Không còn TPP, liệu Việt Nam có thay đổi thể chế chính trị?

Ông tổng bí thư đảng CSVN cứ ngỡ đã có thể thở phào nhẹ nhỏm từ cuối giờ chiều ngày 10-11 khi nhận tin phái đoàn của Canada đã từ chối ngồi tiếp phiên đàm phán về thỏa thuận TPP-11 diễn ra vào tối 10-11. Tuy nhiên đến rạng sáng ngày 11-11 thì có kết quả là 11 Bộ trưởng TPP-11 (bao gồm cả Canada) đã chính thức thông qua thỏa thuận này, với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương, viết tắt là CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).
Việt Nam sẽ vẫn nhanh chóng thay đổi thể chế chính trị!

So với thỏa thuận trước đó, thì theo Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết có 20 điều khoản tạm hoãn, bao gồm điều khoản về sở hữu trí tuệ.

Bình luận nhanh về sự xuất hiện của CPTPP, một số biên tập viên báo chí phụ trách mảng chính trị cho rằng trong giai đoạn tranh tối tranh sáng của giao thời giữa TPP và CPTPP, xem ra Việt Nam tạm không còn chịu áp lực của các thỏa thuận liên quan đàm phán TPP nữa. Do đó ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mạnh tay hơn khi ban hành các nghị quyết về thay đổi thể chế qua chính sách “nhất thế hóa đảng – chính quyền”. Khi ấy Bộ Chính trị sẽ “danh chính ngôn thuận” điều hành luôn bộ máy quản trị quốc gia.

Thế nhưng trong chuyện sắp tới đây “đảng sẽ làm tất cả” từ chính sách “nhất thể hóa đảng – chính quyền” này, lại cho thấy có một lỗ hỗng lớn nhứt mà người đứng đầu đảng CSVN đang loay hoay chưa tìm được lối thoát trước nhận xét rất sốc của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc tại nghị trường hôm 7-11: “Nếu muốn tham nhũng thì phải có quyền lực, mà gần như tuyệt đối quyền lực thuộc về Đảng. Không phải đảng viên thì đến chức phó phòng cũng không có. Như thế có nghĩa là trong thực tế ở Việt Nam, tham nhũng đối với người dân về căn bản là miễn dịch”.

Ông Dương Trung Quốc còn bồi tiếp: “Với giặc ngoại xâm không có trận nào là trận cuối cùng, nhưng với sự tồn vong của chế độ, của đảng cầm quyền thì đây là trận đánh cuối cùng”. Như vậy, nếu ông tổng bí thư tiếp tục đắc ý với việc ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW hôm 25-10 về “nhất thế hóa đảng – chính quyền”, xem ra trận đánh cuối cùng này sẽ sớm kết thúc bằng sự cáo chung cho một đảng gần 90 tuổi đời.

Sự thịnh vượng phải do người dân quyết định

“Cùng chung tay, chúng ta sẽ có sức mạnh đưa người dân thế giới lên tầm cao mới. Chúng ta hãy chọn sự giàu có, tự do, chối bỏ phận nghèo nàn, tôi tớ. Có rất nhiều giấc mơ ở khu vực này. Trên thế giới không nơi nào tốt hơn gia đình mình, hãy bảo vệ quốc gia, tổ quốc của mình”, ông Trump đã kết thúc bài hùng biện của mình tại Thượng đỉnh APEC vào chiều ngày 10-11 ở Đà Nẵng.

“Giàu có – Tự do – Không tôi tớ – Quốc gia”: cả bốn ý này của ông tổng thống Hoa Kỳ cho thấy đây là yêu cầu tối thượng của chính phủ cầm quyền. Ông cũng nhấn mạnh rằng “Chúng tôi tôn trọng nền pháp trị chứ không phải những lãnh đạo độc tài”

Như vậy, nếu đặt các ý tứ này vào hoàn cảnh Việt Nam lâu nay thì dễ dàng thấy rằng sở dĩ Việt Nam chưa giàu có, vì như lời ông tổng bí thư hôm 23-10-2013, khi ông đến làm việc với tổ soạn thảo hiến pháp, tại đây ông đã tuyên bố: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” [nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phat-bieu-tai-...

Về yêu cầu của “Không tôi tớ – Quốc gia”, thì cả hai điều này đều tùy thuộc vào quyết định của người đứng đầu đảng CSVN: “Quân đội phải là lực lượng tuyệt đối trung thành, tuyệt đối kiên định với mục tiêu, lý tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa”. (Trích diễn văn của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bí thư Quân ủy Trung ương tại Hội nghị tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2016, Hà Nội, ngày 13-12). Nôm na, quân đội được yêu cầu ưu tiên “trung thành với lý tưởng đảng” sau đó mới là Quốc gia. Phận “tôi tớ” ở đây lâu nay qua chuyện Hà Nội lệ thuộc vào Bắc Kinh ra sao, chắc là điều không cần phải nhắc tới…

Còn vế “Tự do” thì chắc hẳn ông Trump quá biết rằng ở một đất nước mà không có tranh cử, không có báo chí tư nhân, không có quyền tự do biểu tình, không có quyền tự do lập hội, không có quyền biểu đạt chính kiến về chính trị… thì “tự do” là giấc mơ cổ tích.

Ông thủ tướng có dũng khí… ‘vượt rào’?

Hồi còn kỳ vọng vào chuyện TPP sẽ sớm thực thi, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là cơ hội vàng thúc đẩy nhanh việc cải cách thể chế chính trị, cải cách hành chính công, tái cấu trúc nền kinh tế vốn dựa chủ yếu vào khu vực kinh tế quốc doanh, tạo nhiều công ăn việc làm, đồng thời giúp nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của ngoại thương với Trung Quốc như nhập siêu kéo dài, nguy cơ trở thành bãi chứa rác thải công nghiệp lạc hậu, thị trường tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng và thực phẩm bẩn.

Cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục mà không có thỏa thuận thương mại lớn này. Nhưng nếu TPP mất đi, chúng ta sẽ mất đi cái gì đó quý giá, giá trị, do tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của nó; đặc biệt là với một quốc gia độc đảng toàn trị, lại thêm sự độc đảng đó lại cứ khăng khăng theo vết đổ của con đường xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô và khối Đông Âu đã vì nó mà tan rã”, một nhà báo cũng đồng thời là nhà quan sát chính trị, chia sẻ như vậy với Việt Nam Thời Báo.

Chưa rõ các nguyên tắc của CPTPP thay đổi ra sao, song theo ngôn ngữ lạc quan, thì như lời tuyên bố của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “không có TPP, Việt Nam vẫn sẽ hội nhập”. Không có TPP, Việt Nam sẽ “không chết”. Nhưng ảnh hưởng là có thật, ít nhất hay trước tiên có thể là thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may. Bởi mấy năm qua, hàng tỷ USD đã được các nhà đầu tư đổ vào Việt Nam để xây dựng các nhà máy xơ sợi, dệt nhuộm để đón đầu cơ hội do TPP mang lại. Giờ nếu TPP không còn nữa, liệu các nhà đầu tư này có rút khỏi Việt Nam hay ít nhất là trì hoãn việc triển khai các dự án này?.

“Chúng tôi kiến tạo trước hết là tạo nên một khuôn khổ thể chế pháp luật tốt nhất để sát với kinh tế thị trường theo định hướng của Việt Nam. Kiến tạo có nghĩa là tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và người dân để có thể phát triển tốt nhất quyền tự do con người. Và kiến tạo phải chủ động hơn nữa trong việc ứng phó với những biến đổi của kinh tế thế giới mà trước hết hiện nay đó là ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững môi trường đầu tư kinh doanh.

Một chính phủ hành động là phải cải cách xuất sắc, kịp thời hơn đối với sự biến đổi của kinh tế hiện hành”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017.

Với tuyên bố chắc nịch như vậy trước đông đảo doanh nhân trong và ngoài nước, liệu có phải ông Nguyễn Xuân Phúc đồng thuận với ông Donald Trump, rằng lãnh đạo Việt Nam cần nhớ rằng tổ tiên của họ từng có Hai Bà Trưng?.

“Vào khoảng năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng đã đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm, đánh thức niềm tin của VN. Đó cũng là lần đầu tiên các bạn đứng lên với niềm kiêu hãnh dân tộc để đấu tranh chống xâm lược. Với sức mạnh của mình, chúng ta hoàn toàn biết mình là ai và phải làm gì cùng nhau. Chúng ta có đủ niềm tin và sức mạnh để cùng nhau đi đến những tầm cao mới. Hãy cùng nhau hướng đến tự do, thịnh vượng và tương lai rộng mở.

Thế giới rất rộng lớn, có nhiều nơi chốn và vùng đất khác nhau với rất nhiều những mơ ước của mọi người nhưng không đâu bằng quê hương. Nên chúng ta hãy xem quê hương là trên hết, bảo vệ nó cho hôm nay và mãi sau này”. Tổng thống Donald Trump đã gửi lời kêu gọi như vậy đến các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Vấn đề giờ đây là ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đủ bản lãnh để thay đổi thể chế chính trị giúp “chúng ta sẽ cùng phồn thịnh, cùng tăng trưởng với nhau. Điều này đảm bảo giấc mơ của châu Á – Thái Bình Dương là đúng luật, mọi quốc gia trở thành đối tác thương mại của nhau trên cơ sở cùng có lợi” – như lời mời gọi của ông tổng thống Donald Trump tại Thượng đỉnh APEC hôm chiều 10-11-2017?.

Trúc Giang (VNTB)