Các sự kiện đàn áp nhân quyền Việt Nam năm 2020

Timothy Trinh|
 
Nhìn lại quá trình 12 tháng qua, những sự kiện đàn áp nhân quyền thật tệ hại ở Việt Nam đã khiến cho cái vực thẳm ngăn cách giữa nhà nước và người dân ngày càng lớn hơn.
 
Sự kiện Đồng Tâm
 
Mở đầu năm 2020, nhà nước chỉ đạo lực lượng cảnh sát cơ động tấn công dân làng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
 
"Khoảng ba giờ sáng, rất đông người của chính quyền trong trang phục cảnh sát cơ động, cầm theo gậy gộc, dùi cui, súng, khiên, đổ về làng," theo lời một nhân chứng trao đổi với BBC News Tiếng Việt qua điện thoại sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020.
 
"Vào giữa trời đêm, cảnh sát cơ động xả súng dữ dội vào một ngôi nhà dân bình thường ở Đồng Tâm, như thể tấn công vào một hang ổ mafia. Một ngày sau, công an trả lại xác của người thủ lĩnh tinh thần cuộc đấu tranh giữ đất Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, với nhiều vết đạn," theo bản tin RFI.
Theo nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, "tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là tranh chấp kinh tế dân sự, nhưng nó lại được giải quyết bằng súng đạn."
 
"Vào đầu thế kỷ 21 rồi mà một tranh chấp kinh tế dân sự lại phải mở cuộc hành quân cả ngàn cảnh sát cơ động với vũ khí làm phương tiện giải quyết, dẫn đến 4 người thiệt mạng, thì thật là đau xót," ông nói.
 
Gần 8 tháng sau, vào ngày 7 tháng 9 năm 2020, tổng cộng 29 người dân của xã Đồng Tâm đã phải đối mặt với phiên tòa xét xử ở Hà Nội với 10 người bị buộc tội "giết người" và 19 người bị buộc tội "chống người thi hành công vụ".
 
Ngoài cụ Lê Đình Kình đã bị cảnh sát cơ động sát hại, không nằm trong danh sách, tòa án đã kết tội tử hình hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức. Ông Lê Đình Doanh bị kết án chung thân; 12 người bị kết án tù giam từ 3 đến 16 năm; và 14 người còn lại bị kết án treo từ 15 tháng cho đến 3 năm.
 
Sự kiện đàn áp người bất đồng chính kiến
 
Ngoài sự kiện Đồng Tâm nói trên, có ít nhất 72 người khác, trong năm 2020, đã bị bắt giữ và bị cáo buộc (hoặc bị kết án) với các tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
 
Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Điều 156. Tội vu khống.
Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước.
Điều 389. Tội che giấu tội phạm
 
Các sự kiện bắt giữ theo thứ tự thời gian:
 
Ngày 09/01/2020, hàng chục người dân Đồng Tâm đã bị cảnh sát cơ động bắt giữ, trong số này 29 người đã bị kết án nói trên.
 
Trong cùng ngày 09/01, Đinh Văn Phú, SN 1973, trú thôn 2, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, bị bắt giữ và bị buộc tội theo Điều 117 vì đã sử dụng các tài khoản Facebook "Jimy Nguyễn", "Vinh Nguyễn Jimy" và "Nguyễn Vinh" để đăng tải các bài viết và phát trực tiếp các bài viết chống nhà nước.
 
Ngày 12/01/2020, Chung Hoàng Chương, SN 1977, bị bắt giữ và bị buộc tội theo Điều 331. Trong phiên tòa ngày 27/04/2020, Chương bị kết án tù 1 năm 6 tháng.
 
Ngày 18 tháng 3 năm 2020 là sự kiện bắt giữ và kết án 14 người Hmong. Trong số này, bị buộc tội và kết án theo Điều 109 gồm có: Sùng A Sính và Lầu A Lềnh mức án chung thân; Hoàng Văn Páo mức án 20 năm tù; Sùng A Dơ, Giàng A Và, Sùng A Sình, Giàng A Dia, Giàng A Sinh, Hờ A Hù, Cháng A Súa, Hoàng Văn Chơ cùng mức án 8 năm tù. Số người còn lại Thào A Khu, Phàng A Minh, Phàng A Lanh cùng mức án 24 tháng tù về tội “Che giấu tội phạm”.
 
Sau đó một ngày, 19/03/2020, có thêm 3 người Hmong khác, Kưnh (SN 1992), Lũp (SN 1972), Jưr (SN 1964), cùng ngụ làng Kret Krot, xã H'Ra, cũng bị bắt giam với tội danh theo Điều 109.
Ngày 11/04/2020, Mã Phùng Ngọc Phú, SN 1992, bị bắt giữ và cáo buộc tội danh theo Điều 331. Cô bị xử án 9 tháng tù vào ngày 11/05 và dự kiến sẽ ra tù vào ngày 11 tháng 1 tới đây.
Ngày 18/04/2020, Đinh Thị Thu Thủy, SN 1984, bị bắt giữ và bị cáo buộc tội danh theo Điều 117 vì đã chia sẻ và viết bài Facebook.
Ngày 23/04/2020, nhà thơ Trần Đức Thạch, SN 1952, bị bắt giữ và bị buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109. Ngày 15 tháng 12, ông bị kết án 12 năm tù. Trước đó, vào năm 2008, ông Thạch đã bị 3 năm tù giam về tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước".
 
Ngày 21/05/2020, nhà văn Phạm Chí Thành (Blogger Bà Đầm Xòe) bị bắt giữ và bị buộc tội theo Điều 117. Ông bị chuyển từ Trại giam số 1 Hỏa Lò ở Hà Nội đến Viện Pháp y Tâm thần Trung Ương vào ngày 25 tháng 11.
 
Ngày 23/05/2020, ký giả Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập, bị bắt giữ và bị buộc tội theo Điều 117.
 
Ngày 08/06/2020, ký giả Lê Hữu Minh Tuấn, bút danh Lê Tuấn, một thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, bị bắt giữ và bị buộc tội theo Điều 117.
 
Ngày 13/06/2020, Nguyễn Đăng Thương, SN 1957, và Huỳnh Anh Khoa (fb Nino Huỳnh), SN 1982, bị bắt và buộc tội theo Điều 331. Cả hai là quản trị viên của nhóm Facebook "Bàn luận về kinh tế chính trị". Phiên tòa dự kiến vào ngày 7 tháng 12, nhưng được dời lại do sức khỏe của ông Thương không tốt.
 
Ngày 24/06/2020, chị Cấn Thị Thêu, cùng hai người con Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, bị bắt và buộc tội theo Điều 117. Đồng loạt với sự bắt giữ 3 người trong gia đình chị Thêu, còn có thêm chị Nguyễn Thị Tâm cũng đã bị bắt giam và buộc tội theo Điều 117.
 
Cùng ngày 24/06, cô Nguyễn Thị Cẩm Thúy, SN 1976, một giáo viên dạy toán ở Khánh Hòa, cũng bị bắt giam và buộc tội theo Điều 117.
 
Ngày 25/06/2020, Vũ Tiến Chi, SN 1966, quê Nam Định, ngụ tại thành phố Bảo Lộc, bị bắt giam và buộc tội theo Điều 117 vì đã viết bài Facebook và tổ chức livestream trực tiếp clip có nội dung chống nhà nước.
 
Ngày 27/07/2020, Nguyễn Quang Vinh, SN 1981, trú tại khối Bình Yên, phường Hưng Bình, thành phố Vinh, bị bắt giam và buộc tội theo Điều 331 vì đăng tải, chia sẻ các bài viết, tin tức liên quan đến các sự kiện Đồng Tâm và các vấn đề chính trị, xã hội trong và ngoài nước.
 
Ngày 21/08/2020, cô Trần Thị Tuyết Diệu, SN 1988, từng là phóng viên của Báo Phú Yên, bị bắt giam và bị cáo buộc tội danh theo Điều 117.
 
Trong cùng ngày, ông Phạm Hổ, SN 1949, ngụ tại phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đã bị bắt giữ với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109.
 
Ngày 19/09/2020, ông Lê Văn Hải, SN 1966, ngụ tại phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, bị bắt giam và bị cáo buộc tội danh theo Điều 331, vì đã sử dụng tài khoản Facebook đăng tải nhiều thông tin và bài viết có nội dung mà công an cho rằng đã "xúc phạm đến uy tín danh dự" các lãnh đạo đảng, nhà nước và nhà cầm quyền tỉnh Bình Định.
 
Ngày 25/09/2020, Tiến sĩ Phạm Đình Quý, SN 1981, ngụ thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, đã bị công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ "trong trường hợp khẩn cấp", tạm giam để phục vụ công tác điều tra và buộc "tội vu khống" theo Điều 156.
 
Ngày 06/10/2020, nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang, SN 1978, đã bị bắt giam và bị cáo buộc tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2015 theo quy định tại Điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
 
Ngày 20/10/2020, ông Nguyễn Quang Khải, SN 1969, bị bắt giam bởi công an tỉnh Đồng Nai vì có hành vi "sao chụp, phát tán hình ảnh tài liệu bí mật nhà nước" theo Điều 337.
 
Ngày 06/11/2020, Nguyễn Văn Lâm, SN 1970, trú tại khối Vĩnh Yên, phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh (Nghệ An) bị bắt giam và buộc tội theo Điều 117 vì đã sử dụng Facebook “Lâm Thời” đăng tải, chia sẻ nhiều video, hình ảnh, bài viết có nội dung​ ​mà công an cho rằng đã "nói xấu ​Đ​ảng và nhiều cơ quan nhà nước; đồng thời kích động các tầng lớp nhân dân chống Đảng, Nhà nước."
 
Ngày 17/12/2020, nhà báo Trương Châu Hữu Danh, 38 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, Long An, bị bắt giam với cáo buộc tội danh theo Điều 331. Anh là người thành lập nhóm "Báo sạch", và còn là người đã tích cực phanh phui vụ án Hồ Duy Hải, khoét vào vết nhơ của chánh án Nguyễn Hòa Bình.
 
Ngày 22/12/2020, cô Lê Thị Bình (fb Ngọc Lan CT), SN 1976, bị công an quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ bắt giam với tội danh theo Điều 331 vì đã chia sẻ và viết bài trên Facebook. Cô Bình là em gái của tù nhân lương tâm Lê Minh Thể.
 
Ngoài ra, trong năm 2020, có nhiều phiên tòa đã được dựng lên để kết án những anh chị em đã bị bắt giữ trước năm 2020, trong số này gồm có Nhóm Hiến Pháp đã bị bắt giam từ tháng 9 năm 2018. Tám tù nhân lương tâm trong nhóm gồm có: Hồ Đình Cương, Ngô Văn Dũng (fb Biển Mặn), Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (fb Tran Hoang Lan), Hoàng Thị Thu Vang, Lê Quý Lộc, Đoàn Thị Hồng, Trần Thanh Phương và Đỗ Thế Hóa (fb Bang Lĩnh).
 
Thêm vào đó, các phiên tòa kết án Nguyễn Quốc Đức Vượng (fb Vượng Nguyễn) bị bắt giam từ tháng 9 năm 2019; Nguyễn Trung Lĩnh bị bắt giam từ tháng 5 năm 2018; Nguyễn Văn Nghiêm (fb Giáo sư hớt tóc) bị bắt giam từ tháng 11 năm 2019; Đặng Thị Huệ và Bùi Mạnh Tiến bị bắt giữ từ tháng 10 năm 2019 vì phản đối BOT; Phan Công Hải bị bắt giam vào tháng 11 năm 2019; và Trương Duy Nhất bị bắt giam từ đầu năm 2019.
 
Danh sách nếu có thiếu sót, xin các bạn giúp cập nhật.
 
Và, đó là cái vực thẳm máu và nước mắt mà lịch sử sẽ ghi nhớ.
 
Người Đà Lạt Xưa
December 30, 2020

#đànápnhânquyền2020