Cẩn thận với cái bẫy của Trung Quốc

Ảnh: dpa / Andy Wong; dpa / Kay Nietfeld; Montage: THẾ GIỚI đồ họa thông tin
 
Von Christina zur Nedden
Freie Korrespondentin für Asien
Nguyễn Xuân Hoài (dịch)
 
Thủ tướng Đức thăm Bắc Kinh, các nhà quản lý hàng đầu của các tập đoàn lớn của Đức cũng có mặt. Nhiều đối tác ở châu Âu lo ngại Berlin có thể lâm vào tình trạng phụ thuộc nguy hiểm. Không chỉ chính sách zero-Covid nghiêm ngặt, cứng nhắc rồi đây cũng sẽ là một vấn đề đối với kinh tế Đức.
 
Trong quá khứ những cuộc thăm viếng như thế này là chuyện bình thường. Nhưng cái thời đó đã qua rồi. Hôm thứ sáu, Thủ tướng Olaf Scholz (SPD) đã đến Trung Quốc trong sự săm soi, phê phán cả ở Đức lẫn các đối tác châu Âu. Cùng đi còn có 12 nhà quản lý hàng đầu từ các tập đoàn lớn của Đức như Volkswagen, Deutsche Bank và Siemens.
 
Xét cho cùng, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức. Nhưng việc Nga xâm lược Ukraine và cuộc chiến năng lượng chống lại châu Âu, cũng như sự xâm nhập đang gây tranh cãi của doanh nghiệp vận tải biển Trung Quốc Cosco ở cảng Hamburg, đã làm gia tăng sự lo ngại, Đức lại tự buộc mình phụ thuộc nghiêm trọng vào chế độ chuyên quyền Bắc Kinh.
 
Các mối quan hệ kinh tế được thúc đẩy bởi khái niệm “thay đổi thông qua thương mại” mà Berlin theo đuổi trong nhiều năm qua đang ngày càng bị hạn chế bởi chính sách Zero Covid quá khắc nghiệt của Bắc Kinh. Khi phần còn lại của thế giới phục hồi sau đại dịch, Trung Quốcvẫn tiếp tục đóng cửa các thành phố lớn, theo dõi từng cá nhân, bắt buộc cách ly khi phát hiện những người mắc bệnh và truy vết tốn kém nhiều triệu đô la do tiến hành xét nghiệm coronavirus.
 
Không thể ngăn cản Đảng Cộng sản kiên trì đường lối đã đề ra, bất chấp thiệt hại to lớn đến nền kinh tế và mất danh tiếng quốc tế do nhiều năm tự cô lập. Đối với Trung Quốc của Tập Cận Bình, an ninh quốc gia và kiểm soát chính trị được coi trọng hơn sự tăng trưởng kinh tế.
 
Các nhà máy buộc phải ngừng hoạt động, người lao động bị nhốt trong nhà cho dù họ bị thiếu lương thực, thực phẩm hoặc không còn có nguồn thu nhập. Những việc làm này ảnh hưởng ngày càng nhiều tới nền kinh tế Đức.
Jens Hildebrandt, thành viên ban điều hành Phòng Thương mại Đức phụ trách Bắc Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết: “Ở nơi mà bất cứ lúc nào cũng có thể xẩy ra một đợt đóng cửa thì không thể có sản xuất ổn định, và không thể làm việc theo kế hoạch điều đó khiến các doanh nghiệp Đức đau đầu”. Ông này nói, chính sách zero-Covid “giống như một tảng chì” nó kìm hãm tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, ảnh hưởng tương ứng đến triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp Đức tại đây.
 
Chính sách Zero-Covid gắn bó với bản thân họ Tập
 
Theo Hildebrandt, Đức hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc. Một nửa trong số đó đã hoạt động tại đây hơn 15 năm. “Hiện tại, chúng tôi không thấy bất kỳ một sự dịch chuyển đáng kể nào của các công ty Đức. Thực tế là đối với nhiều người, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất và cũng là thị trường có sức tăng trưởng mạnh mẽ nhất,”.
 
Tuy nhiên, nhiều người Đức trải qua đại dịch ở Trung Quốc đã cảm thấy quá mệt mỏi vì tình trạng ngừng trệ sản xuất do cách ly. Họ muốn rời khỏi đất nước này. Việc điều động các chuyên gia và giám đốc điều hành sang làm việc tại các doanh nghiệp Đức ở Trung Quốc hiện ngày càng trở nên khó khăn. Trung Quốc không còn là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều người lao động Đức.
 
Người Trung Quốc từng hy vọng các biện pháp cách ly, khóa cửa sẽ kết thúc sau khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử vào giữa tháng 10. Nhưng chính sách corona nghiêm ngặt gắn quá chặt với con người này. Ông ta sẽ mất mặt nếu thừa nhận chiến lược này sai hoặc không hiệu quả. Các biện pháp nghiêm ngặt này không còn được áp dụng để chống lại virus mà đã trở thành một công cụ chính trị.
 
Hậu quả của chính sách zero-Covid thể hiện rõ rêt trong cả nước. Tăng trưởng kinh tế giảm 0,4% từ tháng 4 đến tháng 6, đây là mức thấp thứ hai kể từ năm 1992. Cuộc khủng hoảng bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đang làm trầm trọng thêm diễn biến tiêu cực này.
 
Một số chuyên gia thậm chí không hy vọng có bất kỳ thay đổi chính sách đáng kể nào cho đến năm sau hoặc đến năm 2024.
 
Ngoài ra, hàng triệu người cao tuổi Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của chế độ Tập Cận Bình.
 
Về lâu dài, Trung Quốc muốn tự tách khỏi mọi sự ràng buộc để phát triển công nghệ cao vì cho đến nay Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao, tăng cường sản xuất trong nước đồng thời mở rộng ảnh hưởng toàn cầu thông qua các dự án như "Con đường tơ lụa mới". Trung Quốc cần độc lập hơn với thế giới và thế giới phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.
Von Christina zur Nedden
Freie Korrespondentin für Asien
Nguyễn Xuân Hoài (dịch)
welt.de
Olaf Scholz in Peking: In der China-Falle? - WELT