Kết quả cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Timothy Trinh

Peter Ben Embarek, người đứng đầu phái bộ 14 thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết việc vi-rút bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán là "cực kỳ khó xảy ra". Ông cho rằng còn nhiều việc cần phải làm thêm để xác định nguồn gốc của vi-rút.
Phát biểu từ khách sạn Hilton Optics Valley ở Vũ Hán, Tiến sĩ Embarek, một nhà khoa học Đan Mạch về an toàn thực phẩm và bệnh động vật, cho biết một giả thuyết về sự cố trong phòng thí nghiệm khó có thể giải thích được sự xuất hiện của vi-rút.
“Vì vậy, đó không phải là một giả thuyết mà chúng tôi đề xuất để hỗ trợ cho công việc trong tương lai," ông nói.
Đồng thời cuộc điều tra của WHO cũng phát hiện ra rằng vi-rút rất có thể đã được truyền qua vật chủ trung gian là động vật và có thể đã lây lan qua thực phẩm đông lạnh.
"Chúng tôi phải làm nhiều việc hơn nữa đối với chuỗi sản phẩm thực phẩm lạnh,” ông nói.
Công bố này rất thích hợp với lập luận của Trung Quốc cho rằng nguồn của vi-rút có thể nằm trong các thực phẩm đông lạnh được nhập khẩu vào Trung Quốc.
Tiến sĩ Embarek cho biết có khả năng “vi-rút cũng xuất hiện ở những nơi khác và cá nhân ở các quốc gia khác” và kêu gọi có thêm các cuộc điều tra mới.
Bắc Kinh nhiều lần cho rằng vi-rút, gây ra hơn 2,3 triệu tử vong, có nguồn gốc từ nơi khác trên thế giới.
Đại diện Trung Quốc Liang Wannian cho biết WHO "không thể dựa trên cơ sở nghiên cứu dịch tễ học để xác định cách COVID-19 được đưa vào thị trường Vũ Hán."
Feng Duojia, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp vắc xin Trung Quốc, nói với tờ báo đảng Global Times rằng: “Vũ Hán chỉ là một điểm dừng cho việc truy tìm nguồn gốc vi rút, và những chuyên gia đó không nên mong đợi tìm ra câu trả lời ở đây."
Trong thông báo về chuyến thăm của các chuyên gia WHO vào tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Zhao Lijian cho biết: "Việc truy tìm nguồn gốc vi-rút rất có thể sẽ liên quan đến nhiều quốc gia và địa phương."
Cuộc điều tra của WHO đã diễn ra sau hơn một năm, và sau khi hồ sơ nghiên cứu vi-rút của phòng thí nghiệm Vũ Hán đã bị thiêu hủy.
Lịch trình của nhóm WHO tại Trung Quốc như sau:
Trước tiên, các chuyên gia WHO bị đưa vào khu cách ly 14 ngày, cho đến ngày 28 tháng 1, mới có một cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại một khách sạn với các quan chức Trung Quốc.
Kế đến, lịch trình đưa nhóm WHO đến Bệnh viện Tổng hợp Trung Quốc và Tây y tỉnh Hồ Bắc để nghe bác sĩ Zhang Jixian lần đầu tiên báo cáo các trường hợp "viêm phổi không rõ nguyên nhân" của các ca nhiễm vào ngày 27 tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán.
Nhóm cũng đã đến thăm một triển lãm bảo tàng dành riêng cho lịch sử ban đầu của COVID-19.
Vào ngày 31 tháng 1, nhóm WHO được chở đến thăm chợ hải sản Baishazhou tại Vũ Hán, đi dạo một giờ đồng hồ.
Dài nhất trong lịch trình, vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, nhóm WHO đã dành khoảng bốn tiếng rưỡi cho chuyến thăm văn phòng Vũ Hán của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc để thảo luận và "điều tra" các chuyên gia Trung Quốc.
Vào ngày 3 tháng 2, nhóm WHO đã dành vài giờ tại Viện Vi-rút Vũ Hán, nơi bị nghi ngờ đã có một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm đã gây ra đợt bùng phát đại dịch vào cuối năm 2019. Nhóm được phép ba giờ rưỡi bên trong cơ sở được bảo vệ nghiêm ngặt, và không được phép tiếp xúc với các nhà báo.
Đến ngày 4 tháng 2, nhóm WHO đã gặp gỡ các cư dân của khu phố Jiangxinyuan ở Vũ Hán, nói chuyện với một số người đã khỏi bệnh, cũng như các nhân viên cộng đồng.
Ký giả ABC News của Úc cho rằng: "Không có hành trình đầy đủ cho hoạt động thực địa của nhóm được tiết lộ và các nhà báo đưa tin về chuyến thăm bị kiểm soát chặt chẽ và được giữ khoảng cách với các thành viên trong nhóm."
Một lịch trình như thế của nhóm WHO làm thế nào có đủ tiêu chuẩn để xác nhận được nguồn gốc COVID-19. Và đây là tổ chức mà chính phủ Biden của Hoa Kỳ muốn chi tiền để xin gia nhập trở lại.
Cũng vào thời điểm nhóm WHO chuẩn bị kết thúc cuộc điều tra, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ hơn 80 người mà họ cho là làm giả vắc xin COVID-19, đúng lúc các tỉnh thành ở đại lục đua nhau tiêm hàng triệu người trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Những tổ chức tội phạm đã cho nước biển vào các lọ và bán dưới dạng vắc-xin. Cảnh sát ập vào một số địa điểm trên khắp Bắc Kinh và nhiều thành phố ở các tỉnh miền đông như Giang Tô và Sơn Đông, thu giữ tại chỗ "hơn 3.000 vắc xin COVID-19 giả", Tân Hoa xã cho biết.
Không thấy báo cáo bao nhiêu vắc-xin giả đã bán và được tiêm vào các nạn nhân.
Dường như cái gì dính líu đến Trung Quốc đều có vấn đề. Báo cáo của nhóm WHO cũng không khác gì các vắc-xin giả./.
Người Đà Lạt Xưa
February 10, 2021