Omicron kháng vaccine thế nào?

Xe xét nghiệm COVID-19 lưu động giữa lúc biến thể omicron lây lan, tại Manhattan, New York, ngày 8/12/2021.

Reuters - VOA

Các cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm công bố tuần này cho thấy biến thể Omicron sẽ làm mai một công năng của vaccine Pfizer/BioNTech trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID sau hai mũi tiêm dù dữ liệu sơ khởi chứng tỏ mũi tiêm thứ ba có thể khôi phục sự bảo vệ này.

Vẫn còn chờ dữ liệu để xem vaccine COVID bảo vệ tới mức nào trong thực tế trước biến thể Omicron đột biến cao.

Omicron gây bệnh nặng hơn, hay nhẹ hơn?

Dù một số dữ liệu sơ khởi cho thấy phiên bản mới của virus corona gây bệnh nhẹ hơn những biến thể trước, nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng, ông John Moore, giáo sư về vi sinh học và miễn dịch học tại trường y Weill Cornell, nói.

Để đánh giá sự trầm trọng của biến thể, các nhà khoa học sẽ theo dõi xem có bao nhiêu người đã chích ngừa vẫn bị nhiễm Omicron, và xem họ có phải nhập viện hay phải vào phòng hồi sức tích cực hay không. Cần dữ liệu trên thực tiễn đối với những người chưa tiêm chủng, những người đã tiêm hai mũi và những người đã tiêm ba mũi vaccine. Có lẽ phải cần các bằng chứng này từ nhiều nước vì kinh nghiệm với biến thể có thể thay đổi tại những khu vực khác nhau, theo ông Shane Crotty, một nhà virus học tại Viện Miễn dịch học La Jolla ở San Diego. Các nhà hoa học hy vọng có đáp án cho những câu hỏi này trong vài tuần tới.

Omicron có thay thế Delta?

Delta sát thương và lây nhiễm cao vẫn đang là biến thể chiếm ngự, chiếm 99,8% các ca nhiễm toàn cầu, tính đến ngày 7/12, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Muốn ‘soán ngôi’ Delta, Omicron phải thay đổi tỷ lệ đó để trở thành chủ đạo.

“Nếu chúng ta thình lình bắt đầu thấy 10% ca nhiễm mới là Omicron, và tuần sau tăng lên thành 20%, điều đó nghĩa là chúng ta đang trong một đợt ‘soán ngôi’ như hồi Delta lấn áp Alpha, ông Moore nói.

Ngược lại, Omicron có thể giống như Beta, chứng tỏ khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine nhưng không bao giờ trở thành mối đe dọa toàn cầu. “Sẽ thú vị khi thấy…hai biến thể này đối đầu với nhau như thế nào và chúng cạnh tranh giành nạn nhân ra sao” trong một nước tiêm chủng cao, bác sĩ Amesh Adalja, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói.

Các vaccine khác thì sao?

Các cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về các vaccine của Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson cũng đang được tiến hành. Những cuộc nghiên cứu này phân tích ảnh hưởng của biến thể Omicron trên các mẫu máu của những người từng bị nhiễm COVID và những người đã tiêm chủng. Nhiều nhà khoa học dự kiến ba loại vaccine này cũng sẽ cho thấy giảm sút trong khả năng trung lập hóa Omicron so với những biến thể trước đây.

Vacine của Moderna dùng kỹ thuật tương tự như Pfizer/BioNTech, nhưng cho thấy bảo vệ lâu dài hơn chống lây nhiễm đối với các biến thể trước, và người ta tin rằng lợi thế này nhờ vào liều lượng cao và khoảng cách lâu hơn giữa hai liều tiêm. Moderna có thể ít bị giảm kháng thể trung lập hoá virus so với Pfizer, ông Adalja nói.

Hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc nói đang tiến hành những cuộc nghiên cứu để xem vaccine dùng virus bất hoạt của họ có thể chống lại Omicron hay không, hay họ cần phải phát triển vaccine mới.

Có thể phải mất ba tuần nữa mới biết được vaccine Sputnik của Nga chống Omicron hữu hiệu như thế nào, ông Kirill Dmotriev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga, nói với CNBC.