2014

Tiếp tân quốc tế đầu năm 2014 của Đảng Việt Tân tại Paris

Nhân dịp đầu năm 2014, Đảng bộ Việt Tân Pháp đã tổ chức một buổi tiếp tân dành cho những người bạn ngoại quốc, vào ngày thứ Năm 16/01/2014 tại Paris quận 15. Tại buổi này có sự hiện diện của ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân. Ông Điềm đang có mặt công tác tại Âu Châu nhằm vận động chính giới Âu Châu áp lực lên nhà cầm quyền VN phải chấm dứt các vi phạm nhân quyền vốn đang gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt sau khi họ đã vào ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.   Ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân - Hình lưu niệm cùng với Amnesty  International de France   Đáp lời mời tham dự buổi tiếp tân có nhiều tổ chức NGO, hội đoàn quốc tế có trụ sở tại Paris như: - Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế) với sự hiện diện của Bà Geneviève Garrigos - Chủ tịch phân bộ Pháp (AIF), ông Guy Castérran - phụ trách các vấn đề liên quan đến VN, cùng Bà Sylvie Le Lan - phụ trách các trường hợp tử hình;   - Reporter Sans Frontière (Phóng Viên không biên giới) với sự hiện diện của ông Benjamin Ismaël - Phó giám đốc đặc trách Á Châu) và một số thành viên; - Ông Emmanuel Ravanas thuộc Luật sư đoàn Paris, cố vấn pháp luật cho Nhà dân chủ bác sĩ Nguyễn Đan Quế;   - Bà Nathalie Muller thuộc tổ chức Avocat Sans Frontière (Luật sư không biên giới); - Ông Joseph Thouvenel - Tổng thư ký công đoàn CFTC. Đây là một trong những nghiệp đoàn lớn trên toàn nước Pháp);   - Ông bà Pierre Martial - Chủ tịch Tổ chức France - Aung San Suu Kyi); - Ông bà Vien Thach thuộc Hiệp hội các quốc gia Á châu tranh đấu cho Nhân quyền; - Ông Michel Waldschmidt thuộc Hội toán học Pháp và toán học Quốc tế); - Đại diện của Dân biểu Jacques Bompard; - Cựu Trung Tướng Pháp Guy Simon - Các thành viên của Hội Pháp Việt tương trợ; cùng nhiều chính khách, luật sư, ký giả.   Trong phần ngỏ lời chào mừng quan khách, ông Đỗ Hoàng Điềm đã đặc biệt gửi lời tri ân đến các tổ chức NGO, hội đoàn, cá nhân, trong suốt nhiều năm qua, đã lên tiếng, bênh vực, hỗ trợ cho phong trào tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại VN. Theo ông, nếu không có sự lên tiếng hỗ trợ này "chắc chắn tình hình nhân quyền tại Việt Nam còn tồi tệ hơn hiện nay gấp nhiều lần". Ông cũng bày tỏ niềm hy vọng và kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ bằng nhiều phương thức để gia tăng áp lực lên nhà cầm quyền VN cũng như đẩy mạnh các nỗ lực xây dựng xã hội dân sự hơn nữa tại VN. Với sự hỗ trợ quí báu đó, ông tin rằng: "Chắc chắn trong một tương lai rất gần, đất nước và dân tộc VN sẽ xoá bỏ được độc tài, đem lại sự Tự do Dân chủ cho đất nước VN". Buổi tiếp tân Tân niên 2014 kết thúc sau phần tiệc trà và trao đổi thân mật giữa quan khách cùng với các đảng viên Việt Tân, với nhiều lạc quan cho một năm hoạt động mới. Nhân Định - Paris Nguồn: diendanctm.blogspot.com  
......

'Bài học 40 năm và hành động hôm nay'

"Dù phải mất bao nhiêu năm nữa cho đến lúc thu hồi lại chủ quyền biển đảo đã mất, trận hải chiến Hoàng Sa luôn luôn nhắc nhở mọi thế hệ Việt Nam rằng không thể ủy nhiệm cho bất cứ ai lo bảo vệ bờ cõi, mà mọi người đều phải có bổn phận và nghĩa vụ như nhau để đáp lời sông núi" LTH   Đánh dấu 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm trước sự chiến đấu hào hùng của Hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 17 đến 19/01/1974, người Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng không quên cảnh giác trước những hành động xâm lấn vô lối mang tính leo thang mới đây của lãnh đạo Bắc Kinh để có những đối sách phù hợp. Đầu năm 2014, chính quyền đảo Hải Nam của Trung Quốc loan báo hai quyết định phi lý tăng cường quyền hạn cảnh sát của họ trên Biển Đông, bắt buộc tàu đánh cá "nước ngoài" phải xin phép khi vào hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh tự cho là của họ qua đường lưỡi bò chín khúc. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.   Bắc Kinh còn ngang ngược cho phép lực lượng tuần tra của họ tịch thu không những tất cả hải sản mà ngư dân đánh bắt được mà còn vơ vét hết những thiết bị trên tàu và phạt mỗi ngư dân là 500 ngàn nhân dân tệ, tương đương với hơn 80 ngàn Mỹ Kim. Một tàu của Trung Quốc hoạt động và tham gia tuần tiễu ngoài khơi Hoàng Sa Những hành động ngang ngược và phi lý của Bắc Kinh nói trên cho thấy là 40 năm qua, kể từ sau khi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã không thỏa mãn những gì họ đã và đang cưỡng chiếm mà tiếp tục muốn làm bá chủ biển Đông.   Tàu Trung Quốc đã ngang ngược cướp phá tài sản của ngư dân VN Nói cách khác, sau 40 năm nhìn lại, Trung Quốc đã cố tình xâm chiếm Hoàng Sa để làm bàn đạp, gây tranh chấp khắp khu vực, và cuối cùng buộc các nước phải “xin phép” họ qua lại trên biển Đông. Việt Nam do đó, cần học hỏi gì từ quá khứ và có hành động thiết thân, phù hợp hiện nay. 'Nhận thức 40 năm trước' Trước hết, với sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa bốn mươi năm về trước từ tay của Việt Nam Cộng Hòa, qua các tài liệu về quân sử Việt Nam, cũng như các tài liệu của Hải quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa, có thể thấy ngay lúc cuộc xâm lược nổ ra, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã nhận thấy rõ dụng tâm lâu dài của Trung Quốc. Theo đó, chính quyền Sài Gòn nhận thấy vụ xâm chiếm Hoàng Sa chỉ là bước đầu trong ý đồ thu tóm biển Đông theo kế hoạch được nhà cầm quyền Bắc Kinh tính toán từ trước. Nhưng do bối cảnh chính trị phức tạp vào lúc đó, chính quyền Sài Gòn đã phải cân nhắc giữa hai giải pháp: thương thảo bằng con đường ngoại giao hay quyết chiếnSau những liên lạc yêu cầu lực lượng Trung Quốc rút lui không thành công, Việt Nam Cộng Hòa đã chọn con đường quyết chiến dù lực lượng của Trung Quốc đông gấp bội.   Mặc dù Hoàng Sa bị mất, nhưng ngày 19/01/1974, Việt Nam Cộng Hòa đã để lại một văn kiện lịch sử qua Tuyên Bố của Bộ ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa vào lúc đó. "Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới..."Tuyên bố của Việt Nam Cộng Hòa, 01/1974.   Và cũng qua nội dung của Tuyên bố, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khẳng định hai điều: một là Việt Nam có chủ quyền rõ rệt trên quần đảo Hoàng Sa và Trung Quốc là 'tập đoàn xâm lược'. Hai là việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa đã mở đầu một hiểm họa đe dọa nền hòa bình và sự ổn định của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Rất tiếc là những cảnh báo của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã không được thế giới quan tâm.   Cuộc hải chiến hào hùng cũng đã bị chôn vùi kể từ sau ngày 30/4/1975 và trong thời gian dài không hề được nhắc đến chính thức dưới chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ngay cả trong nhiều sách giáo khoa của học trò phổ thông.   Nhiều người từng tham dự vào cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa còn bị tù cải tạo, nhiều thân nhân của những sĩ quan và binh sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận chiến này đã phải sống dưới chính sách kỳ thị như mọi nạn nhân khác có thân nhân là "ngụy quân ngụy quyền". Rất may là Cộng đồng người Việt tại hải ngoại vẫn còn tưởng nhớ đến công ơn của những anh hùng hải quân đã vị quốc vong thân để bảo vệ Hoàng Sa.     "Rõ ràng là có sự thiếu nhất quán trong nội bộ lãnh đạo cộng sản VN về các phản ứng liên quan đến những vấn đề lịch sử đối với Trung Quốc. Khi lãnh đạo còn e ngại và muốn tránh né đề cập một sự thật của lịch sử, thì rất khó thuyết phục người dân về thực tâm bảo vệ đất nước của giới lãnh đạo" Những buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức rất trang nghiêm vào mỗi dịp đầu năm suốt từ 1975 đến nay.   Chính những buổi lễ này đã góp phần hun đúc ý chí và tinh thần bảo vệ bờ cõi, làm bừng lên ngọn lửa yêu nước của người Việt Nam trước làn sóng xâm chiếm của Trung Quốc trên biển Đông ngày nay. 'Chính sách thiếu nhất quán' Đánh dấu 40 năm tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa năm nay, chính quyền Hà Nội đã có một số động thái đáng chú ý. Thứ nhất là cho phép một số báo, đài truyền hình đề cập khá chi tiết và liên tục nhiều kỳ về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Họ đã phỏng vấn và giới thiệu nhiều hồ sơ cũ của Việt Nam Cộng Hòa ghi lại các chuẩn bị và diễn tiến của trận hải chiến. Đây là một quyết định tuy quá trễ, nhưng ít ra bây giờ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thấy rằng việc trình bày cho hậu thế hiểu rõ diễn tiến của một cuộc chiến bảo vệ hải đảo trước ý đồ xâm lấn và bành trướng của Trung Quốc đã là điều cần thiết. Không dám nói lên sự thật và không dựa vào trận hải chiến hào hùng này, sẽ không có cơ sở vững chắc để thuyết phục thế giới đứng về phía Việt Nam chống lại các ý đồ của Trung Quốc hiện nay. Thứ hai là ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ cộng sản Việt Nam, đã tuyên bố rằng sẽ đưa vấn đề Hoàng sa và Trường sa vào sách giáo khoa, cũng như tổ chức lớn tưởng niệm 40 năm Hoàng sa và 35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc.   Đây cũng là một quyết định quá trễ và dường như mang âm hưởng của một sự “thăm dò” vì phát biểu này sau đó đã bị kéo xuống khỏi các trang mạng do những e ngại “ngoại giao”. Rõ ràng là có sự thiếu nhất quán trong nội bộ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam về các phản ứng liên quan đến những vấn đề lịch sử đối với Trung Quốc. Khi lãnh đạo còn e ngại và muốn tránh né đề cập một sự thật của lịch sử, thì rất khó thuyết phục người dân về thực tâm bảo vệ đất nước của giới lãnh đạo hiện thời trong quan hệ với Trung Quốc. Vấn đề còn lại là nhà cầm quyền CSVN không nên và không còn có thể tiếp tục hành xử kiểu nửa nạc, nửa mỡ hay tiếp tục đóng kịch chỉ khoác áo dân tộc như hiện nay nữa về toàn cảnh vấn đề biển Đông.   Lý do là lối hành xử nửa vời này không những có hại mà còn gây cản trở cho nỗ lực bảo vệ sự toàn vẹn biển đảo, lãnh thổ của dân tộc. 'Ba việc cần làm ' Nhân tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa, thiết nghĩ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cần mạnh dạn làm ba việc. Thứ nhất, Chính thức tuyên bố hủy bỏ công hàm do cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958.   Việc hủy bỏ Công hàm cùng với việc quảng bá Tuyên Cáo của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa ngày 14 tháng 2 năm 1974, xác định “quần đảo Hoàng sa và Trường sa là những phần bất khả phân lìa của lãnh thổ Việt Nam”, sẽ giúp Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để kiện Bắc Kinh ra toà án Liên Hiệp Quốc như Phi Luật Tân đang làm.     "Dù phải mất bao nhiêu năm nữa cho đến lúc thu hồi lại chủ quyền biển đảo đã mất, trận hải chiến Hoàng Sa luôn luôn nhắc nhở mọi thế hệ Việt Nam rằng không thể ủy nhiệm cho bất cứ ai lo bảo vệ bờ cõi, mà mọi người đều phải có bổn phận và nghĩa vụ như nhau để đáp lời sông núi"   Nếu vụ kiện xảy ra, chắc chắn là ngư dân Việt Nam không cần phải “xin phép” đánh cá trên vùng biển truyền thống lâu đời của mình như Trung Quốc đang ra lệnh. Thứ nhì, chính thức vinh danh những người chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng sa, và thiết lập một ngân quỹ để giúp đỡ cho thân nhân, con cháu của những người đã vị quốc vong thân. Nỗ lực này còn mang một ý nghĩa quan trọng khác là người dân Việt Nam bất kể thế hệ nào đều phải ghi nhớ trận hải chiến hào hùng của dân tộc, đặc biệt là chiến tích này đang gắn liền với công cuộc bảo vệ bờ cõi hiện nay trước tai họa xâm lăng từ Trung Quốc. Thứ ba, để cho người dân tự do lập ra những nhóm, hội đoàn dưới nhiều hình thức như nghiên cứu pháp lý, thu thập tài liệu lịch sử, gây quỹ, vận động quốc tế.... để đóng góp vào công cuộc bảo vệ biển đảo.   Đây là công việc lâu dài, trải qua nhiều thế hệ nên việc xã hội hóa các nỗ lực bảo vệ biển đảo phải để cho người dân tham gia. Hơn thế nữa, đây là thời đại của mạng xã hội, việc liên kết các cá nhân có cùng quan tâm và dùng nó như một sức mạnh áp đảo để buộc đối phương phải ngưng những ý đồ xâm phạm, trở thành phương tiện tranh thủ rất hòa bình và hiệu quả. 'Đáp lời sông núi' Bốn mươi năm là khoảnh thời gian rất ngắn trong chiều dài lịch sử. Nhưng 40 năm ý nghĩa của trận hải chiến bảo vệ biển đảo – dù Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa – đã ghi khắc vào lòng người Việt Nam một quyết định lịch sử: quyết chiến bảo vệ tổ quốc dù đối phương mạnh hơn mình gấp bội. Dù phải mất bao nhiêu năm nữa cho đến lúc thu hồi lại chủ quyền biển đảo đã mất, trận hải chiến Hoàng Sa luôn luôn nhắc nhở mọi thế hệ Việt Nam rằng không thể ủy nhiệm cho bất cứ ai lo bảo vệ bờ cõi, mà mọi người đều phải có bổn phận và nghĩa vụ như nhau để đáp lời sông núi. Sự kiện một số nhà dân chủ, một số nhà hoạt động mạng tổ chức các buổi hội thảo về Hoàng Sa, thăm viếng và ủy lạo cho những thân nhân các chiến sĩ hải quân đã hy sinh là một nỗ lực đáng ca ngợi. Chính tinh thần này đã đánh thức mọi người cùng nhau nhìn về biển Đông, trước hết là làm sao bảo vệ ngư dân Việt có thể tự do và an toàn đánh bắt hải sản trước lệnh phải “xin phép” ngược đời của Trung Quốc tung ra hiện nay. Song song, cần tranh thủ hậu thuẫn của thế giới và các quốc gia láng giềng chống lại ý đồ bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông.   Nếu chúng ta cùng tưởng niệm 40 Năm Hoàng Sa trong tinh thần đó, anh linh của 74 người con yêu nước Việt khoác áo Hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ có thể mỉm cười yên giấc. Nguồn: viettan.org
......

VOICE

Cũng lâu rồi tôi mới viết về tổ chức phi chính phủ VOICE, viết tắt của 5 chữ “Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment” mà Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích tạm dịch là “Sáng kiến Thể hiện Lương tâm Người Việt Hải ngoại”. Tôi là đồng sáng lập viên vào năm 2007 và cũng là Giám đốc Điều hành (Executive Director) hiện đang quản lý VOICE cùng với 4 thành viên khác trong Ban Quản Trị (Board of Directors) đó là Anh Đoàn Việt Trung, cựu Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do Liên bang Úc Châu (Úc), Cô Jaclyn Fabre, cựu Giám đốc Điều hành tổ chức LAVAS (Mỹ), Anh Max Võ, cựu Chủ tịch Cộng đồng Người Việt tại Toronto (Canada) và Cô Jessica Soto, cựu Giám đốc Điều hành tổ chức Ân xá Quốc tế Philippines (Phi Luật Tân). Cùng với các thiện nguyện viên của VOICE, chúng tôi hiện đang chú tâm vào 3 công việc chính. Vì vậy tôi nghĩ không gì tốt hơn là chính mình nên khai bút và chia sẻ với các bạn đọc trong bài viết đầu năm về những gì VOICE đang cố gắng đạt được trong 12 tháng tới.   Đó là, một, giúp đỡ những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng ở Thái Lan được sang Canada định cư sau hơn 24 năm chờ đợi. Hai, góp phần giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão lịch sử Haiyan ở Philippines trong việc tái kiến thiết và gầy dựng lại cuộc sống. Và ba, cùng với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam tiếp tục lên tiếng bảo vệ những quyền con người căn bản mà chính phủ Việt Nam đã cam kết. Đặc biệt là trong 3 tuần sắp tới trước khi Việt Nam phải ra điều trần tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 5 tháng 2 - vốn chỉ diễn ra 4 năm một lần - về những gì họ đã thực hiện trong 4 năm vừa qua và những gì họ hứa sẽ thực hiện trong 4 năm tới. Đây là quá trình Universal Periodic Review (UPR) mà tôi đã từng nhắc đến vào khoảng giữa năm ngoái khi chúng tôi cùng với các tổ chức xã hội dân sự khác như Freedom House, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam và Dòng Chúa Cứu thế nộp báo cáo lên cho Hội đồng Nhân quyền. Theo đúng thủ tục đệ trình dành cho các tổ chức phi chính phủ nhằm cung cấp cho các nước thành viên trong Hội đồng Nhân quyền các thông tin cập nhật cũng như những kiến nghị rõ ràng (recommendations) để họ có thể làm việc với chính phủ Việt Nam trong ngày 5 tháng 2 sắp tới đây.     Đối với công việc tỵ nạn, tôi xin thông báo là vào tháng 11 năm 2013 vừa qua, Bộ Di trú Canada đã chính thức cho chúng tôi biết là toàn bộ 33 hồ sơ bảo trợ cho 105 thuyền nhân Việt Nam cuối cùng tại Thái Lan đã được chấp thuận và hiện đang được chuyển sang Toà Đại sứ Canada tại Singapore là văn phòng đặc trách cho cả vùng Đông Nam Á để tiếp tục giải quyết. Tôi mong là trong những ngày tháng sắp tới, các anh em, bạn bè thuyền nhân của tôi, những “khách hàng” lâu năm của VOICE ở Bangkok sẽ nhận được tin vui. Họ sẽ được hẹn cho đi phỏng vấn, khám sức khoẻ, và nếu không có gì trở ngại thì họ sẽ được cấp visa trong năm 2014 này.   Nói thật đây là một trong nhiều điều ước (new year’s resolution) mà tôi đã cầu mong trong những giây phút đầu tiên của năm 2014. Đối với công việc gây quỹ cứu trợ cho các nạn nhân của cơn bão Haiyan tôi cũng xin  thông báo là cho đến thời điểm này, VOICE đã nhận được gần $400,000 từ nhiều nơi trên thế giới gửi về, đặc biệt là từ những anh chị em người Việt tỵ nạn trước đây ở Philippines. Trước khi bắt đầu khởi động chiến dịch cứu giúp, chúng tôi đã đồng ý là phân nửa số tiền đóng góp sẽ được dành cho việc cứu trợ khẩn cấp. Điều này các anh chị em thiện nguyện viên và nhân viên của VOICE trong đó có tôi đã thực hiện được qua 3 chuyến đi cứu trợ. Đầu tiên là chuyến đi cứu giúp và di tản 38 người Việt sống sót ra khỏi trung tâm bão chỉ một tuần sau khi cơn bão cuốn đi toàn bộ tài sản của họ. Và chuyến đi cuối cùng là vào những ngày cuối năm khi toàn bộ văn phòng VOICE, nhân dịp nghĩ lễ, đã quyết định cùng nhau đi phát quà và tặng phẩm ở những nơi bị tàn phá nhất, để một phần nào an ủi cho những nạn nhân có được một Giáng Sinh ấm áp hơn. Thật lòng, không điều gì đã làm cho tôi hãnh diện bằng được đại diện cho cộng đồng người Việt tỵ nạn, những ân nhân đã tin tưởng VOICE, đã đóng góp, để cho tôi có cơ hội trực tiếp cảm ơn dân tộc Phi đã cưu mang trên 300.000 người Việt tỵ nạn từ năm 1975 cho đến tận hôm nay. Người thật sự đã cứu người như lời trong bài hát Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Một nhạc phẩm ra đời khi Philippines là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á quyết định ngưng chương trình cưỡng bách hồi hương thuyền nhân Việt Nam vào năm 1996.   Sẽ khó có một hoàn cảnh nào khác cho chúng ta thấy hiệu ứng của luật nhân quả một cách rõ ràng và nhanh chóng như trong trường hợp này. Không đến 20 năm. Để thấy cho thật sự là nhận. Người thật sự đã cứu người. Riêng phần nửa số tiền còn lại, VOICE sẽ dùng để xây dựng và sửa chữa hai hay ba trường học, cũng là nơi những người dân trong làng dùng để trú ẩn khi bão lớn ập đến. Trong lần đi cứu trợ vừa qua, chúng tôi đã tìm được một nơi thích hợp ở gần thành phố Ormoc, đó là làng Santo Nino, một trong những nơi bị tàn phá nặng nhất nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ. Trong tuần tới, hai nhân viên của VOICE cũng sẽ đi đến Coron ở miền bắc vùng đảo Palawan để cùng bàn bạc với những tổ chức xã hội dân sự về công việc tái kiến thiết ở đây. Có khá nhiều người bảo tôi là nếu như trước đây người dân Coron đã cứu biết bao thuyền nhân Việt Nam tấp vào đảo của họ sau nhiều ngày lênh đênh trên biển thì hôm nay chính người Việt chúng ta sẽ quay trở lại để đền ơn, đáp nghĩa. Cả tôi lẫn họ đều muốn thấy một biểu tượng ghi nhận sự ra đi và trở lại của người Việt tỵ nạn chúng ta được dựng lên trong năm 2014. Ngay tại những ngôi trường mà chúng ta giúp tái kiến thiết. Tôi thật sự rất mong VOICE sẽ thực hiện được điều đó. Nếu được vậy tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người trong cộng đồng chúng ta cảm thấy ấm lòng. Ấm lòng như khi họ gặp được các anh chị em trẻ, các cô, các bác, cha mẹ của những tù nhân lương tâm hiện đang bị cầm tù, lần đầu tiên từ Việt Nam sang Mỹ, Châu Âu và Úc trong 3 tuần lễ sắp tới để vận động nhân quyền cho Việt Nam trong khuôn khổ của tiến trình UPR.    Đấy là những việc mà tôi phải làm trong 3 tuần tới. Thủng thẳng tôi sẽ kể cho các bạn nghe. Được chứ hỉ? Nguồn: voatiengviet.com
......

Nhóm vận động từ Việt Nam tới Hoa Kỳ

Một nhóm người gồm thân nhân các nhà đấu tranh dân chủ và các blogger nổi tiếng từ Việt Nam đã đến Hoa Kỳ để vận động dư luận về quyền con người. Theo họ, đây là chuyến đi diễn ra trong dịp Việt Nam đang có chân trong hội đồng nhân quyền ở Liên Hiệp Quốc. Nhà báo Đoan Trang (áo vàng) và một số đại diện khác sẽ đi thăm châu Âu sau khi tới Hoa Kỳ Qua sự sắp xếp của luật sư Trịnh Hội và các thành viên trong tổ chức thiện nguyện VOICE, họ đã đưa được cha của ông Trần Huỳnh Duy Thức, mẹ của luật sư Lê Quốc Quân, và mẹ của anh Đinh Nguyên Kha đến Hoa Kỳ. Dự kiến cả nhóm sẽ ra điều trần tại Ủy ban nhân quyền, Quốc hội Hoa Kỳ ngày 16/1 này.   Trong nhóm đi vận động và đến được Hoa Kỳ hôm nay, còn có cả ký giả Đoan Trang và sinh viên Nguyễn Anh Tuấn, người nổi tiếng trong vụ “yêu cầu công an khởi tố chính mình” vì có cùng quan điểm như luật sư Cù Huy Hà Vũ. Tất cả đều phải đi “lách” qua những con đường xuất cảnh tuy hợp pháp nhưng rất khó khăn vì cấm đoán của nhà chức trách ở Việt Nam.   Ban đầu họ âm thầm đến một trong những nước có chính sách miễn thị thực với Việt Nam trong khối Đông Nam Á, rồi từ đó họ xin visa vào Hoa Kỳ và Âu Châu theo sự tư vấn và giúp đỡ của tổ chức VOICE.   Mẹ đi theo con "Cha của Trần Huỳnh Duy Thức không còn cảm thấy đơn độc để tranh đấu cho con trai của riêng mình mà phải tiếp tục con đường tranh đấu " Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha còn cho biết cá nhân bà hiện nay cũng đã trở thành một con người tranh đấu sau khi con trai bị bắt.   “Từ một bà mẹ quê, vì cứu con mà tôi đã trở thành blogger và biết dùng cả Facebook”, bà chia sẻ với mọi người trong một cuộc họp báo tại trụ sở báo Người Việt hôm 14/1/2014 ở Quận Cam, California. Bà Kim Liên cũng nói lên lời mạnh mẽ rằng, bà nhận biết bây giờ đấu tranh cho dân chủ tự do ở Việt Nam là một sứ mệnh không chỉ giải cứu con trai bà mà còn cứu rất nhiều người có cùng cảnh ngộ. Trong chuyến đi này, bà đã làm bạn với mẹ của luật sư Lê Quốc Quân và thân phụ của Trần Huỳnh Duy Thức.   Ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ của nhà tranh đấu Trần Huỳnh Duy Thức cũng nói rằng ông không còn cảm thấy đơn độc để tranh đấu cho con trai của riêng mình mà phải tiếp tục con đường tranh đấu một xã hội dân chủ và công bằng cho Viêt Nam. Nói tiếng Anh tốt, ông Trần Văn Huỳnh sẽ điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ và tiếp tục lên đường sang Geneve để vận động với dư luận Âu Châu.   Họp báo về các vấn đề nhân quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ hồi tháng 07/2013 Trải nghiệm và hướng đi mới Đến với Quận Cam, nơi có cộng đồng người Việt đông nhất ở hải ngoại, chuyến sang Mỹ bất ngờ này đã trở thành một trải nghiệm đặc biệt cho mọi người. Ký giả Đoan Trang cũng đến Hoa Kỳ trong sự trải nghiệm đó và còn tạo nên sự bất ngờ về mặt thời điểm. Vốn là người từng gióng lên tiếng nói về tranh chấp Biển Đông từ năm 2001 và chịu nhiều phiền nhiễu trong trong nghề nghiệp làm báo ở Việt Nam, cô đã trả lời về chủ đề Biển Đông với các giới quan tâm ở Quận Cam trong dịp tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa. Được biết, Đoan Trang dự kiến sẽ nêu ra các ví dụ về việc nhà báo bị sách nhiễu ra sao và cách báo chí ở Việt Nam bị cấm đoán như thế nào.   Sự xuất hiện của những nhân vật có dấu ấn xã hội, mang tính chứng nhân bị đàn áp ở Việt Nam xuất hiện các diễn đàn quốc tế cũng tạo nên tiếng nói mới cho phong trào tranh đấu cho tự do nhân quyền cho Việt Nam vừ bước sang một giai đoạn thiết thực theo mô hình hoạt động của các nhóm NGO thuộc các tổ chức phi chính phủ. Trước đây các phái đoàn điều trần vận động quốc hội Hoa Kỳ phần đông đều do các nhân vật trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đảm trách. Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese/
......

No-U FC: Thông báo về lễ tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa

Hoà chung không khí tưởng niệm của nhân dân Việt Nam toàn thế giới. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Dựa trên quyền con người cơ bản là quyền tự do bày tỏ quan điểm, bao gồm quyền tự do bày tỏ lòng yêu nước, tự do thờ phụng và tưởng nhớ những chiến sĩ đã hi sinh bảo vệ Tổ quốc. Với thực tế không thể chối cãi là Trung Quốc đã xâm lược, chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và đang tiếp tục gây hấn, xâm lấn và thôn tính nước ta một lần nữa. Chúng tôi kêu gọi đồng bào hãy tham gia Lễ tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa 17-19/01/1974! Thời gian: Từ 8h30 - ngày 19/01/2014 Địa điểm: Tại tượng đài Lý Thái Tổ - Hồ Gươm - Hà Nội Hãy đến với chúng tôi để chứng tỏ với cộng đồng quốc tế Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam, để tưởng nhớ các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc và để khẳng định chúng ta không sợ hãi trước bất kỳ sự đe doạ nào khi bày tỏ lòng yêu nước của mình! Đề nghị UBND thành phố Hà Nội cùng các lực lượng chức năng đảm bảo an toàn cho buổi lễ, không tổ chức lễ hội, hát hò, vui chơi thể thao trong khu vực quanh Hồ Gươm và không cản trở, gây khó dễ cho những người tham gia buổi tưởng niệm này. 17-19/01/1974 - Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên! Anh em No-U Hà Nội Trân trọng kính báo! Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=712686732095219&set=a.3620954604...
......

Hội Thảo và Vận Động Nhân Quyền Cho VN nhân kỳ họp UPR của LHQ

Theo thời biểu dự kiến thì phiên họp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) lần thứ 18 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra sắp tới đây, từ ngày 27-1-2014 kéo dài đến ngày 7-2-2014 , để duyệt qua tình hình nhân quyền tại mỗi quốc gia  thành viên.   Phiên họp định kỳ này diễn ra mỗi 4 năm một lần, và theo lịch trình làm việc năm nay Việt Nam sẽ được giám định vào ngày 05/2.   Trong dịp Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc có phiên họp UPR lần này, sẽ có nhiều sinh hoạt vận động nhân quyền cho Việt Nam trong cùng thời gian diễn ra UPR. Thông báo của các tổ chức Nhân quyền VN cho biết, một phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc kể từ ngày 12/1/2014, cùng lúc một số tổ chức Nhân Quyền Quốc Tế và Việt Nam sẽ tổ chức một buổi hội thảo, với chủ đề "Hội thảo UPR: Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ", vào ngày 4 Tháng 2-2014 tại tòa nhà Liên Hiệp Quốc - Palais des Nations, Geneva. - Hội thảo UPR: Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ   Trong thư mời đồng bào cùng tham dự buổi Hội thảo UPR "Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ", do các tổ chức nhân quyền quốc tế và VN gồm ARTICLE 19, COSUNAM, Media Legal Defence Initiative, PEN International, UN Watch, Vietnam Human Rights PAC - Vietnam Progress, và Đảng Việt Tân, với nội dung cho biết: Cứ mỗi 4 năm, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc duyệt qua tình hình nhân quyền tại mỗi quốc gia thành viên trong phiên họp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) . Năm nay, Việt Nam sẽ được giám định vào ngày 05/2. Trong buổi hội thảo này, một số tổ chức Nhân Quyền Quốc Tế và Việt Nam sẽ rọi đèn vào những trường hợp vi phạm trầm trọng tại Việt Nam ngày nay như: - Sự bạo hành của lực lượng công an đối với người dân - Việc trù dập các blogger và đe dọa quyền tự do Internet - Việc bắt giữ vô cớ hàng trăm tù nhân chính trị - Việc giới hạn các quyền dân sự và các quyền căn bản   Buổi hội thảo này được tổ chức nhằm đưa ra những khuyến cáo cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và vận động Cộng Đồng Quốc Tế quan tâm đến việc thiết lập một tiến trình khảo sát nhân quyền một cách hữu hiệu tại Việt Nam. Ngày nay Việt Nam đã trở thành một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Hà Nội phải tuân thủ những nguyên tắc phổ quát về những quyền căn bản. Buổi hội thảo này sẽ được trực tiếp phổ biến qua mạng Internet. Để tham dự hội thảo, xin quý vị vui lòng ghi danh trước để làm thủ tục vào Liên Hiệp Quốc qua đường dẫn: bit.ly/upr-2014.   - Phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam lên đường   Trong khi đó, theo Thông cáo báo chí của phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam hôm 12-1-2014, do các tổ chức đấu tranh nhân quyền và truyền thông VN như Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, VOICE ký gửi, cho biết như sau: Nhận lời mời của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền (OHCHR) và một số tổ chức quốc tế khác, một phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc kể từ ngày 12/1/2014. Thành phần phái đoàn gồm đại diện các tổ chức VOICE, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, và thân nhân một số tù nhân chính trị.   Phái đoàn sẽ tiếp xúc và làm việc với OHCHR cùng với các cơ quan Liên Hiệp Quốc khác liên quan đến cuộc điều trần về báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) của Việt Nam vào ngày 5/2/2014 tại Geneva, Thụy Sĩ, vốn chỉ được tổ chức bốn năm một lần. Bên cạnh đó, phái đoàn cũng sẽ làm việc với đại diện Quốc hội, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Nghị viện Châu Âu, Quốc Hội Úc, các tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Frontline Defenders, International Service for Human Rights (ISHR) và các tổ chức phi chính phủ khác kể cả cộng đồng người Việt Nam tại các nước. Phái đoàn cũng sẽ đồng thời tham dự các sự kiện bên lề phiên điều trần UPR cùng với sự tham dự của các phái đoàn ngoại giao, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và giới truyền thông.   Được hỗ trợ bởi OHCHR và các tổ chức quốc tế trên, phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam tập hợp các nhà hoạt động trong và ngoài nước nhằm cung cấp các thông tin chính xác và đầy đủ cho các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài. Chiến dịch vận động này được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực đối với chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền với tư cách là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.   Để có thêm thông tin chi tiết về chiến dịch vận động này, xin vui lòng liên hệ cô Ann Pham qua số điện thoại +1.714.325.8276 hoặc địa chỉ thư điện tử: vietnamupr@gmail.com. * Press Release by the Advocacy Delegation for Human Rights in Vietnam 12/1/2014 – Invited by the UN Office of the High Commissioner for Human Rights (OHCHR) and other INGOs, a delegation advocating for human rights in Vietnam will visit the United States, Europe, and Australia starting from 12 January 2014. The delegation consists of representatives from VOICE, Vietnamese Bloggers Network, Dan Lam Bao, the Vietnam Path Movement, Hoa Hao Buddhist Church, No-U Vietnam, the Association of Political and Religious Prisoners, and relatives of current political prisoners in Vietnam.   The delegation will meet with OHCHR and other UN bodies related to the upcoming Universal Periodic Review (UPR) of Vietnam which will take place on February 5, 2014 in Geneva, Switzerland, a process that occurs every four (4) years. In addition, the delegation will meet with representatives of the US Congress and Department of State, the European Union Parliament, the Australian Parliament, Amnesty International, Frontline Defenders, International Service for Human Rights (ISHR), and other INGOs as well as the overseas Vietnamese communities. Furthermore, the delegation will participate in side events related to the UPR with representatives from the Permanent Missions in Geneva, international human rights organizations and the media. With assistance from OHCHR and the international organizations mentioned above, this delegation consisting of Vietnamese activists from in and outside of the country, aims to provide full and accurate information on the current human rights situation in Vietnam. It is hoped that our advocacy will inspire further changes resulting in the Vietnamese Government to respect and protect human rights as a new member state of the Human Rights Council.   For more information regarding the delegation and its activities, please contact our representative, Ms Ann Pham at +1.714.325.8276 or vietnamupr@gmail.com. SIGNED: Network of Vietnamese Bloggers Dan Lam Bao Vietnam Path Movement Hoa Hao Buddhist Church No-U Vietnam Association of Political and Religious Prisoners of Vietnam VOICE    
......

Mời tham gia sinh hoạt chính trị ở Genève

c/o BS Trần Văn Tích, E-Mail: tranvantich@hotmail.de, vantich@t-online.de Website : http://www.lienhoinvtn.de                      Thư kính mời tham gia sinh hoạt chính trị ở Genève Kính gửi Đồng bào Tỵ nạn tại Liên Âu, Kính gửi các Hội Đoàn, Đảng Phái, Tổ Chức Chống cộng tại Liên Âu, Kính thưa quí vị,   Ngày 12.11.2013 Việt Cộng trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trụ sở ở Genève, Thụy sĩ. Thủ tục điều hành của Tổ chức này có những sinh hoạt luân chuyển gọi là Kiểm điểm Định kỳ Phổ cập, Universal Periodic Review. Năm nay, Việt cộng sẽ tham dự Kiểm điểm Định kỳ Phổ cập vào ngày thứ tư 05.02.2014. Tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có trách nhiệm và bổn phận thực hiện quyền người dân trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hoá, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng. Tham gia tiến trình Kiểm điểm Định kỳ Phổ cập, Việt cộng phải tường trình cùng Đại Hội đồng các cải thiện về nhân quyền và dân quyền theo qui ước quốc tế. Trong thực tế, tình trạng dân quyền và nhân quyền tại quốc nội chẳng những không được cải thiện mà còn tồi tệ hơn; do đó, sẽ có những câu chất vấn do phái đoàn các quốc gia hội viên nêu ra và Việt cộng phải trả lời. Nhằm thiết thực yểm trợ đồng bào quốc nội đang dũng cảm kiên trì đấu tranh đòi quyền làm người và quyền làm dân, Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn sẽ tổ chức biểu dương lực lượng trước tiền đình trụ sở Liên Hiệp Quốc cùng lúc với việc tham gia theo dõi chất vấn trong Phiên họp Đại Hội đồng vào ngày thứ tư 05.02.2014, từ 14 đến 18 giờ tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc, Palais des Nations Unies Place des Nations, Genève, Thuỵ sĩ Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức phối hợp cùng một số Tổ chức và Đoàn thể Chống cộng – trong số có phái đoàn đến từ Hoa Kỳ – xin thành khẩn và tha thiết mời gọi Đồng bào Tỵ nạn tham gia đông đảo hai hình thức đấu tranh vừa trình bày. Mọi chi tiết về tổ chức xin trực tiếp liên lạc với TS Nguyễn Ngọc Hùng, điện thư hungnguyen00@googlemail.com, điện thoại di động 015780276220. Trân trọng kính chào, Đức quốc, ngày 12.01.2014, BS Trần Văn Tích
......

TUYÊN BỐ CỦA CHƯƠNG TRÌNH MINH TRIẾT LÀM CHỦ BIỂN ĐÔNG

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ HOÀNG SA   Vào tháng 01 năm 1974, cách đây đã 40 năm,Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, đem quân cưỡng chiếm Hoàng Sa, bấy giờ đang do Chính Phủ VNCH quản lý. Cuộc họp mặt Chương trình Minh Triết làm chủ Biển Đông kỷ niệm sự kiện 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa diễn ra sáng nay, 11/01/2014 tại Hà Nội. Nhân dịp này, Chương Trình Minh Triết Làm Chủ Biển Đông đã công bố các văn kiện sau: 1. Bản Tuyên bố của Chương Trình nhân sự kiện này. 2. Bức Tâm thư gởi các Em sinh viên Thanh niên. 3. Bài văn tế tưởng niệm 74 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã bỏ mình bảo vệ Hoàng Sa. 4. Phương danh 74 chiến sĩ đã bỏ mình bảo vệ Hoàng Sa.   Đây là sự thể hiện tình cảm và ý chí của người dân Việt Nam đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ Độc lập và chủ quyền của Đất Nước. Mong được các cơ quan thông tấn, báo chí, các trang mạng xã hội hỗ trợ, đăng tải, truyền bá rộng rãi cho dư luận trong nước và quốc tế. Trân trọng.     Bà Huỳnh Thị Sinh cùng bà Loan, em gái út của Bà từ Sài Gòn đã ra tham sự. Sự có mặt của Bà Sinh là tâm điểm của những người tham gia cuộc họp. Sau đây là vài hình ảnh:   Bà Huỳnh Thị Sinh trả lời phỏng vấn về cuộc sống của Bà và kỷ niệm về cố Trung tá Việt Nam Cộng Hòa Ngụy Văn Thà: Xem clip ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=tUaN6AxbLOw Tôi thay mặt Hội Bầu Bí tương thân tặng Bà 2 triệu đồng và được sự ủy quyền của Diễn đàn Xã Hội Dân sự tặng bà món quà Tết 1 triệu đồng. Tường Thụy ____________   CHƯƠNG TRÌNH MINH TRIẾT LÀM CHỦ BIỂN ĐÔNGTUYÊN BỐ NHÂN SỰ KIỆN 40 NĂM HOÀNG SA BỊ TRUNG QUỐC CHIẾM ĐOẠT 1974-2014 Vào tháng 1- 2014 này, chúng ta đứng trước sự kiện, cách đây 40 năm, nhà cầm quyền Trung Quốc trắng trợn dùng vũ lực chiếm Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 11-1-1974 Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang được Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quản lý là một phần lãnh thổ của họ. Ngày 12 - 11- 1974 Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc bác bỏ luận điệu ngang ngược, lên án ý đồ xâm lược của Trung Quốc. Chính Phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa MNVN cũng đã lên tiếng phản đối hành động sai trái đó của Trung Quốc. Từ ngày 12 - 01- 1974, đến 20 - 01 - 1974 một cuộc chiến bi hùng đã xảy ra. Hải quân VN chiến đấu quyết liệt, bắn chìm và bắn hỏng nhiều chiến hạm của địch. Nhưng cuộc chiến không cân sức. Phía Việt Nam, 74 sĩ quan và chiến sĩ hy sinh anh dũng, trong đó có Thiếu tá Hạm trưởng Ngụy Văn Thà, quyết tử không rời tàu. Đến nay, đã 40 năm, Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng trái phép Hoàng Sa, lãnh thổ của Việt Nam, cho xây quân cảng, lập thành phố Tam Sa và nhiều hoạt động phi pháp, vi phạm chủ quyền lãnh thổ, phá hoại nhiều hoạt động hợp pháp, bình thường của phía Việt Nam, đặc biệt là hành động hải tặc với ngư dân Việt Nam.   Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố lên án những hành động phi pháp, phi đạo lý của phía Trung Quốc. Ngày 25 tháng 11 năm 2011 tại Quốc hội nước Việt Nam, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng đã long trọng tuyên bố: Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Với chiến lược biển đầy tham vọng bành trướng, Trung Quốc đang gây hấn với các nước trong khu vực, ngang nhiên vạch ra “đường lưỡi bò”, công bố vùng “nhận diện phòng không” (ADIZ) ở biển Hoa Đông, gây khó dễ cho việc làm ăn bình thường của các nước trong khu vực. Thế giới ngạc nhiên về một nước lớn như Trung Quốc, chẳng những rất vô trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, mà còn hành xử theo vết xe đổ của chủ nghĩa đế quốc đã lỗi thời. Hệ thống lại những sự kiện đã xảy ra 40 năm qua, mọi người đều thấy các hành động của Trung Quốc uy hiếp hòa bình và phát triển của khu vực và làm cho cả thế giới lo ngại. Nhân sự kiện 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Chương trình Minh Triết Làm chủ Biển Đông tuyên bố: 1- Từ thế kỷ XVII, dưới thời các Chúa Nguyễn, nhất là từ triều Gia Long trở đi, Việt Nam, đã có nhiều hoạt động quản lý cấp Nhà nước để khai thác, thăm dò, đồn trú, khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, cho đến đầu thế kỷ XX phía Trung Quốc vẫn xác định biên giới cực nam của họ là đảo Hải Nam. Việc chiếm đoạt một phần Hoàng Sa năm 1956 và đem quân cưỡng chiếm vào năm 1974 của Trung Quốc là phi pháp, chà đạp lên luật pháp quốc tế, xâm chiếm lãnh thổ của nước láng giềng Việt Nam mà họ vẫn rêu rao tuyên bố là mối quan hệ “láng giềng hữu nghị”. 2– Chúng tôi ủng hộ lập trường của Chính phủ Việt Nam, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lên án và tố cáo trước dư luận quốc tế về hành đồng xâm lược của Trung Quốc đối với Quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt những hoạt động sai trái, vi phạm chủ quyền và vùng biển của Việt Nam. 3- Tưởng nhớ những chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì Hoàng Sa cách đây 40 năm và những chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ Trường Sa năm 1988, chúng ta không thể im lặng trước sự thật biên cương, hải đảo Việt Nam đang bị Trung Quốc từng bước lấn chiếm. Hãy nêu cao tinh thần yêu nước, nâng cao sức mạnh nội lực về mọi mặt, chấn chỉnh nội trị, phát triển ngoại giao hòa bình, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh gian nan, phức tạp của nhân dân và Chính phủ ta để bảo về chủ quyền, lãnh thổ Đất nước. 4- Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam tăng cường những giải pháp hòa bình đòi lại và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nâng cao khí phách và sức mạnh vật chất, tinh thần của quân và dân ta, có kế hoạch đúng đắn tuyên truyền trong nhân dân về chủ quyền biển đảo của đất nước, tranh thủ dư luận quốc tế mạnh mẽ hơn nữa ủng hộ nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này. 5- Khâm phục, biết ơn các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, kiên quyết lên án những hành động sai trái, xấu xa của phía Trung Quốc, chúng tôi mong mỏi nhân dân cả nước quyết tâm xây dựng và thực thi có hiệu quả chiến lược biển hòa bình, thân thiện cả trên bốn mặt: Bảo vệ chủ quyền Biển Đảo, phát triển kinh tế biển hiệu quả cao, nâng cao trình độ khoa học biển, xây dựng văn hóa biển. Tin tưởng rằng: nhân dân ta sẽ sống xứng đáng với Tổ Tiên và thực hiện thành công lời dạy đầy tính dự báo chiến lược thiên tài của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585): Biển Đông vạn dặm dang tay giữ, Đất Việt muôn năm vững trị bình. Làm tại Hà Nội và công bố ngày 11 tháng 01 năm 2014 __________________ —————————— Tâm thư gửi các Em Sinh viên và Thanh niên Nhân sự kiện 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Các Em thân mến, chúng tôi xin được xưng hô như vậy cho thân mật. Trong số chúng tôi, những người gửi lá thư này, có người U90, 80, 70, nhiều người trong tuổi tứ thập bất hoặc và ngũ thập tri thiên mệnh.(*) Vào tháng 1- 2014 này, chúng ta đứng trước sự kiện 40 năm trước, Trung Quốc thừa cơ Mỹ rút khỏi chiến tranh Việt Nam, đang đi đêm với họ, hai miền Nam Bắc Việt Nam vẫn chưa có hòa bình, họ đã ngang nhiên tuyên bố Hoàng Sa là của họ, rồi lập tức đem cả hải lục không quân đánh chiếm Hoàng Sa, bấy giờ đang do Chính phủ VNCH quản lý. Lực lượng Hải quân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng, bắn chìm, bắn hỏng nhiều tàu giặc, nhưng cũng tổn thất nặng nề. 74 chiến sĩ đã hy sinh oai hùng, để lại tấm gương “Quyết tử để bảo vệ Hoàng Sa thân yêu”. Bốn mươi năm qua, họ cưỡng chiếm Hoàng Sa, tổ chức nhiều hoạt đông phi pháp ở đó. Năm 1988 còn đưa quân chiếm giữ nhiều đảo và bãi đá ngầm ở Trường Sa của chúng ta. Họ còn có nhiều hành động cản trở, phá hoại những hoạt động bình thường trên vùng biển của chúng ta. Đặc biệt là họ đã đối xử vô nhân đạo, theo lối hải tặc đối với ngư dân Viêt Nam làm ăn trên vùng biển của mình. Chính phủ và nhân dân ta kiên quyết lên án, phản đối những hành vi trái lý, trái lẽ của Trung quốc. Gửi lá thư này cho các Em, chúng tôi không kêu gọi, không dặn dò, không lên lớp, mà chỉ muốn bàn bạc với các Em như những người bình đẳng, có chung một tư tưởng, một tình cảm, một trách nhiêm với Non Sông, Đất Nước của mình, không phân biệt trẻ hay già. Hơn nữa, chính các Em sẽ là lớp người nắm lấy tương lai, vận mệnh của Đất Nước, chính các Em sẽ là lớp người gánh vác những công việc to lớn, nặng nề, khó khăn, thay thế lớp người cũ, thực hiện những công việc mà cha anh đã chưa làm trọn. Cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, đòi lại những phần đất, biển đảo của Tổ tiên đã bị ngoại bang xấu xa, gian ác cướp đoạt. Khi đứng trước tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, nóng bỏng, chúng ta nhớ tới lời dự báo chiến lược như sấm truyền của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585): Biển Đông vạn dặm dang tay giữ, Đất Việt muôn năm vững trị bình. Như thế, một chiến lược Biển toàn diện, quyết tâm thực thi cao, công tâm, chí lớn phải đặt ra.Thế hệ mới phải đứng trên vai cha anh, tài trí hơn, giỏi giang hơn, dũng khí hơn, nói được và làm chủ được cả trên bốn lĩnh vực: Bảo vệ chủ quyền. Phát triễn kinh tế Biển. Nâng cao trình độ khoa học Biển. Xây dựng văn hóa Biển. Chính trong tay các Em là những nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng ấy. Khi Tuổi trẻ bàn việc Ra Biển Lớn, chúng tôi từng thưa với các Em, ra biển lớn phải dọn dẹp cái ao nhà. Các Em muốn xứng đáng với Nhân Dân, với Đất Nước không thể không coi trọng “dọn dẹp cái ao nhà”. Cái ao nhà của chúng ta, nay có thể hình dung như sau. Chung quanh Ao là lâu đài, trụ sở, hội trừơng…đèn điện sáng choang… Nhưng cái “Ao Nhà” thì đầy rác, bẩn thỉu, thối tha. Để bảo vệ chủ quyền, để xây dựng Đất nước giàu mạnh, làm cho nhân dân có dân quyền, có nhân quyền, có tự do, hạnh phúc, điều trông đợi chính là ở con người. Vì thế, xin hãy kiếm tìm một nhân cách cá nhân Việt mới. Xin hãy góp sức xây dựng một nhân cách Dân tộc Việt mới. Chưa bao giờ chúng tôi thấy công việc học và hành của các Em lại đầy ý nghĩa như thế. Riêng năm 2014 này chúng tôi muốn bàn với các Em một việc. Hãy đánh dấu sự kiên 40 năm mất Hoáng Sa này bằng một hoạt động. Các Em hãy cùng nhau tổ chức một sinh hoạt vởi chủ đề: Tôi biết Hoàng Sa là của Việt Nam. Các Em hãy cùng nhau tìm hiểu, thảo luận, nêu chính kiến về 5 vấn đề sau: - Địa lý, địa mạo…tiềm năng kinh tế và các mặt khác của Hoàng Sa. - Lịch sử, pháp lý về quyền thụ đắc lãnh thổ của Việt Nam đối với Hoàng Sa. - Những lập luận phi pháp phi lý của phía Trung Quốc về Hoàng Sa. - Cuộc chiến bi hùng đã xảy ra và gương anh dũng hy sinh của 74 chiến sĩ đã quyết tử để bảo vệ Hoàng Sa. - Dư luận quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam. Các Em sẽ có cơ hội làm chủ nhân của Đất Nước, học hỏi lấy từ bài học bi hùng của Dân tộc, tự tìm thấy nghĩa vụ của mình, biết đền đáp công ơn của những người đã chiến đấu, bỏ mình vì Đất nước, góp phần mở rộng dư luận trong nước và quốc tế, yểm trợ mạnh mẽ cho Nhân Dân và Chính Phủ trong sự nghiệp lâu dài và gian khó này. Nhân dịp này chúng tôi tha thiết đề nghị các nhà trường, các Thầy, Cô, các Cấp ủy, các cấp Chính quyên, ban Tuyên giáo, Báo chí, các Viện nghiên cứu, các tổ chức Đoàn và Hội SV… hãy cùng các Em SV, TN bằng những hình thức khác nhau, tổ chức sinh hoạt này có kết quả. Xin đừng gây cho các Em có cảm tưởng các Em đơn độc, bị khó dễ và bị những người có uy quyền quay lưng lại với giới trẻ có tâm huyết với những vấn nạn của Đât Nước. Sớm đưa giới trẻ Đại học vào trách nhiêm xã hội là minh triết (khôn ngoan, sáng suốt), cũng chính là trao gởi trách nhiệm và niềm tin của Dân tộc vào tay thế hệ nối tiếp. Vì thế chúng tôi thật sự cảm động và trân trọng đánh giá cao nhiều hoạt động không hề ngây thơ, tự phát của nhiều nhóm SVTN đã không hề vô cảm, rất chủ động, rất khí phách đã tố cáo trước dư luận trong nước và quốc tế những hành động sai trái xấu xa của phía Trung Quốc. Như Nguyễn Trãi từng nói “Bui một tấc lòng ưu ái cũ” (lòng ưu ái nghĩa là lòng lo nước thương dân, ưu quốc, ái dân), chúng tôi chia xẻ tâm tình này với các Em. Xin nhờ báo giới, các trang mạng của cơ quan, đoàn thể; các trang mạng xã hội chuyển tới các Em SVTN trong cả nước. Thân yêu và trân trọng chúc các Em Năm Mới khỏe mạnh,học giỏi và nhiều niềm vui. TM nhóm Chương trình Minh triết Làm chủ Biển Đông Nguyễn Khắc Mai (*)Theo Khổng Tử, con người 40 tuổi thì chẳng còn nghi hoặc, 50 tuổi thì biết mệnh trời. —————————— VĂN TẾ TƯỞNG NIỆM 74 CHIẾN SĨ HY SINH BẢO VỆ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA NĂM 1974 Nỗi hận giặc sôi gan chiến sĩ, quyết hy sinh nào kể chi thân; Lòng yêu nước nung chí anh hùng, trường tranh đấu chẳng chờ chi tuổi. Quyết một phen phanh xác quân thù, Liều trăm trận đền ơn sông núi. Nhớ các anh xưa Tuấn tú khôi ngôi, Thông minh lanh lợi. Ruộng đồng cùng nương rẫy, bờ tre xóm bãi, cày cấy sớm trưa; Mấy trăm năm chuyên cần, hai vụ mùa màng, mở mang lễ nghĩa. Trời biển Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bao thế hệ, nguyện thề, giữ đất giữ biển, giữ chủ quyền người Việt. Tình anh em mặn mà, đằm thắm, trông nước non vời vợi, hẹn ước đinh ninh; Tuổi thanh xuân hăng hái, nồng nàn, nhìn tháng ngày tương lai, mong chờ phơi phới. Rằng hay, Hàng trăm năm giữ đảo, đào giếng, dựng chùa, lượm thu sản vật, Chinh phu bao lớp, đem thân tạc định giữa thiên thanh. Mấy người đi, được mấy kẻ về? Linh thiêng hóa thành chim báo dữ. Giặc cướp đảo lăm le, tấm thân này nào há tiếc, Lũ bá quyền hùng hổ, mưu gian nọ hãy diệt trừ. Sóng dâng trào, lao mình trong mưa đạn, hiến thân cho nước nào quản nguy nan; Biển nổi giận, cản bước chiến hạm thù, quyết liệt tấn công, sá gì đêm tối. Người xông lên đảo, nhảy vào vòng vây, xả súng chống trả, làn khói đạn che mặt trận đen sì. Người hướng mũi tàu, xông giữa quân giặc, ngang dọc tấn công, dòng máu đỏ thắm loang miền biển cả. Trúng thương, bị đạn, vẫn hiên ngang chống lũ hung tàn. Hạm vỡ, tàu chìm, nghĩa khí quyết không rời trận địa. Thân chiến binh, phơi xác bãi sa trường, khói sóng mù khơi mông mênh bể nội. Hồn chiến sĩ chơi vơi miền u tịch, mây trôi gió nổi, lãng đãng quê hương. Giận vì bọn xâm lược, để lại con thơ mẹ già, ưỡn ngực ra chống giữ; Cảm thay lòng ưu ái, đem theo chí lớn súng gươm, sống mái với quân thù. Giáp Dần 74, nhật nguyệt Hoàng Sa bi tráng đi vào lịch sử, Giáp Ngọ hôm nay, Núi sông,Trời biển, hào hùng ghi nhớ công ơn. Hỡi ôi! Vì nước, vì non, Không danh, không lợi. Nam nhi đại chí, nghìn xưa chẳng thẹn với tiền nhân; Dũng sĩ nêu gương, vạn kiếp còn soi cho hậu bối. Bài văn khóc anh hùng, xót thương chiến sĩ, ngâm nga giảng đường, ngờ đâu hợp với những người nay! Cuốn sử Việt vẻ vang, Văn Thà,Thành Trí , giảng mãi không thôi, oanh liệt sẽ thêm vào nhiều trang mới. Cuộc đời tuy ngắn ngủi, danh trượng phu còn mãi với giang sơn, Công nghiệp chưa hoàn thành, nợ nam tử đã đền cho đất nước. Nay xin truy điệu, 74 chiến sĩ Hoàng Sa, ngậm ngùi bấy: họp trước hương trầm, Rày đã thương cuộc,40 năm là một chốc, cảm phục thay: ghi trong tim óc. Cuộc đấu tranh còn đương tiếp diễn, khôn thiêng phò đất mẹ, giữ vững chủ quyền, nền độc lập, cảnh vinh quang chắc chắn sẽ thành… Khúc khải hoàn chưa biết sớm hôm, linh ứng gíúp giang sơn, nâng cao khí phách, cuộc tự do, dân cường thịnh, thật không mấy nỗi. Ô hô! Thương nhớ mãi ngàn năm, Bao chiến binh giữ đảo Hoàng Sa, Những linh hồn Việt Nam bất tử ! Phước Thu – Khắc Mai phụng soạn, GS Vũ Khiêu hiệu chỉnh. ___________   DANH SÁCH CÁC TỬ SĨ HY SINH TRONG TRẬN CHIẾN HOÀNG SA 1974 T/T  Chức vụ và họ Tên Đơn vị 1 Tr/sĩ CK Trần Văn Ba HQ 10 2 HS/CK Phạm Văn Ba HQ 10 3 HQ đại-úy Vũ Văn Bang HQ 10 4 HS/CK Trần Văn Bảy HQ 10 5 Th/sĩ nhất quản nội trưởng TP Châu HQ 10 6 Tr/sĩ nhất VT Phan Tiến Chung HQ 10 7 HS/GL Nguyễn Xuân Cường HQ 10 8 HS/ÐK Trần Văn Cường HQ 10 9 Tr/sĩ BT Trần Văn Đàm HQ 10 10 HS1 vận chuyển Nguyễn Thành Danh HQ 4 11 HS vận-chuyển Trương Hồng Đào HQ 10 12 HS1/DV Trần Văn Định HQ 10 13 Trung-úy NN Lê Văn Đơn Người Nhái 14 HS/CK Nguyễn Văn Đông HQ 10 15 HQ tr/úy Phạm Văn Đồng HQ 10 16 HQ trung-úy Nguyễn Văn Đồng HQ 5 17 Tr/sĩ TP Đức HQ 10 18 TT1/TP Nguyễn Văn Đức HQ 10 19 Tr/sĩ TX Lê Anh Dũng HQ 10 20 HS/QK Nguyễn Văn Duyên HQ 16 21 Th/sĩ ÐT Nguyễn Phú Hào HQ 5 22 HS/ÐK Nguyễn Ngọc Hòa HQ 10 23 HS/GL Nguyễn Văn (nhỏ tuổi nhất) Hoàng HQ 10 24 HQ trung-úy CK Vũ Ðình Huân HQ 10 25 HS/TP Phan Văn Hùng Hùng HQ 10 26 Th/sĩ nhất ÐK Võ Thế Kiệt Kiệt HQ 10 27 Th/sĩ vận-chuyển Hoàng Ngọc (nhiều tuổi nhất) Lễ HQ 10 28 TT1/TX Phạm Văn Lèo HQ 10 29 Th/sĩ nhất CK Phan Tấn Liêng HQ 10 30 HS/TP Nguyễn Văn Lợi HQ 10 31 TT1/CK Dương Văn Lợi HQ 10 32 HS/NN Ðỗ Văn Long Người Nhái 33 Tr/sĩ ÐK Lai Viết Luận HQ 10 34 HS1/CK Ðinh Hoàng Mai HQ 10 35 HS1/TP Nguyễn Quang Mến HQ 10 36 HS1/CK Trần Văn Mộng HQ 10 37 Tr/sĩ TP Nam HQ 10 38 TT1/TP Nguyễn Văn Nghĩa HQ 10 39 Tr/sĩ GL Ngô Văn Ơn HQ 10 40 HS/PT Nguyễn Văn Phương HQ 10 41 TT1/PT Nguyễn Hữu Phương HQ 10 42 TS1/TP Nguyễn Ðình Quang HQ 5 43 TT1/TP Lý Phùng Quy HQ 10 44 Tr/sĩ CK Phạm Văn Quý HQ 10 45 Tr/sĩ TP Huỳnh Kim Sang HQ 10 46 HS1/vận chuyển Ngô Sáu HQ 10 47 Tr/sĩ CK Nguyễn Tấn Sĩ HQ 10 48 TT/TP Thi Văn Sinh HQ 10 49 Tr/sĩ Vận chuyển Ngô Tấn Sơn HQ 10 50 HS1/Vận-chuyển Lê Văn Tây HQ 10 51 HQ trung tá HT Ngụy Văn Thà HQ 10 52 HQđại-úy HH/TT Huỳnh Duy Thạch HQ 10 53 HS/TP Nguyễn Văn Thân HQ 10 54 TT/DT Thanh HQ 10 55 HQ tr/úy Ngô Chí Thành HQ 10 56 HS/PT Trần Văn Thêm HQ 10 57 HS/PT Phan Văn Thép HQ 10 58 HS1/vận-chuyển Lương Thanh Thi HQ 10 59 Th/sĩ DT Thọ HQ 10 60 TT1/VT Phạm Văn Thu HQ 10 61 TT1/DT Ðinh Văn Thục HQ 10 62 Tr/sĩ GL Vương Thương HQ 10 63 TT/NN Nguyễn Văn Tiến Người Nhái 64 HQ thiếu-tá HP Nguyễn Thành Trí HQ 10 65 Tr/sĩ TP Nguyễn Thành Trọng HQ 10 66 HS vận-chuyển Huỳnh Công Trứ HQ 10 67 TS/NN Ðinh Hữu Từ Người Nhái 68 Tr/sĩ QK Nguyễn Văn Tuân HQ 10 69 TT1/CK Châu Túy Tuấn HQ 10 70 Biệt hải Nguyễn Văn Vượng HQ 4 71 HQ trung-úy Nguyễn Phúc Xá HQ 10 72 Tr/sĩ TP Nguyễn Vĩnh Xuân HQ 10 73 Tr/sĩ ÐT Nguyễn Quang Xuân HQ 10 74 TS/ÐK Xuân HQ 16 Nguồn: TuongThuy, boxitvn.blogspot.de, XHDS  
......

Bộ trưởng công an Trần Đại Quang dính đại án tham nhũng?

Vụ xử án Dương Tự Trọng và đồng đảng tiếp tay đưa Dương Chí Dũng đi trốn đã kết thức với các bản án rất nặng, nhưng đồng thời hé lộ sự dính líu của hai tướng công an, trong đó có đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng công an CSVN.   Thứ trưởng Công An CSVN Phạm Quý Ngọ. Ông Dương Chí Dũng khai đã đưa cho ông này trước sau tổng cộng hơn 1.5 triệu đô la (510,000 USD và 20 tỉ đồng). (Hình: Soha)   Kết thúc phiên xử vụ án “Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài”, đại tá công an Dương Tự Trọng bị kết án 18 năm tù trong vai trò chính giúp cho người anh của ông đi trốn là Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch HĐQT tổng công ty quốc doanh hàng hải Vinalines về sau làm Cục trưởng Cục Hàng Hải. Sáu người khác bị kết án từ 5 năm tù đến 13 năm tù.   Điều đang được dư luận chú ý đặc biệt không phải là bản án của các ông vừa kể mà là lời khai của ông Dương Chí Dũng buổi chiều ngày 7/1/2014 liên quan đến số tiền hơn 1.5 triệu đô la mà ông đã cầm đến nhà ông thứ trưởng Bộ công an Phạm Quý Ngọ, cùng sự liên quan của ông Bộ trưởng công an Trần Đại Quang.   Nếu những lời khai này được dùng làm căn cứ để điều tra đến nơi đến chốn, nó sẽ giúp bạch hóa được nhiều điều liên quan đến một vụ chạy án, chạy dự án mà những kẻ quyền lực cấp cao của chế độ ăn ra sao, “chỉ đạo” ra sao để nuốt trôi những số tiền rất lớn. Người ta ngờ rằng sự thật sẽ còn có thể bị dìm cho chìm xuồng nếu nó dính tới những cấp quyền lực cao nhất của chế độ. Ngay như trong phiên tòa, “Hội đồng xét xử” đã ngắt lời, gạt ngang, không cho ông Dương Chí Dũng khai ra hết.   Tuy trong phiên tòa, cùng với việc tuyên án Dương Tự Trọng, người ta nghe loan báo “thấy có dấu hiệu và cần khởi tố vụ án hình sự về làm lộ bí mật nhà nước” theo điều 263 của Bộ Luật Hình Sự nhưng nó sẽ có được điều tra đến nơi đến chốn hay sẽ rơi vào ngõ cụt vì cuộc điều tra thấy “Không có chứng cứ” để cho chìm xuồng. Hồi năm 2007, tướng công an Cao Ngọc Oánh, tuy bị mất chức Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Bộ Công an CSVN, cũng đã từng không bị kết án dù có lời tố cáo ông ta ăn hối lộ của quan chức Bộ Giao Thông Vận Tải “chạy án”.   Lời khai của ông Dương Chí Dũng cho hay không những ông ta hối lộ hai lần tổng cộng $510,000 đô la cho thứ trưởng Phạm Quý Ngọ để chạy án, ông còn (cầm tiền của người khác) nộp cho ông Ngọ 20 tỉ đồng (hay 1 triệu đô la) để ông ta đừng gây rắc rối cho một dự án của công ty Vạn Thịnh Phát ở Sài Gòn. Phần băng ghi âm lời khai của ông Dương Chí Dũng được tờ Tuổi Trẻ và một số báo khác ở Việt Nam cho lên online hôm qua nhưng đến nay đã bị gỡ xuống hết. Tuy nhiên, độc giả có thể tìm thấy chúng trên youtube hoặc một số website khác. Không rõ, đoạn băng ghi âm đó có bị “edit” lược bỏ những lời khai thật nhạy cảm hay không. Ít nhất, người ta thấy tiếng nói của ai đó trong “Hội đồng Xét xử” ngắt lời hay ngăn cản ông Dương Chí Dũng muốn khai tất cả những ai liên quan đến vụ chạy án của ông.   Bộ trưởng Công an CSVN Trần Đại Quang. (Hình: Người Lao Động)   Dưới đây là đoạn ghi âm lời khai của ông Dương Chí Dũng (trong tư cách nhân chứng) tại phiên tòa xử nhóm người  gồm có ông Dương Tự Trọng đã giúp ông đi trốn. Ông Dương Chí Dũng: "Kính thưa hội đồng xét xử. Tôi nói những điều như trước khi tôi nói, tôi đã gần như tuyên thệ rồi. Tôi nói những điều thật nhất, bởi với cái cảnh, cái con người tôi hiện nay thì tôi không thể nói những gì khác cho ai cả. "Việc 20 tỷ tôi đưa cho anh Ngọ là tiền của chị Lan, chứ không phải của tôi. Mà chị Lan chuyển qua một người. Khi chị Lan điện thoại cho tôi, chị Lan bảo là: "Sẽ có một người ở Hà Nội chuyển cho anh, người đó thì anh đừng trao đổi về số tiền này để đưa cho ai làm gì. Đấy, chị còn dặn vậy. Và cái anh Tiệp là người đưa cho tôi. Thì là có 2 người biết việc, chứ không phải một mình tôi. Đấy là cái thứ nhất, cái thứ hai là lại còn một việc nữa hôm nay tôi mới báo cáo là khi Tiệp hai lần đưa tiền, sau đó anh Tiệp còn còn điện cho tôi một lần để hẹn tôi gặp uống nước nói chuyện. Và anh Tiệp có nói là "Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ. Và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa".   "Thì sau đó ít ngày, sau một thời gian tôi không nhớ bao nhiêu ngày, tôi có đến thăm gia đình anh Quang. Và ngồi ở phòng khách có hai anh em, anh Quang rất tình cờ tự nói ra những chuyện đó. Chính anh Quang bộ trưởng nói ra và tôi cũng báo cáo lại với anh Quang là "Anh Ngọ có giới thiệu công ty ... (không nghe rõ) như thế, em hiện nay thì..." "Anh Quang bảo chú cứ làm đúng nguyên tắc, đúng luật. Chọn đơn vị nào có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín tham gia. Không phải ngại ai can thiệp cả". (tiếng của hội đồng xét xử cắt lời: Thôi thôi... trình bày rồi)…..Ông Dương Chí Dũng nói tiếp: Vâng, riêng cái tiền ấy thì có ít nhất 2 người biết, thế rồi tôi gặp chị Lan qua anh Minh -- tổng giám đốc Cảng Sài Gòn bố trí cho tôi và chị gặp. Còn cái tiền đô tôi đưa 500 nghìn sau này, khoảng 6-7 giờ tối ngày mùng 2/5, chú lái xe tôi chở đi. Đây là tiền tôi vay của mười mấy người, tôi khai từ lúc ở Sài Gòn tôi báo cáo với ... (tiếng gõ vào micro cắt lời) nhưng mà vì sau đó thì… (tiếng của hội đồng xét xử nói thôi anh Dũng ạ, anh dừng ở đây). Như vậy, qua đoạn audio này, ngoài số tiền $510,000 đưa làm hai lần cho ông thượng tướng Công an Phạm Qúy Ngọ để chạy án, ông Dương Chí Dũng còn trao cho ông Phạm Quý Ngọ số tiền 20 tỉ đồng, trung gian hối lộ giùm cho bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch hội đồng thành viên công ty Vạn Thịnh Phát ở Sài Gòn. Có vẻ như số tiền này được chuyển lòng vòng qua tay ông Dương Chí Dũng đến ông Phạm Quý Ngọ rồi đi tiếp tới cấp cao hơn. Như lời ông Dũng thuật lời một nhân vật tên Tiệp nói với ông ta là “"Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang - bộ trưởng bộ công an, để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ. Và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa". Sau đó, ông Dương Chí Dũng có gặp chính bộ trưởng Trần Đại Quang và được ông này nhắc tới chuyện đó như kể ở trên.   Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty Vạn Thịnh Phát. (Hình: Zing)   Tìm trên internet, đọc một bài viết của báo Zing, người ta thấy công ty Vạn Thịnh Phát có trụ sở ở tầng 5 cao ốc 193-203 Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. Đây là một tập đoàn vốn khổng lồ hàng số một ở Việt Nam với vốn được liệt kê tới 12,800 tỉ đồng (hay khoảng 700 triệu USD), nhiều hơn cả Vingroup của đại gia Phạm Nhật Vượng (9,300 tỉ đồng) và Hoàng anh Gia Lai của Bầu Đức (với 7,200 tỉ đồng). Người ta thấy báo chí hay nhắc tới sự giầu có vĩ đại của các tay tư bản đỏ Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, nhưng chị em bà Trương Mỹ Lan và và Trương Mỹ Linh của tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư nhiều dự án địa ốc lớn ở Việt Nam thì rất kín tiếng, gần như không thấy báo chí ở Việt Nam nhắc nhở gì đến. Người ta mới chỉ thấy xuất hiện tên và hình của bà này khi có đám cưới một người cháu của bà là Trương Huệ Vân lấy nhạc sĩ Thanh Bùi.   Số tiền mà bà Trương Mỹ lan hối lộ, như mới đây thấy báo chí ở Việt Nam nêu ra, là bà muốn dự án “biến đổi công năng” của Cảng Sài Gòn được suôn sẻ trót lọt trong đó công ty của bà sẽ là “đối tác”. Nhân vật tên Minh được nêu trong lời khai là Lê Công Minh, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn. Đây là một công ty con của Tổng công ty Vinalines, tức cũng là quốc doanh. Rất có thể bà Trương Mỹ Lan đổ tiền ra đón trước một dự án có thể hàng chục triệu đô la. Dư luận chờ đợi xem việc khởi tố vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” sẽ dẫn tới đâu. Còn chuyện số tiền hối lộ 510,000 đô la cho ông Phạm Quý Ngọ, đưa 20,000 đô la và một chai rượu quý cho ông đại tá Trần Duy Thanh, cục trưởng Cục Cảnh sát Điều Tra Tội Phạm về Tham Nhũng, và đặc biệt 20 tỉ đồng mà ông Ngọ cầm, có được “làm rõ” hay không, chờ những diễn biến những ngày tới đây. Ngày 8/1/2014, người ta thấy ông Đàm Văn Tâm, thiếu tướng chánh văn phòng Bộ Công An trả lời báo Một Thế Giới khi được yêu cầu bình luận về lời khai của ông Dương Chí Dũng, nói rằng "Việc xác định lời khai của ông Dũng đúng hay sai sẽ trước tiên phải để Hội đồng Xét xử làm rõ. Sau đó, cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm vào cuộc". Ông Dương Chí Dũng đã bị kết án tử hình về hai tội “Cố ý làm trái” và 'Nhận hối lộ” hồi giữa tháng 12 vừa qua. Ông đã chống án lấy cớ mình không tham nhũng mà chỉ nhận tội “cố ý làm trái...” (TN) Nguồn: nguoi-viet.com Photo: Nguyễn Hoàng Thanh Tâm
......

Vinh danh tử sĩ Hoàng Sa: một cơ hội hòa giải

Nhà nước Việt Nam đang thể hiện sự thay đổi quan trọng trong đối sách về chủ quyền biển đảo. Báo chí được phép phổ biến chương sử ca anh hùng của Hải quân VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974. Song hành với sự thay đổi này là nhiều ý kiến về việc vinh danh những chiến sĩ đã hy sinh khi Hoàng Sa mất vào tay Trung Quốc. Nam Nguyên trình bày vấn đề này. Cố Trung tá Hải Quân Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10, hy sinh vì tổ quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.   Cơ hội hòa giải dân tộc TS Sử học Nguyễn Nhã một nhà nghiên cứu Biển Đông hiện sống và làm việc ở Saigon nhận định rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ để mất thêm một cơ hội hòa giải dân tộc, nếu chậm vinh danh những anh hùng tử sĩ VNCH đã bỏ mình để bảo vệ Hoàng Sa trước quân xâm lược Trung Quốc. Cách đây 40 năm trong trận hải chiến Hoàng Sa từ 17 đến 19/1/1974, Hải quân VNCH đã thất trận trong một trận đánh không cân sức với hạm đội và máy bay Trung Quốc. 74 chiến sĩ Hải quân VNCH đã tử trận, trong đó có Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 là Hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà hy sinh vì quyết không rời bỏ chiến hạm mà ông chỉ huy.   Trong hình là sử gia Nguyễn Ðình Ðầu phát biểu trong một buổi hội thảo về Hoàng Sa Trường Sa hồi tháng 9 năm 2009. “ Khi mà đã công nhận chính quyền VNCH đã đề kháng chống cự lại sự xâm lược của Trung Quốc, thì dĩ nhiên vinh danh bất cứ ai đã hy sinh trong vấn đề Hoàng Sa. Hiện nay tôi chưa biết cụ thể sẽ như thế nào nhưng bây giờ là xu hướng chung và mọi người đang mong đợi.” TS Sử học Nguyễn Nhã Nhà báo Huy Đức, chủ blog Oshin đã mất gần 8 năm để tìm hiểu danh sách những chiến sĩ trận vong ở Hoàng Sa. Từ nhiều nguồn khác nhau và cập nhật từ các cựu sĩ quan Hải quân VNCH, Huy Đức đã lập danh sách 74 chiến sĩ VNCH tử trận mà ông vinh danh là liệt sĩ Hoàng Sa. 72 liệt sĩ có họ tên cấp bậc và 2 người họ tên chưa đầy đủ. Huy Đức đã được các trang mạng xã hội như Bauxite Việt Nam góp tay cho chiến dịch gọi là cùng hoàn chỉnh danh sách Liệt sĩ Hoàng Sa. TS Nguyễn Quang A, một trong những người chủ trương Diễn Đàn Xã hội Dân sự hiện sống và làm việc ở Hà Nội trình bày ý kiến của ông về việc nhìn nhận những tử sĩ VNCH đã bỏ mình vì Hoàng Sa. “Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất luận chính thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế.TS Nguyễn Quang A Khi mà một chính phủ, một chế độ không làm được điều ấy thì trong người dân người cũng làm việc đó, có lúc thì âm thầm có lúc thì công khai. Những chuyện ấy rất là bình thường và lịch sử nhân dân Việt Nam sẽ luôn luôn ghi nhớ những người ấy như là những người con thân yêu của đất nước.” Bất kể ai chống ngoại xâm đều được trân trọng   Trong khi đó GSTS Nguyễn Thế Hùng từ Đà Nẵng cho rằng, từ chỗ nhiều năm tránh đề cập trận hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân VNCH và quân xâm lược Trung Quốc thì nay chính quyền đã công khai vấn đề này như một đối sách về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa. Tuy vậy ông Hùng cho là để chính quyền chính thức vinh danh các tử sĩ Hoàng Sa thì sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa.   Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất luận chính thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế TS Nguyễn Quang A “Tôi thấy là bất cứ người công dân nào của đất nước Việt chúng ta mà chống ngoại xâm, ở đây là chống Trung Quốc xâm lược đảo Hoàng Sa, thì đó là những người yêu nước đáng được trân trọng. Đối với chế độ bây giờ thì lần lần người ta sẽ nhận ra được vấn đề. Tôi nghĩ là họ từ từ nhưng đến một lúc nào đó thì sẽ xem những người này là liệt sĩ là anh hùng của đất nước.” Ngược dòng thời gian vào ngày 27/7/2011, nhân sĩ trí thức TPHCM đã cùng Câu lạc bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và Hoàng Sa Trường Sa. Như vậy từ gần ba năm trước các nhà hoạt động xã hội dân sự đã đi trước chính quyền một khoảng cách rất xa, nhất là trong bối cảnh chính quyền đàn áp biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo. Lúc ấy Cụ Nguyễn Đình Đầu nhà nghiên cứu lịch sử ở trong nhóm tổ chức đã phát biểu: “Những người đã hy sinh rồi thì không nên phân biệt ý thức hệ hay về phuơng diện chính trị. Nhưng thế nào cũng có tác động về phương diện chính trị, tôi làm việc này thuần túy trên phạm vi tinh thần, cầu nguyện cho những người đã hy sinh cho tổ quốc. Những chiến sĩ bên này hay bên kia nhưng đều là bảo vệ đất đai của tổ quốc. Chúng tôi cũng cầu nguyện tôn vinh cả những đồng bào nạn nhân của những lực lượng thù địch ngoại bang chống phá Việt Nam.” Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Thủ đô Hoa Kỳ...những mộ phần của người lính Mỹ trong cuộc nội chiến Nam Bắc 1861-1865 được chôn cùng một khu không phân biệt Bắc quân-Nam quân 40 năm sau sự kiện Trung Quốc đánh bại VNCH xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, Hà Nội mới bắt đầu thể hiện việc nhìn nhận chế độ miền Nam đã chống cự giặc Trung Quốc xâm lăng. Nhưng khi nào nhà nước chính thức tôn vinh những tử sĩ Hoàng Sa chấp nhận vinh danh những người anh hùng bỏ mình vì chống ngoại xâm lại là một câu chuyện khác. Tại sao hòa giải dân tộc ở Việt Nam lại chẳng có bao nhiêu kết quả sau khi chiến tranh đả kết thúc gần 4 thập niên. Nói như nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc ở Saigon, khi tham quan Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Thủ đô Hoa Kỳ, ông thấy những mộ phần của người lính Mỹ trong cuộc nội chiến Nam Bắc 1861-1865 được chôn cùng một khu không phân biệt Bắc quân-Nam quân. Điều này đã làm ông suy nghĩ rất nhiều và nghĩ rằng có thể đó là một trong những lý do để Hoa Kỳ trở thành một siêu cường của thế giới. Nguồn: rfa.org/vietnamese/in
......

40 năm Hải Chiến Hoàng Sa & 74 Anh Hùng Giữ Nước.

  Danh sách tử sĩ quân đội VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974        Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa ra chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1.1974                                                                                                                                                                                                                         Cố Thiếu tá Hải Quân Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10, hy sinh vì tổ quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Files photos Hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ 10 1/ HQ trung tá Ngụy Văn Thà, HT/ HQ 10 2/ HQ thiếu-tá Nguyễn Thành Trí, HP/ HQ 10 3/ HQ đại-úy Vũ Văn Bang 4/ HQ đại-úy HH/TT Huỳnh Duy Thạch 5/ HQ trung-úy CK Vũ Ðình Huân 6/ HQ tr/úy Phạm Văn Ðồng 7/ HQ tr/úy Ngô Chí Thành 8/ Th/sĩ nhất TP Châu quản nội trưởng 9/ Th/sĩ nhất CK Phan Tấn Liêng 10/ Th/sĩ nhất ÐK Võ Thế Kiệt 11/ Th/sĩ vận-chuyển Hoàng Ngọc Lễ (nhiều tuổi nhất) 12/ Tr/sĩ nhất VT Phan Tiến Chung 13/ Tr/sĩ QK Nguyễn Văn Tuân 14/ Tr/sĩ GL Vương Thương 15/ Tr/sĩ TP Nam 16/ Tr/sĩ TP Ðức 17/ Tr/sĩ TP Huỳnh Kim Sang 18/ Tr/sĩ TX Lê Anh Dũng 19/ Tr/sĩ ÐK Lai Viết Luận 20/ Tr/sĩ Vận chuyển Ngô Tấn Sơn 21/ Tr/sĩ GL Ngô Văn Ơn 22/ Tr/sĩ TP Nguyễn Thành Trọng 23/ Tr/sĩ TP Nguyễn Vĩnh Xuân 24/ Tr/sĩ CK Phạm Văn Quý 25/ Tr/sĩ CK Nguyễn Tấn Sĩ 26/ Tr/sĩ CK Trần Văn Ba 27/ Tr/sĩ ÐT Nguyễn Quang Xuân 28/ Tr/sĩ BT Trần Văn Ðàm 29/ HS1/Vận-chuyển Lê Văn Tây 30/ HS1/vận-chuyển Lương Thanh Thú 31/ HS1/TP Nguyễn Quang Mến 32/ HS1/vận chuyển Ngô Sáu 33/ HS1/CK Ðinh Hoàng Mai 34/ HS1/CK Trần Văn Mộng 35/ HS1/DV Trần Văn Ðịnh 36/ HS vận-chuyển Trương Hồng Ðào 37/ HS vận-chuyển Huỳnh Công Trứ 38/ HS/GL Nguyễn Xuân Cường 39/ HS/GL Nguyễn Văn Hoàng (nhỏ tuổi nhất) 40/ HS/TP Phan Văn Hùng 41/ HS/TP Nguyễn Văn Thân 42/ TT/DT Thanh 43/ TT/TP Thi Văn Sinh 44/ Th/sĩ DT Thọ 45/ HS/TP Nguyễn Văn Lợi 46/ HS/CK Trần Văn Bảy   Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tham gia bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. File photo. 47/ HQ trung-úy Nguyễn Phúc Xá 48/ HS1 vận chuyển Nguyễn Thành Danh 49/ Biệt hài Nguyễn Văn Vượng   Tuần dương hạm  Trần Bình Trọng HQ 5, do  Đại Tá Hà Văn Ngạc chỉ huy chiến dịch đổ bộ đảo Quang Hòa 50/ HQ trung-úy Nguyễn Văn Ðồng 51/ Th/sĩ ÐT Nguyễn Phú Hào 52/ TS1/TP Nguyễn Ðình Quang Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 53/ TS/ÐK Xuân 54/ HS/QK Nguyễn Văn Duyên Lực Lượng Người Nhái 55/Trung-úy NN Lê Văn Ðơn 56/HS/NN Ðỗ Văn Long 57/TS/NN Ðinh Hữu Từ 58/TT/NN Nguyễn Văn Tiến Hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ 10 59/ HS/CK Nguyễn Văn Ðông 60/ HS/PT Trần Văn Thêm 61/ HS/CK Phạm Văn Ba 62/ HS/ÐK Nguyễn Ngọc Hòa 63/ HS/ÐK Trần Văn Cường 64/ HS/PT Nguyễn Văn Phương 65/ HS/PT Phan Văn Thép 66/ TT1/TP Nguyễn Văn Nghĩa 67/ TT1/TP Nguyễn Văn Ðức 68/ TT1/TP Lý Phùng Quy 69/ TT1/VT Phạm Văn Thu 70/ TT1/PT Nguyễn Hữu Phương 71/ TT1/TX Phạm Văn Lèo 72/ TT1/CK Dương Văn Lợi 73/ TT1/CK Châu Túy Tuấn 74/ TT1/DT Ðinh Văn Thục
......

Tình trạng của Mục sư Nguyễn Công Chính trong tù

VRNs (04.01.2014) – Gia Lai – Mục sư Tin lành Lutheran Nguyễn Công Chính, người bị bắt từ tháng 4/2011 và bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc hoạt động chia rẽ sự đoàn kết dân tộc. Mới đây phu nhân của ông, bà Trần Thị Hồng đã viết thư cho một Linh mục DCCT chia sẻ tình trạng hiện nay của chồng bà trong tù bi đát ra sao và ngay cả bản thân bà và các con cũng không một ngày yên thân với những “chó săn” này như thế nào. Dưới đây là toàn văn thư của bà Hồng: Tạ ơn Chúa, kính chào linh mục …. Tôi là vợ của Ms Nguyễn Công Chính. Vâng, tạ ơn Chúa vì tôi đã nhận được món quà mà lm đã gửi giúp cho gia đình của tôi hiện nay. Mục sư Nguyễn Công Chính đang bị giam tại Trại giam An Phước tỉnh Bình Dương. Hiên tại, họ đang đối xử rất khắc nghiệt. Ngày 19-12 vừa rồi tôi đến trại giam để thăm ông thấy ông ốm đi rất nhiều. Lý do là họ coi Ms Chính không như những phạm nhân khác. Sinh hoạt hằng ngày của mục sư Chính rất bị gò bó khắc nghiệt kể cả về mặt ăn uống. Nên chỉ nhờ vào nguồn thức ăn tiếp tế từ bên ngoài qua gia đình, bằng sự giúp đỡ của thân hữu con cái Chúa! Mẹ của mục sư Chính thì ra đi trong sự im lặng không được gặp mặt con trai lần cuối. Còn cha của Ms Chính thì hiện tại đang năm bại liệt một chỗ. Tôi thì phải nuôi 4 con nhỏ và 1 đứa cháu: Đứa lớn bây giờ 10 tuổi đứa nhỏ hiện tại là 3 tuổi.   Bà Trần Thị Hồng và con của MS Nguyễn Công Chính và người cha của Ông trong cơn hấp hối   Mặc dù, Ms Chính bị bắt nhưng chính quyền ngày đêm canh giữ những lúc tôi đi ra ngoài như ngày 12-4-2013: tối ngày đó đúng 7h tôi và hai đứa con nhỏ phải đi xuống trại giam An Phước- tỉnh Bình Dương, để thăm nuôi chồng tôi (tức là mục sư Nguyễn Công Chính) thì lực lượng công an tỉnh Gia Lai, buộc chủ xe dừng lại. Rồi họ lôi mẹ con tôi xuống đường và đưa vô nhà một người dân rất vắng vẻ. Họ lục soát kiểm tra những thức ăn tôi đem đi thăm nuôi. Họ lục tung xuống đất, rồi 3 nữ an ninh buộc chặt tay tôi lại và lột truồng tôi ra. Tôi thấy đó là một điều sỉ nhục cho nên không đồng ý thì họ đánh ngắt giéo vào người tôi rất đau đớn. Không thể chống trả tôi đành phải để cho họ muốn làm gì tùy ý. Hai đứa con nhỏ của tôi họ cũng bị lột đồ để kiểm soát. Xong họ lấy của tôi cái điện thoại và bỏ mặc mẹ con tôi giữa một ngôi nhà hoang vắng như vậy! Một vài người dân thấy điều xảy ra, đó là điều không thể chấp nhận được với chính quyền hiện nay. Tuy nhiên, họ cũng không thể ra mặt, binh vực cho mẹ con tôi bởi vì họ cũng rất lo ngại về phía chính quyền. Tạ ơn Chúa! Chúa đã gìn giữ gia đình tôi trong suốt những năm tháng qua! Cảm ơn linh mục, bên cạnh đó cũng cảm ơn ký giả Minh Đức cũng chuyển giúp món quà. Mong linh mục cầu nguyện cho gia đình tôi cũng như mục sư Nguyễn Công Chính để sớm được tự do hầu việc Chúa! Trần Thị Hồng Nguồn: chuacuuthe.com
......

Xã luận đầu năm

Những thông điệp đầu năm của các nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ trên toàn thế giới đều có chung một điểm: chúng chẳng ăn nhằm gì đến thực tế chính sách trị quốc mà các nhà cầm quyền này hoạch định. Chúng đơn giản là một nghi thức của văn hóa chính trị. Song cái văn hóa ấy ở mỗi nơi một khác. Nhà văn Phạm Thị Hoài Ở Đức, thông điệp đầu năm của Thủ tướng là hình thức diễn văn trang trọng nhất ở bậc cao nhất, bậc thượng đỉnh quốc gia. Hiển nhiên diễn giả phải tuân thủ yêu cầu nội dung bắt buộc của thể loại này là nhìn lại năm cũ, hướng đến năm mới, trong không quá mười phút – khả năng người nghe ngủ gật, chuyển kênh khác, chạy ra bếp khui bia hay tắt tivi ở phút thứ mười một là rất cao. Song những thứ đó thực ra khá vô nghĩa: chẳng ai muốn dành tai này cho những điều đã biết đến chán ngấy hoặc nghe chuyện cổ tích về 365 ngày vừa trôi qua và dành nốt tai kia cho một phác họa viễn tưởng về 365 ngày còn chưa đến.   Diễn văn quốc gia đầu năm tự bản thân nó không có cả giá trị thông tin lẫn giá trị giải trí, trừ trường hợp diễn giả quá vụng về. Nhưng nó có thể có một giá trị văn hóa, nếu diễn giả biết sử dụng một ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh, phù hợp với đối tượng và phù hợp với phong cách của bản thân mình; biết pha trộn đúng tỉ lệ giữa nghị luận, hùng biện, suy tư, tâm tình và hài hước; biết để lại ấn tượng bằng ít nhất một khái niệm hay tốt hơn cả là một câu bập ngay vào tâm khảm người nghe; biết mở ra và khép lại với một sợi chỉ đỏ xuyên suốt; biết cấu trúc hợp lí, dẫn dắt khéo léo, thiết kế cao trào và kết thúc với dư âm… Đó là chưa kể diễn văn ấy phải được trình bày tự nhiên, trôi chảy, giầu cảm xúc, đúng nhịp điệu và chân thực. Đó là chưa kể đầu tóc, quần áo, ngôn ngữ cơ thể và chất giọng. Tóm lại, diễn văn đầu năm là một thách thức văn hóa chứ không phải thách thức chính trị cho các chính khách ở phương Tây. Đã vô nghĩa thì ít nhất hãy vô nghĩa cho có thẩm mĩ.   Phần lớn các diễn văn đầu năm của những Thủ tướng Đức mà tôi từng nghe đều có thể bị đánh trượt hay chỉ đạt điểm trung bình về tổng thể hay về một phương diện. Hiếm có một kiệt tác nào trong số đó đáng đưa vào bảo tàng văn hóa Đức đương đại. Điều ít thấy nhất ở đó là sự nồng nhiệt, diện mạo cá nhân và sự hài hước, những yếu tố lôi cuốn dễ gặp hơn ở cách chính khách Hoa Kỳ vốn thuần thục hơn với nghệ thuật chinh phục đám đông và cũng phụ thuộc vào đó hơn. Song dù hay dở thế nào, tất cả đều đạt điểm chuẩn ở một phương diện: đúng đối tượng – người dân. Những diễn văn phát vào đêm giao thừa từ tám năm nay và sắp thêm bốn năm nữa của bà Merkel không có gì sâu xa xuất sắc, dù có năm bà mở đầu bằng tác phẩm hài kinh điển Dinner for One và kết thúc bằng triết gia Hi Lạp Democritos. Năm nay cũng không thú vị hơn. Không chứa đựng những tín hiệu giữa hai hàng chữ để các chuyên gia phân tích phải dò mìn phỏng đoán nước Đức sẽ đi về đâu – ở một số nước Nam Âu, người ta thậm chí đang lo nước Đức lại lăm le nuốt chửng các láng giềng, lần này không bằng xe tăng mà bằng xe hơi Audi, BMW, Mercedes và Volkswagen. Không một lời về chính sách đường lối, về quyết tâm tới lui, về vai trò sứ mệnh ầm ĩ của chính phủ. Trong vỏn vẹn 6 phút đồng hồ, bằng những lời trang trọng nhưng giản dị và khá thân tình – bà Thủ tướng thổ lộ dự định năm tới là sẽ dành nhiều thời gian đi hít thở không khí trong lành ngoài trời hơn -, trực tiếp nhắm đến địa chỉ là người dân, bà chủ yếu dành lời khen ngợi những thành tích và nỗ lực cụ thể của người dân – chứ không phải của chính phủ Đức – trong năm qua và kêu gọi họ tiếp tục đồng lòng dấn bước trong năm tới, rồi cuối cùng tất nhiên kết thúc bằng lời chúc sức khỏe, viên mãn và phước lành của Chúa – chứ không phải của Đảng Dân chủ Thiên chúa mà bà thống lĩnh – cho mọi gia đình. Các thông điệp đầu năm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dựa trên một văn hóa chính trị hoàn toàn khác. Mỗi năm là một bài đăng báo dài dằng dặc chứ không phải một diễn văn trước ống kính. Chúng ta hãy thưởng thức một đoạn trong thông điệp đầu năm nay (2014):“Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Quan tâm bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam. Khẩn trương sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.” hay một đoạn của thông điệp đầu năm ngoái (2013):“Cùng với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong năm 2012 phải tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo trong kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11 của Chính phủ, tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, thậm chí có nguy cơ rơi vào vòng suy thoái mới, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc của các ngành, các cấp. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò mở đường, tạo cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện nhưng kết quả phải được phản ánh trên từng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp phải là chủ thể, có vai trò quyết định.” hoặc một đoạn của thông điệp đầu năm kia (2012):“Điều chỉnh cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư. Nhà nước tập trung đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực và các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu nhất, đồng thời đẩy mạnh huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển. Khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ sạch. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường.” và một đoạn của thông điệp đầu năm kìa (2011):“Tái cấu trúc các ngành sản xuất và dịch vụ, trọng tâm là phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, phải xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với công nghệ cao nhằm tăng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất; gắn kết chặt chẽ giữa áp dụng khoa học công nghệ với tổ chức sản xuất; giữa sản xuất, chế biến với phân phối trong một chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị đó; giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.” Đó đơn giản là những bài xã luận với văn phong muôn thuở của khẩu hiệu, nghị quyết và báo cáo, dùng tốt cho bất kì một thời điểm nào trong năm, dùng tốt cho bất kì năm nào, dùng tốt cho bất kì dịp nào: Ngôn ngữ chính trị là thứ duy nhất ở đất nước này có phẩm chất ổn định. Không có bóng dáng nào của người dân trong đó. Không ai có thể cam đoan là được thấy Thủ tướng đang nói với mình. Đối tượng gửi gắm của cái gọi là “thông điệp đầu năm” đó cũng phi diện mạo như tác giả của nó. Tôi không rõ người ta có thể dò thấy quả mìn nào chờ nổ trong những văn bản mà chỉ cần đọc một câu đã tiêu hết dự trữ hứng thú trong ngày ấy. Ông Thủ tướng, hay nói đúng hơn là những người soạn xã luận đứng tên ông, chỉ lặp lại, với mỗi năm một chút xê dịch, tất cả những gì mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã công bố trong Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 từ nhiều năm trước. Rất có thể nhóm ghostwriter của ông Thủ tướng cũng chính là nhóm soạn Dự thảo đó. Chất lượng sống có thể bị nhìn lệch qua lăng kính của chỉ số tăng trưởng kinh tế, nhưng bao giờ cũng được phản ảnh trung thực qua những điều tưởng chừng rất nhỏ. Mỗi đầu năm một bài xã luận tra tấn của người đứng đầu chính phủ như nghi thức bất biến của văn hóa chính trị Việt Nam, theo tôi, không phải là chất lượng sống đáng ước ao. Nguồn: http://www.procontra.asia/?p=3844
......

HÒANG SA – TRƯỜNG SA CÓ CÒN CỦA VIỆT NAM ?

(VNC) Ngày 19/01/2014 đánh dấu 40 năm Trung Cộng chiếm Hòang Sa của Việt Nam và đến ngày 14/03/2014  lính Trung Cộng vẫn tiếp tục chiếm giữ 8 đảo đá ngầm ở Trường Sa trong 26 năm nhưng Nhà nước và Quân đội Cộng sản Việt Nam chưa có bất cứ hành động nào để  đòi lại, ngay cả việc kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế cũng không dám làm thì chủ quyền lãnh thổ có còn không ? Tìm câu trả lời không khó. Sau đây là những bằng chứng Nhà nước CSVN đã thuần phục Trung Cộng theo phương châm 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và  tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”  :   - Thứ nhất,  Nhà nước cấm dân không được tổ chức tưởng niệm các chiến sỹ và đồng bào đã bỏ mình trong 2 trận chiến chống quân Trung Cộng xâm lăng và giết hại trên 40,000 quân và dân trong cuộc chiến tranh biên giới thứ nhất từ 17-02 đến 18-03-1979 và cuộc chiến thứ 2 từ 1984 đến 1986 ở Vị Xuyên (Hà Tuyên), nay là Tỉnh Hà Giang. Nhưng tại sao học trò Việt Nam không được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học về cuộc chiến này ? Trong sách giáo khoa môn Sử lớp 12, họ chỉ viết 10 dòng về cuộc chiến đẫm máu năm 1979 mà không nói gì đến cuộc chiến thứ hai ở Vị Xuyên. Cuốn sách có đến 11 Tác gỉa, đứng đầu bởi ông Phan Ngọc Liên, Tổng Chủ biên chỉ ghi lại có vỏn vẹn như sau: “Bảo vệ biên giới phiá Bắc:  Hành động thù nghịch chống Việt Nam của tập đòan Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có  những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như:  cho quân khiêu khích diọc biên giới, dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn sáng 17-2-1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đòan mở cuộc tiến quân dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Qủang Ninh ) đến Phong Thổ (Lai Châu). Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18-3-1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta.”  (Trang 207, Lịch sử 12, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, tháng 01 năm 2012) Thương vong nhân mạng và thiệt hại vật chất của phía Việt Nam trong cuộc chiến này như thế nào ? Tại sao giấu đi, với mục đích gì ? Và tại sao lại không nói gì đến cuộc chiến đẫm máu từ 1984 đến 1990 buộc quân Việt Nam phải rút khỏi tại cao điểm 1.502 ( Núi Đất hay Lão Sơn) ở huyện Vị Xuyên (Tỉnh Hà Giang). - Thứ hai, Việt Nam đã bị ép nhượng đất cho Trung Cộng như thế nào trong các cuộc đàm phán phân định ranh giới lãnh thổ hai nước. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ của CSVN tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1989 nói : ““Đánh ta năm 1979 một mặt gạt bỏ sự hàm ơn của ta đối với những giúp đỡ trước đây của nhân dân Trung Quốc, mặt khác tự phơi bày ý đồ vụ lợi trong sự viện trợ cho ta. Khi không đạt được thì trở mặt….Năm 1984, Trung Quốc huy động một Trung đoàn với hỏa lực mạnh liên tục tấn công bắn giết phân đội quân ta đóng giữ cao điểm 1.502 ( Núi Đất hay Lão Sơn) ở huyện Vị Xuyên, cuối cùng chiếm lấy cao điểm ấy làm điểm quan sát từ xa, nhòm vào nội địa ta. Ở biên giới phía Bắc nước ta từ trước đến nay, dân hai bên đã có những việc xâm canh, xâm cư, dân ta cũng có một số điểm xâm canh sang đất Trung Quốc, diện tích không đáng kể, dân Trung Quốc xâm canh, xâm cư sang nước ta tại rất nhiều điểm, tổng diện tích khá lớn. Trong đàm phán phân định biên giới, Trung Quốc luôn nêu lên “phân định theo hiện trạng”, tranh luận qua lại, Trung Quốc luôn nêu “nhân nhượng lẫn nhau vì đại cục (?), cuối cùng Trung Quốc vẫn ăn hơn thì mới chịu. Thác Bản Giốc vốn của ta nay họ chiếm đứt được một nửa. Xưa Nguyễn Trãi tiễn cha đến tận ải Nam Quan, trước nay  ta vẫn nói đất nước ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, sau đàm phán, biên giới nước ta tụt lùi xuống mãi đến chợ Tân Thanh, đối diện đã là trụ sở hải quan của Trung Quốc….” (17-03-2010, Bauxite Viet Nam). Như vậy rõ ràng Việt Nam đã mất một phần đất “không nhỏ” về tay Trung Cộng, rõ rệt  là phần đẹp nhất của Thác Bản Giốc. Thứ ba,  đảng CSVN đã âm thầm chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp của quân đội Trung Cộng trên 8 đảo đá ngầm họ chiếm của Việt Nam trong trận chiến ở quần đảo Trường Sa ngày 14/03/1988, quan trọng nhất là các bãi Colin, Len Đao và  Gạc Ma.  Có  64 binh sỹ  Việt Nam đã thiệt mạng  trong cuộc chiến chống quân xâm lược này. Nhà nước Việt Nam đã không có bất cứ hành động nào chiếm lại mà còn để cho Trung Cộng tự do đưa tầu võ trang của Hải Quân đến kiểm soát an ninh trong khu vực.  Các tầu  Hải giám và Kiểm ngư của Trung Cộng còn tự do bảo vệ hàng trăm  tầu đánh cá của ngư dân Trung Cộng đền đánh bắt tự do trên vùng biển Trường Sa. Trung Cộng còn thiết lập các khu vực nuôi cá ở Trường Sa mà Việt Nam không dám phản đối hay phá bỏ. Trung Cộng còn ngang ngược đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông mỗi năm khỏang 3 tháng, bắt đầu từ tháng Năm. Năm 2013, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm đánh bắt từ ngày 16/5 đến 01/8/2013 gây thiệt hại cho ngư dân Việt Nam và công khai vi phạm vào vùng biển của Việt Nam. Wu Zhuang, Giám đốc Cục Thủy sản Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã của Trung Cộng rằng: “Việc thúc đẩy tuần tra ngư nghiệp thường xuyên xung quanh quần đảo Trường Sa là ưu tiên hàng đầu trong việc thực thi luật ngư nghiệp.” Việt Nam, như thường lệ chỉ biết “phản đối bằng nước bọt” cho có lệ. CÁC ANH HÙNG HÒANG SA LÀ AI ?   Thứ bốn, vì sợ mất lòng Trung Cộng, Nhà nước CSVN không dám nhìn nhận và ghi ơn 74 Quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hòang Sa từ ngày 17/01 đến 19/01/1974. Trung Cộng đã từ chối không nói chuyện về Quần đảo Hòang Sa với Việt Nam mà lãnh đạo Việt Nam không dám phản đối để tiếp tục theo đuổi phương châm “vừa là đồng chí vừa là anh em” với Trung Cộng. Ngay đối với 64 chiến sỹ  Quân đội Nhân dân hy sinh ở Trường Sa, nhà nước không dám tổ chức lễ tưởng niệm trong phạm vi lớn cả nước mà chỉ để cho Hải Quân tổ chức hạn chế và không dám nói thẳng lính và tầu chiến của Trung Cộng đã tấn công chiếm đảo của Việt Nam.   Mãi đến ngày 31/12/2013, Hải quân Việt Nam mới dám nói đích danh Trung Cộng đã đem quân chiếm một số bãi đá ngầm của quần đảo Trường Sa. Báo Tuổi trẻ Online tường thuật: “ Tàu Hải quân Việt Nam khi qua khu vực các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam luôn tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện 14.3.1988 - chống Trung Quốc xâm chiếm quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.. ..Trong diễn văn của mình, thượng tá Ngô Duy Đỗ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Trường Sa, Trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh: “Ở vùng biển này, cách đây gần 26 năm đã diễn ra trận chiến đấu quyết liệt, quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146-Trường Sa anh hùng, của các tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505, Trung đoàn công binh 83 chống lại cuộc tấn công trắng trợn, bất ngờ của Hải quân Trung Quốc… Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta trên biển Đông nhưng đối phương đã đưa lực lượng lớn xuống quần đảo Trường Sa, ngang nhiên dùng vũ lực chiếm giữ trái phép một số bãi đá ngầm của ta, gây nên sự kiện 14.3.1988, làm cho tình hình càng thêm căng thẳng, phức tạp”.   Ai cũng biết tình hình phức tạp và có nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở Biển Đông là do Trung Cộng gây ra  nhưng phía đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam thì vẫn cổ võ việc dùng “biện pháp hòa bình” để giải quyết xung đột. Câu sáo ngữ này, từ 40 năm qua đối với Hòang Sa và 26 năm đối với Trường Sa chỉ như “đàn gẩy tai trâu” vì Trung Cộng đã tăng cường binh lính và tầu chiến để thi hành “chiến lược biển” của Chủ tịch nước Tập Cận Bình ở Biển Đông. Trung Cộng cũng “chủ quyền hoá” vùng biển “đường Lưỡi Bò” chiếm 85% diện tích Biển Đông bằng cách tổ chức chính quyền cơ sở ở Tam Sa (Hoàng Sa (của Việt Nam), Trung Sa (gồm bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough cùng vùng biển xung quanh tranh chấp giữa Trung Cộng và Phi Luật Tân) và Trường Sa (của Việt Nam). “Thiện chí hòa bình” của nhà nước Việt Nam đối với tranh chấp biển đảo với Trung Cộng, chỉ phản ảnh tính “nhu nhược” của một nhà nước có chủ quyền bởi vì Việt Nam có thể kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã làm ngày 22/01/2013 theo Luật Biển năm 1982. Nhưng việc  Việt Nam không dám kiện Trung Cộng như Phi Luật Tân là một bằng chứng khác chứng minh Lãnh đạo Việt Nam rất sợ  hãi  Bắc Kinh như đã chứng minh trong thỏa hiệp “hợp tác cùng phát triển”  ở Biển Đông sau chuyến thăm Hà Nội 2 ngày (13-15/10/2013) của Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường (Li Keqiang). Tuyên bố chung Hà Nội đã  đem thắng lợi cho Trung Cộng vì thực tế đã xác nhận chính sách nhất qúan từ xưa đến nay của Trung Cộng  vẫn là làm theo chỉ đạo của  Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) đưa ra từ năm 1979, đó là:“chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác” Lập trường này, một lần nữa đã được Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình lập lại với Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Cộng trong phiên họp ngày 30/7/2013 tại Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình lưu ý các Ủy viên Bộ Chính trị rằng “ Trung Quốc phải kiên trì phương châm "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" để thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị cùng có lợi (trên các vùng biển tranh chấp, tức Biển Đông và Biển Hoa Đông).” (Theo Báo Giáo dục Việt Nam, 01/08/2013)   Thứ Năm, Nhà nước Cộng sản Việt Nam tìm mọi cách ngăn chận không cho người dân biểu tình phản đối Trung Cộng đàn áp, bắn giết ngư dân Việt Nam trên Biển Đông; xâm chiếm biển đảo của Việt Nam và còn lùng bắt những ai viết bài chống Trung Cộng là những việc làm phản tuyên truyền và chỉ có lợi cho Bắc Kinh. Nếu đảng và chính phủ Việt Nam tin rằng chống Trung Cộng chỉ là cái cớ để người dân và các “thế lực thù địch” lợi dụng chống đảng và chống nhà nước nhằm gây mất ổn định để lật đổ chính quyền, xóa đảng  thì việc  đảng  bị nhân dân xa lánh là điều tất yếu.   Tư duy xuyên tạc và chụp mũ này của đội ngũ những người làm công tác tư tưởng và bảo vệ an ninh cho đảng đã  chia rẽ thay vì đòan kết và gây thêm hận thù thay vì hòa giải với nhân dân là một sai lầm chính trị chỉ làm lợi cho kẻ thù. ĐẢNG CSVN HÃY TRẢ LỜI Vì vậy, lãnh đạo đảng và nhà nước hãy can đảm trả lời cho dân biết:   - Tại sao Đảng không dám suy tôn 74 anh hùng liệt sỹ Việt Nam Cộng Hòa đã đổ máu hy sinh bảo vệ lãnh thổ của Tổ Quốc tại Hoàng Sa tháng 01/1974 ? - Phải chăng đảng và nhà nước, sau 38 năm thống nhất đất nước, vẫn còn hận thù 74 liệt sỹ Việt Nam Cộng hòa để  gia đình họ bị vô ơn, bạc nghĩa chỉ vì 40 năm trước đây họ không phải là lính Cộng sản ? Cuộc sống cô quạnh, thiếu thốn không có chỗ ở của Bà Huỳnh Thị Sinh, goá phụ Trung tá VNCH Ngụy Văn Thà, chỉ huy Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 đã hy sinh tại Hòang Sa là một bằng chứng của sự vô ơn này. - Tại sao hàng năm Nhà nước không dám tổ chức lớn các buổi tưởng nhớ đến công lao của 64 liệt sỹ Quân đội Nhân dân bỏ mình tại Trường Sa tháng 03/1988 ? - Tại sao Nhà nước lại cấm dân không được tổ chức truy điệu đồng bào và chiến sỹ đã hy sinh trong 2 cuộc chiến biên giơi chống Trung Cộng xâm lăng từ 1979 đến 1990 ? - Tại sao dân biểu tình chống các hành động chiếm đóng lãnh thổ Việt Nam của Trung Cộng lại bị công an đàn áp dã man ?   - Tại sao, cho đến năm 2013, lịch sử  “bây giờ” về hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa vẫn chưa được viết vào sách giáo khoa để dậy cho học sinh và sinh viên ? - Tại sao lại có những sách dậy trẻ mầm non xuất bản có cờ Trung Cộng và có hình Việt Nam với hình “lưỡi bò” ở Biển Đông mà lại không có, hoặc có nhưng rất nhỏ về 2 Quần đảo Hòang Sa và Trường Sa ? - Tại sao nhiều khu đất “bờ xôi ruộng mật”, nhiều vùng đất chiến lược quốc phòng và nhiều vùng biển “hái ra bạc khạc ra tiền” đã “rơi” vào tay người Hoa ? - Tại sao lại có nhiều Phố Tầu và Làng Tầu được phép mọc lên giữa làng xóm hiền hòa Việt Nam ?   - Tại sao các Công trường, Nhà máy do người Hoa làm chủ lại là những “mật khu” bất khả xâm phạm đối với người Việt Nam ngay trên lãnh thổ của tổ tiên mình ?   - Tại sao hàng triệu người Việt không có công ăn việc làm mà nhiều chục ngàn người Hoa lại được thong dong đưa vào Việt Nam lấy mất  công việc của công nhân bản xứ ? - Tại sao Nhà nước có dư Công an và Côn đồ đi bảo vệ các Nhóm lợi ích và Chủ đầu tư để đàn áp dân chống cưỡng chế đất đai hay đi khiếu kiện đòi công bằng thì lại thiếu lực lượng an ninh đi lùng bắt số người Hoa cự ngụ bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, và để cho Thương lái người Hoa tiếp tay phá họai nền Nông nghiệp của Việt Nam ?   - Và sau cùng, tại sao Việt Nam lại để cho Trung Cộng “ăn sâu, bám rễ” vào dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên để bây giờ thua lỗ đã trông thấy trước mắt mà tương lai vẫn còn mù mịt tăm hơi ? Tất cả những thắc mắc này đều có liên quan đến chủ quyền và quyền tự hào dân tộc. Chúng cũng chứa tiền lẫn mồ hôi, nước mắt của người dân mà Đảng và Nhà nước  có hay ? Trước những nỗi đau ấy của dân thì  ai  là người có bản lĩnh trong Lãnh đạo Việt Nam có thể cho dân biết  đến bao giờ mới có ngày trở về với Tổ quốc của Hòang Sa và những phần đảo Trường Sa  bị Trung Cộng chiếm đóng, hay sẽ chẳng bao giờ ?   Phạm Trần (01/014) ----------------   Ngày 22/01/2013, Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong đơn khởi kiện Philippines nêu 13 yêu sách cụ thể, trong đó nội dung quan trọng nhất là Philippines yêu cầu Toà ra phán quyết yêu sách “đường lưỡi bò” vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không có giá trị. Trung Quốc tìm mọi cách phản đối, ngăn cản vụ kiện; chĩa mũi nhọn công kích Philippines cả trên mặt trận ngoại giao lẫn trong tuyên truyền và trên thực địa, hòng gây sức ép buộc Philippines phải từ bỏ vụ kiện. Mặc dù vậy, Philippines vẫn kiên trì theo đuổi vụ kiện và tiến trình của Toà Trọng tài vẫn diễn ra theo đúng các trình tự được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Toà Trọng tài đã được thành lập với 5 Trọng tài viên do ông Ghana là chủ tịch Toà Trọng tài. Toà Trọng tài cũng đã tiến hành cuộc họp đầu tiên thông qua Quy tắc tố tụng của Toà và ấn định thời gian biểu cho Philippines nộp bản Biện hộ. Nhiều nước như Ấn Độ, Nhật, EU, Mỹ… đã lên tiếng công khai ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp Biển Đông tại các cơ quan tài phán quốc tế, bao gồm Toà Trọng tài, ủng hộ vụ kiện của Philippines; phản đối việc Trung Quốc gây sức ép đối với Philippines trên vấn đề vụ kiện. Nhiều học giả, luật sư, nhà nghiên cứu cũng đã lên tiếng ủng hộ cho việc giải quyết tranh chấp thông qua Toà Trọng tài. Vụ kiện đã mở ra một cục diện mới cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng pháp lý. Các nước liên quan cần có sự hỗ trợ tích cực cho vụ kiện của Philippines thành công và không thể đứng ngoài.   Trong năm 2013, Malaysia tỏ ra kiên quyết hơn trên vấn đề Biển Đông; không chấp nhận yêu sách “đường lưỡi bò” và không chấp nhận “cùng khai thác” trên thềm lục địa của Malaysia; tăng cường đầu tư vào lĩnh vực an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực của hải quân; nâng cấp và mở rộng căn cứ quân sự tại Bintulu Sarawak, nằm gần bãi ngầm Tăng Mẫu; chủ động đề nghị tiến hành cuộc gặp 4 nước ASEAN liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông (Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei) để thống nhất lập trường trên vấn để Biển Đông.
......

CÔNG AN XÃ CHƯƠNG DƯƠNG – NGƯỜI HAY QUỶ?

Kính gửi: - Toàn thể người dân Việt Nam; - Các cơ quan truyền thông; - Các tổ chức bảo vệ nhân quyền; - Chính quyền các nước quan tâm tới hiện trạng chính trị-nhân quyền của Việt Nam; - Cơ quan công an huyện Thường Tín, công an thành phố Hà Nội và Bộ Công an. Tôi là Lê thị Công Nhân, sinh năm 1979, sống tại p316-A7 khu VPCP, ngõ 4 phố Phương Mai, Đống Đa-Hà Nội, viết thư này tố cáo và yêu cầu giải quyết vụ việc chúng tôi bị khủng bố và đánh đập dã man ngày 31.12.2013 tại công an xã Chương Dương, huyện Thường Tín-Hà Nội. Sự việc như sau: Khoảng 10h30 sáng ngày 31.12.2013, tôi và anh Ngô Duy Quyền-chồng tôi, bé Lucas-con gái chúng tôi 26 tháng tuổi đưa chú nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn (sinh năm 1959, sống tại huyện Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam), anh Phạm Bá Hải (sinh năm 1968, sống tại Hóc Môn-Sài Gòn) đến thăm anh Phạm Văn Trội tại xã Chương Dương huyện Thường Tín-cách Hà Nội 30km, nhân dịp chú Tuấn và anh Hải ra Hà Nội. Vừa mở cửa xuống xe, một nam thanh niên trẻ chạy tới hỏi tôi giọng xấc xược “Này, chị là người ở đâu đến đây?”. Biết đây là những công an mặc thường phục luôn rình rập theo dõi nhà anh Trội, theo lẽ thường chúng tôi không bao giờ chấp nhận cách hành xử của nhân viên nhà nước che giấu tung tích đầy ám muội như vậy nên không đáp lời. Khi anh Trội mở cửa cho chúng tôi vào thì có nhiều công an đều mặc thường phục đã ập đến rất nhanh. Vừa đến họ đã văng tục chửi bậy. Anh Trội nhận ngay ra bộ mặt quá quen thuộc của họ-đều là công an xã trụ sở cách nhà anh gần 200m. Một tên công an khoảng hơn 50 tuổi, cao lớn,  ngang nhiên xông vào nhà anh Trội, lượn lờ một vòng quanh nhà rồi sau đó đi ra. Anh Trội nói đó là Lê Văn Điệp-Phó công an xã. Sau đó người nhà anh Trội ra khóa cổng lại. Chúng tôi ăn cơm trưa cùng gia đình anh Trội, đang ăn thì nghe công an đập cửa gọi anh Trội ầm ĩ bên ngoài, réo gọi điện thoại liên tục. Anh Trội đi ra hỏi có việc gì, họ đòi vào nhà làm việc, anh nói chúng tôi đang ăn cơm, không ai làm việc giờ này cả và bảo họ đợi. Anh dặn chúng tôi chuẩn bị tinh thần bị bắt ra công an xã như hồi tháng 5 vừa rồi khi các anh Phạm Hồng Sơn, Mai Xuân Dũng và Đỗ Việt Khoa đến thăm anh. Một lúc sau, đám công an này lại đập cửa, chúng tôi cũng quyết định chào gia đình anh Trội và ra về. Anh Trội vừa mở cổng thì bọn họ hùng hổ xông vào, miệng không ngớt chửi rủa văng tục. Chú Tuấn nói họ không được làm vậy, chúng tôi là công dân Việt Nam, đi thăm viếng nhau là điều tự nhiên, Hiến Pháp và pháp luật cũng bảo vệ. Không để chú nói hết câu, bọn chúng đã vây lấy chú mà chửi bới đe dọa, xông vào định đánh chú. Tôi bám chặt vào tay chú, cố không cho bọn chúng  đánh.  Sau đó mấy người chúng tôi bị chúng vây bắt về công an xã, anh Trội cũng bị bắt đi, về phía anh đương nhiên cũng muốn đi cùng vì muốn chia sẻ với chúng tôi trong hoàn cảnh đáng sợ này. Thấy những công an viên xã đều khá già, trên 50 tuổi nhưng lại rất côn đồ, ác ôn, tôi rùng mình ghê sợ, nghĩ “Trời ơi, họ đã đến tuổi làm ông nội ông ngoại mà lại cư xử mất dạy và hung ác vậy sao !” Khi ấy khoảng 12h30, ngày mùa đông hanh khô nắng chiếu vàng rực rỡ. Trên đường, đám công an không ngớt mồm chửi rủa rất tục tĩu, vu khống chúng tôi “Chúng mày tụ tập uống rượu say, định chống đối bọn tao àh?”. Đến nơi, hóa ra công an xã, ủy ban xã, hội đồng xã, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên ..v..v.. đều ở trong một khuôn viên 3 khối nhà 2 tầng trên một diện tích khoảng 2000m vuông. Giữa trưa, trụ sở vắng lặng. Chúng định tách chúng tôi ra nhưng cả 4 chúng tôi và anh Trội đều bảo chúng tôi đi cùng nhau thì cùng vào làm việc. Chúng dùng số đông tách được chúng tôi ra, đẩy chú Tuấn và anh Hải, anh Trội vào trước. Một lúc lâu sau, chúng bắt vợ chồng tôi vào, anh Trội vẫn ngồi đó, chú Tuấn và anh Hải đã ra ngoài. Chúng bắt chúng tôi khai mình là ai, trình giấy tờ tùy thân. Hai vợ chồng tôi vẫn bế bé Lucas, không chấp nhận được hành xử côn đồ, mất dạy của đám người này nên nói “Chúng tôi đi thăm nhau, bị các anh bắt vào đây lại bảo khai mình là ai, trình giấy tờ cho các anh. Làm sao chúng tôi chấp nhận được cách làm việc đó. Chính các anh mới là kẻ vi phạm pháp luật. Chúng tôi không hợp tác gì với các anh cả.” Tôi còn gợi ý “Muốn làm việc nhanh, anh có thể hỏi tôi chị có phải là X không, nếu phải tôi đáp phải, không tôi bảo không.” Một công an trẻ mặc thường phục (anh Trội nói là an ninh trên công an huyện) có vẻ là người cấp cao nhất lúc đó thấy chúng tôi nói vậy thì ngoan cố nói “Chúng tôi có quyền bắt các anh chị vì đến thăm anh Trội, là đối tượng tiền án tội an ninh quốc gia đang bị quản chế.” Thấy chúng tôi mãi không nói gì, anh ta bảo chúng tôi ra ngoài. Tên Điệp là người ghi chép biên bản, vừa ghi vừa chửi dọa đánh chúng tôi. Trong phòng khi ấy còn có Trưởng công an xã (anh Trội chỉ cho chúng tôi nhưng tôi không nhớ tên). Anh này ngồi im ghi chép không nói năng câu gì, là Trưởng công an xã nhưng để mặc cho Phó công an xã tha hồ thi triển tính côn đồ mất dạy ngay trước mặt mình. Vợ chồng tôi bế bé Lucas đi ra ngoài, thấy nhiều người cả nam và nữ mặc các loại quần áo màu xanh của dân phòng, dân quân tự vệ ra vào liên tục, rồi anh Trội chỉ cho tôi xe ô tô màu đen của bí thư xã về đến. Lúc ấy nhân viên các ban nghành đoàn thể xã quay về trụ sở làm việc. Thấy chúng tôi đi lại ngoài sân, tên Điệp điên cuồng chửi rủa oang oang “Đ.c.m Bố mày đéo có khái niệm thuyết phục đứa nào hết. Thuyết phục cái đầu b... Bố mày đánh chết hết chúng mày. Thích hiến pháp àh, luật àh, nhân quyền àh, bố mày dí c... vào. Đất này là của tao. Luật là tao.” Rất đông nhân viên xã cũng như một số người dân đến làm việc chứng kiến việc này, nhưng sự khiếp sợ và vô cảm đã khiến họ như điếc như câm. Tên Điệp người to lớn, giọng nói rất to không cần loa. Hắn lệnh cho đám công an xã bắt chúng tôi nhốt vào một căn phòng cạnh phòng chú Tuấn anh Hải đang bị giữ bên trong. Trước sự thờ ơ bỏ mặc của các cấp nhân viên xã để cho một tên Phó công an thể hiện sự điên cuồng ác ôn của mình, chúng tôi nghĩ mình có thể bị chúng đánh nội thương mà chết, thậm chí đánh chết tại chỗ. Đẩy chúng tôi vào phóng chúng đòi đóng cửa lại, chúng tôi phản đổi kịch liệt nói “Đóng cửa để đánh người àh.” thì chúng không đóng nữa và đứng bên ngoài canh. Một lúc sau, bỗng dưng có một anh nhân viên xã vào phòng, cao giọng nói “Các anh chị phải biết là, đất nước ta, dân tộc ta là .. là .. là một” Trời! Chúng tôi đáp “Vâng. Đúng vậy.” Nói xong anh ta loay hoay ngượng nghịu một hồi, rót nước cho chúng tôi uống rồi bảo chúng tôi có muốn cho Lucas đi ngủ không thì lên trên kia có phòng có ghế dài. Chúng tôi khiếp đảm nghĩ nếu lại bị chia ra một lần nữa, lên trên tầng hai kia thì dám chắc đám công an xã đánh chết chúng tôi trên ấy, nên kiên quyết từ chối. Khá lâu sau, hơn 3h tôi thấy chú Tuấn ra khỏi phòng, đám người canh nhốt chúng tôi cũng đi chỗ khác. Chúng tôi đi ra, thấy chú cầm một tờ biên bản đóng dấu đỏ. Anh Hải vẫn ngồi im trong phòng với đám công an, im lặng nhắm mắt, tôi đoán là anh cầu nguyện. Có lẽ lúc ấy đám công an bàn cách chia chúng tôi để đánh sao cho hiệu quả nhất, nên chúng để chúng tôi yên được một lúc. Khi ấy anh Trội mới có chút thời gian tranh thủ hỏi thăm mẹ tôi sức khỏe có tiến triển gì không (mẹ tôi bị tai biến não, bị liệt và câm). Thấy chú Tuấn có tờ biên bản, anh Trội dùng điện thoại chụp lại. Đi cùng ra công an xã với chúng tôi suốt từ trưa, anh Trội chỉ mặc quần áo mặc nhà, chân không tất, trời lạnh se sắt, anh quyết định về nhà mặc thêm quần áo và mang chăn, sữa, kẹo vitamin vào cho chúng tôi. Chúng tôi nghĩ đám công an hoàn toàn dám nhốt chúng tôi qua đêm, như tên Điệp không ngớt gào rú “Nhốt hết bọn này lại, tạm giữ hành chính luôn.”. Đám công an xã côn đồ đến nỗi chúng tôi không thể nói với chúng bất kỳ một lý lẽ nào, dù là tối thiểu nhất. Sau này, anh Quyền nói với tôi “Mỗi giây phút anh đều chuẩn bị tinh thần phủ phục để che cho Lucas, để mặc chúng đánh chết anh.” Chúng để cho anh Trội đi về. Vợ chồng tôi đứng hành lang ngay cạnh phòng anh Hải đang bị nhốt. Lúc này, người Trưởng công an xã ra nói chuyện với chúng tôi. Anh ta ăn nói tử tế, vẻ hơi ngượng ngùng. Chúng tôi đáp lời anh ta hỏi thăm chuyện nọ, chuyện kia. Cuộc nói chuyện kéo dài không đến 10 phút thì anh ta đi. Trong lúc nói chuyện, tên Điệp và đám công an tay sai lờn vờn xung quanh nhìn chúng tôi và anh Trưởng công an xã với ánh mắt đầy căm ghét, tôi không hiểu tại sao !? Sau này mới biết Trưởng công an xã là em họ xa của chị Trang-vợ anh Trội, trước đây là cán bộ Đoàn thanh niên chuyển sang làm Trưởng công an xã. Thảo nào, anh ta gần như đơn độc so với tên Điệp-Phó công an xã và đám công an viên đã làm lâu năm lập phe cánh với nhau. Để thị uy với Trưởng Công an xã, để chứng tỏ ta đây không sợ anh an ninh trên huyện về, để thỏa mãn thú tính say máu đánh người, tên Điệp và đám công an xã lao đến chú Tuấn đòi chú đưa lại biên bản, không thể chống cự lại chú đành đưa chúng tờ biên bản. Sau đó bọn chúng túm người chú Tuấn đẩy đi. Chúng tôi biết bọn chúng lôi chú đi để đánh nên chạy theo. Thật không ngờ chúng đẩy chú Tuấn vào phòng tiếp dân (treo biển hiệu) – là căn phòng đầu tiên của tòa nhà bên tay trái nhìn từ đường vào, ngay cạnh phòng trả hồ sơ hành chính. Tôi bám chặt lấy chú, lòng kinh hãi vô cùng, nhưng không làm gì được. Tên Điệp và 4,5 tên công an viên già tay sai của hắn cực kỳ hung hãn lôi tôi ra, đóng sập cửa phòng lại và ngay lập tức lao vào đánh đấm, đạp chú Tuấn. Tôi kêu gào lên “Công an giết người, công an đánh người.” thì bọn chúng ở ngoài bâu lại chửi tôi “Ah, áh, con này mày dám vu khống tao àh. Tao đánh chết mày bây giờ.” Lúc đó khoảng 4h chiều. Thật ghê tởm! Không ngôn từ nào có thể tả được cảm giác của tôi lúc ấy, địa ngục là đây, quỷ dữ là đây, chúng có bộ mặt và hình dáng của con người nhưng nếu tinh ý sẽ nhận ra đó chỉ là vẻ ngoài, còn thần sắc thì là của ma quỷ. Anh Quyền chồng tôi kinh hãi đến độ không còn nói được gì nữa ôm chặt Lucas, cảm tạ Chúa khi ấy bé lại đang ngủ. Sau này anh nói với tôi, anh áy náy vô cùng vì đã không dám kêu gào lên. Anh chỉ còn nghĩ đến việc bảo vệ Lucas vì nếu anh kêu lên chúng sẽ đánh anh mà gây hại cho Lucas thậm chí là tử vong. Tôi cố kêu cứu một lần nữa ngay giữa sân nhưng tuyệt vọng trước sự vô cảm của các nhân viên xã và người dân đến làm việc xung quanh.  Đám công an lôi đẩy chúng tôi vào căn buồng treo đầy cờ thi đua và bằng khen đỏ chói đối diện phòng nhốt anh Hải. Khi vào phòng chúng tôi hãi hùng chỉ còn biết cầu nguyện. Ở phòng bên bọn chúng không ngớt chửi rủa khích bác anh Hải để anh phản ứng “Đ.c.m thằng trọc, mày điếc àh, mày mù àh. Thích chết bố mày cho mày chết.” Anh vẫn im lặng nhắm mắt cầu nguyện. Sau này anh kể lúc đó anh đã chờ chúng đánh anh ngã xuống đất thì anh cũng đành để mặc vì chúng quá đông, không thể nào một mình chống lại bạo lực của đám ma quỷ đó được. Rất có thể khi ấy tên Điệp và đám công an tay sai vì căm thù thái độ ôn hòa tuyệt đối của anh Hải, nên đẩy chúng tôi đi để đánh anh. nhưng rồi thấy đánh chú Tuấn tiện hơn nên đánh luôn, còn vợ chồng tôi luôn đi cùng nhau thì để sau. Khi ấy tôi phát hiện mật vụ trẻ trên huyện không còn ở đó nữa, Trưởng công an xã cũng biến mất, tất cả trong lòng bàn tay tên Điệp và đám công an tay sai. Khả năng tên Điệp tự tung tự tác và khả năng an ninh huyện và Trường công an xã ra lệnh ngầm rồi đóng kịch bỏ đi để cho tên Điệp đánh đập chúng tôi là 50/50. Khoảng 20 phút sau anh Trội quay lại, đã mặc đủ quần áo ấm. Tôi nói chú Tuấn đã bị bắt nhốt đánh ở phòng tiếp dân, anh chạy đi tìm. Một lúc lâu sau, bỗng dưng tôi nghe tên Điệp nói “Mang thằng Quyền ra.” Tôi vội nói với chồng tôi khi ấy đang nhắm mắt cầu nguyện “Nó định tách mình ra để đánh em đấy.” Vừa nói xong, một tên công an viên già đi vào hẳn bên trong phòng tìm cách đứng chắn giữa tôi và chồng tôi, nói “Thằng Quyền ra ngoài, con Công Nhân ở lại” Một tay hắn túm mạnh cánh tay tôi, tay kia cầm sẵn tay nắm cánh cửa chuẩn bị đẩy được chồng tôi ra là đóng sập cửa lại để nhốt đánh tôi. Cảm tạ Chúa lúc ấy, anh Trội quay lại, dõng dạc nói “Cả hai vợ chồng đều ra.” Tên công an già bối rối thoáng qua 2 giây, tôi bám chặt tay anh Quyền lách qua cánh cửa ra ngoài. Là người tin Chúa, tôi xác quyết giây phút ấy Chúa đã cứu tôi! Tên Điệp thấy vợ chồng tôi ra ngoài với anh Trội, thì điên cuồng chửi rủa “Đ.c.m con Lê Công Nhân, bố mày là Điệp-Phó công an xã đây. Tao tát vỡ mặt mày, tao đánh chết mày. Mày thích loa lên àh (ý nói lúc tôi kêu gào chú Tuấn bị đánh). Đ.c.m chúng mày kiện thoải mái đi, chụp ảnh ghi âm thoải mái đi. Bố mày là người đàng hoàng tử tế nhá, bố mày làm bố mày đéo thèm chối. Chúng mày kiện mẹ nó lên Bộ công an, lên chủ tịch nước luôn đi, để xem bố mày có làm sao không, nhá?” Tên Điệp nhảy nhót trước mặt chúng tôi như một kẻ mất trí, dí sát bộ mặt quỷ của hắn vào mặt tôi (cách mặt tôi 30cm), chửi “Đ.c.m nhìn kỹ mặt bố mày đi. Hãy nhớ đây là đất của tao, luật là tao.” Ra ngoài sân, tôi thấy chú Tuấn đứng run rẩy, gương mặt khắc khổ trở nên tím tái. Lòng tôi quặn đau, phẫn uất cùng cực, tôi hỏi chú bị đánh thế nào. Chú nói rất nhỏ “4,5 đưa chúng nó cùng đánh chú, đánh dã man lắm, giờ chú rất đau.” Lúc này hơn 5h, nhân viên xã đã về hết, cũng không còn người dân nào, chỉ còn chúng tôi với bọn quỷ dữ-công an xã Chương Dương. Tên Điệp vừa chửi, vừa dọa ra lệnh cho anh tài xế taxi (tên Đào Quang Huy lái xe 7 chỗ số hiệu 737 của hãng taxi Thành công) “Đ.c.m thằng Huy. Tao bảo mở (cửa xe) là mở, đóng là đóng, đi là đi, dừng là dừng, rõ chưa. Nếu không bố mày xì lốp xe, hết đường về.” Rồi bảo chúng tôi “Thằng Tuấn vào xe, vợ chồng con Công Nhân vào xe. Bố mày thương chúng mày trời lạnh cho chúng mày vào xe ngồi. Thằng Hải, thằng Trội đi vào đây (vào lại trong phòng).” Chú Tuấn bị chúng đẩy vào xe ngồi ở ghế trên cùng với lái xe, chú rất đau và yếu ớt không nói được lời  nào. Vợ chồng tôi kiên quyết không vào xe. Tôi nói xe không đi, cửa lại đóng kín mít sao lại bắt vào xe (tôi bị say xe nặng). Biết chắc bọn chúng chia chúng tôi ra để tìm cách đánh anh Hải bằng được thì thôi, vì chúng đánh chú Tuấn như thế vẫn chưa thỏa cơn say máu. Thấy chúng tôi không vào xe, anh Hải cũng không quay vào phòng, bọn chúng điên cuồng chửi chúng tôi “Đ.c.m chúng mày thích chết ở đây àh (vì chúng định đánh chết chúng tôi ở trong phòng cơ mà !). Chúng mày muốn đập đầu tự tử ở đây thì chúng mày cứ việc. Lũ phản động bán nước chúng mày là lũ chó, phải giết hết chúng mày.” Sau đó chúng bắt anh Trội quay lại phòng làm việc, lúc này mới thấy tay an ninh trẻ trên huyện quay lại, chị Trang vợ anh Trội cũng đi làm về ra ngay chỗ chúng tôi. Chị rất phẫn nộ, không thể tưởng tượng nổi công an lại đánh người giữa ban ngày, đánh người dã man như vậy ngay tại trụ sở ủy ban. Khoảng nửa tiếng sau, chúng gọi chúng tôi vào phòng anh Trội đang ngồi. Bọn chúng định lôi cả chú Tuấn đang ngồi trong xe ra thì chị Trang đứng giữa ngăn lại, chị kêu to lên “Các anh không thấy chú ấy đang ốm àh, đau không nói được gì nữa.” Đám công an bảo “Ốm cái đéo gì?” chị Trang đáp “Các anh thừa biết tại sao chú ấy ốm. Các anh không còn chút tính người nào nữa àh?” Trước phản ứng mạnh mẽ quyết liệt của chị Trang bọn chúng bỏ đi. Khi vào phòng, tay an ninh trẻ trên huyện rất đạo mạo nói “Các anh chị ở nơi khác đến đây, chúng tôi có quyền kiểm tra các anh chị, các anh chị đều là tội phạm có tiền án tiền sự, chúng tôi cấm các anh chị không được quay lại nhà anh Trội.” Anh Trội nói, “Tôi báo với anh việc tôi không chứng kiến nhưng tôi nghe các bạn tôi kể lại là chú Tuấn đã bị công an ở đây đánh đập.” Tôi nói tôi có ý kiến thì anh an ninh này nhỏ nhen gạt phắt đi, nói “Hồi nãy mời chị làm việc, chị bất hợp tác, giờ chị không được có ý kiến gì nữa.” Tôi nói “Anh là công an, dân nộp thuế trả lương cho các anh, anh phải nghe tôi tố giác tội phạm. Chính mắt tôi trông thấy chú Tuấn bị 4 công an đánh đập dã man trong phòng tiếp dân đằng kia.” Anh Quyền cũng tố cáo “Chính mắt tôi cũng trông thấy chú Tuấn bị nhiều công an đánh đập trong phòng đằng kia.” Tay an ninh trẻ luống cuống nói “Tôi ghi nhận việc này và sẽ báo cáo lên cấp trên.” rồi vội vàng ra khỏi phòng trước cả chúng tôi. Lúc đó khoảng 6h30, trời mùa đông lạnh buốt tối đen. Chúng tôi ra về quyết định đưa chú Tuấn đi khám ngay tại một bệnh viện tư nhân có tiếng ở Hà Nội là bệnh viện Hồng Ngọc. Trên đường đi nhiều người gọi điện hỏi thăm chúng tôi đều nói đưa chú Tuấn đi khám luôn trước khi về. Hơn 1 tiếng sau chúng tôi về đến bệnh viện Hồng Ngọc thì hỡi ôi, mật vụ đã vây kín, đóng vai nhân viên bệnh viện, khách đến khám. Chú Tuấn được khám ở phòng cấp cứu  ngoài cùng tầng 1 ngay lối ra vào. Chúng tôi đứng ngoài quan sát thì thấy người bác sỹ cư xử thật lạ lùng, hỏi han bệnh nhân với thái độ rất lạnh lùng và xấc xược. Tôi nhận ra bộ mật tròn vo nhẵn thín của một mật vụ trẻ mà tôi gặp nhiều lần trước đây. Khi mật vụ này xưng là bảo vệ bệnh viện ngăn cản chúng tôi chụp ảnh, tôi đứng ngay cạnh anh ta, cách chỉ 50cm, tôi nói to“Thôi đi anh mật vụ àh. Thưa mọi người anh này là mật vụ, Công Nhân nhẵn mặt rồi. (cầm vào cánh tay anh bảo vệ thật của bệnh viện cũng đứng ngay bên cạnh, tôi bảo). Đây mới là bảo vệ thật của bệnh viện.” Các bảo vệ và nhân viên thật của bệnh viện không nói lại điều gì. Mật vụ trẻ này vẫn ngoan cố lố bịch khăng khăng mình là nhân viên bệnh viện. Thật vui mừng vì kết quả ban đầu khám ở phòng cấp cứu, kết luận chú Tuấn không bị gì, cái gì cũng tốt, cái gì cũng bình thường ! Thật nực cười sau khi vào phòng khám siêu âm, X-quang, kết quả ghi “đám phổi không đồng nhất, kèm theo dải xơ, do tổn thương cũ.” Chú Tuấn nói “Trời! Chú không hề có bệnh phổi trước đây, họ cũng không hề hỏi gì chú về bệnh phổi.” Vậy là sao? Vậy là phổi có hình ảnh bị tổn thương, nhưng vì một lý do bất chính nào đó mà các bác sỹ ở đây liều mạng vu cho là “tổn thương cũ” trong khi không hề hỏi han bệnh nhân một lời nào về việc này, và cũng không dám khám xét kỹ hơn. Thật vô trách nhiệm và hèn nhát! Bác sỹ-nghề trí thức trong những nghề trí thức mà lại hành xử tối tăm như vậy thì đúng là đất nước này đến hồi kết của mạt vận rồi! Chú Tuấn và chúng tôi đều thống nhất rằng với đám mật vụ dày đặc như thế này thì khám chữa bệnh ở đây chẳng có kết quả gì nghiêm túc, nên quyết định ra về. Hội Bầu Bí Tương Thân đã đón chúng tôi ngay khi về đến bệnh viện Hồng Ngọc. Chú Lê Hùng – Trưởng Ban Điều hành hội và anh Trương Dũng đã chia sẻ an ủi chú Tuấn, gửi chú Tuấn 2 triệu đồng để góp phần hỗ trợ việc khám chữa bệnh. Ngoài ra có nhiều bạn bè đã đón chúng tôi tại bệnh viện như anh Phạm Hồng Sơn, vợ chồng anh Nguyễn Lân Thắng, vợ chồng anh Lã Việt Dũng, chị Thanh Trần, chị Hạnh Hồ Tây ... Gần 10h tối vợ chồng chúng tôi về đến nhà. Hai vai và cánh tay tôi đau nhức. Chúng tôi mệt mỏi và căng thẳng đến mức không thể ăn được cơm, cảm giác như vừa thoát ra khỏi một cái địa ngục mang tên “công an xã Chương Dương” mà ở đó có những con quỷ tên là Lê Văn Điệp-Phó công an xã và đám công an già tay sai bá chủ toàn quyền coi dân như rơm như rác, coi người lên tiếng đòi tự do, dân chủ nhân quyền là thế lực thù địch. Sáng nay hỏi thăm anh Hải (vì sim điện thoại của chú Tuấn đã bị đám Điệp cướp mất) được biết chú còn đau hơn hôm qua, bạn bè đang ở bên chăm sóc chú cho đến sáng mai chú về lại quê nhà ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Tôi tố cáo sự việc này lên công an Việt Nam các cấp và ra công luận quốc tế. Những điều tôi viết là hoàn toàn đúng sự thật, thậm chí mức độ của những hành vi côn đồ ác ôn vi phạm pháp luật của đám công an xã Chương dương chỉ bằng 70% so với sự thật do những hạn chế của ngôn từ không thể viết hết ra. Nếu kẻ ác không sám hối, nếu người có thẩm quyền không giải quyết thì cái ác càng đắc ý tung hoành, xã hội đại loạn, người tốt lúc ấy cũng sẽ không còn sức lực để cứu người khác, đất nước sẽ sụp đổ, dân tộc sẽ diệt vong. Xin hãy làm một điều gì đó là đạo đức, là tử tế, là đúng thẩm quyền cho chính quý vị và cho quê hương Việt Nam. Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi, Kính thư, Hà Nội, ngày 1.1.2014 Lê thị Công Nhân Điện thoại: 0120.5115.496 Điện thoại anh Ngô Duy Quyền: 098.6686.588 Địa chỉ: P316-A7 khu VPCP, ngõ 4 phố Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội-Việt Nam  
......

2014: Mời các hiệp sĩ Dân chủ và Nhân quyền lên ngựa

Năm 2013 là một năm đặc sắc về dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Một xã hội dân sự được hình thành từ những năm trước bỗng lớn mạnh hẳn, lừng lững đi tới phía trước. “Diễn đàn Xã hội Dân sự” đàng hoàng ra mắt để mọi công dân bàn luận góp sức mình và sự nghiệp trung tâm của xã hội hiện nay là thúc đẩy từ hệ thống cai trị độc đảng lẻ loi lạc hậu có hại chuyển sang hệ thống dân chủ đa nguyên trên nền tảng pháp trị công bằng và bình đẳng. Blogger Hà Nội tập trung tại công viên Thống Nhất, công khai tổ chức các hoạt động để quảng bá, phát huy và vinh danh các giá trị của Nhân Quyền. “Mạng lưới Bloggers Việt Nam” gồm hơn 100 dũng sĩ khỏe khoắn tinh nhạy đi tiên phong trên mặt trận thông tin loan truyền sự thật cho quần chúng, làm cứng họng hàng vạn tuyên truyền viên ăn lương nhà nước chuyên nghề nói lấy được, đổi trắng thay đen, dần dà đã cạn vốn, hết thiêng. Biết bao nhiêu nét mới mẻ làm nức lòng bà con ta ngay thẳng và lương thiện. Đó là cảnh các chiến sỹ dân chủ chào đón Phương Uyên ra khỏi nhà tù trong tư thế chiến thắng của lẽ phải, của tình nghĩa yêu thương bảo vệ lẫn nhau còn hơn cả tình nghĩa ruột thịt. Tình nghĩa keo sơn hiếm có như thế chỉ có được khi ta có chính nghĩa, khác hẳn với cảnh cắn xé nhau giữa các tứ trụ của triều đình Cộng sản.   Một nền ngoại giao trẻ, khỏe của dân chủ và nhân quyền ra đời, năng động sáng tạo, đàng hoàng ra vào các sứ quán Hoa Kỳ, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, đi Bangkok, Manila trực tiếp vận động cho Dân chủ và Nhân quyền. Đã xuất hiện một số nhà ngoại giao trẻ, tự tin, bạo dạn, nói lưu loát đủ các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hoa, Nhật…dịch ngon lành các văn kiện cần tán phát cho thế giới, khác hẳn với một số nhà ngọai giao nhà nước đi buôn sừng tê giác, chuyển tiền phi pháp, bôi nhọ quốc thể. Một nét mới lý thú là cuối năm 2013, trong cơn bĩ cực, chính quyền chuyên chà đạp nhân quyền đã buộc lòng phải cam kết tôn trọng nhân quyền, thề thốt hoàn lương về mặt này, tự mình giăng bẫy cho chính mình, từ đó họ không còn dễ dàng bỏ tù người yêu nước, đánh đập tra tấn người bị họ bắt, xử án công khai mà không cho người dân vào dự, đối xử tàn ác, trả thù những người tù trong các trại giam. Họ buộc lòng phải để cho các phái đoàn và phái viên quốc tế tham dự các phiên tòa, thăm các trại giam, gặp gỡ các chiến sỹ dân chủ. Trước mắt LHQ và thế giới, trước mắt các chiến sỹ dân chủ và nhân quyền VN, chính quyền như anh học trò hạnh kiểm xấu xin hứa hẹn tu tỉnh để được tiếp tục có mặt trong Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhất là được sớm vào khối TPP (Trans-Pacific Partnership) béo bở, điều hiện nay chưa có gì là chắc chắn, vì chính quyền và quốc hội các nước, đặc biệt là Hoa kỳ, đòi hỏi những việc làm cụ thể rõ ràng chứ không phải lời hứa suông. Họ nói thẳng rằng nếu không từ bỏ chủ trương “quốc doanh là chủ đạo“, không cho lập công đoàn tự do, không trả lại quyền sở hữu cá nhân về ruộng đất trong chế độ đa sở hữu, không trả tự do cho các tù nhân lương tâm, không thả hết thì cũng phải thả một số đáng kể…thì có thể đến Tết Congo Việt Nam mới được vào TPP. Năm 2013, hàng vạn bản Tuyên Ngôn Nhân quyền được in và tán phát công khai rộng khắp là món quà quý cho toàn xã hội, được bàn luận khắp nơi mà chính quyền đành phải cay đắng đứng nhìn.   Trong năm 2013 bản kiến nghị bác bỏ dự thảo Hiến pháp đạt kỷ lục 14.785 người ký. Đây là một cuộc tập họp lực lượng quy mô đáng kể, một cuộc tập dượt đấu tranh công luận từ thấp lên cao, một cuộc ra quân biểu dương lực lượng đầy khí thế tự tin. “Hội những người không tán thành Hiến pháp 2013” hình thành. Chắc chắn một cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp 2013 sẽ cho thấy rõ đa số nhân dân VN mong muốn một chế độ chính trị và một hiến pháp thật sự dân chủ ra sao. Không thể nói bừa là Hiến pháp 2013 được nhân dân tán đồng. Năm 2013 Đảng Cộng sản rơi tự do. Đây không phải là nói quá. Sự suy thoái của đảng là rõ ràng, chính lãnh đạo của đảng cũng đã phải thú nhận. Nạn tham nhũng lan tràn rộng hơn, nặng hơn. Chống tham nhũng không mảy may quyết liệt, mà hầu như tê liệt. Hai án tử hình được tuyên bố với nụ cười bí hiểm của kẻ tội phạm được coi như trò đùa của ngành tư pháp do đảng cầm cân nảy mực. Theo Luật phòng chống tham nhũng, kẻ tham nhũng 1 tỷ đồng (bằng 50 ngàn đô la Mỹ), tương đương tiền lương tối thiểu 1 trăm năm của 1 người lao động, là có thể bị tử hình. Thử hỏi trong Ban Chấp hành Trung ương đảng 200 vị có ai tránh khỏi tội đó khi đảng nắm ngân sách thu chi của quốc gia, không có ai làm trọng tài kiểm soát, Bộ trưởng tài chính, Tổng kiểm toán nhà nước, Ủy ban kiểm tra, Ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội đều là của đảng hết, tha hồ chia chác cho nhau từng mảng tiền cực lớn của nhân dân cho ngân sách riêng của đảng, không cần báo cáo cho ai hết. Ăn cắp hay là ăn cướp cỡ quốc gia? Ngang nhiên ngoài vòng pháp luật. Vậy mà cứ thề thốt khi vào đảng “hy sinh tất cả vì nhân dân”, “chống mọi hình thức bóc lột”, “hy sinh thì đi trước, hưởng thụ thì đi sau nhân dân“, toàn là đạo đức giả, tự phản bội lý tưởng, lời thề danh dự ban đầu không biết ngượng.   Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, thông tin công khai nhanh nhạy, sự minh bạch lên ngôi, dối trá bị đẩy lùi, niềm tin ở đảng tan ra như khói, thay vào đó là sự khinh thị của nhân dân đối với những kẻ trọc phú mới, sa đọa bởi lòng tham không giới hạn, thành triệu phú, tỷ phú phất lên không do tài năng mà do phe nhóm chia chác quyền hành và bổng lộc, nói hay nhưng toàn làm ngược lại, chuyên phá nát từng núi của do mồ hôi nước mắt của nhân dân tạo nên. Do đó có hàng triệu đảng viên không còn muốn sinh hoạt trong chi bộ đảng, nhạt đảng, thoát đảng, yên lặng ngừng sinh hoạt, ra tuyên bố từ biệt đảng vì đảng không còn xứng đáng với mình. Một số đảng viên còn kêu gọi thành lập tổ chức chính đảng khác vì cái danh nghĩa đảng CS đã bị ô uế là tội ác trên toàn thế giới, hàng trăm đảng CS nối đuôi vào nghĩa địa. Ở VN đảng CS cũng tha hóa biến chất đến độ cùng cực, chưa thấy có một khả năng nào cứu vãn được nó, vì đây là sự tự tha hóa bắt nguồn từ nội tâm rữa nát hư hỏng, càng ở cấp trên càng tệ. Cứ xem kỹ cái trò tự phê và phê nhơ nhớp và cái tuồng kê khai tài sản vờ vĩnh là đủ biết. Đảng CS Việt Nam đã thực sự chết trong lòng người dân.   Cho nên sứ mạng của các hiệp sĩ dân chủ và nhân quyền càng thêm nặng nề cấp bách và vẻ vang. Tình hình còn lắm khó khăn nhưng chưa bao giờ thuận lợi như lúc này.   Chúng ta đang nắm quyền chủ động trong đấu tranh. Chúng ta có chính nghĩa và lòng dân. Chúng ta có sự đồng tình ủng hộ của LHQ, của cả thế giới dân chủ, văn minh. Tất cả đảng viên CS lương thiện sớm muộn đứng về phía chúng ta, người trước kẻ sau sẽ theo con đường sáng của dân chủ và nhân quyền, không thể khác. Những kinh nghiệm và sáng kiến vừa qua là những hành trang quý để phát huy trong năm 2014 mang nhiều triển vọng. Mọi chế độ độc đoán, vô đạo đức, phản nhân dân đều thuộc về dĩ vãng, thuộc các thế kỷ đã qua. Trên con ngựa dũng mãnh của thời đại, yên cương đã sẵn sàng, xin mời các dũng sĩ dân chủ và nhân quyền lên yên cùng phi tới trước trong cuộc đấu tranh không bạo lực, bằng trái tim yêu thương nhân dân thật lòng, bằng trí tuệ dân tộc tỏa sáng, để năm 2014 chắc chắn là năm gặt hái nhiều thành tích , tự do và nhân quyền sớm trở về trọn vẹn với toàn thể nhân dân. Bùi Tín
......

Chuyện từ những học trò

“Dạ chào thầy Hoàng ! Con là Ngô Minh Tâm, con đang học tại Bách khoa Thành phố (HCM). Con là con của Ngô Hào, người mới bị tuyên 15 năm tù giam đây ạ !” Đó là những giòng chữ mà em đã gởi kết bạn với tôi trên facebook vào một ngày của tháng 10/2013. Tôi không thể nào quên vì tôi không hề nghĩ sẽ có ngày gặp con của Ngô Hào, nhất nữa đó lại là một sinh viên trường cũ của mình. Thầy trò hẹn nhau ngoài quán cóc. Trong vòng 10 phút, Tâm đã phác họa cho tôi những nét chính về người cha của mình vừa bị kết án 15 năm trong phiên sơ thẩm đầu tháng 10/2013, về người mẹ của mình đang bị ung thư vòm hầu, mất khả năng lao động và đang chạy chữa vô cùng tốn kém, về người em của mình phải bỏ học để chăm sóc mẹ và nhờ tôi giúp đỡ. Thú thật, cho dù ít có dịp tiếp xúc với gia đình các tù nhân chính trị nhưng tôi đã tức khắc cảm nhận được một ngọn núi của những khó khăn trước mặt. Nhưng chúng tôi đã cùng nhau bài luận về kế hoạch vận động từ trong lẫn ngoài nước, từ ngoại giao đến nhân đạo để đấu tranh cho ông. Khi thấy tôi băn khoăn về đời sống, sinh hoạt gia đình, em nói : -    Con nói thật là gia đình đang khó khăn nhưng ưu tiên của con là cho ba. Nói xong câu ấy là em vội lên xe để đi dạy thêm, chắt bóp từng đồng để tiếp tục gánh nặng gia đình. Trước khi rồ ga, em quay lại : - Trưa nay em chưa ăn thầy ạ !   Thời gian trôi qua, những nỗ lực vận động đã bắt đầu nhưng tôi cảm nhận tất cả tiến hành cực kỳ chậm chạp trong khi phiên phúc thẩm đang đến rất gần. Ngày 23/12, tòa án Phú Yên tuyên y án 15 năm cho ông Ngô Hào trong một phiên tòa chỉ kéo dài hơn tiếng rưỡi. Đến chiều ngày hôm ấy, trong không khí tưng bừng náo nhiệt đón Giáng sinh, người ta lần đầu tiên nghe được tiếng gào khóc của vợ ông, của mẹ Minh Tâm. Em gặp lại tôi vài ngày sau đó, nét mặt và giọng nói của em có phần căng thẳng hơn nhưng giờ lại có chút bình thản, cương nghị : -    Họ chỉ cho ba trả lời Có hoặc Không. Mỗi lần ba định nói gì thêm đều bị từ chối. Trong suốt phiên tòa mẹ con phát bệnh tưởng ngất xỉu. Chỉ có ba mẹ con nhưng họ huy động hơn 50 công an sắc phục chưa kể công an chìm và nhân viên tòa án. Ban đầu con cố giữ thái độ lịch sự, gọi chú xưng cháu với họ, nhưng riết rồi không chịu được nên đã phải chỉ thẳng vào mặt họ mà chửi.   Tôi chỉ biết an ủi em với những từ ngữ mình có trong đầu và khuyên em giữ bình tĩnh để tiếp tục sống với mẹ và em trai, đối phó với nghịch cảnh cũng như hoàn tất học trình kỹ sư một cách tốt đẹp. -    Trước phiên phúc thẩm, công an đã vào trường làm việc với con có lẽ với mục đích nhắc nhở con chớ manh động, liên hệ với các “phần tử xấu”. Nhưng con trả lời là những gì con làm cho ba là rất bình thường và không có gì sai trái cả. Sau cùng ông công an này (hình như cấp bậc đại tá) đã dọa rằng :”Chỉ cần một lá thư của tôi là em sẽ ra trường sớm” (ý nói là đuổi học). Vài ngày sau phiên phúc thẩm, lá thư gởi cho ba của em đã làm nhiều người phải chẩy nước mắt. Phóng viên Ca Dao của đài RFA đã viết rằng :”…Trở về căn nhà dột nát, người con trai trưởng gói trọn những dòng nước mắt của Mẹ, những uất ức của em vào những con chữ trong lá thư gửi cho Cha. Lá thư sẽ không bao giờ đến được tay người nhận. Nhưng hàng chục ngàn người khác đã thay người Cha đọc lá thư này…”   * * * Cũng qua mạng xã hội mà tôi cũng đã làm quen được với Phương Thảo, con gái lớn của nhà giáo Đinh Đăng Định, bị kết án 6 năm tù theo điều 88 bộ Luật hình sự. Bố Định bị bắt khi ông viết bài phải đối dự án bô-xít cũng như bày tỏ suy nghĩ của mình qua các cuộc phỏng vấn. Điều cần nói là ông bị bắt ở Dak Nông và nơi ông ở chỉ cách nhà máy khai thác bô-xít Nhân Cơ khoảng 10 cây số, nghĩa là một nơi tương đối thưa vắng. Điều này đưa đến nhận định là cộng sản muốn triệt tiêu ngay trong trứng nước mọi ý kiến trái chiều đặc biệt là ở những nơi dư luận ít quan tâm tới hoặc những nơi “nhậy cảm”. Thảo lớn hơn Tâm 4 tuổi, tốt nghiệp khoa Toán-Tin Đại Học Khoa Học Tự Nhiên. Theo Thảo, thì dù cho chỉ còn 4 năm tù nhưng chưa chắc bố còn sống được đến lúc ấy vì dạ dày đã bị cắt ¾, hiện đang điều trị tại bệnh viện 30/4 và các bác sĩ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hóa trị. Trong những lúc thập tử nhất sinh như thế nhưng thầy Định vẫn giữ một niềm lạc quan khó có thể ngờ.   Thảo nói : -    Bố con bảo, nếu mà bố con có thể sống sót và được về, thì nhất định sẽ gặp mọi người. Con nghĩ thầy và bố con khi đàm đạo sẽ rất hợp, vì đều là nhà giáo, lại cùng chung lý tưởng. Đầu tháng 12/2013, Thảo cùng mẹ lặn lội ra Hà Nội đến gõ cửa 6 tòa đại sứ để vận động cho bố. Gia đình đang nỗ lực vận động mọi nơi để miễn thi hành án cho bố vì lý do sức khỏe. Thảo kể :“Nhiều nhân viên đã không cầm được nước mắt khi con kể lại tình trạng của bố. Họ đã hỏi han rất nhiều và lo lắng rằng những can thiệp này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến gia đình. Nhưng con và mẹ vẫn kiên quyết vận động đến cùng”. Và chỉ trong vòng trên dưới 10 ngày, các đại sứ quán tại Hà Nội đã cùng nhau kiến nghị lên nhà cầm quyền VN miễn thi hành án để thầy Định được sống với gia đình trong tình trạng sức khỏe như hiện thời. Đến nay chưa có động tĩnh gì nhưng Thảo và gia đình vẫn giữ niềm lạc quan.   * * * Minh Tâm và Phương Thảo không phải là học trò của tôi nhưng cả hai em đều là sinh viên của Đại Học Quốc Gia TPHCM, đại học hàng đầu của miền Nam và là nơi mà tôi đã gắn bó trên 10 năm trước khi đi tù. Tâm là học sinh giỏi nhiều năm liền của trường chuyên Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa, Phú Yên và đậu vào khoa Cơ Khí, ĐH Bách Khoa với điểm khá cao. Thảo là con gái nhưng dám vào học khoa Toán Tin, vốn vẫn là đất của đám con trai. Nói chung cả hai em đều là những học sinh và sinh viên giỏi và nếu không có gì xảy ra thì mở ra cho các em trước mặt là một tương lai tươi sáng. Nhưng “đã có gì” xảy ra ! Cha của các em đã chọn một con đường chông gai và đầy gian khổ, là đấu tranh để xây dựng một nước Việt Nam thực sự tự do, dân chủ và nhân quyền và hiện đang hiện trong tình trạng tù đày. Một người còn phải ở 14 năm, người kia chỉ 4 năm nhưng có thể sẽ ít hơn, vì không biết còn sống được không đến lúc mãn hạn. Gánh nặng để lại cho các em – là hai con trưởng thực sự quá lớn – vì cả hai gia đình thực sự khó khăn và neo đơn. Tuy nhiên hai người cha ấy không chỉ để lại gánh nặng, nhưng còn để lại một tấm gương. -    Con nghĩ trước tiên con sẽ ráng hết sức để săn sóc mẹ và cho em trai cơ hội trở lại nhà trường. Tuy nhiên ngày hôm nay con đã tìm cho mình một con đường. Ngô Minh Tâm đã nói như thế một tuần sau phiên tòa phúc thẩm. Tôi chỉ biết yên lặng nhìn sâu vào đôi mắt của em. Tôi không cần hỏi thêm và em cũng không cần nói thêm. Từ hồi bị bắt đến nay đã gần hai năm em chưa được gặp ba để nghe ba nói chuyện. “Ba giấu con hết mọi chuyện, thậm chí ba còn đổi password trong tài khoản email mà con đã tạo cho ba !”. Điều này có nghĩa là ông Ngô Hào đã dự đoán những khó khăn sẽ ập lên đầu mình và ông không muốn các con liên lụy, và điều này cũng có nghĩa là Tâm hoàn toàn chủ động và ý thức được con đường em đã chọn. Tôi tự hỏi trong vài tháng nữa, ông Ngô Hào sẽ nghĩ sao khi con trai trưởng của mình gặp và trải lòng ra cùng mình. Tôi bỗng nhớ đến Nguyễn Phi Khanh. Còn Thảo : -    Con có giấc mơ là sau này con sẽ đem sức lực và khả năng của mình để giúp đỡ cho những người bị áp bức. -    Con không sợ à ? -    Thầy ơi, ngày xưa khi bố mới bị bắt, gia đình đã quá sợ hãi nên bố con mới lâm vào tình cảnh này. Giờ bố con đang lâm trọng bệnh, thời gian không còn nhiều nữa… Không được phép sợ hãi nữa, thầy ạ. -    Nhưng làm thế nào con chia sẻ thời gian và công việc ? -    Con sẽ dành trọn thời gian cho ước mơ của con. Ba thầy trò chúng tôi nhìn nhau yên lặng.   Tôi thầm nghĩ ngày Tâm bước vào ngôi trường ĐH Bách Khoa thì cũng là ngày tôi bước vào trại giam B34. Ngày tôi ngưng dạy ở ĐH Khoa Học Tự Nhiên thì cũng là ngày Thảo bắt đầu cuộc đời sinh viên ở đây. Toàn ngược đường cả. Nhưng ngày hôm nay hoàn cảnh đất nước đã đẩy đưa chúng tôi ngồi lại gần nhau. Và bên cạnh chúng tôi còn rất nhiều người nữa. Tôi chắc chắn là như thế. Sàigòn, 31/12/2013 Phạm Minh Hoàng. Đặc Ký Truyền Thanhhttp://www.radiochantroimoi.com/category/dac-ky-truyen-thanh  
......

Pages