Vào mùng 1 tháng 11 tới đây, lễ giỗ lần thứ 54 cố Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ được tổ chức tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, Lái Thiêu, Bình Dương, ngay phần mộ của hai ông. Một thông báo ngắn gọn trên Facebook của Linh mục An tôn Lê Ngọc Thanh mời gọi tất cả các thành phần yêu mến Tổng thống Diệm đến tham dự.
Ngay sau đó là một sự hưởng ứng từ những bạn trẻ khu vực Sài Gòn và lân cận đã đến phần mộ để dọn dẹp sạch sẽ chuẩn bị cho ngày lễ giỗ.
Sau 54 năm ngày ông Ngô Đình Diệm bị ám sát, với những chiến lược tuyên tuyền xấu từ phía cộng sản. Bây giờ giới trẻ tại Việt Nam biết và hiểu như thế nào đối với ông Diệm ? Chúng tôi có cuộc tiếp xúc với một số bạn trẻ, sinh viên đến từ 3 miền đất nước. Đặt ra một số câu hỏi giống nhau thì được biết những quan điểm của họ khá mới mẻ và hết sức ngạc nhiên trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày nay.
Lệ Thu, một sinh viên đến từ Bình Định trả lời chúng tôi về điều em biết và hiểu về ông Ngô Đình Diệm là một quá trình thay đổi nhận thức, Lê Thu nói: “Trước năm 18 tuổi tôi nghĩ Ngô Đình Diệm là ‘một tên bù nhìn tay sai cho Mỹ’. Bây giờ tôi nghĩ cụ Ngô Đình Diệm là một trong những người tài, đức và đáng kính nhất mà tôi từng được biết”.
Vì sao em lại thay đổi quan điểm và nhận thức của mình như vậy ? Thu nói: “ Tôi hối hận vì suốt thời gian dài tôi chỉ biết nghe lời nói từ một phía, lời của cộng sản. Vô tình biết được một phần sự thật từ người Việt quốc gia đã khiến tôi bừng tỉnh và ngày càng kính trọng cụ Diệm nhiều hơn. Tôi khinh bỉ nhưng kẻ lật lọng, đặt điều nói xấu cụ Diệm và thể chế Việt Nam Cộng Hòa”.
Cũng với câu hỏi biết và hiểu gì về cố Tổng thống Ngô Đình Diệm ?
Paulus Thiển, một sinh viên đến từ Hà Nội chia sẻ: “ Em biết khá sớm, từ hồi lịch sử phổ thông. Nhưng sách giáo khoa họ khắc họa ông là 1 người khá độc tài và theo Mỹ. Nhưng qua thời đại học, em tìm hiểu về thân thế gia đình ông, toàn người tài giỏi. Trong đó có anh ruột ông là Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, cháu ruột ông là hồng y Nguyễn Văn Thuận đang trong quá trình phong thánh. Đó là 1 gia đình nhiều người tài giỏi, điều mà ở gia đình Hồ Chí Minh không có”.
Tôi hỏi Thiển, là một sinh viên đang sống tại Việt Nam mà nói về ông Ngô Đình Diệm như vậy, em có sợ bị nhà cầm quyền gây khó dễ không? Thiển nói: “phải tập dần sự dũng cảm mà nhìn vào sự thật lịch sử thôi anh ạ”.
Từ Sài Gòn, Nguyễn Hoàng, một sinh viên đã ra trường nói với chúng tôi rằng: “Em có biết ngày giỗ của cố Tổng thống Diệm. Ông và người em của ông bị ám sát vì không để Mỹ đưa quân vào Việt Nam. Bản thân em khá là cảm phục ông Diệm, ông là một người có tinh thần dân tộc cao. Nhiều người chỉ trích kiểu “gia đình trị” trong thời gian cầm quyền, nhưng em nghĩ điều đó tốt trong giai đoạn chiến sự với Miền Bắc”.
Tôi hỏi Hoàng có ý định dự lễ giỗ Tổng thống Diệm năm nay không ? Hoàng nói: “Em rất muốn, tuy nhiên em không hứa chắc là sẽ dự được”.
Đó là 3 cuộc nói chuyện ngẫu nhiên với 3 bạn trẻ từ 3 miền khác nhau.
Đề tài nói về cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và Việt Nam Cộng Hòa trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay là một điều tối kỵ. Nó có thể khiến nhà cầm quyền Hà Nội phát điên, họ tìm cách trả thù bằng biện pháp bắt giam, bỏ tù. Tuy nhiên, trong màn sắt kiềm tỏa như vậy mà người dân vẫn có nói về Tổng thống Diệm với một sự nhận thức hoàn toàn khác biệt so với cách tuyên truyền của Hà Nội.
Người trẻ Việt Nam đang dần biểu lộ tình cảm của mình một cách công khai đối với ông Ngô Đình Diệm, nhất là trong thành phần giới trẻ. Phải chăng tuyên truyền xấu nhắm vào ông Diệm của Hà Nội đã hoàn toàn thất bại trong xã hội hiện đại ngày nay ?
Tôi lại nghĩ đến một câu nói trong Kinh Thánh “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Còn đối với Tổng thống Ngô Đình Diệm thì đang thảnh thơi mà hân hoan hát câu trong Thánh Vịnh đã loan báo:
“Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài,
còn con đây, thì được thoát khỏi”.
Viết trong những ngày cuối tháng 10.2017
Paulus Lê Sơn
Nguồn: CTM Media