2018

Anh Quốc: 400 thanh niên biểu tình trước sứ quán CSVN nhân 70 năm ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/2018

Kỷ niệm 70 năm ngày Quôc Tế Nhân Quyền (QTNQ) năm nay, đã có khoảng 400 thanh niên VN đang sinh sống trên khắp Vương Quốc Anh đồng loạt kéo tới biểu tình vây chặt gần 300 mét trước cổng Đại Sứ Quán CSVN tại London, từ 12 giờ trưa đến 2giờ 30 ngày Thứ Hai, 10/12/2018. Cuộc biểu tình quy mô này do Hội Anh Em Thanh Niên Công Giáo, Phong Trào Dân Quyền và Cơ Sở Đảng Việt Tân Anh Quốc đồng tổ chức, được Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) hỗ trợ với mục tiêu đòi tự do cho Tù Nhân Lương Tâm VN (TNLT), mà cụ thể là TNLT Lê Đình Lượng, người đã dõng dạc tuyên bố trước tòa án luật rừng của CSVN ngày 16 tháng 8 năm 2018: “Việc làm của tôi sẽ do lịch sử phán xét. Tôi sẽ vui khi phải ở lao tù nếu dân tộc này được lớn mạnh trong tự do dân chủ.” Con số 400 thanh niên đồng hương nhiệt tình hưởng ứng và tham dự hôm nay cho thấy khí thế của giới trẻ VN trước hiện tình đất nước. Ông Clive Lindsay, thuộc tổ chức Ân Xá Quốc Tế. Ông Clive Lindsay, thành viên vận động nhân quyền cho VN (campaigner) của Ân Xá Quốc Tế, đến tham gia cuộc biểu tình và bày tỏ sự ủng hộ của Ân Xá Quốc Tế cho mục tiêu đòi CSVN chấm dứt vi phạm nhân quyền. Phát biểu đầu tiên trong cuộc biểu tình ông Clive Lindsay nói: “Chào các bạn trẻ VN. Thật là kỳ diệu hôm nay toàn thanh niên tham gia. Các bạn là tương lai của VN cho nên tự do dân chủ và nhân quyền sẽ đến với VN sớm hơn. Hãy tiến bước cho đồng hương của các bạn tại VN. Tôi luôn luôn đồng hành cùng các bạn. AXQT cũng luôn luôn đồng hành cho mục tiêu nhân quyền của dân tộc VN”.   Cô Như Lê – Phó Hội Trưởng Hội Anh Em Thanh Niên Công Giáo đang phát biểu hướng thẳng vào đại sứ quán CSVN tại London – 10/12/2018. Phát biểu trước cuộc biểu tình, đại diện Hội Anh Em Thanh Niên Công Giáo là cô Như Lê đã mạnh mẽ yêu cầu nhà cầm quyền CSVN trả lại cho người dân quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, ngưng ngay các hoạt động đàn áp, xúc phạm nơi thờ tự của các tôn giáo, chấm dứt trò hề đấu tố Linh Mục Nguyễn Hữu Nam và các Linh Mục tích cực đấu tranh cho quyền con người tại VN. Anh Lê Văn Kiên đại diện Phong Trào Dân Quyền VN tại Anh Quốc phát biểu. Đại diện Phong Trào Dân Quyền, anh Lê Văn Kiên nhắc lại bản tuyên ngôn QTNQ tuyên dương lý tưởng cao đẹp của nhân loại: mọi người sinh ra đều được hưởng quyền tự do, bình đẳng, quyền được sống và nhân quyền phải luôn được tôn trọng. Thế nhưng, những quyền sống cơ bản đó lại là một ước mơ xa xỉ đối với con dân đất Việt đang phải sống dưới sự cai trị của bạo quyền độc tài CSVN, chỉ có bắt bớ và ngục tù dành cho những ai dám đấu tranh vì nhân quyền tại Việt Nam. Đồng cảm với quan điểm đó, anh Bùi Thắng vạch trần CSVN đã đàn áp, xâm phạm, chà đạp lên những gì gọi là nhân quyền bằng hành động tàn bạo, vô nhân đạo nhằm dập tắt những tiếng nói phản đối của các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động dân chủ. Bạn Lê Việt Trà đại diện Thanh Niên Phật Giáo Hòa Hảo phát biểu. Tiếp theo, bạn Lê Việt Trà thay mặt thanh niên Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy mạnh mẽ lên án CSVN đã dẫm đạp luật pháp, chà đạp nhân quyền bằng những bản án luật rừng, áp đặt cho hàng trăm cư sĩ và hàng giáo phẩm Phật Giáo Hòa Hảo thuần tuý và các tôn giáo lớn tại VN. Tiếp lời là anh Nguyễn Văn Thành (điều phối viên Phong Trào Dân Quyền) nhắc nhở đồng hương và các bạn trẻ: “Xin đừng lãng quên” khoảng 75 TNLT là người Thượng (dân tộc tiểu số) hiện còn đang bị giam cầm trong ngục tù CSVN chỉ vì dám lên tiếng đòi lại quyền sở hữu đất đai và quyền tự do theo đạo Tin Lành, và hàng trăm gia đình đang phải sống lây lất trong các trại tạm cư tại Campuchia và Thái Lan. Cô Hà Đinh đại diện cơ sở Việt Tân phát biểu. Sau cùng là lời phát biếu của đại diên cơ sở Việt Tân Anh Quốc, cô Hà Đinh Hà nêu lên 2 TNLT điển hình với mức án dài nhất là anh Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm tù) và mới nhất là anh Lê Đình Lượng (20 năm tù), họ là bằng chứng sống cho sự vi phạm trắng trợn những điều trong Công ước Nhân quyền LHQ mà CSVN đã ký cam kết với Quốc Tế. Cô Hà Đinh còn mạnh mẽ đòi hỏi CSVN phải trả tự do ngay lập tức cho các Anh và tất cả hơn 300 tù nhân lương tâm đang là những “Người Tù Vô Tội” tại VN. Trong suốt buổi biểu tình, những tiếng hô vang, đầy hào khí ngút trời liên tục vang lên như: Freedom for VN, Human Right for VN, Đả Đảo CSVN, Tự Do cho tất cả TNLT, Release All Prisoners of Conscience Now, Release Prisoner of Conscience Lê Đình Lượng Now. Hôm 10/12/2018 cũng chính là ngày sinh nhật của TNLT Lê Đình Lượng, cho nên trong không khí đầy phấn khích của cuộc biểu tình, Ban Tổ Chức và hơn 400 thanh niên tham dự đã chia xẻ tâm tình và trân trọng gửi lời chúc mừng từ xa đến anh Lê Đình Lượng bằng lời hát “Happy Birthday” và cầu xin Thiên Chúa luôn ở cùng anh, dìu dắt anh vượt qua mọi gian nan khổ nhọc trong ngục tù cộng sản. Mặc dù cuộc biểu tình ôn hòa bất bạo động đã được loan báo trước 2 tuần, đại sứ quán CSVN tại London có vẻ hoảng hốt nên đã vội vàng loan báo đóng cửa lúc 11 giờ sáng ngày Thứ Hai, 10/12/2018 mà thường lệ thì họ mở cửa từ Thứ Hai đến Thứ Sáu. Đây là lần đầu tiên đại sứ quán CSVN bị số đông biểu tình bất bạo động buộc phải đóng cửa. Cuộc biểu tình kết thúc lúc 2:30 chiều ngày Thứ Hai 10/12/2018 trong ôn hoà trật tự  bỏ lại sau lưng một tòa đại sứ quán CSVN im lìm vắng lặng sau lưng tấm bảng “đóng cửa” không lý do.  Trần Thanh Luân tường trình từ London. 10/12/2018. https://viettan.org/anh-quoc-tren-400-thanh-nien-bieu-tinh-truoc-su-quan-csvn-nhan-70-nam-ngay-quoc-te-nhan-quyen-10-12-2018/
......

Chấm dứt “dấu ấn Nguyễn Tấn Dũng”: cuộc chiến chống tham nhũng tiến vào “Vùng tử địa”.

Sáu tháng cuối năm 2018, chính trường Việt Nam chao đảo với hàng loạt sự kiện liên quan các vụ án nhắm vào giới quan chức nắm giữ các ảnh hưởng quyền lực lẫn đầu dây mối nhợ của các nhóm lợi ích hàng đầu Việt Nam. Có thể là ngẫu nhiên, cũng có thể là một kịch bản “hợp lý” khi ông Trần Đại Quang đột ngột từ trần đã tạo một bước ngoặt cho việc thống nhất quyền lực về tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngay sau khi kiêm chức Chủ tịch nước, 2 trong số 6 cựu tướng lĩnh cấp tổng cục và Tổng cục của Bộ công an bị bắt trước đó do liên quan vụ án tổ chức đánh bạc là Phan Văn Vĩnh và một Nguyễn Thanh Hóa ra tòa. Một động thái trước đám tang Trần Đại Quang, thái độ lừng khừng và nhiều thông tin manh nha cho thấy khả năng vụ án sẽ chuyển sang: xử lý nội bộ”. Đây cũng là 2 trong số 4 tướng được ông Nguyễn Tấn Dũng thăng cấp và bổ nhiệm cùng lúc trước khi rời ghế Thủ tướng không lâu. Dư luận vẫn âm ỉ đồn đoán mục tiêu cuối cùng của công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ thành công và chỉ kết thúc khi đạt đến đích là chính Nguyễn Tấn Dũng. Nhân vật quyền lực bất ngờ ngã ngựa vào phút cuối năm 2016, để lại câu nói để đời là khuyên các quan chức ở lại hãy “là người tử tế”. Trên mặt trận kinh tế, việc bắt ông trùm ngân hàng Trần Bắc Hà được xem như cú đốn hiểm và ngoạn mục nhất từ khi phát động cuộc chiến chống tham nhũng. Những người quan tâm tới hiện tình chính trị Việt Nam thì ai cũng biết tầm vóc của Trần Bắc Hà lớn đến mức nào. Có thể nói rằng: Nếu gom hết tất cả các vụ đại án kinh tế đình đám trong khoảng 10 năm trở lại đây cộng lại thì may ra cũng chỉ bằng 1/3 qui mô ảnh hưởng kinh tế của Trần Bắc Hà. Một nhân vật được xếp vị trí “chỉ dưới một người” là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đương chức. Song song với đó, dư âm vụ án quan chức Bộ công an bảo kê đánh bạc vừa tạm lắng thì vụ qui hoạch Thủ Thiêm đột ngột bùng lên dẫn đến lệnh bắt, tạm giam hai cựu Phó chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài. Tiếp tục, ngày 14/12/2018, Bộ công an ra thông báo khởi tố vụ án và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với hai tướng công an là Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành. Đây chính là 2 trong số 4 tướng được nói ở trên. Như vậy: Việc khởi tố đối với Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành, tuy liên quan các vụ án khác nhau nhưng chỉ rõ một sự thật là các vị trí quyền lực nhất mà ông Dũng để lại trong Bộ công an đã bị đánh bại hoàn toàn. các ảnh hưởng còn lại của ông Dũng trong Bộ công an nếu có cũng không còn đáng kể. Việc khởi tố đối với các cựu quan chức Thành phố Hồ Chí Minh được dư luận đồn đoán là nhằm vào cựu Bí thư thành phố Lê Thanh Hải, hỗn danh là “Hải Japan; Hải heo..”. Tuy nhiên, nếu chỉ nói đích đến là Lê Thanh Hải thì chỉ là xét đoán trên dấu hiệu bề nổi. Vì sớm hay muộn, chắc chắn Lê Thanh Hải không thể thoát khi mà chỗ dựa quyền lực lẫn dòng chảy kinh tài liên quan “gia tộc Lê Thanh Hải” đã bị đốn hạ. Ẩn phía sau cái tên Lê Thanh Hải là câu chuyện khác hơn nhiều mà điểm bắt đầu phải kể đến là liên minh đứng sau để Lê Thanh Hải dám chống lại cả lệnh điều động của TW, không chịu ra Hà Nội để bàn giao ghế Bí thư thành phố cho Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (sau lên Chủ tịch quốc hội) cách đây gần 20 năm. Thế lực liên minh này phải đủ mạnh để khiến ngay cả bóng dáng Nguyễn Tấn Dũng lúc đương quyền cũng không đủ để Lê Thanh Hải phải quá e dè khi vẫn ung dung tự tại khiến Ngân hàng Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng – con gái ông Dũng chịu thất bại ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh vào những năm 2007-2009. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân tạo nên tên tuổi Trần Bắc Hà, từ một Giám đốc chi nhánh của Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) tỉnh Bình Định, nhảy lên Chủ tịch BIDV, bất ngờ và nhanh chóng vươn tới vị trí mà dư luận còn có đánh giá khác là có thể “phớt lờ cả Ngân hàng nhà nước” (!) Hướng tiến công của mặt trận mới đã hé lộ khi một nhân vật liên quan đường dây đưa Trịnh Xuân Thanh ra nước ngoài đã bị bắt và cả các đường dây mối nhợ liên quan Vũ “nhôm” sắp đưa ra xét xử sẽ lộ rõ, bất chấp mọi suy đoán và cái thế hừng hực đang có vẻ dồn vào hai cái tên Lê Thanh Hải và Nguyễn Tấn Dũng. Rất nhiều khả năng hướng tiến công không nhằm vào 2 ngọn cờ đã trong tình thế chơ vơ không có cả chân lẫn người bảo vệ. Hướng tấn công này khó khăn và nguy hiểm hơn cả cuộc chiến vừa qua ở Bộ công an. Năm 2018 có thể sẽ kết thúc bằng lệnh bắt 2 thứ trưởng công an vừa bị khởi tố, nhưng năm 2019 ngọn lửa dữ dội sẽ không chỉ cháy trong “lò chống tham nhũng” mà cả bên ngoài lò, nơi cuộc chiến mặt trận mới đụng tới các chân tay của nhóm quyền lực bao trùm lên nền chính trị Việt Nam qua nhiều thế hệ chứ không đơn giản ở một số cá nhân mang tính biểu tượng. Chưa phải mặt trận cuối cùng, nhưng đây mới chính là mặt trận cam go, mang tính sinh tử lớn nhất mà Đảng cộng sản Việt Nam dưới tay ông Nguyễn Phú Trọng phải chiến thắng hoặc thất bại hoàn toàn./.
......

Sự thật nào về ‘Úc ra luật an ninh mạng, đòi quyền truy vấn cơ sở dữ liệu Facebook, Google’?

Nhiều báo trong nước đưa tin về việc, Úc vừa thông qua một đạo luật cho phép cơ quan chức năng có thể truy cập vào các tin nhắn bị mã hoá của người dùng, điều mà từ trước đến nay Google, Facebook hay Apple vẫn luôn phản đối. Cũng theo các báo nhà nước, Đạo luật này vừa được cơ quan lập pháp Úc thông qua vào ngày thứ 5 vừa qua. Theo các nhà lập pháp, quy định này là điều thiết yếu để duy trì an ninh quốc gia và là một công cụ quan trọng của chính quyền trong cuộc chiến với chủ nghĩa khủng bố. Điều này vô tình dẫn đến một sự hiểu lầm sơ đẳng là việc thông qua dự luật An ninh mạng Việt Nam cũng nằm trong tiến trình quốc tế và nó hoàn toàn là một công cụ như các nước phương Tây. Hoặc không có sự khác nhau giữa Luật an ninh mạng Úc và Luật an ninh mạng Việt Nam. Trên một số trang như Cùng Troll Phản Động dùng tin này để châm biếm những người phản đối Luật An ninh mạng Việt Nam. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Cái mà Úc vừa thông qua là Luật chống mã hóa (chứ không phải Luật an ninh mạng như một số tiêu đề báo đã đưa) nhằm vào các phương tiện nhắn tin OTP như Whatsapp, Telegram, Signal,… Những công cụ mà chính quyền Úc cho rằng, chính nó đã hỗ trợ gián tiếp cho các hoạt động khủng bố nước này. Gần nhất là trong tháng 11/2018, 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương trong một cuộc tấn công khủng bố tại khu phố trung tâm thuộc thành phố Melbourne (Úc). Việc ra Luật Mã hóa (encryption laws) là nhằm tập hợp các công cụ dự liệu thực thi cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố xảy ra gần đây trên nước Úc. Chứ không nhằm vào mục đích ngăn chặn quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của người dân. Chính vì thế, dự luật này được sự ủng hộ của cả 2 đảng lớn ở Úc là Công Đảng Úc và Liên minh Tự do. Ngoài ra, việc thi hành luật chống mã hóa này giả sử tiến hành trong thực tế, thì nó chịu sự chi phối của nền tư pháp độc lập của Úc, nhằm hạn chế sự lạm quyền dựa trên luật của chính quyền. Đồng nghĩa, luật sẽ không nhằm xâm phạm một phần tự do của công dân để đảm bảo an ninh của một đảng, mà hoàn toàn dựa trên an ninh quốc gia. Bởi an ninh quốc gia của Úc được hiểu là an ninh bao trùm nước Úc nhằm bảo vệ người dân. Còn an ninh Việt Nam thì sao? Khái niệm an ninh của Việt Nam lại chính là an ninh của Đảng cầm quyền (duy nhất – được ghi nhận tại Điều 4 Hiến pháp và Điều 4 Luật An ninh mạng), trong đó, đề ra nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng Việt Nam là ‘đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam’. Nói một cách khác, Luật an ninh Việt Nam có thể tìm kiếm những người phản đối lại chính sách, chủ trương hoặc thực thi một quyền dân sự – chính trị (mà Nhà nước Việt Nam gắn đó là ‘chống lại chính quyền nhân dân), trong khi đó – luật của Úc lại nhằm tìm kiếm các phần tử khủng bố đe dọa mạng sống của người dân. Một quốc gia, người dân có thể chấp nhận sự cắt bớt sự tự do của mình để đảm bảo an ninh cho chính bản thân và cộng đồng khi mà đó là an ninh bao trùm thay vì an ninh có chọn lọc. Và nó không ngăn cản các quyền dân sự, chính trị được Hiến pháp bảo vệ. Cuối cùng, là cách diễn giải luật mơ hồ khiến cho bản thân Luật An ninh mạng Việt Nam làm gián đoạn quyền tự do ngôn luận của người dân. Cụ thể với quy định ‘Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội’, nhưng nếu thông tin đó lại có thật thì sao? Ngoài ra, ‘thông tin sai sự thật’ có thể là nguồn thông tin được bảo mật bởi Luật bảo vệ bí mật nhà nước (Điều 5 – với các lĩnh vực kinh tế). Lúc này, Luật An ninh mạng không những không bảo vệ an ninh quốc gia, mà chỉ bảo vệ cho các chủ trương – chính sách giáo điều, đi ngược lại với tinh thần giám sát cơ sở của người dân. Do vậy, không thể nhập nhằng giữa luật an ninh các nước với Việt Nam, vì cho dù cùng mang tên, mục đích bảo vệ thì nội dung nó lại không đảm bảo tương xứng với cụm từ ‘an ninh’ mà nó đặt ra (khi nó chú trọng bảo vệ quyền lực độc tôn cai trị là chính yếu). Quay trở lại với Luật Mã hóa, luật này cũng bị phản đối mạnh mẽ, bởi nhiều người cho rằng, nó sẽ bổ trợ cho các cơ quan thực thi pháp luật tìm kiếm thông tin không chính đáng, làm suy yếu an ninh mạng bởi sự thiếu sót và hấp tấp trong quá trình soạn thảo; giảm tiêu chuẩn an toàn trong lưu trữ dữ liệu, thương mại điện tử lẫn quyền dân sự của người dân. Thậm chí, Gregory của Đại học RMIT cho Bloomberg biết, hiệu lực của luật có thể sẽ lan rộng ra ngoài các hoạt động khủng bố hoặc tội phạm và vào các cuộc điều tra khu vực tư nhân. Điều quan trọng là hiện Google, Facebook đã tham gia vào nhóm phản đối lại dự luật mã hóa của Úc mang tên ‘Liên minh Môi trường internet an toàn và bảo mật’, trong nhóm này có cả Tổ chức Ân xá quốc tế, Liên minh Truyền thông số, Tổ chức Theo dõi Quyền kỹ thuật số, Amazon,… Chính vì vậy, mặc dù đã thông qua nhưng hiện dự luật này vẫn được Ủy ban hỗn hợp Tình báo và An ninh Quốc Hội xem xét trước khi có hiệu lực trong vòng 2 tháng sắp tới. Ánh Liên Nguồn: Việt Nam Thời Báo  
......

Số người Việt bị Mỹ trục xuất tăng hơn 70 phần trăm so với năm ngoái

   Chính quyền Trump giờ đang diễn dịch lại thỏa thuận năm 2008 giữa Mỹ và Việt Nam bảo vệ những người Việt tị nạn chiến tranh đến Mỹ trước năm 1995 khỏi bị trục xuất. Số lượng người gốc Việt bị Mỹ trục xuất trong năm 2018 tăng hơn 70 phần trăm so với năm trước, theo một báo cáo của cơ quan thi hành di trú liên bang, tiếp tục mức tăng mạnh dưới thời chính quyền Trump vốn đang ráo riết xúc tiến chính sách di trú khắt khe hơn.   Báo cáo được công bố giữa lúc nhiều bản tin của giới truyền thông trong tuần này cho biết chính quyền Trump sẽ tái tục việc trục xuất về Việt Nam một số người tị nạn chiến tranh đến Mỹ trước năm 1995, bất chấp một thỏa thuận mà hai nước đã kí vào năm 2008 cung cấp sự bảo vệ cho những người này.   Trong năm tài chính 2018, Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) đã trục xuất 122 người được xác định mang quốc tịch Việt Nam, tăng lên từ mức 71 người trong năm tài chính 2017, theo báo cáo tổng kết của cơ quan công bố hôm thứ Sáu. Con số này trong năm 2016 là 35 người, 32 người năm 2015 và 48 người năm 2014, năm đầu tiên mà ICE liệt kê cụ thể số lượng người bị trục xuất theo nước mà họ mang quốc tịch.   Không rõ trong số 122 người này có bao nhiêu người đến Mỹ trước năm 1995, thời điểm mà Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao. VOA không thể liên lạc được ngay với ICE để yêu cầu cung cấp con số cụ thể, nhưng BuzzFeed News tuần này cho biết 11 người đến Mỹ trước 1995 đã bị trục xuất kể từ tháng 7 năm 2017, theo số liệu mà ICE cung cấp tại tòa án trong các vụ kiện tụng.   Tuy nhiên trong số 86 yêu cầu trục xuất mà Mỹ đã chuyển cho Việt Nam trong năm nay, chỉ có một yêu cầu được chấp thuận, BuzzFeed News cho biết.   Nguồn: Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) The Atlantic hôm thứ Tư loan tin chính quyền Trump đã tái tục chính sách trục xuất một số người nhập cư gốc Việt mà họ đã lặng lẽ rút lại vào tháng 8. Tạp chí này dẫn lời một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội nói rằng chính quyền Trump giờ diễn dịch lại thỏa thuận 2008 rằng nó không áp dụng cho những người không có giấy tờ hoặc phạm tội hình sự.   Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã gặp các đại diện của sứ quán Việt Nam ở Washington nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết về thời gian và địa điểm, cũng như những gì đã được bàn thảo tại các cuộc thương lượng đó, theo The Atlantic.   “Hiện đang có 5.000 người ngoại quốc từ Việt Nam phạm tội hình sự đã bị kết án với lệnh trục xuất cuối cùng – những người này không phải là công dân Mỹ và đã bị bắt giữ, kết án và cuối cùng bị một thẩm phán di trú liên bang ra lệnh trục xuất dưới thời các chính quyền tiền nhiệm," Katie Waldman, một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa, được dẫn lời nói. “Ưu tiên của chính quyền này là trục xuất những người ngoại quốc phạm tội hình sự trở về đất nước quê nhà của họ.”   Tin tức này đã khơi ra chỉ trích từ các nhà lập pháp Mỹ, phần lớn theo Đảng Dân chủ, đại diện những khu vực đông người Việt sinh sống. Trong một bức thư đề ngày 13 tháng 12, họ mạnh mẽ chống đối việc chính quyền thương thuyết lại thỏa thuận 2008 và hối thúc ông Trump “tôn trọng tinh thần nhân đạo” của nó.   Truyền thông ở Mỹ cũng tường trình dồn dập về diễn biến này trên báo đài tiếng Anh trong những ngày qua, từ vùng thủ đô Washington cho tới khu Little Saigon ở miền nam California. Đa phần những cư dân người Việt được phỏng vấn bày tỏ sự bất mãn, chống đối và lo ngại về những gì có thể xảy ra sắp tới.   “Tôi hoàn toàn không đồng tình với [chính sách đó],” một người phụ nữ nói với đài FOX 5 DC tại khu trung tâm thương mại Eden ở thành phố Falls Church, bang Virginia. “Chúng tôi đóng thuế và giúp hỗ trợ cộng đồng của mình mà.”   Madison Nguyễn, người từng là phó thị trưởng San Jose ở bắc California, được báo The San Francisco Chronicle dẫn lời nói rằng lật ngược thỏa thuận 2008 sẽ làm tan nát các gia đình trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.   “Chuyện đó rõ ràng là đáng hổ thẹn và tàn ác,” bà nói.   Tùng Nguyễn, 43 tuổi, từng bị thọ án 18 năm tù vì dính líu trong một vụ cướp của và giết người năm 16 tuổi, giờ tích cực vận động cho trẻ vị thành niên dính vào vòng tù tội. Bị trục xuất là nỗi lo sợ thường trực của anh.   “Bây giờ Trump muốn tiếp tục gán cho chúng tôi là tội phạm vì điều mà chúng tôi đã làm lúc còn nhỏ,” anh Tùng trả lời phỏng vấn của đài CBS Los Angeles. “Vấn đề là nếu chúng tôi ra tù mà vẫn tiếp tục phạm tội thì rõ ràng chúng tôi đáng phải chịu như vậy. Nhưng 20, 25 năm rồi chúng tôi chẳng phạm tội gì cả, chúng tôi sống cuộc đời bình thường,”   “Điều tôi muốn nói là, hãy nhìn con người tôi bây giờ này,” anh nói. Người Việt hải ngoại 
......

Vinashin, Nguyễn Tấn Dũng và con tàu chế độ

Nụ cưới sắp tắt. Số kiếp của ‘con tàu đắm’ Vinashin vẫn chưa hết thời mạt vận của nó. Lại thêm vài quan chức lãnh đạo của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam đi thẳng từ ‘nhà tù lớn’ vào ‘nhà tù nhỏ’. Trương Văn Tuyến – cựu Tổng giám đốc Vinashin, và Phạm Thanh Sơn – Phó tổng giám đốc SBIC (tập đoàn được đổi tên từ Vinashin), đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, các lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam vào ngày 10/12/2018 để điều tra hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 105 tỉ đồng tiền ngoài lãi suất từ Oceanbank (đồng phạm với Trần Đức Chính, Kế toán trưởng Tập đoàn Vinashin). Một lần nữa, vụ án Ngân hàng Oceanbank và Hà Văn Thắm được khơi lại, nhưng đã chuyển sang giai đoạn 2. Có thể xem vụ bắt Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn là đợt bắt bớ thứ ba dành cho giới quan chức lãnh đạo ‘con tàu đắm’. “Mọi nẻo đường đều dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng” Vào tháng Giêng năm 2018, chỉ vài ngày sau khi kết thúc phiên tòa “Thăng – Thanh” và vào lúc một phiên tòa khác xử Trịnh Xuân Thanh tội “tham ô” gần chấm dứt, chiếc xe thùng cảnh sát của Tổng bí thư Trọng lại tiếp tục đỗ xịch trước cửa nhà Nguyễn Ngọc Sự – cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin. Vào thời điểm đó, vụ khởi tố và tống giam đối với cựu quan chức Nguyễn Ngọc Sự đã đặt ra một dấu hỏi lớn về nước đi mới của Nguyễn Phú Trọng trên bàn cờ ‘đốt lò’: vì sao vụ án Vinashin đã trôi qua đến 7 năm với vụ xử “Phạm Thanh Bình và đồng bọn”, nhưng đến lúc đó được “xới lại”? Việc bắt Nguyễn Ngọc Sự chỉ đơn thuần là phạm trù cá nhân đối với ông Sự hay còn mang ẩn ý muốn nhắm đến một “cái ô” nào đã che chắn cho ông Sự? Thêm vào đó, mặc dù vụ án “Phạm Thanh Bình và đồng bọn” đã trôi qua từ lâu và ông Bình đã phải nhận một mức án vài chục năm tù giam, nhưng vào tháng Tám năm 2017, việc Viện Kiểm sát Phú Yên bất ngờ phê chuẩn lệnh khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Bình đã phát ra tín hiệu về vụ Vinashin chưa kết thúc mà vẫn còn cái hậu của nó. Tháng Tám năm 2017 cũng là thời điểm mà ông Trọng – khi đó mới chỉ là tổng bí thư chứ chưa giành được chức chủ tịch nước – đã phát ra một quyết tâm để đời: ‘Lò đã nóng thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy!’. Cái hậu nào? Và củi nào? Một chi tiết đáng mổ xẻ là khi đưa tin về vụ bắt Nguyễn Ngọc Sự, bản tin của báo Bảo Vệ Pháp Luật có đoạn “Trước đó, ngày 9/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1868/QĐ-TTg, điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Tại PVN, ông Sự là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính của cả tập đoàn. Tháng 8/2017, ông Sự đã nhận quyết định nghỉ hưu, thôi vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy”. Bảo Vệ Pháp Luật là tờ báo phát ngôn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – một cơ quan tư pháp mà trước đó được phụ trách bởi Trần Quốc Vượng – quan chức được xem là ‘đệ ruột’ của Tổng bí thư Trọng, và từ đó tới nay cơ quan này vẫn phát huy truyền thống ‘thân đảng’ chứ không phải ‘thân chính phủ’. Cách đưa tin và có vẻ nhấn mạnh về “Thủ tướng Chính phủ” của báo Bảo Vệ Pháp Luật là khá đặc biệt, bởi thông thường báo chí Việt Nam khi đưa tin về quá trình của các nhân vật này kia thì chỉ viết ‘ông/bà được bổ nhiệm/trở thành…” mà không cần nêu rõ là ai bổ nhiệm. Ở Việt Nam, nhiều người cũng biết rằng “Thủ tướng Chính phủ” vào năm 2012 là Nguyễn Tấn Dũng. Đến khi đó và một lần nữa, “mọi nẻo đường đều dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại là quan chức cao cấp bị xem là phải chịu trách nhiệm về “quả đấm thép” mà sau đó đã trở thành “con tàu đắm” Vinashin. Nguyễn Tấn Dũng đã ‘cứu’ Vinashin như thế nào? Vào thời Nguyễn Tấn Dũng, số nợ của Vinashin đã lên tới khoảng 86 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 4 tỷ đôla, chiếm đến 2,5% GDP vào thời gian đó. Chẳng có cách gì trả nợ nổi, Vinashin đã trở thành một vụ án mang tầm cỡ quốc gia với thật nhiều quan chức tham nhũng và vô trách nhiệm. Nhưng phán quyết của tòa án đã chỉ dừng ở chính giới lãnh đạo Vinashin mà không có bất kỳ quan chức chính phủ nào phải trả giá. Vào năm 2005, Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo chính phủ Việt Nam tìm cách phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu đôla, với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 7,125%/năm. Số trái phiếu này đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Sau đó chính phủ đã cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên. Nhưng khoản vay này không hiểu do nguồn cơn nào mà đã tiêu tán hết, để cuối cùng Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ. Tuy thế, hồ sơ vụ này gần như bị đóng lại. Báo chí chỉ dám hé môi rồi sau đó im bặt. Vào năm 2010, Nguyễn Tấn Dũng lại chỉ đạo chính phủ Việt Nam phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Singapore với lãi suất 6,75%/năm. Số tiền này sau đó được chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn vay lại. Tuy thế, cũng không thấy tăm hơi nào từ số tiền “tái cơ cấu Vinashin”. Doanh nghiệp được mệnh danh là “con tàu đắm” này cứ lần lượt nuốt chửng các khoản tiền khổng lồ. Đến năm 2014, lần thứ ba chính phủ Việt Nam phải tìm cách phát hành 1 tỷ USD trái phiếu. Tuy nhiên lần này có vẻ không còn “thành công” như hai lần trước đó. Đây cũng là thời gian mà những xung đột chính trị trong chính trường Việt Nam trở nên quyết liệt hơn hẳn trên cung đường “lập thành tích chào mừng đại hội 12 của đảng”. Cuối năm 2015, chính phủ thêm một lần nữa cố gắng tạo ra kế hoạch “phát hành 3 tỷ USD trái phiếu đặc biệt ra quốc tế”. Nhưng đến giữa năm 2016 thì kế hoạch này đã hoàn toàn tan vỡ. Từ ‘quả đấm thép’ đến ‘kẻ đổ vỏ vĩ đại’ Đến cuối quý 1 năm 2017, phía chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ Tài Chính lại một lần nữa “tố”: dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63,2 nghìn tỷ đồng, trong khi ‘con tàu đắm’ này tiếp tục cơn ác mộng lâu năm của nó khi tiếp tục lỗ đến 5.000 tỉ -7.000 tỉ đồng mỗi năm. Sang năm 2018, Vinashin tiếp tục kéo chìm nền ngân sách đã cạn kiệt của chế độ cầm quyền khi lỗ gần 3.000 tỷ đồng. Nhưng tình trạng hiểm nghèo ấn tượng hơn cả là tổng công ty này vẫn đang nợ tới 81,7 tỉ đồng tiền lương và 316 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội. Sau một con giáp, món nợ khổng lồ của Vinashin vẫn còn gần như nguyên vẹn, và trách nhiệm phải xử lý không ai khác là “tân chính phủ” của người vẫn còn bị một số dư luận xem là “tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”. Lấy đâu ra số tiền 63 ngàn tỷ đồng để trả nợ cho Vinashin trong 10 năm tới? Hay lại xuất ngân sách để ‘đổ vỏ’? Tình thế hiện thời là vô cùng bế tắc đối với ‘quả đấm thép’ (từ ngữ mà thủ tướng trước đây là Nguyễn Tấn Dũng đã dùng để vinh danh Vinashin). Còn ‘kẻ đổ vỏ vĩ đại’ – một biệt danh mà dân gian đặt cho thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc – hẳn đang không kém bế tắc khi không biết làm cách nào để kiếm tiền trả nợ cho hậu quả để lại bởi thủ tướng Dũng. Vinashin, Nguyễn Tấn Dũng và con tàu chế độ Tình cảnh vẫn như cũ, vẫn hoàn cám cảnh. Vẫn không một khoản nợ đáng kể nào của Vinashin được xử lý. Tất cả vẫn nguyên trạng bế tắc. Hẳn đó là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp mà đã khiến Nguyễn Phú Trọng không thể bỏ qua một chứng cứ rõ như ban ngày và mang tính lịch sử như Vinashin, để vào lúc này và khi cơ hội mở ra chưa từng có vào thời ‘hậu Trần Đại Quang’ nhằm mở rộng vụ Oceanbank hay bất kỳ một vụ án nào khác có liên đới trách nhiệm của thủ tướng tiền nhiệm, nhưng không phải với hy vọng quá lớn về sẽ làm cho ‘con tàu đắm’ khỏi chìm, mà muốn kiến tạo hình ảnh một con tàu sắp đắm khác – ‘con tàu’ mà vì nó ông Trọng đã phải nuốt lệ căm hận tại Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012. Sau vụ trùm mafia tài phiệt và lưu manh Trần Bắc Hà – kẻ được xem là tay hòm chìa khóa của gia đình Nguyễn Tấn Dũng – bị bắt vào cuối tháng 11 năm 2018, cú đánh bồi vào giới cựu lãnh đạo Vinashin lại tiếp thêm một mồi lửa vào cái lò đang dần nóng lên của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng. Nhưng bất chấp cố gắng truy xét quá khứ lẫn truy thu tài sản tham nhũng của những người phe đảng cùng cái gật đầu của một thủ tướng mà đã quá mệt mỏi với cảnh ‘đổ vỏ’, tương lai của nền ngân sách độc đảng và của cả chế độ đính kèm sẽ là một hình ảnh khá tương đồng với “con tàu đắm” Vinashin hiện hồn cách đây hơn một con giáp.   Phạm Chí Dũng – VOA
......

Hoa Vi: Tham vọng thống trị ngành viễn thông của Trung Quốc bị đe dọa

Với vụ lãnh đạo cao cấp của Hoa Vi (Huawei), tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ, kèm theo là một loạt những quyết định hạn chế sử dụng thiết bị của Hoa Vi đến từ các đồng minh của Hoa Kỳ, tham vọng thống trị công nghệ viễn thông của Trung Quốc đang bị đe dọa. Đây chính là thẩm định của nhiều chuyên gia phân tích được hãng tin Pháp AFP ngày 11/12/2018 trích dẫn. Ngay từ trước khi bùng lên vụ giám đốc tài chánh của Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Châu, bị bắt tại Canada, với khả năng bị cho dẫn độ qua Mỹ, tập đoàn Hoa Vi đã bị nhiều nước phương Tây tẩy chay ở những mức độ khác nhau. Đối với ông Paul Triolo, chuyên gia về công nghệ thuộc văn phòng tham vấn Eurasia Group, đe dọa đối với Hoa Vi rất nghiêm trọng vì lẽ: “Nếu mất đi quyền tiếp cận các thị trường béo bở ở phương Tây, Hoa Vi có nguy cơ mất luôn khả năng tăng trưởng để có tiền chi trả cho công việc nghiên cứu và phát triển”, rất cần thiết cho một tập đoàn công nghệ mũi nhọn. Bị đe dọa nhiều nhất là thế hệ thứ năm của công nghệ di động 5G, được cho là sẽ trở thành xương sống của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các nền kinh tế, một trong những lãnh vực mà Bắc Kinh có tham vọng đứng đầu thế giới thông qua kế hoạch “Made in China 2025”. Tuy nhiên, Washington đã hết sức lo ngại trước nguy cơ Bắc Kinh, với công nghệ 5G trong tay, có thể thao túng hệ thống thông tin liên lạc quân sự Mỹ.  Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đặc biệt nghi ngờ Hoa Vi, một tập đoàn do một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc thành lập. Ông James Lewis, một chuyên gia về công nghệ tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington đã minh họa nỗi lo ngại của chính quyền Mỹ bằng hình ảnh của một người xây nhà đã quyết định là sẽ ăn trộm ngôi nhà của chính anh ta xây nên: “Anh ta biết rõ mọi sơ đồ thiết kế của ngôi nhà, hệ thống điện, các ngõ vào, và thậm chí cả chìa khóa.” Bên cạnh nguy cơ mất thị trường, lá cờ đầu của ngành công nghệ viễn thông Trung Quốc có thể bị Hoa Kỳ cấm mua sản phẩm của các công ty Mỹ như Intel hay Qualcomm, từ chip điện tử cho đến các thiết bị tối tân khác mà Hoa Vi rất cần. Cho đến nay sản phẩm của Hoa Vi được cho là lệ thuộc hoàn toàn vào các nguồn cung ứng đó. Theo ông Triolo, tình huống đó “sẽ là thảm họa cho tham vọng công nghệ của Trung Quốc, đe dọa từ Hoa Vi, các nhà thầu phụ cung cấp cho Hoa Vi, cho đến tương lai toàn ngành công nghiệp.” Phía Trung Quốc cũng không che giấu lo ngại. Theo một chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ tại Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, được AFP trích dẫn, một lệnh cấm vận chip điện tử của Mỹ sẽ là một vố “dữ dội” đối với Hoa Vi, “thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với đòn đánh vào ZTE”, một tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc, suýt bị phá sản sau khi bị Mỹ trừng phạt. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đánh giá là “lố bịch” những nghi ngờ của Mỹ đối với Hoa Vi. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng chính chủ nghĩa dân tộc được biểu lộ thái quá của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến phương Tây lo ngại. Ông Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố tham vọng biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ, và vào năm 2015, đã cho thông qua một bộ luật buộc các công ty phải cộng tác với Nhà Nước trong các vấn đề an ninh quốc gia. Theo luật này, với tư cách là một tập đoàn Trung Quốc, dĩ nhiên là Hoa Vi phải phục tùng yêu cầu của Bắc Kinh trên vấn đề an ninh, và như vậy mối lo ngại của phương Tây không phải là không có cơ sở. Trọng Nghĩa Nguồn: RFI Trung Quốc: Tham thì thâm Lời ai điếu cho mô hình Trung Quốc?  
......

Tù nhân lương tâm ở trại Ba Sao: Tù trong tù

Ảnh: Hội Bầu bí tương thân và Quĩ 50k đồng hành với gia đình TNLT Phạm Văn Trội, Hồ Đức Hòa. Đấy là nhận xét của TNLT Phạm Văn Trội nói về anh và những người TNLT trong trại giam Ba Sao (Hà Nam) khi gia đình đến thăm nuôi. Hiện nay, ở trại này đang giam giữ những TNLT mà nhiều người biết đến như Phạm Văn Trội, Hồ Đức Hòa, Lê Thanh Tùng, Vũ Quang Thuận, Phan Kim Khánh... Tính mạng tù nhân lương tâm Hồ Đức Hoà đang nguy hiểm do bệnh trong tù không được chữa trị. https://www.sbtn.tv/tinh-mang-tu-nhan-luong-tam-ho-duc-hoa-dang-nguy-hiem-do-benh-trong-tu/   Hôm 9/12 vừa qua, Hội Bầu bí tương thân đồng hành cùng hai gia đình Phạm Văn Trội và Hồ Đức Hòa đến thăm các anh. Với gia đình Hòa, chúng tôi hẹn nhau tại cổng trại, còn với gia đình Trội, chúng tôi đưa đón vợ và con anh đi thăm chồng, thăm cha. Tất nhiên chúng tôi phải ngồi ngoài cổng trại trong thời gian gia đình các anh vào thăm. Cô Nguyễn Huyền Trang vợ Phạm Văn Trội kể, khi em nói anh và các anh chị đang ngồi ngoài cổng, anh vui lắm, biết anh chị em ở ngoài không bao giờ quên những TNLT đang phải chịu đựng nhiều gian khổ trong trại giam.   AFP Phiên tòa xử các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ ở Hà Nội hôm 5/4/2018 Trong câu chuyện với Trang trên đường về, có thể hình dung ra việc Trội và những anh em TNLT trong trại này đang gặp phải sự đối xử khắc nghiệt. Trang nói, mỗi lần gặp, gia đình được nói chuyện khoảng 1 giờ. Câu chuyện thì nhiều lắm, em có ghi lại cho khỏi quên thì sau đó trại giam bắt hủy nên kể lại không đầy đủ đâu. Theo lời Trang kể thì những TNLT ở trại này đều bị cô lập, không được tiếp xúc với những tù thường phạm khác vì họ sợ tinh thần của TNLT ảnh hưởng đến toàn trại. Các anh không được giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Giờ giấc lao động cưỡng bức cũng rất căng, đúng 8 giờ 1 ngày. Hàng ngày đi làm sớm nên các anh phải dậy từ rất sớm để còn tập thể dục, vệ sinh cá nhân. Công việc là làm đồ mây tre đan. Việc này tuy không vất vả nhưng rất độc hại vì nguyên liệu được ngâm tẩm chất hóa học. Nguyên liệu lại chất đầy trước buồng giam nên không chỉ lúc làm mà suốt ngày các anh hít phải hơi độc. Phòng giam ẩm thấp, bẩn thỉu và thiếu ánh sáng trầm trọng, vì nơi các anh đang ở bây giờ chính là khu biệt giam trước đây Về sinh hoạt rất vất vả. Mùa đông trại không cho nhận chăn, quần áo rét người nhà gửi vào. Mỗi người chỉ được dùng 1 áo ấm. Đồ ăn cũng không được nhận của gia đình gửi vào mà phải mua của trại rất đắt, gấp nhiều so với giá thị trường. Đã phải mua đắt nhưng lại không ngon, chất lượng thế nào thì chịu thế. Anh em rất bức xúc về qui định vô lý của trại nên đã viết đơn gửi ban giám thị yêu cầu giải quyết nhưng 2 tháng tình hình vẫn thế và trại vẫn không có ý kiến gì về lá đơn ấy cả. Trang nhận xét: “Trại này rất có kinh nghiệm quản lý TNLT anh ạ. Nó hành hạ về tinh thần là chủ yếu. Họ kiểm soát ý nghĩ con người rất gắt gao, từng ly từng tí”. Tôi hỏi sao họ kiểm soát được và kiểm soát như thế nào? Cô kể tiếp: Khi nói chuyện với anh Trội, anh luôn bị ngắt lời khi kể về tình hình sinh hoạt trong tù như thế nào. Anh Trội tỏ thái độ phản đối rất gay gắt. Anh bảo: “Tôi sẵn sàng hủy cuộc gặp hôm nay, tôi không cần gặp gia đình nữa nếu không cho tôi nói”. Lúc ấy tay cán bộ đi kèm có nhiệm vụ canh chừng mới hạ giọng và cuộc nói chuyện mới tiếp tục. Trang kể tiếp: “Khi nói chuyện, em có ghi chép lại những gì anh ấy nói vì em sợ không nhớ hết. Sau cuộc gặp, họ bắt em phải lên văn phòng gặp phó giám thị về việc em sử dụng giấy bút ghi chép trong khi thăm gặp, buộc em phải đưa cho họ xem nội dung ghi những gì và họ hủy trước khi em rời trại. Em phản đối và nói không có quy định nào cấm ghi chép khi gia đình thăm gặp tù nhân, các anh làm như thế là bất chấp mọi qui định. Thực ra giấy ấy chỉ ghi lại những gì anh Trội nói rất bình thường thôi nhưng họ làm rất gay gắt. Em ghi được nhiều nhưng chỉ nhớ được mấy ý thôi. Em nghĩ là họ sợ tất cả thông tin này bị mang ra ngoài”. Thì ra, lý do chúng tôi chờ mẹ con Trang rất lâu, từ 9 giờ 20’ tới gần 12 giờ mới thấy mẹ con cô ra là vì thế. Như vậy, việc thông tin giữa tù nhân và gia đình phải chịu 2 lần kiểm soát, một là can thiệp ngay nếu tù nhân nói ngoài ý muốn của họ, hai là không cho người nhà ghi chép lại để những chuyện trong trại giam không lọt ra ngoài. “Em nghĩ những người TNLT như anh Trội không chỉ là trong cảnh tù đầy đâu mà tù trong tù luôn ấy anh ạ. Cho nên về mặt tinh thần của các anh ấy rất mệt mỏi. Anh Trội muốn nhấn mạnh là các anh bị họ cô lập, không cho tiếp xúc với tù thường phạm” - Trang nói. * Trại giam Ba Sao nằm ở một vùng núi đá thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam nên thời tiết rất khắc nghiệt, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng hơn những vùng bình thường khác, gọi là lam sơn chướng khí. Nơi đây đã từng giam hàng nghìn tù chính trị và quân cán binh Việt Nam cộng hòa. Những câu chuyện bi thương về số phận những người tù, Phạm Thanh Nghiên đã viết trong “Ba Sao chi mộ” và Thanh Trúc với bài “Những vong linh tù cải tạo trại Ba Sao” đăng ở RFA. Tuy không nên chỉ căn cứ vào “truyền thống” ấy để suy xét về những TNLT đang bị giam ở trại giam này, nhưng những gì mà Phạm Văn Trội thông tin cho thấy có nhiều điều rất đáng lo ngại cho các anh. Tôi đã tìm hiểu cuộc sống của TNLT ở nhiều trại giam thông qua câu chuyện với gia đình họ, hoặc chính TNLT khi ra tù kể. Mỗi trại giam có những khắc nghiệt khác nhau. Ở trại giam này, có những khắc nghiệt và vô lý riêng của nó. Lối hành xử không theo những qui định chung mà lại làm theo những gì họ muốn. Các nhà ngoại giao ở Hà Nội ngồi xem màn hình buổi xét xử nhà hoạt động Phạm Văn Trội hôm 8/10/2009 AFP Mỗi bản án, trước đoạn tuyên án đều có câu cần phải cách ly phạm nhân ra khỏi xã hội. Nếu chỉ hiểu theo như thế thì trong tù, quyền con người vẫn được đảm bảo. Thế nhưng, trên thực tế, ngoài việc bị cầm tù, họ còn bị tước nhiều quyền khác và bị hành xử cực kỳ vô lý mà không biết kêu ai, trừ kêu với chính những kẻ đã hành hạ họ. Với trại giam Ba Sao, cơ sở nào mà họ ngăn cách TNLT với tù thường phạm? Họ có quyền gì mà không cho tù nhân nhận đồ ăn từ gia đình để buộc phải mua hàng căn tin của trại, dùng căn tin làm công cụ bóc lột tù nhân, tùy ý định giá và chất lượng sản phẩm? Lương tâm họ để đâu mà không cho tù nhân nhận quần áo chống rét từ gia đình? Nếu trại giam Ba Sao làm việc đàng hoàng, tại sao phải cấm tù nhân kể thật về mọi việc diễn ra trong trại?. Phải chăng, chuyện đày ải tù nhân là một bí mật quốc gia? Mới rõ hơn rằng, các anh chị em TNLT không chỉ bị tách ra khỏi xã hội mà còn bị trừng phạt, đày ải. Trong những ngày mưa phùn gió bấc với cái lạnh thấu xương như mấy hôm nay, nghĩ về các anh trong trại giam Ba Sao không đủ đồ chống rét mà rùng mình, thương các anh vô kể và cũng căm giận vô cùng những kẻ đang đày đọa các anh. Việc hành hạ những tù nhân nói chung và TNLT nói riêng mà ở đây là trại giam Ba Sao là những việc làm độc ác, cần phải có nhiều hơn sự lên tiếng của lương tâm tất cả mọi người. Nguyễn Tường Thụy nguyentuongthuy's blog
......

Thì ra Paris xa quá

ẳnh: Một "áo vàng" trong biểu tình ở đại lộ Champs Elysees, Paris, 8 tháng 12, 2018. Lãnh tụ hay nguyên thủ quốc gia khi phát ngôn câu gì đều được người dân lắng nghe và chia sẻ. Câu hay được mọi người gật gù, bàn bạc như một niềm hạnh phúc được đồng cảm giữa người dân và chính quyền, câu dở bị người ta chê bai, đàm tiếu nhưng đặc biệt nếu câu nói ấy xúc phạm, coi thường quyền lợi hay khinh bỉ một ai đó chắc chắn sẽ trở thành lớn chuyện: nhỏ thì gây sóng gió trên báo chí, mạng xã hội, lớn hơn có thể biến thành những cuộc tuần hành chống chính phủ, và nghiêm trọng nhất như trường hợp tại Pháp mấy tuần qua là bạo động, phá hoại và gây thất thoát tài sản quốc gia một cách nghiêm trọng. Phong trào những người Áo Vàng (Gilets Jaunes) nổi lên chống lại Tổng thống Emmanuel Macron đã từng làm tê liệt Paris và nước Pháp trong thời khắc của bất ổn chưa từng thấy. Hàng trăm ngàn người xuống đường phá hoại hệ thống lưu thông, cướp phá những khu trung tâm thương mại sầm uất nhất nước, đốt cháy những di tích văn hóa nổi tiếng thế giới đã làm nước Pháp bàng hoàng, rúng động. Tất cả chỉ vì một hai câu nói thiếu kiểm soát của Tổng thống Emmanuel Macron. Trả lời câu hỏi của một người trẻ về băn khoăn của anh trước vấn đề tìm việc ông Macron đã nói: “Việc làm, chỉ việc băng qua đường là có!” Ông Macron không nói lấy được, ý của ông là việc làm của Pháp hàng năm vẫn cần hơn 300 ngàn người tuy nhiên chỉ là công việc nặng nhọc nên ít ai làm. Ẩn ý này bị phản ứng dữ dội vì dân Pháp cho rằng ông đang lên án một thành phần lười biếng, tốn ngân sách quốc gia và đổ lỗi cho những yêu sách về công ăn việc làm của quần chúng. Câu thứ hai ông cho rằng nước Pháp đã bỏ ra hàng đống tiền vô ích vào an sinh xã hội mà không làm ai thỏa mãn. Ông ám chỉ những chính phủ trước đã chi cho ngân sách đến 57% dành cho các dịch vụ xã hội trợ cấp đủ loại cho người dân. Đây là số tiền lớn nhất thế giới mà chính phủ Pháp đã bỏ ra nhưng vẫn không thỏa mãn những nhu cầu của công chúng Pháp. Câu nói này tuy công bằng nhưng không hợp lúc đã khiến cho sự nghiệp chính trị non trẻ của ông bị thử thách. Khi quần chúng tức giận vì giá xăng leo thang ông Macron không giải quyết cụ thể và ngược lại dùng biện pháp mạnh coi thường đám đông ở những ngày đầu tiên nên ông bị trả giá. Bài phát biểu dài 13 phút của ông tuy được thông cảm của đám đông nhưng phần còn lại trong những nhóm Gilets Jaunes vẫn chưa hả dạ. Sóng gió tuy đã qua nhưng ông Macron chắc chắn sẽ còn gặp những cơn địa chấn khác nếu những gì ông hứa nhưng không làm tròn. Cũng là lãnh tụ, nhưng ở Việt Nam thì khác hẳn. Lãnh tụ của đất nước này không gặp bất cứ phản ứng nào của dân chúng khi phát biểu những lời sai trái hay có tính chất mị dân. Chiều ngày 3 tháng 11, tại Phủ Chủ tịch Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt Đoàn học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc năm học 2017-2018. Nói với sinh viên ông cho rằng “chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay.” Câu nói như tát vào mặt người dân bởi sự thật thì sự nghiệp của giáo dục Việt Nam hoàn toàn khác hẳn. Ông TBT cố tình bỏ qua những yếu kém về năng lực lãnh đạo của ngành giáo dục vì bao đời Bộ trưởng cũng chỉ rặt những tuyên bố rỗng tuếch, không có chính sách cụ thể và đủ thuyết phục làm cho bộ máy vốn trì trệ lại càng ì ạch thêm. Từ chuyện sách giáo khoa, đến học thêm dạy thêm, từ chuyện bạo hành trong trường học giữa cô thầy giáo và học sinh đến chuyện gian lận thi cử. Sinh viên không được huấn luyện tốt trong khuôn viên đại học nên khi ra trường làm đủ thứ nghề để sống sót còn môn học mà họ theo đuổi bao nhiêu năm trở thành vô dụng. Bộ trưởng nào cũng làm cho có lệ trong thời gian tại nhiệm, bỏ đó cho người khác tiếp tục phá hoại rồi tự tâng bốc thành tích của mình và sau cùng là về nhà sống cuộc đời “từ tế”. Ông Trọng trong vai trò là lãnh đạo cao nhất lại không chịu thừa nhận cái mà người dân đang chịu đựng hết ngày này sang ngày khác. Giáo dục là bộ xương phát triển của một quốc gia và nó luôn luôn được mọi chính phủ trên thế giới quan tâm hàng đầu nhưng dưới sự lãnh đạo của ông thế hệ sinh viên là tương lại của đất nước được hệ thống đại học tôi luyện trong những chiếc hộp vâng lời. Thiếu tư duy lành mạnh, không được đi lệch lại bài học nhồi sọ và triết học Mác Lê đã thui chột bao tinh hoa đất nước. Những quan quyền ngồi trong guồng máy có bao nhiêu là thanh niên ưu tú? Hầu như tất cả đều là con ông cháu cha, tiếp tục thừa hưởng những gì mà cha anh họ kiếm chác trên lưng người dân một cách bất minh hết đời Bí thư này sang đời Thủ tướng khác. Vậy mà ông ngang nhiên vinh danh thứ giáo dục vô bổ ấy chỉ thông qua tài năng vâng lời của một nhóm sinh viên có thành tích trong Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ông phớt lờ sự thật là ngoài kia cha mẹ các em học sinh phải cắn răng đóng biết bao thứ lệ phí để con em mình kiếm chút chữ nghĩa làm hành trang vào đời. Biết bao học sinh vùng sâu vùng xa phải lặn lội tìm chữ trong hoàn cảnh đáng thương. Thiếu trường lớp, thiếu cái ăn cái mặc, các cháu như những sinh vật có chung hơi thở với con người nhưng hoàn toàn không giống với trẻ em đồng loại ở những vùng đất khác cùng mang tên Việt Nam. Không lẽ ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước không có phần lãnh đạo ở những nơi này? Làm lãnh đạo ở Việt Nam sướng thật. Họ không hể bị chi phối khi phát ngôn, không cần phải lo nghĩ khi nói sai nói dối với người dân miễn sao nói đúng đường lối của Đảng. Mà ông Trọng đang đại diện cho Đảng nên muốn nói thế nào chẳng được, không như ông Tổng thống Macron của Pháp chỉ sơ sẩy một chút đã mang vào thân biết bao phiền toái có thể mất ghế như chơi. Thì ra dân Việt Nam ít người biết tiếng Pháp quá nên câu chuyện Paris cháy bỏng không gây được sự phản ứng nào trong dư luận của một dân tộc từng bị Pháp đô hộ cả trăm năm? Mặc Lâm Nguồn: VOA  
......

Cộng sản VN lại chơi trò lường gạt thế giới .

Chính vì VN luôn luôn bị nhắc nhở về nhân quyền nên họ mới đưa tinh thần “Đối xử nhân đạo với vật nuôi” vào luật. Để mỗi khi có ai đặt ra vấn đề nhân quyền ở VN thì đã có câu trả lời: Ở VN, vật nuôi còn được đối xử nhân đạo như thế, huống chi con người. "“Súc quyền” và ' nhân quyền" ( Như vậy là còn hơn một năm nữa, súc vật nuôi sẽ được hưởng “súc quyền” qui định ở Luật chăn nuôi vừa được quốc hội thông qua ngày 19/11/2018. Luật này hơn hẳn Pháp lệnh Giống vật nuôi mà nó sẽ thay thế về khoản đối xử nhân đạo với vật nuôi. Theo đó, người chăn nuôi không được phép đánh đập hành hạ vật nuôi, vật nuôi phải ở trong chuồng trại hợp vệ sinh, có đầy đủ thức ăn nước uống, được phòng bệnh và chữa bệnh. Đến ngay cả khâu giết mổ, qui định cũng hết sức nhân đạo như hạn chế gây đau đớn, không để vật nuôi bị sốc về tâm lý (không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ).... Tìm hiểu về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi, người ta không khỏi cảm thấy ngậm ngùi cho số phận con người. Vật nuôi được phòng bệnh và trị bệnh trong khi những tù nhân lương tâm không được nhận chăn, áo ấm người nhà gửi trong những ngày mùa đông lạnh giá. Khi bị bệnh, không được chữa trị hay đi bệnh viện kịp thời. Cảnh 4,5 người chung một giường bệnh ở các bệnh viện là rất phổ biến. Câu chuyện về “súc quyền” đang râm ran trên mạng xã hội với đủ mọi chê bai, giễu cợt. Trong khi nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng, thì Quốc hội thông qua những qui định chặt chẽ về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi. Tôi không nói những qui định ấy là không cần thiết. Có điều là, khi đưa “súc quyền” vào luật, cần phải nghiêm túc xem xét xem nhân quyền đã đảm bảo chưa và cần đưa ra các biện pháp để chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền đã trở thành căn bệnh trầm kha. Pháp lệnh Giống vật nuôi sẽ được thay bởi Luật chăn nuôi khi Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tại sao Luật chăn nuôi lại thêm hẳn một mục về “Đối xử nhân đạo với vật nuôi”? Phải chăng, nhân quyền ở VN đã quá đẩy đủ nên người ta mới có thời gian quan tâm đến gia súc. Tôi cho rằng, chính vì VN luôn luôn bị nhắc nhở về nhân quyền nên họ mới đưa tinh thần “Đối xử nhân đạo với vật nuôi” vào luật. Để mỗi khi có ai đặt ra vấn đề nhân quyền ở VN thì đã có câu trả lời: Ở VN, vật nuôi còn được đối xử nhân đạo như thế, huống chi con người.) Hội Anh Em Dân Chủ Nguồn RFA Dec14-18 https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/animal-right-and-human-rights-12142018094711.html  
......

26 dân biểu Mỹ phản đối TT Trump đòi trục xuất người Việt Nam

WASHINGTON, DC (NV) – Nhiều dân biểu liên bang Hoa Kỳ hôm Thứ Năm, 13 Tháng Mười Hai, gởi thư phản đối chính quyền Donald Trump và yêu cầu tôn trọng thỏa thuận hiện tại với Việt Nam, không trục xuất những người đến Mỹ trước năm 1995. Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, Dân Biểu Alan Lowenthal (Dân Chủ), đại diện Địa Hạt 47 của California, nói: “Sáng nay, tôi cùng với 25 đồng viện khác tại Hạ Viện gởi thư cho Tổng Thống Donald Trump, Ngoại Trưởng Mike Pompeo, và Bộ Trưởng Nội An Kirstjen Nielsen, yêu cầu họ tôn trong thỏa thuận Mỹ ký với Việt Nam năm 2008, theo đó, những người Việt Nam tị nạn đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, không bị trục xuất.” “Tôi rất bực mình và vô cùng khó chịu vì chính quyền Donad Trump tìm cách trục xuất hàng ngàn người Việt Nam,” Dân Biểu Lowenthal nói tiếp. “Cả hai chính quyền George W. Bush và Barack Obama đều thừa nhận tính cách luân lý của thỏa thuận này, để bảo vệ những người tị nạn trong thời chiến tranh Việt Nam đang sống hàng chục năm tại Hoa Kỳ.” Ông cho biết thêm: “Tôi rất tự hào dẫn đầu 25 đồng viện của tôi ở Hạ Viện để phản đối bất cứ cố gắng nào của chính quyền tìm cách tái thương thuyết thỏa thuận với Việt Nam, vì như vậy sẽ gây nguy hiểm cho những người này.” Ông Lowenthal cũng cho biết, sáng Thứ Năm, bản thân ông có gọi điện thoại cho Bộ Ngoại Giao Mỹ lên tiếng phản đối dự định của chính quyền Hoa Kỳ, đồng thời nhắc lại vụ ông Michael Phương Minh Nguyễn, cư dân Orange, đang bị Việt Nam giam cầm từ Tháng Bảy.   Dân Biểu Alan Lowenthal Phóng viên nhật báo Người Việt có hỏi ông, nếu chính quyền Donald Trump vẫn tiếp tục tìm cách trục xuất những người Việt Nam này, liệu ông và các đồng viện của ông có định giới thiệu một dự luật, hoặc làm một điều gì đó, để ngăn chặn hay không. “Chắc chắn chúng tôi sẽ phản ứng. Tuy nhiên, bây giờ Quốc Hội sắp nghỉ Đông, và phải đợi tới Tháng Giêng, 2019, khi khóa 116 nhóm họp, lúc đó mọi thứ mới bắt đầu,” vị dân biểu đại diện vùng Little Saigon nói. “Trước mắt, chúng tôi sẽ ngồi xuống để xem bước kế tiếp là gì. Có thể chúng tôi sẽ mở một cuộc điều trần, yêu cầu đại diện Bộ Ngoại Giao đến để chất vấn. Chúng tôi cũng có thể thông qua một nghị quyết kêu gọi chính quyền tôn trọng thỏa thuận hiện nay.” Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ Ngày 24 Tháng Giêng, 2008, ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, được ông Nguyễn Thế Cường, phát ngôn viên tòa Đại Sứ Việt Nam ở Washington, DC, trích lời cho biết về thỏa thuận trục xuất người Việt phạm pháp ở Mỹ như sau: “Ngày 22 Tháng Giêng, 2008, tại Hà Nội, bà Julie Myers, phụ tá bộ trưởng Bộ Nội An Hoa Kỳ, và ông Đào Việt Trung, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ký một thỏa thuận, theo đó, chỉ nhận những công dân Việt Nam không phải là công dân Mỹ hoặc công dân bất cứ nước nào, trước đây từng sống ở Việt Nam và hiện không sống tại quốc gia thứ ba, vi phạm luật Hoa Kỳ và bị giới chức thẩm quyền ra lệnh trục xuất, sau khi hoàn tất án tù vì phạm tội.” “Thỏa thuận này không áp dụng với công dân Việt Nam đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.” “Chương trình hồi hương sẽ được thực hiện một cách trật tự và an toàn, phù hợp với luật của Mỹ, luật quốc tế, và các điều khoản trong thỏa thuận này, trong khi cũng xét đến vấn đề nhân bản, đoàn tụ gia đình, và các trường hợp đặc biệt của từng cá nhân hồi hương, trong khi tôn trọng phẩm giá của người bị trục xuất.” Một nhà tù của sở di trú, giam những người nằm trong diện bị trục xuất. (Hình minh họa: AP Photo/Ted S. Warren, File) Nhiều dân cử phản đối Cũng trong ngày Thứ Năm, Văn Phòng Dân Biểu Lowenthal gởi cho nhật báo Người Việt một thông cáo báo chí cho biết, trong lá thư gởi cho phía hành pháp, 26 dân biểu viết rằng: “Các điều khoản của thỏa thuận 2008 thừa nhận lịch sử phức tạp giữa hai quốc gia và tình trạng thảm khốc mà sau đó hàng trăm ngàn người Việt Nam bỏ trốn đến Hoa Kỳ tìm tự do và tránh bị đàn áp chính trị sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Nhiều người trong số này từng chung vai sát cánh chiến đấu hoặc hỗ trợ chính phủ Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh.” Lá thư của 26 vị dân cử Mỹ kết luận: “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất cứ cuộc tái thương thuyết nào đối với thỏa thuận này nhằm xóa bỏ điều khoản bảo vệ đối với những người Việt Nam tị nạn, bao gồm cả dự định hủy bỏ thỏa thuận bảo vệ những người Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995, cũng như các điều khoản xem xét mang tính nhân bản đối với tất cả những người khác. Chúng tôi yêu cầu quý vị tôn trọng tinh thần và chủ đích nhân bản bao gồm trong thỏa thuận hiện tại. Nếu không, quý vị sẽ đẩy hàng ngàn người Việt Nam trở lại nơi mà họ bỏ trốn nhiều năm trước đây, làm ly tán hàng ngàn gia đình, và làm ảnh hưởng một cách tệ hại đến các cộng đồng di dân và tị nạn tại Mỹ.” Hôm Thứ Năm, cựu Ngoại Trưởng John Kerry viết trên Twitter như sau: “Đáng khinh bỉ. Trong nhiều năm – từ George H.W. Bush tới John McCain và Bill Clinton – làm việc một thời gian dài để hàn gắn vết thương và quên đi cuộc chiến – bây giờ chính quyền lại quay lưng lại với những người từng trốn khỏi quê hương, những người từng chiến đấu với chúng ta. Chính quyền làm vậy để được cái gì?” Dân Biểu Liên Bang Harley Rouda (Dân Chủ), đại diện Địa Hạt 48, bao gồm một phần Little Saigon, hôm Thứ Tư tweet ra như sau: “Quyết định đơn phương của chính quyền Donald Trump hôm nay nhắm vào việc trục xuất người Mỹ gốc Việt là sai trái và không thể chấp nhận được. Người Mỹ gốc Việt là một bộ phận quan trọng của Địa Hạt 48. Tôi sẽ làm việc với Quốc Hội để phản đối quyết định này.” Ngoài ra, cũng hôm Thứ Năm, một số dân cử địa phương trong vùng Little Saigon, như Thượng Nghị Sĩ California Tom Umberg, Dân Biểu California Tyler Diệp, Giám Sát Viên Orange County Andrew Đỗ, và Nghị Viên Westminster Sergio Contreras đều gởi thông cáo báo chí đến nhật báo Người Việt cho biết rất quan tâm cũng như phản đối dự định của chính quyền Donald Trump trong việc trục xuất người Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995. Nhiều tổ chức phản đối Hôm Thứ Tư, 15 tổ chức cộng đồng và hơn 50 dân cử tiểu bang và địa phương cùng tham gia với hai tổ chức Asian American Advancing Justice (AAAJ) và Southeast Asia Resources Action Center (SEARAC) gởi thư cho tổng thống, ngoại trưởng, và bộ trưởng Nội An, kêu gọi họ ngưng thay đổi bất cứ điều khoản gì trong thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam, liên quan đến trục xuất. AAAJ và SEARAC cho biết, sự thay đổi này có thể làm cho hơn 8,500 người Việt Nam có khả năng bị trục xuất. “Trong nhiều năm qua, thỏa thuận này bảo vệ hàng ngàn gia đình Việt Nam, coi nước Mỹ là nhà từ hàng chục năm qua,” cô Phi Nguyễn, một luật sư phụ trách tố tụng tại AAAJ, được thông cáo báo chí của tổ chức này trích lời cho biết. “Thỏa thuận này bảo đảm những người qua Mỹ trước năm 1995 không bị trả về Việt Nam. Chính quyền chúng ta không nên quay lưng lại với họ.” Chính quyền Donald Trump không công nhận thỏa thuận Hôm Thứ Tư, nhật báo The Atlantic cho biết, chính quyền Donald Trump đang tái khởi động những nỗ lực để trục xuất số di dân Việt Nam vốn là những người sống hợp pháp ở Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua, nhưng có lệnh bị trục xuất. Nhiều người trong số họ đã trốn thoát khỏi đất nước sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Đây là hành động mới nhất trong kế hoạch của Tổng Thống Trump, thực hiện chính sách khắc nghiệt về nhập cư và tị nạn. Theo The Atlantic, việc này chắc chắn sẽ gây nhiều bất ngờ lẫn phản đối bởi vì Tòa Bạch Ốc từng rút lại kế hoạch trục xuất những người này hồi Tháng Tám. Tuy nhiên, bây giờ, chính quyền Trump cho rằng những di dân gốc Việt đặt chân đến Hoa Kỳ trước khi mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia được thiết lập là đối tượng chính của Luật Di Trú, nghĩa là họ nằm trong diện bị trục xuất. Chính quyền của ông Trump vào năm ngoái đã bắt đầu theo đuổi việc trục xuất nhiều người nhập cư bị cáo buộc là những “người nước ngoài phạm tội bạo lực.” Lập trường siết chặt nhập cư mới nhất của chính quyền Trump diễn ra trong bối cảnh thời điểm gia hạn thỏa thuận về trục xuất di dân gốc Việt sắp được gia hạn vào Tháng Giêng, 2019. The Atlantic cho biết, trong năm 2017, Tòa Bạch Ốc đã đơn phương thay đổi thỏa thuận theo hướng nhằm tước bỏ sự bảo hộ đối với những người phạm tội, cho phép chính phủ Mỹ trục xuất một phần những người nhập cư gốc Việt tới nước này trước ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Sau đó, chính sách này bị rút lại vào Tháng Tám vừa qua. Tuy nhiên, phát ngôn viên của tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội cho biết chính phủ Hoa Kỳ một lần nữa muốn đảo ngược tình huống. “Chính quyền Washington hiện tại tin rằng thỏa thuận năm 2008 không thể bảo vệ những người gốc Việt nhập cư trước năm 1995 khỏi khả năng bị trục xuất,” phát ngôn viên yêu cầu không nêu danh tính nói với The Atlantic. Phát ngôn viên tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội nói với The Atlantic, quyết định “lật ngược” này diễn ra trong bối cảnh Bộ Nội An có gặp đại diện Việt Nam tại Washington, DC, mới đây. Tuy nhiên, người này từ chối tiết lộ chi tiết nội dung và thời gian diễn ra cuộc gặp. The Atlantic dẫn lời bà Katie Waldman, phát ngôn viên Bộ Nội An, cho biết hiện có khoảng 8,000 người gốc Việt bị kết án đã có lệnh trục xuất. Họ là những người chưa được công nhận là công dân Mỹ. (Ðỗ Dzũng) ——– Liên lạc tác giả: dodzung@nguoi-viet.com  
......

Tất Thành Cang sắp ‘bị vô lò’ hay đã ‘hạ cánh an toàn’?

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Thông tin ông Tất Thành Cang “xin nghỉ phép không lương” đã khiến nảy sinh hai luồng dư luận trái chiều, cho rằng ông này “sắp bị vô lò” hoặc nghi ngờ “đã hạ cánh an toàn.” Tuy nhiên, chiều ngày 13 Tháng Mười Hai, 2018, xác nhận với báo Thanh Niên, một thành viên trong Ban Thường Vụ Thành Ủy ở Sài Gòn, khẳng định ông Tất Thành Cang, ủy viên Trung Ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành Ủy ở Sài Gòn, vẫn đang “công tác bình thường.” Về việc có hay không chuyện ông Tất Thành Cang nghỉ phép, vị lãnh đạo này cho hay “hình như tuần tới mới nghỉ.” Một thành viên khác trong Ban Thường Vụ Thành Ủy ở Sài Gòn nói thêm: “Nếu có nghỉ phép thì đây cũng là chuyện bình thường vì việc làm đơn nghỉ phép là quyền của cá nhân.” Ông Tất Thành Cang đang được dư luận đặc biệt quan tâm, do có liên quan đến hàng loạt các sai phạm trong công tác mà Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương CSVN đã có kết luận và mọi người đang trông chờ tin ông này bị bắt và khởi tố. Khu đất hơn 30 ha ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè được xác định có “dính” đến sai phạm của cá nhân ông Cang. (Hình: Thanh Niên) Cụ thể, ông Tất Thành Cang, ủy viên Trung Ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành Ủy ở Sài Gòn “đã có những vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 31” của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đề nghị Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương CSVN “ thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Tất Thành Cang.” Ông Tất Thành Cang đã “vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu đảng bộ thành phố; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách đảng bộ thành phố.” Chưa hết, trong thời gian ở cương vị Thành Ủy Viên, ủy viên Ủy Ban Nhân Dân thành phố, giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải Sài Gòn, ông Cang đã “vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.” Nguồn: Người Việt  
......

Bắt Nguyễn Thành Tài để giảm nhiệt Thủ Thiêm

Lại thêm một con chốt thí được đưa lên bàn mổ để minh chứng cho “thiện chí” giải quyết của chính quyền Thành Hồ trong vụ án cướp đất Thủ Thiêm. Ngày 8 Tháng 12, Nguyễn Thành Tài cựu Phó chủ tịch thường trực UBND Thành phố HCM (từ 2011 đến 2015) đã bị khởi tố và bắt tạm giam. Người ta còn nhớ trong buổi tiếp xúc dân oan Thủ Thiêm ngày 18/10 của chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong, chính quyền thành phố đã hứa chắc như đinh đóng cột rằng “sẽ nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra chính phủ… sẽ hoàn tất việc xử lý các đơn vị cá nhân liên quan trước ngày 30/11/2018”. Không ít người tỏ ra nghi ngờ lời hứa và hẹn ấy, vì trong quá khứ thành phố đã hứa quá nhiều lần với dân oan. Hứa để rồi sau đó mang công an, dân phòng, an ninh chìm nổi tới cưỡng chế, đập phá nhà của họ không nương tay. Thế rồi đúng như lịch thông báo, đến cuối tháng 11 thay vì thực hiện lời hứa ngày 18/10, chính quyền thành phố đã lờ đi việc họ phải công bố tội phạm vụ án Thủ Thiêm, cũng như kế hoạch đền bù cho các nạn nhân. Đến hẹn nhưng không thấy ai là người chịu trách nhiệm chính vụ cướp đất kéo dài trên 20 năm này. Mà trên báo chí chỉ thấy 2 anh Nguyễn Thành Tài cựu Phó chủ tịch thường trực Thành phố HCM và bí thư Quận 2 Nguyễn Hoài Nam bị bắt và bị khởi tố về vụ lem nhem “khu đất vàng” 8-12 đường Lê Duẩn, cùng với 2 cán bộ cấp dưới. Theo đó, Nguyễn Thành Tài trong thời gian nắm quyền Phó Chủ tịch đã hành động như một ông lớn toàn quyền. Báo chí phanh phui Tài đã giao đất công “không qua đấu giá”, chấp thuận cho doanh nghiệp “không đủ năng lực tài chính” vẫn được tham gia thực hiện dự án, hoặc cho tham gia dự án sai với quy định. Anh Tài làm theo lệnh ai nếu không phải là từ người đứng đầu hệ thống đảng lúc ấy? Đó là những cái tội mà ngày nay báo mới dám khui ra do được bật đèn xanh từ phía cơ quan điều tra. Trước đó một cựu phó chủ tịch khác là Nguyễn Hữu Tín cũng bị bắt giam do liên quan đến dự án khu đất 2-4-6 đường Hai Bà Trưng và 15 đường Thi Sách mà Vũ “nhôm” đóng một vai trò quan trọng trong vụ án. Thì ra đất đai bao giờ cũng là “nguồn cảm hứng hành động” lớn lao cho cán bộ cộng sản lãnh đạo biết đếm đô-la Mỹ. Cả hai vụ bắt bớ trong giới quan chức Thành Hồ này, tuy ban đầu có gây chấn động nhưng lại không dính dáng gì đến vụ Thủ Thiêm, vốn là vấn đề gây nhức nhối đối với dân oan Thủ Thiêm. Họ đang chờ đợi lời hứa của chính quyền được thực hiện để có thể yên tâm giải quyết đời sống trong dịp Tết cổ truyền sắp đến. Cả hai Tín và Tài đều bị quy trách nhiệm làm sai nguyên tắc, “cố ý làm trái”, cho thuê đất công nhằm để mấy tay đại gia hưởng lợi sau đó cùng nhau chia chác % tiền lại quả. Theo báo chí thì Nguyễn Thành Tài đã đem khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn (trước 1975 là tài sản Công ty Esso Eastern, INC) cho một số công ty thuê với sự hợp tác của Bộ Công thương. Nhưng do không biết làm ăn và chỉ thấy cái lợi trước mắt nên chỉ cho sang lại để kiếm tiền huê hồng còn dự án khách sạn 5 sao ban đầu trở thành dự án trên bàn giấy. Nhưng cũng như những tên sâu mọt khác trong đảng và chính quyền, Nguyễn Thành Tài qua báo chí phỏng vấn trước khi bị tóm cổ cũng thanh minh thanh nga một cách lố bịch rằng… “Không có điều gì tinh khôi 100%. Cho đến thời điểm này tôi cũng tự hào mình không tư túi, không có một đồng một cắc bạc nào để mình bị chi phối”… Cũng có thể cho là phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài nói thật, vì khi lãnh đạo tư túi thì phải bạc triệu đô-la, chứ tư túi một đồng hay một cắc bạc chi cho uổng cái uy danh đạo đức, liêm khiết của cán bộ đảng Cộng sản. Hiện nay chưa có dự án nào được khai triển ở khu đất đó và 5000m2 trị giá gần 2000 tỷ đồng đang là một bãi giữ xe. Sự hoang phí tài sản công cho thấy năng lực quản lý của cán bộ cầm quyền chỉ là con số không. Nay sau khi xử vụ tướng công an chứa bạc lấy xâu, lò ông Trọng hướng về phía Nam nên mấy anh này bị chiếu cố và dính chấu. Tuy nhiên, qua vụ bắt anh Tín và anh Tài cũng cho thấy là anh Trọng ra tay rất bài bản và thấy rõ có phần nương tay cho Lê Thanh Hải. Thứ nhất, bắt giam và khởi tố Tài và Tín thì quá dễ dàng vì đó chỉ là hai con tép riêu, hay nói khác đi chỉ là hai khúc củi mục. Nhưng nó có tác dụng làm cho dư luận trong thời gian này không chú ý đến vụ Thủ Thiêm đang lên cơn sốt mà chỉ chú ý đến hai con chốt thí của cựu bí thư thành uỷ Lê Thanh Hải. Và chính Hải mới là thủ phạm chính gây ra nỗi đau khổ cho gần 20 ngàn dân oan Thủ Thiêm trong suốt một thời gian dài mà chưa bị đụng đến. Nguyễn Thành Tài chỉ  Tất Thành Cang: Tên nầy ăn nhiều sao lại bắt em. Thứ hai, ông Trọng có thể sẽ cho các giới chức Thành Hồ đền bù nhẹ nhàng vụ Thủ Thiêm để dằn mặt Lê Thanh Hải vì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã nắm hết tội lỗi của Hải và đồng bọn. Thông điệp của Trọng đưa ra là nếu Hải biết tội thì phải công tác giúp Trọng giữ yên phía Nam, không được quậy phá. Thời gian này phe Trọng muốn ổn định giang sơn trong 2 năm tới và có thể cho 5 năm tới sau đại hội đảng lần thứ 13. Nói tóm lại, lần lượt bắt Nguyễn Hữu Tín rồi Nguyễn Thành Tài chỉ là dụng kế “Man Thiên Quá Hải” (lừa trời qua biển) của Tôn Tử, ở đây là để lừa gạt người dân một lần nữa. Rõ ràng là ông Trọng lợi dụng thiên hạ chú tâm vào vụ “đất vàng” ở Thành Hồ để làm yên vụ Thủ Thiêm, qua đó bắt chẹt Lê Thanh Hải phải phò phe Trọng trong thời gian tới. Đồng thời cũng buộc Hải phải nhả ra số tài sản khổng lồ mà Hải và đồng bọn đã thu vén được bằng hành động cướp đoạt đất đai của dân qua dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Phạm Nhật Bình
......

Pháp: Nghi can khủng bố đã bị hạ sát

Nghi can xả súng giết ba người tại một khu chợ Giáng sinh ở Strasbourg (Pháp) hôm 11/12 đã chết, kết thúc cuộc đào tẩu kéo dài 48 giờ, Reuters dẫn hai nguồn tin từ cảnh sát cho biết ngày 13/12. Nghi phạm Cherif Chekatt bị hạ sát trong khu vực Neudorf/Meinau thuộc thành phố Strabourg, cách nơi gây án chừng 2km, sau khi cảnh sát mở chiến dịch truy lùng ráo riết với các thành phần tinh nhuệ của cảnh sát quốc gia. Trước đó, nhà chức trách Pháp tuyên bố quyết bắt bằng được nghi can khủng bố này, dù sống hay chết. Lệnh truy nã Chekatt được dịch ra nhiều thứ tiếng. Một trong hai nguồn tin cảnh sát cho Reuters hay Chekatt bị hạ sát sau khi nhả đạn vào cảnh sát khiến cảnh sát bắn trả. Phóng viên Reuters gần hiện trường nghe thấy 4 tiếng súng sau một chiến dịch truy lùng quy mô gồm cảnh sát võ trang và trực thăng. Chekatt là nghi can chính trong vụ tấn công khủng bố hôm 11/12. Nghi can này từng nằm trong danh sách theo dõi như một mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm ẩn. Nhà chức trách cho hay nghi can 29 tuổi này. Tin cho hay Chekatt phát sinh những quan điểm tôn giáo cực đoan trong thời gian bị tù tội. Trước khi hạ sát Chekatt, cảnh sát võ trang mang mặt nạ truy quét các khu dân cư ở Strasbourg, triển khai ra ba địa điểm. Văn phòng công tố Paris cho hay cha mẹ và hai người anh em của nghi phạm đang bị câu lưu. Hai người chị của Chekatt ở Paris cũng bị thẩm vấn hôm 13/12, một người trong số này bị khám xét tư gia, một nguồn tin tư pháp cho hay.
......

Thư giải thích của Ban tổ chức biểu tình UPR ngày 22.1.2019 tại Geneva.

Để rộng đường dư luận, đây là thư giải thích của Ban tổ chức biểu tình UPR ngày 22.1.2019 tại Geneva. Es ist nicht alles Gold was glänzt! Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng! -------------------------- VÀI HÀNG VỀ CUỘC BIỂU TÌNH VÀO NGÀY 22 THÁNG GIÊNG 2019 UPR VIỆT NAM VÀ TẠI SAO CÓ 2 CUỘC BIỂU TÌNH ? Kính thưa quý vị, So với lần kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR Việt Nam (VN) năm 2014, thì UPR VN năm 2019 được người Việt hải ngoại tích cực hưởng ứng, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 25 Hội đoàn ghi tên tham gia vào Ban Tổ Chức (BTC) cuộc biểu tình trước tiền đình Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Genève. Theo lịch làm việc đã được LHQ phổ biến thì Việt Nam sẽ phải báo cáo trước Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vào buổi chiều ngày 22.1.2019 từ 14 giờ 30 đến 18 giờ (buổi sáng là nước ChíLợi). Chúng ta sẽ biểu dương tiếng nói của lẽ phải, của lương tâm, của lòng yêu quê hương từ 13g30, vì đây là thời điểm thích hợp nhất. Qua sự quan tâm và hưởng ứng thật rộng rãi của đồng bào khắp nơi trên thế giới, BTC chúng tôi cũng đã cảm nhận sự hậu thuẫn mạnh mẽ rất đặc biệt của tất cả quý vị so với UPR năm 2014. Nhưng sao lại có thêm một cuộc biểu tình vào buổi sáng do Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền (PTGTTGVNQ) đề xướng và tổ chức? Nhiều người quan tâm, ngay cả các người phụ trách hành chính cho các cuộc biểu tình trong chính quyền Genève (Thụy Sĩ), cũng thắc mắc vì sao có 2 cuộc biểu tình cùng ngày với cùng một mục đích ? Kính thưa quý vị, Nhân dịp UPR về Trung Cộng vào ngày 6.11.2018 vừa qua do người Ngô Duy Nhĩ tổ chức, chúng tôi được biết đến TGTTGVNQ qua anh Ngô Hoàng Phong và chị Trần Kiều Ngọc. Họ nhờ chúng tôi giúp đỡ về các lãnh vực giấy phép biểu tình, phòng ốc sinh hoạt, chỗ ngủ, ẩm thực cho những đồng hương VN đến Genève để tham gia cuộc biểu tình. Ngay sau lần hợp tác tốt đẹp đó, chúng tôi có đề cập với các anh chị lãnh đạo Phong Trào về kế hoạch biểu tình đã được BTC địa phương soạn thảo trước đó hơn 2 tháng cho ngày UPR Việt Nam 22.1.2019, và đề nghị tất cả cùng tham gia vào BTC theo tinh thần lá Thư Kêu Gọi Tham Dự Biểu Tình mà quý vị đã nhận được. Ngày 3.12.2018, chúng tôi nhận được phúc đáp của chị Kiều Ngọc cho biết là nhóm của chị sẽ đứng ra biểu tình riêng vào buổi sáng cùng ngày vì muốn có một tiếng nói riêng. Chúng tôi tôn trọng quyết định này và rất hân hoan trước những làn sóng đòi hỏi cho quyền con người tại Việt Nam ngày càng dâng cao và lan rộng. Trân trọng kính chào. Làm tại Genève, ngày 12 tháng 12 năm 2018 Ban Tổ Chức tại Thụy Sĩ: • Đại diện Hội Người Việt Quốc Gia Lausanne Trần Xuân Sơn, ĐT: +41 79 297 34 26 – Email: info@hoi-nguoivietquocgia-lausanne.ch • Đại diện Ủy Ban Thụy Sĩ – Việt Nam (Cosunam) Nguyễn Tăng Lũy, ĐT: +41 79 398 59 60 – Email: info@cosunam.ch  
......

Berlin: Người Việt tại Đức sinh hoạt nhân 70 năm Tuyên Ngôn QTNQ

Trên đoạn đường đi từ Hamburg về Berlin bầu trời thường âm u, có lúc thì mưa lất phất, lúc thì ào ạt cộng thêm tin tức dự báo thời tiết cho biết buổi trưa hôm nay ở Berlin trời có thể mưa làm ai nấy cũng băn khoăn, lo lắng. Trời giá lạnh hay tuyết rơi vẫn còn có thể trụ được, chứ còn mưa gió thì chỉ tan hàng sớm. Trong xe ai cũng cầu nguyện, mong phép lạ xảy ra. Chúng tôi tới khu Brandenburger Tor lúc 12 giờ 30. Tìm chỗ đậu xe xong, lục tục xách đồ đến quảng trường Paris trước cổng Brandenburg. Một số bà con, anh chi em đã đến đang phụ với ban tổ chức căng biểu ngữ, giương cờ. Một dàn cây dã chiến dài hơn 5 thước đã được dựng lên để mọi người treo hình ảnh của 70 người tù nhân lương tâm đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ trong lao tù.  Ngày thứ bảy 08.12.2018, bầu trời Berlin quang đãng, khô ráo mọi người mừng thầm trong bụng. Cả một rừng cờ vàng tung bay trên khu quảng trường cổng Brandenburg, ba lá đại kỳ được căng ra và giữ bốn góc bởi 4 người. Trên trăm người đã tập họp về đây, từ những địa phương xa hàng 7-8 trăm cây số, các vùng phụ cận gần Berlin khoảng 2-300 cây số và có một số bà con đến từ Đan Mạch và Tiệp (tschechien) để cùng với Liên Hội Người Việt tỵ Nạn tại CHLB Đức và nhiều hội đoàn người Việt ở Đức tổ chức buổi biểu tình kỷ niệm 70 năm ngày công bố bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, cũng như lên tiếng tố cáo hành động vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN. Đúng 13 giờ phần nghi thức khai mạc với phần chào cờ Đức –Việt và một phút mặc niệm tưởng nhớ  công đức tiền nhân đã dày công dựng và giữ nước, những người đã hy sinh tranh đấu cho lý tưởng tự do, dân chủ và sự vẹn toàn của đất nước. Mở đầu buổi biểu tình BS. Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ tịch của LHNVTN tại CHLB Đức trong lời khai mạc có nhắc đến ý nghĩa và nội dung bản TNQTNQ được long trọng tuyên bố ngày 10.12. 1948, ngày thế giới xác nhận các quyền căn bản của con người khi mới sinh ra được hưởng quyền làm người mà không ai có  thể tước đoạt... Bà cũng lên án CSVN vi phạm đàn áp nhân quyền trong nước, cũng như hành động bắt cóc TXT tại Đức là những vi phạm trầm trọng về nhân quyền. Tiếp theo là lời phát biểu của đại diện các hội đoàn khác bằng tiếng Đức, cũng như tiếng Anh lên án và tố cáo sự vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng và có hệ thống của nhà cầm quyền CSVN. Nhân dịp này KS. Nguyễn Thế Bảo, thuộc Hội NVTNCS tại Nürnberg cũng kêu gọi mọi người tham gia ký  tên vào kiến nghị yêu cầu Liên hiệp Âu châu không ký hiệp định EVFTA một khi nhà cầm quyền CSVN vẫn còn những vi phạm về nhân quyền. Xen kẽ những lời phát biểu là những tiếng hô vang phản đối và tố cáo sự vi phạm nhân quyền của đồng bào tham dự biểu tình cùng những bản nhạc đấu tranh. Kết thúc buổi biểu tình là cuộc tuần hành quanh quảng trường Brandenburg. Với cờ vàng  và biểu ngữ trong tay cùng hàng danh sách 70 TNLT Việt Nam, mọi người vừa đi vừa hô to những khẩu hiệu đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam. Sau khi mọi người nhanh chóng thu dọn vật dụng, lượm rác quanh quảng trường, chất xong đồ đạc lên xe để đến hội trường tham dự thánh lễ và hội thảo thì trời đổ mưa ào ạt, như trút nước. Mọi người thở phào nhẹ nhõm và tin rằng lời cầu nguyện xin trời đừng mưa khi đang biểu tình của chúng tôi đã được ơn trên ân chuẩn.   Từ cổng Brandenburg đến hội trường hội thảo không xa nên chúng tôi đến hội trường sớm. Mưa bắt đầu nhẹ hạt nên chúng tôi không bị ướt nhiều khi chuyển đồ vào hội trường. Bà con thật ấm áp khi nhâm nhi ly cà phê nóng và hàn huyên với nhau tại hội trường. Sau đó mọi người được mời sang thánh đường để dự thánh lễ cầu nguyện cho Việt Nam. Cha Antôn Đỗ Ngọc Hà cử hành Thánh lễ, đặc biệt cầu nguyện cho VN chóng có nhân quyền. Cùng các giáo dân đọc lời Chúa, Cha cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm sớm thoát khỏi lao tù và được an lành. Thánh lễ kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau đó Cha Hà đã cùng mọi người chụp vài tấm hình chung làm kỷ niệm. Đặc biệt, một số hình ảnh tù nhân lương tâm đã được để phía trước bàn thờ để nhắc nhở mọi người về tình trạng chà đạp nhân quyền vẫn hiện hữu nơi quê nhà. Ca đoàn Thánh Linh Berlin đã làm không khí buổi Thánh lễ thêm phần trang nghiêm và phong phú với những bài thánh ca rất tuyệt vời. khi kết thúc buổi thánh lễ, nhiều bà con chụp hình lưu niệm với những hình ảnh của các tù nhân lương tâm Việt Nam được đưa ra phía trước ngực để nhắc nhở mọi người không quên những TNLT tại VN. Sau thánh lễ trở lại hội trường để dùng cơm chiều rất thịnh soạn do Liên Hội người Việt Tỵ Nạn tại Đức khoản đãi với những thức ăn do thân hữu hỗ trợ: thịt trứng kho tàu, đồ chua, cà ry gà, bánh ngọt và quít tráng miệng. 18g30 buổi sinh hoạt hội thảo & văn nghệ đấu tranh được bắt đầu bàng nghi thức chào cờ mạc niệm. Sau đó là phần cầu nguyện bình yên cho các tù nhân lương tâm đang bị chính quyền CS giam giữ theo nghi thức phật giáo đã được cụ Nguyễn Đình Tâm chủ trì và phần đốt nến cầu nguyện dưới sự hướng dẫn của LM. Đỗ Ngọc Hà. Tiếp đến BTC cho trình chiếu một số đoạn phim video: - Kỷ niệm 70 năm QTNQ, - Phụ nữ trong đấu tranh và đòn thù - Lời chào mừng của Gs. Stefan Grüne (người đề xướng chiến dịch và là Trưởng nhóm vận động tự do cho các TNLT VN tại Đức quốc) gửi đến Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại tại Đức-Quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (*). Phần hội thảo đã trở thành buổi trao đổi tâm tình của nhà văn Võ Thị Hảo với cử tọa. Sự duyên dáng và thân thiện của Nhà văn Võ thị Hảo đã giúp buổi hội thảo trở nên rất gần và sôi nổi. Trong khi trả lời một câu hỏi, nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng danh xưng Dư Luận Viên mà cho tới nay người ta vẫn thường gọi những người bênh vực cho chế độ CSVN trên không gian mạng là không đúng, vì họ tranh luận với các Fbker thì ít, nhưng chửi rủa, chụp mũ, vu cáo thì lại quá thừa.... Chị Hảo không chấp nhận gọi những người này là Dư Luận Viên, mà phải gọi họ là Vu Cáo Viên mới đúng. Cả hội trường đã cười ồ với ý tưởng dí dỏm này. Nhà văn Võ Thị Hảo Mà đúng thật nếu ngẫm lại thì bọn này thường vu khống giống như công an, tòa án của CSVN vẫn vu khống cho người đi biểu tình chống sự xâm lăng, bành trướng của Trung cộng, phản đối gây ô nhiễm môi trường là phản động, gây rối trật tự xã hội... Thời gian trao đổi 60 phút qua rất mau, cám ơn nhà văn Võ Thị Hảo đã cho mọi người hiểu thêm về những người tuy sống và lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa nhưng sớm nhìn ra bộ mặt xảo trá của cộng sản. Ban Tổ Chức cũng trao tặng Nhà văn Võ Thị Hảo cuốn sách Việt Sử Đại Cương của Gs. Hoàng Cơ Định như một món quà lưu niệm. Sau phần hội thảo là phần văn nghệ do một số anh chị em thuộc ca đoàn giáo xứ tại đây đảm trách. Buổi sinh hoạt chấm dứt vào lúc 22g cùng ngày. Trần Văn ghi lại. -------------------------------------------- (*) Grußwort an die Gemeinschaft der Exilvietnamesen in Deutschland anlässlich des 70. Jahrestages der Allgemeinen Erklärung der Menschenrechte   Sehr geehrte Damen und Herren,                                                                                                                                       liebe Vietnamesinnen und Vietnamesen,   ganz herzlich danke ich Ihnen für die Freude, ein Grußwort an Sie anläßlich des 70. Jahrestages der Allgemeinen Erklärung der Menschenrechte richten zu dürfen.   Zunächst darf ich Ihnen allen herzlich dafür gratulieren, dass Sie sich seit über vier Jahrzehnten, also seit ganz Vietnam im Jahre 1975 von der Kommunistischen Partei beherrscht wird,  ausdauernd und gewaltlos für die Menschenrechte und für die Demokratisierung Ihrer Heimat einsetzen.   In dieser Zeit haben Sie und Ihre Landsleute zusammen mit anderen internationalen Oraganisationen und Initiativen einerseits vieles bewegt und immer mehr Menschen in Vietnam mobilisieren können, gegen soziale Missstände, Korruption, Machtmissbrauch, rücksichtslose Umweltausbeutung und Unterdrückung aufzustehen. Als konkreten Erfolg ist zu nennen, dass im Juni diesen Jahres zwei Menschenrechtsverteidiger nach Deutschland ausgewiesen wurden: Frau Le-Thu-Ha und Herr RA Nguyen-Van-Dai. Wir freuen uns dass auch die Ehefrau von Herrn Van-Dai mitausreisen konnte. Wir wünschen allen drei alles Gute für ihren Neustart in Deutschland. Seien Sie versichert. Wir werden uns weiterhin für die anderen noch in Haft befindlichen Gewissensgefangenen einsetzen!   Neben den ermutigenden Ereignissen müssen wir andererseits aber auch schmerzlich feststellen, dass die Kommunistische Partei besonders seit Anfang 2017 mit aller Härte gegen Blogger, Menschenrechtsverteidiger, Landschützer und Umweltaktivisten vorgeht und drakonische Strafen zur Abschreckung verhängt hat. Beispielhaft möchte ich Herrn Le-Dinh-Luong erwähnen, der am 16. August 2018 wegen angeblicher Gefährdung nationaler Sicherheit zu 20 Jahren Haft und fünf Jahren Hausarrest verurteilt wurde. Das EU-Parlament hat die vietnamesischen Behörden deshalb aufgefordert, Herrn Le-Dinh-Luong unverzüglich und bedingungslos freizulassen und alle Vorwürfe gegen ihn fallenzulassen.   Ich denke auch an die zahllosen Opfer der größten Umweltkatastrophe Vietnams namens FORMOSA im April 2016. Mehrere Hundert Kilometer Küste sind schwerst verseucht. Millionen von Menschen sind deshalb existentiell bedroht. Sie werden mit allen Mitteln daran gehindert, eine gerechte Entschädigung rechtlich einzufordern… Währenddessen geht der De-Facto-Ausverkauf des Landes an China weiter. Die Machthaber Vietnams überlassen dem Nachbar aus dem Norden zunehmend mehr strategisch wichtige Regionen, die sowohl wirtschaftlich als auch militärisch von Bedeutung sind.   Sehr bedenklich finde ich dass der vietnamesische Geheimdienst, zum Teil von deutschen Behörden ausgebildet, Vietnamesen in Deutschland entführt hat, und dass vietnamesische Journalisten in Deutschland bedroht werden.   Auf dem Hintergrund der anhaltenden Menschenrechtsverletzungen in Vietnam, darunter politische Einschüchterung, Überwachung, Drangsalierung von politischen Aktivisten, Journalisten, Bloggern, Dissidenten und Menschenrechtsverteidigern begrüße ich die Unterschriftenkampagne gegen die Unterzeichnung des Freihandelsabkommens zwischen der EU und Vietnam, und wünsche der Initiative viel Erfolg.   Ihrer Veranstaltung anläßlich des 70. Jahrestags der Deklaration der Menschenrechte wünsche ich viele guten Impulse für den Demokratisierungsprozess in Vietnam.   Ihnen und Ihren Angehörigen alles erdenklich Gute!   Mit herzlichen Grüßen   Neustadt an der Weinstrasse, 08.12.2018   Ihr Prof. Dr. Stefan Grüne  
......

Tòa án Đức ra phán quyết giải thể "Liên Hiệp Người Việt Toàn Liên Bang Đức" do Sứ quán CSVN tại Berlin dựng lên

Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức được nặn ra để đại diện cho cộng đồng người Việt trước chính quyền Đức. Việc này đã bị cộng đồng người Việt tại Đức phê phán tố cáo mạo nhận danh nghĩa “đại diện tất cả“ người Việt tại Đức. Nhất là khối người Việt tị nạn cộng sản tại Đức đã tố cáo trước công luận Đức rằng Liên hiệp đã tiếm danh người Việt tị nạn để tìm cách lấy tiền tài trợ của chính phủ Đức. (Từ trái) Đại sứ Đỗ Hòa Bình, Chủ tịch Liên hiệp Nguyễn Văn Thoại, Phó Ban Tổ chức Lê Hồng Cường (biệt danh là Cường Liều và là “quân sư quạt mo” cho ông Thoại) và Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt am Main Trương Xuân Thanh   Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, cán bộ chuyên trách của Liên hiệp, là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 2009, mà ai cũng biết Mặt trận Tổ quốc được lập ra nhằm quản lý các tổ chức xã hội, các đoàn thể, kể cả người Việt định cư ở nước ngoài.   -*-*-*-*-*-   Cách đây 7 năm báo chí trong nước hân hoan đưa tin, sau gần một năm soạn thảo điều lệ và định hướng hoạt động, qua một lần đại hội trù bị, ngày 22 tháng 10 năm 2011 tại hội trường Viethaus (Ngôi nhà Việt) ở trung tâm thủ đô Berlin, Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức (viết tắt là Liên hiệp) đã được thành lập dưới sự chứng kiến của Đại sứ Việt Nam tại Đức Đỗ Hòa Binh và Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt am Main Trương Xuân Thanh.   Trả lời phỏng vấn của tờ Nhân Dân, (tất cả những dòng chữ in đậm màu xanh trong bài, nếu bấm vào thì sẽ được link dẫn đến bài gốc) Chủ tịch Liên hiệp Nguyễn Văn Thoại thú nhận, trích nguyên văn: “Việc thành lập được Liên hiệp là nhờ quyết tâm của cộng đồng, nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ toàn diện của các nhiệm kỳ Đại sứ ở Berlin và Tổng lãnh sự ở Frankfurt. Qua báo NDĐT, tôi xin cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và TLS Frankfurt đã song hành cùng chúng tôi”.       Theo bản tin chính thức trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, thì Liên hiệp được thành lập để đại diện cho cộng đồng người Việt trước chính quyền Đức và Việt Nam. Điều lệ của Liên hiệp cũng ghi rõ, trích nguyên văn:  “Nhiệm vụ của Hội: - Đại diện cho cộng đồng người Việt, phát ngôn chính thức (có tính chất bảo vệ hay tuyên bố quan điểm) trước truyền thông, các tổ chức, các cấp chính quyền Đức và Việt Nam về các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Việt ở Đức hay tại các điạ phương, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các hội thành viên”. Việc này đã bị cộng đồng người Việt tại Đức phê phán tố cáo mạo nhận danh nghĩa “đại diện tất cả“ người Việt tại Đức. Nhất là khối người Việt tị nạn cộng sản tại Đức, lên đến 6 – 7 chục nghìn người, đã tố cáo trước công luận Đức rằng Liên hiệp đã tiếm danh người Việt tị nạn để tìm cách lấy tiền „hỗ trợ xây dựng cơ cấu“ của cơ quan BAMF (Cơ quan nhập cư và tị nạn) của chính phủ Đức.   Thật sự, trong vòng 3 năm, từ cuối năm 2013 đến đầu 2016, Liên hiệp đã được BAMF tài trợ tổng cộng gần 300.000 Euro (bản dịch tiếng Việt đọc ở đây)theo dự án „hỗ trợ xây dựng cơ cấu“ (Strukturförderung) . Số tiền đó được dùng để trả tiền lương tới hơn 4.000 Euro/tháng cho nhân viên chuyên trách lấy từ đội ngũ Ban chấp hành, đó là bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh của hội Vifi ở Bochum. Điểm đáng chú ý là bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 2009, mà ai cũng biết Mặt trận Tổ quốc được lập ra nhằm quản lý các tổ chức xã hội, các đoàn thể, kể cả người Việt định cư ở nước ngoài.   Muốn biết rõ về những mờ ám tài chính của Liên hiệp, thì có thể đọc thêm bài báo “Liên hiệp người Việt toàn LB Đức: Khi đồng Euro làm "tối mắt“ các vị lãnh đạo“ Tòa án Đức ra phán quyết giải thể Liên hiệp   Ngày 27.11.2018 Tòa án Charlottenburg -bộ phận phụ trách hồ sơ pháp lý của các hội đoàn đăng ký tại Berlin- đã ghi vào hồ sơ Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức (đoạn trong khung màu đỏ trong ảnh chụp văn bản ở dưới): “Căn cứ vào điều § 42 Bộ luật Dân sự (BGB) thì Liên hiệp bị buộc phải giải thể qua Quyết định đã có hiệu lực của tòa án bác bỏ việc mở thủ tục phá sản vì Liên hiệp thiếu hụt tài sản để chi trả phí tổn của thủ tục”. Văn bản về việc Liên hiệp bị giải thể của Tòa án Charlottenburg, bộ phận phụ trách hồ sơ pháp lý của các hội đoàn đăng ký tại Berlin. Quyết định mà đã dẫn đến hậu quả Liên hiệp bị giải thể là Quyết định ngày 20.08.2018 của tòa án Berlin về phá sản (cũng nằm trong tòa án Charlottenburg) với số hồ sơ AZ: 36b IN 2714/18. Nội dung của Quyết định này là tòa án bác bỏ việc mở thủ tục phá sản nhằm thanh lý những tài sản còn lại của Liên Hiệp để thanh toán nợ nần (theo điều § 26 của Luật phá sản), vì Liên hiệp không còn có khả năng chi trả (zahlungsunfähig) và bị vỡ nợ (überschuldet). Quyết định của Tòa án về việc Liên hiệp không có khả năng chi trả và bị vỡ nợ Để tránh bị bắt buộc phải giải thể, Chủ tịch Liên hiệp là ông Nguyễn Văn Thoại đã lập tức đưa đơn Khiếu nại (Beschwerde) chống lại Quyết định nêu trên. Đơn Khiếu nại này đã được chuyển lên tòa án cấp cao hơn để xét xử, đó là Tòa án bang Berlin (Landgericht Berlin).   Ngày 01/11/2018 Tòa án bang Berlin đã ra Quyết định bác đơn khiếu nại của Liên hiệp và Quyết định này có hiệu lực pháp lý ngay lập tức, không còn có thể đảo ngược được. Như vậy, Tòa án bang Berlin khẳng định, Liên Hiệp không có khả năng chi trả (zahlungsunfähig) và bị vỡ nợ (überschuldet), cho nên tòa án đã bác bỏ việc mở thủ tục phá sản (nhằm thanh lý những tài sản còn lại của Liên Hiệp để trả nợ nần) vì thiếu tài sản (theo điều § 26 của Luật phá sản).   Hậu quả pháp lý thứ hai là BCH có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân trước chủ nợ   Quay trở lại sự kiện Liên hiệp bị phá sản. Quyết định của Tòa án về việc Liên hiệp không có khả năng chi trả và bị vỡ nợ đã dẫn đến một hậu quả pháp lý là Liên hiệp bị giải thể. Tòa án Charlottenburg, nơi phụ trách hồ sơ pháp lý của các hội đoàn đăng ký tại Berlin, đã áp dụng điều § 42 khoản 1 của Bộ luật Dân sự (BGB) CHLB Đức để giải thể Liên hiệp: Bản dịch khoản 1: Bộ luật dân sự (BGB) CHLB Đức § 42 Phá sản   Hiệp hội bị giải thể qua việc mở thủ tục phá sản và qua quyết định đã có hiệu lực pháp lý về việc bác bỏ thủ tục phá sản vì thiếu hụt tài sản.   Ngoài hậu quả pháp lý là Liên hiệp bị giải thể, một hậu quả pháp lý thứ hai là những thành viên Ban Chấp Hành Liên hiệp có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân trước chủ nợ (phải trả nợ với tư cách cá nhân và bồi thường cho chủ nợ). Đó là cũng căn cứ vào điều § 42 của Bộ luật Dân sự (BGB), nhưng ở khoản số 2:     Trong trường hợp mất khả năng thanh toán hoặc nợ quá hạn, Ban Chấp hành phải làm đơn mở thủ tục phá sản (tức là phải khai phá sản). Nếu việc đặt đơn (khai phá sản) bị trì hoãn, thì các thành viên của ban Chấp hành mà có lỗi (trong việc chậm trể này) phải chịu trách nhiệm trước chủ nợ về những thiệt hại phát sinh; họ phải gánh trách nhiệm với tư cách là người mắc nợ chung.   Hậu quả pháp lý thứ ba là Ban Chấp Hành có thể bị phạt tù   Theo điều §15 khoản 1 của Bộ luật Phá sản thì trể nhất là 3 tuần sau khi mất khả năng thanh toán hoặc nợ quá hạn, Ban Chấp hành phải làm đơn mở thủ tục phá sản (tức là phải khai phá sản). Nếu không thì bị coi như là trì hoãn việc khai phá sản: Hầu như tất cả những trường hợp bị coi như là trì hoãn việc khai phá sản, tòa án phá sản (thuộc tòa án dân sự) đều chuyển hồ sơ qua Viện Công tố (Staatsanwaltschaft) để điều tra về hình sự.   Chủ tịch Nguyễn Văn Thoại và Ban chấp hành Liên hiệp chắc chắn bị coi như là trì hoãn việc khai phá sản, vì từ trước cho đến nay chưa hề làm đơn khai phá sản cho Liên hiệp. Căn cứ vào điều §15 khoản 4 của Bộ luật Phá sản, thì Chủ tịch Nguyễn Văn Thoại và Ban chấp hành Liên hiệp có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt tối đa 3 năm tù về hình sự. Trong trường hợp cẩu thả, chểnh mảng (tức là không cố tình trì hoản việc khai phá sản) thì bị phạt nhẹ hơn: tối đa 1 năm tù (điều §15 khoản 4 của Bộ luật Phá sản).   Để biết tường tận nhiều chi tiết, độc giả có thể đọc thêm bài báo “Diễn tiến Liên hiệp Người Việt bị giải thể và hệ lụy”   Linh Nhân (Tổng hợp)    
......

Anh Trọng vẫn kiên định

Trong công cuộc chuẩn bị cho đại hội XIII sắp tới, anh Trọng nói dài lắm. Nhưng tóm tắt nội dung sơ sơ là vẫn kiên định theo cái con đường mà đảng của anh đã chọn để đưa đất nước đi đâu thì Nam cũng không biết nữa. Thấy bảo là XHCN gì đó. Mà anh ấy bảo là đến hết thế kỷ này chắc gì đã có XHCN ở Việt Nam. Chính mồm anh Trọng bảo vậy đó. Nghĩa là còn hơn 80 năm nữa đó. 80 năm qua rồi với bao banh bét, giang sơn và dân tộc đã nát tan, lầm than vậy mà thêm 80 năm nữa thì toi à? Mà chắc quái gì cái chế độ này đã thọ được vài ba năm nữa mà kiên với chẳng định.   Anh Trọng bảo bọn thù địch, bọn phản động nó cứ tung hỏa mù bảo là phải thay đổi hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng. Nhất là sắp tới đại hội thì lại càng lắm chuyện. Và anh Trọng nói là nhất quyết kiên định chỉ có độc đảng, không có đa nguyên đa đảng hay sửa đổi hiến pháp gì sất.   Thấy trong bài báo nói rằng bọn thù địch nó cứ lợi dụng tiêu cực, tham nhũng...để đổ vấy cho chế độ. Báo chí mất dạy. Chế độ này nhìn chỗ nào chẳng thấy tiêu cực. Mà bản chất cái chế độ này nó đã là một tiêu cực cho đất nước, cho dân tộc rồi. Tại nó mà Việt Nam mới thành ra như ngày hôm nay. Tại sao lại đổ lỗi cho cá nhân ở đây được. Chế độ dung túng, bao che, là đồng lõa, là vỏ bọc cho sâu mọt, mà lãnh đạo thằng quái nào chẳng là sâu mọt. Vậy thì tại sao nói là đổ vấy? Chẳng qua là báo chí nhà nhà nước cứ bịp bợm chứ tôi nói thẳng kể cả cái mặt anh Trọng kia cũng đầy tiền, toàn tiền bẩn. Anh giỏi anh kê khai tài sản đi. Chúng ta nên hiểu rằng là bản chất của chế độ này nó là xấu xa, là bình phong cho sâu mọt cho nó nhanh.   Rồi lại nêu thành quả kinh tế bằng việc so sánh hiện tại với bao cấp. Bao cấp do cái đảng khỉ này nghĩ ra chứ còn gì nữa. Tự mình ỉa vào mặt mình à. Nói là trước khổ lắm, giờ thu nhập 2.500 USD một năm rồi. Tự lấy mình trong quá khứ để so sánh với hiện tại là bịp bợm, là thủ dâm chính trị. Phải nhìn xem thế giới họ đi đến đâu rồi. Xem mình bằng bao nhiêu của họ chứ. Chẳng lẽ đến năm 2035 thu nhập là 10.000 USD xong quay lại bảo ối giới tăng gấp 4 lần rồi, thành rồng thành hổ rồi, bằng thế giới rồi. Xin lỗi lúc đó thế giới nó thu nhập khéo bình quân cả trăm nghìn. So thế mà so. Cả một trung ương đảng ngồi tự sướng với nhau xong lại còn kiên định rồi tung lên truyền thông nói phét. Không biết ngượng à?   Sai lè lè ra kiên định đến bao giờ. Đất nước cũng đào xới tan hoang, tài nguyên thì cạn kiệt, môi trường thì ô nhiễm, xã hội thì như một nồi cám lợn, chuẩn mực đạo đức mất sạch, nợ nần chồng chất, thuế má cao ngất ngưởng, dân đói ngêu ngao, oan ức ngút trời, quan chức thì lếu láo, đảng thì nói phét hết ngày này qua tháng nọ, tham nhũng thì tràn lan, lãng phí tiền dân vung vô tội vạ, ăn xin khắp thế giới, tên kẻ thù không dám gọi, để mất bao nhiều biển đảo, lãnh hải, lệ thuộc vào kẻ thù Trung Quốc....đấy, thành quả của chế độ cộng sản đấy. Kiên định với chẳng mác le ho. Tôi sợ đôi năm nữa các anh cộng sản lại ngồi trong song sắt tự sướng rồi cười kiên định với nhau ấy chứ. Anh Trọng nhể./.  
......

CUỘC ĐỜI CHỊ NGA, NGƯỜI PHỤ NỮ VỪA NHẬN ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG LÊ ĐÌNH LƯỢNG

Bài viết dưới đây của tác giả Đoan Trang sẽ giúp bạn phần nào hiểu về chị và những điều chị đã làm. Một trong các lý do khiến công luận ít biết tới Thúy Nga là bởi vì chị vốn rất ít nói về bản thân mình, họa hoằn lắm chị mới tâm sự chuyện đời mình với một người bạn thân thiết, cũng là nhà hoạt động nhân quyền, là Mai Phương Thảo (Thảo Teresa). Hầu như không ai biết Nga có cuộc đời riêng vất vả, gian nan đến mức nào và con đường nào đã đưa chị trở thành một người bảo vệ nhân quyền, đồng thời bị coi là tội phạm chính trị với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Thúy Nga tên thật là Trần Thị Nga, sinh ngày 28/4/1977 tại tỉnh Hà Nam, trong một gia đình nghèo khó và đông con. Chị là con thứ ba trong bốn anh chị em. Mẹ mất khi Nga mới hơn 10 tuổi, bố đi bước nữa, Nga chỉ học hết lớp 7 rồi phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Năm 19 tuổi, chị lấy chồng – một người đàn ông nghiện ngập và vũ phu, nhiều lần đánh đập vợ. Cuộc hôn nhân kết thúc nhanh chóng. Nga bế hai con trai – đứa ba tuổi, đứa một tuổi – rời khỏi nhà chồng. Mai Phương Thảo kể lại, khi ấy Nga không một xu dính túi. Về quê, được bà chị họ bán quán nước nhượng cho mấy cái ghế, Nga đem bán gấp để mua lấy năm cân gạo, trong đó ba cân chị đem tráng bột làm bánh cuốn bán rong, hai cân thì xay nấu cháo trắng với muối cho con ăn. Ngày đầu tiên chị bán được khoảng 17-18.000 đồng bánh cuốn, kể từ đó chị cắp mẹt bánh cuốn bán rong nuôi con. Cuộc sống của người mẹ trẻ đơn thân chưa bao giờ dư dả. Cuối cùng, Nga vay một số tiền lớn, xin đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan, để hai con trai lại cho nhà ngoại. Thật không may là chỉ mới làm việc ở Đài Loan được vài tháng thì chị bị tai nạn giao thông rất nặng, vỡ xương chậu, phải nằm viện gần một năm trời. Trong khi đó, công ty từng ký hợp đồng đưa Nga sang Đài Loan cũng lờ luôn, không trả cho chị khoản tiền bảo hiểm thân thể và an toàn lao động mà chị lẽ ra phải được nhận. Chính vì vậy mà sau khi bình phục, được sự giúp đỡ của một linh mục người Việt ở Đài Loan, chị bắt đầu con đường đấu tranh cho quyền lợi của mình và của những công nhân lao động xuất khẩu ở xứ người. Đến lúc ấy, chị mới mầy mò vào mạng, tìm hiểu về tình hình chính trị-xã hội của đất nước thông qua các trang báo “lề trái”, rồi đọc thêm về dân chủ, nhân quyền, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, các vấn đề đất đai, biên giới, chủ quyền biển đảo, v.v. Nga chỉ đòi được một phần số tiền bảo hiểm từ công ty nọ. Tuy nhiên, như sau này chị tâm sự với bạn, khoản tiền ấy không quan trọng bằng việc nhờ đấu tranh mà chị đã thay đổi nhận thức, nhìn ra thực trạng xã hội để bắt đầu đấu tranh vì sự thay đổi. Khoảng năm 2008, Thúy Nga trở về nước và tiếp tục làm thuê, bán hàng, kinh doanh nhỏ kiếm sống, nhưng kể từ đó chị cũng chính thức dấn thân vào con đường hoạt động của một người bảo vệ nhân quyền – tức là người đấu tranh để bảo vệ quyền con người trong xã hội. Hoạt động nhân quyền là làm gì? Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), người bảo vệ nhân quyền là người có hành động nhằm thúc đẩy hoặc bảo vệ nhân quyền, một cách độc lập hoặc có phối hợp, liên kết với những cá nhân khác. Khái niệm này tính cả đến những người hoạt động trên mạng (tức các blogger, facebooker), và công việc bảo vệ nhân quyền bao gồm cả việc báo cáo, phổ biến, phát tán thông tin về các vụ vi phạm nhân quyền, đấu tranh đòi chính quyền phải minh bạch và nâng cao chất lượng quản trị, cũng như theo đuổi công lý, chống oan sai, v.v. Căn cứ định nghĩa đó, Thúy Nga chính xác là một nhà hoạt động nhân quyền. Trên thực tế, chị cũng là một trong những gương mặt đấu tranh nhân quyền mạnh mẽ nhất ở miền Bắc. Khởi đầu là trực tiếp theo đuổi việc khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi của người Việt lao động xuất khẩu ở Đài Loan, tiếp đến, chị tham gia biểu tình chống bá quyền Trung Quốc (năm 2011-2012 ở Hà Nội), rồi in ấn, phổ biến tài liệu, tờ rơi giải thích về quyền con người. Song song với đó, chị cũng tận dụng mạng xã hội (facebook, youtube) để lên tiếng một cách công khai và rất gay gắt chống tham nhũng, lạm quyền, bất công. Khác với Mẹ Nấm, Thúy Nga không phải là người khởi xướng ra những phong trào trên mạng (như “Chúng tôi muốn biết” hay “Chúng ta là một” [We are one]). Chị cũng không chuyên sâu vào đấu tranh vì một thứ quyền con người cụ thể nào như quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp hay quyền được xét xử công bằng. Nhưng chị lại tham gia đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực: từ biểu tình chống bá quyền Trung Quốc, đến tuần hành bảo vệ cây xanh, đến đòi hỏi điều tra nguyên nhân thảm họa môi trường miền Trung, từ chống công an bạo hành dân thường, đến ngăn chặn việc thi hành những án tử hình oan uổng, v.v. Chị góp mặt liên tục, gần như cứ thấy bất kỳ trường hợp nào có dấu hiệu dân chịu bất công, oan sai, là chị đấu tranh. Thậm chí, nhà Nga ở mặt đường, hễ thấy cảnh sát giao thông thổi còi vô lý để đòi mãi lộ là chị lập tức xông ra cãi đến cùng để bênh vực, bảo vệ người bị vòi tiền. Hàng xóm của Nga có lần nói vui: “Vô phúc cho ông công an giao thông nào muốn kiếm chác mà bắt người trước cổng nhà cái Nga, chỉ có mà ăn cám”. Cuối năm 2014, Nga phát hiện việc tử tù Hồ Duy Hải sắp bị xử tử oan. Bằng một cách nào đó, chị là người đầu tiên tiếp cận thân nhân Hồ Duy Hải và đi đầu khởi xướng phong trào ngăn chặn việc thi hành án để cứu một mạng người rất có thể vô tội. Cùng với một số nhà bảo vệ nhân quyền ở Hà Nội (như Trương Văn Dũng, Mai Phương Thảo, Trịnh Anh Tuấn…), chị in băng-rôn, biểu ngữ, tổ chức tọa kháng phản đối án tử hình, đồng thời, tích cực đưa tin về vụ việc trên facebook cá nhân, rồi hướng dẫn gia đình các tử tù có dấu hiệu oan sai đi đưa đơn khắp Hà Nội kêu cứu. Họ đưa đơn tới cơ quan nào, chị cũng nhiệt tình đi cùng hỗ trợ, bảo vệ, động viên. Cũng cần phải nói là các cơ quan nhà nước – như Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân, Quốc hội – luôn tỏ ra là những chốn rất cao xa, bất khả tiếp cận, đối với dân thường thấp cổ bé họng, nhất là người nghèo ở các tỉnh. Không có sự sát cánh giúp đỡ, an ủi của những nhà hoạt động như Thúy Nga, không chắc dân đen đã “dám” vào chốn ấy mà “đáo tụng đình”. Tinh thần hết lòng bảo vệ nhân quyền và công lý, đấu tranh đến cùng vì quyền con người ấy đã khiến Nga và các bạn của chị tạo tiếng vang lớn cho ba vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, góp phần ngăn chặn việc tử hình ba mạng người bất chấp những sai phạm rõ ràng về tố tụng (năm 2014-2015) Dữ dội và can trường Tính Nga thẳng thắn, cứ thấy chướng tai gai mắt, bất công, người yếu thế bị thiệt thòi, là chị lại lên tiếng. Và trong quá trình ấy, chị không ngại “văng vào mặt” cán bộ, công an – những người đại diện cho các cấp chính quyền – những lời lẽ gay gắt nhất, xóc óc nhất. Chẳng hạn, một trong các clip đăng trên Youtube của chị lấy tiêu đề: “Hết tiền trả lương, đảng Cộng sản móc họng dân bằng cách tăng 5 nghìn 1 lít xăng phí môi trường”. Một clip khác nói: “Phản động là gì? Phản động là cái băng vệ sinh của người phụ nữ”. Các clip lại còn đạt số lượng view rất lớn, đạt mức hàng chục ngàn, ví dụ clip “Tòa trả đơn – Công an đổ quân, dựng hàng rào” có tới hơn 70.000 lượt xem. Nhà của Thúy Nga là nơi chị dán đầy những khẩu hiệu phản đối Formosa, chống tham nhũng, đòi dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Công an, dân phòng kéo đến giật xuống, chị lại dán lại, cứ thế hai bên giằng co mãi. Có thể đọc được sự uất ức của lực lượng an ninh và chính quyền địa phương, khi mà bản kết luận điều tra của cơ quan an ninh và cáo trạng ngày 25/5/2017 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Nam kết tội Thúy Nga “lợi dụng sự cố môi trường biển xảy ra tại các tỉnh miền Trung và sự khó khăn trong công tác quản lý xã hội của một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện hành vi phạm tội”, “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, “gieo rắc sự nghi ngờ, bất mãn với chính quyền nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, v.v. Nhưng, lại cũng có thể hiểu được sự dữ dội và gay gắt trong thái độ và đường lối đấu tranh của Thúy Nga, nếu biết rằng bản thân chị cũng là một nạn nhân của tình trạng bạo lực và vi phạm nhân quyền từ phía những người thừa hành pháp luật. Từ khi trở về nước, nhất là kể từ khi bắt đầu tham gia biểu tình (năm 2011) cho đến trước khi bị bắt vào ngày 26/1/2017, Nga đã hàng chục lần bị công an bắt vào đồn, bị đánh đập đến hộc máu mũi máu miệng, bị ném đủ chất bẩn vào người. Thậm chí, bé Tài – đứa con trai thứ tư của chị – đã bị ăn đòn của an ninh từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Ngày 25/5/2014, chị bị 6 thanh niên dùng tuýp sắt đánh gãy xương bánh chè, phải mổ nhưng sau đó vẫn tập tễnh, có lẽ thành tật suốt đời. Nga cũng từng tố cáo một nhân viên an ninh phụ trách tôn giáo ở tỉnh Hà Nam, tên Công, đấm và nhổ nước bọt vào mặt chị. Tính cách mạnh mẽ, dữ dội, đường lối đấu tranh trực diện của Nga làm chính quyền giận dữ và có thể bị coi là phản cảm. Tuy vậy, sự thẳng thắn, can đảm lại cũng là một cách tiếp cận khiến một số đông dân chúng, đặc biệt là giới bình dân, hiểu được vấn đề nhanh nhất và vượt qua nỗi sợ hãi. Một bằng chứng là các nhân viên an ninh theo dõi chị thường phải “núp lùm” chứ không dễ kiếm được chỗ ngồi canh gác nhà chị công khai, vì không được dân chúng xung quanh ủng hộ, “tạo điều kiện” cho làm việc. Mai Phương Thảo, bạn của Thúy Nga, kể: “Hôm Nga bị bắt, tôi ra chợ mua đồ ăn cho hai thằng Phú, Tài con trai Nga. Dân trong chợ họ lao xao bảo, ‘cô này là bạn cô Nga đấy, ai chứ bạn cô Nga thì phải bán cho ngay, bán đồ ngon’. Cuối cùng, người ta nhất định không lấy tiền, cứ bảo mang về cho hai thằng bé. Đấy, đó là những gì Nga làm được. Khai dân trí cho rất nhiều người ở một vùng quê để họ nhận thức ra được thực trạng xã hội, có lẽ đó là công lao lớn nhất của Nga. Cô ấy là một tấm gương để mọi người nhìn vào mà vượt qua nỗi sợ hãi”. Thúy Nga đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhân quyền theo cách riêng của chị như thế: rất thẳng thắn, đơn giản và thực tế, không nhiều lý thuyết, khái niệm. Con người cầu thị Nếu so sánh với Mẹ Nấm, có thể nói, ban đầu khi mới tham gia hoạt động nhân quyền, do ăn mặc xuềnh xoàng, hành xử và dùng ngôn từ bỗ bã, sẵn sàng văng tục khi đối diện công an, Thúy Nga không gây được thiện cảm với giới trí thức, bị đánh giá là “ít học”, “văn hóa thấp”. Tuy thế, kể từ cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội (tháng 4/2015), người ta đã thấy một Thúy Nga khác hẳn, khi chị xuất hiện trong tà áo dài màu xanh, không chửi bới và luôn giữ nụ cười trên môi, kể cả khi bị công an trấn áp, khiêng lên xe buýt. Bức ảnh “nụ cười Thúy Nga” là một trong những bức ảnh đẹp nhất của chị và của phong trào cây xanh năm 2015 tại Hà Nội. Sau đó, chị tiếp tục thể hiện là một người rất cầu thị, cầu tiến, ham học hỏi. Ngoài vốn tiếng Đài đã có, chị tự học thêm tiếng Anh. Chị lắng nghe góp ý của bạn bè, người thân nhiều hơn và luôn tránh xa mọi cuộc tranh cãi, đôi co trên mạng. Tiếc là hình ảnh của Thúy Nga cải thiện chưa được bao lâu thì chị đã bị bắt khi chỉ còn sáu ngày là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu (ngày 26/1/2017). Phiên tòa sơ thẩm ngày 25/7/2017 của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam kết án chị chín năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Dù gì đi nữa, Thúy Nga vẫn là một nhà bảo vệ nhân quyền nhiệt thành, can đảm, bởi chị đã dùng chính cuộc đời mình, con người mình để thể hiện cái tinh thần: Hễ thấy bất công là phải chống đến cùng, hễ thấy chính quyền làm sai là dân phải đấu tranh, không sợ hãi. 18/12/2017 Đoan Trang Nguồn: Luật Khoa Tạp Chí  
......

‘VN thực hiện xong 96,2% khuyến nghị nhân quyền’ nghĩa là gì?

Đến hẹn lại lên. Sau khi nộp Báo cáo quốc gia về nhân quyền chu kỳ 3 lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 22/10/2018, chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ phải giải trình và đối thoại về báo cáo này tại Liên Hợp Quốc vào ngày 22/1/2019. Nhưng khác với vài lần báo cáo xuê xoa và thông qua cũng xuê xoa từ lúc Việt Nam được Liên Hợp Quốc dành cho một cái ghế trong hội đồng nhân quyền của cơ quan này vào tháng Mười Một năm 2013, tháng Giêng năm 2019 chắc chắn sẽ là đợt sát hạch căng thẳng nhất, thậm chí còn được ‘khuyến mãi’ vài động tác chế tài thương mại từ Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, sau khi xuất hiện một nghị quyết của Nghị viện châu Âu vào ngày 15/11/2018 lên án mạnh mẽ chưa từng có về quá nhiều vụ Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng ngay cả sau khi chế độ này chính thức trở thành ‘người bảo vệ quyền con người’. Hiện tượng ‘báo đảng’ Thanh Niên Bắt đầu từ tháng Mười năm 2018, một đợt truyền thông PR cho ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’ lại được đảng chỉ đạo cho khối báo chí quốc doanh cắm đầu cúc cung phục vụ. Nhưng hiện tượng đặc biệt xảy ra vào lần này và khác với những chiến dịch PR nhân quyền trước đây là không phải báo đảng, mà chính là tờ Thanh Niên đi tiên phong với tựa đề ‘Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền’. Tờ báo này dẫn lời của quan chức Hoàng Thị Thanh Nga – Phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), tự đánh giá rằng bản báo cáo về nhân quyền của Việt Nam “được xây dựng rất công phu với sự tham gia của 18 bộ, ngành liên quan và các tổ chức xã hội, phía Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”… Tại UPR chu kỳ 2 vào năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận 182/227 khuyến nghị nhận được và đến nay đã thực hiện xong 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), cao hơn tỷ lệ 96/123 (78%) của chu kỳ 1 năm 2009… Việt Nam đã sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh để nhấn mạnh quyền con người, trong đó có những văn bản hết sức quan trọng như Hiến pháp 2013, bộ luật Hình sự, bộ luật Dân sự… Về các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và 2 nghị định hướng dẫn thực thi luật cũng đã ra đời để đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ năm 2015 – 2017, cũng đã có 5 cơ sở đào tạo tôn giáo mới được thành lập tại Việt Nam. Việt Nam cũng hiện có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, 50 triệu người dùng internet (chiếm 54% dân số), 58 triệu tài khoản facebook… Vào tháng Mười Một năm 2018, Thanh Niên đã chính thức trở thành ‘báo đảng’ sau vụ việc chưa từng có tiền lệ của tờ báo này lẫn làng ‘báo chí cách mạng Việt Nam’ khi cho thôi chức, mà thực chất là cách chức, đối với 13 nhân sự làm việc cho Thanh Niên vì những người này không phải là đảng viên của đảng Cộng Sản vẫn còn đang cầm quyền ở Việt Nam. Tựa đề ‘Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền’ cùng những nội dung tràn đầy ‘tính đảng’ trong bài viết này của báo Thanh Niên càng chứng tỏ tờ báo này đã có một cú chạy phi mã và bốc hỏa tham vọng chính trị trên cung đường biến thành công cụ tuyên truyền đắc lực cho đảng Cộng sản vẫn còn đang cầm quyền trên dải đất chữ S sôi sục và tàn bạo nạn cường hào ác bá từ cấp trung ương xuống các địa phương. Vậy trong thực tế chính thể độc trị ở Việt Nam đã ‘cải thiện nhân quyền’ theo các khuyến nghị của các nước thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc như thế nào? Nuốt lời và làm ngược lại! Đã từ nhiều năm qua, chẳng có gì bảo chứng cho lời cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Quá nhiều bằng chứng đã tích tụ kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc: nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo. Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi. Ngay sau khi nhận ra không còn là ‘quốc gia được hưởng lợi lớn nhất trong Hiệp- định TPP’, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch bắt bớ dữ dội và sắt máu đối với hơn ba chục người hoạt động nhân quyền, chủ yếu thuộc tổ chức xã hội dân sự Hội Anh Em Dân Chủ – một hội đoàn độc lập đã giúp cho người dân các tỉnh miền Trung cách thức phản đối thảm họa xả thải của Formosa và chống lại sự bao che lộ liễu của giới quan chức trung ương. Chiến dịch đó tuy có thuyên giảm đôi chút do bị cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt từ đầu năm 2018 đến nay, nhưng cái đuôi của nó vẫn còn ngắc ngoải đà bắt bớ chưa hề muốn dừng lại đối với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền. Còn rất nhiều bằng chứng khác về tình trạng đàn áp nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam – như một bản sao của chế độ đảng độc trị ở Trung Quốc. Ngay trước mắt, Luật An ninh mạng của chính quyền Việt Nam sắp đi vào thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ mang lại cơ chế siết bóp nặng nề đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, những tiếng nói phản biện xã hội và tiếng nói bất đồng về quan điểm chính trị. Đúng vào khoảng thời gian chính quyền Việt Nam đệ trình bản báo cáo nhân quyền cho Liên Hợp Quốc với thành tích ‘bảo đảm tự do tôn giáo’, hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất – từ Sài Gòn đến Đà Nẵng – đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách nhiễu, hành hung và đấu tố… Lời chứng từ châu Âu Nhưng đến lúc này – năm 2018, những hành vi lừa mị và lừa đảo về ‘cải thiện nhân quyền’ đã bị nhìn thấu tim gan không chỉ bởi người dân trong nước mà từ cả cộng đồng quốc tế. Ngay cả khối Liên minh châu Âu – những nhà chính trị mang thói quen vận động ôn hòa cho cải thiện nhân quyền ở Việt Nam và thường bị giới lãnh đạo láu cá hứa trước quên sau ở Hà Nội ăn hiếp qua các cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai bên, từ giữa năm 2016 đến nay đã buộc phải thể hiện thái độ phẫn nộ, nhưng phản ứng sắc nét hơn cả là bắt đầu thay đổi quan điểm từ thuyết phục sang sẵn sàng chế tài thương mại. Ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu), Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755(RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016. Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động… Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ làm gì? Động thái tung ra bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu vào ngày 15/11/2018 đã hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng đồng châu Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để quyết định có cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam hay không. Bản nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm rất rõ ràng của Nghị viện châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có được Cộng đồng châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối quan hệ giữa châu Âu và Việt Nam về thời… tiền sử. Ngay trước mắt là đợt sát hạch của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đối với Việt Nam trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát vào tháng Giêng năm 2019 (UPR 2019). Nếu Việt Nam không ‘bảo vệ thành công’ (cách dùng từ của báo Công An Nhân dân – cơ quan ngôn luận của Bộ Công an – sau khi đoàn công tác của Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng bộ này, kết thúc hai ngày giải trình trước Ủy ban Chống tra tấn quốc tế mà không chịu thừa nhận bất cứ hành vi nào về rất nhiều vụ tra tấn dã man của công an Việt Nam đối với người dân), một kết luận tiêu cực hoặc rất tiêu cực của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ bổ túc một cơ sở quan trọng, hoặc như một điều kiện cần, để Nghị viện châu Âu bỏ phiếu bác thẳng thừng EVFTA trong cuộc họp vào tháng Ba năm 2019. Phạm Chí Dũng Nguồn: VOA Tình trạng nhân quyền VN và Kiến nghị của các Tổ Chức đệ trình LHQ chuẩn bị cho kỳ kiểm điểm nhân quyền UPR 2019 EU: Nhân quyền Việt Nam tiếp tục tệ hại  
......

Giải Thưởng Nhân Quyền Lê Đình Lượng 2018

Đảng Việt Tân trân trọng công bố Giải Thưởng Nhân Quyền Lê Đình Lượng năm 2018 được trao cho bà Trần Thị Nga, một nhà hoạt động nhân quyền bị chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam kết án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế vào ngày 25 tháng 7, 2017. Giải thưởng này vừa được thiết lập trong năm 2018 và mang tên ông Lê Đình Lượng, một người yêu nước đã có nhiều nỗ lực tranh đấu bảo vệ quyền lợi của đồng bào và chủ quyền của đất nước. Ông bị chế độ độc tài Cộng sản kết án 20 năm tù trong tháng 10 năm 2018. Mục tiêu của giải thưởng nhằm đề cao sự hy sinh và việc làm của những cá nhân hay tổ chức đang miệt mài tranh đấu cho nhân quyền của dân tộc Việt Nam, đồng thời cảnh giác và duy trì sự quan tâm của thế giới trước chính sách vi phạm nhân quyền có hệ thống của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Buổi lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức vào tháng 1 năm 2019. Sau đây là phần tóm lược về quá trình hoạt động của bà Trần Thị Nga: Đầu thập niên 2000, bà Nga là công nhân xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Không lâu sau đó bà bị tai nạn phải nằm viện chữa trị trong suốt 3 năm. Trong thời gian dưỡng bệnh, bà Nga đã tự học hỏi và tìm hiểu về tình hình chính trị, xã hội của đất nước. Sau khi về lại Việt Nam vào năm 2008, bà bắt đầu lên tiếng cho quyền lợi của những người xuất khẩu lao động bị bóc lột, đặc biệt tranh đấu cho những phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài. Từ năm 2011, bà Trần Thị Nga đã đấu tranh trên nhiều lãnh vực: biểu tình chống bá quyền Trung Quốc tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội đòi hỏi điều tra nguyên nhân thảm họa môi trường miền Trung chống công an bạo hành ngăn chặn việc thi hành những án tử hình oan uổng Bà Trần Thị Nga đã bị công an hành hung, bắt vào đồn hàng chục lần. Đoán trước tình trạng cầm tù có thể xảy ra, ngay trước khi bị bắt bà Nga đã chia sẻ cùng mọi người: “Nếu như ngày hôm nay tôi bị công an bắt, công an giết, thì mọi người đừng lo lắng cho tôi mà hãy lấy tôi như viên gạch lót đường để mà tiếp bước cho quý vị.” Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã bắt giam bà từ ngày 21/1/2017. Phiên tòa phúc thẩm ngày 22/12/2017 đã tuyên án bà Trần Thị Nga 9 năm tù giam và 5 năm quản chế, với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Ngày 7 tháng 12 năm 2018 Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng https://viettan.org/giai-thuong-nhan-quyen-le-dinh-luong-2018/  
......

Ăn cướp đến bao giờ?

Công đoàn Độc lập và nỗi ám ảnh của thể chế Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018, sau khi Australia phê chuẩn hiệp định. Như vậy là 6 quốc gia: Úc, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore đã phê chuẩn hiệp định này. Các quốc gia khác là Việt Nam, Brunei, Chile, Malaysia và Peru đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng. Đây là hiệp định tự do thương mại quan trọng mà Việt Nam kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, CPTTP có những yêu cầu bắt buộc về những vấn đề quyền lao động và công đoàn độc lập – điều mà chính quyền Việt Nam hết sức né tránh, coi đây là một “thách thức chính trị” đối với thể chế và hệ thống công đoàn quốc doanh vốn từ lâu là cánh tay nối dài của Đảng. Với 90 năm lịch sử hình thành hệ thống công đoàn ở Việt Nam, những người cộng sản có một “bề dày kinh nghiệm xương máu” trong vấn đề kiểm soát sức mạnh tiềm ẩn trong đội ngũ lao động đông đảo đứng thứ 3 ở Đông Nam Á. Tổ chức “nhân danh” đại diện cho giới lao động và bảo vệ lợi quyền cho đại đa số lao động này thực chất đã hoàn toàn bị tha hóa, rời bỏ chức năng là người đại diện và bảo vệ lợi quyền chính đáng cho giới cần lao. Trong một bài báo của tờ laodong.vn – tờ báo mạng chính thức của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam – ngày 26/7/2013, tác giả Tống Văn Công, đã đưa ra một con số từ thống kê của chính tổ chức này khi cho biết kể từ năm 1995 đến 2013 đã có hơn 5.000 cuộc đình công nhưng không do công đoàn lãnh đạo. Trong đó, có những cuộc đình công với số lượng công nhân tham gia lên tới hơn 10.000 người. Nguyên nhân chủ yếu là vấn đề tiền công, điều kiện lao động, đối xử bất công, chế độ nghỉ phép và bảo hiểm không đảm bảo. Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm, cũng cho thấy một loạt bài báo về tình trạng đình công tự phát ngày một nghiêm trọng. Theo như “thống kê chính thức”, năm 2017, toàn quốc có 314 cuộc đình công và ở một số địa phương số lượng đình công tăng gấp 4 lần so với năm trước, như ở Bình Phước, Bến Tre – những tỉnh nông nghiệp nghèo của Tây Nam Bộ, nơi mà mức lương người lao động rất thấp và chế độ bảo hiểm, nghỉ phép, an toàn lao động tồi tệ. Còn độc đảng, Công đoàn không thể độc lập! Đình công khi tiếng nói không được lắng nghe Liên đoàn lao động Việt Nam trở thành một thứ trung gian ký sinh, hoàn toàn vô dụng nhưng vẫn tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách và sử dụng một nguồn quĩ lớn trích từ đồng lương còm cõi của người lao động. Con số đình công thực tế lớn hơn nhiều lần thống kê do Liên đoàn lao động Việt Nam công bố, cho thấy một thực trạng mâu thuẫn ngày một gay gắt giữa đại đa số giai cấp cần lao với giới chủ. Trong khi đó, vai trò Liên đoàn lao động Việt Nam với một bộ máy quan liêu cồng kềnh có tác dụng duy nhất là khấu trừ 3% tổng quĩ lương của các doanh nghiệp, tổ chức và người lao động vốn đã bị chính sách thuế, phí tàn bạo tầng tầng lớp lớp của chế độ bào mòn đến tận xương tủy. Bản cáo chung cho Công đoàn quốc doanh Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh hôm 5/11 dẫn lời ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: “Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của tổ chức mình.” Trước đó, tại kỳ họp quốc hội đầu tháng 11, vị đại diện cho Tổng liên đoàn lao động này cũng bày tỏ những ý kiến của ông ta với những đề nghị tập trung vào việc luật hóa các khái niệm “người đại diện” và các qui định “linh hoạt” cho phù hợp với các yêu cầu theo cam kết với các hiệp định đã ký kết nhưng ngăn chặn việc hình thành các Công đoàn vàng “Ở đó giới chủ tự thành lập và thao túng, biến công đoàn ấy là tay chân của mình”… “Đặc biệt, không để những tổ chức khác ra đời không vì lợi ích bảo vệ người lao động mà vì những động cơ chính trị, chống phá nước ta và cũng không để những tổ chức khác ra đời do giới chủ thao túng, phá hoại Công đoàn Việt Nam và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.” Với những phát biểu của đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có thể thấy lo ngại rất lớn từ nguy cơ bị chia xẻ nguồn tài chính và số lượng đoàn viên khi xuất hiện tổ chức công đoàn cạnh tranh. Ông Hiểu cũng ngay lập tức đã đề nghị các biện pháp ngăn chặn và đã sớm đưa ra những luận điệu vu khống trắng trợn mà nhà cầm quyền CSVN có thể dễ dàng qui kết, chụp mũ các tổ chức công đoàn độc lập không chịu sự chi phối của Đảng CSVN. Những lo ngại về các tổ chức “Công đoàn Đỏ” do chính đảng Cộng Sản thành lập ra để làm “chim mồi” là hoàn toàn có cơ sở. Hơn ai hết, người cộng sản rất giỏi trong việc trá ngụy, lừa dối. Sẽ có nhiều chiêu trò đóng kịch PR công tác “đại diện và bảo vệ lợi quyền người lao động” được những tổ chức công đoàn của đảng tạo dựng. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gần đây cũng chỉ đạo cán bộ công đoàn các cấp phải sử dụng mạng xã hội để “đi sâu sát, nắm bắt tâm tư tình cảm công nhân, đặc biệt ở các khu công nghiệp” và chủ động mở các diễn đàn trên mạng xã hội để chứng tỏ tính “đại diện và bảo vệ lợi quyền người lao động” trên không gian mạng. Việc thay đổi trong phương thức tuyên truyền, tiếp cận với người lao động của các tổ chức công đoàn quốc doanh này không thay đổi bản chất là “cánh tay nối dài” của đảng và mục đích kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ chính lực lượng đã đem lại sức mạnh quyết định trong những cuộc lật đổ chính quyền trong quá khứ của người cộng sản. Để phân biệt được “Công Đoàn Đỏ”, “Công Đoàn Vàng” hay Công đoàn thực sự của người lao động thì cần có sự hiểu biết và mọi thông tin phải được tìm hiểu rất tường tận trong một quá trình. Nhưng việc mà mọi doanh nghiệp và công nhân viên có thể làm được ngay là việc phản đối qui định “ăn cướp” mà hệ thống công đoàn quốc doanh đã áp đặt bao lâu nay là khấu trừ 2% quĩ lương của doanh nghiệp và 1% lương của các đoàn viên công đoàn. Doanh nghiệp, tổ chức hay người lao động có thể tự mình lựa chọn một tổ chức đại diện mà họ tin tưởng trong việc bảo vệ lợi quyền chính đáng cho giới cần lao chứ không phải một thứ tổ chức trung gian ký sinh như Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức cơ sở của nó. Dù việc hình thành và phát triển những tổ chức công đoàn độc lập thực sự đại diện cho tiếng nói của người lao động sẽ vô cùng khó khăn trong môi trường chính trị vô nhân tính và độc tài cao độ như Việt Nam nhưng điều đó không có nghĩa những hạt giống Tự do, Nhân quyền không thể nảy mầm và vươn lên thành những cây đại thụ. Lịch sử là một dòng chảy không thể dừng lại và những thứ rác rưởi sinh ra từ một thể chế tồi bại như CSVN, cuối cùng sẽ bị cuốn trôi. 5/12/2018 Tân Phong  
......

Giá của Nhân Quyền dưới thời cộng sản

Quyền con người nó được nhắc đến và hình thành từ thời tiền sử, những ý niệm của tư tưởng nhân loại về quyền con người được phát triển theo từng mốc thời gian lịch sử của loài người theo chiều hướng kiện toàn và bảo vệ nó. Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền được thế giới ký cam kết và thực thi. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, quyền con người chỉ là xa xỉ phẩm trong con mắt cai trị độc tài cộng sản. Trong 30 điều của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền đã tôn xưng Quyền Con Người dựa trên ba nền tảng căn bản, đó là Quyền Dân sự, Quyền Chính trị, Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá. Thật khôi hài, Việt Nam là quốc gia ký cam kết thực thi quyền con người nhưng người dân không được giáo dục, bảo vệ, không được hiểu nhân quyền, dân quyền là như thế nào. Không khó cho chúng ta hiểu rằng chế độ độc tài tìm mọi cách thức biến người dân trở nên bất tri, vô trí để dễ bề cai trị. Nếu người dân hiểu được về nhân quyền và dân quyền ắt họ sẽ phản kháng đòi lại quyền lợi cho mình, như thế sẽ đẩy chế độ vào tình trạng bấp bênh, sụp đổ. Các quyền căn bản của người dân Việt Nam gần như bị triệt tiêu hoàn toàn. Về Quyền Dân sự, họ không có các quyền tự do cơ bản về tư tưởng, tín ngưỡng, cư trú, di chuyển, hội họp, quyền có quốc tịch và không bị tước quốc tịch, v.v… Một mặt, cộng sản nói Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, tìm mọi cách biến tôn giáo thành tổ chức phục vụ lợi ích cho đảng, khi không đạt được mục đích thì quay lại ra sức cấm cản, đàn áp, nhất là những tôn giáo thiểu số. Không có bất cứ tổ chức, hội đoàn nào độc lập không chịu chi phối của đảng Cộng Sản được hoạt động. Phong trào Lao Động Việt ra đời để bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam. Tuy nhiên tất cả các thành viên của Phong trào này đều bị tấn công, bị đánh đập và bị bỏ tù trong nhiều năm. Không một tờ báo độc lập nào được hoạt động. Bất cứ tờ báo nào cũng có thể bị đình chỉ nếu trái quan điểm của đảng, cộng sản sử dụng nhà tù để giam cầm nhà báo phản biện, công dân lên tiếng. Là công dân của Việt Nam nhưng bạn có thể bị tước quốc tịch bất cứ lúc nào, như trường hợp của Giáo sư Phạm Minh Hoàng hồi năm 2017. Không có chính quyền nào có quyền đuổi công dân hoặc tống xuất công dân của mình đi một nước khác, nhưng với cộng sản thì đó là ngón nghề của họ. Về Quyền Chính trị là các quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do chọn lựa, quyền biểu lộ ý nguyện thông qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, v.v… Ngay trong Điều 4 Hiến pháp mặc nhiên chỉ cho phép đảng Cộng Sản lãnh đạo Quốc gia là một thực tế đi ngược lại hoàn toàn với tinh thần của luật Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Cho nên, hệ thống lãnh đạo Quốc gia hoàn toàn đều do đảng cử, cơ cấu nhân sự, hoàn toàn không theo ý nguyện của nhân dân. Về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá là quyền được hưởng an sinh xã hội và đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết, quyền được làm việc, được tự do làm việc, quyền hưởng một nền giáo dục phát huy nhân cách, v.v… Chúng ta bị tước quyền tư hữu. Bất cứ gia đình nào cũng trở thành nạn nhân của nhà cầm quyền dưới chiêu thức “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện là chủ sở hữu, nhà nước quản lý”, có nghĩa là khi nào cộng sản cần tiền thì gia đình bạn bị mất nhà cửa đất đai. Đất nước này đang có một thành phần vô cùng đông đảo là dân oan, mỗi ngày lại tăng lên nhiều hơn. Trước đây, nền kinh tế tập trung hầu hết ở khu vực nhà nước, người dân bị ngăn sông cấm chợ. Ngày nay, mở rộng hơn nhưng nền kinh tế với cái đuôi xã hội chủ nghĩa vẫn bám víu, các tập đoàn kinh tế lớn đều là sân sau của các phe nhóm lợi ích trong đảng. Khi con người ngày càng ý thức hơn phẩm giá cao cả của mình vượt lên trên mọi vật; các quyền lợi và bổn phận của nó có tính cách phổ quát và không thể vi phạm, thì khi đó con người càng hiểu cộng sản chà đạp phẩm giá và nhân cách của con người một cách tàn tệ nhất . Cái giá Nhân Quyền của người dân Việt Nam chúng ta đã không được tôn trọng, bảo đảm và thực thi, trái lại cộng sản còn sàng lọc và triệt tiêu hoàn toàn những quyền nhỏ bé sót lại. Sự thật về Nhân Quyền dưới thời cộng sản đang chứng minh cho cả thế giới thấy rằng Việt Nam là một xã hội hoang dại, không có luật pháp, được điều hành bởi những kẻ lãnh đạo mọi rợ, bất nhân, bất tín. Portland, OR 4/12/2018 Paulus Lê Sơn  
......

TỎA VÀO LÒNG DÂN - TỎA VÀO ĐẶC KHU

  Sau khi bài "Đã đến lúc giới hoạt động tỏa vào lòng dân" được gởi đến tay độc giả (https://baotiengdan.com/…/da-den-luc-gioi-hoat-dong-toa-va…/), nhiều bạn đã góp ý rất hay cho chúng tôi. Đặc biệt là các góp ý hãy tập trung vào từng vụ việc quan trọng và đề ra nhiều công việc cụ thể để anh chị em trong giới hoạt động và đông đảo bà con có thể chọn ra thực hiện tùy theo hoàn cảnh và phương tiện của mình. Thể theo đề nghị đó, lần này tôi xin tập trung vào mối họa ĐẶC KHU và những việc chúng ta có thể làm. Trước hết cần nói ngay cả 3 đặc khu - Vân Đồn, Bắc Vân Phong, và Phú Quốc - đều đang được triển khai dồn dập. Không hề có chuyện hoãn, chứ đừng nói gì đến ngưng, 3 dự án này bất kể có luật hay không. Các chứng cớ đã rất hiển nhiên: - Ngay từ ngày đầu, chính bà Kim Ngân nói trước Quốc hội: BCT đã có quyết định về 3 đặc khu, QH phải soạn cho ra luật để tiến hành. Nghĩa là QH không phải là nơi lấy quyết định có làm hay không. Quyết định đó đã có rồi, do ông Đinh Thế Huynh thay mặt BCT ký, và cho đến nay quyết định đó chưa hề được rút lại. - Chính vì thế mà báo đài công cụ đã công khai đăng tin phi trường phục vụ cho đặc khu Vân Đồn đã xây xong và tưng bừng ăn mừng chuyến bay khai trương đầu tiên. - Cũng vì thế mà tại Bắc Vân Phong các đợt cưỡng chế đất không chỉ tiếp tục mà còn tăng tốc. - Và cũng vì thế mà một văn thư công khai của thủ tướng đã được gởi đến đảng ủy Kiên Giang, chính thức cho phép tiến hành dự án đặc khu Phú Quốc. Theo các tính toán của giới quan sát hiện tình kinh tế Việt Nam, gần như toàn bộ chi phí xây dựng hạ tầng tại 3 đặc khu đều là tiền nợ từ TQ và đã được giải ngân. Bồi thêm vào các toan tính tại 3 đặc khu, lãnh đạo VN còn vượt qua một lằn ranh mới bằng việc cho phép 7 tỉnh sát biên giới phía Bắc công khai dùng tiền nhân dân tệ (NDT) của TQ trong giao dịch hàng ngày. Về thực chất, quyết định đó vừa đẩy 7 tỉnh biên giới vào tiến trình dần dần trở thành đặc khu, tức những khu vực có chính sách đặc biệt về hành chính và kinh tế đúng ý TQ. Do đó, hiện tượng mất nước từng phần dưới mỹ từ "đặc khu" không còn là mối đe dọa nữa mà ĐÃ ĐANG DIỄN RA NGÀY MỘT RỘNG HƠN. Nếu chúng ta an tâm chỉ vì QH đã hoãn đưa luật đặc khu ra bàn cãi, thì rõ ràng chúng ta đang ngủ yên giữa lòng bẫy. Vậy phải làm gì bây giờ? Thưa, có rất nhiều việc trong tầm tay chúng ta: A. Loại việc thu thập dữ kiện: - Bà con hiện đang sống gần các đặc khu hoặc các bạn có lý cớ đi vào các khu vực này, hãy chụp hình sinh hoạt tại đây, như các công trình xây hạ tầng, các đoàn quan chức TQ, VN đến chấm đất khởi công, các cảnh tượng toàn vùng đang biến thành phố Tàu, v.v... - Chụp hình những hành vi tàn phá môi sinh của các nhà máy, mà đại đa số do các công ty TQ làm chủ, trên cả nước như các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy lén chôn chất thải như Lee&Man, v.v... để phóng chiếu ra mức độc hại kinh hồn của các đặc khu, nơi tập trung nhiều nhà máy và không còn ai dám vào kiểm soát. B. Loại việc báo động và vận động toàn dân: - Ai có điều kiện, hãy tận dụng thời gian này để in sẵn các áo thun, băng rôn, v.v... với các thông điệp phản đối, vì tới lúc có sự kiện nóng thì không in kịp hoặc không thể in được nữa. - Các cây bút phân tích tình hình có thể tập trung vào chủ đề vạch trần sự thật: "Đặc khu là một phần của kế hoạch Nuốt dần VN"; "Đặc khu là bước chót tiến đến Hiệp Ước Thành Đô"; v.v... - Cùng nhau khởi động phong trào kẻ chữ: 99 gạch chéo, 70 gạch chéo, 1 gạch chéo. Nghĩa là không chấp nhận cho TQ thuê đất Việt dù 99 năm, 70 năm hay chỉ 1 năm. Tùy bà con chọn, có thể minh danh vẽ ngay trước nhà mình và nhanh chóng chụp hình đưa lên mạng; hoặc vẽ tại các nơi công cộng rồi chụp hình đưa lên mạng. Đặc biệt nếu bắt gặp CA hay tay chân của CA đang xóa dấu hiệu đó, thì cố gắng kín đáo chụp hình, quảng bá. - Các cựu chiến binh cùng đòi ghi đúng danh hiệu liệt sĩ, anh hùng vũ trang, cựu chiến binh "CHỐNG TQ", như đã từng ghi thời chống Pháp, chống Mỹ trên mọi bia mộ, trong mọi giấy tờ, sách vở. Và quan trọng không kém, chính chúng ta hãy bắt đầu gọi các cựu chiến binh chống TQ với đúng chức danh như vậy, thí dụ: "Xin giới thiệu với bạn đây là ông NgVănX, cựu chiến binh chống TQ thời 1979". C. Loại việc ngăn chận làn sóng người TQ tràn sang: - Ở mức nhẹ nhàng thì treo bảng tiếng Tàu tại các cửa hiệu: Bạn được hoan ngênh tại đây NẾU thừa nhận HS-TS là của VN. - Mạnh hơn một chút thì treo bảng bằng tiếng Việt, Hoa, Anh với thông điệp: Vì chủ quyền và luật pháp VN, chúng tôi không nhận nhân dân tệ tại đây. Ai biết các ngoại ngữ Hoa (giản thể) và Anh, có thể viết bảng mẫu giùm bà con và quảng bá qua Facebook. - Thu thập bằng chứng cảnh du khách TQ xả rác, phá hoại các phòng, nhà cho thuê ngắn hạn trên khắp thế giới để cung cấp dữ kiện và khuyên các chủ nhà cho thuê qua AirBnB hay các dịch vụ tương tự, cũng như các khách sạn hãy từ chối khách du lịch TQ đơn giản vì lý do kinh tế. - Phong trào kéo đến phản đối các cửa hàng "cấm người Việt, chỉ tiếp khách TQ". Không cần đông, chỉ cần từng nhóm 5 người luân phiên nhau nhiều ngày. Mỗi người phản đối chỉ cần mặc áo có dòng chữ phản đối bằng tiếng Tàu, tiếng Việt đi qua lại trước tiệm. - Kêu gọi và hỗ trợ "300 anh em hiệp sĩ" sẵn sàng can thiệp, không để du khách TQ, công nhân TQ khinh miệt người Việt hay hành sử như VN đã là đất của họ. D. Loại việc đòi hỏi lãnh đạo VN phải rõ ràng trong quan hệ Việt-Trung: - Phong trào đòi tứ trụ và các ủy viên BCT phải bạch hóa các mối lợi kinh tế của gia đình họ dính tới các đặc khu. Mỗi lãnh tụ đã giành bao nhiêu lô đất tại mỗi đặc khu? Gia đình họ có các mối thầu nào với các công ty sẽ mở trong các đặc khu? ... - Phong trào lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền phải bảo vệ ngư dân Việt. Mua 6 tàu ngầm Kilô và đủ loại khí tài bằng tiền thuế của dân để làm gì? Nếu không bảo vệ đất nước, bảo vệ con người thì đừng phí phạm ngân sách nữa, đừng mua vũ khí mới chỉ để kiếm tiền hoa hồng. - Phong trào lên tiếng đòi hỏi phải phân biệt rõ ràng lính ta và lính tàu, công an biên phòng ta và công an biên phòng tàu, cảnh sát biển ta và cảnh sát biển tàu. Không phân biệt 2 bên là cố tình xóa nhòa biên giới, không nghiêm túc trong trách nhiệm giữ nước, và lộ rõ ý đồ tạo các bước chuyển tiếp dần đến mốc bàn giao 2020. Không được sử dụng tiền thuế của dân cho mục tiêu hòa tan với TQ. Mong mỗi người, mỗi nhóm chúng ta thử bàn xem những việc nào nêu trên vừa tầm tay của mình. Hoặc có sáng kiến nào khác nữa. Đã đến lúc chúng ta không thể chỉ ngồi trách nhà cầm quyền không giữ nước. Đã đến lúc chính chúng ta, mỗi người một tay, cùng bắt đầu nỗ lực giữ nước! Fb Thach Vu  
......

Khi nào nhân quyền sẽ đến Việt Nam?

Năm 2018 đánh dấu nhiều biến cố lịch sử lớn. Đáng kể nhất là ngày 11 tháng 11, tưởng niệm 100 năm Thế Chiến Một chấm dứt. Tháng 12, ngày 10 sắp tới, là kỷ niệm 70 năm sự ra đời của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (TNQTNQ). Bà Eleanor Roosevelt, vợ của cố tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, được Liên Hiệp Quốc giao nhiệm vụ điều hợp Ủy ban Nhân Quyền để tiến hành soạn thảo bản tuyên ngôn này vào năm 1946. Mất hai năm để soạn thảo, và nhiều tháng thảo luận và tranh luận, cuối cùng bản tuyên ngôn đã được đa số thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948. Trong 70 năm qua, giá trị và tinh thần của bản TNQTNQ đã tác động lên hàng triệu, nếu không phải là hàng tỷ, người trên khắp thế giới, những con người khát khao được sống có nhân phẩm và tự do. Nó đã ảnh hưởng và thay đổi nền chính trị quốc gia và quốc tế một cách đáng kể. Nó là động cơ thúc đẩy bao nhiêu người mạnh dạn đứng lên giành lấy quyền làm người, quyền làm chủ cuộc sống của mình và làm chủ đất nước mình. Đối với họ, quyền con người là bình đẳng cho mọi người chứ không chỉ là ngoại lệ cho một thiểu số nào đó. TNQTNQ, do đó, cũng chính là ám ảnh lớn nhất của các chế độ độc tài. Từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 rằng mọi người được sinh ra bình đẳng, được ban cho các quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Đến Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền rằng mọi người được sinh ra tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền hạn; họ được ban cho lý lẽ và lương tâm và nên hành xử với nhau trong tình huynh đệ. Về khía cạnh lịch sử thì đây là sản phẩm của Hoa Kỳ. Nhưng về tư tưởng thì không phải. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ, kể cả Thomas Jefferson, đã nghiên cứu và học hỏi từ nền chính trị tại Anh quốc và châu Âu, và vay mượn các ý tưởng và tư tưởng của các triết gia thời đại Khai sáng thế kỷ 17 và 18. Nhưng các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã dứt khoát về mặt tư tưởng, bỏ hẳn chế độ quân chủ, do đó hành động của họ mang tính cách mạng. Họ có công rất lớn trong việc tiên phong thử nghiệm thành công và đặt nền tảng đầu tiên để xây dựng một chế độ dân chủ vững mạnh, bảo đảm quyền lực được phân tán sâu rộng, và được cân bằng và kiểm soát, mà chủ yếu là làm sao quyền lực của mọi chính quyền từ đó về sau không tập trung quá mạnh để bị lạm quyền và hư hỏng. Như thế mới bảo đảm được các quyền và tự do của mọi công dân trong xã hội. Sự thành công của Hoa Kỳ đã khuyến khích và động viên bao quốc gia khác trên toàn thế giới tìm hiểu các mô hình nhà nước thích hợp để xây dựng nền chính trị của quốc gia mình. Ông Hồ Chí Minh cũng đã vay mược tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ để đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945, và còn khẳng định đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được. Nhưng sau khi lên cầm quyền ở miền Bắc, và rồi toàn nước sau 30 tháng 4 năm 1975, chính ông, những người thừa kế, và chế độ ông hình thành, đã một mực chối cãi và chối bỏ tất cả, để đến hơn 70 năm sau, tự do vẫn không hề hiện hữu. Tự do vẫn chỉ là trong cửa miệng của quan quyền, của cán bộ, của công an, thuộc chế độ này. Họ ngồi xỏm lên hiến pháp và pháp luật, đúng hay sai không dựa trên pháp luật gì cả mà là do cái lưỡi không xương của họ quyết định. Quyền sinh sát vẫn nằm trong tay một thiểu số đang cai trị đất nước tuyệt đối và toàn diện. Trong khi đó, trên 70 năm qua, bao nhiêu quốc gia trước đây thuộc hạng lạc hậu, nghèo nàn, thì giờ đây đã trở thành những con rồng con hổ trong vùng và trên thế giới, và đã tiến bộ đáng kể về dân chủ và nhân quyền. Nên nhớ rằng vào năm 1941, giữa Thế Chiến Hai, lúc đó chỉ còn lại 11 quốc gia có nền dân chủ. Điều này làm cho tổng thống Roosevelt lúc đó quan ngại rằng có thể là điều bất khả để bảo vệ “ngọn lửa dân chủ vĩ đại từ bóng tối bao trùm bởi bạo tàn”. Nhưng thế cờ thay đổi sau khi Hoa Kỳ và đồng minh chiến thắng năm 1945. Đáng kể nhất là sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Đến năm 2000, tức trên năm thập niên sau TNQTNQ, tổ chức Freedom House nhận định có 120 quốc gia, tức khoảng 63 phần trăm dân số toàn cầu, là dân chủ. Khi mở ngoặc ở đây là trong 13 quốc gia mà Freedom House liệt kê thuộc dạng áp bức nhất trên thế giới lúc đó thì có ba nhà nước độc đảng là Cuba, Bắc Hàn và Việt Nam, tám nước kia đều là nước mà người đạo Hồi chiếm đa số, và hai nước còn lại bị cai trị bởi độc tài quân phiệt. Trong 12 năm qua, cũng theo tổ chức Freedom House, thì dân chủ đã bị khủng hoảng, trong đó quyền chính trị và tự do công dân đã xuống mức thấp nhất trong một thập niên qua. Hoa Kỳ, nước tiên phong và thành trì về nhân quyền trong suốt bảy thập niên qua, tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (hậu thân của Ủy ban Nhân quyền LHQ hoạt động từ năm 1937 đến 2006) vào ngày 19 tháng Sáu năm nay. HĐNQ đã làm mất đi giá trị và lý tưởng của mục tiêu ban đầu bởi vì những quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng lại được bầu vào đây và họ đồng lõa nhau để tránh sự giám sát. Trong HĐNQ gồm 47 thành viên thì năm 2018 có 21 quốc gia tự do, 12 quốc gia bán tự do, và 14 quốc gia không tự do. Một năm mà có nhiều quốc gia không tự do nhất làm thành viên từ trước đến nay. Nói cách khác, các chính thể độc tài ngày càng biết sử dụng trò chơi dân chủ để giết chết dân chủ. Dù sao, so với bảy thập niên trước thì bước tiến dân chủ trên toàn cầu là rất đáng kể. Tính đến năm nay 2018, có 45 phần trăm quốc gia trên thế giới, chiếm khoảng 39 phần trăm dân số toàn cầu, là được sống trong tự do. 30 phần trăm quốc gia chỉ được tự do một phần nào đó chứ không phải toàn phần, chiếm 24 phần trăm dân số toàn cầu. Còn lại 25 phần trăm quốc gia không có tự do, chiếm 37 phần trăm dân số toàn cầu (chỉ mỗi Trung Quốc đã chiếm gần 19 phần trăm dân số toàn cầu). Việt Nam thì vẫn không thay đổi bao nhiêu. Việt Nam vẫn tiếp tục bị đánh giá là không tự do. Trong thang giá trị này, tự do tại Việt Nam được đánh giá là sáu trên bảy, quyền chính trị là bảy trên bảy, và tự do công dân là năm trên bảy (chú ý: số một là tự do nhất, và số bảy là ít tự do nhất). Tổng cộng thì Việt Nam có tỷ số 20 trên 100, mà số 0 là ít tự do nhất, và số 100 là tự do nhất. Nhưng tính ra thì Việt Nam vẫn đỡ tệ hơn Trung Quốc một chút: tỷ số 14 trên 100, mặc dầu GDP của Trung Quốc gần gấp bốn lần Việt Nam. Đó là một điều đáng buồn và tủi nhục. Kinh tế thì có phát triển thật nhưng các nguyên tắc và giá trị về văn hóa, giáo dục, xã hội và đạo đức công dân thì bị khủng hoảng trầm trọng. Bạo lực xã hội gia tăng một cách đáng lo ngại. Thứ tự do duy nhất tại Việt Nam hiện nay, nếu có, là thứ tự do của kẻ cầm quyền tự tung tự tác. Hiến pháp và pháp luật hiện hữu hay được làm ra là để trói buộc và điều khiển người dân, từ luật Đặc Khu đến luật An Ninh Mạng v.v... Nó hiếm khi nào có mục tiêu phục vụ cho nhu cầu phát triển đất nước khi tình thế thay đổi, và nó hoàn toàn không phải để ràng buộc mọi công dân, trong đó có kẻ cầm quyền. Như có người đã từng ví, Việt Nam có một rừng luật nhưng chỉ dùng luật rừng. Trong khi gần hàng trăm quốc gia khác đã đạt được các bước tiến bộ đáng kể trong 70 năm qua về dân chủ/nhân quyền, thì 25 phần trăm quốc gia còn lại, trong đó có Việt Nam, vẫn bị liệt kê là hoàn toàn không tự do. Vậy khi nào mới đến phiên Việt Nam? Chừng nào người Việt Nam hiểu thật rõ rằng muốn có tự do, tức nhân quyền (kể cả các quyền được làm và quyền được miễn), thì phải có dân chủ thật sự. Không có dân chủ thì không thể bảo đảm được quyền tự do cho mình và người khác. Để làm được điều đó, chúng ta cần suy nghĩ và thảo luận rốt ráo về một số ý tưởng và triết lý nền tảng sau đây. Trung tâm của học thuyết nhân quyền và nền dân chủ đại diện/cấp tiến là chủ nghĩa cá nhân. Tinh thần của tuyên ngôn độc lập và tuyên ngôn nhân quyền đều dựa trên nền tảng cá nhân. Mọi người, bất kể thuộc chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hay bất cứ ý kiến nào khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội nào, tài sản, tình trạng khai sinh hay bất cứ địa vị nào, đều không được phân biệt (điều 2). Chủ nghĩa cá nhân đặt trên nền tảng rằng chúng ta (tất cả mọi người) là những công dân tự nhận thức (ý thức), tự tối đa hóa quyền lợi của mình (tính toán vì quyền lợi), và có tư duy độc lập với xã hội mà chúng ta lớn lên. Vì quan niệm này, chủ nghĩa cá nhân có thể mâu thuẫn với nhà nước chủ quyền, đặc biệt nếu nhà nước chủ quyền đó đang cố gắng hạn chế các quyền công dân. Nó có thể là mâu thuẫn với chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nó có thể mâu thuẫn với chủ nghĩa tập thể/cộng đồng, đặc biệt là loại không có chỗ đứng cho cá nhân, coi phục vụ tập thể/cộng đồng là trên hết. Nó có thể là mâu thuẫn với các tổ chức khác, bao gồm cả tôn giáo và thậm chí cả nền luật pháp (mang tính phân biệt và loại trừ). Lý do là vì học thuyết nhân quyền đặt ý tưởng về một cá nhân độc lập với bất kỳ giới tính, chủng tộc, sắc tộc, bản sắc tình dục hay bất kỳ đức tin nào, thậm chí ý kiến chính trị có đi ngược lại ý kiến của đa số. Giới LGBTI là một ví dụ. Còn về lòng yêu nước? Theo ý kiến của tôi, nó không nhất thiết phải mâu thuẫn với lòng yêu nước thực sự. Cả hai đều có thể tương thích nếu một cá nhân có trái tim và tâm trí để yêu thương, yêu một quốc gia cũng như yêu nhân loại mà không phân biệt. Nhưng chúng sẽ không tương thích nếu lòng yêu nước là loại hẹp hoài, loại dân tộc chủ nghĩa thúc đẩy tình yêu cho đất nước của một người nhưng phân biệt chủng tộc, hoặc gieo thù hận, chối bỏ toàn bộ các chủng tộc khác, chẳng hạn. Có phải đa số người Việt Nam ủng hộ nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam? Nếu thế thì liệu họ có sẵn sàng chấp nhận chủ nghĩa cá nhân, cái mà trước nay không nằm trong tư duy của họ? Hó có sẵn sàng coi trọng những cá nhân có tâm thức và trí tuệ mạnh mẽ để thúc đẩy nguyện vọng tự hiện thực hoài bão và tự tối đa hóa quyền lợi, tức những người có tham vọng lớn? Trên hết, chủ nghĩa cá nhân có thể là mâu thuẫn với một số nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa Khổng giáo. Nền văn hóa Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo cho đến thời đại này. Không phải mọi triết lý Khổng giáo đều đi ngược lại các giá trị nhân quyền hay chủ nghĩa cá nhân, bởi vì Đài Loan, Đại Hàn và Nhật Bản là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo. Nhưng họ vẫn xây dựng được nền dân chủ ngày càng vững ổn và cấp tiến, và nhân quyền tại các quốc gia này ngày càng tiến bộ. Nhưng các giá trị và tư tưởng Khổng giáo khác vẫn tiếp tục chi phối giới cầm quyền và xã hội tại Trung Quốc và Việt Nam cho đến nay. Nếu Việt Nam muốn có nhân quyền và dân chủ, điều quan trọng đầu tiên người Việt cần làm là phải suy nghĩ kỹ về các giá trị cần duy trì và những giá trị cần phải hủy bỏ. Một xã hội mà nhân quyền được tôn trọng sẽ không có chuyện cha mẹ đánh đập con cái bị thương tích mà cơ quan công quyền lại làm ngơ. Sẽ không có chuyện chồng đánh vợ tàn nhẫn mà diễn đi diễn lại ngày này qua tháng nọ. Sẽ không có chuyện thầy cô cho học trò ăn tát, và còn cho các học sinh khác bè hội đồng, đến 231 cái, mà thầy cô đó không bị pháp luật trừng phạt. Sẽ không có chuyện công an bảo miệng tao là pháp luật, các quan chức càng cao càng đứng trên và ngoài pháp luật, và những người làm luật, diễn giải luật, và hành luật, đều là những kẻ vi phạm pháp luật trầm trọng nhất. Nói chung cả xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục vận hành theo kiểu kẻ cai trị có quyền sinh sát người bị trị của các thế kỷ trước. Vẫn tiếp tục sử dụng bạo lực để khủng bố tinh thần người dân thay vì thông tin, giáo dục và pháp quyền. Có người sẽ bảo rằng đó là do chế độ và chủ nghĩa cộng sản gây nên. Theo tôi thì trước khi chủ nghĩa cộng sản du nhập vào Việt Nam, văn hóa chính trị của chúng ta vẫn thế. Chế độ cộng sản có “công” làm cho nó trầm trọng hơn nhiều lần. Toàn diện và tuyệt đối. Họ đã đưa nó lên đỉnh cao nhờ “đỉnh cao trí tuệ” của họ. Nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho họ. Làm như thế chỉ tự dối mình, rồi không giải quyết được gì cả, như bao nhiêu vấn đề khác từng xảy ra bấy lâu nay. Tôi không nghĩ chúng ta có thể đạt được nền dân chủ đích thực cho Việt Nam, trong đó thật sự tôn trọng nhân quyền, mà không suy nghĩ về những câu hỏi này và không cố gắng trả lời nó một cách đầy đủ và trung thực. Nhất là với chính mình trước./.    
......

Phục hồi quyền con người trong chế độ hậu Cộng sản

Năm nay là đúng 70 năm ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời. Nếu những cuộc cách mạng kỹ nghệ đánh dấu sự thăng tiến của con người về mặt vật chất thì Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đánh dấu một mốc đoạn trong sự thăng hoa tinh thần của văn minh loài người. Bản tuyên ngôn khẳng định ngay từ đầu trong Điều 1: Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hóa ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu. Sự ra đời của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền bỏ lại đằng sau thời kỳ lạc hậu trong đó con người đối xử với nhau gần như loài động vật sơ khai cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, kẻ có trong tay khả năng dùng bạo lực hơn người có thể bóc lột, đọa đầy, cướp trắng, ban ơn cho kẻ yếu hơn cơ hội được sống tự nhiên. Những chế độ độc tài là những chế độ mà kẻ cầm quyền muốn duy trì níu giữ lại tình trạng lạc hậu trên, và chế độ độc tài CS Nguyễn Phú Trọng hiện nay là một ví dụ điển hình. Theo quy luật của lịch sử những hiện tượng phản động, tức là đi ngược lại sự tiến hóa của nền văn minh con người, sẽ tất nhiên bị đào thải. Cho nên ngày tàn của chế độ CS Nguyễn Phú Trọng tất nhiên chỉ còn là vấn đề thời gian, và không phải là quá sớm nếu ta bàn đến vấn đề quyền con người trong một nước Việt ngay sau CS. Để sớm chấm dứt độc tài và rút ngắn giao thời chuyển tiếp thường chập chững mò mẫm, người dân Việt cần tiến hành xây dựng ngay những mặt sau đây: 1- Ý thức phổ quát về nhân quyền để hiểu và tin rõ rằng những quyền như tự do ngôn luận, tín ngưỡng, bầu chọn lãnh đạo đất nước v.v… không phải là đặc ân được bề trên nào ban phát mà là những quyền căn bản tự nhiên phải có, không ai có quyền tước đoạt xâm phạm: Chúng ta cùng nhau chia sẻ phổ biến về bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, cùng nhau tìm hiểu, hội thảo cho rốt ráo về những quyền căn bản đã được đề ra trong bản Tuyên Ngôn. Chỉ khi nhập tâm rằng chính mình có những quyền tự nhiên căn bản đó không ai có quyền xâm phạm, ta mới có động lực và ý chí để bảo vệ quyền của mình cho chính mình. Cùng nhau phổ biến, thảo luận công khai, học hỏi về bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là điều mà bộ máy công an trấn áp của Nguyễn Phú Trọng khó mà có lý do chính đáng để cấm đoán ngăn trở vì chính chế độ của Nguyễn Phú Trọng đã ký kết vào bản Tuyên Ngôn này và vào các Công Ước về nhân quyền tiếp theo đó khi gia nhập Liên Hiệp Quốc. Nếu cấm đoán cản phá việc người dân tìm hiểu bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, chế độ Nguyễn Phú Trọng sẽ càng lộ rõ hơn mặt thật giả dối phản động, đi ngược lại sự tiến hoá của nền văn minh loài người. Xác xuất bị cản phá sẽ càng giảm thiểu hơn khi càng đông người cùng công khai quảng bá cho nhau về Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền khiến công an không còn đủ lý cớ khác để trù dập. Việc quảng bá cho nhập tâm về các quyền căn bản của con người cần phải được tiếp tục sau khi hết chế độ độc tài Nguyễn Phú Trọng một cách hệ thống trong học đường để người dân có thể mạnh dạn ngăn ngừa mọi mầm mống độc tài mới nẩy lên định tước đoạt chà đạp nhân quyền. 2- Chuẩn bị cho quyền lập hội, lập công đoàn tự quản không chịu sự chi phối của nhà nước. Đây là việc mà dân ta đang bắt đầu làm qua việc thành lập những nhóm xã hội dân sự (XHDS) để tự lo cho nhau về mọi mặt trong xã hội. Ta cùng khuyến khích nhau đẩy mạnh việc này để dần dần càng bớt lệ thuộc vào nhà nước; từ đó thoát khỏi thân phận làm con dân của nhà cầm quyền đóng vai cha mẹ chăn dắt đàn con ngu. Chế độ hậu CS càng cần phải tạo điều kiện khuyến khích phát triển mạng XHDS mà không có sự can thiệp của nhà nước vào việc nội bộ. Nhà nước chỉ có vai trò như cảnh sát giữ đường cho các XHDS hoạt động trong khuôn khổ luật pháp minh bạch. Trong giai đoạn hiện nay ta cần phân biệt các nhóm XHDS tự dân khác với các tổ chức XHDS do nhà nước thành lập chi phối với mục đích tối hậu là phục vụ cho quyền lợi của nhà cầm quyền thông qua dân. Công đoàn lao động do đảng của Nguyễn Phú Trọng thành lập và chi phối thường đi ngược lại quyền lợi của người lao động là một ví dụ điển hình. Song song với hai việc trên, ngay sau khi chế độ CS Nguyễn Phú Trọng chấm dứt, và trong khi xúc tiến việc thiết lập một bản Hiến Pháp với tam quyền phân lập, với một cơ chế có thể ngăn ngừa mọi sự độc quyền tự tung tự tác, chính quyền chuyển tiếp tạm thời cần phải xoá ngay: Mọi chính sách, quy định, điều khoản cho phép sự hiện hữu của một đảng hay cá nhân độc quyền độc tôn, ví dụ như Điều 4 Hiến Pháp hiện hành. Mọi luật lệ ngăn cản quyền tự do ngôn luận, ví dụ như luật an ninh mạng, chế độ kiểm duyệt v.v… Mọi cơ chế sinh hoạt của đảng CS chồng chéo chi phối các cơ chế hành chánh, quân đội, công an, tư pháp, vì các cơ chế này dễ trở thành công cụ trấn áp của một đảng độc quyền. Trên đây chỉ là một số việc cấp bách trong buổi giao thời để xây dựng nền tảng cho sự tôn trọng nhân quyền nơi người dân Việt. Thực ra ta không đi xây dựng nhân quyền hiện chưa có, mà chúng ta đang trên đường phục hồi, tìm lại và bảo vệ những quyền căn bản đã được thế giới văn minh xác quyết từ 70 năm qua mà tập đoàn CSVN của Nguyễn Phú Trọng đã tước đoạt của chúng ta. Vì thế, chào đón 70 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948-2018), chúng ta cùng quyết tâm GIÀNH LẠI NHÂN QUYỀN – ĐÒI LẠI DÂN CHỦ cho Việt Nam. Nguyễn Tự Dân https://viettan.org/phuc-hoi-quyen-con-nguoi-trong-che-do-hau-cong-san/
......

Đoàn công tác Hồ Nam(Tàu) mang gì đến Việt Nam??? Có bẫy nợ hay không???

Cách đây vài hôm, Tàu cử đoàn công tác tỉnh Hồ Nam sang làm việc ở nước ta. Nội dung làm việc với lãnh đạo cấp cao ta không bàn. Đáng lưu ý là lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa hai tập đoàn là GFS của Việt Nam và tập đoàn Kiến Công của Hồ Nam. Điều đáng lưu ý là tập đoàn Kiến Công này là tập đoàn nhà nước và tập đoàn GFS này là tập đoàn mạnh của Việt Nam (trước đây cũng là nhà nước thuộc bộ Thông Tải thành lập năm 1997, sau đó cổ phần hóa năm 2005). Thực sự Nam không biết là cổ phần nhà nước còn bao nhiêu trong tập đoàn GFS và đây là sân sau hay gì. Nhưng: Quan trọng là trong lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác có các nội dung hợp tác như: hai bên sẽ tập trung hợp tác phát triển trong lĩnh vực bất động sản và phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, thủy lợi, đô thị tại Việt Nam. Mà đây là thế mạnh của hai tập đoàn này. Có rất nhiều nghi vấn được đặt ra là liều Tàu có mượn tay tập đoàn Kiến Công này để đưa bẫy nợ vào Việt Nam hay không và bên Việt Nam có dùng GFS làm bình phong cho việc vay mượn gì vốn hay tiếp nhận dự án từ bên đó hay không? Âm mưu bẫy nợ của Tàu rất thâm độc. Chúng ta đã bàn nhiều lần rồi. Nhất là việc Tàu dùng các công ty nhà nước làm con bài đầu tư để gieo rắc bẫy nợ. Với quy mô của hai tập đoàn này thì có vẻ dự án đầu tư mà họ triển khai không hề nhỏ. Nam nghi ngờ sẽ có những dự án về giao thông, bất động sản(rất lưu ý về bất động sản ở các khu vực trọng yếu), điện( rất có khả năng Tàu sẽ cho tập đoàn này đẩy nhiệt điện phế thải sang ta hoặc các dự án điện xanh như mặt trời, gió với những khoản đầu tư vốn vay khổng lồ để gieo rắc bẫy nợ) sẽ được hai bên triển khai. Việc GFS của Việt Nam đầu tư, xuất khẩu sang đó có thể chỉ là nông sản mà thôi vì tập đoàn này cũng rất mạnh về nông sản. Thực sự theo dõi vụ việc này Nam thấy có gì đó không ổn lắm và hàng loạt câu hỏi cứ nảy trong đầu. Bởi vì người Việt Nam đang phản ứng rất mạnh với các dự án, thương vụ làm ăn liên quan đến Tàu. Có hay không việc nhà nước dùng những con bài doanh nghiệp để thực hiện mục đích gì đó mờ ám của mình mà không muốn nhân dân nắm rõ? Có phải những dự án hợp tác này nằm trong chiến dịch "một vành đai, một con đường" hay không? Thật sự là rất nghi ngờ. Dưới đây là bài dự đoán về mảng điện . Nam đăng kèm vì nó liên quan đến nhau: Sẽ có thể có dự án "điện bẫy nợ". Thời gian gần đây báo chí nhà nước đưa rất nhiều tin về tình hình thiếu điện, tăng giá điện, lỗ điện, thiếu điện và đặc biệt có nhiều bài ca ngợi các dự án điện mặt trời và điện gió của Trung Quốc. Đây là dự đoán theo kiểu âm mưu của Nam thôi, nhưng Nam thấy có mùi ở trong ngành điện. Theo Nam nghĩ việc thiếu than, thiếu điện, tăng giá điện nó chỉ là một cái lý do để nhà nước cho nhân dân thấy sự cần thiết của những dự án điện lớn để giải quyết vấn đề thiếu hụt điện năng. Hiện tại Việt Nam đang có hàng chục dự án đã và đang thi công và đưa một số vào khai thác(Nam để dưới hình vẽ). Tuy nhiên có thể bên nhà nước sẽ đưa ra con số báo cáo rằng vẫn không đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất. Và dự đoán rằng tình trạng tiêu thụ điện năng trong tương lai sẽ gia tăng mạnh do như cầu phát triển của nền kinh tế. Điều này cho thấy cần các dự án điện có tầm quy mô lơn, nhưng họ sẽ kèm theo điều kiện là thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên. Và giải pháp sẽ là điện mặt trời và điện gió. Trung Quốc đang là một quốc gia đứng đầu thế giới về ngành công nghiệp điện mặt trời và điện gió. Báo chí nhà nước họ viết nhiều về vấn đề này, ca ngợi khá nhiều. Vậy thì câu hỏi đặt ra là có hay không việc cho nhà đầu tư Trung Quốc vào làm các dự án điện kiểu này? Mặc dù bên nhà nước cũng đã có lời cảnh tỉnh trước vốn vay của Trung Quốc. Nhưng nhìn các văn kiện ký kết giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ sâu rộng, cũng như bên Việt Nam hết mực ủng hộ chiến dịch "một vành đai, một con đường" của Trung Quốc thì theo Nam nghĩ bên Việt Nam sẽ chấp nhận để Trung Quốc nhảy vào đầu tư. Hoặc cũng có thể vì những lý do trên, nhưng họ không để cập đến vấn đề thân thiện môi trường mà chấp nhận các dự án nhiệt điện mới của Trung Quốc. Mới với Việt Nam nhưng thực chất là sắt rỉ của Trung Quốc. Toàn các dự án bọn nó tháo dỡ bên đó rồi muốn đẩy sang đây. Mà tiêu thụ rác cho nó thì mấy ông Việt Nam cũng được khối hoa hồng, rồi sau đó tha hồ tham nhũng Đặc thù vốn vay của Trung Quốc là bẫy nợ. Chậm tiến độ, chất lượng kém, đội vốn, rồi lợi nhuận sau vận hành kém. Và đi kèm các bất lợi đó là siết lãnh thổ, siết trực tiếp dự án.. Điều này rất nguy hiểm cho vận mệnh quốc gia. Trên thế giới đã có nhiều gương các nước phải gán đất, nhượng địa cho Trung Quốc chỉ vì vay vốn kiểu này. Dân chúng ta thì phản đối rõ ràng rồi. Nhưng nhà nước thì có lẽ sẽ đồng thuận. Vậy phải làm sao đây khi vận mệnh quốc gia bị đe dọa? Fb Nguyễn Việt Nam Nguồn ảnh:: https://chantroimoimedia.com  
......

TẬP ĐOÀN KINH TẾ LÀM NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ - NƯỚC CỜ HIỂM CỦA TRUNG CỘNG

Thử tưởng tượng, nếu loại bỏ Toyota, Honda, Misubishi, Sony, Fujitsu vv..mà bị loại ra khỏi đất nước thì kinh tế nước Nhật thế nào? Nước Nhật sẽ không còn là cường quốc kinh tế nữa. Những tập đoàn kinh tế có một sức mạnh rất lớn, nó có thể tác động làm bộ máy chính quyền thay đổi. Nếu các tập đoàn kinh tế ấy mà làm nhiệm vụ chính trị cho chính quyền thì sao? Rất nguy hiểm. Với Trung Quốc, họ có tham vọng rất mạnh. Họ muốn những tập đoàn kinh tế lớn phải là của họ. Chính họ chi phối những tập đoàn lớn chứ không phải ngược lại. Trong những tập đoàn kinh tế, chính quyền Trung Cộng đã đào tạo ra những CEO làm nhiệm vụ chính trị. Chính Jack Ma cũng là người của ĐCS Trung Quốc kia mà? Trong cái thành công của Alibaba có bàn tay ĐCS và tất nhiên Alibaba phải làm nhiệm vụ chính trị cho ĐCS Trung Quốc. Với chính quyền Trung Cộng, kinh tế không phải để mang lại chất lượng sống cho nhân dân, mà kinh tế là để lồng ghép nhiệm vụ chính trị. Tàu đánh cá của Trung Cộng toàn là tàu quân sự trá hình. Ngư dân Trung Quốc được phát tàu đi biển để làm nhiệm vụ cho ĐCS Trung Quốc. Đó là mô hình lồng ghép, nhiệm vụ chính trị ẩn mình trong vỏ bọc kinh tế. Các tập đoàn kinh tế mạnh của Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Nó cũng làm nhiệm vụ chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Trump mạnh tay với các doanh nghiệp Trung Cộng. Mỹ họ biết rõ, đó là các ổ gián điệp đang hoạt động rất mạnh. Một lãnh đạo Huawei ở Canada bị bắt vì tội làm gián điệp. Vậy mà Huawei đã thọc rất sâu vào thị trường viễn thông Việt Nam qua vỏ bọc Viettel. Và ở Việt Nam, không phát hiện được cá nhân nào làm gián điệp cả. Điều này chứng tỏ chính trị Việt Nam không còn sức kháng cự với gián điệp Trung Cộng nữa. Dạo này, các doanh nghiệp Việt Nam lớn như thánh gióng. Nó lớn còn nhanh hơn các tập đoàn đa quốc gia lừng danh thế giới. Nó đến đâu thì lấy đất vàng đến đấy, và thậm chí chính quyền tỉnh còn ứng tiền cho nó làm. Nếu không có luồng tài chính bí mật thổi vào bụng thì nó không thể lớn mạnh và uy quyền đến như vậy. Trong đó, tôi tin là có luồng tài chính bất minh từ thế lực rất mạnh của ngoại bang bơm vào. Một ngày nào đó, những doanh nghiệp ấy đồng loạt tuyên bố đổi chủ thì nền kinh tế Việt Nam sẽ nằm gọn trong tay ngoại bang. Lúc đó nhiệm vụ chính trị các CEO Trung Cộng hoàn thành. Hôm nay, chính quyền CS khống chế bao tử nhân dân Việt, thì nếu quyền ấy trao cho ngoại bang thì sao? Thì xem như mất nước. Chưa có thời nào mà doanh nghiệp Trung Cộng lộng hành như thời này. Chưa có thời nào mà cả chính quyền CSVN sợ doanh nghiệp Trung Cộng như thời này. Chính quyền mà sợ doanh nghiệp? Chuyện tưởng như phi lí nhưng thực tế là vậy. Điều đó chứng tỏ trong tập đoàn kinh tế Trung Quốc có quyền lực chính trị trong đó. Chỉ có lồng ghép quyền lực chính trị mới làm cho một tập đoàn chính trị khác phải sợ. Đến Mỹ mà Trung Cộng còn tung các nhà khoa học và các CEO làm gián điệp bủa vây nước Mỹ thì Việt Nam là cái thá gì? Nó nuốt dễ như ăn kẹo. Việt Nam đã vô miệng, khó thoát. Fb Đỗ Ngà
......

Tổng giám đốc Đức bị Trung Quốc sa thải : Một gáo nước lạnh cho Berlin

Giám đốc điều hành Till Reuter của công ty KUKA đứng cạnh thủ tướng Angela Merkel  Hôm thứ Hai 26/11/2018, ông chủ mới Trung Quốc khi loan báo về việc sa thải Till Reuter, tổng giám đốc KUKA, tập đoàn Đức nổi tiếng về sản phẩm « cánh tay thông minh », biểu tượng cho công nghệ thời kỳ 4.0, đã dội một gáo nước lạnh vào giới kỹ nghệ nước Đức. Ông Till Reuter, 50 tuổi, vốn là người tích cực ủng hộ việc tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại KUKA với giá 4 tỉ đô la hồi năm 2016. Bộ trưởng Kinh Tế Đức thời đó là Sigmar Gabriel đã làm mọi cách để ngăn cản nhưng không được. Từ đó đến nay, ông Reuter không bỏ lỡ một dịp nào để nhấn mạnh việc Midea mua KUKA rất có lợi cho tập đoàn Đức. Nhưng những lời ca ngợi này không cứu vãn được sự nghiệp của chính ông Reuter. Ông bị ông chủ Hoa lục cho về vườn một cách phũ phàng, sau mười năm lãnh đạo tập đoàn KUKA, tên tuổi hàng đầu thế giới trên thị trường robot thông minh. Nhật báo kinh tế Handelsblatt dẫn các nguồn tin kỹ nghệ tiết lộ, đó là do cổ đông Trung Quốc muốn tăng thêm trọng lượng trong những quyết định của KUKA. Tất nhiên ban lãnh đạo do Bắc Kinh khống chế cố tìm mọi cách trấn an, bảo đảm việc làm cho công nhân đến năm 2023. Nhưng sự kiện Till Reuter bị ông chủ Trung Quốc đột ngột tống cổ, đã kết thúc hẳn thời kỳ ngây thơ của Berlin. Xe hơi BMW được các "cánh tay robot" của KUKA lắp ráp. Tin tưởng rằng các nhà đầu tư Hoa lục là vô hại, Đức đã để yên cho họ mua lại các công ty của mình. Nhưng Bắc Kinh quá háu ăn, một loạt các vụ thâu tóm năm 2015 và 2016 khiến Berlin bắt đầu lo ngại. Mikko Huotari, giám đốc Viện Merics giải thích : « Chúng tôi nhận ra rằng người Trung Quốc không giống những nhà đầu tư các nước khác. Ba năm sau đợt hàng loạt công ty Đức bị Trung Quốc mua lại, các ông chủ mới không hề quan tâm đến các vấn đề sát sườn của địa phương. Trường hợp KUKA chứng tỏ khả năng hành động của doanh nghiệp châu Âu bị thu hẹp dưới sự can thiệp của ban lãnh đạo Trung Quốc ». Sự kiện này làm giới kỹ nghệ Đức tăng thêm ngờ vực trước đối tác Trung Quốc. Kể từ sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc gần đây, người Đức ghi nhận chính quyền Bắc Kinh đè nặng chưa từng thấy lên các quyết định của giới công nghiệp. Các công ty ngày càng bị giám sát chặt hơn, hy vọng cải thiện, mở rộng thêm thị trường Hoa lục tan thành mây khói. Cho đến nỗi BDI, nghiệp đoàn kỹ nghệ Đức nay kêu gọi các thành viên giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong một thông báo chưa công bố nhưng hãng tin Anh Reuters đọc được hôm 31/10, BDI khuyến cáo các công ty Đức tính toán lại chuỗi gia công sản xuất, xem lại trọng lượng thị trường Hoa lục trong tổng lượng hàng bán. BDI nhấn mạnh : « Có sự cạnh tranh dứt khoát giữa mô hình kinh tế thị trường rộng mở của chúng ta và nền kinh tế Trung Quốc do nhà nước lãnh đạo », và nhận định, việc mở cửa thị trường Hoa lục như hứa hẹn có thể sẽ không bao giờ xảy ra. Tổng thống Đức Frank-Walter Steimeier, từ hôm qua 04/12/2018, bắt đầu chuyến công du Trung Quốc 6 ngày. Quan hệ thương mại đôi bên hiện căng thẳng đến nỗi tất cả phát biểu đều được theo dõi kỹ càng.
......

Phạm Đoan Trang: Tầng lớp trung lưu Việt Nam không có khao khát dân chủ và tự do

Tổ chức phi chính phủ Mạng lưới nhân quyền Việt Nam trao giải thưởng nhân quyền hàng năm cho ba người là blogger Phạm Đoan Trang, nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, và nhà đấu tranh vì quyền lao động Trần Thị Nga. Nhân dịp này blogger Đoan Trang trao đổi với đài RFA về những vấn đề xung quanh giải thưởng này cũng như phong trào nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Đoan Trang: Khi nhận giải này tôi hơi bối rối, vì không nghĩ rằng mình đã làm cái gì để nhận được giải này. Nhất là tôi nhận giải này với hai người nữa là nhà hoạt động môi trường và nhân quyền Hoàng Bình, nhà hoạt động cho quyền lao động Trần Thị Nga. Cả hai người vẫn đang ngồi tù với mức án rất nặng. Tôi thấy mình chưa làm được gì cả, và cảm thấy buồn nữa, thương cho chị Nga và anh Hoàng Bình. Kính Hòa: Chị viết trên Facebook rằng việc nhận giải nhân quyền mà cứ kéo dài thì đó là một điều đáng buồn, chị có thể giải thích rõ hơn? Đoan Trang: Tôi nghĩ rằng một đất nước nào mà công dân nhận những giải Nobel về kinh tế, vật lý, hóa học,… thì có thể tự hào, nhưng mà Nobel hòa bình thì lại dễ gây tranh cãi, hoặc đặt ra vấn đề về nền dân chủ của nước đó. Thì giải thưởng nhân quyền này của Mạng lưới nhân quyền Việt Nam cũng tương tự. Chừng nào mà còn có người nhận giải nhân quyền thì nó chứng tỏ rằng đất nước đó, nền chính trị của đất nước đó, còn có rất nhiều vấn đề, còn vi phạm nhân quyền. Hễ còn vi phạm nhân quyền thì còn có người nhận giải về nhân quyền. Kính Hòa: Giải thưởng này được một tổ chức có trụ sở ở California trao tặng hàng năm. Chị nghĩ gì về sự ủng hộ của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đối với phong trào nhân quyền trong nước? Đoan Trang: Việc mà họ trao giải hàng năm, nếu tôi nhớ không lầm là từ năm 2002, đến nay đã gần 20 năm, chứng tỏ họ luôn sát cánh với những người hoạt động trong nước. Họ theo dõi tình hình nhân quyền trong nước, theo dõi sự hoạt động của những người hoạt động nhân quyền trong nước. Đó là một sự khích lệ tin thần rất lớn với những người hoạt động. Tôi rất cảm ơn Mạng lưới nhân quyền Việt Nam. Tôi luôn nhấn mạnh là những người trong nước đấu tranh là khó khăn vất vả. Những người Việt ở nước ngoài đấu tranh cho dân chủ nhân quyền Việt Nam cũng là một hoạt động đáng quý. Thật sự cũng khó khăn cũng có cản trở, và rất đáng được tri ân. Những người Việt Nam ở trong nước đấu tranh vì dân chủ trong một nền chính trị tệ hại như thế này là một việc đương nhiên. Nhưng đối với người Việt ở nước ngoài thì chẳng có lý do gì để quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam cả. Họ có thể hưởng một cuộc sống đầy đủ về vật chất, an toàn về môi trường, và còn đầy đủ về tinh thần nữa, không có lý do gì để quan tâm tới một đất nước xa vời vợi và còn chìm ngập trong lắm vấn đề phức tạp. Nhưng mà họ vẫn quan tâm, theo dõi mà còn đặt ra một giải thưởng nữa, để hổ trợ, khích lệ tinh thần những người trong nước. Kính Hòa: Tù nhân lương tâm liên tục bị tống xuất ra nước ngoài. Chị thấy chính sách đó của Việt Nam có hiệu quả hay không? Đoan Trang: Đó là một chính sách mang rất nhiều lợi ích cho họ. Tôi vẫn hay viết và nói ra thế này: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước buôn dân. Cấp trên hay cấp dưới đều buôn cả. Cấp trên thì đổi tù nhân lương tâm để lấy những điều lợi về kinh tế, với cộng đồng quốc tế. Như là một hiệp định với EU hay một hiệp định với Mỹ. Cấp dưới thì bắt những tù nhân lương tâm, những người hoạt động dân chủ để được lên lon, lên lương. Tù nhân lương tâm ngày càng trở nên một món hàng rất là hời cho nhà cầm quyền này ở các cấp. Không có lý do gì để họ không làm điều ấy cả. Bắt thì họ chẳng thiệt gì, thả thì được tiếng tôn trọng nhân quyền với các đối tác phương Tây. Tôi nghĩ là việc bắt người rồi trục xuất sẽ còn dài dài, chừng nào chính thể này còn tồn tại. Kính Hòa: Nó có làm ảnh hưởng đến hoạt động cho quyền dân sự, cho nhân quyền trong nước không? Đoan Trang: Đối với cá nhân tôi thì nó không ảnh hưởng gì lắm. Xưa nay tôi vẫn làm những công việc đó. Có ai bên cạnh giúp hay không thì tôi vẫn làm. Còn đối với phong trào thì tôi nghĩ là cũng có, vì người ta nghĩ rằng những gương mặt nổi bật đại diện cho phong trào, ít nhất về mặt hình ảnh, không còn nữa thì còn ai? Có thể nhiều người sẽ nghĩ như vậy. Kính Hòa: Gần đây có trường hợp chị Lê Thu Hà, bị trục xuất sang Đức, rồi lại trở về Việt Nam, lại bị trục xuất. Cũng có những ý kiến bàn tán về việc này. Chị nghĩ sao? Đoan Trang: Khi biết chuyện đó tôi rất lo lắng và thương cho Hà. Tôi nghĩ là tôi hiểu tâm trạng của Hà. Một phụ nữ trẻ, đấu tranh là vì cái chung, cho dân chủ cho Việt Nam, bị bắt giam hai năm rưỡi, trong phòng tạm giam chắc là ba đến sáu mét vuông một người, như là cái cũi. Ngày này qua ngày khác, không có bất kỳ một thông tin nào từ bên ngoài vào, chưa kể điều kiện vật chất thì vô cùng tồi tệ. Một phụ nữ rất lãng mạn, yêu thơ văn, rất yêu nước,… sống như vậy trong vòng hai năm rưỡi. Đó là một địa ngục trần gian. Hà chưa có một ngày nào gặp lại gia đình cả. Đùng một cái rời nhà tù đến một đất nước xa lạ, mùa đông rất lạnh lẽo. Những điều đó đủ cho chúng ta cảm thấy xót xa cho Hà. Khi Hà về Việt Nam tôi rất lo lắng không biết nhà cầm quyền Việt Nam sẽ làm gì với Hà. Dù sao thì khi họ trục xuất thì sai pháp luật, nhưng rất là may vì nếu không họ lại bắt nữa thì lại còn khổ cho Hà. Việc đó làm tôi thật sự áy náy, mình không làm gì được và cũng sẽ không làm gì được cho Hà. Kính Hòa: Giải nhân quyền lần này có ba người, thì anh Hoàng Bình là về hoạt động môi trường, chị Nga về quyền lao động, chị có nghĩ rằng nếu hoạt động vì môi trường và quyền lao động ra khỏi cái từ nhân quyền mà những người cộng sản rất sợ, thì có dễ hơn không? Đoan Trang: Nói chung những khái niệm như dân chủ, nhân quyền, tự do, đều kiên kỵ với người cộng sản, họ không thích. Đấu tranh nói chung hay là tách ra với những quyền môi trường, hay những quyền nghe rất vô hại như là quyền của người thiểu số chẳng hạn, quyền lao động… nghe có vể nhân văn không mang tính chính trị, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì cả. Cộng sản đã ghét rồi thì họ đàn áp thẳng tay, đừng tưởng đấu tranh vì môi trường mà họ không đàn áp. Không hề! Kính Hòa: Có hai việc, thứ nhất là hiệp định thương mại với châu Âu có bắt Việt Nam cho phép lập nghiệp đoàn lao động độc lập, thứ hai là những vụ bê bối về môi trường như Formosa, hay Vĩnh Tân đã gây những xáo trộn xã hội lớn. Chị có nghĩ rằng tới đây nhà nước Việt Nam sẽ nới ta trong các vấn đề lao động và môi trường, vì rõ ràng nó ảnh hưởng đến sự tồn tại của chính họ? Đoan Trang: Có một điều tôi rất nghi ngờ là sự thay đổi suy nghĩ của những người cộng sản, để họ có tầm nhìn dài hạn hơn, vì dân vì nước hơn. Tôi không tin. Những người cộng sản lúc nào cũng sợ mất quyền và tiền. Thứ hai là họ không có tầm nhìn xa như thế. Chúng ta có thể nói với họ là môi trường và nhân quyền mà tốt thì mọi người đều có lợi, nhưng họ sẽ không tin và họ không quan tâm. Họ thấy cái gì trong ngắn hạn ảnh hưởng đến quyền lợi của họ là họ phải dập, phải đàn áp. Đặc biệt nhà nước công an trị có một cái tư tưởng là phải tiêu diệt tổ chức phản động từ trong trứng nước. Tức là bất cứ khi nào người dân có sự tu tập, kết nối với nhau mà họ không kiểm soát được, hay nói theo từ cộng sản là không có sự quản lý và định hướng của nhà nước, thì cứ phải diệt, diệt ngay lập tức. Cho nên là công đoàn, môi trường, hay quyền giáo dục, quyền ý tế… tất cả những cái đó chẳng có nghĩ gì với họ cả. Tôi không tin là họ có thiện chí nào cho sự thay đổi. Kính Hòa: Việt Nam cải cách kinh tế từ năm 1986, đã hơn 30 năm rồi. Có những ý tưởng cho rằng cải cách kinh tế sẽ dẫn đến chính trị, nhưng có vẻ chúng ta đang chứng kiến một chuyện ngược lại, khi ông Nguyễn Phú Trọng mới đây nói sự suy thoái về chính trị còn nguy hiểm hơn suy thoái kinh tế. Chị nghĩ khi nào thì cải cách chính trị đến với Việt Nam? Đoan Trang: Tôi nghĩ rằng Việt Nam và Trung Quốc cung cấp cho thế giới hai ví dụ cho việc cải cách kinh tế không nhất thiết dẫn đến cải cách chính trị. Huống chi là Việt Nam cũng chẳng tự do về kinh tế. Việt Nam chưa bao giờ tự do về kinh tế cả. Cho nên tôi không thấy lý do gì mà những chuyện 32 năm qua sẽ dẫn đến cải cách chính trị. Tôi chẳng thấy dấu hiệu nhượng bộ nào từ nhà cầm quyền cả. Kính Hòa: Cho tự do kinh tế một chút xíu, nhưng vẫn nắm chặt về chính trị, thì việc này chị có cho là nó cũng có nguồn gốc từ truyền thống Á Đông, những xã hội Việt Nam Trung Quốc đều theo Khổng giáo vốn có truyền thống độc tài đàn áp từ lâu rồi, chị có thấy vậy không? Đoan Trang: Tôi cho rằng ở những đất nước mà thay đổi kinh tế dẫn đến chính trị, thì do là thay đổi kinh tế dẫn đến thịnh vượng hơn, hình thành tầng lớp trung lưu, một tầng lớp có đòi hỏi mạnh mẽ nhất về cải cách chính trị. Nhưng ở Việt Nam và Trung Quốc thì cho thấy ngược lại. Tầng lớp trung lưu có hình thành thì nó cũng chẳng dẫn đến cải cách chính trị. Ho không có nhu cầu cải cách chính trị. Trước hết là quyền lợi của họ gắn chặt với nhà cầm quyền. Ở Việt Nam, những công ty lớn, những đại gia, tất cả những thành công của họ đều xuất phát từ quan hệ với nhà cầm quyền. Đều là sân sau, cửa sau của nhà cầm quyền. Không có sự thành đạ nào xuất phát từ sáng kiến, từ đổi mới từ tài năng kinh doanh cả. Điểm thứ hai là đúng như anh nói, dường như cái não trạng của người Việt Nam có ảnh hưởng từ Khổng giáo. Giới trung lưu Việt Nam họ không có khát vọng về dân chủ. Còn thượng lưu ở Việt Nam thì không có nghĩa là tinh hoa. Đại gia của Việt Nam thì có nghĩa là ăn bò Kobe, hay là đi mua giường,… Tầng lớp “tinh hoa” ở Việt Nam, xin lỗi phải dùng từ là xôi thịt, không có tầm văn hóa để dẫn dắt xã hội.
......

Toàn Bộ Bí Quyết 3 Phút

Những thói quen chỉ gói gọn trong 3 phút dưới đây sẽ đem lại tác dụng tuyệt vời mà nếu bỏ qua bạn sẽ đánh mất cơ hội thay đổi lối sống, cải thiện sức khỏe của mình. 1. Đi vệ sinh không quá 3 phút Phó Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện số 3 Đại học Bắc Kinh, bác sĩ Diêu Vĩ cho biết, trong lúc đại tiện, mỗi centimet vuông đường ruột đều phải chịu từ một vài áp lực không hề nhỏ. Nếu chúng ta có thói quen đọc sách hay hút thuốc khi đi vệ sinh, thời gian đại tiện sẽ càng kéo dài, thời gian ruột chịu áp lực cũng theo đó mà tăng lên. Duy trì tình trạng này lâu ngày sẽ khiến niêm mạc ruột sa xuống và trở thành nguyên nhân dẫn tới các bệnh nguy hiểm như bệnh trĩ, táo bón… Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến nghị thời gian đi đại tiện không nên kéo dài quá 3 phút. 2. Không tức giận quá 3 phút Bạn sẽ bất ngờ nếu biết một người tức giận trong 10 phút sẽ tiêu hao năng lượng tương đương với một lần tham gia thi chạy cự li 3.000m. Nghiêm trọng hơn, khi tức giận, các phản ứng sinh lý sẽ khiến cơ thể giải phóng nhiều chất gây hại. Bởi vậy đa số những người thường xuyên tức giận đều sở hữu tuổi thọ không cao. Vì vậy, bạn hãy học cách không để cơn giận vượt quá 3 phút. Chỉ duy trì những cảm xúc tiêu cực trong khoảng thời gian này sẽ giữ an toàn cho sức khỏe cũng như tinh thần, đồng thời cũng giúp bạn cũng nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh. 3. Ăn nóng – lạnh cách nhau 3 phút Bác sĩ Tôn Ninh Linh (Trưởng khoa Tim, Bệnh viện Nhân Dân trực thuộc Đại học Bắc Kinh) giải thích, sau khi ăn đồ nóng, các mạch máu sẽ giãn ra. Lúc này, nếu bạn uống thêm một lượng lớn nước lạnh sẽ khiến mạch máu đột ngột co lại, huyết áp tăng cao, kéo theo đó là hàng loạt triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, đau dạ dày, chướng bụng. Cần nhấn mạnh rằng, tình trạng này vô cùng nguy hiểm những người có huyết áp cao. Vì thế, bạn không nên dùng liên tiếp các thực phẩm có nhiệt độ chênh lệch quá cao trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu vừa ăn đồ nóng xong, bạn cũng nên đợi ít nhất 3 phút rồi mới dùng đồ uống lạnh để tránh kích thích dạ dày. 4. Nằm trên giường 3 phút Theo thống kê, có đến gần 25% trường hợp trúng gió và đột tử xảy ra vào khoảng thời gian sau khi thức dậy lúc sáng sớm. Do đó, bác sĩ Tôn Ninh Linh khuyến cáo người trung niên, người cao tuổi có tiền sử mắc bệnh tim hoặc bệnh cao huyết áp nên nằm nhắm mắt trên giường khoảng 3 phút rồi mới rời giường sau khi thức dậy. Bên cạnh đó, những đối tượng này có thể vận động nhẹ nhàng các khớp, cổ ngay trên giường để tránh tình trạng huyết áp tăng – giảm đột ngột. 5. Thở bụng 3 phút mỗi ngày Huấn luyện viên bơi lội Vương Tranh Huấn đến từ Học viện Thể dục Thể thao Thủ Đô cho biết, thở bụng chẳng những cung cấp đủ dưỡng khí mà còn giúp điều hòa các rối loạn của tạng phủ. Bạn chỉ cần nắm rõ 4 nguyên tắc thở gồm sâu, đều, chậm rãi, êm dịu và thực hiện đúng phương pháp luyện tập của cách thở này trong 3 phút mỗi ngày là có thể đạt được tác dụng phục hồi sức khỏe rất kỳ diệu. 6. Đánh răng trong 3 phút Theo các chuyên gia nha khoa Hàn Quốc, phương pháp đánh răng “3-3-3” được coi là lựa chọn lý tưởng để làm sạch và bảo vệ răng miệng. Theo lý giải, phương pháp này thực hiện hết sức đơn giản: mỗi ngày đánh răng 3 lần, đánh răng sau bữa ăn 3 phút và đánh răng trong thời gian 3 phút. Đến từ bệnh viện Hựu An, Bắc Kinh, Trưởng khoa Răng miệng Trần Thế Chương còn cho biết thêm, nguyên tắc cơ bản khi đánh răng là “chạm đến mọi mặt”. Nói cách khác, răng phải được chải sạch ở các góc độ từ trong ra ngoài cho đến mặt trên. 7. Đun nước thêm 3 phút Hiện nay, hầu hết nguồn nước máy chúng ta đang sử dụng đều được xử lý bằng Clo. Trong quá trình Clo kết hợp với các chất hữu cơ trong nước, các chất như hydrocacbon có chứa halogen, chloroform và các hợp chất có khả năng gây ung thư khác sẽ được sinh ra. Nhiều kết quả thử nghiệm đã cho thấy, hàm lượng các chất này có mối liên hệ mật thiết với sự thay đổi của nhiệt độ nước và thời gian nước sôi. Vì vậy, chỉ cần đun nước thêm 3 phút sau khi sôi, hàm lượng các chất này trong nước sẽ có thể giảm xuống đến mức tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối. Theo kiến giải của các chuyên gia y tế, phương pháp đun nước khoa học nhất là sau khi lấy nước vào ấm, bạn nên đợi một chút rồi mới bắt đầu đun. Đến khi nước sắp sôi, bạn mở nắp ấm ra và tiếp tục đun cho tới khi nước sôi khoảng 3 phút. Như vậy, các chất độc hại trong nước sẽ bị làm bay hơi một cách hiệu quả. 8. Pha trà bằng nước sôi trong 3 phút Đến từ Ban nghiên cứu lá trà thuộc Viện Nông nghiệp Trung Quốc, Phó trưởng ban Giang Dụng Văn kiến nghị, khi phà trà, chúng ta nên sử dụng nước từ 70 tới 80 độ C để ngâm trà trong khoảng 3 phút, sau đó đổ lần nước này đi và rót nước mới vào, đợi thêm 3 phút nữa rồi mới dùng. Khi pha như vậy, trà mới giữ được hương vị tuyệt hảo. Hơn nữa, vào lúc này, caffeine trong trà đã được tiết hết ra, giúp phát huy tối đa công dụng giúp tinh thần tỉnh táo của loại đồ uống này. 9. Ấn giữ khóe mắt khoảng 3 phút Bác sĩ Lý Doanh (Trưởng khoa Mắt bệnh viện Hiệp Hòa Bắc Kinh) đã chỉ ra rằng, khi tra thuốc, bạn nên dùng tư thế ngồi xuống một chỗ hoặc nằm ngửa ra, đầu hơi ngả về phía sau, mắt nhìn lên trên. Sau đó dùng ngón trỏ của bàn tay trái nhẹ nhàng kéo vành mắt dưới xuống, tay phải cầm thuốc nhỏ mắt, nhỏ 1-2 giọt vào mí mắt, rồi từ từ đẩy mí mắt lên trên để nước nhỏ mắt chảy đều ra toàn phần kết mạc. Sau khi nhỏ xong, bạn từ từ nhắm mắt lại, dùng ngón trỏ ấn giữ khóe mắt khoảng 3 phút. Khoảng thời gian 3 phút này có thể ngăn nước nhỏ mắt chảy vào mũi, đồng thời giúp thuốc lưu lại trên nhãn cầu lâu hơn để có thể phát huy công dụng tối đa. 10. Dừng 3 phút khi vận động Khi vận động với cường độ mạnh, chúng ta thường có cảm giác “thở không ra hơi” vào những lúc đuối sức. Lúc này, tốt nhất bạn nên dừng lại nghỉ ngơi một chút. Trên thực tế, bạn chỉ cần nghỉ tập trong 3 phút là các múi cơ của cơ thể đã bổ sung đầy đủ năng lượng để chuẩn bị cho lượt tập kế tiếp. ST
......

Thực dân-Phong kiến

Đoàn xe Nguyễn Phú Trọng về làng Trung Quốc (TQ) là cái nôi Phong kiến. Có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Việt Nam (VN) là một trong những nước giáp biên với TQ, VN chịu ảnh hưởng Phong kiến TQ khá nặng. Những người ở càng gần TQ hẳn nhiên là chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Trong cái may có cái rủi,  theo địa dư, cũng may là lãnh thổ VN chỉ gắn với TQ có cái “cái đầu”, nhưng rủi là chính từ “cái đầu” mang nặng Phong kiến ấy lây lan ra cả nước. Thực là Ăn. Theo nghĩa đen “Thực dân-Phong kiến” là “Ăn của Dân theo kiểu Vua Chúa” – người viết cắt nghĩa “đùi” như thế ai chịu không chịu thì thôi. Nhưng chữ “ăn” cũng phong phú lắm, theo nghĩa bóng: ăn gian, ăn lận, ăn trộm, ăn cướp… - chung quy là ăn gian nói dối một cách trắng trợn chẳng những đối với thường dân mà đối với cả thuộc hạ của mình. Đừng thấy quan chức nhà ta mặc veston, thắt cà-vạt, đi giày mõ vịt… rồi cho là họ đã “sạch nước cản”. Không đâu, Phong kiến đội lốt đấy: từ lời ăn tiếng nói theo kiểu khuyên răn chỉ dạy; chủ trương, chính sách… từ trên dội xuống, đến cơ cấu bộ máy cai trị theo kiểu cha truyền con nối, còn gọi là 5c – “con cháu các cụ cả”. Vài biểu hiện dễ thấy: 1/ Sau khi thống nhứt đất nước, kinh tế còn khó khăn, tôi  ra miền Bắc thấy việc ăn ở, nói năng của cán bộ đúng như người ta khắc họa “Ăn như tu, ở như tù, nói như lãnh tụ”– cái gì cũng biết, vạn sự thông, nói như Vua ban, cấm không được cãi lịnh. Riêng việc “Nói như lãnh tụ” từng bước lan truyền ra cả nước như bịnh dịch. Nhưng giờ đây đã khác rồi, quan chức cả nước đã khắc phục được hai trong ba cái nhược: “Ăn như Vua, ở biệt phủ”, còn “nói như lãnh tụ” đã trở thành cố tật của các quan, có lẽ họ sống để dạ, chết mang theo. Biệt phủ của cựu TBT Nông Đức Mạnh       2/ Phân biệt đối xử theo đẳng cấp: + Khi đi chỉ đạo: Quan to về làng như Thần Hoàng về miễu, đi đến đâu có xe Cảnh sát dẫn/mở đường, còi hụ điếc tai, đường cấm cũng vào, vượt đèn đỏ là chuyện nhỏ. Đường vào nơi tụ hội cờ phướn rộp trời. Quan to đi trước làng nước theo sau,  pháo tay tiếp nghinh nổ giòn. Trên diễn đàn quan độc diễn - thích nói cho người ta nghe chớ ít chịu nghe người ta nói. Đã thành thông lệ, cuộc họp nào cũng có đủ “3 kính”: vào kinh thưa, trưa kính mời, chiều kính gởi. Vũ Kiểm tức cảnh làm mấy câu thơ lục bát theo kiểu hỏi đáp gẫm cũng lý thú, xin giới thiệu:  -  Kính thưa, kính biếu, kính mời, Trong ba kính ấy, … chơi kính nào? -  Kính thưa nghe mãi không vào, Kính mời, kính biếu, kính nào cũng hay: Kính mời là kính ăn ngay, Kính biếu là để xách tay về nhà. + Khi Sống: Quan cấp nào được cấp xe 900 triệu, khi hồi hưu trả lại; quan cấp nào được cấp xe trên tỷ, khi về hưu được đem xe và đem cả bảo vệ + cần vụ về nhà để bảo vệ, phục dịch / Quan cấp nào trị bịnh theo thứ hạng bịnh viện ở trong nước; quan cấp nào được ra nước ngoài chữa trị bịnh..v.v… + Khi chết, ai Gia tang, ai Địa phương tang, ai Nhà nước tang, ai Quốc tang / Quan cấp nào chôn ở Văn Điển, cấp nào chôn ở Mai Dịch, ai chôn trước ai chôn sau / Quan cấp nào được lấy họ tên đặt tên đường, tên trường ở từng khu vực hay trên cả nước / Quan cấp nào được làm Tượng đài, khu Lưu niệm. ..v.v… Đoàn xe 34 chiếc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm tỉnh Tiền Giang và Cánh đồng nứt nẻ vì thiếu nước - Ảnh Lưu Trọng Văn . Nghe, thấy bấy nhiêu đó cũng đủ khùng?! Người viết chướng mắt rặn ra bài thơ với tựa đề “Sống, chết như ông”: Làm việc như Ông sướng bậc tiên: Việc gì cũng có trợ lý riêng, Xe đưa, xe rước trưa, chiều, sớm, Trần thế khác gì chốn non tiên?. Tiếp khách kiểu Ông sướng quá tay: Bao nhiêu phí tổn cứ chi xài, Kê chung phiếu “đỏ” đưa Ông ký, Công quỷ phải nào của riêng ai?. Nằm viện như Ông sướng bậc cha: Nhân viên nuôi bịnh chia thành ca, Ông sai Ông khiển như đày tớ, Lựng bựng coi chừng Ông thải ra?. Đám táng của Ông lớn quá trời: Ngày đêm phúng điếu chẳng giờ ngơi, Tiễn đưa Ông đến nơi an nghỉ, Xe nối đuôi dài đếm hụt hơi?. 05/12/2018       T.T     Thiện Tùng  
......

NHỮNG BÓNG HỒNG BỊ CHE KHUẤT

Tôi đã viết và cũng đã đọc nhiều về những người phụ nữ đảm đang, thuỷ chung và can trường, những bóng hồng sau lưng những người chồng là TNLT. Nhưng dường như tôi ít hoặc chưa nghe nói về những người yêu của những chàng trai phải bước chân vào chốn ngục tù khi họ chưa kịp thành hôn. Rồi tôi đã gặp những người phụ nữ ấy, những người không được biết đến, không được động viên, khích lệ, ko được công khai tự hào về người đàn ông của mình. Họ lặng lẽ mua sắm đồ tiếp tế, lặng lẽ đi sau người nhà của người tù ấy, lặng lẽ đợi chờ mà chưa biết khi nào người ấy trở về, và khi đó có là của mình hay không, bởi lúc ấy nhan sắc đàn bà đã tàn phai, con cái chung thì không có. Có một cô gái trẻ đã một mình lo tiếp tế cho chàng trai của mình suốt mấy năm nay, (gia đình chàng chỉ đi cùng), và án tù mười mấy năm nữa, chẳng biết thân phận rồi sẽ ra sao. Nếu không có một tình yêu, một niềm tin mãnh liệt chắc ít ai làm được điều đó. Còn có một câu chuyện tưởng chỉ có trong tiểu thuyết nhưng lại là thật ở phong trào này. Đó là cô sinh viên Trương Thị Hà, người đang chờ đợi sinh viên Phan Kim Khánh 6 năm tù. Dẫu chưa từng gặp nhau, nhưng cảm phục và yêu mến Khánh, cô gái ấy đã viết những lá thư thấm đượm niềm yêu thương và hứa hẹn đợi chờ, dẫu sau này Khánh có thể không bằng lòng cưới. Và rồi cô gái ấy cũng đã bước chân vào con đường chông gai này, con đường mà Khánh đã chọn. “Thuở đất trời nổi cơn gió bụi Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”... Những người vợ ấy rất gian nan, nhưng những người yêu ấy cũng thiệt thòi lắm. Sự hi sinh thầm lặng của họ thật khó gọi tên. Tôi muốn viết về họ, muốn nêu tên họ, nhưng họ chỉ muốn im lặng lo toan cho người đàn ông của mình, im lặng đợi chờ. Bởi vậy tôi chỉ có thể gọi tên Trương Thị Hà và đưa ảnh của cô gái ấy lên đây. Fb Nguyễn Thúy Hạnh
......

“Bãi lầy” biển Đông

Người Mỹ “chào đón” Tập Cận Bình trong chuyến thăm Philippines vào ngày 20-21/11/2018 vừa qua bằng hai nhóm tàu hàng không mẫu hạm tấn công USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis cùng 10 chiến hạm hộ tống, 150 máy bay và 12.600 lính được điều động tới hội quân ở biển Đông, chỉ cách thành phố nơi diễn sự kiện ông Tập tới tham dự buổi khánh thành tổng lãnh sự quán Trung Quốc khoảng 200 km về phía Tây. Trước đó, ngày 19/11/2018, hai pháo đài bay B-52H Stratofortress cất cánh từ Guam đã bay lượn phía trên những căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng theo hành trình bay đã định trước. Một thông điệp ngoại giao rất cowboy không úp mở: Mỹ sẵn sàng và luôn chủ động cho bất cứ cuộc đối đầu quân sự nào với Trung cộng ở vùng biển này, bất kể có cần sự đồng ý hay không của những quốc gia như Philippines hay Việt Nam. Tại cuộc họp thượng đỉnh APEC 2018 diễn ra tại Papua New Guinea, lần đầu tiên sau 29 năm lịch sử APEC, cuộc họp thượng đỉnh 21 nền kinh tế đã kết thúc trong bế tắc vì hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ – Trung đã không tìm được tiếng nói chung. Thay vào đó, hai bên đã có những công kích không khoan nhượng những chính sách thương mại lẫn chính trị của nhau theo quan điểm riêng của mỗi bên. Đoán trước những “kịch bản” của Trung cộng và thứ “ngoại giao cuồng nộ” của Bắc Kinh tại diễn đàn này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đến APEC 2018 để gửi đi một thông điệp không khoan nhượng chứ không phải để tìm kiếm một sự đồng thuận. Việc Bắc Kinh “công diễn” những trò lố ở diễn đàn thượng đỉnh 21 nền kinh tế lần này chỉ khiến cho tất cả các quốc gia khác thấy rõ hơn bộ mặt gớm ghiếc của thứ chủ nghĩa “Cộng sản thực dân”. Những nhà ngoại giao Trung cộng ngày càng trở nên dễ bị kích động, thiếu kiềm chế và sẵn sàng bộc lộ bản chất và thứ văn hóa “đại Hán” hoàn toàn trái ngược với thế giới văn minh. Trên tờ vnexpress.net – một tờ báo mạng “chính thống”của CSVN, hôm 20/11/2018 có đăng bài phân tích của tác giả Thành Nguyễn với những nhận định mang tính khách quan và có căn cứ (một điều hiếm hoi đối với báo chí Việt Nam) khi nói về“nguy cơ thất bại của Trung Quốc nếu nổ ra chiến tranh lạnh với Mỹ”. Thực ra, cuộc chiến tranh Mỹ – Trung đã bắt đầu mà không bên nào tuyên bố. Trung Quốc đã âm thầm một chính sách đồng bộ làm suy yếu các nền tảng kinh tế, chính trị, văn hóa của Hoa Kỳ từ nhiều thập kỷ qua. Việc Hoa Kỳ liên tục dồn ép Trung Quốc trên mặt trận thương mại, áp đặt hàng rào thuế quan, xiết chặt việc chống hàng giả, ăn cắp bản quyền trí tuệ, gián điệp kinh tế, gián điệp công nghệ, v.v… chỉ là những nước cờ đầu tiên. Những chính sách này, ngay lập tức, làm cho nền tảng kinh tế Trung Quốc rung chuyển. Hiệp định thương mại Bắc Mỹ NAFTA với các nền kinh tế lớn như Mexico, Canada có những điều khoản ràng buộc như điều 32.10 thực sự có tác dụng “hủy diệt” đối với một nền kinh tế vốn phụ thuộc rất lớn vào xuất cảng. Chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại bắt đầu, thị trường chứng khoán Trung Quốc, Hongkong mất đến 30% tổng giá trị. Làn sóng “di tản” ồ ạt chưa từng có của các doanh nghiệp ở những vùng trọng điểm công nghiệp như Quảng Đông khiến cho những trung tâm kinh tế tiêu điều nhanh chóng cho thấy “người khổng lồ Trung Hoa” không mạnh như người ta nghĩ. Quốc sách phát triển kinh tế nhờ việc nô dịch một lực lượng lao động khổng lồ 400 triệu người sống ở mức nghèo khổ để lấy làm ưu thế “lao động giá rẻ” biến quốc gia này trở thành “công xưởng thế giới”, cùng với chiến lược gián điệp kinh tế, công nghệ, khoa học và sản xuất hàng giả trên qui mô toàn cầu được sự hỗ trợ đắc lực của chính phủ Trung cộng đã tạo ra ưu thế cạnh tranh rất lớn trong quá khứ. Những tập đoàn công nghệ như ZTE, Huawei, Tencent, Alibaba… đã góp phần làm cho Trung Cộng lớn mạnh nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Nhưng giờ đây, những sách lược và thủ đoạn này lại trở thành “tử huyệt” của một hệ thống thiếu những cấu trúc cơ bản và bền vững, dễ dàng bị tổn thương trong cuộc chiến tranh thương mại với người Mỹ. Chưa kể vô số những rủi ro tiềm ẩn về xã hội như môi trường, dân số, mâu thuẫn chủng tộc… mà Trung Quốc cố gắng giấu diếm. Sự sụp đổ về kinh tế chắc chắn sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng tồi tệ về xã hội. Trong bối cảnh đó, rất có thể một cuộc chiến tranh ở mức giới hạn nhằm tập trung tối đa hóa quyền lực trong nước và hướng mối quan tâm của xã hội vào các xung đột nằm ngoài đường biên giới, khơi gợi tình yêu nước và tham vọng bá quyền của chủng tộc có thể là một giải pháp chính trị của Trung Quốc cộng sản đảng. Nỗ lực quân sự hóa biển Đông nhằm thay đổi địa kinh tế chính trị khu vực Đông Nam Á được Trung Quốc cộng sản đảng dưới thời Tập Cận Bình đặt làm mục tiêu hàng đầu trong tham vọng “một hành lang, một con đường”. Con kênh đào Kra, tổ hợp kinh tế- quân sự viễn chinh lớn nhất của Trung Quốc ở Koh kong, Cambodia và chuỗi căn cứ hải không quân được xây dựng trên các đảo đá chìm ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Scarborough của Philippines hoàn toàn có thể làm thay đổi “bàn cờ” Đông Nam Á. Sự kiện tàu Lan Châu 170 cắt mũi tàu USS Decatur và xua đuổi máy bay P-8A của hải quân Hoa Kỳ cho thấy “kẻ thách thức” Trung Quốc đã có quá nhiều tự tin vào sức mạnh bản thân và Biển Đông là “giá trị cốt lõi” trong tham vọng thế kỷ mang tên “một vành đai, một con đường” khiến Bắc Kinh nóng lòng chiếm đoạt bằng mọi giá. Trong cuộc đối đầu địa chính trị ở Đông Nam Á, Đài Loan và biển Đông là hai vấn đề Mỹ – Trung sẽ không bên nào khoan nhượng cho bên nào. Như nhận định của đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ vào ngày 17/4/2018, trước quốc hội Hoa Kỳ “Chỉ có chiến tranh mới có thể ngăn cản được Trung Quốc độc chiếm biển Đông”. Chính quyền ông Trump đã có một số thay đổi chính sách về mặt đối ngoại so với chính quyền Obama. Đầu tiên là đạo luật ủy quyền quốc phòng NDAA được thượng viện Mỹ thông qua vào 1/8/2018 cho phép tăng ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ tới 716 tỷ USD cho tài khóa quân sự 2019. Đồng thời thực hiện 14 các hành động cụ thể nhằm tăng cường năng lực quân sự viễn chinh cho quân đội Mỹ tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, hỗ trợ các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ẩn Độ trong việc chống lại ảnh hưởng của Trung cộng, thực hiện các nghiên cứu, khảo sát toàn diện về Trung Quốc một cách hệ thống, cấm Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương và hạn chế hoạt động của Viện khổng tử tại các trường đại học Mỹ… Rút khỏi hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF với Nga để không bị ràng buộc bởi những “di sản” từ cuộc Chiến tranh lạnh đã không còn phù hợp nhằm triển khai lực lượng tên lửa đạn đạo mặt đất tại Châu Á. Riêng việc duy trì thường trực hai nhóm tàu hàng không mẫu hạm ở biển Đông đã cho thấy Hoa Kỳ đặt trọng tâm vào vùng biển này như thế nào. Những chính sách từ kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, giáo dục… Hoa Kỳ đã triển khai nhằm cô lập về cả chính trị, kinh tế và quân sự, hạn chế năng lực phát triển và ảnh hưởng của Trung cộng một cách hệ thống, đồng bộ. Tất cả những bước đi này để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh đang cận kề chứ không đơn thuần là những “thông điệp ngoại giao cứng rắn”. Tuy nhiên, khác với ở Đông Á, nơi mà ảnh hưởng của người Mỹ có nền tảng vững chắc với hai đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản. Vùng Đông Nam Á, nơi ảnh hưởng văn hóa, chủng tộc cũng như sự thao túng chính trị rất lớn của Bắc Kinh đối với các quốc gia như Việt Nam, Thailand, Cambodia, Laos, Philippines, Malaysia, Indonesia…chắc chắn sẽ gây khó khăn cho người Mỹ. Sách lược quen thuộc từ hàng thế kỷ nay được các hoàng đế Trung Hoa ưa dùng là việc ban tặng xe đẹp, ngựa tốt, mỹ nữ, rượu ngon, ngọc quí… để mua chuộc và phủ dụ các “Phiên thần” đồng thời sử dụng lợi thế sức mạnh của nước lớn để răn đe và đảm bảo vị thế và lợi ích chính trị của “thiên triều”. Giờ đây, những khoản vay tài chính hàng chục tỷ nhân dân tệ dễ dàng và những món quà đắt giá của Bắc Kinh dành cho các quốc gia nằm trong lộ trình “nhất đới, nhất lộ” vẫn có tác dụng vô cùng hữu hiệu trong việc lũng đoạn các thể chế chính trị kém dân chủ. Trong chuyến đi thăm Philippines vừa qua của Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã gặt hái được nhiều hiệp định song phương về kinh tế, văn hóa, giáo dục… trong đó đặc biệt có hiệp định về “hợp tác và cùng khai thác dầu khí ở biển Nam Trung Hoa”. Cuộc bầu cử ngày 24/11 vừa qua tại Đài Loan cũng đánh dấu sự trỗi dậy của Quốc Dân đảng, tạo áp lực trực tiếp với đảng cầm quyền Dân Tiến của Tổng thống Thái Anh Văn – người chủ trương chống ảnh hưởng của Trung Quốc quyết liệt. Việt Nam tiếp tục “kiên định” với “16 chữ vàng, 4 tốt” với người hàng xóm tham lam và lên tiếng “phản đối bất cứ liên minh quân sự nào ở biển Đông”, đồng thời cho rằng những liên minh quân sự có khả năng “gây phương hại tới ổn định và hòa bình khu vực”… Có thể thấy, những lợi quyền mà Bắc Kinh đảm bảo cho các thể chế chính trị độc tài tại Đông Nam Á có tác dụng rất lớn và “hội chứng Stockolm chính trị” rất phổ biến ở giới chóp bu các quốc gia thuần phục Bắc Kinh. Với một thế trận chính trị cài răng lược, giằng co ở biển Đông, việc Mỹ duy trì một lực lượng lớn hải-không quân tại vùng biển Đông chật hẹp trong thời gian dài rõ ràng không phải là giải pháp tốt nếu không có một quyết đoán cao nhất. Trước mắt, những biện pháp quân sự trên chỉ mang tính biểu tượng, răn đe, khẳng định vai trò của người Mỹ ở bàn cờ Ấn Độ- Thái Bình Dương. Khả năng để dẫn đến một xung đột quân sự,tuy vậy, rất thấp. Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ tập trung khoan sâu vào những mắt xích yếu nhất trong khối ASEAN đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Trước áp lực áp lực của Hoa Kỳ, Bắc Kinh có thể buông bỏ một số mục tiêu ở quá xa với “Thiên triều” vì nhiều lý do, trong đó yếu tố quyết định là sự dàn trải đầu tư quá mức ở các “thuộc địa” với mục tiêu dài hạn góp phần suy yếu nhanh chóng nền kinh tế ở Trung quốc đại lục. Thay vào đó, “mục tiêu cốt lõi” của “hoàng đế Tập” sẽ tập trung vào bán đảo Đông Dương và vùng biển Đông chiến lược. Cuộc chiến ở Biển Đông chắc chắn đầy thử thách, cam go và rất có thể trở thành một “bãi lầy” cho cả hai bên trong nhiều thập kỷ. Các quốc gia Đông Nam Á sẽ có nhiều sự lựa chọn to lớn giữa Thịnh vượng – Tự Do hoặc Đói nghèo – Nô lệ trong cuộc đấu giữa hai cường quốc Mỹ – Trung tùy thuộc vào nhận thức và hành động của các quốc gia đó. Tân Phong Biển Đông: Trung Quốc bành trướng và 3 phương án của Mỹ Tranh chấp Mỹ-Trung lan sang lãnh vực an ninh Biển Đông và Hoa Đông
......

70 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền: Giành lại Nhân Quyền – Đòi lại Dân Chủ cho Việt Nam

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời ba năm sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt trong cảnh đổ vỡ hoang tàn của cuộc chiến kéo dài 6 năm (1939-1945) khiến cho 60 triệu người tử vong và hàng triệu người khác bị thương – trải rộng từ Âu Châu đến Phi Châu, Nam Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương. Vì ra đời trong bối cảnh tương tàn của cuộc chiến mang tính hủy diệt loài người ở khắp các lục địa, nên Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền – tuy đề cao quyền tối thượng của con người, nhưng lúc đó nội dung của Tuyên Ngôn xoay quanh một số quyền căn bản như Quyền được bình đẳng; Quyền không bị kỳ thị; Quyền không bị làm nô lệ; Quyền không bị tra tấn hay bị hành hạ. Nhìn lại 70 năm qua, phải nói là nhân loại đã giải quyết phần nào những quyền căn bản nói trên qua nhiều công ước quốc tế: Công ước về quyền trẻ em; Công ước xóa bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc; Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về chống tra tấn, v.v… Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc cũng có những công ước quốc tế khác như Công ước về quyền dân sự và chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa để hợp cùng với bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, tạo thành Bộ luật về Nhân Quyền, được ra đời từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, nhằm kêu gọi các quốc gia thành viên phải cải thiện tình trạng nhân quyền, đặc biệt là dưới các thể chế độc tài Cộng sản. Hiện nay, nhân loại quan tâm vào 5 quyền căn bản trước thềm thế kỷ 21. Quyền được sống, không bị tra tấn và bị bắt làm nô lệ. Quyền tự do và an toàn nhân thân, không bị bắt và bỏ tù vì các lý do không chính đáng. Quyền bình đẳng trước pháp luật, và coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật. Quyền tự do cá nhân bao gồm tự do di chuyển, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do lập hội và hội họp… Quyền tham gia chính trị bao gồm quyền tự do thành lập, theo hoặc không theo một đảng chính trị và các quyền ứng cử, bầu cử. Rõ ràng là trong những thập niên qua, nhân loại đã quan tâm rất nhiều vào các quyền tự do cá nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật và quyền tham gia chính trị. Đây cũng là những quyền căn bản mà người dân Việt Nam hiện đang bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tước đoạt và nhất là đã và đang đàn áp, bắt giữ những công dân lên tiếng tranh đấu cho các quyền căn bản này. Trong 70 năm dưới ánh sáng của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, xã hội tiến bộ với những cuộc cách mạng to lớn về khoa học, kỹ thuật như sự ra đời của mạng Internet, mạng xã hội, chính là nhờ Quyền con người được nâng cao. Người dân Việt Nam cũng được thừa hưởng một phần từ những tiến bộ này của nhân loại; nhưng nếu như không bị trói buộc dưới sự cai trị độc tài độc ác của đảng CSVN trong nhiều thập niên qua, người dân Việt Nam chắc chắn đã có một đời sống tốt hơn. Đó là một cuộc sống không chỉ sung mãn về vật chất, mà còn được phát huy tiềm năng và tôn trọng nhân phẩm. Trong xã hội đó, sẽ không một ai bị bắt giữ, bị cầm tù bởi những tội danh phi lý như “lợi dụng quyền dân chủ”, “tuyên truyền chống chế độ” hay “âm mưu lật đổ chế độ” chỉ vì đã dám lên tiếng nói lên sự thật, tranh đấu cho công bằng và lẽ phải. Hơn lúc nào hết, kỷ niệm 70 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, người Việt Nam vẫn phải tiếp tục nỗ lực: GIÀNH LẠI NHÂN QUYỀN – ĐÒI LẠI DÂN CHỦ. Đây cũng là chủ đề chính mà Ban Biên Tập trang nhà Việt Tân khởi xưởng để mong mọi người dành chút thì giờ chia sẻ ý kiến và suy nghĩ của mình nhân kỷ niệm 70 năm giá trị tự do của con người được minh định và đề cao trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Nguồn: https://viettan.org
......

VIẾT CHO ANH, CHIẾN HỮU VŨ MINH NGỌC.

Ảnh: Phạm Minh Hoàng trái. Vũ Minh Ngọc phải – Mọi người đến đi, Anh ấy yếu lắm rồi. Đây là lời nhắn ngắn ngủi của gia đình chiến hữu Vũ Minh Ngọc. Ngày 23/11/2018, anh em chúng tôi năm người đến thăm anh. Nơi anh ở là một khu yên tĩnh ngoại thành Montréal. Đón chúng tôi là chị Ngọc. – Để tôi vào gọi. Anh ấy chắc đang ngủ. Thường trong lúc chờ đợi chủ nhà, anh em chúng tôi đứa đi vòng vòng quan sát phòng khách, đứa bâng quơ ngắm mấy bức tranh hay mở mấy tờ báo trên bàn. Nhưng lần này, 5 anh em chúng tôi đứng nghiêm như chờ đợi một nhân vật quan trọng. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một người ốm yếu. Anh Ngọc chậm rãi lê bước sau cái nạng khung. Anh đón phái đoàn với một nụ cười thật tươi. Tôi nghĩ có lẽ anh đã chuẩn bị tinh thần và dồn sức cho nụ cười tiếp đón này. Ngồi xuống, sau giây phút giới thiệu thì anh bắt đầu vào câu chuyện. Anh nói suốt nửa tiếng đồng hồ bằng một giọng nói trầm trầm. Mọi người chúng tôi đều vô cùng ấn tượng về trí nhớ của anh. Chúng tôi ai nấy đều choáng váng và như bị thôi miên trước trí nhớ xuất thần của anh, hình như trong suốt thời gian hoạt động anh chưa hề quên tên một người nào. Anh nhắc lại thuở ban đầu khi vừa là cậu sinh viên Quốc Gia Hành chánh ra trường với chức vụ phó tỉnh trưởng tỉnh Bình Long. Và nếu tôi nhớ không lầm thì anh chính là phó tỉnh trưởng nhậm chức trẻ nhất. Rồi sau đó đến những ngày chiến nạn 1975 khi anh cáng đáng việc di tản và giúp đỡ đồng bào lánh nạn cộng sản; những ngày chạy tỵ nạn rồi bước chân vào Mặt Trận. Một điều làm chúng tôi vô cùng ấn tượng là với những kiến thức từ trường Quốc Gia Hành chánh, anh đã hoàn tất một đề án về hệ thống hành chánh cho một nước Việt Nam trong tương lai. Và cũng với kinh nghiệm quản lý, anh đã cộng tác cho bộ phận tài chính của tổ chức và chỉ ngưng làm việc khi sức khỏe không còn cho phép.   – Tôi đã được thay hai quả thận, nhưng không xong. Anh lấy tay xoa bụng và phán – Coi như gan và thận đã ngưng hoạt động. Anh em chúng tôi chẳng đứa nào học ngành y, nhưng khi nghe bệnh nhân chẩn đoán cho chính mình, khi nghe người thân kể về tình trạng anh và đặc biệt khi nhìn thấy nước da của anh, mọi người đều nghĩ đến tình huống xấu nhất không còn xa. Bất giác tôi nhớ đến một đoản văn trong Khái Hưng hay Nhất Linh kể vể giây phút cuối cùng của một người cha, trong đó có đoạn những người trong gia đình cầm tay ông cụ như muốn níu kéo người thân ở lại cõi đời. Hình ảnh đó đang xảy ra trước mặt anh em chúng tôi. Mọi người như đang lắng nghe những lời cuối cùng của anh mà lòng nặng trĩu. Trong lúc này tôi có cảm tưởng anh lại là người lạc quan nhất, và chỉ mình anh còn có thể cười. Tôi lặng nghe anh nói, muốn đặt một câu hỏi nhưng chưa bao giờ tôi thấy bế tắc như ngày hôm nay. Hỏi làm sao cho người nghe không cảm nhận đây là câu hỏi cho người sắp lìa cõi thế. Sau cùng tôi cũng tìm ra : – Anh vừa nói đại đa số những người cộng tác với anh đều đã ngưng hoạt động, Thế thì động lực nào đã giúp anh đi đến ngày hôm nay ? Anh Ngọc nhìn tôi bằng con mắt hiền từ và chậm rãi buông từng từ : – Tôi không bao giờ phản bội với lý tưởng của mình. Tôi không nhớ sau đấy chúng tôi đã yên lặng trong bao lâu. Mọi người có lẽ đang chìm lắng trong suy nghĩ riêng của mình. Cá nhân tôi, tôi cho đấy là một lời nhắn nhủ cho kẻ ở lại. Trước khi ra về, tôi ngỏ ý xin tập hồi ký "Dòng Đời & Những ngày chiến nạn" của anh và xin anh viết cho vài dòng để làm kỷ niệm. Nét chữ của cậu sinh viên Quốc Gia Hành chánh và người phụ trách tài chính cho Cơ sở giờ đây run rẩy như chiếc là sắp lìa cành. Phút chia tay, anh ôm lấy tôi và thì thầm :"Anh mong mãi để gặp được em". Tôi cũng muốn trả lời rằng em đến mang theo tình cảm của tất cả mọi người, nhưng không sao nói được. Tôi nghĩ anh chắc chắn cũng đã hiểu. Trong giây phút này, con người ta không cần phải giao tiếp bằng lời. Và đó cũng là những hình ảnh sau cùng của chuyến viếng thăm mà ai cũng biết sẽ không có lần nữa. Ngoài trời Montreal tuyết phủ trắng xoá. Bỗng dưng tôi nhớ đến bài Tombe la Neige của Salvatore Adamo Tombe la neige Tu ne viendras pas ce soir Tombe la neige Et mon cœur s'habille de noir Tuyết trắng trời nhưng tim tôi phủ đen một màu tang thương. Cánh cửa đóng sập lại lần cuối cùng. Không một ai trong chúng tôi quay lưng nhìn lại phía sau. Hơn một tuần sau, anh nhắm mắt lìa đời. Cách đây một năm, một đảng viên trung kiên, anh Âu Minh Dũng của cơ sở Nhật Bản đã ra đi. Giờ đến lượt Vũ Minh Ngọc. Tôi còn nhớ lời căn dặn anh Ngọc về hậu sự của mình. Cũng như anh Dũng, anh muốn thân xác mình được ôm trọn bởi tình cảm và sự yêu thương của gia đình cũng như các chiến hữu đã bao năm chia ngọt xẻ bùi với anh. Anh Dũng ơi ! Anh Ngọc ơi. Mọi người sẽ làm theo ý nguyện sau cùng của các anh là đưa các anh trở về và được ôm ấp dưới lòng đất Mẹ. Và đó là ý nguyện của mọi người chúng tôi. California, 3/12/2018 Fb Phạm Minh Hoàng  
......

Phép thắng lợi tinh thần của Thủ tướng

Thủ tướng và bệnh hoang tưởng? Ngày 27/11, hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “ Việt Nam là trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới “. Sau đó, phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) tối 29/11 tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nói rằng: “Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam”. Những câu nói này, lại góp phần dày thêm trong bộ sưu tập những câu nói “để đời” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian chưa lâu kể từ khi ngồi ghế Thủ tướng – Những câu nói có tác dụng gây cười nghiêng ngả trong xã hội. Kiểm lại quá trình phá biểu của Nguyễn Xuân Phúc, nhiều nhà báo, mạng xã hội đã tổng kết nhiều câu nói của ông, những câu nói mà khi người ta nghe, hết thảy đều ngạc nhiên không thể hiểu ông ta đang nói nhằm mục đích gì? Để ru ngủ ư? Xưa rồi, ngày nay thông tin toàn cầu đã phổ cập khắp nơi, làm sao có thể ru ngủ người dân bằng những câu nói ngớ ngẩn? Nhằm “chỉ đạo, gợi hứng” như một số báo chí cộng sản đang nịnh hót tô vẽ bưng bô chăng? Hoàn toàn không, chẳng có thể có sự chỉ đạo nào vượt ra khỏi thực tế cuộc sống, chẳng có điều gì có thể “gợi” khi mà không thể nào có “hứng”. Nhiều người cố gắng tìm hiểu xem nguyên nhân nào những câu nói của Thủ tướng Chính phủ lại trở thành những câu chuyện hài cho muôn nhà? Đặc điểm chung của những câu nói từ miệng Thủ tướng, là những câu nói sáo ngữ, hoàn toàn xa rời thực tế, lủng củng và dẫm đạp logic, đối chọi lẫn nhau không chỉ từ ngữ mà cả ý tứ. Kèm theo đó, người ta phát hiện ra căn bệnh hoang tưởng thâm căn cố đế hoặc chứng “tự sướng” – nói theo ngôn ngữ dân gian hiện đại. Đến bất cứ tỉnh, thành, địa phương nào, Thủ tướng cũng đều gào lên rằng nơi đây, tỉnh này phải là đầu tàu của cả nước, chỗ kia phải là “Trung tâm” hoặc “thủ phủ” của thế giới... Người ta tính sơ sơ những bài phát biểu của Thủ tướng, thì con tàu Việt Nam ít nhất phải có 6 cái đầu là Vĩnh Phúc, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An và Cần Thơ... Và thực tế thì với nạn cát cứ một phương như hiện nay, thì Thủ tướng nói còn thiếu, bởi cả nước phải có 64 đầu tàu ở mỗi tỉnh, thành... mới đủ. Cũng tương tự, cho đến nay Thủ tướng hứa rằng Việt Nam sẽ là thủ phủ của tôm, của đồ gỗ, của đồ điện tử và của... nông nghiệp cho toàn thế giới. Nghe những lời phát biểu của ông Thủ tướng với những từ ngữ ông ta dùng, người ta có cảm giác ông ta thiếu khả năng về ngôn ngữ. Không đòi hỏi khả năng sáng tạo mà khả năng sử dụng của ông ta cũng rất yếu kém. Do vậy học được từ nào nghe lạ tai, ông ta bám vào đó như một thành ngữ quen thuộc mà không thể bỏ ra khỏi đầu óc, rồi cứ thế phun ra bất cứ nơi nào, địa điểm nào. Điều này cũng không lạ, trước đây, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã một thời nổi tiếng với căn bệnh của con vẹt khi bất cứ đến đâu, ông ta cung chém tay như thật: Cần phải tỉm hiểu xem “Nuôi con gì? Trồng cây gì?”. Đến mức người dân đã ngao ngán trả lời: Thời dại Cộng sản tham nhũng hối lộ này thì tốt nhất chỉ nuôi con cave, trồng cây thuốc phiện là hiệu quả nhất, thưa Tổng bí Thư. Thế nhưng, nghĩ vậy chắc chưa đủ và chưa đúng. Bởi cha ông ta vẫn dặn: “Cháu lú thì có chú nó khôn”. Chẳng lẽ một quan chức cộng sản cỡ bộ trưởng còn có cả bầy thư ký, mà Thủ tướng hết viện nọ, bộ kia, ban này ban nọ giúp việc lại để ông ta thiếu ngôn từ? “Phép thắng lợi tinh thần” Cách đây gần 100 năm, năm 1922, nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc cho ra đời tập truyện vừa “A Q chính truyện”. Tác phẩm này được coi là một kiệt tác văn học của Trung Quốc thời hiện đại. Câu chuyện kể lại những hoạt động trong cuộc đời của nhân vật A Q, một anh chàng thuộc tầng lớp bần nông ít học và không nghề nghiệp. A Q nổi tiếng vì phép thắng lợi tinh thần”. Nhà văn Lỗ Tấn đã khéo nêu bật được tính cách của những kẻ sử dụng “phép thắng lợi tinh thần” nhằm giải quyết những bế tắc, thất bại trong thực tế cuộc sống của chính mình. Lần lượt tìm hiểu về nội dung “Phép thắng lợi tinh thần” mà Lỗ Tấn đã nêu ra qua nhân vật AQ, chúng ta không khỏi bàng hoàng về sự sao chép đến chuẩn mực như thế ở chế độ chính trị Cộng sản Việt Nam ngày nay. Chẳng hạn, về xuất xứ nguồn gốc của AQ, Lỗ Tấn viết: “AQ không những tên, họ, quê quán đều mập mờ, cho đến "hành trạng" trước kia ra sao cũng không rõ ràng nốt”. Thì quá đúng, hầu hết xuất xứ, tiểu sử của các nhân vật lãnh đạo Cộng sản Việt Nam kể từ Hồ Chí Minh cho đến các lãnh đạo ngày nay, đó là điều hết sức mập mờ và “hành trạng” cũng đều mập mờ nốt. Chỉ có điều khác ở chỗ, với AQ, khi cãi lộn với ai, thì y mới trừng ngược mắt lên mà rằng: “Nhà tao xưa kia có bề có thế bằng mấy mày kia! Thứ mày thấm vào đâu!” À, dù sao thì AQ còn tự hào được với bề thế nhà hắn. Còn lãnh đạo của Việt Nam thì khi cãi nhau, ra tòa đâu dám khoe bề thế mà chỉ thưa tòa rằng ngày xưa nhà tôi chỉ buôn chổi đót, chạy  xe ôm, trồng cây cảnh mà bây giờ tài sản khủng khiếp như vậy đấy. Thậm chí nhiều cán bộ lãnh đạo, tướng tá như Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh từng giữ chức nọ ngành kia mà chỉ cho đến khi ra tòa, dân mới ngã ngửa ra rằng hắn không hề biết một chút gì dù là a,b,c trong lĩnh vực được giao phụ trách. Thậm chí, trước Quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội. Thượng tướng Võ Trọng Việt từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vẫn hồn nhiên đọc “Phê tê bốc” và đòi “chở đám mây điện tử” từ Hongkong về Việt Nam. Chính vì thế, mới đây, quốc hội đã đưa dự thảo bàn bạc rằng thông tin về thân thế các lãnh đạo cũng sẽ là “bí mật quốc gia” đấy thôi. Một đặc điểm nữa của “Phép thắng lợi tinh thần” của AQ là sự khiếp nhược, hèn hạ trước kẻ mạnh, nhưng chèn ép và hà hiếp những kẻ yếu, kém may mắn hơn mình. Ai cũng biết chính phủ của Thủ tướng hèn hạ ra sao trước giặc ngoại xâm. Hàng loạt các cuộc biểu tình yêu nước bị đàn áp dã man, sự khiếp nhược khi bọn bành trướng xâm lược lãnh thổ và bắt bớ, tù đày những người cất tiếng nói vì Tổ Quốc, vì dân tộc đã thể hiện điều này. Thậm chí, có một thời, ngay cả cái tên Hoàng Sa – Trường Sa, Biển đảo... cũng đều bị coi là “phản động” nếu ai đó trót lỡ miệng nói ra. Quan sát những hiện tượng này, người ta nhớ đến đoạn sau đây của nhà văn Lỗ Tấn: “Mặc dù đám sẹo đó cũng là vật sở hữu của y, nhưng xem trong ý tứ y thì hình như y cũng chẳng cho là quý báu gì, bởi vì y kiêng tuyệt không dùng đến tiếng "sẹo" và tất cả những tiếng âm gần giống âm "sẹo". Về sau cứ mở rộng phạm vi dần, tiếng "sáng", tiếng "rạng" cũng kiêng, rồi tiếng "đèn", tiếng "đuốc" cũng kiêng tuốt”. Chẳng cứ người nào, bất kỳ vô tình hay hữu ý mà phạm phải huý là A Q nổi giận, cái đám sẹo đỏ ửng lên, y nhìn để đánh giá đối thủ rồi kẻ ít mồm ít miệng là y chửi, kẻ sức yếu là y đánh. Nhưng chẳng biết thế quái nào, A Q thường vẫn thua nhiều hơn là được. Do đó y thay đổi dần dần chính sách, về sau chỉ lườm kẻ thù bằng một cặp mắt giận dữ nữa mà thôi”. Nhìn những vụ án trả thù người yêu nước cách đẫm máu và sự quỵ lụy hèn hạ của chính phủ Việt Nam trước Trung Quốc xâm lược, người ta có thể nghĩ rằng những chi tiết đó, Lỗ Tấn đã từng viết cho chính phủ Việt Nam từ trăm năm trước. Bởi ở đó, người ta thấy hình ảnh AQ khi bị đánh te tua thì tự an ủi: "chúng đang đánh bố của chúng". Nhưng khi bị đánh tiếp thì: “AQ hai tay cố giữ lấy cái đuôi sam, nghếch đầu lên nói: - Đánh con sâu ! Được chưa ! Tớ là sâu ! Chưa thả ra à!” "Phép thắng lợi tinh thần" là một sự tự an ủi bản thân, tự huyễn hoặc bản thân, tự thôi miên bản thân để giúp bản thân dễ dàng chấp nhận, bỏ qua cái thất bại. Những thực tế cuộc sống người dân từ Thủ Thiêm cho đến mọi miền Tổ Quốc đang trở thành dân oan, những cảnh người dân cơ cực kéo nhau hàng ngàn hàng vạn người đi ra nước ngoài làm nô lệ. Lẽ ra đó là những nỗi nhục không che mặt vào đâu được, lại đã và đang trở thành niềm tự hào của chính phủ và Thủ tướng, ông cho rằng việc xuất khẩu lao động tới 135.000 người là “Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là Bộ hiện thân lòng nhân văn của một chính phủ phục vụ nhân dân”. Thế rồi, khi nghe Thủ tướng chính phủ đến các địa phương và phát biểu những “giấc mơ” của mình, không chỉ có một cảm giác về một Thủ tướng hoang tưởng, mà người ta thấy rõ rằng cái “Phép thắng lợi tinh thần” đã được sử dụng nhuần nhuyễn đến mức nào. Đã gần 100 năm trôi qua, quan sát tình hình chính trị hiện đại ở Việt Nam, người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy một điều thú vị: Con cháu AQ không bị tiêu tán, trái lại đã phát triển rất rộng rãi sang tận Việt Nam, thậm chí đã trở thành những người lãnh đạo đất nước như Tổng Bí Thư, Thủ tướng chính phủ... Ngày 30/11/2018 J.B Nguyễn Hữu Vinh P/s: Tham khảo:   - Việt Nam phải là thủ phủ tôm của thế giới - Thanh Hoá là một Việt Nam thu nhỏ - Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương, là vùng cao về địa lý thì không thể và không nên là vùng trũng giáo dục của cả nước - Khánh Hoà là hình mẫu của một chính quyền đối thoại - Nghệ An phải là vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài - Hà Tĩnh, Thanh Hoá là cực tăng trưởng mới - Bắc Ninh phải là thủ phủ sản xuất điện tử sáng tạo của châu Á và thế giới - Tây Nguyên là cô gái đẹp đang ngủ quên - Quảng Nam phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện - Bình Dương phải trở thành đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước - Bình Phước phải là thủ phủ của nông nghiệp công nghiệp cao - Cao Bằng phải là một hình mẫu vượt khó vươn lên thoát nghèo - Ninh Bình phải được xây dựng thành một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế - Bình Thuận phải trở thành trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam - Hà Nội phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo - Thành phố Hồ Chí Minh phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông - Đà Nẵng phải là thành phố độc đáo, độc nhất vô nhị trên toàn thế giới - Đà Nẵng phải phát triển như Singapore và Hong Kong - Hải Phòng phải là đầu tàu quan trọng của cả nước - Ninh Thuận là Tây Á thu nhỏ của Việt Nam - Đồng bằng sông Cửu Long phải là nền nông nghiệp thông minh - Long An phải trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước - Vĩnh Phúc sẽ vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế - Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế của cả nước - Cần Thơ phải là đầu tàu phát triển của vùng - Phú Yên như cô gái đẹp ngủ quên” Nguyễn Hữu Vinh -  nguyenhuuvinh's blog
......

NHỮNG CON ĐƯỜNG DÂN CHỦ

Con đường dân chủ của thế giới nó hình thành nhiều cách. Anh Quốc đi tiên phong bằng cuộc lật đổ quyền lực nhà vua nặng cao quyền lực nghị viện, quá trình này thai nghén từ rất lâu, khi mà Đại Hiến Chương được kí kết vào thế ky 13 để nghị viện tước quyền vua. Đến hơn 400 năm sau, giữa thế kỉ 17, một lần nữa nghị viện thắng thế lực bảo hoàng của nhà vua và lập nên chế độ Quân Chủ Lập Hiến với vua chỉ còn là biểu tượng. Từ đó xứ này có dân chủ. Đây không phải là dân chủ từ bên dưới, mà là dân chủ từ tầng lớp lãnh chúa và tăng lữ trong nghị viện và thành công. Nghị viện nhờ lôi kéo dân thắng bảo hoàng, nên họ mở thêm viện thứ dân để tạo tiếng nói cho nhân dân. Từ đó dân Anh Quốc có nền tảng dân chủ. Nước Mỹ có dân chủ lại là một tình huống khác. Họ đánh đuổi đế quốc Anh giành độc lập, với súng đạn trong tay họ không chọn nhà nước độc tai để phục vụ lợi ích cho họ mà chọn thể chế dân chủ để phục vụ nhân dân. George Washington không làm hoàng đế suốt đời mà làm tổng thống 2 nhiệm kỳ rồi rút về vườn. Đây là dân chủ từ thượng tầng và thành công. Nếu không có sự chọn lựa sáng suốt này, chưa chắc ngày nay nước Mỹ là cường quốc số 1 thế giới. Dân Mỹ trước khi độc lập tuy là thuộc địa nhưng họ có cuộc sống chính trị tựa Anh Quốc. Họ có nền tảng để dân chủ tồn tại và phát triển. Đông Âu sụp đổ cùng lúc vì sự dính chùm của nó. Nhưng nếu soi kỹ thì Ba Lan và Tiệp Khắc dân chủ hoá bởi các phong trào lớn mạnh từ trong nhân dân, họ có dân chủ từ bên dưới và thành công. Riêng Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ lại rơi vào độc tài cá nhân. Họ vẫn đang dân chủ kiểu nửa vời vì người dân chưa trang bị nền tảng về đời sống chính trị cho một xã hội dân chủ thực sự. Hàn Quốc dân chủ hoá từ những phong trào sinh viên học sinh buộc tội chính quyền độc tài phải nhượng bộ. Họ đã dân chủ hoá thành công vì người dân Hàn Quốc đã sẵn sàng để dân chủ tồn tại. Riêng phong trào Mùa Xuân Ả Rập cũng lật độc tài nhưng các nước này không có dân chủ. Một số người CS vin vào đây để bác bỏ vai trò vận động dân chủ cho Việt Nam. Nhưng một điều chắc chắn rằng, Việt Nam không thể như các nước Ả Rập được. Vì sao? Vì tính tôn giáo đã ăn sâu vào dân tộc tính của các nước hồi giáo. Cụ thể thế nào xin mọi người đi sâu về bản chất Hồi Giáo. Ở các nước Ả Rập, Hồi Giáo có thể nói là quốc giáo của họ. Người Hồi Giáo rất sùng đạo. Người sáng lập đạo Hồi Mohamad - giáo chủ đầu tiên của chính là một lãnh tụ chính trị và quân sự. Cho nên tín đồ hồi giáo tự xem mình là chiến binh hy sinh vì đạo mà không cần phải nghĩ đến dân chủ và công bằng. Tín đồ tuyệt đối tin tưởng lời dạy Mohamad nên tự trong bản chất, dân Hồi Giáo chỉ thích hợp với hạt giống độc tài, tư tưởng dân chủ Phương Tây sẽ bị bài bác mạnh mẽ. Chính vì dân tộc tính có lộng lòng tin tôn giáo nên hậu độc tài xứ này vẫn không có dân chủ. Việt Nam không có đặc tính ấy nên con đường dân chủ hoá đất nước nếu thành công sẽ như Đông Âu chứ không như Ả Rập. Fb Đỗ Ngà
......

Vì sao Nguyễn Phú Trọng không còn ‘chống tham nhũng cần nhân văn?’

Võ Kim Cự (phải), nhân vật bị coi là mang Formosa vào Việt Nam, và là tay chân của Nguyễn Phú Trọng đã “hạ cánh an toàn.” (Hình: Getty Images)   Từ sau Đại Hội 12, khi phát động chiến dịch “chống tham nhũng” với khẩu lệnh “việc cần làm ngay” vào Tháng Sáu, năm 2016 và đặc biệt từ sau vụ chỉ đạo bắt Ủy Viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng vào Tháng Mười Hai, năm 2017, dù đằng sau cái tên Nguyễn Phú Trọng đã dần mất đi biệt danh “lú” nhưng cách nói năng của ông ta vẫn hầu như giữ nguyên phong cách chân phương dân dã. Nó bao gồm cả lối nói vo, mà đã tạo nên một vệt logic nếu muốn phân tích và dự báo về chuỗi hành động chính trị tiếp nối của nhân vật này. Từ quá khứ đến hiện tại Đã có một sự thay đổi đáng chú ý, nếu không muốn nói là thay đổi lớn, trong phát ngôn về “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng trong thời gian cuối năm 2018, đặc biệt sau cái chết bất ngờ và đầy nghi vấn của Trần Đại Quang vào Tháng Chín, năm 2018, có thể được xem là mốc khởi xướng “giai đoạn 3 đốt lò” của “Tổng chủ” Nguyễn Phú Trọng. “Thực tế những vụ vừa qua ai cãi được không và tại sao được dân đồng tình như thế. Đây là bài học rút ra để làm tiếp. Các cử tri cứ yên tâm không bao giờ chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi. Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” – đại biểu Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng “báo bài” trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại hai quận Tây Hồ và Ba Đình thành phố Hà Nội vào ngày 24 Tháng Mười Một, 2018. Một lần nữa trong khá nhiều lần, ông Trọng “lên gân” về tương lai công cuộc “đốt lò” của ông ta. Nhưng đã hoàn toàn biến mất hai khái niệm “chống tham nhũng cần phải nhân văn” và “mở đường cho người ta tiến” trong phát ngôn trên của Nguyễn Phú Trọng, nếu so sánh với những phát ngôn về cùng chủ đề của chính ông ta trước đó. “Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa” và “mở đường cho người ta tiến” là những phát ngôn đượm nét xuôi xị của Tổng Bí Thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau Hội Nghị Trung Ương 7 vào Tháng Năm, 2018, cho dù ông Trọng vẫn không quên dùng bổ túc từ “lò đã nóng rực.” Tại Hội Nghị Trung Ương 7 đã không có bất kỳ xử lý một quan chức nào, thậm chí kết quả này còn tệ hơn cả Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười, năm 2017, khi hội nghị này còn kỷ luật và loại khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương, nhân vật bí thư của Đà Nẵng là Nguyễn Xuân Anh. “Mở đường cho người ta tiến” là một cách nói của ông Trọng vào năm 2017, trước thời điểm khởi tố bắt giam Đinh La Thăng. Khi đó, ông Trọng còn đang vướng vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” và không biết do chủ ý hay bởi lực bất tòng tâm, ông ta đã không xử lý cựu ủy viên trung ương, cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng – tác giả của 2/3 trong số 12 dự án đầu tư ngàn tỷ đồng bị đắp chiếu gây lãng phí tại Bộ Công Thương, mà chỉ có thể thốt lên “bị kỷ luật như thế đã đủ đau chưa!” – như một cách nói đượm tâm thế bất lực của “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo.” “Nhân văn” cũng là một từ được “Người đốt lò vĩ đại” – một tụng danh mà Đài Tiếng Nói Việt Nam của Ủy Viên Trung Ương Đảng Nguyễn Thế Kỷ đặc cách dành để tôn cao Nguyễn Phú Trọng – lặp lại một cách đầy chủ ý kể từ lúc được phát ra lần đầu tiên vào trước Tết Nguyên Đán năm 2018. Đó là lần đầu tiên ông Trọng dùng đến khái niệm “chống tham nhũng cần nhân văn” – một biểu hiện cho thấy ông ta thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của mình, trong khi tương lai trở thành “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” và “lưu danh sử xanh” của ông ta còn xa mới đạt tới. Sau khi xuất hiện “chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Phú Trọng,” đã có một luồng dư luận cho rằng thực ra ông Trọng là người thiếu kiên quyết trong chống tham nhũng và phần đa chỉ là giơ cao đánh khẽ, chủ đích nhằm răn đe để giữ đảng, thu hồi tài sản tham nhũng và lấy tiếng “sĩ phu Bắc Hà” hay “minh quân” cho cá nhân mình. Những bằng chứng rõ nhất cho dư luận trên là cho tới nay và bất chấp quá nhiều bức xúc của cán bộ lãnh thành và nhiều cử tri Hà Nội, vụ biệt phủ của Phạm Sỹ Quý – em ruột bí thư Tỉnh Ủy Yên Bái Phạm Thanh Trà và vào năm 2017 còn là giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường Yên Bái – vẫn chưa hề được xử lý rốt ráo. Không những không bị “thu hồi tài sản tham nhũng” như một chủ trương lớn của chính ông Trọng, Phạm Sỹ Quý còn được điều chuyển công tác trong cùng tỉnh về một chỗ đảm bảo “an toàn” và quả thực đã an toàn từ đó đến giờ mà không còn bị báo chí nắm tóc dựng dậy. Từ sau Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười, năm 2017 và cho đến tận bây giờ, nhiều dư luận xã hội đã đặt một dấu hỏi lớn về liệu đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó giữa người đứng đầu đảng cầm quyền với một thế lực chính trị và nhóm lợi ích nào đó, để những vụ tày trời như Võ Kim Cự – cựu bí thư Hà Tĩnh và bị xem là một trong những thủ phạm gây ra nạn xả thải của nhà máy Formosa làm ô nhiểm biển 4 tỉnh miền Trung, Nguyễn Thị Kim Tiến – đương kim bộ trưởng Bộ Y Tế và là nhân vật phải chịu trách nhiệm về vụ công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả gây phẫn uất trong dư luận, biệt phủ gây phẫn nộ dư luận của Phạm Sỹ Quý… được cho “chìm xuồng”… Thậm chí Võ Kim Cự còn đang ung dung sang Canada xin định cư như một cách tránh thoát số phận tội đồ của y và đòn trả thù của nhân dân. Rất tương đồng với những kẻ trên, Trương Minh Tuấn – Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông với dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng trong vụ AVG – đã được ông Trọng “ẵm” từ chỗ chắc chắn phải tra tay vào còng như Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà… sang cái ghế phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương để ông Tuấn có điều kiện tiếp tục lên lớp báo giới về “đạo đức cách mạng sáng ngời”… Đến giờ, ông Trọng đã khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lão thành, công chức và người dân vốn còn nặng tâm lý “theo đảng, tin đảng” một lần nữa vỡ tim vì thất vọng: ông ta chỉ thích đốt “củi rừng” mà không hề muốn chạm đến “củi nhà.” Cuộc chiến được xem là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng cũng bởi thế đậm chất thiên vị và một chiều chứ không thể khách quan và công bằng. Lối trấn an “phòng chống tham nhũng không bao giờ chùn lại” của ông Trọng cũng bởi thế chỉ mang sắc màu “chống tham nhũng một bên.” Sài Gòn sẽ không còn “nhân văn” và “mở đường cho người ta tiến”? Logic “chống tham nhũng một bên” và “chỉ đốt củi rừng” đang tiếp tục cái mạch xuyên suốt của nó và phát tiển vào thời “Hậu Quang.” Ngay sau Đại Hội 12, đã xuất hiện một giả thiết về tương lai lục đục chính trị giữa tân Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang và người đang có ý đồ “nhất thể hóa” là Nguyễn Phú Trọng. Đến năm 2017, đà “chống tham nhũng,” mà chủ yếu là thế tiến công vào “cánh Ba X,” của ông Trọng bị khựng lại với một trong những nguyên do mang tính giả thiết là “lực cản Trần Đại Quang.” Khi đó, đã xuất hiện những thông tin không chính thức về một mối quan hệ gần gũi nào đó giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng. Rồi đến khi nổ ra vụ Vũ “Nhôm” – kẻ được đồn đoán mang họ tên Trần Đại Vũ mà chẳng thấy Bộ Công An cải chính, những giả thiết trên xem ra đã có tính thực tế chứ không đến nỗi hoang đường. Còn giờ đây, “lực cản” – nếu có thể gọi như thế, đã cùng với Trần Đại Quang ra đi mãi mãi. Chính trường Việt Nam cũng đã biến mất thế lực đối trọng đáng kể cuối cùng trong cuộc chơi với Nguyễn Phú Trọng. Sau hai chiến dịch “thay máu” Đà Nẵng và Bộ Công An, từ quý hai năm 2018 đến nay đã xuất hiện ngày càng nhiều những dấu hiệu và biểu hiện cho thấy ông Trọng chọn Sài Gòn như một mục tiêu tiến công tiếp theo – mục tiêu chiến lược nằm trên sơ đồ tổng thể Nam Bộ, đặc biệt là khu vực các tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ, nơi mà “người Bắc có lý luận” như ông Trọng muốn “trấn Nam.” Bàn cờ giai đoạn 3 của “đốt lò” cũng bởi thế nhiều khả năng sẽ tập trung vào Sài Gòn và một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ, và giai đoạn này có thể sâu hiểm nhất, sắt máu nhất, kể cả tàn nhẫn nhất kể từ đầu chiến dịch “đốt lò.” Nhiều quan chức Nam Bộ sẽ chính thức vào “lò” và làm “bạn chăn kiến” với Đinh La Thăng. Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ sau khi Trần Đại Quang chết, cựu Phó Chủ Tịch Sài Gòn Nguyễn Hữu Tín mới chính thức bị bắt giam, dù ông ta đã bị khởi tố bị can vào Tháng Chín, năm 2018. Nguyễn Hữu Tín không chỉ liên đới mật thiết đến các phi vụ cấp “đất vàng” cho Vũ “Nhôm ở Sài Gòn, mà Tín còn được xem là một “đệ ruột” của “bố già” Lê Thanh Hải – cựu ủy viên Bộ Chính Trị – cựu bí thư Thành Ủy với triều đại của ông Hải đã thống trị Sài Gòn suốt 15 năm. Cùng lúc, một “đệ ruột” khác của Lê Thanh Hải là Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực Thành Ủy và là con bài đắt giá nhất mà Lê Thanh Hải đã “cài” lại sau khi phải rời bỏ chức vụ vào đầu năm 2016, đang phải chịu nguy cơ không chỉ mất chức vì những sai phạm trong vụ “ăn đất” Nhà Bè và Thủ Thiêm, mà còn có thể vào nhà đá. Chiến dịch “Bình Nam” của Nguyễn Phú Trọng đã chính thức bắt đầu ở Sài Gòn. Lê Thanh Hải – được xem là nằm trong “phe cánh chính trị Ba X” – đương nhiên là tiêu điểm. Hàng loạt người nhà của Lê Thanh Hải – vợ, con, em trai – đã bị mang ra “đấu tố”… Vào lần này, hình như sẽ không có “nhân văn” và “mở đường cho người ta tiến.” Có lẽ Nguyễn Phú Trọng, với đà này, sẽ xử gọn, nhanh và mạnh nhóm quan chức Nam Bộ tham nhũng ngập mặt. Trong khi đó, những Võ Kim Cự, Nguyễn Thị Kim Tiến, Phạm Sỹ Quý, Trương Minh Tuấn và cả bộ Trưởng Giáo Dục Đào Tạo đương nhiệm là Phùng Xuân Nhạ ở miền Bắc vẫn “ung dung tự tại.” Phạm Chí Dũng  
......

Đảng ‘giãy giụa trước khi giãy chết’?

Ảnh: Nhà văn Nguyên Ngọc (bìa trái) và giáo sư Chu Hảo (bìa phải) đã cùng từ bỏ đảng Cộng sản vào tháng Mười Một năm 2018 Thường Sơn (VNTB) – Nhiều người đã bình luận rằng tâm thế hoảng sợ của đảng đã lên cao đến mức lú lẫn để đảng liên tiếp phạm sai lầm khi áp dụng hàng loạt biện pháp cực đoan – một tín hiệu cho thấy đảng đang trong ‘giai đoạn giãy giụa trước khi giãy chết’. Ngày 23/11/2018, vụ việc tờ Thanh Niên được chọn làm ‘thí điểm’ cho chiến dịch thanh trừng 13 nhân sự ngoài đảng đã phát đi một tín hiệu: trong những ngày tới, nhiều tờ báo nhà nước có thể sẽ phải nối gót theo ‘tấm gương’ Thanh Niên để thanh lọc nhân sự ngoài đảng và không chịu vào đảng. Thậm chí chiến dịch này còn có thể trở thành một phong trào mang tính Mao-ít đến mức đảng có thể áp đặt một chủ trương mới đối với báo chí nhà nước là sẽ cho nghỉ việc tất cả những ai không chỉ không muốn trở thành đảng viên cộng sản mà còn mang khuynh hướng không ủng hộ đảng Cộng sản. Vụ việc trên xảy ra chỉ khoảng 3 tuần sau khi hai trí thức gạo cội là Nguyên Ngọc và Chu Hảo tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản cùng lời lẽ đanh thép tố cáo ‘chế độ phản dân hại nước’. Vụ việc trên cũng xảy ra ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố  ‘khai trừ đảng đối với đồng chí Chu Hảo’. Mặc dù đợt bỏ đảng vào tháng Mười Một năm 2018 chỉ đạt được con số hơn 10 người, song nhiều thông tin trong dư luận xã hội cho biết các cơ quan đảng ở Hà Nội đã ‘lo đến phát sốt’ vì sợ không sớm thì muộn, hiện tượng những người từ bỏ đảng ấy sẽ tác động mạnh đến giới đảng viên hưu trí và cả những đảng viên đương chức, dẫn đến một làn sóng bỏ đảng trên diện rộng và khiến ‘uy tín’ của đảng Cộng sản càng thêm giảm sút. Nỗi lo sợ trên là có cơ sở, bởi hơn ai hết, ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng và những người theo luận thuyết tháp ngà xa dân của ông ta cảm thấy lâu đài cát của họ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Bởi tình trạng thoái đảng diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam. Năm 2013, một con số thống kê chính thức của một cơ quan đảng đã cho thấy có đến 40% đảng viên nằm trong những dạng thoái đảng khác nhau tại các địa phương. Cho tới nay, hẳn tỷ lệ này còn phải cao hơn – có thể lên đến 50 – 60%, trong bối cảnh chính trị và xã hội nhiễu nhương hơn nhiều trước đây và còn chưa tới đáy. Phần lớn những người thoái đảng thuộc về lớp cán bộ, công chức hưu trí. Họ âm thầm không nộp hồ sơ đảng từ nơi làm việc trước đó về nơi cư trú, và nếu sau một thời gian mà không thấy “nhắc nhở”, thì coi như không sinh hoạt đảng và cũng xem như đã “ra đảng”. Cũng có những đảng viên thoái đảng theo những cách khác như cố ý không sinh hoạt đảng dù có tên trong chi bộ địa phương, cố ý không đóng đảng phí, cố ý gây ra mâu thuẫn nội bộ để chi bộ bắt buộc phải khai trừ mình. Một số đảng viên khác, vì nguyện vọng đi định cư ở nước ngài cùng gia đình, đã đương nhiên đề nghị đảng xóa tên mình… Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng độc trị và độc tài, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp của quốc nạn tham nhũng mà đã khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng thảm cảnh như ngày hôm nay. Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi khổng lồ không thương xót đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu hơn 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang. Hãy nhớ lại, trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990, đảng Cộng sản Liên Xô còn đến 20 triệu đảng viên và cả 5 triệu quân nhân lẫn 3 triệu công an, nhưng tất cả đều bất động trước một biến đổi mang tính quy luật của lịch sử. Sau khi xảy ra vụ khai trừ đảng ông Chu Hảo và thanh trừng 13 nhân sự ở báo Thanh Niên, nhiều người đã bình luận rằng tâm thế hoảng sợ của đảng đã lên cao đến mức lú lẫn để đảng liên tiếp phạm sai lầm khi áp dụng hàng loạt biện pháp cực đoan – một tín hiệu cho thấy đảng đang trong ‘giai đoạn giãy giụa trước khi giãy chết’.  
......

MỜI THAM DỰ HỘI LUẬN “VIỆT NAM & 70 NĂM TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN”

Để kỷ niệm 70 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, đảng Việt Tân trân trọng kính mời mọi người cùng tham dự chương trình hội luận Việt Nam & 70 Năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được thực hiện và phát sóng trực tuyến (livestream) trên trang Facebook Việt Tân (facebook.com/viettan) vào lúc 10 giờ sáng Việt Nam Chủ Nhật ngày 9 tháng 12 năm 2018. (Xin xem bản đối chiếu giờ các nơi ở đoạn dưới). Thành phần diễn giả: - Bà Nguyễn Nguyên Bình, Cựu phóng viên chiến trường - Ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch đảng Việt Tân - Luật sư Lê Công Định, Cựu tù nhân lương tâm - Ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Cựu tù nhân lương tâm - Linh mục Đặng Hữu Nam, chánh xứ Mỹ Khánh, Nghệ An Nhân dịp đánh dấu đặc biệt này, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã đề ra một chiến dịch lấy tên UDHR 70, viết tắt của bốn chữ Universal Declaration of Human Rights 70 với ba mục tiêu: quảng bá, tham gia và suy ngẫm. Ba mục tiêu này nhắm đến một nỗ lực duy nhất là làm sao cho người dân khắp nơi trên thế giới nâng cao sự hiểu biểt và khuyến khích các cách mà mỗi người có thể tranh đấu cho những quyền căn bản của mình mỗi ngày. Kính mong có được sự tham dự đông đảo của quý vị và các bạn. BBT Facebook Việt Tân THỜI GIAN HỘI LUẬN: - 10 giờ sáng Chủ Nhật 9 tháng 12, giờ Việt Nam - 7pm Thứ Bảy 8 tháng 12 - giờ California - 9pm Houston - 10pm Washington DC / Toronto - 3am Chủ Nhật London - 4am Paris/Berlin - 12pm Tokyo - 2pm Sydney Mời mọi người ở khắp mọi nơi tham dự và theo dõi qua: https://www.facebook.com/viettan/  
......

Ngồi xe Vinfast, chết dễ như bỡn

Tôi là một kỹ sư thiết kế xe, làm việc ở Nhật hơn 20 năm. Nói thật lòng thì ngày trước khi còn là sinh viên tôi cũng ấp ủ một giấc mơ chế tạo một chiếc xe Made in Việt nam. Nhưng từ khi vào làm cho hãng xe hơi Nhật tiếp xúc với công nghệ và cách làm việc của họ thì tôi nghĩ giấc mơ của tôi khó thực hiện bời vì phạm trù công việc để chế tạo một chiếc hơi rất rộng.   Nên khi tôi nghe ông Xuân Kiên giám đốc của Vinaxuki có giấc mơ chế tạo xe hơi Made in Việt nam hoàn toàn bởi người Việt thì tôi rất khâm phục. Rất tiếc giấc mơ của chú Xuân Kiên không thành công trong cơ chế xã hội của chính phủ VN.   Lúc tôi nghe Vinfast làm xe hơi tôi cũng có cảm giác khâm phục, nhưng khi biết quy trình làm xe hơi của họ thì từ góc độ một kỹ sư thiết kế, tôi hoảng. Đó không phải là cách làm xe hơi, nói nôm na là một chiếc xe được thiết bằng miệng và truyền thông.   Theo thông tin đánh giá xe Vinfast từ trang Autoblog của Nhật thì Vinfast mua sườn xe và động cơ model cũ không còn bán trên thị trường của BMW là X5 và Series 5. Động cơ N20 được BMW bán cho Vinfast là động cơ 2 lít 4 xy lanh có hệ thống Turbo tăng áp.   Tuy nhiên BMW không bán bản quyền computer điều khiển và tháo hệ thống Vavetronic nên hệ thống Turbo không hoạt động. Vinfast phải nhờ đến công ty AVL của Áo để độ lại phần mềm điều khiển nên công suất hoạt động không bằng động cơ nguyên bản chỉ tối đa là 175hp và 227hp cho mỗi loại. Truyền thông báo chí trong nước gọi quá trình "độ" lại này của AVL là "Tinh chỉnh".   Đây là sự lừa bịp trên câu chữ. Các kỹ sư Vinfast còn lừa bịp khách hàng ở chỗ cho rằng AVL tinh chỉnh bằng chu trình Atkinson, thực chất họ không biết ngay cả kiến thức cơ bản bởi vì động cơ N20 là động cơ dùng nguyên lý phun trực tiếp, chu trình Atkinson chỉ áp dụng ở trên các động cơ cũ những năm 90 sau khi nguyên lý động cơ phun trực tiếp ra đời bởi các giáo sư của Đại học Kyoto-Nhật thì chu trình Atkinson ngoài công ty Honda dùng chu trình Atkinson cải tiến cho các loại xe nhỏ không cần công suất cao như Honda Fit thì không còn được các hãng xe hơi Nhật sử dụng.   Hơn nữa động cơ N20 cũng không phải là động cơ tốt, nó chỉ xếp hạng 8/10 trong các loại động cơ gắn trên xe ở thị trường Mỹ năm 2011. Thậm chí nó còn không qua được kiểm tra về độ khí thải và tiếng ồn của Nhật nên không được bán trong các xe ở Nhật. BMW phải cải tiến lại thành động cơ N20B20B và B48 để bán ở thị trường Nhật. Hộp số thì họ dùng hộp số 8 tốc của ZF cung cấp. Tức là một chiếc xe đầu gà đuôi vịt không đồng bộ bởi không có bản thiết kế hoàn chỉnh, thân xe và cửa họ cũng không có thiết bị dập, phải nhờ đến công ty AApico Thái Lan ở Hải phòng dập giúp.   Theo tôi biết thì Vinfast hiện tại không có phòng thí nghiệm va đập nên thông số an toàn của xe Vinfast còn là một ẩn số. Thông thường đối với các mẫu xe mới trước khi đưa ra thị trường thì người Nhật phải cho chạy test kiểm tra 24/24 tối thiểu 2 năm trong đường chạy thực nghiệm với địa hình đủ các loại hoàn cảnh để đánh giá độ an toàn.   Còn Vinfast thì mới năm ngoái còn thuê người vẽ mẫu xe, năm nay đã tung ra thị trường bán thì họ quá coi thường sinh mệnh của khách hàng./.  
......

Ngừng bắn thương mại: Chỉ là tạm thời

Theo báo chí Trung Quốc thì lãnh đạo hai bên Mỹ- Trung đã đạt được thỏa thuận ngừng tăng thêm thuế lên các mặt hàng Trung Quốc từ 10%-25% trong gói thuế 200 tỷ USD. Đây là điều mà bên Trung Quốc rất mong mỏi để tránh rơi vào thảm họa khủng hoảng kinh tế. Để có được sự đồng thuận này của ông Trump thì Trung Quốc cũng đã phải đánh đổi bằng việc cam kết nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa của Mỹ như: hàng nông sản, năng lượng, công nghiệp.   Lệnh áp thuế thêm đã có vẻ được tạm dừng. Những vẫn còn đó 10% thuế của gói 200 tỷ hàng hóa và 25% của gói 50 tỷ USD đang vẫn đề nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Hai bên có ba tháng để đàm phán nhằm đi tới một thỏa thuận mà trong đó Trung Quốc phải trả giá bằng việc chấm dứt hành động ăn cắp trí tuệ hay ép buộc các công ty Mỹ tại Trung Quốc chuyển giao công nghệ. Nếu Trung Quốc không đáp ứng được những điều kiện trên thì tiến trình áp thuế lại được tiếp tục tiến hành. Thực ra vấn đề căng thẳng giữa hai nước không chỉ đơn thuần ở mặt thương mại mà còn liên đới đến chính trị và quân sự. Các vấn đề biển đảo, nhân quyền ở các khu tự trị của Trung Quốc hay Đài Loan, chiến dịch một vành đai một con đường cũng góp phần ảnh hưởng lớn đến quá trình đàm phán trong ba tháng tới. Nhất là Trung Quốc lại đang tăng cường đầu tư và đặt âm mưu bẫy nợ của mình ngay tại sân sau của Mỹ là Panama và Argentina. Mà Tập Cận Bình thì khá cứng đầu trong các vấn đề này. Nếu hủy bỏ hoặc lui bước trong các vấn đề này thì thiệt hại là rất lớn về mọi mặt.   Việc chỉ là tạm dừng, chưa chắc chắn này cũng chỉ là tín hiệu tốt cho nền kinh tế hai nước và thế giới trong ngắn hạn. Nó có thể giúp phục hồi tạm thời. Còn về tương lai dài hạn thì vẫn là câu hỏi lớn cho các nhà đầu tư. Điều này khiến họ thận trọng hơn trong việc quyết định đầu tư của mình. Vậy nên tình hình kinh tế thời gian tới theo Nam nghĩ cũng chưa có gì đột phá đáng kể hay đáng để ăn mừng.   Tạm thời thì bên Việt Nam cũng thở phào nhẹ nhõm được rồi. Tuy nhiên cũng đừng có vội mừng. Kịch hay đang còn ở phía trước. Nhất là sang năm mới, Việt Nam vướng vào một loạt những thách thức kinh tế rất lớn mà hiện tại vẫn còn đang loay hoay./.  
......

TẦM NHÌN

Năm 1984, Lybia cho xây dựng công trình sông nhân tạo vĩ đại xuyên hoang mạc Sahara. Công trình này là một đường ống đường kính 4m dài hơn 2.800 km. Nguồn nước được lấy từ 1.300 giếng được khoan sâu xuống một tầng nước ngầm khổng lồ bên dưới hoang mạc. Tất cả các giếng này sẽ hoà vào mạng lưới cấp nước để cung cấp nước tưới cho những dự án nông nghiệp trên hoang mạc. Kinh phí 27 tỷ đô. Không nói đến Hà Lan làm gì, vì đất nước này quá tiến bộ. Mặt đất của họ nằm dưới mực nước biển, nhưng đô thị của họ thoát nước rất tốt. Như ta biết, Lybia là đất nước độc tài, vậy mà Muamar Gadafi cũng đã xây dựng nên một dự án vĩ đại làm thay đổi nền nông nghiệp đất nước. Nói gì nói, Muamar Gadafi cũng có tầm hơn lãnh đạo CS, ít nhất ông ta cũng có những quyết định tốt cho đất nước. Năm 1993, Tokyo cho xây hệ thống cống ngầm lớn nhất thế giới trị giá chỉ 2,7 tỷ đô và mất 13 năm để hoàn thành. Hệ thống này gồm 5 silo ngầm chứa nước thoát, mỗi silo có đường kính 32m và chiều cao 65m và một bể ngầm khổng lồ có kích thước cao 25,4m, dài 177m và rộng 78m. Nối các silo là hệ thống cống ngầm khổng lồ nằm sâu 50 m dưới lòng đất. Tokyo lúc đó có 13 triệu dân tương đương với Sài Gòn bây giờ. Như vậy, khi mưa lớn đổ xuống, nước được đưa xuống các sông ngầm (cống ngầm khổng lồ) và chứa trong các hồ ngầm (tức các silo và bể chứa ngầm) để đảm bảo đô thị không ngập. Và họ dùng những máy bơm cực mạnh bơm lượng nước đang nằm dưới lòng đất đổ ra sông để nhường chỗ chứa cho đợt mưa sau. Lybia lạc hậu họ cũng làm nên dự án có ích, tạo đất nông nghiệp giữa sa mạc như Israel. Tokyo một đô thị đông dân cũng làm một lần giải quyết bài toán ngập đô thị. Còn lãnh đạo CS VN? Từ lãnh đạọ trung ương đến lãnh đạo các thành phố lớn đã làm gì? Chả làm gì ra hồn cả. Giữa tuyến Metro và hệ thống chống ngập như Tokyo thì dự án nào quan trọng hơn? Nếu không có metro thì thành phố chỉ ít hiện đại hơn, còn không có hệ thống chống ngập, năm nào dân Sài Gòn và Hà Nội cũng chịu thiệt hại rất lớn. Âu cũng là tầm nhìn. Tầm nhìn lãnh đạo CS là cực kém, kém hơn cả những lãnh đạo độc tài ở xứ Phi Châu chứ nói chi so với xứ dân chủ như Nhật Bản. Fb Đỗ Ngà  
......

CỜ NÀO LÀ CỜ TỔ QUỐC?

Nhân chuyện "toà án" VC xử Huỳnh Thục Vy vụ xịt sơn lên "cờ tổ quốc", có người nói xịt sơn lên "cờ tổ quốc", như cô Huỳnh Thục Vy đã làm, là vi phạm luật pháp, đáng bị phạt; rằng dù có công nhận nhà cầm quyền VC hay không thì VC vẫn là nhà cầm quyền "hợp pháp", lá cờ máu của VC vẫn là lá cờ "hợp pháp" của VN, được cả thế giới "công nhận". He he... thiệt ngộ! Dù cho cả thế giới có công nhận lá cờ máu của VC là cờ "đại diện" cho nước VN thì cũng không thể thay đổi được sự thật là lá cờ đó chỉ đại diện cho một đảng cướp; và cái đảng cướp đó đã dùng bạo lực để cướp lấy chính quyền; và không hề tổ chức bầu cử công khai, công bằng và tự do để toàn dân VN quyết định. Giống như một bọn cướp vác dao, vác súng xông vào cướp nhà bạn. Cướp xong treo lên một lá cờ, nói lá cờ đó đại diện cho nó là chủ ngôi nhà đó, ai đụng đến là... có tội. Vậy thì bạn làm sao? Chấp nhận sự "hợp pháp" của đứa ăn cướp và không có quyền phản đối, không có quyền "xịt sơn" lên lá cờ đó để phản đối? Bọn VC, bọn con cháu của VC, bọn tay sai của VC, bọn sống nhờ vào cứt của VC, chỉ vì cái lợi cho bản thân mà cam tâm, muối mặt hùa theo cái lý của đứa ăn cướp, xúi dân VN cúi đầu chấp nhận sống kiếp nô lệ, không được phản đối sự "hợp pháp" của VC. Đừng có nói ngu kiểu hễ sống trong VN, dùng hộ chiếu VN, làm khai sanh cho con cái ở "toà án" VN v.v. thì tức là chấp nhận sự "hợp pháp" của VC, của cờ VC. Fb Ngo Du Trung
......

Rút “củi” Thủ Thiêm, thay “củi” Bắc Hà – nước cờ cao của tổng Trọng

Cùng với sự “tắt tiếng” đồng loạt của hệ thống tuyên giáo và truyền thông về đại án Thủ Thiêm thay vào đó là sự kiện “trùm” tài chính ngân hàng, cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt tại Pakse, Lào và dẫn độ về nước qua cửa khẩu Lalay, Quảng Trị. Thông tin được đăng trên trang tin của “Bên thắng cuộc” và được xác nhận bởi Bộ Công an ở gần như cùng thời điểm. Với vai trò đặc biệt trong triều đại Nguyễn Tấn Dũng và những câu chuyện đã trở thành giai thoại được kể đi kể lại khắp hang cùng ngõ hẻm ở xứ Việt vốn ưa thích những câu chuyện giựt gân, nội bộ chốn cung đình, những lời đồn thổi có giá trị hơn nhiều những thông tin “lề phải, lề giữa” của hệ thống truyền thông vốn dĩ chỉ được “mở miệng” theo định hướng của Ban Tuyên giáo TW. Sự kiện “sói đầu đàn” Trần Bắc Hà chính thức đã thành “củi đốt lò” làm cho đa phần công chúng hân hoan, hả hê như thể như chính mình vừa mới ra tay thực thi được công lý vậy. Nếu trước đây, việc Đinh La Thăng bị kết án đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau trong dư luận xã hội. Không ít người tỏ ý bênh vực, thậm chí còn ca ngợi ông ta như một “biểu tượng chính trị” về tinh thần “thoát Trung”, hành động và lời nói được cho là quyết đoán, mạnh mẽ… Lần này, tuyệt nhiên không thấy có một ai viết vài dòng thương cảm cho kẻ từng “một tay che trời”, “thượng đội, hạ đạp” và có nhân cách thô bỉ như Trần Bắc Hà. Thiên hạ lại ồn ào chuyện tới đây “cái lò ông Trọng” sẽ được đưa thẳng tới phòng ngủ nhà đồng chí X với đầy sự khấp khởi hào hứng như chuẩn bị được xem “The Avengers” của Hollywood. Bỗng nhiên, bao nhiêu nước mắt, bao sự phẫn uất của hàng chục ngàn kiếp đọa đày ở Thủ Thiêm bị trôi sạch ra sông Saigon chỉ sau một đêm. Thế mới thấy, Ban Tuyên giáo TW chỗ anh Thưởng và “bên thắng cuộc” thần tình đến như thế nào trong việc dẫn dắt dư luận quần chúng. Và nếu như một ngày không xa, Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang được dịp “trà tam, rượu tứ” với Đinh La Thăng trong B14, Trần Huynh Duy Thức được “đặc xá” như Osin úp mở, thì hẳn khiến cho đông đảo công chúng và giới đấu tranh dân chủ phải “vỡ òa” vui sướng. Dù rằng, cái “đại cục” của mớ nhầy nhụa “định hướng xã hội chủ nghĩa” này chẳng có gì thay đổi, nhưng một lần nữa ông tổng Trọng lại sáng ngời “một bản lĩnh vĩ đại, một nhân cách vĩ đại”. Phải nói rằng nếu có một tổng đạo diễn nào đang đứng sau sân khấu chính trị Việt Nam thì phải nói rằng đó quả là một tay lão luyện, mưu mô “quỉ khốc, thần sầu” vì đang công chiếu liên tục những vở kịch đầy kịch tính, hồi hộp, thắt mở nhịp nhàng và làm cho công chúng cứ “trơ mắt ếch” mà trông đợi vở tiếp theo. Vụ Thủ Thiêm đang sôi ùng ục với những bi kịch oan sai kéo dài 2 thập kỷ, những “liên minh ma quỉ” trong vụ “ăn cướp thế kỷ” trị giá hàng chục tỷ đô-la ở thành Hồ mới hé lộ, đã lạnh teo, nguội ngắt chỉ sau một ngày để rồi hôm nay lại công chiếu một vở kịch mới mang tên Trần Bắc Hà. Đẳng cấp “đốt rừng, cứu cháy rừng” của Ban Tuyên giáo TW đã đạt ở mức thượng thừa nhưng người viết bài này dù có gội đầu bằng nước đá lạnh 3 lần cũng không tin nổi đây là “tác phẩm” của Võ Văn Thưởng hay thậm chí là “bậc nhân kiệt”. Kẻ vừa viết kịch bản, lại vừa tổng đạo diễn vụ này, hẳn nhiên đã có một sự chuẩn bị công phu từng chi tiết nhỏ nhất, mưu tính thâm sâu từ rất lâu trước đó và có cả khả năng “hô phong hoán vũ” cả một thể chế chính trị và lực lượng an ninh chứ không phải những “đỉnh cao trí tuệ” đã thiết kế vụ bắt cóc “cá lòng tong” Trịnh Xuân Thanh đầy tai tiếng và đáng hổ thẹn vì những lỗi sơ đẳng nhất trong nghiệp vụ an ninh. Không có gì là “tình cờ” cả. Phải chăng miếng bánh Thủ Thiêm đã được chia phần lại, phe “Nam cộng” đã hoàn toàn lui bước trước thế lực uy quyền khuynh loát phía sau ông Trọng để nhường lại “bàn tiệc thành Hồ”, cùng với những thỏa thuận ngầm, là số phận của nhân vật số 2 của triều đại Nguyễn Tấn Dũng – ông trùm Trần Bắc Hà – được lựa chọn là kẻ tội đồ thay thế, làm “mồi” cho cơn giận dữ của đám đông? Một thông tin đáng quan tâm hơn nhưng đa số mọi người không quan tâm đó là việc vừa qua Đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội Umeda Kunio đã viết thư cảnh báo chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư thành ủy thành Hồ Nguyễn Thiện Nhân về việc thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính với nhà thầu Nhật Bản, nếu không, dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên (một trong những dự án hạ tầng quan trọng của TP.HCM, được chính phủ Nhật Bản cho vay tới 88,4% tổng giá trị đầu tư và phía Việt Nam chỉ phải có trách nhiệm phần vốn đối ứng 11,6% dự án, tương đương 5.491 tỷ đồng) sẽ bị dừng lại. Con số tiền nợ với nhà thầu Nhật Bản lên tới hơn 100 triệu USD và phía Việt Nam đang trì hoãn trả nợ, viện vào những lý do rất “trời ơi” như việc dự án đội vốn, các thủ tục qui định chưa phù hợp và do Quốc hội chưa duyệt chi… Dù cho đưa ra lý do gì chăng nữa cũng không còn ai tin vào lời lẽ của giới chức Việt Nam mà chỉ làm cho nghi vấn về một tình trạng “bóc ngắn, cắn dài”, “giật gấu vá vai” đã đến mức “tới hạn” của ngân sách Nhà nước và đặc biệt tình trạng thâm hụt ngoại tệ đã cực kỳ nghiêm trọng vì thành Hồ vẫn luôn được coi là “kho ngoại tệ” dồi dào nhất của CSVN. Nếu để ý vấn đề “ngoài lề” một chút, thì kể từ năm 2017, thông tin về lượng “kiều hối” vốn trước nay được báo chí trong nước công bố như một “thành tích” trong khả năng thu hút đầu tư và “uy tín” của chính phủ “sáng tạo, liêm chính”. Nhưng giờ đây, thông tin về con số kiều hối dường như đã trở thành “bí mật quốc gia” và không được công bố trên báo chí, truyền thông. Những ngày tháng tươi đẹp thủa kiều hối và ODA như “suối nguồn không bao giờ cạn”, đất đai, tài nguyên, biển đảo tha hồ xẻ thịt đem bán… đã hết. Giờ đây, trong cơn bấn loạn về quả núi “nợ công” khổng lồ ngày một “cao, cao mãi” bất chấp mọi nỗ lực của vô số những “Nghị quyết đảng” được sáng tạo và “quyết tâm chính trị” cao nhất của bộ máy thể chế. Những người “đồng chí” thắm thiết năm nào đã phải ép nhau vào “lò mổ” để “xẻ thịt” nhằm cứu vãn phần nào cơn đói khát của cái dạ dày và giải tỏa áp lực xã hội đang rừng rực lửa căm phẫn. Trái ngược với bức tranh kinh tế xám ngoét của quốc gia và tình trạng túng quẫn của ngân sách, những ồn ào về “cái lò ông Trọng” và củi Trần Bắc Hà, các tập đoàn như Vingroup, Sungroup, FLC… lại tăng trưởng thần kỳ hơn cả Thánh Gióng và lộ trình thâu tóm đất đai, biển đảo, hầm mỏ… chiến lược của những “sát thủ kinh tế” này đang “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” hết sức lặng lẽ và âm thầm. Những xa lộ cao tốc của chương trình “hai hành lang, một vành đai” nối liền biên giới Việt Trung đang được hoàn thành thần tốc. Đám đông người Việt đang háo hức chờ xem “kịch” mới với một tâm thức của bầy cừu, nhưng một tấn bi kịch chung cho tất cả đang trở thành hiện thực thì chẳng mấy ai quan tâm. 30/11/2018 Tân Phong  – Web Việt Tân    
......

Nếu cộng sản thả anh Thức...

Hôm nay là sinh nhật anh Trần Huỳnh Duy Thức, ngày anh tròn 52 tuổi và cũng là sinh nhật thứ 10 của anh trong tù. Những nỗ lực vận động để nhà nước cộng sản trả tự do cho anh chưa thành công, chủ yếu vì lý do “Đảng và Nhà nước” chỉ thả nếu anh chấp nhận ra nước ngoài - như thế anh sẽ mất vai trò biểu tượng, lãnh tụ tinh thần của phong trào đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam. Còn anh thì kiên quyết không cho chúng thoả nguyện. Trong trường hợp anh Thức nhất định không chấp nhận “tự do và lưu vong”, trong khi nhà cầm quyền vì một sức ép hay nói đúng hơn, một lợi ích quá lớn nào đó, không thể không thả anh, thì theo bạn, chúng sẽ làm gì? Tôi cho rằng chúng sẽ trả tự do cho anh trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, tinh thần không còn minh mẫn nữa. Nghĩa là chúng sẽ thả anh sau khi bảo đảm rằng chúng vô hiệu hoá được tinh thần và vai trò biểu tượng của Trần Huỳnh Duy Thức: Chúng sẽ làm cho anh phải mất trí, tâm thần hoang tưởng; không loại trừ khả năng chúng đầu độc, ám sát anh. Các bạn đừng nghĩ tôi đang tưởng tượng và nói ra những điều độc ác. Cách đây 5-6 năm trở về trước nữa, tôi cũng như đa số những người dân Việt Nam bình thường và lương thiện khác, không bao giờ tin đảng Cộng sản và lực lượng phò đảng có thể làm những điều tàn bạo và bẩn thỉu vượt ngoài sự hình dung của con người. Bây giờ thì tôi tin rồi, tin chắc rằng cộng sản là bất cần thủ đoạn, không từ một việc gì dù độc ác và vô nhân nhất, miễn là chúng có lợi. Hãy nhớ: Không bao giờ cộng sản chịu thua dân, không bao giờ cộng sản chấp nhận thua thiệt (chỉ trừ trong quan hệ với quan thầy Bắc Kinh của chúng). Nên cái kịch bản chính quyền cộng sản trả tự do mà không đày anh Trần Huỳnh Duy Thức ra nước ngoài luôn mang một “hàm ý chính sách” rằng chúng sẽ giết hoặc làm anh bệnh tật vĩnh viễn./.  
......

TOÀN LÁO CẢ !!!

"Nghe láo quen, chúng ta lại tự láo với nhau và chuyện láo trở thành bình thường, láo để tồn tại, để phấn đấu, để thêm lợi thêm danh, và rồi láo đã trở thành một nếp sống." Không biết lịch sử ghi lại các triều đại phong kiến đúng sai như thế nào, cũng chẳng có cách nào để kiểm chứng. Thế nhưng,thời đại ta đang sống hoá ra toàn láo cả. Rồi lịch sử thời hiện đại sẽ viết sao đây? • Thằng doanh nhân bán đồ giả làm giàu, cứ tưởng nó giỏi, hoá ra chẳng phải thế. Nó chỉ là kẻ “Treo dê bán chó”, mua 30.000 bán 600.000 không giàu sao được, thế rồi lúc giàu lên, hàng ngày lên mạng truyền thông dạy đạo đức, dạy bí quyết, dạy cách cư xử. • Kẻ thì đem hoá chất trộn vào thức uống, khiến người ta nghiện chất độc, tạo thành thói quen nguy hiểm cho người dùng. Thế rồi khi có nhiều tiền, anh ta in sách dạy người ta tư duy, dạy cho tuổi trẻ cách sống. Nuôi đội ngũ nhà văn nhà báo tung hô mình như thánh sống, tuyên bố như đấng khải đạo. • Một ông chuyên làm thép, nghĩ toàn chuyện xây dựng những công trình có hại cho dân, nhưng lúc nào cũng mặc áo lam, đeo tràng hạt, nói toàn chuyện Phật pháp. • Một tập đoàn làm nước mắm giả, toàn hoá chất, bỏ biết bao tiền để quảng cáo lừa dân, bỏ tiền đầy túi. Một tập đoàn khác mua hoá chất quá hạn để sản xuất nước uống, lừa những kẻ phát hiện sai sót của sản phẩm mình để đưa họ vào tù, lại chuyên nói lời có cánh..... Kẻ buôn gian bán lận lại dạy cho xã hội đạo đức làm người. Thời đại đảo lộn tất! Hài thế, mà vẫn không thiếu kẻ tôn sùng, xem các ông ấy như tấm gương sáng để noi theo. Khi vỡ lở ra, chúng toàn là kẻ nói láo.. Tất cả đều chỉ tìm cách lừa đảo nhau. Toàn xã hội rặt kẻ nói láo, ca sĩ nói láo theo kiểu ca sĩ, đạo diễn nói láo theo kiểu đạo diễn, diễn viên nói láo theo kiểu diễn viên. Ừ thì họ làm nghề diễn, chuyên diễn nên láo quen thành nếp, lúc nào cũng láo. Thế nhưng có những kẻ chẳng làm nghề diễn vẫn luôn mồm nói láo. Thi gì cũng láo, từ chuyện thi hát đến thi hoa hậu, chỉ là một sắp đặt láo cả... Ngay chuyện từ thiện cũng rặt chi tiết láo để mua nước mắt mọi người. Cứ có chuyện là loanh quanh láo khoét. Kẻ buôn lớn láo, kẻ bán hàng rong ở bên đường cũng lừa đảo, láo liên tục. Mỗi ngày mở truyền hình toàn nghe nói láo từ tin tức cho đến quảng cáo, rặt láo. Nhưng cả nước đều hàng ngày nghe láo mà chẳng phản ứng gì lại cứ dán mắt mà xem. Thằng đi buôn nói láo đã đành, vì họ lừa lọc để kiếm lời. Thế mà cô hiệu trưởng nhà trẻ, anh hiệu trưởng trường cấp ba, ông hiệu trưởng trường đại học cũng chuyên nói láo. Thực phẩm cho các cháu có giòi, cô hiệu trưởng chối quanh... Các cháu học sinh đánh nhau như du côn, làm tình với nhau trong nhà trường, anh hiệu trưởng bảo là không phải, tảng bê tông rớt chết sinh viên, ông hiệu trưởng bảo là tự tử. Thế rồi tất cả đều chìm, đều im im ỉm. Người ta đồn tiền hàng đống đã lót tay bộ phận chức năng để rồi để lâu cứt trâu hoá bùn. Mấy ngài lãnh đạo lại càng nói láo tợn Chỉ kể vài chuyện gần đây thôi, chứ kể mấy sếp nhà ta phát biểu láo thì thành truyện dài nhiều tập. Từ chuyện quốc gia đại sự cho đến chuyện hưng vong của tổ quốc, toàn chuyện quan trọng đến vận mệnh quốc gia thế nhưng dân toàn nghe láo. Kẻ thù mang tham vọng, âm mưu để biến nước ta thành chư hầu, chuyện này rõ như ban ngày, ai cũng thấy, ai cũng hiểu, thế mà các quan toàn nói tào lao, láo lếu. • Đến chuyện Formosa, khi biển nhiễm độc, cá chết, các quan bày lắm trò láo để mị dân, lấp liếm tội ác của thủ phạm, tuyên bố, họp báo, trình diễn ăn hải sản, ở trần tắm biển...tất cả đều rặt láo. • Đến chuyện BOT với các trạm đặt không đúng chỗ cho đến mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất, các quan ở Bộ Giao thông lại được dịp nói láo, tuyên bố rùm beng để bênh vực những tập đoàn và cá nhân vi phạm. • Khi vụ thuốc giả của VN Pharma nổ ra, cả một hệ thống truyền thông của Bộ Y tế kể cả các quan chức cấp bộ đều tuyên bố láo, tìm mọi cách che dấu tội ác của những tên buôn thuốc giả. • Rừng Sơn Trà quý hiếm, các ông vì tư lợi cá nhân, ra lệnh xây cất, chấp nhận nhiều dự án khai thác, các nhà chuyên môn, nhân dân phản ứng dữ quá,các ông bắt đầu chiến dịch nói láo, chạy quanh tìm kế hoãn binh. Đến chuyện cá nhân của các quan thì lại càng nói láo tợn... Ông bí thư xây biệt phủ như cung điện của vua chúa ở xứ nghèo phải sống nhờ trợ cấp của chính phủ cho đến ông giám đốc môi trường xây biệt phủ mênh mông ở xứ lắm rừng, rồi đến ông lãnh đạo ngành ngân hàng với những dãy nhà hoành tráng trên miếng đất hàng ngàn thước vuông. Tất cả đều cho rằng do sức lao động cật lực mà có. Kẻ thì do nuôi gà, trồng cây, anh thì bảo chạy xe ôm đến khốc cả người, người thì nhờ bán chổi, trồng rau, kẻ khác thì bảo nhờ tiền của con dù con chẳng làm gì ra tiền và có đứa thì mới mười chín tuổi. Lương thì chẳng bao nhiêu mà quan nào cũng vi la trong và ngoài nước, nhà nghỉ trên núi, nhà mát dưới biển, lâu đài, nhà to ở nước ngoài. Con cái ăn chơi như các công tử, tiểu thư quý tộc. Các bà vợ thì như các mệnh phụ, chỉ xài đồ dùng ở nước ngoài, đi shopping các mall lớn ở nước ngoài như đi chợ... Thế nhưng các ngài luôn phát biểu yêu dân, thương nước, yêu tổ quốc, đồng bào, và luôn nhắc nhở đất nước còn nghèo phải học tập ông này, cụ nọ để có đạo đức sáng ngời. Các lãnh đạo xem rừng như sân nhà mình, phá nát không còn gì.. Một cây có đường kính 1m phải mất trăm năm mới hình thành, lâm tặc chỉ cần 15 phút để đốn hạ. Hàng trăm chiếc xe chạy từ rừng chở hàng mét khối gỗ chỉ cần đóng cho kiểm lâm 400.000 đồng một chiếc là qua trạm. Rừng không nát mới lạ. Khi rừng không còn, lệnh đóng rừng ban ra, các lãnh đạo địa phương toàn báo cáo láo với chính phủ và có nơi tìm cách tiếp tục vét cú chót bằng cách làm trắng những cánh rừng còn lại.. Rừng bị tận diệt vì nạn phá rừng, rừng còn bị huỷ diệt bởi những dự án thuỷ điện. Tất cả đều có sự tiếp tay của các quan và ban ngành chức năng của địa phương. Rừng không còn, lũ về gây tang thương chết chóc, đê vỡ khiến nhà cửa tài sản trôi theo dòng nước, các quan cho là xả lũ đúng quy trình. Bão chưa tới, lũ chưa về, các quan tỉnh đã ngồi với nhau viết báo cáo thiệt hại để xin trợ cấp. Một anh từng là tổng biên tập tờ báo lớn, sau khi thu vén được hàng triệu đô la bèn đưa hết vợ con qua Mỹ, sắm nhà to, xe đẹp còn anh thì qua lại hai nước, lâu lâu viết bài biểu diễn lòng yêu nước thương dân, trăn trở với tiền đồtổ quốc, khóc than cho dân nghèo, kinh tế chậm lớn, đảng lao đao… Còn biết bao chuyện láo không kể xiết: Ngay cả thầy tu, các bậc tu hành cũng làm trò láo để quảng cáo chùa của mình, để thêm nhiều khách cúng bái, để thùng phước sương thêm đầy, để nhà thờ của mình thêm tín hữu. Chúa, Phật đành bỏ ngôi cao mà đi khi thấy những kẻ đại diện mình đến với mọi người bằng những điều xảo trá.. Chúng ta đang ở một thời đại láo toàn tập, láo từ trung ương đến địa phương, láo từ tập đoàn cho đến công ty, láo từ một tổ chức cho đến cá nhân. Láo mọi ngành nghề, láo toàn xã hội. Tất cả đều bị đồng tiền sai khiến, bị danh lợi bám quanh. Hơn nữa vì sự thật bi đát quá, đành láo để khoả lấp, hi vọng sẽ an dân. Nhưng thời đại bùng nổ thông tin, dân biết hết nên chuyện láo trở thành trơ trẽn. Nghe láo quen, chúng ta lại tự láo với nhau và chuyện láo trở thành bình thường, láo để tồn tại, để phấn đấu, để thêm lợi thêm danh, và rồi láo đã trở thành một nếp sống. Trẻ con học người lớn nói láo rồi tiếp tục những thế hệ nói láo. Ở nhà trường nghe cô thày nói láo, ra đời nghe thiên hạ nói láo, về nhà lại được nghe nói láo từ cha mẹ, mở máy nghe, nhìn cũng rặt điều láo. Một nền văn hoá láo đã nẩy sinh và phát triển. Hỏi sao trẻ con không láo và tương lai lại tiếp tục láo. Nghĩ cũng buồn! Đỗ Duy Ngọc
......

Bạo lực học đường, cái nôi của bạo lực xã hội

Trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội Việt Nam ngày nay, bạo lực được sử dụng không chỉ bằng hành vi, lời nói mà cả ngay trong tư tưởng con người. Bất cứ một vấn đề nào khi đối diện với những khó khăn giữa các mối quan hệ, bạo lực lại được sử dụng hoặc tính đến. Bạo lực có mặt mọi nơi, mọi lúc Bạo lực được sử dụng trong mọi mối quan hệ dân sự, trong giao thông, kinh doanh, thương mại cũng như trong các mối quan hệ giữa làng xóm, thậm chí trong gia đình, giữa vợ chồng, con cái và cha mẹ. Trong học đường, bạo lực được sử dụng bởi thầy cô giáo, rồi qua đó tiêm nhiễm đến học sinh và cứ thế lan ra ngoài xã hội. Trái với truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc, khi người dân được giáo dục từ nhỏ về cách đối xử với nhau trong cuộc sống, trong xã hội cho êm đềm, mềm mỏng và nhân ái, ngày nay, việc sử dụng bạo lực như một phương tiện để giải quyết các vấn đề cá nhân và xã hội. Những câu ca dao như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” Hoặc: “Lời nói không mất tiền mua Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”… Ngày nay đã trở thành xưa cũ, xa lạ với đời sống người dân trong chế độ cộng sản. Người ta có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu những cuộc ẩu đả, những trận chém giết kinh hoàng bởi những băng đảng xã hộ chém giết lẫn nhau để tranh địa bàn bảo kê, để tranh giành những mối lợi nào đó ở nơi thâm sơn cùng cốc. Người ta cũng thấy từ Nam đến Bắc các cuộc bạo lực bởi chính lực lượng công an được vũ trang tận răng, đánh dân cướp đất, cướp tài sản của người dân, của nhà thờ, thánh thất ở những tôn giáo mà nhà cầm quyền không thể khuynh loát được. Người ta cũng có thể chứng kiến hàng loạt những hành động vô luân, vô pháp sử dụng bạo lực ngang nhiên của lực lượng công quyền ngay giữa thanh thiên bạch nhật nhằm tước bỏ quyền con người của người dân một cách trắng trợn như quyền được bày tỏ chính kiến, tư tưởng, quyền yêu nước, quyền biểu tình, quyền tự do đi lại, hội họp. Thậm chí là quyền được… rên. Người ta đã không còn lạ với những trò bạo lực bẩn thỉu của lực lượng côn đồ do công an giả danh ngăn cản những người yêu nước muốn thể hiện chính kiến của mình bằng cách dùng lực lượng và bạo lực để tấn công những người đàng hoàng, chân chính có tinh thần chung lo lắng cho xã hội, cho đất nước và như vậy là đi ngược với “đường lối” của đảng CSVN. Những tin tức nhan nhản về những vụ giết người đốt xe những tên trộm chó cho đến những trận đánh hội đồng của những học sinh lột quần áo nữ sinh hay những trận đánh ghen khủng khiếp giữa những người phụ nữ. Thậm chí, những tin tức về bạo hành với học sinh là con trẻ trong các trường mẫu giáo, mầm non cho đến những cô giáo, thầy giáo dùng bạo lực để dạy dỗ học trò. Ngược lại với truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ ngàn đời nay, bạo lực được học sinh sử dụng đối với thầy cô giáo, phụ huynh buộc cô giáo phải quỳ… Tất cả những điều đó nói lên rằng: Xã hội Việt Nam lao vào vòng xoáy bạo lực như một trận cuồng phong kéo đổ sập những nguyên tắc đạo đức, những truyền thống quý báu của dân tộc xưa nay và phá vỡ các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Và bạo lực đang hoành hành, đang được sử dụng như một phương cách để giải quyết các mối quan hệ xã hội. Vì sao bạo lực? Nhiều báo chí, nhiều người đã phân tích về nạn bạo lực trong xã hội Việt Nam, từ bạo lực học đường, bạo lực gia đình cho đến bạo lực trong mọi mối quan hệ xã hội khác. Ở đó, nhà cầm quyền CSVN vẫn theo thói quen nói lấy được rằng đó là “mặt trái của nền kinh tế thị trường”. Họ cứ làm như khi chưa có kinh tế thị trường, chỉ có nền kinh tế bao cấp cộng sản thì bạo lực xã hội đã không hề tồn tại. Ngược lại, điều mà họ không bao giờ dám công khai, công nhận rằng trong những năm tháng Việt Nam chỉ đóng cửa mọi mặt, đất nước được úp lại bằng một chiếc lồng bàn bằng sắt kín với thế giới bên ngoài bằng nền kinh tế XHCN tập trung, kế hoạch, bao cấp… thì bạo lực là phương cách duy nhất để giải quyết các mối quan hệ xã hội. Khi đó, không hề có luật lệ, không hề có quy định hoặc những nguyên tắc luật pháp nào được áp dụng, mọi vấn đề xử lý liên quan đến quyền lợi, đời sống xã hội nhất nhất theo “nghị quyết” và ý kiến chủ quan của một vài quan chức cộng sản. Người ta có thể bắt bớ, bỏ tù không cần xét xử, giam giữ cho đến chết mà không cần biết người dân đó có tội gì. Cái gọi là luật sư, pháp lý, pháp luật… trong thời kỳ đó là những khái niệm xa lạ. Cái gọi là “Chuyên chính vô sản” được sử dụng như một phương thức bạo lực khủng khiếp nhất để trấn áp người dân và giải quyết các mối quan hệ theo kiểu cộng sản. Đến thời kỳ “mở cửa”, mọi cái xấu, cái không hay, đều được đổ cho “mặt trái của nền kinh tế thị trường”. Thế nhưng cũng như mọi lời dối trá khác, điều đó không thuyết phục được ai. Có lẽ trong xã hội loài người văn minh, luật pháp được sử dụng để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, là cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn luôn luôn tồn tại trong đời sống con người. Thế nhưng, ở một xã hội mà luật pháp chỉ là công cụ của đảng cộng sản dùng để trấn áp cả xã hội và dân tộc với mục đích duy nhất là duy trì ách thống trị của một nhóm người mang tên Đảng cộng sản, thì nó không có tác dụng trong thực tế đời sống của người dân. Những băng nhóm xã hội sẽ không tồn tại chém giết lẫn nhau, nếu luật pháp nghiêm trị những hành động vi phạm đến tài sản, quyền lợi của người dân và đời sống người dân, đời sống xã hội bảo đảm được an ninh vững chắc. Nhà cầm quyền sẽ không cần phải dùng bạo lực để cướp phá, bắt bớ, cưỡng bức người dân buộc họ phải chấp nhận nhìn cơ đồ, tài sản của mình bị cướp đi một cách trắng trợn và họ phản ứng, nếu chính sách và luật pháp rõ ràng vì quyền lợi của người dân và xã hội. Người dân sẽ không cần đánh chết tên trộm chó, nếu luật pháp nghiêm minh trừng trị những kẻ ăn trộm, ăn cướp đủ để răn đe, ngăn chặn những hành động đó. Thế nhưng, với nền pháp lý Việt Nam, việc đó là chuyện hão huyền. Chính quyền sẽ không cần phải dùng công an giả dạng côn đồ đánh đập, trấn áp người dân khi không muốn họ có những phản ứng với thể chế chính trị hiện nay, nếu như đó là một thể chế chính trị phục vụ người dân, quang minh, chính đại, thật sự phục vụ người dân và được người dân ủng hộ. Cần phải nhìn nhận rằng,  bạo lực được sử dụng như một phương cách hành xử duy nhất cần thiết trong xã hội đã làm băng hoại nhanh chóng một xã hội có truyền thống tốt đẹp từ xa xưa, đưa cuộc sống người dân vào sự bấp bênh và không hề được bảo đảm an ninh. Một trong những nguyên nhân Nguyên nhân của bạo lực được nói đến nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân để bạo lực xã hội “phát triển mạnh mẽ và bền vững” như ngày nay, chính là hệ ý thức cộng sản lấy bạo lực và dối trá làm cơ sở tồn tại. Và cơ sở để ươm mầm và phát triển mạnh mẽ bạo lực xã hội nhanh chóng nhất, có cơ sở bền vững nhất chính là nền giáo dục Việt Nam. Ở nền giáo dục đó, với phương châm là “hồng hơn chuyên” nhằm đào tạo ra những cỗ máy phục vụ cho sự tồn tại và thống trị của đảng Cộng sản. Với nền giáo dục dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác – Lenin, lấy chủ nghĩa vật chất làm trung tâm, lấy chủ nghĩa vô thần làm tư tưởng, lấy đấu tranh giai cấp làm nền tảng và động lực, nhà cầm quyền CSVN đã sử dụng bạo lực như một cách duy nhất đúng để xử lý mọi vấn đề xã hội. Chính vì hệ ý thức tư tưởng “đấu tranh giai cấp” mà những giáo trình, những sách giáo khoa được đưa vào sử dụng như những công cụ phục vụ cho việc đào tạo giáo dục học sinh. Ở nền giáo dục Việt Nam ngày nay, việc giáo dục đạo đức, luân lý, về thiện ác, về những vấn đề thuộc tinh thần, tâm linh bị loại bỏ để duy nhất tôn thờ chủ nghĩa duy vật, lấy vật chất và chiếm đoạt vật chất làm động lực, làm đầu. Trong bài viết gần đây “Giáo dục: Qua những câu chuyện trong sách giáo khoa”, chúng tôi đã phân tích vì sao những câu chuyện chém giết, bạo lực, khôn lỏi và sống vô đạo đức như “Tấm Cám”, “Trí khôn của ta đây” lấy từ chuyện cổ tích cũng như câu chuyện Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu và những “thiếu niên anh hùng” miền Nam với thành tích giết được hàng loạt người… đã trở thành biểu tượng được đưa làm gương cho con trẻ. Mới đây, câu chuyện một cô giáo ở Quảng Bình đã tặng cho một học sinh lớp 6 đến 231 cái tát đến mức em phải nhập viện. Đây không phải lần đầu có việc đó, thậm chí cô giáo này đã từng tặng cho 11 học sinh lớp này đến 2541 cái tát khác thì xã hội lại nhao lên về nạn bạo lực học đường bởi chính các thầy cô giáo. Điều tệ hại hơn, là chuyện đó đã không chỉ diễn ra âm thầm, mà cả nhà trường, phòng giáo dục biết nhưng đã… im lặng. Và vấn đề không chỉ ở hành động này của cô giáo kia, mà nó có căn nguyên ở chính tư tưởng, đường lối giáo dục Cộng sản. Rồi cứ thế, việc sử dụng bạo lực trong học đường như chuyện hết sức bình thường không có điều gì đáng quan tâm cho bằng các dự án, bằng các cách kiếm chác dạy thêm, học thêm nhằm nặn lột chính cha mẹ chúng. Và hẳn nhiên, khi con trẻ được giáo dục bằng bạo lực, lấy bạo lực làm đầu, làm phương thức hành động, chúng sẽ được trang bị sẵn một ý thức coi bạo lực là chuyện hiển nhiên trong đời sống và sẵn sàng đưa ra “phục vụ xã hội”. Thế rồi từng lớp, từng lớp người đó được sử dụng trong xã hội vô luân, vô pháp, thì bạo lực được nhân lên, trở thành một điều bất khả kháng từ trong tư tưởng đến hành động con người. Khi mà Chủ nghĩa Cộng sản lại được dùng làm nền tảng xã hội, làm chỗ dựa cho bạo lực phát triển bởi thì bạo lực phát triển là tất yếu. Và nguyên nhân cơ bản để bạo lực hoành hành trong xã hội Việt Nam, chính là bởi một chế độ độc tài toàn trị đứng đầu là một tổ chức mang tên Đảng Cộng sản vô thần, đứng trên cả luật pháp cũng như mọi luật lệ của xã hội loài người. Ngày 28/11/2018 J.B Nguyễn Hữu Vinh Nguồn: RFA  
......

Pages