Hội nghị an ninh Munich khai mạc với trọng tâm là Ukraina và căng thẳng Mỹ - Trung

Thống đốc bang Bayern Markus Soeder (P) đón phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại sân bay ngày 16/02/2023 đến tham dự Hội nghị An ninh Munich, Đức, khai mạc ngày 17/02. AP - Michael Probst

Thanh Phương

Chiến tranh Ukraina, kéo dài gần một năm, và căng thẳng Mỹ-Trung là những hồ sơ bao trùm Hội nghị Munich (München) về an ninh, khai mạc hôm nay, 17/02/2023.

Năm nay, hơn 150 đại diện các chính phủ, trong đó có thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sẽ tham dự hội nghị thường niên tại thành phố Munich của Đức bàn về các vấn đề an ninh quốc tế. Hội nghị Munich cũng quy tụ lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cũng như tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg. Nhưng năm nay không có đại diện nào của Nga được mời đến hội nghị.

Theo hãng tin AFP, tại Munich, các lãnh đạo châu Âu sẽ tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraina cho đến khi nào vẫn còn cần để đẩy lùi quân xâm lược Nga. Cho tới nay, các nước phương Tây vẫn yểm trợ Kiev bằng việc cung cấp vũ khí và ban hành các trừng phạt để làm suy yếu Nga. Chính quyền Ukraina hiện đang hối thúc các đồng minh cấp tốc viện trợ thêm vũ khí, đạn dược trong bối cảnh Matxcơva dường như đang chuẩn bị mở một cuộc tấn công quy mô lớn trong những ngày tới.

Yếu tố quan trọng nhất hiện nay chính là cung cấp đạn dược. Kể từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, trung bình quân Nga bắn mỗi ngày hơn 20.000 đạn pháo và phía Ukraina trung bình chỉ tiêu thụ gần 5.000 đạn. Nhưng vấn đề là lực lượng của Kiev sử dụng số lượng đạn nhiều hơn khả năng sản xuất của các nước NATO. 

Hoa Kỳ đã cấp tốc gia tăng khả năng sản xuất đạn pháo 155 ly lên 90.000/tháng, nhưng cũng chỉ đủ để đáp ứng một phần nhu cầu của quân Ukraina. Pháp thì cũng chỉ sản xuất được vài chục ngàn đạn 155 ly mỗi năm và nay chỉ mới bắt đầu đẩy nhanh sản xuất. 

Căng thẳng Mỹ - Trung 

Hội nghị Munich năm nay cũng sẽ tập trung thảo luận về căng thẳng đang gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh do vụ khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận Hoa Kỳ và bị bắn hạ. Bắc Kinh vẫn khẳng định đó là một khinh khí cầu sử dụng vào mục đích dân sự, chứ không phải do thám như cáo buộc của Mỹ, đồng thời tố cáo các khinh khí cầu của Mỹ đã nhiều lần bay trên bầu trời Trung Quốc.

Căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới gây khó khăn cho các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức, hiện đang cố thuyết phục Trung Quốc, vẫn là đồng minh thân cận của Nga, gây áp lực lên tổng thống Putin để ông chấm dứt chiến tranh Ukraina.