Yêu cầu trả tự do cho bà Nguyễn Thuý Hạnh chữa bệnh ung thư

Kính gửi: Ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Bà Nguyễn Thuý Hạnh sinh 25/5/1963, là một nhà hoạt động nhân quyền, người chủ trương Quỹ 50K hỗ trợ các tù nhân lương tâm và gia đình họ. Ngày 7 tháng 4 năm 2021, công an Hà Nội đã bắt giam bà về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” quy định tại điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015. Cuối tháng 4 năm 2022, tuy đã hết hạn điều tra, bà Nguyễn Thúy Hạnh vẫn bị chuyển vào giam giữ tại khoa Chữa bệnh bắt buộc của Viện Pháp y Tâm thần trung ương. Đến nay, sau gần ba năm bị bắt trong đó có hơn 22 tháng ở bệnh viện, bà Nguyễn Thúy Hạnh chưa bị tòa tuyên án, có nghĩa bà Nguyễn Thúy Hạnh chưa hề là phạm nhân. Sống hơn một năm trong trại tạm giam Hà Nội trước khi vào Viện Pháp y, bị đưa vào người những thức ăn và nước uống dơ bẩn, độc hại, hậu quả nặng nề là ngày 15/1/2024 bà Hạnh đã được phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn giữa. Tiếp tục giam giữ bà Hạnh dưới bất kỳ hình thức nào khi đã hết hạn điều tra từ rất lâu và trong tình cảnh bà bị bệnh hiểm nghèo ở tuổi trên 60 là việc làm trái pháp luật và hết sức vô nhân đạo. Chúng tôi, các tổ chức và cá nhân ký tên dưới đây, khẩn thiết yêu cầu ông chỉ đạo các cơ quan hữu trách trả tự do ngay lập tức cho bà Nguyễn Thuý Hạnh để bà được chữa bệnh một cách thuận lợi.   MỜI QUÍ VỊ KÝ TÊN YÊU CẦU TRẢ TỰ DO CHO BÀ NGUYỄN THUÝ HẠNH CHỮA BỆNH UNG THƯ (TRÊN TRANG KIẾN NGHỊ QUỐC TẾ CHANGE.ORG) Link của trang có thể vào thẳng từ nước ngoài: http://chng.it/n87VqKD2sg Link vượt tường lửa để vào: https://eu3.proxysite.com/process.php... TỔ CHỨC: 1. Diễn đàn Xã hội dân sự. Đại diện: TS Nguyễn Quang A 2. Diễn đàn Bauxite Việt Nam. Đại diện: GS Nguyễn Huệ Chi 3. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Đại diện: Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi CÁ NHÂN: 1. Nguyễn Quang A, TS Tin học, Hà Nội 2. Hoàng Hưng, làm thơ, dịch sách, Sài Gòn 3. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội 4. Nguyễn Đình Nguyên, TS Y khoa, Australia 5. Phan Hoàng Oanh, TS Hóa học, Sài Gòn 6. Nguyễn Mai Oanh, Ths Kinh tế Phát triển, Sài Gòn 7. Hoàng Dũng, PGS TS Ngữ văn, TP.HCM 8. André Menras Hồ Cương Quyết, cựu Giáo chức, Paris, Pháp 9. Hà Sĩ Phu, TS Sinh học, Đà Lạt, Lâm Đồng 10. Nguyễn Nguyên Bình, Nhà văn, Hà Nội 11. Nguyễn Thị Kim Chi, Nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng 12. Mạc Văn Trang, PGS TS Tâm lý học, CLB Lê Hiếu Đằng 13. Lê Thân, CLB Lê Hiếu Đằng 14. Phan Đắc Lữ, Nhà thơ, CLB Lê Hiếu Đằng 15. Lê Phú Khải, Nhà báo, CLB Lê Hiếu Đằng 16. Đỗ Như Ly, Kỹ sư, CLB Lê Hiếu Đằng 17. Võ Văn Thôn, nguyên giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, CLB Lê Hiếu Đằng 18. Daniel Thiều Thị Tân, CLB Lê Hiếu Đằng 19. Vũ Trọng Khải, PGS TS Chính sách nông nghiệp 20. Bùi Nghệ, Kỹ sư, CLB Lê Hiếu Đằng 21. Lại Thị Ánh Hồng, Nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng 22. Kha Lương Ngãi, nguyên phó TBT báo SGGP, CLB Lê Hiếu Đằng 23. Bùi Minh Quốc, Nhà thơ, Nhà báo, Đà Lạt, Lâm Đồng 24. Nguyễn Khắc Mai, Nhà nghiên cứu văn hoá, Hà Nội 25. Nguyễn Thị Khánh Trâm, hưu trí, TP.HCM 26. Ngô Kim Hoa, TP Hồ Chí Minh. 27. Vũ Huy Linh, bác sĩ y khoa Hoa Kỳ. 28. Đào Tiến Thi, Hà Nội. 29. Hà Dương Tường, nhà giáo Pháp. 30. Nguyên Ngọc, nhà văn Hội An. 31. Trần Minh Thảo, viết văn CLB Phan Tây Hồ, Lâm đồng. 32. Nguyễn Viện, nhà văn, TP.HCM. 33. Phạm Nguyên Trường, kỹ sư, Vũng Tàu. 34. Hoàng Thị Hà – Hưu trí – Thanh Xuân, Hà Nội. 35. Đặng Bích Phượng – Hưu trí, Hà Nội. 36. Đinh Hoàng Thắng – cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Hà Nội. 37. Nguyễn Ngọc Giao, nhà giáo, Pháp.  
......

Biểu tình nhân 50 năm Hoàng Sa bị Trung quốc cưỡng chiếm

Như nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã nói: Trả ta sông núi từng trang sử Dân tộc còn nghe vọng thiết tha Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ: Không đòi, ai trả núi sông ta Thành phố Den Haag hôm nay (20.1.2024) cái lạnh vẫn còn tròm trèm 0 độ C, nhưng trời trong và khô ráo, mà như ông Trưởng Ban Tổ Chức cuộc biểu tình Đinh Ngọc Hiển cho biết có lẽ nhờ hồn thiêng sông núi vì chỉ vài ngày trước đó tuyết lạnh đã đổ xuống nơi đây. Không quản ngại đường xá xa xôi, không sờn lòng vì cái lạnh đang trong mùa đông Âu Châu, khoảng hơn 160 bà con người Việt từ Na Uy, Đan Mạch, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ đã kéo về trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế PCA tham dự cuộc biểu tình nhân 50 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm do Cộng đồng NVTNCS tại Hòa Lan, Gia đình Quân Cán Chính VNCH tại Hòa Lan và đảng Việt Tân tổ chức. Cuộc biểu tình bắt đầu từ 14 giờ với nghi thức chào cờ và mặc niệm. Xen kẻ với những bài hát đấu tranh và khẩu hiệu là những phát biểu của đại diện các tổ chức hội đoàn tham dự như: Ông Đinh Ngọc Hiển (Trưởng Ban Tổ Chức), bà Nguyễn Kim Hương (Hội NV Tự Do tại Đan Mạch), LS. Nguyễn Văn Đài (Hội Anh Em Dân Chủ), ông Trần Kỉnh Thành (Việt Tân tại Âu Châu), Bà Nguyễn Phượng Thanh Quyên (Cộng đồng NVTNCS tại Hòa Lan), ông Trịnh Đổ Tôn Vinh (Liên HỘi NVTNCS tại LHLBĐức), ông Nguyễn Thanh Văn (Ủy Ban Điều Hợp Công tác Đấu tranh của NV tại Đức),…với các nội dung chính như: Tố cáo hành vi xâm lược của TQ đối với biển đảo và chủ quyền của VN. Kêu gọi thế giới sát cánh cùng người Việt đòi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của các nước láng giềng. Thúc giục Hà Nội đứng lên bảo vệ chủ quyền của đất nước và kiện Bắc Kinh ra Tòa Trọng Tài Thường trực PCA và Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển tại Đức. Ghi chú hình 3 (trái sang phải, trên xuống): Bà Nguyễn Kim Hương (Hội NV Tự Do tại Đan Mạch), Ông Đinh Ngọc Hiển (Trưởng Ban Tổ Chức),  LS. Nguyễn Văn Đài (Hội Anh Em Dân Chủ), Chị Phi Yến, ông Trịnh Đổ Tôn Vinh (Liên Hội NVTNCS tại LHLBĐức), Bà Nguyễn Phượng Thanh Quyên (Cộng đồng NVTNCS tại Hòa Lan), ông Trần Kỉnh Thành (Việt Tân tại Âu Châu),  ông Nguyễn Thanh Văn (Ủy Ban Điều Hợp Công tác Đấu tranh của NV tại Đức). Đặc biệt cuộc biểu tình lần này có dự hiện diện của ông Lý Thái Hùng, Chủ tịch Đảng Việt Tân đến từ Hoa Kỳ. Trong phần phát biểu của mình truớc cuộc biểu tình, ông Lý Thái Hùng cho biết: Cuộc biểu tình hôm nay đánh dấu một sự kiện lịch sử của người Việt Nam, rằng ngày hôm nay chúng ta không chấp nhận để cho Trung quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa mãi mãi về sau. Người Việt (NV) không nên chờ đợi lãnh đạo CSVN với bản chất “hèn với giặc ác với dân” để đòi lại biển đảo đã mất vào tay Trung quốc. Có hai con đường mà NV có thể lấy lại Hoàng Sa cũng như 7 đảo ở Trường Sa: Chiến đấu chống lại sự xâm lược của TQ ở trên biển đảo. Vận động tòa Trọng Tài Quốc Tế để dùng áp lực của thế giới để buộc TQ trả lại những đảo đã chiếm của VN. Ông nhấn mạnh: Hướng về quê hương, hướng về Hoàng Sa để nói với tiền nhân, nói với những người đã anh dũng hy sinh cách đây 50 năm rằng chúng ta sẽ lấy lại HS trong thời gian trước mặt. Trong tinh thần lạc quan, ông Lý Thái Hùng hy vọng trong một ngày không xa người Việt sẽ hiện diện trong tòa trọng tài quốc tế tại Den Haag này để buộc Trung quốc phải trả lại những phần biển đảo mà họ đã cướp của VN 50 năm về trước. Nhân sự kiện 50 năm Hoàng Sa, một số tổ chức xã hội dân sự trong nước như: 1. Tổ chức Lập quyền dân, 2. Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, 3. Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, 4. Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, 5. Diễn Đàn Bauxite Việt Nam, 6. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng…cùng các cá nhân trong và ngoài nước cũng đã góp tiếng nói của mình trong công cuộc đấu tranh chung qua một Bản Tuyên Bố (BTB) mang tên: TUYÊN BỐ VỀ 50 NĂM NGÀY HOÀNG SA BỊ TRUNG QUỐC CƯỠNG CHIẾM. Bản Tuyên Bố này cũng đã được ông Nguyễn Thanh Văn đọc trước cuộc biểu tình. Nội dung BTB cho thấy khá rõ ràng kẻ thù của dân tộc VN là quân Trung quốc xâm lược; Sự hy sinh của 74 chiến sĩ VNCH trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc phải được lịch sử  ghi nhận là những anh hùng dân tộc, cũng như sự kiện Hoàng Sa 1974 phải được truyền thông rộng rãi cho nhân dân đặc biệt là các thanh thiếu niên luôn luôn ghi nhớ quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam bị quân Trung Quốc cưỡng đoạt bằng vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế. Cuộc biểu tình chấm dứt vào lúc 16 giờ cùng ngày./. Văn Nguyễn  
......

Ba tổ chức nhân quyền Việt Nam phản biện báo cáo của VN đệ nạp cho UB-Nhân Quyền/LHQ

THÔNG CÁO BÁO CHÍ Ngày 5 Tháng 1 Năm 2024   Nhân phiên họp thứ 140 của Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc để kiểm điểm việc thực thi Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của nhà nước Việt Nam vào ngày 28 tháng 3 năm 2024, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, và Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam đã đưa ra báo cáo phản biện báo cáo của Việt Nam. Trong phần dẫn nhập, báo cáo của 3 tổ chức nêu rõ: “Không giống như báo cáo của Việt Nam chủ yếu đề cập đến các luật, nghị định và quyết định hành chính như một sự đảm bảo việc tuân thủ luật nhân quyền quốc tế, báo cáo thay thế này sẽ trình bày việc chính phủ Việt Nam thực hiện các quy định của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị thông qua các sự kiện thực tế.” Bằng những dữ kiện thu thập được bởi những nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam và hải ngoại và được kiểm chứng qua các phương tiện truyền thông đại chúng, báo cáo thay thế đã vạch trần những vi phạm của Việt Nam đối với 10 vấn đề chính của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, bao gồm: Quyền tự quyết Quyền sống  Nạn buôn bán người và lao động cưỡng bức Quyền tự do không bị giam giữ và tra tấn tùy tiện Quyền được xét xử công khai bởi một cơ quan tư pháp độc lập và công bằng Quyền tự do tôn giáo Quyền tự do ngôn luận Quyền hội họp ôn hòa Quyền tự do lập hội Quyền không bị phân biệt đối xử Báo cáo thay thế dài 24 trang với 113 bằng chứng được trích dẫn từ nhiều nguồn dữ liệu, bao gồm cả các trang mạng chính thức của các cơ quan công quyền Việt Nam, là bằng chứng thuyết phục về những vi phạm nghiêm trọng của Chính phủ Việt Nam liên quan đến Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị. Việc vi phạm lời hứa của Chính phủ Việt Nam đáng bị cộng đồng quốc tế lên án, nhất là khi nước này hiện là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Chúng tôi hy vọng rằng Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ có biện pháp khắc phục thích hợp đối với những vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam.   TOÀN VĂN BÁO CÁO THAY THẾ CỦA 3 TỔ CHỨC Ở ĐÂY  
......

Kêu gọi biểu tình nhân 50 năm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung quốc chiếm đóng (19-1-1974 / 19-1-2024)

Hòa Lan ngày 14 tháng 12 năm 2023 Kính gởi : - Quý Tổ Chức và Đoàn Thể, - Quý đồng hương. Kính thưa quý vị, Sau buổi biểu tình đầy khí thế trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực tại Den Haag (La Haye- The Hague) vào ngày 11 tháng 3 vừa qua, đã có hơn 130 tổ chức, đoàn thể ký tên vào bản Kiến Nghị Hoàng Sa thuộc Việt Nam, đồng thời với hơn 15.000 chữ ký của đồng bào khắp nơi để gởi đến các cơ chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Toà Án Trọng Tài Thường Trực, Liên Minh AUKUS, QUAD. Để kết thúc chiến dịch vận động này, chúng tôi kính mời quý vị tham dự buổi biểu tình đánh dấu 50 năm quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực :    TrướcTòa án Trọng tài Thường trực tại Hòa Lan:   Carnegieplein 2 - 2517 KJ Den Haag  Vào ngày thứ bảy, 20 tháng 1 năm 2024  Từ 14.00 đến 16.00 giờ   Sau cuộc biểu tình, kính mời quý vị đến tham dự buổi hội thảo ‘’Hoàng Sa 50 năm nhìn lại và những việc cần làm’’ và phần văn nghệ sẽ do các ca nhạc sĩ đến từ khắp nơi tại Âu Châu phụ trách, tại địa điểm cách nơi biểu tình khoảng 2 cây số:   Dienstencentrum Copernicus Daguerrestraat 16 2561 TT Den Haag   Từ 16.00 đến 18.00 giờ: Ăn chiều (thức ăn & nước uống bán tại hội trường) Từ 18.00 đến 19.30 giờ: Hội thảo Từ 19.30 đến 21.00 giờ: Văn nghệ Đấu tranh   Chúng tôi kính mời quý Tổ Chức, Đoàn Thể, quý đồng hương ở khắp Âu Châu về tham dự đông đảo buổi biểu tình phản đối hành động xâm lăng của Trung quốc, cùng nhau xác định Hoàng Sa là của Việt Nam, đồng thời cũng nhằm nói lên ý chí của con dân nước Việt là không muốn mất một tấc đất nào vào tay ngoại bang. Trân trọng kính chào, BTC: - Cộng Đồng VNTNCS/HL:  ô. Nguyễn Hữu Phước, Tel: +31.(0)6 38544847 - GĐQCC/VNCH/HL: ô. Trần Văn Thắng, Tel: +31.(0)6 81001982 - Cơ sở Việt Tân/ HL: ô. Đinh Ngọc Hiển, Tel: +31.(0)6 53605408  
......

Buổi Lễ kỷ niệm 75 năm bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền tại Berlin ngày 10.12.2023

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là một văn kiện quốc tế quan trọng và phổ quát nhất trong lịch sử thế giới, xác định các quyền lợi của mỗi con người trên căn bản „mọi người sinh ra tự do, bình đẳng về nhân phẩm và quyền lợi“ không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, tài sản, thân phận. Văn kiện quốc tế này đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10.12.1948 tại Paris Pháp. Văn bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc phê chuẩn và là nền tảng của các Công Ước quốc tế về nhân quyền cũng như của các hiến pháp và bộ luật quốc gia trên thế giới. Nhân kỷ niệm 75 năm bàn Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức đã cộng tác với tổ chức quốc tế Ki-Tô Giáo Chống Tra Tấn ACAT (Action by Christians for the Abolition of Torture) cùng tổ chức một buổi lễ trang trọng tại Berlin bao gồm biểu tình tại Brandenburger Tor và liên tôn cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam và thế giới tại Evangelisches Kirchenforum. Trước sự kiện những kẻ độc tài và cực đoan liên tiếp gây tang thương chiến tranh và sử dụng bạo lực đàn áp dân chúng ngày càng hung hăng trên thế giới thì việc nhắc nhở con người phải tuân thủ những điều luật căn bản của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền lại cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, thể theo lời mời của Ban Tổ Chức đã có rất nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế và các chính trị gia nổi tiếng đã nhận lời tham gia vào buổi biểu tình và cầu nguyện này. Vào lúc 2 giờ chiều ngày Chủ Nhật 10.12.2023 trời Berlin vẫn còn mưa lất phất nhưng người Việt tỵ nạn Cộng Sản từ Nam Đức, Trung Đức, Bắc Đức và Berlin đã tề tựu đông đủ trước cổng thành Brandenburger Tor. Những lá cờ Vàng xen lẫn với những lá cờ Đức, cờ Ukraine và cờ Liên Minh Âu Châu phấp phới tung bay trong ngọn gió mùa Đông. Chương trình biểu tình được bắt đầu bằng nghi thức chào quốc kỳ bao gồm Quốc Ca Ukraine được hát bởi cô bé Ukraine tên Amellia Anisovych 7 tuổi đã trốn thoát sang Ba Lan cùng với bà ngoại, tiếp theo là quốc Ca Việt Nam, Quốc Ca Đức Quốc và cuối cùng là Quốc Tế Ca Nhân Quyền Human Rights Hymne do Ca Nhạc Sĩ Axel Schullz đàn hát live tại chỗ. Sau một phút mặc niệm tưởng nhớ những người đã mất hay đang bị hành hạ do các vi phạm Nhân Quyền trên thế giới, ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh là người điều hợp buổi biểu tình mời bà Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, và ông Christoph thuộc ban chấp hành ACAT, cùng tuyên bố khai mạc buổi biểu tình. Kế đó, ca nhạc sĩ Axel Schullz đàn ca chung với mọi người bài We shall overcome sôi động để không khí biểu tình thêm phần phấn khích. Tiếp theo là bài nói chuyện của diễn giả chính là bà luật sư người Nga Maria Krasova và cũng là một nhà chuyên môn về nhân quyền đã từng làm việc cho tổ chức Nhân Quyền Nga Memorial International có văn phòng tại Mạc Tư Khoa. Sau khi cuộc chiến tranh của Putin bùng nổ trên đất Ukraine bà rời Mạc Tư Khoa sang tỵ nạn chính trị tại nước Đức và hiện tại bà phục vụ cho cơ quan cứu giúp khẩn cấp các trẻ em Kindernothilfe tại Berlin. Bà là một phụ nữ tóc vàng nhỏ nhắn xinh xắn nhưng có ý chí và lời lẽ cương quyết đầy nghị lực chống lại các bất công chính trị xã hội. Xen kẽ trong những bài nói chuyện là phần trình bày âm nhạc của ca nhạc sĩ Axel Schullz và các lời hô hào khẩu hiệu phản đối những vi phạm Nhân Quyền đang diễn ra hàng ngày trên thế giới và tại Việt Nam. Phần đặc biệt tiếp theo là lời phát biểu đầy nhân ái của Cựu nghị Sĩ Martin Patzel (CDU) Đảng Ki tô Dân Chủ), một người đã về Việt Nam nhiều lần để gặp và ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam; lời chào của bà Sybille thuộc tổ chức toàn cầu OMCT (Organisation mondiale contre la Torture =SOS-Torture Network) là tổ chức quốc tế bao gồm 200 hiệp hội chống tra tấn và hỗ trợ điều trị bảo vệ các nạn nhân bị tra tấn ;lời phát biểu của Dr. Kamal Sido thuộc tổ chức bảo vệ các dân tộc bị áp bức Gesellschaft für bedrohte Völker GfbV. Ông cũng đưa một số người Kurden gia nhập đoàn biểu tình của để đòi hỏi tự do cho mảnh đất Afrin đang bị cai trị; lời phát biểu của ông Ludger Wehning đến từ Nordrhein-Westfalen thuộc tổ chức chống án tử hình (Initiative gegen Todesstrafe / Abolish the Death Penalty). Cuối cùng là bài phát biểu hùng hồn về nhân quyền cho Việt Nam và thế giới của Cựu Nghị Sĩ Frank Heinrich (CDU) hiện tại thuộc ban chấp hành của Liên Minh Tin Lành Đức Quốc=Evangelische Allianz Deutschland; ông là một người luôn chung vai sát cánh với những nạn nhân của chế độ Cộng Sản Việt Nam. Tuy trời mưa gió nhưng ông Cựu Nghị Sĩ Martin Patzel vẫn lạc quan ngỏ lời khuyến khích đoàn biểu tình là thời tiết đã chứng minh cho công cuộc đấu tranh vì nhân quyền không hề dễ dàng và chúng ta phải vượt lên tất cả khó khăn đời thường đó để đạt đến thành công. Hơn thế nữa, cho dù thời tiết không thuận lợi cho cuộc biểu tình ngoài trời nhưng số khách vãng lai tại quảng trường vẫn nườm nượp, trên 300 tờ truyền đơn của ban tổ chức không đủ để phát ra cho khách và rất nhiều người nhận diện được hai vị Nghị Sĩ nổi tiếng nên đã dừng lại nói chuyện và ghi hình với hai ông. Để kết thúc cuộc biểu tình tất cả mọi người trong đoàn biểu tình đã cùng đứng chung với nhau chụp một tấm hình kỷ niệm. Sau phần biểu tình mọi người di chuyển về hội trường Evangelisches Kirchenforum để tham dự buổi cầu nguyện hòa bình cho thế giới và Việt Nam do nhiều tôn giáo đảm trách. Trong hội trường bàn thờ Chúa và bàn thờ Tổ Quốc Việt Nam đã được dựng lên trang nhã và tôn kính; bao quanh là những lá cờ Vàng, cờ Đức, cờ Ukraina, cờ Liên Minh Âu Châu, biểu tượng của Liên Hội và ACAT cũng như hình ảnh của các nạn nhân chế độ Cộng Sản Việt Nam. Vào lúc 4:30giờ chiều ca nhạc sĩ Axel Schullz dạo nhạc trên phím đàn dương cầm để khởi đầu buổi cầu nguyện. Kế đó, ông Frank Boungart, chủ tịch ACAT, nhân danh ACAT và Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức chào mừng quan khách đại diện nhiều tôn giáo ở các vùng miền quốc gia khác nhau có mặt tại hội trường. Ông cũng ngỏ lời cám ơn đến Evangelisches Forum đã hỗ trợ phòng ốc phương tiện cho buổi cầu nguyện. Trước hết, Linh Mục Công Giáo Pater Simon Boiser, gốc Phi Luật Tân, được mời lên dâng lời cầu nguyện hòa bình và dâng nến lên bàn thờ Chúa. Tiếp theo, Liên Hội dâng lời cầu nguyện cho Việt Nam và thế giới đồng thời làm lễ cầu an theo nghi thức Phật Giáo, cuối cùng toàn thể người Việt có mặt đồng ca bài Kinh Hòa Bình. Sau đó, mục sư Tin Lành Peter Fritsch thuộc giáo xứ Frankfurt Oder dâng lời cầu nguyện và dâng nến lần hai. Kế đó là một bài hát Nhân Quyền Sing Human Rights Artikel 3 bằng tiếng Zulu Phi Châu được Axel Schullz đàn hát xen kẽ vào chương trình. Tiếp theo là ông Kamal Sido thuộc GfbV dâng lời cầu nguyện cho Âu Châu, toàn cõi Trung Đông, Ukraine và cả Việt Nam theo thể thức Hồi Giáo bằng ngôn ngữ Kurdisch và Ả Rập. Sau nghi thức dâng nến lần ba là lời cầu nguyện của bà Magdalena Fleischer đại diện ACAT và dâng nến lần thứ tư. Kết thúc buổi lễ cầu nguyện, ca nhạc sĩ Axel Schullz hát bài Sing Human Rights điều 6 bằng tiếng Anh. Sau buổi Lễ cầu nguyện là một bữa ăn tối thân mật ấm cúng do nhà hàng Việt Phở từ Hamburg chiêu đãi. Ban văn nghệ gồm ca sĩ Thụy Uyển, nhạc sĩ Cao Thình, ban hợp ca Hamburg và anh Vĩnh Điệp đã cống hiến những bản nhạc đấu tranh cho Nhân Quyền Việt Nam vô cùng xuất sắc. Buổi sinh hoạt kỷ niệm 75 năm Quốc Tế Nhân Quyền đã kết thúc hoàn mỹ trong niềm hy vọng vào một thế giới hòa bình nhân bản hơn trong tương lai sớm nhất. Hương Đình Tâm  
......

TNLT Trương Văn Dũng được trao giải thưởng Lê Đình Lượng 2023

RFA   Nhà hoạt động bất đồng chính kiến Trương Văn Dũng (hay còn gọi là Trương Dũng), người đang thụ án sáu năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước,” được tổ chức Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (tức đảng Việt Tân) trao giải thưởng Lê Đình Lượng năm nay với chủ đề “75 Năm Quốc Tế Nhân Quyền- Tự Do, Bình Đẳng & Công Lý cho Việt Nam.”   Ông Trương Văn Dũng tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ 2011 và nhiều hoạt động phản đối vi phạm quyền con người và quyền dân sự ở Việt Nam. Ông cũng tích cực trợ giúp dân oan và những người yếu thế, nhiều lần cất lên tiếng nói bênh vực cho họ.   Đảng Việt Tân tổ chức trao giải thưởng vắng mặt cho ông Dũng trong một buổi lễ ở thủ đô Paris của Pháp trong ngày 10/12, đúng vào ngày kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, và cũng là ngày sinh nhật của ông Lê Đình Lượng, người cũng đang thụ án tù 20 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”   Trong thông cáo công bố thông tin người được trao giải, tổ chức Việt Tân viết:   “Ông Trương Văn Dũng được công luận trong nước và quốc tế biết đến là một nhà hoạt động cho dân chủ nhân quyền quả cảm và đầy nhiệt huyết. Được bạn bè gọi một cách trân quý là ‘Trương Tráng Sĩ’ vì ông luôn đi đầu trong các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc, luôn sẵn sàng hỗ trợ cho những nạn nhân của bất công và độc tài như các tù nhân lương tâm, bà con dân oan.”   Tiến sỹ Đông Xuyến, phát ngôn nhân của đảng Việt Tân, viết trong tin nhắn gửi Đài Ấ Châu Tự Do (RFA) ngày 10/12:   “Anh Trương Văn Dũng là một người lên tiếng ôn hòa dù bị đàn áp đánh đập nhiều lần, anh vẫn quyết tâm lên tiếng cho đồng bào mình và bất chấp sự tù đày.   Nói đến anh, mọi người đều nhớ hình ảnh anh hay đứng ở những nơi đông người qua lại, có lúc chỉ một mình, anh giương cao khẩu hiệu chống Trung Quốc, bảo vệ quyền con người, phản đối việc đàn áp dân, nhất là mặc chiếc áo in chữ: ‘Dân chủ không phải là tội.’ Sự kiên cường và tấm lòng của anh đã tạo nguồn cảm hứng cho nhiều người.”   Bà cho biết việc trao giải thưởng cho ông Trương Văn Dũng, người bị bắt giam từ hồi tháng 05/2022, cũng là sự biết ơn với những người nhiều tình yêu thương, chuộng lẽ phải và quả cảm như ông.   Cựu tù nhân lương tâm, luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, đánh giá về khôi nguyên của Giải thưởng Lê Đình Lượng năm nay:   “Cá nhân tôi thấy anh Trương Văn Dũng xứng đáng với giải thưởng này. Anh đã rất là tích cực tham gia nhiều hoạt động khác nhau ủng hộ cho tự do dân chủ nhân quyền Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề về biển đảo. Anh là một con người phải nói là rất dũng cảm, có thể đứng ra ngay giữa đường giơ biểu ngữ và anh chống tham nhũng hoặc là yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam hoặc là thách thức đối với Đảng Cộng sản về vấn đề lãnh đạo.”   Bà Nghiêm Thị Hợp cho biết giải thưởng là một nguồn động viên rất lớn cho gia đình bà để vượt qua những khó khăn. Bà nói với RFA trong ngày 11/10:   “Rất là mừng, thứ nhất là tinh thần, thứ hai là có mọi người luôn đồng hành, thì mình không bị cô đơn, không bị lẻ loi, còn có sự quan tâm của cộng đồng.”   Bà Hợp nói sau khi ông Dũng bị chuyển đến Trại giam Gia Trung cách xa nhà hơn 1.000 km, ông cảm thấy khoẻ hơn vì khí hậu ở vùng Tây Nguyên đỡ khắc nghiệt hơn ở trại giam An Điềm (Quảng Nam), nơi ông bị đánh và biệt giam cùng với tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương và Phan Công Hải trong tháng 9 năm nay sau khi biểu tình phản đối việc trại giam đối xử vô nhân đạo với tù nhân.   Trước khi bị bắt giam, bên cạnh các hoạt động đường phố, ông Dũng còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện trợ giúp dân oan và gia đình tù nhân lương tâm trong hai nhóm Bầu Bí Tương Thân và Quỹ 50K của nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, người cũng đang bị điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.   Trước phiên xử sơ thẩm ông, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam phóng thích ông và huỷ bỏ mọi cáo buộc chống lại ông. Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) cũng thúc giục chính quyền các quốc gia dân chủ đang xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam lên tiếng một cách công khai và mạnh mẽ để ủng hộ ông, và kêu gọi Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị, đồng thời có các bước tiến thực sự hướng tới cải cách. Giải thưởng Lê Đình Lượng được Việt Tân thành lập vào năm 2018, mang tên của chính nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền bị kết án 20 năm tù giam sau các hoạt động công khai đấu tranh cho quyền lợi của người dân và chủ quyền của Việt Nam.   Trong những năm trước, giải thưởng này được trao cho các nhà hoạt động nhân quyền trong nước như bà Nguyễn Thuý Hạnh, ông Phan Kim Khánh, linh mục Đặng Hữu Nam, và giảng viên cao đẳng sư phạm Nguyễn Năng Tĩnh. Họ đều là các công dân có trách nhiệm nhưng bị đàn áp hoặc bị cầm tù với những bản án nặng nề, hoặc bị bắt rồi đưa vào bệnh viện tâm thần như trường hợp của bà Nguyễn Thuý Hạnh.   Nhà nước Việt Nam luôn coi các giải thưởng nhân quyền, kể cả Giải thưởng Lê Đình Lượng, của các tổ chức của người Việt, và quốc tế, là sự can thiệp vào nội bộ Việt Nam, phục vụ cho ý đồ chống phá chính quyền hay “diễn biến hoà bình.” Hà Nội coi các cá nhân hoặc tổ chức được trao giải thưởng là “những đối tượng có hoạt động vi phạm pháp luật.”   Cũng trong ngày 10/12, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2023 ở Toronto (Canada) cho ba nhà hoạt động Trần Văn Bang, Y Wo Nie, và Lê Trọng Hùng. Cả ba đang bị cầm tù ở Việt Nam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” với mức án từ bốn năm đến tám năm tù giam./.  
......

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam công bố Giải Nhân Quyền Việt Nam 2023 cho ba nhà hoạt động đang bị giam giữ

RFA Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam tại hải ngoại hôm 18/11 công bố Giải Nhân Quyền Việt Nam 2023 cho ba nhà hoạt động nhân quyền ôn hoà hiện đang bị cầm tù ở Việt Nam. Ba người được nhận giải năm nay bao gồm ông Trần Văn Bang (sinh năm 1961), ông Y Wô Niê (sinh năm 1970), và nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng (sinh năm 1979). Nhà hoạt động Trần Văn Bang tham gia Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một nhóm trí thức phần lớn xuất thân là những đảng viên CSVN phản tỉnh, lên tiếng về các vấn đề của đất nước, phản biện lại chủ trương độc tài đảng trị của chế độ. Ông Bang bị bắt hôm 1/3/2022 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước). Vào ngày 12/5/2023, ông bị Toà án Nhân dân TPHCM tuyên án tù tám năm và ba năm quản chế. Hiện sức khoẻ của ông Bang trong tù đang bị suy giảm nghiêm trọng nhưng không được chăm sóc đầy đủ và kịp thời. Ông Y Wô Niê là người theo Thiên chúa giáo thuộc sắc tộc Ê-Đê. Ông là người đã nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của Chính phủ đối với người thiểu số. Vì các hoạt động của mình, ông đã bị kết án tù hai lần. Lần đầu vào năm 2005 với án tù chín năm tù theo cáo buộc “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”. Lần thứ hai, ông bị Toà án Nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk hôm 20/5/2022 tuyên án bốn năm tù với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự. Nhà báo tự do Lê Trọng Hùng từng tham gia vào một chương trình truyền hình trên mạng xã hội chuyên nói về tình cảnh của dân oan có tên “Phong trào chấn hưng nước Việt”. Vào năm 2017 ông lập “Chấn Hưng TV” trên mạng Facebook để phổ biến kiến thức pháp luật mà chủ yếu là Hiến pháp. Ông cũng từng nộp hồ sơ tự ứng cử vào Quốc hội vào năm 2021. Ông bị toà án ở Hà Nội hôm 31/12/2021 tuyên án tù năm năm và năm năm quản chế với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Cũng nhân dịp này, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã công bố Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022 - 2023. Theo báo cáo này, dù được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ vào năm 2022 nhưng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam không có gì cải thiện. Báo cáo cho biết chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến 15/10/2023 Việt Nam đã truy tố 123 và kết án tù 98 người vì ly do chính trị và tôn giáo; 25 người khác còn trong quá trình tạm giam để điều tra. Theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, đây là Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 21 kể từ ngày được thành lập vào năm 2002. Trong 21 năm liên tục đã có 60 cá nhân và sáu tổ chức nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam./.  
......

Chính phủ CSVN muốn thành lập các hội đoàn phủ kín cộng đồng người Việt hải ngoại

RFA Chính phủ Việt Nam mong muốn thành lập các hội, đoàn của người việt tại 100% các địa bàn có cộng đồng người Việt ở nước ngoài với mục đích nhằm huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là nội dung của một quyết định mới được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký vào ngày 10/11/2023 phê duyệt Đề án nhằm huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Truyền thông Nhà nước trích dẫn quyết định này cho thấy Chính phủ Việt Nam xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy mục tiêu được đặt ra trong đề án này là tạo môi trường, cơ chế trong nước để NVNONN yên tâm gắn bó, phát huy nguồn lực của mình với đất nước. Xây dựng hành lang pháp lý để NVNONN cơ bản được hưởng môi trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao, nhân đạo… Đề án cũng nhìn nhận tầm quan trọng của nguồn tiền người Việt ở nước ngoài gửi về nước. Điều này thể hiện trong mục tiêu đặt ra là “duy trì đà tăng trưởng của kiều hối; thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư FDI của NVNONN”. Liên quan đến việc kết nới với NVNONN, đề án mới đặt ra mục tiêu là củng cố mạng lưới NVNONN trên toàn thế giới. Hoàn thành xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài. Phấn đấu 100% các địa bàn có đông cộng đồng NVNONN thành lập được các hội, đoàn. Theo thống kê của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tính đến cuối năm 2022, có khoảng hơn 5,3 triệu người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Về mặt kinh tế, tính đến cuối năm 2021, có 376 dự án của kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào. Kiều hối cũng được coi là nguồn thu quan trọng của Việt Nam. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm từ 10-12 tỷ USD. Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2003 đã có Nghị quyết 23 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, và Nghị quyết 36 về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài, nhìn nhận tầm quan trọng của Việt Kiều mà họ thường gọi là “khúc ruột ngàn dặm”. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến của các Việt Kiều ở các nước phát triển cho rằng Đảng và Chính phủ Việt Nam chưa thực tâm muốn đoàn kết với người Việt ở nước ngoài bằng nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, và vẫn còn cái nhìn thù địch với những người khác chính kiến./.
......

Tường trình Lễ Giỗ Cố TT Ngô Đình Diệm

Năm nay, Lễ Giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và tưởng niệm Quân, Dân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân lần thứ 60 và cầu nguyện cho Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận được tổ chức vào ngày 28.10.2023 tại Trung tâm Thánh Mẫu Banneux, Vương Quốc Bỉ. Đây cũng là lần đầu tiên Lễ Giỗ được tổ chức tại thánh địa Banneux.   Sáng sớm thứ Bảy 28.10.2023 vừa qua chúng tôi và một số anh chị em trong Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm dậy sớm để chuẩn bị cho ngày Lễ Giỗ.   Trước hết anh chị em chúng tôi tụ họp tại nhà anh Nguyễn Văn Rị để làm những phần ăn gồm bánh mì kẹp giò và thịt, nước giải khát, và trái cây để làm thức ăn lót lòng cho mọi người tham dự Lễ Giỗ. Sau khi làm xong các phần ăn, chúng tôi xếp vào các túi xách, đưa lên xe, rồi lên đường tiến tới Banneux.   Hôm nay rất may mắn là thời tiết đẹp sau những ngày dài mưa dầm. Khi đến nơi, chúng tôi đã thấy một số đồng hương tụ tập trước Thánh Đường Saint Francois trong Trung tâm Thánh Mẫu Banneux..   Trong lúc nói chuyện hàn huyên tâm sự, chúng tôi mới biết là có người đến từ Paris Pháp quốc, Liège Vương Quốc Bỉ, Düsseldorf, Mönchengladbach, Frankfurt Đức Quốc và có đồng hương đến từ Basel Thụy Sĩ. trong số đó có Đại diện Tổ Chức Việt Tân, Đại diện Tổ chức Vinh Danh Cờ Vàng, Đại diện Nhóm Lễ Giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Frankfurt, Đại diện Cộng Đồng Công Giáo tại Frankfurt, Đại diện Liên Hội Người Việt Nam Tị Nạn tại Đức.   Vào khoảng 14 giờ chương trình bắt đầu, Ông Bùi văn Toàn ngỏ lời chào Quan khách và thông báo ngắn gọn ý nghĩa của ngày Lễ Giỗ Cố Tổng Thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm và bào đệ Gia-cô-bê Ngô Đình Nhu.   Tiếp theo Ông Nguyễn Tấn Năng, Trưởng Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc đọc bài Diễn văn nói về ý nghĩa của Lễ Giỗ Cố Tổng Thống cùng bào đệ của Ngài đại ý như sau:   "Cái chết tức tửi của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã mang lại sự bất hạnh cho miền Nam Việt Nam, một xã hội thanh bình tốt đẹp đã bị phá vỡ, 60 năm ngậm ngùi mà cả dân tộc Việt Nam phải gánh chịu, bây giờ mọi người lại mơ ước được sống trong xã hội thời đó, ngày mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đất nước!"   Tiếp theo là bài thuyết trình của Cha Phêrô Nguyễn văn Khải có ý nghĩa như sau: ''Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một nhà Lãnh đạo liêm khiết, thương dân, sống một đời sống đạm bạc, đơn giản mà không ai ngờ với một cương vị Tổng Thống của một nước! Ngài tha thứ cho những người đã từng làm hại mình, Ngài đã giúp các Tu sĩ Phật Giáo xây dựng chùa chiền, chùa chiền đã được xây dựng nhiều nhất vào thời đó, khác với sự tuyên truyền của những kẻ đã muốn ám hại ông và gán cho ông những chuyện mơ hồ sai sự thật!"   Lễ thắp nến được bắt đầu lúc 16 giờ, mỗi người thắp một cây nến để tưởng nhớ đến Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Bào đệ của Ngài cũng như Quân, Dân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân cùng Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Tiếp theo là Thánh Lễ do Cha Abbe ́ Jean Marie Bùi Phạm Tráng chủ tế.   Trong bài giảng Linh mục Tráng cũng nói về sự hy sinh của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm một Tổng Thống lãnh đạo rất trong sạch nhưng cuối cùng đã hy sinh một cách oan uổng.   Mọi người cùng trao đổi, chuyện trò thân mật và dùng món ăn nhẹ là bánh mì thịt giò và cùng nhau chụp những bức hình lưu niệm cho buổi gặp mặt ngày hôm nay.   Lễ giỗ của Cố Tổng Thống lần thứ 60 tại Trung tâm Thánh Mẫu Banneux đã qua, nhưng dư âm vẫn còn nằm trong trí nhớ mọi người, sự hy sinh cao cả và Tinh thần bất khuất của Ngài vẫn là một gương mẫu cho mọi thời đại.   Đặc biệt là anh chị em Việt Tân đã xin chữ ký cho Hoàng sa, Trường sa để nộp lên Tòa án Quốc tế tại Den Haag và được đồng hương hưởng ứng.   Buổi lễ kết thúc lúc 17 giờ cùng ngày.   Thành Viên Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm ghi lại.  
......

Sinh hoạt kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 75 tại Berlin

Berlin , ngày 28.10.2023 Thông Cáo V/v Sinh hoạt kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 75 tại Berlin   Kính thưa quý vị Lãnh Đạo Tôn Giáo , quý Hội Đoàn , quý Đoàn Thể và Tổ Chức chống Cộng Kính thưa quý thân hữu,   trước tình hình chiến sự sôi động tại Ukraine và Israel các giá trị Nhân Quyền lại càng nổi bật hơn bao giờ hết. Thế giới đang lên tiếng mạnh mẽ để kết án các hành động khủng bố bằng bạo lực của các thế lực độc tài cực đoan nhằm tước đoạt quyền sống của dân tộc tại hai vùng đất này. Nhìn lại quê hương Việt Nam đang oằn mình trong thể chế độc tài độc đảng, một thể chế Cộng Sản chư hầu lệ thuộc Nga Tàu đưa đến diệt vong cho cả một dân tộc Việt Nam, khiến chúng ta không thể không lên tiếng tố cáo âm mưu thâm độc này. Ngày 10.12.2023 là ngày kỷ niệm đúng 75 năm ra đời bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Đây là một dịp để chúng ta giương cao ngọn cờ chính nghĩa để đòi lại các quyền con người căn bản cho toàn thể dân tộc Việt Nam, đồng thời nhắc nhở thế giới về những vi phạm Nhân Quyền trầm trọng vẫn đang xảy ra hàng ngày tại Việt Nam. Do đó, ban chấp hành Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức sẽ cộng tác với tổ chức Ki-Tô Giáo Chống Tra Tấn ACAT( Action by Christians for the Abolition of Torture)tổ chức buổi sinh hoạt -kỷ niệm 75 năm ra đời bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tại Berlin -vào ngày Chủ Nhật 10.12.2023 -từ 14:00 giờ đến 19:30 giờ với chương trình như sau: từ 14:00 giờ đến 15:30 giờ : biểu tình tại quảng trường trước Brandenburger Tor, Pariser Platz, 10117 Berlin từ 16:00 giờ đến 18:30 giờ : đại diện các tôn giáo cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam và hội thảo với khách mời tại Georgensaal im Evangelischen Kirchenforum, Klosterstraße 66, 10179 Berlin-Friedrichshain từ 18:30 giờ đến 19:30 giờ : sinh hoạt văn nghệ đấu tranh do Trưởng Ban Văn Hóa Phan Đình Vĩnh Điệp điều khiển.   Chúng tôi trân trọng thỉnh cầu quý Đoàn Thể , quý Tổ Chức người Việt tỵ nạn Cộng Sản và thân hữu đến tham dự đông đảo .   Điện thoại liên lạc : -Ông Nguyễn Văn Rị , số điện thoại 0157 33495440 -Ông Hoàng Kim Thiên, số điện thoại 0163 6743097     Trân trọng kính chào   TM Ban Chấp Hành Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức e.V. BS Hoàng Thị Mỹ Lâm
......

Hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolô mừng thánh bổn mạng

Vào chiều thứ Bảy 23.09.2023, tại Thánh đường Heilig Geist, Mönchengladbach, Hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolô tổ chức buổi lễ mừng thánh bổn mạng của Hội. Anh chị em Hội viên cùng với giáo dân vùng phụ cận từ Düsseldorf, Mönchengladbach, Neuss, Krefeld, Aachen và đặc biệt có những vị đã lặn lội đường dài từ vương quốc Bỉ đến để cùng hiệp thông mừng kính Thánh Vincent de Paul, Bổn mạng của Hội.   Đúng 15 giờ Thánh lễ bắt đầu, Cha chủ tế cha Giuse  Hồ Anh Tuấn tiến lên xông hương bàn thờ và ảnh thánh Vincent de Paul, kế đến anh Bùi Thanh Thụ mời mọi người lần lượt thắp 25 ngọn nến chiếu sáng thay cho hương trầm dâng lên bàn thờ để tưởng nhớ đến các đấng bậc, các Cha cố linh mục, quí ân nhân, hội viên „Gia đình Bác ái“ đã về với trong Chúa trong suốt 19 năm qua.   Cha chủ tế trong Thánh lễ hôm nay là một môn đệ của cha thánh Anol Jansen thuộc dòng truyền giáo Ngôi Lời Sankt Augustin, ngài là tân linh hướng của Giáo đoàn Đức Mẹ La Vang Köln – Aachen.   Bài giảng của Cha cũng nhắc tới sự nghèo đói, bệnh tật, cô đơn về tinh thần và vật chất của biết bao nhiêu người cần sự giúp đỡ … . Đề nghị Hội bác ái Vinh Sơn hãy đến với các đối tượng này.   Sau bài giảng đến lời nguyện giáo dân. Lời nguyện cầu tha thiết theo gương sáng của thánh Vinh Sơn, kính Chúa thương yêu tha nhân, cùng cầu cho các vị mục tử trong Giáo hội, các bạn trẻ. Xin Chúa an ủi xoa dịu nước mắt đau thương trong chiến tranh Ukraine, thiên tai, động đất, lũ lụt tại các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Syrien, Maroco, Libya…   Kết lễ, ông Hội trưởng Vincent Nguyễn Văn Rị ngõ lời cám ơn Cha Giuse Hồ Anh Tuấn và mọi người đã đến hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Vinh Sơn Bổn Mạng của Hội. Tưởng cũng cần nhắc lại, Hội Bác Ái Vinh Sơn vừa tròn 19 năm, Hội do Cha Cố Giuse Nguyễn Văn Tịnh, cựu linh hướng các Cộng đoàn công giáo Việt Nam thuộc Giáo phận Aachen, Ngài đã cùng với anh chị em trong các Cộng đoàn sáng lập hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolô, hiện ngài đang hưu dưỡng tại San Jose, Hoa kỳ.   Sau thánh lễ mọi người dời qua hội trường nhà xứ để dùng bữa ăn nhẹ và hàn huyên, tâm sự. Trong dịp này ông Nguyễn Văn Rị và thân hữu đã vận động chữ ký cho Kiến nghị thư vì Hoàng Sa và đã được nhiều người hưởng ứng.    
......

Hamburg: Người Việt biểu tình vì Hoàng Sa

Vào ngày 9.9.2023, tại thành phố cảng Hamburg - Đức quốc, Hội Người Việt TNCS tại Hamburg đã phối hợp với cơ sở Việt Tân tại vùng Bắc Đức tổ chức một ngày sinh hoạt nhân 50 năm ngày mất Hoàng Sa bằng cuộc biểu tình và buổi hội thảo văn nghệ để lên án bá quyền Trung quốc (TQ) và nhắc nhở mọi người hành động vì Hoàng Sa (HS) . Chương trình biểu tình trước lãnh sự quán TQ nằm trên đường Elbchausee 268, Hamburg được bắt đầu vào lúc 13 giờ với nghi thức chào cờ & mặc niệm. Sau đó, ông Nguyễn Đình Phúc, Hội trưởng Hội NVTNCS tại Hamburg đã tuyên bố lý do cuộc biểu tình. Bằng 2 ngôn ngữ Đức và Việt, ông Phúc nhắc lại sự việc TQ đã dùng võ lực đánh chiếm HS của VN vào ngày 19.1.1974. Theo ông thì trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974 lúc nào cũng nhức nhối và canh cánh trong lòng người Việt; và trong gần 50 năm qua, người dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự chiếm đóng Hoàng Sa bất hợp pháp của TQ và luôn phản đối, lên án trên mọi diễn đàn… Tiếp theo là những phát biểu của đại diện các tổ chức, hội đoàn như ông Phạm Công Hoàng, Tổ Chức Sinh Hoạt Người Việt tại CHLB Đức, bà Nguyễn Kim Hương, Hội Người Việt Tự Do tại Đan Mạch, ông Nguyễn Thanh Văn, Ủy Ban Điều Hợp Công tác Cộng đồng tại CHLB Đức, bà Lý Thị Kiếu, Hội NVTNCS tại Hamburg,…Phần lớn bằng Đức ngữ với các nội dung tố cáo bá quyền TQ cưỡng chiến Hoàng Sa & Trường Sa của VN, xâm phạm chủ quyền lãnh hải VN và hà hiếp ngư dân VN… Xen kẽ những bài hát đấu tranh, bà con đến từ Đan Mạch, Hannover, Bremen, Krefeld, Bochum, Essen,… đã cùng đồng bào tại Hamburg hô vang những khẩu hiệu đòi lại HS bằng tiếng Đức cho người cư ngụ quanh khu vực và người đi qua đường biết mục đích của cuộc biểu tình. Đặc biệt, ông Trần Văn Các đến từ Bremen cũng cho phát thanh những khẩu hiệu bằng Hoa ngữ với mục đích cho những nhân viên lãnh sứ quán TQ biết nội dung những phản đối của người biểu tình như: Đả đảo TQ, Hoàng Sa &Trường Sa là của VN, TQ phải cút khỏi lãnh hải VN,…   Trước khi kết thúc cuộc biểu tình, bà con đã diễn hành ngang qua cổng Lãnh sự quán TQ với các khẩu hiệu phản đối bá quyền TQ.   Buổi biểu tình chấm dứt vào lúc 14g30.   Sau biểu tình mọi người di chuyển về hội trường giáo xứ Mariä Himmelfahrt tại Rahlstedt – Hamburg để nghỉ ngơi và sửa soạn cho sinh hoạt phần 2.   Chương trình hội thảo văn nghệ bắt đầu lúc 16g30 bằng nghi thức chào cờ, mặc niệm. Ông Hội trưởng Hội Hamburg đã lên cảm ơn mọi người đã bỏ thời giờ quý báu cuối tuần để tham dự buổi sinh hoạt.   Kế đến chị Mỹ Lệ đã giới thiệu nhạc phẩm Đừng Im Tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng do một nhóm các anh chị em ca sĩ chuyên nghiệp như chị Thụy Uyển, anh Cao Thình và một vài anh chị ca sĩ nghiệp dư đồng ca. Nhạc phẩm này đã làm không khí hội trường sôi động lên.   Tiếp theo là đề tài: Hoàng Sa, Biển Đông và Vấn Đề An Ninh Việt Nam do ông Nguyễn Thanh Văn trình bày.   Ông Nuyễn Thanh Văn trình bày tổng quát về vị trí và bối cảnh lịch sử mà VN có được chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 16 khi các Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam cho đến khi người Pháp đô hộ VN và cuối cùng là trận hải chiến Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974.   Kể về giai đoạn lịch sử trận hải chiến Hoàng Sa, ông Văn cho biết lúc đó phía chính quyền VNCH (Tướng Ngô Dzu) có đề nghị phía CSBV cùng đứng tên chung trong một giác thư để tố cáo hành vi xâm lăng của Trung quốc. Tuy nhiên phía CSBV đã từ chối và Lê Đức Thọ, một lãnh đạo cao cấp của CSB khi đó còn nói: “Thà để Hoàng Sa trong tay Trung quốc hơn là để trong tay ngụy quyền Sài Gòn“; hoặc Hoàng Tùng, TBT báo Nhân Dân nói: “Trung quốc có giải phóng Hoàng Sa giúp ta thì sau này cũng sẽ trả lại.“   Theo ông Văn thì hậu quả đầu tiên từ việc mất Hoàng Sa vào tay TQ đó là ngư dân VN bị cấm đánh bắt cá, thậm chí bị cướp phá, bắn giết tại vùng biển Hoàng Sa, là ngư trường truyền thống bao đời của mình.   TQ đứng vững tại địa điểm chiến lược này, tung thòng lọng chín khúc (Đường lưỡi bò 9 đoạn) thít chặt vào cổ Việt Nam và mấy nước nhỏ bé khác trong vùng trong bao năm qua.   Nhưng như vậy vẫn chưa hài lòng, hôm 28.8.2023 Bắc Kinh còn chính thức công bố “bản đồ tiêu chuẩn” phiên bản 2023. Mà theo bản đồ mới này thì hôm nay nó không còn là 9 đoạn nữa mà là 10 đoạn.   Trước khi chấm dứt phần 1 của bài thuyết trình, ông Văn cũng kêu gọi mọi ngưởi trong hội trường ký tên vào kiến nghị thư Hoàng Sa Thuộc Việt Nam. Đây là một trong các hành động mà người Việt có thể làm được trong tầm tay.   Trong giờ giải lao mọi người có dịp thưởng thức các món ăn như bánh bò, chè, nem nướng,…do bà con tại Hamburg chung tay làm để ủng hộ cho ban tổ chức.   Sau giải lao, chương trình phần hai bắt đầu bằng các bài hát đấu tranh do ca sĩ Thụy Uyển, người đã từng đoạt giải Á quân Tiếng Hạc Vàng do SBTN tổ chức tại Hoa Kỳ năm 2022, chị Nguyễn Kim Hương (Đan Mạch), anh Cao Thình, chị Mỹ Lệ và một số anh chị em ca sĩ nghiệp dư tại Hamburg đóng góp.   Phần hai của đề tài thuyết trình với tiêu đề: An ninh lãnh thổ VN trước sự bành trướng của TQ.   Trong phần này ông Văn đã trình bày tổng thể an ninh của VN mà 3 nước TQ, Lào và Campuchia ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp.   Biển Đông thì TQ đã bồi đắp một số đảo tại Trường Sa, Hoàng Sa thành căn cứ quân sự để có thể kiểm soát biển Đông nói chung và khống chế VN nói riêng. Phía tây bắc và tây nam thì TQ đang khống chế Lào và Campuchia qua các dự án kinh tế Vành đai Con đường (BRI). Và hiện nay TQ còn đang được xử dụng quân cảng Ream tại Shihanoukville, cách đảo Phú Quốc của VN khoảng 30km và sân bay Dara Sakor ở Koh Kong với một phi đạo dài 3.200m, cách Hà Tiên khoảng 160km, cũng như đang xây dựng tại đây một cảng nước sâu có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải 10.000 tấn   Một căn cứ ở Campuchia sẽ mang lại cho TQ "khả năng viễn chinh trong khu vực ". Từ căn cứ Ream tại Sihanoukville, ngoài hoạt động hậu cần và giám sát tình báo, TQ vừa có thể giám sát từ vùng vịnh Thái Lan kéo dài tới eo biển Malacca, là hải lộ quan trọng nối liền Ấn độ dương qua Thái bình dương, cũng như vừa để bảo vệ tuyến đường BRI, vừa có thể khống chế VN về mặt địa lý.   Qua những sự kiện nêu trên, cộng thêm ngày càng hung hăng của TQ trên biển Đông thì có thể nói VN đang bị sức ép của TQ ngày càng nghiêm trọng. Và có lẽ CSVN đã thấm đòn, nên việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ lên chiến lược toàn diện là hướng đi mà Hà Nội phải đi nếu muốn thoát khỏi sức ép của TQ.   Sau đó mọi người cùng thảo luận về những vấn đề như:   - Người Việt có thể làm gì để đòi lại Hoàng Sa?; - Liệu sau khi nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ thì csVN có thoát Trung nổi hay vẫn sẽ tiếp tục đu dây? - Hoặc Hoa Kỳ có giúp thúc đẩy dân chủ tại VN hay không? - Người Việt nên tiếp tục kiên trì lên tiếng bằng nhiều hình thức để tố cáo TQ cưỡng chiếm HS của VN. - Nhân quyền, dân chủ VN thì người VN phải giải quyết. Không có quốc gia nào có thể giải quyết vấn đề này cho người Việt Nam. - Anh ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ thì cần phải liên kết với các nước dân chủ, lớn mạnh để cân bằng thế mạnh của TQ…   Chương trình hội thảo và văn nghệ đấu tranh chấm dứt vào 20 giờ cùng ngày và bà con đến từ Đan Mạch trước khi chia tay cũng đã ngỏ lời cảm ơn Hội NVTNCS tại Hamburg đã tổ chức buổi sinh hoạt thật có ý nghĩa này!   Văn Các  
......

Người Việt thuộc cộng đồng Vinzenz-von-Paul Mönchengladbach và vùng phụ cận quyên góp cho nạn nhân động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Dù đã hơn nửa năm kể từ trận động đất tàn khốc vào ngày 6 tháng 2 năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vẫn đang nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân vượt qua những hậu quả của thảm họa này. Theo thông tin của Caritas International vào cuối tháng 7: "Hàng trăm ngàn người sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, không có nhà cửa, bị tổn thương nặng về vật chất lẫn tinh thần, và điều này diễn ra trên một diện tích gần bằng với diện tích của Đức". Tại nhiều nơi, dân cư, cơ quan chính phủ và các tổ chức cứu trợ vẫn đang tiếp tục thu dọn những vết tích đổ nát còn để lại. Trận động đất đã làm ít nhất 52.000 người thiệt mạng và hơn 100.000 người bị thương. Khoảng 5,2 triệu người đang cần sự giúp đỡ nhân đạo. Những người Việt Nam sống ở Mönchengladbach và vùng lân cận đã quyên góp 2.280 Euro cho mục đích này. Ông Nguyễn Văn Rị, hội trưởng nhóm người Việt thuộc cộng đồng Vinzenz-von-Paul, đã cùng với thành viên ban điều hành, Bà Trâm Anh, và Linh mục Johannes van der Vorst đã trao một ngân phiếu tượng trưng cho ông Frank Polixa, giám đốc điều hành Hiệp hội Caritas địa phương. Ông Polixa sẽ chuyển tiền này đến Caritas International. "Yêu thương Chúa và giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn" - lời nhắn nhủ của Vinzenz von Paul đã được ông Nguyễn Văn Rị nhắc đến khi trao số tiền quyên góp. Đó cũng là tiêu chỉ của nhóm người Việt thuộc cộng đồng Vinzenz-von-Paul, đã giúp đỡ và ủng hộ nhiều chương trình cúu trợ. "Số tiền này là đóng góp của chúng tôi để giảm bớt nỗi khổ nạn nhân của trận động đất trong tình tương thân tương trợ của Kitô giáo". Ông Nguyễn Văn Rị cũng cho biết thêm: "Chúng tôi, những người tị nạn Việt Nam tại Mönchengladbach và vùng phụ cận, sẽ không bao giờ quên người dân Đức đã giúp đỡ chúng tôi khi chúng tôi được tiếp nhận vào đất nước này. Lúc ấy, chúng tôi không có gì ngoài hai bàn tay trắng". Cách đây hơn 40 năm, ông Rị, nay đã 70 tuổi, cùng gia đình đã được tàu "Cap Anamur" vớt sau một cuộc hành trình vượt biển Đông đầy hiểm nguy và định cư tại Mönchengladbach. Ông tham gia nhiều chương trình thiện nguyện nhằm bày tỏ lòng biết ơn của mình và cũng nhận được nhiều giải thưởng cho những việc làm thiện nguyện này. Ông Frank Polixa, cũng nhắc đến việc ông Nguyễn Văn Rị cách đây không lâu đã quyên góp gần 2.500 Euro cho trẻ mồ côi tại Ukraina. "Sự cống hiến không ngừng nghỉ của Ông cho những người gặp khó khăn thật là phi thường. Ông là một tấm gương lớn cho những ngườikhác", ông Polixa bày tỏ lúc nhận tiền quyên góp. https://rheinischer-spiegel.de/vinzenz-von-paul-gemeinschaft-spendet-fuer-erdbebenopfer-in-der-tuerkei-und-syrien/ https://lokalklick.eu/2023/08/24/vinzenz-von-paul-gemeinschaft-spendet-fuer-erdbebenopfer-in-der-tuerkei-und-syrien/ https://www.caritas-mg.de/aktuelles/presse/van-ri-nguyen-sammelte-erneut-viel-geld-fuer-menschen-in-not-724ccd65-fe38-4f84-8407-c83ed719269f https://lokalklick.eu/2023/08/24/vinzenz-von-paul-gemeinschaft-spendet-fuer-erdbebenopfer-in-der-tuerkei-und-syrie https://www.facebook.com/rsmoenchengladbach  
......

Cơ Sở VT Bắc Đức vận động chữ ký cho Hoàng Sa

Hannover - Đức quốc. Đại lễ Vu Lan năm nay được tổ chức vào các ngày 25 đến 27.8.2023 tại chùa Viên Giác thuộc thành phố  Hannover, Đức quốc. Thời tiết tháng 8 năm nay ấm áp. Có lẽ vì gần cuối hè nắng không còn gay gắt, nên phật tử cũng cảm thấy dễ chịu khi vãng cảnh chùa. Và cũng như hàng năm cơ sở Việt Tân vùng Bắc Đức được lập một bàn thông tin trong khuôn viên chùa để phổ biến đến bà con sách báo, tài liệu, tin tức bằng tiếng Việt và tiếng Đức liên quan đến nhân quyền và chủ quyền biển đảo VN. Kế bên bàn thông tin còn có 2 Roll-up (biểu ngữ). Một Roll-up với hình ảnh và tiểu sử của các Tù Nhân Lương Tâm VN và những bản án mà CSVN gán ghép cho họ. Một Roll-up mời gọi bà con tham gia ký tên xác nhận Hoàng Sa -Trường Sa là của Việt Nam. Anh chị em tại bàn thông tin của cơ sở Việt Tân Bắc Đức đã trình chiếu những đoạn phim đề cập đến việc CSVN vi phạm nhân quyền, đàn áp đồng bào trong nước… Có vài em du học sinh cũng ghé đến bàn thông tin để tìm hiểu về hoạt động của đảng VT. Nhiều bà con đã ý thức sự việc Hoàng Sa nên tự động ghé vào bàn thu nhận chữ ký để ký tên cho kiến nghị thư Hoàng Sa. Như mọi lần, Hòa thượng Thích Như Điển, Phương trượng chùa Viên Giác, cũng như một số thầy  ghé đến thăm hỏi anh em VT tại bàn thông tin và cũng ký tên vào thư kiến nghị. Văn Các  
......

Cựu Trung Tá Phi Công Ôn Văn Tài đã bay vào cõi xa!

Ảnh; Cựu Trung tá Không quân Ôn Văn Tài, phu quân nữ danh ca Thanh Thúy Mai Bá Kiểm   Ngày 2/8/2023, báo Người Việt đưa tin “Cựu Trung tá Không quân Ôn Văn Tài, phu quân nữ danh ca Thanh Thúy, tạ thế ở Sacramento, California, vào hôm thứ hai, 31/7/2023, hưởng thọ 91 tuổi. Ông qua đời trong giấc ngủ bình yên vì tuổi già sức yếu, để lại hiền thê Thanh Thúy, một người con trai là dược sĩ và đã lập gia đình, cùng 3 cháu nội.   Ông sinh ngày 23/11/1932, học Trung học Pétrus Ký, sau khi đậu tú tài năm 1953, tình nguyện vào Không quân, được Quân đội Liên hiệp Pháp đưa đi thụ huấn phi công tại Maroc (Morocco) ở Bắc Phi. Về nước năm 1955, Thiếu úy Ôn Văn Tài làm huấn luyện viên tại Trung Tâm Huấn luyện Không quân VNCH ở Nha trang vừa mới thanh lập. Sáu tháng sau, ông được cử đi học khóa I.P (Instructor Pilot) tại Hoa Kỳ và quay về dạy bay tại TT Huấn luyện KQ Nha trang.   Trong một lễ tốt nghiệp của các tân phi công, Trung tâm Huấn luyện có mời ca sĩ Thanh Thúy đến hát, ông làm quen và kết thân với nàng. Năm 1964, đại úy Ôn Văn Tài thành hôn với ca sĩ Thanh Thúy. Năm sau, Thanh Thúy sinh con và tạm nghĩ hát. Trước đó, Ôn Văn Tài không còn bay huấn luyện ở Nha Trang, mà chuyển ra bay oanh tạc ở Phi đoàn 518 ở Căn cứ KQ Đà Nẵng.     Chú thích ảnh: Đại Úy Ôn Văn Tài, Phi Đoàn 518, Đà Nẳng 1964, photo: Joe Reynes.   Thanh Thúy phải theo chồng ra Đà nẵng, khán giả Sài gòn tưởng chừng không còn gặp lại Thanh Thúy. Nhưng vài năm sau, nhạc sĩ Ngọc Chánh ra thuyết phục Thanh Thúy trở lại Sài gòn phục vụ khán giả. Năm 1968, trung tá Ôn Văn Tài nghỉ bay tác chiến , thuyên chuyển về Cân Thơ làm chỉ huy trưởng Căn cứ Không quân Bình Thủy (Không đoàn 74 chiến thuật, lúc chưa thành lập Sư đoàn 4 Không quân).   Năm 1971, Trung tá Không quân Ôn Văn Tài bỗng “tự ý lột lon” xuống thành “Hải quân Trung úy Vũ Minh Toàn” gây xôn xao khán giả điện ảnh! Thật ra, ông được mời làm tài tử, đóng vai “Hải quân Trung úy Vũ Minh Toàn” trong bộ phim Bão Tình, ra đời năm 1972. Trung úy Toàn là chồng của Thủy do nữ minh tinh nổi tiếng Kiều Chinh thủ vai.   Là vợ phi công, chờ chồng trong mỗi chuyến bay (Skyraider là thiên địch của xe tăng), Thanh Thúy cảm thụ từ con tim từng lời hát “Một Chuyến Bay Đêm” (của Song Ngọc – Hoài Linh): “Có người hỏi phi công ước mơ gì? Người ơi nhân thế muôn màu nào biết mơ ước chi? Ước rằng từ khi tung nhịp cánh Tình ta yêu thương là gió, nhân tình của mây”. https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/cuu-trung-ta-kq-on-van-tai-phu-quan-danh-ca-thanh-thuy-qua-doi-tho-91-tuoi/    
......

Tâm Thư Của Tù Nhân Lương Tâm Châu Văn Khảm

Việt Tân    Sydney ngày 23 tháng 7, 2023   Kính gởi quý vị lãnh đạo các Tôn giáo, Cộng đồng, Tổ chức, Đảng phái, các Cơ quan truyền thông và quý đồng hương   Thưa quý vị,   Tôi là Châu Văn Khảm, đảng viên đảng Việt Tân, một Tù Nhân Lương Tâm vừa mới trở lại xứ sở tự do Úc Châu vào ngày 11 tháng 7, 2023 sau 4 năm, 6 tháng bị nhà cầm quyền CSVN bắt giữ và giam cầm một cách phi pháp, với cáo buộc tội “khủng bố lật đổ chính quyền”. Xin được có đôi lời tâm tình cùng quý vị.   Trước hết, thay mặt gia đình tôi xin được tri ân những tình cảm, những nỗ lực của quý vị đã dành cho chúng tôi nhằm vận động chính quyền liên bang Úc lên tiếng đòi nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do cho tôi đã thành công một cách tốt đẹp.   Tuy phải trải qua 54 tháng tù phi lý, nhưng chính những cuộc vận động không chỉ ở Úc Châu mà còn lan rộng trên toàn thế giới, cho thấy chính nghĩa đấu tranh của người Việt tỵ nạn Cộng sản đã chiến thắng và giúp khích động tinh thần của những người tù lương tâm đang phải đương đầu với những bản án tù nghiệt ngã.   Sự kiện vào ngày 7 tháng 6 năm 2022 tức một năm trước đây, Nhóm Công Tác Về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc đã công bố một phán quyết về việc nhà nước CSVN bắt giữ tôi (Châu Văn Khảm) là tùy tiện, vi phạm điều 9 Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam đã ký cam kết tôn trọng. Quyết định này của Liên Hiêp Quốc cho thấy là sự bắt giữ và kết án 12 năm tù giam đối với tôi là vi phạm nhân quyền trầm trọng. Trong lúc tôi được tự do và trở về Úc Châu, hai Tù Nhân Lương Tâm Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền bị bắt và bị kết án cùng phiên tòa với tôi vẫn còn bị giam giữ, và đây là điều khiến tôi vô cùng áy náy. Tôi nguyện sẽ cố gắng tiếp tục tranh đấu, nhất là vận động chính phủ và chính giới Úc Châu lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho hai anh Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền cũng như các Tù Nhân Lương Tâm khác bị bắt giữ chỉ vì lòng yêu nước.   Kính thưa quý vị,   Sự kiện tôi trở về Việt Nam và bị bắt giữ vào tháng Giêng năm 2019, tuy có làm khựng lại các đóng góp của tôi cho phong trào đấu tranh, nhưng đây cũng là cơ hội để tôi cọ sát với thực tế xã hội Việt Nam ngay trong lao tù.   Tôi không chỉ đối diện với những cán bộ điều tra của chế độ mà còn tiếp cận với đủ thành phần tù nhân trong mọi tầng lớp xã hội ở các trại giam đã đi qua. Tôi thấy rằng ai ai cũng có chung cảm nhận là Việt Nam đã có nhiều thay đổi to lớn trong cuộc sống với hàng hóa tiêu dùng phong phú. Nhưng phải nói là đa số không hài lòng với xã hội hiện tại vì nhiều lý do. Một điểm chung của tình trạng bất mãn mà tôi thấy rõ là chính tình trạng o ép, bao phủ không khí công an trị đã ngăn chặn sức sống và sức vươn lên của toàn dân tộc. Khi con người không được sống theo điều mình muốn và phải sống dối trá trong một xã hội nhiều nghịch lý thì chắc chắn xã hội luôn luôn có những đợt sóng ngầm.   Vì thế, tôi thấy rằng để góp phần tạo điều kiện cho Việt Nam sớm có chuyển đổi dân chủ và phát triển bền vững, chúng ta cần quan tâm hiểu biết cụ thể tình hình và các diễn biến tại Việt Nam. Có như vậy những nhận định, những phân tích của chúng ta về tinh hình Việt Nam mới không bị phản cảm và nhất là tạo những tác động tích cực để mọi người có thể đồng hành với quyết tâm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ, tiến bộ và có một vị trí quan trọng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.   Trong tinh thần đó qua bức Tâm Thư này, tôi xin đề nghị với toàn thể quý vị tích cực quan tâm và hỗ trợ những Tù Nhân Lương Tâm và gia đình của họ đang phải chiến đấu trong các lao tù tại Việt Nam. Đồng thời, chúng ta không thể góp sức thay đổi một Việt Nam Dân Chủ và Tiến Bộ, nếu không thật sự dành nhiều thời gian theo dõi và nắm bắt các chuyển biến xảy ra để sát cánh và đồng hành với bà con trong nước.   Tôi nguyện sẽ tiếp tục dấn thân vào đại cuộc chung và đồng hành với quý vị trong mọi cuộc vận động để tất cả các Tù Nhân Lương Tâm được trở về trong mái ấm gia đình, dân tộc Việt Nam sớm cùng nhau xây dựng được một xã hội tự do, nhân bản đầy ắp tình người trong một tương lai rất gần.   Trân trọng. Châu Văn Khảm          
......

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng vai trò như cánh tay nối dài của nhà nước ở hải ngoại

Văn Tâm (Luật Khoa Tạp Chí) Vào tháng 2/2023, các nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ngồi yên lặng, chăm chú lắng nghe một quan chức nhà nước định hướng về công tác hoằng pháp Phật giáo. [1] Vị quan chức ấy là Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng. Sau hơn 40 năm thành lập, GHPGVN gần như đã trở thành một tổ chức dưới quyền của nhà nước, giúp việc cho chính quyền. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn sắp tới được giao phó cho giáo hội là trở thành cánh tay nối dài của nhà nước ở hải ngoại. Hoằng pháp ở hải ngoại để “bảo vệ tổ quốc” Năm 2019, tại một hội thảo về sứ mệnh hoằng pháp trong xu hướng toàn cầu hóa, ông Vũ Chiến Thắng, với vai trò Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, nói rằng hoằng pháp tại hải ngoại là công tác Phật sự quan trọng của GHPGVN. [2] Ông khẳng định đây là nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Ông nói rằng bên cạnh việc thực hiện trọng trách với giáo hội, chức sắc Phật giáo hoằng pháp ở hải ngoại còn được mong đợi sẽ thực hiện những nhiệm vụ mà nhà nước giao cho, trong đó có tuyên truyền chính sách, pháp luật của nhà nước về tôn giáo. Năm 2020, ông Thắng đã viết một bài báo cho rằng nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc ở hải ngoại chính là đấu tranh, phản bác những xuyên tạc về tự do tôn giáo tại Việt Nam do một số người gốc Việt gây ra. [3] Vì sao lại là Giáo hội Phật giáo Việt Nam? Chính quyền cho biết có khoảng 5,3 triệu người Việt sống ở nước ngoài, khoảng 80% cư trú ở những nước phát triển. [4] Và dĩ nhiên, một bộ phận lớn những người này tin theo hoặc có cảm tình với Phật giáo. Các văn bản chỉ đạo của đảng như Nghị quyết 36 năm 2004, [5] Chỉ thị 45 năm 2015, [6] Kết luận số 12 năm 2021 [7] đều khẳng định phải khai thác triệt để tiềm năng của người Việt ở nước ngoài trên tất cả lĩnh vực. Việc này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực tương tác với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thông qua cách thức trực tiếp từ nhà nước, và cách thức gián tiếp từ các kênh khác.  Trong đó, việc sử dụng sức ảnh hưởng của tôn giáo là một cách tiếp cận gián tiếp, mềm mỏng nhưng hiệu quả khi ứng xử với cộng động có nhiều yếu tố phức tạp này.  Theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, nhà nước nắm quyền cấp phép cho chức sắc tôn giáo trong nước ra nước ngoài hoạt động. Tuy nhiên, dường như chỉ có Phật giáo là tôn giáo từ bấy lâu nay được chính quyền tích cực tô điểm như ngọn cờ đầu phản ánh điều kiện thực hành và chính sách của nhà nước về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Mặt khác, GHPGVN đã bị chính quyền kiểm soát toàn diện nên rất an toàn để đưa các chức sắc ra hải ngoại hoạt động, giúp việc cho chính quyền. Do đó, để đáp ứng định hướng đẩy mạnh hoạt động tôn giáo ở nước ngoài thì không thể có đại diện tôn giáo nào phù hợp hơn GHPGVN. Tháng 11/2022, văn kiện Đại hội Phật giáo Khóa IX đã xác định rằng giáo hội có nhiệm vụ thực hiện ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. [8] Giáo hội cũng khẳng định công tác ngoại giao nhân dân mà giáo hội đang thực hiện là triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của đảng. [9] Cũng tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, ni sư Thích Nữ Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, đã yêu cầu: “Giáo hội nên có hướng dẫn cụ thể để các ngôi chùa được hợp pháp hóa dựa trên sự phối kết hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán các nước, Ban Tôn giáo Chính phủ để quy hoạch chương trình tu học, hành đạo [...]”. [10] Ngay cả chức sắc Phật giáo dù đã ra nước ngoài hoạt động vẫn muốn bám theo sự chỉ đạo của chính quyền trong các hoạt động của mình, dù là hoạt động chuyên môn như hoằng pháp. Nhu cầu kiểm soát người Việt ở nước ngoài Có thể bạn đã biết cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất đa dạng và phức tạp xuất phát từ nguyên do rời bỏ đất nước, trạng thái nghề nghiệp, cho đến quan điểm về chính quyền Việt Nam. Trong đó, thành phần người Việt bất đồng chính kiến, không ủng hộ thể chế cầm quyền chắc chắn là nỗi lo của chính quyền. Bởi vì họ có thể được tập hợp lại để trở thành một lực lượng chính trị đối lập với chính quyền Việt Nam. Trong quá khứ, các đảng đối lập với chế độ cầm quyền thường được hình thành và hoạt động trước ở nước ngoài. Ví dụ như Quốc dân Đảng của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được thành lập tại nước ngoài. Tại nước ngoài, các hoạt động liên quan đến người Việt luôn chịu sự giám sát rất kỹ lưỡng như bị theo dõi hoặc cài cắm người để nắm rõ về ý đồ của các hoạt động. Các hội người Việt ở nước ngoài như hội sinh viên, hội đồng hương, hội doanh nhân, hội phụ nữ, v.v. đều là những nhân tố giúp chính quyền nắm rõ thông tin về cộng đồng người Việt. Các chức sắc của GHPGVN ở nước ngoài cũng chính là một thành phần giúp chính quyền có được thông tin đa dạng, sâu sắc hơn về cộng đồng người Việt. Các chức sắc này ngoài thực hiện công việc hoằng pháp, giúp đỡ người Việt hải ngoại, còn tận dụng cơ hội đó để nắm các thông tin về cộng đồng người Việt, bao gồm cả những diễn biến tư tưởng hay các nhóm người Việt có khả năng ảnh hưởng đến an ninh, chính trị. Chi nhánh nước ngoài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hiện nay, GHPGVN có 22 hội phật tử Việt Nam ở các nước, thiết lập hoạt động hướng dẫn tăng, ni, Phật tử ở 35 nước. [11] Vào tháng 4/2022, Thượng tọa Thích Thọ Lạc dẫn một phái đoàn của GHPGVN đến Bỉ và Đức làm việc. Tại đây, ông đã có cuộc họp với hai vị đại sứ Việt Nam để thông báo về kế hoạch làm việc. Trong cuộc họp, Thượng tọa Thích Thọ Lạc nói rằng GHPGVN sẽ bổ nhiệm một trụ trì vào một ngôi chùa sắp sửa được xây dựng tại một thành phố của Đức. [12] Trong văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX của GHPGVN, giáo hội đã nhấn mạnh rằng: “Tiếp tục thành lập các Hội Phật tử Việt Nam […] để gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc và hướng lòng yêu nước về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.” [13] Đây là một định hướng trùng khớp hoàn toàn với các chính sách của nhà nước về người Việt ở nước ngoài. Có thể GHPGVN đang thực hiện những bước đi đầu tiên để thiết lập một bộ máy hoạt động ở nước ngoài, cả về phương diện hoằng pháp lẫn thay mặt nhà nước thâm nhập vào cộng đồng người Việt./.  
......

Luật sư bào chữa vụ Tịnh Thất Bồng Lai đến Hoa Kỳ

RFA Luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Nguyễn Văn Miếng, hai luật sư trong số năm luật sư từng tham gia bào chữa trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai”, hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ. Công an tỉnh Long An từng bốn lần gửi giấy triệu tập hai vị luật sư này để làm việc về tin báo tội phạm của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an). Bộ Công an cho rằng, một số luật sư trợ giúp pháp lý cho Tịnh thất Bồng lai có dấu hiệu vi phạm Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Việc đặt chân đến Hoa Kỳ sau khi bị "truy tìm" bởi Công an tỉnh Long An được những người mới đến chia sẻ với RFA. Luật sư Đặng Đình Mạnh sáng 19 tháng 6 năm 2023 cho biết: “Năm năm trước tôi đã có dịp đến Mỹ, chủ yếu là vùng bờ Tây và các tiểu bang miền nam. Lần này, tôi đến vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn và càng khẳng định lý do rất nhiều người trên thế giới muốn đến quốc gia này để sinh sống, học tập hoặc du lịch. Vì lẽ, đây là quốc gia thật sự đáng sống. Tôi không hiểu biết nhiều về nước Mỹ, nhưng cũng đủ làm tôi choáng ngợp. Tôi có một số dự án tại đây và đang bắt tay vào việc thực hiện những dự án đó. Tôi có biết về quyết định truy tìm đối với tôi của công an tỉnh Long An. Vì quyết định ấy không căn cứ theo những quy định của tố tụng hình sự, cho nên, tôi đánh giá rằng tôi không có trách nhiệm phải chấp hành. Hơn nữa, việc tôi xuất cảnh, đi lại, cư trú và chọn nơi lao động như thế nào là quyền của tôi. Đây là quyền tự do của công dân theo hiến pháp. Không một cơ quan nào có thể cản trở những quyền này của tôi cả. Thực tế, tôi đang thực hiện các quyền tự do của công dân theo Hiến pháp quy định mà thôi.” Luật sư Nguyễn Văn Miếng trình bày: “Tôi đến Hoa Kỳ vào trưa ngày 16/6/2023 trong cơn mưa nhè nhẹ tại phi trường Dulles, tiểu bang Virginia. Tôi như trút được một gánh nặng sau 100 ngày bị săn đuổi, ngay khi máy bay tiếp đất, lăn bánh trên phi đạo. Thủ tục hải quan chỉ mất khoảng 30 phút cho trường hợp sử dụng visa nhập cảnh của tôi, những trường hợp khác thì nhanh hơn, tôi vui mừng đến nỗi suýt quên cả lấy hành lý. Mọi người gặp mình dù không quen, cũng đều chào hỏi. Tôi mạnh dạn nói: “Tôi là người Việt Nam.” Khi biết tôi là người mới đến họ đều hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không. Những người đồng hương Việt Nam khi biết tin, mọi người đều chúc mừng và nói trường hợp của chúng tôi, gia đình chúng tôi đến được Hoa Kỳ như một phép lạ. Tiếng lành đồn xa, những người quen biết tôi trong nước cũng như tại Hoa Kỳ, không biết bằng cách nào đều biết thông tin tôi và gia đình đã đến được bến bờ tự do.” Như tin đã loan, trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Long An hôm 11 tháng 6 năm 2023 đăng Thông báo truy tìm người trong mục “Truy nã - Truy tìm”. Thông báo ghi rõ : “Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An thụ lý kiểm tra, xác minh tin báo trên và đã gửi Giấy triệu tập nhiều lần cho 03 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Miếng; Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh nhưng các đối tượng không đến để làm việc và không có lý do vắng mặt. Qua công tác xác minh, Công an phường nơi các đối tượng cư trú và thân nhân xác nhận hiện các đối tượng không có mặt tại địa phương, đi đâu, làm gì không rõ và không liên lạc được. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã ra quyết định truy tìm các đối tượng nêu trên để phục vụ công tác giải quyết tin báo về tội phạm (có các Quyết định truy tìm người kèm theo). Khi thấy các đối tượng truy tìm nêu trên, đề nghị thông báo ngay cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An.”  
......

Không chỉ là trái ớt

 Mặc Lâm Dương Thu Hương, Trần Anh Hùng, Phạm Thiên Ân, Sangeeta Kaur – Mai Teresa rõ ràng là những khuôn mặt rạng danh nước Việt. Tài năng của họ được công nhận bằng những giải thưởng danh giá hàng triệu người mơ ước. Bàn viết, sàn diễn, trường quay của họ với không gian bé nhỏ và khán giả chọn lọc cuối cùng sức sáng tạo cũng đã chiến thắng và họ bước lên đài vinh quang cùng với hàng triệu đôi mắt dõi theo của hàng triệu người Việt Nam khắp chốn. Và có một chiếc cúp khác không hình thể, cân nặng hay chất liệu nhưng trong nhiều năm qua âm thầm lóe sáng trên bàn ăn của hàng triệu gia đình nơi xứ sở của hàng chục quốc gia cùng cư trú. Cái cup có hình thể của một chai tương ớt từ nhiều chục năm qua làm bạn với không biết bao nhiêu là tiệm phở khắp năm châu. Nơi nào có phở, nơi ấy có tương ớt Sriracha Huy Fong với hình con gà trống vạm vỡ đầy sức sống. Cái chai tương ớt tưởng bình thường ấy lại là một câu chuyện thú vị của một người gốc Việt, lang bạc đến xứ người với vỏn vẹn vài trái ớt trong hành trang kinh nghiệm. Trái ớt bé nhỏ của Việt Nam khi tới Mỹ đã thay đổi cho hợp với phong thổ lẫn văn hóa ẩm thực của một đất nước có hàng trăm thứ tương ớt nhưng không có thứ nào phù hợp với phở, và từ đó tương ớt Con Gà ra đời. Thương trường là chiến trường đối với hầu hết những nhà kinh doanh nhưng đối với David Trần thì không hẳn thế. Người tạo ra thương hiệu Huy Fong không hề gặp sức cạnh tranh nào từ một thị trường đa dạng và cực kỳ khó tính như ở Mỹ vì nó không sản xuất cho cái lưỡi của người Mỹ, Mễ hay Hàn mà nó được làm cho tô phở Việt Nam, thứ mà đi tới đâu người Việt cũng mang theo bên hành trang của mình. Cách đây gần 60 năm, từ Sóc Trăng ông Trần chọn Sài Gòn làm nơi kinh doanh. Cùng với một người anh trai, hai anh em ông lặn lội làm ra những chai tương ớt bán cho các cửa hàng chạp phô rồi lần hồi tạo được uy tín từ khách hàng cho cái hương vị đặc biệt mà nó có. Nhưng cái số phận của chai tương ớt gắn liền với cuộc ra đi của gia đình ông vào năm 1978 trong những chuyến đi mang tên “bán chính thức” dành cho người Hoa đóng vàng vượt biên sang Hong Kong hay bất cứ xứ sở nào mà họ chọn. Chiếc tàu mang tên Huey Fong chở gia đình ông Trần sang Hong Kong và từ đó sang Mỹ đã gợi ý cho cái tên Huy Fong trên chai tương ớt bây giờ. Sinh năm Dậu nên ông Trần chọn con Gà Trống làm nhãn hiệu, cho thấy sự đơn sơ của một người chỉ biết nhắm vào những điều đơn giản và gần gũi. Cái chữ Sriracha không phải là ý muốn của ông khi chai tương ớt đầu tiên rao bán cho các quán phở chung quanh khu Bolsa nơi những tiệm phở, nhà hàng người Việt nhen nhúm mọc lên. Theo lời ông kể, lúc ấy Việt Nam chưa bang giao với Mỹ và mọi thứ hàng hóa đều nhập khẩu từ Thái Lan nên ông phải chọn chữ Sriracha cho hợp với thực tế lúc ấy. Tuy nhiên, ông không giải thích tại sao lại là Sriracha, nơi mà người Thái làm tương ớt trước ông nhiều thập niên và đến bây giờ họ vẫn còn giữ cái chất liệu trăm năm không đổi ấy. Làm sao ông Trần ngờ được người Việt và rồi nhiều sắc dân khác ở Mỹ thích thú món tương ớt của ông đến nỗi phát rồ khi nó bị trục trặc nguyên liệu buộc phải ngưng sản xuất trong ngắn hạn. Thứ tương này rất kén ớt, nó chỉ được làm từ trái ớt Jalapeno khi chín đỏ, còn mọi loại ớt khác có đầy ở Mỹ cũng vô dụng. Trong đại dịch Covid, nhiều nông trại trồng loại ớt này bị thất mùa, một phần do thời tiết, một phần do thiếu công nhân nên số lượng tụt giảm. Trái ớt đỏ Jalapeno đã tạo thành một cuộc “khủng hoảng” nho nhỏ trong lĩnh vực ẩm thực. Khi hãng Huy Fong gửi thư đi các công ty đối tác cho biết hãng phải tạm ngưng sản xuất vì khan hiếm ớt, ngay lập tức người ta đua nhau mua những chai tương ớt về cất để dùng dần. Costco, nơi thu mua ớt Con Gà nhiều nhất cũng hết sạch chỉ sau vài ngày. Nhiều nhà hàng Mỹ đưa tương Con Gà ra trong một cái chung nhỏ thay vì để nguyên chai trên bàn cho thực khác. Quán phở là nơi gặp khó khăn vì thiếu tương ớt nhiều nhất vì thực khách đã quen với hương vị tương ớt Huy Fong nên thay vào thứ gì cũng bị chất vấn! Một đầu bếp Mỹ khoe món cánh gà chiên ướp bằng tương ớt Con Gà của Huy Phong Foods (ảnh: Matt West/MediaNews Group/Boston Herald via Getty Images) Amazon cũng không ngoại lệ, giá một chai Huy Fong vọt lên gấp hai mươi lần. Walmart, chuỗi của hàng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ cho biết tương ớt Huy Fong được bán với giá $80 nhưng hết hàng… Người Việt nhìn nhau tự hỏi làm sao mà cái chai tương này nổi tiếng đến như vậy? Nếu biết được sự nổi tiếng ấy xuất phát từ triết lý kinh doanh của ông chủ Huy Fong thì sự ngạc nhiên chắc sẽ còn tăng hơn nữa. Ông Trần khẳng định: “Hương vị của Huy Fong dành cho người giàu nhưng cái giá để mua nó thì dành cho người nghèo”. Không đơn giản chút nào. Phải yêu mến sản phẩm của mình như đứa con mang nặng đẻ đau mới nghĩ ra cái triết lý thông minh nhưng đầy thử thách như vậy. Thông thường, một sản phẩm bán chạy như Huy Fong thì không chóng thì chầy phải kiếm cách tăng giá. Giá có cao thì lợi nhuận mới tăng và với công suất sản xuất mỗi năm lên đến hàng trăm triệu chai thì doanh thu sẽ tăng tới mức nào. Nhưng không, ông Trần khẳng định khi còn ở Việt Nam ông cũng dư giả, rồi khi sang tới Mỹ cơ hội làm ăn thuận chèo mát mái, không gặp bất cứ vấn đề về tài chánh nào thì không cần tăng giá bán. Thật là khó tin nếu biết chai tương ớt Con Gà suốt 38 năm liền vẫn giữ cái giá thuở ban đầu xuất hiện bởi chủ nhân của nó muốn ngày càng có nhiều người biết tới và yêu mến nó. Tính cách kinh doanh khác thường của Huy Fong vô tình làm trở ngại cho bất cứ công ty nào muốn cạnh tranh với nó, vì với cái giá của 38 năm về trước không có bất cứ một công ty nào dù lớn tới đâu cũng không thể đọ sức. Theo số liệu chính thức của Phòng Thương mại Hoa kỳ thì tương ớt Huy Fong đứng thứ ba trên toàn nước Mỹ chỉ sau hai tập đoàn sản xuất tương ớt khác là Tabasco và Frank. Chưa hết, tại Mỹ cứ 10 gia đình thì có một gia đình dùng tương ớt Con Gà trên bàn ăn của họ! Nếu biết được ngay trên trạm vũ trụ Survival cũng có tương ớt cho phi hành gia thì chúng ta nghĩ sao? Chỉ có thể nói: Tự hào. Niềm tự hào này xứng đáng vì David Trần sinh năm 1945 tại Sóc Trăng chứ không phải là người được sinh ra bên ngoài Việt Nam. Ông chia sẻ số phận của người Việt tỵ nạn và từ đó biết rõ sự nghèo nàn, lạc hậu và đói nghèo đối với một con người, một tập thể và nhất là một quốc gia như thế nào. Chai tương ớt hiệu Con Gà mà ông mang vào nước Mỹ đã góp phần giới thiệu nền ẩm thực Việt Nam cho hàng triệu người. Ông không bước lên bục để nhận chiếc cúp vàng cho thành quả kinh doanh của mình nhưng sự kinh doanh của ông đã nói lên tấm lòng của một người tỵ nạn dành cho quê hương xa xôi của mình, cho những đồng bào tha hương xa xứ như ông./.    
......

Thánh lễ thắp nến cầu nguyện cho anh Phê Rô Bùi Tuấn Lâm tại Đào Viên - Đài Loan

linh mục Phêrô Nguyễn-Văn-Hùng.  Nguyễn Văn Hùng Cộng Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Đào Viên đã Thắp Nến Cầu Nguyện cho Tù Nhân Lương Tâm (TNLT) Việt Nam; đặc biệt cho anh Phêrô Bùi Tuấn Lâm vào tối ngày Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Lên Trời lúc 6:30 ngày 21 tháng 5 năm 2023 tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đào Viên. Chủ tế trong thánh lễ là linh mục Phêrô Nguyễn-Văn-Hùng.   Nhà thờ đã chật kín các anh chị em công nhân lao động và di dân Việt Nam. Giây phút linh thiêng nhất trong tuần, khi anh chị em tụ họp nhau trong đức tin để thờ phượng Chúa và múc lấy ân phúc cho đời sống tâm linh.   Trong bài giảng, linh mục chủ tế đã chia xẻ với cộng đoàn về ý nghĩa của sự kiện Chúa Giêsu Lên Trời. Là Chi Thể của Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, chúng ta hy vọng, sẽ được Lên Trời với Ngài. Nước Trời là nơi chúng ta sẽ đến nếu chúng ta “sống mệnh lệnh Ngài truyền cho chúng ta”. Và Nước Trời phải được độc hưởng mà phải chia xẻ, nên cần hoàn thành sứ mạng “loan báo Tin Mừng” Ngài truyền lại cho các Môn Đệ.   Các Môn Đệ đã được Thiên Thần nhắc nhở “sao anh em cứ đứng mà nhìn lên Trời”, các môn đệ phải xuống núi và loan truyền Lời Chúa theo lệnh truyền, chúng ta nhớ đến các TNLT tại Việt Nam; trong số đó có rất nhiều tín hữu Công Giáo như thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, anh Lê Đình Lượng, chị Trần Thị Xuân, em Nguyễn Văn Hóa, v.v…, họ đã can đảm lên tiếng đấu tranh cho công lý, công bằng, nhân quyền, nhân phẩm cho người Việt Nam. Họ bị đi tù vì “yêu nước”. Theo thông tin chị Lê Thanh Lâm, vợ anh Bùi Tuấn Lâm, ngày mai 25/5 lúc 7:30 sáng, nhà cầm quyền csVN sẽ anh Phêrô Bùi Tuấn Lâm ra tòa án thành phố Đà Nẵng xét xử. Tội danh mà nhà bị nước csVN cáo buộc vi phạm điểm a, b Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự với mức án từ 5 năm đến 12 năm.   Nghe qua đoạn video anh tự mình ghi hình lại trước khi bị bắt, cho thấy công an, an ninh nhà nước cs Việt Nam thực thi quyền lực “hèn với giặc, ác với dân!”   Trong cơn “đại nạn” của đất nước hôm nay, những lời cầu nguyện đã được đọc lên trong 1 không gian tĩnh lặng, với các ánh nến lung linh, xin Thiên Chúa đón nhận như:   1.CẦU NGUYỆN CHO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước…. Vì anh em không thuộc về thế gian…”. Lạy Chúa, người dân VN chúng con đang sống trong một xã hội mà tự do tôn giáo bị cấm đoán một cách tinh vi. Sinh hoạt tôn giáo bị khống chế bởi luật pháp và công an trị. Các cơ sở tôn giáo bị cưỡng đoạt, các linh mục, giáo dân bị sách nhiễu đang khi dâng-dự Thánh Lễ, bị đánh đập, bắt bớ, bôi nhọ xuyên tạc. Xin cho Giáo Hội trung kiên với Tin Mừng; không tìm kiếm yên ổn, lợi lộc thế gian mà tìm kiếm sự dể dãi, a dua với cái ác và làm gương xấu. Xin cho Giáo Hội luôn trung kiên để vượt qua những gian nan thử thách; đặc biệt là GP Vinh đang bị nhũng loạn bởi quyền lực của thế quyền tham danh, hám lợi của các đấng bậc trong giáo phận. Xin khai lòng, mở trí để họ nhận biết sai lầm mà hối lỗi trở về!   2.CẦU CHO CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH “Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”. Chúng con, những người công nhân tha hương cầu thực, khi nhìn về quê hương thấy biết bao cảnh bất công: đàn áp, bắt bớ, đánh đập và tù đày những người lên tiếng cho biển đảo, tự do, dân chủ. Chúng con cầu nguyện cho các anh chị em đang là tù nhân lương tâm bị giam cầm với những bản án đi tù vì “yêu quê hương”. Xin thêm sức mạnh, ý chí và lòng bền vững cho các anh chị. Xin ủi an gia đình của họ. Xin giúp chúng con biết hiệp thông và thao thức trong hành động. Để Việt Nam sớm có được công lý và hòa bình. Xin Chúa tác động những ngườ cộng sản Việt Nam, biết từ bỏ sự sợ hãi của sự thay đổi. Đánh động tâm hồn những người dấn thân cho công lý biết tha thứ để có những đổi thay trong tin yêu để tự do, dân chủ và công bằng sẽ sớm đến trên quê mẹ Việt Nam.   3.CẦU NGUYỆN ANH BÙI TUẤN LÂM “Khi anh em dùng danh Thầy mà cầu xin cùng Cha, Người sẽ ban cho anh em”. Lạy chúa, anh Bùi Tuấn Lâm đã bị bắt và sẽ bị đưa ra tòa án xét xử ngày 25/5 tại tòa án thành phố Đà Nẵng. Trong cuộc sống anh là người chồng tốt, người cha yêu thương con cái và 1 người công dân có trách nhiệm. Anh đã tham gia và lên tiếng trong các cuộc tuần hành bảo vệ biển đảo, tranh đấu công bằng cho các nạn nhân thảm trạng môi trường Formosa. Anh luôn mang trên mình cổ tràng Chuổi Mân Côi và xác tín đức tin vào Chúa và lòng yêu thương con người. Nhân danh Chúa Giesu Kitô, chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nếu là Thánh Ý và đẹp lòng Chúa, xin giải thoát anh khỏi nanh vuốt ma vương của phiên tòa “bỏ túi”. Nếu Chúa muốn anh là Chứng Nhân, xin gìn giữ che chở anh. Cho anh sự khôn ngoan và lòng dũng cảm làm chứng cho Chúa tại phiên tòa bỏ túi và sau đó. Xin Chúa cũng tiếp sức cho vợ và các con của anh. Xin ban cho chị và các con nhiều sức khỏe, bình an. Xin cho chúng con luôn hiệp thông trong kinh nguyện và đồng hành với gia đinh anh chị Phêrô Bùi Tuấn Lâm.   4.CẦU NGUYỆN CHO GIỚI TRẺ QUAN TÂM TỚI VẬN MỆNH ĐẤT NƯỚC “Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian.” Lạy Chúa, xin giúp tuổi trẻ Việt Nam nhận thức căn tính Kitô hữu là những người được Chúa chọn. Chúng con nhận ra trách nhiệm làm chứng cho Chúa bằng cách biết xa lánh cám dỗ của vật chất, đi tìm sự “an thường thủ phận”, không quan tâm đến những sự an nguy của Tổ Quốc.   Xin cho mỗi người trẻ thức tỉnh trước những lời tuyên truyền tinh vi, giả dối của nhà cầm quyền độc tài cs Việt Nam. Họ đã và đang chỉ quan tâm đến sự tồn tại của đảng mà cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, cai trị tàn phá quê hương. Bài hát “Kinh Hòa Bình” đã được cất lên, cả cộng đoàn đã cất cao lời cầu trong sự sốt sắng và tin tưởng, Thiên Chúa đã làm “phép lạ” khi Chúa Giê su con của Ngài, bị bắt, đánh đập, giết chết và sau 3 ngày Ngài sống lại và Lên Trời.   Tre Việt      
......

Hội thảo ‘Tự Do Internet tại Việt Nam’ tìm cách giúp giới trẻ trong nước đấu tranh

Các diễn giả tham gia hội thảo “Tự Do Internet tại Việt Nam,” tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove, Nam California. Ảnh: Lâm Hoài Thạch/ Người Việt Lâm Hoài Thạch - Người Việt “Tự Do Internet tại Việt Nam,” qua hình thức Internet Freedom Roundtable (Bàn tròn Tự do Internet), do các thành viên Mạng Lưới Đồng Hành và Thanh Niên Phan Bội Châu Hải Ngoại tổ chức vào chiều Thứ Bảy, 20 Tháng Năm, tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove, là một diễn đàn giúp giới trẻ trong nước đấu tranh. Tiến Sĩ Duyên Bùi, thành viên ban tổ chức, cho biết: “Tôi là một trong những thành viên của Mạng Lưới Đồng Hành, cùng nhiều đoàn thể thanh niên Việt Nam tại hải ngoại khác, ủng hộ sự đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Đồng tổ chức với chúng tôi hôm nay có Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, Nam California. Đặc biệt buổi tổ chức này là hoàn toàn bàn luận về Tự Do Internet tại Việt Nam.” “Chúng tôi luôn nhắm đến giới trẻ từ bậc trung học đến đại học, để họ có thể hiểu biết thêm về tình hình của Việt Nam như thế nào. Nhưng lâu rồi chúng tôi chưa được gặp lại nhau, kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến bây giờ. Vì thế, đây cũng là cơ hội cho giới trẻ hải ngoại được gặp nhau để bàn luận về đề tài này,” cô Duyên Bùi cho biết thêm. Một số diễn giả nêu lên những trở ngại của những nhà đấu tranh ở trong nước gặp phải. Các diễn giả đưa ra những ý kiến, nhằm có thể tránh khỏi sự để ý của nhân viên kiểm soát, theo dõi những hành vi mà những nhà đấu tranh từ hải ngoại về nước để hoạt động, đồng thời cũng nêu lên một vài phương pháp để giúp cho những người đấu tranh trong nước tránh được sự bắt bớ của nhà cầm quyền CSVN. Diễn giả TS Duyên Bùi phát biểu tại hội thảo “Tự Do Internet tại Việt Nam.” Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt Luật Sư Nguyễn Văn Đài là nạn nhân của sự đàn áp đó từ trong nước cho đến khi ông được định cư tại nước Đức. Ông là một diễn giả của hội thảo. Ông kể: “Năm 2020, chính quyền độc tài CSVN đã gây áp lực với chính phủ Đức. Phía Việt Nam yêu cầu Đức phải có biện pháp để tôi không được sử dụng mạng xã hội lên án chính quyền CSVN vi phạm nhân quyền và cổ xúy cho tự do và dân chủ tại Việt Nam. Nhưng chính phủ Đức đã từ chối.” “Sau đó, chính quyền Việt Nam đã kích động những người ủng hộ họ để đe dọa tôi. Năm 2021, một người Việt ở Na Uy đã treo giải thưởng $100,000 cho ai giết được tôi. Kết quả, cảnh sát Đức đã khởi tố vụ án và yêu cầu cảnh sát Na Uy thẩm vấn người này. Viện Công Tố Đức đang điều tra, vì hằng ngày, tôi nhận được hàng chục tin nhắn bình luận đe dọa từ Việt Nam,” Luật Sư Đài nói thêm. Diễn giả Chris Nguyễn phát biểu. Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt Nói về sự bất đồng chính kiến trên các mạng xã hội, Luật Sư Nguyễn Văn Đài cho biết: “Chính quyền độc tài CSVN coi truyền thông có ý nghĩa quyết định tới sự tồn vong của họ. Bởi vậy chính quyền này đã độc quyền truyền thông như truyền hình, phát thanh, các loại hình báo chí, và cấm phát hành báo chí tư nhân.” “Họ có nhiều cơ quan để quản lý và giám sát các cơ quan truyền thông, gồm có Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Cục An Ninh Mạng của Bộ Công An, và Cục Tác Chiến An Ninh Mạng của Bộ Quốc Phòng,” Luật Sư Đài cho biết thêm. Theo Luật Sư Đài, từ khi có mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter,… thì chính quyền CSVN không còn được độc quyền tuyệt đối trên truyền thông. Bởi vậy, năm 2018, họ đã ban hành luật an ninh mạng để kiểm soát các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội và người dân. Trong bốn năm qua, chính quyền CSVN đã thực hiện nhiều biện pháp và hình thức khác nhau để đàn áp những người đối lập ở trong và ngoài nước sử dụng mạng xã hội. Anh Tâm Đoàn, thành viên ban tổ chức. Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt Theo diễn giả Duyên Bùi, “Giới trẻ ở hải ngoại thì dễ dàng chia sẻ những ý kiến của mình trên Internet để đấu tranh, nếu cần. Nhưng ở Việt Nam thì các nhà đấu tranh trên mạng luôn bị nhà cầm quyền Cộng Sản kiểm soát, đàn áp hoặc bắt bớ. Vì thế, những nhà đấu tranh trẻ ở hải ngoại có thể giúp đỡ những người đấu tranh trong nước qua nhiều hình thức, từ dễ dàng cho đến khó khăn.” Anh Tâm Đoàn, thành viên ban tổ chức, nói: “Tôi tham gia vào tổ chức Mạng Lưới Đồng Hành và Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu để học được thêm về lịch sử và văn hóa Việt Nam, đồng thời cùng tiếp tay với các anh chị em giới trẻ trong nước đang đấu tranh cho Việt Nam có nhân quyền, tự do và dân chủ.” Thành viên ban tổ chức hội thảo “Tự Do Internet tại Việt Nam.” Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt Ông Minh Nguyễn, một người tham dự, nói: “Giới trẻ ở hải ngoại đã thực hiện phong trào rất quan trọng, đó là đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam trong lãnh vực truyền thông trên Internet. Thế hệ của những bậc lớn tuổi tại hải ngoại từng tranh đấu để giới trẻ noi theo, nhưng có lẽ vì thời gian không cho phép chúng ta tiếp tục lâu dài, nên giới trẻ Việt Nam từ trong nước cũng như ở hải ngoại tiếp tục đấu tranh, đó là điều mà các con em của chúng ta cần phải làm.” Cô Thanh Lan, cư dân Anaheim, nói: “Giới trẻ Việt Nam không có tiếng nói mạnh mẽ khi họ muốn phát biểu những ý kiến cá nhân của họ, nhất là vấn đề nhạy cảm đối với chính quyền hiện tại trong nước đàn áp rất mạnh bạo sự đấu tranh này. Điều này rất là bất công đối với giới trẻ trong nước. Hy vọng buổi hội thảo này sẽ có nhiều lợi ích cho sự tranh đấu của tuổi trẻ trong nước.” Vợ chồng ông Minh Nguyễn tham dự hội thảo “Tự Do Internet tại Việt Nam” tổ chức tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove. Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt Nhạc sĩ Trúc Hồ, Tổng giám đốc đài truyền hình SBTN, nơi giúp cho buổi hội thảo này được loan tải trên toàn thế giới, nói: “SBTN lúc nào cũng chủ trương giúp giới trẻ Việt Nam, vì họ là tương lai của sự trường tồn của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Không riêng chúng tôi, mà cả cộng đồng người Việt hải ngoại phải yểm trợ cho giới trẻ được thành công về việc tranh đấu vì quê hương, dân tộc Việt Nam.” Sau phần hội luận, các diễn giả giải đáp những câu hỏi của đồng hương đến dự. Lâm Hoài Thạch Nguồn: Người Việt
......

Hội NVTNCS Mönchengladbach & phụ cận gởi tiền lạc quyên cho trẻ em mồ côi do chiến tranh ở Ukraine

Người Việt sống tại Mönchengladbach và vùng phụ cận đã nhờ Caritas chuyển số tiền 2.450€ lạc tuyên từ lễ hội Tết Quý Mão vừa qua cho trẻ em mất cha mẹ do chiến tranh ở Ukraina. Ông Nguyễn Văn Rị, hội trưởng Hội Người Việt tị nạn Cộng sản và Hội Công giáo Việt Nam tại Mönchengladbach đã trao tặng một ngân phiếu tượng trưng cho ông Frank Polixa, giám đốc điều hành của Caritasverband Region Mönchengladbach tại trụ sở của Caritasverband với sự hiện diện của cựu linh mục giáo xứ Mönchengladbach, ông Johannes van der Vorst. Ông Polixa sẽ chuyển số tiền này đến Caritas International. Ông Nguyễn Văn Rị sinh sống tại Mönchengladbach đã hơn 40 năm. Như nhiều người Việt khác, ông và gia đình là một trong những "Boat People" đã được nước Đức đón tị nạn sau cuộc vượt biển kinh hoàng. Ông bày tỏ: "Chúng tôi cảm ơn nước Đức, đặc biệt là thành phố Mönchengladbach, đã tiếp nhận người tị nạn Việt Nam và tạo điều kiện cho chúng tôi được sống tự do và hạnh phúc trên quê hương thứ hai này". Năm nay ông đã 70 tuổi, luôn tham gia vào các hoạt động giúp đỡ những người gặp khó khăn.   Những hình ảnh kinh hoàng về chiến tranh ở Ukraina đã gợi lại ký ức đau thương của ông và đồng hương. "Người Việt Nam chúng tôi cũng đã trải qua một cuộc chiến tranh đẫm máu", ông cho biết. Ông kể rằng, ông từng là một người lính chiến đấu để bảo vệ miền Nam Việt Nam trước sự xâm lăng của cộng sản miền Bắc Việt Nam. "Tôi đã bị thương hai lần do trúng bom, những người thân của tôi và anh em của tôi bị  cộng sản truy đuổi và giết hại", ông giải thích. Năm 1981, ông cùng gia đình đã chạy trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền, trôi dạt trên biển trong 6 ngày cùng với 95 người tị nạn khác. Trong hoàn cảnh nguy kịch nhất, họ đã được tàu "Cap Anamur" Đức cứu vớt.   "Đồng cảm với những người Ukraina đang chịu đựng những hậu quả của chiến tranh, chúng tôi thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ họ. Với khoản quyên góp này, chúng tôi muốn góp phần giảm bớt nỗi đau thương của họ", ông bày tỏ. Ông Nguyễn Văn Rị chính thức là công dân Đức từ năm 1991 và đã được trao tặng Huân chương Thập tự Liên bang(Bundesverdienstkreuz) cho sự tận tâm đóng góp của ông cho cộng đồng xã hội.   https://lokalklick.eu/2023/05/09/vietnamesische-gemeinde-spendet-2-450-euro-fuer-ukrainische-waisenkinder/  
......

Hãy cùng ký kiến nghị thư, kêu gọi thế giới công nhận Hoàng Sa thuộc Việt Nam

Việt Tân HÃY CÙNG KÝ KIẾN NGHỊ THƯ KÊU GỌI THẾ GIỚI CÔNG NHẬN HOÀNG SA THUỘC VIỆT NAM VÀ BẢO VỆ NGƯ DÂN VIỆT NAM Tài liệu lịch sử cho thấy, từ thế kỷ thứ 17 các triều đại vua Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Các sự kiện lịch sử cận đại cũng chứng minh các nước trên thế giới chưa bao giờ phủ nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời qua. Thế nhưng ngày 19 tháng 1 năm 1974, các lực lượng quân sự Trung Quốc đã tấn công hải quân Việt Nam Cộng Hòa, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Và kể từ đó Bắc Kinh không ngừng gia tăng bành trướng quân sự tại Biển Đông, tấn công, đánh cướp các ngư dân Việt Nam ngay trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong gần 50 năm qua, người dân Việt Nam chưa bao giờ chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc. Ngay từ những ngày đầu sau trận hải chiến Hoàng Sa cho đến nay, người Việt Nam trong và ngoài nước vẫn liên tục lên tiếng khẳng định chủ quyền của quốc gia và phản đối sự xâm chiếm của Trung Quốc. Hãy cùng góp tiếng nói của bạn bằng cách ký tên vào kiến nghị thư “Hoàng Sa Thuộc Việt Nam” để lên án Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình chung và kêu gọi thế giới có hành động để bảo vệ ngư dân ở Biển Đông. Kiến nghị thư sẽ được gửi đến các Lãnh đạo AUKUS và Quad, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Tổng Thư Ký Tòa Án Trọng Tài Thường Trực với hàng chục ngàn chữ ký chứng minh quyết tâm của dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục trước bạo lực. Để ký tên: - bạn bấm vào link của trang mạng: https://vietnameseparacels.org/ - nếu bị tường lửa không vào được trang mạng, bạn có thể ký tên qua Google Biểu Mẫu Hoàng Sa Thuộc Việt Nam: https://forms.gle/PxJGvyGVHGy6tSNJ6 Kính gửi: - Các Lãnh đạo AUKUS và Quad - Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres - Tổng Thư Ký Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Marcin Czepelak Ngày 19 tháng 1 năm 2024 đánh dấu 50 năm quân đội Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa  xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sự chiếm đóng bất hợp pháp này chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận và người dân Việt Nam cũng chưa bao giờ chấp nhận. Triều đại nhà Nguyễn đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, nằm ngoài khơi bờ biển phía đông của Việt Nam. Các đoàn thám hiểm chính thức và ngư dân Việt Nam thường xuyên ghé vào quần đảo này từ thời đó. Vào đầu thế kỷ 20, trong thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam đã cho quân đội chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Tại hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản năm 1951, đại diện của Quốc Gia Việt Nam đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1955, Việt Nam Cộng Hòa đóng quân tại đảo Hoàng Sa (Pattle), đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa, để xác nhận chủ quyền lãnh thổ của mình. Vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, các lực lượng quân sự Trung Quốc đã tấn công đơn vị đồn trú của Việt Nam và trong trận hải chiến sau đó, 74 sĩ quan và thủy thủ Việt Nam đã hy sinh. Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức phản đối lên Liên Hiệp Quốc, nhưng Bắc Kinh đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn sự việc được đưa ra tranh luận. Với kiến nghị thư này chúng tôi khẳng định: 1. Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tất cả các quốc gia thành viên phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và không thể sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới. 2. Việc Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa là mối đe dọa đối với hòa bình quốc tế, tự do hàng hải và ngư dân Việt Nam. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã sử dụng sự chiếm đóng quân sự của mình ở quần đảo Hoàng Sa để quấy rối ngư dân Việt Nam và giúp biện minh cho những yêu sách chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông. 3. Chính phủ Việt Nam hiện nay phải có những hành động cụ thể để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển lân cận, bao gồm: (i) lên án hành động chiếm đóng của Trung Quốc tại các cuộc họp của ASEAN và tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và (ii) đệ đơn kiện Bắc Kinh tại Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở The Hague. 4. Cộng đồng quốc tế có thể duy trì luật pháp quốc tế bằng cách công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thảo luận về vấn đề này trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và yêu cầu Trung Quốc ngừng quấy rối ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoặc vùng biển quốc tế. 5. Trong năm thập niên qua, người Việt Nam và những người ủng hộ luật pháp quốc tế đã liên tục lên án hành động xâm chiếm bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi sẵn sàng làm điều này trong năm thập niên nữa — cho đến khi quần đảo Hoàng Sa được trả về với đất mẹ. Trân trọng,  
......

Biểu Tình Ngày Quốc Hận lần thứ 48 trước Tổng lãnh sự Việt cộng tại Frankfurt

Tường Trình cuộc Biểu Tình Ngày Quốc Hận lần thứ 48 trước Tổng lãnh sự Việt cộng tại Frankfurt Sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch Vũ Hán, năm nay 2023 chúng ta tiếp tục dựng lại truyền thống tổ chức ngày Biểu Tình Ngày Quốc Hận 30.04 trước Tổng Lãnh Sự (TLS) Việt cộng tại thành phố Frankfurt (Kennedyallee 49, 60596 Frankfurt am Main). Hưởng ứng lời mời tham gia cuộc Biểu Tình Ngày Quốc Hận lần thứ 48 trước TLS Việt cộng; Ngày thứ bảy 29.04.2023 trước 12:00 giờ, thời tiết tốt các Đoàn Thể, Đồng Hương NVTN khắp nơi đã không quãn ngại đường xá xa xôi cùng tề tựu tại địa điểm biểu tình, trong cuộc Biểu Tình này có sự hiện diện của quý vị đại diện Hội NVTN tại Köln, Hội NVTN tại Wiesbaden, Cộng Đồng NVTD tại München, Hội VHPNVNTD tại Đức, Hội NVTNCS tại Odenwald, Tập thể Cựu Chiến Sĩ VNCH tại Đức, Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng tại Hòa Lan, Đại diện Vovinam-Việt Võ Đạo Vương Quốc Bĩ và Đức, Cộng Đồng NVTNCS tại Âu Châu, Ban Văn Vũ Điểm Sáng, quý Đồng Hương NVTN đến từ Thụy Sĩ, Pháp, Bĩ và Hòa Lan, Hanau, Mannheim, Giessen, Koblenz, vùng Rheinland Pfalz, Stuttgart và Frankfurt. Tất cả mọi người đã tề tựu và hợp nhau mỗi người một việc giúp BTC dựng lều, căng biểu ngữ, thiết kế âm thanh, đặc biệt là cùng nhau dựng một cột cờ tại địa điểm biểu tình. Đúng 14:00 giờ bắt đầu khai mạc cuộc biểu tình với nghi thức chào cờ mặc niệm truyền thống dưới cột cờ vàng thiêng liêng của Tổ Quốc. Sau phần nghi thức chào cờ mặc niệm và lời chào mừng khai mạc của đại diện Hội đoàn địa phương tại Frankfurt, là phần tham gia phát biểu của Đại diện tất cả các Tổ chức, Đoàn thể tham gia; xen kẻ sau những bài phát biểu, những tuyên cáo tố cáo tội ác Việt cộng từ ngày cướp miền nam tự do, là những thông cáo báo chí bằng Đức ngữ và những bản nhạc đấu tranh, những tiếng hô hào „đả đảo cộng sản VN“ „Menschenrechte für Việt Nam“ ... được cất lên vang dội sang cái hang ổ Việt cộng phía bên kia đường và trong cuộc biểu tình. Cuộc Biểu Tình năm nay cũng có sự tham gia phát biểu tố cáo tội ác Việt cộng (Vc) của những anh chị thuộc thế hệ thứ hai,thứ ba trong cộng đồng NVTN chúng ta tại Âu Châu. Đặc biệt lễ Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận năm nay 29.04.2023 cũng trùng vào ngày Lễ Giổ Tổ Hùng Vương, ban rổ chức cũng đã dành 1 phút để mặc niệm tưởng nhớ đến Tiền Nhân đã có công dựng nước và giữ nước.   Theo dự trù là sau cuộc biểu tình trước TLS Vc, thì đoàn Biểu Tình sẽ đi tuần hành vào phố chính, nhưng vì cùng ngày có một đoàn thể ngoại quốc xin phép tổ chức trước tại phố chính, nên BTC đã xin hủy bỏ phần tuần hành, mà thay thế vào đó là tổ chức một Buổi Hội Luận Tâm Đàm tại hội trường nhà thờ Katholische Gemeinde St. Lioba (Ben-Gurion-Ring 16A, 60437 Frankfurt am Main) để dùng cơm chiều và lúc 19:00 giờ khai mạc Buổi Hội Luận Tâm Đàm với diễn giả Giáo Sư Nguyễn Thanh Châu đến từ Wiesbaden và thảo luận về tình hình đất nước và sau đó là phần văn nghệ đấu tranh. Cuộc Hội luận được chấm dứt lúc 22:00 giờ cùng ngày. Mọi người chia tay ra về và hẹn sang năm tham dự một ngày lễ Quốc Hận tại Việt Nam. Qua cuộc biểu tình và hội luận vào ngày thứ bảy 29.04.2023 vừa qua, đã nêu cao tinh thần liên kết đấu tranh chống Việt cộng của cộng đồng NVTN khắp nơi tại vùng Trung Nam nước Đức và đồng bào trong các cộng đồng NVTN từ Bỉ,Pháp,Hòa Lan,Thụy Sĩ. Cuối cùng, thay mặt ban tổ chức chúng tôi chân thành cảm ơn Quý Đoàn thể, Quý Đồng hương đã hỗ trợ cho ban tổ chức chúng tôi về tinh thần, công sức và tài chánh trong cuộc biểu tình vừa qua, cũng như một buổi ăn chiều rất thịnh soạn và đầy đủ. Đặc biệt cảm ơn sự hỗ trợ của quý em, cháu thế hệ thứ hai thứ ba đã tham gia, hỗ trợ cho ban tỏ chức, cũng xin cảm ơn gia đình anh Nguyễn Tín đến từ Thụy Sĩ mặc dù phương tiện di chuyển bị hỏng, nhưng anh đã cố công thu lại những tấm hình trong cuộc biểu tình vừa qua để phân tán đến cộng đồng NVTN chúng ta. (xin xem links đính kèm), tiếp đến là thành kính cảm ơn Giáo Sư Nguyễn Thanh Châu đã ngoài 100 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn đã cùng đến buổi hội luận để diễn thuyết đề tài ngày Quốc Hận và tâm đàm với NVTN chúng ta trong bầu không khí rất thân tình. Trong lúc lo chuẩn bị tổ chức cuộc biểu tình vừa qua,nếu có gì sơ xuất, mong Quý vị niệm tình thứ lỗi. Kính tường trình. TM. Ban Tổ Chức Võ Hùng Sơn  
......

Viết cho các em dư luận viên…“yêu vấu“!

Huỳnh T. Thanh Nhàn   Năm nào cũng vậy, cứ hễ gần 30 Tháng Tư là ban Tuyên giáo lại xua các em đi khắp ngã, đến từng trang cộng đồng, trang cá nhân của anh em dân chủ, chỉ để làm 1 công việc duy nhất là chọc quê, phá đám, xả rác rưởi trên trang của người khác. Và các em cần mẫn làm chuyện ấy trong vô thức.   Tuyệt nhiên, các em không có 1 tí gì là lý luận để biết mình nói vậy, nhận định vậy có đúng sự thật không, có vi phạm đạo đức làm người không, có tự hạ giá trị nhân văn của chính mình không. Tôi thấy tội nghiệp các em, chỉ vì tiền mà các em để ban Tuyên giáo sai các em làm con rối rẻ tiền! Hôm nay, tôi muốn nói một lần cho ra lẽ những từ mà các em hay dùng.   Ngoài những từ mà các em thường sử dụng như: Khát nước - Đu càng - Tộc Nail,... đặc biệt các em còn luôn sẵn sàng buông ra những tiếng chửi thề, những từ ngữ tục tĩu khó chấp nhận được từ miệng một người tử tế. Chửi người khác, khinh thường người khác nhưng không tự biết mình đang bước xuống vị trí rất thấp trong mức thang nhân văn khi làm vậy. Tôi thấy các em thật đáng thương và tôi muốn nói với các em 1 lần về những từ mà các em muốn đổ lên đầu người khác.   “KHÁT NƯỚC”   Khi các em hỏi ai đó “Khát nước không?” các em muốn ám chỉ họ là người mất nước, là vô tổ quốc. Cái đó còn tùy các em nghĩ thế nào là tổ quốc.   Thế giới bây giờ nhỏ lắm, con người di chuyển không ngừng giữa các lục địa. Em ở đâu, tôi ở đâu không thành vấn đề. Tổ quốc của em, tổ quốc của tôi chính là cái cội nguồn, là dòng máu, là tấm lòng của tôi, của em đối với tổ quốc. Chừng nào mà mình thấy mình có trách nhiệm đóng góp cho sự tồn vong của tổ quốc, thì mình xứng đáng là con dân của tổ quốc đó!   Hãy nhớ cho rằng tổ quốc là một trạng thái mà chính cá nhân đó cảm nhận được chứ không phải là điều gì mà em hay ai khác ban bố cho. Các em không có quyền gì với người khác về tổ quốc của họ! Vậy nên nói người này “khát nước” người kia “khát nước” là nói xàm em nhé!   Có biết bao người đang ở trong nước mà phá hoại đất nước dưới nhiều hình thức? Lại có biết bao người Việt dù xa xứ nhưng vẫn gửi những đồng tiền cực khổ của họ về giúp đỡ đồng hương ở quê nhà. Ai là người xứng đáng để có một tổ quốc hơn?   “ĐU CÀNG”   Hình ảnh đoàn người di tản kéo nhau lên chiếc trực thăng đậu trên nóc toà lãnh sự Mỹ để di tản trong ngày 30 Tháng Tư, 1975 là một hình ảnh đáng xấu hổ cho CS Bắc Việt lúc đó. Tại sao khi quân Bắc Việt vào, người dân không vui mừng ở lại chào đón mà vội vã ra đi, đến phải chen nhau bám lấy chiếc trực thăng. Xấu hổ không?   Ban Tuyên giáo không thấy xấu hổ để mớm cho các em dùng những từ này đi chế giễu người khác, thì thật ra họ đang tự vả vào mặt họ đấy! Các em nhắm mắt dùng thì tự các em cũng đang vả vào mặt mình các em biết không?   “TỘC NAIL” - “DŨA MÓNG”   Có lẽ không một ngành nghề nào mà đã đổ tiền nhiều nhất và sớm nhất về cho bà con trong nước sau năm 75 đấy các em.   Vào thập niên 80’ đất nước kiệt quệ vì bị cấm vận, có lẽ tiền từ “tộc Nail” là nguồn ngoại tệ duy nhất đổ vào Việt Nam để bà con đỡ phải ăn bo bo, húp cháo. Gia đình có Việt kiều ở hải ngoại là đầu vào của kiều hối, rồi từ đó kiều hối được phân tán dần qua các dịch vụ trao đổi, buôn bán,... qua nhiều ngõ ngách, nó đã chảy vào túi của các em đấy! Một cách gián tiếp, các em có ăn ké thì làm ơn đừng coi khinh người cho các em miếng ăn. Như vậy vô ơn lắm!   Mà nói thật nha, “dũa móng” thì đã sao? “Tộc nail” dùng sức lao động đổi lấy miếng cơm một cách lương thiện. Họ không khinh người, họ không chửi rủa, thù hằn ai, họ dành dụm tiền gửi về nước với một số lượng lớn, cần mẫn, đều đặn. Số kiều hối này không ít đâu. Nếu họ ngưng gửi, gia đình họ sẽ đói và các em cũng đói lây! So với họ về tiền bạc chưa chắc các em đã kiếm được nhiều tiền bằng họ, so về nhân cách sống thì các em không bằng họ đâu nhé!   Một điều mà các em không thể ngờ là chính người Việt tị nạn đã nâng ngành nail lên thành 1 kỹ nghệ có tầm vóc với nhiều hãng xưởng, nhiều cơ sở dịch vụ khắp nước Mỹ và nay lan qua cả Âu,Á châu. Tất cả doanh nghiệp này hầu như nằm trong tay của người Việt. Lợi nhuận mà họ tạo ra đóng góp vào nền kinh tế Mỹ không ít đâu. Đây là một sự thành công của người Việt mà các dân tộc khác cũng phải ngã mũ, không đáng hãnh diện hay sao?   VÀI LỜI VỚI BAN TUYÊN GIÁO   Nói với các em dư luận viên mà không nói tới ban tuyên giáo là một sự thiếu sót lớn.   Bởi vì chính quý vị đã xui đám trẻ nhỏ đi “đánh trận” mà không trang bị cho các em ấy bất cứ một luận cứ hợp lý nào để mà đi tuyên vận. Để các em ấy nói những lời ngây ngô, vô nghĩa, thù hận, chửi tục,... cho thấy quý vị cũng chẳng biết tuyên vận là phải làm gì. Cái gì đúng, cái gì sai quí vị cũng chẳng hiểu i tờ gì ráo, chỉ giỏi xúi trẻ ăn c.’t gà là hay thôi.   Tôi khinh quý vị!    
......

Sinh hoạt 30/4 của người Việt tự do tại Berlin, Đức quốc

Nguyen Phan   Đúng 12 giờ trưa ngày 29 tháng Tư, 2023 phần một trong bốn phần của ngày sinh hoạt 30/4 của người Việt yêu tự do tại CHLB Đức đã bắt đầu trước đại sứ quán CSVN bằng nghi thức chào cờ Đức – Việt và phút mặc niệm công đức tiền nhân, nạn nhân cộng sản. Khoảng 100 tham dự viên gặp nhau tay bắt mặt mừng vì vẫn còn gặp mặt nhau được trong những buổi biểu tình thế này. Bà bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Ngưòi Việt Tị Nạn (NVTN) tại CHLB Đức mở đầu ngày sinh họat với lời chào mừng và cám ơn đại diện các hội đoàn và tham dự viên hiện diện. Bà sơ lược về biến cố 30/4 đã dìm đất nước vào bao tai họa liên quan đến số phận hàng chục triệu gia đình và ý nghĩa của ngày bắt đầu thảm họa cho cả nước này. Ông Nguyễn Thế Bảo, chủ tịch Hội NVTN tại Nürnberg và vùng phụ cận bằng giọng nói hùng hồn đã lên tiếng tố cáo tội ác của chế độ CSVN và chính sách trả thù dân miền Nam thay vì thực hiện chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc như họ vẫn tuyên truyền cho đến tận bây giờ. Ông Nguyễn Thành Văn đại diện Ủy Ban Điều Hợp Các Công Tác tại CHLB Đức tiếp lời hai vị phát biểu trước. Ông tố cáo CSVN dùng chính sách dùng vũ lực của công an, nhà tù và tòa án để đàn áp mọi tiếng nói phản biện của dân. Đồng thời ông tố cáo CSVN không lên tiếng khi Trung Cộng chiếm một phần quần đảo Trường Sa cũng nhưng độc chiếm Biển Đông. Ông Nguyễn Đình Phúc, Hội Trưởng Hội NVTN Cộng Sản tại Hamburg phát biểu bằng Đức ngữ về ý nghĩ ngày 30/4. Cuối cùng, đặc biệt anh Lê Đình Hiếu, con trai tù nhân lương tâm đang bị CSVN giam cầm với bản án nặng nề 20 năm, đã được mời lên phát biểu. Anh cám ơn các cộng đồng người Việt khắp nơi sau 48 năm vẫn quan tâm đến đất nước và những người đấu tranh cho nhân quyền trong nước, đã quan tâm đến và hỗ trợ gia đình anh và những TNLT Việt Nam khác. Xen kẽ giữa những phát biểu là những bản hùng ca với thiết bị âm thanh tuyệt vời do anh Phan Đình Vĩnh Điệp đảm trách như „Hãy lên tiếng“, „Việt Nam Quê Hương ngạo nghễ“ Suốt gần 1 giờ biểu tình trời rỉ rả mưa phùn. 12°C tuy không lạnh lắm nhưng những cơn gió khá mạnh đủ là run người đối với những ai mặc không đủ ấm. Sau gần 1 giờ biểu tình, ban tổ chức nhanh chóng thu dọn các phương tiện như băng rôn, giàn âm thanh để đến mục tiêu kế tiếp. Trước tòa đại sứ Trung Cộng (TC) Năm nay đoàn biểu tình được cảnh sát an bài vị trí sát cổng chính của ĐSQ TC. Lúc này đoàn biểu tình đông hơn trước vì một số tham dự viên đến trẽ do đường đi quá xa. Địa điểm sát trên cầu bắt ngang dòng sông Spree của Berlin. Gió mạnh hơn các nơi khác. Rừng cờ vàng bay phất phới trông rất đẹp mắt thu hút khách bộ hành hơn dù ở đâu không nhiều người qua lại. Lúc này trời đã tạnh mưa. BS Mỹ Lâm lên tiếng tố cáo chính sách bành trướng của TC sau nghi thức khai mạc. Bà phát biểu bằng tiếng Đức, nói về nền kinh tế TC đang hiện diện và chi phối nhiều sinh hoạt kinh tế và đời sống người dân Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Bảo cũng có bài phát biểu bằng tiếng Đức, tố cáo những tham vọng bá quyền của TC không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp thế giới. Ngoài ra còn có sự lên tiếng bằng tiếng Đức từ đại diện Hội NVTN CS tại Bremen mà ông Trần Văn Các là đại diện. Các tham dự viên chia nhau cầm cờ, biểu ngữ và đứng rất có trật tự theo sự sắp xếp của ban tổ chức. Trước cổng ĐSQ TC đã vang lên âm thanh của khẩu hiệu song ngữ đòi TC trả lại Hoàng Trường Sa cho Việt Nam và cút khỏi Biển Đông, tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam ... Và dĩ nhiên không thể thiếu những bài hùng ca. Trước Cổng Brandenburger Tor Phần thứ ba của chương trình diễn ra trên quãng trường Pariser Platz trước Brandenburger Tor như từ nhiều năm trước và bắt đầu khoảng 15g30. Sau nghi thức thường lệ BS Mỹ Lâm đề cập đếm thảm trạng đất nước sau 48 năm bị CSVN cai trị bằng bàn tay sắt. Bà Fleischer đại diện Tổ Chức Ki Tô Hữu Chống Tra Tấn (ACAT) được mời lên máy vi âm nhắc nhở đến tội ác của các chế độ độc tài toàn trị như TC, VN nơi con người thường xuyên bị tra tấn. Ông Nguyễn Thế Bảo nói về việc CSVN đã để mất nhiều phần lãnh thổ ông cha Việt để lại về tay TC vì cần chỗ dựa để ĐCSVN có thể tồn tại. Ông tố cáo TC liên tục bắn giết ngư dân Việt ngay trên lãnh hải Việt Nam. Ông bày tỏ sự đoàn kết với các dân tội Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng đang bị TC cai trị, và cả với dân Đài Loan đang bị áp lực nặng nề từ Bắc Kinh. Đặc biệt, đại diện một tổ chức phi chính phủ (NGO) từ Đài Loan đã gửi thư đến ban tổ chức biểu tình, bày tỏ tình liên đới đến với người Việt tự do và chia sẻ những giá trị về dân chủ, nhân quyền. Sau đó đoàn người biểu tình được BTC hướng dẫn diễn hành quanh Pariser Platz trong tiếng nhạc của những bài hát đấu tranh, đặc biệt là bài nhạc mới "Hoàng Trường Sa mãi mãi là của ta“ và tiếng hô vang dội của khẩu hiệu tốc các tội ác của CSVN và đòi tự do, nhân quyền cho đất nước. Sau hơn một giờ sinh hoạt, đoàn người giải tán để đến địa điểm cuối cùng của ngày sinh hoạt: Nhà thờ Tin Lành Lukaskirche Khoảng 17g30 đã diễn ra nghi thức cầu nguyện Phật Giáo. Bà mục sư Mary Buteyn, phụ tá mục vụ giáo xứ giáo xứ St. Lukas, Berlin , người đã tạo điều kiện thuận tiện cho đoàn biểu tình tổ chức buổi sinh hoạt văn nghệ đấu tranh, đã hướng dẫn mọi người cầu nguyện theo nghi thức Tin Lành. Sau khi thắp nến trên bản đồ Việt Nam trong tiếng ca bài „Kinh hòa bình“, mọi người được mời dùng bánh mì bò kho rất ngon miệng do vợ chồng Huệ – Giang từ Pinneberg khoản đãi. Cư sĩ Trí Lực từ Thụy Điển đã mang theo hơn 20 quyển hồi ký của ông để phổ biến tại chỗ và dùng số tiền đó để úng hội BTC. Luật sư Nguyễn Văn Đài, người luôn năng nổ trong đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam, cũng là cựu TNLT, đang sống tại Đức cũng trước BTC mời lên chia sẻ ngắn về công việc đấu tranh của ông. BTC đã cho phát video lời chia sẻ của dân biểu Peter Heidt, dân biểu quốc hội Đức, Phát ngôn viên của đảng FDP về Nhân Quyền, thành viên Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Đức. Đọc thư của NGO Tổ Chức Pháp Lý Nam Hàn. Phần văn nghệ gồm nhiều tiết mục đặc sắc như bài thơ của Hòa Thượng Thích Quảng Độ do cư sĩ Thích Trí Lực diễn ngâm, của bà Bích Thủy, bài hát của ca nhạc sĩ Gabi Uhl, chủ tịch Tổ Chức Chống Án Tử Hình, Đức Quốc (bài „Don't give up“). Ca sĩ Thụy Uyển đảm nhận phần MC củng nhạc sĩ Cao Thình từ Hannover cống hiến những bài hát rất hay như „Nhận diện bản sắc“, „Chúng đi buôn“. Anh Vĩnh Điệp làm bừng bừng khí thế hội trường với bài „Con đường Việt Nam“ của nhạc sĩ lừng danh Việt Khang. Ngoài ra còn có lời chào mừng của ông Martin Patzelt, cựu dân biểu quốc hội Đức, cựu thành viên Ủy Ban Nhân Quyền QH Đức,người đã từng về Việt Nam thăm viếng thân nhân các TNLT mà vì lý do kỹ thuật nên BTC nhận trễ. Ngày sinh hoạt chấm dứt lúc 21g để lại nhiều lưu luyến trong lòng người tham dự. Mọi người hẹn nhau lần biểu tình tới./.  
......

Nhà văn Dương Thu Hương vừa được Viện Hàn Lâm Pháp trao giải thưởng CINO DEL DUCA 2023

Trang Nguyên   Ban giám khảo Giải Cino Del Duca vừa quyết định trao Giải thưởng Văn học Thế giới năm 2023, trị giá € 200,000, cho nhà văn Dương Thu Hương. Ban giám khảo Giải Cino Del Duca do bà Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký Thường trực của Viện Hàn lâm Pháp làm Chủ tịch, Ủy ban Quỹ Del Duca, do Xavier Darcos, Thủ tướng của Viện làm Chủ tịch, quyết định trao giải thưởng cho nhà văn Dương Thu Hương – tác giả cuốn “Chốn Vắng” (Terre des oublies), để tri ân một nhà văn lớn có tác phẩm và nhân cách cùng những thành tựu đặc biệt mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, được giải thưởng thế giới này công nhận.”, theo ViaBooks. Nhà văn Dương Thu Hương, 76 tuổi, rất nổi tiếng, cả ở Việt Nam, và ở ngoại quốc, và đặc biệt là ở Pháp, nơi từng xuất bản hàng chục tiểu thuyết, chủ yếu từ nhà xuất bản Sabine Wespieser, tất cả đều được dịch sang tiếng Pháp, từ “Terre des oublies” (2016), cuốn sách được đọc nhiều nhất của bà, đến “Eucalyptus Hills” (2014), “Au zénith” (2009). Theo ViaBooks, sách của bà mô tả cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam, sức nặng của quá khứ và truyền thống trong một xã hội được đánh dấu bởi các cuộc chiến tranh. Nhà văn Dương Thu Hương sinh ra tại tỉnh Thái Bình. Lúc 8 tuổi trong thời kỳ Cải cách ruộng đất, bà đi theo các đoàn học sinh để chứng kiến phong trào chia đất cho nông dân và tố cáo địa chủ. Năm 1967, bà tình nguyện tham gia Thanh niên xung phong, phong trào Tiếng hát át tiếng bom, phục vụ trong một đoàn văn công tại một trong những khu vực chiến tranh ác liệt nhất lúc đó: Bình Trị Thiên. Sau chiến tranh, trở ra Bắc, bà cầm bút viết văn và công tác trong ngành điện ảnh. Bà tham dự khóa đầu tiên Trường viết văn Nguyễn Du (1980). Nữ văn sĩ hiện đang sống tại Pháp, là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Bên kia bờ ảo vọng”, “Những thiên đường mù”… Những tác phẩm thể hiện sự bất mãn của bản thân bà đối với chế độ cộng sản. Năm 1994, tác phẩm của bà nhận được Huân chương Văn hóa Nghệ thuật Chevalier des Arts et des Lettres do Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Jacques Toubon trao tặng. Cuốn tiểu thuyết “Chốn vắng” của bà nằm trong danh sách đề cử giải Femina và nhận Giải thưởng lớn Độc giả của tạp chí Elle (Grand prix des lectrices de Elle) năm 2007. Nhà văn Dương Thu Hương được biết đến như một người từng có thời hết mực tận tụy với đảng Cộng sản Việt Nam và tự nhận là “thuộc thế hệ xẻ Trường Sơn đánh Mỹ”, nhưng trong lần trả lời phỏng vấn của The New York Public Library (live) ngày 30 Tháng Tư, 2006, bà nói: “Sau ngày 30 Tháng Tư, mọi người tràn vào Sài Gòn, những người phương bắc cười như điên dại, vì sung sướng. Riêng tôi, đối với mọi người, giống một con điên, vì họ thấy tôi khóc như cha chết. Tôi khóc vì cảm thấy cuộc chiến tranh là trò đùa của lịch sử, toàn bộ năng lượng của một dân tộc dồn vào sự phi lý, và đội quân thắng trận thuộc về một thể chế man rợ. Tôi cảm thấy tuổi trẻ của tôi mất đi một cách oan uổng, gieo vào tôi trạng thái hoang mang và cay đắng…” Hiện nay, các tác phẩm văn chương của nhà văn Dương Thu Hương bị cấm tại Việt Nam vì lý do chính trị. Bà cũng từng phải vào tù vì dám lên tiếng phát biểu phê phán việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam, phản đối độc quyền của Đảng Cộng sản. Tháng Tư năm 2006, nhà văn Dương Thu Hương được mời sang Paris và New York, dự một hội nghị Văn bút Quốc tế. Sau khi kết thúc chuyến đi, bà xin lưu trú tại Pháp. Nhà văn Dương Thu Hương, năm 2006. (ảnh: Pool ANDERSEN/GAILLARDE/Gamma-Rapho via Getty Images) Các tiểu thuyết của bà như: Hành trình ngày thơ ấu (bản tiếng Pháp được in với tựa Itinéraire d’enfance), năm 1985; Bên kia bờ ảo vọng (bản tiếng Pháp: Au-delà des illusions), năm 1987; Những thiên đường mù (bản tiếng Pháp: Paradis aveugles) năm 1988; Quãng đời đánh mất, năm 1989; Tiểu thuyết vô đề (còn có tên là Khải hoàn môn; bản tiếng Anh: Novel Without a Name);  Lưu ly (bản tiếng Anh: Memories of a Pure Spring, 1996; bản tiếng Pháp: Myosotis, 1998); Chốn vắng (bản tiếng Anh: No Man’s Land; bản tiếng Pháp: Terre des oublis), năm 2002; Đỉnh cao chói lọi (được dịch sang tiếng Pháp với tựa Au Zénith), năm 2009; Hậu cung của con tim (tên tiếng Pháp Sanctuaire du cœur), năm 2011; Đồi bạch đàn (tên tiếng Pháp Les Collines d’Eucalyptus), năm 2013. Tác giả Dương Thu Hương từng được Giáo sư Joseph Pivato, dạy môn Văn chương Anh ngữ tại Đại học Athabasca ở Alberta, Canada đề cử vào danh sách thẩm xét cho giải Nobel văn chương của năm 2009. Với giải thưởng văn học Cino del Duca do Simone Del Duca lập ra vào năm 1969, là Giải thưởng Thế giới tôn vinh sự nghiệp của tác giả người Pháp hoặc người ngoại quốc có tác phẩm cấu thành, dưới hình thức khoa học hoặc văn học, mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, mà nhà văn Dương Thu Hương vừa được nhận, có trị giá € 200,000 (tương đương gần $222,000) là giải thưởng văn học trị lớn (về hiện kim), chỉ sau giải thưởng Nobel. Giải thưởng sẽ được trao cho Dương Thu Hương dưới mái vòm của Institut de France trong buổi lễ long trọng tổ chức vào ngày 21 Tháng Sáu năm 2023. Năm 2022, nhà văn Nhật H.Murakami được trao giải thưởng này. Người Việt Nam đầu tiên được giải này, vào năm 2012, là Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn học, hiện giảng dạy tại Virginia University. *** DANH SÁCH CÁC NHÀ VĂN, NHÀ KHOA HỌC NHẬN GIẢI CINO DEL DUCA (NHÂN GIẢI CINO DEL DUCA 2023 ĐƯỢC TRAO CHO NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG) • 1969 : Konrad Lorenz, nhà động vật học và điểu học Áo • 1970 : Jean Anouilh, nhà soạn kịch Pháp • 1971 : Ignazio Silone, chính khách, nhà văn Ý • 1972 : Victor Weisskopf, nhà vật lý Áo-Hoa Kỳ • 1973 : Jean Guéhenno, nhà văn Pháp • 1974 : Andrei Sakharov, nhà vật lý hạt nhân Liên Xô • 1975 : Alejo Carpentier, nhà văn Cuba • 1976 : Lewis Mumford, nhà sử học Hoa Kỳ • 1977 : Germaine Tillion, nhà nhân học Pháp • 1978 : Léopold Sédar Senghor, nhà thơ, chính khách Senegal • 1979 : Jean Hamburger, nhà phẫu thuật và viết tiểu luận Pháp • 1980 : Jorge Luis Borges, nhà văn Argentina • 1981 : Ernst Jünger, nhà văn, nhà triết học, nhà côn trùng học Đức • 1982 : Yaşar Kemal, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ • 1983 : Jacques Ruffié, nhà văn, nhà giáo dục Pháp • 1984 : Georges Dumézil, nhà ngữ văn học so sánh Pháp • 1985 : William Styron, nhà tiểu thuyết Hoa Kỳ • 1986 : Thierry Maulnier, nhà văn Pháp • 1987 : Denis Burkitt, nhà giải phẫu Anh • 1988 : Henri Gouhier, nhà triết học và sử học Pháp • 1989 : Carlos Chagas Filho, nhà vật lý học và sinh học Brazil • 1990 : Jorge Amado, nhà tiểu thuyết Brazil • 1991 : Michel Jouvet, nhà nghiên cứu thần kinh Pháp • 1992 : Ismail Kadare, nhà văn Albania • 1993 : Robert Mallet, nhà thơ và nhà viết tiểu luận Pháp • 1994 : Yves Pouliquen, nhà nghiên cứu y khoa Pháp • 1995 : Yves Bonnefoy, nhà thơ và nhà viết tiểu luận Pháp • 1996 : Alain F. Carpentier, nhà phẫu thuật tim Pháp • 1997 : Václav Havel, nhà văn và chính khách Czech • 1998 : Vương Chấn Nghĩa, nhà sinh lý bệnh học Trung Quốc • 1999 : Henri Amouroux, nhà sử học Pháp • 2000 : Jean Leclant, nhà Ai Cập học Pháp • 2001 : Yvon Gattaz, nhà doanh nghiệp Pháp • 2002 : François Nourissier, nhà văn Pháp • 2003 : Nicole Le Douarin, nhà phôi học Pháp • 2004 : (không trao giải) • 2005 : Simon Leys, nhà văn Bỉ • 2006 : Jean Clair, nhà sử học, viết tiểu luận và nghệ thuật Pháp • 2007 : Mona Ozouf, nhà sử học và nhà văn Pháp • 2008 : Mario Vargas Llosa, nhà văn Peru và Tây Ban Nha • 2009 : Milan Kundera, nhà văn Pháp và Czech • 2010 : Patrick Modiano, nhà văn Pháp • 2011 : (không trao giải) • 2012 : Trịnh Xuân Thuận, nhà thiên văn học, nhà văn Việt-Pháp-Hoa Kỳ • 2013 : Robert Darnton, nhà sử học văn hóa Hoa Kỳ • 2014 : Andreï Makine, nhà văn Pháp • 2015 : Thomas W. Gaehtgens, nhà sử học Đức • 2016 : Sylvie Germain, nhà văn Pháp • 2017 : Benedetta Craveri, nhà văn Ý • 2018 : Philippe Jaccottet, nhà văn Thụy Sĩ • 2019 : Kamel Daoud, nhà văn Algeria • 2020 : Joyce Carol Oates, nhà văn Mỹ • 2021 : Maryse Condé, nhà văn Guadeloupe-Pháp • 2022 : Haruki Murakami, nhà văn Nhật Bản • 2023 : Dương Thu Hương, nhà văn Việt Nam    
......

London: Lễ giỗ tổ Hùng Vương và đại hội thường niên của Hội Thân Hữu Việt Tân Anh quốc

Tường trình bởi Anh Nguyễn – Thảo Trương. Chúa nhật, ngày 16 tháng 4 năm 2023, Hội thân hữu Việt Tân tại UK cùng với cơ sở Việt Tân Anh quốc tổ chức buổi lễ ghi ơn quốc tổ Hùng Vương, kết hợp với báo cáo Đại hội thường niên của Hội thân hữu VT tại Anh quốc. Sau giây phút chào cờ và mặc niệm, ông Hoàng Anh, phó chủ tịch Hội thân hữu VT tại UK thay mặt Ban tổ chức đọc văn tế lễ và dẫn dắt mọi người làm lễ bái quốc tổ. Nghi thức tế lễ tuy đơn sơ, giản dị nhưng đầy trang nghiêm thể hiện tinh thần thương nhớ nguồn cội của những người con Đất Việt, tuy lưu lạc trên khắp thế giới vẫn không quên tổ tiên mình. Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba Tiếp theo là bài báo cáo của Bà Kim Lê, chủ tịch Hội thân hữu VT UK, bà Kim Lê đã trân trọng ghi nhận sự đóng góp nhiệt tình của các thành viên của Hội thân hữu VT tại UK, mọi người đã hoạt động rất tích cực và đồng hành cùng cơ sở VT Anh quốc tại các sự kiện trong năm 2022 vừa qua như: buổi biểu tình ngày quốc hận 30/4, buổi biểu tình nhân ngày quốc tế Nhân quyền 10/12, các buổi cơm quây quỹ yểm trợ quốc nội, các buổi hội thảo, hội luận về tình hình VN trong bối cảnh chính trị thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, các diễn đàn thân hữu VT online cũng được mở ra với mục đích trao đổi, trò chuyện với nhiều diễn giả từ khắp nơi trên thế giới như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Úc , Mỹ, …. và kể cả diễn giả đến từ VN cũng được các thân hữu VT tại UK hưởng ứng nhiệt tình. Ngoài ra Hội Thân hữu VT tại UK cũng tham gia những công tác yểm trợ gia đình tù nhân lương tâm, những người đã hy sinh sự tự do của mình để lên tiếng phản đối sự bất công và đòi quyền tự do dân chủ cho người dân VN. Nhân sự kiện người dân Việt trên khắp thế giới cùng lên tiếng đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung cộng cưởng chiếm bằng vũ lực vào năm 1974 và 1988, ông Huy Phan, một diễn giả đến từ nước Mỹ đã chia sẻ nhiều kiến thức về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra Ông Huy cũng cho các bạn trẻ hiểu thêm về tội ác bán nước của Đảng cộng sản VN, quá trình chiếm đóng biển đảo HS-TS của Trung quốc. Ông Huy Phan cũng kêu gọi mọi người không chỉ dừng lại ở việc đòi lại chủ quyền biển đảo HS-TS cho VN mà còn nên đấu tranh nhằm ngăn chặn sự bành trướng lãnh thổ của TQ đối với VN. Đây cũng chính là mục tiêu chính của Đảng Việt Tân và những người yêu nước đã, đang và sẽ thực hiện. Sau khi nghe ông Huy Phan chia sẽ, tâm tình về tình hình biển đảo HS-TS, mọi người cùng  ký tên trên bản kêu gọi chủ quyền cho HS-TS do Đảng Việt Tân phát động. Kết thúc buổi lễ, quý thân hữu và đồng hương cùng nhau thưởng thức các món ăn VN do Ban tổ chức chuẩn bị và chụp hình lưu niệm trong không khí thân tình và ấm cúng. Tường trình bởi Anh Nguyễn – Thảo Trương.  
......

Chủ tịch đảng Việt Tân gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Đức

Ảnh: Chủ tịch đảng Việt Tân ông Lý Thái Hùng Việt Tân Trong những ngày cuối tuần vừa qua Chủ tịch đảng Việt Tân ông Lý Thái Hùng đã ghé đến thành phố Frankfurt để gặp gỡ và nói chuyện với các đảng viên, các thân hữu và đồng hương. Tuy thời tiết còn khá lạnh nhưng trong căn phòng ấm cúng tình đồng bào đã tạo được một bầu không khí phấn chấn, lạc quan và quyết tâm. Chủ tịch đảng Việt Tân gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Đức ngày 15.04.2023   Mở đầu phần thuyết trình về “Việt Nam trước cơn lốc xung đột toàn cầu”, Ông Lý Thái Hùng đã chia xẻ về buổi họp mặt với tổ chức Liên Minh Dân Chủ Á Châu tại Tokyo, gồm có những tổ chức sắc tộc như Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương, Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Campuchia... Nơi đây quan tâm chính của họ không phải là chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraina song là thời điểm nào Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan. Và nếu Trung Quốc chiếm đánh Đài Loan thì chắc chắn sẽ tạo ảnh hưởng rất lớn đến cục diện Đông Á.   Ông Lý Thái Hùng nhận định Trung Quốc có năm cái lợi ích cốt lõi mà họ đã và đang nỗ lực giải quyết trước khi đối đầu với Hoa Kỳ:   1) Họ đã chiếm xong Tây Tạng vì đây là vị trí chiến lược nhìn xuống cao nguyên Nam Á để khống chế Ấn Độ Dương. 2) Họ đã khống chế Tân Cương vì đây là vùng đất họ dùng để ngăn chận sự xâm nhập của Hồi Giáo. 3) Họ cũng đã khống chế được Hồng Kông, được coi là cái gai có thể tạo cách mạng dân chủ tại Bắc Kinh và Thượng Hải. 4) Còn lại hai nơi là Đài Loan và Biển Đông. Đài Loan được coi là lực lượng phản động, chủ trương độc lập muốn tách rời Trung Quốc. 5) Và Biển Đông thì Trung Quốc chủ trương khống chế để ngăn chận lực lượng hải quân của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.   Một khi Trung Quốc nắm được năm lợi ích cốt lõi trên đây thì họ sẽ vươn ra thống trị toàn cầu. Một vành đai khống chế 60 quốc gia để thực hiện “Made in China 2025”.   Ông Lý Thái Hùng trình bầy tiếp về năm biến cố thay đổi thế giới có ảnh hưởng lên Việt Nam:   a) Trước chiến tranh tại Ukraina có 27 quốc gia Liên Âu Châu lệ thuộc 65% vào nguồn năng lượng của Nga. Ngày hôm nay chỉ còn lệ thuộc 12%. Họ đẩy nhanh xây dựng nguồn năng lượng tái tạo để cùng lúc đáp ứng những thách thức khí hậu thay đổi, giảm bớt nhiều hệ lụy khác. Chấm dứt sự lệ thuộc là cô lập nền kinh tế và tách Nga ra khỏi Liên Âu. Và Nga sẽ trở thành một ốc đảo. Kinh tế sẽ bị suy sụp.   b) Từ năm 1980 hàng ngàn công ty của Hoa Kỳ qua Trung Quốc đầu tư. Và nền kinh tế của hai nước gắn liền với nhau đến nỗi không ai nghĩ rằng có thể tách ra được. Sự trao đổi thương mại lên đến 600 tỷ Mỹ Kim hàng năm. Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc được tiêu thụ tại Mỹ. Nguồn lợi tức của các công ty Hoa Kỳ đa số đến từ Trung Quốc. Nhưng chỉ trong vòng mấy tháng sau khi Tổng Thống Biden ban hành đạo luật ngăn chận Trung Quốc ảnh hưởng lên công nghệ cao, thì các công ty Hoa Kỳ đã rút nhanh ra khỏi Trung Quốc, chuyển sang Ấn Độ và các quốc gia tại Đông Nam Á, để Hoa Kỳ sẽ không trở thành nạn nhân khi Trung Quốc tấn công Đài Loan.   c) Chiến tranh xâm lược của Nga đã đưa Nhật Bản đi đến quyết định nâng ngân sách quốc phòng lên gấp đôi. 65% dân chúng Nhật cho rằng phải đứng lên bảo vệ Đài Loan và Nam Hàn. Phi Luật Tân đồng ý cho Hoa Kỳ sử dụng 9 căn cứ quân sự. Trong đó có chỗ chỉ cách Đài Loan 48 hải lý. Không khí chuẩn bị đối phó sự tấn công từ Trung Quốc hiện lên rõ rệt.   d) Chiến tranh xâm lược của Putin đã bộc lộ sự yếu kém của quân đội Nga. Và họ đã trở thành lệ thuộc vào Trung Quốc. Phải bám vào Trung Quốc để giữ cái thế của họ.   e) Thế giới đang tách làm đôi. Một bên là thế giới tự do với Hoa Kỳ dẫn đầu. Bên kia là những quốc gia chuyên chế, chuyên quyền, độc tài như Nga, Trung Quốc và Iran… Trận chiến hiện nay là trận chiến giữa chuyên chế độc tài và tự do dân chủ.   Ông Lý Thái Hùng cho rằng qua 5 biến cố thay đổi thế giới trên đây Cộng Sản Việt Nam đã hưởng được 3 cái lợi sau:   1) Các công ty ngoại quốc rời Trung Quốc thì di chuyển sang Việt Nam cũng như các quốc gia lân cận, giúp cho Việt Nam có mức Tổng Sản Lượng Quốc Gia lên tới 700 tỷ Mỹ Kim năm 2022. Người dân có công ăn việc làm và người dân hài lòng với những gì họ đang có.   2) Việt Nam có địa điểm chiến lược ở Biển Đông để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc, nên CSVN đu dây, ỡm ờ để hưởng lợi.   3) Khi công luận chú tâm vào chiến tranh xâm lược của Nga, và Mỹ cũng như Trung Cộng o bế Việt Nam thì Cộng Sản Việt Nam thẳng tay đàn áp những ai bất đồng chính kiến, các phong trào dân chủ...   Song song cũng mang đến sự phân hóa trầm trọng trong nội bộ CSVN vì tranh dành quyền và tiền qua chiến dịch Đốt Lò của Nguyễn Phú Trọng; làm tê liệt bộ máy hành chánh, ảnh hưởng lên đời sống của người dân.   Mức độ phát triển kinh tế dự định là 6% nhưng chỉ đạt được 3%. 85% nền kinh tế Việt Nam là dựa vào đầu tư ngoại quốc.   Hệ quả của đại dịch Covid vẫn còn tại Việt Nam. Số người thất nghiệp và nghèo khó lên tới mấy chục triệu người. Vì đại dịch họ mất công ăn việc làm trong khi chính phủ lại không có tiền giúp đỡ.   Xã hội Việt Nam đang ở trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì gánh nặng hậu đại dịch. Chiến dịch đốt lò tạo e sợ lên tầng lớp có tiền không dám tiêu xài. Qua đó tầng lớp dân nghèo lại càng ít đi cơ hội có công ăn việc làm. Sự bất ổn chính trị trên thượng tầng ảnh hưởng lên đầu tư ngoại quốc. Và khi đầu tư ngoại quốc giảm thì tạo khó khăn cho đời sống người dân. Họ sẽ ra đường để đòi hỏi quyền lợi và quyền sống. Sau phần phân tích ở trên ông Lý Thái Hùng đã chia xẻ về 4 nỗ lực của Việt Tân đang cố gắng tiến hành:   Gia tăng phát triển hạ tầng cơ sở và nhân sự trong nước và hải ngoại để nhiều người đang mong muốn thay đổi có cơ hội đến với Việt Tân.   Đảng Việt Tân không thể đấu tranh một mình song chủ trương liên kết với nhiều lực lượng và nhiều tổ chức. Hỗ trợ cho những lực lượng đang bị đàn áp hay là những tổ chức đang gặp khó khăn để họ cùng đồng hành đấu tranh. Kể cả những người ở trong guồng máy của chế độ gặp khó khăn khi chống lại.   Việt Tân nỗ lực vận động quốc tế và những phong trào sắc tộc nạn nhân của Trung Quốc như Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan, Miến Điện... Họ là những người đồng minh của chúng ta...   Cộng đồng hải ngoại là chỗ dựa quan trọng. Sau hơn 40 năm thì cũng có những vấn đề khó khăn khách quan và chủ quan. Vì thế Việt Tân nỗ lực hỗ trợ để củng cố tinh thần đoàn kết, vì đó là sức mạnh và sinh khí để chuyển vào trong nước.   Ông Lý Thái Hùng cho rằng trong 5 tới 10 năm trước mặt Đông Nam Á sẽ là điểm nóng. Sau Ukraina sẽ là Biển Đông, sẽ là Phi Luật Tân, sẽ là Nhật Bản. Đây là bài toán trước mặt mà người Việt phải chuẩn bị.   CSVN qua 10 năm Đốt Lò chống tham nhũng đã phá nát sự đoàn kết của chính họ và đã làm cho xã hội bị tê liệt. Thêm vào đó hiện nay tại Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan có gần hai triệu người trẻ Việt Nam lao động. Họ đều khao khát đất nước phải thay đổi để họ không phải còn làm những công việc cu ly ở ngoại quốc.   Ông kết thúc rằng dân tộc Việt Nam có triển vọng. Chúng ta phải nhìn lạc quan để có sự thay đổi. Đảng Việt Tân luôn đồng hành vói dân tộc trên con đường đấu tranh chấm dứt độc tài Cộng Sản để canh tân một nước Việt Nam tự do, dân chủ và tiến bộ. Một đóng góp rất đặc biệt cho buổi nói chuyện là những ca khúc “Bản Sắc Dân Tộc” và “Nhận Diện Nào Cho Quê Hương?” do ca sĩ Thụy Uyển và nhạc sĩ Cao Thình trình bầy.  
......

Người Việt tị nạn biểu tình tại Bangkok: "Phản đối bắt cóc blogger Đường Văn Thái!"

RFA Lo lắng cho sự an toàn của bản thân sau vụ blogger Đường Văn Thái nghi bị bắt cóc, hơn 300 người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan ký tên khẩn cầu quốc tế sớm định cư người tị nạn. Sáng ngày 19/4, khoảng 40 người tị nạn tập trung trước văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR) tại Bangkok (Thái Lan) phản đối bắt giữ ông Đường Văn Thái, yêu cầu UNHCR đưa ra biện pháp bảo vệ hiệu quả, cũng như sớm định cư những người đã có quy chế tị nạn. Blogger Thái Văn Đường, tên thật là Đường Văn Thái mất tích chiều tối 13/4 khi đang tị nạn chính trị tại Thái Lan, tuy nhiên công an Hà Tĩnh sau đó thông báo đã bắt giữ ông vào chiều 14/4 khi ông Thái "xâm nhập trái phép" vào Việt Nam, bạn bè nghi ngờ ông bị mật vụ bắt và dẫn giải về. Người biểu tình mang theo hai biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh với nội dung: "Phản đối nhà cầm quyền bắt cóc người tị nạn" và "SOS! Người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan đang gặp nguy hiểm." Ông Nguyễn Văn Tráng, một người từng nhiều lần bị nhà chức trách tỉnh Thanh Hóa kêu gọi đầu thú khi đang tị nạn chính trị tại Thái Lan nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/4: "Rõ ràng vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái ở một đất nước có chủ quyền cho thấy việc vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như tính bất chấp của chính quyền cộng sản Việt Nam. Điều quan trọng là nó phản ánh một xu hướng leo thang của việc đàn áp người bất đồng chính kiến xuyên quốc gia." Ông Lê Thương, một quân nhân xuất ngũ hiện đang tị nạn chính trị ở Thái Lan từ năm 2018 bày tỏ:  “Không riêng bản thân tôi mà tất cả người tị nạn ở Thái Lan hiện giờ đang có tâm lý rất hoang mang sợ hãi liên quan đến việc ông Thái Văn Đường bị bắt cóc. Trong buổi sáng hôm nay, người Việt Nam tị nạn bao gồm các anh chị em, kể cả người Việt, cộng đồng người Thượng Tây Nguyên, Khmer Krom và Hmong đều tập trung tại đây để có một buổi đưa tin liên quan đến sự việc anh Thái Văn Đường bị bắt cóc về Việt Nam. Ông Lê Thương đại diện trao thỉnh nguyện thư có hơn 300 chữ ký của người tị nạn cho văn phòng UNHCR, thỉnh nguyện thư cũng gửi cho chính phủ các quốc gia dân chủ, các tổ chức nhân quyền... khẳng định thông tin ông Thái “xâm nhập” Việt Nam từ Lào là bịa đặt và là cách thức Nhà nước hợp thức hóa vụ bắt cóc ông ở Thái Lan. Có ba yêu cầu được đưa ra trong thư ngỏ, bao gồm kêu gọi "điều tra về vụ bắt cóc nhà báo Thái Văn Đường. Vấn đề bắt cóc các nhà hoạt động cần được thông tin rộng rãi để người dân Việt Nam đều biết và lên án. "Thực hiện các biện pháp bảo vệ người Việt tị nạn tại Thái Lan một cách hiệu quả hơn, tránh tái diễn các vụ bắt cóc trong tương lai.   Nhanh chóng thực hiện việc tái định cư cho những người Việt tị nạn đã được UNHCR cấp quy chế, để người tị nạn đến một quốc gia an toàn hơn Thái Lan." Theo bà Grace Bùi, một người hoạt động nhân quyền độc lập người Mỹ gốc Việt ở Bangkok, hiện có khoảng 1.500 người tị nạn đến từ Việt Nam đang sống ở nhiều tỉnh và thành phố của Thái Lan, một quốc gia chưa ký Công ước quốc tế về người tị nạn 1951. Tuy phải đối mặt với đàn áp xuyên biên giới ngày càng gia tăng của bộ máy an ninh Việt Nam và bắt giữ của cảnh sát Thái Lan, người tị nạn Việt Nam nhận được sự trợ giúp rất ít ỏi từ UNHCR. Ông Nguyễn Văn Ân, một nhà hoạt động về tự do tôn giáo đến từ giáo xứ Kẻ Giai thuộc Giáo phận Vinh và hiện đang sống tị nạn cùng gia đình ở Bangkok, cho biết UNHCR chỉ khuyến cáo người tị nạn sống lặng lẽ và chuyển nhà khi có dấu hiệu mất an ninh. Mỗi khi gặp sự đe doạ, người tị nạn gọi điện thoại cho văn phòng của cơ quan này nhưng rất ít khi có người nhấc máy, ông cho biết. CPJ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Đường Văn Thái Hôm 18/4, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ra thông cáo báo chí kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông Đường Văn Thái và chấm dứt mọi nỗ lực sách nhiễu và bắt giữ người lưu vong. “Nhà chức trách Việt Nam cần phải trả tự do cho nhà báo Đường Văn Thái và công khai chi tiết việc bắt giữ ông,” ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ ở khu vực Đông Nam Á nói trong thông cáo. “Việt Nam có lịch sử nhắm vào các nhà báo sống lưu vong. Nhà chức trách Thái Lan cần điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về quá trình mất tích của ông (Đường Văn Thái- PV) ở Bangkok, và bảo dảm rằng các nhà báo không bị nhắm đến vì tác nghiệp của họ,” ông nói đồng thời dẫn lại trường hợp blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc về Hà Nội sau khi đăng ký nộp hồ sơ xin quy chế tị nạn chính trị tại Thái Lan. Theo thống kê của CPJ, Việt Nam giam giữ ít nhất 21 nhà báo vì các hoạt động báo chí của họ. Con số này chưa kể đến blogger Nguyễn Lân Thắng của RFA và ông Đường Văn Thái./.  
......

Thông báo sinh hoạt Tưởng Niệm Quốc Hận lần thứ 48 tại Berlin

Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận lần thứ 48 tại Berlin sẽ được tổ chức vào ngày thứ Bảy, 29.04.2023 với chương trình chi tiết như sau:  *từ 12:00 giờ đến 13:00 giờ:   biểu tình trước Tòa Đại Sứ Việt Cộng, Elsenstr. 3, 12435 Berlin  *từ 13:30 giờ đến 14:30 giờ biểu tình trước Tòa Đại Sứ Trung Cộng, Märkisches Ufer 54, 10179 Berlin  *từ 15:30 giờ đến 17:00 giờ:    biểu tình và tuần hành tại Brandenburger Tor, Pariser Platz, 10117 Berlin  *từ 17:30 giờ đến 18:30 giờ:   liên tôn cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam   tại nhà thờ Evangelische Lukaskirche, Bernburger Str. 3-5, 10963 Berlin   *từ 19:00 giờ đến 21:00 giờ:  hội thảo và văn nghệ chủ đề đấu tranh cho Tự Do và Nhân Quyền Việt Nam tại Hội Trường nhà thờ Lukaskirche, Bernburger Str. 3-5, 10963 Berlin Trước nguy cơ bán nước hại dân của nhà cầm quyền CSVN sau 48 năm cai trị ngày càng lộ rõ, chung tôi thành khẩn kêu gọi sự tham gia đông đảo của quý Hội đoàn và thân hữu chống cộng vào các cuộc biểu tình nêu trên và cùng đến nhà thờ Lukas để dâng lời cầu nguyện cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Berlin, ngày 31.03.2023    BS Hoàng Thị Mỹ Lâm TM Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức e.V.    Điện thoại liên lạc:  Ông Nguyễn Văn Rị, Tel. 0157 33495440                                  Ông Hoàng Kim Thiên, Tel.01636743097      
......

Biểu tình vì Hoàng Sa - Trường Sa ở Châu Âu

Nguyen Thanh Van   Đáp lời mời của Cộng đồng Người Việt Tị nạn cộng sản tại Hòa Lan, Hội cựu quân cán chính VNCH và đảng Việt Tân, hôm 11 Tháng Ba, 2023, hàng trăm người Việt ở nhiều quốc gia tại Âu Châu như Pháp, Bỉ, Đức, Đan Mạch, Nauy đã vượt chặng đường xa xôi, có nơi cách gần hàng ngàn cây số đổ về trước trụ sở Tòa án Trọng tài Quốc tế tại thành phố Den Haag, tham dự cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc nhân 49 năm cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. (Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Có trụ sở tại La Haye (Hà Lan), là cơ quan liên chính phủ thường trực đầu tiên nhận đứng ra giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua thủ tục trọng tài và «các phương tiện ôn hòa khác».   Được khai sinh năm 1899 nhân Hội nghị Hòa bình La Haye lần thứ nhất, do Sa hoàng Nicolas đệ nhị của Nga triệu tập, mục tiêu của tòa án này là tìm kiếm « những phương cách hiệu quả nhất để bảo đảm cho mọi dân tộc lợi ích của một nền hòa bình thực sự và lâu dài ».   Các trọng tài dựa vào những hợp đồng, các thỏa thuận và hiệp ước khác nhau, như của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), để giải quyết. Hiện có 116 hồ sơ đang được nghiên cứu.)   Thành phố Den Haag mới ngày hôm qua trời còn đổ những cơn mưa tuyết, mà hôm nay 11.3.2023 bầu trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ. Tuy tiết trời còn se lạnh, có lẽ đây là cái lạnh cuối cùng của mùa đông năm nay tại Âu châu. Phải chăng ông Trời nhũ lòng thương cho con dân Việt Nam còn nặng lòng với đất nước.   Chương trình được bắt đầu vào lúc 14 giờ 30 bằng nghi thức chào cờ Hòa Lan và Việt Nam, cùng phút mặc niệm.   Sau đó đại diện ban tổ chức, ông Đinh Ngọc Hiển đã chào mừng đồng bào tham dự, nói lên ý nghĩa và mục đích của cuộc biểu tình. Trong phần phát biểu của mình, ông cũng đã đọc lá thư chung với gần 140 tổ chức, hội đoàn ký tên, với nội dung chính như:   - Nêu lên bối cảnh Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa & 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của VN.   - Kêu gọi mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng nhau mạnh mẽ lên án hành vi xâm lược của Trung Quốc trên mọi diễn đàn để Thế giới;   - Đòi hỏi Bắc Kinh phải chấm dứt các hành vi gây hấn hung hăng tại Biển Đông để bảo vệ an toàn cho ngư dân;   - Yêu cầu nhà nước Cộng Sản Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho những người Việt Nam yêu nước đang bị giam cầm vì chống Trung Quốc. Chấm dứt chính sách ngăn chặn các sinh hoạt quần chúng nhằm phản đối hành vi xâm lược của Bắc Kinh hay vinh danh sự hy sinh của các binh sĩ trong hai trận chiến Hoàng Sa, Trường Sa và cuộc chiến biên giới phía Bắc.   - Đòi nhà nước Cộng Sản Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế để xác định chủ quyền.   Tiếp theo sau là những phát biểu của đại diện các phái đoàn đến từ các quốc gia như:   - Chị Nguyễn Kim Hương – Đại diện hội Người Việt Tự Do tại Đan Mạch. - Ông Nguyễn Văn Cư - đại diện Cộng Đồng Việt Nam tại Lìege, Vương quốc Bỉ. - Bà Lý Thị Khiếu - đại diện Liên Hội NVTNCS tại CHLB Đức. - Ông Phạm Minh Hoàng – Nhà hoạt động Xã Hội và là Cựu TNLT. - Ông Trần Văn Dũng – đại diện Nhóm Gia Đình Mũ Đỏ tại Bergen, Na Uy. - Ông Trần Kỉnh Thành – đại diện Việt Tân Âu Châu.   Nội dung những phát biểu đã xoay quanh sự kiện 50 năm Trung cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam:   - Người Việt Nam không thể đứng nhìn đất nước bị xâm lấn. Con dân Việt Nam cần phải lên tiếng bày tỏ sự cương quyết phản đối và vạch trần âm mưu bành trướng của Trung Quốc.   - Nhắc nhở thế giới và nhân loại yêu chuộng hòa bình, không quên bản chất hung tàn, hiếu chiến của Trung Quốc đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.   - Cùng đòi lại biển đảo, chủ quyền đất nước đang bị đảng CSVN dâng cho Trung Quốc…   Xen kẻ các bài phát biểu là những bài hát rực lửa đấu tranh và những khẩu hiệu vang dội, lên án Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ VN, đả đảo và đòi hỏi Trung Quốc cút khỏi Hoàng Sa - Trưòng Sa của VN, “đả đảo csvn bán nước“, “Đừng im tiếng, phải lên tiếng”, “Cùng hành động vì Hoàng Sa - Trường Sa”. „“ No China“, “China get out of Vietnam“…   Là người VN yêu nước thì làm sao có thể chấp nhận được việc một phần lãnh thổ của mình bị ngoại bang xâm chiếm một cách bất hợp pháp và còn đe dọa đến an ninh tổ quốc của mình như vậy.   Là người VN còn chút lương tri thì làm sao mà không phẫn uất khi chính ngay trên ngư trường đánh bắt truyền thống của mình, tài sản ngư dân mình bị Trung cộng ngang nhiên cướp phá, sinh mạng ngư dân mình bị đe dọa, thậm chí bị bắn giết…   Là người VN còn chút tự hào về truyền thống quật cường của cha ông thì làm sao không tức giận khi ngư dân VN bị bọn giặc tàu hiếp đáp cướp phá. Những lúc như thế họ rất cần sự bảo vệ của lực lượng cảnh sát biển VN, nhưng chẳng thấy bóng dáng cảnh sát biển VN ở đâu. Dư luận mỉa mai rằng lúc đó cảnh sát biển VN nói riêng và hải quân VN nói chung chỉ dám ngồi trên bờ mà nhìn. Còn nhà cầm quyền thì thỉnh thoảng chỉ dám lên tiếng phản đối lấy lệ.   Khôi hài hơn nữa, là trước bọn kiểm ngư Trung Quốc với tàu sắt có võ trang, nhà cầm quyền CSVN lại trang bị cho ngư dân những lá cờ đỏ sao vàng và kêu gọi ngư dân bám biển “chống giặc“ khẳng định chủ quyền!?   Nhìn qua đất nước láng giềng Phillipines để thấy rằng họ đã từng kiện ra tòa án quốc tế về cái đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển Đông.   Mới đây Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ những hành động khiêu khích của hải quân Trung Quốc khi xâm phạm chủ quyền biển đảo của Phillipines.   Trước sự hung hãn của Trung Quốc hiện nay, Phillipines đã liên minh với các nước khác như Mỹ, Nhật,…để bảo vệ chủ quyền của mình và để bảo đảm an toàn và an ninh cho người dân Phillipines và không sờn lòng trước sự hăm he đủ điều từ phía Trung Quốc.   Ngược với hành động cương quyết bảo vệ chủ quyền của lãnh đạo Phillipines, lãnh đạo CSVN thường vin vào câu „đừng vì chuyện nhỏ mà làm hỏng đại cục“, đã làm ngơ trước việc Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN. CSVN đã im lặng gần 50 năm qua, hoặc chỉ lên tiếng phản đối lấy lệ khi ngư dân VN bị hải quân Trung Quốc cướp phá, bắn giết trên vùng biển đánh bắt truyền thống của mình. CSVN cũng im lặng và rút lui khỏi bãi Tư Chính trước những đòi hỏi vô lý ngang ngược của Trung Quốc. Chẳng những thế, khi người dân VN xuống đường phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc thì CSVN lại ra tay đàn áp dã man.   Rõ ràng câu „Hèn với giặc, ác với dân“ mà người dân VN gán cho lãnh đạo CSVN là hoàn toàn đúng đắn.   Với những lý do nêu trên, người tham dự biểu tình thể hiện sự phẫn nộ của mình qua những khẩu hiệu rực lửa trên quảng trường Haags Herdenkingsmonument, trước Tòa án Trọng tài Quốc tế tại Den Haag.   Một số đồng bào tham dự cuộc biểu tình khi được hỏi nếu có dịp nói với lãnh đạo csvn thì sẽ nói gì thì cho biết:   -​Hãy ngưng ngay hành vi hèn với giặc và ác với dân.   -​Hãy bảo vệ sinh kế của ngư dân VN trên vùng biển đánh bắt truyền thống của chúng ta.   -​Hãy để người dân VN lên tiếng phản đối Trung Quốc về những hành vi xâm lấn biển đảo VN, về những hành vi côn đồ của chúng đối với ngư dân VN trên biển Đông.   -​Hãy dẹp cái gọi là “đại cục”. Đối với Trung Quốc hãy “rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì” như ông Phạm Minh Chính đã từng tuyên bố như vậy ở Mỹ, mà lên tiếng phản đối mạnh mẽ bằng cách kiện Trung Quốc ra tòa án LHQ về hành vi xâm chiếm HS & TS của VN.   Cuối cùng là phần phát biểu của ông Nguyễn Khai Trí, đại diện cho Cộng đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan. Ông Trí đã bày tỏ sự cảm kích của bà con đã không ngại đường xá xa xôi mà về tham dự cuộc biểu tình này.   Kết thúc buổi biểu tình là cuộc tuần hành chung quanh quảng trường với bài hát Việt Nam - Việt Nam vang dội.   Mọi người chia tay nhau, nhưng không quên nhắc nhỡ nhân mốc điểm 50 năm Hoàng Sa sắp tới, nếu có điều kiện thì hãy liên tục lên tiếng phản đối Trung Quốc trên khắp mọi diễn đàn, bằng mọi hình thức hầu góp phần vạch trần bộ mặt bá quyền của chúng trước công luận thế giới./.  
......

Phát biểu cảm tưởng của cô Kim Ngân, người được tàu Cap Anamur cứu vớt trên biển Đông 40 năm về trước

Kính thưa Bà Christel Neudeck, quả phụ cố Tiến sĩ Rupert Neudeck, kính thưa Ông Felix Heinrichs, Oberbürgermeister thành phố Mönchengldbach, các Bân biểu đảng phái tiểu bang NRW,   kính thưa quí vị quan khách, Kim Ngân, năm xưa là một thuyền nhân sơ sinh mới 10 ngày tuổi, hôm nay Kim Ngân cùng gia đình đến tham dự hội Tết mừng xuân Quý Mão, nhắc lại kỷ niệm dấu ấn thuyền nhân cũng như hành trình 40 năm hội nhập. Kim  Ngân coi đây là ngày sinh nhật của cộng đồng tị nạn tại thành phố Mönchengladbach và vùng phụ cận.   Tận cùng đáy trái tim, Kim Ngân xin gởi lời tri ân sâu xa, lời cám ơn đến Ông Bà Rupert Neudeck cùng ủy Ban Cap Anamur, ân nhân đã cứu vớt 11.300 thuyền nhân, trong đó có gia đình Kim Ngân. Theo lời cha mẹ kể lại, lúc đó, Kim Ngân mới có 10 ngày tuổi, bé xíu như một con búp bê cân nặng khoảng 2kg, cha mẹ bế ẵm Kim Ngân đi nhà thờ rửa tội chui, rồi ngay đêm hôm đó, Kim Ngân cùng cha mẹ đi vượt biên, trốn thoát cộng sản. 6 ngày, 5 đêm, 114 tiếng đồng hồ, với một chiếc ghe nhỏ bé mong manh, chiều dài 12 mét rưỡi, chiều ngang 2 mét rưỡi, chiều cao một 1 mét hai, với 101 thuyền nhân, là một hành trình tìm tự do đầy kinh hoàng và sợ hãi, có một không hai, 9 phần chết chỉ có 1 phần sống. Chiếc ghe như một hạt dẻ lềnh bềnh giữa biển Đông, mưa gió, bão táp, đói khát, lương thực không còn v.v.   Riêng Kim Ngân được nghe mẹ kể lại là sau ngày thứ nhất, mẹ không còn sữa cho Ngân bú, 5 ngày còn lại, mẹ pha sữa với nước biển mặn chát, với hi vọng làm sao con bé Ngân này uống được để mà sống còn. Mẹ kể là Kim Ngân khóc cả ngày lẫn đêm, bị bão sóng đánh lên thuyền làm cho da em bé mới sinh còn non đỏ thấm nước mặn, sau mấy ngày bị lột cả thân người. May thay. con tàu Cap Anamur đến cứu vớt kịp. Các bác sĩ và y tá trên tàu lắc đầu khi cứu cấp, chữa trị cho Kim Ngân. Họ nói trễ hơn một ngày nữa là Kim Ngân sẽ không sống nổi, Kim Ngân sẽ bị vất xuống biển cho cá ăn. Sau khi tàu vừa vớt xong 101 người thì một cơn bão cấp 8 hay 9 gì đó kéo đến đập tan chiếc ghe. Nếu không được cứu vớt kịp có lẽ 101 người đã vùi thây nơi biển cả.   Hôm nay Kim Ngân và gia đình được hiện diện nơi đây, tại Mönchenglach. Kim Ngân và gia đình có niềm tin vào Thiên Chúa, với Đức Mẹ Maria, là ngôi sao sáng chỉ đường con tàu Cap Annaur đến cứu sống. Kim Ngân xin cúi đầu tạ ơn Ngài. Hôm nay cũng là sinh nhật. kỷ niệm 40 năm Xuân tha hương, 40 năm hội nhập cộng đồng người tị nạn sống tại Mönchengladbach, thành phố đã đón nhận gia đình Kim Ngân từ dạo ấy. Tháng 6 năm 1982, gia đình Kim Ngân sống tại giáo xứ St Johannes MG Rheydt. Kim Ngân cám ơn các cô trong nhà trẻ, mẫu giáo, các thầy cô giáo, tiểu học, trung học, và đại học. Kim Ngân hiện có việc làm, có gia đình với hai cậu con trai. Kim Ngân cũng không quên cám ơn các vị dân biểu, các vị tỉnh trưởng tiền nhiệm, và đương kim tỉnh trưởng là Ông Felix Heinrichs, các nhân viên, công chức của thành phố Mönchengladbach đã giúp người Việt tị nạn hội nhập ở Đức, được sống trong tự do, hạnh phúc. Từ đó, người Việt chịu khó học hành, siêng năng làm việc, thành công trong xã hội, góp phần xây đựng quê hương thứ hai này là thành phố MG, là đất nước Đức, phát triển giàu mạnh.   ----------------   Wort des Dank zum 40-jährigen Bestehen der vietnamesischen Flüchtlingsgemeinschaft in Mölnchengldach   Sehr geehrte Frau Christel Neudeck, sehr geehrter Herr Felix Heinrichs, Oberbürgermeister Stadt Mönchengladbach, Vertreter der Regierungen, Parteien, Landtage, NRW, verehrte Gäste, Ich, Kim Ngan, war damals ein 10 Tage altes Baby als meine Eltern als Boat people aus Vietnam geflüchtet sind. Heute nehmen wir an der Feier zur 40 Jahre Integration der vietnamesischen Flüchtlinge teil, unter anderen um die Erinnerung wieder wachzurufen. Ich betrachte dieses Ereignis als der Geburtstag der Flüchtlingsgemeinschaft der Stadt Mönchengladbach und Umgebung.   Vom ganzen Herzen danke ich Herrn und Frau Neudeck und dem Komitee von Cap Anamur, dem großen Wohltäter, für die Rettung von 11.300 Bootsflüchtlingen, darunter auch meine Familie.   Meine Eltern erzählten, dass ich erst 10 Tage alt war, so klein wie eine Puppe, mit einem Gewicht von etwa 2 kg. Sie trugen mich zu einer damals verbotene Taufzeremonie in einer Kirche. In dieser Nacht floh ich mit Vater und Mutter, mit meiner ganzen Familie, aus Vietnam, aus dem Kommunismus.   6 Tagen, 5 Nächten und 114 Stunden, mit einem zerbrechlichen kleinen Boot,12 Meter Länge, 2,5 Meter breit, 1,2 Meter hoch, zusammen mit anderen 101 Boat people, trieben wir wie eine Kastanie ziellos auf dem Meer, dem Tode nahe, verängstigt im Regen, Wind, Sturm, verhungert, verdurstet ...   Meine Mutter hat erzählt, dass sie nach dem ersten Tag keine Muttermilch mehr hatte. An den 5 nachfolgenden Tagen hat sie die Milchpulver mit dem kalten salzigen Meereswasser zubereitet, in der Hoffnung, dass das Baby damit überlebt. Ich sollte Tag und Nacht geweint haben, vom Salzwasser aus den Stürmen und Wellen immer wieder gespült, wodurch die Haut des neugeborenen Babys völlig rot wurde und abpellte. Zum Glück eilte das Schiff Cap Anamur rechzeitig zur Rettung.   Die Ärtzte und die Krankenschwester schüttelten nur den Kopf als sie mich behandelten, und sagten zu meinem Eltern, dass ich keinen weiteren Tag überleben könnte. Ich würde dann ins Meer geworfen, um die Fische zu füttern. Nachdem das Schiff 101 Menschen gerettete, kam ein Sturm der Stufe 8 oder 9, das Boot wurde vom Sturm zerschlagen.   Ich und meine Familie haben Vertrauen in Gott, in die Heilige Mutter Maria, der leuchtende Stern, der dem Schiff Cap Namur den Weg zu unserem Boot zeigte, um uns zu retten. Wir verbeugen uns mit tiefsten Dank vor Gott, und bedanken uns für die Rettung, so dass unsere Familie zusammen mit der Flüchtlingsgemeinschaft heute, nach 40 Jahren leben im Exil, mit 40 Jahren Integration in der neuen Heimatstadt Mönchengladbach, gemeinsam das Neujahrfest feiern zu können.   Im Juni 1982 lebte unsere Familie in in der Pfarrei St. Johannes MG Rheydt. Ich möchte mich bei allen bedanken, bei meinen Kindergartenbetreuerinnen, meinen Lehrern und Lehrerinnen aus der Grundschule, Sekundarschule und den Professoren der Universität. Heute habe ich einen Job, eine Familie, zwei Söhne. Ich möchte meinen Dank auch an den Oberbürgermeister Herrn Felix Heinrichs sowie an die Stadt Mönchengladbach aussprechen, für die Unterstützung vietnamesischer Flüchtlinge bei der Integration in ihrer zweiten Heimat, wo wir frei, glücklich und erfolgreich ein neues Leben aufbauen können. Wir lernen fleißig, arbeiten hart, tragen zur Entwicklung Deutschlands und der Stadt MG bei. Ich wünsche allen Anwesenden Gesundheit, Glück und alles Gute im neuen Jahr.  
......

Hội xuân 2023 tại Mönchengladbach (phần 2)

Mừng Xuân Quý Mão 2023 và 40 năm hội nhập của cộng đồng người Việt tị nạn tại Mönchengladbach                                                                                      Sau 2 năm gián đoạn vì nạn dịch Corona, Hội Người Việt Tị Nạn Mönchengladbach tái hoạt động, tổ chức Hội Tết Quý Mão 2023 “Mừng Xuân 40 năm tha hương“ , tại Krahnendonkhalle Neuwerk  Mönchengladbach với sự hỗ trợ của Gia đình Phật tử, Cộng đồng Công giáo tại Mönchengladbach, Hiệp hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolô, Liên Hội Người Việt Tị Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức.   Hội tết qui tụ trên 800 đồng hương tại tỉnh nhà Mönchengladbach và vùng phụ cận Nettertal, Aachen, Krefeld, Neuss, Düsseldorf, Herner, Köln, Troisdorf, Duisburg, Recklinghausen, Oberhausen, Essen, Münster, đặc biệt còn có sự tham dự của các đồng hương từ các thành phố xa xôi như Frankfurt, Berlin, Hamburg, Bỉ, Hòa Lan, cùng về góp mặt trong ngày vui Xuân đầu năm này. Hội Xuân tuy được tổ chức hơi muộn nhưng vẫn còn đượm màu sắc của ngày Tết cổ truyền.   Về phía chính quyền sở tại có sự hiện diện của ông Tỉnh trưởng Felix Heinrichs (FDP), ông Phó tỉnh trưởng Hajo Siemes (Grüne) cùng phu nhân, bà Yüksel (SPD), Dân biểu Quốc hội Liên bang, cô Vanessa Odermatt, Dân biểu Quốc hội Tiểu bang Nordrhein Westfalen, Ông Rolf Lüpert, Hiệu trưởng, bà Christel Neudeck, phu nhân cố tiến sĩ Rupert Neudeck - người sáng lập "Con tàu Cap Anamur" - ông Volker Rath (Deutsche Notärtze), Hội trưởng Hiệp hội "Cap Anamur" và nhiều vị quan khách Đức khác. Về phía người Việt, có sự hiện diện của giáo sư và bác sĩ Nguyễn Nam Huân, Giám đốc bệnh viện Elizabeth tỉnh Mönchengladbach, cùng phu nhân, ông bà dược sĩ Lâm Kim Khánh, cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Lê Công Tắc, linh mục tuyên úy Đa Minh Bùi Trọng Biên, cộng đồng Công giáo Việt Nam Paderborn, Essen. Vì bận công vụ nên thống đốc tiểu bang Nordrhein Westfalen, ông Hendrik Wüst (CDU)  cũng như bà Mona Neubaur, phó thống đốc tiểu bang NRW, và ông Dr. Günter Krings, trưởng ban nghị sĩ CDU/CSU tại Hạ nghị viện, đều viết thư chúc mừng cộng đồng người Việt tị nạn Mönchengladbach đã thành công trong quá trình hội nhập tại Đức.   Nhằm bảo tồn văn hóa, tập tục cổ truyền của tiền nhân, mục đích của buổi hội Xuân là tạo cơ hội gặp gỡ, hàn huyên cho các thân hữu trong cộng đồng. Hội Xuân cũng là dịp tỏ lòng cám ơn chính phủ, nhân dân Đức và ủy ban Cap Anamur đã cứu vớt 11.300 thuyền nhân trên biển Đông. Đến nay, sau 40 năm hội nhập, đều được an cư lạc nghiệp.   Chào mừng quan khách bắt đầu lúc 18:00 giờ với màn rước cờ của 50 thiếu nữ mặc áo dài truyền thống, màu sắc rực rỡ cùng với ba hậu duệ của ba binh chủng Hải quân, Lục quân, Không quân Việt Nam Cộng Hòa năm xưa.   MC Trịnh Đỗ Tôn Vinh, MC Kim Anh và MC Bạch Lan với sự điều hợp của ban tổ chức, anh Hạnh Nhận, chị Kim Trinh, chị Ngọc Mai, và chị Mai Hân đã mời các vị quan khách cùng cắt băng khai mạc buổi lễ. Sau đó đến phần chào cờ, một phút mặc niệm. Kế tiếp ba vị cao niên, cùng hai vị chức sắc  tôn giáo, làm lễ thắp hương cầu nguyện cho quốc thái dân an và tưởng niệm đồng bào nạn nhân của Tết Mậu thân vào 55 năm về trước.     Nhân danh trưởng ban tổ chức, ông Nguyễn Văn Rị mở lời khai mạc hội Xuân với ý nghĩa 40 năm hội nhập thành công tốt đẹp, cám ơn chính phủ liên bang, tiểu bang và thành phố Mönchengladbach, con tàu Cap Anamur đã tiếp nhận đồng bào tị nạn, đồng thời cũng không quên ngỏ lời cám ơn đến các đoàn thể như VOVINAM, các ban ngành như ban nhạc MG, văn nghệ sĩ Châu âu,  vũ múa cờ, múa nón, diễn hành, âm thanh ánh sáng, tiếp tân, khánh tiết, trật tự, ẩm thực, vệ sinh v.v. đã góp sức cho sự thành công mỹ mãn của hội Xuân mừng Tết Quý Mão năm nay. Đặc biệt, đoàn múa lân đã mang đến cho buổi lễ một không khí tưng bừng, nhộn nhịp. Ông Nguyễn Văn Rị   Ông Đặng Phú Hiệp và Kim Ngân - khi được tàu Cap Anamur cứu vớt, cháu còn là một em bé sơ sinh mới được 10 ngày tuổi - cùng bày tỏ lòng biết ơn đến chính phủ và nhân dân Đức, đến ủy ban Cap Anamur đã cứu vớt họ trên biển Đông, cho phép định cư tại quốc gia này, được sống trong tự do và hạnh phúc, an cư lạc nghiệp.   Phần phát biểu của các quan khách Đức, ông tỉnh trưởng Heinrichs và bà dân biểu Yüksen, bà Neudeck - vị ân nhân gắn liền với thuyền nhân tị nạn Việt Nam - đều nhắm vào lời khen ngợi cộng đồng tị nạn đã hội nhập thành công tại Đức, chịu khó, siêng năng, con cái học hành chăm chỉ, xuất sắc, thành đạt, góp phần cho sự phát triển giàu mạnh của nước Đức cũng như của thành phố Mönchengladbach.       Một nét văn hóa cổ truyền được lưu giữ là phong tục lì xì cho các cháu trong ngày Tết được nhắc lại qua hoạt cảnh "Bà phát quà cho con cháu". Phần trình diễn văn nghệ với những bài hát vui tươi xen lẫn màn trình diễn áo dài tha thướt là nét chấm phá đánh dấu 40 năm hội nhập thành công.   Nhân dịp lễ hội mừng Xuân này, chúng ta cũng không quên nỗi bất hạnh của trẻ em Ukraine, vì vậy ban tổ chức đã quyên góp số tiền tổng cộng là 2.450 Euro, nhờ Caritas chuyển giao đến các chương trình giúp đỡ nạn nhân chiến tranh Ukraine.   Chương trình kết thúc vào lúc 24:00 giờ, quan khách nuối tiếc ra về với những lời hẹn hò gặp gỡ ở lễ hội Xuân năm tới./. Người tham dự.  
......

London: Hội thảo “Trước mối đe dọa của Trung quốc – chúng ta có thể làm gì”

Anh Hoàng Trung Quốc trở lại – Việt Nam chúng ta cần làm gì Vào ngày 26 tháng 2 năm 2023, Hội Thân hữu Việt Tân tại Anh Quốc đã tổ chức buổi hội thảo tại London với chủ đề: “Tình hình Việt Nam trong bối cảnh xung đột của thế giới, đặc biệt là mối đe dọa của Trung Quốc. Chúng ta có thể làm gì?” với sự tham gia của Tiến Sĩ Trần Diệu Chân, Luật sư Nguyễn Văn Đài và ông Trần Đình Sơn, một nhân sĩ đã có nhiều năm hoạt động dân chủ tại Anh Quốc. Ts. Trần Diệu Chân và Ls. Nguyễn Văn Đài Trung Quốc đang từng bước dỡ bỏ chính sách Zero Covid, điều đó đồng nghĩa là cỗ máy kinh tế Trung Quốc sẽ có thể vận hành trơn tru trở lại. Thực tế, theo số liệu thống kê của trang chính phủ Việt Nam, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD, nhưng hầu hết nguồn nguyên liệu Việt Nam lại đang đến từ Trung Quốc khi đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD, mặc dù giữa chính sách nghiêm ngặt Zero Covid -19 tại Trung Quốc, nhập siêu từ Trung Quốc vẫn đạt 60,9 tỷ USD, tăng 11,5% trong năm 2022 so với năm 2021. Việt Nam cũng đã và đang tìm kiếm những thị trường thay thế Trung Quốc đó là điều đáng mừng cho Việt Nam, bởi sự áp đặt của chính quyền Trung Quốc lên Việt Nam đang vô cùng lớn và gây tổn hại cho môi trường và xã hội Việt Nam trong dài hạn. Cụ thể, Hàn Quốc và ASEAN đang là thị trường thay thế Trung Quốc theo thời gian, nhập siêu từ Hàn Quốc 38,3 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ ASEAN 13,6 tỷ USD, tăng 10,6%. Sự trỗi dậy đó của Trung Quốc, đang tạo sức ép lên Việt Nam, Đài Loan và một số quốc gia khác, mà đang là con nợ lớn của Trung Quốc trong chiến lược “Vành đai và con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Xuyên suốt chương trình là những thảo luận sôi nổi giữa Tiến Sĩ Trần Diệu Chân, Luật sư Nguyễn Văn Đài và các thính giả cũng như những lời chia sẻ của ông Trần Đình Sơn. Theo đó, một thực tế rõ ràng Trung Quốc gây sức ép lên Việt Nam khi chuyển giao những công nghệ kém chất lượng trên danh nghĩa hỗ trợ bằng các khoản vay ưu đãi, thí dụ như các nhà máy nhiệt điện than… Nhưng tất cả những cái đó đều là những chiếc thòng lọng từng bước xiết chặc cổ Việt Nam. Việt Nam sẽ ngày càng mắc nợ Trung Quốc, môi trường ngày càng ô nhiễm bởi các nhà máy nhiệt điện và khu công nghiệp do người Trung Quốc đầu tư hoặc làm chủ tại Việt Nam. Trung Quốc luôn muốn kiểm soát Việt Nam để gây ảnh hưởng lên Đông Nam Á và biển Đông, nơi mà gần 40% lượng hàng hóa đang được vận chuyển qua đây hàng năm theo chia sẻ của Tiến Sĩ Trần Diệu Chân và Luật sư Nguyễn Văn Đài. Đa phương trong quan hệ và thoát Trung là điều cần thiết cho Việt Nam lúc này, nhưng thật không dễ dàng bởi lẽ khi những chế độ tài độc đảng chuyên quyền vẫn tồn tại ở cả Trung Quốc và Việt Nam như lời chia sẻ của ông Trần Đình Sơn. Sự đồng lòng và đoàn kết xây dựng truyền đạt cho lớp trẻ tại Việt Nam để có những bước đấu tranh mạnh mẽ và từng bước thay đổi ở Việt Nam thật không dễ dàng. Theo anh Nguyễn Tiến Đức, một tham dự viên cho biết, dù lớp trẻ muốn thay đổi, muốn đấu tranh thì họ vẫn còn đó mối lo sợ to lớn đó gia đình, bố mẹ người thân họ ở Việt Nam có thể bị chế độ CSVN sách nhiễu, đe dọa, tấn công, khủng bố tinh thần... Để giải tỏa mối lo này, Luật sự Nguyễn Văn Đài người đã có nhiều năm hoạt động đấu tranh dân chủ trong nước đã có những giải thích, gia đình và người thân những người đấu tranh dân chủ cần mạnh mẽ khẳng định người thân họ đang hành động cho lẽ phải và họ cũng đã đủ 18 tuổi nên gia đình và người thân không thể can thiệp. Chụp hình lưu niệm Đồng thời, họ cũng không vi phạm pháp luật nên không cần lo sợ chính quyền tấn công, hay đe dọa khi có người thân đấu tranh cho dân chủ. Buổi hội thảo thực sự đã mở ra những cái nhìn mới, với hy vọng mới trong cuộc đấu tranh giảm dần sự phụ thuộc của Việt Nam đối với Trung Quốc, gửi gắm đến lớp trẻ những thông điệp rõ ràng về giá trị tự do, dân chủ và hy vọng thanh niên Việt Nam sẽ từng bước thay đổi đất nước Việt Nam theo hướng tích cực. Buổi hội thảo chấm dứt vào khoảng 16 giờ cùng ngày.
......

Hội xuân 2023 tại Mönchengladbach

Sau hơn 2 năm gián đoạn vì đại dịch, hôm 25.2.2023, đông đảo bà con VN từ một số nơi trên nước Đức, Bỉ, Hòa Lan... lại có dịp tụ tập về tham dự hội Xuân muộn do Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Mönchengladbach – Niederrhein, miền tây nước Đức với sự hỗ trợ của nhiều Hội đoàn tại Đức, Bỉ, Hòa Lan... tổ chức hội xuân Quý Mão muộn tại Hội trường Krahnendonkhalle, Neuwerk thuộc thành phố Mönchengladbach. Chủ đề năm xuân nay gồm: Không quên tổ quốc Việt Nam trước nguy cơ xâm lăng của Trung Cộng và Tỏ lòng nhân ái đối với nạn nhân chiến tranh tại Ukraina.   Một số hình ảnh quang cảnh hội trường: Hình ảnh biểu diễn của Vovinam đến từ Bỉ quốc:   Như những buổi hội xuân trước đại dịch, năm nay cơ sở Đảng Việt Tân vùng tây Đức cũng có lập một bàn thông tin để phổ biến tin tức, trình chiếu phim và triển lãm hình ảnh về những tù nhân lương tâm VN, hình ảnh về Hoàng Sa, Trường sa của VN bị Trung cộng cưỡng chiếm. Trong dịp này anh chị em Việt Tân có trao đổi giải thích với một số quan khách Đức cũng như bà con VN khi họ có dịp ghé thăm bàn thông tin về hiện tình đàn áp nhân quyền VN và những nguy cơ Trung cộng khống chế biển Đông,… và đồng thời kêu gọi bà con tham gia cuộc biểu tình được Cộng đồng Người Việt TNCS tại Hòa Lan, Gia đình Quân Cán Chính/VNCH, cùng cơ sở đảng VT tại Hòa Lan sẽ tổ chức vào ngày 11 tháng 3 năm 2023 sắp tới trước Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc tại Den Haag Hòa Lan để phản đối Trung cộng nhân 49 năm cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN. Văn Nguyên  
......

Kêu gọi biểu tình phản đối Trung quốc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam

Địa điểm: Trước Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc Carnegieplein 2 - 2517 KJ Den Haag - Niederland Vào ngày thứ bảy, 11 tháng 3 năm 2023 Từ 14.00 đến 16.30 giờ  ------   Trung quốc đã đánh và chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974; 12 năm sau Trung quốc chiếm thêm 6 nhóm đảo đá ngầm tại quần đảo Trường Sa và sau đó tuyên bố chủ quyền lên hầu hết biển Đông vào năm 2007, bất chấp Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Hành động côn đồ trên đã bị nhiều quốc gia lên án, đặc biệt là các quốc gia trong vùng tranh chấp.   Trong các thập niên qua, người dân Việt Nam từ trong và ngoài nước đã xuống đường phản đối Trung quốc đã chiếm biển, đảo, áp bức ngư dân Việt Nam và tự tiện vẽ đường Lưỡi Bò hầu cưởng chiếm toàn bộ biển Đông.   Phi Luật Tân đã kiện Trung quốc raTòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Den Haag. Vào năm 2016, sau khi truy sét hồ sơ, Toà đã phán Trung quốc không có cơ sở tuyên bố chủ quyền trên biển Đông! Ngược lại, từ phía nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, dù được khuyến khích từ nhiều phía, không dám kiện mà chỉ lên tiếng có lệ để phản đối Trung quốc về việc biển, đảo của mình bị chiếm, trong khi đó lại đàn áp những người biểu tình phản đối Trung quốc. Hành động này đã dẫn đến việc Trung quốc leo thang trong việc ‘ăn hiếp’ nước láng giềng mà điển hình là việc đưa giàn khoang HD981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam vào năm 2014. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi mọi con dân Việt Nam tham dự cuộc biểu tình phản đối hành động xâm lăng của Trung quốc, kêu gọi đảng CSVN phải phản đối Trung quốc:    Sự tham dự đông đảo của quý vị sẽ đưa tiếng nói của tập thể người Việt tại Âu Châu  ‘không chấp nhận mất biển, đảo’  vào tay Trung quốc trên công luận thế giới. Ban Tổ Chức: Cộng Đồng VNTNCS/HL ô. Nguyễn Hữu Phước Đt: +31.(0)6 38544847 GĐQCC/VNCH/HL                 ô. Trần Văn Thắng      Đt: +31.(0)6 81001982 Đảng Việt Tân HL ô. Đinh Ngọc Hiển Đt: +31.(0)6 53605408  
......

Thi Vũ Võ Văn Ái, một nhà thơ và nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, đã qua đời tại Paris.

Nguyễn Hưng Quốc    VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC, THI VŨ VÕ VĂN ÁI (1935-2023) Thi Vũ Võ Văn Ái, một nhà thơ và nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, đã qua đời tại Paris.   Tôi có khá nhiều kỷ niệm với anh.   Năm 1985, tôi từ Indonesia qua Pháp định cư như một người tị nạn chính trị. Công việc đầu tiên tôi làm là phụ bếp và tiếp khách trong một nhà hàng Việt Nam. Chán công việc, tôi tìm khuây khoả bằng cách viết văn và gửi cho tạp chí Quê Mẹ của anh Ái. Nhận được bài đầu tiên của tôi, anh khen ngợi nồng nhiệt. Anh viết: “Chưa bao giờ thấy ai viết sắc đến như vậy.” Sau đó bài nào, anh cũng khen. Hơn nửa năm sau, anh viết thư mời tôi về làm thư ký toà soạn Quê Mẹ. Lương anh trả cao hơn hẳn thu nhập của tôi tại nhà hàng nên tôi nhận lời ngay. Tôi làm việc cho Quê Mẹ gần năm năm. Đến năm 1991 tôi mới rời Paris để sang Úc dạy học. Từ đó tôi không gặp anh nữa.   Nay, nghe tin anh mất, bỗng thấy ngùi ngùi. Tôi cầm cuốn sách đầu tay của tôi, "Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam", được Quê Mẹ xuất bản (1988), vừa nhớ anh vừa nhớ những kỷ niệm cũ.   Người đến và đi một đời linh Thánh Bỏ lại vần thơ mộng ước không thành Đã mòn hơi đi nói cùng thế giới Cũng cầm bằng như nước non chơi vơi…  
......

32 nhà hoạt động nhân quyền, dân cử và tổ chức phi chính phủ gởi thư kêu gọi csvn trả tự do cho ông Châu Văn Khảm

Trong một thư ngỏ gửi thủ tướng Việt Nam hôm 24 tháng Giêng 2023, các nhà hoạt động nhân quyền, các dân cử và NGOs trên khắp thế giới kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động người Úc gốc Việt Châu Văn Khảm và tôn trọng các khuyến nghị của Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (United Nations Working Group on Arbitrary Detention – UNWGAD). ------ Dưới đây là nguyên văn thư ngỏ: Ngày 24 tháng Giêng năm 2023 Thủ Tướng Phạm Minh Chính Nước CHXHCN Việt Nam 16 Lê Hồng Phong Ba Đình Hà Nội, Việt Nam   V/v Kêu gọi trả tự do cho ông Châu Văn Khảm   Kính gửi Thủ Tướng Phạm Minh Chính:   Chúng tôi viết thư này để bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc giam giữ tùy tiện đối với ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc bị giam cầm tại Việt Nam trong bốn năm qua.   Ông Kham bị bắt vào ngày 13 tháng Giêng năm 2019 khi đang ở Việt Nam, nơi ông đã gặp gỡ giới xã hội dân sự địa phương. Việc bắt giữ ông diễn ra chỉ vài ngày trước khi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tổ chức cuộc Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát UPR về thành tích nhân quyền của nước CHXHCN Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Viễn và ông Trần Văn Quyền ‒ hai nhà hoạt động nhân quyền khác và là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ ‒ đã bị bắt vì có liên hệ với ông Khảm. Cả ba người đã bị kết án từ 10 đến 12 năm tù với cáo buộc “khủng bố”.   Cả ba người đều là những nhà hoạt động ôn hòa. Nhà cầm quyền Việt Nam đã không đưa ra một bằng chứng cụ thể nào cho thấy những người này tham gia vào bất kỳ hoạt động khủng bố nào.   Theo phán quyết của Nhóm Công Tác về Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc công bố vào ngày 7 tháng 6 năm 2022, việc bắt giữ và giam giữ ông Châu Văn Khảm “thiếu cơ sở pháp lý và do đó là tùy tiện.” Nhóm Công Tác của Liên Hiệp Quốc kết luận rằng việc giam giữ ông Kham “là hệ quả của việc ông thực hiện ôn hòa quyền tự do lương tâm và niềm tin, tự do quan điểm và biểu đạt, cũng như quyền tham gia công việc công chúng.” Việc giam giữ này đi ngược lại với Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Ngoài ra, Nhóm Công Tác xác định rằng quyền được xét xử công bằng và đúng thủ tục hợp pháp của ông Khảm cũng bị vi phạm.   Nhóm Công Tác còn cho rằng việc ông Châu Văn Khảm chỉ có liên kết với tổ chức ôn hòa Việt Tân không thể được dùng để biện minh cho việc giam giữ ông. Nhóm cũng nhắc lại là Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc xem Việt Tân là một tổ chức ôn hòa, hợp pháp với mục tiêu cổ võ dân chủ hóa.   Là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, nước CHXHCN Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.   Vì thế, chúng tôi cùng chung tiếng nói kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy tôn trọng các công ước quốc tế về nhân quyền bằng cách trả tự do ngay lập tức cho ông Châu Văn Khảm. Chỗ ở của ông không phải là ở tù mà phải là với gia đình tại Úc, đặc biệt trong dịp Tết này.   Trân trọng,   Ms. Saskia Bricmont, Member of the European Parliament Mr. Sébastien Desfayes, Member of the Geneva Parliament, Chairman of the Swiss-Vietnam Committee (Cosunam) Hon. Judy A. Sgro, Member of Parliament, Chair International Trade, Former Minister of Citizenship and Immigration, Canada Ms. Cécile Auriol, ACAT Belgium Mr. Pascal Zohoun, President of ACAT Benin Mr. Gomdaogo Francis Alex Ilboudo, President of ACAT Burkina Faso Me. Armel NIYONGERE, ACAT Burundi Ms. Sylvie Lavigne, ACAT Canada Mr. Bernard Katumba, ACAT Democratic Republic of Congo Ms. Nathalie SEFF, Executive Director ACAT-France Mr. Christoph Schürhaus, ACAT Germany Ms. Ivy Florence Ayivor-Vieira, ACAT Ghana Mr. Massimo Corti, ACAT Italia Mr. Dale Nikke Tokpah, President of ACAT Liberia Ms. Christina Fabian, President of ACAT Luxemburg Ms. Ericka Razakanirahina, ACAT Madagascar Mr. Jean Christophe Konate, ACAT Mali Mr. Emili Chalaux, President of ACAT Spain-Catalonia Ms. Bettina Ryser Ndeye, Secretary General, ACAT-Switzerland Mr. Jean-Daniel Vigny, Swiss member of the International Board of the FIACAT Mr. Nguyen Van Dai, Chairman, Brotherhood for Democracy Ms. Doreen Chen, Executive Director, Destination Justice Mr. Duy Hoang, Executive Director, Viet Tan Dr. Alan Lowenthal, former Member of the U.S. House of Representatives Mr. Frank Heinrich, former member of the German Parliament Mr. Martin Patzelt, former member of the German Parliament Dr. Jörg Breitmaier, Hospital director Dr. Ansgar Hohmann, Scientific researcher Prof. Dr. Walter Motsch Prof. Dr. Johannes Kals Prof. Dr. Stephan Grüne Dr. Christoph Kohl, Cathedral Chaplain
......

Lá thư đần năm Quý Mão 2023 của Chủ Tịch Đảng Việt Tân

Ông Lý Thái Hùng, Chủ Tịch Đảng Việt Tân, gửi lời Chúc Tết Quý Mão 2023 đến đồng bào Việt Nam. Kính Thưa Toàn Thể Đồng Bào   Trước thềm năm Quý Mão 2023, thay mặt toàn thể anh chị em đảng viên Việt Tân, tôi xin kính chúc quý quyến một năm mới nhiều sức khỏe và vạn sự an lành. Nhân đây, chúng tôi cũng xin bày tỏ lòng tri ân đến toàn thể quý vị thân hữu đã luôn luôn sát cánh và đồng hành với anh chị em đảng viên Việt Tân trên mọi chặng đường đấu tranh trong suốt 40 năm qua.   Thưa quý vị, Năm 2022 đã khép lại với những biến động dồn dập: Từ cuộc chiến xâm lược của Putin ở Ukraine đến căng thẳng tại eo biển Đài Loan, từ phong trào biểu tình của phụ nữ Iran đến cuộc biểu tình chống chính sách Zero Covid 19 tại Trung Quốc, từ khủng hoảng năng lượng toàn cầu đến lạm phát, kinh tế bấp bênh… đã đặt thế giới trước nhiều thử thách.   Những thử thách này đã giúp thế giới ý thức sâu sắc nguy cơ của những chế độ độc tài đối với tương lai ổn định của nhân loại, và các quốc gia tự do đã không còn có thể ngồi yên hay đứng riêng rẽ, mà đã cùng bắt tay nhau chống lại các thế lực đen tối này; ngay cả người dân trong các nước độc tài cũng đang trổi dậy tham gia vào cuộc chiến giành lại quyền sống có nhân phẩm của mình, điển hình là Iran và Trung Quốc.   Sự ủng hộ hết lòng của các quốc gia dân chủ đối với sự chiến đấu dũng cảm của người dân Ukraine để chống lại cuộc chiến xâm lược của Putin - được sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Iran - đã vực dậy sự đoàn kết của khối các quốc gia tự do nói chung, xung quanh Hoa Kỳ.   Chưa ai biết rõ cuộc chiến tại Ukraine sẽ kết thúc ra sao; nhưng điều chắc chắn là Putin đã thua và trở thành một “tội đồ chiến tranh” - kéo theo sự xói mòn hình ảnh quyền lực của hai lãnh tụ độc tài Tập Cận Bình và Ali Khamenei, và đe dọa sự tan rã của các nhà nước chuyên quyền Trung Quốc – Nga - Iran trong thời gian trước mặt.   Tại Việt Nam, tuy đại dịch Covid 19 đã được khắc phục và nền kinh tế gia công nhờ vào đầu tư ngoại quốc (FDI) đã hồi phục, tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, nhưng cuộc sống nói chung của người dân vẫn khốn khó. Lý do đơn giản là căn bệnh tham nhũng di truyền của những chế độ độc tài đã khiến lợi tức quốc gia dù có tăng trưởng thì cũng chỉ rơi vào túi của những thành phần quyền lực và bè phái.   Nạn khan hiếm xăng dầu cũng đã đẩy vật giá lên cao ngất ngưởng làm cho cuộc sống của hàng triệu người lao động và bà con nghèo điêu đứng, nhưng lại không được nhà nước giúp đỡ hiệu quả vì bộ máy hành chánh tê liệt, hậu quả của sự say mê “đốt lò” - diệt trừ đối thủ - của ông Nguyễn Phú Trọng.   Hai vụ án “Chuyến Bay Giải Cứu” và “Kít test Việt Á” bị khởi tố trong năm 2022 đã cho thấy là tình trạng tham nhũng ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là nhận hối lộ hay biển thủ, tẩu tán tài sản quốc gia, mà là thông đồng với nhau, biến những chính sách nhà nước thành cơ hội để trục lợi. Điều này cho thấy là dù ông Nguyễn Phú Trọng có gia tăng đốt lò, thì tham nhũng vẫn phát triển ở quy mô rộng lớn vì quyền lực của đảng giúp họ làm giàu nhanh hơn. Trong 10 năm đốt lò, ông Trọng phát hiện đã có trên 160.000 tỷ đồng Việt Nam bị biển thủ, nhưng chỉ đòi lại được 16.000 tỷ đồng, tức là chỉ thu hồi được 10%.   Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của “thay đổi”.   • Phải thay đổi để tăng cường nội lực của nền kinh tế tư nhân hầu giảm thiểu sự lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư ngoại quốc. • Phải thay đổi để mở ra một xã hội đa nguyên, chấp nhập sự lên tiếng của số đông để ngăn chận sự cấu kết tham nhũng. • Phải thay đổi để dân tộc Việt Nam được phuc hoạt quyền tự chủ góp phần hiệu quả vào việc bảo vệ chủ quyền trước nguy cơ bành trướng của Bắc Kinh.   Chúng ta không chờ đợi lãnh đạo CSVN chấp nhận sự thay đổi mà chính chúng ta phải đứng lên thực hiện cuộc thay đổi bằng khát vọng, ý chí và sự dũng cảm của dân tộc.   Dù cho CSVN cố gắng kiềm chế xã hội với nhiều thủ đoạn răn đe nhằm ngăn chặn sự bất mãn của người dân bùng nổ, nhưng những biến chuyển của tình hình nói chung đang thôi thúc người Việt phải đứng lên tự cứu mình. CSVN đang ở vào ngã ba đường:   -Giằng co giữa sự lôi kéo của Hoa Kỳ và Trung Quốc. -Càng chống tham nhũng càng làm cho bộ máy nhà nước tê liệt. -Phân cực giàu nghèo càng gia tăng theo đà du nhập đầu tư ngoại quốc.   Chỉ có ánh sáng dân chủ mới giúp Việt Nam thoát ra khỏi ngỏ cụt của chuyên chế độc tài, vì đất nước chỉ có thể phát triển hài hòa và bền vững dưới một thể chế tự do và quyền con người được tôn trọng. Kính thưa quý vị,   Lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc đã cho thấy không một thể chế nào đi ngược với lòng dân mà có thể tồn tại mãi, và chính sức mạnh của dân tộc là nền tảng tạo ra những chuyển biến lịch sử để đem lại những thay đổi tốt đẹp cho đất nước. ​ Khung thời gian từ 3 đến 5 năm trước mặt sẽ là thời điểm xung yếu khi trật tự thế giới đương thời đang thay đổi và chắc chắn sẽ khiến tình hình Việt Nam rơi vào những đột biến hay khủng hoảng. Vấn đề là dân tộc chúng ta có tiếp tục “chân cứng, đá mềm” đi tới và ở tư thế sẵn sàng khi thời cơ đến hay không.   Trong niềm hy vọng của năm mới và trước những xoay chuyển của tình hình nói chung và nhất là những tranh chấp quyền lực ngày một gay gắt trong thượng tầng lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, tôi tin là dân tộc chúng ta sẽ lật qua trang sử mới trong một ngày không xa.   Đảng Việt Tân nguyện đồng hành cùng dân tộc trên con đường đi xây dựng hạnh phúc và yêu thương cho các thế hệ mai sau.   Trân trọng kính chào quý vị. *** Chủ Tịch Đảng Việt Tân gửi lời Chúc Tết đến đồng bào Việt Nam https://www.youtube.com/watch?v=e0dQ4CQ8bYU&t=3s    
......

Công an CSVN tiếp tục truy lùng nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng

Mộc Lan   Lại thêm một lần nữa an ninh Thanh Hoá gửi Thư kêu gọi nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng ra đầu thú.   Đã nhiều lần an ninh Thanh Hoá ra quyết định kêu gọi gửi thư cho gia đình Tráng để yêu cầu ông Nguyễn Văn Tráng ra đầu thú.   Năm 2018 nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng bị truy nã theo điều 79 BLHS: “Âm mưu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”   Trước đó Nguyễn Văn Tráng là sinh viên ngành Xây Dựng của trường Đại Học Hồng Đức, Thanh Hoá. Vì lên tiếng phản đối những bất công, bảo vệ môi sinh, môi trường…. Cũng như bao nhà hoạt động khác Nguyễn Văn Tráng bị an ninh sách nhiễu, gây áp lực bị đấu tố trước toà sinh viên của khoa, thậm chí bị chặn đánh giữa đường. Và đỉnh điểm an ninh cộng sản đã gây sức ép lên nhà trường nơi Tráng đang theo học tước đoạt cơ hội được tiếp tục học tập của ông trong khi chỉ còn 3 tháng nữa là tốt nghiệp.   Dưới sự truy lùng gắt gao của an ninh cộng sản Nguyễn Văn Tráng đã phải tạm lánh…. Nhưng phía an ninh cộng sản vẫn không buông tha cho Tráng và gia đình Tráng. Người mẹ già ở quê luôn bị sách nhiễu, khủng bố tinh thần vì người con trai út không thể im lặng trước những bất công, sai trái của hệ thống cầm quyền.   Thủ đoạn của nhà cầm quyền cộng sản rất tàn độc đối với những nhà bất đồng chính kiến. Mong được sự quan tâm của các tổ chức nhân quyền cũng như cộng đồng về sự an toàn của nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng và gia đình./.   Tựa Admin  
......

“HY VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN” cho đồng bào tị nạn Việt Nam!

Nam Lộc - SBTN Hy vọng ở đây là niềm hãnh diện mà thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại đã thực hiện được, làm nở mặt cộng đồng tị nạn VN đã từng được đất nước và người dân Hoa Kỳ đón nhận. Họ là nhóm Viet4Afghans (V4A) được vội vã thành lập vào tháng Tư, 2021, để cứu trợ khẩn cấp những ngưới tị nạn A Phú Hãn vào thời điểm HK rút quân ra khỏi quốc gia này. Hầu hết thành viên của nhóm V4A đều sinh ra và lớn lên ở Mỹ, hoặc đến định cư từ khi còn rất trẻ, nhưng họ đã thay mặt chúng ta để đáp ứng lời kêu gọi của chính phủ HK trong nỗ lực cứu giúp những người cùng hoàn cảnh, nhưng khác mầu da và chủng tộc. https://www.vietsforafghans.org/ Vận động cho quyền lợi của người tị nạn đã khó, nhưng đích thân giúp họ định cư là một công việc khó khăn, vất vả và phức tạp gấp bội phần, nhất là sự bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán. Nhưng các nhà bảo trợ gốc Việt trẻ tuổi đã làm được việc này một cách suôn sẻ và tốt đẹp, bằng tấm lòng nhân ái, bằng tình thương đồng loại. Tương tự như các nhà hảo tâm trong cộng đồng VN đã đóng góp gần $200 ngàn dollars qua cuộc vận động của đài truyền hình SBTN, để trao cho các cơ quan thiện nguyện giúp đỡ người tị nạn Afghanistan, trong đó có hội Thánh Tin Lành, LIRS, là tổ chức đã từng định cư người Việt chúng ta từ hàng chục năm liên tiếp. Người A Phú Hãn đã khóc khi nhận được những món quà tình nghĩa của các thành viên trong cộng đồng Việt Nam lúc họ đến định cư tại Orange County. Từ những chiếc TV, tủ lạnh, đến xe cộ, quần áo, tiền bạc, công ăn, việc làm v..v.., thậm chí tôi còn biết, cô con gái của một vị cố đại tướng VNCH, đã đem cả gia đình, gồm vợ và 2 đứa con nhỏ của một người lính biệt kích Afghans về sống chung trong ngôi nhà xinh đẹp của cô tại thành phố Huntington Beach, CA. Tất cả những việc làm cùng thành quả nói trên đã là những món quà tốt đẹp để chúng ta hãnh diện chia sẻ với bất cứ ai khi họ muốn tìm hiểu. Vào 2 ngày, mùng 7 và 8, tháng 12, 2022 vừa qua, một phái đoàn gồm các viên chức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, hướng dẫn bởi bà Sarah Cross, Phụ Tá Thứ Trưởng Ngoại Giao, đặc trách về định cư người tị nạn, cùng Tổng Giám Đốc Trung Tâm Bảo Trợ Cộng Đồng, và Phó Giám Đốc Nha Định Cư thuộc chính phủ Liên Bang, đồng thời với các nhà lãnh đạo chương trình tị nạn và y tế tiểu bang Washington. Họ đã đến thành phố Seattle để thăm viếng, thanh tra cũng như tìm hiểu nỗ lực định cư các gia đình người tị nạn A Phú Hãn đã được nhóm thiện nguyện Viet4Afghans, cùng một số cá nhân và tổ chức khác, bảo trợ từ tháng 11, 2021 và hiện đang sinh sống cũng như làm việc tại đây. Qua vai trò tình nguyện viên cố vấn cho nhóm Viet4Afghans, tôi đã được mời tham dự buổi họp mặt và tường trình nói trên. Tôi hết sức ngạc nhiên, cảm động, đồng thời không kém phần hãnh diện, là nhiều người bạn đồng sự với mình ngày trước, nay đã trở thành các nhà lãnh đạo những cơ quan trọng yếu của chính phủ HK. Cảm động hơn nữa là họ vẫn không quên mình cùng những ký ức đẹp và ý nghĩa thời gian mà chúng tôi cùng chung sức nhau phục vụ người tị nạn. Quang cảnh buổi tường trình  Phái đoàn thanh tra của chính phủ Liên Bang đã hết sức ca ngợi và ngưỡng mộ việc làm của nhóm Viet4Afghans, cùng các thành viên trẻ, họ đã vượt qua bao khó khăn, trở ngại. Nhất là vào thời điểm cấp bách, không được hướng dẫn hay huấn luyện về các thủ tục định cư. Nhiều cơ quan thiện nguyện vào thời điểm đó đã ngưng hoạt động, nên rất thiếu sự hiện diện của các cán sự xã hội, hay định cư chuyên môn. Lại thêm dịch Covid hoành hành, ấy vậy mà V4A đã dấn thân nhận giúp đỡ và bảo lãnh theo phương thức “Bảo Trợ Tư Nhân” (Private Sponsorship), có nghĩa là cần một nhóm 5 người (group of 5) ký giấy bảo trợ cho một gia đình, phải đóng tiền thế chân cho mỗi đầu người tị nạn, cũng như cam kết sẽ hoàn toàn trách nhiệm và lo lắng để họ không trở thành “gánh nặng của xã hội” (become Public Charge). Viet4Afghans đã bảo trợ và giúp đỡ tổng cộng là 60 người tị nạn A Phú Hãn, và họ đã thành công. https://www.pbs.org/newshour/show/how-seattles-vietnamese-community-is-helping-afghan-refugees Điều đáng nói ở đây là, sự thành công trong việc làm đầy tình người của nhóm V4A cùng những đóng góp nhiệt tình của cộng đồng người Việt qua chương trình thử nghiệm (pilot program) “Bảo Trợ Tư Nhân”, đã mở rộng cánh cửa hy vọng rất lớn cho gần 2000 người tị nạn VN đang mòn mỏi đợi chờ nơi đất nước Thái Lan. Nhiều cựu thuyền nhân trốn cưỡng bức hồi hương đã sống vất vưởng tại đây từ hơn 30 năm qua. Hàng trăm nạn nhân bị đàn áp tôn giáo ở VN, cùng với rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền phải lánh nạn ở quốc gia này để tránh bị tù tội, cộng với hàng trăm dân oan, nạn nhân Formosa và các vị tù nhân lương tâm v..v… Theo các viên chức của BNGHK thì chính phủ Mỹ, ngoài việc tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn trong tài khóa 2023, họ còn dự trù sẽ áp dụng chương trình “Bảo Trợ Tư Nhân” cho các chủng tộc khác, trong đó có Việt Nam. Và đó cũng chính là lý do mà chữ “Hy Vọng Đã Vươn Lên” được dùng làm chủ đề cho bài viết này. Nếu giấc mơ tranh đấu cho việc định cư toàn bộ người Việt ở Thái Lan trở thành sự thật, thì công lao lớn nhất phải dành cho sự hy sinh cùng tâm sức và lòng tận tụy trong việc định cư người tị nạn Afghanistan của nhóm Viet4Afghans cùng các thiện nguyện viên người Mỹ gốc Việt khác ở khắp mọi nơi. Nhưng cũng không thể không nhắc đến nỗ lực vận động âm thầm nhưng rất ảnh hưởng của Phong Trào Việt Hưng, kể cả việc liên tục cung cấp thực phẩm, giúp đỡ cho đồng bào tị nạn VN tại Thái Lan từ nhiều năm qua. Đặc biệt là cô Grace Bùi và tổ chức V-RAP (Vietnamese Refugees Assistance Project) do cô thành lập đã có những cuộc vận động vô cùng mạnh mẽ ngay tại Hoa Thịnh Đốn và ở nhiều nơi, kể từ tháng 8, 2021 cho đến nay. Sau cùng cũng không thể không nhắc đến cơ quan USCRI (United State Committee for Refugee and Immigrants), một trong những tổ chức thiện nguyện giúp người tị nạn lâu đời nhất ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới, mà tôi hân hạnh là một trong số 12 thành viên của Hội Đồng Quản Trị. Cơ quan USCRI đã tình nguyện đứng ra để vận động cho việc định cư toàn bộ người Việt tị nạn đang tạm trú tại Thái Lan hiện nay, đồng thời sẽ đảm trách và hỗ trợ quy trình “Bảo Lãnh Tư Nhân” cho người Việt tị nạn của chúng ta. https://refugees.org/ Sau cơn mưa, thì Trời lại sáng! Những kế hoạch nhằm phá vỡ chương trình định cư người tị nạn VN tại HK và Canada của Cộng Sản VN đã hoàn toàn thất bại. Mục đích của họ là để thế giới nghĩ rằng, ở VN hiện nay không có sự bất công hay ngược đãi nên “không còn người tị nạn”. Và chúng đã phỉ báng các vị tù nhân lương tâm, bằng cách gọi họ là “tù nhân vô lương tâm”. Tuy nhiên các luận điệu xảo trá đó đã không thể che giấu được ai, bằng cớ là vào ngày 2 tháng 12, 2022, Hoa Kỳ đã đưa VN vào “Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt” (Special Watch List) về vấn đề tự do tôn giáo, cùng với các nước Algerie, Trung Phi và Comoros. Gần đây nhất, ngày 14 tháng 12, 2022, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) của Pháp đã báo cáo các quốc gia có số nhà báo bị bỏ tù nhiều nhất, Việt Nam đã đứng hàng thứ tư, chỉ sau Trung Quốc, Miến Điện và Iran. Đây cũng là lời nhắc nhở đến các thành viên trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, chúng ta cần phải đề cao cảnh giác trước các luận điêu tuyên truyền cùng tin tức láo khoét (fake news) của bọn Việt Cộng và dư luận viên, mục đích là để đánh phá các tổ chức đứng đắn, đã và đang giúp người tị nạn VN. Riêng chính phủ Canada, họ đã hoàn toàn bác bỏ những lời vu cáo của bọn tay sai CS mà chúng đã đưa ra qua một tờ báo ở Canada, bằng cách tiếp tục cứu xét toàn bộ hồ sơ định cư đồng bào tị nạn VN tại Thái Lan của tổ chức VOICE. Và chỉ trong vòng vài tháng qua gần 60 người do VOICE Canada bảo lãnh đã đặt chân đến bến bờ tự do.   https://youtu.be/37QkfWYIXQw Và hôm nay thì cánh cửa được định cư tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đang dần dần hé mở. Hy vọng đã vươn lên, và ánh sáng đang ló rạng ở cuối đường hầm cho đồng bào tị nạn VN của chúng ta! Chúng tôi rất mong các cơ quan, hội đoàn, các tổ chức tôn giáo và những cá nhân có lòng trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại sẽ đưa tay đón nhận bằng cách bảo trợ đồng hương thiếu may mắn của chúng ta, những người tị nạn muộn màng, đang mòn mỏi đợi chờ được đến bến bờ tự do. Nam Lộc  (Giáng Sinh, 2022)  
......

London: Người Việt biểu tình trước Đại sứ quán CSVN nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2022

Ngày 11 /12/2022, trong thời tiết giá lạnh và sương mù của London, hơn 200 thanh niên Việt Nam từ mọi miền của Anh quốc vẫn hăng hái tụ hội trước Đại sứ quán VN tham gia cuộc biểu tình do cơ sở Việt Tân tại Anh quốc, Hội thân hữu Việt Tân UK, Hội Anh em Dân chủ UK, Nhóm Phong trào Con đường VN, Hội Công giáo vn….. tổ chức, để cùng lên tiếng nói đòi hỏi cho tự do nhân quyền và công lý cho các tù nhân lương tâm, những người đấu tranh cho dân chủ của Việt Nam. Khoảng 12 giờ trưa, ông Sơn Trần thay mặt Ban tổ chức tuyên bố lý do cuộc biểu tình. Ông cho biết Liên Hợp Quốc đưa ra chủ đề của năm 2022 là “Nhân phẩm, Tự do và Công lý cho tất cả”, nhằm lên án tình trạng vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Ngoài ra Hội Đồng Liên Tôn nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền ra văn bản tuyên bố phổ biến rộng rãi, kêu gọi mọi người đồng ý ký tên để tố cáo chính phủ của Cộng sản Việt Nam đã vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, lên án nhà cầm quyền Cộng sản VN đã “bất chấp pháp luật quốc tế về nhân quyền, đi ngược trào của thời đại dân chủ. Đồng thời “thỉnh cầu quốc tế áp lực buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải từ bỏ chế độ độc tài toàn trị, hủy bỏ Điều 4 của Hiến pháp”.   Sau bài phát biểu của ông Sơn Trần, bà Thảo Trương, đại diên Đảng Việt Tân tại Anh quốc cũng đã lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do các tù nhân lương tâm, các nhà đấu tranh dân chủ, dân sinh và nhân quyền trong nước. Ngoài ra chính quyền cộng sản VN không được cáo buộc tội hình sự lên những người bất đồng chính kiến, đấu tranh ôn hòa như ông Châu Văn Khảm, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang…. Tuy đứng ngoài trời dưới cái lạnh 0 độ C, nhưng mọi người vẫn hừng hực  khí thế đấu tranh khi mọi người hưởng ứng ông Ngọc Anh, thành viên Đảng Việt Tân kêu gọi cùng nhau hô to những khẩu hiệu “Tự do cho VN”, “Nhân quyền cho VN” và hát vang bài hát đấu tranh “Trả lại cho dân” của nhạc sĩ Việt Khang. Tiếp theo đó, là phần phát biểu của cô Trâm Lê, đại diện Hội Anh Em Dân Chủ. Cô Trâm Lê đã phản đối Nhà cầm quyền cộng sản VN đã vi phạm hiệp ước quốc tế về nhân quyền, gia tăng bắt bớ những người bất đồng chính kiến, những người đấu trang bất bạo động, lên án chế độ cộng sản, độc tài, toàn trị tại VN. Ngoài ra, ông Đức Trần, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, cũng đã lên án mạnh mẽ việc chính quyền VN ra sức đàn áp những nhà hoạt động dân chủ và đấu tranh nhân quyền tại VN bằng những điều luật bất hợp lý và sử dụng những bản án “bỏ túi” nặng nề nhất để kết án các tù nhân lương tâm. Sau 2 giờ đấu tranh dưới tiết trời lạnh giá của xứ sở sương mù, mọi người cùng vui vẻ chụp hình kỷ niệm trước khi ra về. Buổi biểu tình kết thúc trong sự ấm áp của tình người, tình đồng hương và ngọn lửa đấu tranh tiếp tục được truyền tiếp đến các bạn trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Tường trình bởi Anh Nguyễn – Thảo Trương  
......

Đức quốc: Sinh hoạt nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2022

Chương trình lễ kỷ niệm 74 năm ngày ra đời bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ở Đức năm nay được tổ chức chính xác vào ngày 10 tháng 12, 2022 gồm hai phần:   Biểu tình trước nhà hát lớn thành phố ngân hàng Frankfurt (Opernplatz) từ 12g15 và trong nhà thờ Christus gần đó từ 15 đến 20 giờ.   Biểu tình Sau nghi thức chào cờ Đức – Việt và phút mặc niệm, bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Người Việt tị nạn cộng sản tại CHLB Đức đã đọc lời khai mạc. Bà sơ lược về bản Tuyên Ngôn lịch sử của loài người vào năm 1948, 3 năm sau khi trải qua cuộc thế chiến II tàn khốc, và ý nghĩa của nó. Ông Frank Boungard, đại diện Tổ Chức Công Giáo Chống Tra Tấn ACAT, người sinh trưởng ở Đông Đức và đã có những trải nghiệm về chế độ độc tài cộng sản DDR nhấn mạnh về những giá trị dân chủ vốn là thể chế tốt đẹp nhất cho con người. Thể chế này cần được bảo vệ tốt trước những đe dọa như từ nhóm Reichsbürger chủ trương dùng bạo lực vừa bị cảnh sát Đức phá vỡ vài hôm trước đã gây chú ý cho công luận quốc tế. ACAT ủng hộ những nỗ lực hướng tới dân chủ của người Việt Nam. Bà Gabi Uhl, ca nhạc sĩ và là chủ tịch Sáng Kiến Chống Án Tử Hình Đức nhắc nhở những giá trị về nhân quyền, dân chủ và phản đối các hình thức tra tấn con người của những chế độ độc tài chuyên chế. Đại diện Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, ông Vũ Hoàng Hải xiển dương những tù nhân lương tâm đã và đang góp phần đấu tranh cho một Việt Nam tự do. Ông Nguyễn Đình Phúc, chủ tịch Hội Người Việt tị nạn cộng sản tại Hamburg chia sẻ về ý nghĩa ngày QTNQ bằng tiếng Đức. Ông kêu gọi mọi người quan tâm hơn nữa đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Bảo, chủ tịch Hội NV TNCS tại Nürnberg khuyến cáo về việc thiếu vắng các quyền cơ bản của con người, dù ĐCSVN đã ký kết vào các văn bản quốc tế cam kết tôn trọng nhân quyền. Ông đòi nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do ngay cho tất cả TNLT Việt Nam. Anh Dylan Trần Phi, một người trẻ chia sẻ về tình trạng mất nhân quyền ở Việt Nam bằng tiếng Đức. Dù CSVN sắp ngồi vào ghế Hội Đồng Nhân Quyền tại Liên Hiệp Quốc, tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng không khá hơn. Anh đưa ra sáu cụ thể cho ĐCSVN, trong đó có những yêu sách như trả tự do ngay lập tức cho tất cả TNLT, chấm dứt công ước chống tra tấn mà CSVN ký kết vào năm 2013 và mọi hình thức tra tấn trong đồn công an, tôn trọng mọi quyền tự do căn bản, chính thức lên án hành động xâm lăng nước Ukraine có chủ quyền ... Xen kẽ giữa những phát biểu là các bản nhạc đấu tranh như „Việt Nam quê hương ngạo nghễ“, „Trả lại cho dân“ và các khẩu hiệu „Tự do, nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam“ được đoàn biểu tình hô to vang nơi đông đảo khác qua đường. Nhiều truyền đơn bằng Đức ngữ liên quan đến ngày QTNQ cũng đã được ban tổ chức trao tay cho người đi đường. Nhiều người Đức đứng lại hỏi thăm về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Buổi Lễ trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2022 Buổi Lễ Trao Giải Nhân Quyền 2022 được diễn ra sau đó trong khung cảnh ấm cúng của nhà thờ Christuskirche ở khu phố lận cận. Tham dự buổi lễ, ngoài đông đảo đại diện thành viên Liên Hội đến từ nhiều thành phố, nhiều nhân  sĩ đồng hương trong TP Frankfurt và các thành phố phụ cận, và một số đồng hương đến từ các quốc gia lận cận như Ukraine, Ba Lan, Áo, và vương quốc Bỉ. Lãnh đạo các tôn giáo có HT Thích Như Điển và Mục sư Uwe Saßnowski. Về phía các tổ chức nhân quyền quốc tế có Ô. Frank Boungard của Tổ Chức Nhân quyền Kitô giáo (ACAT), Bà Gabi Uhl, Chủ tịch Tổ chức Chống Án tử hình (Initiative Gegen Die Todesstrafe), và Ô. Roman Kühn, Giám đốc Liên Hiệp cho Những Dân tộc bị Áp Bức.   Sau nghi thức khai mạc và lời nguyện cho hòa bình Việt Nam của hai lãnh đạo tôn giáo hiện diện cử hành, chương trình được bắt đầu bằng diễn văn chào mừng quan khách của Bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CH LB Đức. Tiếp theo là diễn văn về ý nghĩa Giải Nhân Quyền 2022 trong khung cảnh tình hình đàn áp nhân quyền đang trở nên tệ hại hơn bao giờ của TS Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều Hành MLNQVN. Những người nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam năm nay gồm Thi sĩ Trần Đức Thạch, Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, và nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh và các đồng đội trong Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết là những tấm gương tiêu biểu. Hiện họ là những tù nhân lương tâm đang bị chế độ csvn giam cầm.   Nghi thức trao giải  được hai MC Trần Ngọc Thành và Trinh-Đỗ Tôn-Vinh hướng dẫn bằng hai ngôn ngữ Việt và Đức mà cao điểm là phần tuyên dương và trao giải. Các thành viên trong Ban Tổ Chức đã lần lượt đọc lên thành tích đấu tranh cho nhân quyền của những khôi nguyên cũng như những gian khổ họ phải chịu đựng. TS Nguyễn Bá Tùng, BS Hoàng Thị Mỹ Lâm và ông Vũ Hoàng Hải đã thay mặt MLNQVN trao các bản tấm vinh danh đến đại diện của các khôi nguyên, gồm LS Nguyễn Văn Đài, thay mặt nhà thơ Trần Đức Thạch; nhà văn Võ Thị Hảo thay mặt nhà báo Nguyễn Tường Thuy; và nhà báo Vũ Ngọc Yên thay mặt cho nhà hoạt đông Lưu Văn Vịnh và các đồng đội trong Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết.   Sau mỗi lần tuyên dương, cả hội trường chăm chú theo dõi hình ảnh và lời nói chân tình của các bà vợ của ba khôi nguyên lên tiếng từ Việt Nam và được phát trên màn hình lớn:   Bà Nguyễn Thị Chương, vợ tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch; Bà Phạm Thị Lân, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Tường Thụy; Bà Lê Thị Thập, vợ tù nhân lương tâm Lưu Văn Vịnh. Sau đó một số quan khách đã được mời phát biểu gồm HT Thích Như Điển, MS Uwe Saßnowski, Ô. Frank Boungard của Tổ Chức Nhân quyền Kitô giáo (ACAT), Bà Gabi Uhl, Chủ tịch Tổ chức Chống Án tử hình, Ô. Roman Kühn, Giám đốc Liên Hiệp cho Những Dân tộc bị Áp Bức. Ngoài ra còn có một số lãnh đạo các tổ chức nhân quyền quốc tế không thể đến tham dự cũng đã gởi điệp văn tuyên dương những khôi nguyên và cám ơn Ban tổ chức.   Buổi lễ trao Giải được kết thúc sau phần văn nghệ chiến đấu đặc sắc do các bạn trẻ đồng hương tỵ nạn phụ trách. Nhiều nhân sĩ địa phương đã bày tỏ niềm phấn khởi trước sự kiện Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên tại Cộng Hòa Liên Bang Đức./.  
......

Pages