Tình báo Mỹ ở Trung Quốc: Cánh cửa ngày càng hẹp

Mai Vũ Phạm (SGN) Các cựu quan chức tình báo Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã trở thành một mục tiêu vô cùng khó tiếp cận đối với các cơ quan tình báo nước này. Nguyên nhân hàng đầu là vì Tập Cận Bình thành công thâu tóm và siết chặt quyền lực trong hơn một thập kỷ. Hệ thống giám sát khổng lồ của chính phủ kiểm soát chặt chẽ tất cả các hình thức liên lạc và luồng thông tin trong nước gây khó khăn cho các cơ quan tình báo Mỹ. Thêm nữa, bộ máy tình báo Trung Quốc rất tinh vi, thành công đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​ở Hong Kong cũng như lệnh phong tỏa Covid-19 nghiêm ngặt trong ba năm, đã khiến việc thu thập thông tin tình báo trở nên cực kỳ khó khăn. Quan trọng hơn, Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau khi mạng lưới của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) bị xâm nhập, khiến nhiều gián điệp ở Trung Quốc bị xử tử. Thất bại “thảm khốc nhất” của CIA Tháng Một năm 2018, bản tin độc quyền của NBC News đã gây chấn động dư luận: cựu sĩ quan CIA, Jerry Chun Shing Lee, 54 tuổi, bị cáo buộc làm tình báo cho Trung Quốc. Hơn một năm sau, Jerry Chun Shing Lee đã nhận tội liên lạc, cung cấp, và truyền thông tin quốc phòng Hoa Kỳ cho Trung Quốc và ông bị kết án 19 năm tù. Theo James Olson, cựu giám đốc phản gián của CIA, vụ án Jerry Chun Shing Lee là “thảm khốc nhất” trong số các vụ án tình báo. Trước đó, năm 2010, hai sĩ quan tình báo Trung Quốc đã tiếp cận Lee, đề nghị trả 100.000 Mỹ kim và “chăm sóc ông ta suốt đời” vì những thông tin mà ông này có khi là sĩ quan CIA. Năm 2007, Lee kết thúc sự nghiệp ở CIA và chuyển đến sinh sống ở Hong Kong. Sau đó, hàng trăm ngàn Mỹ kim được gửi vào tài khoản ngân hàng cá nhân của Lee, từ năm 2010 đến 2013. Theo bản cáo trạng, khi các đặc vụ FBI lục soát phòng khách sạn của Lee vào năm 2012, họ đã tìm thấy những cuốn sổ tay có tên các gián điệp của CIA. Sau đó, lực lượng điều tra đã phát hiện ra hệ thống thông tin liên lạc bí mật của CIA đã bị xâm nhập và dường như Lee đã giúp Trung Quốc thực hiện điều đó. Hai cựu viên chức CIA cho biết hệ thống liên lạc của CIA với các đặc vụ rất thô sơ, nên Trung Quốc đã xâm nhập dễ dàng. Trong khoảng thời gian Lee làm gián điệp cho Trung Quốc, hơn 30 gián điệp CIA của Mỹ ở Trung Quốc đã bị chính phủ Trung Quốc xử tử. Các quan chức Hoa Kỳ nghi ngờ rằng Trung Quốc đã chia sẻ thông tin gián điệp đó với Nga, dẫn đến việc Nga đã bắt giữ và thậm chí thủ tiêu các gián điệp Hoa Kỳ tại Nga. Sự việc này là một đòn giáng kinh hoàng đối với CIA – là cơ quan tình báo luôn tự hào về các hoạt động gián điệp của mình. Trung Quốc thành công xâm nhập tình báo Hoa Kỳ Trường hợp cựu nhân viên CIA như Lee bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc không phải là duy nhất. Thực tế, Trung Quốc đã thành công lôi kéo nhiều cựu nhân viên tình báo Hoa Kỳ khác bằng nhiều tiền, để đổi lấy các bí mật của chính phủ Hoa Kỳ. Trong 20 năm qua, tình báo Trung Quốc dường như đã nhiều lần thâm nhập vào các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Bộ Tư pháp đã truy tố hàng trăm vụ và án tù dài hạn đối với nhiều cựu nhân viên CIA và công dân Mỹ. Gián điệp Trung Quốc đầu tiên bị dẫn độ từ Bỉ tới Hoa Kỳ để xét xử là Xu Yanjun, người được các công tố viên Hoa Kỳ mô tả là tình báo viên “có số má” của chính phủ Trung Quốc. Xu bị bắt vào Tháng Tư năm 2018 ở Bỉ và bị kết án 20 năm tù cuối năm 2021. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết công nghệ mà Xu và Trung Quốc muốn đánh cắp là công nghệ tối mật, không hãng nào có thể sao chép. Các quan chức của Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động tình báo khắp Hoa Kỳ, thông qua các nhà nghiên cứu và ‘thường dân’ Trung Quốc để đánh cắp công nghệ độc quyền và thông tin quan trọng. Đáng lưu ý, tình báo Trung Quốc được đánh giá rất hiệu quả trong các hoạt động phản gián: xác định và vô hiệu hóa các nỗ lực thu thập thông tin tình báo nước ngoài. Nhìn chung, hoạt động gián điệp và phản gián luôn là một trong những công cụ tối quan trọng của Bộ Chính trị Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm Thứ Tư, ngày 9 Tháng Ba, các nhà lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất” đối với an ninh quốc gia. Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines nhấn mạnh Tập Cận Bình tiếp tục thanh trừng đối thủ và xung quanh hắn là “những người trung thành có cùng chí hướng ở cấp cao nhất của Ủy ban Thường vụ Đảng” thực hiện các bước để gây chia rẽ cả trong Hoa Kỳ và giữa Washington và các đồng minh. Trước thời Tập Cận Bình, quyền lực được phân tán giữa các phe phái trong Bộ Chính trị, khiến hoạt động tình báo Hoa Kỳ khả thi hơn. Tuy nhiên, sự thâu tóm quyền lực dưới thời Tập Cận Bình kết hợp với ba năm thực hiện chính sách chống Covid nghiêm ngặt và hệ thống giám sát hiện đại “đã khiến việc lấy thông tin có thẩm quyền ra khỏi nước này trở nên vô cùng khó khăn.” Các cựu viên chức và chuyên gia tình báo cho biết nếu Tập Cận Bình đột ngột qua đời, tình báo Hoa Kỳ có thể sẽ không biết rõ ai sẽ là người kế nhiệm. Dennis Wilder, người từng là phó trợ lý giám đốc CIA phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2015 đến 2016, cho biết: “Đó là hệ thống khép kín vô cùng, vì đơn giản là chúng tôi không biết.” Tuy nhiên, một số cựu viên chức tình báo khác lại lạc quan hơn trong việc ‘đọc, hiểu’ tình hình Trung Quốc, vì họ cho rằng Tập Cận Bình và các quan chức cộng sản cấp cao khác, thường công khai các mục tiêu của chế độ. Một cựu nhân viên tình báo Hoa Kỳ cho biết: “Trung Quốc không phải là một hộp đen tình báo. Khi xem xét các bài phát biểu và chỉ thị của Tập Cận Bình, các nhà phân tích tình báo từ lâu đã đánh giá rằng ông Tập đã tìm cách thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc thống trị thế giới và thay thế trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo bằng một trật tự phản ánh các giá trị và lợi ích của Trung Quốc.” Các nhà lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ cam kết xem Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược hoạt động. Vào năm 2021, CIA đã công bố một trung tâm đặc nhiệm mới, China Mission Center (CMC), tập trung vào việc thu thập thông tin tình báo về Trung Quốc. Giám đốc CIA cho biết CMC “sẽ tăng cường hoạt động để đối phó mối đe dọa địa chính trị quan trọng nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong thế kỷ 21, đó là một chính phủ Trung Quốc ngày càng đối địch.” Rõ ràng vị thế của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã thay đổi đáng kể. CIA sẽ phải mất rất nhiều năm để xây dựng lại mạng lưới tình báo bị phá hủy ở Trung Quốc. Tất nhiên, an ninh và tình báo Trung Quốc sẽ không đứng yên ‘đợi’ CIA làm điều đó. Bởi thế, khả năng hoạt động tình báo Hoa Kỳ ở Trung Quốc được dự đoán là sẽ ngày càng khó khăn, đầy thử thách./.    
......

Việt Tân tham gia cuộc họp đánh giá tình hình nhân quyền và quyền người lao động tại nghị viện Âu Châu

Việt Tân  Nghị viên EU tổ chức hội thảo đánh giá nhân quyền Việt Nam sau hơn 2 năm thực thi EVFTA Hôm 28/2, các nghị viên Liên minh châu Âu tổ chức hội thảo xem xét mức độ vi phạm nhân quyền và quyền lợi của người lao động Việt Nam sau hơn hai năm chính quyền nước này thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA). Các diễn giả lên tiếng báo động rằng việc vi phạm nhân quyền, quyền tự do nhóm họp và quyền của người lao động Việt Nam tiếp tục bị chính quyền vi phạm ở mức ngày càng tồi tệ, đồng thời hối thúc các nghị viên EU gây sức ép mạnh hơn đối với chính quyền Hà Nội. Hội thảo tập trung vào thực trạng thực thi Hiệp định EVFTA và tìm cách trả lời câu hỏi quan trọng: Điều gì đang thực sự xảy ra sau hai năm kể từ khi hiệp định thương mại có hiệu lực? Nghị viên EU Marianne Vind, Phó Chủ tịch Đoàn Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện EU, chủ tọa hội thảo. Nghị viên Saskia Bricmont tham dự và có bài phát biểu với các kiến nghị. Nghị viên EU Nghị viên EU Marianne Vind (trái) và Saskia Bricmont phát biểu tại hội thảo ngày 28/2/2023. Ảnh: Screenshot Cisco Webex Các thành viên của các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền quốc tế và Việt Nam như Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam (COSUNAM), tổ chức Việt Tân và tổ chức Bảo vệ Người lao động Việt Nam có bài thuyết trình đánh giá mức độ vi phạm nhân quyền trong thời gian chính quyền Việt Nam thực thi EVFTA từ ngày 01/08/2020 đến nay. Ông Trần Đức Tuấn Sơn, đại diện cho tổ chức Việt Tân tại châu Âu, cho VOA biết tóm tắt bài phát biểu của ông tại hội thảo. “Chúng tôi thấy sau khi hiệp định với EU có hiệu lực từ 2,5 năm nay thì tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng thậm tệ hơn. Trước đây họ chỉ bắt bớ những người bất đồng chính kiến, Facebooker, blogger… vì họ lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam, nhưng gần đây chúng tôi thấy sự đàn áp đã vượt ra khỏi lằn ranh bất đồng chính kiến khi mà những người hoạt động vì môi sinh, nhân quyền một cách chung chung cũng đã bị bắt như bà Ngụy Thị Khanh, ông Đặng Đình Bách…hay một số người khác trong xã hội dân sự trong nước hoạt động công khai đã bị bắt, bị kết án về tội “trốn thuế”… Tình hình nhân quyền ngày càng xấu hơn.” Một số trong các diễn giả của buổi hội thảo (từ trái): Anh Trần Đức Tuấn Sơn, đại diện tổ chức Việt Tân tại Âu Châu; ông Huy Nguyễn, Giám đốc tổ chức Bảo vệ Người Lao động Việt Nam (Vietnam Worker Defenders); và Dân biểu Nghị viện Châu Âu (European Parliament) Marianne Vind (đang phát biểu). Ảnh: Screenshot Cisco Webex EVFTA, được ký vào ngày 30/06/2019, là hiệp định thế hệ mới, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại theo nghĩa rộng, mà cả các quy định về quyền con người. Bà Julie Majerczak, đại diện của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), ông Sébastien Desfayes, Chủ tịch của Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam (COSUNAM), cũng đánh giá sự thụt lùi về thành tích nhân quyền Việt Nam sau khi thực thi hiệp định EVFTA đến nay. Helena Huong Nguyen EVFTA quy định rằng các nước thành viên sẽ phải bảo vệ các quyền lao động cơ bản, đặc biệt là quyền được có công đoàn độc lập và quyền thương lượng tập thể của người lao động. Nếu các nước không tuân theo tiêu chuẩn quy định này sẽ bị chế tài về thương mại. Phái đoàn  Việt Tân Ông Huy Nguyễn, đại diện cho tổ chức Bảo vệ Người Lao động Việt Nam có trụ sở tại Hoa Kỳ, nêu nhận định của ông với VOA: “Đã hơn 2 năm rồi từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, chúng tôi vẫn chưa thấy một nhóm công nhân nào đứng ra lập nghiệp đoàn độc lập, lý do về phía công nhân là thiếu sự hiểu biết về quyền người lao động và lợi ích tại nơi làm việc…một phần là vì đời sống của họ quá chật vật nên chỉ lo việc kiếm sống; lý do thứ hai là nhà nước Việt Nam tìm đủ mọi cách ngăn cản, gây khó khăn cho người lao động trong việc thành lập nghiệp đoàn độc lập.” Ông Huy Nguyễn, Giám đốc tổ chức Vietnam Worker Defenders, phát biểu tại hội thảo, nêu việc chính quyền Việt Nam vi phạm chương 13 của Hiệp định EVFTA. Ảnh: Screehot Cisco Webex Ngoài ra, đại diện cho tổ chức Bảo vệ Người lao động Việt Nam còn cho biết rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm chương 13 của Hiệp định EVFTA. Ông Huy cho biết: “Việt Nam vi phạm chương 13 của Hiệp định EVFTA, quy định mỗi bên thành lập nhóm tư vấn và hai nhóm tư vấn này hoạt động cùng nhau đưa ra đề nghị, khuyến cáo cho các vị thực thi EVFTA. Hai năm vừa rồi, khi nhà báo Mai Văn Lợi và luật sư Đặng Đình Bách thuộc tổ chức xã hội dân sự độc lập nộp đơn tham dự nhóm tư vấn này (gọi là DAG) của Việt Nam thì hai vị này bị bắt giam. Chỉ vài tuần sau đó thì nhà nước Việt Nam đưa ra nhóm tư vấn của Việt Nam gồm 3 thành phần, trong đó có 2 thành phần rõ ràng là nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Đến đầu năm 2022, nhà nước Việt Nam lại đưa ra thêm 3 thành viên nữa cho nhóm DAG của Việt Nam, trong đó có một nhóm rõ ràng là không có sự độc lập cần thiết như quy định tại chương 13”. “Chúng tôi yêu cầu các vị dân biểu châu Âu can thiệp vào vụ đó: trả tự do cho các nhà hoạt động này vì các bản án của họ mang tính chất chính trị và bị quy vào các điều luật rất vu vơ, mù mờ”, ông Huy cho biết thêm. “Chúng tôi kêu gọi quốc hội châu Âu phải có hành động mạnh mẽ hơn để tạo một áp lực nào đó lên phía Việt Nam để họ tôn trọng nhân quyền một cách đúng đắn hơn, đặc là khi Việt Nam đã vào Hội đồng Nhân quyền LHQ thì phải có cách hành xử nhân quyền tuyệt đối hơn”, ông Sơn nói với VOA. Trong một đánh giá vào tháng 12/2022, Bộ Công thương Việt Nam nói rằng Hiệp định EVFTA đang “tác động tích cực đến thu nhập của người lao động”, cụ thể như tác động tích cực đến vấn đề việc làm, thu nhập, tiền lương. Chính quyền Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật.” Nguồn: VOA
......

Trung Quốc công bố lập trường 12 điểm nhằm chấm dứt chiến cuộc ở Ukraine

CTMM Chính phủ Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine với nỗ lực thể hiện mình là một bên trung lập có thể giúp chấm dứt cuộc chiến kéo dài tròn 1 năm này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/2 vừa đưa ra bản kế hoạch gồm 12 điểm kêu gọi Moskva và Kiev chấm dứt giao tranh, bảo vệ các nhà máy hạt nhân, nối lại cuộc đàm phán hòa bình và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Theo tờ Guardian, các điểm chính trong đề xuất hòa bình mà Trung Quốc đề xuất gồm: Tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia An ninh của một quốc gia không thể đánh đổi bằng an ninh của một quốc gia khác An ninh khu vực không thể được đảm bảo bằng cách củng cố hoặc mở rộng các khối quân sự Cần ngừng bắn, ngừng giao tranh để ngăn cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát Từng bước thúc đẩy việc hạ nhiệt căng thẳng, xoa dịu tình hình và tiến tới ngừng bắn toàn diện Đối thoại và đàm phán là cách khả quan duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine Đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân, phản đối tấn công quân sự nhằm vào cơ sở hạt nhân Vũ khí hạt nhân không được phép sử dụng và một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể diễn ra Ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, tránh mọi cuộc khủng hoảng hạt nhân Phản đối việc phát triển, sử dụng vũ khí sinh học và hóa học bởi bất kỳ quốc gia nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào Phản đối mọi biện pháp trừng phạt đơn phương không được hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn Cộng đồng quốc tế cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ tái thiết sau xung đột và Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ, đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kế hoạch của Trung Quốc dường như có rất ít cơ hội thành công do Kiev tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi Nga rời khỏi biên giới, trong khi Moskva không có dấu hiệu cho thấy sẽ dừng chiến dịch quân sự đặc biệt trong thời gian tới./.
......

Cựu Tổng thống Jimmy Carter từ chối điều trị để dành thời gian còn lại bên gia đình

 Ông Jimmy Carter . Ảnh: AP VSAM1040 Cựu Tổng thống Jimmy Carter, vị tổng thống còn sống cao tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và cũng là một cư dân Georgia, đã quyết định không tiếp tục điều trị y tế nữa và chuyển sang quá trình chăm sóc cuối đời tại nhà. Ngày 19/2, Trung tâm Carter - tổ chức từ thiện do cựu Tổng thống Jimmy Carter thành lập - thông báo chính trị gia 98 tuổi này đã quyết định dành những ngày tháng cuối đời còn lại bên gia đình tại nhà riêng, thay vì nhập viện để can thiệp y tế. Theo Trung tâm Carter, quyết định này được đưa ra sau một quãng thời gian ông phải nằm viện liên tiếp, và được gia đình cũng như đội ngũ y tế hoàn toàn ủng hộ. Mặc tuyên bố ngắn gọn trên không đề cập đến việc ông có đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không, nhưng tình hình sức khỏe của ông đã xấu dần trong thập kỷ qua. Năm 2015, ông Carter bị u ác tính và đã cắt bỏ một khối ung thư nhỏ khỏi gan. Sau này, ông được tuyên bố là đã khỏi ung thư sau khi trải qua các liệu pháp miễn dịch và xạ trị. Ông cũng đã phải nhập viện nhiều lần sau khi bị ngã vào năm 2019. Gia đình của chính trị gia Jimmy Carter đã yêu cầu mọi người tôn trọng quyền riêng tư của họ trong thời gian này, đồng thời bày tỏ lòng cảm ơn đối với sự quan tâm của nhiều người dành cho ông. Ông Carter là Tổng thống Mỹ thứ 39, giữ chức vụ này từ năm 1977 đến năm 1981. Ông là nhà lãnh đạo sống lâu nhất của Mỹ tính đến nay. Trong nhiệm kỳ duy nhất của mình, ông đã phải đối mặt với tình hình lạm phát hai con số, cú sốc dầu mỏ toàn cầu, cũng như cuộc khủng hoảng con tin ở Iran. Những biến động lớn trên đã làm hỏng nỗ lực tái tranh cử của ông. Sau thất bại nặng nề trước ứng cử viên Ronald Reagan, ông Carter rút lui khỏi các cuộc tranh cư. Ông cùng với vợ là bà Rosalynn, 95 tuổi, thành lập Trung tâm Carter để thúc đẩy chương trình nhân quyền của họ. Ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002.
......

Tóm tắt bài phát biểu của tổng thống Joe Biden tại Khu vườn Hoàng gia Ba Lan

Bich Nguyen X Warsaw - 21.02.2023   Chào Ba Lan, đồng minh tuyệt vời của chúng tôi!   Kiev đứng vững, ngẩng cao đầu! Và trên hết, là đất nước tự do. Một năm sau khi chiến tranh nổ ra, chúng ta đã đoàn kết. Chúng tôi sẽ không rời mắt khỏi Ukraine.   Tôi đã nói với Tổng thống Zelensky rằng, chúng ta sẽ chiến đấu cho các giá trị chung của chúng ta.   Cùng nhau.   Bất chấp tất cả.   Putin nghĩ rằng mọi việc sẽ theo ý ông ta. Thay vì làm suy yếu NATO, Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia nhập tổ chức phòng thủ này.   NATO mạnh hơn bao giờ hết.   Vì tự do.   Đơn giản vậy.   Đó là thông điệp tôi mang từ Kiev. Cuộc chiến này sẽ quyết định, con cháu chúng ta sẽ sống trong một thế giới như thế nào.   Không thể thỏa mãn những yêu sách của một kẻ chuyên quyền. Chúng ta phải chống lại nó (...). Từ Kherson đến Kharkiv người Ukraine đã giành lại lãnh thổ của họ. Lá cờ màu xanh vàng đã trở lại.   Tôi muốn nói một lần nữa tới tất cả người dân nước Nga. Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu không có ý định chiếm đoạt lãnh thổ của Nga.   Các đồng minh của chúng tôi không phải là đối thủ của Nga.   Cuộc chiến tranh này do Putin lựa chọn. Mỗi ngày của cuộc chiến là sự lựa chọn của ông ta. Chỉ cần ông ta ngừng chiếm đóng Ukraine, chiến tranh sẽ kết thúc.   Tôi sẽ không bao giờ quên, khi năm ngoái tôi đã đến thăm những người tị nạn ở Vácsava.   Những đôi mắt mệt mỏi.   Những đứa trẻ nghĩ rằng chúng sẽ không bao giờ gặp lại cha mình.   Đất nước Ba Lan đã tiếp nhận họ.   Tôi đảm bảo với các bạn rằng, cùng nhau chúng ta sẽ buộc Nga phải trả giá cho những tội ác của mình.   Rằng, Nga sẽ không bao giờ xâm lược Ba Lan, hay bất kỳ quốc gia nào khác.   Rằng, những kẻ phạm tội ác chiến tranh sẽ bị trừng phạt.   Hoa Kỳ cam kết duy trì và hỗ trợ NATO. Tất cả mọi người hãy biết, bất kỳ cuộc tấn công nào, vào một thành viên NATO, đồng nghĩa với việc tấn công lên tất cả các thành viên của Liên minh.   Đó là lời thề thiêng liêng.   Chúng ta đang ở thời khắc lịch sử. Những quyết định chúng ta đưa ra trong năm năm tới sẽ định hình tương lai trong nhiều thập kỷ tiếp theo.   Không chỉ với nước Mỹ, mà với tất cả các quốc gia tự do trên thế giới.   Một năm, sau khi chiến tranh bùng nổ, Putin không còn nghi ngờ sức mạnh của liên minh chúng ta./.    
......

Phi vụ SAM060

Ian Bùi (SGN) Đoàn xe âm thầm rời Toà Bạch Ốc lúc 3:30 sáng. Trời tối om om. Tổng Thống Joe Biden và đoàn tuỳ tùng lẳng lặng leo lên chiếc Air Force C-32 thay vì chuyên cơ Air Force One rình rang như thường lệ. Chiếc Boeing 757 bình thường chỉ dùng để bay đến những phi trường nhỏ, lần này được trưng dụng cho một chuyến đi xa đầy nguy hiểm trong bí mật tuyệt đối. Tất cả rèm cửa sổ đều được kéo xuống, che kín mít. Gần một năm qua, kể từ khi Nga mở cuộc tấn công Ukraine, ông Biden đã rất muốn sang thăm Tổng thống Zelenskyi nhưng chưa có dịp. Cách đây vài tháng, Bạch Cung bỗng cho hay ông Biden sẽ đến Ba Lan nhân dịp lễ Presidents Day của Mỹ. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuần rồi tuyên bố với báo chí đây sẽ là một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa giữa hai quốc gia đang hiệp đồng chống lại Vladimir Putin. Ngoại trưởng Antony Blinken, có mặt tại Munich hôm thứ Bảy tuần rồi, còn mồi thêm một câu: “Tổng thống sẽ có một tuyên bố quan trọng vào tuần tới.” Người ngoài nào ai ngờ là đằng sau hậu trường một kế hoạch tuyệt mật đã được đưa vào hành động. Jake Sullivan, Cố Vấn Tối Cao An Ninh Quốc Phòng, tiết lộ công tác này đã tốn nhiều tháng trời chuẩn bị vì nó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan khác nhau, từ dân sự đến quân sự, từ nhân viên cao cấp của Toà Bạch Ốc đến các toà đại sứ nước ngoài. Và dĩ nhiên không ai được hở môi nửa lời. “Chúng tôi phải làm đủ mọi cách để giảm bất trắc rủi ro xuống tới mức có thể quản lý được,” Sullivan nói. Dẫu vậy, không ai biết chắc chuyến đi có sẽ thực sự xảy ra hay không. Mãi đến thứ Sáu vừa rồi, chỉ hai ngày trước khi cất cánh ông Biden mới ra lệnh tiến hành. Tuỳ tùng của tổng thống lần này được tiết giản đến mức tối thiểu, theo AP ghi nhận. Ngoài Sullivan ra chỉ có thêm trợ tá Jen O’Malley Dillon và người đứng đầu tổ kế hoạch của White House là bà Annie Tomasini. Thêm vào đó là vài nhân viên thuộc khối bảo vệ an ninh; một binh sĩ có nhiệm vụ xách chiếc cặp táp mệnh danh “nuclear football” (phòng khi có chiến tranh nguyên tử); bác sĩ và y tá của tổng thống; và một nhiếp ảnh gia của Toà Bạch Ốc. Về phía truyền thông báo chí chỉ có hai phóng viên được phép tháp tùng thay vì 13 người như thường lệ. Theo AP, một khi tất cả đã vào vị trí, chiếc C-32 chuyển sang sử dụng phi hiệu (call sign) “SAM060” – Special Air Mission, thay vì “Air Force One” để tránh bị hệ thống hàng không quốc tế phát hiện đây là phi cơ chở tổng thống Hoa Kỳ.  Đúng 4:15 sáng ngày 19 Tháng Hai, SAM060 cất cánh từ Joint Base Andrews ở Maryland. Sau khi đáp xuống Đức để tiếp nhiên liệu, ông Biden không rời máy bay, phi công trưởng tắt bộ phận phát tín hiệu (transponder) trước khi bay tiếp sang Rzeszaw, Ba Lan. Trong khoảng thời gian khoảng một tiếng đồng hồ đó, SAM060 coi như không có mặt trên không phận của Âu Châu. Tại Rzeszaw, đoàn người một lần nữa âm thầm leo lên một chiếc xe lửa đặc biệt được trang bị đầy đủ với bàn làm việc và giường ngủ cho tổng thống, riêng dành cho chuyến đi qua đêm dài 10 tiếng đồng hồ đến Kyiv. Tất cả các màn cửa sổ đều được kéo kín. Trong suốt hành trình, phóng viên phải nộp hết mọi dụng cụ điện tử, điện thoại di động v.v. cho ban an ninh cất giữ. Trong khi đó thì tại Kyiv, từ đêm trước cảnh sát đã đặt hàng rào chận hết các con phố chính dẫn đến quảng trường Thánh đường St Peter’s, nơi xác xe tăng Nga thường được trưng bày cho người dân đến ngắm và chụp “selfie.” Sáng hôm đó cư dân Kyiv ngạc nhiên phát hiện khu vực này đã bị rào lại, và có một đoàn xe SUV trắng muốt chạy băng băng vào thành phố, không ai biết chuyện gì đang xảy ra. Phố xá đột nhiên yên tĩnh lạ thường, không ồn ào náo nhiệt đầy tiếng xe như một buổi sáng Thứ Hai. Người ta còn nghe được tiếng quạ kêu trong cái không gian im ắng lạ kỳ ấy. Việc một tổng thống Mỹ thân chinh đến thăm một vùng chiến tranh cực nóng là hành động hiếm thấy trong lịch sử. Mặc dù Hoa Kỳ là đồng minh cung cấp khí tài cũng như các hệ thống phòng không tối tân cho Ukraine, nhưng Không Quân Hoa Kỳ không được phép có mặt ở Ukraine. Tuy nhiên, từ không phận Ba Lan, hệ thống radar trên các chiếc phi cơ thám thính của Mỹ như E-3 Sentry và RC-135W Rivet liên tục theo dõi nhất cử nhất động của ông Biden. Không những vậy, để tránh việc Putin “hiểu nhầm” mục đích của phi vụ táo bạo này, Jake Sullivan cho biết trước đó Toà Bạch Ốc đã mật báo cho Nga hay về chuyến đi, nhưng chỉ vài giờ trước khi ông Biden bước chân lên SAM060. Đó cũng là một phần trong kế hoạch “giảm rủi ro” cho tổng thống. Dẫu vậy, chiến tranh vẫn tiếp diễn một cách … vô tư. Khi ông Zelenskyi mời ông Biden viếng thăm nhà thờ St Peter’s thì còi báo động của hệ thống phòng không phát hụ vang trời. Giọng của diễn viên Mark Hamill (Luke Skywalker trong Star Wars) cất lên trên app trong điện thoại di động của dân chúng: “Don’t be careless. Your overconfidence is your weakness.” (Đừng nên bất cẩn. Tự tin quá đáng là nhược điểm của nhà ngươi.) Trong khi đó thì hai nhà lãnh đạo vẫn điềm tĩnh bước từ thánh đường ra, vừa đi vừa trò chuyện mặc cho còi hụ. Ông Biden không hề ghé mắt nhìn xác chiếc xe tăng Nga đang rỉ sét gần đó. Họ chầm chậm tiến đến đài tưởng niệm các binh sĩ vừa hy sinh trong cuộc chiến. Mỗi người đặt một vòng hoa trước bức tường. Tổng Thống Zelenskyy với lá cờ Ukraine, Tổng Thống Biden với lá cờ Mỹ. Chỉ đến lúc đó người ta mới hay ra tổng thống Hoa Kỳ đang có mặt ở Kyiv. Hình ảnh hai vị lãnh đạo lập tức lan nhanh qua internet và các mạng xã hội. Trước khi chia tay, hai vị tổng thống ôm nhau nói lời từ biệt trước đài tưởng niệm. Bức ảnh cảm động ấy giờ đã trở thành “internet legend”, mai sau chắc chắn sẽ được ghi vào sử sách. Myroslav Renova, cư dân Kyiv 23 tuổi, bộc bạch: “Ông ấy quả thật là một tấm gương dũng cảm, dám đến tận Ukraine để ủng hộ chúng tôi.” Tiếp theo đó là cuộc viếng thăm chớp nhoáng tại toà đại sứ Mỹ trước khi phái đoàn tổng thống lên xe lửa trở về Ba Lan. Khoảng một giờ chiều, khi đoàn tàu sửa soạn lăn bánh thì Luke Skywalker một lần nữa cất tiếng trên điện thoại di động, báo hiệu hiểm nguy đã hết: “The air alert is over. May the force be with you!”./.  
......

Tổng thống Philippines nói 'sẽ không để mất một tấc' lãnh thổ nào

Reuters Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr ngày thứ Bảy nói nước này “sẽ không để mất một tấc” lãnh thổ nào. Phát biểu của ông được đưa ra sau những căng thẳng trên biển đang tiếp diễn với Trung Quốc ở Biển Đông. Quốc gia Đông Nam Á này trong tuần này đã phản đối điều mà họ gọi là "các hoạt động hung hăng" của Bắc Kinh đã thổi bùng lên tranh chấp lãnh thổ lâu nay trên Biển Đông. "Đất nước đã chứng kiến những căng thẳng địa chính trị gia tăng không phù hợp với lý tưởng hòa bình của chúng ta và đe dọa an ninh và ổn định của đất nước, của khu vực và của thế giới," ông Marcos nói trong một bài phát biểu tại một sự kiện ở một học viện quân sự. "Đất nước này sẽ không để mất một tấc lãnh thổ nào. Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình theo hiến pháp của chúng ta và luật pháp quốc tế. Chúng ta sẽ hợp tác với các nước láng giềng để bảo đảm an toàn và an ninh cho người dân của chúng ta." Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không trả lời yêu cầu bình luận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó nói lực lượng hải cảnh của họ đã thực hiện các hành động này theo luật pháp. Hôm thứ Ba, ông Marcos đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về "các hành động ngày càng thường xuyên và mạnh bạo" của Bắc Kinh đối với Lực lượng Tuần duyên Philippines và ngư dân Philippines ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines ngày thứ Ba cũng đệ trình công hàm phản đối ngoại giao sau khi lực lượng tuần duyên của Manila báo cáo rằng phía Trung Quốc đã chiếu "tia laser cấp quân sự" vào một trong các tàu của họ đang hỗ trợ sứ mệnh tiếp tế cho quân đội, khiến đội ngũ nhân viên trên tàu bị mù tạm thời. Tuy nhiên, ông Marcos cho rằng vụ chiếu tia laser là chưa đủ để viện dẫn hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, một đồng minh lâu đời. "Nếu chúng ta kích hoạt hiệp ước, như vậy là chúng ta leo thang, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và tôi nghĩ điều đó sẽ phản tác dụng," ông Marcos nói với các phóng viên. Ông Marcos nói ông đã thảo luận với đại sứ Trung Quốc tại Manila về những gì ông thấy là các hành động ngày càng gia tăng của lực lượng dân quân biển, hải cảnh và hải quân Trung Quốc, bao gồm cả vụ chiếu tia laser. Các hành động gần đây của Trung Quốc diễn ra chỉ một tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước của ông Marcos tới Bắc Kinh, nơi hai nước cam kết giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và thúc đẩy hợp tác. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, một thủy lộ chiến lược nơi khoảng 3 ngàn tỉ đôla khối lượng thương mại bằng tàu biển đi qua hàng năm. Tuyên bố này bị một tòa án quốc tế ở The Hague phán quyết là vô giá trị vào năm 2016.
......

Cuộc chiến Ukraina làm biến đổi cục diện thế giới như thế nào?

Ảnh minh họa : Đối đầu Mỹ - Trung gia tăng với cuộc chiến Ukraina. © REUTERS/Dado Ruvic Trọng Thành  - RFI Ít hôm nữa là tròn một năm ngày Nga mở màn cuộc tấn công Ukraina, ngày 24/02/2022. Cuộc can thiệp quân sự, mà chính quyền Putin dự kiến tiến hành chớp nhoáng, rút cục đã kéo dài và chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây đã giúp cho Ukraina kháng cự, nhưng các hệ quả của chiến tranh tại Ukraina vượt xa cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước láng giềng. Theo nhiều nhà quan sát, cuộc chiến Nga – Ukraina đã và đang ‘‘thay đổi cục diện địa chính trị toàn cầu’’. Hãng tin Pháp AFP có bài tổng hợp đáng chú ý về chủ đề này. Bài viết được đăng tải trên trang France 24 ngày 14/02/2023 nhấn mạnh đến cuộc chiến tranh tại châu Âu đã một mặt làm gia tăng xung đột tại nhiều nơi, mặt khác ‘‘củng cố thế đối đầu giữa hai khối lớn’’, một bên với trung tâm là Hoa Kỳ, bên kia là Trung Quốc. Đẩy nhanh thế giới đến thế lưỡng cực Mỹ - Trung Hồi tháng 12/2022, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Joseph Borrell thừa nhận thế giới đang bước vào cục diện ‘‘đa cực trong hỗn loạn’’, nơi ‘‘mọi thứ đều có thể trở thành vũ khí’’, từ năng lượng, dữ liệu, cho đến cơ sở hạ tầng, di dân,.. Tất cả đều có thể biến thành vấn đề ‘‘địa chính trị’’, hay nói cách khác sự cạnh tranh, đối đầu giữa các khối, các nhóm, các liên minh. Gần như tất cả các khu vực trên thế giới, từ Trung Á, vùng Kavkaz, bán đảo Balkan ở châu Âu, châu Phi, vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, vốn đã là các địa bàn đọ sức, tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc, Liên Âu, Hoa Kỳ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ (trên các phương diện đầu tư cho cơ sở hạ tầng, thỏa thuận thương mại, quân sự, hay ngoại giao). Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga làm lung lay thế cân bằng vốn đã mong manh nói trên của các quan hệ quốc tế, và đặc biệt làm suy yếu vị thế của Nga tại khu vực ảnh hưởng truyền thống tại các nước cộng hòa Liên Xô cũ ở Trung Á, mang lại cho cường quốc khu vực Thổ Nhĩ Kỳ một vị thế quan trọng hơn.  Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia, tình trạng ‘‘tái phối trí trong hỗn loạn’’ hiện nay chỉ mang tính chất quá độ, cuộc chiến tại Ukraina rút cục sẽ dẫn đến ‘‘sự suy yếu của Nga và của châu Âu’’, và ‘‘hai bên hưởng lợi chủ yếu từ cục diện này có thể chính là Mỹ và Trung Quốc’’. Chiến lược bắt cá hai tay của Bắc Kinh giai đoạn quá độ Chiến lược bắt cá hai tay của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh tại Ukraina hiện tại là điểm nổi bật của cục diện quốc tế, đang dẫn đến việc củng cố thế lưỡng cực của thế giới. Bắc Kinh một mặt ủng hộ Matxcơva, nhưng mặt khác cố gắng ‘‘làm sao cho việc ủng hộ Nga ở mức độ chấp nhận được với phương Tây’’, để hai bên không trở thành thù địch. Quan hệ Trung – Nga đa chiều và phức tạp được nhiều chuyên gia tìm cách soi sáng. Chuyên gia về châu Á Alice Ekman, Viện Nghiên cứu An ninh Liên Âu (EUISS), tác giả cuốn ‘‘Dernier vol pour Pékin’’ (éditions de l’Observatoire), vạch rõ việc Trung Quốc siết chặt quan hệ với Nga. Trao đổi mậu dịch Trung - Nga trong năm qua tăng hơn 30%, đạt mức kỷ lục 190 tỉ đô la. Tuy siết chặt quan hệ kinh tế với Nga, Trung Quốc cũng chú ý giữ một khoảng cách đủ lớn để không tự biến thành địch thủ của phương Tây. Bắc Kinh không hậu thuẫn Matxcơva giống như các nước đồng minh và đối tác ủng hộ Kiev trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng Nga. Bắc Kinh không cung cấp cho Matxcơva nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự như mong muốn của Nga. Nga vùng vẫy tránh rớt xuống vị thế ‘‘chư hầu’’ Theo chuyên gia Agathe Demarais, giám đốc trung tâm phân tích rủi ro kinh tế EUI của tập đoàn truyền thông Anh Quốc The Economist, Trung Quốc ở thế thượng phong trong quan hệ với Nga, Bắc Kinh có thể nhận được những gì mình cần, nhưng Matxcơva thì không. Cái giá phải trả với Nga là, đánh đổi lấy sự đồng thuận ‘’về ý thức hệ’’ với Trung Quốc, Nga bị buộc phải chấp nhận thua thiệt về kinh tế. Tuy nhiên, thế yếu tương đối của Nga trong quan hệ với Trung Quốc cũng được Matxcơva điều chỉnh với nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong các quan hệ kinh tế, chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Trung Đông, Iran, châu Phi, để tránh bị biến thành chư hầu của Trung Quốc ''về mặt kinh tế và chiến lược'', theo ghi nhận của chuyên gia chính trị quốc tế Pierre Razoux. Xét về nhiều mặt, cuộc chiến xâm lăng Ukraina của Nga đẩy nhanh thế giới đến thế lưỡng cực, với một bên có trung tâm là Mỹ, bên kia là Trung Quốc. Trong xu thế này, vị thế của Liên Âu đang còn là một dấu hỏi lớn. Bài tổng hợp của AFP đặt câu hỏi: ‘‘cuộc chiến này liệu có cho phép Liên Hiệp Châu Âu khẳng định như một tác nhân chủ chốt hay đẩy Liên Âu xuống hàng nhân vật phụ’’, một trợ thủ của Washington. Hiện tại đây là một vấn đề còn để ngỏ. Vị thế của Liên Âu - câu hỏi để ngỏ Theo một giới chức cao cấp của Liên Âu, từng tham gia vào các quyết định lớn của Liên Hiệp ngay từ đầu chiến tranh, Liên Hiệp đã chứng tỏ ‘‘khả năng kháng cự, khả năng phản ứng rất nhanh chóng’’, trong việc hậu thuẫn Ukraina về quân sự, tiếp đón người tị nạn, giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga… Liên Âu đã đáp ứng được các đòi hỏi của tình thế trong hiện tại, nhưng việc Liên Âu có chuẩn bị cho tương lai của mình và vị trí trên bàn cờ thế giới hay không vẫn là câu hỏi lớn để ngỏ. Chuyên gia Agathe Demarais đặt câu hỏi: liệu Liên Âu sẽ trở thành ‘‘một khối thứ ba’’ hay đi theo Hoa Kỳ ? Hiện tại Liên Âu dồn lực cùng với nước Mỹ và các đồng minh đối tác khác, ủng hộ mạnh mẽ Ukraina trong cuộc kháng chiến, nhưng rõ ràng quan hệ mật thiết với Mỹ sẽ không thể tiếp tục như với chính quyền Biden hiện nay. Liên Âu buộc phải chuẩn bị cho kịch bản phe cực đoan trong đảng Cộng Hòa có quan điểm nước Mỹ trên hết như kiểu Donald Trump lên nắm quyền, thay đổi lớn có thể sẽ sớm xảy ra trong một hoặc hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Cuộc chiến tại Ukraina - bước đệm cho chiến tranh khốc liệt hơn ở châu Á Nếu như châu Âu là tâm điểm của xung đột toàn cầu trong thời điểm hiện tại với cuộc chiến tranh tại Ukraina, thế đối đầu chủ yếu của thế giới trong thời gian tới sẽ là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc chiến tại Ukraina được xem như một bước chuẩn bị cho một cuộc chiến tương lai hứa hẹn sẽ khốc liệt hơn. Theo tướng James Bierman - tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, trong một phát biểu trên báo Anh Financial Times mới đây, cuộc chiến chống xâm lăng Nga của người Ukraina hiện tại cho phép chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Trung Quốc liên quan đến Đài Loan. Tướng Mỹ James Bierman cho biết rõ là ngay từ năm 2014, Mỹ đã chuẩn bị cho xung đột tương lai, huấn luyện quân đội Ukraina, dự trữ các phương tiện…. Và đây là điều Hoa Kỳ đang làm cùng với Nhật Bản, Philippines hay các đồng minh, đối tác khác. Tóm lại cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga tại Ukraina được Hoa Kỳ và các đồng minh coi như một bước đệm quan trọng để chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với tâm điểm là Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh khẳng định nếu cần sẽ dùng sức mạnh để ‘‘thu hồi’’. Khởi đầu cho ‘‘sự cáo chung của thị trường toàn cầu’’? Bên cạnh phương diện quân sự, các trừng phạt kinh tế quyết liệt của phương Tây chống Nga – do cuộc xâm lăng Ukraina – cũng đang làm định hình một tình thế quốc tế hoàn toàn khác trước. Lãnh đạo tập đoàn năng lượng Pháp Total Energies Patrick Pouyanné nói đến ‘‘sự cáo chung của thị trường toàn cầu’’. Việc khối G7 áp giá trần đối với dầu mỏ để siết chặt trừng phạt Nga là một trong những biện pháp không thể có trước đó đối với nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa dựa trên luật pháp quốc tế. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi : phải chăng tiến trình toàn cầu hóa đã đem lại sự thịnh vượng cho thế giới từ hàng chục năm qua sắp cáo chung ? Theo chuyên gia Agathe Demarais, xu thế thị trường toàn cầu bị ‘‘xé nhỏ’’ vốn đã bắt đầu trước chiến tranh Ukraina, nhưng đại dịch Covid và cuộc chiến tại Ukraina đã làm ‘‘tăng tốc’’ xu thế này. Nghèo đói gia tăng – hậu quả địa chính trị khó lường Hậu quả trực tiếp của chiến tranh Ukraina là giá cả thực phẩm, năng lượng để sưởi, để có ánh sáng, các nhu cầu căn bản của xã hội con người, tăng vọt. Và tác động của thực trạng này đến các khối nước khác nhau là rất khác biệt. Khó khăn thêm chồng chất với khối các nước nghèo. Đây cũng là một hệ quả lớn và khó lường khác về địa chính trị của cuộc chiến tranh tại Ukraina. Theo một nghiên cứu của Quỹ Friedrich Ebert (Đức), các phong trào phản kháng liên quan đến ‘‘các dịch vụ thiết yếu và nhu yếu phẩm’’ đang trỗi dậy chưa từng có ở nhiều nơi trong năm 2022 vừa qua.  
......

Thế giới bất lực trước việc cứu trợ động đất

Lương Thái Sỹ (SGN) Trong khi tổng số người chết trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới hơn 34,000, Liên Hợp Quốc (LHQ) buộc phải tuyên bố hoạt động cứu trợ quốc tế đã thất bại ở Syria. Sẽ không dừng ở con số 34,000 người chết Đã gần một tuần trôi qua kể từ khi hai trận động đất mạnh tàn phá thị trấn thuộc tỉnh Gaziantep ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, các gia đình có người thân mất tích vẫn chứng kiến cuộc tìm kiếm vất vả những người sống sót. Truyền thông địa phương đưa tin đã có một số trường hợp sống sót ngoạn mục. Chẳng hạn có một bé gái 10 tuổi bị mắc kẹt 159 giờ dưới đống đổ nát. Trong một trường hợp, toán cứu hộ phải mất nhiều giờ mới tiếp cận nạn nhân (đã chết) và cắt thanh cốt thép ra khỏi cơ thể to lớn của ông trước khi cuộn vào một chiếc túi đựng xác màu đen. Cảnh tượng bi thảm này lặp đi lặp lại trên khắp miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria, nơi số người chết vì trận động đất đã lên tới 34,000 người và còn nữa (hơn 29,600 người ở Thổ Nhĩ Kỳ; 4,500 người ở Syria). Tại Islahiye, giống như nhiều thị trấn và làng mạc khác, cư dân hiện chủ yếu sống ngoài trời. Chính quyền thành phố cấm họ vào các tòa nhà có nguy cơ sụp đổ. Vì vậy họ phải sống trong những chiếc lều dựng tạm và đốt lửa để giữ ấm. Ahmet Kurt, một hiệu trưởng địa phương cho biết: “Bây giờ là mùa đông nhưng chúng tôi không thể vào trong nhà. Mọi người rất sợ hãi, họ bị sốc và sợ dư chấn”. Người chị Ozgul của ông được cho là bị chôn vùi dưới một ngôi nhà khác gần đó và ông không nghĩ cô còn sống. “Tất cả chúng tôi chờ đợi trong vô vọng quanh đây!”. Hơn 1.1 triệu người mất chỗ ở tại Thổ Nhĩ Kỳ và vẫn còn vô số người nằm dưới đống đổ nát. Dù vẫn tin một số người sống sót nữa sẽ được kéo ra khỏi đống đổ nát, nhưng LHQ kết luận: Những nỗ lực cấp cứu và cứu trợ quốc tế gần như đã “thất bại” thảm hại đối với những nạn nhân sống ở khu vực phiến quân phía Tây Bắc Syria vốn nhiều năm nay trong cảnh nội chiến. Việc thiếu máy xúc nghiêm trọng khiến người ta phải tự tìm cách đào bới tìm người thân trong những công trình sụp đổ ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Khắp nơi đang cần trợ giúp về y tế và thực phẩm. Johan Mooij, giám đốc phản ứng của tổ chức World Vision Syria tuyên bố: “Chúng tôi chưa từng chứng kiến sự đau khổ và tàn phá lớn thế này trong hơn một thập niên. Lớn đến nỗi phải mất cả thế hệ mới có thể phục hồi được như cũ”. Cả Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều thất bại trong cứu trợ Trong sự tàn phá và thương vong khủng khiếp, sự tức giận tiếp tục dâng cao do khoảng cách cứu trợ giữa Thổ Nhĩ Kỳ (nơi hàng tấn hàng cứu trợ đã đổ vào và vô số đội trợ giúp quốc tế) và vùng Tây Bắc Syria do quân nổi dậy nắm giữ, nơi người dân gồm cả những người phải di tản vì cuộc nội chiến tàn khốc phải một mình giải quyết những hậu quả trong sự chờ đợi tuyệt vọng trợ giúp quốc tế không bao giờ đến. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã hạn chế tiếp cận với khu vực Tây Bắc do các nhóm vũ trang đối lập kiểm soát. Với sự hậu thuẫn của các đồng minh như Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an LHQ, trong quá khứ ông ta đã từng ngăn chặn hoạt động viện trợ nhân đạo, thậm chí còn xem động đất là “cơ hội” chiếm lại lãnh thổ. Các quan chức LHQ hầu như giữ im lặng về những âm mưu chính trị cản trở chiến dịch hỗ trợ nhân đạo, một sự im lặng mà những người chỉ trích cáo buộc là nhằm cho phép LHQ giữ được mối quan hệ tốt với Damascus. Để biện minh, giới chức LHQ được giao trách nhiệm lấy cớ là những con đường đi đến điểm cứu trợ bị hư hỏng. Lo ngại về an ninh khiến việc chuyển hàng viện trợ tới vùng Tây Bắc Syria rất phức tạp. Trong chuyến thăm vào Chủ nhật đến thị trấn Bab al-Hawa, hành lang viện trợ mở duy nhất ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, ông Martin Griffiths, điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ đã công khai thừa nhận sai sót. Griffiths viết trên Twitter: “Cho đến nay, chúng ta đã làm cho người dân Tây Bắc Syria thất vọng. Họ cảm thấy bị bỏ rơi. Nhiệm vụ của tôi và nghĩa vụ của chúng tôi là khắc phục nhanh nhất các thiếu sót. Nhưng đối với nhiều nạn nhân, việc giúp đỡ là quá ít, quá muộn!”. Trong khi đó, Dan Stoenescu, đại biện lâm thời của Liên minh châu Âu (EU) tại Syria kêu gọi các quốc gia thành viên “đảm bảo các biện pháp trừng phạt chống lại chính phủ Syria không cản trở hoạt động cứu trợ”. Ông nói với hãng tin Reuters: “EU phải chắc chắn viện trợ không lọt hết vào tay những người trung thành với Assad”. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền đang mở rộng cuộc điều tra đối với các thầu xây dựng và những người mà họ cho là phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ quá dễ của các công trình được xem là kiên cố, trong tình hình chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang bị chỉ trích gay gắt (không phải bây giờ mà đã lâu) về việc dung dưỡng cho những kẻ vi phạm các quy tắc xây dựng cũng như thiếu chuẩn bị phản ứng nhanh đối với các thảm họa thiên nhiên. Nhằm xoa dịu dư luận, Bộ trưởng tư pháp Bekir Bozdag cho biết các công tố viên ở 10 tỉnh đang điều tra tích cực hơn 130 nghi phạm trong ngành xây dựng để sớm đưa ra truy tố trước pháp luật. Truyền thông đưa tin hai nhà thầu chịu trách nhiệm về các tòa nhà bị sập ở Adiyaman đã bị bắt giam tại Sân bay Istanbul vào ngày 12 Tháng Hai khi họ sắp “cao chạy xa bay”. Hai người khác bị bắt ở Gaziantep vì tội danh cắt bớt cột bê tông để thêm không gian trong một tòa chung cư bị sập, The Washington Post cho biết./.    
......

Tổng thống Đức cùng một đoàn doanh nghiệp bãi bỏ chuyến thăm Việt Nam

Thục-Quyên (VNTB) Campuchia đã được đưa vào lịch trình của Tổng Thống Đức Steinmeier sau khi chuyến đi dự định tới Việt Nam bị hủy bỏ Sau cuộc viếng thăm đầu tháng 11/2022 của Thái tử và Công nương Đan Mạch dẫn đầu hơn 30 doanh nghiệp đến Việt Nam với chủ đề “Chung tay kiến tạo tương lai xanh hơn’’, thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã nhanh chóng ghé thăm Hà Nội trên đường đi dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Indonesia, để nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp Đức-Việt cũng như trình bày một kế hoạch hành động với các dự án chung quan trọng. (1). Hai cuộc viếng thăm từ Đan Mạch và Đức đánh dấu thời điểm bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Âu Châu với ASEAN: tăng cường sự có mặt và hợp tác thương mại của Âu Châu tại châu Á hầu nới lỏng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tháng 12/2022, văn phòng Tổng thống Cộng Hoà Liên Bang Đức đã chính thức yêu cầu Ủy ban Châu Á-Thái Bình Dương các Doanh nghiệp Đức (Asien-Pazifik-Ausschuss APA) thăm dò và sửa soạn thành lập một phái đoàn doanh nghiệp gồm các đại diện công ty cỡ lớn và cỡ trung bình, đặc biệt những đại diện thuộc phái nữ, để tháp tùng Tổng thống Frank Steinmeier trong chuyến công du của ông tại Việt Nam và Mã Lai dự định từ ngày 13/2 tới 19/02/2023. (2) Việt Nam bị thay thế bằng Campuchia. (3) Tuy văn phòng Tổng Thống Đức không đưa ra lý do, Campuchia đã được đưa vào lịch trình của TT Steinmeier sau khi chuyến đi theo kế hoạch của ông tới Việt Nam bị hủy bỏ, ngay sau một chấn động chính trị ở Hà Nội: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ chức trong bối cảnh các cấp phó của ông bị buộc đồng loạt từ chức, do bê bối tham nhũng liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của nhà nước do Đảng Cộng sản cầm quyền. Ông Phúc đã từng nhiều lần gặp gỡ TT Steinmeier, từ chuyến thăm Hà Nội năm 2016 của ông Steinmeir khi còn là ngoại trưởng Đức, và ông Phúc lúc đó vừa được bổ nhiệm làm thủ tướng Việt Nam. Sau đó, năm 2017, ông Phúc đã được TT Steinmeier tiếp đón tại Schloss Bellevue – dinh tổng thống Đức –chỉ khoảng nửa tháng trước khi một sự cố ngoại giao lớn nổ ra liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, người đang xin tị nạn ở Đức trong khi bị truy nã về tội tham nhũng tại Việt Nam. Mặc dù bà Võ Thị Xuân Anh đang giữ quyền chủ tịch nước Việt Nam, vị trí chính thức sẽ vẫn bị bỏ trống cho đến ít nhất là tháng 5 khi quốc hội độc đảng triệu tập. Một trong những ứng cử viên tiềm năng là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, người đã bị các công tố viên và thẩm phán Đức nhắc tới trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại công viên Tiergarten, ngay trung tâm chính trị của Berlin, cách dinh tổng thống 550m. Tô Lâm bị cho là đã trực tiếp có mặt tại Slovakia để mượn máy bay đem TXThanh qua ngã Nga về Việt Nam. Bộ trưởng Tô Lâm còn kiêm giữ chức Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia phụ tá, hỗ trợ Trưởng ban, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, nên là tác nhân quan trọng trong việc khui những vụ bê bối tham nhũng của những thủ tướng và phó thủ tướng vừa mất chức. Quyết định không đến Việt Nam của TT Steinmeier phản ảnh điều gì? Tin tức chiến tranh càng ngày càng khốc liệt tại Ukraine cùng những tin liên quan đến cuộc động đất với trên 35.000 người chết tại Thổ nhĩ Kỳ và Syria đang tràn ngập cuộc sống tại Đức và Liên minh Âu châu. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của TT Steinmeier diễn ra ngay trước thềm kỷ niệm một năm cuộc chiến tranh mà Đức đi đầu trong Liên minh Âu châu thống nhất để ủng hộ Ukraine chống lại các hành động xâm lược của Nga, đánh dấu sự thay đổi của một kỷ nguyên, đồng nghĩa với việc đánh giá lại hoàn toàn cách tiếp cận kinh tế, quốc phòng và chiến lược của Đức và Liên minh Âu châu đối với thế giới, bao gồm cả Đông Nam Á. Đức cũng như các quốc gia trong Liên minh Âu châu cần Đông Nam Á như một trong những lối thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, một tình trạng mà họ muốn tránh hệ lụy chính trị và chiến lược với những bài học rút ra từ trường hợp đã từng phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga trước cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhưng quan trọng hơn thế nữa là bài học phải củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và chủ nghĩa đa phương, cũng như phát triển bền vững phải nằm trên những lợi ích ngắn hạn. Việt Nam hiện nay đôi khi được đánh giá là một “Trung quốc nhỏ”, nhưng bên cạnh sự chú ý đến các tiềm năng kinh tế của Việt Nam, bài học Trung Hoa làm phương Tây rất ý thức và không muốn tạo điều kiện cho một quốc gia với một chế độ toàn trị thêm lớn mạnh, vì điều này sẽ không mang lại an ninh cho thế giới. Tập Cận Bình (trái) và Nguyễn Phú Trọng[/caption] Địa chính trị thay đổi liên tục. Quân đội Mỹ trở lại Philippines mang theo những thay đổi ảnh hưởng tại vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Những trò ảo thuật tráo bài đổi tướng của đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là trò “vải thưa che mắt thánh”, không thể đạt được lòng tin và sự kính nể quốc tế, cần thiết cho một sự hợp tác vững mạnh để Việt Nam có thể thực sự phát triển, củng cố nội lực hầu bảo đảm nền an ninh quốc gia./. ____________ Chú thích: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cp9k2zrn1e1o https://www.ihk.de/.../steinmeier-nach-vietnam-und... https://www.bundespraesident.de/.../terminkalender-node.html
......

Những gì chưa kể về F-22 Raptor

Lê Tây Sơn (SGN) Ngày 3 Tháng Hai 2023, trên bầu trời tiểu bang South Carolina, một máy bay chiến đấu F-22 Raptor cất cánh từ Căn cứ Không quân Langley thuộc tiểu bang Virginia đã “tiêu diệt gọn” khinh khí cầu do thám Trung Quốc bằng hỏa tiễn không đối không AIM-9. Đây là một trong số lần hiếm hoi nó xuất kích. F-22 Raptor được đánh giá là “chiếc máy bay tuyệt vời”, đến mức Mỹ không bán F-22 Raptor cho bất kỳ quốc gia nào… Bất khả chiến bại Là máy bay tàng hình thế hệ thứ 5, F-22 tích hợp một số công nghệ đáng kinh ngạc. Đạt tốc độ siêu thanh với khả năng cơ động cao, F-22 Raptor được xem là vũ khí không chiến tốt nhất thế giới. Nhưng nó cũng là máy bay rất kỳ lạ ở một số khía cạnh. Dù là máy bay “đáng gờm” nhất trong tác chiến trên không, nhưng Ngũ Giác Đài quyết định chỉ mua 186 F22 Raptor trong 750 chiếc dự tính ban đầu. Ngoài ra, Quốc hội cũng ngăn chặn bất kỳ người mua tiềm năng nào, cấm công ty Lockheed Martin (nơi sản xuất F-22 Raptor) bán nó cho nước ngoài. Ra mắt vào năm 2005 để thay thế thế hệ F-15 Eagle già nua, F-22 Raptor được kỳ vọng sẽ trở thành máy bay không chiến thế hệ của Mỹ đến tận thập niên 2040. Đa chức năng, F-22 Raptor là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên cất cánh. Nó kết hợp một số công nghệ tiên tiến nhất, như có các cảm biến để “nhận thức tình huống chiến trường trong thời gian thực”. Khung máy bay cơ động cao, có thể bay ở tốc độ siêu thanh mà không cần sử dụng động cơ đốt sau. Điều làm cho F-22 trở nên “bất khả chiến bại” trong một trận không chiến (dogfight) là khả năng véc-tơ lực đẩy (thrust vectoring capabilities) của nó. Hai động cơ của máy bay với các vòi được thiết kế đặc biệt ở hai đầu có thể di chuyển trên mặt phẳng thẳng đứng để tạo lực đẩy 70,000 pound theo một hướng ngay cả khi máy bay đang bay về hướng khác. Nhờ vậy, F-22 Raptor có thể thực hiện một số màn nhào lộn ấn tượng và tận dụng góc tấn công cực khó trong một trận không chiến. Về các loại vũ khí đạn dược mang theo, F-22 Raptor cũng khá linh hoạt. Để tuần tra chiến đấu trên không, nó được trang bị hai hỏa tiễn không đối không tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder và sáu hỏa tiễn dẫn đường bằng radar AIM-120 AMRAAM. Trong nhiệm vụ hỗ trợ trên không hoặc tấn công chính xác, F-22 Raptor có thể mang theo hai quả bom lớn JDAM GBU-32 nặng 1,000 pound hoặc tám quả bom nhỏ 250 pound, ngoài bộ đôi AIM-9 và AIM-120 nói ở trên. Ngoài ra, khẩu pháo M61A2 20 ly với 480 viên đạn cũng là một đối thủ đáng sợ trong các trận không chiến. Điều quan trọng không kém, F-22 Raptor có thể chất đầy đủ các hỏa lực nói trên trong ba khoang vũ khí mà không phải “hy sinh” bất kỳ khả năng tàng hình nào bên ngoài; lợi hại hơn nhiều so với máy bay chiến đấu tàng hình F-35 chỉ có thể mang theo bốn vũ khí trong hai khoang bên trong. Với trần bay (độ cao tối đa) 50,000 feet và tầm bay gần 1,900 dặm (hai thùng nhiên liệu bên ngoài hạn chế phần nào khả năng tàng hình của nó), F-22 Raptor có thể bay với tốc độ trên Mach 2. Tại sao Ngũ Giác Đài ngưng chương trình F-22 Raptor? Tuy nhiên, bất chấp những ưu điểm “không thể nghi ngờ” của máy bay, chương trình F-22 Raptor chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Như trong nhiều trường hợp, cái chết của nó liên quan đến quyết định của con người. Hay nói rõ hơn, F-22 Raptor là một chiếc máy bay “xui xẻo”. Được thử thách đầu tiên tại chiến trường Afghanistan và Iraq, nó gần như lạc lõng vì không có nhiều việc để làm, không có kẻ thù xứng tầm để chiến đấu. Khi Ngũ Giác Đài đổ hàng ngàn tỷ đôla vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu (Global War on Terror-GWOT), ưu thế trên không và các thuộc tính tàng hình của F-22 gần như không có giá trị gì trước các kẻ thù “đồng phục còn không có” chứ nói gì đến máy bay chiến đấu dã chiến, máy bay chiến đấu tiên tiến, hệ thống hỏa tiễn đối không hoặc radar. Nếu lợi ích sẽ chứng minh cho ngân sách thì các mối đe dọa hiện hữu sẽ xác định lợi ích. Không có lợi ích nên F-22 Raptor không có ngân sách sản xuất, biến nó thành một trong những máy bay “xui xẻo” nhất mọi thời! Nó có những khả năng phi thường nhưng chỉ được đối mặt với những kẻ thù hầu như không đủ tiềm lực để thử nghiệm công nghệ mới, dù nước Mỹ không thiếu kẻ thù. Trong 186 chiếc F-22 Raptor được giao cho Không Lực Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 130 chiếc từng cất cánh. Kết quả, máy bay đang đối mặt với nguy cơ… “tuyệt chủng”! Hiện chỉ còn ít hơn 100 chiếc F-22 trong tư thế sẵn chiến đấu. Mỗi khi một chiếc Raptor bay, nó sẽ sớm về hưu hơn vì thiếu phụ tùng thay thế. Năm 2011, chiếc Raptor cuối cùng đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất của Lockheed Martin và công ty phải cắt giảm nhân công để dồn vào chương trình sản xuất F-35. Suốt nhiều năm, Israel, Nhật Bản và Úc nhiều lần đề nghị Ngũ Giác Đài bán F-22 Raptor, nhưng lần nào họ cũng bị từ chối. Thậm chí năm 1998, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua một luật sửa đổi cấm bán F-22 Raptor cho nước ngoài. Không giống như phần lớn máy bay quân sự của Mỹ, F-22 Raptor không bao giờ được thiết kế để xuất khẩu. Nó có các công nghệ được phân loại mật và được sản xuất thông qua những phương pháp sản xuất tiên tiến nhất mà Mỹ không bao giờ muốn để lộ. Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ hàng không tàng hình. Trung Quốc và Nga luôn âm mưu đánh cắp công nghệ Mỹ để thúc đẩy công nghiệp hàng không tư nhân và quân sự và họ đã nhiều lần thành công mà đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc dùng gián điệp mạng và nội gián để có được các bản thiết kế F-35, F-22 và C-130 vào năm 2016 – SandBoxx cho biết. Một vấn đề khác, xuất khẩu máy bay quân sự của Mỹ đã gây nguy hiểm cho chính Mỹ trong quá khứ nên giờ đây Mỹ rất thận trọng. Iran vẫn đang bay những chiếc F-14 Tomcat do Mỹ sản xuất mà Quốc vương bị lật đổ Shah đã mua trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979; trong khi quốc gia Venezuela độc tài đang bảo vệ bầu trời của họ bằng những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất mà họ mua vào thập niên 1980. Máy bay chiến đấu J-10 hiện đại của Trung Quốc chủ yếu dựa vào F-16 của Mỹ sau khi Mỹ xuất khẩu chúng cho Israel (khi chương trình máy bay chiến đấu Lavi bị giải thể, Israel đã bán những công nghệ đó cho Trung Quốc!).    
......

Khinh khí cầu của Trung quốc hiển nhiên là một phần trong chương trình giám sát toàn cầu của TQ

Berlin Morgenpost   Các khinh khí cầu Trung Quốc xuất phát từ đảo Hải Nam. Trung Quốc do thám các cơ sở quân sự ở một số quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan và Philippines. Chế độ Cộng sản Việt Nam dĩ nhiên im hơi lặng tiếng không dám đả động, lên tiếng gi về vụ “đàn anh Trung Quốc“ nhòm ngó cả đến “đàn em Cộng sản Việt Nam“.   Theo Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden việc bắn rơi khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trên vùng biển là hợp lý. Đồng thời, ông bác bỏ cáo buộc của các đảng viên đảng Cộng hòa rằng vụ bắn rơi khinh khí cầu xẩy ra quá chậm trễ. Đồng thời tòa Bạch Ốc thông báo rằng họ có thể thu thập được các dữ kiện về tình báo từ khinh khí cầu và họ sẽ không trả lại các mảnh vỡ cho Bắc Kinh.   Một quan chức đại diện Mỹ cảnh cáo rằng khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trên đất Mỹ là một phần của chương trình giám sát quy mô lớn.   Tin từ Bá Linh. Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị phát hiện trên lãnh thổ Mỹ và bị bắn rơi là một phần trong chương trình giám sát toàn cầu của Trung Quốc.   Nhật báo "Washington Post" đã biết được điều này từ giới tình báo Hoa Kỳ. Theo đó, các khinh khí cầu do quân đội Trung Quốc điều khiển xuất phát từ tỉnh Hải Nam ở vùng biển phía nam Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc đã thu lượm được nhiều thông tin về các cơ sở quân sự ở một số quốc gia trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan và Philippines.   Theo một nguồn tin ẩn danh của tình báo Mỹ, những khinh khí cầu này đã được phát hiện trên năm lục địa. Hoa Kỳ nay muốn chia sẻ tin này với các nước thứ ba liên hệ. Vào ngày thứ hai bộ Ngoại giao đã thông báo tin này cho khoảng 150 nhân viên từ 40 đại sứ quán.   Trung Quốc vẫn tiếp tục phủ nhận các cáo buộc   Sự xuất hiện gần đây của một khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc bị nghi ngờ được sử dụng cho hoạt động gián điệp trên lãnh thổ Hoa Kỳ đã làm mối quan hệ vốn đã lạnh nhạt giữa hai nước lại càng lạnh nhạt thêm.   Quân đội Hoa Kỳ đã bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ngoài khơi bờ biển bang Nam Carolina trên Đại Tây Dương. Washington cáo buộc Trung Quốc sử dụng khinh khí cầu để do thám các cơ sở quân sự. Ngược lại, chính phủ Bắc Kinh nói đây là một khinh khí cầu nghiên cứu dân sự đã bay lạc hướng.   Báo Washington Post trích dẫn lời nói của một quan chức Mỹ giấu tên: “Trung Quốc đã kết hợp một công nghệ cực kỳ cũ kỹ với các phương tiện khả năng truyền thông và quan sát hiện đại để thu lượm thông tin về quân đội các nước khác”.   Cũng theo báo này, bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi đến từng đại sứ quán Mỹ thông tin chi tiết về khinh khí cầu do thám, họ có thể chia sẻ thông tin này với các nươc đồng minh và đối tác. Quan chức Mỹ nói thêm “Các đồng minh và đối tác của chúng tôi rất quan tâm đến sự kiện này”./. Dương Hồng Ân lược dịch  
......

“Thôn tính Đài loan đâu có dễ như nhiều người nghĩ”

Christina zur Nedden (WELT) Nguyễn Xuân Hoài lược dịch   Một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc dường như thực tế hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, theo một chuyên gia an ninh hàng đầu, có những rào cản gây khó ngay cả đối với Bắc Kinh. Trong một cuộc phỏng vấn, ông giải thích lý do tại sao điều quan trọng đối với các quốc gia là phải hỗ trợ Đài Loan, ngay cả như nước Đức. Vừa qua Đài Loan đã đặt các máy bay chiến đấu và hải quân của họ trong tình trạng báo động để đối phó với một hoạt động quân sự của Trung Quốc. Ngoài ra, các hệ thống tên lửa đã được kích hoạt sau khi Trung Quốc triển khai 34 máy bay quân sự và 9 tàu chiến ở gần đó. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết các máy bay Trung Quốc đã bay qua vùng đệm không chính thức giữa hai nước hôm thứ ba. Trước đó không lâu, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo trong chuyến thăm Nhật Bản rằng sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc và sự hợp tác của nước này với Nga đặt ra mối đe dọa không chỉ đối với châu Á mà cả châu Âu. Trung Quốc coi Đài Loan được quản lý một cách dân chủ là một phần lãnh thổ quốc gia của mình và nhiều lần đe dọa sẽ chiếm lấy hòn đảo cộng hòa này bằng vũ lực. J. Michael Cole từng làm việc cho Cơ quan Tình báo Nội bộ Canada và đã sống ở Đài Loan 17 năm. Nhà phân tích này là Cố vấn cấp cao tại Viện Cộng hòa Quốc tế, có trụ sở tại Washington DC. Trong một cuộc phỏng vấn với WELT ở Đài Bắc, chuyên gia này giải thích mức độ nguy hiểm của một cuộc xâm lược - và tại sao phương Tây không được đứng ngoài cuộc xung đột này.   WELT: Thưa ông tình hình căng thẳng trong quan hệ Tung-Đài hiện như thế nào? J. Michael   Cole: Căng thẳng ở eo biển Đài Loan đang ở mức cao nhất trong thời gian dài. Giới lãnh đạo Trung Quốc khó chịu vì Đài Loan đang xây dựng thành công mối quan hệ với cộng đồng quốc tế và bất chấp sự thôn tính. Điều này xảy ra bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cô lập Đài Loan trên trường quốc tế. Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã lôi kéo các đồng minh ngoại giao chính thức của Đài Loan và can thiệp khi nước này cố gắng ký kết các hiệp định thương mại tự do.   WELT: Khả năng xảy ra một cuộc tấn công hoặc xâm lược của Trung Quốc trong vài năm tới là bao nhiêu?   Cole: Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ sớm chứng kiến một cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc. Các hành động khiêu khích trong vài tháng qua chủ yếu là chiến tranh tâm lý hoặc các hoạt động "vùng xám". Chúng là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm buộc những người ủng hộ Đài Loan và các đối tác tiềm năng phải chọn Bắc Kinh. Đây là cách để cô lập Đài Loan. Nhưng kế hoạch không thành. Vì vậy, tôi muốn nói rằng mặc dù áp lực quân sự ngày càng tăng, Đài Loan có vị thế khá tốt trên trường quốc tế vì một số nước lớn hiểu rằng không để bị các hành động quân sự của Trung Quốc hù dọa.   WELT: Mặc dù vậy, chỉ có 13 quốc gia và Vatican vẫn tiếp tục công nhận Đài Loan là một quốc gia chính thức. Là sự hỗ trợ cho Đài Bắc chủ yếu mang tính biểu tượng?   Cole: Một trong những điều kiện của Bắc Kinh để duy trì hoặc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức là rút Đài Loan ra khỏi tư cách một quốc gia có chủ quyền. Nếu được lựa chọn, tôi cá rằng đại đa số các quốc gia sẽ có quan hệ ngoại giao chính thức với cả hai. Nhưng Bắc Kinh không cho phép làm điều này vào lúc này. Do đó, hầu hết các quốc gia đều có các chi nhánh ở Đài Loan giống như một đại sứ quán. Khi đó chúng không được gọi là “thông điệp”, nhưng chúng thực hiện các chức năng tương tự. Sự can dự này với Đài Loan chắc chắn góp phần vào khả năng phục hồi và răn đe của Trung Quốc.   WELT: Bất chấp tất cả những mối liên hệ quốc tế này, liệu Đài Loan có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công?   Cole: Mỹ có chiến lược “mơ hồ chiến lược” không đảm bảo hỗ trợ quân sự cho Đài Loan trong trường hợp bị tấn công. Nay, Tổng thống Biden được cho là đã ba lần đọc sai về chính sách chính thức của Hoa Kỳ trong năm qua khi ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho Đài Loan. Vẫn còn phải xem liệu đây có phải là một sự thay đổi trong chính sách chính thức hay không, nhưng tuyên bố của Biden rất có ý nghĩa. Quân đội Mỹ và Đài Loan đã có sự hợp tác chặt chẽ trong nhiều thập kỷ. Có khả năng Mỹ sẽ đóng một vai trò trong trường hợp khẩn cấp về quân sự, chủ yếu bằng cách góp phần răn đe. Nhưng ngày càng có nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Nhật Bản, Australia, Liên minh châu Âu và có thể cả Ấn Độ, đang suy nghĩ nghiêm túc về vai trò của họ nếu xung đột vũ trang nổ ra.   WELT: Liệu quân đội Đài Loan có cơ hội chống lại Trung Quốc nếu không có viện trợ từ bên ngoài?   Cole: Đài Loan đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công trong nhiều thập kỷ và cũng có thể tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi tiến hành chiến tranh trong môi trường công nghệ cao. Ngoài ra, rất khó để vượt qua 120 km mặt nước để chinh phục một hòn đảo. Nga dễ dàng vượt qua biên giới vào Ukraine hơn. Chiếm đóng Đài Loan không dễ dàng như người ta thường nghĩ.   WELT: Tại sao Đức và Châu Âu nên quan tâm đến cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan?   Cole: Một lý do là chất bán dẫn, nếu không có chất bán dẫn thì không thể sản xuất ô tô, máy tính xách tay hay điện thoại thông minh. Nhưng lý do chính nên là mọi quốc gia yêu chuộng tự do, mọi nền dân chủ, nên quan tâm đến số phận của các quốc gia tương tự vì họ đại diện cho một giải pháp thay thế cho các quốc gia độc tài như Trung Quốc. Đài Loan là một trong những thí nghiệm hiếm hoi và rất thành công trong đó dân chủ hóa và hiện đại hóa kinh tế song hành cùng nhau. Đó là tấm gương cho nhiều quốc gia khác. Nếu những ví dụ này bị xóa và các quốc gia độc tài lớn được khuyến khích nhắm mục tiêu vào các thử nghiệm thành công khác, thì ai sẽ là người tiếp theo? Đức, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Canada và Úc phải gửi tín hiệu rất rõ ràng tới Bắc Kinh rằng hành vi này là không thể chấp nhận được.   WELT: Chính phủ Đức sẽ công bố một "chiến lược Trung Quốc" mới trong năm nay, trong đó mô tả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một "đối thủ hệ thống".   Cole: Ngày càng có ít nền dân chủ trên khắp thế giới. Đức nói cạnh tranh hệ thống với Trung Quốc, Mỹ nói cạnh tranh ý thức hệ với nhau. Nhưng cuối cùng thì chúng ta đang nói về hai quốc gia tương thích ở một số lĩnh vực nhất định nhưng lại rất không tương thích ở những lĩnh vực khác. Đài Loan thuộc nhóm tự do rất phương Tây.   WELT: Người Đài Loan đã sống chung với mối đe dọa đối với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Điều đó có làm họ mệt mỏi hay mối đe dọa chiến tranh là một vấn đề lớn trong nước?   Cole: Người Đài Loan rất có ý thức về chính trị. Họ nhận thức được rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với tự do và lối sống của họ. Nhưng họ có bị ám ảnh bởi chủ đề này không? KHÔNG. Bạn có sợ không? Bạn đang hoảng loạn? Tuyệt đối không. Người Đài Loan khá thực dụng. Đồng thời, tôi muốn nói rằng thực tế là Trung Quốc đã đe dọa họ trong nhiều thập kỷ nhưng chưa bao giờ tấn công khiến một số người kết luận rằng động lực này sẽ tiếp tục kéo dài. Nhưng kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine, nhiều người đã nghĩ khác. Kể từ đó, người Đài Loan đã biết người ta không thể giả định mãi rằng các nhà lãnh đạo như Tập Cận Bình sẽ hành động hợp lý, như chúng ta hiểu về họ. Người Đài Loan phải chuẩn bị cho bất cứ điều gì./.  
......

Angela Merkel nhận Giải thưởng Hòa bình của UNESCO cho chính sách di cư

Lưu Thủy Hương Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận Giải thưởng Hòa bình từ tổ chức văn hóa Liên hợp quốc Unesco. Với giải thưởng này, Unesco đã vinh danh chính sách di cư của bà Merkel vào năm 2015, khi đó nước Đức đã tiếp nhận hơn 1,2 triệu người tị nạn. Trong bài phát biểu nhận giải, bà Merkel đề cập đến các bất ổn nảy sinh ngày càng nhiều trên thế giới và kêu gọi giải quyết các cuộc xung đột một cách êm thắm. Bà nói: “Đối thoại là vũ khí của kẻ mạnh, chứ không phải của kẻ yếu”. Bà Merkel tặng giải thưởng này cho những tình nguyện viên đã giúp tiếp nhận những người tị nạn vào thời kỳ nhập cư cao điểm nhất. Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã trao giải thưởng cho cựu Thủ tướng tại một buổi lễ ở thủ đô Yamassoukro của Bờ Biển Ngà. “Bà đã thể hiện sự can đảm vào thời điểm mà những nước khác muốn đóng cửa châu Âu,” Azoulay nói. Người đứng đầu Liên minh châu Phi kiêm Tổng thống Senegal Macky Sall gọi bà Merkel là một "nữ chính khách phi thường và một người nhân đạo". Công việc của Julienne Lusenge, Cộng hòa Dân chủ Congo, cũng được vinh danh. Bà Lusenge đấu tranh cho các nạn nhân của bạo lực tình dục ở miền đông Congo. Giải thưởng Hòa bình được thành lập vào năm 1989 và được trao hàng năm kể từ năm 1991 cho các cá nhân hoặc tổ chức có nỗ lực đặc biệt để thúc đẩy, nghiên cứu hoặc đảm bảo hòa bình. Những người đoạt giải đầu tiên là Nelson Mandela và Frederik Willem de Klerk, họ được trao giải sau khi chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi bị bãi bỏ./. Nguồn:  https://www.zeit.de/.../merkel-unesco-friedenspreis...  
......

Thư ngỏ kêu gọi Facebook xóa bỏ các mạng lưới tài khoản độc hại ở Việt Nam

NGO & các nhà hoạt động | Nhân dịp sinh nhật lần thứ 19 của Facebook, hơn 60 tổ chức phi chính phủ về nhân quyền và các Facebooker có nhiều ảnh hưởng của Việt Nam đã kêu gọi ông Mark Zuckerberg “unfriend” các mạng lưới tài khoản độc hại ở Việt Nam. Bức thư ngỏ kêu gọi Meta xóa hàng triệu tài khoản Facebook giả mạo ở Việt Nam, đóng các mạng lưới tham gia phối hợp báo cáo hàng loạt và cung cấp một phương thức để các nhà hoạt động, nhà báo và những người dùng Việt Nam khiếu nại việc gỡ bỏ nội dung. *** Thư ngỏ kêu gọi Facebook xóa bỏ các mạng lưới tài khoản độc hại ở Việt Nam Mark Zuckerberg Meta Platforms Inc 1 Hacker Way Menlo Park, CA 94025 Ngày 1 tháng 2 năm 2023 Kính gửi ông Mark Zuckerberg, Ngày 4 tháng 2 đánh dấu gần hai thập niên kể từ khi Facebook được thành lập vào năm 2004. Vào sinh nhật lần thứ 19 này, chúng tôi kêu gọi ông giữ lời cam kết mà ông đã đưa ra: đó là giúp cho mọi người khả năng xây dựng cộng đồng và mang thế giới lại gần nhau hơn. Facebook đã cách mạng hóa cách thức con người tiếp nhận, tạo và chia sẻ thông tin. Nhưng Facebook cũng trở thành một công cụ để ngăn chặn quyền tự do ngôn luận vì các thế lực chính trị đã thao túng nền tảng này để hạn chế đối kháng và quấy nhiễu giới đối lập. Việt Nam là một ví dụ điển hình: Các mạng lưới tinh vi gồm các tài khoản Facebook ảo đồng loạt báo cáo tài khoản của các nhà hoạt động, khiến nội dung của họ bị gỡ xuống và sử dụng các lập trình tự động – bot để phổ biến hàng loạt các thông tin sai lệch. Vào tháng 7 và tháng 12 năm 2021, Reuters đưa tin rằng Facebook đã xóa các mạng lưới tài khoản tấn công các nhà hoạt động Việt Nam chỉ trích chính phủ nước này. Một trong các nhóm này có tên là “E47”, bao gồm các thành viên quân đội và phi quân sự đã phối hợp nhiều cách để báo cáo hàng loạt và spam các tài khoản bị nhắm mục tiêu. Nhóm này có liên hệ với Lực lượng 47, đơn vị không gian mạng của quân đội Việt Nam chịu trách nhiệm tuyên truyền tư tưởng đảng CSVN trên không gian mạng từ năm 2016. Mặc dù Facebook đã xóa bỏ nhóm E47, Reuters vẫn tìm thấy hàng chục tài khoản kết nối với các nhóm được xác nhận là của Lực lượng 47. Thêm nữa, các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn. Vào tháng 10 năm 2022, hàng chục nhà hoạt động và các trang Facebook nổi bật đã bị các bot gửi hàng loạt các bình luận rác trong nhiều tuần liên tiếp. Do thuật toán của Facebook ưu tiên đề xuất các bài đăng nhận được nhiều bình luận, nên chiến thuật gửi hàng loạt bình luận rác giúp cho nội dung của các cuộc tấn công này lan rộng hơn, đưa thông tin sai lệch và tác hại các tương tác trên mạng xã hội. Sự tồn tại của các mạng lưới tài khoản độc hại ở Việt Nam cho thấy vấn nạn tài khoản ảo – một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư, nhà quảng cáo và những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Các tài liệu nội bộ của Facebook do người tố giác Frances Haugen công bố đề cập đến sự tồn tại của 15 triệu tài khoản giả ở Việt Nam. Số lượng tài khoản giả to lớn này khiến cho con số thống kê 70 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam không chính xác và dễ dàng gây thiệt hại cho các tài khoản thật thông qua chiêu thức báo cáo hàng loạt. Hơn nữa, việc sử dụng ‘trang trại nhấp chuột’ để gia tăng khối lượng người theo dõi cho các trang và nhóm trên Facebook tạo ra các tương tác giả mạo. Chiêu thức này được thực hiện bằng cách mướn người bấm vào các đường dẫn để gia tăng mức độ lan tỏa của bài đăng hoặc liên tục đăng nội dung gây hiểu lầm và phóng đại để thu hút người dùng. Việt Nam đã trở thành trung tâm của ngành công nghiệp tạo tài khoản giả đang bùng nổ với quy mô mở rộng nhờ kỹ thuật tự động hóa các thao tác hàng loạt. Năm ngoái, qua trường hợp của phong trào Querdenken ở Đức, Facebook đã cho biết những người dùng thật có thể hợp tác với nhau gây hại xã hội. Dưới chính sách ngăn chặn “hành động phối hợp gây hại xã hội” Facebook đã xóa các tài khoản, các trang, các nhóm liên quan đến phong trào này. Trong năm tới, chúng tôi kêu gọi ông giải quyết triệt để “hành động phối hợp gây hại xã hội” đang diễn ra trên Facebook, đặc biệt là ở Việt Nam. Cụ thể, chúng tôi đề nghị ông nên: 1) Xóa hàng triệu tài khoản Facebook giả được báo cáo ở Việt Nam và xem xét thay đổi chính sách để ngăn chặn hành vi “câu click” trắng trợn. 2) Đóng các mạng lưới tham gia vào hoạt động phối hợp báo cáo hàng loạt và các hành vi gây tác hại xã hội khác. 3) Cung cấp một phương thức để các nhà hoạt động, các nhà báo và những người dùng Việt Nam có thể khiếu nại việc gỡ bỏ nội dung và làm việc trực tiếp với nhân viên Facebook khi bị nhắm mục tiêu bởi các chiến dịch phối hợp hành động gây hại xã hội. Trong lúc phát triển thế giới ảo metaverse cho tương lai, chúng tôi hy vọng ông sẽ cam kết bảo đảm các tương tác an toàn và xác thực trên nền tảng của mình ngay hôm nay. Trân trọng, Brotherhood for Democracy (Hội Anh Em Dân Chủ) | fb.com/hoianhemdanchu Cambodian Journalists Alliance Association | fb.com/CambodianJournalistsAlliance Catholic Youth (Thanh Niên Công Giáo) | fb.com/thanhnienconggiao Destination Justice | fb.com/DestinationJustice Free Journalists Club of Vietnam (Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do) | fb.com/caulacbonhabaotudo Horizontal #MilkTeaAlliance Calendar Team #MilkTeaAlliance Friends of Myanmar Myanmar Internet Project New Horizon Media (Chân Trời Mới Media) | fb.com/chantroimoimedia PEN America | fb.com/PENamerica Reporters Without Borders | fb.com/Reporterssansfrontieres Safeguard Defenders Saigon Broadcasting Television Network | fb.com/SBTNOfficial V5TV Tin Tức Úc Việt | fb.com/profile.php?id=100063708034647 Viet Tan | fb.com/viettan Các nhà hoạt động & các dân báo, bloggers: Anh Chi | fb.com/profile.php?id=100026717114516 Bui Hue | fb.com/jerry.bui.79069 Philip Bui | fb.com/bui.v.phu Son Bui | fb.com/TheSonBui Dao Ba Ke | fb.com/profile.php?id=100004537337205 Dang Huu Nam | fb.com/lm.anton.danghuunam Dang Thi Hue | fb.com/danghuevt Doan Thi Thuy Duong | fb.com/profile.php?id=100004905254586 Do Le Na  | fb.com/huong.tudinh.967 Do Thi Thu | fb.com/profile.php?id=100008236984260 Suzie Dong Xuyen | fb.com/profile.php?id=100011455206810 Ho Duc Hoa | fb.com/profile.php?id=100081058157991 Hoang Tu Duy | fb.com/hoangtuduy71 Huynh Ngoc Chenh | fb.com/ho.lytien.1 Huynh Van Ba | fb.com/profile.php?id=100003673032911 Paulus Le Son | fb.com/son.vanle85 Le Thanh Tung | fb.com/anthonylethanhtung Le Thi Thap  | fb.com/comuoi.hole.78 Manh Kim | fb.com/nguyen.manhkim Nguyen Dinh Ha | fb.com/senator.nguyen JB Nguyen Huu Vinh | fb.com/jbnguyenhuuvinh Nguyen Manh Hung | fb.com/tamlinh.tran.188 Nguyen Thi Anh Tuyet | fb.com/tuyet.ohlala Nguyen Thi Chau | fb.com/chau.nguyenthi.7771 Nguyen Thi Kim Chi | fb.com/chi.k.nguyen.94 Nguyen Thi Hue | fb.com/nguyen.hue.1610 Trang Nguyen | fb.com/tienlen.01.02.1990 Nguyen Van Hai | fb.com/dieucayclbnbtdvietnam Nguyen Van Khanh | fb.com/profile.php?id=100001766666529 Dominic Pham | fb.com/dominic.pham.12 Moc Lan Pham | fb.com/lanpt.aus Pham Minh Hoang | fb.com/phamminh.hoang.351 Than Pham | fb.com/maclam.pham Pham Thanh Tam | fb.com/profile.php?id=100086496352356 Phong Van Phan | fb.com/luongdan.ly Michel Tran Duc | fb.com/michel.tranduc Tran Thi Thu Thuy | fb.com/tranthithuthuy83 Tran Minh Nhat | fb.com/minhnhat.paultran Trinh Thi Nhung | fb.com/medadanntoc.duma Trinh Thi Thao | fb.com/trinhthithao86 Truc Ho | fb.com/nhacsitrucho Benny Truong | fb.com/profile.php?id=100005569474118 Tuan Khanh | fb.com/khanhtuanng Tuong Thang | fb.com/tuong.thang Elodie Vialle | fb.com/elodie.vialle Vo Hong Ly | fb.com/hongly.vo.5059 Vo An Don | fb.com/bauquay Vu Duc Khanh | fb.com/freedom.king.902266 Vu Thach | fb.com/thach.vu.980 — Tham khảo: 1. James Pearson, “How Vietnam’s ‘influencer’ army wages information warfare on Facebook,” Reuters, July 8, 2021, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/how-vietnams-influencer-army-wages-information-warfare-facebook-2021-07-09; James Pearson, “Facebook says it removes accounts which targeted Vietnamese activists,” Reuters, December 1, 2021, ​​https://www.reuters.com/technology/facebook-says-it-removes-accounts-which-targeted-vietnamese-activists-2021-12-01 2. “Harmful network targets Vietnamese civil society: Facebook must take action,” Viet Tan, October 28, 2022, https://viettan.org/en/harmful-network-targets-vietnamese-civil-society-facebook-must-take-action 3. Elizabeth Dwoskin, Tory Newmyer, and Shibani Mahtani, “The case against Mark Zuckerberg: Insiders say Facebook’s CEO chose growth over safety,” Washington Post, October 25, 2021, https://www.washingtonpost.com/technology/2021/10/25/mark-zuckerberg-facebook-whistleblower 4. Dai Do, Duyen Bui, Michel Tran Duc, “#StopVNtrolls: Combatting Force 47 and Cyber Censorship,” Viet Tan, February 2023, https://viettan.org/en/stopvntrolls 5. Elise Thomas, “Case Study 1: Farming Facebook,” ISD, Conspiracy Clickbait series, January 19, 2022, https://www.isdglobal.org/wp-content/uploads/2022/01/Conspiracy-Clickbait-Study-1.pdf 6. Nathaniel Gleicher, “Removing New Types of Harmful Networks,” Meta, September 16, 2021, https://about.fb.com/news/2021/09/removing-new-types-of-harmful-networks
......

Người thứ hai tham gia bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh bị tòa án Đức kết án 5 năm tù

RFA   Ngày 30/1, Tòa án Thượng thẩm Berlin kết án ông Lê Anh Tú, 32 tuổi, cư ngụ ở Praha (Cộng hoà Séc), với mức án năm năm tù vì tham gia cùng một nhóm mật vụ Việt Nam tiến hành bắt cóc cựu cán bộ dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hồi cuối tháng 7 năm 2017.   Từ Berlin, nhà báo tự do Hiếu Bá Linh nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại:   “Vụ xử này kéo dài ba tháng, hôm qua thứ hai (30/1) vụ xử kết thúc. Toà án đã kết án năm năm tù đối với bị cáo Lê Anh Tú về hai tội danh.   Tội danh thứ nhất là hoạt động gián điệp, tội danh thứ hai là tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - tức là tiếp tay trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.”   Ông Hiếu, người quan sát toàn bộ phiên toà từ phòng xử án cho biết bên công tố trưng ra rất nhiều bằng chứng chứng minh bị cáo Lê Anh Tú tham gia vào vụ bắt cóc cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.   Các bằng chứng cho thấy ông Tú là người theo dõi hành tung của ông Trịnh Xuân Thanh và người tình Đỗ Thị Minh Phương khi cô này tới Đức để cả hai gặp nhau, Tú cũng chính là tài xế đưa hai người vào Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Berlin sau khi mật vụ Việt Nam bắt cóc họ.   Ông này cũng bị cho là người cầm lái một chiếc xe hơi khác cùng với một đoàn xe hộ tống chở hai người này từ Brno (Cộng hoà Séc) đến khách sạn Borik ở thủ đô Bratislava của Slovakia, nơi mà Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm cùng đoàn tuỳ tùng đón sẵn, ông Hiếu Bá Linh dẫn tin từ toà nói.   “Khách sạn Borik là của Chính phủ Slovakia. Nơi đây phái đoàn Tô Lâm gặp Bộ Nội vụ Slovakia để nói chuyện. Thực ra cuộc nói chuyện này chỉ là dàn cảnh để đưa Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. Tức là Tô Lâm mượn chuyên cơ của Slovakia để ra khỏi vùng Schengen bay tới Moscow (Nga-PV).   Bằng việc kết án Lê Anh Tú, tòa án Đức một lần nữa khẳng định vụ bắt cóc là có thật và do cơ quan mật vụ Việt Nam tổ chức. Trong khi Việt Nam vẫn phủ nhận vụ bắt cóc và nói Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về đầu thú./.
......

Trung Quốc khẳng định vị thế của mình đối với lithium, nước Đức chầu rìa

Von Tobias Käufer (WELT) Nguyễn Xuân Hoài lược dịch   Lithium là nguyên liệu không thể thiếu đối với đi lại bằng động cơ điện. Trữ lượng lớn nhất nằm ở Mỹ Latinh. Trung Quốc đã sớm nhận ra điều này và từ lâu đã đảm bảo quyền tiếp cận ở khu vực này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hiện đang đi đến “tam giác lithium”. Nhưng sự thiếu hụt khó có thể bù đắp. Bộ trưởng Năng lượng Bolivia Franklin Molina tự tin nói trên cổng thông tin địa phương "Correa del Sur": "Đây là tín hiệu khởi đầu cho việc xây dựng hai nhà máy lithium cacbonat". Ông ta đề cập đến hợp đồng với tập đoàn CBC của Trung Quốc, đối tác quốc tế đầu tiên khai thác lithium ở các hồ muối Uyuni và Coipasa. Đây được coi là những „khoản để dành“ lớn nhất thế giới. Nhìn chung, người ta nói về khối lượng đầu tư một tỷ đô la. Lithium là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất pin cho ô tô điện và điện thoại thông minh. Và trong cuộc đua toàn cầu để tiếp cận cácvùng có trữ lượng lớn Trung Quốc đã thực hiện một chiến lược khôn ngoan rất thành công. Bất cứ nơi nào có trữ lượng lithium đáng kể trên hành tinh này, Bắc Kinh đều đóng vai trò hàng đầu. Đức, với tư cách là một trong những quốc gia sản xuất ô tô quan trọng nhất trên toàn thế giới, đã bị tụt hậu trong cuộc chạy đua giành nguyên liệu do thiếu quan tâm và thiếu tầm nhìn. Theo một nghiên cứu gần đây của "Ngân hàng Hoa Kỳ" lithium vẫn là tâm điểm của nhu cầu toàn cầu. Theo đó : “Khi các nhà sản xuất ô tô tung nhiều xe điện ra thị trường hơn, thì pin lithium-ion sẽ ngày càng quan trọng hơn trong tương lai”. Trong bối cảnh đó, việc cung cấp lithium sẽ vẫn rất quan trọng cho đến năm 2050. Khi bắt đầu sản xuất lithium ở Bolivia, Đức vẫn đang ở vị trí dẫn đầu cho đến vài năm trước. Bộ trưởng kinh tế lúc bấy giờ, Peter Altmaier, đã thành lập một liên doanh Đức-Bolivia cùng với Baden-Württemberg. Berlin thiếu chiến lược Nam Mỹ Nhưng sau đó tình hình Bolivia bất ổn về chính trị, biểu tình phản đối chính phủ liên tiếp nổ ra. Tổng thống khi đó là Evo Morales đã bỏ trốn. Sự kết hợp giữa bất ổn địa phương và sự chậm chạp của Đức đã làm cho cánh cửa cơ hội tiếp cận Lithium bị khép lại. Chính phủ mới của Bolivia đã tìm các đối tác mới. Kết quả là Bắc Kinh đã giành được quyền khai thác lithium ở nước này. Trong chuyến đi đầu tiên tới Nam Mỹ với tư cách là thủ tướng, ông Olaf Scholz tới các nước giầu lithium khác ở Nam Mỹ là Chile và Argentina. Ông thủ tướng phải đánh trống, gõ mõ quảng cáo cho ngành công nghiệp Đức. Cho đến nay Đức chưa tạo được bước đột phá lớn có ý nghĩa quyết định. Trong những năm gần đây, Berlin đã thiếu một chiến lược Nam Mỹ hấp dẫn, tuy nhiên, do tình hình thị trường thế giới đã thay đổi địa chính trị sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga nay Đức phải xem xét lại hoàn toàn chiến lược Nam Mỹ của mình. Lithium đóng vai trò trung tâm trong việc này. Cho đến nay người ta biết trong tam giác tam giác lithium Bolivia chiếm (23,7%), Argentina (21,5%) và Chile (11,1%). Bất ổn chính trị ở Bolivia liên tục trì hoãn việc bắt đầu sản xuất, thì Argentina và Chile đã tiến xa hơn nhiều. Hiện tại không có một công ty châu Âu nào trong số mười nhà sản xuất lithium quan trọng nhất trên thế giới, trong đó có ba tập đoàn Trung Quốc, ba Mỹ, ba Úc và một tập đoàn Chile đang hoạt động tại khu tam giác này. Trong khi các nhà lãnh đạo Đức gần như phớt lờ khu vực Mỹ Latinh giàu tài nguyên trong nhiều năm qua thì Trung Quốc lại lao vào „càn quét“ tài nguyên ở khu vực này. Năm ngoái, tập đoàn Ganfeng Lithium của Trung Quốc đã mua lại công ty Lithea của Argentina, công ty sở hữu quyền đối với hai hồ muối lithium ở Argentina, với giá 962 triệu USD. Ba tháng trước, tập đoàn Trung Quốc Tibet Summit Resources đã tiết lộ sẽ đầu tư hai tỷ euro vào hai dự án thăm dò lithium ở Argentina. Tại Chile, Trung Quốc đã nắm giữ 24% cổ phần của SQM, nhà sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới tính theo vốn hóa thị trường. Tập đoàn khai thác BYD của Trung Quốc đã được trao hợp đồng khai thác 80.000 tấn lithium trên lãnh thổ Chile vào năm 2022. Việc người Trung Quốc thành công ngay trước mũi nước Mỹ đã khiến Quốc hội Mỹ phải xem xét kỹ hơn chiến lược lithium của Trung Quốc. Các đại biểu cũng được biết rằng Ganfeng Lithium chỉ mới hoàn tất việc tiếp quản công ty Bacanora Lithium của Anh vào tháng 8 năm 2022 với giá khoảng 253 triệu đô la, hiện đang xây dựng mỏ lithium lớn nhất thế giới (8,8 triệu tấn) ở Sa mạc Sonoran của Mexico. Sự hợp tác của Trung Quốc cũng đang phát triển với Australia, nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới. Ở Đức, chính phủ liên bang đang chịu nhiều áp lực đối với giải pháp lithium. Sau khi bỏ lỡ nhiều cơ hội ký hợp đồng dài hạn ở Nam Mỹ, các chuyên gia Đức chỉ ra các tiềm năng của chính nước Đức. Hiện tại theo kịch bản lạc quan nhất, Đức có thể đáp ứng từ 5 đến 19% nhu cầu lithium cacbonat hàng năm cho việc sản xuất pin"./.  
......

Wagner không giữ được lời hứa – Nga buộc phải thay đổi chiến lược

FOCUS Nguyễn Xuân Hoài lược dịch   Theo phân tích của chuyên gia, để chuẩn bị cho cuộc tấn công ở Luhansk, quân đội Nga không muốn giữ các chiến thuật của đội quân đánh thuê Wagner. Lý do thay đổi chiến thuật là do quân Wagner thực chất không giữ được lời hứa đánh chiếm Bachmut và nhiều tháng qua hầu như dậm chân tại chỗ. Tuy lực lượng đánh thuê đã kiểm soát được thị trấn Soledar, nhưng đã phải chịu tổn thất nặng nề. Dường như quân Wagner sẽ không khuất phục nổi Bakhmut. Do đó giới lãnh đạo quân sự Nga tập trung vào các mục tiêu khác đồng thời tách khỏi sự hỗ trợ cho quân Wagner.   Quân Nga sẽ tấn công ở khu vực giữa Swatowe và Kreminna.   Do đó, cuộc tấn công này sẽ tiến qua các trung tâm hậu cần chính của các thành phố Luhansk và Starobilsk đến biên giới của khu vực hành chính, cuối cùng sẽ chinh phục các phần còn lại vẫn do Ukraine kiểm soát.   Nga hy vọng sẽ triển khai các cuộc tấn công tiếp theo vào khu vực Kharkiv từ tuyến Swatove-Kreminna và chiếm lại vị trí quan trọng ở phía bắc Donetsk. Tuy nhiên Nga khó có thể giành được phần đất đáng kể trên trục đường này.   Putin dường như đang trao quyền cho Gerasimov và tỏ ra thiếu tin tưởng ở ông chủ đội quân đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin.   Với đòn tấn công mới, về chiến lược giới lãnh đạo quân đội Nga cũng muốn tạo khoảng cách với đội quân tư nhân của Wagner. Việc bổ nhiệm Tham mưu trưởng Lục quân Valery Gerasimov làm Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Nga ở Ukraine cho thấy giới lãnh đạo quân sự đang dựa vào các lực lượng thông thường do Gerasimov đại diện và chỉ đạo. Bộ Quốc phòng Nga cũng sẽ làm như vậy. Trong khi đó nhóm Wagner lại thân với người tiền nhiệm của Gerasimov là Sergei Surovikin. Viện Nghiên cứu ISW của Mỹ kết luận, Putin dường như đang ủy quyền cho Gerasimov thực hiện các bước đi tiếp theo và tỏ ra thiếu tin tưởng vào Yevgeny Prigozhin và những người lính đánh thuê của ông ta.   Ảnh: Lính đánh thuê Wagner ở Ukraine  
......

Trung Quốc đặt trạm tên lửa cố định ở Hoàng Sa

RFA Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy một cơ sở phòng không của Trung Quốc được đặt tại quần đảo Hoàng Sa. Các nhà phân tích nhận định rằng điều này cho thấy Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã có tên lửa đất đối không sẵn sàng đặt ở mức cố định tại cả hai quần đảo đang tranh chấp với các nước láng giềng ngoài Biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc chiếm giữ và quản lý là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Trung Quốc chiếm được toàn bộ quần đảo này từ Việt Nam sau một cuộc hải chiến hồi năm 1974. Trường Sa là quần đảo đang tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Một hình ảnh vệ tinh mới được đăng trên Twitter hồi tuần này cho thấy dường như một tiểu đoàn tên lửa mới xây đã hoàn thành trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hình ảnh thuộc Maxar Technologies được cho là chụp vào tháng 4 năm ngoái cho thấy có bốn toà nhà với mái có thể tháo rời tại Phú Lâm, đảo lớn nhất tại Hoàng Sa. Một trong số các toà nhà này có mái mở bán phần cho thấy các giàn phóng tên lửa đất đối không (SAM) ở bên trong. ImageSat International - một công ty về thông tin tình báo không gian - đã phát hiện lần đầu sự xuất hiện của các giàn phóng tên lửa HQ-9 SAM trên đảo Phú Lâm hồi năm 2016. Hình ảnh vệ tinh mới mà RFA chưa thể xác định một cách độc lập cho thấy quân đội Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng một cơ sở phòng không giống như những cơ sở đã được nước này xây dựng trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã hoàn toàn quân sự hoá trước đó. Các cấu trúc tương tự với mái được tháo rời cũng được phát hiện ở Đá Subi, Vành Khăn, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, theo chuyên gia Tom Shugart thuộc Trung Tâm An ninh Mỹ mới viết trên Twitter. Các cơ sở cố định này có thể được dùng để chứa các tên lửa tầm xa giúp Trung Quốc mở rộng tầm với của mình tới các vùng đang tranh chấp.
......

Hệ quả của quyết định đưa xe tăng hạng nặng vào cuộc chiến ở Ukraine

STERN Nguyễn Xuân Hoài (Lược dịch) Cuộc đấu tranh gay go, dai giẳng về việc có nên chuyển giao xe tăng Leopard cho Ukraine hay không đã ngã ngũ. Đức sẽ cung cấp Leopard 2 cho Ukraine và cũng cấp phép cho các quốc gia khác. Sau đây là trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất về quyết định này. Đức đã bị chỉ trích mạnh mẽ về thái độ lừng khừng, do dự dối với việc chuyển giao Leopard cho Ukraine. Nay quốc gia bị Nga tấn công sẽ được tăng cường khả năng chiếm lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và đẩy lùi các cuộc tấn công. Vì sao Ukraine đòi nhanh chóng chuyển giao xe tăng con báo? Ngay từ ngày đầu tiên của cuộc chiến, Ukraine đã gây bất ngờ cho những kẻ tấn công Nga bằng khả năng quân sự của họ. Cuộc tiến công đã bị chặn lại và bị đẩy lùi trong suốt 11 tháng qua. Nhưng Nga hiện đang huy động các lực lượng thiết giáp mới cho một cuộc tấn công đại quy mô có thể khiến Ukraine chịu thương vong nặng nề hoặc mất thêm lãnh thổ. Nhiều tướng lĩnh NATO đều cho rằng sẽ diễn ra "một cuộc tấn công mùa xuân đẫm máu khủng khiếp." Cho đến nay Ukraine có xe tăng hạng nặng nào, xe tăng Leopard (con báo) tốt hơn ở điểm nào? Ukraine có hàng trăm xe chiến đấu bộ binh và xe tăng chủ lực do Liên Xô phát triển từ kho dự trữ của mình và từ các đối tác, gồm các loại xe tăng chiến đấu chủ lực cũ như T-72 hoặc T-80, cạnh đó những xe tăng chiến lợi phẩm do quân đội Nga bỏ lại, loại T-90. Các xe tăng chiến đấu của phương Tây, chủ yếu là Leopard, được cho là sẽ tăng cường khả năng tấn công của Ukraine để tái chiếm các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Những chiếc xe tăng này vượt trội so với xe tăng cũ kỹ của Nga, đặc biệt là ở các phiên bản hiện đại hơn, có thể tiêu diệt đối thủ trong "đấu tay đôi". Các chuyên gia coi Leopard là xe tăng chiến đấu tốt nhất thế giới ở thế loại này. Ukraine có thể thành lập một đơn vị bọc thép hạng nặng với xe tăng chiến đấu phương Tây tạo "mũi nhọn để có thể chọc thủng phòng tuyến của Nga theo hướng Mariupol." Nói chung, bộ binh có thể được mở đường để tiến lên với những chiếc xe tăng Leopard. Chính phủ liên bang Đức có thể chuyển giao xe tăng Leopard kịp thời cho cuộc tấn công mùa xuân đáng sợ của Nga hay không? Ở Đức, xe tăng Leopard nằm trong các xưởng và nhà kho của ngành công nghiệp và quân đội. Tập đoàn Rheinmetall hiện có khoảng 29 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4 có thể đưa vào sử dụng vào cuối tháng 3. Trong Chiến tranh Lạnh, Bundeswehr (quân đội Đức) có hơn 2100 chiếc Leopard 2 trong kho, chúng đã được bán, tặng hoặc phá hủy trong quá trình giải trừ quân bị. Năm ngoái, Bundeswehr vẫn còn 312 xe tăng Leopard 2, nhưng không có một mẫu Leopard 2A4 cũ nào do Ba Lan sắp bàn giao. Theo "Spiegel", bước đầu tiên một tiểu đoàn Ukraine sẽ được trang bị Leopard 2A6 từ kho dự trữ của Bundeswehr. Nhiều xe sẽ được sửa chữa, bảo dưỡng và giao tiếp sau đó. Còn loại xe tăng chủ lực nào khác có tầm quan trọng đối với Ukraine không? Vương quốc Anh thông báo sẽ cung cấp loại Challenger 2 cho Kiev. Chính phủ Hoa Kỳ hiện cũng đang xem xét việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams cho Ukraine. Tuy nhiên, đối với việc sử dụng các hệ thống vũ khí, sẽ thuận lợi nếu thiết bị càng đồng nhất càng tốt. Thiết bị lớn thậm chí có thể phải được đưa ra khỏi Ukraine để sửa chữa. Hãng chế tạo xe tăng KMW và Bộ Quốc phòng Đức đã thành lập một xưởng trung tâm ("trung tâm") ở khu vực biên giới giữa Slovakia và Ukraine để sửa chữa các hệ thống như Panzerhaubitze 2000 và thay thế các bộ phận bị mòn. Có bao nhiêu xe tăng Leopard? Hiện có 12 quốc gia sẵn sàng cung cấp xe tăng Leopard, như Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch. Theo Ukraine họ hiện có 100 chiếc Leopards đã có sẵn đưa vào hoạt động. Cho đến nat tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann đã chế tạo hơn 3.500 chiếc Leopard 2. Thái độ của NATO với dự án này? Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi chuyển giao nhanh chóng các loại vũ khí mới cho Ukraine. Ông này nói: "Cách duy nhất để có một nền hòa bình lâu dài là nói rõ với Putin rằng ông ấy sẽ không thể giành chiến thắng trên chiến trường." Các nhà phê bình cảnh báo về một sự leo thang chiến tranh. Tâm trạng người Đức như thế nào? Việc cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine đang gây tranh cãi trong dân chúng Đức. Gần đây nhất, đa số người Đức ủng hộ lập trường do dự của chính phủ Đức về vấn đề chuyển giao vũ khí. Nhưng có dấu hiện thay đổi lập trường. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận thì 46% tán thành chuyển giao, một tỷ lệ tương tự phản đối (43%), 11% không có ý kiến./.
......

Đức chuyển giao 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine

EuroNews   Hôm thứ Tư, 25.1.2023, Chính phủ Đức quyết định sẽ chuyễn giao cho Ukraine 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 trong cuộc chiến chống lại quân Nga xâm lược. Và chính phủ Đức cũng đồng ý cho phép các quốc gia khác tại châu Âu cung cấp xe tăng Leopard 2 đang sở hữu cho mục đích này. Với bước này, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chấm dứt thế bế tắc kéo dài một tuần khiến ngay cả những đồng minh thân cận nhất cũng phải mất kiên nhẫn. Nga phản ứng ngay lập tức. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích kế hoạch cung cấp xe tăng cho Ukraine là vô ích về mặt quân sự nhưng cực kỳ nguy hiểm về mặt chính trị. Peskov nói: "Điều quan trọng là đây rõ ràng là một sự đánh giá quá cao về tiềm năng mà việc cung cấp xe tăng sẽ bổ sung cho các lực lượng vũ trang của Ukraine. Đó là một sai lầm khác, một sai lầm khá sâu sắc. Chúng tôi đã nhắc lại rằng những chiếc xe tăng này giống như những người khác sẽ bị thiêu rụi."   Trong số 14 quốc gia châu Âu có xe tăng Leopard, ngoài Ba Lan, Phần Lan và Hà Lan cũng đã làm rõ việc sẵn sàng cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực. Tuy nhiên, Cộng hòa Séc hôm thứ Ba tuyên bố rằng họ không muốn từ bỏ xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 để ủng hộ Ukraine. Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết: “Bây giờ không thể gửi Leopards vì chúng tôi cần những chiếc xe tăng này để đảm bảo an ninh của chúng tôi”.   Ngoài ra, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ cũng chuẩn bị gửi xe tăng Abrams M1 đến Ukraine, điều mà Scholz đã đưa như một điều kiện để nhượng bộ. Ông Scholz cũng đã nhấn mạnh vào thứ Tư tuần này rằng Đức đang hành động theo cách phối hợp chặt chẽ trên phạm vi quốc tế./. Lược dịch  
......

Ba nước vớ bở từ lệnh cấm vận

Von Eduard Steiner (Welt) Nguyễn Xuân Hoài (Lược dịch)   Với cuộc tấn công xâm lược Ukraine, Nga đã mất đối tác thương mại chính là châu Âu. Ba quốc gia được hưởng lợi rất nhiều từ điều này. Các nước này ngày càng có thể áp đặt các mức giá và điều kiện đối với Điện Kremlin, và đang thu lợi từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đầu tiên phải kể đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, không chỉ hướng tới thành công trong vai trò này. Thổ nắm bắt cơ hội của cuộc chiến tranh và hậu quả của nó để trục lợi nhiều nhất có thể. Theo hãng tin Bloomberg Thổ Nhĩ Kỳ đang có các cuộc thương lượng mua khí đốt của Nga, muốn ép Nga giảm giá hơn 25% cho việc giao hàng trong năm hiện tại và một phần của năm ngoái. Mặt khác, muốn trả chậm vào năm 2024. Theo truyền thống Thổ là khách hàng khí đốt lớn thứ ba của Nga sau Đức và Ý. Thổ hiện có các lợi thế không thể tốt hơn. Do Nga hạn chế xuất khẩu sang Tây Âu, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga (45% lượng tiêu thụ trong nước). Đây là con át chủ bài của Thổ trong các cuộc đàm phán. Thổ khoe trong tương lai gần, có thể tự cung cấp cho mình từ mỏ khí đốt lớn ở Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ trở thành một trung tâm trung chuyển khí đốt lớn của Nga mà còn đóng vai trò trung gian xử lý khí đốt từ Turkmenistan giàu tài nguyên cạnh tranh với các mỏ của Nga. Ngoại thương của Nga đã rơi vào tình trạng phụ thuộc vào Thổ, đây là điều chưa từng xấy ra. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp đôi. Nga bất ngờ là đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, thay thế Đức. Nga không chỉ bị phụ thuộc vào Thổ do các lệnh trừng phạt của phương Tây, bên cạnh Thổ Nga còn bị lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc và cả Ấn độ. "Trong khi Nga và đối tác thương mại truyền thống quan trọng nhất là châu Âu luôn có sự phụ thuộc lẫn nhau, nước này hiện đang rơi vào tình trạng phụ thuộc đơn phương vào một số quốc gia", Mikhail Krutichin, đối tác của công ty tư vấn năng lượng RusEnergy có trụ sở tại Moscow, giải thích trong một cuộc phỏng vấn. Trong khi phương Tây (đặc biệt là các nước EU, mà Nga hiện mô tả là không thân thiện) chiếm khoảng 55% khối lượng ngoại thương của Nga trước chiến tranh, thì tỷ lệ này đã giảm xuống 45% trong một năm - trước khi lệnh cấm vận dầu mỏ có hiệu lực vào đầu tháng 12. Ngược lại, tỷ lệ các quốc gia được gọi là thân thiện không tham gia các biện pháp trừng phạt hoặc vẫn giữ thái độ trung lập đã tăng lên khoảng 55%. Chỉ riêng năm đối tác thương mại quan trọng nhất (Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Kazakhstan và Belarus) đã tăng thị phần của họ trong khối lượng ngoại thương của Nga từ tổng số 32,4% lên 43%. Sự xoay chuyển từ tây sang đông của Nga tương đương với một sự thay đổi kiến tạo. Và mặc dù nó đã được công bố và theo đuổi nhiều năm trước chiến tranh, nhưng tốc độ và chất lượng hiện tại của nó không phải là điều mà Điện Kremlin dự kiến. Một mặt, thị trường bán các nguồn năng lượng và nguyên liệu của Nga ở châu Âu sinh lợi hơn nhiều. Mặt khác, sự mất mát các công nghệ phương Tây do các biện pháp trừng phạt chỉ có thể được thay thế ở một mức độ khiêm tốn, nếu có. Đặc biệt Nga từng đặt nhiều kỳ vọng vào công nghệ của Trung Quốc, nhưng ngày càng nhận ra giới hạn của điều này. Trung Quốc cẩn thận để không vi phạm lệnh trừng phạt. Trung Quốc có thể giúp Nga thay thế rất nhiều thứ, nhưng họ không dẫn đầu về công nghệ như phương Tây Tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi thực tế Trung Quốc đã mở rộng đáng kể vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Chỉ trong mười tháng đầu năm trước, trao đổi hàng hóa đã đạt giá trị kỷ lục 153,9 tỷ đô la, tăng 33%. Điều quan trọng là không chỉ có thêm dầu và khí đốt chảy sang Trung Quốc, mà ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đang tăng vọt. Iikka Korhonen, người đứng đầu Viện Kinh tế Chuyển đổi tại Ngân hàng Trung ương Phần Lan, cho biết: Nếu Trung Quốc đảm nhận khoảng 1/4 hàng nhập khẩu của Nga trước chiến tranh, thì tỷ lệ này hiện phải là "hơn 1/3, có thể là 40%". Theo Korhonen, điều này có nghĩa là không có quốc gia nào phụ thuộc vào Trung Quốc về nhập khẩu như Nga, nhiều nhất là Triều Tiên. Và sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng. Thổ Nhĩ Kỳ không thể theo kịp quy mô này. Nhưng với tư cách là một nhà xuất khẩu sang Nga, Thổ đã vượt qua Đức và hiện đứng thứ ba sau Trung Quốc và Belarus. Ấn Độ là khách hàng mới của dầu mỏ Nga Ấn Độ thực sự không có gì để cung cấp và không đóng vai trò là nhà cung cấp cho Nga. Quốc gia châu Á khổng lồ này ngày càng nổi bật với tư cách là khách hàng mới của dầu mỏ Nga. Ngay sau khi chiến tranh nổ ra, Ấn Độ đã lợi dụng việc Nga phải đưa dầu của mình ra thị trường với giá thấp hơn đáng kể để tìêu thụ. Ấn Độ đã mua với một khối lượng lớn dầu mỏ của Nga. Cuối cùng đạt mức độ mua hơn một triệu thùng mỗi ngày, tương ứng với 1/10 sản lượng dầu của Nga. Nga đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh Iraq và Saudi Arabia tại thị trường Ấn Độ. Nga ngày càng phải giảm giá bán dầu cho Trung Quốc và Ấn độ . Đặc biệt kể từ khi EU áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ của Nga bằng đường biển và áp dụng trần giá vào đầu tháng 12, châu Á càng đòi giảm giá gay gắt hơn. Trung Quốc và Ấn Độ có thể quyết định về giá với Nga Trung Quốc và Ấn Độ lấy cớ tuyến đường vận chuyển dầu dài hơn, nên tốn kém hơn do đó ép Nga phải hạ giá dầu hơn nữa. Chuyên gia năng lượng Kruticin cho biết: “Trung Quốc và Ấn Độ có thể định giá cho Nga vì họ có các nhà cung cấp thay thế”. Thậm chí các doanh nghiệp Nga hiện phải cạnh tranh với nhau để giành khách hàng. Chính phủ Nga hy vọng khoản giảm giá sẽ "giảm dần theo thời gian." Tuy nhiên, vào ngày 5 tháng 2, lệnh cấm xuất khẩu của phương Tây đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga có hiệu lực, mang lại cho Trung Quốc và Ấn Độ đòn bẩy mới chống lại Moscow. Bởi vì cuối cùng, theo dự báo của các nhà phân tích, hai quốc gia cũng sẽ tận dụng hoàn cảnh khó khăn của Moscow để gây sức ép. Cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ với khí đốt./. (Lược dịch)  
......

Bắc Kinh biết rõ vì sao Putin không thể thắng trong cuộc chiến tranh này

Prof. Dr. Dr. Alexander Görlach (FOCUS)   Tập Cận Bình theo dõi xít sao quá trình xâm lược Ukraine của Putin. Ông ta đã chuẩn bị sẵn sàng. Trong trường hợp tấn công Đài Loan, không giống như Nga, Tập sẽ không để thiếu đạn dược và máy bay không người lái.   Các chiến lược gia, quan chức quân sự và giới chính trị gia trên khắp thế giới đều bận tâm với câu hỏi liệu cuộc tấn công của Bắc Kinh vào Cộng hòa Đài Loan có tương tự như cuộc tấn công của Putin vào Ukraine hay không ? Quân đội Trung Quốc có được chuẩn bị tốt hơn quân đội Nga hay không? Trong trường hợp bị tấn công, liệu Đài Loan có thể tự vệ tốt như lực lượng vũ trang Ukraine đang làm hiện nay hay không? Liệu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, không như nhà độc tài Putin, có thể thành công trong một "cuộc chiến tranh chớp nhoáng"?   Để có thể trả lời những câu hỏi này, việc nhớ lại diễn biến trong tháng 2 năm 2022 là hữu ích. Cuộc tấn công của Putin hoàn toàn không bất ngờ mà đã được chuẩn bị từ nhiều tuần trước đó. Thế giới theo dõi quân đội Nga dàn trận sát biên giới Ukraine, nghe những lời hoa mỹ của Điện Kremlin chống lại quốc gia láng giềng ngày càng gia tăng. Hồi đó, ở các thủ đô của thế giới tự do, người ta tin rằng Putin chỉ hù dọa, coi đây là một trò bịp, người ta đã tin Putin sẽ không tiến hành một cuộc tấn công thực sự. Đánh giá sai lầm này sẽ không được lặp lại trong trường hợp của Đài Loan.   Ở Bắc Kinh người ta biết vì sao Putin cho đến nay không giành được chiến thắng   Nếu Bắc Kinh thực sự nghiêm túc đe dọa chiến tranh, điều đó có nghĩa là họ phải chuẩn bị từ nhiều tuần trước đó và chắc chắn không thể che dấu hành động chuẩn bị này với các nước bên ngoài Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ chuyển nền kinh tế thời bình sang kinh tế thời chiến. Sự chuyển động của quân đội sẽ bị phát hiện qua vệ tinh. Cuộc tấn công chắc chắn sẽ không diễn ra một cách bất ngờ.   Tập Cận Bình, tổng tư lệnh quân đội (quân đội Trung Quốc chịu sự chỉ huy của Đảng Cộng sản chứ không phải nhà nước), theo dõi chặt chẽ tiến trình của cuộc xâm lược Ukraine. Hồi tháng 9, đồng minh của Tập là Putin đã phải giải trình về "những câu hỏi và mối quan tâm" của Tập về sự thất bại của cuộc xâm lược Ukraine. Bắc Kinh đã ném tất cả lên bàn cân và ủng hộ mọi hành động chiến tranh của Putin. Putin mà không giành được chiến thắng thì sẽ là một sự nhục mạ cả với Tập Cận Bình.   Bắc Kinh biết tại sao cho đến nay Putin vẫn không thể giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh này, đó là tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân và dân Ukraine, cũng như sự thống nhất của thế giới tự do, quyết đánh bại sự xâm lược của Điện Kremlin.   Tập Cận Bình sẽ không bị cạn nguồn đạn dược hoặc máy bay không người lái một khi tấn công Đài Loan   Do đó, trong 11 tháng qua Tập đã rất bận rộn gặp gỡ, bàn bạc với các nhà đồng độc tài ở Teheran và Bình Nhưỡng. Trục ác quỷ từ Moscow, qua Bắc Kinh, Bắc Triều Tiên đến Iran được củng cố, chúng trao đổi vũ khí với nhau. Bắc Kinh đang giăng bẫy để lôi kéo các chế độ chuyên chế khác như Ả Rập Saudi để thâu tóm các nước này theo mình, cho họ cơ hội, vào thời điểm quan trọng, từ bỏ liên minh với Washington và ủng hộ Trung Quốc. Nếu tấn công xâm lược Đài Loan Tập sẽ không bị thiếu đạn dược và máy bay không người lái.   Cạnh đó Bắc Kinh đang có những nỗ lực to lớn để chống lại các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra một khi Đài Loan bị tấn công. Trung Quốc sẽ vận động Ả Rập Saudi thực hiện các hợp đồng tiêu thụ dầu mỏ bằng đồng tiền của Trung Quốc thay vì đô la Mỹ. Ngay cả ở Bắc Kinh, không ai tin rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không bị tác động bởi các biện pháp trừng phạt vì nền kinh tế vốn dĩ đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng do đường lối, chính sách mang nặng ý thức hệ của Tập gây ra.   Trung Quốc sẽ chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến tranh xâm lược của mình so với Putin   Nếu lĩnh vực bất động sản, chiếm khoảng 20% năng lực kinh tế của Trung Quốc, thực sự bị sụp đổ, tăng trưởng kinh tế tiếp tục trì trệ và nhiều khoản cho vay của Bắc Kinh phục vụ một phần sáng kiến Con đường Tơ lụa Mới thành những khoản nợ xấu thì các đòn trừng phạt của thế giới tự do sẽ là những đòn chí tử đối với Trung Quốc. Tập Cận Bình hiển nhiên có sự chuẩn bị trước.   Chắc chắn Trung Quốc sẽ chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến tranh xâm lược của mình so với Putin. Nhưng cuối cùng thì sự thắng bại của một cuộc chiến tranh sẽ được quyết định trên chiến trường. Và trên thực tế, hai cuộc chiến tranh này khác nhau về cơ bản.   Ukraine là quốc gia rộng lớn nhất ở châu Âu trong khi Đài Loan chỉ là một hòn đảo nhỏ. Đổ bộ lên bờ không phải là một thế mạnh đối với hải quân Trung Quốc và có thể cuộc xâm lược đã kết thúc trước khi nó bắt đầu. Đó sẽ là sự sụp đổ của Armada trong thế kỷ 2. Nhưng Bắc Kinh có thể dễ dàng phong tỏa, cô lập hòn đảo này với phần còn lại của thế giới. Việc phong tỏa Đài Loan vào mùa hè năm 2022, sau khi chính trị gia Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc, đã báo trước điều này.   Từ tháng 2 năm 2022 giới lãnh đạo chính trị, quân và dân Ukraine, cũng như giới lãnh đạo của thế giới tự do về nhiều mặt đã hơn hẳn Moscow. Tuy nhiên, không ai được phép lơ là, chểnh mảng trên vòng nguyệt quế này. Để Đài Loan tiếp tục là một quốc gia tự do thì tất cả những người có thể sẽ tham gia vào cuộc chiến tranh này phải làm tất cả để ngay từ đầu luôn đi trước Bắc Kinh một bước./. Nguyễn Xuân Hoài lược dịch  
......

Tướng Armageddon đã hết hơi. Putin cử tay chân đắc lực nhất của mình sang Ukraine: Tổng tham mưu trưởng Gerassimow

von Gernot Kramper (Stern) Nguyễn Xuân Hoài lược dịch   Valeri Gerassimov được coi là một thiên tài quân sự của Nga, giờ đây ông ta có nhiệm vụ giành chiến thắng ở Ukraine. Chỉ có điều ông tướng này cũng là người từng lên kế hoạch tấn công chớp nhoáng, xâm lược Ukraine và đã thất bại thảm hại. Tướng Sergei Surovikin (Armageddon)   Tướng Sergei Surovikin, được biết đến với biệt danh Tướng Armageddon vì có thành tích phá hủy tan tành Aleppo vào năm 2016, đã được thay thế tướng Valery Gerassimov làm chỉ huy lực lượng Nga ở Ukraine. Gerassimov là tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga, chỉ huy lực lượng vũ trang ở Ukraine điều này đã được, Bộ Quốc phòng Nga đăng trên Telegram. Surovikin chỉ tại vị ba tháng. Điều đặc biệt của sự thay đổi chỉ huy là ở chỗ Surovikin vẫn trụ lại ở Ukraine, nhưng ông ta trở thành cấp phó của Gerassimov. Hai nhân vật là cấp phó khác là Oleg Salyukov và Alexei Kim.   Sự thất bại của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái   Sự thay thế Surovikin liên quan đến hai diễn biến. Surovikin đã tìm cách tránh các cuộc tấn công trên bộ hết sức tốn kém và đầy khó khăn, ông ta đã tìm kiếm thắng lợi thông qua tấn công trên không. Surovikin huy động vũ khí tầm xa, tức máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, mục tiêu tấn công là phá hủy hạ tầng cơ sở năng lượng điện của Ukraine. Mất điện vào mùa đông thực sự sẽ làm tê liệt sản xuất công nghiệp của Ukraine, cuộc sống của người dân ở các thành phố trong điều kiện mất điện là không thể.   Tuy nhiên Surovikin không thể đạt được mục tiêu chiến lược này. Lưới điện tuy bị hư hỏng, nhưng mất điện chỉ là tạm thời. Cho đến nay, mạng luôn có thể được sửa chữa. Hiệu quả phá hủy của các vụ tấn công riêng lẻ là thấp nếu so sánh với các trận ném bom hủy diệt hay ném bom rải thảm. Ngoài ra, hầu hết các máy bay không người lái đều bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ. Nga cũng đã thất bại trong việc làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa hệ thống phòng không của đối phương. Điều này chỉ có thể đạt được nếu qua các cuộc tấn công ồ ạt của máy bay không người lái giá rẻ Ukraine để lộ vị trí lực lượng phòng không của mình và chúng sẽ bị vũ khí công nghệ cao tiêu diệt. Trên thực tế, hệ thống phòng không của Kiev được tăng cường nhờ viện trợ các hệ thống bổ sung từ phương Tây.   Chiến lược phòng thủ của Surovikin   Điện Kremlin nghi ngờ trước "những thành công" của Surovikin. Việc lui quân của Surovikin qua đầu cầu Cherson đi ngược chủ trương của Putin, mặc dù qua đó ông ta cứu được gần 20.000 quân thoát vòng vây của kẻ thù. Tuy phải vượt qua một con sông không có cầu nhưng thương vong rất ít. Cuộc rút lui này thực sự là một kỳ tích, tuy nhiên nó lại làm cho Putin bị mất mặt. Hơn nữa, Surovikin đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Tập đoàn lính đánh thuê Wagner. Hai vùng chiến sự "nóng" trên mặt trận dài 1.000 km là khu vực xung quanh các thành phố Bakhmut và Soledar. Thực chất binh đoàn lính đánh thuê Wagner chịu gánh nặng chủ yếu trong cuộc chiến đấu tại đây. Đội quân tư nhân này thực chất có sức mạnh của một quân đoàn chính quy. Đội quân này cùng với các chiến binh Chechnya của Kadyrov là hai binh đoàn độc lập về cơ bản không chịu sự chỉ huy của quân đội Nga ở Ukraine.   Cạnh tranh với tập đoàn Wagner   Trên thực tế, quân Wagner không hoạt động đơn lẻ, lính đánh thuê được sự hỗ trợ của các đơn vị lính dù. Tuy nhiên những thành tích của binh đoàn Wagner làm cho quân chính quy Nga ở Ukraine bị tai tiếng. Cả Tập đoàn Wagner và lính của Chechnya đều có vị thế tốt hơn quân đội chính quy của Putin trong cuộc chiến ở các thành phố của Ukraine. Quân chính quy của Nga dựa trên các đơn vị cơ giới được vũ trang mạnh mẽ, sức mạnh chiến đấu dựa và xe tăng và xe bọc thép chở quân. Những vũ khí này đã bị hao mòn qua chiến đấu và là các loại vũ khí lưu kho lâu năm, không được bảo quản tốt nên bị hỏng hóc nhiều gây hỗn loạn cho các đơn vị chiến đấu của Nga. Trong khi đó lực lượng lính đánh thuê dựa trên bộ binh hạng nhẹ, quen chiến đấu trên bộ, khả năng cơ động cao và linh hoạt.   Tướng Gerassimov sẽ phải cố gắng khôi phục ưu thế của quân đội chính quy và hạ thấp vị trí của Yevgeny Prigohzin, ông chủ binh đoàn Wagner. Tuy nhiên, liệu ông này có làm được hay không vẫn đang là một câu hỏi. Với tư cách là tổng tham mưu trưởng, Gerassimov phải chịu trách nhiệm về kế hoạch xâm lược thất bại ở Ukraine. Trước đây, Gerassimov được coi là một bậc thấy, một nhà chiến lược hiểu rõ bản chất của các cuộc chiến trong tương lai hơn nhiều so với các đồng nghiệp phương Tây. Cuộc xâm lược Ukraine của ông ta hồi tháng 2 năm 2022 sẽ đi vào lịch sử như một ví dụ về một chiến dịch thất bại ê chề, thất bại do sự pha trộn giữa sự kém cỏi, sự kiêu ngạo hãnh tiến và đánh giá hoàn toàn sai về đối thủ.   Các nhiệm vụ của Gerassimov   Gerassimov có nhiều nhiệm vụ phải thực hiện. Người Nga nay đã nhận thức được rằng họ không thể quyết định cuộc chiến bằng một cuộc tấn công của máy bay không người lái. Trên bộ, ngoài những điểm nóng ở Donbass, Surovikin theo đuổi chiến lược phòng thủ. Ông ta muốn tận dụng mùa đông để củng cố các đơn vị đã bị vắt kiệt sức, bổ sung lực lượng dự bị và thiết lập các tuyến phòng thủ sâu trong quá trình này. Về cơ bản các suy nghĩ này không sai. Các cuộc tấn công được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng sẽ làm suy yếu Ukraine. Kiev chịu tổn thất đáng kể về người và thiết bị trong mùa đông. Số lượng xe tăng chiến đấu và xe bọc thép chở quân giảm sút sẽ tước đi khả năng phản công của Kyiv.   Nhưng với thông báo phương Tây sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, điều này làm cho chiến lược của Nga trở nên mong manh. Điện Kremlin lo sợ Kiev sẽ nhận được các phương tiện chiến đấu bộ binh và xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây thiết kế trong mùa đông. Binh lính Uktaine sẽ được huấn luyện sử dụng các vũ khí mới và sang xuân triển khai tấn công.   Chờ đợi không còn là một sự lựa chọn. Trong quá khứ Gerassimov từng được đánh giá là một nhà tư tưởng quân sự. Nga cần những ý tưởng mới để có thể tiếp tục tấn công bất chấp lực lượng trên mặt đất đang suy giảm. Nhưng trong thời gian qua quân đội Nga đã gặp vấn đề ở mọi cấp lãnh đạo. Sự kém cỏi và bất lực, không có khả năng kiểm soát trước những thách thức không lường trước sẽ không biến mất khi có sự thay đổi về lãnh đạo, ngay cả khi một thiên tài quân sự nắm chiếc ghế điều hành.   Những gì tưởng như một sự thay đổi quyền lực thực chất lại có rất ít thay đổi. Là chánh văn phòng và là người thân cận với Putin, Gerassimov thực chất đang ở một vị trí cao hơn. Hơn nữa Điện Kremlin hay có xu hướng can thiệp trực tiếp vào kế hoạch tác chiến. Bộ Quốc phòng Anh nhận xét rằng việc tổ chức lại sẽ không làm hài lòng "phần lớn cộng đồng blogger quân sự và các thế lực theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga, những người ngày càng đổ lỗi cho Gerassimov về cách điều hành chiến tranh kém cỏi". Việc Gerassimov phải đích thân xuất hiện trên chiến trường "là dấu hiệu cho thấy tình hình ngày càng nghiêm trọng mà Nga đang phải đối mặt và là sự thừa nhận rõ ràng rằng Nga không đạt được các mục tiêu chiến lược của mình".   Nhưng giờ đây, "cánh tay phải của Putin" đã có mặt tại hiện trường, tự mình chỉ đạo mọi hoạt động thay vì can thiệp vào công việc của người khác. Ngoài ra, Gerassimov có mối quan hệ trực tiếp với giới lãnh đạo ở Điện Kremlin. Ông ta có thể thu hút toàn bộ bộ máy quân sự của Nga bên ngoài Ukraine ở quy mô hoàn toàn khác so với một Surovikin. Vai trò quyết định trong những tháng tới sẽ do các nhà kỹ trị ngành công nghiệp vũ khí nắm giữ. Bất chấp lệnh trừng phạt, họ phải cung cấp số lượng lớn thiết bị hạng nặng cho quân đội. Chỉ khi đó, Gerassimov mới có thể bổ sung lực lượng của mình ở Ukraine. Và chỉ với trang thiết bị phù hợp, Nga mới có thể huy động thêm binh lính để giành ưu thế về quân số ở mặt trận./.  
......

Hàn Quốc : Phát triển công nghiệp quốc phòng để tự vệ ?

Xe tăng K-9 Thunder của Hàn Quốc trong cuộc tập trận tại Seungjin- Pocheon. Ảnh ngày 23/12/2010. REUTERS/Park Ji-Ho/Yonhap Thanh Hà - RFI 17 tỷ đô la hợp đồng: 2022 là một năm các tập đoàn sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự Hàn Quốc bội thu. Bí quyết nào cho phép Seoul khẳng định giấc mơ trở thành một cường quốc thế giới về công nghệ quốc phòng đang trong tầm tay? Các loại vũ khí hiện đại nhất của Hàn Quốc sẽ mang lại những hệ quả nào đối với an ninh khu vực?  RFI tiếng Việt mời Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Bắc Á thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp - FRS trả lời các câu hỏi trên và phân tích về chiến lược công nghiệp của Seoul trong lĩnh vực quốc phòng : những yếu tố nào cho phép Hàn Quốc trong 20 năm trở thành một trong 10 nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới ?  Chất lượng cao, giá cả phải chăng và khả năng cung ứng nhanh Tháng 7 rồi tháng 9/2022, Seoul liên tiếp thông báo những «hợp đồng thế kỷ» ký kết với Vacxava. Ba Lan mua vào hệ thống pháo tự hành K-9 Thunder - Thần Sấm, nòng súng 155 ly, 180 xe tăng K2PL Black Penther - Báo Đen, chiến đấu cơ FA-50 để thay thế đội ngũ máy bay tiêm kích MiG-29 và may bay tấn công Su-22 cả hai cùng do Liên Xô chế tạo. Tổng trị giá hợp đồng mua bán vũ khí và trang thiết bị quân sự với Hàn Quốc lên tới 15 tỷ đô la. Ngoài Ba Lan, từ Rumani đến Ai Cập, từ các nước trong vùng Baltic đến Ả Rập Xê Út đã thuộc lòng tên tuổi các tập đoàn Hàn Quốc như Hyundai Rotem, Samung, Daewo và nhất là Hanwha. Slovakia, Na Uy, Estonia thúc đẩy đàm phán với Hàn Quốc trong lĩnh vực «nhạy cảm» này.   Sau khi Vacxava và Seoul chính thức thông báo hợp đồng trang bị 48 chiến đấu cơ FA-50 và lô hàng đầu tiên được giao cho Ba Lan ngay trong nửa đầu năm 2023, Malaysia vội vã liên lạc với đại tập đoàn KAI và cũng có kế hoạch trang bị loại chiến đấu cơ hiện đại này cho Không Quân. Antoine Bondaz, trong cuộc phỏng vấn dành cho RFI Việt Ngữ, nhắc lại  một số chìa khóa cho phép nền công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc «cất cánh rất mạnh» trong một vài thập niên để giờ đây thu về những hợp đồng hàng tỷ, hàng chục tỷ đô la như trong trường hợp với Ba Lan hồi mùa hè vừa qua : Antoine Bondaz: «Các thương vụ đó đã có thể thực hiện nhờ Hàn Quốc có nền tảng công nghiệp và kỹ thuật rất vững vàng về mặt cộng nghệ quốc phòng. Trong thời gian từ 20 đến 30 năm, Hàn Quốc đã nhanh chóng trở thành một nhà cung cấp cho thế giới và là một đối tác đáng tin cậy. Công nghệ quốc phòng của Hàn Quốc rất hiệu quả và hiện đại. Ban đầu là để phục vụ nhu cầu của quân đội quốc gia và từng bước Seoul xuất khẩu trang thiết bị quân sự, vũ khí cho một số các nước khác. Đấy có thể là một thành viên trong NATO, một đồng minh của Mỹ như là Úc chẳng hạn hay đơn giản là một quốc gia đang phát triển như trong trường hợp của Indonesia». Nhà máy của tập đoàn Hanwha tại tỉnh Changwon chỉ cần từ ba đến năm ngày là có thể sản xuất xong một khẩu pháo tự hành K-9 và nhịp độ này chỉ bằng «một phần năm so với các hãng của Đức». Điều đó giải thích vì sao Ba Lan đã chọn giải pháp Hàn Quốc thay vì hướng về hai đối tác truyền thống là Mỹ hoặc Đức. Antoine Bondaz giải thích rõ hơn: Các nhà sản xuất Hàn Quốc xuất khẩu những sản phẩm đã có sẵn và thậm chí là đang được tích trữ trong kho để sẵn sàng đối phó trong trường hợp bị tấn công. Đây là bí quyết thứ nhì cho phép tổng thống Yoon Seok Yeol khẳng định tham vọng đưa Hàn Quốc «trở thành nền công nghiệp quốc phòng thứ tư toàn cầu» trước khi mãn nhiệm kỳ. Antoine Bondaz: «Hàn Quốc có khả năng trong vỏn vẹn vài tháng hay một hai năm, giao hàng với một khối lượng lớn về đạn pháo… Một quốc gia như Đức chẳng hạn không thể làm được việc này. Để sản xuất nhiều và xuất khẩu nhanh nhất cho khác hàng, Đức chịu thua. Thực ra, Hàn Quốc giao hàng cho Ba Lan theo hai giai đoạn. Đầu tiên, Seoul cung cấp cho Vacxava những công cụ đang được chính quân đội Hàn Quốc sử dụng. Đó là những mặt hàng đã có sẵn hay rất dể để sản xuất và sản xuất nhiều, bởi đã được phát triển từ lâu nay nhằm phục vụ trong quân đội Hàn Quốc. Ở giai đoạn hai, các đại tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục theo sát để đáp ứng nhu cầu mà bên quân đội Ba Lan đòi hỏi. Điểm mạnh không thể chối cãi của Hàn Quốc là khả năng đáp ứng rất nhanh». Ngày 06/12/2022 tổng thống Ba Lan Andreij Duda dưới trời mưa tầm tã, đã đích thân ra tận bến cảng Gdynia miền bắc Ba Lan hướng ra biển Baltic, để nhận lô hàng đầu tiên nhà sản xuất Hanwha của Hàn Quốc gửi đến. Lô đầu tiên đó gồm chiến xa K2PL và pháo tự hành K-9. Lãnh đạo Ba Lan nhấn mạnh: «Giao hàng nhanh mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh cảnh chiến tranh Ukraina hiện nay». Nhiều nước tại châu Âu cần nhanh chóng tăng cường khả năng phòng vệ đồng thời «lắp đầy lại » kho trang thiết bị quân sự đã vơi hẳn sau nhiều đợt cung cấp cho Ukraina từ đầu 2022 tới nay. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Bondaz, chiến tranh Ukraina do Nga tiến hành không giải thích được tất cả: Antoine Bondaz: «Đương nhiên bối cảnh chiến tranh Ukraina quan trọng, nhưng điều này chưa đủ để giải thích vì sao xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc tăng mạnh và các tập đoàn nước này được quốc tế đặc biệt quan tâm. Từ trước chiến tranh Ukraina, Hàn Quốc đã ký nhiều hợp đồng quan trọng với lục quân Úc. Nhưng đúng là do tình hình chiến sự tại châu Âu, nhiều hợp đồng mua bán trang thiết bị quân sự với Hàn Quốc đã nhanh chóng được đúc kết. Theo tôi, sở dĩ nhiều quốc gia chọn Hàn Quốc nhờ ngành công nghệ quốc phòng xứ này có tính hiệu quả cao. Đây là thành tựu từ một quá trình dài hơi, một số đại tập đoàn như Hanwha hay Daewoo tập trung kiểm soát nhiều lĩnh vực khác nhau và đây chính là một lợi thế của ngành công nghiệp và công nghệ quốc phòng chỉ Hàn Quốc mới có». Đòn bẩy cho thương mại và tăng trưởng kinh tế Năm 2016 Hàn Quốc chỉ nắm giữ 1% thị phần quốc tế. Năm 2021, với hơn 7 tỷ đô la tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí, các tập đoàn Hàn Quốc nâng tỷ lệ đó lên thành 2,8%. Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp FRS lưu ý: trong chưa đầy 2 thập niên, Hàn Quốc trở thành một trong những nguồn xuất khẩu vũ khí có trọng lượng trên thế giới, dù vẫn chưa chen chân được vào «câu lạc bộ 5 thành viên» hàng đầu mà ở đó Mỹ, Nga đã liên tục thống lĩnh từ nhiều thập niên qua. Seoul có một lợi thế mà các đối thủ của Hàn Quốc - đặc biệt là Nga và châu Âu đang rất lo ngại. Hàn Quốc một trong hai cột trụ của thế giới về công nghệ bán dẫn và là nơi có các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tối tân. Antoine Bondaz: «Giờ đây ngành công nghệ quốc phòng chiếm một vị chí then chốt trong các hoạt động xuất khẩu, tạo ra thặng dư về mậu dịch và qua đó tạo dà cho tăng trưởng. Điều này lại càng được củng cố thêm khi biết rằng Hàn Quốc có ba lợi thế : họ có thể sản xuất nhanh, nhiều và hàng có chất lượng cao với những phát minh mới. Đừng quên rằng Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiên tiến nhất về công nghệ điện tử và linh kiện bán dẫn với những tên tuổi như Samsung hay LG… Chắc chắn những linh kiện đó được dành để phục vụ ngành công ghiệp quốc phòng». Vũ khí của Hàn Quốc và an ninh khu vực Câu hỏi kế tiếp là đà vươn lên của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc và vũ khí hiện đại của quốc gia Đông Bắc Á này có làm thay đổi tương quan về mặt an ninh trong khu vực hay không, đặc biệt là đối với Bắc Triều Tiên hay không.  Antoine Bondaz: «Việc xuất khẩu vũ khí sẽ mở ra nhiều chương trình hợp tác về an ninh, về quân sự với các quốc gia mua vào vũ khí của Hàn Quốc. Hiển nhiên là Seoul sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế. Đây chính là điều mà chính quyền đương nhiệm của tổng thống Yoon Suk Yeol xem là một ưu tiên với tiêu chí đưa Hàn Quốc thành một - GPS : Global Pivot State của thế giới (...) Xuất khẩu vũ khí nhiều hơn cho phép các nhà sản xuất Hàn Quốc tăng khối lượng sản xuất, qua đó hạ thấp giá thành của mỗi một đơn vị được ra lò. Điều đó càng làng nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc nhưng không ảnh hưởng gì đến tương quan lực lượng về quân sự với Bắc Triều Tiên. Bởi ai cũng biết là Hàn Quốc có phương tiện hiện đại và có những trang thiết bị tối tân hơn, đa dạng hơn… so với quốc gia phương bắc. Các nhà sản xuất của Hàn Quốc càng giàu có hơn, thì cách biệt với Bắc Triều Tiên càng lớn». Về mặt chính thức, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn chưa đặt bút ký thỏa thuận đình chiến. Quân đội hai bên đều liên tục lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, đôi bên cùng «hiện đại hóa» khả năng phòng thủ. Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI thẩm định, năm 2020 Hàn Quốc dành 2,8% GDP cho ngân sách quốc phòng, cao hơn nhiều so với ngưỡng 2% như Hoa Kỳ đòi hỏi ở các đồng minh.   Một cựu sĩ quan trong quân đội Hàn Quốc được báo Le Monde (15/12/2022) trích dẫn giải thích: «mối đe dọa xuất phát từ Bắc Triều Tiên là động lực» thúc đẩy Hàn Quốc phải «có vũ khí với chất lượng cao». Chơi với Mỹ, học hỏi nhiều của Mỹ nhưng vẫn độc lập Một nét đặc thù khác trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng của Seoul: Là đồng minh của Washington, Hàn Quốc luôn trung thành với các loại thiết bị quân sự và vũ khí của Mỹ, nhưng điều đó không cấm cản các đời tổng thống liên tiếp tại Seoul luôn theo đuổi mục tiêu vẫn phải «tự lập về mặt chiến lược». Từ thập niên 1970, tổng thống Park Chung Hee đã coi «việc tự chủ về mặt phòng thủ quốc gia» là một ưu tiên. Một trong những dự án đầu tiên của cơ quan đặc trách về hồ sơ này là chương trình phát triển tên lửa địa đối địa Baekgom hay súng trường K2 do tập đoàn Daewoo sản xuất rất giống với loại M-16 của Mỹ. Thành phố Changwon ở phía tây nam Hàn Quốc nay đã trở thành «nhà kho» để phục vụ cho bên bộ binh. Tổng thống Lee Myung Bak (2008-2013) cuối những năm 2000 đã đề ra mục tiêu: 10 tỷ đô la kim ngạch xuất khẩu vũ khí. Giờ đây đến lượt tổng thống Yoon Seok Yeol xem lĩnh vực này là « một trong những đầu máy tăng trưởng » của Hàn Quốc. Trong một phát biểu gần đây ông khẳng định sẽ «cùng với Hoa Kỳ, Nga và Pháp» đưa xuất khẩu vũ khí lên thành «một trong những đầu máy tăng trưởng kinh tế». Seoul hàm ý Hàn Quốc phải qua mặt được cả Trung Quốc hiện đang kiểm soát 4,5% thị trường quốc tế./.  
......

Prigozhin kể về "thành phố ngầm" ở Bakhmut

Der Spiegel "Lớp kem phủ trên cái bánh ga tô thực sự là một hệ thống mìn": Trong nhiều tháng, Nga đã cố gắng đánh chiếm Bakhmut ở miền đông Ukraine. Người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner nay tung ra một lý do bất thường cho cuộc tấn công này. Người sáng lập nhóm lính đánh thuê Nga Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã biện minh cho quyết tâm nhằm chiếm thị trấn nhỏ Bakhmut của Ukraine. Nơi này có hệ thống đường hầm khổng lồ nơi quân đội và xe tăng có thể trú ẩn. Thực chất đây là một mạng lưới các đường phố ngầm,” hôm thứ bảy Prigozhin đã tiết lộ với hãng thông tấn Reuters qua Telegram. "Hệ thống đường ngầm này có thể chứa một nhóm người đông đảo ở độ sâu từ 80 đến 100 mét, ngay cả xe tăng và xe bọc thép chở quân cũng có thể di chuyển ở trong đó." Các đường hầm này đã được sử dụng để cất dấu vũ khí ngay từ thế chiến thứ nhất. Bachmut là một trung tâm hậu cần quan trọng. Nơi này là vị trí phòng thủ hết sức độc đáo. Quân đội Nga và nhóm Wagner đã cố gắng đánh chiếm Bakhmut ở miền đông Ukraine trong 5 tháng liền. Các chuyên gia quân sự phương Tây thực sự ngạc nhiên trước thương vong nặng nề của Nga và khả năng chống cự quyết liệt của các lực lượng vũ trang Ukraine. Họ có thể rút về các vị trí phòng thủ mới gần đó nếu Nga giành được thắng lợi. Vì vậy, đây thực chất là một chiến thắng với tổn thất vô cùng nặng nề. Theo Reuters, các nguồn tin của Mỹ hôm thứ năm tiết lộ Prigozhin muốn nắm quyền kiểm soát các mỏ muối và thạch cao ở đây vì lý do thương mại. Có dấu hiệu cho thấy động cơ tài chính là nguyên nhân chính thúc đẩy Nga và Prigozhin quyết tâm đánh chiếm Bakhmut. Phía Nga gọi Bakhmut là Artjomowsk. Được biết, hệ thống đường hầm này dài 160 km thuộc một doanh nghiệp mỏ. Trong thời bình, đã có các buổi hòa nhạc và trận đấu bóng đá được tổ chức trong một hội trường lớn dưới lòng đất. Ảnh: Jewgeni Prigoschin người sáng lập nhóm Wagner : “ngay cả xe tăng hay thiết giáp cũng có thể hoạt động trong hệ thống đường hầm“./. Nguyễn Xuân Hoài lược dịch   Nguồn: https://www.spiegel.de/.../jewgeni-prigoschin-wagner-chef...    
......

Prigozhin kể về "thành phố ngầm" ở Bakhmut

Der Spiegel "Lớp kem phủ trên cái bánh ga tô thực sự là một hệ thống mìn": Trong nhiều tháng, Nga đã cố gắng đánh chiếm Bakhmut ở miền đông Ukraine. Người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner nay tung ra một lý do bất thường cho cuộc tấn công này. Người sáng lập nhóm lính đánh thuê Nga Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã biện minh cho quyết tâm nhằm chiếm thị trấn nhỏ Bakhmut của Ukraine. Nơi này có hệ thống đường hầm khổng lồ nơi quân đội và xe tăng có thể trú ẩn. Thực chất đây là một mạng lưới các đường phố ngầm,” hôm thứ bảy Prigozhin đã tiết lộ với hãng thông tấn Reuters qua Telegram. "Hệ thống đường ngầm này có thể chứa một nhóm người đông đảo ở độ sâu từ 80 đến 100 mét, ngay cả xe tăng và xe bọc thép chở quân cũng có thể di chuyển ở trong đó." Các đường hầm này đã được sử dụng để cất dấu vũ khí ngay từ thế chiến thứ nhất. Bachmut là một trung tâm hậu cần quan trọng. Nơi này là vị trí phòng thủ hết sức độc đáo. Quân đội Nga và nhóm Wagner đã cố gắng đánh chiếm Bakhmut ở miền đông Ukraine trong 5 tháng liền. Các chuyên gia quân sự phương Tây thực sự ngạc nhiên trước thương vong nặng nề của Nga và khả năng chống cự quyết liệt của các lực lượng vũ trang Ukraine. Họ có thể rút về các vị trí phòng thủ mới gần đó nếu Nga giành được thắng lợi. Vì vậy, đây thực chất là một chiến thắng với tổn thất vô cùng nặng nề. Theo Reuters, các nguồn tin của Mỹ hôm thứ năm tiết lộ Prigozhin muốn nắm quyền kiểm soát các mỏ muối và thạch cao ở đây vì lý do thương mại. Có dấu hiệu cho thấy động cơ tài chính là nguyên nhân chính thúc đẩy Nga và Prigozhin quyết tâm đánh chiếm Bakhmut. Phía Nga gọi Bakhmut là Artjomowsk. Được biết, hệ thống đường hầm này dài 160 km thuộc một doanh nghiệp mỏ. Trong thời bình, đã có các buổi hòa nhạc và trận đấu bóng đá được tổ chức trong một hội trường lớn dưới lòng đất. Ảnh: Jewgeni Prigoschin người sáng lập nhóm Wagner : “ngay cả xe tăng hay thiết giáp cũng có thể hoạt động trong hệ thống đường hầm“./. Nguyễn Xuân Hoài lược dịch   Nguồn: https://www.spiegel.de/.../jewgeni-prigoschin-wagner-chef...    
......

Mỹ và Đức cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm thứ Năm trong một tuyên bố chung rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp xe chiến đấu bộ binh Bradley trong khi Đức gửi xe Marder tới Ukraine, thể hiện sự gia tăng năng lực của binh lính Ukraine và sự thay đổi tư duy của các nhà lãnh đạo phương Tây. Hoa Kỳ đang gửi khoảng 50 chiếc Bradley do BAE Systems Plc chế tạo, như Reuters đã đưa tin trước đó. Đức sẽ gửi 40 chiếc Marder của mình, theo một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng. Điều này có ý nghĩa gì đối với năm 2023? Những quyết định này sẽ có một số tác động đến chiến lược và sự chuẩn bị cho khả năng chiến đấu của các lực lượng Ukraine trong năm 2023. Theo nhà chiến lược Mick Ryan, một thiếu tướng đã nghỉ hưu từ Quân đội Úc, những xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ và Marder của Đức này sẽ mang lại sự gia tăng rõ ràng về chất lượng cho Ukraine. Đây là những phương tiện chiến đấu bộ binh hàng đầu, được thiết kế để chiến đấu trong một đội vũ trang liên hợp cơ giới, chống lại lực lượng Liên Xô và Nga. Xe chiến đấu Bradley và Marder không chỉ được bọc thép và trang bị vũ khí tốt, chúng còn có hệ thống quang học và thông tin liên lạc kỹ thuật số rất tốt, và đó là điều cần thiết cho sự tích hợp hiệu quả của các đội vũ trang kết hợp. Lợi thế về chất lượng này sẽ rất quan trọng trong các trận chiến sắp tới. Ukraine, đang thể hiện khả năng chiến thắng và tinh thần vượt trội, sẽ cần mọi lợi thế có thể trong các cuộc tấn công để đẩy Nga ra khỏi các vị trí phòng thủ. Các lực lượng Ukraine cần được hỗ trợ để chuyển đổi sang các phương tiện và quy trình hậu cần tiêu chuẩn của NATO, và đây có thể là một bước tiến gần hơn đến việc phương Tây cung cấp xe tăng. Mặc dù Ukraine có nhiều xe tăng thời Liên Xô nhưng những chiếc này đã cũ, thiếu đạn và kém hiệu quả hơn so với các xe tăng như M1 của Mỹ hoặc Leopard của Đức. Việc cung cấp những xe bọc thép Bradley va Marder là một tuyên bố về niềm tin của Hoa Kỳ và châu Âu vào Ukraine. Các quốc gia phương Tây giờ đây dường như tin rằng Ukraine có thể chiến thắng trong cuộc chiến này. Điều này có thể dẫn đến một loạt các nỗ lực hỗ trợ khác trong những tuần và tháng tới. Đây cũng là một tín hiệu cảnh báo đối với Putin khi ông ta ngỡ rằng kéo dài cuộc chiến ở Ukraine sẽ khiến châu Âu mất kiên nhẫn. Tuyên bố chung của Mỹ và Đức cho thấy rằng phương Tây không chỉ giữ nguyên quan điểm với Ukraine mà còn liên tục cung cấp ngày càng nhiều thiết bị và vũ khí tốt hơn. Chưa hết, Pháp cho biết hôm thứ Năm sẽ đàm phán với Ukraine về việc cung cấp các phương tiện chiến đấu bọc thép có thể tiêu diệt xe tăng. Lần đầu tiên trong cuộc chiến kéo dài gần 11 tháng, Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga tuân thủ lệnh ngừng bắn đơn phương kéo dài 36 giờ ở Ukraine vào cuối tuần này nhân dịp lễ Giáng sinh của Chính thống giáo. Nhìn chung, việc cung cấp cho Ukraine các phương tiện chiến đấu bộ binh của Mỹ và Đức là một bước phát triển rất tích cực, theo ông Ryan. Nó sẽ tăng cường lợi thế và sức mạnh chiến đấu của Ukraine trong năm 2023./. Người Đà Lạt Xưa
......

Chiếc Boeing 747 cuối cùng xuất xưởng

Nguyễn Xuân Hoài Không biết khi đặt mua hãng hàng không có nghĩ rằng sẽ có một cuộc giao hàng có ý nghĩa lịch sử? Vài tuần nữa, hãng Atlas Air Worldwide sẽ nhận được một chiếc Boeing 747 mới. Đây là mẫu máy bay phản lực khổng lồ được chế tạo lần cuối cùng. Loại máy bay này ra đời đã được hơn 50 năm, nay đã đến lúc kết thúc. Chiếc máy bay cuối cùng thuộc loại 747 đã rời nhà máy Boeing ở Everett gần Seattle vào tối thứ ba. Điều này đánh dấu sự kết thúc của dòng máy bay cổ điển từng được tôn vinh là "Nữ hoàng bầu trời". Chiếc máy bay này sẽ hoàn thành các chuyến bay thử nghiệm cuối cùng, sau đó được sơn lại trước khi bàn giao cho Atlas Air Worldwide vào đầu năm sau. Năm 2020 Boeing đã tuyên bố sẽ kết thúc sản xuất 747trong năm tới. Điều này không gây ngạc nhiên, tập đoàn từ lâu đã cân nhắc việc loại bỏ jumbo ra khỏi chương trình do không có nhu cầu. Chiếc máy bay phản lực chở khách từng thuộc diện lớn nhất thế giới đã có chuyến xuất hành đầu tiên vào năm 1969, khoảng một năm sau, mẫu đầu tiên đã đi vào hoạt động theo lịch trình của hãng hàng không Pan Am của Hoa Kỳ. Với biến thể mới nhất 747-8, có tầng trên dài hơn, cánh mới, động cơ tiết kiệm hơn và có thể vận chuyển hơn 600 hành khách, tuy nhiên ngày nay Boeing chỉ có thể ghi điểm với một số hãng hàng không. Hầu hết các hãng hàng không đường dài khác hiện sử dụng các mẫu máy bay không quá lớn như Boeing 787 »Dreamliner« và 777 và Airbus A350. Giám đốc Boeing Kim Smith đã mô tả chuyến giao hàng cuối cùng của chiếc máy bay khổng lồ huyền thoại trên đài truyền hình Mỹ CNBC là "rất kỳ cục". "Lần đầu tiên sau hơn 50 năm, chúng tôi không còn có một chiếc 747 nào trong nhà máy nữa." Boeing đã cho ra lò tổng cộng 1.574 loại máy bay khổng lồ này. Tất nhiên, loại máy bay này sẽ không biến mất khỏi bầu trời khi ngừng sản xuất, nhưng 747 sẽ càng ngày càng hiếm thấy trên bầu trời. Các hãng hàng không lớn của Mỹ như United và Delta đã loại bỏ những chiếc máy này khỏi đội máy bay của họ cách đây nhiều năm. Đại dịch corona làm tê liệt giao thông hàng không quốc tế vào năm 2020, hãng Qantas và British Airways cũng cho loại máy bay này ngừng hoạt động. Một trong những khách hàng quan trọng nhất của 747 là hãng hàng không Lufthansa. Hãng này đã nhận được 19 trong số 47 phiên bản chở khách mới nhất, 747-8. Nhà sản xuất Mỹ bàn giao chiếc máy bay cuối cùng cho Lufthansa vào tháng 12/2015. Hãng hàng không Đức cũng có một số chiếc Boeing 747-400 cũ hơn trong đội bay của mình. Đối với Boeing, jumbo không còn quan trọng nữa. Cuối cùng, nó thực tế chỉ được chế tạo như một chiếc máy bay vận tải hàng hóa, ngoại trừ một phiên bản đặc biệt là máy bay phản lực của chính phủ Hoa Kỳ »Air Force One«./.  
......

Giải mã vụ drone Ukraina tấn công căn cứ không quân sâu trong lãnh thổ Nga

Lính Ukraina theo dõi một drone từ một trung tâm chỉ huy dưới lòng đất tại Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraina, 25/12/2022. AP - Libkos Trọng Nghĩa - RFI Điện Kremlin ngày 26/12/2022 tố cáo Ukraina đã dùng drone tấn công một căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga, khiến 3 quân nhân thiệt mạng. Dù Kiev không chính thức nhận mình là tác giả, nhưng theo giới phân tích, chính Ukraina đã tiến hành chiến dịch này, với mục tiêu gây khó khăn cho những vụ oanh kích của Nga vào mạng lưới năng lượng của Ukraina.  Về cuộc tấn công hôm qua, quân đội Nga, trong một tuyên bố được hãng thông tấn TASS trích dẫn, cho biết họ đã bắn hạ một máy bay không người lái của Ukraina áp sát căn cứ không quân Engels, gần thành phố Saratov, cách biên giới Ukraina khoảng 500 cây số. Theo nguồn tin trên, đã có 3 người lính thiệt mạng vì mảnh vỡ chiếc drone bị phá hủy, nhưng hoàn toàn không có chiếc phi cơ nào bị hư hại, những khẳng định không thể được xác nhận.   Đây không phải là vụ tấn công đầu tiên vào Engels, căn cứ của một số máy bay ném bom chiến lược có khả năng hạt nhân của Nga, từng được sử dụng để bắn tên lửa hành trình vào Ukraina. Ngày 05/12 vừa qua, Engels đã là một trong hai căn cứ không quân bị máy bay không người lái được cho là của Ukraina chọn làm mục tiêu.  Căn cứ tại Nga bị tấn công, chiến dịch oanh kích Ukraina gặp trở ngại Theo nhật báo Mỹ The New York Times, cho đến nay, các cuộc tấn công vào các sân bay sâu trong lãnh thổ Nga chưa gây thiệt hại lớn, nhưng đã buộc Matxcơva phải di chuyển đội máy bay của họ, qua đó cản trở chiến dịch dùng tên lửa hành trình tấn công mạng lưới năng lượng của Ukraina.  Mặt khác, do việc một số tên lửa hành trình được phóng đi từ các oanh tạc cơ cất cánh từ các sân bay bị đánh phá, các vụ tấn công của Ukraina có khả năng phá hủy các tên lửa còn nằm dưới đất tại các sân bay của Nga trước khi chúng có thể được triển khai.  Cho đến nay, chính quyền Ukraina không hề chính thức lên tiếng thừa nhận mình là tác giả các vụ tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga, nhưng một cách bán chính thức, nhiều quan chức trong chính phủ hay quân đội đã gián tiếp xác nhận các vụ việc.  Ukraina gián tiếp xác nhận các vụ tấn công Theo ghi nhận của The New York Times, sau khi Nga xác nhận vụ căn cứ không quân Engels lại bị drone đánh phá vào hôm qua, trên truyền hình Ukraina, đại tá Yuriy Ihnat, phát ngôn viên của Không Quân Ukraina, đã không ngần ngại cho rằng vụ nổ tại căn cứ không quân Engels là “hậu quả của những gì Nga đang làm” ở Ukraina.  Theo nhân vật này: “Nếu người Nga nghĩ rằng không có ai ở tại Nga bị chiến tranh ảnh hưởng, thì họ đã lầm to. Vụ nổ đầu tiên tại căn cứ không quân Engels trong tháng này đã buộc Không Quân Nga phải di chuyển các máy bay của họ đi nơi khác.”  Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng, sau hai vụ tấn công đầu tiên vào căn cứ Engels cùng với môt căn cứ khác ở miền trung nước Nga, ông Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, hiện là cố vấn cho tổng thống Volodomyr Zelensky, đã khẳng định: “Nếu ai đó tấn công bạn, bạn sẽ đánh trả”. Vị cựu bộ trưởng này đã thận trọng nói rõ là ông không phát biểu thay mặt chính phủ và không thể xác nhận các cuộc tấn công.  Ngoài ra, mặc dù các quan chức Ukraina không công khai xác nhận các cuộc tấn công của Ukraina vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, nhưng họ công khai hoan nghênh các cuộc tấn công và thảo luận về cách chúng mang lại lợi ích cho Ukraina về mặt quân sự.  Serhiy Hrabskiy, một đại tá đã nghỉ hưu và là nhà bình luận quân sự cho các phương tiện truyền thông Ukraina, đã ca ngợi việc quân đội Ukraina không ngần ngại tấn công các sân bay, kho nhiên liệu và đạn dược trên đất Nga, mà theo ông là mục tiêu quân sự chính đáng. Đối với chuyên gia này, các vụ tấn công vào những vị trí ở Crimée và các cuộc đấu pháo ở vùng biên giới với Nga đã trở thành thông lệ khi chiến tranh bắt đầu xích lại gần bán đảo Nga bị chiếm đóng hơn. Điểm đáng chú ý là Nga hầu như không có phản ứng gì. Lý do là vì “Nga không còn khả năng phản ứng mạnh nữa”.  Kiev bớt lo bị Nga trả đũa Đối với New York Times, cuộc tấn công thứ ba sâu trong lãnh thổ Nga trong không đầy một tháng phản ánh đánh giá của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Ukraina, theo đó có rất ít nguy cơ Matxcơva leo thang chiến tranh để trả đũa, bất chấp những lời đe dọa về hậu quả thảm khốc đối với các cuộc tấn công chống lại Nga.   Trong những tháng sau khi Nga xâm lược vào ngày 24/02, các đồng minh của Ukraina đã lên tiếng lo ngại về nguy cơ các cuộc tấn công vào đất Nga có thể kéo theo tình trạng leo thang trả đũa, điều mà điện Kremlin và các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát tại Nga đã nhiều lần đe dọa.  Chính vì thế mà Hoa Kỳ và các nước khác vẫn từ chối cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraina và yêu cầu Kiev không dùng vũ khí phương Tây chi viện để bắn vào Nga.  Tuy nhiên, ngay tại Ukraina, những lo ngại leo thang đã giảm bớt, và trong thời gian gần đây, Ukraina đã nhiều lần tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Crimée cũng như ở các vùng lãnh thổ khác bị Nga chiếm đóng và tuyên bố là của mình. Hai ví dụ điển hình là vụ phá hoại cây cầu bắc ngang qua eo biển Kerch nối Crimée với Nga, hay các vụ tấn công vào tổng hành dinh Hạm Đội Hắc Hải. Và bây giờ Ukraina được cho là đang đẩy mạnh các cuộc tấn công vào chính nước Nga.  Kho tên lửa Nga đã cạn kiệt? Trong một cuộc phỏng vấn, nhà bình luận Serhiy Hrabskiy ghi nhận: “Có rất nhiều lằn ranh đỏ được Nga tuyên bố liên quan đến việc leo thang hơn nữa”. Nhưng bất chấp những cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng đó, Nga vẫn “không có phản ứng nào” vì không còn phương tiện trả đũa.  Theo The New York Times, công luận Ukraina hiện nay cho rằng ngoại trừ việc dùng đến vũ khí hạt nhân, Nga không thể làm gì nhiều hơn đối với Ukraina so với những gì mà họ đã làm, trong bối cảnh kho tên lửa quy ước của Nga đang cạn dần.   Trong một bài phỏng vấn được một trang thông tin Ukraina công bố vào hôm qua, ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự của Ukraina, ghi nhận tình trạng cạn kiệt tên lửa đạn đạo chiến thuật và hành trình của Nga.   Theo nhân vật này, sau nhiều lần tấn công vào các cơ sở điện lực, trạm biến áp và các cơ sở hạ tầng khác trong suốt mùa thu và đầu mùa đông, Nga chỉ còn đủ tên lửa cho hai hoặc ba đợt tấn công nữa vào màng lưới điện của Ukraina.  Nga đã bắn các đợt từ 70 đến 75 tên lửa trong khoảng thời gian khoảng một tuần, nhưng khoảng cách giữa các cuộc tấn công ngày càng dài, và số tên lửa mà Nga có thể sử dụng “sẽ cạn kiệt”.  Theo ông Budanov, loại tên lửa tinh vi nhất trong kho vũ khí của Nga, Kinjal, một loại tên lửa siêu thanh có thể tiếp cận mục tiêu trong vài phút và gần như không thể bị bắn hạ, thậm chí còn không có bao nhiêu. Nga bắt đầu cuộc xâm lược với 47 tên lửa Kinjal trong kho vũ khí của mình và chỉ sản xuất thêm được “một số ít” trong chiến tranh.  Nhân vật này khẳng định: “Bạn có thể khiến cả thế giới sợ hãi với việc bạn có một Kinjal. Nhưng khi bạn bắt đầu thực sự sử dụng chúng, sau đó bạn còn gì”.   
......

Dân biểu Mỹ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh

VOA Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Ro Khanna vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh. Dân biểu Khanna viết trên Twitter: “Bà Hạnh đã bị nhắm mục tiêu vì bà trợ giúp các tù nhân lương tâm Việt Nam đang bị giam giữ bất công”. Vị dân biểu đại diện cho cử tri khu vực bầu cử Quận 17 của bang California khuyến cáo rằng “những cuộc tấn công ác ý vào những người bảo vệ nhân quyền phải chấm dứt”. Từ Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của bà Hạnh, cho VOA biết ý kiến về lời kêu gọi của Dân biểu Mỹ: “Tôi rất cảm ơn Dân biểu Ro Khanna đã có sự quan tâm đến trường hợp của Nguyễn Thúy Hạnh. Tôi nghĩ đây là một sự ủng hộ rất lớn mà ông đại diện cho cử tri của California và có thể là đại diện cho nhiều tầng lớp ở nước Mỹ quan tâm đến các trường hợp đấu tranh nhân quyền đang bị tù đày”. Bà Nguyễn Thúy Hạnh, 59 tuổi, một người tranh đấu bảo vệ nhân quyền và là người sáng lập Quỹ 50K để hỗ trợ đời sống cho gia đình các tù nhân lương tâm, bị công an Hà Nội bắt giam vào ngày 7/4/2021, với cáo buộc “Tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của bà Hạnh cho biết từ tháng 5/2022 đến nay Cơ quan điều tra ở Hà Nội đã đưa bà Hạnh đi chữa bệnh bắt buộc tại viện pháp y tâm thần trung ương vì cho rằng bà “bị rối loạn trầm cảm cấp tính”. Và cũng chính vì lý do điều trị này mà bà Hạnh vẫn chưa được đưa ra xét xử. Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về lời kêu gọi của Dân biểu Khanna. Ông Khanna là thành viên của Ủy ban Giám sát Vũ trang Hạ viện. Ủy ban giám sát tất cả các luật liên quan đến quân đội Hoa Kỳ và giám sát ngân sách quốc phòng hàng năm, thường được gọi là NDAA. Ông cũng là thành viên của tiểu ban Lực lượng sẵn sàng và Chiến lược của Hạ viện. Bên cạnh đó, là một thành viên của Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos ở Hạ viện, ông Khanna đồng hành với tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), tích cực vận động chính quyền Việt Nam phóng thích các nhà báo đang bị giam cầm, gần đây nhất là trường hợp của nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang./.
......

Vụ phát hiện gián điệp Nga trong cơ quan tình báo Đức: Những tình tiết mới

Phạm Bá (SGN) Vụ bê bối gián điệp làm rung chuyển nước Đức vào trước đêm Giáng sinh vẫn là một trong những chủ đề chính của giới truyền thông Đức. Nhân vật có tên Carsten L., bị nghi ngờ làm gián điệp cho Liên bang Nga. Sự thật là gì? Ngày càng có nhiều chi tiết mới liên quan đến câu chuyện về một nhân viên của Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) bị bắt giam vào ngày 21 Tháng Mười Hai vì nghi ngờ làm gián điệp cho Nga. Văn phòng Tổng Công tố Đức im lặng về vấn đề này, chỉ đưa ra các thông cáo báo chí vắn tắt và ít ỏi được công bố một ngày sau vụ bắt giữ Carsten L. (Carsten L.). Nhưng các phương tiện truyền thông Đức có các nguồn khác trong cơ quan thực thi pháp luật địa phương. “Chiếc tai lớn của BND” Tờ Focus ra hàng tuần chỉ ra rằng Carsten L. thuộc loại “tai to chỉ của BND” – ông ta giữ một vị trí cấp cao trong một cục tình báo kỹ thuật tuyệt mật. Với sự trợ giúp của ăng-ten đặc biệt, BND giám sát thông tin liên lạc điện tử trên toàn thế giới, lọc nó và thu thập dữ liệu bí mật về quân đội nước ngoài, tình hình trên mặt trận, nạn tham nhũng cấp chính phủ, khủng bố, buôn bán vũ khí… Từ rừng thông tin bí mật này, Carsten L., theo Focus, đã chọn ra những thông tin quan trọng nhất, được hệ thống hóa và cung cấp cho chính phủ Đức, Bundeswehr, các bộ riêng lẻ, các ủy ban liên quan của Bundestag. Đồng thời, điều đặc biệt thú vị là ông ta cũng có quyền truy cập vào dữ liệu được trao đổi với BND bởi các cơ quan tình báo thân thiện: Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) và Trung tâm Truyền thông Chính phủ Anh (GCHQ), chuyên xử lý tình báo điện tử, như cũng như các dịch vụ tình báo của Pháp và Israel. Cần biết, chính người Anh dường như đặc biệt thành công trong việc kiểm soát thông tin liên lạc, liên lạc điện tử và thậm chí cả các cuộc điện đàm giữa quân đội Nga ở Ukraine. Theo Focus, các nhà điều tra Đức không loại trừ khả năng Carsten L. đã chia sẻ dữ liệu thu được theo cách này với khách hàng Nga. Nếu thực sự là như vậy, thì các cơ quan tình báo thân thiện chắc chắn sẽ không vui, và nền tảng niềm tin vốn đã rất mong manh hiện tại giữa họ và BND sẽ bị xói mòn nghiêm trọng. Chính phủ Đức nói gì Theo nguồn tin từ hai công ty truyền thông luật công của Đức là WDR và NDR, Carsten L. cũng đã chuyển cho Nga dữ liệu tuyệt mật về việc các cơ quan đặc biệt của Đức đánh giá như thế nào về tình hình ở Ukraine, trên các mặt trận và trong Lực lượng Vũ trang Ukraine. Trong điều kiện của cuộc chiến do Nga phát động chống lại Ukraine, những thông tin như vậy rất có giá trị đối với bộ chỉ huy Nga. Đối với quan chức Berlin, nơi liên tục tuyên bố ủng hộ Ukraine một cách vô điều kiện trong việc đẩy lùi sự xâm lược của Nga, câu chuyện này có vẻ vô cùng đáng tiếc. Vì vậy, tại cuộc họp báo của chính phủ vào ngày 28 Tháng Mười Hai – cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi có tin Carsten L. bị giam giữ – đại diện chính thức của Thủ tướng, Christiane Hoffmann, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên đã nói rằng “Chính phủ Đức… rất nghiêm túc trong trường hợp này”. Bà cũng xác nhận rằng “văn phòng của thủ tướng liên bang và chính thủ tướng” đã được thông báo trước về vụ phát hiệ gián điệp Nga trong BND. Mật vụ Đức buông lỏng cảnh giác? Trong khi đó, theo truyền thông Đức đưa tin, ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai, cơ quan phản gián Đức – Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp (BfV) – đã khuyến cáo các bộ và ban ngành Đức về mối đe dọa ngày càng tăng của Nga về hoạt động gián điệp và thậm chí còn nghi ngờ một số quan chức làm đặc vụ cho Điện Kremlin. Rõ ràng, những nghi ngờ này đã không được xác nhận: Không có vụ bắt giữ hay khám xét nào được thực hiện vào thời điểm đó. Mặt khác, thông tin xuất hiện trên báo chí Đức rằng ngay trước khi bắt đầu chiến tranh – vào Tháng Một – chính bộ phận này đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nancy Faeser chỉ thị cần chú ý nhiều không chỉ đến các điệp viên nước ngoài mà còn cả các đối tượng nguy hiểm trong nước – những người cấp tiến cánh hữu, Tân Quốc xã và Reichsburgers. Đại diện Bộ Nội vụ tại cuộc họp báo Chính phủ từ chối bình luận về thông tin này. Nhưng cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Deutschlandfunk, người đứng đầu Ủy ban Kiểm soát Bundestag đối với các Cơ quan Mật vụ, cấp phó của Đảng Xanh, Konstantin von Notz, thừa nhận rằng sau Chiến tranh Lạnh, các cơ quan đặc nhiệm của Đức đã nới lỏng cảnh giác, trong khi người Nga vẫn tiếp tục hành động như trước, thậm chí còn gia tăng quy mô hoạt động gián điệp chống lại Đức. Ông gọi câu chuyện về Carsten L. là “trường hợp đáng lo ngại nhất”. Carsten L. không phải là một điệp viên tay ngang? Thực vậy. Trong thời gian gần đây, có một số câu chuyện ở Đức liên quan đến việc các công dân Đức bị lộ làm gián điệp cho các cơ quan đặc biệt của Nga. Nhưng so với Carsten L., tất cả họ trông giống điệp viên tay mơ hơn – họ hành động vì buồn chán, một số vì chủ nghĩa phiêu lưu, một số vì động cơ cá nhân hoặc vụ lợi. Một trường hợp tương tự trong lịch sử của BND chỉ cách đây vài thập niên. Vào đầu thập niên 1970, tình báo CHDC Đức đã tìm cách cài người của mình vào cơ quan tình báo Tây Đức – đó là Gabriele Gast, người đã vươn lên vị trí cấp cao trong ban quản lý BND. Cô ta chỉ bị lộ diện sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990 và bị kết án 7 năm tù. Giờ đây, theo chính các sĩ quan phản gián Đức, chỉ riêng ở Đức đã có khoảng 200 đặc vụ Nga, hầu hết làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao tại Đại sứ quán Nga ở Berlin và lãnh sự quán Nga ở các thành phố khác của Đức. Người ta tin rằng tất cả họ đều được văn phòng bảo vệ luật pháp biết tên, nhưng không bị bắt quả tang nên vẫn tự do hoạt động – mặc dù dưới sự giám sát. Khi được báo giới hỏi liệu có nên mong đợi bây giờ, sau vụ gián điệp trong BND, việc trục xuất một số người trong số họ, giống như vụ trục xuất 40 “nhà ngoại giao mặc đồng phục” Nga vào mùa xuân như một dấu hiệu phản đối cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Đức không muốn trả lời, đề nghị chờ kết thúc cuộc điều tra. Một số câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Ví dụ, như: Động cơ nào – tài chính hoặc ý thức hệ – đã thao túng Carsten L. (nếu tội lỗi của ông ta được chứng minh)? Có thể, ông ta đã bị tống tiền chăng? Làm thế nào mà ông ta chuyển thông tin cho người Nga? Ai là người liên lạc với ông ấy ở Berlin và có một người như vậy không? Địa chỉ? Kết quả? Ai và làm thế nào đã lần ra dấu vết của Carsten L. – chính người trong BND hay nhờ có sự trợ giúp của các cơ quan an ninh thân thiện ở nước ngoài?  
......

Thế giới bật báo động đỏ về tình hình corona ở Trung Quốc

Lưu Thủy Hương   Nhập cảnh từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ bắt buộc phải xét nghiệm: Hoa Kỳ lo ngại tốc độ lây lan nhanh chóng của virus ở Trung Quốc có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể mới. Theo các quan chức chính phủ Hoa Kỳ, nghiêm trọng nhất là: việc thiếu dữ liệu của trình tự gen đang gây ra khó khăn trong việc xác định các biến thể virus mới để có biện pháp đối phó kịp thời. Hoa Kỳ sẽ yêu cầu khách du lịch từ Trung Quốc thực hiện xét nghiệm corona âm tính, quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày 5 tháng 1. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết hôm thứ Tư: Tất cả khách du lịch hàng không từ hai tuổi trở lên đến từ Trung Quốc phải thực hiện xét nghiệm corona không muộn hơn hai ngày trước khi khởi hành từ Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, và phải xuất trình cho các hãng hàng không kết quả xét nghiệm âm tính khi khởi hành. Hoặc phải đưa ra bằng chứng đã phục hồi sau xét nghiệm dương tính mười ngày trước chuyến bay. Ủy ban EU tư vấn về cách tiến hành biện pháp kiểm dịch: Hôm nay, thứ Năm, 29.12.2022, một cuộc họp với đại diện của các bộ y tế của 27 quốc gia thành viên EU được triệu tập khẩn cấp. Tuy nhiên, Ý là quốc gia châu Âu đầu tiên đã ra lệnh xét nghiệm bắt buộc đối với người Trung Quốc nhập cảnh. Bộ trưởng Y tế Ý, Orazio Schillaci, cho biết: “Xét nghiệm kháng nguyên Covid-19 là bắt buộc và sẽ có kiểm tra trình tự gen của virus. Đây là yêu cầu đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc, nhập cảnh và quá cảnh tại Ý”. Biện pháp này là "cần thiết để đảm bảo giám sát và xác định tất cả các biến thể của virus để bảo vệ người dân Ý". Hôm thứ Ba, vùng Lombardy phía bắc nước Ý đã tiến hành các xét nghiệm tương ứng. Bộ Ngoại giao cho biết, trước mắt cho đến ngày 30 tháng 1, hành khách đi máy bay từ Trung Quốc sẽ phải trải qua các cuộc kiểm tra corona tại Sân bay Malpensa của Milan. Các quốc gia khác cũng đang thắt chặt các biện pháp kiểm dịch: Nhật Bản, Ấn Độ và Đài Loan cũng đã công bố các động thái tương tự. Đặc biệt, việc thiếu dữ liệu minh bạch từ Trung Quốc về mức độ của làn sóng corona đã gây ra mối lo ngại quốc tế ngày càng tăng. Chưa có thay đổi mới ở Đức: Hiện tại, Đức chưa đưa ra quy định hạn chế nhập cảnh. Bộ Y tế Liên bang cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi tình hình ở Trung Quốc rất - rất chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy "một đột biến nguy hiểm hơn đã phát triển trong đợt bùng phát này ở Trung Quốc". Tuy nhiên, hôm 23 tháng 12 Bộ Giao thông Vận tải Liên bang đã cho biết, "trên thực tế, hiện nay hầu như không có bất kỳ chuyến bay nào giữa Đức và Trung Quốc". Trung Quốc bãi bỏ hoàn toàn việc chặn dịch ra thế giới: Hôm thứ Hai, Bắc Kinh đã tuyên bố chấm dứt yêu cầu kiểm dịch corona đối với những người trở về từ nước ngoài, gây ra một làn sóng người Trung Quốc tràn về các khu vực đang bùng dịch. Trung Quốc cũng thông báo rằng, từ ngày 8 tháng 1, họ sẽ cấp hộ chiếu mới như một phần của chính sách nới lỏng corona. Người Trung Quốc cũng sẽ được phép quay lại Hồng Kông để thăm viếng và đi công tác. Ngoài ra, du khách nước ngoài được phép đến Trung Quốc, thị thực và giấy phép cư trú sẽ được cấp. Với hộ chiếu mới, hàng triệu người Trung Quốc có thể bắt đầu các chuyến đi nghỉ tới châu Âu và châu Á vào dịp Tết Nguyên Đán tháng 1 và sẽ gây ra làn sóng lây lan virus corona. Quan điểm chống dịch của Việt Nam: Các chuyên gia đánh giá Trung Quốc mở cửa biên giới có thể nhiều ca nhiễm nhập cảnh vào nước ta, song Việt Nam khó bùng dịch trở lại do tỷ lệ tiêm vaccine cao, nhiều người từng nhiễm, nên đã có miễn dịch. Theo ông Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam), Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch kể từ ngày 8/1/2023 không ảnh hưởng đến việc chống dịch của nước ta, dù khả năng sẽ có nhiều ca nhiễm nhập cảnh. "Việt Nam khó có nguy cơ bùng phát dịch do đã có miễn dịch", ông Phu nói, thêm rằng không nên vì Trung Quốc mở cửa mà Việt Nam áp dụng biện pháp cấm hay xét nghiệm người nhập cảnh từ nước này. Đồng quan điểm, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dự đoán trên 90% người dân cả nước đã có miễn dịch do tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19. Việt Nam cũng đã bãi bỏ việc xét nghiệm ở cửa khẩu từ rất lâu và hiện kiểm soát dịch vẫn tốt.   VTP-LTH tổng hợp tin: https://www.zdf.de/.../corona-china-testpflicht-einreise... https://www.tagesschau.de/.../corona-massnahmen-175.html https://www.tagesschau.de/ausland/china-covid-107.html https://vnexpress.net/viet-nam-kho-bung-dich-covid-19-khi...  
......

Mỹ được lợi hại những gì ở Ukraine?

Ngô Nhân Dụng Chuyến đi của ông Volodymyr Zelensky từ Bakhmut, tỉnh Donetsk, Ukraine qua Washington diễn ra trong bí mật như phim gián điệp. Buổi sáng ông đến thăm binh sĩ đang chiến đấu bảo vệ một thành phố đang bị quân Nga tấn công hàng ngày. Sau đó ông đi hơn 400 cây số đường bộ tới một phi trường Ba Lan gần biên giới, rồi bay 11 tiếng đến căn cứ Andrews, ở thủ đô Mỹ. Từ ngày Ukraine bị Nga xâm lăng ông chưa đi thăm thủ đô một nước nào trong khối NATO dù việc đi lại dễ dàng giản dị hơn nhiều. Zelensky biết rằng Mỹ sẽ không viện trợ tất cả những thứ vũ khí mà Ukraine yêu cầu. Vì ông Joe Biden muốn tránh không để Vladimir Putin lấy cớ mở rộng cuộc chiến. “Khối NATO không muốn một cuộc chiến tranh trực tiếp với Nga,” ông Zelensky nói, “Họ không muốn thấy Thế Chiến Thứ Ba bùng nổ!” Tổng thống Biden cũng nghĩ như vậy. Nhưng ông Zelensky vẫn thấy cần thuyết phục quốc hội Mỹ, là cơ quan nắm “quyền chi tiền” cho Tòa Bạch Ốc! Sự kiện ông Zelensky đứng nói trước các đại biểu cả hai viện quốc hội ở Washington đã là một thông điệp mạnh mẽ. Tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã khuyến cáo ông rằng chắc chắn Putin sẽ đánh, và đề nghị kế hoạch giải cứu ông ra khỏi thủ đô Kyiv. Các nước Âu châu cũng nghĩ rằng quân Nga sẽ chiếm được Kyiv trong vài ngày, và biết rằng gián điệp Nga đang thi hành kế hoạch ám sát Zelensky cùng toàn bộ các nhà lãnh đạo Ukraine. Nhưng Zelensky can đảm ở lại, thề sống chết với thủ đô Kyiv, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng cự. Quân đội và nhân dân Ukraine đã chứng tỏ họ sẽ chiến thắng, họ chỉ cần thêm vũ khí và rất đáng được giúp! Trước khi ông Zelensky đến, quốc hội Mỹ đã biểu quyết các ngân sách $1.85 tỷ và $45 tỷ viện trợ Ukraine. Volodymyr Ze­len­sky đã nói với các đại biểu quốc hội bằng ngôn ngữ kinh doanh của người Mỹ, như nhật báo The Wall Street Journal viết ngày 22 tháng 12: Giúp Ukraine là một cuộc đầu tư với lợi suất rất cao! Một đạo quân thù nghịch quan trọng bậc nhất của nước Mỹ đang bị đánh tơi tả, mà không một người lính Mỹ nào phải hy sinh! “Nước Mỹ giúp Ukraine không phải là một việc làm phước thiện!” Ze­len­sky không đến Mỹ để xin bố thí! Tờ báo Wall Street vốn là tiếng nói của giới tư bản và khuynh hướng bảo thủ ở Mỹ dẫn lời kinh tế gia Tim­o­thy Ash mới phân tích lợi hại (costs and ben­e­fits): Giúp Ukraine là một cuộc đầu tư ít tốn kém đáng kinh ngạc (in­cred­i­bly cost-ef­fec­tive in­vest­ment): “Thiêu rụi sức mạnh quân sự của nước Nga mà chỉ tốn mấy phần trăm ngân sách Ngũ Giác Đài,” tức bộ quốc phòng Mỹ. Volodymyr Zelensky đã được Biden hứa sẽ gửi ngay các tên lửa phòng không Patriot, nhưng biết trước rằng mình sẽ không được tặng những thứ mà ông tha thiết nhất: xe thiết giáp, chiến đấu cơ phản lực, và hỏa tiễn tầm xa. Món thứ nhất bị từ chối là các hệ thống hỏa tiễn mang tên ATACMS, bắn tầm xa 300 cây số. Thứ nhì là các thiết giáp Abrams và chiến đấu cơ F-16. Muốn biết sử dụng các món này quân Ukraine cần được huấn luyện trong nhiều tháng. Nhưng trở ngại lớn nhất là việc bảo trì các xe tăng và máy bay này rất phức tạp, ở Mỹ vẫn phải thuê các nhà thầu tư nhân, mà không thể nào đưa các công nhân đó qua chiến trường Ukraine. Món thứ ba bị từ chối là các máy bay nhỏ không người lái (drones) loại dùng để tấn công như MQ-1C Gray Eagle và MQ-9 Reaper, có khả năng đánh các mục tiêu ở xa, hoặc lấy tọa độ để thông tin cho pháo binh. Bộ Quốc Phòng Mỹ không muốn gửi cho Ukraine các thứ drones này vì sợ nếu bị bắn rớt, lọt vào tay Nga, sẽ bị khám phá nhiều bí mật về kỹ thuật rất quý mà Nga chưa hề biết. Năm 1999, một chiếc máy bay “tàng hình” của Mỹ bị bắn rớt tại chiến trường Kosovo trong lúc giúp quân xứ này bảo vệ độc lập, chống chính quyền Nam Tư. Máy bay F-117 Nighthawk do công ty Lockheed sản xuất có khả năng tàng hình vì bên ngoài được sơn bằng một chất đặc biệt khiến máy radar không nhận ra được. Trung Cộng đã gửi người sang mua một mảnh của chiếc F-117, đem về tìm hiểu chất liệu bí mật trên. Tháng Giêng năm 2011, bản tin Associated Press tiết lộ rằng Trung Cộng đã chế tạo được những chiến đấu cơ tàng hình J-20 nhờ nghiên cứu các mảnh máy bay F-117 bị hạ này. Dù Tổng thống Zelensky khẩn khoản yêu cầu nhưng chính quyền Biden vẫn không cung cấp cho Ukraine ba loại khí giới tối tân trên. Ông Zelensky có thể hy vọng trong tương lai Mỹ thay đổi ý kiến nếu quân Nga thay đổi chiến thuật hoặc bắt đầu sử dụng các vũ khí nguy hiểm hơn trong chiến trường Ukraine. Trước đây, bộ quốc phòng Mỹ đã từ chối cung cấp cho Ukraine những dàn tên lửa HIMARS và Patriot. Nhưng khi Nga bắt đầu rút các bộ chỉ huy ra ngoài, ở rất xa mặt trận khiến các đại pháo không thể tấn công, thì Mỹ đã gửi qua các hệ thống HIMARS với khả năng pháo kích tới mục tiêu xa hàng trăm cây số. Tương tự, gần đây Nga bắn hỏa tiễn tầm xa liên tiếp tấn công hệ thống điện các thành phố Ukraine thì Mỹ quyết định sẽ gửi qua tên lửa Patriot có thể bắn chặn phá các hỏa tiễn Nga. Sự kiện này khiến Vladimir Putin phải chú ý. Trong cuộc họp báo ngày Thứ Năm 21 tháng 12, Putin tuyên bố quân đội Nga sẽ có vũ khí chống lại các mũi tên lửa Patriot. Khi giúp khí giới cho dân Ukraine bảo vệ nền độc lập, nước Mỹ đang giúp tất cả các nước Âu châu chặn đứng mối đe dọa của Nga. Nếu dân Ukraine mất nước, Putin sẽ có thể tạo áp lực trên các quốc gia khác trước đây từng nằm trong Liên bang Xô Viết. Những nước Moldova, Georgia hiện đang giúp Ukraine vì mối lo đó, mà các nước ở trong vùng Trung Á châu cũng vậy. Nhưng điều quan trọng nhất khiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức phải giúp Ukraine là cuộc tranh hùng giữa hai hệ thống chính trị: Những nước dân chủ tự do phải đoàn kết chống cuộc bành trướng của các chế độ độc tài chuyên chế của Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Có những nhà chính trị nói rằng nước Mỹ phải bỏ Ukraine để lo ngăn chặn Trung Cộng. Nhưng Putin và Tập Cận Bình đã tuyên bố họ là những đồng minh thân thiết nhất. Cho tới nay, Trung Cộng vẫn không ngăn cản Putin trong cuộc phiêu lưu gây chiến, mặc dù bên ngoài vẫn nói tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Nếu để cho Putin nuốt trôi Ukraine thì cũng khuyến khích Tập Cận Bình nhòm ngó Đài Loan và các nước miền Đông châu Á. Trước sau, Mỹ phải giúp Ukraine giữ gìn nền độc lập và thể chế tự do dân chủ. Viện trợ Ukraine còn khiến nước Mỹ được hưởng những lợi lộc khác trong tương lai. Nhà kinh tế Tim­o­thy Ash nói thẳng rằng: Cuộc chiến Ukraine là một cửa hàng trưng bày của các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ, và Anh, Pháp, Đức, đối đầu với công nghiệp quân sự của Nga, Trung Cộng, cùng Bắc Hàn và Iran! Những quốc gia đứng ngoài, nếu đang tính mua xe thiết giáp hay hệ thống phòng không của Nga sẽ phải suy nghĩ lại coi có nên mua hay không. Họ sẽ tìm coi “hàng hóa” của các công ty Mỹ và Âu châu, trong đó Mỹ sẽ được lợi nhiều nhất. Chính phủ Biden vẫn dè dặt không giúp Ukraine những vũ khí tối tân nhất vì muốn tỏ ra không muốn khiêu khích Vladimir Putin khiến ông ta phản ứng mạnh, mở rộng cuộc chiến qua các nước NATO. Nhưng họ có thể đã lo ngại quá đáng. Báo New York Times ngày 22 tháng 12 thuật lời Tướng Frederick B. Hodges, cựu chỉ huy lục quân Mỹ ở Âu châu, nói rằng, “Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục quá lo lắng về mối nguy chiến tranh sẽ lan rộng, và quá coi thường khả năng sáng tạo và ứng biến của quân đội Ukraine trong cuộc chiến.” Nếu Ukraine không bảo vệ được nền độc lập thì lịch sử sẽ ghi một tiền lệ: Một nước nhỏ bị một nước lớn chiếm gọn bằng sức mạnh quân sự, mà thế giới không làm gì được! Các nước Á châu sẽ phải kinh hoàng thấy Putin gợi ý cho Tập Cận Bình noi gương! Cho nên người Việt Nam phải chọn thái độ trong cuộc chiến Ukraine: Không chấp nhận để tiền lệ đó xảy ra./.  
......

BF.7, biến thể corona mới hiện đang càn quét Trung Quốc

focus.de   Theo chính phủ (Trung Quốc), biến thể omicron BF.7 đặc biệt dễ lây lan (một biến thể phụ của dòng BA.5.2) hiện đang bành trướng trong nội thành và khu vực xung quanh thủ đô Bắc Kinh. Người ta không thể nắm bắt chính xác tình hình lây nhiễm vì không có số liệu đáng tin cậy. Tuy nhiên, có những ước tính nội bộ đã được chính phủ Trung Quốc chính thức xác nhận:   Theo đó, 248 triệu người đã nhiễm Corona trong ba tuần đầu tiên của tháng 12. Điều đó tương ứng với 18 phần trăm dân số.   Chỉ riêng ngày thứ Ba, 37 triệu người được cho là đã bị nhiễm bệnh.   Đó là theo ghi chú từ một cuộc họp của Ủy ban Y tế Quốc gia tại Bắc Kinh vào thứ Tư, lưu hành trên phương tiện truyền thông xã hội. Những người tham gia thảo luận đã xác nhận thông tin do hãng tin Bloomberg và Financial Times cung cấp.   Hậu quả của số ca nhiễm là các phòng cấp cứu quá tải. Tại các đô thị như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thành Đô hay Thạch Gia Trang, các bệnh viện đã nhận lấy “cú sốc đầu tiên về làn sóng nhiễm bệnh khổng lồ và tình trạng thiếu nhân viên y tế”, theo tạp chí kinh doanh nổi tiếng “Caixin” của Trung Quốc vào giữa tháng 12.     BF.7 cũng đã lan sang Đức và đang chiếm ưu thế   Theo báo cáo mới nhất của Viện Robert Koch (RKI), BF.7 chiếm khoảng 24% các ca nhiễm mới. Tiếp theo là BQ1.1 với 21%. Cả hai đều là dòng con của biến thể omicron BA.5.   RKI chưa báo cáo bất kỳ triệu chứng mới hoặc triệu chứng khác thường nào của hai biến thể phụ này. Tại Vương quốc Anh, nơi BA.5 cũng đang lan rộng với các tuyến phụ của nó, các nhà nghiên cứu gần đây đã ghi nhận cho các triệu chứng xảy ra thường xuyên nhất là:   Đau cổ họng Sổ mũi Nghẹt mũi Hắt hơi Ho không có đờm   Mức độ nguy hiểm của BF.7   Biến thể này đang tràn lan ở Đức, nó nói lên khả năng lây nhiễm dữ dội. Nhưng điều đó không có nghĩa là tình hình ở Đức sẽ leo thang khủng hoảng như ở Trung Quốc. Bởi vì BF.7 được coi là rất dễ lây lan, nhưng đối với người tại Đức nó ít nguy hiểm hơn. Điều này đã được nhà virus học hàng đầu Christian Drosten nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với Zeit, trong đó ông so sánh BF.7 với BQ.1.1:   "BF.7 sẽ làm cho tình hình tốt hơn," ông nói. Bởi vì: “Biến thể này rất giống với BA.5, mà phần lớn dân số đã được miễn dịch với nó. Một làn sóng dịch của mùa đông sẽ nhẹ nhàng kéo qua.” Theo Drosten, một làn sóng BF.7 sẽ khác với tất cả những làn sóng trước đó. “Khi mà, nó sẽ không còn là một làn sóng đại dịch nữa. Chúng ta đã đến trạng thái có thể sinh sống tự nhiên (đặc hữu) với BF.7.”   Nhưng nếu chủng BQ.1.1 chiếm ưu thế, tình hình sẽ khác đi. Drosten từng cho biết vào tháng 11: “Virus BQ.1.1 có thêm sự trốn thoát miễn dịch, có nghĩa là virus có thể thoát khỏi hệ thống miễn dịch của những người đã bị nhiễm bệnh hoặc đã được tiêm phòng rất tốt. "Nếu BQ.1.1 chiếm ưu thế, mùa đông này có thể gặp khó khăn trở lại."   Mức độ nguy hiểm của biến thể phụ thuộc vào mức độ quần thể đã được bảo vệ. Ở Đức, nơi phần lớn dân số đã tiếp xúc với BA.5 trong đợt sóng mùa hè vừa rồi, mối nguy hiểm rất ít. Ngược lại, ở Trung Quốc, nơi mà cho đến gần đây, chính sách 0-Covid vẫn được áp đặt thì hệ thống miễn dịch của người dân Trung Quốc chưa được trang bị. Điều này sẽ đưa đến một làn sóng bệnh tật ở Trung Quốc.   BF.7 cũng đã xuất hiện ở các nước khác như Mỹ, Đan Mạch, Pháp và Bỉ. Không có quốc gia nào trong số này có con số ca nhiễm gia tăng dữ dội do biến thể gây ra, như ở Trung Quốc. Điều này cũng cho thấy mức độ miễn dịch của quần thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại khả năng truyền bệnh của virus./.   Lưu Thủy Hương dịch Link: https://www.focus.de/.../das-ist-die-neue-corona-variante...  
......

Tình trạng khan hiếm dược phẩm trên toàn cầu

Lưu Thủy Hương   Làn sóng dịch thứ hai ở Trung Quốc đã có những tác động đầu tiên lên sự an toàn của thế giới. Tình trạng khủng hoảng dược phẩm bắt đầu xuất hiện.   Nước Đức từng được xem là hiệu thuốc tây của cả thế giới. Nhưng từ hai mươi năm nay, người Đức đã giao cho các nước Á châu (điển hình Ấn Độ và Trung Quốc) gia công phần lớn sản phẩm. Vào năm 2000, 2/3 thuốc gốc của Đức (generic*) còn được sản xuất ở châu Âu và 1/3 ở châu Á. Thống kê năm 2020 cho thấy, một tỉ lệ đảo ngược, 2/3 dược phẩm generic được sản xuất ở châu Á, chỉ còn 1/3 ở châu Âu, đặc biệt là các dược phẩm giảm đau, chống sốt như ibuprofen hoặc paracetamol, antibiotikum amoxicillin. Nguyên nhân chính là giá thành. Hệ thống bảo hiểm y tế châu Âu thường chỉ chấp nhận chi trả cho những loại thuốc generic có giá thành thấp, cho nên danh mục thuốc của họ đưa ra hầu hết mang nhãn hiệu made in India hay made in China.   Nhưng, vấn đề không chỉ là con số, bao nhiêu phần trăm dược phẩm được trực tiếp sản xuất ở Trung Quốc hay Ấn Độ, mà là một sự thật kinh hoàng: 70 % của tất cả các loại thuốc được sản xuất tại Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đều cần đến các hoạt chất của Trung Quốc. Ngay cả thuốc được sản xuất tại Ấn Độ cũng vậy, Ấn Độ phải nhập khẩu nhiều linh kiện từ Trung Quốc. Đây là một lý do khiến chi phí sản xuất thuốc ở Ấn Độ cao hơn 20% so với ở Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của RIS ở Delhi năm 2021, Ấn Độ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc 90 đến 100% các hoạt chất quan trọng cho paracetamol, penicillin, vitamin B12 và ibuprofen.   Tác động của đại dịch:   Đại dịch xảy ra ở Ấn Độ, trung tâm sản xuất vaccine cho toàn thế giới, đã từng đẩy thế giới vào cơn khủng hoảng vaccine AstraZeneca. Khi Ấn Độ đột nhiên thiếu nghiêm trọng nhân công, khi chính phủ phải chặn nguồn vaccine gia công lại để ưu tiên chủng ngừa cho dân trong nước, các cường quốc công nghiệp trên thế giới hoảng hốt nhận ra: chuỗi dây chuyền sản xuất toàn cầu có thể gây ra nguy cơ thảm khốc như thế nào.   Câu chuyện còn chưa có lối thoát thì chính sách 0-Covid của Trung Quốc tiếp tục gây ra khủng hoảng chuỗi cung ứng hàng hóa. Giờ đây, làn sóng dịch thứ hai đang nhấn chìm các tỉnh thành ở Trung Quốc lại mang đến thảm họa mới: tình trạng thiếu thuốc chống sốt, giảm đau, điều trị bệnh virus. Đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó sẽ là toàn cầu.   Tình trạng thiếu thuốc có nhiều nguyên nhân:   - Khâu vận chuyển bị khủng hoảng, trung tâm sản xuất dược phẩm chính của Trung Quốc (tại Đồng bằng sông Dương Tử) đã không thể vận chuyển hàng sang Thượng Hải do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của chính sách 0-Covid.   - Chính sách 0-Covid nới lỏng đột ngột, hàng trăm triệu công nhân nhiễm bệnh. Các cơ sở sản xuất phải giảm hoạt động từ nhiều tuần nay.   - Làn sóng lây nhiễm trên mặt bằng quá rộng với 1,4 tỉ dân số. Chính quyền cho ngưng xuất khẩu thuốc ra thế giới. Gian thương đẩy mạnh đầu cơ tích trữ. Một tỉ dân đổ xô đi mua thuốc tự điều trị và dự trữ.   Các cường quốc đang trong tình trạng báo động:   Từ tháng 7 năm nay, các bác sĩ Đức đã cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn nguồn cung, ví dụ như thuốc hạ sốt ibuprofen và xi-rô ibu-pain cho trẻ em.   Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản đang cố gắng tìm cách đảm bảo tính độc lập cao hơn trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như đưa ngành sản xuất thuốc về lại trong nước. Điều này sẽ mất nhiều thời gian. Trước mắt, tình trạng khủng hoảng thuốc trong mùa đông này và những mùa đông sắp tới sẽ diễn ra trên toàn thế giới.   Và khi, các cường quốc đưa ngành sản xuất dược phẩm về lại trong nước, một cuộc khủng hoảng khác sẽ diễn ra: khủng hoảng kinh tế./.   Chú thích: Thuốc gốc, generic, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, tuy nhiên nó phải đảm bảo các tính chất dược động học và dược lực học của biệt dược gốc. Đó là các loại thuốc phổ thông như aspirin, ibuprofen, paracetamol…    
......

Messi trên đồng tiền peso

Nguyen Huy Vu  ·   Argentina có kế hoạch in hình Messi lên tờ tiền của họ. Nếu tôi là Messi, tôi sẽ bảo thôi, đừng làm vậy, chính phủ hãy tập trung trả nợ đúng hạn cho nhà đầu tư nước ngoài và đưa lạm phát xuống một con số.   Tại sao tôi nói vậy. Hiện lạm phát ở Argentina đã ở mức đang tiến tới con số 100%. Dự trữ ngoại hối không có nên Argentina liên tục vỡ nợ trả tiền trái phiếu (default) cho nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng trong 22 năm của thế kỷ này đã vỡ nợ 3 lần. Đến nỗi giờ muốn đi bán trái phiếu chính phủ để vay thì đối với trái phiếu 10 năm, lợi tức của nó được tính toán phải cở 50%.   Không còn ngoại hối nên phải phá giá đồng peso. Đầu năm 2017, một đô la Mỹ đổi được 16 peso. Chỉ sau 5 năm, hiện nay thì một đô la Mỹ đổi được hơn 170 peso. Tức là giá trị mất đi 10 lần sau 5 năm.   Tiền mất giá nhanh vậy nên người giàu ít muốn giữ tiền peso, mà họ tìm cách đổi ra đô la Mỹ để cất. Dự trữ ngoại hối của chính phủ do đó không còn. Giới trung lưu có thu nhập bằng đồng peso thì chẳng mấy chốc rơi xuống ngưỡng nghèo. Sức mua do đó mà đi xuống. Khủng hoảng kinh tế triền miên. Khi kinh tế khủng hoảng thì thu ngân sách không có, lại dự trữ ngoại hối không còn, nên chính phủ chỉ còn cách duy nhất là in tiền ra để trả lương công chức nếu không muốn thấy chính phủ sụp đổ. Chính phủ in tiền thì tiếp tục gia tăng lạm phát. Vòng xoáy tiếp tục.   Khi một tổng thống không giải quyết được vấn đề kinh tế, thì họ lập tức thay một tổng thống khác. Tổng thống muốn đắc cử thì phải hứa hẹn hỗ trợ người nghèo, dù biết rằng khó, nhưng mà không hứa thì ai bầu. Nhưng hỗ trợ thì lấy gì hỗ trợ. Nhưng hứa mà người nghèo không thấy thì họ xuống đường yêu cầu từ chức. Chính trị bất ổn.   Argentina bước sang thế kỷ 20 là một trong mười nước giàu nhất hành tinh, ngang ngửa các nước Âu Châu. Đất nước giàu tài nguyên, đất đai rộng rãi, phì nhiêu. Nhưng kinh tế khủng hoảng liên tục kể từ đó đã kéo đất nước này lùi lại.   Tại sao Argentina bị như vậy là nội dung của một bài viết khác, nó có nhiều vấn đề, và chính trị là một trong các nguyên nhân.   Trở lại câu hỏi rằng tại sao tôi không muốn hình ảnh Messi nên được in trên tờ tiền? Giả sử như Messi được in trên tờ 1000 peso, tức giá trị hiện nay chừng hơn 5 đô la Mỹ. Với tốc độ lạm phát như hiện nay, chừng 5 năm sau, nó có giá trị cỡ 0.5 đô la Mỹ. Và thêm vài năm nữa, đồng tiền này với hình của Messi sẽ được dùng để làm gì, bạn đọc sẽ hiểu.   Câu hỏi lớn hơn là tại sao giới chức Argentina lại làm vậy? Đó có thể là trong cuộc khủng hoảng như hiện nay, khi mà mọi thứ trở nên bức xức và sẵn sàng bùng nổ, đây là một dịp để những người cầm quyền mượn hình ảnh của Messi nhằm thoả mãn tinh thần dân tộc và xoa dịu những bất mãn của người dân./.   Nguyễn Huy Vũ  
......

Zelensky kêu gọi hỗ trợ trước Quốc hội Mỹ, trong bối cảnh Nga tiếp tục tấn công Ukraine

Cù Tuấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận trên Twitter rằng, ông đang trên đường tới Washington để gặp Tổng thống Mỹ Biden và phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Ông cũng có một loạt các cuộc gặp song phương đã được lên kế hoạch. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Zelensky ra bên ngoài Ukraine kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai. Đây là một bước đi táo bạo khi các lực lượng Nga thường xuyên nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng, nước và internet của quốc gia này. Không có dấu hiệu nào cho thấy Nga hay Ukraine đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình khi cuộc chiến bước vào ngày thứ 300 trong tuần này, với việc cả hai bên đều chuẩn bị cho cuộc giao tranh mới. Quân đội Ukraine đã giảm đà tiến công sau nhiều tháng chiếm lại lãnh thổ do Nga chiếm và tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, và có bằng chứng cho thấy Nga có thể đang chuẩn bị một cuộc tấn công khác vào Kyiv sau khi không chiếm được thành phố thủ đô này hồi đầu năm nay. Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đã đến thăm Belarus vào ngày 19/12 để gặp Tổng thống Aleksandr G. Lukashenko, khiến Ukraine lo ngại về một cuộc tấn công có thể xảy ra vào Kyiv vốn nằm ngay phía nam của Belarus. Mỹ được cho là đang tăng gấp đôi số lượng binh sĩ Ukraine mà họ đang huấn luyện ở căn cứ tại Đức, bao gồm cả các chiến thuật dùng bộ binh. Ông Zelensky đã ưu tiên việc cung cấp điện cho mùa đông, vốn thường lạnh giá và có tuyết trên khắp Ukraine. Các cuộc tấn công của Nga khiến khoảng 10 triệu người, khoảng 20% dân số Ukraine trước chiến tranh, không có điện tại bất kỳ giờ nào trong ngày. Điều này buộc công ty năng lượng của Ukraine phải chạy đua để sửa chữa các thiệt hại. Dưới đây là những diễn biến mới nhất: * Hôm thứ Ba, Quốc hội Mỹ đã đề xuất viện trợ khẩn cấp 44 tỷ đôla cho Ukraine, nhiều hơn hàng tỷ đôla so với yêu cầu của ông Biden vào tháng 11. Gói này chủ yếu bao gồm chi tiêu quân sự, gần 20 tỷ đôla để trang bị cho các lực lượng của Ukraine, đồng thời bổ sung vũ khí vào kho dự trữ của Bộ Quốc phòng để gửi vũ khí đến Kiev. * Ông Biden sẽ công bố vào thứ Tư khoản viện trợ ngay lập tức trị giá 1,8 tỷ đôla cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng không trên mặt đất tiên tiến nhất của Hoa Kỳ, gồm cả dàn tên lửa Patriot.  1. Hệ thống phòng không Patriot 2. Bom dẫn đường chính xác JDAM 3. Đạn dược cho HIMARS 4. Tên lửa AGM-88 HARM 5. Đạn pháo và súng cối 6. Xe tải, Huấn luyện, Vũ khí và các Hỗ trợ khác  
......

Trận chung kết World Cup 2022 đi vào “bất tử” lịch sử bóng đá

Lê Tây Sơn Chiến thắng ở trận chung kết World Cup Qatar kịch tính được xem là phần thưởng cuối cùng để bất tử hóa người hùng Lionel Messi của đất nước Argentina. Trận đấu nghẹt thở Đôi khi một trận thi đấu thể thao sẽ vượt ra ngoài những định nghĩa tiêu chuẩn thông thường của nó và để lại những dấu ấn không thể nào quên về một con người. Trận đấu đã xô đổ hết giả định này đến giả định khác, lúc thì gây choáng ngợp và sửng sốt; lúc thì làm chết lặng cầu trường vài giây rồi bùng nổ dữ dội. Thất vọng hay bay bổng, mỗi trận đấu bóng đá đỉnh cao có cuộc sống của riêng nó, khi thì sống động lạ thường khi thì chùng xuống thất thường với đầy đủ cảm xúc hỷ, nộ ái, ố trên khán đài. Và trong trận đấu thế nào cũng có một, hai khuôn mặt nổi trội, làm nức lòng người xem. Có thể nói, đám đông dự khán trận chung kết World Cup là những người thể hiện “bản chất con người” rõ rệt nhất. Nếu có một lễ hội endorphin trong thể thao đỉnh cao thì đó chính là trận chung kết World Cup giữa Argentina và Pháp vào đêm Chủ nhật 18 Tháng Mười Hai 2022 trong một bữa tiệc thịnh soạn nhưng không kém phần “toát mồ hôi hột” tại Sân vận động Lusail lớn nhất và đông nhất của vòng chung kết World Cup tại Qatar. Trận đấu được xem là làm nên lịch sử bóng đá và là kết thúc đẹp cho một giải đấu, ít ra là trên sân cỏ, điều mà nhiều giải đấu trước nay không làm được. Không chỉ những khoảnh khắc trong trận đấu sẽ là bất tử trong lịch sử bóng đá mà còn là bất tử cho Messi của Argentina, dù anh không phải vua phá lưới của giải (Mbappé của đội Pháp đoạt Chiếc giày vàng với tám bàn thắng). Bóng đá vẫn tiếp tục hấp dẫn và tự nó có thể tạo ra sức hút, ngay cả lúc tưởng chừng sẽ thất bại vì những lùm xùm. World Cup Qatar đã chứng minh “chân lý” này. Hàng tỷ người theo dõi trận chung kết hồi hộp dõi theo bước chân của Messi để xem nghệ thuật làm chủ quả bóng của anh tuyệt vời thế nào trước những tình huống khó khăn của đội nhà. Sau những phút đứng tim lo sợ thất bại, cuối cùng fan của Messi đã chứng kiến đội của anh vượt qua Pháp và người hùng 23 tuổi Kylian Mbappé của nó, với chiến thắng 4-2 trong lượt đá luân lưu sau 120 phút hòa 3-3 với những tình huống “siêu thực”. Những môn đồ túc cầu giáo sẽ còn nói mãi về việc Messi giành được chiếc cúp vàng và danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất sau năm kỳ World Cup trong màn rượt đuổi không dành cho người yếu tim. Hàng chục ngàn khán giả trên sân cùng 46 triệu người Argentina, 67 triệu người Pháp và phần còn lại của thế giới sẽ nhớ mãi trận đấu đầy kịch tính đi từ 2-0 tưởng chắc thắng cho đội Argentina ở hiệp một đến hòa 2-2 sau 79 phút thi đấu rồi 3-2 cho Argentina sau 108 phút thi đấu; rồi Pháp gỡ hoà 3-3 nhờ phạt đền sau 120 phút thi đấu. Phải chờ loạt sút luân lưu mới đưa Argentina trở lại ánh hào quang tưởng sắp mất với kết thúc 4-2 rất xứng đáng. Trận đấu của Mbappé Toàn bộ bộ phim nín thở này sẽ còn được nhớ mãi trong tương lai. Tại các quán cà phê, tiệm làm tóc, quán rượu, lớp học, nhiều người sẽ còn nói mãi về một đêm mà huấn luyện viên Lionel Scaloni của đội Argentina gọi là: “Một trận đấu hoàn toàn điên rồ!” trong khi huấn luyện viên Didier Deschamps của đội Pháp, thú nhận: “Chúng tôi phải xoay sở vất vả để… trở về từ cõi chết” (nhưng không thành công!). Giải World Cup bóng đá nam của kỳ tới sẽ diễn ra vào Tháng Sáu, 2026 ở Bắc Mỹ (Mỹ, Mexico và Canada) trong một không gian rộng lớn hơn nhiều so với Qatar nhỏ bé, nhưng sẽ thiếu vắng Messi trong khi đội Pháp sẽ rực sáng hơn nữa với thế hệ ngôi sao trẻ đã khẳng định được tài năng tại Qatar. Người Pháp sẽ có nhiều cơ hội tiến đến chức vô địch năm 2026 trong cuộc săn tìm danh hiệu World Cup lần thứ ba. Những người yêu đội Pháp sẽ bàn tán về cách Mbappé biến trận đấu thành sân chơi của cá nhân mình và “khiến mặt đất rung chuyển” khi trở thành cầu thủ đầu tiên ghi ba bàn thắng trong một trận đấu World Cup kể từ Geoff Hurst của đội Anh năm 1966. Bàn thắng san bằng tỷ số ở phút 81 cũng được xem là “thần sầu” trong ký ức về những kỳ tích anh làm được. “Mbappé là người có thể thay đổi trận đấu chỉ trong tích tắc!” – Deschamps tuyên bố khi Pháp phải vượt qua một loạt chấn thương để trở thành nhà đương kim vô địch World Cup đầu tiên lọt vào trận chung kết tiếp theo kể từ Brazil năm 1998. Giờ đây, khi những “tích tắc” tạo ra cơn cuồng nhiệt ngoài sân cỏ đã khép lại hoàn hảo, Deschamps nhận định: “Mbappé đã thực sự để lại dấu ấn trong trận chung kết năm nay”. Sự thất vọng trên khuôn mặt Mbappé (và nhiều cầu thủ Pháp khác) cũng sẽ lưu lại trong ký ức của những người chứng kiến. Khuôn mặt đầy cảm xúc đã nói lên rất nhiều điều. Một số khán giả ở Bắc bán cầu cùng với Pháp có thể ngạc nhiên khi vào phút 120+3, phút thứ ba hiếm hoi của thời gian bù giờ, Mbappé một mình vượt qua vạch vôi cầu môn bằng một pha di chuyển “không tưởng” qua hàng hậu vệ ở phía trái và vào tận khung thành. Trong khi những người khác ở Nam bán cầu cùng với Argentina lại nhớ Paulo Dybala, một cầu thủ mới vào sân thay người nhưng đã sớm chọc thủng lưới đối phương. Trong những quyết định được nhớ mãi là quyết định của huấn luyện viên Scaloni đưa Di María, 34 tuổi, đảm nhận cánh trái. Và chính anh đã tạo ra một quả phạt đền mà sau đó Messi chuyển thành bàn thắng. Hoặc quyết định tung Randal Kolo Muani, mới 24 tuổi và Marcus Thuram, mới 25 tuổi của huấn luyện viên đội Pháp vào sân ở phút 41 đã mang đến nguồn năng lượng mới cho đội. Nhưng cũng nên công bằng “công và tội” khi Gonzalo Montiel của Argentina chơi bóng bằng tay ở phút thứ 118 đã gây ra “hậu quả” phạt đền và bàn thắng ấn định tỷ số hoà 3-3 của Mbappé khiến chiến thắng của đội Argentina bị chậm lại 10 phút cho đến khi Messi ghi bàn đầu tiên trong cuộc đấu luân lưu. Kết thúc hoàn hảo cho Messi Trên đường phố khắp Argentina, đám đông sẽ nhớ họ đã thổn thức như thế nào sau 36 năm năm chờ đợi quá lâu để được chạm tay lần nữa vào chiếc cúp vàng. “Hạnh phúc như thế là quá nhiều! – Scaloni nói về chiến thắng đã giúp người Argentina được an ủi phần nào trong thời điểm kinh tế khó khăn – Các vấn đề kinh tế sẽ không được giải quyết nhưng người dân chúng tôi sẽ hạnh phúc hơn một chút, và điều đó thật tuyệt vời”. Còn phần lớn cư dân của hành tinh Trái đất bị phát cuồng vì bóng đá từ lâu sẽ nhớ mãi buổi tiệc bóng đá cuối cùng đã làm thay đổi tâm trạng Messi như thế nào. Họ nhớ cách anh tiến về phía gia đình và các cổ động viên Argentina, những người đang gây ồn ào đến mức tưởng như ở Buenos Aires cách đó 8.300 dặm cũng có thể nghe thấy! Họ sẽ nhớ cuộc săn lùng chiếc cúp gian khổ của Messi chỉ kết thúc lặng lẽ ở Copa América năm 2021 dù vô địch nhưng lại “sấm rền” tại World Cup 2022. Một sân vận động gần như trống rỗng ở Rio de Janeiro hoàn toàn trái ngược với 88.966 khán giả cuồng nhiệt tại chính sân vận động mà đội Argentina từng thua 0-1 trong trận đấu đầu tiên với Saudi Arabia. Bữa tiệc World Cup cuối cùng đã thực sự làm vui nhộn cả hành tinh và mang lại kết thúc có hậu cho một công dân toàn cầu với chiếc áo số 10 được nhiều người mặc và trị giá hàng trăm triệu đôla sang nhượng mà khuân mặt anh thấy nhan nhản trên các bảng quảng cáo ở các châu lục khác nhau./.  
......

Vận động chính phủ Hòa Lan dùng “gậy” trong chính sách ngoại giao với CS Việt Nam

Từ trái: Nguyễn Thị Thu Vân, đại diện đảng Việt Tân tại Hòa Lan; Tạ Thị Bích Chi hỗ trợ phiên dịch cho LS Đài; Luật Sư Nguyễn Văn Đài, đại diện Hội Anh Em Dân Chủ; Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan; và phía Hòa Lan: Erik Van Oudheusden và bà Mirjam Hoogendam phụ trách về chính sách cho các nước Á châu, trong buổi vận động nhân quyền tại Bộ Ngoại Giao Hòa Lan hôm 14/12/2022. Ảnh: Cơ sở Việt Tân tại Hòa Lan TTH tóm lược Chính phủ Hòa Lan cần áp lực mạnh mẽ lên Hà Nội trước các vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN là đề nghị mà các vị đại diện phía Cộng Đồng Người Việt, Hội Anh Em Dân Chủ và đảng Việt Tân tại Hòa Lan đã chuyển đến đại diện của Bộ Ngoại Giao Hòa Lan trong buổi gặp gỡ hôm 14/12. Một phái đoàn người Việt tại Hòa Lan đã đến Bộ Ngoại Giao Hòa Lan để vận động chính phủ nước nầy áp lực nhằm cải thiện tình trạng nhân quyền tệ hại tại Việt Nam nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2022. Phái đoàn đã trình bày vấn đề vi phạm nhân quyền trầm trọng của chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam hiện nay. Hàng trăm nhà hoạt động dân chủ nhân quyền, xã hội dân sự và môi trường đã bị bắt và cầm tù. Những người chưa bị bắt thì thường xuyên bị quấy nhiễu, hạn chế việc đi lại trong nước cũng như cấm xuất cảnh ra nước ngoài. Trong khi đó các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ở trong các nhà tù thì bị ngược đãi, ốm đau bệnh tật không được khám, chữa bệnh, gặp rất nhiều khó khăn trong việc gặp gia đình. Phái đoàn cho rằng, sở dĩ tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam ngày càng sự gia tăng là do trong 4 năm qua, Hoa Kỳ và EU đã giảm nhẹ sức ép với chính phủ độc tài CSVN về các vi phạm nhân quyền. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, đại diện cho đảng Việt Tân tại Hòa Lan trao tập hồ sơ nhân quyền Việt Nam đến ông Erik Van Oudheusden, phụ trách về chính sách cho các nước Á châu, Bộ Ngoại Giao Hòa Lan. Ảnh: Cơ sở Việt Tân tại Hòa Lan Luật Sư Nguyễn Văn Đài đề nghị với chính phủ Hòa Lan áp lực lên nhà cầm quyền CSVN gồm 4 điểm: Trả tự do ngay lập tức và không điều kiện tất cả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm; không được bắt thêm bất cứ người bất đồng chính kiến nào khác; hủy bỏ các điều luật mơ hồ 109, 117, 331 của Bộ luật hình sự VN 2015; và cho phép các tổ chức xã hội dân sự tự do thành lập và hoạt động. Hai vị đại diện cho Bộ Ngoại Giao đã đặt nhiều câu hỏi về những vụ việc vi phạm nhân quyền. Qua các câu hỏi này cho thấy họ rất quan tâm và hiểu những vấn đề được trình bày. Ông Erik Van Oudheusden và bà Mirjam Hoogendam phụ trách về Chính sách cho các nước Á Châu đã đại diện Bộ Ngoại Giao Hòa Lan tiếp và trao đổi với phái đoàn. Phía Việt Nam gồm: Ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan; bà Nguyễn Thị Thu Vân, đại diện cho đảng Việt Tân tại Hòa Lan; Luật Sư Nguyễn Văn Đài, đại diện Hội Anh Em Dân Chủ và bà Tạ Thị Bích Chi hỗ trợ phiên dịch cho LS Đài.Dịp nầy, ông Nguyễn Hữu Phước đã trao một thỉnh nguyện thư của Cộng Đồng và bà Thu Vân đã trao hồ sơ nhân quyền Việt Nam đến vị đại diện của Bộ Ngoại Giao. Ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan – trao thỉnh nguyện thư đến ông Erik Van Oudheusden, phụ trách về chính sách cho các nước Á châu, Bộ Ngoại Giao Hòa Lan. Ảnh: Cơ sở Việt Tân tại Hòa Lan TTH tóm lược  
......

Tập Cận Bình với hàng loạt vấn đề

Tác giả Christian Herrmann Tập Cận Bình được xem là người cai trị quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, lúc này lãnh đạo nhà nước Trung Quốc trông có vẻ mệt mỏi hơn bao giờ hết. Ông ta đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề chồng chất, trong số đó, nhiều cái do ông ta tự tạo ra. "Đả đảo Đảng Cộng Sản!" "Đả đảo Tập Cận Bình!", hôm tháng 11 đám đông đã giận dữ hét lên như vậy trên đường phố Thượng Hải. Đến thời điểm này, vừa tròn một tháng kể từ khi Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Giới hạn tuổi tác, giới hạn nhiệm kỳ đã không ngăn cản được ý muốn của ông ta. Từ bao lâu nay Tập đã củng cố vị trí của mình, để biến thành nhà cai trị quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ sau Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, giờ đây người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đang phải đối mặt với một ngọn núi khổng lồ chất đầy những vấn đề, hầu hết do ông ta tự tạo ra. Nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu, doanh thu của chính phủ giảm, tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt gia tăng trong giới trẻ, và anh bạn thân nhất thì đang sa lầy trong chiến tranh. Vấn đề cấp bách nhất vẫn là tình hình Corona. Kế hoạch Không-Covid làm trì trệ nền kinh tế Trước những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Tập đã phải nhượng bộ. Vào đầu tháng 12, Bắc Kinh tuyên bố nới lỏng việc kiểm dịch, việc xét nghiệm PCR và việc phong tỏa. Một quyết định hợp lý, nếu người ta thực sự muốn ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời giữ vững kinh tế. Phong tỏa các khu nhà, tiến hành xét nghiệm đại trà và cung cấp lương thực cho hàng triệu người là việc tiêu tốn nhân lực và tiền bạc. Nếu các nhà máy vẫn đóng cửa, công nhân bị mắc kẹt ở nhà, sẽ không có gì để đổ vào ngân sách. Jürgen Matthes từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho rằng, chính sách Không-Covid là một kế hoạch cực kỳ tốn kém và đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Nhà kinh tế cho biết trên ntv (một kênh truyền hình của Đức), vào tháng 11 năm nay kinh tế Trung Quốc đã sụm xuống một cách thảm hại. "Những dự báo gần đây nhất cho rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay đã trở thành mớ giấy lộn. Đảng Cộng sản phải đối mặt với hai vấn đề: nền kinh tế suy yếu và các cuộc biểu tình." Khoản thâm hụt khổng lồ Vào tháng 11, Trung Quốc đã trình bày dữ liệu thương mại tồi tệ nhất trong hơn hai năm. Sản lượng hàng hóa xuất ra nước ngoài giảm 8,7 phần trăm so với năm trước. Hơn hết, đây là những con số khác thường, vì tháng 11 luôn là cao điểm cho các hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa nhân dịp lễ Giáng sinh, của một nước có nền ngoại thương mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, diễn biến này không có gì ngạc nhiên: Ngay cả trước khi Tập Cận Bình gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế với các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở trung tâm tài chính Thượng Hải hoặc ở "Thành phố iPhone" Trịnh Châu, vào năm ngoái, Tập đã lãnh đạo một chiến dịch điều tiết chống lại các công ty công nghệ thành công như Alibaba, Didi và Tencent. Kết quả là giá cổ phiếu của họ giảm mạnh trên các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn thế giới, doanh thu sụt giảm và mất công việc làm. Hơn một năm trước, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc cũng trải qua tình trạng tương tự. Tình trạng vỡ nợ đã khiến các doanh nghiệp khổng lồ ngành xây dựng lần lượt không thể trả nổi các khoản vay của họ. Những căn hộ đã được trả tiền còn chưa xây xong đã bị phá bỏ. Giờ đây, Bắc Kinh phải giải cứu các công ty nhà đất mắc nợ như chúa chổm bằng khoản "viện trợ toàn diện". Do đó, vào năm nay ngân sách của Trung Quốc bị thâm hụt cao nhất trong nhiều thập kỷ. Theo cổng thông tin tài chính Bloomberg, chỉ từ tháng 1 đến tháng 9, con số này đã là 980 tỷ đô la Mỹ. Thất nghiệp Các công trường xây dựng đánh đòn tàn khốc lên thị trường việc làm. Tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cảnh báo về một tình hình "phức tạp và nghiệt ngã" sẽ ảnh hưởng đến giới trẻ. Khoảng 20% thanh niên từ 16 đến 24 tuổi sẽ thất nghiệp. Jörg Wuttke người đứng đầu Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc cho biết, đây là chỉ những con số chính thức. Có khả năng là một phần ba thanh niên không có việc làm. "Tất nhiên, điều này thật tàn khốc trong một xã hội có chính sách một con," Wuttke nói. “Bốn ông bà nội ngoại, hai cha mẹ nhìn vào một đứa trẻ, kẻ gánh vác tương lai của gia đình. Để nó phải thốt lên: Xin lỗi, con đã khốn khổ suốt 15, 16, 17 năm, bây giờ thì thất nghiệp, hay phải đi khuân vác. Giấc mộng đã vỡ tan tành rồi." Con đường tơ lụa mới như trò chơi ném dĩa Trung Quốc không chỉ khủng hoảng tài chính trong nước. Vào tháng Bảy, "Financial Times" đã đưa tin về cuộc khủng hoảng nợ đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Có vẻ như “con đường tơ lụa mới” phần nào đang biến thành trò chơi ném dĩa. Vài năm trước, người ta vẫn lo sợ rằng Trung Quốc có thể khiến các nước đang phát triển phụ thuộc vào các khoản vay hào phóng của họ cho các tuyến đường thương mại và cơ sở hạ tầng mới. Tuy nhiên, hiện nay điều ngược lại dường như đang xảy ra: Nhiều đối tác không còn khả năng trả các khoản vay của họ, chủ yếu là do cuộc khủng hoảng Corona - và do đó Trung Quốc đang mất rất nhiều tiền. Theo Financial Times, các khoản vay trị giá hơn 52 tỷ đô la đã phải được đàm phán lại và tái cấu trúc vào năm 2020 và 2021. Các quốc gia đối tác nhận được kỳ hạn trả nợ dài hơn với lãi suất thấp hơn, với hy vọng rằng các hải cảng, tuyến đường sắt hoặc các dự án cơ sở hạ tầng khác ở Sri Lanka, Zambia hoặc Pakistan vẫn có thể được hoàn thành. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc thậm chí phải đổ thêm tiền vì mọi món vay đã bị chính phủ con nợ tiêu pha sạch hết. “Thế lực tài chính” đang ngày càng trở thành một vấn đề ở các quốc gia như Pakistan: công nhân Trung Quốc là mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố và bắt cóc. Bởi vì họ đem lại những khoản tiền chuộc cao hoặc vì họ là đại diện cho sự tham nhũng và thế lực của Trung Quốc tại các nước đối tác. Francesca Ghiretti từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) ở Berlin cho biết, giờ đây, khi tài trợ cho các dự án này Trung Quốc phải nghĩ đến việc bỏ tiền để chống lại nguy cơ khủng bố. Điều gì sẽ xảy ra nếu làn sóng Corona tràn qua? Giờ đây, việc nới lỏng chính sách Không-Covid sẽ mang lại động lực cho nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ: Nếu không đóng cửa nữa, các nhà máy có thể hoạt động hết tốc lực trở lại và bù đắp cho ngân sách - ít nhất đó là điều Bắc Kinh hy vọng. Nhưng nếu biến thể omicron tràn qua Trung Quốc, nó có thể gây tác dụng ngược lại, đó là cảnh báo của các nhà quan sát. Jürgen Matthes từ Viện Kinh tế Thế giới nói trên ntv rằng, việc tiếp tục nới lỏng sẽ có lợi cho Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu. "Nhưng có một mối nguy hiểm lớn là số ca nhiễm bệnh sẽ tăng lên ồ ạt, đến mức các bệnh viện sẽ quá tải. Sau đó, có thể sẽ có một lệnh phong tỏa thậm chí còn gay gắt hơn." Nhìn chung, Trung Quốc có tỷ lệ tiêm chủng cao. Tuy nhiên, chính những người lớn tuổi có nguy cơ đặc biệt lại không tiêm. Nhiều người khác tỏ ra hoài nghi vì họ không tin tưởng vào vac.c.in - đây là vấn đề mà Tập Cận Bình phải chịu một phần trách nhiệm: Năm ngoái, ông ta đã cho truyền thông đưa tin rằng vac.c.in mRNA của Biontech và Moderna là thuốc độc. Sau khi kết thúc kế hoạch Không-Covid, một làn sóng omicron sẽ tràn qua Trung Quốc. Các cơ quan y tế Trung Quốc dự đoán rằng, ở giai đoạn cuối cùng sẽ có khoảng 80 đến 90% dân số của 1,4 tỷ người nhiễm bệnh. Sau gần 3 năm áp dụng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, bây giờ nhiều người mới lần đầu tiên tiếp xúc với virus corona, do đó họ dễ bị nhiễm và sẽ có tiến trình phát bệnh nghiêm trọng, có thể phải nhập viện. Tuy nhiên, khi nói đến giường chăm sóc đặc biệt, thì phải biết là Trung Quốc thua xa các nước châu Á khác như Đài Loan hay Thái Lan. Đây là một vấn đề mới mà người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao cũng phải đối mặt./. Lưu Thủy Hương dịch Nguồn: https://www.n-tv.de/.../Die-vielen-Probleme-des-Xi...
......

Giải Nobel Hòa bình năm 2022

Timothy Trinh  Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2022 đã được trao đồng đều cho nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski của Belarus, tổ chức nhân quyền Nga 'Memorial' và Trung tâm Tự do Dân sự của Ukraine, 'Ukraine Center for Civil Liberties'. Cả ba, gồm có người đại diện ông Ales Bialiatski và hai đại diện của tổ chức Memorial và Trung tâm Tự do Dân sự của Ukraine, đã chia sẻ tầm nhìn của họ về một thế giới công bằng hơn và tất cả đều lên án cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine trong lễ trao giải hôm thứ Bảy tại thủ đô Na Uy. Ales Bialiatski (Belarus) Người đồng đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay là ông Ales Bialiatski, một nhà hoạt động dân chủ đang bị bỏ tù ở Belarus trong khi chờ xét xử và đối mặt với án tù lên tới 12 năm. Ông Bialiatski là người thứ tư trong lịch sử 121 năm của giải Nobel nhận giải khi đang ở trong tù hoặc bị giam giữ. Nhà nước Belarus đã không cho phép ông Bialiatski gửi bài phát biểu của mình đến buổi lễ phát giải Nobel. Ông đã chia sẻ một vài suy nghĩ với người vợ của ông, Natallia Pinchuk, khi bà vào thăm ông ở nhà tù. Thay mặt chồng mình, bà Pinchuk đã đọc lên những lời mà ông Bialiatski muốn phát biểu tại lễ trao giải: "Ở quê hương tôi, toàn bộ Belarus đang ở trong tù. Giải thưởng này thuộc về tất cả những người bạn bảo vệ nhân quyền của tôi, tất cả các nhà hoạt động dân sự, hàng chục nghìn người dân Belarus đã bị đánh đập, tra tấn, bắt bớ, bỏ tù." Memorial (Nga) Yan Rachinsky, người lãnh đạo nhóm 'Memorial' - một trong những tổ chức dân quyền lâu đời nhất của Nga - trong bài phát biểu nhận giải, đã cho biết "tình trạng đáng buồn của xã hội dân sự ở Nga ngày nay là hậu quả trực tiếp của quá khứ chưa được giải quyết". Nhà nước Nga đã từng tuyên bố 'Memorial' là công cụ của "thế lực nước ngoài", và Tòa án tối cao Nga đã đóng cửa tổ chức này vào tháng 12 năm 2021. Ông Rachinsky đã tố cáo những nỗ lực của Điện Kremlin nhằm bôi nhọ lịch sử, tình trạng nhà nước và nền độc lập của Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác, nói rằng điều đó "đã trở thành lời biện minh về ý thức hệ cho cuộc chiến tranh xâm lược điên rồ và tội ác chống lại Ukraine". "Một trong những nạn nhân đầu tiên của sự điên rồ này là ký ức lịch sử của chính nước Nga," ông nói. "Giờ đây, các phương tiện thông tin đại chúng của Nga đề cập đến cuộc xâm lược vũ trang vô cớ vào một quốc gia láng giềng, việc sáp nhập các vùng lãnh thổ, khủng bố dân thường ở các khu vực bị chiếm đóng và tội ác chiến tranh được biện minh bởi nhu cầu chống lại chủ nghĩa phát xít." Ukraine Center for Civil Liberties (Ukraine) Oleksandra Matviichuk, lãnh đạo Trung tâm Tự do Dân sự của Ukraine, là người đã bác bỏ những lời kêu gọi thỏa hiệp chính trị mà trong đó cho phép Nga giữ lại một số lãnh thổ Ukraine bị sáp nhập bất hợp pháp. "Đấu tranh vì hòa bình không có nghĩa là khuất phục trước áp lực của kẻ xâm lược, mà có nghĩa là bảo vệ người dân khỏi những hành động gây hấn độc ác,” bà nói. “Không thể đạt được hoà bình nếu một quốc gia đang bị tấn công hạ vũ khí. Đây sẽ không phải là hòa bình, mà là chiếm đóng." Bà Matviichuk lặp lại lời kêu gọi trước đó rằng Vladimir Putin và Tổng thống độc tài Alexander Lukashenko của Belarus phải bị đưa ra trước tòa án quốc tế. “Chúng ta phải chứng minh rằng luật pháp có hiệu quả và công lý vẫn tồn tại, ngay cả khi chúng bị trì hoãn," bà nói. Người Đà Lạt Xưa  
......

Phát hiện kế hoạch lật đổ chính phủ Đức bằng bạo lực

Welt.de Theo yêu cầu của Công tố viên Liên bang, cảnh sát Đức đang khám xét hơn 130 đối tượng ở một số bang của Đức. Nhóm này có mục tiêu "xóa bỏ" chính phủ và đề xuất một hình thức nhà nước khác. Một cựu nghị sỹ đảng AfD và cựu thành viên KSK (lực lượng đặc nhiệm của quân đội Đức) tham gia tích cực vào hoạt động này. 3000 đơn vị đặc nhiệm của chính phủ liên bang và các tiểu bang đã lùng bắt hơn 130 đối tượng vào sáng ngày thứ tư tại một số bang. Đã có 25 phần tử bị bắt. Công tố viên Liên bang đang điều tra về một nghi án thành lập một tổ chức khủng bố. Theo một tuyên bố của Văn phòng Công tố Liên bang, các thành viên của nhóm này theo đuổi mục tiêu "khắc phục trật tự hiện nay ở Đức và thay thế bằng hình thức nhà nước của chúng. Bọn này nhận thức được rằng mục tiêu này "chỉ có thể đạt được thông qua sử dụng các phương tiện quân sự và bạo lực chống lại các đại diện của nhà nước". Nhân vật nổi bật nhất của nhóm này là cựu nghị sĩ: Birgit Malsack-Winkemann, bà ta là thành viên của đảng AfD và là đại diện của đảng này trong Quốc hội từ năm 2017 đến 2021. Các nhà quan sát cho rằng bọn này thuộc "cánh" cực đoan của đảng. Sau khi rời Nghị viện Malsack-Winkemann trở lại Tòa án khu vực Berlin với tư cách là thẩm phán. Tham gia nhóm này còn có một số nhân vật thuộc dòng giõi quý tộc của Đức từ thời xa xưa. Nguyễn Xuân Hoài lược dịch  
......

Bắc kinh bất ngờ quay ngoắt về Corona

Adrian Geiges – Welt Sau nhiều ngày biểu tinh phản đối các biện pháp chống dịch corona hà khắc ở nhiều địa phương trong cả nước nay Bắc Kinh đột ngột công bố các kết quả nghiên khoa học gần đây nhất cho thấy Corona không nguy hiểm như người ta lo ngại. Chính quyền nhà nước cũng chấp nhận một số đòi hỏi của dân chúng. Một chiến lược khôn ngoan mà Chủ tịch Tập đã từng sử dụng thành công trước đây đã được áp dụng. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, người ta quen đọc ẩn ý. Tờ Nhân dân nhật báo đã viết trong bản tin sức khỏe hôm thứ năm "Biến thể omicron mới rất hiếm khi dẫn đến bệnh nghiêm trọng và Không có bằng chứng về Long Covid trong biến thể này." Để chống lại ấn tượng cho rằng giới lãnh đạo đã phải cúi đầu trước những người biểu tình, tờ Global Times, phiên bản tiếng Anh viết: "Các nhà nghiên cứu Trung Quốc chứng minh rằng khả năng gây bệnh của omicron đã giảm đi rất nhiều so với các chủng mầm bệnh trước đó". Các thí nghiệm trên chuột tại Đại học Vũ Hán đã chỉ ra rằng virus hầu như không gây ra bất kỳ thay đổi bệnh lý nào trong sinh vật. Đàn áp ở Thượng Hải Tập Cận Bình sẽ không công bố Freedom Day (Ngày Tự do) ở Trung Quốc bởi vì ông ta không thể thừa nhận mình là một kẻ thất bại, không chịu khuất phục trước các cuộc biểu tình. Điều đó không mấy ai ở TQ quan tâm vì trong thực tế cuộc sống hàng ngày ở một số thành phố của Trung Quốc đã thay đổi. Người dân không còn bị cấm cửa, được tự do ra, vào nơi cư trú của mình. Các siêu thị không còn kiểm tra các ứng dụng Corona ở cửa ra vào. Phó Thủ tướng Trung Quốc Sun Chunlan giải thích hôm thư tư "Khi biến thể omicron trở nên ít gây bệnh hơn và chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc phòng chống Covid, cuộc chiến chống lại đại dịch của chúng ta đang chuyển sang một giai đoạn mới." Đối với Tập Cận Bình, đây là cách giữ thể diện để thoát khỏi chính sách No-Covid của mình. Hàng trăm cảnh sát tuần tra trên đường phố Nhưng những người không hài lòng với điều này và đưa ra các yêu sách khác sẽ bị đe dọa bằng bạo lực. Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Chen Wenqing kêu gọi "quyết tâm trấn áp các hoạt động xâm nhập và phá hoại của các thế lực thù địch, cũng như các hành vi phạm pháp, gây rối trật tự xã hội." Có thể đã có hàng ngàn người đã bị bắt. Những người tham gia biểu tình và người thân của họ nhận được các cuộc gọi đầy đe dọa từ cơ quan an ninh và được khuyến cáo "Đừng để những phần tử xấu ở nước ngoài lợi dụng để kích động tiến hành một kiểu cách mạng màu ở nước ta". Hàng trăm cảnh sát, cả cảnh khuyển, tuần tra cả ngày lẫn đêm trên các đường phố nơi từng có các cuộc biểu tình diễn ra cách đây ít hôm. Cảnh sát kiểm tra điện thoại di động của người đi đường, tìm kiếm hình ảnh liên quan đến các cuộc biểu tình và các ứng dụng bị cấm như Instagram và Twitter, xóa tất cả những gì khả nghi. Kiểm duyệt trên mạng được thắt chặt. Tại một cuộc họp báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, giám đốc Cheng Youquan của cơ quan này đã thừa nhận một số biện pháp phòng chống "có một vài vấn đề" . Tuy nhiên, điều này không phải do bản thân chính sách No-Covid mà do các quan chức địa phương thực hiện sai chính sách này bởi đã quá năng nổ, nhiệt huyết. Ông Tập vẫn vững như bàn thạch Vậy giờ thì giải quyết vấn đề như thế nào? Phải chăng những người biểu tình là thế lực thù địch xâm nhập, phá hoại? Hay người dân sẽ chấn chỉnh các cá nhân mắc sai lầm ở địa phương?  Các cuộc biểu tình vừa qua được so sánh với các cuộc nổi dậy năm 1989. Bởi vì phong trào đã lan ra khắp cả nước và đây đó có yêu cầu hạ bệ Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản, đây là thách thức công khai với hệ thống và nhà cầm quyền. Để hiểu hành vi của nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Tập Cận Bình ngày nay, người ta phải nhìn vào những gì ông ta đã làm vào năm 1989. Vài tuần sau vụ thảm sát Thiên An Môn, khi quân đội đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình gây nên cái chết của khoảng 2.600 người và 7.000 người bị thương, lần đầu tiên dân chúng khắp nước biết đến ông. Tiếp đó là hình ảnh ca sĩ nổi tiếng Bành Lệ Viên, vợ Tập Cận Bình, biểu diễn trước các đơn vị quân đội. Một bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng đề cập đến vụ bê bối tham nhũng ở quận Ninh Đức một địa phương còn hết sức khó khăn, thiếu đói, Tập Cận Bình từng là người lãnh đạo đảng vào thời điểm đó. Tại đây có 7.392 quan chức đảng có biệt thự riêng được xây dựng bằng tiền lấy từ ngân sách dành cho giáo dục và cứu trợ thiên tai của nhà nước. Tập Cận Bình đã phanh phui ra vụ này và trừng trị thẳng tay bọn tham nhũng. Tín hiệu cho người dân Trung Quốc lúc bấy giờ là không cần thay đổi hệ thống, đảng vẫn có thể tự sửa chữa sai lầm. Kể từ đó, đây là con đường của Tập Cận Bình, ông ta lắng nghe những bất bình của người dân, khắc phục những bất bình, đồng thời bảo vệ và củng cố quyền lực của Đảng. Lần này cũng vậy, Tập Cận Bình đã dập tắt các cuộc biểu tình có thể nhìn thấy được. Địa vị của ông hoàn toàn vững chắc. Kể từ đại hội đảng, chỉ có những người theo ông ta còn trụ vững trên ghế lãnh đạo. Ông ta cũng đã làm trong sạch bộ máy an ninh. Người dân, đặc biệt là giới trẻ đã quá mệt mỏi với sự quấy rối, gây khó do các quyết định về phong tỏa, cách ly vì corona và các hạn chế trên Internet. Sau những buổi biểu tình ôn hòa dương cao tờ giấy trắng ở nhiều trường đại học nay chính quyền vin cớ bảo vệ sinh viên khỏi corona đã cho học sinh sinh viên nghỉ học sớm. Nhưng ngọn lửa đã bùng phát không dễ gì có thể dập tắt hoàn toàn. Nguyễn Xuân Hoài (Lược dịch)
......

Phần Lan kêu gọi cắt giảm phụ thuộc vào các chế độ độc tài

Timothy Trinh    Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin kêu gọi các quốc gia dân chủ có cùng chí hướng nên cắt giảm sự phụ thuộc vào các chế độ độc tài.   Phát biểu trước Viện Lowy ở Sydney vào hôm thứ Sáu (2/12), bà Marin cho rằng châu Âu cần phải xây dựng khả năng phòng thủ của riêng mình sau cuộc chiến ở Ukraine.   “Chúng tôi nên đảm bảo rằng chúng tôi mạnh mẽ hơn,” bà nói. “Và tôi thành thật một cách tàn nhẫn khi nói, châu Âu không đủ mạnh ngay bây giờ. Chúng tôi sẽ gặp rắc rối nếu không có Hoa Kỳ tham gia vào Ukraine."   Bà khẳng định Ukraine phải nhận được "bất cứ thứ gì" để giành chiến thắng, và đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ đã đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp cho Kyiv vũ khí, tài chính và viện trợ nhân đạo cần thiết để ngăn bước tiến của Nga.   Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Trung Quốc trong việc “kiềm chế Nga”, bà Marin nhận xét rằng mặc dù Trung Quốc có thể đóng một vai trò nào đó, nhưng “chúng ta không nên chỉ dựa vào đó.”   Bà cảnh báo “đây là lúc để ngừng ngây thơ, kể cả khi nói đến Trung Quốc”, khẳng định điều cần thiết là các quốc gia dân chủ phải giảm sự phụ thuộc về công nghệ và năng lượng vào các chế độ độc tài.   Điều này không có nghĩa là “chúng ta đóng tất cả các cửa ra vào và cửa sổ” giao dịch với Trung Quốc. Bà nói rằng Bắc Kinh vẫn là một đối tác quan trọng trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nhưng điều quan trọng là các nước dân chủ phải có “quyền tự chủ chiến lược” trong các lĩnh vực quan trọng.   “Tất cả chúng ta đều lo lắng về Trung Quốc và chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta không có những sự phụ thuộc quan trọng đó khi nói đến Trung Quốc.”   Theo nhận xét của bà, nước Úc đang thể hiện mình là một giải pháp thay thế để giúp các ngành công nghiệp toàn cầu làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng như lithium và đất hiếm, những thứ cần thiết để sản xuất xe điện.   Bà Marin đã gặp Thủ tướng Úc Anthony Albanese hôm thứ Sáu, thảo luận về thỏa thuận thương mại tự do của EU với Úc.   Phần Lan, có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga, đã trải qua hai cuộc chiến tranh chống lại Nga vào những năm 1940 trong đó khoảng 100.000 người Phần Lan đã bị thiệt mạng.   Dân số Phần Lan hiện nay có hơn 5,5 triệu người, với quân số thời chiến là 280.000 binh sĩ và 870.000 người được huấn luyện làm quân nhân dự bị.   Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5, đang chờ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phê chuẩn các yêu cầu của họ, vốn đã được chấp thuận bởi 28 quốc gia thành viên khác trong liên minh.   Phần Lan chi 2% tổng sản lượng GDP cho quốc phòng, một tỷ lệ cao hơn so với hầu hết các thành viên NATO./.   Người Đà Lạt Xưa    
......

Merkel có lỗi để Nga gây chiến với Ukraina ?

Ảnh minh họa : Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) tiếp thủ tướng Đức Angela Merkel (P) tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 20/08/2021. AP Thu Hằng  - RFI Chuyến công du Washington của tổng thống Pháp là chủ đề được tất cả các báo đề cập ngày 02/12/2022. Tuy nhiên, trang nhất các báo lại chú ý đến thời sự Pháp : « cắt điện, nỗi sợ lớn vào tháng Giêng » trên Le Figaro, « báo động về giá cả tăng mạnh ở các siêu thị lớn » trên Le Monde. Hai nhật báo Le Figaro và Libération chú ý đến cuộc đua giành chức chủ tịch đảng cánh hữu Những người Cộng hòa. Riêng La Croix quan tâm đến chủ đề văn hóa, nói về « Louvre-Lens, một bảo tàng dấn thân », sau 10 năm thành lập, đã thu hút được một lượng công chúng trước đó không quan tâm đến văn hóa và thực hiện sứ mệnh công ích xã hội. Cựu thủ tướng Đức Merkel đã có thể giúp Ukraina tránh bị Nga xâm lược ? Chiến tranh ở Ukraina tiếp tục là chủ đề thời sự quốc tế chính của các báo. Nhật báo Le Monde đã phỏng vấn thứ trưởng Ngoại Giao Ukraina Andrij Melnyk, trước làm đại sứ ở Đức, về chính sách của Berlin với Kiev. Ông đánh giá cao tình tương ái của người Đức mà Ukraina từng sợ rằng « khủng hoảng năng lượng sẽ làm xẹp đi », vì theo ông « đa số người dân Đức hiểu rằng Putin không chỉ tìm cách hủy hoại chúng tôi, người dân Ukraina, mà cả châu Âu và xa hơn là toàn bộ cộng đồng phương Tây với những giá trị mà ông Putin muốn biến thành tro bụi ». Tuy nhiên, đối với chính phủ, ông thấy « Berlin « thiếu ý chí chính trị » trong việc giao vũ khí cho Kiev ». Trong giai đoạn làm đại sứ ở Đức, ông đã không ngừng vận động để Berlin, từ đầu cuộc chiến chỉ muốn giao 5.000 mũ bảo hiểm, đã chuyển cho Kiev rất nhiều vũ khí, khí tài hiện đại (súng cối Pzh-2000, xe tăng Gepard, hệ thống phòng không IRIS-T ba ngày trước khi ông rời chức vụ, máy phát điện). Nhưng Berlin vẫn từ chối giao xe tăng chiến đấu Leopard 2 do « sợ leo thang căng thẳng », một lý do mà thứ trưởng Ngoại Giao Ukraina thấy « bí hiểm ». Ông Andrij Melnyk không đồng tình với những phát biểu của cựu thủ tướng Đức Angela Merkel khi bà khẳng định không hề hối tiếc về những lựa chọn của bà đối với Nga. Ngày 30/11/2022, Đức công nhận « Holodomor » (nạn đói do chế độ Stalin gây ra năm 1932-1933). Theo ông Andrij Melnyk, nếu Berlin công nhận nạn đói này sớm hơn, như vào năm 2019 khi Quốc Hội Đức nhận được bản kiến nghị có hơn 70.000 chữ ký song bị « liên minh » của thủ tướng Merkel phớt lờ, thì có lẽ Berlin cũng công nhận kế hoạch diệt chủng của Vladimir Putin đối với người dân Ukraina và như vậy, có thể đã tránh được cuộc chiến man rợ này. Đáp lại phát biểu của bà Merkel cho rằng thỏa thuận Minsk năm 2015 đã giúp Kiev có thời gian tái vũ trang, thứ trưởng Ngoại Giao Ukraina đánh giá « lời biện bạch đó, giống như chính sách « xoa dịu » của thủ tướng Anh Chamberlain năm 1938, là phi lý và vô liêm sỉ ». Theo ông, rất nhiều lý do giải thích cho thái độ hòa hoãn của bà Merkel với tổng thống Nga : « Trước tiên là lý do lịch sử, liên quan đến kí ức Thế Chiến II và cảm giác tội lỗi (nhưng lầm) mà Berlin thể hiện với Nga. Tiếp theo là lý do kinh tế mà mọi người đều biết. Cuối cùng là lý do văn hóa. Cho đến đầu cuộc chiến, Đức vẫn xếp người Ukraina trong cùng cánh văn hóa với Nga. Nói chung, tất cả chúng tôi là người Slave. Thế nhưng, ít nhất là từ cuộc cách mạng Maidan năm 2014, người Ukraina, không chỉ người dân ở miền tây, mà còn cả ở miền đông và miền nam, đã chọn một con đường khác, con đường của châu Âu. Dù rất nhiều người nói tiếng Nga, nhưng họ chiến đấu chống Nga với tinh thần quyết tâm không lay chuyển ». Ông Andrij Melnyk cho rằng sẽ có hòa giải trong tương lai nếu thỏa mãn được 6 điều kiện của Kiev : Nga phải chấm dứt cuộc chiến, rút hết quân khỏi tất cả các vùng chiếm đóng trái phép, kể cả bán đảo Crimée ; Matxcơva phải trả vài tỉ euro sửa chữa tội ác của họ và tái thiết Ukraina ; tất cả tội phạm chiến tranh Nga phải bị đưa ra xét xử ; Nga phải phi vũ trang và phi hạt nhân để không còn khả năng tấn công Ukraina ; xã hội Nga phải chữa khỏi mọi tham vọng bá quyền ; người Nga phải xin lỗi Ukraina. Tuy nhiên, ông thừa nhận « nói thẳng ra, việc đó sẽ mất đến vài thập niên ». Tại sao lại lập một tòa án đặc biệt tại Ukraina ?  Về việc xét xử tội phạm chiến tranh và những tội ác do Nga gây ra tại Ukraina, ngày 30/11, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu ủng hộ lập một tòa án đặc biệt. Nhật báo Công giáo La Croix có bài giải thích « Tại sao lại lập một tòa án đặc biệt tại Ukraina ? » Ủy Ban Châu Âu đưa ra hai đề xuất : hoặc là một tòa án quốc tế đặc biệt, dựa trên một hiệp ước đa phương ; hoặc một tòa án hỗn hợp gồm các thẩm phán quốc gia và quốc tế. Cả hai trường hợp đều cần « sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc ». Ủy Ban giải thích : « tội xâm lược - một tội do các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao vi phạm - không thể bị Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) truy tố » vì Nga không ký hiệp ước Roma thành lập CPI. Điều 8 bis của hiệp ước Roma định nghĩa « tội xâm lược » giống khái niệm « tội ác chống hòa bình ». Liệu đề xuất của Ủy Ban Châu Âu có tăng khả năng xét xử tổng thống Nga không ? Theo giải thích của La Croix, về lý thuyết là có, vì tội xâm lược là cáo trạng duy nhất, trực tiếp dẫn đến ông Putin và những cộng tác thân cận của ông. Về tội ác chiến tranh hay tội ác chống nhân loại do thẩm phán của CPI điều tra, quá trình quản lý và phân bổ trách nhiệm sẽ khó thiết lập hơn nhiều. Ngoài ra, còn phải vượt qua nhiều trở ngại thực tiễn, pháp luật và chính trị để lập một tòa án đặc biệt. Hơn 10 nước châu Âu ủng hộ đề xuất, nhưng chưa đủ để tòa án này mang tính chính đáng quốc tế. Trong khi những nước như Mỹ, Anh và Pháp lại sợ tạo một tiền lệ có thể sẽ hình sự hóa việc sử dụng vũ lực. Ủy Ban Châu Âu khuyến nghị nộp dự thảo lên Hội Đồng Bảo An. Trong trường hợp Nga phủ quyết, dự thảo sẽ được đưa ra thảo luận trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và không chắc sẽ có được ủng hộ. Ngoài ra, tổng thống, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Nga có thể nêu nguyên tắc miễn trừ truy tố của các nhà lãnh đạo đương nhiệm. Một khó khăn khác là làm thế nào bắt giữ các nhà lãnh đạo Nga bị cáo buộc ? Việc này cần đến quyết tâm chính trị của đội tân lãnh đạo tại Nga nếu có sự thay đổi chế độ ở Matxcơva, như trường hợp của Serbia trước đây. Dù có rất nhiều khó khăn, dự án này có hai lợi ích cho Kiev : hối thúc Tòa án Hình sự Quốc tế đẩy mạnh các cuộc điều tra tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại và mang lại sự thay đổi ở Nga. Theo luật sư Philippe Sands, được La Croix trích dẫn, « việc này có thể khiến một số thành viên thân cận của ông Putin rút lui để tránh bị điều tra hoặc bị kết tội. Điều đó đã xảy ra năm 1945 với việc thành lập tòa án Nuremberg. Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Phát xít Đức đã bắt đầu hợp tác với quân đồng minh để tránh bị truy tố ». Putin so găng với Ủy ban Thế vận Quốc tế Tổng thống Putin đang sử dụng một nhân vật thân cận để so gang với Ủy ban Thế vận Quốc tế(IOC) sau tai tiếng « doping cấp Nhà nước » bị phát giác trong Thế vận hội Sotchi. Quá trình thăng tiến của Umar Kremlev, 40 tuổi, được nhật báo Le Monde miêu tả trong bài « điện Kremlin trên võ đài ». Từ quá khứ bất hảo (bị kết án có « hành vi bạo lực » năm 2004 và 2006), cựu vận động viên đấm bốc làm giầu trong ngành taxi, xây dựng và an ninh và nổi tiếng có quan hệ gần gũi nhóm xe mô tô yêu nước « Sói đêm ». Là một người trung thành với ông Putin, được trao Huân chương Thánh Georgy (huân chương quân sự cao nhất của Liên bang Nga), Umar Kremlev làm chủ tịch Liên đoàn đấm bốc nghiệp dư quốc tế (IBA) từ năm 2020. Đây là liên đoàn thể thao quốc tế duy nhất mà Nga còn điều hành. Tổng thống Putin muốn dùng IBA phục vụ mục đích cá nhân : thách thức Ủy ban Thế vận Quốc tế và tỉ thí từ xa với chủ tịch Thomas Bach nhằm trả đũa IOC trừng phạt Nga. Theo Le Monde, quản lý đấm bốc nghiệp dư trở thành « của trời cho » đối với quyền lực mềm và là công cụ gây ảnh hưởng của Nga trên thế giới Nga bắt trẻ em và trẻ mồ côi Ukraina Tội ác chiến tranh của Nga được nhật báo Le Figaro nêu trong phóng sự xúc động : « Ở Kherson, nhiều bác sĩ phải cho trẻ sơ sinh thở bằng ống thở để cứu chúng khỏi yêu tinh Nga ». Từ giữa tháng 10, chỉ trong vài ngày, quân chiếm đóng đã tập hợp vài nghìn trẻ em Ukraina trong các trường học ở Kherson để đưa « đi nghỉ » bên kia sông Dnipro, nơi quân Nga rút lui. Hiện giờ, các em bị kẹt, bị chia cắt với gia đình vì chiến tranh. Nga hứa đưa các em về Ukraina « vào mùa xuân » nhưng các gia đình sẽ còn phải chờ rất lâu để Kiev và Matxcơva đạt được một thỏa thuận đoàn tụ gia đình. Ngoài ra, phóng sự cho biết nhiều trẻ mồ côi đã may mắn không bị bắt đi nhờ một số nhân viên trung tâm trẻ mồ côi giấu các em trong nhà, giả làm con của họ. Hoặc trường hợp của nhiều bác sĩ một bệnh viện đã cứu được 9 bé khi cho những bé này thở bằng ống thở để viện cớ sức khỏe yếu và ngăn quân Nga đưa các bé đi. Tình hình chiến sự căng thẳng và những khó khăn ở miền nam được Le Monde phản ánh trong phóng sự : « Ở Kherson, trong « vùng xám » sông Dnipro ». Lực lượng Ukraina và Nga đối đầu từ xa ở hai bên bờ sông. Một thành viên phản gián Ukraina cho đặc phái viên Le Monde biết : « Vượt sông Dniepro là cả một vấn đề với họ cũng như chúng tôi, nhưng ở mức độ khác nhau. Chúng tôi ở nhà mình, chúng tôi không cần cầu xin người dân trợ giúp. Họ thì có. Họ rời đi vì nguồn tiếp viện bị cắt. Họ buộc phải chuyển hàng hóa từ Crimée, trong khi chúng tôi được cung ứng dồi dào. Hơn nữa, chúng tôi cũng oanh kích liên tục hậu cần của họ bằng pháo Himars ». Theo một quân nhân khác, cả hai bên đều khó khăn trong vấn đề hậu cần : « Oanh kích các vị trí của họ (Nga) bên kia sông thì dễ, tiến hành các cuộc tấn công đêm bằng thuyền nhỏ, chúng tôi cũng đã làm. Vì thế, người Nga đã củng cố các tuyến phòng phủ theo các cấp, xa bờ sông Dnipro. Ngược lại, rất rủi ro nếu đổ bộ với vũ khí hạng nặng và sẽ bị bắn ngay lập tức ». Những biện pháp của Nga để lách cấm vận  Nhật báo Libération quan tâm đến « Những biện pháp của Nga để lách cấm vận » và bán dầu lửa cho nước thứ ba. Trước chiến tranh, Liên Hiệp Châu mua đến hơn một nửa tổng số dầu xuất khẩu của Nga, từ 2,5 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 01/2022 xuống còn hơn 1,4 triệu thùng vào tháng 10 để cắt nguồn thu của Nga phục vụ chiến tranh. Nhưng ba nước Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã mua 1,2 triệu thùng bù cho phần giảm này. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Richard Bronze của một văn phòng nghiên cứu thị trường năng lượng, ba nước này « không còn nhiều khả năng để tăng lượng nhập khẩu ». Ví dụ Ấn Độ khó có thể vượt mức 1 triệu thùng mỗi ngày « do có những hạn chế về kỹ thuật. Những nhà máy lọc dầu của Ấn Độ không được thiết kế cho loại dầu thô của Nga và có thể gây hư hại ». Chỉ mình Trung Quốc có thể nhập khẩu thêm, « nhưng chỉ khi nào nền kinh tế nước này được cải thiện và tăng nhu cầu về dầu lửa nhưng trường hợp này hiện chưa đến ». Dĩ nhiên còn có một số nước khác ở Trung Đông hoặc ở châu Á (Sri Lanka, Indonesia) có thể mua một khối lượng nào đó, tuy nhiên « rất khó cho Nga có thể tìm được các khách hàng mới và Nga sẽ còn phải giảm giá nhiều hơn » để thu hút khách hàng. Sức mạnh liên minh Mỹ - Liên Âu được thử nghiệm ở Washington « Chiến tranh Ukraina cho thấy sự liên kết hoàn hảo giữa hai đồng minh » Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ. Thế nhưng, hai bên còn rất nhiều bất đồng, đặc biệt là đạo luật chống lạm phát của Mỹ, ưu đãi cho chuyển đổi năng lượng, bị đánh giá là « rất hung hăng » và gây hại cho kinh tế của khối 27 nước. Theo xã luận của Le Monde, « chủ quyền của châu Âu được mang ra trắc nghiệm ở Washington » khi phân ích những thách thức trong chuyến công du cấp Nhà nước của tổng thống Pháp Emmnuel Macron. Xã luận của La Croix hoanh nghênh tổng thống Pháp tỏ ra cứng rắn với đồng nhiệm Mỹ khi cho rằng luật RIA « gây rạn nứt phương Tây ». Chính quyền của tổng thống Biden kêu gọi châu Âu gia tăng nỗ lực giúp Ukraina nhưng vờ quên rằng các nước châu Âu cũng đang phải trả giá cho cuộc chiến vì cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong khi đó, Mỹ sẵn sàng bán chất đốt cho châu Âu với giá gấp 4 lần so với giá thị trường nội địa. Một hành động mà La Croix đánh giá là « vô liêm sỉ » và cho rằng Mỹ đang áp dụng « luật của kẻ giàu hơn ». Thông qua chuyến công du của tổng thống Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng « Macron và Biden trắc nghiệm sức mạnh liên minh của họ ở Washington ». Le Figaro có nhận xét tương tự : « Tại Washington, tổng thống Pháp và Mỹ thể hiện sự vững chắc của liên minh cho dù vẫn có bất đồng ». Tuy nhiên, theo nhật báo thiên hữu « Macron và Biden, tình hữu nghị căng thẳng ».  
......

Pages