Mật vụ Nga theo dõi binh sĩ Ukraine huấn luyện ở Đức

Timothy Trinh    Cơ quan phản gián quân sự của Đức, Militärischer Abschirmdienst, có "dấu hiệu" cho thấy mật vụ Nga đã theo dõi các binh sĩ Ukraine đang ở Đức để được đào tạo về vũ khí phương Tây, tạp chí Spiegel đưa tin hôm thứ Sáu. Sau khi bắt đầu khóa huấn luyện tại hai địa điểm quân sự, Idar-Oberstein ở Rhineland-Palatinate và Grafenwöhr ở Bavaria, phản gián quân đội Đức đã phát hiện ra các máy bay không người lái và các phương tiện khả nghi có thể quan sát các doanh trại nơi các tân binh Ukraine đang được huấn luyện. Các nguồn tin an ninh cũng cho rằng Nga có thể sử dụng thiết bị viễn thông đặc biệt trong nỗ lực truy cập dữ liệu điện thoại di động của binh sĩ Ukraine. Idar-Oberstein là nơi các lực lượng Bundeswehr của Đức đang huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000. Trong cùng lúc, Grafenwöhr là địa điểm mà các lực lượng Hoa Kỳ đang huấn luyện cho binh sĩ Ukraine về các hệ thống pháo cơ động và lựu pháo tự hành M109 của Mỹ. Thủ tướng Olaf Scholz đã đến thăm các binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện sử dụng xe tăng Gepard của Đức vào hôm thứ Năm tại một địa điểm ở phía bắc của bang Schleswig-Holstein, bày tỏ sự ngưỡng mộ về "lòng dũng cảm" của họ. "Cộng hòa Liên bang Đức muốn đảm bảo rằng những người lính Ukraine có được sự hỗ trợ mà họ cần", ông Scholz nói.   Người Đà Lạt Xưa  
......

Ai giết người giữa Moscow?

Ngô Nhân Dụng - VOA Putin là phù thủy, đám lãnh đạo FSB và GRU đóng vai âm binh. Bây giờ không biết phù thủy chỉ huy âm binh hay chính âm binh nắm đầu phù thủy! Cô Darya Dugina đang lái xe trong một khu sang trọng ở Moscow thì bị phát nổ. Thủ phạm có thể nhắm giết cha cô, nhưng hai bố con đã đổi xe cho nhau. Cả hai người đều ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng cô Darya chỉ làm đài truyền hình, ông Aleksandr Dugin, 60 tuổi, mới là một “lý thuyết gia” của chủ trương dân tộc cực đoan. Ai có khả năng giết cô Dugina giữa thủ đô nước Nga? Ilya Ponomarev, một cựu dân biểu Nga đang tị nạn ở Ukraine, nói đã nhận được một bản tuyên cáo của một nhóm người chống Putin, mang tên Đạo Quân Cộng Hòa (NRA), nói rằng họ chủ mưu vụ ám sát. Chưa ai biết đến nhóm này bao giờ. Ai dựng lên một nhóm như vậy trong một xã hội hoàn toàn do công an kiểm soát? Đám tang cô Darya Dugina được trực tiếp truyền hình cho cả nước Nga coi, cô được mô tả như một “thánh tử đạo” chết vì tổ quốc và Chính Thống Giáo. Sau khi cô Dugina chết một ngày, cơ quan FSB, hậu thân của công an mật vụ KGB, nói họ biết chính phủ Ukraine chủ mưu vụ ám sát. Nhưng không ai tin. KGB nêu danh thủ phạm là Natalya Vovk, một phụ nữ Ukraine. Bà Vovk đã đem một cô con gái 12 tuổi vào nước Nga, đến thuê phòng ở cùng một cao ốc với nạn nhân. FSB cho biết bà Vovk lái một chiếc xe Mini Cooper, chở con, đi theo sau xe cô Dugina, điều khiển từ xa cho bom nổ rồi đem con rời khỏi Nga ngay lập tức. Họ công bố những video cảnh bà Vovk lái xe vào nước Nga và lúc đi qua biên giới qua Estonia để về nước. Họ còn trưng ra một tấm thẻ chứng minh bà Vovk là hội viên một tổ chức ái quốc của Ukraine. Bản tin của FSB mang rất nhiều lỗ hổng. FSB trưng hình ảnh và phim về hai mẹ con bà Vovk trong thời gian đang sống ở Moscow, lúc lái chiếc xe Cooper ra vào tòa cao ốc; chứng tỏ họ đã theo dõi bà từ lâu. Họ trưng cả hình ảnh mẹ con bà Vovk dự buổi lễ hội âm nhạc với cha con cô Dugina, trước khi lái xe theo hai người; nhưng khuôn mặt bà tỏ ra rất thản nhiên, điềm tĩnh. FSB biết bà lái xe đi sau xe cô Dugina. Tại sao sau khi bom nổ họ không bắt bà, hỏi cung, điều tra ngay lập tức? Từ Moscow tới biên giới Estonia xa 800 cây số, bà Vovk có chạy lẹ cũng mất nửa ngày, vì đường xá ở Nga không tốt lắm. Nếu họ phản ứng chậm thì vẫn có thể chặn bắt bà trước khi rời khỏi Nga! Điểm khó tin nhất là: Có người đàn bà nào mưu tính giết người bằng cách cho bom nổ trong chiếc xe đi phía trước mình, mà lại chở theo con gái mới 12 tuổi? FSB còn nói chính phủ Ukraine, hoặc một người yêu nước như Natalya Vovk, có nhiều lý do muốn giết ông Aleksandr Dugin. Cách giải thích cũng không đáng tin. Người Ukraine chắc chắn ghét cô Darya và ông Dugin. Hai bố con nhiệt liệt ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraine của Putin. Cô Dugina từng nói trên đài TV rằng những hình ảnh hơn 500 thường dân Ukraine bị quân Nga sát hại ở thị xã Bucha là bịa đặt, dàn dựng. Ông Dugin viết sách, chủ trương rằng vận mệnh của dân tộc Nga là thống trị cả miền đất giữa châu Âu và châu Á. Đó là bước đầu tiên để sắc tộc Slavic, da trắng và theo Chính Thống Giáo làm chủ cả thế giới, trong lúc Âu châu và Mỹ đang lụn bại. Trong kế hoạch đó, trước hết Nga phải chiếm Ukraine, vì thành phố Kyiv là nơi khai sinh Cơ Đốc Giáo của sắc tộc Slavic. Bộ tham mưu quân đội Nga đã yêu cầu quân sĩ phải đọc sách của Aleksandr Dugin. Vì thế, theo FSB, chính phủ Ukraine mưu sát ông Dugin, giết nhầm cô con gái. Nhưng ở nước Nga có hàng trăm ngàn “lý thuyết gia” cực đoan như Aleksandr Dugin. Nếu Ukraine muốn giết một người như ông ta thì nhiều mục tiêu quá, họ sẽ không biết chọn ai! Vladimir Putin chắc chắn không cần đọc Aleksandr Dugin mới tính chuyện đánh chiếm Ukraine. Văn hào Soljenytsin đã từng đề cao sứ mạng cứu thế của dân tộc Nga và Chính Thống Giáo, mặc dù ông không chủ trương dùng bạo lực. Dugin không làm việc cho chính phủ, không đóng một vai trò nào trong cuộc chiến Ukraine, mà cũng không cổ võ mạnh bằng hàng ngàn nhà báo phục vụ Putin. Có lần Aleksandr Dugin còn chỉ trích Putin không tàn nhẫn đủ để xây dựng đế quốc. Chưa ai thấy Dugin gặp Putin bao giờ, mà chắc Putin cũng không để ý đến ông ta. Vậy ai có thể ra tay giết cô Darya Dugina giữa thủ đô nước Nga? Dân Ukraine biết. Theo đài BBC, ông Oleksiy Danilov, Thư ký hội đồng quốc phòng chính phủ Ukraine, nói rằng “Vụ này là do FSB. Họ muốn kích thích tự ái dân tộc của người Nga để họ ủng hộ tiếp tục chiến tranh đánh Ukraine... Lính của chúng tôi bận quá nhiều việc phải làm rồi.” FSB giết người không khó khăn gì, cũng như KGB thời cộng sản. Putin và chế độ cộng sản đẻ ra ông ta dựa trên công an mật vụ. Công an biết rằng “Đảng còn thì mình còn.” Chế độ cũng biết rằng mất KGB là sẽ sụp đổ, như đã xảy ra năm 1991. Chế độ cho KGB và FSB quyền hành không giới hạn. Chỉ đám người đó mới dám giết người dễ dàng như phủi tay, theo lối Trần Quốc Hoàn thủ tiêu cô Nông Thị Xuân, như nhà văn Vũ Thư Hiên kể trong cuốn Đêm Giữa Ban Ngày. FSB đã ra tay nhiều lần. Tháng Hai năm 2015, Boris Nemtsov, nhà chính trị đối lập đang đi qua cầu Bolshoy Moskvoretsky gần điện Kremlin thì bị bốn người cùng bắn. Trước đó, ông mới kêu gọi dân biểu tình chống Putin. Ông chết khi trúng tám phát đạn, nhưng người bạn gái đi cùng ông không hề hấn gì, chứng tỏ bọn sát thủ là dân chuyên nghiệp. Từ khi ông Vladimir Putin cầm quyền năm 2000, hàng trăm nhà báo đã bị giết một cách bí ẩn. Tháng Hai năm 2000, Vladimir Yatsina, phóng viên nhiếp ảnh của ITAR-TASS bị bắt cóc và bị giết; sau khi cô viết về tội ác của quân Nga ở Chechnya. Gần đây nhất, ký giả Maksim Borodin rớt từ cửa sổ xuống đường ngày 12 tháng Tư năm 2018. Ông chuyên điều tra các vụ tham nhũng và đã viết về những nhóm lính đánh thuê của Nga tại Syria trước khi chết. Công an nói ông Borodin tự sát, không ai tin. FSB đã giúp Vladimir Putin tiêu diệt những người đối lập, kể từ các nhà báo loan tin không đúng ý nhà nước. Andrei Kolesnikov, một nhà nghiên cứu chính trị ở Moscow, đoán có hai lý do khiến người ta gây ra một vụ ám sát giữa thủ đô, ông nói với đài NBC: Họ gây chấn động để thúc đẩy Putin đánh Ukraine tàn bạo hơn; hoặc tạo cơ hội cho Putin thanh trừng những người dân chống đối một cách tàn nhẫn hơn, nhất là khi dân Nga bất mãn vì kinh tế suy sụp. Hai loại người đáng nghi trên có thể nằm trong đầu não công an và tình báo Nga. Vladimir Putin chuẩn bị tấn công Ukraine trong mấy năm trời, đều dựa trên báo cáo của FSB. Cơ quan An ninh Quân đội GRU chỉ phụ họa. Họ báo cáo rằng chính phủ Ukraine sẽ sụp đổ trong mấy ngày; và dân Ukraine sẽ cầm hoa đón chào quân Nga. Theo báo Washington Post ngày 19 tháng 8, 2022, một tuần trước khi quân Nga đánh, Igor Kovalenko, quan chức FSB phụ trách về Ukraine, đã chọn sẵn chỗ mình sẽ ở, khi chiếm được thủ đô Kyiv. Kovalenko điện cho tay nằm vùng ở căn hộ đó, bảo hãy đi chỗ khác và nhớ để lại chìa khóa. Sáu tháng sau, Vladimir Putin thấy sự thật, dân Ukraine quyết bảo vệ tổ quốc và quân Nga đang sa lầy trong một cuộc chiến không thể nào thắng, Putin vẫn chưa dám cách chức những người cầm đầu FSB hay GRU. Putin là phù thủy, đám lãnh đạo FSB và GRU đóng vai âm binh. Bây giờ không biết phù thủy chỉ huy âm binh hay chính âm binh nắm đầu phù thủy! NND
......

Lật đổ chế độ Putin bằng bất kỳ giá nào

Von Pavel Lokshin – Welt   Nguyễn Xuân Hoài Ilja Ponomarjow kẻ thù không đội trời chung với Putin Một nhóm kháng chiến quốc gia chưa từng được biết đến ở Nga tuyên bố chịu trách nhiệm về việc giết chết con gái của Alexander Dugin. Nhóm này kêu gọi các phe phái đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ Putin. Phó cựu chủ tịch Duma, Ilya Ponomarev đại diện cho nhóm này đã lên tiếng. Ông là người duy nhất bỏ phiếu chống lại việc sáp nhập Crime. Tháng 8 được coi là tháng đen tối trong đời sống chính trị ở nước Nga. Trong tháng 8, theo mê tín chính trị, từ nhiều năm nay đã xẩy ra nhiều sự kiện quan trọng như : âm mưu đảo chính năm 1991, cuộc xâm lược của Nga vào Gruzia năm 2008, hay vụ đầu độc nhân vật đối lập nổi tiếng nhất của nước Nga là Alexei Navalny, năm 2020. Tháng 8 năm 2022 dường như đã minh chứng cho huyền thoại này. Các sự kiện trong hai ngày qua có thể sẽ dẫn đến sự thay đổi ở nước Nga. Một nhà hoạt động cực đoan cánh hữu trẻ tuổi đã bị sát hại không xa Moscow hôm thứ bẩy: Darja Dugina, cô này được biết đến với tư cách là khách mời trong trường quay của các đài truyền hình nhà nước. Cô ấy đã trở thành nạn nhân của một trái bom gắn trên xe ô tô của mình. Cuộc tấn công thực ra là nhắm vào cha cô, nhà tư tưởng tân phát xít Alexander Dugin, người chủ trương chiến tranh tổng lực chống lại Ukraine và ước mơ về một đế chế Âu-Á rộng lớn. Một số nhà quan sát ở phương Tây coi ông là nguồn cảm hứng quan trọng cho Điện Kremlin. Trên thực tế, ảnh hưởng của ông đối với nhà cầm quyền Nga, Vladimir Putin, thực ra có thể là rất nhỏ. Dugin có nhiều khả năng là người giữ liên lạc với các phần tử cực hữu ở châu Âu, ví dụ như với Lega của Ý hoặc AfD của Đức, thay mặt cho các cơ quan mật vụ Nga. Dugin được coi là người bảo vệ nhà tài phiệt Chính thống giáo Nga Konstantin Malofeev, người trung thành với Putin và là người tài trợ cho các tiểu đoàn tình nguyện trong cuộc chiến Ukraine của Putin. Rất nhanh chóng nảy sinh một loạt suy đoán, ai là người đứng đàng sau vụ đánh bom này: cơ quan mật vụ Ukraine? Cơ quan tình báo nội địa của Nga, FSB, nhằm tạo cớ cho các cuộc trả đũa hoặc leo thang chiến tranh. Cũng có thể để tạo cớ cho tổng động viên ? Hay do đối thủ của Dugin là Malofeev? Kiew đã chính thức phủ nhận trách nhiệm về cái chết của Dugina, và truyền thông nhà nước Nga ban đầu cũng không khẳng định kẻ gây tội ác. Video thú nhận vụ tấn công là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh du kích Hôm chủ nhật xẩy ra một “vụ nổ” gây chấn động: "Quân đội Cộng hòa Quốc gia", một tổ chức ngầm chưa được biết đến đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ đánh bom nhằm lật đổ Putin này. Ông chủ Điện Kremlin bị gọi là "kẻ soán ngôi" và "tội phạm chiến tranh". “Quân đội” tuyên chiến với bộ máy tuyên truyền và các quan chức của nó, từ cảnh sát đến quan chức chính phủ. Theo “quân đội”, ngay cả những doanh nhân trung thành với Putin cũng không còn cảm thấy được an toàn. Mọi người đều đang ở trong làn đạn, mọi người đều có thể là kẻ tiếp theo. Điều này xuất hiện trong một tuyên bố mà nhóm đã công bố trên kênh Telegram có tên "Rospartisan", cho đến nay đã xử lý các vụ phá hoại các cơ sở hậu cần chiến tranh của Nga, chẳng hạn như các cuộc tấn công vào các tuyến đường sắt. Ngôn ngữ của tuyên bố này giống như một tấm chăn chắp vá về ý thức hệ: đề cập đến “các dân tộc anh em”, về sự cần thiết phải loại bỏ nước Nga khỏi "rác rưởi" và về một tương lai tự do cho nước Nga xanh và trắng, nơi không có chỗ cho bọn trùm tài phiệt, tham nhũng và đói nghèo. Việc các thành viên của phe đối lập dùng biện pháp ám sát vì mục tiêu chính trị là một bước ngoặt trong lịch sử đương đại của Nga . Trong hơn 20 năm cầm quyền của Putin, các thành viên phe đối lập tránh xa mọi hình thức bạo lực chính trị. Trọng tâm cuộc đấu tranh là các hành động ôn hòa, đòi xây dựng nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên điều này trong những năm gần đây đã trở thành chuyện hư cấu, viễn tưởng. Phe đối lập đã trở nên cực đoan hóa Người ta có thể cho rằng các bộ phận của phe đối lập Nga đã trở nên cực đoan vì cuộc chiến tranh ở Ukraine. Theo quan điểm của phe đối lập Nga, việc chuyển từ phá hoại tài sản, hủy hoại các tuyến đường sắt, sang ám sát vì động cơ chính trị là một chuyển biến rất lớn, đến mức người ta phải nghi ngờ về những tuyên bố của "quân đội cộng hòa" có tồn tại thực sự hay không. Tổ chức ngầm này có tồn tại không? Hay đây là một dự án của các cơ quan mật vụ Moscow nhằm biện minh cho một làn sóng đàn áp mới, hay thậm chí là chuẩn bị thực thi tổng động viên trong cuộc chiến chống Ukraine? Những câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, một phần cũng vì bộ máy tuyên truyền của nhà nước Nga vẫn chưa thể hiện quan điểm với tuyên bố của "quân đội". Nhân vật mà "quân đội" chọn làm người đại diện cho mình cũng gây ra nhiều nghi ngờ: Ilya Ponomaryov. Trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình February Morning , do chính ông này thành lập, Ilya Ponomaryov đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc chiến tranh hiện nay, ông ta cũng giải thích điều gì đằng sau vụ sát hại Dugina. Người đàn ông 47 tuổi xuất thân trong một gia đình giầu lòng yêu nước Nga-Xô Viết, ông nội của Ilya Ponomaryov từng là đại sứ Liên Xô tại Ba Lan. Bản thân Ponomaryov đã ngồi hai nhiệm kỳ trong Duma Quốc gia, là đại diện cho Đảng Cánh tả trung thành với nước Nga, trung thành với Điện Kremlin. Trong thời gian ở Duma, ông ta ủng hộ các luật đàn áp, cho phép nhà nước Nga kiểm duyệt internet cho đến tận ngày nay. Chỉ có ông này bỏ phiếu chống lại việc sáp nhập Crimea Năm 2014, ông là thành viên Duma duy nhất đã bỏ phiếu chống lại việc sáp nhập Crimea. Người dân Ukraine vẫn biết ơn Ponomaryov vì điều đó. Năm 2016, sau các cuộc điều tra chống lại Ponomaryov vì bị tình nghi liên quan đến biển thủ Quỹ Đổi mới Nhà nước Skolkovo, lúc đầu ông ta phải bỏ trốn sang Hoa Kỳ, nơi anh ta thành lập một công ty đầu tư, và sau đó đến Kiew. Vài năm trước, ông này muốn sản xuất khí đốt tự nhiên ở Biển Đen để “đánh bại Putin về mặt kinh tế”, như ông đã nói trong một cuộc phỏng vấn. Năm 2014 Ilja Ponomarjow là người đại diện cho người dân ở Nowosibirsk trong Duma Quốc gia Nga Ponomarev không thuộc hàng ngũ những người đứng đầu phe đối lập Nga, ông là người tự coi mình là một nhà hoạt động chính trị tự thân , người không né tránh các cuộc tiếp xúc với các đại diện chính quyền Putin. Khi tham gia vào làn sóng biểu tình phản đối ở Moscow năm 2011-2012, Ponomaryov đã được Phó Thủ tướng lúc bấy giờ và là người thân tín lâu năm của Putin là Vladislav Surkov bật đèn xanh, như ông này kể trong một cuộc phỏng vấn. Thật khó có thể tưởng tượng các chiến sỹ trong đội quân ngầm thực sự lại để cho một nhân vật đáng ngờ như thế này trong giới đối lập Nga, đại diện họ báo cáo về chiến công đầu tiên của mình. Cuối cùng, cuộc phỏng vấn của Ponomarev để lại nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ hơn là các câu trả lời. Các phản ứng chính thức từ Moscow có thể cho phép đưa ra kết luận ai là người thực sự chịu trách nhiệm về vụ này. Điều này không lâu nữa chắc chắn sẽ được sáng tỏ./.   Ảnh: Ilja Ponomarjow kẻ thù không đội trời chung với Putin; Năm 2014 Ilja Ponomarjow là người đại diện cho người dân ở Nowosibirsk trong Duma Quốc gia Nga  
......

Nhiều tin đồn khác nhau về vụ sát hại con gái của ”Bộ não Putin“

Focus.de Nguyễn Xuân Hoài   • Giữa Moscow xẩy ra vụ đánh bom ô tô, nạn nhân là Darja Dugina, con gái Alexander Dugin, kẻ được coi là "bộ óc của Putin". Vụ này hiện có nhiều điều bí ẩn, kẻ nào là thủ phạm? Tất cả đều chưa rõ ràng. • FOCUS online giới thiệu tổng quan về những gì đã biết và chưa biết. • Cái chết của Darja Dugina, con gái của nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, thuộc cánh hữu Alexander Dugin, đã gây ra nỗi kinh hoàng tột độ ở Nga - đặc biệt là đối với những người tuyên truyền chiến tranh xung quanh lãnh đạo Điện Kremlin Vladimir Putin. Chiếc xe chở cii gái 29 tuổi bốc cháy gần thủ đô Moscow sau khi một quả bom đặt trong xe phát nổ. • Vụ tấn công được cho là nhằm vào Dugin, người được coi là "bộ não" của Putin. Trên mạng XH đề cập đến các động cơ khác nhau có thể đứng sau cái chết của cô gái này. Những gì Focus đã biết - và chưa biết. • • Theo tờ “Guardian” của Anh, cựu phó Duma và nhà phê bình Putin Ilya Ponomarev đổ lỗi cho một phong trào ngầm của Nga, Quân đội Cộng hòa Quốc gia (NRA) là chủ mưu vụ tấn công. • • "Cuộc tấn công này mở ra một trang mới về sự phản kháng của người Nga đối với Putin," Ponomaryov tuyên bố trên TV. Theo ông, mục tiêu của NRA là lật đổ Putin. • • Tại Kyiv, Cố vấn Tổng thống Mykhailo Podoliak nhấn mạnh rằng Ukraine không liên quan gì đến vụ tấn công. Trên truyền hình, ông nói rằng sự cố này cũng có thể giúp Nga biện minh cho việc huy động quân cho chiến tranh. • • Ngoài ra, Podoljak nói, nhiều nhóm ở Nga đang kình chống nhau về lập trường và ý thức hệ đối với chính trường nước này. • • Chuyên gia Ruslan Trad viết trên Twitter rằng cuộc tấn công cũng có thể là một hành động trả thù của FSB. "Đặc biệt là kể từ khi Dugin, có tin đồn, đang nói với Putin rằng FSB phải chịu trách nhiệm về kết quả tồi tệ ở Ukraine." • • Bộ máy tuyên truyền nhà nước Nga vội vàng đổ lỗi vụ ám sát cho "những kẻ khủng bố Ukraine". Tuy nhiên, Sumlenny nghi ngờ điều này, lý do đơn giản Dugin không phải là một "gương mặt của chiến tranh". • • Sumlenny nêu một giả thuyết khác. Theo đó, Dugina thực sự là nạn nhân trong kế hoạch, cha cô là thủ phạm hoặc đối tượng của vụ giết người này. Cơ sở lý luận của ông: "Trong một bài báo năm 2020, Dugin viết các phần tử của tầng lớp ưu tú chỉ được lai tạo, nhân lên nhằm mục đích, để bị giết và hy sinh trong những thời điểm thử thách nhất định, để dành lại sự ủng hộ đãbị mai một trong xã hội." Nạn nhân • "Danh tính của người chết đã được làm rõ, đó là nhà báo và nhà khoa học chính trị Darya Dugina". • Darya Dugina, 29 tuổi, là một người ủng hộ nhiệt thành cho cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga. • Cô này có tên trong danh sách bị trừng phạt của Vương quốc Anh vì phát tán thông tin tuyên truyền và tin tức sai sự thật về chiến tranh, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông ở Moscow. • Gần đây nhất cô ta làm việc cho đài truyền hình nhà nước Nga RT. Tổng biên tập Margarita Simonyan đã lên án vụ tấn công: "Darya có thể đã trở thành một trong những người hình thành hệ tư tưởng dân tộc mới cho Nga". • Dugina là một "người yêu nước thực sự", Leonid Slutski, chính khách ngoại giao có tiếng của Nga than thở trên kênh tin tức Telegram. “Vụ giết Darja là man rợ. về cơ bản nó là một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào hệ tư tưởng và sự thống nhất của nước Nga.” Về người cha của nạn nhân Nhà tư tưởng người Nga Alexander Dugin. • Dugin có tên trong danh sách bị Mỹ trừng phạt, ông bị Mỹ đánh giá là bộ não đằng sau cuộc xâm lược Ukraine do Putin ra lệnh vào ngày 24 tháng 2. • Người đàn ông 60 tuổi công khai kêu gọi tiêu diệt Ukraine, như các nhà báo ở Kyiv đã đưa tin hôm Chủ nhật sau vụ nổ. • Dugin đã viết nhiều sách, được coi là một nhà thuyết giáo và nhà vận động chống phương Tây, tán dương ý tưởng về một siêu cường của người Slav. • Chuyên gia về Đông Âu Sergei Sumlenny mô tả Dugin trên Twitter là người "nổi tiếng". Tuy nhiên Dugin chưa bao giờ xuất hiện trong đội ngũ thân cận của Điện Kremlin. Tại hiện trường vụ án • Theo các nhà điều tra, chiếc xe của Dugina đã phát nổ vào tối thứ Bảy khi đang đi tới một khu chung cư ở ngoại ô Moscow. • Truyền thông Nga đưa tin Dugin và con gái đã tham dự lễ hội truyền thống yêu nước tối thứ bẩy. Dugin được công bố với tư cách là một diễn giả ở đó. Con gái của ông, người đi cùng ông, đậu xe trong một bãi đậu xe dành cho khách đặc biệt. Quả bom có thể đã được cài đặt ở đó. Có lẽ không có video giám sát. Theo giới truyền thông, hai cha con sau đó định cùng nhau rời đi. Nhưng ông bố Dugin sau đó vẫn ở lại. • Theo phát hiện ban đầu, một thiết bị nổ đãđược gắn trên xe và đã phát nổ. Phản ứng của Moscow? • Tổng biên tập RT Margarita Simonyan kêu gọi trả thù. Bà ta đã viết ba lần liên tiếp trên kênh tin tức đòi trả thù kẻ đã ra quyết định. Điều này làm người ta nhớ lại lời đe dọa của Moscow nhằm vào các trung tâm chỉ huy ở Kiew. • Rõ ràng vụ nổ sẽ không làm thay đổi tình hình ở Nga. Nhưng các nhà quan sát tin rằng làn sóng xung kích từ vụ đánh bom xe ít nhất đã làm rung chuyển cuộc sống của các nhà tuyên truyền, những người trước đây luôn nghĩ rằng chúng được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Việc sát hại một người ủng hộ công khai cuộc chiến chống Ukraine trên lãnh thổ Nga gần Moscow được coi là chưa từng có tiền lệ./.  
......

”Bách phát bách trúng“ – Ukraine nhận được của Đức 255 quả đạn siêu chính xác

Von Gerhard Hegmann – Welt Nguyễn Xuân Hoài   Chính phủ Đức đã chấp thuận chuyển giao "đạn Vulcano" cho Ukraine. Đạn chính xác có dẫn đường dùng cho pháo tự hành mở ra cơ hội chiến đấu mới cho Ukraine. Việc phê chuẩn này dường như cũng xác nhận một chiến lược phân phối vốn gây nhiều tranh cãi. Số lượng các loại chiến cụ cung cấp cho Ukraine có ghi cụ thể, tuy nhiên thời hạn giao hàng lại không đề cập. Đây là lần đầu tiên trong danh mục chuyển giao vũ khí có loại đạn pháo Vulcano có thể điều khiển. 255 quả đạn công nghệ cao sẽ được đưa thẳng từ nhà máy sản xuất tới Ukraine vào một thời điểm nào đó. Nói cách khác đây là một hoạt động xuất khẩu vũ khí kinh điển. Cho đến nay bản thân quân đội Đức chưa từng có loại đạn pháo đặc biệt này. Nhiều năm trước, một kỹ sư của Diehl Defense giải thích đây là "loại đạn pháo chính xác nhất thế giới". Nhóm công nghệ Nuermberg của Đức cùng tập đoàn vũ khí Leonardo của Ý đã phát triển loại đạn đặc biệt này có khả năng điều khiển này. Đạn Vulcano có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 70 đến 80 km với độ chính xác là 1 mét. Bên cạnh hệ thống phóng tên lửa di động Himar của Mỹ đã thu được nhiều thành công hết sức thuyết phục nay Ukraine lại có thêm một loại vũ khí nữa để tấn công chính xác chống lại quân đội Nga xâm lược. Mục tiêu nhắm bắn có thể là các kho đạn dược hoặc các tuyến đường tiếp tế. Khác với hệ thống của Mỹ, đạn Vulcano được bắn từ các loại pháo cỡ lớn, chẳng hạn như Panzerhaubitze 2000. Với đạn Vulcano, tầm bắn của lựu pháo xe tăng Đức thực tế sẽ tăng gấp đôi và đạt độ chính xác cao. Loại đạn do Đức –Ý hợp tác phát triển thuộc diện bách phát bách trúng do đó không cần nhiều về số lượng. Theo thông tin của Đức thì nước này cho đến nay đã chuyển giao cho Ukraine10.500 quả đạn pháo 155 ly, đúng cỡ nòng của Panzerhaubitz 2000. Tới Đây Đức sẽ giao tiếp 1.592 quả đạn pháo tiếp theo. Tuy nhiên, đây chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số đạn mà Ukraine đã bắn. Thay vì bắn theo kiểu vãi đạn có độ chính xác không cao Ukraine giờ đây nhận được viện trợ loại đạn có độ chính xác rất cao của Đức. Trong nhiều tuần qua, Mỹ cũng cung cấp đạn pháo dẫn đường chính xác kiểu Excalibur. Điểm đặc biệt của đạn Vulcano là cấu tạo kỹ thuật của nó. Mặc dù là đạn cỡ nòng 155 mm, nhưng đường kính của nó thực tế nhỏ hơn vì nó được bọc trong một cái vỏ tròn khi bắn. Nếu không có công nghệ này thì sẽ không thể thực hiện chế độ dẫn đường có độ chính xác cao. Do kích thước thực tế của quả đạn nhỏ hơn cho nên sức công phá của nó cũng thấp hơn so với loại đạn tiêu chuẩn 155 mm. Hiện vẫn chưa rõ liệu Ukraine có nhận được một biến thể Vulcano, biến thể này có chùm tia laser có thể được sử dụng để nhắm bắn các mục tiêu di động khi xe đang chạy việc điều hướng mục tiêu sẽ được thực hiện chủ yếu thông qua vệ tinh GPS cộng với cảm biến hồng ngoại. Theo thông tin từ ấn phẩm thương mại “Soldier & Technik”, Ukraine chỉ nhận được biến thể GPS. Giới chuyên gia tỏ ra khó hiểu trước các thông báo gần đây nhất của Đức. Matthias Wachter viết: “Vẫn chưa rõ tại sao việc xuất khẩu đạn pháo tầm xa cao cấp được chấp thuận, nhưng việc chuyển giao các xe tăng Leopard 1 và Marder cũ từ kho dự trữ lại không được phép hoặc tại sao các đơn hàng xuất khẩu không được xử lý.” Matthias Wachter là trưởng bộ phận tại Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức. „Người ta có cảm giác, Ukraine được cung cấp các loại vũ khí để tự vệ chứ không phải để dành lại các vùng lãnh thổ đã bị quân Nga chiếm đóng. Để giải phóng các vùng bị chiếm cần phải có xe tăng và xe bọc thép“./. Ảnh: Panzerhaubitze 2000: 255 quả đạn công nghệ cao „Vulcano“ vừa ra lò của Đức được chuyển thẳng cho Ukraine  
......

Nửa năm đổ nát tang thương cho một cuồng vọng?

Nguyen Khan Chỉ còn không đầy 3 ngày nữa tròn sáu tháng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina. Nga dự kiến đánh chiếm chóng vánh Kyiv trong vài ngày, nay đã nửa năm ? Nhắc nhớ câu danh ngôn nằm lòng thuở học trò: “ Sự học như con thuyền bơi dòng nước ngược, không tiến ắt sẽ lùi.” Ngày nay câu danh ngôn ấy không chỉ dành cho tuổi cắp sách. Bởi trong cuộc chiến xâm lược, kẻ xâm lược tìm đủ cách mà vẫn bị cầm chân không tiến lên đánh chiếm được lãnh thổ của nước bị xâm lược, thì cũng giống con thuyền bơi dòng nước ngược, không tiến ắt sẽ lùi, trước sau gì cũng mang đầu máu chạy về, chì chài mất hết. Tính đến lúc này, có vẻ Nga đang dậm chân tại chỗ sau 6 tháng hao người, tốn của, gây bao tan nát, đau thương, chết chóc… Để lại tiếng dữ ngàn đời, tiếng dữ về một loài ác quỷ tham lam núp trong cái gọi là Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina nhằm “phi quân sự hoá và phi phát xít hoá” Ukraina để hành ác! Sau hai tháng tung đạo quân mạnh thứ hai thế giới đánh chiếm Ukraina, quân Nga phải muối mặt tháo chạy khỏi chung quanh Kyiv và phía Bắc Ukraina gần biên giới Belarus, kéo đại quân về giữ Miền Nam và “giải phóng” cho bằng được Donbass. 4 tháng kế tiếp Nga tập trung đại quân giải phóng Donbass, nhưng chỉ chiếm được hai thành phố song sinh Severodonets và Lysychansk thuộc tỉnh Lugansk, đúng hơn là chiếm được hai thị trấn đổ nát không còn hòn gạch nào chồng lên hòn gạch nào. Thì nay, đến lượt Ukraina áp đặt chiến trận bằng những loại vũ khí hiện đại do Mỹ và phương Tây vừa viện trợ, trong đó đáng kể là phi đạn tìm diệt ra đa, chọc mù mắt phòng không quân Nga, và hỏa tiễn phóng loạt cơ động nhanh HIMARS đánh phá sở chỉ huy, đồn lính, kho đạn, kho nhiên liệu, hậu cần, tiếp liệu, cơ sở hạ tầng, cầu cống, đường giao thông… phía sau phòng tuyến quân Nga… Khiến quân Nga, không chỉ bị mù phòng không, mà còn bị rối loạn tiếp liệu, bất ổn hậu cần, thiếu hụt đạn dược và nhiên liệu, hoang mang không biết khi nào HIMARS tìm đến… Giờ phút này, nơi an toàn nhất của quân Nga từ đầu cuộc chiến, lại là nơi bất ổn nhất hiện nay. Không chỉ TP Kherson không còn bình yên, đang bị Ukraina phong tỏa, giải phóng Kherson chỉ còn là vấn đề trong ngắn hạn, mà ngay cả an toàn khu Crimea cũng đang bất ổn. Bởi chỉ tính riêng vụ nổ sân bay Saky hôm đầu tuần đã làm thiệt hại hơn phân nửa chiến đấu cơ của hạm đội Biển Đen, buộc quân Nga phải rút số phi cơ còn lại về Nga hoặc đến nơi thật xa tầm bắn của Ukraina. Bán đảo Crimea, thủ đô tiền phương của quân Nga đang rối loạn, gần như hoảng loạn vì nhiều vụ nổ liên tục xảy ra chưa biết khi nào dừng. Nga đang lo sợ cây cầu Kerch có thể là mục tiêu bị Ukraina tấn công trong những ngày tới. Chỉ còn không đầy 3 ngày nữa tròn 6 tháng Nga phát động đại chiến xâm lăng Ukraina, một thời gian quá dài cho tham vọng đánh chiếm chóng vánh Ukraina trong vài ngày, gây một sự thiệt hại nhân mạng, súng đạn và chiến cụ cho quân Nga lớn đến mức chưa từng có tính từ sau thế chiến II. Và sự thiệt hại ấy, tốn phí ấy, mất mát ấy, bao gồm cả mất mặt, mất uy tín, mất mối làm ăn, mất dự trữ ngoại hối … Chưa thể hình dung hết được, chỉ biết là hết sức kinh khủng… Để đến lúc này đây, sau 6 tháng bão lửa sân si, Nga đã bế tắc chiến lược hoàn toàn, phải đem cái ô hạt nhân ra dọa, lấy an nguy nhà máy điện nguyên tử Nga chiếm của Ukraina để gây áp lực, bắn tiếng Putin gặp Zelensky ở G20 Indonesia v.v… Thì đã rõ Putin không còn đủ sức chèo con thuyền chiến trên dòng nước ngược Ukraina./.
......

Dân biểu Julian Pahlke yểm trợ nhà hoạt động Hoàng Đức Bình

Bản dịch của VETO! Phóng viên trang mạng của Quốc hội liên bang Đức đã phỏng vấn Dân biểu Julian Pahlke về việc bảo trợ cho tù nhân chính trị Hoàng Đức Bình. Trong tuần đầu tiên sau ngày 27/08/2022 một bài phỏng vấn viết dưới dạng tường thuật đã xuất hiện trên trang chính của Quốc hội Liên bang Đức và sau đó có thể tìm thấy nơi trang của Uỷ Ban Nhân quyền và trang lưu trữ của Quốc hội.   Dân biểu Julian Pahlke yểm trợ một nhà hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam Dân biểu Julian Pahlke, 30 tuổi, thuộc khối Liên Minh 90 / Đảng Xanh là một trong những gương mặt mới trong Quốc Hội Liên Bang Đức. Điều được ông xem là đương nhiên đối với một dân biểu là việc dấn thân cho bảo vệ khí hậu và bảo vệ nhân quyền ở khắp nơi trên thế giới, cũng như cho những ai đang tranh đấu trong những lãnh vực này và vì thế đang phải gánh chịu nhiều khó khăn cho chính bản thân. Khi nhận nhiệm vụ đại diện cử tri, ông ý thức rất rõ rằng mình cần phải tham gia chương trình “Dân Biểu Bảo Vệ Dân Biểu”. Ông đã nhận bảo trợ cho nhà hoạt động bảo vệ môi trường và bảo vệ nhân quyền Hoàng Đức Bình tại Việt Nam. Ông Hoàng Đức Bình bị bắt vào tháng 5/2017 vì đã tường trình về thảm họa môi trường do một nhà máy luyện gang thép gây ra dọc bờ biển Việt Nam và chính thức bị cáo buộc các tội danh “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”. Đến tháng 8 cùng năm, bản cáo trạng được bổ túc thêm tội danh “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và ông Bình bị kết án 14 năm tù giam, chủ yếu vì ông đã phát trực tuyến trên mạng cuộc tuần hành phản đối nhà máy luyện gang thép Formosa của Đài Loan. Các tổ chức nhân quyền đã tường thuật về sự kiện này. Trong nhiệm khóa quốc hội trước, ông Hoàng Đức Bình đã được bà dân biểu Margarete Bause thuộc khối Liên Minh 90 / Đảng Xanh đưa vào chương trình bảo trợ. “Bảo vệ môi trường không phải là một tội phạm” Đảm nhận sự bảo trợ, dân biểu Julian Pahlke cũng đã kế thừa những mục tiêu dấn thân của dân biểu Margarete Bause. Ông nói: “Là người bảo trợ, tôi sẽ yểm trợ ông Bình cho đến khi ông ấy được trao trả tự do và phục hồi danh dự”. Vị dân biểu yêu cầu chính phủ Việt Nam hãy “trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện” cho ông Hoàng Đức Bình. Dân biểu Pahlke cũng bày tỏ mối quan ngại rằng nhà hoạt động Bình đã bị giam giữ suốt 5 năm nay và đó là “một thời gian dài mà khó ai có thể dễ dàng vượt qua được”. “Bảo vệ môi trường không phải là một tội phạm”, dân biểu Pahlke nhấn mạnh lại phương châm của vị tiền nhiệm. Ông có nhiều thiện cảm với sự dấn thân của ông Bình. Đối với ông, những nhà hoạt động vì môi trường có vai trò rất quan trọng. Cho dù chỉ là một thảm họa môi trường tại Việt Nam ở cách nước Đức thật xa, nhưng: “Rốt cuộc mọi thứ đều có liên quan và có trách nhiệm liên đới với nhau. Cuộc khủng hoảng về khí hậu và những vấn đề về môi trường đều không bị giới hạn trong biên giới của mỗi nước”. Dân biểu Pahlke giải thích về sự giúp đỡ mà mình dành cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình trên một bình diện rộng hơn: “Nếu muốn thay đổi những vấn đề về khí hậu và môi trường, chúng ta phải yểm trợ sự dấn thân của những người hoạt động trên khắp thế giới và cần hỗ trợ cho sự lớn mạnh của một xã hội dân sự ở mọi quốc gia. Tôi thấy mình có bổn phận phải theo dõi sát và yểm trợ cho một trường hợp như vậy”. Không quên những nhà hoạt động đang bị giam giữ Theo ông, Hoàng Đức Bình là một trong số rất nhiều tù nhân chính trị ở Việt Nam bị truy tố với các lý do ngụy tạo và bị giam giữ trong những điều kiện vô nhân đạo. Pahlke nhắc nhở không nên bỏ quên những nhà hoạt động bảo vệ môi trường và bảo vệ nhân quyền khác đang chịu sự truy bức gắt gao và không dung thứ, như trường hợp ông Bình. Do đó Chương trình “Dân Biểu Bảo Vệ Dân Biểu” không chỉ muốn khuyến khích người được bảo trợ giữ vững niềm tin mà còn là một công cụ tạo sự quan tâm và là một phương tiện để áp lực lên những người có trách nhiệm tại chỗ. Chương trình này có mục đích bênh vực các nạn nhân trước những kẻ đàn áp. Dân biểu Pahlke kể: “Tôi đang cố gắng kể về số phận của ông Bình với công luận Việt Nam và vận động giới truyền thông tường thuật để phơi bày trường hợp này”. Qua cuộc vận động, ông nhận thấy có một sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía báo chí. “Hiện có một luồng dư luận công khai về trường hợp này và những trường hợp tương tự như vậy tại Việt Nam”. Liên Hiệp Quốc khiển trách án quyết độc đoán Nhằm mục đích vận động chính phủ Hà Nội phải suy xét lại, cũng như để thông báo cho Việt Nam biết về quyết định bảo trợ của mình, dân biểu Pahlke viết thư cho Đại sứ quán Việt Nam. “Tôi đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam hãy trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho ông Bình, cũng như tôn trọng những quy ước tối thiểu của Liên Hiệp Quốc về việc đối xử với tù nhân hay còn gọi là Quy Ước Nelson Mandela”. Không phải chỉ có dân biểu Pahlke nhận định rằng, án quyết đối với ông Bình hoàn toàn xuất phát từ động cơ chính trị mà những tổ chức nhân quyền cũng đã lên án toàn bộ quá trình tố tụng, từ cáo trạng cho đến tuyên án và điều kiện giam giữ đã vi phạm những công ước của Liên Hiệp Quốc. Và chính Liên Hiệp Quốc, được đại diện bởi Nhóm Công Tác Chống Giam Giữ Độc Đoán (Working Group on Arbitrary Detention), cũng đã khiển trách việc giam giữ nhà hoạt động Hoàng Đức Bình là độc đoán. Dân biểu Pahlke yêu cầu Việt Nam phải thực thi những cam kết của mình về nhân quyền, trong đó có sự tôn trọng các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp như được qui định trong Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Trong vai trò là thành viên chính thức của các Ủy Ban Âu Châu, Uỷ Ban Nội Vụ và Quê Hương, và thành viên dự khuyết của Ủy Ban Nhân Quyền của Quốc Hội Liên Bang Đức, dân biểu Pahlke nhấn mạnh rằng bản án dành cho ông Bình không đáp ứng được những yêu cầu vừa nêu. Dân biểu Julian Pahlke yêu cầu cải thiện điều kiện giam giữ Ngoài yêu cầu chủ yếu về việc trao trả tự do vô điều kiện, dân biểu Pahlke còn ưu tiên chú ý đến việc cải thiện điều kiện giam giữ. Theo ông, nhà hoạt động Hoàng Đức Bình cũng như nhiều tù nhân chính trị khác tại Việt Nam đang bị giam giữ tại những nơi cách gia đình thật xa; sự liên lạc giữa họ và người thân bị giới hạn gắt gao. Vì từ chối không mặc quần áo tù theo quy định (của trại giam) nên ông Bình còn chịu thêm nhiều sự đàn áp khác nữa. Mặc dù sức khỏe đã có vấn đề từ lâu, nhưng ông vẫn không được điều trị y tế đúng mức. Cách giam giữ ông phải được xem như là một sự cô lập hoàn toàn. Gia đình ông Bình rất buồn bực về tình trạng này. Dân biểu Pahlke khẳng định: “Cách đối xử với ông Bình vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc căn bản của một nhà nước pháp quyền”. Bằng thái độ rõ ràng dứt khoát, ông phê phán hệ thống nhà nước Việt Nam luôn dùng mọi cách để đàn áp những người đối lập và hoạt động bảo vệ nhân quyền, cũng như lợi dụng những năm tháng tù để loại bỏ họ (ra khỏi xã hội). Liên lạc khó khăn Dân biểu Pahlke cho biết ông rất khó liên lạc với các nhà hoạt động tại Việt Nam. “Việc trao đổi với ông Bình cực kỳ khó khăn và chỉ có thể thực hiện bằng cách gián tiếp”. Ông giải thích thêm rằng các cuộc điện thoại hiếm khi xảy ra và thời gian nói chuyện cũng vô cùng bị giới hạn. Thư từ thường xuyên bị chặn lại. Qua tổ chức nhân quyền Veto!, dân biểu Pahlke có thể liên lạc với gia đình của nhà hoạt động Hoàng Đức Bình và đều đặn nhận được tin tức về tình trạng của ông ấy. Ông cũng nói rằng, hiện nay ông Bình đã biết đến sự bảo trợ của ông. Ngoài ra, ông cũng được bộ Ngoại Giao và Đại Sứ Quán Đức tại Việt Nam cập nhật thông tin. Vị dân biểu xuất thân từ miền ven biển phía Bắc nước Đức, là người từng có mặt trong những hoạt động dân sự nhằm cứu người tị nạn trên biển Địa Trung Hải trong những năm vừa qua, quả quyết rằng, ông sẽ kiên trì theo sát vụ này. Đối với những trường hợp như vậy, theo ông, người ta cần phải bền chí như khi phải khoan thủng những tấm gỗ dày cứng. Dân biểu Pahlke xem nhiệm vụ đương nhiên của một đại diện cử tri là tận dụng “vị trí ưu đãi được hưởng tự do và bảo vệ của một dân biểu Quốc Hội Liên Bang Đức” để lên tiếng về những đề tài và cho những trường hợp như vậy, cũng như để yểm trợ những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền như ông Bình. __________ Nguyên bản tiếng Đức: Julian Pahlke hilft vietnamesischem Umwelt­aktivisten – https://www.bundestag.de/dokumente/textarchiv/2022/kw30-psp-julian-pahlke-903132
......

Cái giá phương Tây phải trả nếu cắt cầu với Trung Quốc

Von Frank Stocker - Welt Nguyễn Xuân Hoài   Bắc Kinh tiếp tục tập trận đe dọa Đài Loan. Nếu Đài Loan bị tấn công, có thể làm cho quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây bị kết thúc. Các nhà kinh tế đã xem xét điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế và thị trường tài chính.   Quân đội Trung Quốc tiếp tục "luyện công". Lẽ ra các cuộc diễn tập quân sự xung quanh Đài Loan phải kết thúc hôm chủ nhật, nhưng theo truyền hình nhà nước Trung Quốc, tập trận vẫn đang diễn ra. "Quân Giải phóng Nhân dân TQ" tập trung vào "các hoạt động chung chống lại tàu ngầm và các cuộc tấn công trên biển". Một số nhà bình luận Trung Quốc thậm chí còn cho rằng các cuộc tập trận quân sự sẽ diễn ra thường xuyên và có thể trở thành một bình thường mới. Mối đe dọa thường trực về một cuộc chiến tranh thôn tính Đài Loan có thể hình thành.   Nếu Trung Quốc thực sự xâm lược Đài Loan, sẽ gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng trên toàn thế giới. Khi đó thế giới tự do có thể sẽ phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt tương tự như đối với Nga sau khi Moscow phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Kết quả sẽ là sự tách biệt kinh tế của phương Tây với Trung Quốc, với những hậu quả nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp ở Đức và thị trường chứng khoán.   Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Đức trước Hà Lan và Hoa Kỳ. Năm 2021 Đức nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trị giá 142,3 tỷ Euro, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc trị giá 103,7 tỷ Euro.   Gấp sáu lần cái giá phải trả vì Brexit   Viện Ifo đã tính toán hệ quả cụ thể đối với nền kinh tế Đức nếu những mối quan hệ bền chặt này bất ngờ bị xé bỏ. Kết quả là: Việc tách EU và Đức khỏi Trung Quốc sẽ khiến Đức thiệt hại gần sáu lần so với Brexit.   Bên thua cuộc lớn nhất trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ là ngành công nghiệp ô tô, mất khoảng 8,5% giá trị gia tăng, tức là khoảng 8,15 tỷ euro. Tiếp theo là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị vận tải, mất 5,1% doanh thu (1,5 tỷ euro) và kỹ thuật cơ khí giảm 4,3% (5,1 tỷ euro).   Tất nhiên, không chỉ kinh tế Đức sẽ bị ảnh hưởng bởi sự phát triển như vậy. Joshua Kutin, chiến lược gia đầu tư của nhà đầu tư Columbia Threadneedle, tin rằng cả thế giới sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu sắc.   Kutin cũng đã xây dựng một kịch bản trong trường hợp phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt quyết liệt đối với Trung Quốc. Và theo quan điểm của ông, có một điều rất rõ ràng: “Tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu lớn hơn nhiều so với Nga.” Do đó, ảnh hưởng sẽ lớn hơn.   Ông cho rằng trong trường hợp như vậy, các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn thế giới sẽ thua lỗ trầm trọng. Đối với thị trường chứng khoán Mỹ, ông tính có thể âm 20%, đối với Châu Âu, mức thua lỗ có thể là 27% và đối với khu vực Châu Á / Thái Bình Dương thậm chí còn tệ hại hơn, 34%.   Kutin nói: “Tất nhiên, những điều này không nên được coi là những dự báo chính xác. Đây chỉ là các con số tương đối. Nhìn chung, thị trường tài chính Mỹ vẫn sẽ bị giảm nhẹ nhất, một phần do nền kinh tế Mỹ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bởi nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, rất nhiều tiền có thể đổ vào Hoa Kỳ từ khắp nơi trên thế giới vì nơi này được coi là bến đỗ an toàn nhất.   Mặt khác, châu Âu và châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn về mặt kinh tế. Ở châu Á, có một thực tế là chứng khoán Trung Quốc hiện có tỷ trọng đáng kể trong nhiều chỉ số châu Á. Do đó, các thị trường chứng khoán ở đó có khả năng bị ảnh hưởng tương đối nhiều nhất.   Nói chung là tình hình khá tệ hại. Viện Ifo còn đi xa hơn một chút trong phân tích của mình. Ifo cũng đã kiểm tra xem mọi thứ có thể tiến triển như thế nào trong trung hạn sau các lệnh trừng phạt quyết liệt và sự tách rời trên thực tế của nền kinh tế châu Âu khỏi Trung Quốc. Các thỏa thuận với Hoa Kỳ có thể giảm bớt hậu quả   Để xử lý vấn đề này đã mô phỏng năm kịch bản. Thứ nhất, việc các nước phương Tây tách khỏi Trung Quốc được kết hợp với một thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và EU. Một thỏa thuận như vậy có thể giảm bớt những tác động tiêu cực của việc Trung Quốc tách rời nền kinh tế Đức và Mỹ, nhưng không bù đắp được hoàn toàn .   Tuy nhiên, lợi ích kỳ vọng từ mối quan hệ thương mại mở rộng với Mỹ sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí quay lưng lại với Trung Quốc. Cuối cùng, chi phí ròng sẽ xấp xỉ ở mức tương đương với chi phí dự kiến của Brexit.   Florian Dorn, người đã tham gia nghiên cứu này kết luận: “Nếu Đức với tư cách là một quốc gia xuất khẩu muốn thiết kế lại mô hình kinh doanh của mình, thì việc quốc hữu hóa chuỗi cung ứng không phải là giải pháp giúp ích cho nền kinh tế”. Sẽ hứa hẹn hơn nếu ký kết các quan hệ đối tác chiến lược và các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia cùng chí hướng như Hoa Kỳ. Ông nói: “Điều này nên là mục tiêu của chính sách kinh tế Đức và châu Âu.   Tuy nhiên, cơ hội lớn nhất sẽ là tình hình sẽ không đi xa đến vậy, lý trí sẽ chiếm ưu thế ở Bắc Kinh. Song điều đó có thể gặp khó khăn. Một thông điệp trên Twitter từ Hua Chunying, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho thấy tình hình khó khăn như thế nào.   Phát ngôn viên này lập luận rất nghiêm túc rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc vì ở đó có rất nhiều tiệm ăn cung cấp thực phẩm cho các tỉnh của Trung Quốc. Những người dùng Twitter khác sau đó lưu ý rằng có rất nhiều chi nhánh của McDonald ở Bắc Kinh./.   Ảnh: Lính Trung Quốc quan sát khinh hạm "Lan Yang" của Đài Loan.   Nguồn:https://www.welt.de/.../Taiwan-Konflikt-So-teuer-waere...  
......

Còn nơi nào bình yên cho quân Nga trên đất Ukraina?

Nguyen Khan Hôm qua, 9/8, nhiều vụ nổ cực lớn trong phi trường Simferopol của hạm đội Biển Đen Nga trên bán đảo Crimea gây sốc mạnh cho Nga và người dân Crimea. Bởi giờ đây không còn khái niệm vùng an toàn, vì bất cứ đâu trên đất Ukraina đều có thể ăn đạn pháo của Ukraina bất cứ lúc nào. Nếu đạn pháo của Ukraina bắn tới phía Tây Nam Crimea thì số phận cây cầu Kerch cũng chẳng khá hơn cây cầu Antonov trên sông Dnepr ở Kherson, chỉ khác nhau ở chỗ cây cầu Kerch hiện còn bình yên, đang oằn mình chờ phút giây bảo tố từ Ukraina. Số phận căn cứ không quân Simferopol rất giống với soái hạm Moskva, không được cả hai bên tham chiến nhìn nhận bị tấn công. Soái hạm Moskva cháy nổ chìm do người nấu bếp bất cẩn, và hàng loạt tiếng nổ trong phi trường Simferopol gây ra những cột khói lớn, làm rung chuyển nhà cửa cách đó hàng chục km, khiến người dân lân cận hoảng sợ…là do sự cố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, những cột khói hình nấm bốc cao có thể khẳng định là hậu quả của những cuộc không kích, pháo kích, vì sự cố cháy nổ không tạo ra cột khói hình nấm. Hơn nữa, Simferopol là nơi những chiến đấu cơ Nga sử dụng để không kích quân Ukraina nên là cái gai nhọn mà quân Ukraina buộc phải nhổ. Vậy nếu đúng Simferopol bị Ukraina tấn công thì: - Như đã nói trên, không còn nơi nào bình yên cho quân Nga trên đất Ukraina. - Căn cứ Hải quân của hạm đội Biển Đen Sevastopol ở Crimea có thể là mục tiêu kế tiếp, và hình như hải quân Nga đã nhận ra nguy cơ nên đã đi chuyển nhiều tàu chiến ở Sevastopol về Nga? - Crimea là hậu cứ an toàn nhất của Nga, được sử dụng để trung chuyển tiếp liệu, sức người sức của và yểm trợ hỏa lực cho tiền tuyến, làm bàn đạp xâm lược Ukraina nên hệ thống phòng không của Nga luôn bố trí dày đặc để bảo vệ… Nhưng với việc căn cứ không quân Simferopol bị tấn công dễ dàng, cho thấy, có thể mạng lưới phòng không của Nga trên bán đảo Crimea không hiệu quả, hoặc đã bị Ukraina vô hiệu hoá? - Cây cầu Kerch đang nằm trong tầm ngắm của pháo binh Ukraina? - Crimea chẳng khác gì đại bản doanh của Nga xâm lược Ukraina, là thủ đô chiến tranh của quân Nga. Nếu Crimea không còn bình yên thì quân Nga trong những vùng tạm chiếm của Ukraina sẽ khó an bình, dễ bị khủng hoảng tâm lý dẫn đến đánh mất thế trận vào tay quân Ukraina. - Chiến lược phản công tái chiếm lãnh thổ của Ukraina đã được định hình, gần giống với chiến lược tấn công của Mỹ là, không kích và pháo kích hủy diệt sân bay, hệ thống phòng không, các căn cứ quân sự, hậu cần, kho súng đạn, trại lính, các thiết bị quân sự v.v… của địch trước khi bộ binh tấn công. Và hiện tại đang là giai đoạn dọn dẹp tiền phản công. Nếu mục tiêu chính của quân Nga là miền Đông Ukraina, tức chiếm cho bằng được vùng Donbass gồm hai tỉnh Lugansk và Donetsk, thì mục tiêu chính của Ukraina là miền Nam Ukraina, tức vùng Kherson và bán đảo Crimea. Bởi một khi Kherson và khu vực cửa ngỏ nối Crimea được tái chiếm, cây cầu Kerch bị cắt đứt, bán đảo Crimea bị uy hiếp thì quân Nga ở Donbass khó lòng trụ vững./.  
......

Tây Ban Nha đảo ngược quyết định từ chối mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam

VOA Tiếng Việt Không lâu sau khi thông báo từ chối cấp thị thực cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu mẫu mới, Đại sứ quán Tây Ban Nha ở Hà Nội hôm 8/8 đảo ngược quyết định này và cho biết rằng họ chấp nhận lại mẫu hộ chiếu xanh tím than mà Bộ Công an Việt Nam bắt đầu phát hành từ tháng 7. Trước đó, Tây Ban Nha hôm 1/8 từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam với lý do thiếu “Nơi sinh” vì cho rằng đây là thông tin bắt buộc để xử lý đơn xin visa vào các nước thuộc khối Schengen. Tương tự, Đức và Cộng hòa Czech là hai nước châu Âu khác cũng không công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam, khiến nhiều công ty du lịch lữ hành trong nước lo lắng về những vấn để phát sinh trọng việc thực hiện các tour đưa khách Việt đi châu Âu. Trước việc công dân Việt Nam bị từ chối thị thực vào châu Âu vì mẫu hộ chiếu mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải yêu cầu Bộ Công an tìm ra giải pháp xử lý. Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đã làm việc với các nước phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan thông qua “con đường ngoại giao.” Trong một thông báo đưa ra hôm 8/8, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam nói rằng “sau khi hoàn thành các tham vấn kỹ thuật bắt buộc với các cơ quan trung ương có thẩm quyền của Tây Ban Nha, các cơ quan này đã quyết định công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam (bìa xanh tím than), vì quyển hộ chiếu này đã bao gồm các thông tin cần thiết theo quy định quốc tế.” Tuy nhiên, ĐSQ Tây Ban Nha cho biết rằng những người xin thị thực vào nước này mang hộ chiếu mẫu mới “phải nộp Chứng minh thư/Căn cước công dân còn hiệu lực để chứng minh nơi sinh” vì, theo giải thích của sứ quán, “Nơi sinh là thông tin bắt buộc đối với thị thực Schengen.” Kể từ khi đưa ra thông báo này hôm 8/8, ĐSQ Tây Ban Nha đã tiếp nhận trở lại đơn xin thị thực của những người mang hộ chiếu mới và có CMT/CCCD còn hạn. Đại sứ quán còn cho biết họ có thể yêu cầu giấy tờ chứng minh thêm tùy theo từng trường hợp, ví dụ như Giấy khai sinh được hợp pháp hóa lãnh sự đầy đủ. Bộ Công an Việt Nam bắt đầu cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho công dân Việt ở trong và ngoài nước từ 1/7 với những cải tiến mà bộ này nói là để đảm bảo các kỹ thuật bảo an và khó làm giả. Tuy nhiên, mẫu hộ chiếu mới không có phần “Nơi sinh” vì theo lý giải của Cục xuất nhập cảnh, điều này không cần thiết khi mẫu hộ chiếu này có gắn chip đảm bảo tích hợp và tra cứu. Nhưng những hộ chiếu theo mẫu mới mà Bộ Công an hiện đang cấp là loại không gắn chip. Bộ này dự kiến cuối năm nay triển khai cấp hộ chiếu gắn chip điện tử, theo Lao Động. Mặc dù bị các nước châu Âu từ chối, Bộ Công an khẳng định rằng mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam tuân thủ đúng luật và thỏa mãn các điều kiện, tiêu chuẩn của Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Trong khi đó, Đại sứ quán Cộng hòa Czech ở Việt Nam cho rằng mẫu hộ chiếu mới của quốc gia Đông Nam Á “không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về thông số ICAO” khi đưa ra lý do từ chối cấp thị thực cho công dân Việt Nam vào mẫu hộ chiếu mới từ 2/8. Bộ Công an hiện đã cấp được 272.000 hộ chiếu theo mẫu mới và trước mắt sẽ tiến hành ghi bổ sung “Nơi sinh” ở phần bị chú khi có đề nghị để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam làm thủ tục xin thị thực vào 26 nước châu Âu, theo báo cáo của Bộ trưởng Tô Lâm gửi các đại biểu Quốc hội được Tuổi trẻ trích dẫn hôm 8/8. Ông Lâm dự kiến sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này vào ngày 10/8. Mặc dù Đức và Cộng hòa Czech vẫn đang từ chối cấp visa cho người mang hộ chiếu mới của Việt Nam, các nước châu Âu khác như Anh và Pháp lại công nhận hộ chiếu này. Cho đến nay, những người Việt Nam mang hộ chiếu mới cũng vẫn được Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cấp thị thực. Đại sứ quán Tây Ban Nha, dù công nhận trở lại hộ chiếu mới của Việt Nam, vẫn cảnh báo rằng thị thực được cấp trên hộ chiếu mới sẽ không có giá trị để nhập cảnh vào vùng lãnh thổ của các nước thành viên Schengen mà ở đó, hộ chiếu mới không được chấp nhận. ĐSQ Tây Ban Nha khuyến nghị người xin thị thực mang hộ chiếu mới của Việt Nam phải liên hệ với Đại sứ quán của các nước đó trước khi khởi hảnh trong trường hợp đi du lịch theo tour đến./.  
......

Anh công bố tên 4 công dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ cháy nhà máy

Bốn nạn nhân của vụ cháy nhà máy Bismark House Mill ở Anh vào ngày 7/5/2022. Photo: Greater Manchester Police VOA Tiếng Việt Anh vừa công bố tên của 4 công dân Việt Nam được cho là bị chết cháy trong vụ hỏa hoạn tại một nhà máy bỏ hoang ở Oldham. Theo đó, các nạn nhân người Việt cũng là nạn nhân buôn người làm việc tại nhà máy Bismark House Mill, nơi bị tình nghi được sử dụng làm trang trại trồng cần sa và bị cháy vào ngày 7/5. Ban đầu khi xảy ra hỏa hoạn, thông tin ban đầu cho biết không có người bên trong. Các thi thể chỉ được phát hiện vào ngày 21/7 khi công nhân bắt đầu đến tháo dỡ, thu dọn nhà máy. Danh tính nạn nhân Các thám tử của Anh đã lần theo dấu vết của một số gia đình ở Việt Nam đã bị mất tin tức người thân kể từ khi vụ hỏa hoạn xảy ra, và công bố danh tính 4 nạn nhân gồm: Cuong Van Chu, 39 tuổi, đến Anh vào tháng 6 năm 2019 và thường xuyên liên lạc với vợ con. Nhưng gia đình đã không nhận được tin tức của anh kể từ ngày 7/5, theo Cảnh sát Greater Manchester. Uoc Van Nguyen, 31 tuổi, cũng không còn liên lạc thường xuyên với vợ kể từ ngày 7/5. Trong ngày xảy ra hỏa hoạn, anh nói với vợ rằng anh đang ở trong nhà máy hôm đó. Duong Van Nguyen, 29 tuổi, đã ở Anh khoảng một năm và liên lạc với gia đình lần cuối cách đây khoảng 3 tháng. Anh đã nói với người thân rằng anh đang sống trong một ‘ngôi nhà bỏ hoang’ và đang tìm việc làm. Nạn nhân thứ tư tình nghi tên là Nam Thanh Le, 21 tuổi, đến Anh vào tháng Giêng và liên lạc với gia đình lần cuối vào ngày 4/5. Anh nói với họ rằng anh đang tìm việc làm trong khi sống trong một ngôi nhà hoang ở ‘Dam’, được cho là Oldham. Cảnh sát nói gì? Trưởng Thám tử Lewis Hughes, trưởng nhóm Nhận dạng Nạn nhân của cảnh sát Anh, cho biết thêm rằng: “Tại hiện trường, công tác tìm kiếm mở rộng vẫn tiếp tục để đảm bảo thu hồi bất kỳ hài cốt nào còn sót lại một cách trân trọng”. Giới chức này cho biết cùng lúc, nhóm điều tra cũng đang theo dõi những sự kiện liên quan đến vụ hỏa hoạn và các hoạt động tại nhà máy trước đó để xem xét liệu có hành vi phạm tội hình sự nào hay không. Cảnh sát Anh kêu gọi người dân cung cấp những thông tin liên quan trong lúc cuộc điều tra và tìm kiếm hài cốt (nếu có) tại hiện trường vụ hỏa hoạn vẫn đang tiếp diễn.
......

Cuối cùng Hoa Kỳ đã "dứt điểm" toàn bộ 8 tên chủ mưu vụ khủng bố 11/9/2001

Hoa Kỳ đã tiêu diệt 2 tên cầm đầu bọn khủng bớ Al Qaeda là Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri, trong khi bắt giữ 6 tên chủ mưu khác trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ. Theo Daily Mail, chiến dịch tiêu diệt tên cầm đầu Al Qaeda Ayman al-Zawahiri đánh dấu quá trình dài 21 năm cơ quan tình báo CIA và quân đội Mỹ truy lùng gắt gao những kẻ chủ mưu vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Ít nhất có 2.973 người đã bị thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương sau khi 2 chiếc máy bay bị bọn không tặc lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở TP New York. Bin Laden đã âm mưu với tên al-Zawahiri, tên đứng thứ hai Al Qaeda lúc đó, thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ cùng với 6 tên khác ở Afghanistan. 1/ Osama bin Laden Daily Mail cho biết, Bin Laden, 54 tuổi, bị nhóm đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ tiêu diệt ngày 2/5/2011 ở Abbottabad, Pakistan. Hắn sinh tại Riyadh Ả Rập Saudia, là tên đầu sỏ chủ mưu trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Chiến dịch Neptune Spear (Ngọn giáo thần biển) nhằm tiêu diệt tên Bin Laden diễn ra sau khi các phân tích gia của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lần tìm ra dấu vết của tên cầm đầu Al Qaeda. Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã theo dõi sát sao chiến dịch này từ Tòa Bạch Ốc cho đến lúc hoàn tất thành công. Vào tháng 10/2004, tên Bin Laden công bố đoạn băng nhận lấy trách nhiệm vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Hắn đcòn e dọa sẽ trả đũa cho cái chết của những người Palestine ở Dảy Gaza vào năm 2008 và thách thức Tổng thống mới của Mỹ Barack Obama. Bin Laden được cho là nhúng tay vào các vụ đánh bom ở Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998 khiến cho hơn 200 người bị thiệt mạng cùng với vụ đánh bom tàu ​chiến ​USS Cole neo đậu ở Yemen khiến cho có 17 thủy thủ bị thiệt mạng vào năm năm 2000. 2/ Ayman al-Zawahiri Tên chủ mưu thứ hai, al-Zawahiri, 71 tuổi, bị Mỹ tiêu diệt trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) ở Kabul, Afghanistan ngày 31/7 vừa qua. Hắn bị trúng hỏa tiển Hellfire R9X khi đang ở trên ban công ngôi nhà của mình. Al-Zawahiri, đến từ Ai Cập, trở thành thành viên Al Qaeda sau khi bin Laden thành lập tổ chức khủng bố này năm 1988. Năm Al-Zawahiri 47 tuổi, hắn bị truy tố về vai trò trong các vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania. Sau nhiều năm âm thầm tập hợp những kẻ tấn công liều chết, gây quỹ và lập kế hoạch, al-Zawahiri, Bin Laden và một số kẻ khác đã thực hiện vụ khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001, đưa hắn và những tên chủ mưu khác lên đầu danh sách bị truy nã gắt gao nhất của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). 3/ 6 tên còn lại Sáu tên chủ mưu vụ khủng bố 11/9/2001 bị bắt bao gồm: - Khalid Sheik Mohammed, 57 tuổi (kẻ lên kế hoạch vụ khủng bố), bị bắt tại Rawalpindi - Pakistan ngày 1/3/2003); - Ammar al-Baluchi, 44 tuổi (em họ của tên đánh bom WTC Ramzi Yousef), bị bắt tại Karachi - Pakistan ngày 29/4/2003); - Mustafa al-Hawsawi, 53 tuổi (tài trợ cho vụ khủng bố 11/9-2001, bị bắt tại Pakistan năm 2003)/ - Walid bin-Attash, 44 tuổi (từng huấn luyện 2 tên không tặc năm 1999, bị bắt tại Karachi - Pakistan ngày 29/4/2003); - Ramzi bin al-Shibh, 50 tuổi (nghiên cứu các trường dạy bay và chuyển tiền cho nhóm không tặc, bị bắt tại Karachi - Pakistan ngày 11/9/2002); - Mohammed al-Qahtani, 46 tuổi (định lên chuyến bay số hiệu 93 của hãng United Airlines để tham gia vụ không tặc nhưng không được phép nhập cảnh, bị bắt tại biên giới Afghanistan - Pakistan tháng 1/2002). Tất cả 6 tên này đã được chuyển đến nhà tù Vịnh Guantanamo./.  
......

Pelosi ca ngợi xã hội tự do của Đài Loan, Trung Quốc tức tối lên án và tập trận

Reuters Trung Quốc giận dữ lên án chuyến thăm cao cấp cao nhất của Mỹ tới Đài Loan trong 25 năm qua khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ca ngợi hòn đảo tự trị này là "một trong những xã hội tự do nhất thế giới" trong một bài diễn văn trước viện lập pháp ở Đài Bắc vào ngày thứ Tư. Bắc Kinh thể hiện sự tức giận của mình với sự hiện diện của bà Pelosi trên hòn đảo mà họ nói thuộc chủ quyền của Trung Quốc bằng một loạt hoạt động quân sự ở các vùng biển xung quanh, và bằng việc triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, đồng thời tuyên bố ngừng nhập khẩu một số nông sản từ Đài Loan. Bà Pelosi đến Đài Bắc tối ngày thứ Ba 2/8 trong một chuyến đi không báo trước nhưng được theo dõi sát, nói rằng nó cho thấy cam kết không lay chuyển của Mỹ đối với nền dân chủ Đài Loan. Phát biểu trước viện lập pháp ngày thứ Tư 3/8, bà Pelosi ca ngợi Tổng thống Thái Anh Văn, người mà Bắc Kinh nghi ngờ là thúc đẩy độc lập chính thức vốn là lằn ranh đỏ đối với Trung Quốc. "Chúng tôi cảm ơn sự lãnh đạo của quý vị. Chúng tôi muốn thế giới ghi nhận điều đó", bà Pelosi nói, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác giữa hai nghị viện. Bà Pelosi nói tiếp rằng luật mới của Mỹ nhằm củng cố ngành công nghiệp sản xuất chip của Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc "mang lại cơ hội lớn hơn cho hợp tác kinh tế Mỹ - Đài Loan". "Hơn bao giờ hết, sự đoàn kết của Mỹ với Đài Loan là thiết yếu", bà Pelosi nói với bà Thái, đồng thời nói thêm rằng Mỹ vẫn kiên định quyết tâm bảo tồn nền dân chủ ở Đài Loan và phần còn lại của thế giới./.
......

Cuối cùng thì các nhà máy điện hạt nhân sẽ hoạt động trở lại?

Von Axel Bojanowski – Welt Chefreporter Wissenschaft   Nguyễn Xuân Hoài Trong một bức thư gửi chính phủ Đức hơn 20 nhà khoa học Đức đã kêu gọi chính phủ liên bang Đức cho các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại và chấm dứt chủ trương đoạn tuyệt với điện hạt nhân. Hành động này của các nhà khoa học Đức là rất đáng trân trọng vì cho đến nay họ đã bị chê bai, chì triết vì đã ủng hộ điện hạt nhân, đề cao lợi ích của năng lượng hạt nhân. Nhà nước Đức cần tận dụng khả năng chuyên môn của họ. Lời kêu gọi này là một sự kiện đặc biệt: 20 giáo sư từ các trường đại học Đức, tất cả các nhà nghiên cứu nổi tiếng từ các bộ công nghệ, khoa học và kinh tế, kêu gọi chính phủ liên bang đảo ngược việc loại bỏ điện hạt nhân. Bản kiến nghị sẽ được Hạ Viện đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong công chúng. Nếu thu được trên 50.000 chữ ký ủng hộ các nhà khoa học có thể giải thích yêu cầu của họ trước Ủy ban của Hạ Viện. Các chuyên gia có những lo ngại về việc loại bỏ điện hạt nhân. Nhưng họ hầu như không dám bày tỏ công khai sự phản đối của mình ở Đức vì sợ dư luận xã hội và bị mất uy tín. Phong trào chống điện hạt nhân đã ăn sâu trong xã hội Đức. Cuộc chiến chống lại điện hạt nhân, được ngụy trang dưới dạng nổi dậy chống lại giới đại công nghiệp và quyền lực nhà nước, là một đặc điểm nhận dạng của phong trào cánh tả và là mầm mống của lực lượng Xanh. Do đó phong trào chống điện hạt nhân cũng được giới truyền thông Đức tung hô. Ở Đức năng lượng hạt nhân vẫn bị gắn liền đầy sai trái với bom nguyên tử và đảng Xanh ra đời từ phong trào phản đối này. Các nhà khoa học đề cao các ưu điểm của năng lượng hạt nhân không được tham gia các diễn đàn khoa học, họ bị biến thành các phần tử đối nghịch bị gán vào nhóm vận động hành lang cho điện hạt nhân. Trên thực tế họ đã bị biến thành đối thủ ưa thích của nhiều nhà báo. Các nhà khoa học này đã hoàn toàn bất lực trước dư luận xã hội. Từ năm 1986 đến nay, họ chỉ có thể „đứng xem con tạo xoay vần đến đâu“. Tuy nhiên, những thuật ngữ như "người bạn hạt nhân" khiến ngay cả các nhà khoa học dày dạn kinh nghiệm cũng chịu áp lực to lớn. Bởi vì phe chống hạt nhân tạo ra một phe cánh tả, nên chỉ có phe cánh hữu là ủng hộ hạt nhân. Ít nhất kể từ khi chính phủ Angela Merkel quyết định loại bỏ điện hạt nhân vào năm 2011, những người ủng hộ năng lượng hạt nhân đã bị coi là thế lực cực đoan cánh hữu. Đầu tháng bẩy khi các giáo sư gặp nhau trong một hội nghị tại Đại học Stuttgart để thảo luận về việc loại bỏ điện hạt nhân họ hoàn toàn không ngạc nhiên trước sự phản đối gay gắt, những lời vu khống từ các nhóm sinh viên cánh tả và các phương tiện truyền thông. Trong bối cảnh đó, thật đáng trân trọng khi các nhà khoa học hàng đầu của Đức yêu cầu chính phủ Đức xem xét lại quyết định đoạn tuyệt với diện hạt nhân và đưa các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại trong "Tuyên bố Stuttgart" của họ. Đã đến lúc người ta không chỉ nghe các nhà khoa học từ các viện thân cận với chính phủ, mà cần lắng nghe ý kiến của các giáo sư ở các trường đại học kỹ thuật./.  
......

Đức không chấp nhận hộ chiếu mới xanh tím than của Việt Nam vì thiếu ‘Nơi sinh’

VOA Tiếng Việt Phái bộ ngoại giao Đức ở Việt Nam hôm 27/7 thông báo chưa chấp thuận mẫu hộ chiếu mới có bìa màu xanh tím than của Việt Nam, làm ảnh hưởng đến việc đi Đức của nhiều người Việt. Thông báo trên các trang web và trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Đức ở thành phố Hồ Chí Minh viết rằng “Kể từ bây giờ, Cơ quan đại diện Đức không thể cấp thị thực vào hộ chiếu phổ thông Việt Nam theo mẫu mới màu xanh tím than (có số Serial bắt đầu bằng „P“)”. Hai cơ quan đại diện ngoại giao của Đức cho biết thêm: “Điều đó có nghĩa là nếu quý vị có quyển hộ chiếu như vậy thì quý vị không thể nộp hồ sơ xin thị thực. Việc này căn cứ vào quyết định của các cơ quan chức năng nội địa Đức”. Về trường hợp những người có hộ chiếu Việt Nam mẫu mới và đã được cấp thị thực của Đức, phái bộ ngoại giao nước này “khẩn thiết khuyên” những người đó “không nên đến Đức” bởi vì “có nguy cơ quý vị sẽ bị từ chối cho nhập cảnh tại biên giới”. Phái bộ Đức cũng “xin lỗi về sự bất tiện này” và khẳng định “nếu tình hình thay đổi, chúng tôi sẽ thông báo ngay cho quý vị biết”. Theo tìm hiểu của VOA, một công hàm của phía Đức gửi cho Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào ngày 27/7 và một thông báo của cảnh sát liên bang Đức trong cùng ngày nói rằng những hộ chiếu mới của Việt Nam được cấp từ ngày 1/7/2022 tạm thời không được công nhận ở Đức và vì thế không thể cấp thị thực vào những hộ chiếu đó. Hai văn bản trên của phía Đức nói cụ thể hơn rằng mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam không thể hiện nơi sinh của người mang hộ chiếu, vì vậy gây khó khăn cho nhà chức trách Đức tại bộ phận xuất, nhập cảnh. Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phản ứng ngay lập tức về động thái của Đức. Hôm 1/7, Bộ Công an Việt Nam loan báo họ bắt đầu cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip theo mẫu mới cho công dân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước. Báo chí trong nước khi đó dẫn lại thông tin từ đại diện Bộ Công an cho biết hộ chiếu phổ thông mẫu mới có nhiều cải tiến. Dễ nhận thấy nhất là bìa hộ chiếu mới có màu xanh tím than thay cho màu xanh lá cây của mẫu hộ chiếu cũ. Một điểm mới khác là trên mỗi trang trong hộ chiếu mới đều in hình ảnh tiêu biểu về phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng như vịnh Hạ Long, kinh đô Huế, Đền Hùng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, bến cảng Nhà Rồng, cột cờ Lũng Cú... Bộ Công an nói rằng những cải tiến đó góp phần khẳng định và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, mẫu hộ chiếu phổ thông mới bảo đảm các kỹ thuật bảo an của quốc tế./. *** Lý do từ chối Hộ chiếu mới không có phần ghi nơi sinh. Do lỗi kỷ thuật hay cố tình bỏ phần này ..... Đó là cố tình bỏ phần này, Vì Nhật Bản và Hàn Quốc, Đài Loan đã cấm cửa nhiều tỉnh phía Bắc không cho nhập cảnh như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tỉnh. v.v... Bởi lý đó mà bỏ phần ghi nơi sinh nhầm đánh lận con đen. Võ quýt dày cũng có móng tay nhọn, khỉ mà đòi khôn hơn người, mơ đi...  
......

Tướng hồi hưu Wittmann: “Phía Nga chỉ hơn hẳn ở một lĩnh vực“

Nguyễn Xuân Hoài Tướng hồi hưu Klaus Wittmann cho rằng Ukraine không thể không chống trả.   Theo tướng Wittmann về “Lập kế hoạch tác chiến, kỹ năng chiến thuật, thông tin liên lạc và trinh sát, phía Ukraine vượt trội. Tuy nhiên, trong một lĩnh vực, người Nga tỏ ra hơn hẳn. Ông tướng này giải thích Ukraine hiện cần có những cái gì khẩn cấp nhất: WELT: Thưa tướng quân, sau sự đình chỉ của Tổng chưởng lý và người đứng đầu cơ quan mật vụ: kẻ thù nội bộ nguy hiểm như thế nào đối với Ukraine? Klaus Wittmann: Tất nhiên kẻ thù bên trong bao giờ cũng có. Nhà nước Ukraine nhất định phải diệt trừ một cách kiên quyết nhất bọn phản bội, chỉ điểm. Việc bọn U-gian này đang hoạt động phản ánh qua con số 650 vụ bị truy tố trong cơ quan cơ quan mật vụ và trong các cơ quan thực thi pháp luật. WELT: Theo Bộ Quốc phòng, quân đội Nga lúc này đang tập trung vào việc tiêu diệt vũ khí của pháo binh. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sự hợp tác, cần tăng cường hơn nữa, trợ giúp nhiều hơn? Hay lúc này cần thận trọng hơn trong việc chuyển giao vũ khí? Klaus Wittmann: Chúng ta nhất thiết phải chuyển giao nhiều hơn và giao nhanh hơn, dù biết rằng phía Nga chỉ vượt trội ở một lĩnh vực, đó là hỏa lực. Lập kế hoạch tác chiến và lãnh đạo, kỹ năng chiến thuật, cơ động, liên lạc, trinh sát. Người Ukraine giỏi hơn người Nga. Tuy nhiên, hỏa lực vượt trội của Nga, đôi khi là mười chọi một, đang làm xói mòn lợi thế của Ukraine, và do đó, nguồn cung vũ khí của phương Tây phải được tiếp tục và phải được đẩy nhanh hơn, phải coi đây như một huyết mạch rất quan trọng của Ukraine. Nga đang gây ồn ào về việc nã tên lửa bắn phá các hệ thống riêng lẻ của phương Tây, đó là điều không thể tránh khỏi và nó sẽ còn xảy ra. Việc chuyển giao vũ khí của phương Tây phải hiệu quả hơn và nhanh hơn. Chúng ta đã mất nhiều tháng trời rồi. WELT: Ở phía nam Ukrain đang phản công ngày càng mạnh hơn, điều này ai cũng quan sát thấy. Tình hình hiện tại như thế nào? Klaus Wittmann: Tôi tin rằng giới lãnh đạo Ukraine không thể chấp nhận bị mất khoảng 20% lãnh thổ vào tay người Nga. Do đó việc phản công là không thể tránh khỏi và điều đó là hoàn toàn chính đáng. Đầu tiên ở phía nam, tại cái gọi là cầu đất liền với Crimea và xung quanh thành phố Cherson, nơi Nga hiện đang cố gắng thành lập một cái gọi là Cộng hòa Nhân dân. Sau đó, Ukraine lại cần đến các hệ thống vũ khí khác, cần có rất nhiều pháo, bệ phóng tên lửa, v.v., kể cả xe bọc thép, thứ mà ngành công nghiệp Đức đã cung cấp từ lâu: xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1, xe chiến đấu bộ binh Marder và trên hết là xe vận tải bọc thép Fuchs để bảo vệ lực lượng bộ binh khi tấn công. WELT: Trong các hoạt động chiến đấu, người ta thấy phía Nga tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự . Có thể làm gì được với thực tế là những ngôi nhà bị đánh bom hết lần này đến lần khác, rằng trẻ em, những người vô tội đang bị giết chết vô tội vạ? Klaus Wittmann: Chỉ có thể sơ tán dân thường để bảo vệ họ. Chiến thuật của Nga một phần dựa trên việc tàn phá các thành phố thành đống tro tàn, sau đó giương cao cờ Nga trên sa mạc đổ nát đó. Trên trang web, Nga đã đạt được rất ít tiến bộ trong vài tuần qua. Hiện tại, Nga dường như đang hướng nhiều hơn đến phòng thủ như chúng ta đã thấy. Nhưng việc đánh bom đầy tội ác, bất hợp pháp vào các thành phố và cơ sở dân sự vẫn tiếp tục. Đây cũng là kết quả của những gì tôi đã nói trước đây: các lực lượng vũ trang Nga chỉ vượt trội về hỏa lực, và họ phát huy lợi thế này không chỉ để chống lại quân đội Ukraine mà còn để đánh phá các thành phố. Khi người Nga nói về hành động trả đũa, điều đó khiến tôi nhớ lại những gì Ngoại trưởng Lavrov từng nói: Các chuyến hàng vũ khí của phương Tây là mục tiêu tấn công hợp pháp. Tất cả những gì tôi có thể nói về cuộc chiến tranh của Putin này đều hoàn toàn không hợp pháp./.  
......

Ngũ cốc : Nga - Ukraina ký hai thỏa thuận riêng với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ

Ảnh minh họa : Công nhân xử lý hàng ngũ cốc xuất khẩu tại cảng Constanta, Rumani, ngày 21/06/2022. AP - Vadim Ghirda Thu Hằng - RFI Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Matxcơva và Kiev không được ký như dự kiến. Thay vì ký chung giữa bốn bên Nga, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, ngày 22/07/2022, Nga và Ukraina lần lượt ký hai thỏa thuận riêng biệt với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc. Sự kiện này cho thấy bất đồng nghiêm trọng giữa hai nước, dù trước đó Hoa Kỳ hoan nghênh một thỏa thuận « cho phép ngũ cốc Ukraina tiếp cận các thị trường thế giới ». Trên mạng Twitter, ông Mikhailo Podoliak, một cố vấn của phủ tổng thống Ukraina, cho biết : « Ukraina không ký bất kỳ thỏa thuận nào với Nga. Chúng tôi ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc và giữ cam kết với họ. Nga ký biên bản ghi nhớ với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc ». Theo AFP, Ukraina sẽ không chấp nhận để tầu chiến Nga áp tải tầu chở ngũ cốc xuất khẩu, cũng như không để bất kỳ đại diện nào của Nga xuất hiện tại các hải cảng của Ukraina, với đe dọa « đáp trả quân sự ngay lập tức » mọi « hành động gây hấn » của Nga. Việc kiểm tra tầu chở ngũ cốc sẽ được tiến hành trong vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ nếu cần thiết. Tất cả những thông báo này của chính quyền Kiev đi ngược với bản dự thảo gồm 5 điểm được đàm phán trong suốt hai tuần trước đó để giải tỏa từ 20 đến 25 triệu tấn ngũ cốc đang bị kẹt tại các cảng ở Ukraina do chiến tranh. Ngoài thỏa thuận ba bên của Ukraina, phía Nga cũng ký một biên bản với ghi nhớ với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc bảo đảm các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga không liên quan đến ngũ cốc và phân bón. Xuất khẩu ngũ cốc giúp Ukraina cải thiện nền kinh tế ? Việc giải tỏa số ngũ cốc bị kẹt tại các cảng ở Ukraina được cho là biện pháp giúp Ukraina cải thiện phần nào nền kinh tế, bị kiệt quệ vì chiến tranh. Theo dự báo, chiến tranh khiến GDP của nước này giảm đến 45% trong năm 2022. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Ukraina vừa hạ giá 25% đồng hryvnia. Quyết định này ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình Ukraina, đặc biệt là người nhập cư, sống trong tình trạng cơ cực từ đầu cuộc chiến. Trả lời RFI ngày 22/07, nhà nghiên cứu Vitaliy Kroupine, Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Ba Lan tại Vacxava, phân tích : « Từ nhiều năm nay, người dân Ukraina sống trong bất an kinh tế. Nhưng cuộc chiến tranh do Nga phát động đã làm trầm trọng thêm tình hình và ngày càng đè nặng lên cuộc sống hàng ngày của người dân. Họ nghèo đi, vì tiền mất giá, nhưng cũng vì lạm phát gia tăng. Lương thì lại không được tăng. Người dân Ukraina hiện không biết sống ra sao trong bối cảnh hiện nay. Phần lương thực đã chiếm đến 60% chi tiêu của mỗi gia đình. Chi phí cho năng lượng cũng tương tự. Giá xăng đã tăng gấp đôi trong vòng vài tháng. Tình hình người nhập cư ở Ba Lan hay tại những nước khác còn tệ hơn. Cuộc sống lưu vong đã tiêu tốn hết số tiền tiết kiệm của họ gửi trong ngân hàng ở Ukraina. Việc đồng hryvnia bị hạ giá là một thảm họa cho họ. Và tình hình sẽ chưa được cải thiện ngay nếu nhìn vào bối cảnh hiện nay ».
......

Giải mã cuộc thanh trừng ở cấp thượng tầng chính phủ Ukraina

Ảnh tư liệu: Lãnh đạo cơ quan an ninh Ukraina SBU Ivan Bakanov, tại Kiev, ngày 16/07/2019. AP - Efrem Lukatsky Trọng Nghĩa - RFI Vào lúc cuộc chiến chống xâm lược Nga vẫn diễn ra ác liệt, ngày 17/07/2022, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky bất ngờ tung ra một “quả bom chính trị thực thụ”: Cách chức hai nhân vật cấp cao của nhà nước Ukraina – lãnh đạo cơ quan mật vụ SBU Ivan Bakanov và chưởng lý Irina Venediktova –, đồng thời cho mở cuộc điều tra về trách nhiệm của hai người về tình trạng hàng chục, thậm chí hàng trăm thuộc cấp của họ đã phản bội Tổ quốc và hợp tác với Nga. Quyết định của tổng thống Ukraina đã lập tức làm dấy lên nghi vấn: Đây thực sự là một chiến dịch thanh lọc hàng ngũ để chống địch, hay chỉ là một biện pháp hình thức để xoa dịu dư luận trong và ngoài nước, đang rất bất bình trước năng lực kém cỏi của hai nhân vật thân cận của ông Zelensky. Iryna Venediktova và Ivan Bakanov là ai? Để hiểu rõ bối cảnh của quyết định đầy bất ngờ của tổng thống Ukaina, câu hỏi đầu tiên cần lời giải đáp: bà Iryna Venediktova và ông Ivan Bakanov, hai quan chức vừa bị cách chức là ai? Theo các thông tin báo chí, bà Iryna Venediktova nguyên là cố vấn của ông Volodymyr Zelensky, phụ trách các vấn đề đối ngoại trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông. Vào năm 2020, bà được bổ nhiệm làm chưởng lý Ukraina, trở thành phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, bà Venediktova đặc biệt được biết đến nhờ vai trò trong cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh quy cho lực lượng Nga ở Ukraina. Tuy nhiên, một số người Ukraina đã chỉ trích bà về các kết quả kém cỏi trong cuộc chiến chống tham nhũng. Theo tuần báo Pháp Marianne (ngày 18/07), giới hoạt động chống tham nhũng và các phương tiện truyền thông độc lập tại Ukraina đã cực lực đả kích bà Venediktova về thái độ miễn cưỡng trong việc truy tố một số nhân vật quyền thế trong nước, thậm chí phá hoại các cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào giới thân cận với tổng thống Zelensky, chẳng hạn như phó văn phòng chính phủ Oleh Tatarov. Về phần Ivan Bakanov, ông là bạn của Volodymyr Zelensky từ lúc thiếu thời. Hai người cùng làm việc với nhau trong một công ty sản xuất chương trình giải trí, trước khi Bakanov được cử làm người giám sát chiến dịch tranh cử tổng thống của Volodymyr Zelensky, Việc người bạn thân này của tổng thống Zelensky được bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan an ninh Ukraina, vốn có khoảng 30.000 nhân viên, vào năm 2019, đã làm dấy lên nhiều phản đối. Xuất thân là một luật sư, Ivan Bakanov bị cho là không đủ khả năng quản lý một tổ chức quan trọng như vậy. Hai người bị bãi nhiệm bị buộc tội gì ? Câu hỏi thứ hai được đặt ra là hai quan chức cao cấp Ukraina bị cáo buộc điều gì, và tương lai của họ ra sao? Trong một video được phát trên Telegram vào tối 17/07, thông báo “quyết định cách chức” bà Iryna Venediktova và ông Ivan Bakanov, chính tổng thống Ukraina đã cho biết nguyên văn như sau: “Tính đến nay, đã có 651 vụ tố tụng hình sự được ghi nhận liên quan đến các hoạt động phản quốc và cộng tác (với Nga) của các nhân viên văn phòng công tố, cơ quan điều tra trước khi xét xử và các cơ quan thực thi pháp luật khác… Đặc biệt, đã có hơn 60 nhân viên của các văn phòng công tố và các cơ quan an ninh của Ukraina vẫn ở lại trong các vùng lãnh thổ bị (Nga) chiếm đóng và đang làm việc chống lại đất nước”. Andriy Smyrnov, phó chánh văn phòng của tổng thống Zelensky, giải thích thêm: Việc bãi nhiệm Ivan Bakanov và Iryna Venediktova nhằm khắc phục hậu quả của những hành động thiếu sót của hai người, để ngăn chặn các hành vi “phản quốc”, cũng như ngăn chặn “ảnh hưởng tiềm tàng” của họ trong tiến trình tố tụng hình sự nhắm vào các nhân viên của họ, Theo cơ quan báo chí Ukraina Ukrinform, hôm 18/07, ông Smyrnov nhấn mạnh rằng việc đình chỉ công tác Ivan Bakanov và Iryna Venediktova không có nghĩa là ở giai đoạn này họ đã bị cách chức, mà đúng hơn đó là một bước đầu tiên. Công việc kiểm tra và điều tra sẽ được thực hiện đối với hai quan chức liên quan. Tùy thuộc vào kết luận của các cuộc điều tra này, “tổng thống sẽ đưa ra quyết định về việc cần thiết phải đưa ra kiến nghị tại quốc hội, phê chuẩn việc cách chức chưởng lý và người đứng đầu cơ quan an ninh của Ukraina hay không”. Tầm mức nghiêm trọng của những trường hợp “phản quốc” Theo phó chánh văn phòng tổng thống Ukraina, "Công việc nhận diện  các phần tử cộng tác với người Nga tiếp tục được tiến hành hầu như hàng tuần trong các cơ quan thực thi pháp luật đang bị điều tra. Vào cuối tháng 6, tờ báo Mỹ Politico tiết lộ rằng tổng thống Zelensky và giới thân cận đã nghĩ đến việc thay thế ông Ivan Bakanov, do các “thất bại” về mặt an ninh kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công của Nga.  Trong cuộc điều tra, phương tiện truyền thông Mỹ dẫn trường hợp của Serhiy Kryvoruchko, người đứng đầu hội đồng điều hành chi nhánh địa phương của cơ quan mật vụ SBU ở Kherson. Nhân vật này bị cáo buộc đã cho sơ tán các nhân viên của mình trước khi quân Nga tiến vào thành phố, chống lại mệnh lệnh của tổng thống Ukraina. Trợ lý của ông, đại tá Ihor Sadokhin, cũng bị nghi ngờ là đã thông báo cho quân đội Nga về sự hiện diện của các bãi mìn Ukraina và đã góp phần vào việc thiết lập đường bay cho một máy bay Nga. Nhân vật này cũng đã cùng với một số nhân viên mật vụ SBU khác bỏ chạy về phía tây. Một nhân viên an ninh Ukraina khác tên là Andriy Naumov, cũng bị cáo buộc đã bỏ trốn vài giờ trước khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraina. Đối với các quan chức Ukraina được Politico trích dẫn, việc quân đội Nga nhanh chóng chiếm được Kherson, ngày 03/03, cũng liên quan đến việc SBU không có khả năng phá hủy cầu Antonovskiy, cho phép lực lượng Nga tiến vào thành phố. Bà Carole Grimaud Potter, nhà sáng lập Trung Tâm Nghiên Cứu Nga và Đông Âu (CREER) tại Genève, phân tích: “Việc Nga chiếm đóng Kherson được thực hiện tương đối dễ dàng. Họ (chính phủ Ukraina) nghi ngờ rằng có sự giúp đỡ của người địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Nga". Nhà nghiên cứu này viện dẫn kết quả tốt đẹp của đảng thân Nga “Nền tảng đối lập - Vì sự sống (Opposition Platform-For Life)” ở khu vực miền nam Ukraina, trong cuộc bầu cử địa phương năm 2020, cho rằng rất có thể có sự hiện diện của những người ủng hộ đảng này trong chi nhánh địa phương của cơ quan SBU.  
......

Nhà báo Phạm Đoan Trang được trao giải Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022

RFA Hôm 14 tháng 7, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), một tổ chức phi chính phủ chuyên thúc đẩy tự do báo chí và bảo vệ nhà báo trên toàn thế giới, đã công bố danh sách chủ nhân của giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022. Bốn nhà báo từ Châu Mỹ, Châu Âu, và Châu Á đã được vinh danh, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang của Việt Nam. Trong bản tin công bố trên website của tổ chức này, những nhà báo nhận giải năm nay được mô tả là đã phải chịu đựng những thử thách lớn lao như sự đàn áp và tấn công của chính quyền, và sự tù đày, trong lúc thực thi sứ mạng cung cấp tin tức độc lập. Ngoài bà Phạm Đoan Trang, ba người khác cũng được trao giải năm nay gồm các nhà báo Niyaz Abdullah đến từ Iraq, Abraham Jiménez Enoa  đến từ Cuba, và Sevgil Musaieva đến từ Ukraine. Trao đổi với Đài Á châu Tự do, ông Shawn Crispin, Đại diện Cấp cao của tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giải tại khu vực Đông Nam Á, cho biết lý do nhà báo Phạm Đoan Trang được trao giải năm nay: “Một điều rõ ràng đó là hiện giờ Trang đang ở trong tù, và trước đó đã phải đối mặt với sự sách nhiễu của chính quyền trong suốt nhiều năm, trước khi họ quyết định giam cầm cô bằng một bản án giả tạo. Uỷ ban Bảo vệ Ký giả đã theo dõi và cộng tác với Phạm Đoan Trang trong những năm qua, về các thách thức mà cô ấy phải đối mặt cũng như việc thúc đẩy tự do báo chí ở Việt Nam. Trên hết, Trang là một nhà báo và đồng thời cô ấy cũng là một nhà hoạt động tích cực bảo vệ và cổ vũ cho tự do báo chí.” Bị bắt hồi tháng 10 năm 2020 dưới cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước”, nhà báo Phạm Đoan Trang sau đó bị một toà án ở Hà Nội xét xử và kết án chín năm tù giam vào tháng 12 năm 2021. Hiện bà đang trong quá trình chờ xét xử phúc thẩm. Ngoài những yếu tố liên quan đến cá nhân nhà báo Phạm Đoan Trang, ông Shawn Crispin cũng cho biết rằng tổ chức của ông cũng muốn thế giới chú ý hơn đến tình trạng đàn áp tự do báo chí ở Việt Nam nói chung, mà theo ông là rất tồi tệ: “Một phần lý do chúng tôi muốn kéo sự chú ý vào Việt Nam năm nay, và sử dụng trường hợp của Trang để tiêu biểu cho những mối hiểm nguy mà các nhà báo phải đối mặt, là vì con số nhà báo hiện đang bị giam trong các tù cao một cách bất thường. Hàng năm, cứ vào mùng 1 tháng 12 thì CPJ lại công bố danh sách các nhà báo trên toàn thế giới đang bị cầm tù, và theo đó thì Việt Nam là nước đứng thứ năm trên thế giới về số lượng nhà báo đang ở tù.” Theo thống kê của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả thì hiện có 23 nhà báo đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam. Nhà báo Phạm Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách bị cấm ở Việt Nam. Bà từng là phóng viên của một vài cơ quan truyền thông quốc doanh, sau đó đã cùng một vài nhà hoạt động khác sáng lập ra Luật Khoa Tạp Chí, một tờ báo tiếng Việt độc lập hiếm hoi ở quốc gia Cộng Sản. Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập của Luật Khoa Tạp Chí, cho biết phản ứng trước tin nhà báo Phạm Đoan Trang được vinh danh: “Giải thưởng này một lần nữa minh định cho sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của Đoan Trang với việc phát triển báo chí độc lập, cũng như việc dân chủ hoá ở Việt Nam.” Ông cũng cho rằng việc chính quyền giam cầm bà Trang cho thấy xã hội và chế độ ở Việt Nam chưa hoà nhập được với thế giới văn minh, cụ thể là ở các giá trị như tự do báo chí và dân chủ. Từ sự kiện này, ông Long kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam thay đổi cách nhìn nhận về báo chí độc lập: “Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng và chính quyền Việt Nam nói chúng nên bắt đầu coi tự do báo chí là một điều cần thiết, để khắc phục những vấn đề nội tại trong xã hội, để cải thiện vấn đề quản trị công và để đưa đất nước đi lên. Hãy coi những nhà báo tự do, những nhà báo độc lập là đối tác trong tiến trình kiến quốc, và đừng coi họ là kẻ thù nữa.”
......

Tổng thống Sri Lanka vội vã xách hành lý bỏ trốn lên tàu hải quân sau khi người dân nước này nổi dậy!

Người biểu tình xông vào dinh thự của tổng thống Sri Lanka ở thủ đô Colombo hôm 9/7/2022.   Đấu tranh bất bạo động - phản kháng phi bạo lực, sức mạnh số đông!   Khủng hoảng Sri Lanka: Tổng thống bỏ trốn, người biểu tình chiếm tư dinh, Thủ tướng  sẵn sàng từ chức   Tại Sri Lanka, tổng thống Gotabaya Rajapaksa ngày 09/07/2022 đã phải vội vã xách hành lý bỏ trốn  lên tàu hải quân, trước khi hàng ngàn người biểu tình tiến vào chiếm đóng.   Nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra vào cuối tuần này tại thủ đô Sri Lanka, yêu cầu tổng thống từ chức. Hàng ngàn người đã kéo đến khu vực dinh tổng thống, đập đổ các hàng rào của cảnh sát vào sáng 09/07. Hình ảnh từ kênh truyền hình Sri Lanka cho thấy nhiều người biểu tình cầm cờ Sri Lanka tiến vào tư dinh, phá cửa văn phòng thư ký tổng thống và đi vào trong bộ Tài Chính. Cảnh sát không thể ngăn cản được. Người biểu tình bao vây phủ tổng thống ở Colombo, thủ đô Sri Lanka, ngày 09/07/2022. AP - Thilina Kaluthotage   Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Lạm phát đạt mức kỷ lục, lên đến 53,6 % vào tháng 6/2022, và có thể tiếp tục tăng thêm. Người dân phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thực phẩm, thuốc men.   Nhiều người đổ lỗi cho chính phủ của Rajapaksa đã không kiểm soát được đất nước, nhất là sau đại dịch Covid-19. Nền kinh tế của hòn đảo 22 triệu dân chủ yếu dựa vào du lịch đã bị tác động trầm trọng từ hai năm qua.   Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe sẵn sàng từ chức để mở đường cho việc lập chính phủ có mọi đảng phái, văn phòng của ông cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy 9/7, sau khi hàng nghìn người biểu tình xông vào dinh thự chính thức của tổng thống ở thủ đô Colombo. Các binh sĩ và cảnh sát đã không thể chặn được đám đông những người biểu tình hô vang lời yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức, vào lúc sự tức giận của công chúng gia tăng về cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua của đất nước. Những người biểu tình cũng dùng sức mạnh vượt qua những cánh cổng sắt nặng nề để xông vào Bộ Tài chính và các văn phòng bên bờ biển của tổng thống. Tổng thống Rajapaksa đã rời khỏi dinh thự chính thức hôm 8/7 để đề phòng cuộc biểu tình vào cuối tuần đã được lên kế hoạch, hai nguồn tin của Bộ Quốc phòng cho biết. Reuters không thể xác minh hiện vị tổng thống đang có mặt ở đâu. Thủ tướng Wickremesinghe đã hội đàm với một số lãnh đạo các chính đảng để quyết định những bước cần thực hiện sau khi xảy ra tình trạng bất ổn. "Ông Wickremesinghe đã nói với các lãnh đạo các đảng rằng ông ấy sẵn sàng từ chức thủ tướng và mở đường cho một chính phủ gồm mọi đảng phái tiếp quản", văn phòng của ông cho biết trong một tuyên bố. Ông Wickremesinghe cũng đã được đưa đến một địa điểm an toàn, một nguồn tin chính phủ nói với Reuters. Lãnh đạo một số đảng đối lập cũng đã kêu gọi Tổng thống Rajapaksa từ chức. "Tổng thống và thủ tướng phải từ chức ngay lập tức. Nếu không làm như vậy, bất ổn chính trị sẽ trầm trọng hơn", lãnh đạo Đảng Tự do Sri Lanka và cũng là cựu tổng thống Maithripala Sirisena phát biểu trước khi ông Wickremesinghe cho biết sẽ từ chức. Đảo quốc Sri Lanka có 22 triệu dân ở Ấn Độ Dương đang phải vật lộn với tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng nên bị hạn chế về nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu gồm nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men, khiến đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Lạm phát tăng vọt, đạt mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến sẽ lên đến 70% trong những tháng tới, đã gây ra vô vàn khó khăn cho người dân. Bất ổn chính trị có thể gây khó cho các cuộc đàm phán của Sri Lanka với Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào lúc nước này mong nhận được khoản cứu trợ 3 tỷ đô la, cơ cấu lại một số khoản nợ nước ngoài và huy động vốn từ các nguồn đa phương và song phương để giảm bớt tình trạng khan hiếm đồng đô la. Khủng hoảng xảy ra ở Sri Lanka sau khi đại dịch COVID-19 tác động xấu đến nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và làm giảm mạnh lượng kiều hối do những người đi lao động ở nước ngoài gửi về. Tình hình càng xấu thêm vì các khoản nợ chồng chất của chính phủ, giá dầu tăng cao và lệnh cấm nhập phân hóa học hồi năm ngoái đã tàn phá nền nông nghiệp. Lệnh cấm nhập phân bón đã bị bãi bỏ vào tháng 11/2021. Tuy nhiên, nhiều người quy trách nhiệm cho Tổng thống Rajapaksa là đã quản lý kinh tế yếu kém, dẫn đến đất nước suy sụp. Trong nhiều tháng trước đây, đã diễn ra các cuộc biểu tình ôn hòa đòi ông từ chức. Tổng hợp; Chi Phương - RFI - Reuters VOA      
......

Quay lưng lại với Trung Quốc? "Nếu chúng ta muốn thất nghiệp hàng loạt ở đây, thì xin mời"

Von Thorsten Jungholt – WELT Nguyễn Xuân Hoài   Đại sứ hồi hưu Wolfgang Ischinger, 76 tuổi, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Hội nghị An ninh Munich.   Đại sứ Wolfgang Ischinger là người nhiều năm liền đứng đầu Hội nghị An ninh Munich cho rằng nền dân chủ phương Tây “rõ ràng đang ở thế bị động”. Ischinger cảnh báo châu Âu vẫn phụ thuộc vào Mỹ, cả về chiến lược hạt nhân. Ngoài Ukraine, ông lo ngại về những điểm xung đột rất nguy hiểm khác trên thế giới.   WELT: Cách đây hai tuần ông đã tới Ukraine. Thưa ông Ischinger, ông có nhận xét như thế nào về chuyến viếng thăm đó?   Wolfgang Ischinger: Tôi đã có cơ hội nói chuyện với chính phủ, các nghị sĩ và thị trưởng, chẳng hạn như ở Butscha. Và tôi cũng giới thiệu cuộc hành trình gian khổ nhưng sâu sắc này cho những tác giả của bức thư ngỏ, những người đang kêu gọi hãy nhanh chóng đình chiến, phát động một cuộc tấn công ngoại giao to lớn để có thể nhanh chóng đi đến kết thúc cuộc chiến tranh này. Tôi chưa gặp bất cứ một người nào ở Ukraine, có thể làm bất cứ điều gì vào lúc này để kết thúc chiến tranh. Bởi vì điều đó có nghĩa là họ phải từ bỏ phần lớn lãnh thổ của đất nước mình và phải theo điều kiện của Nga.   Thay vào đó, những gì tôi đã chứng kiến là tinh thần quyếtchiến bảo vệ đất nước cao độ, dù biết rằng sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Nhưng người ta cũng biết giải pháp thay thế sẽ là khủng khiếp, không chỉ đối với bản thân Ukraine, mà còn đối với các nước láng giềng của Ukraine. Vì nếu cuộc xâm lược này thành công, có nhiều dấu hiệu cho thấy nó sẽ được lặp lại ở những nơi khác.   WELT: Thưa ông, chiến tranh sẽ còn kéo dài đến bao giờ?   Ischinger: Các nhà lãnh đạo Ukraine đánh giá tình hình rất thực tế. Họ không phải là những người cực đoan. Họ biết chính xác tỷ lệ cân bằng lực lượng pháo binh ở Donbass, một điều vô cùng tệ hại. Nhưng tôi có ấn tượng giới chỉ huy quân đội Ukraine hy vọng sẽ giành lại được lãnh thổ ở miền nam đất nước trong những tháng tới.   Tôi đã chứng kiến một sự quyết tâm sắt đá. Họ quyết tâm trở lại với những vùng lãnh thổ đã rơi vào tay kẻ thù. Họ xứng đáng được chúng ta ủng hộ một cách toàn diện và bền vững. Đây là điều vô cùng cần thiết cả về lâu dài.   WELT: Liệu nước Đức và các đối tác NATO đã làm đủ để hỗ trợ vũ khí cho Ukraine?   Ischinger: Chúng ta đã làm rất nhiều, nhưng theo người Ukraine, bấy nhiêu là chưa đủ. Mặt khác, không cần hỏi, tôi đã nhận được lời cảm ơn từ Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine vì đã bàn giao chiếc xe tăng Haubitze 2000. Hệ thống vũ khí này đã nâng cao vị thế của chúng ta ở Ukraine. Nhưng chúng ta cũng không nên đánh giá quá cao những đóng góp của mình. Sự đóng góp của Hoa Kỳ cho cuộc chiến đấu ở Ukraine là hết sức to lớn, có thể nói chiếm một tỷ trọng rất lớn.   WELT: Hai năm trước, tại Hội nghị An ninh Munich, ông đã đưa ra thuật ngữ "Phương Tây vô dụng" (Westlessness) , có nghĩa là phương Tây dân chủ không đoàn kết cũng như không đủ quyết tâm để khẳng định các giá trị của mình trên thế giới. Ông đánh giá thế nào về tình hình hiện nay, sau hội nghị thượng đỉnh EU, G7 và NATO?   Ischinger: Tin vui là NATO, một bộ phận trong chính sách quốc phòng của phương Tây, đã vượt qua cuộc khủng hoảng về bản sắc trong những năm gần đây. Bạn hãy nghĩ đến lời của Macron về "cái chết não" hoặc "lỗi thời" của Trump. Nato được mở rộng, có thêm hai quốc gia dân chủ, rất ổn định, Thụy Điển và Phần Lan, do đó đã được củng cố về thế lực chính trị. Tin buồn là kinh tế phương Tây vẫn bị suy giảm, do đó ảnh hưởng đến chính trị và "quyền lực mềm". Các nền dân chủ từng thống trị 2/3 nền kinh tế toàn cầu, giờ chỉ còn 1/3. Phương Tây không còn được thế giới nghiễm nhiên thừa nhận là kẻ đi đầu và là nguồn gây cảm hứng nữa.   WELT: Tại sao đến nông nỗi này?   Ischinger: Chúng ta phải tăng cường khả năng thuyết phục và tạo độ tin cậy của mình, đặc biệt đối với các quốc gia ở nam bán cầu, họ cáo buộc chúng ta áp dụng các tiêu chuẩn kép, tức là phản ứng đối với cuộc chiến tranh ở Ukraine khác với các cuộc chiến tranh ở các nước Châu Phi, ví dụ như Yemen hoặc Syria. Là các nền dân chủ phương Tây, chúng ta rõ ràng đang ở thế bị động.   Các nhà nước chuyên quyền và các thể chế độc tài đang ở vị thế chủ động. Họ ngày càng tỏ ra hung hăng, tự tin, đôi khi tàn bạo, hãy nhìn tấm gương nước Nga. Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng về sự tan rã của trật tự toàn cầu. Ngày càng có nhiều vi phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng đối với luật pháp quốc tế nhưng lại không bị trừng phạt . Ở Châu Âu có chiến tranh nhưng dường như vẫn có những người không nhận ra điều đó.   WELT: Làm sao có thể tin cậy vào cam kết của 32 quốc gia thành viên NATO về việc phòng thủ quân sự cũng như đòi hỏi phải tăng quân số nhưng lại chủ yếu do Hoa Kỳ gánh vác?   Ischinger: Tôi chỉ có thể hy vọng không chỉ Đức, mà tất cả các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu, sẽ ngày càng nhận thức được sự cần thiết của việc thực hiện cam kết đề ra năm 2014 là dành hai phần trăm, hoặc cao hơn, tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng về lâu dài. Chỉ khi đó yếu tố răn đe mới có thể phát huy tác dụng và đáng tin cậy.   Không ai có thể đảm bảo chắc chắn với chúng ta sau hai năm rưỡi nữa, kể từ bây giờ, vẫn có một người bạn xuyên Đại Tây Dương như Joe Biden và một đội ngũ như vậy trị vì ở Washington. Nếu có người lo ngại, và tôi là một trong những người như vậy, về đường lối, chính sách của Hoa Kỳ trong tương lai, thì điều quan trọng là chúng ta, những người Đức và những người Châu Âu khác phải làm cho người Mỹ hiểu rằng chúng ta không phải là những kẻ ăn bám, không có chính sách an ninh của mình.   Người nông dân ở Idaho phải đi đến kết luận, đối với ông ta thì việc lựa chọn một nhân vật lên làm tổng thống Mỹ mà người đó thành công trong việc đảm nhận gánh nặng trợ giúp cho việc phòng thủ Châu Âu bằng tiền thuế của người dân Mỹ . Nếu người nông dân ở Idaho thấu hiểu được điều đó thì những người thiên về chính sách xuyên Đại Tây Dương ở Washington có thể giành thắng lợi trong chiến dịch tranh cử. Nếu chúng ta không làm được việc đó, thì không còn gì để nói!   WELT: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin gần đây đã giải thích tại Singapore rằng trung tâm của mọi cân nhắc chiến lược của Mỹ không phải là châu Âu, mà là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Như vậy có nghĩa là, ngay cả tổng thống Biden, một người có lạp trường Xuyên Đại Tây Dương chỉ có thể giúp châu Âu thoát khỏi khó khăn lần này là lần cuối cùng?   Ischinger: Rất có thể như vậy. Và đó là lý do tại sao chúng ta phải theo đuổi chiến lược kép. Chúng ta phải củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bằng cách tự lực làm nhiều việc hơn nữa. Đồng thời chúng ta phải củng cố nền độc lập của Châu Âu. Emmanuel Macron gọi đó là quyền tự chủ chiến lược, tôi thích gọi cái đó là sự hành động có chủ quyền. Chúng ta không được chỉ tìm cách dựa vào mối quan hệ đối với Mỹ mà phải trở thành một đối tác bằng vai phải lứa với Hoa Kỳ.Trước mặt chúng ta là một chặng đường dài , chúng ta sẽ ở đâu trong việc đối phó với sự xâm lược của Nga nếu không có Hoa Kỳ?   WELT: Thủ tướng Đức Olaf Scholz tỏ ra sẵn sàng giành một quỹ đặc biệt 100 tỷ Euro cho quân đội Đức, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?   Ischinger: Thực tình mà nói, tôi rất phấn khởi trước sự can đảm của Thủ tướng khi ông công khai đề cập đến vấn đề này ngày 27 tháng 2, ngay cả khi đảng của ông còn có những ý kiến trái chiều. Nhưng tôi thấy một thách thức to lớn, 100 tỷ Euro là rất nhiều tiền, và các nước đối tác khác cũng đang chi nhiều hơn cho quốc phòng.   Cái thiếu ở đây là sự thiếu phối hợp của Châu Âu trong việc sử dụng khoản đầu tư này. Chúng ta duy trì một số lượng hệ thống vũ khí ở EU nhiều gấp sáu lần so với Hoa Kỳ, nhưng phát huy hiệu quả về quân sự lại thấp hơn. Chi tiêu rất lãng phí. Đã đến lúc châu Âu phải tăng cường cùng nhau phát triển, sản xuất, đào tạo và cả cùng nhau xuất khẩu. Tổng hợp và chia sẻ là vấn đề then chốt. Tất cả những điều này sẽ chỉ phát huy được hiệu quả nếu nó trở thành vấn đề ở cấp cao nhất.   WELT: Châu Âu có cần chuẩn bị cả về chiến lược hạt nhân phòng khi ông Biden không được bầu lại vào cuối năm 2024?   Ischinger: Chắc chắn là cần rồi. Tôi nghĩ là có thiếu sót khi Đức và các nước khác đã không có phản ứng tích cực khi Macron năm 2020 đã nhiều lần bầy tỏ ý kiến về vấn đề này. Ông ấy tuy không nêu cụ thể làm thế nào để lực lượng hạt nhân của Pháp có thể tham gia vào việc răn đe hạt nhân đối với toàn châu Âu. Nhưng ông ấy đã mở ra một cơ hội để nói về những vấn đề chiến lược rất phức tạp này. Giờ thì muộn mất rồi. Tất nhiên, Đức phải tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, không được tìm cách để có vũ khí hạt nhân của riêng mình và cũng không được mơ tưởng về điều đó. Nhưng cần phải trao đổi ngầm với người Pháp ở cấp độ chuyên gia quân sự và chiến lược về sự hợp tác có lợi cho châu Âu mà không được làm mếch lòng người Mỹ. Điều này không dễ dàng, nhưng tôi nghĩ điều này có thể làm được.   WELT: Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck thừa nhận Putin sử dụng khí đốt làm vũ khí. Ông lần đầu tiên coi năng lượng là một vấn đề về chính sách an ninh và đã đưa nó vào chương trình nghị sự của hội nghị an ninh năm 2013. Chính phủ Đức đã không lắng nghe, hay tại sao Đức lại phụ thuộc quá nhiều vào Nga?   Ischinger: Chúng ta thực sự đã mắc một sai lầm chiến lược cơ bản trong 20 năm qua, chúng ta đã coi vấn đề an ninh năng lượng và chính sách năng lượng đối ngoại là công việc của lĩnh vực kinh tế. Nói một cách thẳng thắn, chúng tôi để cho tập đoàn BASF và các khách hàng tiêu thụ khí đốt khác của Đức chọn khí đốt giá rẻ của Nga do có lợi thế về địa điểm và từ đó các đường ống dẫn dầu, khí là cần thiết.   Về mặt chính trị, chúng ta cả tin, người Nga chưa bao giờ sử dụng khí đốt hoặc dầu mỏ làm vũ khí chống lại chúng ta, kể cả trong Chiến tranh lạnh. Không ai cho rằng chính phủ cần phải điều tra xem xét các khả năng bị phụ thuộc về năng lượng. Trong khi đó đáng ra điều này cần phải được xem xét sớm hơn và thấu đáo hơn.   Bài học từ sự thiếu sót này là cần phải có một Hội đồng An ninh Quốc gia có chức năng và thẩm quyền để thường xuyên giải quyết các vấn đề trên, kể cả đối với các lĩnh vực khác.   WELT: Thí dụ như sự phụ thuộc vào Trung Quốc?   Ischinger: Những con số đã tự nói lên tất cả, đúng là có sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc không phải vì đường lối chính sách. Trong nhiều thập kỷ, chính sách Trung Quốc của Đức, mà tôi từng tham gia với tư cách là Quốc vụ khanh cách đây 20 năm, là làm sao bán được càng nhiều ô tô cho Trung Quốc càng tốt. Câu chuyện là như vậy, khỏi bàn cãi.   Giờ thì ai cũng biết về chiến lược thế là không ổn. Nhưng sẽ là một sai lầm rất tai hại nếu ta đánh đổ đồng Nga với Trung Quốc ngang hàng nhau và tách vấn đề này với Bắc Kinh. Sự phụ thuộc và cơ hội là quá lớn đối với thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Nếu muốn có thất nghiệp hàng loạt ở Đức, vậy thì xin cứ việc.   WELT: Thế thì phải làm gì?   Ischinger: Phương án của tôi là tạo ra khả năng phục hồi, tức là phát triển khả năng chống lại các rủi ro chiến lược dễ bị tổn thương . Nhà nước trước tiên phải xác định những rủi ro này, sau đó thực hiện các chiến lược để giảm thiểu chúng.   Hoặc một người nói: Vì lợi ích của việc tránh tỷ lệ thất nghiệp cao ở Đức nên kiểm tra sự phụ thuộc này, và thay đổi nó nếu cần. Điều đó không có nghĩa là phải tách rời. Có nghĩa là tất nhiên chúng ta giao dịch với Trung Quốc, tức là chúng ta đầu tư vào Trung Quốc một cách tự nhiên. Nhưng theo một nguyên tắc chỉ đạo chiến lược rõ ràng.   WELT: Phái Xanh nhấn mạnh các giá trị trong chính sách đối ngoại của họ. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với thương mại với các quốc gia vi phạm quyền con người? Ischinger: Nếu chúng ta, với tư cách là một quốc gia xuất khẩu, muốn ngừng giao thương và đầu tư vào các quốc gia bị nghi ngờ là không tôn trọng quyền con người, thì chúng ta phải ngừng hợp tác với khoảng 2/3 nhân loại. Đây không phải là một viễn cảnh thực tế đối với Đức. Tất nhiên, nhiệm vụ của chúng ta là gây ảnh hưởng đến các quốc gia như vậy vì quyền con người. Nhưng đó không thể là một tiêu chí duy nhất. Chúng ta không phải là vị cứu tinh của thế giới.   WELT: Có nghĩa là chúng ta hy vọng người Trung Quốc không bắt chước Nga cư xử với Đài Loan…   Ischinger: Điều đầu tiên chúng ta phải làm là chấm dứt tình trạng Đức, Pháp hoặc Tây Ban Nha theo đuổi một chính sách riêng đối với Trung Quốc. EU cần có một chính sách chung, thống nhất đối với Trung Quốc. Chúng ta phải nói với một giọng điệu giống nhau ở Trung Quốc, chúng ta cũng phải nói với một giọng nói như nhau ở Washington khi đề cập đến vấn đề Trung Quốc, và cần nói chuyện đó một cách vui vẻ. Tất cả chúng ta đều rất ủng hộ không thay đổi hiện trạng của Đài Loan, chắc chắn không phải bằng biện pháp quân sự từ phía Trung Quốc.   Nếu điều đó giúp Mỹ răn đe về quân sự trong khu vực, thì càng tốt. Nhưng xin vui lòng có sự phối hợp với châu Âu chúng tôi! Bởi vì tương lai của chúng ta phụ thuộc vào vấn đề này. Nếu chiến tranh nổ ra ở Đài Loan, thì ngay ngày hôm sau ánh sáng sẽ tắt ngóm ở Wolfsburg và Ingolstadt. Chậm nhất là ngày mốt. Đó là lý do tại sao châu Âu phải đóng vai trò chiến lược mạnh mẽ hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và phải thể hiện sự hiện diện nhiều hơn.   WELT: Ở Đức, vào lúc này, mọi người chỉ nhìn vào cuộc chiến tranh ở Ukraine. Những điểm khủng hoảng nào hiện chưa được chú ý nhưng có thể bùng nổ trong tương lai gần?   Ischinger: Tôi rất lo ngại là chúng ta không có thời gian và sức lực để giải quyết vấn đề Iran, do phải tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine, điều naỳ là cần thiết. Các chuyên gia cho rằng Iran, nếu không ngày nay, thì trong thời gian gần nhất sẽ ở tình thế có đủ nguyên liệu cần thiết cho một thiết bị nổ hạt nhân. Điều này có nghĩa là câu hỏi liệu các cuộc đàm phán hạt nhân cuối cùng có thất bại hay không là rất cấp thiết. Đây chỉ là một ví dụ.   Tôi cũng thấy vấn đề Libya chưa được giải quyết, cuộc khủng hoảng lương thực, đặc biệt là ở vùng Sừng châu Phi, các cuộc xung đột ở Yemen và Syria. Thế giới đang đứng trước nhiều hiểm nguy, không chỉ ở Ukraine./.   Nguồn: Abwendung von China? „Wenn wir hier Massenarbeitslosigkeit wollen, dann bitteschön“  
......

Shinzo Abe, người có chiến lược ngăn chặn bành trướng Trung Quốc

Trọng Nghĩa - RFI Năm nay 68 tuổi, cựu Thủ tướng Shinzo Abe, bị sát hại hôm nay, 08/07/2022, có lẽ sẽ đi vào lịch sử trong tư cách là người đã phá vỡ kỷ lục tại nhiệm trong cương vị thủ tướng Nhật Bản. Di sản đối nội của ông là chính sách kinh tế mang tên ông là “Abenomics,” góp phần duy trì vị trí cường quốc kinh tế của đất nước. Còn trong lãnh vực đối ngoại, ông nổi tiếng là người có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao độ, biết đề ra chiến lược nâng cao vai trò của Tokyo, hạn chế đà bành trướng của Trung Quốc. Sinh năm 1954 trong một gia đình danh giá Nhật Bản theo xu hướng bảo thủ về chính trị, ngay từ đầu, ông Shinzo Abe đã gia nhập hàng ngũ đảng Dân Chủ Tự Do gần như cầm quyền liên tục tại Nhật Bản từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Đến năm 2006, vào tuổi 52, ông lần đầu tiên trở thành thủ tướng trong một nhiệm kỳ ngắn ngủi đúng 1 năm, nhưng là người đứng đầu chính phủ Nhật Bản trẻ nhất thời hậu chiến, người đầu tiên sinh sau Thế Chiến Thứ Hai. Phải chờ đến năm 2012, sau chiến thắng áp đảo của đảng Dân Chủ Tự Do trong cuộc bầu cử Quốc Hội, ông được bầu làm thủ tướng lần thứ hai, rồi thêm hai nhiệm kỳ khác, kéo dài tổng cộng gần 8 năm, trở thành người nắm chức vụ thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, chỉ từ chức vào tháng 9 năm 2020 vì lý do sức khỏe. Theo hãng tin Pháp AFP, chính trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai (2012-2020) mà ông Abe đã gây ấn tượng mạnh với chính sách khôi phục kinh tế táo bạo và những hoạt động ngoại giao mạnh mẽ. Shinzo Abe được biết đến nhiều nhất ở nước ngoài với chính sách kinh tế được mệnh danh là “Abenomics” được đưa ra từ cuối năm 2012, kết hợp giữa nới lỏng tiền tệ, kích thích tài chánh và cải cách cơ cấu, một chính sách đã mang lại những thành công nhất định, dù không trọn vẹn. Về đối ngoại, điểm nổi bật của ông Shinzo Abe là quan điểm không để nước Nhật ngày nay bị gánh nặng thời quân phiệt trong quá khứ chi phối, nỗ lực thúc đẩy việc sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa của Nhật Bản để cho phép Quân Đội Nhật can thiệp ra ngoài nước. Trên tinh thần đó, năm 2015, ông Abe đã thúc đẩy thông qua luật an ninh gây tranh cãi cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các nhiệm vụ chiến đấu ở nước ngoài cùng với các lực lượng đồng minh, như một phần của “quyền tự vệ tập thể.” Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng thế lực lấn lướt các láng giềng, Thủ tướng Abe đã đề ra một loạt chiến lược đối phó, từ sáng kiến kinh tế TPP, rồi CPTPP (sau khi Mỹ rút đi), cho đến việc hình thành khối Tứ Giác Kim Cương, còn gọi là Bộ Tứ QUAD tập hợp 4 nền dân chủ châu Á-Thái Bình Dương (Nhật, Mỹ, Ấn, Úc). Chính Thủ tướng Abe là người đã thúc đẩy việc tăng cường hợp tác với các quốc gia Biển Đông bị Trung Quốc chèn ép, cụ thể là Philippines và Việt Nam, kể cả về mặt Quốc Phòng. Quan điểm đối kháng Trung Quốc của ông Shinzo Abe dĩ nhiên đã bị Bắc Kinh đả kích. Trong một bài xã luận ngày 15/12/2021 về việc ông Abe từ chức thủ tướng Nhật Bản, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã không ngần ngại gọi ông Abe là “chính khách bài Trung Quốc ‘đầu sỏ’ tại Nhật Bản.” Trọng Nghĩa
......

Nga tăng cường mạnh mẽ lực lượng hải quân ở Địa Trung Hải

WELT Nguyễn Xuân Hoài   Sau cuộc tấn công của Putin, Nato tập trung vào việc bảo vệ phía Đông. Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Italia quan sát thấy các động thái đáng lo ngại của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải. Trong cuộc phỏng vấn ông đề cập tới những việc cần làm, kể cả về vấn đề di dân từ Phi Châu.   Bộ trưởng Quốc phòng Ý Lorenzo Guerini gần đây đã trình bày một khái niệm chiến lược mới về bảo vệ Địa Trung Hải tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid. Chính trị gia của Đảng Dân chủ Ý (thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội Châu Âu) nhận thấy những mối đe dọa mới đối với an ninh của Châu Âu trên “Mặt trận phía Nam”, không chỉ đến từ Moscow.   WELT: Cụ thể định hướng này của NATO sẽ ảnh hưởng như thế nào đến “mặt trận phía Nam” ? Cho đến nay, dường như việc mở rộng bộ máy quân sự đều tập trung vào các quốc gia ở phía Đông. Lorenzo Guerini: Việc tăng cường đúng đắn bộ máy răn đe và phòng thủ ở sườn phía Đông có liên quan trực tiếp đến tình hình hiện tại. Điều mà Ý đã yêu cầu và đạt được nhờ sự hỗ trợ của các đồng minh khác, trước hết là Tây Ban Nha, Pháp và Hy Lạp, là NATO cũng cần để mắt đến các mối đe dọa có thể xảy ra từ các hướng khác, kể cả từ phía nam. Vấn đề không phải là lựa chọn giữa Đông và Nam, an ninh Euro-Đại Tây Dương là một khối thống nhất, không thể tách rời.   WELT: Ý đặc biệt quan tâm đến Địa Trung Hải, coi đây như một lợi ích của quốc gia. Tại sao lại như vậy?   Guerini: Chúng ta đang nói về một vùng biển có sự kết nối thuận lợi nhất giữa Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, với một hải trình bắt buộc qua eo biển Sicily, khoảng 20% hàng hóa toàn cầu được vận chuyển trên tuyến đường này. Dưới đáy biển có "các đường giây thông tin liên lạc ", kết nối Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Địa Trung Hải có tầm quan trọng cơ bản đối đối với đất nước chúng tôi, với toàn bộ nền kinh tế, do đó cũng rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và thành công của các doanh nghiệp và người dân Italia.   WELT: Trong báo cáo chiến lược của mình, ông đề cập đến các nguyên tắc đối phó với các cuộc khủng hoảng ở Địa Trung Hải. Vậy những tình huống nguy hiểm nhất là gì?   Guerini: Trong một thời gian dài chúng tôi đặc biệt chú ý đến châu Phi. Tình hình phức tạp, dai dẳng ở Libya, sự bất ổn ở một số quốc gia ở khu vực cận Sahara, sau đó là sự hiện diện của các nhóm khủng bố, thái độ hung hăng và thậm chí quân phiệt của một số chủ thể quốc tế, sự hỗn loạn do chiến tranh ở vùng Sừng châu Phi nạn cướp biển hoành hành, triền miên. Cũng không thể không nói đến những rủi ro do sự hiện diện của các tổ chức tội phạm lớn, cạnh đó là các cuộc khủng hoảng lương thực do chiến tranh gây ra, hậu quả của tình trạng này sẽ là một sự di tản ồ ạt chưa từng có từ trước tới nay. Do đó chúng ta luôn phải sẵn sàng hành động, không chỉ với các biện pháp quân sự, mà phải kết hợp với biện pháp ngoại giao và trên hết là chú ý hơn đến viện trợ phát triển.   WELT: Sau khi xâm lược Ukraine, Nga đã tăng cường một hạm đội với sức mạnh chưa từng có ở Địa Trung Hải; Bộ tham mưu Hải quân Ý gần đây đã nói về 18 tàu chiến và hai tàu ngầm. Điều đó có làm Bộ trưởng lo lắng không?   Guerini: Địa Trung Hải là một trong những vùng biển được giám sát tốt nhất từ trước đến nay. Chiến dịch Sea Guardian và lực lượng hải quân thường trực của NATO, Chiến dịch Irini của EU và các hoạt động của các nước khác nhau cho phép chúng tôi có thể đánh giá tình hình một cách chính xác, có nghĩa là "Nhận thức được tình huống". Sự hiện diện của Hải quân Nga, dù ở trên hay dưới mặt nước, chắc chắn là có ý nghĩa quan trọng và đôi khi họ tỏ ra hiếu chiến. Tuy nhiên, điều đó không làm chúng tôi lo lắng vì chúng tôi quan sát, theo giõi liên tục mọi động thái của đối thủ và đánh giá các động thái đó một cách đúng đắn.   WELT: Trên mặt trận chống khủng bố nhắm vào tổ chức thánh chiến như sứ mệnh Takuba ở Sahel đã đi đến chấm dứt. Đây là một hoạt động của Châu Âu do Pháp dẫn đầu,có sự tham gia của Ý và Đức. Tình hình ở đây sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào? Có nguy cơ về một Afghanistan thứ hai tại đây không?   Guerini: Tình hình ở Sahel khác với ở Afghanistan. Việc kết thúc chiến dịch Takuba không có nghĩa là sẽ rút khỏi khu vực này. Takuba là một trong nhiều sáng kiến được tạo ra nhằm hỗ trợ các nước châu Phi trong khu vực bị chủ nghĩa khủng bố đe dọa. Tôi có thể nêu một ví dụ, chiến dịch Barkhane, đang được tiến hành ở Sahel trong mấy tuần gần đây, chiến dịch này có sự tham gia của phái bộ châu Âu EUTM Mali, G5 Sahel và các sáng kiến song phương khác nhau. Cũng giống như Mission Misin của chúng tôi tại Niger, đội ngũ nhân viên, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng không ngừng được bổ sung. Do đó sự kết thúc của Takuba không có nghĩa là chúng tôi sẽ rời khỏi Sahel, mà đây chỉ là thời điểm để chúng tôi đánh giá lại tình hình nhằm sau đó có thể hoạt động có hiệu quả hơn.   WELT: Báo cáo chiến lược của ông nêu bật hai yếu tố: khả năng hoạt động của cơ quan tình báo và mức độ răn đe của các lực lượng vũ trang. Ông có nghĩ rằng đất nước của ông có những công cụ như vậy?   Guerini: Hệ thống thông tin và bảo mật của chúng tôi hoạt động có hiệu quả và được thừa nhận do có khả năng duy trì mạng thông tin, có năng lực phân tích và dự báo đáng tin cậy. Thêm vào đó các lực lượng vũ trang của chúng tôi có tính chuyên nghiệp cao, điều này đã được chứng minh trong nhiều thập kỷ từ các hoạt động ở Lebanon, Afghanistan, ở Châu Phi và các nước Baltic. Khi người ta biết mình đang làm gì, có ý chí quyết tâm cao, có phương tiện để thực hiện, đây chính là sự răn đe hiệu quả nhất. Bức ảnh chụp tàu sân bay "Cavour" của chúng tôi, đang hoạt động trên Địa Trung Hải cùng với "De Gaulle" và "Truman" của Mỹ, là một dấu hiệu cho thấy tính thuyết phục của điều này.   WELT: Liệu có nguy cơ sự gia tăng lực lượng của Mỹ ở châu Âu và lực lượng phản ứng nhanh của NATO sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch phòng thủ châu Âu mới được thành lập?   Guerini: Ngược lại, theo tôi khi khối Liên minh được củng cố và tăng cường thì sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy Liên minh châu Âu khẩn trương thực hiện Kế hoạch Hành động, La bàn Chiến lược, đã được phê duyệt hồi tháng 3 năm ngoái. Sự bổ sung cho nhau giữa NATO và EU đã được thừa nhận và đang được thực hiện, việc bảo vệ châu Âu trong tương lai càng củng cố trụ cột của NATO trên lục địa này. Một Liên minh châu Âu mạnh hơn, về mặt quân sự, cũng sẽ củng cố NATO.   WELT: Các lực lượng vũ trang của Ý đã có những đóng góp đáng kể trong tất cả các hoạt động gìn giữ hòa bình trong 25 năm qua. Nếu một thỏa thuận đạt được ở Ukraine, chúng ta có sẵn sàng can thiệp?   Guerini: Tôi không thấy có sự lựa chọn nào khác ngoài sự can thiệp dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Vấn đề này tất nhiên tùy thuộc vào quyết định của Nghị viện. Nhưng điều tôi có thể nói là các lực lượng vũ trang của chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện công việc của mình theo đúng quy định của Hiến pháp.   WELT: Nếu như Bộ trưởng buộc phải dự đoán, thì khi nào cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc?   Guerini: Có rất nhiều biến số có thể quan trọng đối với cuộc xung đột này, nhưng ít nhất người ta có thể giả định rằng với tình trạng giao tranh hiện nay và sự bế tắc chung, điều mà chúng ta phải tính đến là một “cuộc chiến tranh tiêu hao” Đó là lý do tại sao cần phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine, giúp họ tiếp tục kháng cự là vô cùng quan trọng. Không có cách nào khác là phải thuyết phục Moscow, họ không thể giành chiến thắng trên thực tế và đàm phán là cách duy nhất để tìm ra một giải pháp được chấp nhận./. Nguồn:Mittelmeer: Italiens Verteidigungsminister Guerini warnt vor russischen Kriegsschiffen – WELT  
......

Ông Shinzo Abe qua đời!

Theo tin ức của truyền thông quốc tế, ông Shinzo Abe,cựu thủ tướng Nhật Bản vừa qua đời sau khi bị một nam nghi phạm tên Tetsuya Yamagami bắn từ phía sau khi đang phát biểu tranh cử ở miền Tây Nhật Bản.   Ông Abe từ chức vào năm 2020 với lý do sức khỏe kém, nhưng vẫn là một nhân vật quan trọng trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cho đến gần đây. Abe từng là Thủ tướng Nhật Bản từ năm 2006 đến năm 2007 và sau đó là từ năm 2012 đến năm 2020. Ông là thủ tướng Nhật Bản cầm quyền lâu nhất.   Dưới sự lãnh đạo của ông, Nhật Bản đã chuyển sang cánh hữu đáng kể. Abe là một trong những người ủng hộ trung thành việc sửa đổi hiến pháp hòa bình thời hậu chiến. Trong Điều 9 của Hiến pháp, Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của quốc gia và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực như một phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế.   Từ đó nền quốc phòng Nhật mạnh mẽ hơn, cùng với NATO châu Á QUAD gồm tứ trụ kim cương Nhật, Mỹ, Ấn, Úc trong chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở đã kềm chế sự lộng hành của TC trong khu vực.   Ông Abe được cho là người khởi xướng ra chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.   Khi được bầu làm thủ tướng lần thứ nhì vào năm 2012. Ông Abe đã thay đổi một phần hiến pháp chủ hoà của Nhật, trao cho quân đội nhiều quyền hơn để đối đầu với TC.   Nghi phạm nổ súng Tetsuya Yamagami đã bị bắt giữ, tuy nhiên chưa rõ động cơ của sát thủ./.    
......

Cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị ám sát

  Việt Tân Cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị bắn vào ngực khi đang phát biểu ở thành phố Nara, tỉnh Nara, miền tây nước này lúc 11h30 hôm nay (9h30 giờ Hà Nội).8.07.2022   Đài NHK cho biết ông Abe bị thương, chảy m.áu sau khi trúng đ.ạn vào ngực và được đưa lên trực thăng tới bệnh viện gần đó. Hiện nay, cựu thủ tướng Abe đang trong tình trạng ngừng tim.   Ông Shinzo Abe, thuộc đảng Dân chủ Tự do, tới thành phố Nara để vận động trước cuộc bầu cử thượng viện diễn ra ngày 10 Tháng Bảy, 2022. Khoảng 30 người đang có mặt tại buổi phát biểu của ông Abe khi sự việc xảy ra.   Đài truyền hình NHK dẫn các nguồn tin cho hay hung khí là một khẩu s.úng săn, kẻ tình nghi hơn 40 tuổi, đã bị cảnh sát tỉnh Nara bắt.   Facebook Việt Tân sẽ cập nhật những diễn biến tiếp theo của sự việc. https://www.facebook.com/photo/?fbid=417148180455195&set=a.345817664254914   HIỆN TRƯỜNG VỤ ÁM SÁT CỰU THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN SHINZO ABE Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhiều khả năng không qua khỏi sau khi bị á.m s.át sáng ngày 8 Tháng Bảy, 2022, tại thành phố Nara (miền Tây Nhật Bản). Theo Đài NHK, trong lúc ông Shinzo Abe đang phát biểu vận động trước cuộc bầu cử Thượng viện giữa đám đông khoảng 30 người, thì nghi phạm mang theo s.úng đã đi vòng ra phía sau lưng rồi b.ắn khiến ông Abe gục ngay tại chỗ. Hiện cựu thủ tướng Nhật đã được đưa đến bệnh viện, nhưng đang rơi vào tình trạng “ngưng tim phổi”. Các cơ quan truyền thông chú thích thêm rằng, cụm từ "ngừng tim phổi" là một thuật ngữ được sử dụng ở Nhật Bản trong trường hợp có thể đã c.hết và đang chờ bác sĩ xác nhận. Nghi phạm thực hiện vụ á.m s.át là một nam giới tên Yamagami Tetsuya (42 tuổi), đã bị bắt ngay tại hiện trường. Cảnh sát cũng đã tịch thu khẩu s.úng gây án. Ông Shinzo Abe là Thủ tướng trẻ tuổi và tại vị lâu nhất của Nhật Bản. Hồi 2020, ông Abe tuyên bố từ chức Thủ tướng tại họp báo vì lý do sức khỏe do mắc chứng viêm loét đại tràng kinh niên.
......

Tại sao Ngoại trưởng Mỹ Blinken hủy chuyến đi Việt Nam?

Ngày 9 và 10 tới đây, đáng ra Ngoại trưởng Blinken đến Hà Nội, theo các nguồn tin ẩn danh của cả Mỹ lẫn Việt Nam từ cuối tuần trước. Giờ đây, chuyến thăm đã bị “đình hoãn” (postpone) hay “hủy hẳn” (cancel), giới phân tích cũng chưa thể biết một cách chắc chắn. Có phải vì “tuần lễ ngoại giao con thoi” quá nhiều các sự kiện đến mức Ngoại trưởng Antony Blinken buộc phải hoãn chuyến thăm vốn đã được lên kế hoạch từ trước, hay vì những nguyên nhân khác? Hoàng Trường -VOA Các sự kiện trong “tuần lễ ngoại giao mắc cửi” đã diễn ra với nhịp độ chóng mặt đối với giới quan sát. Ngoại trưởng Nga, Trung Quốc và nhiều quan chức ngoại giao các nước khác đi lại nhộn nhịp giữa các thủ đô ASEAN. Đáng chú ý là lịch trình châu Á của Ngoại trưởng Blinken. Hai chặng dừng chân quan trọng nhất của ông là ở Bali (Indonesia) và Bangkok (Thái Lan) từ mồng 6 đến 11/7. Tại Bali ông tham gia cuộc họp các Ngoại trưởng G-20. Còn ở Bangkok, Blinken sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Thái Lan về các vấn đề của năm APEC 2022, do Thái Lan làm Chủ tịch. Chặng ghé Hà Nội được lên kếHoàng Trường hoạch từ trước bị hủy đặt ra khá nhiều suy đoán theo các chiều hướng lẫn lộn. Những người lạc quan đối với tương lai quan hệ Mỹ – Việt thì cho rằng, sẽ chẳng có xáo trộn gì lớn trong bang giao hai nước. Ông Blinken không ghé qua Hà Nội lần này chẳng qua là do lịch trình. Từ này đến trước tháng 11, thế nào Blinken cũng còn có dịp quay lại châu Á (nhân dịp họp Cấp cao Đông Á chẳng hạn) và ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến thăm cấp Nguyên thủ của Tổng thống Biden vào dịp cuối năm. Những người thận trọng hơn đối với mối bang giao đầy duyên nợ Việt – Mỹ không nhìn nhận vấn đề đơn giản như thế. Ít nhất là vì các lý do có thể kiểm chứng. Thứ nhất, chuyến đi Việt Nam của Ngoại trưởng Blinken đã được hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hoa Kỳ bắt tay chuẩn bị ngay sau khi nhân vật số hai ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ – bà Thứ trưởng Wendy Sherman – kết thúc các buổi làm việc với các đối tác. Sau hơn 3 ngày ở Việt Nam, các bên dường như đi đến được thỏa thuận quan trọng, bà Thứ trưởng đồng ý phối hợp thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden trong năm 2022, còn Hà Nội cam kết sẽ nâng tầm quan hệ lên mức cao hơn. Tuy ý tứ được đánh tráo lắt léo để truyền thông Việt Nam dịp ấy “show-up” một ngoại lệ. Các trang mạng chính thức trong nước đều nhấn mạnh đến chủ đề “thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden trong năm 2022”. Nói ngoại lệ là vì, nếu không có phép từ cấp cao thì “nền báo chí tự do” của Hà Nội không đời nào dám “cầm đèn chạy trước ô tô” như thế. Để có thể thúc đẩy một nghị trình “Ngoại giao Nguyên thủ”, Ngoại trưởng hai nước phải đứng ra dàn xếp nội dung là chuyện hiển nhiên. Trong trường hợp Mỹ – Việt có khi phải cần đến vài đoàn “tiền trạm” (Third Party) là ít. Thứ hai, thời điểm truyền thông Việt Nam “chơi kiểu cha nội” như trên, dư luận ngầm hiểu, sau hậu trưởng đã có sự mặc cả. Tổng thống Mỹ không thể thăm Việt Nam mà ra về tay không, nếu như Hà Nội không cam kết một vài nội dung thực chất: Việt Nam “can dự” đến mức nào đối với các “trụ cột chính sách” của ông Biden, đặc biệt là sự liên đới của Việt Nam đối với “Khung khổ Kinh tế của Indo-Pacific” (IPEF) và với các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu (COP-26). Mỹ đủ kiên nhẫn chiến lược để chưa nói tới “Bộ Tứ”, hay “Bộ Ngũ” của “Không gian Ấn Độ – Thái Bình dương Tự do và Rộng mở” (FOIP). Nhưng nếu Việt Nam cam kết sẽ là một trong 14 thành viên của IPEF, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu nhiều lần phía Mỹ nêu ra, nâng quan hệ hai nước lên tầm “đối tác chiến lược” (SP) thì mọi chuyện sẽ là “happy-ending”. Một cách ngắn gọn, “Kinh tế – Môi trường – Chiến lược” là ba trong nhiều thỏa thuận then chốt khác (như thay thế vũ khí, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững…) để quan hệ Mỹ – Việt có thể mở ra một chương mới về chất. Thứ ba, thỏa thuận ngầm nói trên mới ở dạng sơ bộ, bỗng dưng bị “xóa sổ”. Vấn đề ở đây là thỏa thuận nào bị hủy: kinh tế, môi trường hay chiến lược? Kinh tế thì chắc là không rồi! Thủ tướng Phạm Minh Chính đã “bôn ba” trên đất Mỹ 7 ngày (từ 11 – 17/5/2022) để vận động nhiều tập đoàn Mỹ vào Việt Nam và đã thu được một số kết quả thực chất, tạo động lực cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, theo như đánh giá của bà Sherman. Hay tại vì Việt Nam đàn áp những người đấu tranh vì môi trường? Việc Việt Nam mới đây bắt bỏ tù nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Ngụy Thị Khanh gây làn sóng phản đối khắp nơi. Anh cùng Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà. Michael Sutton, Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường Goldman phát biểu: “Đã đến lúc Hoa Kỳ nên thực sự ‘vứt găng tay xuống sàn’ và tuyên bố rõ với Việt Nam rằng, những việc làm như thế từ nay chúng ta sẽ không thể dung thứ”. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là việc nâng cấp quan hệ lên SP bị chối bỏ. Mặc dù, khi hai Bộ Ngoại giao bắt tay chuẩn bị cho chuyến thăm cấp cao, dường như Việt Nam đã chấp thuận vấn đề này sau nhiều năm đình hoãn. Tuy nhiên, đến phút chót, trước ngày Blinken từ Jakarrta lên đường sang Hà Nội, “bàn tay vô hình” nào đó đã “postpone” các thỏa thuận khó khăn lắm mới đạt được trong bang giao Việt – Mỹ. Thứ tư, một nguyên nhân khác, cũng có thể góp phần quan trọng vào việc hủy bỏ chuyến thăm: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nắm khá rõ nghị trình làm việc của Ngoại trưởng Nga ở Hà Nội từ ngày 5 – 6/7 trong bối cảnh Moscow bị nhiều nước phương Tây cô lập, trừng phạt do gây ra chiến tranh xâm lược Ukraine. Ngoại trưởng Lavrov “khoe” trong cuộc họp báo hôm 6/7 tại Hà Nội, hai bên đã bàn thảo về “các vấn đề do Mỹ và đồng minh phương Tây của Mỹ gây ra cho nền kinh tế toàn cầu”. Ông Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi đàm thoại chi tiết về các vấn đề quốc tế, sự hợp tác của chúng tôi trong khuôn khổ Liên hiệp quốc, về các diễn biến ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương... Chúng tôi cũng đối thoại về các vấn đề kinh tế toàn cầu gây ra bởi các nước phương Tây mà đứng đầu là Hoa Kỳ”. Ông Lavrov còn lên tiếng bày tỏ sự biết ơn của Nga về những lần Việt Nam bỏ phiếu trắng và phiếu chống tại Liên hiệp quốc liên quan cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. Ngang nhiên hơn, Lavrov công khai việc Nga và Việt Nam có chung nhận thức về cách thức tiếp tục các quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư trong môi trường hiện nay để các quan hệ này “không bị tổn hại từ các lệnh trừng phạt đơn phương và phi pháp do Mỹ, Liên hiệp châu Âu và các đồng minh của họ ở khu vực công bố”. Về phần mình, TBT Nguyễn Phú Trọng lắng nghe quan điểm của Ngoại trưởng Lavrov về Ukraine. Chữ “lắng nghe” truyền thông trong nước dùng thật “điệu nghệ”! Tuy nhiên, trái với hình ảnh tay bắt mặt mừng mà lãnh đạo và các quan chức Việt Nam dành cho ông Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Blinken dự kiến sẽ không khoan nhượng với Lavrov ở Bali, khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng “không thể có chuyện vẫn cứ giao dịch, làm việc bình thường với Liên bang Nga được”. Thứ năm, Ngoại trưởng Blinken có thể đã “xem giỏ bỏ thóc” khi nhìn lại mối bang giao Trung – Việt gần đây. Tại cuộc tiếp xúc giữa hai Ngoại trưởng Trung Quốc và Việt Nam hôm 4/7 tại Bagan (Myanmar) trong khuôn khổ Hội nghị Mekong – Lan Thương (MLC), ông Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc mong muốn thông qua đối thoại và hiệp thương để giải quyết bất đồng trên Biển Đông (Ý là loại các cường bên ngoài khu vực). Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (ở Myanmar và trước đó tại “Đối thoại Shangri-La”) đã phản ứng quá yếu ớt thậm chí là mâu thuẫn trước các đòi hỏi và khiêu khích của Bắc Kinh. Trong khi đó, trước mắt, chính quyền Biden muốn hợp tác với Việt Nam để chống đánh bắt cá trái phép, trong bối cảnh đội tàu cá hùng hậu “không nể mặt ai” của Trung Quốc đang vơ vét sạch cá ở Biển Đông cũng như tận diệt tài nguyên biển khắp thế giới. Lập trường của Mỹ về Biển Đông ngày càng trở nên cứng rắn và điều này có lợi cho Việt Nam. Trước đây mấy năm, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng tham gia RIMPAC, coi đấy là bước phát triển mới trong quan hệ quân sự giữa hai nước. Năm 2012 Mỹ đã mời Việt Nam làm quan sát viên và Hà Nội đã cử 6 sĩ quan đến quan sát diễn tập quân y. Năm 2016, 2018, Việt Nam đều cử quan sát viên. Nhưng năm nay, Việt Nam lại từ chối không tham dự. Sau cùng, tuy liệt kê vào cuối bài nhưng lại quan trọng hàng đầu (last but not least), đó là mối quan hệ Việt – Mỹ – Trung trong trận giáp la cà khốc liệt giữa các phe phái đang tỷ thí ở trong nước. Mặc dù Trung Quốc có ảnh hưởng tương đối nhiều hơn ở Việt Nam, nhưng nhìn chung, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam không phải là tích cực. Dựa trên dữ liệu gần đây của “Asian Barometer Survey” (ABS), chỉ 25% người Việt Nam được hỏi tin rằng Trung Quốc đã tạo ra tác động tích cực đến đất nước của mình, nhưng đối với Hoa Kỳ, con số này lên tới 85%. Nói cách khác, tuyệt đại đa số người được hỏi ủng hộ Hoa Kỳ và hoan nghênh Washington đến và mở rộng ảnh hưởng tại Việt Nam. Nhưng thành công của Trung Quốc là đã tạo ra được một lobby khá mạnh trong nội bộ lãnh đạo ở hàng ngũ trung – cao cấp, những người “chống Mỹ, bám Tàu” không phải xuất phát từ ý thức hệ mà là từ kim tiền, chính xác hơn là để giành giật các vị trí quyền lực đẻ ra tiền (Số này biết rõ hơn ai hết, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đâu còn tý gì là cộng sản nữa đâu). Sự trồi sụt trong quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ do chính các đám này, có khi ở ngay trên thượng tầng “Tứ Trụ” thao túng một cách tinh vi. Nay mai, khi cái ghế Tổng Bí thư “clear”, mọi chuyện có khi sẽ trở nên “smooth” và rõ ràng hơn. * Tóm lại, sáu nguyên nhân liệt kê ở trên có thể chưa phải là tất cả những gì đang tạo nên những cơn sóng “ly gián” hai con tàu Việt – Mỹ đang xích gần nhau hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào việc Mỹ bắt đầu trừng phạt các công ty Trung Quốc và Việt Nam do làm ăn với Nga thì việc hủy chuyến thăm Hà Nội của ông Blinken và không khí “tay bắt mặt mừng” của ông Trọng dành cho Lavrov là những tín hiệu đáng lo ngại. Với đà này, “ngoại giao cây tre” của Việt Nam dễ bị “bão táp” của thời tiết “hậu Ukraine” đánh cho tơi tả. Thật ra, Việt Nam cũng như một vài thành viên ASEAN khác như Indonesia hay Singapore đều có các nguồn tài nguyên địa-chính trị rất dồi dào mà nước lớn nào – Mỹ, Trung hay Nga – cũng đều cần đến trong việc triển khai chính sách của họ. Nhưng phải thừa nhận, Singapore và Indonesia tận dụng tài nguyên địa-chính trị ấy tốt hơn Việt Nam nhiều lần. Họ không bị nước lớn bắt nạt hay coi thường (như trường hợp Trung Quốc đối với Việt Nam). Dù có truyền thống “ai cũng làm bạn” bao nhiêu đi nữa, sẽ đến lúc Việt Nam không thể chấp nhận việc mình chẳng giống ai trong thế giới ngày nay… Nếu ông Blinken không trở lại Hà Nội như dự đoán của những người lạc quan, liệu sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Biden cuối năm? Và nếu tới đây, quan hệ Việt – Mỹ vẫn giậm chân tại chỗ, liệu Trung Quốc có tính toán lại việc lựa chọn mục tiêu Đài Loan hay Việt Nam để khởi binh trước?
......

Phương Tây ngày càng mệt mỏi vì xung đột ở Ukraine

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cảnh báo rằng. Công chúng phương Tây đang ngày càng mệt mỏi. Với cuộc xung đột ở Ukraine. Trả lời trên tờ Polska Times, ông Morawiecki nói, trong khi cộng đồng người Ba Lan theo dõi sát sao diễn biến ở Ukraine, người phương Tây lại không như vậy. Vì lý do này, giới lãnh đạo phương Tây nên làm những điều tốt nhất để khôi phục sự quan tâm của công chúng, ông Morawiecki nói thêm. “Đây là điều rất quan trọng, bởi các cộng đồng người phương Tây cần hiểu rằng cuộc xung đột này cũng liên quan đến an ninh của họ. Tôi lo ngại rằng trong vài tháng tới, sự thờ ơ sẽ còn tăng cao hơn… Và đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Thật không may, Nga đang mong chờ điều này”. Thủ tướng Ba Lan cũng thừa nhận rằng, Nga đã chống chịu tốt trước các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây, nhờ hoạt động giao dịch dầu mỏ và khí đốt. “Vấn đề lớn nhất của lệnh trừng phạt là các hệ quả chỉ bộc lộ rõ ở giai đoạn trung và dài hạn. Các lệnh trừng phạt có thể làm xói mòn đáng kể tiềm năng kinh tế của Nga và sẽ dẫn đến sự cô lập. Nhưng kết quả đó chỉ diễn ra ở trung hạn, nghĩa là trong 1, 2 hay 5 năm tới”. Ông Morawiecki nói nhờ giá năng lượng tăng vọt, Nga không hề hấn gì trước các lệnh trừng phạt trong ngắn hạn. Nga cũng đạt được một số kết quả tích cực khi chuyển dịch hoạt động giao thương sang các thị trường khác./.
......

Hậu quả "thảm khốc" khi trung tâm hóa chất lớn nhất thế giới ở Đức phải dừng sản xuất

Lệnh cấm vận khí đốt sẽ gây ra hậu quả "thảm khốc" đối với ngành công nghiệp hóa chất của Đức. Các nhà máy sử dụng nhiều khí đốt nhất sẽ phải dừng sản xuất... Thành phố Ludwigshafen ở Đức có ý nghĩa đặc biệt đối với những người làm trong ngành công nghiệp hóa chất. Tại Ludwigshafen, công ty hóa chất BASF có khoảng 200 nhà máy, tạo thành khu liên hợp sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới. Ví dụ, nhà máy axetylen của BASF tại đây có công suất năm là 90.000 tấn, chiếm khoảng 7% năng lực sản xuất toàn cầu. Với việc nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang Đức đang bị cắt giảm, các nhà lãnh đạo của BASF đang nghĩ về một tình cảnh không tưởng chỉ vài tháng trước: Nếu nguồn cung cấp khí đốt tiếp tục bị cắt giảm, khu liên hợp liệu có phải dừng hoạt động?Theo trang tin 163.com của Trung Quốc, do BASF và các công ty hóa chất khác nằm ở điểm đầu của hầu hết các chuỗi cung ứng công nghiệp, tác động được cho là sẽ mở rộng ra ngoài ngành hóa chất, thậm chí đe dọa cả nền kinh tế châu Âu vào thời điểm lạm phát cao và tăng trưởng chậm lại.   Peter Westerheide - nhà kinh tế trưởng của BASF - cho biết: "Việc dừng sản xuất tại đây sẽ là một quyết định khó khăn. Chúng tôi chưa bao giờ gặp trường hợp như thế này trước đây. Thật khó tưởng tượng." Gần đây, Đức đã đưa ra nhiều dự báo trong nước về kịch bản Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Dữ liệu nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội Công nghiệp Bavaria (VBW) cho thấy, nếu Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt sang Đức, các ngành sản xuất thủy tinh, thép, hóa chất, gốm sứ, thực phẩm và dệt may sẽ trở thành những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trung tâm hóa chất lớn nhất thế giới dừng sản xuất Kế hoạch khẩn cấp về việc cung cấp khí đốt tự nhiên ở Đức của chính phủ nước này được chia thành ba cấp độ: cấp dự báo, cấp báo động và cấp khẩn cấp. Chính phủ Đức đã tuyên bố, hiện tại đang ở "mức báo động" do Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt sang Đức.Theo trang 163.com, các công ty hóa chất như BASF dễ bị tổn thương hơn các công ty công nghiệp khác vì khí đốt tự nhiên cần thiết cho hầu hết các quy trình sản xuất của họ. Sau khi khí đốt tự nhiên được dẫn vào nhà máy của BASF, khoảng 60% được sử dụng để phát điện và tạo ra hơi nước, 40% còn lại được dùng làm nguyên liệu. Lượng khí đốt tự nhiên mà các nhà máy sản xuất amoniac và axetylen ở Ludwigshafen sử dụng chiếm 4% tổng lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ trên toàn nước Đức. "Nói trắng ra, không có giải pháp ngắn hạn nào có thể thay thế khí đốt của Nga", Giám đốc điều hành BASF Martin Brudermüller cho biết vào hồi tháng 4.   Các nhà quản lý của BASF nhận định rằng, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên vẫn đang ở mức hơn 50% nhu cầu tối đa của Ludwigshafen, do đó các nhà máy của BASF có thể tiếp tục vận hành bằng cách giảm công suất và sử dụng các nhiên liệu thay thế. Nhưng nếu nguồn cung cấp khí đốt giảm nhiều dưới mức đó trong thời gian dài, họ sẽ phải dừng sản xuất. Ông Peter Westerheide nói: "Mọi thứ đều liên kết với nhau và phụ thuộc vào phần còn lại của tổ hợp. Chi phí cho việc tạm dừng rồi khởi động lại sản xuất là rất cao. Đây là một tình huống cực đoan mà chúng tôi rất muốn tránh." Được biết, tại trung tâm của khu liên hợp hóa chất Ludwigshafen có hai hệ thống lò hơi khổng lồ, một trong số đó chiếm diện tích bằng 13 sân bóng đá. Những lò hơi khổng lồ này chạy bằng khí đốt tự nhiên, phân hủy naphtha - một sản phẩm dầu mỏ - thành nguyên liệu cơ bản cho quá trình sản xuất tiếp theo. Trang tin tài chính Yicai.com của Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia trong ngành năng lượng cho biết, nhiều công ty hóa chất đã vội vàng tích trữ khí đốt sau khi chứng kiến tình hình địa chính trị bất ổn, nhưng có hai vấn đề được đặt ra: Thứ nhất, lượng khí dự trữ liệu có đủ không? Hiện tại có thể thấy rằng, có thể dự trữ tối đa 2-3 tháng. Thứ hai, không thể đoán trước được tình trạng này khi nào sẽ kết thúc, tương lai vẫn là không lạc quan. Tìm nhiên liệu thay thế Hiện tại, giá khí đốt trước tháng của Hà Lan – được coi là mức chuẩn của châu Âu - vẫn ở mức khoảng 135 euro/megawatt giờ và các công ty hóa chất châu Âu như BASF đang chạy đua để tìm các nguyên liệu thay thế. Tuy nhiên, họ nhận thấy rằng, trong ngắn hạn rất khó có thể tìm được nhiên liệu thay thế. Trước đó, tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) đã tính toán rằng, nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, ngay cả khi nhập khẩu lượng khí đốt kỷ lục từ các nước khác ngoài Nga cũng sẽ không đủ để lấp đầy các kho dự trữ của châu Âu vào mùa đông tới. Châu Âu phải giảm nhu cầu ít nhất 40 tỷ kilowatt giờ, hoặc 10% đến 15% nhu cầu hàng năm. Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Đức cho biết, ngành công nghiệp hóa chất - nơi tiêu thụ khí công nghiệp lớn nhất của nước này - cần khoảng 135 terawatt giờ khí tự nhiên mỗi năm, trong khi sử dụng nhiên liệu thay thế chỉ có thể tiết kiệm 2-3 terawatt giờ. Về dài hạn, BASF đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo. Năm ngoái, BASF đã đầu tư vào một trang trại điện gió ngoài khơi và ký hợp đồng cung cấp năng lượng xanh dài hạn. Nhưng các nhà phân tích nhìn chung đều đồng ý rằng, mặc dù về mặt kỹ thuật, năng lượng tái tạo có thể thay thế khí đốt tự nhiên để phát điện, nhưng nguồn cung của nó không đủ để đáp ứng nhu cầu. Lanxess – công ty sản xuất hóa chất đặc biệt có trụ sở tại Cologne (Đức) - gần đây cũng tuyên bố rằng, nếu nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga bị cắt đứt hoàn toàn, sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến lợi nhuận cốt lõi đã điều chỉnh của công ty này là 80 triệu đến 120 triệu euro/năm, còn các tác động gián tiếp thì không thể định lượng được. Và ngay cả khi giá năng lượng vẫn ổn định, chi phí năng lượng của công ty này vào năm 2022 sẽ là 1 tỷ euro, tăng gấp đôi so với năm 2021. Lanxess cũng cho biết, lệnh cấm vận khí đốt sẽ gây ra hậu quả "thảm khốc" đối với ngành công nghiệp hóa chất của Đức. Các nhà máy sử dụng nhiều khí đốt nhất sẽ phải dừng sản xuất, trong khi các nhà máy khác sẽ phải giảm sản lượng.Tuy nhiên, trang Yicai.com dẫn lời chuyên gia trong ngành năng lượng ở trên cho biết, ngoài châu Âu, một số vùng ở châu Á cũng là địa điểm sản xuất hóa chất, chẳng hạn như ngành công nghiệp hóa chất cơ bản ở Nhật Bản. Một số hóa chất hiếm cũng được sản xuất ở Nhật Bản. Trong những năm gần đây, một số nhà máy sản xuất nguyên liệu hóa chất cơ bản cũng đã được di dời sang Malaysia và Việt Nam. Hiện tại, Indonesia, Malaysia và Singapore cũng đã có một số nhà máy sản xuất hóa chất với chất lượng rất tốt. Bởi vậy, theo chuyên gia này, mặc dù giá nhiên liệu nói chung đang tăng cao, nhưng châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Còn đối với toàn ngành công nghiệp hóa chất, thậm chí còn xuất hiện cơ hội để phân phối lại sản xuất, chiếm lĩnh thị trường châu Âu./.  
......

Úc 70 lần nêu trường hợp của ông Châu Văn Khảm với Việt Nam

Ngoại trưởng Úc Penny Wong và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội ngày 27/6/2022 RFA Ngoại trưởng Úc Penny Wong hôm 27/6 nêu trường hợp ông Châu Văn Khảm với cả ba lãnh đạo Việt Nam gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngay tại Hà Nội. Lời kêu gọi mới nhất của tân ngoại trưởng là một trong hơn 70 lần chính phủ Úc nêu vấn đề này khi làm việc với phía Việt Nam kể từ khi công dân Úc gốc Việt bị bắt và bị tuyên án tù 12 năm với tội danh “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” vào năm 2019 chỉ vì là thành viên của tổ chức Việt Tân. Đài ABC của Úc hôm 29/6 đưa thông tin dẫn lời phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết thêm là chính phủ Việt Nam biết rất rõ mối quan tâm của Úc về trường hợp của ông Khảm và tình hình hiện tại của ông ta ở trong trại giam. Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra, nói về diễn biến mới này: “Hiện tại quan hệ song phương (Việt Nam và Úc- PV) đang phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Do vậy, điều này phụ thuộc vào phía Úc để tiếp tục gây sức ép lên Chính phủ Việt Nam và phía Việt Nam có thể trả tự do cho ông Khảm khi hai bên chuẩn bị cho các cuộc gặp cấp cao… Sau chuyến thăm này, tôi cho rằng phía Việt Nam sẽ xem xét, đánh giá lại về trường hợp ông Khảm, đặc biệt sau khi Liên Hiệp Quốc (Nhóm Công tác về Bắt giữ Tuỳ tiện- PV) có ý kiến về vụ bắt giữ ông, và Việt Nam sẽ chủ toạ cuộc họp Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp quốc tháng này.” Truyền thông Nhà nước Việt Nam không đưa tin về việc Ngoại trưởng Penny Wong đề cập đến ông Châu Văn Khảm trong các buổi gặp với ban lãnh đạo Việt Nam. Trang tin điện tử của Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ cho biết, trong cuộc gặp giữa hai người đồng cấp, hai bên đồng ý tăng cường các lĩnh vực hợp tác truyền thống như thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng; phối hợp chặt chẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước bên cạnh việc thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Bà Trương Quỳnh Trang, vợ ông Châu Văn Khảm từ Úc cho chúng tôi biết, bà không được liên lạc trực tiếp với chồng bà ở trong trại giam do bà ở nước ngoài mà chỉ được cập nhật tin tức của ông từ mấy người cháu ở TP.HCM – những người được phép thăm nuôi ông trong tù. Bà Trang nói sức khoẻ của công dân Úc gốc Việt tạm ổn và không bị buộc phải lao động vì tuổi cao (72 tuổi). Trong tuần đầu của tháng Sáu, Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc ra văn bản đăng tải ý kiến của cơ quan này về việc bắt giữ ông Châu Văn Khảm, người Úc gốc Việt và là thành viên của tổ chức Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (Việt Tân). Cơ quan này nói sự liên hệ của ông Châu Văn Khảm với tổ chức Việt Tân không thể đủ cơ sở để bắt giữ ông và việc tước bỏ tự do của ông là tùy tiện vì ông chỉ thực hiện các quyền tự do lương tâm và niềm tin cũng như quyền biểu đạt được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Chính quyền Việt Nam nói ông Châu Văn Khảm nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam ngày 11/01/2019 dưới sự chỉ đạo của Việt Tân để tổ chức tuyển mộ và huấn luyện các hoạt động phá hoại, khủng bố. Hà Nội cho rằng ông bị bắt giữ vì vi phạm luật pháp Việt Nam chứ không phải vì quan điểm dân chủ, và việc bắt giữ và kết án được thực hiện theo đúng luật pháp Việt Nam, tương đồng với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn. Giữa tháng Sáu, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) gửi thư ngỏ đến tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese, kêu gọi ông gây sức ép lên chính phủ nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar để buộc các nước này phải cải thiện tình trạng nhân quyền, trong đó có nêu trường hợp ông Châu Văn Khảm. Nguồn: RFA XEM THÊM: Nhóm công tác của LHQ nói chính quyền VN “tùy tiện” trong việc bắt giữ ông Châu Văn Khảm UNWGAD nói Việt Nam giam cầm ông Châu Văn Khảm ‘tùy tiện’  
......

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh

Nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh. Một ngày sau khi nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng tại Việt Nam Ngụy Thị Khanh bị chính quyền Việt Nam kết án 2 năm tù vì tội “trốn thuế”, hôm qua, 19/06/2022, Hoa Kỳ đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về bản án đối với nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng quốc tế. Hãng tin AFP dẫn thông cáo bộ Ngoại Giao Mỹ ra hôm qua tuyên bố: “ Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh, người đã được quốc tế công nhận về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Hoa Kỳ cũng kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động môi trường khác đang bị cầm tù, những người đã làm việc vì lợi ích của đất nước và nhân dân Việt Nam”. Bà Ngụy Thị Khanh, 46 tuổi, là giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh Green ID, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng và tư vấn về các lĩnh vực quy hoạch năng lượng, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, cắt giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, cung cấp nước sạch.  AFP nhắc lại trung tâm của bà Ngụy Thị Khanh đã thuyết phục thành công chính phủ cam kết cắt giảm 20 megawatts điện sản xuất từ than đá trong kế hoạch phát triển năng lượng đến năm 2030.  Những hoạt động và đóng góp của bà trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã được quốc tế ghi nhận. Năm 2018, bà là người Việt Nam duy nhất được trao giải Goldman, giải thưởng cao nhất thế giới cho những những nhà bảo vệ môi trường. Tháng Hai năm nay, chính quyền Việt Nam bất ngờ khởi tố bắt giam bà Khanh vì tội “trốn thuế”. Ngày 18/06, tòa tuyên án bà Ngụy Thị Khanh 2 năm tù. *** Bà Nabila Massrali, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, mới lên tiếng kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà hoạt động vì môi trường Ngụy Thị Khanh. Viết trên Twitter hôm 20/6, bà Massrali nói rằng “xã hội dân sự đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại tình trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam và Châu Âu”. Nữ phát ngôn viên này nói thêm rằng “nhà sáng lập GreenID [Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh] Ngụy Thị Khanh là một đối tác có giá trị của EU”. “Việc bà ấy bị kết án hai năm tù giam gần đây đi ngược lại với mục tiêu chung của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi thả bà ngay lập tức”, bà Massrali viết trên Twitter. Tuyên bố của phát ngôn viên Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh được đưa ra 3 ngày trước khi Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về bản án đối với bà Khanh.
......

Hội nghị thượng đỉnh G7: Đầu tư hàng trăm tỷ euro cho các nước đang phát triển để cản đường Trung Quốc

Lưu Thủy Hương   Chương trình mới này là phản ứng của các quốc gia phương Tây trước cuộc tiến công khổng lồ bằng phương thức đầu tư của Trung Quốc vào các nước đang phát triển.   Các nước G7 muốn chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở các nước đang phát triển với một chương trình đầu tư tổng trị giá “600 tỷ đô la”. Số tiền này sẽ được huy động trong vòng 5 năm tới để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước nghèo, Tòa Bạch Ốc thông báo vào Chủ Nhật tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở lâu đài Elmau (Đức).   Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc có tên "Đối tác về cơ sở hạ tầng toàn cầu" nhằm "tạo điều kiện cho cơ sở hạ tầng chất lượng cao và bền vững". Riêng Hoa Kỳ muốn huy động 200 tỷ đô la cho sáng kiến này, trong vòng 5 năm tới. Đây là số tiền mà chính phủ Hoa Kỳ sẽ lấy từ các khoản vay, tài trợ của nhà nước và vốn tư nhân.   Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết, châu Âu muốn huy động 300 tỷ euro cho kế hoạch "Đối tác về cơ sở hạ tầng toàn cầu". Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishda cam kết tài trợ 65 tỷ USD.   Chương trình đầu tư được cho là phản ứng của các quốc gia phương Tây đối với cuộc tấn công đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào các nước đang phát triển: Là một phần của dự án "Con đường tơ lụa mới", Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã tài trợ cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây, đặc biệt là ở các nước nghèo ở Châu Á và Châu Phi. ° Các nước đang nhận ra rằng, các khoản đầu tư của Trung Quốc không mang lại lợi nhuận. Tại Elmau, một quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ cho biết, nhiều nước nhận đầu tư của Trung Quốc "hiện đã nhận ra rằng họ mắc nợ nhiều hơn, sản lượng kinh tế của họ không tăng đáng kể và những khoản được gọi là đầu tư này đã không giúp được người dân".   Ông nói: "Không quá muộn" để các nước G7 chống đối lại điều này. Trọng tâm của sáng kiến G7 nên có đường hướng "rõ ràng" cho châu Phi. Nhưng các quốc gia ở Đông Nam Á, Trung Á và Trung Mỹ cũng sẽ được hưởng tài trợ./.   VTP-LTH đưa tin Theo: https://www.berliner-zeitung.de/.../g7-gipfel-in-elmau... https://www.zdf.de/.../g7-investitionsinitiative-china... (Có thể đọc tiếp các kế hoạch khác của G7, trong đường links)  
......

Đức chuyển sang giai đoạn báo động về khí đốt, cáo buộc Nga 'tấn công kinh tế'

Reuters Đức kích hoạt "giai đoạn báo động" nằm trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt của quốc gia hôm thứ Năm 23/6 để đối phó với việc nguồn cung của Nga giảm xuống, nhưng Đức chưa đi tới mức cho phép các công ty bán gas đổ gánh nặng về giá năng lượng tăng cao lên đầu khách hàng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Biện pháp nêu trên là bước leo thang mới nhất trong mối quan hệ đối đầu giữa châu Âu và Moscow kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Cuộc xâm lược cho thấy rõ mức độ phụ thuộc của EU vào nguồn cung khí đốt của Nga và mở màn cho việc khối này cuống cuồng tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Bước đi mới nhất của Đức chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng, báo hiệu với các công ty và hộ gia đình rằng sẽ có những đợt cắt cung cấp gas gây khổ sở. Nhưng nó cũng đánh dấu một sự chuyển hướng đáng kể của Đức, quốc gia đã cố công xây dựng mối quan hệ năng lượng bền chặt với Moscow từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay. Trong tuần này, lượng cung khí đốt ít đi đã làm dấy lên cảnh báo rằng Đức có thể rơi vào suy thoái nếu nguồn cung của Nga ngừng hoàn toàn. Nga lâu nay phủ nhận chuyện sự sụt giảm nguồn cung là có chủ ý, trong đó, hãng cung cấp gas quốc doanh Gazprom đổ lỗi cho việc họ gửi thiết bị đi bảo dưỡng nhưng chậm nhận lại, do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Điện Kremlin hôm 23/6 nói Nga "thực hiện nghiêm túc mọi nghĩa vụ của mình" đối với châu Âu. Theo kế hoạch Giai đoạn 2, Berlin sẽ cung cấp dòng tín dụng 15 tỷ euro (15,76 tỷ USD) để bơm đầy các cơ sở tích trữ khí đốt và triển khai mô hình đấu giá khí đốt vào mùa hè này để khuyến khích hãng có quy mô công nghiệp hãy tiết kiệm khí đốt. "Giai đoạn báo động" là giai đoạn 2 trong bản kế hoạch khẩn cấp gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 2 bắt đầu khi các nhà chức trách nhận thấy nguy cơ cao về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dài hạn. Nó bao gồm một điều khoản cho phép hãng bán gas có thể ngay lập tức đẩy gánh nặng giá gas cao cho ngành công nghiệp và hộ gia đình. Đã có dự báo từ trước về việc Đức chuyển sang Giai đoạn 2 khi Gazprom giảm lượng gas chuyển qua đường ống Nord Stream 1 đi xuyên Biển Baltic xuống chỉ còn 40% công suất vào tuần trước. Trong Giai đoạn 2, thị trường vẫn có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp của nhà nước. Theo bản kế hoạch khẩn cấp, nhà nước sẽ bắt đầu can thiệp trong giai đoạn khẩn cấp cuối cùng. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo hôm 22/6 rằng Nga có thể cắt hoàn toàn khí đốt đến châu Âu để tăng cường thế đòn bẩy chính trị của họ, thúc giục châu Âu chuẩn bị ngay từ bây giờ. Việc cắt giảm nguồn cung gas cũng khiến các công ty Đức phải suy nghĩ về việc cắt giảm sản lượng và sử dụng các nguồn năng lượng gây ô nhiễm khi họ phải thích ứng với viễn cảnh không còn có khí đốt của Nga. Nhà máy điện than tại Brandenburg Liên hiệp châu Âu hôm 22/6 báo hiệu họ sẽ tạm thời chuyển sang sử dụng than đá để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng, đồng thời gọi việc Moscow cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt của là "xấu chơi". (Reuters)
......

Trung quốc tăng kỷ lục nhập khẩu dầu mỏ từ Nga

Timothy Trinh    Trung Quốc nhập khẩu dầu thô từ Nga đã tăng 55% so với một năm trước đó lên mức kỷ lục vào tháng 5, khi các nhà máy lọc dầu thu được nguồn cung giảm giá trong bối cảnh các lệnh trừng phạt Moscow về cuộc xâm lược Ukraine.   Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu của Nga, bao gồm nguồn cung được bơm qua đường ống Đông Siberia và vận chuyển bởi tàu dầu bằng đường biển từ các cảng Viễn Đông của Nga, đạt tổng cộng gần 8,42 triệu tấn, tương đương với khoảng 1,98 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5.   Thêm vào đó, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc đã lên tới gần 400.000 tấn trong tháng trước, nhiều hơn 56% so với tháng 5 năm 2021.   Dữ liệu cho thấy, mặc dù phải giảm giá nhưng Nga đã giành được vị trí cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.   Dẫn đầu các giao dịch mua dầu mỏ từ Nga với giá rẻ mạt là công ty Unipec, chi nhánh thương mại của tập đoàn lọc dầu hàng đầu châu Á Sinopec Corp có tổng hành dinh ở Bắc Kinh, cùng với Zhenhua Oil, một đơn vị thuộc tập đoàn quốc phòng Norinco của Trung Quốc.   Livna Shipping Ltd, một công ty có đăng ký tại Hồng Kông, gần đây cũng nổi lên như một nhà vận chuyển lớn dầu mỏ từ Nga vào Trung Quốc.   Theo một phân tích cập nhật do Trường Kinh tế Kyiv, hiện nay vẫn còn 182 trong tổng số 332 công ty châu Á vẫn tiếp tục kinh doanh ở Nga, trong lúc có gần một nghìn công ty đa quốc gia của phương Tây, từ McDonald's đến Mastercard, thông báo kế hoạch rời bỏ hoặc cắt giảm hoạt động ở đó.   Nhật Bản là quốc gia châu Á có số lượng doanh nghiệp đáng kể nhất đã rời bỏ thị trường Nga. Ngược lại, các công ty Trung Quốc và Ấn Độ đã hành động như những kẻ trục lợi, đang tăng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt với giá rẻ từ Nga.   Cùng là châu Á, nhưng bản chất khác nhau quá xa./.   Người Đà Lạt Xưa    
......

Các nước NATO: Đế chế "Nước Nga vĩ đại" của Putin sẽ là cơn ác mộng của châu Âu

Von Pavel Lokshin - WELT Nguyễn Xuân Hoài Mới đây Tổng thống Nga đã ví mình với Nga Hoàng Peter Đại đế. Phương châm của ông ta là cần khẩn trương "thu hồi các vùng lãnh thổ" này. Nếu Vladimir Putin muốn khôi phục đế chế "Đại Nga", ông sẽ phải tấn công các nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ. Nhìn vào bản đồ của Đế chế Nga vào thời kỳ vĩ đại nhất hồi giữa thế kỷ 19 không khỏi sởn gai ốc, phần lớn châu Âu thuộc về Nga. Gần đây hơn, Putin tự ví mình với Peter Đại đế, người vào thế kỷ 18 không "chiếm đoạt" mà là "đòi lại" tài sản của Thụy Điển trên biển Baltic. Ngày nay các nước này là các quốc gia độc lập và thuộc NATO. Nếu Putin muốn chinh phục những vùng lãnh thổ từng thuộc về Nga thì không chỉ vùng Baltic bị đe dọa mà cả Warsaw và Washington. Latvia và Estonia Hai nước thành viên NATO này từng nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế Nga hoàng, vốn là các tỉnh trước đây của Thụy Điển trong cuộc Đại chiến phương Bắc 1700-1721. Hồi đó Peter Đại đế và Vua Thụy Điển Charles XII có tranh chấp đối với vùng biển Baltic. Sau đó Thụy Điển bại trận Nga vươn lên trở thành một đại cường ở châu Âu. Sau gần hai thế kỷ dưới sự cai trị của Nga, cả hai đều trở nên độc lập vào năm 1918. Sau Hiệp ước Hitler-Stalin 1940/1941, cả hai đều bị Hồng quân chiếm đóng và sau đó rơi vào tay Wehrmacht (quân đôi Đức-Hitler) khi chiến tranh Đức-Liên Xô bùng nổ. Với sự tiến công của Hồng quân, Liên Xô đã tái chiếm hai nước này đến năm 1991. Ở Latvia, người ta vẫn nhớ nỗ lực bất thành của Mikhail Gorbachev hồi tháng 1 năm 1991 nhằm ngăn chặn nền độc lập của Latvia bằng cách triển khai lực lượng đặc biệt OMON ở Riga. Trong nhiều thập kỷ, mối quan hệ Estonia-Nga đã bị tác động xấu bởi tranh chấp dọc biên giới giữa hai nước Estonia-Nga và cả với Lithuania. Cả hai nước này đều bị Nga nhòm ngó, đe dọa, không phận của các nước Baltic liên tục bị không quân Nga khiêu khích Lithuania Lithuania, từng là một cường quốc ở Đông Âu. Năm 1795 nước Phổ, Áo và Nga đã chia cắt Ba Lan-Latvia lần thứ ba Lithuani trở thành một phần của Đế chế Nga đến năm 1918. Nền độc lập của Lithuania kéo dài cho đến Thế chiến thứ hai. Năm 1940 nước này bị Liên Xô chiếm và đến tháng 7 năm 1941 rơi vào tay Wehrmacht. Mùa hè năm 1944, Liên Xô tái chiếm Litva. Cuộc chiến tranh du kích của "Những người anh em trong rừng" Lithuania chống lại sự chiếm đóng mới của Liên Xô kéo dài cho đến những năm 1950. Năm 1990, do kết quả của perestroika của Mikhail Gorbachev, Lithuania là nước cộng hòa thuộc Liên Xô đầu tiên tuyên bố là một quốc gia có chủ quyền. Tháng 1 năm 1991, Gorbachev đã cố gắng sử dụng lực lượng quân đội và lực lượng đặc biệt của Liên Xô để dựng lên một chính phủ thân Liên Xô ở Vilnius nhưng bất thành. 14 dân thường thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Tháng 9 năm 1991, Liên bang Xô viết lúc bấy giờ đã công nhận nền độc lập của Litva. Duma Quốc gia Nga hiện đang đặt câu hỏi về tính hợp pháp của quyết định này, và Lithuania bị coi là một quốc gia "chống Nga". Ba Lan Sau sự phân chia Ba Lan vào cuối thế kỷ 18 và do cuộc chiến tranh Napoléon đầu thế kỷ 19, phần lớn phía đông của nhà nước Ba Lan cũ nằm dưới sự kiểm soát của các sa hoàng với tên gọi "Đại Hội Ba Lan". Trong đó có cả thủ đô Warsaw ngày nay. Năm 1867, Ba Lan bị „giáng cấp“ thành một tỉnh của Nga. Sau Cách mạng Nga, Ba Lan tuyên bố độc lập vào năm 1918 và nhanh chóng trở thành đối thủ của nước Nga Xô Viết. Trong Chiến tranh Ba Lan-Liên Xô, Warsaw đã có thể đạt được những lợi thế đáng kể trên đất liền ở khu vực ngày nay là Ukraine, cũng như ở Belarus và Litva. Với Hiệp ước Hitler-Stalin năm 1939, Ba Lan lại bị chia cắt và bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai. Việc Hồng quân giải phóng Ba Lan một lần nữa khiến Warsaw trở thành một nước chư hầu của Nga. Chỉ đến năm 1989, Warsaw mới có thể tự giải phóng thoát khỏi sự kiềm tỏa của Nga. Ngày nay Ba Lan bị Nga xếp vào hàng ngũ các nước thù địch bậc nhất ở Đông Âu với Nga. Các chính trị gia Nga như Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Nikolai Patrushev hay cựu Tổng thống Dmitry Medvedev công khai suy đoán Ba Lan chiếm đóng miền tây Ukraine và triển khai các cuộc tấn công vào quân đội Nga. Trong các cuộc Talkshows họ công khai đe dọa chiến tranh, cả với vũ khí nguyên tử chống lại Ba Lan. Phần Lan Phần Lan trong nhiều thế kỷ là một phần của Thụy Điển, trong chiến tranh Nga-Thụy Điển đầu thế kỷ 19 chịu sự kiểm soát của Nga với tư cách là Đại công quốc tự trị Phần Lan. Đến cuối thế kỷ 19, phần lớn quyền tự trị bị thu hẹp lại, luật nghĩa vụ quân sự được ban bố và bị dư luận phản đối kịch liệt. Sau Cách mạng Tháng Mười, Phần Lan tuyên bố độc lập vào tháng 12 năm 1917. Thời kỳ đầu Lenin, lãnh tụ cách mạng, công nhận nền độc lập này, song dưới thời Joseph Stalin sự độc này bị đặt thành vấn đề. Trong "Chiến tranh mùa đông" 1939-1940, Liên Xô tấn công Phần Lan, mục tiêu ban đầu là thay đổi chính quyền bằng lực lượng cộng sản. Người Phần Lan chống trả quyết liệt. Phần Lan đã phải chấp nhận những tổn thất lớn về lãnh thổ, nhưng vẫn giữ được nguyên trạng. Từ năm 1941, Phần Lan cùng quân đội phát xít Đức (Wehrmacht) tham gia các chiến dịch chống Nga nhằm giành lại các vùng lãnh thổ đã mất nhưng không thành công. Trong chiến tranh lạnh Phần Lan không liên kết với phe phái nào. Vladimir Putin coi việc Phần Lan tới đây gia nhập NATO "không phải là mối đe dọa cấp tính" đối với Nga. Trong khi đó Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ xúc tiến các bước "quân sự-kỹ thuật". Nga từng có dọa tương tự trước cuộc chiến ở Ukraine. Hoa Kỳ Năm 1799, các sa hoàng đặt Alaska, thuộc địa của Nga từ giữa thế kỷ 18, dưới sự quản lý của Công ty Thương mại Nga-Mỹ. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, thuộc địa lớn nhất của Nga ở Bắc Mỹ khó có thể được bảo vệ trước Anh, đối thủ lớn nhất của Nga vào thời điểm đó. Đó là lý do tại sao Sa hoàng Alexander II quyết định bán nó cho Hoa Kỳ vào năm 1867 với giá 7,2 triệu đô la – quy ra thời giá hiện nay khoảng 140 triệu đô la. Nga hối hận khôn nguôi về việc bán Alaska, không phải chỉ vì ba thập kỷ sau đó phát hiện mỏ vàng tại đây. Ngày nay bang này của Hoa Kỳ có tầm quan trọng chiến lược bậc nhất đối với Washington, Alaska không những có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào mà còn là một địa bàn quân sự hoàn hảo giữa Thái Bình Dương và Bắc Cực. Kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, quyền kiểm soát Alaska liên tục là một đề tài trong cộng đồng Nga. Một số đại biểu Duma đã kêu gọi trả lại thuộc địa cũ của Nga, tất nhiên việc "hoàn trả" Alaska là điều không thể xẩy ra./. Nguồn: https://www.welt.de/politik/ausland/plus239332603/Nato-Laender-Putins-grossrussisches-Imperium-waere-Europas-Albtraum.html
......

Campuchia cho Trung quốc đặt căn cứ hải quân

Hôm 8.6.2022, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, Wang Wentian, và Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tea Banh, chủ trì lễ khởi công xưởng sửa chữa tàu và bến cảng ở căn cứ Hải quân Ream, Sihanoukville, Campuchia. Căn cứ này cách Phú Quốc chỉ 30 km.  Căn cứ hải quân Ream của Campuchia là vị trí mà Trung Quốc chọn để thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài đầu tiên ở một quốc gia Đông Nam Á, và là tiền đồn quân sự hải ngoại thứ hai của Trung Quốc, sau khi đã xây dựng một căn cứ tại Djibouti ở vùng Sừng Châu Phi. Ý định đặt căn cứ hải quân ở Campuchia của Trung Quốc đã bị báo giới phương tây tiết lộ từ năm 2019, tuy nhiên thông tin này đã bị giới chức của cả hai quốc gia liên tiếp phủ nhận. Thế nhưng thông tin được tờ báo hàng đầu của Mỹ đăng tải mới đây cho thấy những lời phủ nhận trên chỉ là đòn đánh lạc hướng. Là nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Việt Nam được cho là đã cố gắng thuyết phục Campuchia chọn vị trí trung lập và không để Trung Quốc đặt căn cứ hải quân trên đất của mình, giờ đây những nỗ lực trên kể như đã thất bại.   Một quan chức Trung Quốc hôm 8/6 nói “quan hệ đối tác bền chặt như sắt đá” với Campuchia được củng cố bằng hợp tác quân sự, khi công việc nâng cấp bắt đầu ở căn cứ hải quân lớn nhất Campuchia do Trung Quốc tài trợ, vốn đã khiến Hoa Kỳ lo ngại lâu nay về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh bác bỏ lo ngại rằng Campuchia sẽ để Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên đất của mình, nói rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sử dụng các cơ sở tại căn cứ hải quân Ream, trong khi Campuchia sẵn sàng chấp nhận hỗ trợ quân sự từ bất kỳ ai. “Là một trụ cột vững chắc của quan hệ đối tác bền chặt như sắt đá, hợp tác quân sự Trung Quốc - Campuchia là vì lợi ích cơ bản của hai quốc gia và hai dân tộc chúng ta”, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, Wang Wentian, nói trong một bài phát biểu tại lễ động thổ ở căn cứ trên Vịnh Thái Lan. Hoa Kỳ từng nêu “quan ngại nghiêm trọng” về sự can dự của Trung Quốc đối với căn cứ, nói rằng nó làm suy yếu an ninh khu vực. Năm ngoái, Mỹ cáo buộc Campuchia không minh bạch về vai trò của Trung Quốc trong việc nâng cấp cơ sở này. Mối quan hệ giữa Campuchia - Hoa Kỳ đã rạn nứt trong nhiều năm vì những cáo buộc của Hoa Kỳ rằng Thủ tướng Hun Sen và đảng cầm quyền lâu năm của ông đã kìm hãm nền dân chủ thông qua cuộc đàn áp phe đối lập. Gạt bỏ những lo ngại đó, ông Hun Sen đã xích lại gần Trung Quốc, quốc gia mà cho đến nay vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở Campuchia. Có vị trí gần các tuyến đường vận chuyển quan trọng và khu vực Biển Đông đầy tranh chấp, cảng mới sẽ được đào sâu để cho phép các tàu quân sự lớn hơn cập cảng, đồng thời sẽ bao gồm một cơ sở bảo dưỡng, bờ trượt ụ khô và bến tàu. Nhấn mạnh mối quan hệ nồng ấm của Campuchia với Trung Quốc, ông Tea Banh tuần này đăng những bức ảnh trên mạng xã hội về cảnh ông đang ngâm mình dưới biển cùng với ông Wang ở gần căn cứ. Nhưng mặt khác, ông Tea Banh cũng muốn xoa dịu nỗi lo ở Hoa Kỳ và khu vực rằng Campuchia có thể mở cửa cho quân đội Trung Quốc. “Vương quốc Campuchia sẽ không cho phép một căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ của mình”, ông nói trong một bài phát biểu hôm 8/6. Trước đó, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới xứ Chùa tháp hồi tháng 12/2021, hai bên đã ra tuyên bố chung trong đó nhấn mạnh nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia. Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, giáo sư Carlyle Thayer - chuyên gia trong lĩnh vực an ninh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết phía Việt Nam đã từng tin tưởng rằng Campuchia sẽ không để Trung Quốc đặt căn cứ quân sự: “Tôi được phía Việt Nam cho biết là họ đạt được đồng thuận với Campuchia về việc sẽ không để bên thứ ba thiết lập sự hiện diện quân sự và gây tổn hại đến lợi ích của bên còn lại”. Bình luận về việc Campuchia nói một đằng làm một nẻo, vị giáo sư người Úc cho rằng cả Campuchia và Trung Quốc trước đó đều chơi chữ với các nước trong khu vực. Ngoài căn cứ hải quân, Trung Quốc cũng được cho là đang xây dựng một sân bay với vỏ bọc dân sự, nhưng có thể được chuyển sang mục đích quân sự trong tình huống khẩn cấp. Với hai cở sở trên, giáo sư Carlyle Thayer cho rằng trong tình huống căng thẳng với Việt Nam, thì Trung Quốc có thể huy động cả hải quân lẫn không quân để đối phó: “Trung Quốc sẽ có đủ năng lực ở thực địa để chuẩn bị cho tình huống căng thẳng với Việt Nam. Rất nhanh chóng, máy bay chiến đấu và tàu chiến của Trung Quốc sẽ xuất hiện ở sau lưng Việt Nam.” Vị giáo sư thuộc Đại học New South Wales, Úc, cũng cho rằng Việt Nam có rất ít khả năng để đảo ngược tình huống, thay vào đó thì nước này nên tập trung nghiên cứu về hệ quả của việc bị Trung Quốc đặt căn cứ hải quân sát với phần lãnh thổ phía nam của mình: “Trước hết Việt Nam cần phải huy động lực lượng tình báo để tìm hiểu xem Trung Quốc đang thực sự xây cái gì ở Campuchia, và phân tích xem lợi ích của mình sẽ bị ảnh hưởng ra sao, cả trong trường hợp xấu nhất. Nhưng Việt Nam hiện không có khả năng để đe dọa, hoặc đưa Campuchia trở lại trong quỹ đạo của mình.” Ông cũng cho rằng ở thời điểm hiện tại thì Việt Nam chưa bị đe dọa, nhưng về lâu dài thì tình hình có thể thay đổi./.  
......

Thấy gì sau 100 ngày Nga xâm lược Ukraine?

Thao Ngoc Ngày 3/6 vừa qua đánh dấu 100 ngày Nga xua quân xâm lược Ukraine. Cuộc chiến phi nghĩa này gây tác động tiêu cực và sâu rộng trên tới toàn thế giới không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài. Cuộc xâm lược suốt 100 ngày qua đang làm thay đổi trật tự thế giới, tác động đến an ninh, lương thực và kinh tế toàn cầu. Nếu như trước đây, Nga đặt ra kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh”, với tham vọng nuốt chửng Ukraina trong vòng 72h thì nay Nga lui về vùng phía Đông , tìm cách chiếm 2 tỉnh Lugansk và Donetsk của Ukraine . Cũng trong 100 ngày qua, có bao nhiêu tòa nhà đã bị xóa sổ ở Ukraine? Bao nhiêu người phải rời bỏ nhà cửa? Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, lãnh thổ Ukraine hiện đang nằm trong tay Nga bằng khoảng 20% lãnh thổ của của nước này. Theo tình báo Anh: Số binh lính Nga thiệt mạng tại Ukraine trong 100 ngày qua bằng số lính Nga bị tiêu diệt tại Afghnistan trong 9 năm sa lầy tại quốc gia này. Ông Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, trong một chương trình thảo luận đặc biệt của BBC News Tiếng Việt về tình hình chiến sự ở Ukraine, cho rằng phía Nga đang có những chuẩn bị dàn xếp kết thúc cuộc chiến ở Ukraine. Ông cũng đánh giá rằng Tổng thống Putin đã không còn tin vào cấp dưới của mình nữa khi ra các quyết định thay đổi hàng loạt cấp tướng tá. Lúc ban đầu Nga ra điều kiện cho Ukraine để được đàm phán là: Hạ vũ khí, tức là đầu hàng;Công nhận Cremea là của Nga, dù Nga mới ăn cướp cách đó 8 năm; Công nhận hai vùng thân Nga là hai quốc gia độc lập không được làm gì nó; Giải giáp vũ khí Ukraine và phi phát xít chính phủ Ukraine. Nhưng nay phía Ukraine đặt điều kiện cho Nga nếu muốn đàm phán là: Phải rút quân ra khỏi lãnh thổ Ukraine; Không có nội dung đàm phán về lãnh thổ; Ukraine sẽ lấy lại bằng hết tất cả lãnh thổ của mình, kể cả Creamea. Phía Nga tung tin giả là TT Zelensky đã rời khỏi Ukraine. Nhưng đúng 100 ngày Nga xâm lược, TT Zelensky lên truyền hình nói chúng tôi đang ở đây (thủ đô Kyiv) và lực lượng của chúng tôi ngày càng lớn mạnh. Theo con số của bộ tổng tham mưu Ukraina, sau 100 ngày tiến hành xâm lược, phía Nga đã chịu tổn thất hết sức nặng nề như sau: 30950 lính Nga đã bị tiêu diệt; 1367 xe tăng bị phá hủy; 3366 xe bọc thép cũng bị phá hủy; 661 hệ thống pháo bị phá hủy; 207 hệ thống phóng pháo hàng loạt bị tiêu diệt; 210 máy bay hiện đại bị bắn rơi; 175 máy bay trực thăng bị bắn cháy; 535 chiếc UAV(máy bay không người lái)bị bắn rơi, chặn đánh và phá hủy 121 tên lửa hành trình; phá hủy 13 tàu chiến; tiêu diệt 12 viên tướng Nga.v.v. . Đồng thời cuộc xâm lược của Putin cũng đã làm các nước trung lập không còn trung thành với chính sách trung lập đã có hàng trăm năm nay. Ngoài Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO, Đan Mạch cũng quyết định tham gia chính sách quốc phòng và an ninh chung của EU, Thụy Sĩ cũng quyết định tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất 1% GDP vào năm 2030, vì lo ngại hành động xâm lược của Nga. Mặc dù VN chọn chính nghĩa chứ không theo phe nào, nhưng 100 ngày qua, hơn 800 tờ báo quốc doanh hàng ngày ra rả bênh vực Nga và đổ lỗi nguyên nhân Nga xâm lược là do Ukraine muốn gia nhập NATO và đe dọa Nga. Thực chất là Nga sợ Ukraine gia nhập NATO và EU, là những nước có thế chế dân chủ, mà những kẻ độc tài rất sợ điều đó xảy ra. Nga không thể kéo dài cuộc chiến, vì kinh tế Nga chỉ ngang Hàn Quốc, và nay đang bên bờ sụp đổ vì lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga càng ngày càng bị cô lập thảm hại trên trường quốc tế. Ngược lại Ukraine đang được Mỹ và phương Tây ủng hộ từ các loại vũ khí tối tân cho đến tiền bạc tối đa, đủ sức chiến đấu lâu dài với Nga. Và lại được các lực lượng yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ, nên ngày Ukraine càng vững vàng và lớn mạnh. Bây giờ sau 100 ngày Nga bị sa lầy với những tổn thất nặng nề khủng khiếp, thì tướng Lê Văn Cương và đồng bọn không biết úp mặt vào đâu để khỏi bị dư luận phỉ nhổ. Và bao nhiêu giấc mơ đã bị phá hủy? Cuộc chiến đã gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu kể từ thế chiến thứ hai, khi có trên 6,8 triệu người Ukraine chạy khỏi đất nước và một phần ba dân số nước này phải bỏ nhà cửa. Chỉ mong rằng các nhà chiến lược đại tài như tướng Lê Văn Cương, Lê Thế Mẫu, và bọn cuồng Nga đừng vì Nga đang bị sa lầy mà quá xấu hổ, rồi cắn lưỡi tự tử thì uổng quá. Hãy gắng sống đến ngày thấy Nga chấp nhận ký kết chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa này như thế nào./.    
......

Mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân thanh bị dẫn độ sang Đức

Diễm Quỳnh| Một nghi phạm trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin hồi năm 2017 đã bị dẫn độ sang Đức. Ngày 2 Tháng Sáu, 2022, Văn phòng Công tố Liên bang Đức cho biết, một người Việt Nam đã bị dẫn độ từ Cộng Hòa Czech sang Đức để ra tòa vì bị tố cáo đã tham gia vào vụ bắt cóc, do Hà Nội ra lệnh. Nghi phạm là Lê Tú Anh, đã được đưa từ Cộng hòa Czech sang Đức sau khi ông ta bị giam giữ ở Praha vào tháng trước theo lệnh bắt giữ của Đức và châu Âu. Người này phải đối mặt với những cáo buộc gồm hoạt động gián điệp, giúp đỡ và hỗ trợ việc tước đoạt tự do của người khác. Theo bộ luật hình sự Đức StGB, với tội trạng hoạt động gián điệp và tiếp tay cưỡng đoạt tự do, nghi can Lê Tú Anh có thể bị kết án lên đến mức 10 năm tù. Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc rồi tống vào một chiếc xe van ngay trên đường phố Berlin cùng với người tình Đỗ Thị Minh Phương Sau 11 tháng đến Đức xin tỵ nạn, vào ngày 23 Tháng Bảy, 2017, ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc rồi tống vào một chiếc xe van ngay trên đường phố Berlin cùng với người tình Đỗ Thị Minh Phương đến từ Việt Nam. Sau đó ông bị đưa về Việt Nam và phải ra tòa với bản án chung thân. Tô Lâm (giữa) - Đường Minh Hưng  (phải) là hai kẻ chủ mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (trái) Ông Trịnh Xuân Thanh bị tòa án ở Hà Nội cáo buộc gây thất thoát tài sản Nhà nước và quản lý kém tại Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây lắp Dầu khí Việt Nam (JSC). Vụ bắt cóc này khiến quan hệ song phương Đức- Việt trở nên căng thẳng. Vào tháng 7 năm 2018, công dân Việt Nam có tên Long N.H. bị tòa Berlin kết án ba năm 10 tháng tù tội danh hoạt động gián điệp và hỗ trợ mật vụ Việt Nam đột nhập lãnh thổ Đức để bắt cóc người. Vào thời điểm đó, chủ tọa phiên tòa mô tả vụ bắt cóc là “sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Đức, chưa từng có trong lịch sử gần đây.” Chính phủ Đức cho rằng đây là một “sự vi phạm tai tiếng” đến chủ quyền của họ, và trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam, cùng triệu tập đại sứ CSVN nhiều lần. Diễm Quỳnh
......

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rời Kyiv, xông vào nơi nguy hiểm thăm các binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến...

 Lê Ánh     Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm 29/5 bất ngờ đến thăm viếng và cảm ơn, cũng như trao tặng một số phần thưởng cho các binh sĩ ở tuyến đầu phía đông thành phố. Cách thủ đô Keiv 480 km về hướng đông. Đây là nơi chiến sự vẫn còn đang diễn ra, được xem là nơi rất nguy hiểm.   “Tôi muốn cảm ơn từng mỗi người các bạn vì sự cống hiến của mình. Bạn đã coi nhẹ mạng sống của mình cho tất cả chúng tôi và đất nước của chúng ta. Cảm ơn các bạn đã bảo vệ nền độc lập của Ukraine. Xin bảo trọng" ông Zelensky nói. Trong thời gian thăm viếng của Volodymyr Zelensky, pháo binh của quân Nga đã b.ắn vào Kharkiv, tuy nhiên phái đoàn Tổng Thống được bình yên vô sự.   Cầu nguyện cho ông được bình an để tiếp tục lãnh đạo dân tộc Ukraine sớm đánh đuổi quân x.âm l.ược Putin ra khỏi bờ cõi. Fb Lê Ánh ***** Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày Chủ Nhật hôm nay bất ngờ đến thăm viếng binh sỹ ở tuyến đầu ở phía đông thành phố Kharkiv. Cách thủ đô Keiv 480 km về hướng đông. Đây được coi là chuyến đi nguy hiểm đầu tiên của ông ra khỏi thủ đô Kyiv (hình đính kèm).   Trong thời gian thăm viếng của Volodymyr Zelensky, pháo binh của quân Nga đã bắn vào Kharkiv, tuy nhiên phái đoàn Tổng Thống được bình yên vô sự. TT Zelensky đã trao tặng một số phần thưởng và cám ơn sự dấn thân hy sinh của binh sỹ:   “Tôi muốn cảm ơn từng mỗi người các bạn vì sự cống hiến của mình. Bạn đã coi nhẹ mạng sống của mình cho tất cả chúng tôi và đất nước của chúng ta. Cảm ơn các bạn đã bảo vệ nền độc lập của Ukraine. Xin bảo trọng". “I want to thank each of you for your service. You risk your life for all of us and our state. Thank you for defending Ukraine’s independence. Take care of yourself” (Volodymyr Zelensky).   Câu nói đơn sơ không bay mùi chính trị và ý thức hệ. Giống các lời nói của Tướng lãnh Mỹ khi đến thăm binh sỹ ở tuyến đầu. Bao giờ thì Tổng Thống Liên Bang Nga Vladimir Putin mới đi thị sát mặt trận và nói những lời tương tự với binh sỹ Nga đang chiến đấu gian khổ ở tuyến đầu?   Được biết quân Ukraine đang co cụm phòng thủ dưới những trận địa pháo ào ạt của quân Nga ở thành phố miền đông Severodonetsk, Luhansk Oblast. Nga đang dồn nỗ lực để chiếm Severodonetsk cho bằng được. Nhưng ngược lại, quân Ukraine đang chủ động tấn công các phòng tuyến quân Nga ở mặt trận phía Nam.   Đại pháo M777 155 mm của Hoa Kỳ viện trợ đang được kéo ra tuyến đầu, và trong tương lai gần có nhiều hy vọng Ukraine sẽ được Hoa Kỳ viện trợ các xe phóng hỏa tiễn M270 có tầm xa tối đa 500 km và có thể mang đầu đạn nặng 200 cân Anh (90kg). Hệ thống hỏa tiễn này rất chính xác, tối tân và bắn xa hơn loại hỏa tiễn tương tự của Nga.   TT Volodymyr Zelensky vẫn muốn máy bay Mig-29 và hy vọng những người cản mũi kỳ đà sẽ xuôi lòng, bớt hèn, và đồng ý.   Fb Bong Lau -    
......

Người Duy Ngô Nhĩ bị tra tấn bằng "Tiger Chair", hổ kỷ hình?

Bài viết của chính trị gia Đức, Christian Gottschalk Lưu Thủy Hương   Trên danh nghĩa, Trung Quốc đã làm rất nhiều để ngăn chặn tra tấn. Nhưng ở vùng Duy Ngô Nhĩ - Tân Cương, người ta cho rằng “hổ kỷ hình” đã được sử dụng. Hổ kỷ hình thực sự là gì? Có đúng là chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương đưa cái gọi là “ghế cọp” ra làm công cụ tra tấn người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc? "Mail online", nhánh trực tuyến của tờ báo giải trí Anh - Daily Mail, dẫn lời một quan chức của Bộ Công an Bắc Kinh cách đây vài năm. Anh ta thừa nhận đã từng sử dụng những chiếc ghế. Người đàn ông tên Lý này nói, chúng được sử dụng để đảm bảo việc người bị giam giữ không trốn thoát, không tự gây thương tích và không tấn công người khác. Ghế cọp là tên gọi của loại cấu trúc được sử dụng ở Trung Quốc, không chỉ ở tỉnh Duy Ngô Nhĩ của Tân Cương. Nó được các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) xếp vào loại công cụ tra tấn. Đây là một công trình bằng kim loại, trong đó những kẻ tình nghi bị buộc chặt đến độ họ gần như không thể nhúc nhích. Những người phải ngồi trên ghế trong nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày trong các cuộc thẩm vấn nói với HRW rằng, họ bị xuất huyết hậu môn, bị sưng chân và đau nhức nghiêm trọng. Tình huống pháp lý là mẫu mực Trên danh nghĩa, Trung Quốc là nước gương mẫu trong việc tra tấn. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các lệnh cấm việc đối xử tàn tệ với những người bị giam giữ ngay từ năm 1979, phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn vào năm 1988 và thực hiện các chiến dịch chính thức để hạn chế tra tấn trong những năm 1990. Trong thiên niên kỷ này, chính phủ Trung Quốc đã công bố nhiều biện pháp khác nhau để hạn chế tra tấn và kết án dựa vào những bằng chứng sai. Tuy nhiên, nghiên cứu của HRW lại vẽ ra một bức tranh khác. Cảnh sát nói rằng họ lạm dụng và sử dụng tra tấn để có được lời thú tội. Một tập đoàn truyền thông quốc tế hiện đã công bố bằng chứng về việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc - những tù nhân ngồi trên ghế cọp cũng có thể được nhìn thấy trên các tấm ảnh đã được kiểm định độ tin cậy. Các bức hình này được chụp 4 năm về trước./.   Nguồn: https://www.stuttgarter-zeitung.de/inhalt.politik-baden...
......

Những bức ảnh nhà cầm quyền Trung quốc đàn áp dã man người Duy Ngô Nhĩ

Lưu Thủy Hương dịch Lần đầu tiên xuất hiện những hình ảnh cho thấy Trung Quốc đàn áp dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương một cách dã man như thế nào. Những hình chụp là một phần của toàn bộ thông tin rò rỉ mà đài Bayerischer Rundfunk đã cùng với các đối tác truyền thông khác kiểm định. Philipp Grüll, Fabian Mader và Hakan Tanriverdi 24.05.2022 * Mahmud Tohti đã mất liên lạc với những người con trai và con dâu của mình trong nhiều năm. Ông nghi ngờ: Họ đã bị nhốt trong một trại giam, nhưng cho đến nay ông không tìm ra dấu vết. Người đàn ông Duy Ngô Nhĩ này đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều năm nay. Giờ đây ông Tohti mới được biết, một trong những người con trai của ông đã bị kết án hơn mười năm tù. Vì tên của cậu ấy được tìm thấy trong danh sách tù nhân của "Hồ sơ cảnh sát Tân Cương". Tân Cương là một khu vực ở tây bắc Trung Quốc, nơi sinh sống chủ yếu của người Duy Ngô Nhĩ - Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi. Lý do của việc giam giữ cũng được ghi chú là: chuẩn bị cho các hoạt động khủng bố. Tohti khóc. "Làm sao con tôi có thể lên kế hoạch cho các cuộc tấn công khủng bố khi nó thậm chí còn không biết cầm dao?" Ông không thể nắm tay con, ôm con và nhìn thấy những đứa con thân yêu của mình. “Sống như vậy mà gọi là cuộc sống sao?” ông hỏi. Các đại diện chính phủ Trung Quốc như Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã nhiều lần nhấn mạnh: không hề có sự đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương. Tình hình nhân quyền ở đó tốt hơn bao giờ hết, các dân tộc sống trong sự “hòa thuận”. Những cơ sở mà các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả chỉ là trại thực tập thôi, chỉ đơn thuần là các cơ sở hướng nghiệp, và việc tham gia là tự nguyện. Nhưng giờ đây, công chúng thế giới lần đầu tiên được nhìn thấy những bức ảnh cho thấy những gì đang diễn ra đằng sau những bức tường của những cơ sở được gọi là trại thực tập này. Hiện nay, "Hồ sơ cảnh sát Tân Cương" là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất về các Trại Cải Tạo cấp nhà nước ở Trung Quốc. Nó chứa thông tin về khoảng 300.000 người Trung Quốc do các nhân viên chính phủ đăng nhập, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ. Ảnh chụp bên trong hệ thống trại giam cũng là một phần của vụ rò rỉ thông tin. Một loạt hình ảnh cho thấy cảnh lực lượng an ninh trang bị dùi cui bằng gỗ giải một tù nhân trong tình trạng còng tay và xiềng chân. Người đàn ông đội một chiếc bao tải màu đen trên đầu và ở cuối bộ ảnh, anh ngồi trên chiếc ghế được gọi là Hổ Kỷ Hình (Tiger Chair) - một loại ghế đặc biệt mà theo tổ chức nhân quyền "Human Rights Watch", nó được sử dụng để tra tấn trong các nhà tù của Trung Quốc. Các hình ảnh khác cho thấy lực lượng an ninh trang bị loại súng trường tấn công. Một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các khu trại ở vùng tự trị Tân Cương, theo ước tính của các chuyên gia. Trong những năm gần đây, các tài liệu nội bộ của chính phủ đã nhiều lần bị lộ ra trên truyền thông. Kể từ đó, một số khu trại có vẻ như đã bị đóng cửa, trong khi những trại khác vẫn tiếp tục tồn tại. Theo các chuyên gia, chính phủ Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách đồng hóa tàn khốc đối với người thiểu số Hồi giáo. Lập trường đó đã được siết chặt kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2013, và từ sau tình hình bất ổn trong khu vực, cũng như các cuộc tấn công khủng bố tại những nơi khác ở Trung Quốc.   Ghế tra tấn và ra lệnh nổ súng   Ngoài hàng nghìn bức ảnh về những người bị bắt giữ được chụp trong nửa đầu năm 2018, bộ dữ liệu còn bao gồm các tài liệu bí mật, tài liệu đào tạo và bản ghi âm các bài phát biểu của các quan chức cấp cao trong đảng về cách đối phó với nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Có rất nhiều người được nhân viên chính quyền ghi rõ lý do bị bắt giam. Một người đàn ông được cho là, trong một giờ đồng hồ, anh đã cùng với mẹ nghe một băng thu thanh nói về "quản lý tôn giáo". Anh nhận 20 năm tù vì chuẩn bị cho hành động khủng bố. Một người khác, vì chuyện trước đó 34 năm nghiên cứu kinh sách tôn giáo, đã bị bỏ tù 10 năm vì tội cải đạo và chuẩn bị cho các hoạt động khủng bố. Một người luyện tập liên tục 15 ngày trong một trung tâm thể dục, cũng bị các nhà chức trách an ninh đánh giá là: chuẩn bị cho một hành động khủng bố, với 12 năm tù. "Hồ sơ cảnh sát Tân Cương" cho thấy rằng, cái giả danh trung tâm giáo dục là các trại giam được bảo vệ kiên cố. Trái ngược với những gì chính phủ Trung Quốc tuyên bố, những người bị giam giữ ở đó rõ ràng không hề tự nguyện. Theo các tài liệu, những cố gắng trốn thoát đều phải trả giá bằng sinh mạng. Nếu có chuyện vượt ngục, các lính canh phải gọi cho lực lượng đặc nhiệm vũ trang của trại giam. Nếu "học sinh", như tài liệu nêu rõ, không tuân theo hướng dẫn, lực lượng an ninh phải bắn cảnh cáo. Nếu anh ta tiếp tục cố gắng chạy trốn, "cảnh sát vũ trang sẽ bắn vào anh ta."   Nguồn tin ẩn danh chuyển giao dữ liệu cho nhà nghiên cứu người Đức về Trung Quốc   "Hồ sơ cảnh sát Tân Cương" từ một nguồn tin ẩn danh lọt vào tay nhà nhân chủng học người Đức Adrian Zenz. Theo nhà nghiên cứu, các tập tin này được lấy từ hệ thống máy tính của Cục An ninh Công cộng ở các quận Ili và Kashgar, thuộc vùng Tân Cương. Nguồn tin, không muốn tiết lộ danh tính vì lý do an toàn, đã bẻ khóa bảo mật vào được hệ thống và rồi sau đó liên lạc với ông. Theo Zenz, người đó cung cấp dữ liệu cho ông một cách vô điều kiện, nghĩa là không đòi hỏi một xu nào. Thời gian qua, Zenz đã có công rất lớn trong việc phát hiện ra hệ thống trại giam ở Tân Cương. Đối với chuyên gia về Trung Quốc - người đang thực hiện nghiên cứu tại "Tổ chức tưởng niệm nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản" ở Washington - "Hồ sơ cảnh sát Tân Cương" trưng bày một "chiều kích mới". Tư liệu hình ảnh "độc nhất vô nhị" này bác bỏ "tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc" rằng, đây là "những trường học bình thường". Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa trả lời yêu cầu chi tiết về các bức ảnh và tài liệu. Trong một tuyên bố chính thức, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C. đã không giải quyết các câu hỏi cụ thể, mà cho biết, các biện pháp ở Tân Cương là nhằm chống lại các nỗ lực khủng bố, đây không phải là chuyện "nhân quyền hay tôn giáo".   Hiệp hội Truyền thông Quốc tế kiểm tra kỹ lưỡng   Nhà nghiên cứu về Trung Quốc đã cung cấp bộ dữ liệu cho một mạng lưới quốc tế gồm 14 công ty truyền thông. Ngoài Bayerischer Rundfunk, còn bao gồm "Spiegel", BBC News và các tờ báo như "USA Today", "Le Monde" - Pháp, đài truyền hình NHK - Nhật Bản và "Liên đoàn ký giả điều tra quốc tế" (ICIJ). Trong một nghiên cứu chung kéo dài suốt một tuần, nhóm phóng viên đã kiểm tra xem dữ liệu có xác thực hay không. Các phóng viên đã xác định được những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong ở Istanbul và Amsterdam, họ có thân nhân bị biến mất trong nhiều năm. Tên và dữ liệu của những thân nhân này được tìm thấy trên danh sách những người bị giam giữ trong các tài liệu. Nhóm nghiên cứu cũng có thể đọc dữ liệu GPS của một số bức ảnh. Họ xác nhận rằng, những bản chụp này được thực hiện ở vùng Tân Cương. Các phóng viên có thể sắp xếp vị trí những bức ảnh vào vị trí một trại giam cụ thể ở huyện Tekes, vùng Tân Cương, bằng cách so sánh chúng với ảnh vệ tinh. Cả báo "Spiegel" và BBC News cũng đã chọn những hình ảnh đã được các nhà khoa học pháp y IT kiểm tra. Các chuyên gia - Viện Công nghệ Thông tin An toàn Fraunhofer ở Đức - đã không thể tìm thấy "bất kỳ manh mối hoặc dấu vết" nào "chỉ ra sự giả mạo". Chủ tịch phái đoàn của Nghị viện Châu Âu về quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Reinhard Bütikofer, kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới chống lại Trung Quốc dựa vào "Hồ sơ cảnh sát Tân Cương". Chính trị gia đảng Grünen cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài Bayerischer Rundfunk và báo "Spiegel", các bức ảnh từ vụ rò rỉ cho thấy "rõ ràng một thảm kịch", nó buộc chúng ta phải hành động. Những "hình ảnh ghê rợn" này phải dẫn đến việc Liên minh châu Âu có lập trường dứt khoát./.   VTP-LTH dịch Nguồn: https://www.tagesschau.de/.../china-uiguren...  
......

“Người ta buộc phải thừa nhận: hỏa lực của Nga mạnh gấp bội“

Von Thomas Klug - WELT Nguyễn Xuân Hoài   Klaus Wittmann từng là chuẩn tướng của Quân đội Đức (Bundeswehr). Ông giải thích Nga có lợi thế lớn về lãnh thổ do sức chống cự của Ukraine có phần yếu kém hơn. Nếu đi vào đàm phán họ sẽ mất các vùng lãnh thổ này - theo quan điểm của ông, ngừng bắn sẽ là một sai lầm. Cuộc tiến công của Nga ở Donbass vẫn tiếp tục. Theo các tuyên bố của mình, quân đội Nga đã thu được nhiều lợi thế về lãnh thổ trong tuần qua. Theo quan điểm của cựu chuẩn tướng của Bundeswehr, Klaus Wittmann, sức chống trả của Ukraine không đủ tầm. Trong cuộc phỏng vấn với WELT, ông giải thích cách Ukraine có thể giành lại thế chủ động và phân tích vai trò của chính phủ liên bang Đức.   WELT: Thưa ông Wittmann, khi ngay cả đến Tổng thống Ukraine cũng phải nói: mọi thứ đang có vẻ không ổn ở phương Đông, thì ông thực sự hình dung điều đó trên thực tế như thế nào đối với quân đội Ukraine? Klaus Wittmann: Áp lực từ các lực lượng vũ trang Nga đang gia tăng. Họ đang tập hợp mọi thứ họ có để giành được vùng Donbass. Và họ đã sở hữu 90% Luhansk Oblast. Khi Tổng thống Zelenskyy nói rằng áp lực đang gia tăng, tình hình đang rất nghiêm trọng. Người Nga đang cố gắng bao vây một số thành phố như Sieverodonetsk. Tôi không đánh giá tinh thần và sự sẵn sàng chiến đấu của những người lính Nga tốt hơn so với những gì tôi biết trong vài tháng qua. Nhưng bạn phải thực tế: hỏa lực của Nga thực sự vượt trội hơn nhiều.   WELT: Những gì chúng ta đang nghe thấy có vẻ rất nguy hiểm, ít nhất là đối với các khu vực ở phía đông. Klaus Wittmann: Đúng vậy. Trong bảy ngày qua, người Nga đã giành được nhiều điểm hơn so với cả tháng năm cho đến nay. Tôi chỉ có thể nhắc lại rằng việc tăng cường khả năng phục hồi của Ukraine vẫn chưa đi đủ xa. Nhiều thông báo mà chúng tôi đưa ra đã không được thực hiện trong một thời gian dài.   WELT: Liên quan đến việc giao vũ khí, các báo cáo thường mâu thuẫn nhau. Đầu tiên thì nói: Chúng tôi có thể chuyển giao. Nhưng sau đó chính phủ liên bang lại thông báo: Những gì chúng tôi có thể giao hiện đang ở trong kho bãi và phải được sửa chữa. Thế là thế nào? Klaus Wittmann: Tôi có thể nói với các vị hai điều về chuyện này: Thứ nhất, nếu các quyết định liên quan được đưa ra vào tháng 3, thì các loại vũ khí như Leopard, Marder, Panzerhaubitzen 2000, Gepard đều đã được sửa chữa, có đủ cơ số đạn dược, các đội pháo thủ đã được huấn luyện và những hệ thống vũ khí rất hiệu quả đó đã được đưa vào sử dụng ở Ukraine. Thứ hai, nếu bạn thực sự muốn điều gì đó, bạn có thể biến nó thành hiện thực. Và nếu bạn không muốn điều gì đó, bạn sẽ luôn có cớ để bào chữa, sự dè dặt, những trở ngại, quan liêu và những thứ tương tự.   WELT: Hãy cùng nhìn lại tình hình miền đông Ukraine: Tổng thể đang diễn biến theo hướng nào? Klaus Wittmann: Tôi hy vọng, tôi hy vọng Ukraine có thể cầm cự được, hy vọng nước này sẽ tiếp tục được cung cấp các hệ thống vũ khí và sẽ giành lại thế chủ động. Trả lời phỏng vấn về cuộc chiến chống Nga của Ukraine, lãnh đạo nhóm nghị sĩ SPD (Đảng Dân chủ Xã hội) Rolf Mützenich nói: “Tôi hy vọng sẽ sớm có một lệnh ngừng bắn. Sau đó, cuối cùng chúng ta có thể tập trung vào các vấn đề khác. ”Thứ nhất, tôi thấy rằng cực kỳ thiếu sự đồng cảm và thứ hai, nó làm dấy lên sự nghi ngờ, mà những người khác đã bày tỏ, rằng giới lãnh đạo chính trị của Đức đang câu giờ, hy vọng vào một lệnh ngừng bắn, vì vậy họ không còn lo thực hiện những điều đã hứa liên quan đến vũ khí hạng nặng. Và sau đó người ta đánh giá sai những gì đang xảy ra với người dân trong các khu vực mà Nga đã chiếm đóng. Và người ta không nhận ra rằng Nga đã tăng gấp đôi diện tích đất đai mà họ chiếm đóng so với tháng hai năm nay và chắc chắn chúng sẽ không từ bỏ lãnh thổ đã bị xâm chiếm này trong các cuộc đàm phán. Vì vậy, bây giờ tìm cách thuyết phục người Ukraine phải ưu tiên hàng đầu vào một lệnh ngừng bắn, tôi nghĩ đó là một sai lầm./.   Nguồn: Ukraine-Krieg: „Man muss realistisch feststellen: Die russische Feuerkraft ist weit überlegen“ - WELT  
......

Nước Mỹ nhiều súng quá!

Ngô Nhân Dụng Trong năm 2021, cảnh sát Anh bắn chết hai người, cảnh sát Mỹ bắn 1,055 người, theo tuần báo The Economist. Số người chết chênh lệch như vậy – dù dân số Mỹ chỉ đông gấp bốn lần – vì phần lớn cảnh sát Mỹ phải đương đầu hoặc lo lắng họ đang phải đương đầu với những thường dân mang súng. Trong năm 2020, 45,000 người Mỹ chết vì súng; nhiều hơn số người chết vì tai nạn xe hơi. Số các vụ sát nhân ở Mỹ cao gấp 4, 5 lần ở các nước tiên tiến khác. Ở nhiều tiểu bang trong nước Mỹ, xin một con chó về nuôi bị nhiều luật lệ kiểm soát hơn là mua súng. Mười ngày sau vụ Payton Gendron vào một siêu thị bắn chết 10 người da đen ở Buffalo, New York, Salvador Ramos dùng một khẩu súng tự động AR-15 vào một lớp học ở Uvalde (đọc là Yu Van Đi), Texas, bắn chết 19 học sinh lớp 4 và 2 cô giáo. Nhiều xác trẻ em nằm chất đống trên nhau. Cả hai thủ phạm đều 18 tuổi. Khoảng 30 phút trước khi ra tay, Ramos đã viết trên mạng báo trước sẽ bắn bà ngoại rồi đi bắn ở một trường tiểu học. Bà cụ may mắn chỉ bị thương. Nhiều vụ bắn giết ở Mỹ không được mấy người chú ý. Theo tin Reuters cũng trong ngày 24 tháng 5, ba học sinh một trường tiểu học ở Washington D.C. bị thương vì súng bắn. Ngày hôm trước, ba học sinh trung học ở Philadelphia cũng may mắn thoát chết như vậy. Tuần trước, ba vụ nổ súng trong lễ bế giảng tại các trường ở tiểu bang Michigan, Louisiana và Tennessee. Từ đầu năm đến nay gần như ngày nào cũng xảy ra một vụ bắn giết, tổng công 137 lần, so với 249 vụ trong cả năm ngoái. Salvador Ramos không tìm giết người vì kỳ thị chủng tộc như Payton Gendron. Cậu hận đời vì lớn lên luôn luôn bị bạn bè chế nhạo về tật nói lắp, đi học bị bắt nạt, không thể chịu được cả bà mẹ mình, sống với ông bà. Khắp thế giới không thiếu gì những thanh niên bất mãn với đời như vậy. Không ai có thể biết trước và ngăn cản được họ không hành động giết người để tự sát. Nhưng chỉ có ở nước Mỹ họ có thể mua súng dễ dàng. Sau sinh nhật đủ 18 tuổi, Ramos đã đi mua hai khẩu súng máy AR-15. Nước Mỹ có 332 triệu dân, với 400 triệu khẩu súng trong tay tư nhân. Đây là vụ án mạng trong trường học nặng nề nhất sau vụ tàn sát 20 học sinh tiểu học ở Sandy Hook, tiểu bang Connecticut năm 2012. Năm 2018, 17 học sinh trung học bị giết ở Parkland, Florida. Năm 2017, 26 người bị bắn chết trong một nhà thờ ở Sutherland Springs, Texas... Năm nay, một người đàn ông 68 tuổi vào một nhà thờ ở Laguna Woods, California, bắn chết một tín đồ đang dự lễ. Năm 2018, một học sinh 17 tuổi vào một trường trung học ở Santa Fe, Texas giết 10 người. Năm sau, 23 người bị bắn chết trong một cửa hàng Walmart tại El Paso, Texas. Hội Súng Toàn Quốc (NRA) luôn luôn bảo vệ quyền mua súng. Mỗi năm bầu cử quốc hội họ chi tiêu hàng triệu mỹ kim vận động cho các nhà chính trị cùng quan điểm. Họ nhắm triệt hạ các người muốn hạn chế việc bán súng, bằng cách moi móc các chuyện khác trong cuộc đời các ứng cử viên mà không cần nói gì đến súng. Hội NRA và những người ủng hộ súng vẫn biện minh rằng “Súng không giết người! Người giết người!” Nhưng nếu trong tay dân Mỹ không có sẵn súng thì không nhiều người bị bắn chết như vậy. Những kẻ trộm cắp không có súng thì khó giết người. Vợ chồng cãi cọ cũng không gây nên án mạng nếu không có sẵn súng. Có súng, người ta tự tử dễ dàng hơn. Các vụ sát nhân ở Mỹ cao gấp 4, 5 lần các nước tiên tiến khác. Nước Mỹ cần áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, như các nước khác. Ai mua một khẩu súng đều phải được giấy phép, sau khi điều tra lý lịch. Mua một khẩu súng phải được ghi danh, gia hạn hàng năm, như khi mua xe hơi. Tư nhân không cần phải mang súng, nhất là loại súng tự động giết hàng loạt. Ở Anh quốc, sau vụ bắn chết 16 người ở Hungerford năm 1987 bằng súng AK-47 của Trung Cộng, cả nước kinh hoàng. Năm sau, Thủ tướng Margaret Thatcher đã ủng hộ một đạo luật cấm các loại súng tự động. Một vụ tàn sát 16 học sinh và thầy giáo ở Scotland bằng súng ngắn năm 1996 đưa tới các luật lệ gắt gao hơn. Chính phủ đã mua lại hàng chục ngàn khẩu súng của tư nhân. Từ năm 2005, sau khi lên cao nhất, số vụ bắn giết đã giảm bớt. Ở Australia, sau khi 35 người bị giết ở Tasmania bằng súng AR-15 năm 1996, chính phủ John Howard đã hợp tác với các tiểu bang hạn chế quyền sử dụng súng tự động. Trong một năm, họ đã mua lại 650,000 khẩu súng; từ đó các vụ bắn chết người cũng giảm. Tại New Zealand năm 2019, hai giáo đường Hồi Giáo bị bắn, 51 người thiệt mạng. Thủ tướng Jacinda Ardern kêu gọi và toàn thể quốc hội thông qua đạo luật cấm tất cả các loại súng tự động. Trước đó, trong dân số 5 triệu người có 250,000 giữ súng. Tháng Tư năm 2020, một người Canada mặc giả đồng phục cảnh sát bắn giết 22 người trong 13 tiếng đồng hồ tại tỉnh Nova Scotia. Thủ tướng Justin Trudeau đã ban hành lệnh cấm 1,500 loại súng máy, kể cả AR-15. Nhưng với thế lực rất mạnh của Hội Súng Toàn Quốc NRA, nước Mỹ khó lòng kiểm soát súng chặt chẽ như các nước khác. Ngày Thứ Sáu này, NRA sắp họp đại hội ở Houston, Texas. Cựu Tổng thống Donald Trump và ông Thống đốc Greg Abbott sẽ tới dự. Các vị khách quý này có thể yên tâm đọc diễn văn. Vì cơ quan Mật Vụ có nhiệm vụ bảo vệ các vị cựu tổng thống, sẽ kiểm soát phòng họp bằng máy đo từ tính (magnetometers). Và họ đã ra lệnh cấm không ai được mang súng vào hội trường, những loại súng bắn tia laser, bắn hơi cay và kể cả súng đồ chơi của trẻ em. Người tham dự cũng không được mang túi đeo vai. Nếu các trường học đều được kiểm soát kỹ như vậy, hy vọng số học sinh bị bắn giết sẽ giảm bớt. Ngay sau vụ tàn sát ở Uvalde, Steve Kerr, nhà dìu dắt đội bóng rổ Golden State Warriors, đã lên tiếng, trước trận chung kết với đội Mavericks, Dallas. Theo nhật báo The Wall Street Journal, Kerr kêu gọi Thượng viện Mỹ hãy thông qua dự luật hạn chế quyền mua súng. Dự luật này đã bị ngâm tôm sau khi Hạ viện thông qua và chuyển lên từ năm ngoái. Nhưng Thượng viện Mỹ cần 60/100 lá phiếu ủng hộ, mà 50 nghị sĩ Cộng Hòa đều không đồng ý. Steve Kerr đã gọi đích danh Nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lãnh khối thiểu số ở Thượng viện: “Tôi xin hỏi ông Mitch McConnell, quý ông còn tiếp tục đặt tham vọng chính trị lên trên mạng sống của trẻ em, của các cụ già đến bao giờ?” Một ngày sau vụ tàn sát ở Uvalde, Đức Giáo Hoàng Francis ở xa xôi cũng phải kêu gọi: “Chúng ta phải cam kết với nhau không để cho thảm cảnh này diễn ra nữa. Đã tới lúc chúng ta phải lên tiếng chấm dứt việc buôn bán súng.”
......

Ai cập và Li băng từ chối nhập cảng tàu chở ngủ cốc của Nga ăn cắp từ Ukraine

Diễm Quỳnh Bộ Quốc phòng Ukraine ước tính ít nhất 400.000 tấn ngũ cốc Ukraine đã bị đ.ánh c.ắp kể từ khi bị Nga xâm lược. Theo báo cáo, phương tiện truyền thông Internet Ukraine cũng xác nhận rằng lượng xuất khẩu ngũ cốc của Sevastopol, một cảng ở bờ biển phía tây nam của Crimea, đã tăng mạnh lên 100.000 tấn trong tháng 3 và tháng 4. Và có nhận định rằng lượng ngũ cốc xuất khẩu tăng đột biến đã bị quân đội Nga thu giữ từ miền bắc Ukraine. Gần đây 3 tàu chở ngũ cốc bị đ.ánh c.ắp đã rời Ukraine, một trong số đó được đặt tên là “Matros Pozynich”. Con tàu cố tình tránh sự theo dõi sau khi thả neo ngoài khơi Crimea vào ngày 27 tháng 4, thiết bị thu tín hiệu đã bị tắt, nhưng ngày hôm sau nó đã được vệ tinh chụp ảnh tại cảng Sevastopol ở Crimea Con tàu định đến Alexandria, Ai Cập, nhưng sau khi bị Ukraine phát hiện, Ai Cập đã từ chối cho con tàu cập cảng. Con tàu sau đó buộc phải đến Beirut, thủ đô của Li-băng và cũng bị quay lưng. Vào ngày 5 Tháng Năm, “Matros Pozynich” lại tắt máy thu phát tính hiệu, nhưng vẫn bị vệ tinh bắt được cho thấy nó đang hướng đến Syria. Mikhail Voytenko, tổng biên tập tờ Maritime Gazette, nhận định rằng con tàu này có thể đã chuyển ngũ cốc sang một con tàu khác ở Syria để che giấu nguồn gốc, và “đây là bằng chứng của hành vi buôn lậu”. Diễm Quỳnh
......

Đối mặt với sinh tử thì phải mạnh mẽ

Nguyen Ngoc Chu Đại sứ Andriy Melnyk: “Một khi sự việc liên quan đến sự sống hay cái chết, đến sự tồn vong của đất nước tôi, thì tôi bất cần phải chọn lựa ngôn từ như thế nào”! “ Ngày nào tôi cũng khóc và tôi phải cố cưỡng lại. Mặc dù vậy, sự lựa chọn từ ngữ của tôi không phản ánh sự tuyệt vọng, mà là một phương tiện để thức tỉnh mọi người. Cách đây năm sáu năm tôi đã cảnh báo người Đức, Putin muốn tiêu diệt người Ukraine chúng tôi. Tôi đã bị cười nhạo”.   1. NÊN HỌC AI? Lúc Tổng thống Nga Putin mang quân xâm lược Ukraine, không ít người cho rằng Ukraine phải “học Phần Lan”. Nghĩa là Ukraine giữ vị trí trung lập, không gia nhập NATO, thì tránh bị Nga tiến đánh. Nhưng bây giờ, thì cả Phần Lan lẫn Thuỵ Điển lại có ý định “học Ukraine”, bỏ vị thế trung lập mà đầu đơn xin gia nhập NATO. Nên học ai? 2. MỀM DẺO VÀ CỨNG RẮN? Cũng không ít người chê lãnh đạo Ukraine không “mềm dẻo”. Nhưng mềm dẻo để cam chịu cho kẻ mạnh “ăn thịt” dần, thì cuối cùng sẽ không tránh khỏi cái chết. Ngồi mà nhìn kẻ thù ăn thịt dần cho đến lúc mất mạng thì thà đánh dẹp chúng còn có cơ may sống sót. Không phải mình “mềm dẻo” mà bắt người khác phải “mềm dẻo” như mình.Trong nhiều trường hợp, phải cứng rắn và mạnh mẽ chứ không phải “mềm dẻo”. Nhất là khi đối mặt với sự sống còn thì chỉ có thể cứng rắn và mạnh mẽ. 3. KHÁC BIỆT CỦA LÃNH ĐẠO MẠNH MẼ Lãnh đạo Ukraine đã nhận được lời khuyên đầu hàng. Nhưng họ không chịu. Lãnh đạo Ukraine cũng nhận được lời khuyên cắt đất đổi lấy hoà bình. Họ cũng không chịu. Lãnh đạo Ukraine, từ Tổng thống cho đến các Thành viên Chính phủ và các Đại sứ ở nước ngoài đều trẻ trung và rất mạnh mẽ. Chính sự mạnh mẽ của Lãnh đạo Ukraine đã làm thay đổi quan điểm của Lãnh đạo nhiều nước. Quan trọng hơn, sự mạnh mẽ của Lãnh đạo Ukraine đã làm thay đổi cục diện của cuộc chiến Nga – Ukraine. Đức là quốc gia đầu tàu của EU. Nhưng Ukraine đã từ chối ý định thăm Ukraine của Tổng thống Đức, tạo nên một scandal ngoại giao có thể nói là vô tiền khoáng hậu. Thật bất ngờ, trái với suy nghĩ thông thường, chính sự cứng rắn không khoan nhượng của lãnh đạo Ukraine cuối cùng đã làm thay đổi đường lối của Lãnh đạo Đức. Từ không viện trợ vũ khí đến viện trợ vũ khí phòng thủ. Từ chỉ viện trợ vũ khí hạng nhẹ đến phải viện trợ vũ khí hạng nặng. Từ không cấm vận dầu hoả đến cấm vận dầu hoả. Từ chưa muốn cho gia nhập EU đến tạo điều kiện nhanh chóng gia nhập EU. Thiết nghĩ, trường hợp thực tiễn Ukraine – Đức cho thấy, mạnh mẽ, thẳng thắn hiệu quả hơn so với “mềm dẻo”. 4. TÍNH CÁCH UKRAINE Chỉ hơn 2 tuần sau ngày tổng thống Nga Putin tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, hôm 10/3/2022 , Đại sứ Ukraine tại Đức, Tiến sĩ luật học Andriy Melnyk (sinh năm 1975) đã có bài trả lời phỏng vấn cực kỳ thẳng thắng, mạnh mẽ cho kênh truyền hình WELT của Đức. Là người nghiên cứu khoa hoc, Tiến sĩ Andriy Melnyk yêu thích ở trong phòng nghiên cứu hơn là đứng trên sân khấu để đôi co với các chính khách. Nhưng Ông không ngần ngại phê phán các chính trị gia Đức đến mức không cần giữ ý đến phương diện ngoại giao vì “một khi sự việc liên quan đến sự sống hay cái chết, đến sự tồn vong của đất nước tôi, thì tôi bất cần phải chọn lựa ngôn từ như thế nào”! Ông phê phán các chính trị gia Đức vì hành xử của Đức đối với Putin là sai lầm. Andriy Melnyk nói : “ Y không phải là vị tư lệnh trên chiến trường, y là người của KGB. Và y biết chính xác người Đức suy nghĩ gì ở trong đầu. Hắn đã nắm bắt hồn vía người Đức. Có thể Putin biết rõ hơn ngày mai Olaf Scholz định làm gì, còn hơn bản thân ông ta nữa kia”. Để hiểu thêm tính cách Ukraine, xin giới thiệu toàn văn Bài trả lời phỏng vấn của Đại sứ Andriy Melnyk cho kênh truyền hình WELT (Nguồn: “Mein Präsident hat mit Scholz telefoniert – als ob man mit einer Wand gesprochen hätte”, WELT, 10/03/2022; Lời Việt do tác giả Nguyễn Xuân Hoài biên dịch (https://nghiencuuquocte.org/tag/andriy-melnyk/)).   ĐẠI SỨ UKRAINE TẠI ĐỨC: PUTIN NHÌN THẤU TÂM CAN THỦ TƯỚNG SCHOLZ Hỏi: Thưa ông Melnyk, với tư cách là đại sứ Ukraine, từ nhiều tuần nay ông đã phát đi thông điệp: “Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn!” Người Đức phản ứng như thế nào, đoàn kết, thờ ơ, hèn nhát? Đáp: Điều này phụ thuộc vào người Đức nào mà người ta đối diện. Các phương tiện truyền thông, hầu hết đều đứng về phía chúng tôi, cũng như rất, rất nhiều người giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi xin cảm ơn các bạn! Với giới chính trị thì có phần khó khăn hơn ít nhiều.   Hỏi: Hiện cũng vẫn như vậy sao? Đáp: Đúng thế. Mặc dù cuộc chiến này, địa ngục này, đã diễn ra được 14 ngày. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn phải kêu cứu. Và chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính nước Đức và Quốc hội hiểu được điều gì đang diễn ra.   Hỏi: Thủ tướng Liên bang Đức Olaf Scholz vừa mới tuyên bố không tham gia lệnh cấm vận dầu khí. Đáp: Đó là nhát dao đâm sau lưng Ukraine. Chúng tôi tin rằng quan điểm này là không thể đứng vững về mặt đạo lý và nó sẽ giảm, không phải trong vài ngày tới, thì trong vài tuần tới. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu thường dân Ukraine sẽ bị chết trong các vụ tấn công tên lửa.   Hỏi: Có đúng là trong NATO và EU Chính phủ liên bang Đức đã và vẫn luôn do dự nhiều nhất không? Đáp: Tiếc rằng cảm nhận đó lại hoàn toàn chính xác. Lúc loại (các ngân hàng Nga) ra khỏi SWIFT đã như vậy, giờ ngưng nhập khẩu cũng vẫn thế. Điều đó đối với chúng tôi thật hết sức cay đắng. Và tôi nghĩ chắc hàng triệu người Đức phải rất xấu hổ vì luôn ở phía sau chứ không phải đi đầu trong hàng ngũ lãnh đạo.   Hỏi: Nguyên do tại đâu? Đáp: Hầu hết người Đức coi chính sách về nước Nga của Berlin không chỉ thất bại trong vài tháng qua mà là thất bại trong vài năm qua và nhiều thập niên qua. Nhưng giới chính trị vẫn bám lấy cái chính sách đó. Ngoài ra, xã hội này đã quên cách sử dụng ngoại giao phòng ngừa và răn đe quân sự.   Hỏi: Ai là người chịu trách nhiệm chính về việc để Vladimir Putin tấn công Ukraine, Angela Merkel hay Donald Trump? Đáp: Có một nhóm người đông hơn nhiều phải chịu trách nhiệm. Các chính phủ liên bang Đức tiền nhiệm có thể đã ngăn chặn được cuộc chiến này. Nguy cơ là rõ ràng, ít nhất kể từ năm 2014, kể từ khi Crimea bị sáp nhập và cuộc chiến của Nga diễn ra ở Donbass. Đối với chúng tôi đó là một bước ngoặt. Ngay cả Liên minh đèn giao thông (tức chính phủ Đức hiện nay -ND) cũng đã có nhiều thời gian để chủ động hành động và ngăn chặn thảm họa tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Nhưng ngoài việc xoa dịu Putin, hoàn toàn không có bất cứ điều gì khác. Cho đến khi chiến tranh bùng nổ.   Hỏi: Nhưng sau đó trong phiên họp Quốc hội, thủ tướng Scholz đã đề cập đến từ : “thời cuộc thay đổi”. Đáp: Tôi có tham dự phiên họp Quốc hội này. Có một cảm giác kỳ lạ, dường như các vị dân biểu trút được gánh nặng, thở phào nhẹ nhõm. Nó giống như bản thân mình đạt được thành tích và tất cả đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Từ đó đến nay mười ngày đã trôi qua. Nhưng chúng tôi, những người Ukraine, hầu như không cảm nhận được điều gì. Không có sự giúp đỡ nào tương xứng với mức độ tàn bạo và tuyệt vọng đang diễn ra ở quê hương tôi.   Hỏi: Thưa ngài Đại sứ, ngài xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông Đức và trên Twitter. Ngài thách thức các chính trị gia, ngài giáng trả và mỉa mai. Việc sử dụng các ngôn từ đôi khi thiếu ngoại giao này có giúp ích gì cho việc truyền tải thông điệp của ngài không? Đáp: Thưa ông, một khi sự việc liên quan đến sự sống hay cái chết, đến sự tồn vong của đất nước tôi, thì tôi bất cần phải chọn lựa ngôn từ như thế nào.   Hỏi: Đó là phong cách của ông hay là sự tuyệt vọng? Đáp: Đấy không phải là phong cách của tôi, tôi thuộc diện trầm tính. Và tôi là một nhà khoa học, tôi đã viết nhiều sách. Tôi cảm thấy thoải mái nhất khi ở trong phòng làm việc của mình, chứ không phải khi đứng trước ánh đèn sân khấu nơi tôi phải tranh luận, đôi co với các chính trị gia. Qua đó tâm lý của tôi cũng không được lắng dịu. Ngày nào tôi cũng khóc và tôi phải cố cưỡng lại. Mặc dù vậy, sự lựa chọn từ ngữ của tôi không phản ánh sự tuyệt vọng, mà là một phương tiện để thức tỉnh mọi người. Cách đây năm sáu năm tôi đã cảnh báo người Đức, Putin muốn tiêu diệt người Ukraine chúng tôi. Tôi đã bị cười nhạo.   Hỏi: Việc chuyển giao vũ khí, mà chính phủ liên bang Đức đã từ chối trước khi bắt đầu chiến tranh, giờ đã được thông qua. Ông còn mong muốn điều gì ở nước Đức và cái gì đã được đáp ứng? Đáp: 500 quả rocket Stinger và 1000 quả đạn rocket đã được phê duyệt, và cũng đã đến nơi. Ngoài ra còn có 23.000 mũ bảo hiểm, 1.300 áo giáp và 50.000 bọc lương khô cho quân nhân. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với những gì chúng tôi cần. Và cuộc chiến này có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, chỉ cung cấp một lần là không đủ. Đó là lý do tại sao tôi đề nghị tiếp xúc hàng ngày với Bộ Quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng. Nhất là chúng tôi không thể bảo vệ dân thường. Những ngôi nhà bị đánh bom để trả thù vì các cuộc tấn công trên bộ của quân đội Nga bị chặn lại.   Hỏi: Do đó tổng thống Volodymyr Zelensky đòi phải có một vùng cấm bay? Đáp: Và rất khẩn trương! NATO, Liên hợp quốc, OSCE– tất cả đều đã thất bại. Bây giờ chúng tôi khẩn cầu cần phải thực hiện một điều gì đó.   Hỏi: Thử tưởng tượng một lần nhé: NATO tuyên bố vùng trời Ukraine là vùng cấm bay. Người Nga tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công, đáp lại NATO đưa máy bay chiến đấu của họ đến, đồng nghĩa với chiến tranh. Đáp: Đó là cách đánh giá của Đức và các nước NATO khác, ít nhất là vào lúc này.   Hỏi: Ông không chia sẻ đánh giá này à, hay là theo ông thì NATO phải chấp nhận đối đầu về quân sự với Nga? Đáp: Đấy là quyết định của các vị. Tôi không đề cập đến chuyện binh sĩ Đức phải hy sinh mạng sống của mình vì Ukraine. Nhưng những gì tôi thấy ở người Đức là các quyết định của họ hầu như đều xuất phát từ nỗi sợ hãi.   Hỏi: Nước Nga là cường quốc nguyên tử. Đáp: Đúng thế. Nỗi lo sợ chiến tranh hạt nhân là có thể hiểu được, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sợ hãi khi ra các quyết định. Cần phải nói rõ: đây là một cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt Ukraine. Ngày thứ Năm đen, ngày 24 tháng 2 năm 2022, cũng là một lời tuyên chiến với châu Âu và đặc biệt là với Đức, cho dù người Đức chưa muốn thừa nhận điều đó và hy vọng rằng họ sẽ thoát được khỏi vấn nạn này. Nếu người ta không chặn tay Putin lúc này thì chúng tôi sẽ không phải là nạn nhân cuối cùng của y. Vì vậy, tôi nghĩ vì lý do đó đáng để mạo hiểm.   Hỏi: Mạo hiểm đối với một cuộc chiến tranh nguyên tử? Đáp: Putin là tội phạm chiến tranh và có lẽ y là một chính khách điên rồ, nhưng y không phải là một kẻ muốn tự sát. Do đó, tôi không tin sẽ xẩy ra chiến tranh nguyên tử. Mới hai tuần trước, người ta đã nói với tôi ở Berlin: Nếu một máy bay trực thăng của Nga bị tên lửa Đức bắn hạ, điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hôm nay chúng ta đã tiến xa hơn một chút. Nhưng nỗi sợ hãi vẫn bao trùm. Đó là một phần trong tính toán của Putin. Y không phải là vị tư lệnh trên chiến trường, y là người của KGB. Và y biết chính xác người Đức suy nghĩ gì ở trong đầu. Hắn đã nắm bắt hồn vía người Đức. Có thể Putin biết rõ hơn ngày mai Olaf Scholz định làm gì, còn hơn bản thân ông ta nữa kia.   Hỏi: Vậy thì phải làm gì? Đáp: Ông hãy để NATO tuyên bố vùng cấm bay. Để xem Putin có dám cho máy bay của y cất cánh. Hoặc là: mọi người nhìn thấy đoàn xe quân sự Nga dài 65 km hướng về Kiev. Tại sao châu Âu không tạo một đoàn xe cứu trợ còn dài hơn và tạo ra những bức ảnh sắc nét hơn? Để thể hiện: “Chúng tôi sát cánh các bạn.” Trong thực tế, người ta đang đứng nhìn cho đến khi chúng tôi đầu hàng. Cũng có thể đó là điều mà nền chính trị ở Berlin trông đợi. Nhưng điều đó sẽ không khi nào xẩy ra.   Hỏi: Với sự yếu kém về quân sự của mình, đầu hàng trong danh dự có phải là điều hợp lý nhất mà chính phủ Ukraine có thể làm để bảo vệ công dân của mình? Đáp: Suy nghĩ này đã được gợi ý cho chúng tôi kể từ ngày đầu tiên của cuộc chiến, đây là điều độc địa nhất mà tôi từng nghe. Giờ đây, các tòa nhà chung cư, nhà trẻ và toàn bộ thành phố của chúng tôi đang bị đánh phá tan hoang. Nếu chúng tôi đầu hàng, điều tương tự sẽ xảy ra với tâm hồn chúng tôi. Quốc gia Ukraine sẽ bị tiêu diệt. Sẽ không còn Ukraine nữa.   Hỏi: Liệu Ukraine có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này? Đáp: Tôi chắc chắn 100% là chúng tôi có thể làm được. Về mặt đạo đức chúng ta đã thắng từ lâu, chúng tôi đang chiến đấu trên chiến trường. Tuy nhiên chúng tôi nhận thức được sự vượt trội của Nga. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần cả những biện pháp trừng phạt thậm chí cứng rắn hơn và những đợt chuyển giao vũ khí nhiều hơn nữa.   Hỏi: Hơn hai triệu người tị nạn, điều đó cho thấy hy vọng đang tắt dần? Đáp: Mọi người chạy loạn vì sợ bom đạn, phụ nữ và trẻ em. Đối với nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 60, chúng tôi có đợt tổng động viên.   Hỏi: Khi nói đến việc giúp đỡ những người tị nạn, giới chính trị và xã hội ở Đức không gặp khó khăn như vậy, ít nhất là cho đến bây giờ. Đáp: Người ta không phải thuyết phục người dân ở đất nước tươi đẹp này giúp đỡ, trái tim của họ đã được đặt đúng chỗ. Nhưng chính phủ Đức có thể làm được nhiều hơn thế, chỉ với một cử chỉ đơn giản. Điều đó không tốn một xu, nhưng nó sẽ mang lại cho người Ukraine chúng tôi một niềm hy vọng.   Hỏi: Ông nói về cử chỉ gì? Đáp: Vào ngày thứ ba của cuộc chiến, tổng thống của tôi đã nộp đơn khẩn cấp xin gia nhập EU. Bây giờ chúng tôi muốn một tuyên bố của chính phủ tại Quốc hội rằng: “Chúng tôi muốn công nhận Ukraine là một ứng cử viên gia nhập.” Với triển vọng trở thành thành viên EU, Đức có thể bù đắp cho mọi điều không hay đã xẩy ra đối với Ukraine trước đây.   Hỏi: Chính phủ đã phản ứng như thế nào? Đáp: Hôm thứ hai, Tổng thống Zelensky của tôi đã gọi lại cho Thủ tướng Scholz. Nó giống như nói chuyện với một bức tường. Suýt chút nữa thì Tổng thống của tôi đã cúp máy khi ông nói: Vấn đề chính không phải là viện trợ nhân đạo, chuyện đó đàng nào cũng đang diễn ra. Chúng tôi muốn có quy chế ứng cử viên! Chúng tôi mong muốn Ủy ban Liên minh Châu Âu xử lý đơn của chúng tôi thật khẩn trương để Ukraine có thể được kết nạp muộn nhất trong vòng năm năm. Nhiều nước EU ủng hộ điều này, chẳng hạn như Ba Lan và Slovakia. Riêng Đức vẫn: Không, không, không, không.   Hỏi: Điều đó lại gây thất vọng cho Kiev một lần nữa? Đáp: Gây tức giận. Đó là từ vô hại nhất mà tôi được phép sử dụng ở đây.   Hỏi: Trước chiến tranh, chắc chắn Ukraine không đáp ứng được tất cả các yêu cầu để có thể bắt đầu đàm phán về việc gia nhập. Năm năm, thực vậy sao? Đáp: Chúng tôi biết đây là một quá trình lâu dài, và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của Ukraine. Tám năm nay chúng tôi đã rất cố gắng để xử lý mọi yêu cầu. Nhưng bây giờ chúng tôi mong muốn có một tín hiệu chính trị mạnh mẽ từ Berlin. Chúng tôi không cần những lời bào chữa cho ngày hôm qua, chúng tôi cần những quyết định đúng đắn cho hôm nay.   Hỏi: Nếu Ukraine vượt qua được cuộc chiến tranh này, những kinh nghiệm này sẽ để lại những dấu ấn gì? Liệu đất nước có thể từ bỏ định hướng châu Âu bắt đầu từ cuộc cách mạng Maidan? Đáp: Chúng tôi sẽ vượt qua cuộc chiến tranh này! Sự vỡ mộng có thể khiến một số người nghi ngờ liệu chúng tôi có nên là một phần của EU còn do dự của ngày nay hay không. Nhưng tôi loại trừ khả năng chúng tôi dựa trên nguyên tắc Ukraine là trên hết. Ukraine sẽ vẫn là một quốc gia tự do và dân chủ. Đó là thông điệp quan trọng nhất của tôi: Bạn có thể bay từ Berlin đến Lviv trong một giờ đồng hồ cũng nhanh như đến Freiburg. Ukraine không phải là một nơi nào đó ở bên rìa của thế giới. Chúng tôi đang sống ở đây, trên lục địa này.   (Nguồn: “Mein Präsident hat mit Scholz telefoniert – als ob man mit einer Wand gesprochen hätte”, WELT, 10/03/2022. Lời Việt do tác giả Nguyễn Xuân Hoài biên dịch (https://nghiencuuquocte.org/tag/andriy-melnyk/)).   5. CẢM NHẬN Mưu lược không đồng nhất với mềm dẻo. Đối mặt với sống chết thì chỉ có thể mạnh mẽ chứ không thể yếu đuối. Ở thời điểm hiện tại, nhìn lại đường lối ngoại giao mà lãnh đạo Ukraine đã tiến hành trong hơn 2 tháng chiến tranh, mới thấy được giá trị của sự mạnh mẽ, thẳng thắn, rạch ròi. Mạnh mẽ, thẳng thắng, rạch ròi là vì phải đối mặt với sự sống còn, là vì nhìn thấu được tâm can của đối thủ và đối tác./.  
......

Bài phát biểu của thủ tướng CHLB Đức ngày 08/05 kết thúc Thế chiến thứ II

Kính thưa đồng bào! Ngày hôm nay cách đây 77 năm về trước, chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc ở Châu Âu. Sự im lặng của tiếng súng vào ngày 8 tháng 5 năm 1945 giống như sự vắng lặng trong nghĩa địa trên những ngôi mộ của hơn 60 triệu người phụ nữ, đàn ông và trẻ em. Hàng triệu người trong số họ đã ngã xuống trên các chiến trường. Hàng triệu người đã bị sát hại tại các thị trấn và làng mạc, hoặc bị giết chết trong các trại tập trung. Người Đức đã phạm tội ác chống lại loài người. Càng đau đớn hơn rằng ngày nay, 77 năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, vũ lực thô bạo vi phạm luật pháp lại tiếp diễn ở giữa châu Âu, khi quân đội Nga giết đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở Ukraine, biến các thành phố làng mạc thành đống đổ nát và thậm chí tấn công những người đang chạy nạn. Đối với tôi, đây là ngày 8 tháng 5 không giống như ngày 8 tháng 5 khác. Bởi vậy hôm nay tôi muốn nói với quý vị rằng! Chúng ta không thể kỷ niệm sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ hai ở Châu Âu mà không đối mặt với thực tế là đang có chiến tranh ở Châu Âu. Nga đang mở ra cuộc chiến này. Người Nga và người Ukraine đã từng cùng nhau chiến đấu, hy sinh cao cả để đánh bại sự tàn bạo Chủ nghĩa xã hội dân tộc (Nationalsozialismus) Đức. Vào thời điểm đó, Đức có tội lỗi với cả hai quốc gia là Nga và Ukraine. Chúng tôi đã cố gắng hòa giải với cả hai trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, giờ đây, Tổng thống Nga Putin muốn khuất phục Ukraine, phá hủy nền văn hóa và bản sắc của nước này. Tổng thống Putin thậm chí còn đánh đồng cuộc chiến xâm lược man rợ của mình với cuộc chiến chống Chủ nghĩa xã hội dân tộc (Deutsche Nationalsozialismus). Đây là sự tráo trở cố tình tuyên truyền sai lệch lịch sử. Nhiệm vụ của chúng ta là phải nói rõ điều này. Đó là chiến thắng quân sự của tất cả khối Đồng minh đã đặt dấu chấm hết cho chế độ độc tài của Đức Quốc xã ở Đức. Người Đức chúng tôi biết ơn điều đó cho đến ngày nay! Năm 1985, Tổng thống Liên bang vào thời điểm đó, ông Richard von Weizsäcker, nói ngày 8 tháng 5 là "Ngày Giải phóng". Chúng tôi đã học được bài học quan trọng từ lịch sử thảm khốc của đất nước chúng tôi từ năm 1933 đến năm 1945. Nói rằng: "Không bao giờ nữa!" „Không bao giờ chiến tranh nữa!“. „Không bao giờ một lần nữa diệt chủng!“. „Không bao giờ chuyên chế nữa“! Nhưng điều đó lại xảy ra. Chiến tranh ở Châu Âu. Điều này đã được Tổng thống Ukraine Zelenskyy chỉ ra ngày hôm nay. Trong tình hình hiện tại. Chúng ta bảo vệ công lý và tự do dân chủ đứng về phía kẻ bị tấn công. Chúng ta ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại kẻ xâm lược. Không làm như vậy có nghĩa là chúng ta đầu hàng bạo lực và tiếp thêm sức mạnh cho kẻ xâm lược. Chúng ta giúp đỡ để bạo lực có thể chấm dứt. Đó là lý do tại sao chúng ta đã đưa ra những quyết định sâu rộng và khó khăn trong vài ngày và vài tuần qua một cách nhanh chóng và dứt khoát, được suy nghĩ kỹ lưỡng và cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với nền kinh tế và giới lãnh đạo của Nga trong một nỗ lực nhằm ngăn cản Putin đường lối chiến tranh của họ. Chúng ta đã chào đón hàng trăm nghìn người Ukraine với vòng tay rộng mở. Hàng trăm nghìn người đã tìm thấy nơi ẩn náu khỏi bạo lực ở quê hương của họ với chúng tôi. Các tổ chức viện trợ cung cấp hỗ trợ ban đầu, các trường học và trung tâm chăm sóc thiết lập các lớp học, và công dân đưa người tị nạn vào nhà của họ. Cảm ơn bạn từ tận đáy lòng của tôi vì sự sẵn sàng giúp đỡ to lớn này ở khắp mọi nơi trên đất nước chúng ta! Và lần đầu tiên trong lịch sử Cộng Hòa Liên Bang Đức, chúng tôi đã gửi vũ khí đến một vùng chiến sự, trên quy mô lớn và luôn cân nhắc cẩn thận các thiết bị vũ khí hạng nặng. Chúng tôi sẽ tiếp tục. Tôi có thể hình dung những quyết định này ảnh hưởng đến các bạn như thế nào. Rốt cuộc, đó là chiến tranh và hòa bình. Vì trách nhiệm lịch sử của chúng ta. Để đoàn kết tối đa với Ukraine bị tấn công. Vì an ninh của đất nước chúng ta và liên minh của chúng ta. Tổng hợp lại đây là nhiệm vụ chúng ta phải đối mặt hàng ngày. Việc chúng ta với tư cách là một quốc gia đang thảo luận sâu sắc về các vấn đề thuộc phạm vi như vậy là hợp lý và chính đáng. Dân chủ cũng bao gồm việc tiến hành các cuộc tranh cãi như vậy với “sự tôn trọng và tôn trọng lẫn nhau”. Tổng thống Liên bang đã chỉ ra điều này một cách đúng đắn trong bài phát biểu sáng nay. Có một mối lo ngại nghiêm trọng trong nhiều tuyên bố mà tôi đã nghe những ngày này. Hãy cẩn thận rằng chiến tranh sẽ lan rộng, hòa bình cũng có thể bị đe dọa. Sẽ là sai lầm nếu chỉ loại bỏ điều đó. Những lo ngại như vậy cần được lên tiếng. Đồng thời, nỗi sợ hãi không được làm tê liệt chúng ta. Tôi đã nói với bạn những gì chúng tôi đang làm để bảo vệ công lý và tự do dân chủ ở Ukraine cũng như trên toàn châu Âu. Điều này là rất cần thiết. Và đồng thời, chúng ta không chỉ làm mọi thứ mà người này hay người kia yêu cầu. Bởi vì: Tôi đã tuyên thệ nhậm chức để ngăn chặn sự tổn hại đến nhân dân Đức. Điều này bao gồm việc bảo vệ đất nước của chúng ta và các đồng minh của chúng ta khỏi nguy hiểm. Bốn nguyên tắc rõ ràng được tuân theo từ điều này đối với chính trị: Thứ nhất: Đức không đi con đường riêng! Dù làm gì đi nữa, chúng ta phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của mình ở châu Âu và bên kia Đại Tây Dương. Thứ hai: Trong mọi việc chúng ta làm, chúng ta đều chú ý duy trì khả năng phòng thủ chính mình! Và: Chúng ta đã quyết định trang bị cho quân đội Đức (Bundeswehr) tốt hơn nhiều để họ có thể tiếp tục bảo vệ đất nước trong tương lai. Thứ ba: chúng ta không làm bất cứ điều gì có hại cho chúng ta và các đối tác của chúng ta hơn Nga. Và thứ tư: Chúng ta sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào có thể biến NATO thành một bên tham chiến. Rằng không nên có thêm cuộc chiến tranh thế giới, chắc chắn không phải giữa các cường quốc hạt nhân đó cũng là bài học của ngày 8 tháng 5. Kính thưa đồng bào! Hôm nay tôi không thể nói cuộc chiến tàn khốc của Nga chống lại Ukraine sẽ kết thúc khi nào và như thế nào. Nhưng có một điều rõ ràng rằng, không nên có một nền hòa bình do Nga áp đặt. Người Ukraine sẽ không chấp nhận điều đó và chúng ta cũng vậy. Hiếm khi chúng ta đứng như thế này bên cạnh bạn bè và đối tác thắt chặt thống nhất như ngày hôm nay. Tôi cam đoan rằng: Putin sẽ không thắng trong cuộc chiến này. Ukraine sẽ tồn tại. Tự do và an ninh sẽ chiến thắng, giống như tự do và an ninh đã chiến thắng bạo lực, áp bức và độc tài cách đây 77 năm về trước. Hãy "không bao giờ nữa"! Ngày 8 tháng 5./. Philip Nguyen biên dịch Nguồn: Vietbao.de
......

Sao Tổng thống lại phải xin lỗi thay cho Ngoại trưởng?

Nguyen Ngoc Chu   1. Sao Tổng thống lại phải xin lỗi thay cho Ngoại trưởng?   Tổng thống Nga Putin hôm 5/5/2022 đã phải xin lỗi Thủ tướng Israel Naftali Bennett vì phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov nói rằng “Hitler có gốc Do Thái”(https://zingnews.vn/israel-tong-thong-putin-xin-loi-vi...). Một người thường xuyên “phô trương sức mạnh” như ông Putin, lại đứng đầu cường quốc quân sự thứ 2 thế giới là Nga, mà phải “hạ mình” xin lỗi Thủ tướng một nước nhỏ như Israel - đã nói lên rất nhiều về tình thế của Nga và vị thế của Israel. Nếu Nga ở thế “thượng phong” trong cuộc chiến Nga - Ukraine thì ông Putin đã không “hạ mình” xin lỗi, cho dù Israel là một quốc gia mạnh, vì ông Putin đã coi thường cả NATO lẫn Châu Âu khi ngang ngược tiến đánh Ukraine. Ở mặt khác, nếu Israel là quốc gia “không có trọng lượng” thì dù ở tình thế nào, ông Putin cũng không cất lời xin lỗi. Trên tất cả, nếu Ngoại trưởng Lavrov có sai thì Ngoại trưởng Lavrov xin lỗi là đủ, sao Tổng thống Nga lại phải xin lỗi thay cho Ngoại trưởng Nga? Tất cả đã nói lên rằng, tình thế của ông Putin rất khó khăn, và Israel là một quốc gia “có trọng lượng lớn”, cho dù diện tích Israel (22.145 km2) rất bé, còn nhỏ hơn tỉnh Gia Lai-Kon Tum (25.000 km2) của Việt Nam trước đây, và dân số Israel rất ít (9,61 triệu người), còn ít hơn dân số TP HCM (11 triệu người). Việc Ngoại trưởng Nga Lavrov cố tình khoác chiếc áo “tân phát xít” cho ông Zelensky”, không chỉ thất bại, mà còn làm cho Nga có thêm kẻ thù mạnh, đẩy Nga vào tình thế đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao Tổng thống Putin phải "hạ mình" xin lỗi Thủ tướng Bennett để giải cứu tình thế. 2. Không chỉ chiếm đất mà “ở lại vĩnh viễn” Khác với Ngoại trưởng Lavrov đeo bám lý do “tân phát xít” đến mức mù quáng gán cho Hitler có nguồn gốc Do thái, thì các tướng lĩnh Nga tuyên bố rõ ràng mục tiêu giai đoạn 2 là chiếm toàn bộ miền Đông và miền Nam Ukraine. Còn rõ ràng hơn cả các tướng lĩnh Nga chỉ nói về chiếm đóng, các quan chức Kremlin tuyên bố sẽ “vĩnh viễn” ở lại miền Nam Ukraine. Ngày 05/5/2022, khi đến thăm Kherson, thành phố gần 30 vạn dân của Ukraine đang bị quân Nga mới chiếm được, nghị sĩ Nga Andrey Turchak đã thẳng thừng tuyên bố: "Nga sẽ hiện diện ở đây mãi mãi. Không nghi ngờ gì về điều này. Sẽ không có chuyện quay lại như trước đây"; "Chúng ta sẽ cùng chung sống, phát triển vùng đất giàu có này, giàu cả về di sản lịch sử lẫn con người ở đây" (https://dantri.com.vn/.../quan-chuc-nga-noi-nga-se-hien...). Với tuyên bố của các quan chức Nga, “trưng cầu dân ý về độc lập” của các vùng ly khai như Luhansk, Donetsk trong quá khứ và Kherson nếu có trong tương lai – chỉ là các màn kịch. Các mặt nạ nối nhau bị gỡ bỏ, để lộ ra mục tiêu cốt lõi là chiếm đất của Ukraine rồi biến thành lãnh thổ của Nga. 3. Nga có giữ được Kherson? Liên Xô chiếm đóng Afghanistan 10 năm rồi phải rút quân. Quân đội Mỹ chiếm đóng Afghnistan 20 năm rồi cũng phải về nước. Các quan chức Kremlin hiện nay sống được bao lâu mà tuyên bố “ở lại Kherson vĩnh viễn”? Tổng thống Nga Putin đã phải “hạ mình” xin lỗi Thủ tướng Israel Bennett thay cho Ngoại trưởng Nga Lavrov đã nói lên tình thế “chật hẹp” của Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Tên lửa tầm xa thì dần cạn kiệt. Sản xuất thì không kịp và không đủ linh kiện vì bị cấm vận. Quân số thì chưa thể huy động được quân dự bị và chưa thể tổng động viên. Không thể dốc toàn lực kho vũ khí tên lửa tầm xa và huy động toàn bộ quân chủ lực vì còn phải đối phó với thế giới còn lại và canh giữ toàn bộ lãnh thổ rộng hơn 17 triệu km2. Không quân thì không chiếm lĩnh được bầu trời, bắn từ xa thì không đủ tên lửa, dội bom ở tầm thấp thì sợ hoả tiễn của đối phương. Dựa vào pháo binh thì quân đội Ukraine bắt đầu có pháo chính xác tầm xa. Cậy vào số đông xe tăng thì không thể tiến quân vì nhiều xe tăng bị bắn cháy khi đối phương có ưu thế bội phần về số lượng tên lửa diệt tăng. Sĩ khí của quân đội thì bạc nhược vì phi nghĩa. Tổn thất trên chiến trường rất nặng nề. Tiến thì mất nhiều nhân mạng và khí tài mà vẫn không thể. Lui thì không còn thể diện. Đó là một tình thế thật sự tiến thoái lưỡng nan cho bất cứ ai ngồi vào vị thế của Kremlin lúc này. Đồng minh thân cận nhất của Kremlin là Lukashenko cũng phải thất vọng mà thừa nhận “chiến dịch” đã bị kéo dài, vì được thông báo và tin tưởng rằng Ukraine sẽ đầu hàng sau 4,5 ngày Nga tấn công. Dự báo Quân đội Ukraine sẽ phản công trong thời gian rất gần. Kherson sẽ được giải phóng. Các quan chức Kremlin có thể ở lại Kremlin chứ không thể ở Kherson. 4. Vị thế nước Việt Nêu chuyện chiến sự Nga - Ukraine là để liên hệ đến Việt Nam. Từ chuyện Tổng thống Nga Putin phải xin lỗi Thủ tướng Israel Bennett thay cho Ngoại trưởng Nga Lavrov mà nghĩ đến tầm nhìn 2045 của nước ta. Chúng ta có thể rút ra được bài học gì từ vị thế của Israel? Israel là quốc gia nhỏ về dân số và diện tích, nhưng lại là quốc gia sở hữu lực lượng quốc phòng hùng mạnh đến mức các cường quốc quân sự khác phải nể trọng. Tiềm lực quân sự hùng mạnh của Israel không phải dựa trên mua nhiều vũ khí hiện đại của nước ngoài, chẳng hạn như Ả Rập Xê Út, mà do chính Israel tự chế tạo ra. Israel là 1 trong 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Kho vũ khí hạt nhân của Israel hiện có 90 đầu đạn. Israel tự xây dựng hệ thống chống tên lửa “vòm sắt” hiệu quả nổi tiếng. Ngoài ra Israel còn sở hữu nhiều sáng chế vũ khí rất hiện đại hiệu quả được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, quan tâm và trở thành khách hàng. Trong lĩnh vực sản xuất, Israel là một quốc gia có nền sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tiên tiến, do chính tự Israel tạo lập. Các chỉ tiêu kinh tế của chúng ta lập cho các năm 2030 và 2045 là dựa trên lối mòn truyền thống. Còn nếu đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ sở hữu các công nghệ tiên tiến để có một phần vị thế như Israel thì phải đi con đường khác. Có ai chăng ở cấp lãnh đạo quốc gia đã từng âm thầm đặt cho Việt Nam một mục tiêu về vị thế để các cường quốc phải nể trọng, dè chừng? N.N.C.
......

Thủ tướng Séc: "Chúng tôi đang cung cấp vũ khí vì chúng tôi đã hiểu những điều cốt yếu“

Von Robin Alexander - WELT Stv. Chefredakteur Nguyễn Xuân Hoài "Nếu không chặn đứng Putin, đến một lúc nào đó quân của lão sẽ tới sát biên giới của chúng ta“   Thủ tướng Tsec Petr Fiala: “Tên lửa, cả xe tăng, tất cả những gì mà chúng tôi có thể làm“ thì Tsec đều gửi đến cho Ukraine. Trong bài phỏng vấn thủ tướng Petr Fiala giải thích, vì sao nước ông không thể làm khác. Trong chuyến viếng thăm của ông ở Berlin thủ tướng Tsec đã chuyển đề nghị của mình tới ông thủ tướng Scholz .   WELT: Thưa Ngài Thủ tướng, Tséc là một nước ủng hộ quan trọng đối với Ukraine, cả về quân sự. Các chuyến giao hàng tiếp theo đã được lên kế hoạch chưa?   Petr Fiala: Chúng tôi đã chuyển vũ khí cho Ukraine từ trước chiến tranh. Chúng tôi là quốc gia đầu tiên. Và sau sự xâm lược của Nga, chúng tôi là một trong những quốc gia đầu tiên gửi vũ khí hạng nặng: tên lửa, xe tăng, bất cứ thứ gì có thể. Một số chúng tôi đã có trong kho, những thứ khác chúng tôi phải mua thêm. Chúng tôi làm điều này bởi vì chúng tôi hiểu một điều quan trọng: Ukraine không chỉ chiến đấu cho tự do và sự sống còn của chính người dân của mình, mà còn chiến đấu cho cuộc sống và tự do của người Tséc. Nếu Putin không bị chặn lại ở Ukraine, quân đội của ông ta cuối cùng sẽ tiến tới biên giới của chúng ta. Có thể đầu tiên là ở các nước Baltic, nhưng sau đó cũng sẽ sớm ở Cộng hòa Tséc. Và lắm khi cả ở biên giới Đức.   WELT: Thỏa thuận giữa Praha và Berlin về vấn đề chuyển giao vũ khí gắn bó chặt chẽ đến mức độ nào? Trước đây, chính phủ liên bang Đức phải miễn cưỡng chấp thuận việc chuyển giao (vũ khí) từ Cộng hòa Tséc, mà cần phải có sự chấp thuận của Đức.   Fiala: Đó là lý do tại sao tôi đến Berlin hôm thứ năm để nói chuyện với Thủ tướng Olaf Scholz về chuyện này. Chúng tôi muốn phát triển hợp tác với Đức để có thể nhanh chóng giúp đỡ Ukraine. Đức có thể gửi vũ khí trực tiếp cho Ukraine. Nhưng Đức cũng có thể giúp chúng tôi chuyển vũ khí của Liên Xô trước kia đến đó vì người Ukraine có thể xử dụng chúng, theo cách bù lại cho chúng tôi bằng vũ khí, khí tài của phương Tây.   WELT: Ngài nói, Ukraine không chỉ bảo vệ chủ quyền và người dân của họ, mà còn bảo vệ người Tséc và người Đức. Thủ tướng có nghĩ ông Olaf Scholz cũng nhìn nhận vấn đề như vậy không?   Fiala tại cuộc thăm thủ tướng Scholz   Fiala: Ông ta phải nhìn nó theo cách đó, bởi vì đó là một thực tế. Putin đang gây chiến với châu Âu. Từ nhiều năm rồi! Kiểu pha trộn (hybrid), thông qua thông tin sai lệch, bóp méo và thông qua các cuộc tấn công mạng, và lặp đi lặp lại với lực lượng quân sự của mình. Putin công khai tuyên bố mục tiêu chiến tranh của ông ta: y muốn có một châu Âu khác, giống như những năm 1990, tức là một châu Âu trước khi NATO và EU mở rộng, trong đó Nga một lần nữa muốn thống trị mọi thứ mà Liên Xô từng thống trị. Bảy năm trước, Nga sáp nhập Crimea. Lúc đó tôi chưa phải là một chính trị gia, mà là một nhà khoa học. Tôi đã công bố về điều này vào thời điểm đó và dự đoán: Phản ứng yếu ớt của các quốc gia phương Tây đối với hành động gây hấn này sẽ không đem lại hòa bình. Bởi vì đó là một tín hiệu cho Putin thấy phương Tây suy yếu và hắn ta có thể lấn tới. Trong văn hóa chính trị Nga có khía cạnh của chủ nghĩa đế quốc. Điều này có nhiều nguyên nhân khiến tôi phải quan tâm với tư cách là một nhà khoa học. Nhưng là một chính trị gia, điều quan trọng hơn hết cần phải nhận thức được là, phải đưa Nga vào khuôn khổ, nếu không Nga sẽ luôn luôn có ý đồ bành trướng.   WELT: Bộ trưởng ngoại giao của Ngài trong một bài báo đã nói về sự nhượng bộ (Appeasement). Trong bối cảnh của Đức, khái niệm nhượng bộ là một lời cáo buộc đặc biệt gay gắt.   Fiala: Tôi không đến Berlin để đưa ra cáo buộc hay trách móc ai. Giống như nhiều người ở Trung Âu, tôi đang theo dõi rất kỹ cuộc thảo luận ở Đức. Và tôi hiểu rằng Đức rất khó để đảo lộn chính sách về nước Nga của mình chỉ trong vài tuần lễ. Trong nhiều năm, Đức luôn cố gắng thực hiện các thỏa thuận với Putin và phớt lờ mọi lời cảnh báo của chúng tôi. Đó là lý do tại sao tôi rất vui mừng khi Đức ý thức được rằng, cần phải có lập trường kiên quyết chống lại chính sách xâm lược của Nga, tăng cường đoàn kết và thống nhất của cả châu Âu, phải hết sức rõ ràng và kiên quyết.   WELT: Ngài hiểu rõ khó khăn như thế nào khi đảo ngược chính sách đối với nước Nga của Đức. Ukraine dường như thiếu sự hiểu biết này. Kiew thậm chí còn khước từ chuyến đi thăm của Tổng thống Liên bang Đức chúng tôi.   Fiala: Tôi đã ở Kiew vào thời điểm Kiew bị quân đội Nga bao vây và thành phố bị pháo kích. Volodymyr Zelenskyj hàng ngày phải đối mặt với những quyết định khó khăn nhất, quyết định liên quan đến sự sống và cái chết của các công dân của ông. Họ đang có chiến tranh! Chúng ta phải hiểu rằng dưới áp lực này, ông ấy đã hành động và nói năng theo cảm tính chứ không phải theo kiểu ngoại giao. Điều này có thể gây đau đớn cho một số chính trị gia phương Tây. Nhưng có thể chính nhờ cái đó sẽ giúp chuyển động được điều này, điều khác.   WELT: Ngài có khuyên ông Scholz, cũng đến thăm Kiew ?   Fiala: Tôi không có lời khuyên nào. Ông Thủ tướng là một chính trị gia dày dặn kinh nghiệm. Nói chung, tôi muốn nói rằng các chuyến thăm từ các nước dân chủ là rất quan trọng đối với người dân Ukraine. Bởi vì chúng là một dấu hiệu: chứng tỏ họ không cô độc, lẻ loi! Chúng ta thể hiện sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Chúng ta không thể chỉ thể hiện điều đó bằng những ngôn từ đẹp đẽ ở các đô thị châu Âu. Chúng ta có thể thể hiện điều đó bằng thực tế có mặt ở Kiew.   WELT: Những người nổi tiếng của Đức đã yêu cầu Olaf Scholz trong một bức thư ngỏ, không chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Khi được hỏi liệu Ukraine đơn giản có nên đầu hàng hay không, một trong các tác giả đã trả lời, và câu trả lời đó lại liên quan đến đất nước của Ngài: Alexander Dubček chấp nhận cuộc xâm lược của Liên Xô vào năm 1968 và không điều quân đội Tiệp Khắc để chống lại Hồng quân.   Fiala: Khi còn bé tôi đã chứng kiến xe tăng Nga ở các thành phố của chúng tôi và tôi biết điều đó đã ảnh hưởng đến thế hệ của tôi và thế hệ cha mẹ tôi như thế nào. Đó là một thảm họa khủng khiếp. Điều đó không thể so sánh được, bởi vì Tiệp Khắc khi đó là một phần của Liên Xô. Nếu người ta muốn tìm kiếm một so sánh lịch sử, thì có một sự so sánh khác, đó là Hiệp ước Munich năm 1938, khi các chính trị gia phương Tây bỏ rơi đất nước của tôi để nhượng bộ với Hitler. Điều đó đã không mang lại hòa bình, mà là một cuộc chiến khủng khiếp nhất. Vấn đề là các đế quốc bành trướng và các chế độ độc tài chỉ hiểu được sức mạnh. Chúng ta thấy chính sách yếu kém chống lại Nga tồi tệ như thế nào, nó đã dẫn đến việc sáp nhập Crimea, trước đó là cuộc chiến ở Gruzia và nhiều thảm họa khác.   WELT: Ngài tán dương sự cứng rắn và kiên quyết. Làm thế nào để điều đó phù hợp với thực tế là bây giờ, cuối cùng EU đã đồng ý về lệnh cấm vận dầu mỏ, Cộng hòa Tséc lại muốn có một thỏa thuận đặc biệt để họ có thể tiếp nhận được dầu của Nga lâu hơn?   Fiala: Chúng tôi luôn ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và chúng tôi cũng ủng hộ lệnh cấm vận dầu mỏ. Nhưng điều đó đặc biệt khó khăn đối với Cộng hòa Tséc vì chúng tôi ở cuối đường ống dẫn dầu. Chúng ta sẽ không có đủ dầu nếu không có nguồn cung cấp của Nga. Chúng tôi đang làm những gì để có thể để thay đổi điều đó. Nhưng sẽ mất hai năm. Và vì điều này, chúng ta cần có sự đoàn kết, chia sẻ của các quốc gia nhận được nhiều dầu hơn từ các quốc gia khác.   WELT: Thủ tướng Hungari Viktor Orbán dọa sẽ phủ quyết để ngăn chặn lệnh cấm vận đối với dầu mỏ, khí đốt, than đá.   Fiala: Đề nghi ông đừng lẫn lộn điều đó với chúng tôi! Điều đó không phải là lập trường của chúng tôi! Chúng tôi sẽ không chặn, chúng tôi chỉ muốn có sự đảm bảo nhất định về việc được cung cấp từ các nguồn khác. Về phần Orbán: chúng tôi đang nói chuyện với ông ta trong nhóm Visegrad (Lưu ý của ban Biên tập: gồm Tsec, Slovac, Ba lan và Hungari) .Tôi thừa nhận, phần lớn những gì Orbán nói về sự xâm lược của Nga đối với Ukraine gây khó cho chúng tôi. Nhưng cho đến nay, cuối cùng Hungary đã đồng ý với tất cả các biện pháp trừng phạt. Điều này không phải ngẫu nhiên, mà có liên quan đến nhóm Visegrad.   WELT: Nếu sự đoàn kết chống Nga là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với châu Âu, thì có phải là một sai lầm khi Cộng hòa Tséc trong những năm qua đã liên kết với Orbán trong nhóm Visegrad ?   Fiala: Nhóm Visegrad là một công cụ trong chính sách Châu Âu của chúng tôi, mà chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu trong hơn hai mươi năm qua. Nhưng cũng còn có các công cụ khác. Chúng tôi có quan hệ rất tốt với các nước láng giềng khác, với Áo và đặc biệt là với Đức. Thật không may, những gì chúng ta có thể đạt được cùng nhau không chỉ phụ thuộc vào những gì chúng ta muốn, mà còn phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có thể tìm được đối tác muốn làm việc chuyên sâu với mình hay không. Điều đó không phải luôn luôn xảy ra với Đức trong quá khứ./. https://www.welt.de/politik/ausland/plus238586605/Tschechischer-Premier-Wir-liefern-Waffen-weil-wir-etwas-Entscheidendes-verstanden-haben.html
......

Cắt khí đốt Ba Lan và Bulgaria: Đòn nắn gân Liên Âu của Vladimir Putin

Anh Vũ - RFI Gazprom, tập đoàn năng lượng của Nhà nước Nga đã quyết định cắt nguồn khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria ngay từ ngày 27/04/2022 với lý do hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp theo đòi hỏi của Tổng thống Vladimir Putin. Hành động này được đánh giá là một bước leo thang mới của Kremlin gây tăng giá nhiên liệu và ép các nước khác trong Liên Âu phải chấp nhận các điều kiện của Kremlin và nhằm đối phó với viễn cảnh Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị loạt trừng phạt mới đối với Nga. Thực sự thì quyết định của Matxcơva cũng không có gì là bất ngờ đối với Liên Âu, nhưng EU lo ngại đòn trả đũa bằng năng lượng này chỉ là bước khởi đầu và Nga sẽ áp dụng với một loạt các thành viên Liên Âu khác, trong đó có nhiều nước chưa thực sự sẵn sàng từ bỏ hẳn khí đốt của Nga. Liên Hiệp Châu Âu lập tức tỏ đoàn kết hỗ trợ Ba Lan và Bulgaria, hai nước hiện chiếm 8% lượng khí đốt mà cả EU nhập khẩu từ Nga. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hôm qua đã cho biết Liên Hiệp đang chuẩn bị phối hợp hành động đáp lại ý đồ lấy khí đốt ra để bắt chẹt các nước. Bà Ursula von der Leyen tuyên bố châu Âu “đã chuẩn bị cho kịch bản này.” Hai nước liên quan từ giờ có thể sẽ được các láng giềng cung cấp khí đốt. Ngay từ hôm qua, Đức đã mở van khí (đốt) cho Ba Lan và Bulgaria đã kết nối ngay với hệ thống của Hy Lạp. Từ khi EU quyết định cắt giảm 2/3 tiêu thụ khí đốt Nga trong năm nay và dự kiến đến 2027 sẽ cắt hẳn sự lệ thuộc vào năng lượng Nga, nhiều nước đã triển khai các phương án. Thực tế, năm ngoái, Nga đã cung cấp cho Liên Âu 155 tỷ mét khối khí tự nhiên, chiếm khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ. Ba Lan đã tìm nguồn nhập khí hóa lỏng từ hệ thống đường ống dẫn khí mới nối với Na Uy và đã tăng cường tích trữ khí cho mùa đông tới. Hiện Ba Lan đã dự trữ được 76% nhu cầu tiêu dùng cho mùa thu tới. Người Ba Lan có vẻ không lo lắng nhiều. Mỗi năm Ba Lan tiêu thụ khoảng 17 tỷ mét khối khí đốt, trong đó khoảng một nửa lệ thuộc vào Nga. Xác định là nước sẽ bị Nga nhắm đến đầu tiên, từ năm 2016 Varsaw đã có những bước đi chuẩn bị thoát khỏi lệ thuộc khí đốt Nga, bằng cách xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng nhập từ các nước khác. Hiện hệ thống tiếp nhận này đã có thể đạt công suất 7,5 tỷ mét khối/năm. Ngoài ra cuối năm nay Ba Lan sẽ có thêm đường ống dẫn khí đốt Baltic Pipe, tiếp nhận trực tiếp khí đốt từ các mỏ của Na Uy đi qua Đan Mạch, với công suất vận chuyển 10 tỷ mét khối khí mỗi năm. Với Bulgaria, bài toán có phức tạp hơn vì nước này bị lệ thuộc gần như hoàn toàn vào khí đốt Nga và khả năng tích trữ khí đốt thấp, chiếm có 17% nhu cầu. Nhưng vì là nước nhỏ Bulgaria cũng không có khó khăn gì nhiều trong việc tìm nguồn cung ứng thay thế. Bulgaria có thể trông cậy nhiều vào công trình xây dựng đường ống dẫn khí IGB, nối với Hy Lạp, dự kiến sẽ khánh thành trong vài tháng tới. Đường ống này giúp Bulgaria nhập khí hóa lỏng từ các cảng của Hy Lạp. Còn lại bây giờ là để xem tới đây Gazprom sẽ cắt khí đốt với nước nào. Ngoài Hungary ra, tất cả các thành viên EU đều đã từ chối thanh toán tiền khí đốt Nga bằng đồng rúp. Có lẽ Đức là nước lo lắng nhiều, dù Berlin đang cố gắng cắt giảm dần lệ thuộc vào khí đốt Nga, hiện chỉ còn chiếm 40% tiêu thụ so với 55% ở thời điểm cuối năm ngoái. Để từ bỏ hẳn khí đốt Nga, nước Đức cần phải mất nhiều năm nữa. Nếu bị cắt nguồn khí đốt Nga ngay lập tức, các chuyên gia dự tính, nước Đức sẽ bị giảm một nửa chỉ số tăng trưởng kinh tế và  thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm tới. Tương tự với nước Ý, theo chính phủ nước này, cần phải ít nhất 18 tháng đến 2 năm chuẩn bị thì Ý mới có thể ngừng mua khí đốt của Nga, hiện tại vẫn chiếm 45% nhu cầu tiêu thụ của nước này. Về ngắn hạn, giới chuyên gia đều đánh giá, quyết định cắt khí đốt của Nga lần này với Ba Lan và Bulgaria không gây tác động nhiều đối với Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng với việc đưa ra quyết định chưa từng có này, Tổng thống Vladimir Putin muốn cho thấy là ông ta vẫn còn những lá bài để đối phó với trừng phạt của Liên Âu. Khí đốt Nga vẫn là vũ khí gây rối loạn thị trường năng lượng châu Âu, luôn là công cụ gây chia rẽ, gây áp lực với Liên Âu. Các nước châu Âu đang chuẩn bị đợt trừng phạt Nga thứ 6. Cấm vận dầu lửa khí đốt vẫn là chủ đề trọng tâm sẽ được đưa ra thảo luận. Dù gần đây Đức có tỏ quyết tâm từ bỏ khí đốt Nga hơn, nhưng với  nhiều nước như Hungary, Ý, Áo hay Slovakia thì vấn đề còn phức tạp. Anh Vũ
......

Pages