết Liên Đảng chiếm đa số trong Quốc Hội, không ai – ngay cả các đảng đối lập - được quyền phủ nhận tư cách pháp nhân của Liên Đảng trong vị thế một đảng cầm quyền. Tuy nhiên, dù bầu hay không bầu cho Liên Đảng, người ta cũng có quyền phản đối các chính sách của Liên Đảng khi thấy các chính sách ấy sai hoặc xâm phạm vào một số quyền của chính mình. Khi xuống đường biểu tình hay công kích một số chính sách của chính phủ, người ta chỉ hành xử theo các quyền công dân của mình. Đó là tâm lý dân chủ. Còn tâm lý không phù hợp với dân chủ, thậm chí, có thể nói tâm lý phản dân chủ là sao? Là: Thứ nhất, không biết hoặc không tha thiết đến các quyền của mình. Cứ mặc kệ. Ai làm cũng được, kể cả việc chà đạp lên quyền công dân của mình và của người khác. Trong ý nghĩa này, có thể nói những người theo chủ nghĩa mackeno là những người phản dân chủ, ngay cả với tư cách công dân. Thứ hai, không biết tôn trọng người khác, đặc biệt, không biết tôn trọng đa số. Không quan tâm đến quyền của mình, người ta dễ dàng biến thành nô lệ, nhưng không biết tôn trọng quyền của người khác, người ta dễ trở thành độc tài và độc đoán khi có cơ hội: Cả hai đều là những kẻ thù của dân chủ. Thứ ba, không biết tôn trọng các luật lệ chung đã được quy định (dĩ nhiên một cách hợp pháp và minh bạch). Bản chất của dân chủ, thật ra, là sự tương nhượng để mọi người đều cùng được tôn trọng và cùng có lợi. Sự tương nhượng chỉ có thể đạt được hiệu quả khi có luật lệ rõ ràng. Việc những người cầm quyền trở thành phi- hoặc phản-dân chủ bao giờ cũng là một việc làm có chủ đích, có ý thức và đầy tính toán, do đó, người ta không cần dạy các nhà độc tài cách thức để trở thành dân chủ. Dân chủ hay không dân chủ, từ phía những người lãnh đạo, phải là một sự bắt buộc, mang tính cưỡng chế, hoặc bằng luật pháp hoặc bằng áp lực từ những nơi khác. Nhưng việc người dân trở thành những nhà dân chủ hay không thì lại là một lựa chọn đầy ý thức: Người ta phải biết và phải cố gắng thì mới có được tâm lý dân chủ. Đó là những vấn đề thuộc phạm trù giáo dục. Công việc giáo dục ấy được thực hiện bằng hai biện pháp chính: một, về lý thuyết, qua cách giáo dục; và hai, về thực hành, qua việc tập luyện cách suy nghĩ và hành xử như những nhà dân chủ. Trong việc tập luyện, cơ hội tốt nhất chính là xã hội dân sự, nơi người ta hành xử với tư cách những công dân. Càng ngày người ta càng nhận thấy, một nền dân chủ thực sự và bền vững bao giờ cũng bao gồm một số điều kiện căn bản: Một, phải có thiết chế dân chủ; hai, phải có các điều kiện hỗ trợ cho dân chủ (ví dụ, về kinh tế, phải tương đối cao; về xã hội, tầng lớp trung lưu tương đối đông và mạnh); và ba, văn hóa dân chủ. Trong cái gọi là văn hóa dân chủ ấy, có cái gọi là tâm lý dân chủ chúng ta vừa bàn ở trên. Tâm lý hoặc văn hóa dân chủ có hai chiều: ở trên, thuộc giới lãnh đạo, gồm những người có chức quyền; và ở dưới, gồm toàn bộ dân chúng. Cách tốt nhất để xây dựng dân chủ là bắt đầu từ dưới lên: Chính dân chúng, những người bị trị, cần được trang bị ý thức dân chủ. Nguồn: Blog / Nguyễn Hưng Quốc
......

Vài suy nghĩ về ông Giáp

Vị tướng được những người cộng sản xem là “khai quốc công thần” cuối cùng đã trở thành người thiên cổ vào ngày 4 tháng 10 vừa qua. Vậy là, biểu tượng sống về công lao “giành độc lập” và lý tưởng “cách mạng”, tượng đài hữu danh vô thực về một thời “hào hùng” của những người cộng sản đã trở về với cát bụi. Huỳnh Thục Vy Ông ta đã thực sự rời bỏ cuộc chơi, đã từ giã cõi nhân sinh điên đảo này. Không ai biết ông sẽ đi về đâu nhưng ông đã để lại di sản đầy đau đớn và nhiễu nhương, để lại cho tất cả chúng ta một Việt Nam với tiếng ai oán khắp nơi. Thôi thì cũng cầu chúc ông ra đi trong thanh thản, dù ông đã  lặng thinh một cách vô cảm trước biết bao người đã ra đi một cách bi thương  khác.   Là người đã có công khai sinh ra một Việt Nam cộng sản, thiết nghĩ không cần bàn đến chuyện ông có lý tưởng hay không lý tưởng và sự cần thiết hay không của những cuộc chiến tranh vô nghĩa mà ông đã đóng vai trò lãnh đạo quân sự tối cao, ông phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về sự im lặng của mình trước những trang lịch sử bất công, gian trá và đau thương mà người Việt Nam đã trải qua. Không ít người ca ngợi ông là một trí thức lớn, là nhà văn hoá. Tôi không muốn bàn những chuyện ấy nữa vì đã có nhiều tài liệu lịch sử có sẵn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về ông Giáp. Chỉ xin hỏi: Ông đã làm gì khi luật sư Nguyễn Mạnh Tường kêu gọi dân chủ pháp trị để rồi sau đó bị thất sủng? Nếu là một trí thức lớn thực sự, lẽ ra ông phải biết dân chủ pháp trị cần cho một quốc gia như thế nào trước cả cụ Tường bởi thực tế cho thấy chủ nghĩa cộng sản đã tàn phá quốc gia như thế nào? Nếu không nhận ra khiếm khuyết của một chế độ độc tài cộng sản, ông có xứng đáng với danh xưng một đại trí thức? Và cứ cho là ông không biết gì về độc tài- dân chủ nhưng khi luật sư Tường lên tiếng về xã hội dân chủ, ông không có động tĩnh gì, đó có phải là biểu hiện của một nhân cách lớn? Lại nữa, ông đã ở đâu, đã làm gì khi những Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Hữu Loan bị đấu tố, bị đọa đày? Ông có chút tủi nhục, cảm thương hay phẫn nộ nào không khi hàng triệu người miền Nam bỏ nước ra đi trong tức tưởi khi Việt Nam Cộng Hoà bị cưỡng chiếm để rồi hàng trăm nghìn người trong số họ đã vùi thân ngoài biển cả? Ông nghĩ gì khi tướng Trần Độ đã dũng cảm lên tiếng rồi bị đàn áp? Ông đã làm gì khi cụ Hoàng Minh Chính đã tỏ thái độ đối kháng để rồi bị bỏ tù? Ông đã đứng bên lề bao biến cố đau thương của đất nước. Đó có phải là vị trí xứng đáng của một trí thức hay không? Dù họ là ai, một người vừa mới qua đời nên được cầu nguyện cho sự ra đi bình an. Tôi đã rất phân vân khi viết những dòng này. Có nên viết những lời cay đắng cho một người chết không? Có nên kể tội họ khi họ đã mãi mãi không còn khả năng biện bạch? Nhưng quả tình, tôi không viết những dòng này nhắm vào tướng Giáp, tôi viết cho những người còn sống, cho những người  còn bị ám thị bởi cái ảo ảnh hào quang mà những người cộng sản đã tạo ra. Đa số thanh niên Việt Nam hiện nay sống trong sự lừa gạt đó mà không biết, và cũng không có ý chí vượt thoát ra. Ông Giáp, vị “đại tướng quân” trong mắt nhiều thanh niên Việt Nam, là người góp công to lớn để tạo dựng và bảo vệ chế độ độc tài tàn bạo này. Ông đã sống quá xa cái tuổi “cổ lai hy” và ra đi trong tình thương yêu của gia tộc, trong sự ngưỡng vọng của nhiều người. Nhưng ông có biết đâu, một người có công gây dựng nên một tập đoàn tội ác như ông lại ra đi thanh thản và vinh quang, trong khi chính những nạn nhân vô tội của chế độ thì lại hứng chịu thảm trạng bi đát của gia đình để rồi phải ra đi trong uất ức, tủi nhục. Đó chính là một Đặng Ngọc Viết hiền lành, siêng năng bị chính quyền cướp đất, phẫn uất cùng cực đến mức phải ra tay giết chết một quan chức tỉnh Thái Bình rồi tự sát bằng một viên đạn vào tim. Đó là một Thomas Nguyễn Tự Thành-một thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương về Việt Nam từ Thái Lan, bị sách nhiễu và phong toả kinh tế liên tục bởi chính quyền cộng sản đến nỗi uất ức quá phải tự vẫn bằng cách thắt cổ vào ngày 3 tháng 10, trước ngày ông Giáp chết một ngày. Tại sao ông lại được vinh danh khi chính ông là một phần nguyên nhân của những cái chết đau đớn ấy? Tất nhiên, ông Giáp không còn là lãnh đạo đất nước từ lâu, các chính sách, hành động của chính quyền này ông không tham gia. Nhưng chính  cái quá khứ “oai hùng” và  cái hiện tại vô trách nhiệm của ông tạo nên tính chính đáng cho chế độ tàn ác này. Chế độ này vẫn lấy ông ra làm cái bệ đỡ để biện minh cho những hành động bán nước hại dân của họ. Ông là cái phao cứu sinh khi những người lãnh đạo cộng sản đối diện với sự căm phẫn của người dân vì sự tham quyền cố vị của họ. Vậy mà, không hiểu vì tuổi già làm tiêu hao ý chí, vì sự sợ hãi làm xói mòn lương tâm, hay vì danh lợi của con cháu làm tiêu tan tinh thần trách nhiệm mà cho đến những năm cuối đời ông Giáp vẫn lặng thinh trước hiện tình đất nước vật vã dưới chế độ độc tài, vẫn để cho nhà cầm quyền tiếp tục lợi dụng ông cho chế độ bất nhân của họ. (Chỉ có một lần ông lên tiếng yếu ớt cho vấn đề Boxite Tây nguyên) Giá như ông lên tiếng cổ vũ cho Nhân quyền Tự do thì tiếng nói của ông đã tác động mạnh mẽ đến lương tâm tuổi trẻ và có thể xoay chuyển ý thức của biết bao người dân đang bị ám thị. Một ông Giáp đại tướng quân chắc chắn có khả năng thức tỉnh quần chúng, làm rúng động đảng cộng sản hơn hẳn một Lê Công Định, Phạm Hồng Sơn, Huỳnh Ngọc Tuấn, Phạm Thanh Nghiên hay Phương Uyên chứ? Thế nhưng, ông đã chọn cách sống trong sự co rút và chết trong cờ xí, kèn trống của chế độ cộng sản, hơn là cách sống trong sự phản tỉnh và chết như một chiến sĩ dân chủ. Đáng lẽ tuổi già phải là giới hạn cuối cùng của sự sợ hãi nhưng ông đã để nó đi cùng ông sang tận thế giới bên kia. Có người nói: chúng ta không ở vị trí của ông nên không thể hiểu hết những gì ông phải đối mặt. Đúng. Chúng ta không hiểu hoàn cảnh và vị trí của ông. Nhưng chúng ta có thể hiểu được hoàn cảnh của những bạn sinh viên vì biểu tình yêu nước mà bị nhà trường đuổi học và  mất cả tương lai không? Chúng ta có từng đặt mình vào vị trí Phương Uyên, cô bé sinh viên phải chịu biết bao nhiêu sợ hãi, tổn thương tinh thần khi bị bắt và giam giữ chỉ vì cô bé biểu thị lòng yêu nước? Hay như hoàn cảnh gia đình tôi, ba tôi ở tù khi chị em chúng tôi còn thơ dại và mồ côi mẹ; mười mấy năm trời gia đình tôi sống trong cảnh bần hàn, thất học và sự khủng bố của chính quyền. Hoàn cảnh của ông Giáp có ngặt nghèo hơn hoàn cảnh của những người kể trên hay không? Hay để dễ hình dung hơn, tình huống của ông có khó khăn hơn tình huống của tướng Trần Độ, của cụ Hoàng Minh Chính hay không? Tôi cho rằng, vấn đề là ở lương tâm và bản lĩnh! Ông đã ra đi để lại tất cả, một chế độ độc tài dai dẳng,  những mảnh đời oan khuất, những cuộc đàn áp tiếp diễn, những cái chết oan khiên... Nhưng những dòng này không phải để kể tội ông. Quả thật, thế giới này tồn tại trong trạng thái tương đối của mọi giá trị. Nhưng vẫn có cách để phân biệt những trí tuệ và nhân cách lớn CHÂN THẬT với  sự tô vẽ KHÔNG THẬT. Cầu cho ông ra đi được bình an và xin gởi tới ông sự cảm thương cho một kiếp người đa đoan trong thế giới vô minh này nhưng sự tôn kính thì tôi xin giữ lại cho những con người sống với lương tâm, trách nhiệm và ý chí và chết với nỗ lực lên tiếng cho sự thật. Việt Nam còn rất nhiều người để chúng ta thành tâm ca ngợi và kính ngưỡng, nhưng đó không phải là ông. HTV - Sài Gòn ngày 6 tháng 10 năm 2013 Nguồn:  Bloger huynhthucvy
......

Thật giả hỗn chiến

Năm 1986 Việt Nam buộc phải mở cửa ra với thế giới bên ngoài. Đầu tư tăng nhanh và thương mại nở rộ. Hối mại quyền thế và tham nhũng ngay lập tức đồng hành, có mặt khắp nơi từ trên xuống dưới. Nội bộ đảng cộng sản chia rẽ vì ăn chia không đều. Hố giàu - nghèo khoét sâu thêm trong xã hội: cán bộ có chức có quyền cùng phe nhóm lợi ích giàu ‘khủng’, còn dân nghèo làm việc đầu tắt mặt tối suốt ngày không đủ nuôi con ăn học.   Tuy nhiên có mặt tích cực của mở cửa. Đó là sự hình thành giai tầng trung lưu trẻ, năng động, ham mê internet đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Chính giai tầng trung lưu này đi đầu tố cáo bất công xã hội, lột mặt tuyên truyền bịa đặt một chiều của cộng sản, chỉ trích những sai lầm trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế... bằng thông tin đa chiều và nêu cao giá trị của tiến bộ, tự do, dân chủ trên thế giới. Chỉ vì không chịu cải tổ hệ thống chính trị lỗi thời, kinh tế Việt Nam lâm vào suy thoái từ năm 2010 với lạm phát tăng, thất nghiệp cao, giá sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Thất bại về kinh tế, cộng nguy cơ khó đòi / mất Hoàng Sa - Trường Sa làm người dân bực tức kẻ cầm quyền từ trung ương đến địa phương. Sợ bất ổn xã hội, Nguyễn Tấn Dũng tăng cường công an trị và ký nghị định số 72/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-9-2013, với lý do nói là để bảo vệ tác quyền, nhưng chủ ý nhằm kiểm soát người viết blog trên mạng, chỉ cho phép chia xẻ thông tin cá nhân, cấm đăng lại bài trên báo điện tử khác (dù là của nhà nước) mà không dẫn nguồn hay xin phép tác giả. Nhiều blogger đã bị bắt, như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Đinh Nhật Uy, Điếu cầy, Tạ Phong Tần, các nhạc sĩ Việt Khang, Trần Vũ An Bình... Nhưng bất ổn xã hội vẫn tăng. Đã có đổ máu và thương vong trong tranh chấp đất đai ở Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình. Ở Nghệ An giáo dân và công an đã ‘giao tranh bằng gạch đá’, Giám mục Nguyễn Thái Hợp kết tội chính quyền địa phương đàn áp tôn giáo. Đưa tầm mắt ra ngoài Việt Nam, chúng ta thấy nổi lên nhiệm vụ phát triển vùng của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (Asean), và vai trò chiến lược hàng đầu của Châu Á - Thái Bình Dương. Tương tác giữa các siêu cường đang hướng về “Cộng tác trong Cạnh tranh” / “Cạnh tranh trong Hợp tác”. Và các siêu cường đều đã lên tiếng ủng hộ Asean đi vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Liệu Việt Nam có thể đi ngược lại nhận thức chung và quyết tâm chính trị chung của cả khối Asean? Ít ra trong lúc này chúng ta có thể nói một Việt Nam chuyển từ độc tài sang dân chủ, là viễn cảnh mà Asean mong đợi từ lâu. Mỹ cũng trông chờ điều này xảy ra để hội nhập Việt Nam vào tổ chức Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang hình thành. Dân chủ hóa Việt Nam rõ ràng không thể tránh khỏi và mang tính cấp bách. Không có con đường nào khác, vì phát triển và dân chủ phải đi đôi với nhau. NHƯNG hiện đang xảy ra hai hướng giải quyết đối nghịch nhau: - Một mặt, Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam đang ra sức giữ độc quyền lãnh đạo bằng cách: đàn áp những tiếng nói chân chính đòi dân chủ và thi hành dân chủ giả hiệu từ trên xuống. Dễ có thể thấy qua những đòn ngón bá đạo như kiểu lấy phiếu “tín nhiệm cao, tín nhiệm vừa, tín nhiệm thấp” các cấp lãnh đạo, hay đến nhà ép dân phải đồng ý với những sửa đổi hiến pháp 1992 hoặc đang tính cải biến Mặt trận Tổ quốc cho có dáng dấp là tiếng nói phản biện của những tổ chức trong xã hội… - Mặt khác, khi tham gia vận động nhân quyền và dân chủ, những người tranh đấu luôn sát cánh cùng quần chúng để thiết lập Dân Chủ thực sự từ dưới lên. Nhiều giới trong xã hội đang dùng internet lên tiếng đòi giới cầm quyền phải tôn trọng những nhân quyền căn bản của người dân. Thí dụ: trí thức, thanh niên, sinh viên, giới trẻ, giới làm báo đòi phải có tự do tư tưởng, tự do thông tin, tự do phát biểu ý kiến; tín đồ các tôn giáo đòi phải bỏ ‘giáo hội quốc doanh’ và tôn trọng quyền tự do hành đạo; người lao động đòi quyền sở hữu đất đai, đòi công đoàn độc lập, đòi quyền được đình công... Đây chính là những mầm mống xã hội dân sự đang hình thành và lớn mạnh trong đấu tranh. Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng âm mưu sử dụng nghị định 72 và điều luật 258 hòng tiêu diệt sự ra đời của các xã hội dân sự. Nhưng đây là tiếng nói của phong trào quần chúng gồm đông đảo người dân bị bóc lột, bị áp bức thuộc đủ mọi tầng lớp, đủ mọi ngành nghề trong xã hội. Đòi hỏi có chính nghĩa, hàng ngũ tham gia ngày càng đông, lại thêm có kỹ thuật mới hỗ trợ chống kiểm duyệt internet, cho nên phong trào bằng mọi giá phải đánh bại 72 và 258. Trong cuộc hỗn chiến giành tự do internet, tất cả các xã hội dân sự của chúng ta đều xuất phát từ hạ tầng cơ sở, cùng quyết tâm nói lên nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng mình. Chính những xã hội dân sự hừng hực khí thế đấu tranh dân chủ cấu thành sức mạnh quần chúng. Và sức mạnh quần chúng có sứ mạng là áp đảo tập đoàn Bộ chính trị Hà nội, buộc chúng phải chấp nhận lộ trình dân chủ hóa từ dưới lên. Chúng ta cũng cảnh cáo trước: những tổ chức xã hội dân sự quốc doanh trong Mặt trận Tổ quốc, hoặc bất cứ hình thức nào dù chìm hay ‘lơ lửng nổi’ nhằm giúp Hà nội thực hiện dân chủ bịp bợm, đều là phản động và sẽ lụn bại vì ‘hồn Trương Ba da hàng thịt’ (*). 10-2013 Nguồn: danoanbuihang.blogspot.de/
......

KẺ THÙ NÀO CỤ CŨNG OÁNH TUỐT…NHƯNG CÁC ĐỒNG CHÍ CỦA CỤ OÁNH CỤ, THÌ CỤ….XIN HÀNG!

Đáng lẽ theo câu nói của người Pháp có học “Paix aux morts” (bình an cho người vừa mới chết), thì bất cứ ai, vừa chết, ta không nên phê phán, bới lại chuyện xấu xa, thậm chí tội lỗi của người ấy ngay lúc người ấy… chết chưa kịp chôn! Mọi chuyện đâu còn đấy! Chẳng đi đâu mà vội mà vàng, nhất là đối với những nhân vật mà lịch sử đang còn có nhiểu dấu hỏi như trường hợp cụ Giáp! Thế nhưng, cho tới hôm nay, cái “số” của cụ Giáp có lẽ không được “tốt” lắm lúc cuối đời (kể cả khi qua đời) là, khắp nơi trên thế giới cũng như trong nước hàng vạn, hàng triệu ý kiến thương tiếc cụ có, oán trách, kể tội cụ có. Tệ hại nhất là thêu dệt, dấu diếm, và….tiếp tục nói dối về cụ, bất kể có thuyết phục được ai hay gây cười cho ai không!!! Không kể đến những nạn nhân trực tiếp của chủ nghĩa cộng sản (gia đình tan nát, mất mạng, mất hết tài sản, căm thù chủ nghĩa cộng sản đến tận xương tủy), tung lên trên mạng, trên báo chí nước ngoài những bài viết bất cần đến đạo lý thông thường “paix aux  morts” –“để sau sẽ tính”! Những bài viết của Currey, S.Karnow, của Pomonti, Boudarel, Lacouture…viết từ năm nảo năm nào đều được… cắt cúp in lại (kể cả ở Việt Nam) với những bình luận đủ kiểu... Chỉ một câu: ”Ông Giáp chỉ thắng chúng ta (Người Mỹ) trong chiến tranh chứ không thắng trong mỗi trận đánh” của J. Mc. Cain, tờ Neww York Times ngày 4/10/2013 đã đặt ra một vấn đề làm nức lòng những ai chống cộng bằng bất cứ giá nào: Tướng Giáp không hề thương sinh mạng của quân tướng mà sẵn sàng theo bài học của Mao là: a/ Tuyên truyền b/ Khủng bố và c/ Chiến tranh du kích kéo dài!? Thế là hàng vạn ý kiến của cư dân mạng, của các nhà báo đủ mọi lề, bên Tây, bên Mỹ, bên Ta lẫn bên Tầu nhao nhao lên bình lựng. Chỉ riêng việc J. Mc Cain kể lại lời cụ Giáp gặp ông ta lần thứ 2 tại nhà riêng (khi đã hết quyền lực): “Người Mỹ diệt chúng tôi 10 người thì ít nhất chúng tôi cũng diệt của họ 1! Nhưng người chán nản bỏ cuộc sẽ là các ông!"...rồi nêu lên nhận xét: "tướng Giáp là tướng nướng quân hay tướng biết sót sa, biết tiết kiệm xương máu của quân?"... lại một lần nữa làm nổ ra tranh luận, thậm chí ném đá nhau tơi bời! Và hàng vạn ý kiến suốt 4, 5 ngày qua xảy ra tranh cãi, thậm chí phán đoán mò, dự báo vu vơ và cả vạch tội nhau, lên án nhau về những hiện tượng bất thường như: - Tại sao phải để gần 2 ngày trời mới chính thức thông báo về một vị tướng mà thực chất đã thôi làm tướng cả hơn 20 năm? - Tại sao lại phải huy động toàn bộ Bộ Chính Trị đương thời (trừ 2 bà Ngân và Phóng) vào Ban tang lễ? - Tại sao lại phải để đến 10 ngày trời mới tổ chức lễ tang? - Tại sao lại “để cho” Nhân Dân tự động phúng điếu sớm tại tư gia, dẫn đến hàng loạt vụ đàm tiếu (vụ sao Đàm Vĩnh Hưng, vụ cựu chiến binh, dân oan mất đất 24 năm đi kiện không thành công, Phàng Sao Vàng...) - Tại sao lý lịch của cụ công bố chính thức chỉ có công ăn việc làm đến tháng 12/1986 là… The End?, mất đứt đi 27 năm dù cụ vẫn còn sống khỏe vẫn là chủ tịch Ủy ban Sinh Đẻ có Kế Hoạch mà chưa hề có quyết định… nghỉ hưu!?? -Và còn cả ngàn cái “tại sao” nữa mà mà tán rộng, tán hẹp đủ kiểu thì… tha hồ! Riêng cái công việc tuyên huấn về việc cụ “đột ngột” ra đi, thì quả là… gây rối cho các nguồn tin về cụ nhất! Chẳng ngày nào không có “tin mới” mà tin nào cũng thừa đất để… phán đoán, bình luận… Chẳng hiểu là vô tình hay cố ý? Ngu dốt hay dại khờ? Ví dụ: - Suốt từ hôm 7/10 tới giờ thì trưởng Ban tổ chức tang lễ không thấy nhắc gì đến cái tên Nguyễn Phú Trọng nữa! Mọi quyết định phúng điếu, chôn cất ra sao, thậm chí cả đến chở thi hài cụ bằng phương tiện gì, phi cơ dân dụng hay quân sự… đều do Trưởng Ban Tổ chức Nguyễn xuân Phúc, người cùng ngang cấp phó thủ tướng với cụ Võ (lúc “phải” rời quyền lực) làm… Trưởng Ban tổ chức (!?) chính thức chủ trì mọi cuộc họp báo công bố mọi quyết định?! - Vụ bố trí các tướng, tá, cựu trào gần cụ suốt nửa thế kỷ mà chỉ toàn là những vị nói đi cũng như nói lại, loanh quanh những điều photocopy của nhau, nhắc đi nhắc lại những điều khen cụ chung chung, đức độ, tài ba, khiêm nhường, sáng suốt... Chẳng một ai dám nói đến nỗi đau 20 năm cụ bị cái tì vết to tướng và nhục nhã nhất là: “con nuôi của Pháp”, “là C.I.A”… (qua vụ Năm Châu, Sáu Sứ), là: ngay khi vào Vinh để cùng đoàn ứng cử Trung Ương Khóa VII ra mắt danh sách đề cử, cụ bị gọi ngay về để trình bầy về những tội “phản bội Tổ Quốc”, “phản bội Đảng”, “phản bội Nhân Dân”!? mà những kẻ muốn hạ bệ cụ tuy nay đã chết gần hết, nhưng hậu duệ của bọn ngụy tạo ra vụ án này, không phải đã hết, thậm chí còn ngồi vững chắc các chiêc ghế Trung Ương là đằng khác! Và “vụ án” Năm Châu, Sáu Sứ này, mặc dầu đã có kết luận, Sáu Sứ đã bị bắt, ngay thời kỳ ông Tổng Nông, nhưng yêu cầu làm rõ của chính cu Võ và sau đó là kiến nghị, thắc mắc của hàng loạt tướng tá, lão thành cách mạng yêu cầu làm rõ mọi chuyện về vụ năm Châu, Sáu Sứ này đều bị bỏ qua và “treo” cho đến ngày cụ đã bị tháo mọi máy móc, ống truyền nước, thức ăn để qua đời trong ân hận? Làm sao giải đáp nổi mọi bí ẩn trong thâm cung của mấy chú lãnh đạo hậu sinh, đàn em? Họ muốn gì,làm gì và đang mưu đồ gì? Và làm sao có thể không động tới quả tim và những cái đầu của những người có lương tâm, ”những người cứ muốn dính líu vào mọi việc chẳng dính líu gì đến mình cơ chứ”! - Mới nhất là 2 ngày 8 và 9/10, báo chí lại rầm rộ đưa tin: Nơi cụ Võ yên nghỉ sẽ là Vũng Chùa, Đảo Yến. 2 máy bay dân dụng (không phải là chuyên cơ hay quân sự gì đâu nhé) sẽ bay theo đường bay nào? tăng-bo từ ô-tô sang máy bay và từ máy bay sang ô-tô như thế nào? từ đâu đến đâu! Thậm chí có cả bản đồ hướng dẫn, cả ảnh chụp hàng đoàn xe ủi, xe lăn đang làm đường (cấm dân đi lại, vô xem...) để xe chở quan tài vị tướng giản dị, liêm khiết họ Võ sẽ được nhẹ nhàng lăn bánh tới cái nơi rất khó có thể đến thăm này. Tất cả đều được phép của tuyên giáo công bố công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Và một loạt những “bình lựng” lại được phát tán khắp các trang mạng với đủ loại mỉa mai, khích bác… nhất là khi ai đó đưa tin con trai cụ có cái tên mà dân miền Nam rất ghét “Võ Hồng Nam” (Dùng võ nhuộm đỏ miền Nam?!) đang là chủ đầu tư cái khu du lịch chắc chắn sẽ thu hút khách ở ngay cái nơi cha mình sẽ yên ngủ: Đảo Yến! - Nổi bật hơn cả mọi cuộc tạ thế khác (kể cả cụ Hồ) là toàn quốc sẽ có đến cả trăm bàn thờ để nhân dân, bộ đội, đèn nhang hoa hoét đến vái cụ do Tổng Quân Ủy, (ông Phùng Quang Thanh chứ chắc chắn không phải là của ông… Nguyễn Chi Vịnh đã chỉ thị) mỗi trung đoàn sẽ phải thiết lập một bàn thờ cụ và phải mở rộng cửa doanh trại cho công chúng vào viếng thăm! Chắc từ nay đến ngày 13/10 này sẽ còn nhiều tiết mục chưa từng thấy diễn bao giờ! Tha hồ cho mọi thành phần, mọi phương tiện truyền thông lề phải lề trái bộc lộ hết mọi ý đồ tốt, xấu, lợi, hại, của mình… Bởi dzậy, là người sẵn sàng NÓI THẬT lòng mình trước một số ý kiến và việc làm mà mình “cho là” không hợp với sự hiểu biết, với cảm nhận của mình, mình đành lòng phát ra vài ý kiến sau đây mà chẳng ngại mất lòng ai hoặc lo bị ai “ném đá”: 1/ Mình không hiểu nổi với cái chữ “đột ngột” nhắc đi nhắc lại nhiều lần của rất nhiều ông tướng tá về sự ra đi của cụ Giáp? Rõ ràng là các vị này đã phải nói dối ngay với lòng mình! Kể từ ngày cụ Giáp phải đưa vào bệnh viện 108 (24/6/2009) cho đến ngày 7/10/2013, tất cả là 1359 ngày! Đặc biệt sau 128 ngày, khi cụ phải chuyển sang cuộc sống thực vật, có ai mà chẳng biết Cụ sẽ ra đi bất cứ lúc nào! Riêng với mình thì mình thêm cái vế “…khi người ta muốn cụ ra đi”. Thậm chí, mình thú thiệt: Mình mong ơn trời giúp cụ sớm ra đi cho đỡ khổ cụ, khổ gia đình cụ và khổ cả hàng loạt bác sỹ, y tá, điều dưỡng phải phục vụ cho một “cái xác còn thở bằng máy” (*), ngày càng teo tóp lại đến mức không ai có thể ngờ được đó là hình hài một vị tướng tài ba đến người nước ngoài cũng phải đặt tên là “Napoléon đỏ” hoặc “Alexandre Đại Đế của Việt Nam” oai hùng lẫm liệt ngày nào! Chướng mắt (và vụng về nữa) là mỗi lần có mấy chú lãnh đạo đương thời vào thăm chỉa bằng khen, bài viết về cụ cho cụ sờ sờ ra vẻ “đã xem” thì mình thấy ngay: “Rõ ràng đây chỉ là một trò đánh thấp uy thế chính trị của cụ mà thôi! Vậy mà người ta vẫn cả gan lấy cả những tấm ảnh đã chụp cụ không còn ra hồn người nữa từ tháng 7/2012 mà tung lên báo với dòng chữ “Đại tướng tỉnh táo đến giờ phút cuối cùng”!!!     Rõ ràng 1559-129=1430 ngày sống trong tình trạng không nói được thở, ăn, uống, tiêu hóa bằng máy mà còn nói chuyện, uốn nắn lại tiếng Anh (không phải là tiếng Pháp nhé!) cho nhân viên phục vụ, hỏi thăm, dạy dỗ mọi người thì… quả là cụ đã trở thành… Thánh, vượt qua mọi tổng kết của y học tiên tiến nhất trên thế giới về “cái chết lâm sàng” và cái chết không đau đớn (euthanaxie)! (“Những ngày cuối đời ở bệnh biện 108” và “Sức khoe đại tướng suy giảm từ ngày 129 – T.Trẻ ngày 10/3 trang 5) Và sau 1430 ngày đợi chờ đó (kể cả mình)… mà ai đó, khi nghe tin cụ đã ra đi đã khóc rống lên vì… quá đột ngột thì quả là… khóc bằng cái… đầu lưỡi! Theo mình, lúc này muốn khóc thật là phải nói lên cái nỗi khổ 22 năm của thủ trưởng cũ của họ: Đến chết cũng chẳng ai lên tiếng bạch hóa cho Cụ những sự vu cáo chính trị ác độc, hại người của những kẻ đồng chí nhưng không đồng hướng với cụ! Chẳng lẽ các tướng tá, những người thân giúp việc cụ cả 4, 50 năm không biết nỗi khổ và sự cô đơn của cụ, sau các vụ vu cáo không được kết luận (nghe nói đã có kết luận nhưng bị ỉm đi để tránh lộn xộn nội bộ?) là những vụ bị “vứt vô sọt rác” những bức tâm thư góp ý của cụ: 1-/ không nên phá nhà Quốc Hội 2-/ không nên sát nhập Thủ đô vào Hà Đông, Hòa Bình, Vĩnh Phúc 3-/ Không nên khai thác bô-xít Tây Nguyên Không! Tuyệt đối không ai kể cả những người làm thư ký riêng cho cụ, mãi tận hôm nay như đại tá Huyên! Vị nào cũng có vẻ… thương cụ thì thương nhưng trước hết phải giữ chặt lấy cái… vinh quang và sinh mạng chính trị của mình đã! Ngoại trừ trường hợp VTV1 sơ xuất để lọt trường hợp phỏng vấn đại tá Hà Minh Phương khi để ông này tiết lộ “Đời sống đại tướng nay đang khó khăn!? Lương đại tướng nay còn thấp hơn lương em”…và có rơm rớm nước mắt thật tình khi nói đến chuyện Cụ muốn chia tiền bản quyền với đại tá Phương nhưng ông từ chối“! Không một lời yêu cầu bạch hóa các vấn đề mà cụ Giáp chờ đợi suốt mấy kỳ đại hội Đảng. Không một lời vạch rõ cái lý đúng đắn của thủ trưởng minh qua các “tâm thư” vô ích! Càng không có một quyết định đưa cụ lên hàng gì gì đó (Nguyên soái chẳng hạn) như mong ước, nguyện vọng kể cả kiến nghị của một số tướng tá, lão thành cách mạng để khỏi lầm lẫn giữa viên ngọc thật với cả đống ngọc giả đang lẫn lộn trong một cái bị tướng tá của lực lượng quốc phòng - an ninh. Và quan trọng nhất: Cứ để lý lịch bị vấy bẩn của cụ đó mơ-mơ-hồ-hồ trong tâm trí của toàn dân để khỏi phải công khai nhận tội thay các tiền nhân mà họ đang thừa kế hai thứ vũ khí cực kỳ sắc bén của…. đảng trị muôn năm: lực lượng võ trang + nhà tù và bộ máy truyền thông khổng lồ gồm 700 tờ báo và gần 70 cái đài tivi, phát thanh với hàng trăm kênh đủ loại chỉ khởi động khi có một “nhạc trưởng” duy nhất vẫy tay ra lệnh! Bởi tất cả đã trở thành “chủ trương lớn” của mấy chú lãnh đạo đàn con, đàn cháu cụ, hôm nay đã thay đổi tận gốc mọi quan niệm bạn-thù, mọi chính sách về kinh tế, thậm chí đã dám coi cụ là bị bọn “biến chất thoái hóa” (như bọn bô-xít chẳng hạn) chúng chẳng qua chỉ lợi dụng cụ để đấu tranh đòi xóa bỏ Đảng, lật đổ chính quyền! Họ nghĩ gì, làm gì, nói gì là…chỉ có đúng vì họ có trong tay cả một lực lượng nhà khoa học, có hàng loạt học viện hàn lâm, gồm: 9.000 giáo sư, 24.000 tiến sỹ, 101.000 thạc sỹ, 2.700.000 cử nhân thì cái chuyện giảng giải cho bọn họ, can ngăn này nọ chỉ là chuyện dở hơi của mấy anh già lẩm cẩm….sắp chết! Cho nên, cái “chết hẳn” của cụ đại tướng hôm nay theo nhận định lơ tơ mơ của mình thì: Tất cả đều có chỉ đạo, lập trình tỉ mỉ, chọn ngày giờ rất kỹ càng để: a/ Có sự tập hợp đông đủ của toàn thể Trung ương ủy viên để cùng chịu trách nhiệm, đặc biêt là chuyện “vượt trần” hình thức tang lễ theo quy định: từ lễ tang nhà nước cho một chức vụ cao nhất là phó thủ tướng của cụ đại tướng sang quốc tang (thậm chí siêu quốc tang) b/ Qua quyết định chưa từng có này, gián tiếp trả lại danh dự cho cụ đại tướng mà không cần phải phê phán, xin lỗi ai, bơi móc lại bất cứ sự kiện gì, va chạm tới những vị “cha-bố” tuy già khú đế nhưng chưa chịu chết, muốn diệt bằng được ông đại tướng hay nói tiếng Tây, đua đòi pia-nô, pia-đùa, tự diễn biến thành giai cấp tư sản thứ thiệt! c/ Ra lệnh cả nước truy điệu cụ đại tướng ngoài bách niên mới chết… thật để phân tán bớt những “lực lượng thù địch” có thể nhân dịp tập trung ở một chỗ nào đó mà tung ra những lời phát biểu, những hành động bất ngờ nguy hiểm cho lãnh đạo như đã từng xảy ra tại tang lễ tướng Trần Độ! d/ Nơi chôn đại tướng tại Quảng Bình quê cụ dù ở Lệ Thủy hay Đảo Yến, ở đâu cũng tốt hơn là chôn cụ ở Mai Dịch vì tránh được những sự phân biệt đối xử của đám quan quân sùng bái cụ sẽ nườm nượp vô thăm với những vòng hoa có…. chúa mới biết sẽ là những lời tuyên bố gì gì đây! Hơn nữa, nếu đúng đảỏ Yến là nơi con trai cụ đang phát triển kinh doanh du lịch thì việc ít hay nhiều người viếng thăm nơi an nghỉ cuối cùng của cụ là do gia đình cụ muốn thế chứ đâu phải của Bộ Chính Trị, của Ban chấp hành T. Ư.! Và trước mắt, mới có bốn ngày mà đã thấy: 1- Nội bộ mấy anh lắm điều hay phản biện, phản bị … đã phấn khởi hẳn lên (!), thay nhau ngợi ca một lãnh tụ cộng sản hết lời, hết chữ. Nào là “Vị tướng của dân” “Vị tướng của hòa bình”, “Vị tướng được cả tài lẫn đức”, ”được cả võ lẫn văn”! Nào là “Nhân vật “kiệt xuất”, ”phi thường”, ”người thiết kế cho nghệ thuật chiến tranh nhân dân”,… là “chỗ dựa” cho giáo dục, là “bệ đỡ” cho trí thức v.v .và v.v... Thậm chí có anh viết bài lề trái mà vui xướng tới mức tung ra cái đầu đề “Cái chết của Võ đại tướng đã làm chúng ta xích lại gần nhau!” 2- Tất cả mọi sự xảy ra trên đời gần như bị quên lãng bỏ bê hết. Tất cả chỉ còn bàn về cái “chết hẳn” của một vị tướng suốt 20 năm qua đã bị… vô hiệu hóa một cách vu vơ, mù mờ, bất cần giải thích. 3- Bắt đầu có sự chia rẽ trong hàng ngũ những người hay lên tiếng chỉ trích mọi sự suy thoái của đảng vì qua cụ Giáp chết lời lẽ chống ít, chống nhiều, hay… “vớ chồng” không thể không lòi cái đuôi hoặc dài hoặc ngắn ra! Thế là mỉa mai, phê phán, thậm chí chửi thẳng nhau (nhất là trên Fb.) Ai có lợi trong vụ “chết hẳn” của cụ Võ lần này??? Ai? Ai? Đâu có cần nữa câu trả lời!! Hãy chờ cho đến hết ngày 13/10, khi cờ rũ được kéo lên đỉnh cột trở lại, khi nghị quyết trung ương 8 được công bố... và khi ông thủ tướng Trung Quốc bắt đầu chuyến viếng thăm và đàm phán, ký kết cái gì sau đó... Sẽ còn nhiều chuyện bất ngờ mà cái “chết hẳn” của cụ Võ sẽ là cái mốc dễ nhớ cho một thời gian cực kỳ tế nhị cho đảng, cho chính phủ và quốc hội của các ông ấy sẽ diễn ra ngay tháng này! Liệu mình có quá đoán mò không các bạn? __________________ (*) Chứng kiến và phục vụ trực tiếp cho những người thân phải sống đời sống thực vật đã nhiều lần, mình đã rút ra được những kết luận nhờ được một số bạn giáo sư bác sý uy tín cho biết: a/ Đó là những cố gắng vô vọng của những tình thương cha mẹ-con cháu, ông bà, dù biết rằng cái chết thật sự sẽ là… phải đến. Hoặc do thân xác tự hoại dù có nuôi dưỡng bằng các thức ăn qua ống nuôi, truyền dịch nhưng không thể sống lại là 100%! (Truờng hợp em trai mình “sống” đời thực vật 21 ngày nhưng nửa người dười đã bị lở loét, phân hủy, hôi thối mà người đau nhất lại chính là gia đình, vợ con và thằng anh trai duy nhất xuýt chết vì… không thể không sống bên cái thi hài còn được ăn, uống, thở nhân tạo suốt 21 ngày đêm của em ruột mình).   b/ trừ trường hợp gia đình đồng ý, thì tại một số nước, bác sỹ có quyền rút các ống (sonde) ra để bớt nỗi khổ cho cả gia đình, lẫn người chết lâm sàng không có khả năng sông lại được! (Ở VN, liệu có được áp dụng những “động tác giải thoát” này trong trường hợp cụ Giáp không đây? Nguồn: to-hai.blogspot.de
......

Là Huyền Thoại Chưa Hẳn Đã Sướng!

Trong lịch sử của đảng cộng sản VN, có hai nhân vật được/bị nâng lên thành hai “huyền thoại” ngay khi họ còn đang sống: Hồ Chí Minh, Cố Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Võ Nguyên Giáp, Cố Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Võ Nguyên Giáp và HCM Và một khi đã trở thành huyền thoại, cuộc đời của họ, cho đến cái chết của họ, không còn hoàn toàn thuộc về họ nữa, đặc biệt trong một chế độ như chế độ cộng sản. Về cái chết, cũng giống như đối với ông Hồ Chí Minh trước kia, cái chết của ông Võ Nguyên Giáp không được đảng và nhà nước cộng sản công bố ngay, vì Bộ Chính trị còn phải bàn bạc về việc công bố tin như thế nào, tổ chức tang lễ ra sao, xử lý như thế nào đối với di hài v.v… Chỉ có điều, khác với thời ông Hồ Chí Minh, mọi thông tin được nhà cầm quyền kiểm soát chặt chẽ, không gì có thể lọt ra ngoài, còn bây giờ, khi báo chí “lề đảng” buộc phải im lặng chờ “lệnh trên” thì báo chí “lề dân”, các trang mạng xã hội như facebook cho đến báo chí nước ngoài, đã nhanh chóng đưa tin về cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vẫn chưa hết. Sau khi báo chí chính thức được phép đưa tin thì bộ Chính trị lại tiếp tục bàn bạc, tranh cãi về việc chôn ở đâu. Cho đến chiều ngày 7 tháng Mười, nghĩa là đúng 3 ngày sau khi ông Võ Nguyên Giáp qua đời thì nơi chôn cất ông mới được quyết định xong: “An táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - đảo Yến” (Báo Tuổi Trẻ). Cái tin này cũng khiến nhiều người ngạc nhiên vì địa điểm chôn cất, theo báo Tuổi Trẻ: “Vũng Chùa-đảo Yến cách đèo Ngang 10km về phía Nam, cách quốc lộ 1 về phía biển khoảng 2-3km. Đây là một vũng biển nhỏ, đảo Yến nằm cách Vũng Chùa 2km ngoài biển...”. Một số blogger cho biết, đây là một nơi “khỉ ho cò gáy”, không có dân. Như vậy nếu người dân muốn đi viếng ông Võ Nguyên Giáp cũng sẽ khó khăn. Báo chí đưa tin đây là kết quả bàn bạc giữa Ban tổ chức lễ tang của nhà nước và gia đình, cũng là nguyện vọng của Đại tướng lúc còn sống. Nhưng không biết đây có thật là nguyện vọng cuối cùng của ông Võ Nguyên Giáp hay cũng vì một “lý do” nào đó, đảng và nhà nước cộng sản đã quyết định thay cho người đã khuất, y như trước kia, đảng và nhà nước cộng sản đã làm trái đi ý nguyện muốn được hỏa táng, đem tro rải ba miền của ông Hồ Chí Minh? Đối với một chế độ không có cái gì là minh bạch, là trung thực như chế độ cộng sản ở VN thì khó mà biết được. Ngày nay khi một phần sự thật về cuộc đời của những “huyền thoại” như ông Hồ Chí Minh hay ông Võ Nguyên Giáp được hé lộ, nhiều người đã biết được phần nào mặt trái của những tấm huy chương, những nỗi cay đắng mà những “huyền thoại” đó đã phải chịu đựng trong nhiều năm dài khi họ còn đang sống, bởi chính những người đồng chí, đàn em của mình. Một người là ông Hồ Chí Minh phải chịu cảnh bị vô hiệu hóa, ngồi chơi làm vì trong những năm cuối đời, có vợ mà không được nhận vợ, có con mà không được nhận con, phải làm thánh sống, từ ngày sinh tháng đẻ, họ tên thật, dòng dõi thật cho đến ngày chết suốt một thời gian dài cũng chẳng có cái gì là đúng. Rồi phải chịu cảnh sau khi chết thi thể không toàn vẹn, không được chôn cất trong bao nhiêu năm…đứng về mặt tâm linh, truyền thống văn hóa của người Việt phải nói là vô phước, bất hạnh. Còn ông Võ Nguyên Giáp cũng bị đàn em cho ra rìa từ lâu, từ cuối thập niên 60 khi phe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đã thâu tóm quyền hành trong tay, đặc biệt từ sau năm 1975 khi quyền uy tối thượng nằm trong tay ông Cố Tổng Bí thư lâu năm nhất của Đảng Cộng sản VN: Lê Duẩn, hai lần thoát chết về mặt chính trị, may nhờ nhẫn nhục mà giữ được tính mạng. Những năm cuối đời, ông Giáp cũng có lên tiếng góp ý về một vài vấn đề lớn của đất nước, chẳng hạn như về Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ông đã vài lần viết thư yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dừng dự án này, vì lý do an ninh quốc gia và vấn đề môi trường, nhưng không được hồi đáp. Qua cách đối xử với những người được gọi là có vị trí lớn nhất nhì trong lịch sử đảng cộng sản VN, những người cộng sản cho thấy họ thực sự là những con người như thế nào. Họ không chỉ tàn bạo, sắt máu với kẻ thù, mà còn sẵn sàng tìm mọi cách hãm hại đồng đội, đồng chí nếu cần, kể cả “vị cha già dân tộc” và “anh cả của quân đội” họ cũng không tha. Khác với những chế độ khác, không “chịu” được nhau là công khai lật đổ, đảo chính, những người cộng sản luôn luôn cố gắng giữ bề mặt tỏ ra đoàn kết nhưng phía sau hậu trường chính trị là những âm mưu bẩn thỉu, những trò chơi đê tiện, hạ gục, loại bỏ nhau trên con đường chính trị không thương tiếc. Vậy mà trong đám tang những con người bị họ chơi cho sát ván hoặc chẳng coi ra gì lúc còn sống, họ lại làm linh đình, đến viếng, bày tỏ xót thương… Khi những chế độ cộng sản ở Liên Xô hay các nước Đông Âu sụp đổ, bao nhiêu sự thật hậu trường chính trị, những cuộc thanh trừng, hạ bệ nhau trong bóng tối, sự thật về các lãnh tụ, các nhân vật lịch sử, công tội ra sao…mới dần dần được bạch hóa. Chế độ cộng sản ở TQ, VN hay Bắc Hàn bây giờ rồi cũng thế. Không biết trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, ông Hồ Chí Minh hay ông Võ Nguyên Giáp có giây phút nào day dứt về những việc mình đã làm, chưa làm, lẽ ra phải làm, day dứt về con đường mà mình đã chọn, trước hiện tại và tương lai ngổn ngang của đất nước, dân tộc? Không ai có thể biết được. Cũng có thể là hoàn toàn không. Nhưng so với Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp đã sống lâu hơn nhiều, để có thể nhìn thấy hiện thực của đất nước sau chiến tranh, hiện thực của cái giấc mơ mà ông và hàng triệu người cộng sản khác đã mơ, của cái chiến thắng mà ông, một vị tướng, đã đổi bằng hàng núi xương máu của những người lính vô danh và nhân dân vô tội. Bi kịch lớn nhất của Hồ Chí Minh-người được xem là khai sinh ra nước VN Dân chủ Cộng hòa tức nước Cộng hòa XHCN VN, và Võ Nguyên Giáp-người đã thắng từng kẻ thù mạnh nhất thế kỷ trong chiến tranh, là cái di sản VN lạc đường, lụn bại hôm nay mà họ để lại. Nguồn: songchi's blog
......

Bản Lên Tiếng Các Chức sắc Tôn giáo Việt Nam

Về Pháp lệnh tôn giáo năm 2004 và Nghị định áp dụng Pháp lệnh năm 2012 Kính gởi: - Quý Hữu trách trong Chính phủ và Quốc hội Việt Nam - Quý Chức sắc, tu sĩ và tín đồ Cao Đài, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo và Tin Lành. - Quý Nhân sĩ và Đồng bào Việt Nam - Quý Chính phủ dân chủ khắp thế giới - Quý Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Quý Tổ chức nhân quyền quốc tế. - Quý Cơ quan truyền thông quốc tế và quốc nội. Các Chức Sắc Tôn Giáo Việt Nam:           1- Xét rằng: Do thấm nhuần chủ nghĩa duy vật vô thần Các Mác (cho rằng tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc nhân dân, nguy hiểm cho xã hội) và do chủ trương quyền lực toàn trị độc tài (không để bất cứ thực thể nào trong xã hội vượt thoát sự kiểm soát của mình và không để bất cứ quy tắc luật lệ nào đứng trên quy tắc luật lệ của mình), đảng và chế độ Cộng sản luôn coi tôn giáo -các lực lượng tinh thần- là kẻ thù, kẻ thù số một, cần phải tiêu diệt. Để thực hiện việc này, nhà cầm quyền CS dùng bạo lực vũ khí và bạo lực hành chánh. Hai biện pháp này luôn phối hợp với nhau cũng như tăng giảm tùy lúc, tùy nơi và tùy người. Bạo lực hành chánh hiện thời được thể hiện qua Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo số 21 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 18-06-2004 và Nghị định áp dụng Pháp lệnh số 92 (cập nhật Nghị định số 22 năm 2005) do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành ngày 09-11-2012. 2- Xét rằng: Rút kinh nghiệm áp dụng Sắc lệnh tôn giáo số 234 (ngày 14-06-1955) của ông Hồ Chí Minh, Nghị quyết tôn giáo số 297 (ngày 11-11-1997) của ông Phạm Văn Đồng và Nghị định số 22 (ngày 01-03-2005) của ông Phan Văn Khải, Pháp lệnh 21 và Nghị định 92 trở nên tinh vi hơn và siết chặt hơn trong việc kiểm soát các giáo hội. Cụ thể, cả hai văn kiện pháp lý này muốn khống chế, kềm tỏa 5 phương diện hay 5 yếu tố của tôn giáo là quy chế pháp lý, nhân sự, hoạt động, tài sản và quan hệ quốc tế.           a- Về quy chế pháp lý, cho đến nay nhà cầm quyền CS không cho tôn giáo lẫn tổ chức thuộc tôn giáo chính truyền nào được có tư cách pháp nhân như mọi tổ chức xã hội - chính trị khác tại VN (trong cả hai văn kiện chẳng hề thấy một chữ "pháp nhân" nào). Điều này gây rất nhiều khó khăn về pháp lý cho các Giáo hội và các tổ chức của Giáo hội trong các giao dịch dân sự (mua bán, mở tài khoản ở ngân hàng). Đất đai, nhà cửa, tiền bạc mà các tôn giáo và tổ chức tôn giáo đang sở hữu và sử dụng phải đứng tên một cá nhân và điều này dẫn đến nguy cơ bị chiếm đoạt (bởi nhà nước hay bởi một người liên hệ), vì trên danh nghĩa các tài sản này chỉ là của cá nhân chứ không phải của tập thể. Những hoạt động xã hội của các chức sắc do đó cũng bị loại trừ hay giới hạn.           Không công nhận tư cách pháp nhân, nhà cầm quyền chỉ cho các tôn giáo và các tổ chức thuộc tôn giáo được đăng ký, nghĩa là xin công nhận để được hoạt động với những điều kiện rất khắt khe (Đ. 5-8 NĐ 92). Và sự xuất hiện chính danh lẫn tồn tại hợp pháp của một tôn giáo hoàn toàn nằm trong tay nhà cầm quyền vô thần. Hiện thời, nhiều Giáo hội như Phật giáo VN Thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, Cao Đài Bảo thủ Chơn truyền và nhiều Hệ phái Tin lành như Mennonite hoặc Lutheran VN bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, do đó bị bách hại dữ dội. Trong lúc đó, nhà cầm quyền lại nặn ra nhiều giáo hội quốc doanh hoặc tổ chức quốc doanh để thay thế hay lũng đoạn các Giáo hội chính truyền hòng lừa gạt nhân dân và quốc tế, dùng đạo chống lại đạo.           b- Về nhân sự (tín đồ, tu sĩ, chức sắc). Trước hết, mọi ai có đạo đều phải ghi rõ tôn giáo trong Chứng minh nhân dân (các nước trên thế giới không có lệ này). Điều này đã và đang gây ra lắm kỳ thị. Rồi không một tín đồ của đạo nào được giữ những chức vụ lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước, công an, quân đội, học đường, công ty xí nghiệp quốc doanh... Rõ ràng người có đạo là công dân hạng hai. Việc này đi ngược với Điều 29 Dự thảo sửa đổi HP.          Về tu sĩ, PL đ. 21 đòi buộc người phụ trách tu viện khi nhận người vào tu có trách nhiệm đăng ký với Uỷ ban nhân dân cấp xã, và NĐ 92 đ. 13 còn buộc chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lời chấp thuận. Nghĩa là nhà cầm quyền có quyền từ chối cho một người vào tu hay từ chối cho một dòng tu hoạt động.           Về chức sắc (x. PL đ. 3-10), NĐ 92 đ. 19 nói rõ: "Tổ chức tôn giáo [tức Giáo hội] thực hiện việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử các chức danh này có trách nhiệm gửi bản đăng ký [tức xin phép] đến cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo". Nghĩa là việc bổ nhiệm các chức sắc từ lớn tới nhỏ đều bị nhà nước mọi cấp xen vào, cốt chọn cho được người họ hoàn toàn ưng ý hay người họ không phải lo ngại.           Trước đó, khi được đào tạo thành chức sắc trong các học viện, học viên buộc phải học về lịch sử và pháp luật VN như các môn chính khoá (PL đ. 24. NĐ 92 đ. 14-2). Thực ra đấy là học về chủ nghĩa, chế độ và đảng CS, do chính giáo sư nhà nước dạy. Đây là hình thức nhồi sọ những ứng viên chức sắc để sau này họ trở thành những lãnh đạo tinh thần ngoan ngoãn với chế độ và dễ thỏa hiệp với nhà cầm quyền.           c- Về hoạt động của tôn giáo, PL (từ điều 17 đến điều 35) phân ra 14 loại. Theo NĐ 92 từ đ. 5 đến đ. 41, tất cả các loại hoạt động này đều phải đăng ký (nghĩa là xin phép) và phải chờ nhà nước chấp thuận mới được làm. Nghĩa là người dân buộc phải xin phép nhưng nhà nước không buộc phải cho phép. Việc cho phép hay không tùy vào nhiều điều kiện, nhất là tùy thái độ “chính trị” của cá nhân hay cộng đoàn làm đơn xin phép… Trong PL 21 và NĐ 92, người ta thấy từ “đăng ký” được sử dụng 18 và 74 lần, từ “quy định” được sử dụng 37 và 69 lần, từ “quy định của pháp luật” được sử dụng 14 và 9 lần, từ “không chấp thuận phải nêu rõ lý do” 18 lần (trong NĐ).           Nếu tóm tắt các hoạt động trên thành 2 loại: 1- Các hoạt động thuần túy tôn giáo và nội bộ của Giáo hội; 2- Các hoạt động của Giáo hội liên quan đến xã hội, thì từ 1975 đến nay, đã có vô số vi phạm của nhà cầm quyền đối với các hoạt động đó. Và chính vì tiến hành nhiều sinh hoạt quan trọng và cần thiết cho đạo mà nhiều chức sắc, tu sĩ, tín đồ thuộc mọi tôn giáo đã bị hăm dọa, sách nhiễu, hành hung, quản chế hay cầm tù. Đó là chưa kể nhiều người còn bị như thế chỉ vì đấu tranh cho tự do, nhân quyền, dân chủ.           Ngoài các hoạt động phải xin phép trên đây, còn có những hoạt động thuộc quyền con người và quyền công dân mà các Giáo hội bị cấm đoán. Chẳng hạn không được quyền có nhà xuất bản riêng, đài phát thanh phát hình riêng, trang mạng internet riêng, hay có giờ phát thanh phát hình trên các phương tiện truyền thông của nhà nước (xây dựng do tiền đóng thuế của nhân dân, trong đó có tín đồ), và như thế là không được truyền bá giáo lý cách công khai cho mọi người để góp phân canh tân xã hội. Rồi không được quyền tham gia vào việc giáo dục giới trẻ từ cấp tiểu học đến đại học với trường sở và chuyên viên của riêng mình, dưới sự điều hành của chính mình, không được quyền tham gia vào việc cứu tế xã hội bằng cách thành lập và điều hành từ viện cô nhi đến viện dưỡng lão, từ bệnh xá đến bệnh viện.           d- Về tài sản, PL đ. 26 nói: "Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó". Thế nhưng, từ trong Hiến pháp, đã có chủ trương đất đai do nhà nước làm chủ sở hữu, rồi trong nhiều văn bản pháp luật, lại có những quy định vô lý liên quan đến tài sản của các Giáo hội. Như ngày 31-12-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra Chỉ thị số 1940 về nhà, đất liên quan đến tôn giáo, hạ lệnh cho các địa phương nuốt trọn mọi tài sản của các tôn giáo mà đảng CS đã cướp đoạt từ nhiều thập niên trước dưới chiêu bài "quản lý nhà đất và cải tạo xã hội chủ nghĩa". Trong thực tế, từ 1954 tới nay, vô vàn vô số tài sản (điện thờ, đất đai, cơ sở, thậm chí vàng bạc...) của các tôn giáo đã bị nhà cầm quyền CS tước đoạt. Ngoài ra, để khống chế sự phát triển của tôn giáo, nhà cầm quyền không cho phép các Giáo hội trực tiếp mua hoặc nhận biếu tặng đất đai hay cơ sở.           e- Về quan hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo, tín đồ, tu sĩ, chức sắc thì được đề cập trong PL 21 Điều 34-37 và NĐ 92 Điều 37-41. Cũng lại chuyện tất cả đều phải xin phép và nhưng nhà cầm quyền không buộc phải cho phép. Ví dụ việc Tòa thánh Vatican phong chức giám mục cho một số linh mục Công giáo VN thì phải được sự ưng thuận của Hà Nội mà nhiều khi rất gian nan và GH không thể chọn được người vừa ý. Ngoài ra, mọi chức sắc được phép ra nước ngoài (du lịch, du học hay du khảo) đều phải gặp công an tôn giáo trước khi đi để nghe bảo ban mọi chuyện “nên làm” và “không nên làm” ở hải ngoại (như cấm gặp gỡ cá nhân hay tổ chức nào đó, cấm tuyên truyền nói xấu nhà nước và chế độ...) Từ ngày mở cửa biên giới, cho phép công dân ra ngoại quốc, nhà cầm quyền đã kiểm soát mối liên lạc của các Giáo hội với nước ngoài có khi rất trắng trợn. Nhiều chức sắc “có vấn đề với chế độ” (như đã đấu tranh cho tự do tôn giáo hay dân chủ nhân quyền) thì bị gây nhiều khó dễ hay thậm chí bị cản trở xuất ngoại (hoặc ngược lại đi vào trong nước nếu đang ở nước ngoài). Nhiều nhóm thiện nguyện từ hải ngoại cũng bị cấm cản vào phục vụ tại một địa phương mà chức sắc tôn giáo coi sóc nơi đó đang bị ghi vào sổ đen. Nhà cầm quyền còn tìm cách cho tay chân len lỏi vào các cộng đoàn tôn giáo người Việt ở hải ngoại để lũng đoạn ngõ hầu họ chống lại đồng đạo mình ở quê hương. Đặc biệt nhà cầm quyền đã nhiều lần yêu cầu Tòa thánh Vatican có biện pháp với những chức sắc hoặc cộng đoàn Công giáo VN bị cho là “chống đối chế độ” trong lúc họ thực sự bênh vực công lý nhân quyền hay đòi hỏi quyền tự do tôn giáo.          Từ những phân tích trên, Các Chức sắc Tôn giáo Việt Nam tuyên bố: 1- PL 21 và NĐ 92 là những phương tiện pháp lý mà nhà cầm quyền Cộng sản thay vì dùng phục vụ quyền tự do tôn giáo của công dân như HP 1992 quy định, lại sử dụng để - duy trì cơ chế Xin-Cho đối với tôn giáo (một cơ chế mà họ đã bỏ trong nhiều lãnh vực khác) ngõ hầu tôn giáo luôn lệ thuộc chặt chẽ vào chế độ. - biến các Giáo hội và các tổ chức trong Giáo hội hoặc thành công cụ phục vụ tận tình chế độ hoặc thành kẻ phải nín câm trước những vấn đề của đất nước và xã hội ngõ hầu được yên thân. - ngăn cản các Giáo hội và các tổ chức trong Giáo hội trở thành những xã hội dân sự đúng nghĩa (độc lập với nhà cầm quyền) vốn là nhu cầu ngày càng cấp thiết tại VN, để xây dựng một quốc gia dân chủ. 2- Các tôn giáo tự bản chất là những xã hội dân sự và mọi tín hữu đều là những công dân bình đẳng. Họ có những quyền và nghĩa vụ như mọi xã hội dân sự và mọi công dân khác. Những quyền và nghĩa vụ này -trên nguyên tắc- được xác định trong Hiến pháp và các bản văn dưới luật hình thành theo tinh thần tự do dân chủ, phù hợp với các Công ước quốc tế về nhân quyền. Thành ra không thể có và không được có những luật riêng cho tôn giáo. Như thế là đàn áp và kỳ thị! Chúng tôi thấy mình không có bổn phận chấp hành những luật lệ như thế 3- Tự do tôn giáo không hệ tại ở việc được xây dựng các nơi thờ tự to lớn nguy nga, tổ chức các lễ hội hoành tráng đông đảo, chức sắc tu sĩ tín đồ được xuất ngoại dễ dàng thoải mái (thật ra điều này chỉ đúng với những nơi và những người không “có vấn đề” với chế độ). Tự do tôn giáo hệ tại việc các Giáo hội và tổ chức Giáo hội phải được công nhận (chứ không cấp ban) tư cách pháp nhân một khi họ đã đăng ký (không theo nghĩa xin phép); phải được tự do trong sinh hoạt và độc lập trong tổ chức; phải được truyền bá giáo lý trong và ngoài nơi thờ tự, trong và ngoài cộng đoàn tôn giáo, ra xã hội và trên mọi phương tiện truyền thông (sách, báo, đài); phải được tham gia vào việc giáo dục giới trẻ ở mọi cấp học; phải được tổ chức đầy đủ các hoạt động cứu tế xã hội; phải được tham gia đầy đủ (qua các tín đồ) vào việc quản lý điều hành đất nước. 4- Nhà cầm quyền VN -cách lập tức và vô điều kiện- phải thả mọi chức sắc, tu sĩ, tín đồ đang bị cầm tù vì đã đấu tranh cho tự do tôn giáo hay dân chủ nhân quyền; phải trả lại mọi tài sản tinh thần là tự do và độc lập cho mọi tôn giáo; phải trả lại mọi tài sản vật chất là đất đai, cơ sở cho mọi Giáo hội. Để mọi Giáo hội có thể góp phần vào việc canh tân đất nước và phục vụ Đồng bào. Làm tại VN ngày 04 tháng 10 năm 2013 Các Chức sắc đồng ký tên Đồng ký tên - Cụ Lê Quang Liêm, Hội trưởng PGHH (đt: 0199.243.2593) - Hòa thượng Thích Không Tánh, Phật giáo (đt: 0165.6789.881) - Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Công giáo (đt: 0984.236.371) - Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại, Công giáo (đt: 0935.569.205) - Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, Công giáo (đt: 0993.598.820) - Chánh trị sự Hứa Phi, Cao Đài giáo (đt: 0163.3273.240) - Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân, Cao Đài giáo (đt: 0988.971.117) - Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng, Cao Đài giáo (đt: 0988.477.719) - Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, Tin Lành (đt: 0949.275.827) - Mục sư Hồ Hữu Hoàng, Tin Lành (đt: 0902.761.057) - Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, Tin Lành (đt: 0906.342.908) - Ông Phan Tấn Hòa, PGHH (đt: 0162.630.1082) - Mục sư Lê Quang Du, Tin Lành (đt: 0121.2002.001) - Ông Trần Nguyên Hưởn, PGHH (đt: 0167.341.0139) - Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Tin Lành (đt: 0162.838. 7716)
......

Tổng hợp phiên tòa gian dối - bất công với 30 tháng tù giam Ls. Lê Quốc Quân

Vì sao luật sư Lê Quốc Quân không nhận ''án treo'' ? Nhà báo Phạm Chí Dũng: "Rõ ràng người ta đang rất lo ngại Lê Quốc Quân có thể trở thành một thủ lĩnh nào đó của phong trào dân chủ, nếu được trả tự do ngay vào thời gian này." Tòa án thành phố Hà Nội hôm nay 02/10/2013 tuyên án 30 tháng tù giam cùng với 1,2 tỉ tiền phạt, truy thu 600 triệu đồng đối với luật sư, nhà đấu tranh nhân quyền Lê Quốc Quân với tội danh « trốn thuế ».   Ngay sau khi bản án được tuyên, nhà báo Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng dành cho RFI Việt ngữ một cuộc phỏng vấn. RFI : Thân chào nhà báo Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã dành thì giờ cho RFI Việt ngữ hôm nay. Thưa anh, cảm nhận chung của anh về bản án đối với luật sư Lê Quốc Quân ra sao ? Nhà báo Phạm Chí Dũng : Một cách công bằng, Lê Quốc Quân đáng ra phải được trả tự do. Tôi cho rằng ngay trong nội bộ Bộ Chính trị cũng không hẳn thống nhất về quan điểm mức án. Nhưng cho dù ai đó có yêu cầu “phóng thích” Lê Quốc Quân, phái “lập trường kiên định” vẫn còn tương đối lấn át. Nhưng dù sao, một mức án như thế đối với người con của Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng không phải là quá nặng nề, so với tất cả những gì mà ngành tư pháp, công an Hà Nội và giới tuyên giáo đảng từng muốn mặc định về tội danh ở khung hình phạt cao nhất đến 7 năm đối với một thành viên hoạt động nhiệt thành trong Hội đồng Công lý và Hòa bình. Hà Nội hôm nay vang dội lời cầu nguyện từ nhà thờ Thái Hà và rất nhiều giáo xứ ở Việt Nam cho người tuẫn nạn Lê Quốc Quân. Cành thiên tuế xanh đơn sơ mộc mạc trên tay các giáo dân vốn là tình yêu vô điều kiện tiếp nhận từ đấng Thiên Chúa, nhưng vào ngày này, dường như nó cũng toát lên hình tượng ngọn giáo bất tuân đối với quá nhiều chuyện bất công trong xã hội ngày nay. Hình ảnh hiệp thông đồng khắp như thế cũng khiến người ta phải nhớ lại cuộc biểu tình ở Long An vào ngày 16/08/2013 để đòi trả tự do cho nữ sinh áo trắng Phương Uyên. Dù không phải là tín đồ Công giáo nhưng Phương Uyên và gia đình cô đã nhận được mối chia sẻ rất lớn từ giáo hội, đặc biệt là Dòng Chúa cứu thế ở Sài Gòn. Cuộc biểu tình diễn ra trong không khí bị trấn áp khá thô bạo, nhưng thông điệp của nó rốt cuộc đã làm cho nhà cầm quyền không thể bỏ ngoài tai. Nếu Phương Uyên đã được trả tự do ngay tại tòa Long An, thì việc Lê Quốc Quân không phải chịu một mức án quá nặng nề tại Hà Nội cũng không phải là một ngoại lệ, nhưng hoàn toàn không phải một trường hợp được Nhà nước đối xử “khoan hồng”. Rõ ràng người ta đang rất lo ngại Lê Quốc Quân có thể trở thành một thủ lĩnh nào đó của phong trào dân chủ, nếu được trả tự do ngay vào thời gian này. RFI : Trước khi phiên tòa xử Lê Quốc Quân diễn ra, anh đã dự báo nhiều khả năng bản án sẽ “nhẹ”. Dự báo này dựa vào những cơ sở nào? Nhà báo Phạm Chí Dũng: Có một điểm trùng hợp giữa vụ Phương Uyên và vụ Lê Quốc Quân. Đó là thời điểm thông báo về lịch xử án đối với Uyên xảy ra khá gần với thông tin được công bố về chuyến đi của ông Trương Tấn Sang – chủ tịch nước và là nhân vật số hai trong đảng – đến Washington để diện kiến Tổng thống Barak Obama. Khá tương đồng, thời điểm thông báo về lịch xử đối với Lê Quốc Quân cũng xảy ra gần như đồng thời với thông báo về chuyến đi Paris và New York của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sự trùng hợp này cho thấy điều gì? Phải chăng “án treo” đối với Phương Uyên không phải là một ngoại lệ, và đến lượt “án nhẹ” Lê Quốc Quân cũng như thế? Cả hai vụ xử án này lại đều diễn ra sau hai chuyến công du nước ngoài của các chính khách cao cấp, và hẳn không nằm ngoài thực đơn đối ngoại của Nhà nước ứng với từng hoàn cảnh và “đối tượng” cụ thể. Một chi tiết đáng chú ý nữa là thời điểm vụ xử án Lê Quốc Quân lại diễn ra trùng với thời gian Hội nghị trung ương 8 của Đảng. Cách đây gần ba tháng, đã đột biến xảy ra việc hoãn phiên xử Lê Quốc Quân vào ngày 09/07/2013 với lý do thẩm phán Lê Thị Hợp bị “cảm đột xuất”, lồng trong bối cảnh giáo dân từ Nghệ An và tại Hà Nội dâng cao không khí hiệp thông và đổ về tòa án Hà Nội để mong nguyện tham dự một phiên tòa được coi là “công khai”. Lẽ dĩ nhiên, chẳng một cấp lãnh đạo nào trong Bộ Chính trị lại muốn một lần nữa diễn ra tinh thần hiệp thông mà có thể gây ra “nội loạn” như thế, nhất là khi vụ xung đột Mỹ Yên ở Nghệ An còn chưa nguôi ngoai, làm ảnh hưởng đến không khí “thảo luận nghiêm túc” của cuộc họp được coi là “hội nghị giữa nhiệm kỳ” của đảng đang diễn ra mà có thể liên đới với con đường chính trị của một số chính khách chủ chốt. Do vậy theo lẽ thông thường, lịch xử án Lê Quốc Quân phải được dời lại sau khi Hội nghị trung ương 8 kết thúc. Nhưng vì cả hai sự kiện này cùng diễn ra, người ta có thể đặt câu hỏi là liệu đã xảy ra một tác động nào, đủ lớn và đủ sâu sắc, trong nội bộ hoặc thậm chí từ “các thế lực thù địch”, để chính quyền Hà Nội không thể kéo dài hơn nữa việc hoãn xử Lê Quốc Quân, và do đó bà thẩm phán Lê Thị Hợp cũng mau chóng khỏi bệnh. Câu hỏi này càng có ý nghĩa nếu liên hệ với một hoài nghi khác: chuyến đi Vatican của đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ, được dẫn đầu bởi viên trung tướng an ninh chuyển sang làm tôn giáo vận, đã đạt được một thành tích đáng ngạc nhiên là các viên chức Tòa Thánh tỏ ra không mấy quan ngại về vụ Mỹ Yên, thậm chí còn cho rằng nhà nước Việt Nam đã đạt được những tiến bộ về tự do tôn giáo. Sự chuyển biến bất ngờ này cũng khiến giới phân tích không thể không đặt ra câu hỏi là liệu giữa Tòa Thánh Vatican và Nhà nước Việt Nam đã đạt được một vài thỏa thuận không công bố nào đó, liên quan đến chủ đề tự do tôn giáo cho Việt Nam. Câu hỏi này tất nhiên cũng cần được móc xích với điều kiện dân chủ và nhân quyền và giới chức thương mại Hoa Kỳ và chính Tổng thống Obama đang đặt ra đối với Nhà nước Việt Nam, liên quan đến lộ trình tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương – TPP. Một khi ngay cả Tòa Thánh cũng bày tỏ thái độ “im lặng” trước những gì bị xem là hoàn toàn không yên tĩnh giữa mối quan hệ các tôn giáo với chính quyền ở Việt Nam, thì có lẽ sự lắng tiếng của phái đoàn nhân quyền Cộng đồng châu Âu sau cuộc đối thoại nhân quyền với Hà Nội vào ngày 11/9/2013 cũng có hàm ý không kém. Việc không có bất kỳ thông tin nào được tiết lộ từ cuộc hội đàm này cũng có thể làm người ta nhớ lại tâm thế “xuống giọng” của ông Dan Baer – Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách về nhân quyền – sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vào giữa tháng 4/2013, mặc dù trước đó Dan Baer là một trong những nhân vật lên tiếng mạnh mẽ nhất phản đối thái độ và hành xử mang tính đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với giới hoạt động dân chủ và nhân quyền tại quốc gia này. RFI : Trước đó chính quyền đã có những động thái “dân vận” và tuyên truyền xung quanh phiên tòa, anh có đánh giá ra sao về những hành động này? Nhà báo Phạm Chí Dũng: Một trong những động thái đó đến từ thái độ đưa tin và bình luận của báo chí giới đảng – vốn được xem là nhiệt kế cho quan điểm và cách hành xử của nhà nước đối với những trường hợp “quá “nhạy cảm” như Lê Quốc Quân. Một ngày trước khi phiên tòa xử Lê Quốc Quân, Đài truyền hình trung ương và Thông tấn xã Việt Nam cùng phát đi một bản tin với nội dung gần sát nhau, lược tả vụ “trốn thuế” của Quân. Tất nhiên, không khó khăn để đánh giá nội dung bản tin này xuất phát chủ yếu từ cáo trạng của Viện Kiểm sát, và nguồn của Viện Kiểm sát lại đến từ Công an Hà nội. Tuy nhiên, nếu so sánh với thái độ và cách thức đưa tin của một số vụ việc trước đây như vụ xét xử Câu lạc bộ nhà báo tự do, vụ Đinh Nguyên Kha và Phương Uyên, có thể thấy giọng điệu trong bản tin của Thông tấn xã Việt Nam về vụ Lê Quốc Quân đã nhẹ nhàng hơn khá nhiều: không “luận” về tội danh, không định hướng phải “kiên quyết xử lý”, và mặc dù đoạn cuối có nêu về “núp sau nó là các động cơ chính trị rõ ràng nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây phức tạp tình hình để trục lợi”, nhưng cũng không chỉ rõ thế lực xuyên tạc chính trị nào cả. Trong khi đó, ngoài hành lang tòa án lại diễn ra một chiến dịch vận động không tiền khoáng hậu của các tổ chức chính trị - xã hội của nhà nước để làm sao hạn chế đến mức tối thiểu số người muốn tham dự phiên tòa “công khai và minh bạch”. Không khí ngăn trở quá lộ liễu và rất hài hước như thế cũng làm người ta không thể không nhớ lại những cuộc vận động tương tự đã xảy ra vào giữa năm 2011 để ngăn cản người dân đi biểu tình chống Trung Quốc. Vậy sự tương hợp về cách thức ngăn cản này cho thấy cái gì? Ít nhất, nhà cầm quyền đã nhận thức ra một điểm chung giữa hai hành động chống Trung Quốc và vụ Lê Quốc Quân là tính chính danh thuộc về dân chúng chứ không phải của những người xử án. Từ đó có thể thấy, nếu đã buộc phải phần nào chấp nhận các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của dân chúng, lẽ nào hành động chính trị của Lê Quốc Quân, trong đó chủ yếu là phản kháng Trung Quốc, lại không được nhà nước “bỏ qua”? RFI : Từ bản án của Lê Quốc Quân, theo anh xu hướng chính trị ở Việt Nam có thể diễn biến như thế nào? Nhà báo Phạm Chí Dũng: Nhìn tổng quan, hiện thời Nhà nước Việt Nam đang nằm trong hệ trục tay ba cùng với người Mỹ và Bắc Kinh. Không chỉ với Phương Uyên, bất kỳ mức án nặng nề nào đối với Lê Quốc Quân đều phơi bày tính phi logic trong mối tương quan với thực đơn chính trị đối ngoại ở Việt Nam trong giai đoạn hết sức “nhạy cảm” hiện thời. Trong hệ trục tay ba đó, một bản án được coi là “nhẹ” đối với Lê Quốc Quân sẽ vẫn giữ phần nào thể diện, hay còn gọi là “sĩ diện”, cho chính thể. Cùng lúc, Bắc Kinh vẫn tạm hài lòng vì dù sao vẫn có án, còn các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền ở nửa kia thế giới cũng có thể tạm thỏa mãn, nhưng chỉ là tạm thôi, với những cố gắng vận động không mệt mỏi trước đó của họ. Còn kết quả cuối cùng thuộc về nội lực. Không thể nói khác hơn, hai cuộc biểu tình ở Long An và tháng 8/2013 và tại Hà Nội vào ngày hôm nay đã chứng thực cho hiệu ứng “trong ra – ngoài vào”: trách nhiệm bảo vệ những thành viên và người thân chính là một hành động cần phải có của hoạt động dân sự và các phong trào dân sự đang khởi phát ở Việt Nam, tạo ra hiệu ứng tác động đối với quốc tế, để đến lượt mình, cộng đồng quốc tế lại có thể làm cho Hà Nội bớt “cảm mạo”, khiến Nhà nước Việt Nam phải xem xét lại những bất công do họ gây ra đối với điều được coi là “tự do tôn giáo” và hàng loạt nhu cầu chính trị - xã hội khác. Thêm một lần nữa hoạt động dân chủ chính trị và tôn giáo ở Việt Nam tiếp nhận được tín hiệu chuyển hóa – chuyển hóa từ ngoài vào và có thể cả từ trong nội bộ Đảng. Tín hiệu đó, dù nhỏ, nhưng cho thấy không chỉ một số nhân vật “tù nhân lương tâm” sẽ có cơ hội dần thoát khỏi bốn bức tường đen đúa trong thời gian tới, mà rất nhiều bức bối xã hội khác như dân oan đất đai, nạn nhân môi trường, nạn nhân bị công an bạo hành… nếu được liên kết, thống nhất và được tổ chức tốt, đều có thể cất lên tiếng nói xứng đáng và đích đáng trong một xã hội dân sự đang hình thành và hướng đến việc phản biện mạnh mẽ đối với một số chính sách, cách điều hành bất hợp lý và bất công của chính thể cầm quyền. Đường còn dài. Dù Lê Quốc Quân chưa được tự do, nhưng ít nhất lộ trình dân chủ ở Việt Nam đang được rút ngắn. RFI : Có những ý kiến so sánh với các vụ án trốn thuế khác, chẳng hạn vụ xử ngày 26/9, tức là chỉ cách đây vài ngày, một « đại gia » ở Bắc Ninh trốn thuế 11 tỉ đồng nhưng chỉ bị tù treo. Theo anh thì bản án vừa rồi có mâu thuẫn với lộ trình dân chủ ở Việt Nam hay không ? Nhà báo Phạm Chí Dũng: Ở Việt Nam luôn luôn có sự mất công bằng như thế. Trong rất nhiều vụ án kinh tế tôi đã nghe, có rất nhiều án treo, và thậm chí có những trường hợp vi phạm, trốn thuế tới mức có thể xử chung thân thậm chí cao hơn nữa, nhưng không biết người ta chạy chọt làm sao, cuối cùng cũng chỉ nhận mức án treo. Nhưng trường hợp Lê Quốc Quân thì lại khác hoàn toàn, nằm ở bản chất có thể nói là vấn đề chính trị của nó. Nếu không vì vấn đề chính trị thì trường hợp Lê Quốc Quân « trốn thuế » rất dễ dàng nhận một bản án – tôi không nghĩ là án treo nữa, mà có thể thậm chí là tại ngoại ngay. Nhưng trường hợp chính trị thì lại khác, và trước đó tôi đã nghe những thông tin thực ra vấn đề của Lê Quốc Quân có thể lên tới 5 năm. Năm năm tù giam chứ không phải là ít. Còn trong trường hợp này thì Viện Kiểm sát đề nghị từ 24 tới 30 tháng tù giam. Đề nghị này làm tôi nhớ đến vụ xử sơ thẩm Đoàn Văn Vươn tháng 4/2013, thì trước đó cũng có những thông tin là với tội danh chống thi hành công vụ và có vũ khí như vậy là tội trạng rất nguy hiểm, án có thể lên tới từ 15- 20 năm. Rất nặng ! Thậm chí có thể cao hơn – chung thân hoặc tử hình. Nhưng sau đó dưới áp lực mạnh mẽ của dư luận và cả cộng đồng quốc tế nữa, thì mức án của anh Vươn đã giảm xuống chỉ còn có 5 năm thôi. Nhiều người không hài lòng, cho điều đó là bất công đối với Đoàn Văn Vươn. Nhưng theo tôi thì chúng ta đang sống ở Việt Nam, và Việt Nam đang có nhiều bất công. Ở đây đòi hỏi một sự công bằng là điều quá xa xỉ. Do vậy, đối với những trường hợp như Đoàn Văn Vươn, chỉ về đất đai mà lãnh án 5 năm, còn trường hợp Lê Quốc Quân thiên về chính trị, có màu sắc chính trị, mà nhận mức án như thế, theo tôi là trong hoàn cảnh này có thể tạm chấp nhận được. Vì đường còn dài, và trước mắt vẫn còn phiên tòa phúc thẩm. Chúng ta hãy nhớ lại, trong phiên tòa sơ thẩm xử Nguyễn Phương Uyên đã bị xử 6 năm. Cay đắng ! Không thể tin nổi có một mức án như thế. Nhưng đến phiên phúc thẩm thì gần như trắng án và được trả tự do ngay tại tòa. Cho nên chúng ta cũng nên nhìn vào đó để hy vọng cho trường hợp Lê Quốc Quân - có nghĩa là công bằng sẽ được lặp lại. Nhưng công bằng chỉ được lặp lại với điều kiện đấu tranh của không chỉ những người Công giáo, và cả cộng đồng nhân dân chung quanh nữa. RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng. ******************************** Hình ảnh cả ngàn người đi tham dự phiên tòa. PHẢN ỨNG THẾ GIỚI VỀ BẢN ÁN LÊ QUỐC QUÂN Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng với các tổ chức quốc tế đi đầu trong vấn đề nhân quyền phản ứng lập tức về bản án phi lý mà Tòa Án Nhân Tp. Hà Nội dành cho Ls. Lê Quốc Quân trong phiên xử sáng nay: 30 tháng tù và phạt 1,2 tỉ đồng. ĐẠI SỨ QUÁN HOA KỲ TẠI HÀ NỘI ra thông cáo bày tỏ quan ngại. "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Việt Nam kết tội và tuyên án 30 tháng tù về tội trốn thuế đối với luật sư nhân quyền và blogger Lê Quốc Quân. Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là điều đáng lo ngại. Việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế. "Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy thả các tù nhân lương tâm và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa." ************************* TỔ CHỨC ÂN XÁ QUỐC TẾ, tổ chức nhân quyền đặt ở London: - “Đây là bản án lố bịch, và lại là một ví dụ rõ rệt cho thấy giới chức Việt Nam quấy rối và bỏ tù những người chỉ trích hòa bình có quan điểm khác.” “Rất khó để không kết luận rằng Lê Quốc Quân bị nhắm tới vì hoạt động nhân quyền – như nhiều lần trước đây.” ************************* TỔ CHỨC HUMAN RIGHTS WATCH: “Bằng cách bỏ tù Lê Quốc Quân với cáo buộc có động cơ chính trị, Việt Nam một lần nữa chứng tỏ đặt ưu tiên cho việc bịt miệng những nhân vật nổi bật cổ vũ nhân quyền và chính trị. Đây là dấu đen cho hồ sơ nhân quyền Việt Nam và cho thấy chính phủ trắng trợn bỏ qua các ràng buộc nhân quyền. Những nhà tài trợ cần công khai lên án sự bất công này, đòi thả Lê Quốc Quân và nói rõ rằng việc Việt Nam không tôn trọng nhân quyền sẽ có hại cho việc ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ tháng 11 này." Nguồn: BBC *********************************** TCBC của Đảng Việt Tân về bản án 30 tháng tù giam cho Ls Lê Quốc Quân VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG THÔNG CÁO BÁO CHÍ Lại một bản án cho người yêu nước Ls. Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam   Vào chiều ngày 2/10/2013, toà án công cụ của nhà cầm quyền CSVN đã kết án Luật sư Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam và một khoản tiền phạt lớn về tội danh trốn thuế. Tại phiên tòa, Luật sư Lê Quốc Quân dõng dạc tuyên bố: “Tôi đã bền bỉ tranh đấu chống nạn tham nhũng, lạm quyền và trì trệ đang làm ung thối đất nước”, và nay “Tôi bị kết tội vì tôi yêu đất nước này”. Ngay từ đầu, công luận Việt Nam và quốc tế đều biết rõ đây là vụ án cho mục tiêu đàn áp chính trị. Cụ thể là để bịt miệng một tiếng nói yêu nước đã mạnh mẽ đặt vấn đề trách nhiệm bảo vệ tổ quốc với nhà cầm quyền. Đây cũng là tiếng nói lên án bất công và giúp đỡ những người dân nghèo khổ tố cáo những hành vi chiếm đoạt của các quan chức cầm quyền. Những lạm dụng pháp luật của nhà cầm quyền không chỉ được dùng để đối phó với Luật sư Lê Quốc Quân, mà còn đối với blogger Điếu Cày, sinh viên Đinh Nguyên Kha, và các nhà yêu nước khác. Càng bí lối, càng sợ hãi Bắc Kinh, và càng bị dân tộc phê phán, giới lãnh đạo đảng CSVN càng bám chặt vào các công cụ bạo hành. Ngày Quốc Tế Bất Bạo Động hôm nay, 2 tháng 10, cũng soi rọi ánh sáng từ khắp thế giới vào hình ảnh người luật sư nhân bản, luôn chủ trương Đấu Tranh Bất Bạo Động để tạo đổi thay -- Lê Quốc Quân. Sự hiện diện của hàng ngàn giáo dân, bạn hữu, và người ủng hộ Luật sư Lê Quốc Quân trước tòa án tại Hà Nội bất chấp các biện pháp ngăn chận, hăm dọa của công an, và rất nhiều người ủng hộ khác trên mạng Internet và khắp thế giới cho thấy sự đồng thuận giữa lòng dân tộc đang lớn dần. Đó là sự thừa nhận chế độ CSVN hiện nay đang đi ngược lại nguyện vọng của người dân và đã đến lúc toàn dân không còn có thể chấp nhận hệ thống cai trị độc tài, tàn ác và bất lực này. Luật sư Lê Quốc Quân từng bày tỏ niềm tin và ước nguyện của mình: "Cá nhân tôi luôn tin vào khát vọng và nỗ lực của chính nhân dân Việt Nam, tôi tin rằng một ngày không xa chúng ta có được tự do, có được dân chủ thực sự. Mọi người dân Việt Nam đều có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai, có quyền mưu cầu hạnh phúc và thành công ngay trên chính quê hương Việt Nam yêu dấu này." Đảng Việt Tân chia sẻ ước nguyện đó và tiếp tục sát cánh cùng Luật sư Lê Quốc Quân và mọi cá nhân, đoàn thể đang tranh đấu để tháo gỡ xiềng xích độc tài trên đất nước và dân tộc. Ngày 2 tháng 10 năm 2013Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-0845 - www.viettan.org, vnctcmd.blogspot.com          Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài - Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ -                                                   Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước  
......

Những người vợ cùng tuyến đầu

Nhớ em vội vàng trong nắng trưa Áo phơi trời đổ cơn mưa (Một Mình – Thanh Tùng) Văn chương Việt Nam rất ít những bài thơ nói về người vợ, và nếu có chỉ là những nét phác hoạ rất mờ nhạt như hai câu trong bài hát trên. Khi chồng nhớ vợ, anh không nhớ đến mái tóc, bờ môi, nhan sắc của nàng; ký ức của anh là hình bóng vội vã của vợ trong cơn mưa chợt đổ bất ngờ. Lạ thay, nắng mưa và nỗi nhớ trong hai câu trên lại làm cho chúng ta hình dung ra hình ảnh rất dịu dàng và tình yêu thắm thiết dành cho chồng của người được nhớ tới. Tựa như chúng ta chưa từng một lần được nhìn thấy bà Tú Xương, nhưng những câu thơ của thi sĩ Tú Xương về người vợ của ông lại vẽ rất tròn chân dung những hiền phụ Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà dù ít ỏi, mỗi bài thơ, bài nhạc viết về hình ảnh người vợ lại làm nỗi xúc động của chúng ta sâu lắng hơn chăng!? Đất nước chúng ta chiến tranh triền miên, thời đại nào cũng có những người vợ lính. Do hoàn cảnh phải đối đầu với một quốc gia khổng lồ mang tư tưởng Đại Hán, lúc nào cũng muốn nuốt chửng những quốc gia láng giềng; vì vậy sự sống còn của dân tộc luôn luôn bị thử thách. Chính những thử thách này đã nảy sinh tinh thần bất khuất, tự cường để bảo vệ tổ quốc của cha ông ta tự ngàn xưa. Đi bên cạnh cuộc đời của những con người nghĩa dũng đó là hình bóng thầm lặng của người phụ nữ. Những thân cò lặn lội, những lên thác xuống gềnh cùng chồng theo vận nước là hình ảnh đằm thắm nhưng mạnh mẽ một cách lạ lùng của người phụ nữ Việt. Ngoài những người cùng chia chung lý tưởng với người yêu như cô Giang hay cùng gánh trách nhiệm như bà Ba Đề Thám, còn biết bao nhiêu những người vợ yêu chồng, dám sống, dám hy sinh cả cuộc đời mình trong lặng lẽ như cụ bà Phan Bội Châu. Tôi nghĩ không cần ai gieo vần, họ chính là những vần thơ thầm lặng đã tạc vào tháng năm của lịch sử. Nhưng những tấm gương hy sinh trong âm thầm đó không chỉ dừng lại trong sử sách. Tôi thấy những bóng hình này đang sống giữa chúng ta hôm nay. Trong lúc dư luận trong và ngoài nước đang chú tâm đến người luật sư nhân bản Lê Quốc Quân cùng những gì anh đã và đang hy sinh cho người khác, ít ai biết đến bên cạnh anh còn có sự hy sinh thầm lặng của chị Nguyễn thị Thu Hiền. Đây không phải lần đầu Ls Quân bị bắt. Tháng ba năm 2007 khi từ Mỹ trở về, anh bị bắt ngay vì đã tham gia một khoá học từ học bổng của Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy). Sau đó, năm 2011 anh lại bị bắt cùng với bác sĩ Phạm Hồng Sơn khi đang trên đường đến hỗ trợ Ts Luật Cù Huy Hà Vũ trong ngày xử ông. Là vợ anh, chị Hiền đã phải chấp nhận sống từng ngày căng thẳng, từng đêm lo âu với chồng. Ở giữa các lần tù là những lần chồng chị bị công an đánh đập khi tham gia một buổi diễn hành đòi đất với người công giáo. Rồi vụ côn đồ chận đường đánh lén ban đêm khi anh đang trên đường về nhà. Chưa kể đến những hù dọa ban ngày, những xách nhiễu thường xuyên đối với bản thân anh và gia đình. Và ngày 2/10/2013 tới đây, chị lại chuẩn bị mọi chuyện như hàng ngày cho con cái, trước khi vội vã chạy đến tòa tranh đấu để có thể vào dự phiên xử chồng mình. Gia đình Ls Lê Quốc Quân Những người vợ chân yếu tay mềm như chị Thu Hiền, chị Nga vợ nhà văn Nguyễn xuân Nghĩa, chị Dương Hà vợ Ts luật Cù Huy Hà Vũ, v.v... lấy sức mạnh ở đâu để vượt qua những thử thách lớn như thế? Tôi còn nhớ chị Nga vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã bật khóc ngay tại phiên toà khi nghe chồng chị bị bản án sáu năm tù chỉ vì bày tỏ lòng xót xa trước phần biển đảo đã mất vào tay Trung Quốc. Anh Cù Huy Hà Vũ cũng thế. Anh Điếu Cày cũng vậy, .... Những bản án khắc nghiệt, vô lý đã phủ chụp xuống những người chồng thương yêu của các chị. Rồi tiếp sau bản án của chồng, các chị lại phải đối mặt với những sách nhiễu, những thủ thuật bao vây kinh tế của côn an, … Để có thể đối diện với những gánh nặng và thử thách quá lớn như thế, tôi tin sức mạnh đó phải đến từ sự kính trọng và tình yêu tha thiết dành cho chồng; từ ngọn lửa yêu nước, yêu người, và niềm tin sắt đá của các anh vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Và ngược lại, trong giai đoạn gian nan này, sự sắt son, vững vàng của các chị cũng vô cùng cần thiết cho người chồng nơi tuyến đầu tù ngục. Tôi đã nhìn thấy điều đó qua thái độ của chị Dương Hà trước sự việc Ts Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực, và liền sau đó là thái độ của chị Tân qua trường hợp của anh Điếu Cày. Có người vợ nào không xót xa khi biết chồng mình đã tuyệt thực lâu như vậy trong hoàn cảnh khắc nghiệt của trại giam. Cái đau của các chị là cái đau của dao cắt vào da thịt từng ngày; tuy nhiên những người phụ nữ ấy đã vượt qua được nỗi sợ hãi của họ. Còn chúng ta thì sao? Mới đây, một trí thức được mời tham dự Hội thảo về Biển Đông ở Quảng Ngãi đã tiết lộ với giáo sư Hà Văn Thịnh rằng ông cảm thấy đau đớn và nhục nhã khi biết ngư dân ta, mỗi lần đi đánh bắt xa bờ sẽ phải gặp nguy hiểm với tàu hải giám Trung Quốc. Ông bảo có lẽ muốn sống còn, muốn được an toàn ngư dân ta phải treo cờ Trung Cộng. Những khuất lấp nghe được trong buổi hội thảo ông chỉ dám chia sẻ riêng với bạn mình. Tôi tự hỏi ví như chỉ cần mỗi người cán bộ trong buổi hội thảo đó đứng lên phát biểu về sự quan tâm của họ, về nỗi đau của họ đối với trường hợp các ngư dân, chắc chắn mọi việc đã đổi khác. Sự hiện hữu của nhân loại đến ngày hôm nay là bằng chứng vĩ đại về chiến thắng của cái thiện vượt trên cái ác. Và riêng dân tộc Việt Nam thì kết cục đó càng đúng hơn nữa vì đây không phải là một dân tộc khiếp nhược. Tôi nghĩ đến hình ảnh của Ls Lê Quốc Quân và bác sĩ Phạm Hồng Sơn khoác chặt tay nhau trên đường đến dự phiên toà của Ts Cù Huy Hà Vũ. Chỉ cần những hành động bình thường như thế, của rất nhiều người bình thường khác, chắc chắn đất nước sẽ thay đổi. Xin cám ơn những giọt nước mắt của chị Nguyễn thị Thu Hiền hằng đêm. Xin cám ơn chị Nga, chị Dương Hà, và hàng trăm các chị khác. Cám ơn các chị đã đứng cùng các anh. Những hy sinh của các chị đã tặng dân tộc chúng ta thêm những ngọn nến hy vọng trong những tháng ngày đen tối này.
......

Nhà cầm quyền rối trí về Lê Quốc Quân?

Gửi cho BBC từ California, Hoa Kỳ Trong mấy ngày vừa qua, công an và an ninh của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại Hà Nội đã tạo ra một số diễn biến “náo động” được cho là khá điên rồ. Họ tưởng rằng đưa một nhóm côn đồ đến bắt giữ những người tụ họp tại nhà Blogger Nguyễn Tường Thụy, đánh đập ôngLê Quốc Quyết, em ruột luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân và có những hành vi bạo lực đối hai mẹ con nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên tại phi trường Nội Bài… là chứng tỏ 'bắp thịt' hay sức mạnh, uy thế của chế độ.   Nhưng các hành vi bị phê phán là 'bạo lực' và 'côn đồ' nói trên có lẽ chỉ cho thấy sự bực tức lẫn rối trí của chế độ khi không thể phát hiện và ngăn chặn việc các nhà hoạt động trên không gian mạng Internet đã giúp đỡ hai mẹ con sinh viên Phương Uyên ra thăm Hà Nội trong lúc cô còn chịu cái gọi là “quản chế”. Nếu nhìn trên mặt thuần lý, bộ máy an ninh của chính quyền cộng sản Việt Nam đã đang tiếp tục thua dũng khí của sinh viên Phương Uyên không chỉ ở trong nhà tù Long An mà ngay trên đường phố Hà Nội. Rối trí là phải. Những diễn tiến nói trên chẳng khác gì vụ an ninh và công an Hà Nội chặn bắt Luật sư Lê Quốc Quân vào lúc 8 giờ sáng ngày 27/12/2012, trên đường ông đưa con đi học với tội danh mà họ cáo buộc ông là… trốn thuế. Chỉ có những “đỉnh cao trí tuệ” bị rối trí mới nghĩ ra tội danh kỳ lạ đối với với những người yêu nước kỳ quái như vậy. Sau mấy tháng giam giữ, chính quyền thông báo là sẽ đưa Luật sư Quân ra tòa xét xử về tội trốn thuế vào ngày 9/7/2013. Nhưng chỉ vài giờ trước khi phiên xử ông Lê Quốc Quân dự kiến diễn ra, chính quyền cộng sản tức tốc loan báohoãn phiên tòa vì Thẩm phán “bị cảm đột xuất phải đưa đi cấp cứu”. Sau này người ta mới rõ lý do công an đã buộc bà thẩm phán Lê Thị Hợp phải “đột cảm” là để tránh những rắc rối cho chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang được Hà Nội quyết định ngay vào lúc đó. Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang vào cuối tháng 7 vừa qua khá quan trọng. Nó không chỉ là dấu ấn biểu hiện sự thay đổi chính sách ngoại giao của cộng sản Việt Nam đối với Hoa Kỳ qua bài phát biểu tại Diễn Đàn Shangri-La, Singapore hôm 31/5 của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà còn là bước khởi đầu mở lại sự thăm viếng ở cấp cao giữa hai nước vốn bị trì hoãn gần 5 năm, từ sau chuyến thăm Hoa Kỳ chính thức của ông Dũng vào năm 2008. Ngay sau khi ông Trương Tấn Sang về nước sau cuộc hội kiến với ông Obama, công an và tòa án của chính quyền đã “thả” nữ sinh Phương Uyên. 'Ba việc gây rối trí' Từ lúc Phương Uyên ra khỏi nhà tù, có ba diễn biến thời sự đã làm cho công an một lần nữa rối trí. Thứ nhất là sự xuất hiện của nhóm bloggers vận động bỏ Điều 258 bộ Luật hình sự sau khi chính quyền bắt giữ 3 bloggers là các vị Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy dựa theo điều luật này. Nhóm Bloggers 258 đã tạo được một thành quả quốc tế vận rất lớn khi các anh chị em này thực hiện các cuộc tiếp xúc với hàng loạt sứ quán Hoa Kỳ, Úc, Đức, Thụy Sĩ, Na Uy kể cả sang tận Thái Lan gặp đại diện Liên Hiệp Quốc… trong sự khó chịu của công an, an ninh. Việt Nam hoãn xử ông Lê Quốc Quân trước khi Chủ tịch Sang thăm Nhà Trắng Thứ hai là ông Lê Hiếu Đằng, một cựu cán bộ và một đảng viên lâu năm đã lên tiếng kêu gọi đảng viên đảng cộng sản Việt Nam nên bỏ đảng vì lãnh đạo đã phản bội, để cùng nhau lập ra một đảng mới, hoạt động với tư thế đối lập đối trọng với đảng Cộng sản Việt Nam.Ông Lê Hiếu Đằng là đảng viên cộng sản Việt Nam đương chức đầu tiên trong suốt lịch sử đảng này dám công khai kêu gọi các đảng viên khác hãy rời bỏ cái tập thể 'đang làm hại' đất nước. Thứ ba là 130 trí thức, và con số này còn đang gia tăng, đã phổ biến một Tuyên bố thành lập Diễn Đàn Xã Hội Dân Sựmà mục tiêu là mở ra một diễn đàn trao đổi và tranh luận về nhu cầu cải cách thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ. Các trí thức đã yêu cầu quốc hội của chính quyền cộng sản Việt Nam dừng việc thông qua bản hiến pháp sửa đổi hiện nay và kêu gọi hãy có những thay đổi mang tính nền tảng hơn. Vì nếu cứ tiếp tục duy trì thể chế toàn trị như hiện nay, tình trạng đất nước sẽ dẫn tới những hệ quả khó lường, đặc biệt khi người dân quá thất vọng và bất bình. Công an, an ninh cũng như chính quyền thực sự đang rối trí vì khó có thể dựa trên những điều như 79 (âm mưu lật đổ chế độ), 84 (khủng bố), 88 (tuyên truyền chống phá nhà nước), hay 258 (lợi dụng quyền tự do)… để trấn áp những người đang tạo ra các diễn biến thời sự nói trên. Trong bối cảnh đó, nhà cầm quyền lại quyết định mang Luật sư Lê Quốc Quân ra xét xử một lần nữa về tội trốn thuế vào lúc 8 giờ sáng ngày 2/10/2013 như thông báo chính thức, và cho biết vụ án đuợc xét xử công khai với thẩm phán chủ tọa phiên toà không ai khác hơn là bà Lê Thị Hợp vốn bị “đột cảm” phải hoãn phiên xử cách nay 3 tháng. 'Hai điều phải trả lời' Có hai vấn đề mà nhà cầm quyền Việt Nam sẽ phải giải quyết hay nói đúng hơn là trả lời trước công luận về vụ xử án này. Báo Pháp vinh danh LS Lê Quốc Quân trong 50 người thay đổi thế giới Thứ nhất, tại sao họ không dám xét xử Luật sư Lê Quốc Quân về tội danh chính trị liên quan đến các hoạt động yêu nước của ông mà lại phải sử dụng tội danh trốn thuế? Phải chăng là vì nếu để dùng các con số từ hồ sơ vụ án, mà các luật sư và kế toán viên độc lập đã có thể chứng minh và loan tải trên mạng, thì công luận sẽ thấy ngay rằng Luật sư Quân đã đóng "dư thuế" chứ không phải là thiếu thuế hay trốn thuế như bị cáo buộc. Tòa án có dám cho các luật sư và kế toán viên này đối chất tại phiên tòa hay không? Thứ hai, tại sao lại phải trì hoãn vụ xét xử Luật sư Quân và kéo dài tới gần 3 tháng sau, trong khi bà Lê Thị Hợp chỉ bị 'cúm'? Cả hệ thống tòa án Hà Nội chỉ có duy nhất một chánh án hay sao? Hay chẳng cán bộ chánh án nào muốn tên mình bị cột vào một vụ án mà cả thế giới sẽ lên án và thậm chí 'phỉ nhổ' trong những ngày tháng tới? Mặt khác, tư thế của Luật sư Quân đã đổi khác kể từ ngày anh bị bắt. Trong số tiếng nói lên tiếng cho ông trên khắp thế giới, gần đây nhất Lê Quốc Quân được tờ báo Pháp Le Nouvel Obsevateur đánh giá là một trong 50 người đang làm thay đổi cục diện thế giới. Số báo này cũng bất ngờ xuất hiện đúng vào tuần lễ sinh nhật của ông Quân, ngày 13/9. Đồng thời Luật sư Quân cũng là người mà Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, tổ chức NED và nhiều tổ chức phi chính phủ khác quan tâm hàng đầu. Một số chính giới tin rằng một bản án bất công tại phiên tòa ngày 2/10 sắp tới sẽ làm phương hại mối quan hệ Washington - Hà Nội mà ông Trương Tấn Sang gây dựng trong chuyến viếng thăm vào cuối tháng Bảy vừa qua. Xem ra, dù với đầy đủ thông tin, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn không thoát nổi và đang lập lại đoạn đường chót của hầu hết các chế độ độc tài vừa sụp đổ trong mấy thập niên qua. Thay vì giải thoát chính mình bằng cách trả quyền điều hành đất nước lại cho dân tộc, họ chỉ biết tiếp tục gia tăng bạo lực, tiếp tục tin rằng người dân sẽ bị đánh quị và trở về tư thế quỳ gối cũ. Nhưng Hà Nội đang rất kinh ngạc và bối rối khi thấy các đòn bạo hành của họ chỉ làm tăng sự phẫn nộ của người dân và ngày càng làm nhiều người đứng lên hơn nữa. Thế là họ càng ra sức bạo hành, càng rối trí, và càng đẩy chính họ vào chân tường. Bài phản ánh quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, hiện là Tổng bí thư Đảng Việt Tân có văn phòng tại Hoa Kỳ. Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese/
......

Việt Nam vẫn ‘đứng ngoài” nhân loại và sự phát triển?

Chỉ cần tra cứu trên các phương tiện thông tin chính thống của Nhà nước có thể nhận thấy, đánh giá tình hình kinh tế trì trệ, vô vàn khó khăn làm người dân rối như “canh hẹ”. Hay nói đúng hơn là những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước và bộ phận tham mưu giống như những học trò “kém” đang loay hoay đi tìm quỹ tích không hề có trong hình học không gian vậy! Nguyên nhân cốt lõi Tình hình các nước có sự phát triển vượt bực làm cho Việt Nam ngày càng lâm vào cảnh tụt hậu xa hơn. Thể chế và con đường chúng ta đang mò mẫm đi theo kiểu đã có “Đảng và Nhà nước lo” gây nên biết bao hệ lụy nhãn tiền!   Hiện nay, chỉ có ASEAN, Ucraina, Nga, Trung Quốc, Venezuela và Nam Phi công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nguyên nhân chỉ vì “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, không phải do được quyết định bởi quy luật cạnh tranh tự do của thị trường.   TPP, WTO, hội nhập quốc tế, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, sửa Hiến pháp Cũng là da vàng, tóc đen sùng bái “Đạo Khổng”, Singapore và Hàn Quốc cũng phải trải qua một thời kỳ kinh tế chính trị khắc khổ, độc tài và thắt lưng buộc bụng, mà sao con tàu kinh tế của họ vẫn về đến đích. Sự hy sinh của các thế hệ dẫu sao cuối cùng còn có nụ cười no ấm, dân chủ và hạnh phúc của con và cháu họ. Ít nhất sự trả giá còn có lối thoát. Xã hội các nước châu Á có nét phát triển khác với châu Âu nên Mác-Ăng ghen có đề cập đến phương thức sản xuất châu Á. Theo tôi hiểu, thì phương thức sản xuất châu Á có đặc điểm là các cuộc cách mạng xã hội, gắn với các cuộc nổi nổi dậy của nông dân, dù có thành công, cũng chỉ dẫn đến thay đổi dòng họ trị vì chứ không thay đổi chế độ xã hội như đã xảy ra tại châu Âu. Do đó, nhân dân Việt Nam đã có câu tổng kết “Con vua thì lại làm làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Nói cách khác, tâm lý phong kiến, tiểu nông đã ăn sâu vào thâm căn cố đế trong tư duy của người dân. Các nước châu Á chưa qua giai đoạn cách mạng công nghiệp (gắn với thời đại phục hưng) như của các nước tư bản châu Âu. Do đó, nền sản xuất lớn cơ giới hóa được hình thành tại các nước này là do các nước thực dân, đế quốc phương Tây đưa vào chứ không phải do tự thân vận động của các nước đó. Tuy nhiên, cũng phải thấy Nhật Bản đã chủ động tiếp nhận quá trình công nghiệp hóa để phát triển nên mang tính chất ngoại lệ. Chính sách đối với các nước thuộc địa của thực dân Pháp và thực dân Anh- Mỹ có nét khác biệt cơ bản. Về mặt kinh tế, thực dân Pháp duy trì nền kinh tế tại nước ta ở trình độ nền sản xuất nhỏ và chỉ đưa yếu tố của nền sản xuất lớn ở mức độ nhất định. Thế nhưng đế quốc Anh- Mỹ đã thực hiện chính sách tư bản hóa giai cấp lãnh đạo tại các nước mà họ đặt chân xâm chiếm, dẫn đến thực hiện công nghiệp hóa tại các nước này. Ai cũng nhìn thấy vấn đề ở đây là hạn chế về tư duy, phẩm chất của nhiều vị lãnh đạo, (do lỗi hệ thống tuyển chọn nhân tài). Vấn đề minh bạch, cần tra soát đề bạt và bãi miễn hệ thống nhân sự điều hành cho phù hợp với năng lực và hoàn cảnh cống hiến trở nên là “vấn đề “của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư sáng giá và chuẩn “vàng ròng”. Còn chúng ta thì sao nhỉ? Ra nước ngoài thì cũng là thân phận thấp hèn, dù trí tuệ và nhân phẩm của một nhóm con người ưu tú đâu có thua dân tộc nào. Còn ở trong nước thì từ cao đến thấp phổ biến tự dối lừa bản thân và tự ngạo mạn vô lối. Trong dân gian có câu khẩu ngữ 4 D nói về “nhóm lợi ích” thao túng đất nước “Đố kỵ, Dối trá, Độc ác, Dửng dưng” nghe thật cay đắng, bởi thế chưa có thời kỳ nào người dân coi thường lãnh đạo như ngày nay.   Ngược lại, bản thân người dân cũng lúng túng, loay hoay không biết dựa vào ” cột trục” chuẩn mực nào để xây cuộc đời. Chỉ riêng bài toán kinh tế cũng không có nghiệm vì tình trạng phổ biến là nhiều vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương có xu hướng báo cáo nặng về thành tích, nói đến khuyết điểm chỉ mang tính chất cho có vẻ khách quan, cốt để đánh bóng cho bản thân mình, tìm cách trấn an dư luận xã hội. Trong nội bộ lãnh đạo, không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, thiếu sự đấu tranh tự phê và phê bình một cách nghiêm túc dẫn đến mất đoàn kết nội bộ đã được đại hội Đảng nhiệm kỳ VI-XI liên tục ghi nhận nhưng hầu như không chuyển biến. Theo đánh giá của đại hội Đảng lần thứ VI thì đội ngũ cán bộ chiến lược (tham gia vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách) đã phạm sai lầm nghiêm trọng và kéo dài vì bị chi phối bởi hệ tư tưởng tiểu tư sản vừa tả khuynh vừa hữu khuynh. Nợ công và con số thống kê Để đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế phải dựa vào các con số thống kê, trong đó có nợ công để đưa ra các quyết sách. Tương tự như trong lĩnh vực khoa học tài nguyên nước, khi muốn xây dựng con đê, cống lớn, nhà máy thủy điện vv…người ta phải dựa vào mô hình toán thủy văn, thủy lực để mô phỏng lựa chọn phương án tốt nhất. Độ chính xác của mô hình phụ thuộc vào số liệu cơ bản, chất lượng phần mềm tính toán và năng lực của người xử lý mô hình. Chỉ riêng số liệu cơ bản đầu vào mà sai thì chất lượng của mô hình coi như đồ bỏ, nếu sử dụng thì chỉ mang lại tai họạ! Đấy chỉ là trong phạm vi của ngành, còn số thống kê của cả nước sai sự thật, thì hậu quả còn lớn hơn nhiều. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi nghe những báo cáo thống kê nửa chặng đường phát triển kinh tế trong 5 năm từ 2011 – 2015, đã phát biểu “Các con số của Việt Nam cứ thế nào ấy. Tôi không dám tin. Thế mà chúng ta lại đem số liệu đấy ra phân tích nữa thì chắc là càng không đúng”. Bản thân người viết bài này ngay từ mấy năm trước đã mạnh dạn viết về sự bất cập của số liệu thống kê Việt Nam qua các bài như “Nợ công đại vấn đề”; “Đằng sau các con số thống kê”; “Con số mà biết nói năng” vv… Theo đánh giá của chuyên gia Vũ Quang Việt nguyên nhân của tình trạng bất ổn định kéo dài từ năm 2008 đến hôm nay thì dường như ai cũng biết. Nhà nước vừa chi tiêu quá trớn, vừa sử dụng chính sách đẩy mạnh tín dụng. Kết quả là đầu tư và phát triển thiếu chất lượng, nợ nước ngoài tăng, lạm phát cao, nợ xấu tăng, nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ và nhiều ngân hàng trên bờ phá sản, còn tốc độ tăng GDP thì lại trên đà suy giảm. Tất nhiên trong tình hình như thế, doanh nghiệp không muốn đầu tư, ngân hàng bó buộc phải cắt giảm và thận trọng hơn trong cho vay. Đầu tư nước ngoài cũng không thể tăng như trước. Tình hình đình đốn như thế này sẽ còn kéo dài nhiều năm. Chính sách kích cầu chỉ như đổ dầu vào lửa. Tuy nhiên trong tình hình như thế, nhà nước không phải chỉ ngồi bó tay mà cần lợi dụng thời cơ thiết lập lại trật tự kinh tế. Một trong những trật tự cần thiết lập (chứ không phải thiết lập lại) là hệ thống kiểm soát và cân bằng (check and balance) giữa Chính phủ và Quốc hội trong hoạt động kinh tế. Loạn “sứ quân”! Ngân sách là phản ánh cụ thể chính sách kinh tế. Ngân sách hàng năm được Quốc hội thông qua ở nhiều nước mang đầy đủ tính chất của một đạo luật. Vi phạm bằng cách vượt mức chi ngân sách đề ra là vi phạm luật. Điều này Quốc hội Việt Nam chưa bao giờ đặt ra và thực hiện, dù rằng Chính phủ chi vượt qui định là thực tế đã xảy ra hàng năm. Tỷ lệ chi ngân sách vượt mức Quốc hội quyết đã rất cao và còn đang tăng, từ 31% lên 42% trong khoảng thời gian 2007-2011. Chỉ có thể thấy tính nghiêm trọng của vấn đề trên nếu đem so số nợ vay thêm trên với số nợ tối đa mà Chiến lược vay nợ của Chính phủ đã đề ra cho giai đoạn 2011-2015. Nợ tối đa được qui định là 225,000 tỷ đồng, tức là 10,6 tỷ US. Tuy nhiên, số nợ tăng thêm tính từ đầu năm 2011 đến tháng 6 năm 2013 đã hơn 11 tỷ US, nhưng vẫn còn 02 năm rưỡi nữa mới hết thời hạn kế kế hoạch. Đấy là chỉ kể nợ trái phiếu bao gồm cả tín phiếu ngắn hạn, chưa tính tới nợ vay chính phủ hay ngân hàng nước ngoài. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận xét tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công xuất hiện chủ yếu từ khâu quyết định chủ trương đầu tư. Hàng loạt các công trình xây dựng xong bỏ hoang, lãng phí không sử dụng, nhưng không ai chịu trách nhiệm cho nên khoản nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương cả nước lên đến 91.000 tỉ đồng. Theo tôi hiểu, thiếu tiền, nhiều địa phương lại tìm mọi cách “moi tiền” mà không biết ai có thể kiểm soát được họ, kể cả phát hành thêm trái phiếu, thêm nợ. Ngay ở Trung ương, ông Vương Đình Huệ tuyên bố là 7% lạm phát nằm trong kế hoạch những năm tới, có nghĩa là bình thường. Với tư duy kinh tế như vậy, không hiểu nền kinh tế của đất nước sẽ đi về đâu? Lẽ nào, theo Hiến pháp Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước nhưng thực tế mãi mãi vẫn chỉ là “hữu danh, vô thực”!? Bài học về Vinashin Ngay từ khi bùng nổ, vụ Vinashin đã được nhiều chuyên gia phân tích đánh giá rất sâu sắc. Tôi cũng đã viết bài “Vinashin đừng đánh bùn sang ao”. Tháng 2/2013, có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính có thể đứng ra bảo lãnh cho khoản nợ quốc tế tới 600 triệu USD của Tập đoàn Công nghiệp Vinashin Vinashin cùng 23 triệu đô la tiền lãi chưa thanh toán thành loại trái phiếu chiết khấu có thời hạn 12 năm, do Bộ Tài chính Việt Nam phát hành để tránh chủ nợ bắt các tầu cũng như ngăn chặn hàng hóa của Vinashin trên thị trường quốc tế để lấy lại vốn. Đề án này đã được Tòa thượng thẩm chấp thuận hôm 4/9. Như vậy, nó không còn là nợ của Vinashin nữa. Bộ Tài chính đang phải “đứng mũi chịu sào” cho bao nhiêu những khoản nợ của nhóm “khu vực chủ đạo” – doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)!?. Người nước ngoài không cần biết tên Vinashin hay bất cứ thứ tên nào tương tự nữa. Đến ngày đáo nợ họ sẽ đến Bộ Tài chính để đòi. Nếu đã quyết định đẩy các công ty con đi cho người khác chịu trách nhiệm thì bây giờ cái còn lại đã là 01 công ty mới rồi. Nó không còn liên hệ gì với những cái bị đẩy đi nữa. Nhà nước đã lãnh đủ cái đó rồi. Vậy cái mới có đủ sức sống không thì phải đánh giá tình trạng tài chính và kế hoạch của họ trong tương lai. Thông tin ở đâu để đánh giá? Về phát triển ngành đóng tầu trên thế giới thì đây là ngành đi xuống từ trước năm 2006 và sẽ tiếp tục đi xuống. Không có khả năng đóng tầu để bán. Vậy thị trường đóng tầu trong nước như thế nào? Có đóng nổi tầu chiến hay nên mua nước ngoài? Về mặt quản lý thì không hy vọng gì, bởi vì cái hệ thống quản lý quốc gia vẫn như cũ. Nếu không còn có thị trường đóng tầu thương mại mà chỉ có nhu cầu đóng tầu chiến thì nên giao nó cho quân đội. Thay cho lời kết Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển, và Đảng ta luôn nói lắng nghe mọi ý kiến góp ý, nhưng lắng nghe kiểu như vừa qua, thì rút cục đất nước VN vẫn sẽ “đứng ngoài” nhân loại, và sự phát triển. Chính sự tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng mọi sự sáng tạo, trong đó, có tư duy, mới là động lực kích thích cho dân tộc đó phát triển, và cũng chứng tỏ chính quyền của quốc gia đó mạnh. Người mạnh là người biết lắng nghe mọi chính kiến khác biệt. Nguồn: kimdunghn.wordpress.com
......

Ẩn đằng sau chuyến công du của thủ tướng

"Những chuyến công du tất bật của lãnh đạo ĐCSVN sẽ mang lại kết quả gì khi chỉ tìm dầu cù là, dầu gió thoa ngoài da để trị bệnh ung thư thời kỳ cuối của nền kinh tế phi kinh tế mà đảng mãi dung túng? TTĐQ" Cách đây 2 tuần, tôi có một cuộc khảo sát các bạn tôi là những giám đốc kinh doanh ở các lĩnh vực thương mại gồm: điện máy, hàng nông sản thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, thì sức mua của người dân giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2013 chỉ còn 40% so với cùng kỳ năm 2012. Một số doanh nghiệp đã giảm biên chế hoặc giảm lương chỉ còn 40%. Sức mua giảm thì hàng tồn kho tăng, hàng tồn kho tăng thì buộc doanh nghiệp phải giảm hoặc ngưng sản xuất.   Một số doanh nghiệp làm ăn có lãi, còn sống sót nhờ đơn đặt hàng xuất khẩu, nhưng vay vốn hoạt động bị giảm xuống, vì giá trị thế chấp bất động sản đã giảm, thiếu vôn kinh doanh để đủ nuôi quân, họ đành giảm sản xuất, hoặc đóng cửa. Chỉ cần có thế, không cần phải làm cái gì to tác, để có thể hiểu được kinh tế Việt Nam đang ở đâu.   Nhưng khi ông thủ tướng Nguyễn tấn Dũng bắt đầu chuyến công du Pháp, để ký kết đồng minh chiến lược, thì cũng là lúc ở nhà các nhà kinh ban tế thế họp nhau ở Huế với cái gọi là: Diễn đàn kinh tế mùa thu. Các nhà kinh bang tế thế bàn nhau rất hăng. Nào là kinh tế Việt Nam đã hạ cánh nặng nề, từ miệng ông chú tịch ủy ban giám sát tài chính quốc gia. Nào là kinh tế Việt Nam nghẽn mạch tăng trưởng từ ông viện trưởng viện kinh tế Việt Nam. Nào là kinh tế Việt Nam vỡ ổn định vĩ mô từ 5 năm qua từ ông cựu phó thủ tướng. Nếu chịu khó đọc thì toàn tin xấu. Hôm nay, ông thủ tướng vừa đặt chân tới Washington DC. Gọi là đi họp lần 68 của Liên Hiệp Quốc, nhưng ông đã tức tốc đến thăm 3 nơi vô cùng quan trọng, mà từ trước tới nay chưa có nhà cầm quyền nào ở Việt Nam làm chuyến con thoi tấp cập như thế: World Bank, IMF và Bộ thương mại Hoa Kỳ, với những lời đề nghị rất thiết tha về vấn đề vay mượn, và mong mỏi Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường tự do. Có một điều mấu chốt là, tại sao các nhà kinh bang tế thế không ai dám đá động đến nguyên nhân sụp đổ kinh tế của nước Việt là chính trị không chịu thay đổi để phù hợp với kinh tế năng động? Thế mới thấy sự ràng buộc của 2 cái phàm là của Mao nó ghê gớm đến nhường nào? Hai năm trước tôi đã có bài: Nhìn đến năm 2013. Trong đó, tôi đã nhận định rằng, kinh tế Việt Nam sẽ thực sự sụp đổ vào năm 2013, vì một nền chính trị phi khoa học, đi ngược với các quy luật xã hội học. Nhìn hình ảnh ông thủ tướng công du con thoi, mà bề ngoài là đi ký kết chiến lược với Pháp, và đi tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 68, nhưng bản chất là đi lo chuyện kinh tế nước nhà đang sụp đổ, chưa có thuốc chữa. Tháng 10/2013 là tháng quyết định nhiều việc đối với Việt Nam. Vì nó là tháng mà quốc hội phải thông qua hiến pháp mới 2013 - sau 4 lần sửa đổi - để phù hợp tình hình mới. Cũng là tháng mà vòng đàm phán lần thứ 20 - cũng là vòng đàm phán cuối cùng - của Hiệp Định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Nhưng tới nay, quốc hội vẫn còn đang loay hoay với những chuyện xưa như trái đất - sở hữu và đơn nguyên hay đa nguyên chính trị. Và 81 tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn chưa được tư nhân hóa, cũng như chưa được công nhận người dân được phép thành lập Hội. Tất cả những điều này quyết định cho Việt Nam có được tham gia tự nguyện vào TPP hay không. Không ai bắt buộc Việt Nam phải vào. Nhưng không vào thì không có cái để cứu lấy nền kinh tế đang sụp đổ. Trong khi đó để được vào là phải cải tổ hệ thống chính trị. Chuyến công du của ông thủ tướng chỉ cách chuyến đi của ông chủ tịch nước đến Hoa Kỳ có 2 tháng. Cả hai chuyến đi đều có những hành động quyết liệt nhằm cứu lấy nền kinh tế đang sụp đổ thực sự. Hai chuyến đi dồn dập và những mục tiêu cho thấy tất cả. Nhưng Hoa Kỳ lại là một quốc gia không là con chiên của bất kỳ chủ thuyết nào, mà là một quốc gia theo cuộc sống hiện sinh thực dụng. Ngoại giao với Hoa Kỳ không chỉ bằng nước bọt. Lần này thực sự là nguy ngập, nhưng trong cái nguy ngập ấy lại là cơ hội chính trị Việt Nam thay đổi như Miến Điện. Nếu không, hầu như mọi ngã đường đi đến tương lai của Việt Nam đều xấu. Vì lòng dân đã mất niềm tin. Xuất khẩu vẫn tốt mà sức mua của dân chúng lại cạn kiệt. Hệ thống tài chính ngân hàng đang ôm nợ xấu, dù giảm lãi suất, nhưng không tìm ra khách hàng cho vay, trong khi đó vẫn cứ tăng mức huy động vốn để tồn tại. Đó là những nghịch lý lớn đang tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam, và chính chúng sẽ hủy diệt nền chính trị phi khoa học không bao lâu nữa. Tư Gia, 20h31’ ngày thứ Sáu, 27/9/2013 Nguồn: Blog Bs Hồ Hải
......

Tự thi hành quyền công dân

Ngày 22 Tháng Chín 2013 vừa qua, 130 nhà trí thức ở trong và ngoài nước đã đưa ra một bản “Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị.” Một điều được nêu ra là “cần khởi xướng một diễn đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa.” Chắc ai cũng phải đồng ý với sáng kiến này, sẵn sàng ký tên chung, kể cả ông Ðoàn Văn Vươn. Ai cũng mong thay đổi nước ta từ một chế độ độc tài toàn trị sang dân chủ tự do; và chắc ai cũng muốn chỉ đòi hỏi thay đổi một cách ôn hòa, để người Việt không làm đổ máu người Việt. Nếu có người vào tù hỏi ý kiến, chắc ông Ðoàn Văn Vươn cũng đồng ý ký vào bản tuyên bố này. Mặc dù, đã có lúc ông thấy cứ ôn hòa mãi chẳng đi tới đâu cả nên phải dùng đến chất nổ, chỉ cho nổ chơi thôi, và dùng súng hoa cải bắn vu vơ không có ý định giết ai cả. Bây giờ anh em nhà họ Ðoàn bị tù, các cán bộ mà ông tranh đấu ôn hòa mãi không ăn thua gì thì họ đã được thăng quan tiến chức. Nhưng chắc nếu được coi bản Tuyên bố về Thực thi quyền Dân sự và Chính trị thì ông Vươn cũng sẵn sàng ký. Mà chắc ông Ðặng Ngọc Viết, nếu còn sống, cũng vậy. Ông phải đồng ý rằng nước ta cần đổi từ độc tài toàn trị sang dân chủ tự do, và nên tranh đấu ôn hòa. Chỉ tiếc ông đã không thể ôn hòa mãi được, cho nên hôm 11 Tháng Chín ông đã tới Trung Tâm Phát Triển Quỹ Ðất thành phố Thái Bình, hỏi tên để tìm mặt các quan chức, rồi bắn chết hai người, ba cán bộ khác trọng thương. Tội nghiệp ông Ðặng Ngọc Viết, ông đã đi xa, vào tận miền Nam làm ăn từ lâu. Chỉ về thăm quê được một tuần, nghe nỗi khổ của gia đình bị ép lấy mất đất mà bồi thường không đủ nên cơn phẫn uất nổi lên, ông giết người rồi tự bắn vào tim mình (theo blog Quê Choa). Sau khi ông Viết qua đời, chắc gia đình ông lại tiếp tục tranh đấu ôn hòa như cũ. Tôi cũng sẵn sàng ký tên mình vào bản Tuyên bố với 130 nhà trí thức đã ký. Nhưng tôi cũng biết chính mình, và 130 vị đã ký tên, không ai bị cướp đất, cướp ruộng hay ao cá. Không ai phải khóc vì oan ức, như các gia đình Ðặng Ngọc Viết và Ðoàn Văn Vươn; không ai bị ức hiếp đến nỗi phải tự thiêu như bà Ðặng Thị Kim Liêng. Mỗi người làm bổn phận đối với đất nước theo cách của mình. Ðặng Ngọc Viết và Ðoàn Văn Vươn đã bày tỏ ý kiến bằng chất nổ và súng; còn các nhà trí thức bầy tỏ cách khác, bằng các lời tuyên bố. Cả hai cách đều có giá trị không khác gì nhau. Ðảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải chọn, hoặc đối thoại với các người tranh đấu ôn hòa, hoặc đối đầu với những Ðặng Ngọc Viết và Ðoàn Văn Vươn trong tương lai. Các nhà trí thức đã khởi xướng một diễn đàn để thi hành quyền công dân của họ. Diễn đàn này mang tên “Diễn đàn xã hội dân sự;” và họ thông báo “có trang thông tin điện tử là nơi bày tỏ ý kiến của các tổ chức, các nhóm, các cá nhân cùng theo đuổi mục đích nêu trên.” Chúng ta chờ đợi trang thông tin điện tử của Diễn Ðàn Xã Hội Dân Sự. Mặc dù, từ mấy năm nay có thể coi là một diễn đàn đã có mặt rồi, dưới những tên gọi khác. Năm 2007, ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Ðiếu Cày đã thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Mạng lưới Bô Xít Việt Nam đã hoạt động từ mấy năm nay, chính tôi đã nhiều lần đóng góp ý kiến trong đó. Cách đây ba hôm, Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ), trụ sở ở New York, đã trao tặng giải thưởng Tự Do Báo Chí Quốc Tế năm 2013 cho ông Nguyễn Văn Hải, đang ở trong tù. Họ cũng tặng giải cho ba nhà báo khác, Janet Hinostroza ( đài Teleamazonas, Ecuador), Bassem Youssef (đài CBC, Ai Cập), và Nedim Sener (báo Posta, Thổ Nhĩ Kỳ). Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo tuyên bố: “Chúng tôi ghi nhận lòng can đảm, sự dấn thân và ý chí từ chối không ngậm miệng im lặng” của bốn nhà báo tranh đấu cho quyền làm người. Trong bốn người được tặng giải, Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải là người duy nhất đang bị tù, từ năm 2008 đến nay. Ông Nedim Sener mới chỉ bị truy tố ra tòa, chắc sẽ được tự do cùng hai người kia đến New York lãnh giải. Nhưng nếu có người vào trong nhà tù hỏi ý kiến, chắc anh Nguyễn Văn Hải cũng sẵn sàng ký tên vào bản tuyên bố thành lập diễn đàn mới này. Bởi vì đó là việc chính anh đã làm từ 7, 8 năm trước. Trang mạng của Ðiếu Cầy, của Tạ Phong Tần (hai người bị tù), cho tới những trang của Ô Sin Huy Ðức, Người Buôn Gió, Anh Ba Sàm, Huỳnh Ngọc Chênh, vân vân, cũng đều là những diễn đàn xã hội và dân sự cả. Vì họ đều dấn thân và không chịu ngậm miệng, và họ chỉ bàn các vấn đề dân sự thôi chứ không dùng súng đạn như người dân Tiên Lãng hay Thái Bình đã dùng. Cho nên, sau bản tuyên bố đang được mọi người hoan nghênh, các nhà trí thức trong nước cần có những hành động mạnh hơn, tiến xa hơn những lời tuyên bố. Bản tuyên bố đã nêu lên vấn đề sửa đổi Hiến Pháp; đó là một bước khởi đầu đáng chú ý. Họ nhận xét việc sửa đổi Hiến Pháp của Quốc Hội hiện nay “về cơ bản vẫn duy trì thể chế toàn trị của giới cầm quyền nhân danh Ðảng Cộng sản Việt Nam.” Cho nên, họ “yêu cầu Quốc Hội dừng việc thông qua bản Hiến Pháp sửa đổi trong đó thể chế chính trị hiện hành vẫn được duy trì.” Nói cách khác, họ muốn toàn dân tham dự thảo luận thay đổi “chế chính trị hiện hành,” về cơ bản. Tại sao lại đòi thay đổi chế chính trị hiện đang có ở nước ta? Lý do được nêu ra là sau khi sống trong thể chế hiện hành, họ thấy, “Ðó là nguyên nhân gốc rễ khiến nước ta lâm vào khủng hoảng trên nhiều mặt: kinh tế suy giảm nặng... văn hóa giáo dục suy đồi, đạo đức băng hoại, môi sinh bị tàn phá,... dân mất lòng tin;... trong khi đó, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị thế lực bành trướng Trung Quốc gia tăng các hành động xâm phạm.” Kết luận: “Ðể vượt qua những thách thức hiểm nghèo đối với đất nước và dân tộc, giải pháp cơ bản là phải cải cách thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ.” Ðã có nhiều tiếng nói đòi thay đổi thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, như vẫn trình bày trong mục này. Nhưng đây là lần đầu tiên có những người ở Việt Nam chính thức đòi toàn dân được góp ý kiến thay đổi thể chế, bằng bản Hiến Pháp mới. Có thể coi đây là một cao điểm trong phong trào vận động tự do dân chủ ở nước ta: Chính thức lên tiếng đòi thay đổi thể chế! Một điểm đáng chú ý khác là những người ký tên trong bản tuyên bố không ngỏ ý xin ai cái gì cả. Họ không xin đảng, nhà nước, hay Quốc Hội cho họ được góp ý kiến. Họ tuyên bố sẽ “thực thi quyền Dân sự và Chính trị” được dẫn ra với điều 69 trong Hiến Pháp hiện hành và “Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị” mà Việt Nam đã ký từ năm 1982. Họ chỉ thi hành các quyền công dân đã có sẵn. Thái độ ngang nhiên, không xin xỏ, không “nhờ lượng cả bao dung” của băng đảng cầm quyền, là một bước tiến mới; so với các bản kiến nghị và thỉnh cầu trước đây. Chúng tôi hoan nghênh bước dấn thân mới này; và ước mong những lời nói sẽ biến thành hành động. Một điều đáng lo ngại là nhiều người sẽ ký tên vào bản tuyên bố nhưng không nghĩ đến việc làm sao các ý kiến của mình sẽ biến thành sự thật. Như một kiến trúc sư ở Hà Nội, trả lời đài RFI đã nói: “...tôi cũng không hy vọng là mình ký xong, thì người ta sẽ suy nghĩ, người ta sẽ chờn, người ta sẽ làm theo ý mình. Nhưng ít ra tôi cũng ký, để thể hiện quan điểm của tôi, là tôi đòi xóa bỏ những chuyện bất công, vô lý đã diễn ra ở xung quanh mình.” Nếu ai cũng nghĩ như bà kiến trúc sư này, ký tên chỉ để “thể hiện quan điểm” của mình, mà không hy vọng gì cả, thì tất cả bản tuyên bố này sẽ vô giá trị. Khi muốn “đòi xóa bỏ những chuyện bất công, vô lý đã diễn ra ở xung quanh mình,” thì người ta phải sẵn sàng dấn thân hơn. Nếu không, thì chỉ trong ba tháng sẽ chẳng còn ai nhớ đến bản tuyên bố hùng hồn này nữa. Bởi vì ở nước ta đã có hàng ngàn những bài viết, những tuyên ngôn và kiến nghị nêu lên các ý kiến tương tự rồi; hầu hết đã chìm vào quên lãng. Cuối cùng, người ta chỉ còn nhớ những Ðoàn Văn Vươn, nhớ Ðặng Ngọc Viết, và tưởng nhớ bà Ðặng Thị Kim Liêng, người đã tự thiêu sau khi bị chính quyền đàn áp, chỉ vì có con gái chống Trung Cộng xâm lăng rồi bị bỏ tù. Cần bao nhiêu người chết như Ðặng Ngọc Viết và Ðặng Thị Kim Liêng nữa thì giới trí thức mới rời khỏi cái máy vi tính và các trang mạng, bắt đầu xuống đường “xóa bỏ những bất công, vô lý” cho đến khi nước Việt Nam có cơ hội ngẩng mặt lên? Nguồn: nguoi-viet.com/
......

Nhà báo Phạm Chí Dũng: Phong trào dân sự tại Việt Nam đã chín muồi

Tại Việt Nam vào tháng 8/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng đã đề xuất việc thành lập đảng Dân chủ Xã hội, chấm dứt sự độc quyền của đảng Cộng sản Việt Nam về chính trị. Ý kiến này được nhiều người ủng hộ và thảo luận sôi nổi. Đến cuối tháng 9/2013, một tuyên bố về các quyền dân sự và chính trị do một nhóm trí thức vốn là những người khởi xướng Kiến nghị 72 phổ biến trên mạng. Chúng tôi đã đặt câu hỏi với nhà báo tự do, tiến sĩ Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn về các vấn đề trên.   Nhà báo, tiến sĩ Phạm Chí Dũng RFI/Capdevielle   RFI : Kính chào nhà báo Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã nhận trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ. Thưa anh, ở Việt Nam đang diễn ra những cuộc tranh luận về việc nên lập đảng chính trị mới hay theo phương thức xã hội dân sự nhằm cải thiện không khí dân chủ. Quan điểm của anh như thế nào ? Nhà báo Phạm Chí Dũng: Theo quan điểm của cá nhân tôi, ngôi nhà nào cũng cần phải có móng. Xã hội dân sự với các phong trào của nó sẽ mang tính thiết thực hơn là mô hình đảng phái độc lập còn khá mơ hồ ở Việt Nam. Lịch sử Việt Nam đã trải nghiệm không biết bao nhiêu lần về chuyện thừa thãi lòng nhiệt huyết nhưng lại thiếu tính hành động. Một đảng Dân chủ Xã hội hay nhiều đảng phái khác có thể được khởi xướng, thậm chí có thể hình thành ít nhất trên danh nghĩa mà không bị nhà cầm quyền cô lập, trong bối cảnh tác động về dân chủ và nhân quyền của cộng đồng quốc tế đã trở nên mạnh mẽ hơn hẳn nội lực phản ứng của chính quyền. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng muốn hoạt động được, và hơn thế là triển khai thành công tính tư tưởng cùng phương châm hành động của nó, tổ chức đảng lại cần phải có lực lượng. Cho đến nay, lực lượng cho một đảng phái vẫn là một câu hỏi để ngỏ trong lòng những người nhiệt thành muốn thay đổi nhưng chưa biết làm thế nào. Thậm chí để tiến hành một cuộc cách mạng xã hội, người ta cần phải đổi mới chính mình trước khi bàn đến việc thay đổi người khác. Khác hẳn với định chế đảng phái chính trị, xã hội dân sự với các phong trào dân sự không nhắm đến một cuộc tranh đua, giành đoạt về quyền lực đối với chính thể đương nhiệm. Đặc biệt trong bối cảnh thể chế chính trị một đảng được coi là “duy nhất” ở Việt Nam, mối lo về cạnh tranh chính trị càng trở nên nhạy cảm và quá khó xử. Với sứ mệnh được mặc định của mình, xã hội dân sự chỉ nhằm làm cho chính quyền nhận ra được những sai lầm trong chính sách và quá trình thực hiện chính sách, từ đó tiến hành hủy bỏ hoặc điều chỉnh những chính sách, nhân sự thực hiện, làm gần gũi và đồng cảm hơn giá trị “của dân, do dân và vì dân”. Ôn hòa, bất bạo động, tránh đổ máu là những đặc trưng trong phương pháp hoạt động của xã hội dân sự và các phong trào dân sự. Chính phương châm này đã loại trừ tâm trạng lo lắng đầu tiên của những người muốn tham gia phong trào dân sự là liệu họ có bị sách nhiễu hoặc thậm chí bị bắt bởi những hoạt động thuần túy xã hội của mình. Cũng cần nhắc lại ngay sau đề xuất thành lập đảng Dân chủ Xã hội của ông Lê Hiếu Đằng vào tháng 8/2013, nhiều trí thức đã nổi lên tranh luận về câu hỏi “Thời cơ đã chín muồi chưa?”. Nhưng ngay lập tức, những người khác hỏi lại “Thế nào là chín muồi?”. “Chín muồi” cũng vì thế đã trở thành lời thách đố lớn nhất nếu thiếu người khởi xướng có uy tín và năng lực hành động. Và cho dù có được người khởi xướng thì lại thiếu lực lượng điều hành và cốt yếu hơn thế nữa là không có nổi lực lượng thừa hành. Nhưng dễ dàng hơn nhiều so với mô hình đảng phái chính trị, hoạt động của phong trào dân sự với mục tiêu xã hội có thể được chấp nhận ở mức khiêm tốn, tự lượng sức mình và thỏa mãn nhiều hơn hẳn những điều kiện về “chín muồi”. RFI : Như vậy theo anh đang có những điều kiện nào cho sự chín muồi của một phong trào dân sự ở Việt Nam? Với tôi thì rõ ràng đó là nhu cầu xã hội, yêu cầu của nhân dân. Câu trả lời rõ rệt nhất cho độ chín muồi đến thời điểm hiện tại vẫn là “lòng dân”. Nước lên thuyền lên, nhưng nước xuống thì thuyền cũng phải xuống theo – Nguyễn Trãi đã dạy như thế và cũng có không biết bao nhiêu bài học lịch sử nhưng lại không được thấm nhuần vào những cái đầu đặc sệt lúc nào cũng chỉ nghĩ đến quyền và tiền. Kinh tế lụn bại, tham nhũng ghê rợn chưa từng thấy, xã hội nhiễu nhương đạo lý, chính trị bất nhất đạo đức, tình cảm của người dân chuyển từ bức xúc đến phẫn nộ rồi tràn sang phẫn uất. Trong bối cảnh đó u uất đó, những người muốn có một sự thay đổi lớn lao về thể chế chính trị không phải là ít. Xã hội dân sự là một trong những phương cách tốt nhất để tạo nên sự thay đổi cấp thiết ấy. Hãy làm sao để người dân nhận ra rằng được sinh ra từ lòng xã hội dân sự, các phong trào dân sự không phải là một khái niệm cao siêu mà giai cấp nông dân và công nhân không thể với tới được. Ngược lại, hoạt động dân sự trong xã hội dân sự là những gì thiết thân và gần gũi nhất với đời sống dân sinh, nhằm hỗ trợ giải quyết một cách thấu tình đạt lý những bức xúc của dân chúng liên quan đến nhiều chủ đề thiết thực trong hiện tồn Việt Nam như Hiến pháp, tham nhũng, đất đai, môi trường, biển đảo, quyền lợi người lao động, thị trường, các chính sách công bất hợp lý… Có quá nhiều những vấn đề cần phải giải quyết trong bối cảnh chính quyền không có đủ năng lực và ngày càng mất đi sự công tâm cần có, để bảo đảm việc chấp nhiệm một cách công bằng. Đó cũng chính là nhu cầu xã hội đang nảy sinh trong lòng xã hội Việt Nam đương đại, đòi hỏi phải có những tác động phi chính phủ, tức hoạt động nằm ngoài khuôn khổ của đảng và chính quyền, giúp cho người dân nhận thức được bản chất của những mâu thuẫn, khó khăn, xung đột và tìm cách giải quyết phần nào những mối nguy đó. Có một ví dụ điển hình là vào giữa năm 2013, một tác động ngoại biên đã gây dấu ấn đáng kể đối với giới doanh nghiệp ở Việt Nam. Đó là vụ cáo buộc của Tổ chức phi chính phủ lớn thứ hai trên thế giới – Global Witness - đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai về những khuất tất của tập đoàn này liên quan đến đất đai, môi trường và điều kiện sống của nông dân ở Campuchia. Cho tới nay, vụ việc này dù chưa có đáp số cuối cùng, nhưng rõ ràng hình ảnh của Hoàng Anh Gia Lai đã bị giảm sút khá lớn không chỉ trong thương trường nội địa, mà cả trên thương trường quốc tế. Với lý do đó, chắc chắn những dự án mà Hoàng Anh Gia Lai đang tiến hành ở Campuchia và Lào sẽ phải được chính tập đoàn này điều chỉnh sao cho bớt bị dư luận phản ứng. Cũng có hàng ngàn ví dụ tương tự trong hai mươi năm qua ở Việt Nam, kể từ thời điểm bắt đầu đường parabol hướng lên của thị trường bất động sản và kéo theo rất nhiều vụ thu hồi đất không thỏa đáng, trái pháp luật và sau này là bất chấp đạo lý đối với nông dân. Tất cả những mâu thuẫn đó đã tích tụ đủ dày để biến thành ý thức phản kháng của một bộ phận nông dân bị mất đất, biến họ thành dân oan và tạo nên mối xung khắc, dẫn tới xung đột với giới quan chức chính quyền tại nhiều địa phương. Vụ việc thu hồi đất hết sức bất công tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên năm 2012 mà hậu quả còn kéo dài đến nay là một bằng chứng điển hình. Chính những xung đột đó đang rất cần đến sự giúp đỡ của các tổ chức dân sự có kiến thức về pháp luật và lòng trắc ẩn với đồng loại. Hoặc với vụ chôn thuốc trừ sâu xuống lòng đất của một doanh nghiệp ở Thanh Hóa có tên là Nicotex Thanh Thái bị phát hiện vào tháng 9/2013, người dân đã có đủ bằng chứng, báo chí và dư luận phẫn nộ, song các cơ quan chức năng vẫn trù trừ một cách rất đáng nghi ngờ. Vì sao vậy? Phải chăng đã có những mối quan hệ khuất lấp nào đó giữa thủ phạm gây án ung thư cho người dân địa phương với một vài cơ quan hay những quan chức nào đó? Điều rõ ràng là nếu vụ việc này xảy ra ở những nước phát triển và có xã hội dân sự trưởng thành như Mỹ hay Anh, Pháp, chắc chắn các tổ chức phi chính phủ đã không để yên, cho dù nhà chức trách địa phương có tìm cách bao che. RFI : Theo nhận xét của anh, thì thái độ và cách hành xử thường bị chỉ trích là vô cảm của chính quyền đã tác động đến tâm lý người dân như thế nào? Tác động một cách tiêu cực ! Ở Việt Nam, trong khi vai trò độc đảng đã đi vào lối mòn và gây ra nhiều hậu quả về đặc quyền và đặc lợi, tình trạng hoàn toàn thiếu đối trọng chính trị và vai trò của xã hội dân sự đã kéo theo tình trạng thiếu minh bạch trở thành một cố tật, và cố tật này xem ra rất khó được chữa lành. Luôn đứng gần chót bảng tổng sắp các nước có độ minh bạch thấp nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, giới quan chức Việt Nam từ nhiều năm nay đã ép tính minh bạch ngược chiều với đà tăng vọt lợi nhuận của các nhóm lợi ích độc quyền về xăng dầu, điện lực, các nhóm lợi ích thị trường như bất động sản, chứng khoán, và các nhóm lợi ích chính sách như Vinashin và Vinalines. Dù chẳng hề có một con số khảo sát hay điều tra nào từ phía các cơ quan nhà nước, nhưng bằng vào quá nhiều phản ứng xã hội đã dồn dập xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là vụ một người dân là Đặng Ngọc Viết xả súng trả thù cán bộ quản lý đất đai ở tỉnh Thái Bình vào tháng 9/2013, rõ ràng tâm lý phản kháng của một bộ phận dân chúng đang có chiều hướng vượt qua lằn ranh sợ hãi và có thể biến thái thành hành vi mất kiểm soát. Đặc thù tâm lý trong xã hội Việt Nam là lòng dân càng bất mãn thì phản ứng của người dân càng lúc càng trở nên thiếu kềm chế. Trong một số vụ viêc mấy năm gần đầy, đã xuất hiện dấu hiệu vượt khỏi tâm lý kềm tỏa sợ hãi để bước đến tâm trạng phản kháng, thậm chí sẵn sàng đối đầu, cho dù đó chỉ là hành động đối kháng tự phát chứ không được tổ chức. Có thể nêu ra hàng loạt vụ việc người dân phản ứng về đất đai ở nhiều địa phương như Nam Định, Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An… và ngay tại ngoại thành Hà Nội, rất gần với tổng hành dinh của Chính phủ và Bộ Chính trị của Đảng. Vụ Đặng Ngọc Viết chính là một điển hình cho lòng phẫn uất đã biến thành tự phát vô cảm đến mức bất chấp của dân oan, đối diện với thói vô lương tâm của giới quan chức địa phương. Hoặc vụ Mỹ Yên và cách hành xử “côn đồ hóa” của những người bị người dân cho là thẻ ngành không mang sắc phục, đã làm dấy lên làn sóng phản ứng có khuynh hướng “tử vì đạo” của vài trăm linh mục và nửa triệu giáo dân vùng Nghệ An, cùng lòng hiệp thông chưa từng thấy giữa các giáo phận trong cả nước. Sau vụ tranh chấp đất đai tại nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội vào năm 2011, có thể nói vụ Mỹ Yên chỉ thiếu chút nữa đã thổi bùng ngọn lửa đối đầu công khai và sẵn sàng chết vì đạo của giáo dân đối với chính quyền địa phương, mà rất có thể dẫn tới hậu quả không thể nào lường hết nếu xung đột tiếp tục leo thang. Mà các tôn giáo và giới tín đồ lại là một thành tố không thể thiếu của xã hội dân sự. Trong lịch sử, các tôn giáo ở Việt Nam như Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo… đã đóng góp cho xã hội nhiều giá trị tinh thần lẫn vật chất cho người dân, đúng với tiêu chí cho người nghèo và vì người nghèo. Vậy nếu những hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo bị ngăn cản và bị cấm đoán thì sao? Lẽ tự nhiên, đó chính là lúc bản thân các tôn giáo và cả những giới không tôn giáo thấy cần phải hòa quyện với nhau để đấu tranh đòi lại sự công bằng, ít nhất là công bằng cho đúng với những mỹ từ “tốt đạo đẹp đời” hay “kính Chúa yêu nước” mà Nhà nước ưa phô diễn. Nhức nhối xã hội và những tiền đề hỗn loạn xã hội - điều kiện cần cho xã hội dân sự hình thành – đã hội tụ đủ, thậm chí tràn ứ. Vấn đề còn lại chỉ là các phong trào dân sự ở Việt Nam sẽ khởi sự như thế nào mà thôi. RFI : Theo anh thì xã hội Việt Nam đã có những tiền đề nào cho phong trào dân sự? Có thể xem phong trào phản biện Bauxite từ năm 2007 là tiêu điểm đầu tiên mang dấu ấn của nhóm trí thức xuất thân từ lòng đảng, nhưng đậm nét cách tân và có quan điểm cách mạng hơn nhiều so với những lề thói cũ. Công cuộc phản đối dự án khai thác bauxite của Trung Quốc cũng có thể có ý nghĩa không kém thua so với 11 cuộc biểu tình chống sự can thiệp của Bắc Kinh vào Biển Đông vào năm 2011. Một trong những biểu hiện hiệu quả và bền vững nhất mà nhóm trí thức phản biện Bauxite đã làm được là duy trì được trang mạng Bauxite Vietnam tồn tại trong suốt 5 năm qua, cho dù phải chịu không ít áp lực từ phía chính quyền và ngành công an. Đến đầu năm 2013, nhóm Kiến nghị 72 sinh ra và phát triển tại Việt Nam lại là một hiện tượng có vẻ như đột biến, nhưng thực chất là tuân theo đúng quy luật biện chứng “lượng đổi dẫn đến chất đổi”. Sau nhiều năm không nhận ra một sự thay đổi và cải thiện đáng kể nào từ phía đảng và chính quyền, giới trí thức bất đồng tiên phong đã phải chỉ thẳng một điều cốt tử: một khi nền chính trị Việt Nam không có đối trọng - được thể hiện bởi những lực lượng vật chất - những chính sách bất hợp lý về tư tưởng và bất công về quyền lợi của nó chỉ có thể dẫn dân tộc đến hố sâu phân hóa và tự triệt tiêu động lực tiến bộ. Có thể coi sự hình thành của “Kiến nghị 72” liên quan đến điều 4 Hiến pháp là dấu mốc cực kỳ quan trọng cho việc khởi xướng tiền đề của hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam trong tương lai. Sau “Kiến nghị 72”, một số blogger trẻ cũng đã khởi phát phong trào 258 – một hoạt động mà về hình thức chỉ là tiếp xúc và trao bản tuyên bố phản đối điều 258 Bộ luật hình sự cho các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và một số tổ chức nhân quyền quốc tế, nhưng thực chất là bày tỏ thái độ phản đối công khai đối với chính quyền theo tinh thần minh bạch hóa và tác động thay đổi chính sách của xã hội dân sự. Cũng chủ yếu từ năm 2011 đến nay, hoạt động truyền thông xã hội tại Việt Nam đã hình thành một cách dày dạn và tỏ ra can đảm hơn hẳn hoạt động thông tin lề trái ở Trung Quốc. Số người viết ngày càng nhiều, nhưng quan trọng hơn, số bài viết có chất lượng và có sức lan tỏa, tính kết nối với hệ thống truyền thông quốc tế ngày càng tăng. Truyền thông quốc tế lại tác động đến nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ các quốc gia hàng đầu về dân chủ và nhân quyền, tạo nên hiệu ứng tác động ngược lại đối với nhà cầm quyền ở Việt Nam. Chính hiệu ứng “trong ra ngoài vào” như vậy đã thực sự làm nên một đối trọng về áp lực dư luận đối với hệ thống báo đảng, khiến cho các cơ quan tuyên giáo từ trung ương đến địa phương không thể xem thường truyền thông xã hội. Trong một số trường hợp liên quan đến “Kiến nghị 72”, hai vụ tuyệt thực của Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, vụ bắt rồi thả Phương Uyên, đề xuất thành lập đảng mới của ông Lê Hiếu Đằng…giới báo chí lề đảng đã phải chọn cách đứng trước vành “đối chất” thay vì phẩy tay bỏ qua vào những năm trước. Truyền thông xã hội lại là một thành phần đương nhiên của xã hội dân sự. Đó cũng là lý do để có thể tạm thời kết luận rằng một phần quan trọng và có thể có tính quyết định của xã hội dân sự đã manh nha và đang dần khởi sắc ở Việt Nam, cho dù chân đứng của nó có lẽ còn khá lâu nữa mới vững chắc và đồng vị tại một điểm thống nhất nào đó. RFI : Thưa anh, đối với sự hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam. yếu tố nào mang tính quyết định : yếu tố đối nội hay đối ngoại? Nội lực tất yếu là yếu tố quyết định trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, điều kiện sơ sinh cho xã hội dân sự lại đến từ cộng đồng quốc tế và trào lưu dân chủ hóa trên thế giới. Nhìn sâu vào bản chất, tình hình chính trị ở Việt Nam vào năm 2013 đã thay đổi khá nhiều so với những năm trước, tuy chỉ là một sự thay đổi rất kín đáo mà không dễ nhận ra và càng khó để lượng định. Tuy nhiên, nếu hệ thống lại những hoạt động đối ngoại giữa Việt Nam với các quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, và với cả công đồng Công giáo Vatican, có thể thấy là một độ mở chính trị dường như đã được nhà nước Việt Nam cam kết với quốc tế, dẫn đến kết quả tuy chưa khả quan, nhưng đã có nét đột biến từ việc bất ngờ thả nữ sinh Phương Uyên ngay tại tòa án Long An – sự kiện diễn ra chưa đầy một tháng sau chuyến đi Washington của ông Trương Tấn Sang. Xu hướng đối ngoại và góc mở đối nội cũng cho thấy nếu vào tháng 8/2013, ông Lê Hiếu Đằng và nhóm cộng sự bền tâm và có đủ lực lượng để lập nên chính đảng Xã hội Dân chủ, sự việc chưa từng thấy này cũng khó tạo ra một cái cớ đủ tính pháp lý để chính quyền phản ứng mạnh mẽ, tức có thể bắt giam hoặc đàn áp những người khởi xướng lập đảng. Hướng mở về đối ngoại kéo theo độ mở về chính trị và cho thấy chưa bao giờ từ năm 1975 đến nay, Nhà nước Việt Nam lại “cần” đến cộng đồng quốc tế như bây giờ. Nhu cầu thiết thân về quyền lợi và quyền lực như thế đang liên quan trực tiếp đến các chủ đề hấp dẫn như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương – TPP, và cả lời hứa hẹn về “đối tác chiến lược toàn diện” từ phía người Mỹ, trong đó trước mắt là một vài động thái liên minh quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để giảm thiểu tác động rất tiêu cực từ người bạn láng giềng tham lam có truyền thống ở phương Bắc. Một động thái khác đáng chú ý sau cuộc gặp Obama – Sang, vào ngày 27/8/2013, phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã công bố 14 lời hứa về nhân quyền của chính phủ Việt Nam trước chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó có cam kết đầu tiên và quan trọng nhất: “Thông qua các chính sách và các biện pháp để đảm bảo tốt hơn tất cả các quyền căn bản về kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị theo thông lệ quốc tế đã công nhận”. RFI : “Thông lệ quốc tế đã công nhận” có thể hiểu là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, công ước quốc tế về chống tra tấn… Vào cuối tháng 9/2013, một tuyên bố về các quyền dân sự và chính trị đã được nhóm trí thức độc lập, cũng là những người khởi xướng “Kiến nghị 72”, phổ biến trên mạng. Hiển nhiên là những tiền đề đầu tiên của xã hội dân sự đang hình thành ở Việt Nam, trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam đang dần phải chấp nhận những giá trị phổ quát về nhân sinh, nhân quyền và dân chủ của cộng đồng quốc tế. Đó cũng là lý do để có thể cho rằng đã có những tín hiệu cho thấy một số lãnh đạo của đảng và chính quyền, tuy chưa công khai biểu hiện quan điểm vì lý do chưa muốn hoặc vẫn bị áp lực bởi “chủ nghĩa kinh viện tập thể”, vẫn đang có xu hướng “xoay trục” sang phương Tây và dần chấp nhận đường hướng một mô hình xã hội dân sự nào đó trong tương lai cho Việt Nam, với vai trò nhà nước pháp quyền đang được đặt ra và có giá trị tối thiểu như một cụm từ mang tính thời thượng. Sau chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Washington vào tháng 7/2013 và tiếp theo đó là chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Paris và New York vào tháng 9/2013, tín hiệu về xu hướng “xoay trục” như thế ngày càng lộ diện. Đó cũng là lý do để có thể cho rằng tỉ lệ thuận với khuynh hướng “xoay trục” sang phương Tây, một nhận thức mới mẻ đang dần hình thành trong não trạng của một số lãnh đạo cao cấp: trong tương lai gần, một lực lượng trí thức có tính độc lập tương đối với hệ tư tưởng của đảng, có thể là cần thiết được duy trì mà không bị sách nhiễu hoặc bắt bớ, với mục đích tạo nên một ráng hồng dân chủ nào đó cho khuôn mặt của chế độ, cũng là nhân tố có thể mang lại thiện cảm với các tổ chức và quốc gia trên thế giới quan tâm đến vấn đề dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự ở Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, lực lượng trí thức độc lập này cũng có thể là cầu nối trong – ngoài để một số quan chức cao cấp Việt Nam “dễ ăn dễ nói” hơn với các tổ chức quốc tế. Tác động quốc tế và điều được xem là “biến đổi khí hậu nội địa” chính là điều kiện cần và cực kỳ quan yếu để các phong trào dân sự có thể thành hình thành khối ở Việt Nam, trong bối cảnh được coi là “nhạy cảm” hiện thời mà không quá lo lắng về chuyện thành viên của họ bị bắt bớ hay bị truy tố vì tội danh “lật đổ có tổ chức”. RFI : Làm thế nào để các phong trào dân sự có thể được xây dựng nhanh chóng và lan tỏa được ở Việt Nam? Khác rất nhiều với tính chuyên biệt về tư tưởng và thành phần của đảng phái chính trị, phong trào dân sự luôn là một định chế mở có tính hợp lý để có thể thu hút, quy tụ rộng rãi sự đóng góp của các thành phần, không chỉ người dân mà còn cả trí thức và các quan chức trong đảng – những người vốn đã ở thế “trung dung”, bức xúc với hiện tình dân tộc và muốn tìm một con đường nào đó để đời sống của họ đỡ vô nghĩa hơn. Một khi được hình thành, các phong trào dân sự có thể là ngôi nhà của người nông dân, công nhân, tiểu thương, và cả giới sinh viên đang muốn tìm một lối thoát để phụng sự dân tộc. Ở nhiều nơi và vào nhiều thời điểm, xã hội đang chứng kiến hiện tượng “tụ tập đông người”, từ các bà tiểu thương đến những nhóm sinh viên và trí thức, từ các nhóm dân oan hàng ngày túc trực ở trụ sở công quyền đến những người công nhân nhóm họp đòi quyền lợi về thu nhập… Tuy nhiên tất cả những hiện tượng tổ nhóm như thế vẫn còn rất phân tán và mang tính tự phát, hoàn toàn có thể tan vỡ như bong bóng xà phòng nếu không được định hướng và duy trì sự tồn tại. Định hướng và những mục tiêu thiết thân của xã hội dân sự cùng các phong trào của nó về dân sinh, dân quyền, dân chủ và dân trí chắc chắn là sự gắn bó không thể tách rời đối với quyền lợi của đại đa số người dân trong số 86 triệu dân số Việt Nam giờ đây. Số còn lại, dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng có thể chỉ chiếm 10-15%, là những người có bổng lộc thông qua phương tiện chức vụ, cùng những người giàu có mà không muốn lâm vào tình thế rủi ro để đổi lấy sự minh bạch. Nếu đại đa số nhân dân được kết nối với nhau và được định hướng trong cuộc đấu tranh phản biện xã hội, tính lan tỏa và sức ép mà các phong trào dân sự tạo ra sẽ được nhân lên gấp nhiều lần. Ứng với những điều kiện ở Việt Nam và so sánh với kinh nghiệm đã tích lũy ở Liên Xô cũ và nhiều nước Đông Âu vào thập niên 90, nhóm trí thức phản biện độc lập có vai trò khởi phát, dẫn dắt, nhưng lực lượng trí thức trong đảng và hệ thống nhà nước mới là nhân tố quyết định để tác động đối với đảng và chính quyền, tạo ra một thay đổi đủ lớn về chính sách, con người và cả thể chế. Ứng với tình hình Việt Nam, một số đánh giá mang tính ước đoán cho biết hiện thời có ba nhóm quan điểm chính. Nhóm thứ nhất gồm khoảng 30% trí thức trong đảng và nhà nước, bao gồm cả quan chức, được xem là nhóm “trung thành” và có quyền lợi thiết thân với chức vụ và các đặc quyền trong hệ thống. Ngược lại, nhóm thứ hai có khoảng 20% trí thức trong các cơ quan nhà nước, không phải đảng viên hoặc vẫn là đảng viên, nhưng có tư tưởng cấp tiến, muốn thay đổi, song chưa có điều kiện để thể hiện quan điểm và hành động của họ. Nằm giữa hai khuynh hướng vừa đề cập là nhóm thứ ba với khoảng 50% trí thức trong đảng và nhà nước- những người không gắn bó đặc biệt với quyền lợi và chức vụ, mang quan điểm trung dung. Nếu thực tế gần đúng với những tỉ lệ đó thì một xã hội dân sự được tổ chức tốt sẽ có thể thu hút đến ít nhất phân nửa số trí thức đang làm việc cho hệ thống của đảng và nhà nước. Muốn xã hội dân sự được rút ngắn cung đường khởi động, yếu tố đoàn kết phải là con ngươi của phong trào phản biện, phong trào dân sự và do đó của xã hội dân sự trong tương lai ở Việt Nam. Tình trạng xa cách giữa nhóm trí thức phản biện độc lập với các trí thức trong đảng và hệ thống nhà nước như hiện thời là yếu huyệt nguy hiểm nhất trên con đường cải hóa các mục tiêu xã hội và chính trị, gây loãng tác động điều chỉnh chính sách và càng làm cho đời sống dân tình trở nên khốn khó, bức bách hơn. Bức bách thách đố đối với những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam lại là phải tạo ra được bầu không khí tranh luận thật sự dân chủ trong đa nguyên tư tưởng, gạt sang một bên những đố kỵ, tị hiềm, ganh ghét hoặc nói xấu lẫn nhau – những biểu hiện vẫn luôn bị coi là một thói xấu trong lịch sử văn hóa của người Việt. Chỉ có đoàn kết mới làm tăng được sức mạnh của những người muốn thay đổi và mới tạo ra được sự đổi thay. Đoàn kết càng nhanh thì lộ trình ban đầu cho dân chủ Việt Nam sẽ càng được rút ngắn, cho dù con đường dẫn đến sự thay đổi toàn diện vẫn còn rất lâu dài. RFI : Trong hoàn cảnh Việt Nam, các phong trào dân sự có thể làm được những gì thiết thực? Có rất nhiều việc phải làm. Hành động chính trị - xã hội là việc lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo, hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế và chính trị Việt Nam vào Trung Quốc; phản biện chống tham nhũng và các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu; thúc đẩy Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật trưng cầu dân ý; thúc đẩy tiếng nói của trí thức độc lập tại Quốc hội; thúc đẩy tính hợp hiến và hợp pháp hóa của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo; phản biện đối với các điều luật chính trị hóa hành vi phản phản biện như điều 79, 87, 88, 258 trong Bộ luật hình sự; phản biện đối với điều kiện giam giữ phạm nhân trong các trại giam; hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các gia đình có người bị giam giữ, liên quan đến yếu tố chính trị… Còn hành động kinh tế - xã hội là bảo vệ quyền lợi của nông dân trước hành vi trưng thu đất đai bất hợp pháp và vô lối; phản biện đối với chủ đề sở hữu trong Luật đất đai và cơ chế thu hồi đất đối với các dự án kinh tế - xã hội; bảo vệ quyền lợi của công nhân và thị dân về điều kiện làm việc và an sinh xã hội; đấu tranh chống tác động tiêu cực của một số doanh nghiệp đối với môi trường tự nhiên… Thái độ lên tiếng của phong trào dân sự cũng không thể bỏi qua việc phản biện đối với một số vấn đề kinh tế gay gắt như nợ công quốc gia; nợ và nợ xấu; tính độc quyền của kinh tế quốc doanh và một số tập đoàn; ngân hàng; các thị trường đầu cơ như vàng, bất động sản; những ngành có liên quan mật thiết đến người tiêu dùng như điện, xăng dầu, nước… Và để tự nâng mình lên, các phong trào dân sự cũng phải phản biện với chính những tiếng nói phản biện thiếu tinh thần xây dựng và đoàn kết trong giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam và hải ngoại. RFI : Tuy nhiên nhiều vấn đề mà giới trí thức phản biện nêu ra cho tới nay vẫn có vẻ nặng về tính lý thuyết. Làm thế nào để có được một phong trào dân sự có hiệu quả trong đời sống? Dĩ nhiên phong trào phản biện của giới nhân sĩ, trí thức và các phong trào dân sự phải cần thỏa mãn điều kiện đủ là làm sao hình thành càng sớm càng tốt, chọn lựa những người đứng đầu có uy tín và có năng lực hành động, đồng thời tạo dựng được nhân lực điều hành và thừa hành để có thể tương tác với vận động xã hội và thích ứng với những ưu thế mới trong tình hình mới. Muốn đạt được các mục tiêu chiến lược đó, trước mắt hoạt động của phong trào dân sự cần nhích thêm một bước: không chỉ là diễn đàn trên mạng, mà phải hình thành các nhóm công khai trong đời sống theo phương châm ôn hòa, bất bạo động. Ngay từ bây giờ, đang rất cần đến một sự kết nối có tính thành tâm, hữu dụng và bài bản giữa các nhóm trí thức phản biện độc lập, trí thức trong đảng với các nhóm dân sự tiêu biểu của nông dân, công nhân, tiểu thương, sinh viên, tín đồ tôn giáo trong nước, cùng khối trí thức và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Cuộc hành trình của phản biện xã hội và xã hội dân sự ở Việt Nam trong ít nhất 20 năm tới không chỉ là một sự thay đổi về tương quan kinh tế - chính trị, mà còn là một cuộc cách mạng về văn hóa và dân trí cho các tầng lớp nhân dân. Hãy đừng nghĩ xã hội dân sự phải là một cái gì đó to tát với những cuộc bàn luận bất tận về học thuật và vĩ mô. Sau khi Diễn đàn xã hội dân sự của nhóm 72 ra đời, một blogger trẻ là Phạm Lê Vương Các đã bày tỏ chút nuối tiếc: hàng trăm trí thức có tên tuổi đồng ký tên ủng hộ diễn đàn này thực ra có thể làm được một điều gì đó xứng đáng hơn là chỉ bàn luận. Trên mạng đã có quá nhiều diễn đàn, và giờ đây điều cần thiết là hành động chứ không chỉ là nói. Một hành động rất nhỏ bé như hình thành một phong trào nhặt rác ngoài đường phố có thể còn có ý nghĩa hơn cả việc ngồi bàn luận chính trị theo cung cách salon… Nhặt rác chính là một hành động không thể thiết thực hơn trong nỗi bức bối hiện thời. Dù mới chỉ một ít người nhặt rác, song hiệu ứng lan tỏa của đám đông sẽ khiến thay đổi về nhận thức và tình cảm, để đến một lúc nào đó người dân và đảng viên sẽ ý thức về việc cần phải quét rác như thế nào. Với tôi, chúng ta, tất cả các bạn hãy hành động, hành động và hành động! Vì dân sinh, dân quyền, dân chủ và dân trí! Thay đổi của xã hội cũng là hệ quả cho phản biện và cơ hội cho dân chủ. Phải thay đổi về não trạng để có thể cống hiến cho xã hội nhiều hơn nữa. Phong trào dân sự và những điều kiện cho một xã hội dân sự ở Việt Nam đang nằm trong xu thế và lộ trình khởi động trong 3-4 năm tới. Và nếu được tổ chức tốt, phong trào này có thể góp sức cho xã hội về những triển vọng lạc quan trong tương lai dài hạn của dân tộc. RFI : Xin rất cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay. Nguồn: rfi.fr  
......

Sự nói dối cưỡng bức?

Bản chất của sự nói dối là biết sự thật nhưng cố ý nói khác đi một cách có ý thức, với mục đích che giấu hay tránh né sự thật. Nói khác sự thật, do tình thế cưỡng bức không thể nói sự thật, phải gượng lòng nói dối, tạm gọi là nói dối cưỡng bức. Bà “Doan Phó Chủ tịch nước” từng nổi tiếng với phát biểu: Việt Nam dân chủ gấp vạn lần tư bản. Sự nói dối cưỡng bức được lặp lại nhiều lần, rồi quen đi, nó trở thành tính, thành nết, thành tật xấu, cuối cùng là hình thành sự ngụy tín cho chính mình. Sự nói dối bấy giờ trở nên trơn tru, hồn nhiên, giống y như nói thật, mà người nghe thì thấy nó trần trụi, nó gợi lên một cảm nhận trơ trẽn.   Trẻ em nói dối thì bị quở mắng, có khi bị trừng phạt. Người lớn – với tư cách là người dân bình thường – nói dối thì hàng xóm, bạn bè tránh xa không muốn chơi, người thân thì không thể tin cậy. Người có cương vị xã hội mà nói dối thì bị nhiều người coi khinh; cương vị xã hội càng lớn, thì sự coi khinh càng nhiều, càng báo hiệu sự nguy hiểm. Sự nói dối về dân chủ, nhân quyền ở nước ta ngày càng trở thành đề tài thời sự nóng hổi trên các diễn đàn, cả ở diễn đàn quốc tế. Cứ mỗi lần một nhân vật cao cấp nói về dân chủ, nhân quyền là họ đã thảy một mồi lửa vào đống rơm khô, tức thì gây nên bất bình rộng khắp và không cưỡng được. Người ta không tin rằng những con người ấy có tính nói dối bẩm sinh, cũng không thể tin rằng họ không biết sự thật, một sự thật mà người dân thường cũng hiểu được, với nhan nhản sự kiện đầy ắp trên trang báo, trang mạng mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi năm và năm này qua năm khác. Chỉ có thể lý giải rằng đây là sự nói dối cưỡng bức, tức là bị bắt buộc phải nói dối. Thử đặt vài câu hỏi: - Nhưng ai có thể cưỡng bức họ, khi họ có quyền lực cao? - Điều gì khiến họ chịu sự cưỡng bức dài hơi, lâu ngày đến thế? - Và nó đã trở thành sự nói dối hồn nhiên? 1- Cách đây không lâu, bà Phó Chủ tịch nước nói: Dân chủ của Việt Nam là “cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”. Câu nói ấy đã gây nhiều phản ứng, nhưng không phải là nói dối nếu so với giáo trình Mác-Lênin [Thực ra, so với Lenin, bà Phó Chủ tịch nước đã rất khiêm tốn, vì Lenin quả quyết: “Chế độ dân chủ vô sản so với bất cứ chế độ dân chủ tư sản nào, cũng dân chủ hơn gấp triệu lần; chính quyền xô-viết so với nước cộng hoà tư sản dân chủ nhất thì cũng dân chủ hơn gấp triệu lần.” (V. I. Lenin, Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-xky, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1974, tr. 39). Hay đơn giản là vì bà không thuộc sách vở kinh điển Lenin? Khó tin, vì bà là Giáo sư Tiến sĩ, có trình độ cao cấp về lí luận chính trị, trong khi câu nói “nổi tiếng” trên đây của Lenin đã được đưa ra giảng dạy trong nhà trường Việt Nam xã hội chủ nghĩa mấy chục năm nay, đến mức thầy giáo rất hay lấy làm đề thi cho học trò, chẳng xem ở đây hay ở đây – BVN]. Còn so với thực tế, nó rất vô nghĩa, một so sánh định lượng “quá mức tình cảm”, hoặc do quán tính thuần túy… Nhưng câu nói ấy không gây nên sự phẫn nộ từ dân chúng, mà chỉ gây nên một nỗi buồn đến kinh hoàng về sự tụt hậu của trình độ “suy thoái tư tưởng” mang tính biểu trưng của tầng lớp lãnh đạo. Nếu hiểu về mặt đạo đức của sự “trung thành” hay “kiên định” với ý thức hệ, thì cái đạo đức ấy cũng gây kinh hoàng không kém. Chỉ vì cái đức tin đặt nhầm vào chỗ không phải của tôn giáo. Nó làm buồn nhân dân suốt cả năm, cũng chỉ vừa mới nguôi ngoai. 2- Nay lại đến phiên ông Chủ tịch nước! Người ta hỏi rằng bây giờ ông có đang đói bụng không, ông trả lời một cách biện chứng rằng, vì hôm qua ông có ăn nên hôm nay không thể đói được! Vì rằng nước ông (Việt Nam) đã từng chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc cả trăm năm qua, nên đương nhiên có ý chí – thậm chí rất mãnh liệt – về khát vọng dân chủ và nhân quyền. Và vì “có” khát vọng đó, nên đương nhiên dân chủ, nhân quyền phải “có” thôi! Cái lý nó thế. Phải mượn tạm lịch sử chứ biết nói sao! Cũng như mượn tạm cái bức thư của "Chủ tịch Hồ Chí Minh" cách đây 2/3 thế kỷ, khi sang Mỹ tháng trước, để gởi cho ngài Obama. Đây cũng không phải là lời nói dối thuần túy, mà chỉ là nói tránh/trớ/né thôi. Tính của ông Chủ tịch như đã từng thể hiện, ít khi nói thẳng, có lẽ không phải vì thiếu dũng khí, mà vì tính “nói khéo” có phần nổi trội. Thí dụ, đồng chí X. Nhưng cái dẫn chứng mà ông đưa ra, mới gây nên chuyện, vì là nói dối đủ 100% . Nhiều báo trích nguyên văn, xin lặp lại: “Chúng tôi có 86 triệu dân, trong đó trên 30 triệu người sử dụng internet hằng ngày, tỷ lệ đó biến đổi hàng giờ, không có bất cứ sự ngăn cấm nào cả… Ngoài ra Việt Nam có khoảng trên bốn triệu blogger, rất tự do. Do vậy, ở ngoài thì đồn đại rất nhiều nhưng để hiểu Việt Nam nhiều hơn, hiểu về đời sống chính trị của Việt Nam thì xin mời các bạn hãy đến Việt Nam. Mặc dù chúng tôi còn nghèo nhưng cũng có trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên...” (Phát biểu của Chủ tịch nước với báo chí tại Đan Mạch, đăng trên Thanh Niên, nhưng bị rút xuống.Xin xem ở đây – BVN)http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:http://www.thanhnie... Biến đổi hàng giờ vì phải liên tiếp thay hình đổi dạng, tự chết đi để tìm cách sống dậy. Mà dù có sự phát triển, thì không phải là sự vui mừng, mà là nỗi lo ngay ngáy của phía nhà nước. Rất tự do lại như một cơn gió độc quất vào mặt các blogger dù họ đang ở trong nhà tù kín gió. Cái đội ngũ hùng hậu về người và phương tiện: 17.000 phóng viên, 700 tờ báo, 200 kênh truyền hình..., đúng là đất nước còn nghèo (ông Chủ tịch khẳng định), nhưng rất thích chơi sang! Chừng ấy là chưa tính tới bao nhiêu cái loa phường, mỗi phường một loa thôi, trên khắp đất nước, cũng quá đủ để trấn áp hệ thần kinh người dân. Lực lượng hùng hậu mà Chủ tịch dẫn chứng, có số người đông như bộ máy an ninh cảnh sát, có phương tiện truyền thông dồi dào vô địch, được hiểu một cách hùng hồn chỉ là một bộ máy đàn áp. 17.000 phóng viên ư? Trong đó biết bao nhiêu tiếng thở dài? Bao nhiêu tiếng hò reo cùng với kèn trống? Với một nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, chỉ một bài báo, trong chỉ một ngày là bị đuổi việc. Nhanh và nhạy vô cùng. Nhưng còn bao nhiêu sự kiện, sự cố diễn ra hằng ngày, cụ thể, ngoài sự phản ảnh của truyền thông và báo chí? Nói không đúng sự thật như trên, kể ra ông Chủ tịch cũng đã có dũng cảm. Nhưng dũng cảm nhất, và khách khí nữa, là “Mời các bạn đến Việt Nam” thì… biết liền! Có lẽ, không cần đến Việt Nam, họ cũng có khả năng biết liền. Ông Chủ tịch còn hồn nhiên phản kích: “Ở ngoài [nước ngoài] thì đồn đại rất nhiều, nhưng…”, có nghĩa là báo chí nước ngoài nói dối (đồn đại = thổi phồng, nói càn, ít xít ra nhiều). Ông Chủ tịch và các ông lãnh đạo khác không thể không biết chính những điều mà các ông đã và đang làm, về dân chủ và nhân quyền bao nhiêu năm qua, ở cái xứ sở khốn khổ này. Một đất nước tràn trề tham nhũng mà lại có dân chủ và nhân quyền được sao, lạ thật! Thế nhưng không thể nói thật. Là “nói dối cưỡng bức” hay đã trở thành ngụy tín? Hầu hết trong bộ máy nhà nước, từ cao đến thấp, đều như thế! Nghĩa là cùng trong tình thế cưỡng bức. Và sự ngụy tín đã trở nên toàn diện, bao trùm. Nhưng ai có thể cưỡng bức họ? Câu trả lời là cơ chế của bộ máy này đã cưỡng bức họ, buộc họ không thể nói thật. Vì cơ chế đó được đặt trên một tiền đề không có thật nốt: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ”. Quả là bi hài! Bị kẹp chặt và bẹp dí như con mắm, mà còn làm chủ được sao? Thế là sự nói dối “dân làm chủ” cứ chễm chệ trên ngai, như lời hô vạn tuế trên môi các quan chức suốt gần 4 thập niên qua, cho cái ông vua “làm chủ” khốn khổ ấy, kể từ khi đất nước thống nhất. Từ đó, mọi sự nói dối và suy đồi các loại phát triển, lan rộng và nhanh như cỏ mọc, thành “tập thể nói dối cưỡng bức”, hùng hậu ở mọi lãnh vực: dân chủ, nhân quyền, kinh tế, văn hóa xã hội, cả sự nói dối về đạo đức, tư tưởng. Sự nói dối còn di căn sang một bộ phận thanh niên có quan hệ gần gũi với bộ máy cầm quyền, trở thành dạng nói dối ngu muội hồn nhiên. Một bộ máy có thể kẹp chặt người dân như thế, thì cán bộ dù cao đến đâu, cũng không thoát khỏi thân phận chung của người dân, dù là lãnh đạo của bộ máy. Vì cái thân phận lâu dài của anh ta vẫn là người dân, trước khi làm quan và sau khi làm quan. Những người về hưu có thể rất cay đắng với một quãng đời nói dối hồn nhiên hoặc nói dối cưỡng bức của mình, khi thoát được khỏi tình trạng ngụy tín! Nhưng vì sao họ có thể chịu đựng lâu dài, bền bỉ đến thế? Câu trả lời thì dễ, nhưng vấn đề lại hết sức gay go. Đó là quá trình hy sinh và gắn bó với nhiều ràng buộc của quyền và lợi. Sự hy sinh của những ai đó có thể chưa nhiều lắm, mà sự gắn bó thì nhiều hơn, nhất là những cái chức đã mua bằng tiền, hoặc bằng sự thân quen nâng đỡ. Cách vận hành của lối sống này lại được sự bồi dưỡng tích cực của triết học Mác-Lênin: “Vật chất quyết định ý thức”. Theo đà giục giã của vật chất cứ thế tiến lên, tiến lên nữa… Riêng những người đã chết, và những Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì nằm lại thôi. Còn người dân, họ đang “làm chủ” theo thân phận “con mắm”. Đang làm quan mà nói thật, thì mất hết, thân có thể vào nhà lao, tinh thần có thể bị giày xéo, nhục mạ, đã và đang có bao nhiêu là điển hình!Vì thế mà không thể nói thật. Nói dối cưỡng bức, lâu ngày thành nói dối hồn nhiên, bạo dạn, trơn tru… Dân chủ, nhân quyền tuy là những danh từ chung, nhưng không phải là trừu tượng. Nó có nội dung được thể hiện bằng những thiết chế cụ thể, có hệ thống, được thừa nhận trong một Hiến pháp đúng nghĩa, trong hệ thống luật pháp minh bạch. Vì thế không thể muốn nói gì thì nói. Các cách nói dối cần được thẩm định, phê phán bằng truyền thông tự do để nhanh chóng chấm dứt nó. 3- Lại không công bằng nếu không đề cập đến một dạng “nói dối đạo đức” (là nói dối về phương diện đạo đức) đang ồn ào diễn ra ở vị lãnh đạo cấp cao. “Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, rút những bài học tốt từ những thế hệ trước để tiếp tục đi xa. Bài học đó là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường.” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn nghệ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình) Thật hiếm có một vị chính khách nào trên thế giới, như Tổng thống, Thủ tướng, hay nguyên thủ quốc gia, dám cao giọng dạy cho ai đó với kiểu cách của một thầy giáo, hay của bậc cha mẹ. Nếu vị ấy có học hàm học vị, được tín nhiệm mời vào dạy ở một trường học, thì cũng chỉ được phép dạy chuyên môn của mình có và dạy cho sinh viên của mình. Chính khách khi tham gia các hội thảo khoa học cũng chỉ phát biểu quan điểm của cá nhân. Ai dạy ai trong thời đại này trở nên vô cùng khó. Sự khiêm tốn đích thực đã là một trong những phẩm giá quan trọng cho mỗi nhân cách. Chỉ riêng trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, thì Tổng Bí thư Đảng Cộng sản luôn khả năng dạy tất cả mọi người, mọi lãnh vực, nếu muốn. Lênin đã làm như thế, và mọi ông Tổng Bí thư đều có thể làm như thế. Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa mới lên lớp về đạo đức trong sáng tạo văn học nghệ thuật cho những người làm văn học nghệ thuật trong nước, cấp trung ương. Hãy lắng nghe: “Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, rút những bài học tốt từ những thế hệ trước để tiếp tục đi xa. Bài học đó là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của nhân dân.” Đoạn văn này khá văn hoa bay bổng. Cái “khát vọng lớn lao và lý tưởng cao cả” khó ai dạy cho ai được. Ông Tổng Bí thư muốn áp đặt cái khát vọng nào là lớn lao, lý tưởng nào là cao cả cho mọi người? Ông bổ sung làm rõ thêm cho mệnh đề rất ư lửng lơ trên, là: “hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc”. Sự hòa nhịp đập trái tim của hai nam nữ yêu nhau cũng đã khó, huống là! Nhà lý luận “nổi tiếng” về chủ nghĩa duy vật biện chứng của học thuyết Mác-Lênin, bỗng trở thành duy tâm đến độ cao. Muốn nói đến sự thống nhất ý chí của toàn dân hướng đến cùng một mục tiêu chung, mà không nói đến cơ chế dân chủ, công bằng được sao?! Và ông yêu cầu “lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân”. Nghe thế nào ấy! Vừa sáo rỗng, vừa có vẻ lấy lòng nhân dân, lại vừa như châm biếm mỉa mai chứ không phải là ngợi ca. Đau khổ, chết chóc của những “con mắm” chẳng bao giờ là vĩ đại cả. Thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân cần học hỏi, phải chăng là rút ra từ tiếng súng hoa cải của Đoàn Văn Vươn, hay những phát súng đòi công lý của Đặng Ngọc Viết? Nhưng không thể trách, vì ông đã sinh ra từ điều 4 Hiến pháp thiêng liêng có tính mặc khải, đã men theo con đường Đảng mà “thành đạt”! Vị trí đó cho ông mọi quyền, kể cả quyền mắng mỏ bất cứ ai ông muốn. Ông đã từng mắng những người tham gia góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là “suy thoái” và toan tính xử lý. Nay ông mắng các nhà làm văn học nghệ thuật (của ông): “không chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường”. Sao ông Tổng Bí thư có thể nói vậy được? Sao nói đội ngũ ấy “gặm nhấm”? Vì sự gặm nhấm là chỉ của loài gặm nhấm. Cái đội ngũ cấp Trung ương ấy đã “lấy tiểu xảo thay cho tài năng”. Thật thế sao? Lại “nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp”. Trong bối cảnh nào mà cái xấu phát sinh như thế? Thật ra, con người ai chẳng đi ra từ chỗ “chật hẹp”, và nhìn đời qua chỗ “chật hẹp” ấy? Và từ đó trở nên bao la, có vợ chồng, có con cái, có anh em, có đồng bào, có cái toilet, có mái nhà, có miếng ruộng vườn để cày xới… Thế mà tất cả trở thành khó khăn, trở thành bấp bênh, vì có thể bị cưỡng đoạt bởi những người nhân danh sự “lớn lao”, sự “cao cả”! Ông băm vằm tiếp: “[…] thậm chí coi văn nghệ như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường”. Thế là, văn nghệ không phải là thú vui, không phải là để giải trí, cũng không phải là cuộc chơi. Thật thế sao? Tất cả chỉ là “đam mê tầm thường”? Phải chăng, trong cái khát vọng lớn lao, trong cái lý tưởng cao cả, trong cái lý luận mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã muốn giáo dục, “không có bóng dáng con người” như lời của GS Trần Đức Thảo đã nói cách đây khá lâu? Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, và đại diện lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành của Trung ương đã ra nông nổi nào và xứng đáng chăng để nhận những lời giáo huấn như băm như vằm nói trên? “Xứng đáng cao”, “xứng đáng”, và “xứng đáng thấp”, như ba cái bậc thang tín nhiệm mà Quốc hội đã sáng tạo? Nó đang xoáy vào tim gan của những người có lòng tự trọng, dù người có làm văn học nghệ thuật hay không. Kẻ ngoại đạo này nghĩ rằng, trong số thành phần kể trên, hẳn là có một số thuộc loài gặm nhấm (như sự ám chỉ của Tổng Bí thư), thì xin hãy tiếp tục kiên trì “gặm nhấm” những lời giáo huấn của thầy Tổng Bí thư, và cố thoát ra khỏi cái góc nhìn “chật hẹp” mà thầy đã công phu chỉ ra. Riêng bài nói chuyện của Tổng Bí thư, đã là “sự sáng tạo văn học nghệ thuật với tài năng, tâm hồn, nhân cách và bản lãnh” của ngài. Tôi trộm nghĩ thế! 25-9-2013H. Đ. N. Nguồn: boxitvn.blogspot.de
......

Độc tài: Mạnh hay yếu?

Người ta thường dễ có ấn tượng là các chế độ độc tài đều mạnh: Chúng có quân đội, có công an, có mật vụ, có chỉ điểm viên (và gần đây, ở một số nước, có “dư luận viên”) trùng trùng điệp điệp. Song song với các lực lượng ấy, chúng có súng đạn, tòa án, nhà tù và các bãi bắn hoặc phòng chích thuốc độc. Nếu các yếu tố trên chưa đủ để khiến mọi người khiếp sợ, các chế độ độc tài còn có thêm một yếu tố này nữa để “thuyết phục” mọi người nên tiếp tục khiếp sợ: Chúng thường có một lịch sử rất dài hoặc khá dài. Trước hết, nên lưu ý: trong lịch sử nhân loại, độc tài có “tuổi thọ” cao hơn hẳn dân chủ. Dân chủ chỉ là một hiện tượng mới. Thực sự là dân chủ lại càng mới. Mới và lạ: Không phải ở đâu người ta cũng thấy được mặt mũi của dân chủ. Chính vì sống quá lâu với độc tài, từ độc tài phong kiến đến độc tài thực dân và độc tài Cộng sản như vậy, nhiều người cảm thấy quen thuộc, ngỡ nó là số mệnh, như một cái gì đương nhiên. Không thể thoát được. Sự chấp nhận dễ dàng ấy càng làm cho độc tài có vẻ mạnh mẽ hơn. Độc tài càng có vẻ mạnh hơn nữa khi người ta so sánh nó với dân chủ. Dân chủ, ngay cả khi được xem là hình thức tổ chức hoàn hảo nhất trong tiến trình phát triển của nhân loại, như một điểm “tận cùng của lịch sử” không bao giờ gợi lên ấn tượng về sự mạnh mẽ. Một xã hội càng dân chủ bao nhiêu càng làm cho người ta quên cảm giác về quyền lực bấy nhiêu. Không bị ám ảnh về quyền lực, người ta cũng không có ý niệm về sức mạnh của nó. Thật ra, tất cả các ấn tượng trên đều giả. Từ góc độ thực tế, các nước dân chủ bao giờ cũng giàu, mạnh và ổn định hơn hẳn các nước độc tài. Từ góc độ lịch sử, xu hướng phát triển chung của nhân loại là chiến thắng của dân chủ trên độc tài chứ không phải ngược lại. Từ góc độ lý thuyết, chính phủ dân chủ bao giờ cũng là chính phủ của đa số, hơn nữa, vì được xây dựng trên nền tảng hiến pháp và luật pháp vững chắc và công minh, luôn luôn bị áp lực của các lực lượng đối lập và của xã hội dân sự mạnh mẽ, chính phủ dân chủ nào cũng cố gắng trở thành chính phủ của toàn dân, của mọi người chứ không phải chỉ giới hạn trong những người đã ủng hộ và bỏ phiếu cho mình. Chính phủ độc tài, ngược lại, bao giờ cũng là chính phủ của thiểu số. Không bao giờ có thiểu số tuyệt đối: Ngay ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, mọi quyền lực hầu như tập trung hết vào tay nhà vua, kẻ được xem là con Trời. Nhưng vua bao giờ cũng tìm cách liên minh với tầng lớp quý tộc và quan lại để tạo thế lực. Do đó, chính nhà vua cũng phải tự động san sẻ quyền lực với những người khác. Thời hiện đại, các nhà độc tài cũng tìm cách san sẻ quyền lực và quyền lợi với người khác, chủ yếu qua hệ thống đảng mà họ lãnh đạo. Nhưng dù mở rộng đến mấy thì đó cũng vẫn là thiểu số. Ở Đức, dưới thời Hitler, đảng Nazi chỉ có trên năm triệu đảng viên trên tổng số khoảng 80 triệu dân. Ở Việt Nam hiện nay, trên tổng số gần 90 triệu dân, số đảng viên Cộng sản chỉ có khoảng bốn triệu. Vẫn là thiểu số. Chỉ cần làm một bài tính nhẩm cũng có thể thấy ngay thế yếu của các chế độ độc tài: Đó là sự đối đầu của thiểu số đối với đa số, của một nhóm người ít ỏi với một đám quần chúng đông đảo. Các nhà độc tài thừa hiểu điều đó nên bao giờ cũng tìm cách củng cố sức mạnh của họ bằng ít nhất ba biện pháp chính: Thứ nhất, trong khi củng cố tổ chức của họ thật chặt chẽ, họ tìm cách phân hoá cái khối đa số quần chúng đông đảo kia, không cho phép quần chúng tập hợp lại và thống nhất với nhau. Thứ hai, dùng biện pháp tuyên truyền để, một mặt, khuếch đại sức mạnh của mình, mặt khác, để tạo ảo tưởng là họ đang đại diện cho đa số, thậm chí, đại đa số, hơn nữa, của mọi người. Và thứ ba, sử dụng bạo lực để đàn áp và khủng bố mọi người. Có thể nói, sức mạnh của các chế độ độc tài chủ yếu được xây dựng trên ba nền tảng chính: Một, phân hoá dân chúng, hai, lừa dối, và ba, khủng bố. Biện pháp đầu làm cho người ta nghi ngờ nhau; hai biện pháp sau làm cho người ta sợ hãi. Cũng có thể nói, sức mạnh các chế độ độc tài không nằm ở bản thân nó mà chủ yếu nằm ở sự chia rẽ và  khiếp nhược của mọi người. Khi, vì lý do nào đó, mọi người đoàn kết và can đảm đòi hỏi quyền lợi và quyền lực cho mình thì các nhà độc tài chỉ có thể làm giống như Muammar Gaddafi ở Libya năm 2012: chui xuống ống cống.  
......

Pages