Thảm họa của đảng CSVN được báo trước

Khi đến Bắc Ninh dự ngày hội Đại đoàn kết dân tộc vào sáng 13 Tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng cao hứng phát biểu: “Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả, nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?”

Không biết đứng trên sự lượng giá nào mà ông Trọng lại có cái nhìn lạc quan “tếu” như thế, chẳng lẽ nhờ chủ trương chống tham nhũng đồng thời sống chung với tham nhũng mà ông Trọng ráo riết hô hào từ năm 2011 cho đến nay, khiến nước ta chưa bao giờ được như thế này chăng?

Trong bối cảnh một năm sắp hết, ta thử nhìn qua bộ máy đảng CSVN trong năm 2016 để lượng định xem đảng này đã làm được gì “khiến nước ta chưa bao giờ được như thế này”, trong khi thực tế cho thấy là Việt Nam đang đối diện bốn nguy cơ sinh tử: Tham nhũng hết thuốc chữa; ô nhiễm môi trường trầm trọng; kinh tế trên bờ vực khủng hoảng hết tiền; rối loạn thượng tầng lãnh đạo có nguy cơ bùng nổ.

 


Ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội đảng 12 vào Tháng 1,2016. Ảnh: REUTERS

Điều có thể nói trước tiên mà không sợ sai, năm 2016 là năm lao đao vất vả nhất của đảng CSVN. Tháng 1, 2016, sự kiện Đại hội đảng lần thứ 12 diễn ra trong sóng gió; đấu đá nội bộ lúc ngấm ngầm lúc công khai biến đại hội thành một đấu trường La Mã kiểu mới.

Nhiều đòn phép được tung ra giữa các phe phái mà cuối cùng ông Trọng giành được chiếc ghế tổng bí thư nhiệm kỳ 2 trong tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Từ sự thất thế của Nguyễn Tấn Dũng, phía sau hậu trường Đại hội 12 đã mặc nhiên hình thành hai thế lực tiếp tục kình chống nhau không kém phần quyết liệt.

Những tưởng sau khi Đại hội 12 kết thúc, ông Trọng và phe nhóm của ông sẽ cùng nhau thăng tiến trên con đường hoan lộ, cùng nhau chia chác bổng lộc trong bộ máy cầm quyền. Họ tin rằng phen này đã tiêu diệt được đám "lợi ich nhóm" của Nguyễn Tấn Dũng. Nhất là vào thời điểm này, phe nhóm giáo điều của ông Trọng có vẻ như đã đạt được nhiều thắng lợi trong thế tiếp tục đu dây chính trị giữa Mỹ và Trung Cộng, sau chuyến đi Hoa Kỳ kết thân vào Tháng 7, 2015 của Nguyễn Phú Trọng.

Thế nhưng chính năm 2016 lại trở thành một đêm dài đen tối, mang đến nhiều đe dọa cho quyền lực đảng CSVN hơn bao giờ hết. Vì sau khi loại trừ được đối thủ Nguyễn Tấn Dũng và chưa củng cố uy quyền được bao lâu thì đảng CSVN phải đối diện với thảm họa môi trường trên 4 tỉnh Miền Trung do Công ty Formosa gây ra.

Sự kiện cá chết hàng loạt xảy ra vào đầu Tháng 4 không chỉ để lộ sự yếu kém trong cách giải quyết của chế độ mà còn cho thấy thảm họa của đất nước sau 30 năm đổi mới kinh tế.


Công an ngăn chận người dân biểu tình vụ cá chết hàng loạt tại Miền Trung. Ảnh: REUTERS

Dưới sự chỉ đạo của ông Trọng, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra sức gian dối, vòng vo bao che cho Formosa là thủ phạm chính mà ai cũng thấy. Thái độ vô trách nhiệm này của chính phủ khiến người dân vô cùng phẫn nộ, làm bùng lên những cuộc biểu tình từ Hà Nội đến Sài Gòn đòi bảo vệ môi sinh, minh bạch thảm họa cá chết do đâu. Thay vì tôn trọng nguyện vọng dân chúng, nhà cầm quyền CSVN đã ra tay đàn áp bằng bạo lực mong dập tắt những đòi hỏi chính đáng của người dân.

Nhưng đó cũng chỉ mới là bước khởi đầu cho một thời kỳ không lối thoát của đảng. Để khỏa lấp vụ Formosa, Tháng 6, 2016 đích thân ông Nguyễn Phú Trọng dàn dựng và tung ra chiến dịch đả hổ diệt ruồi với một loạt tấn công phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng mà con mồi đầu tiên là Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh. Trọng và các cố vấn nghĩ rằng đây là một khởi đầu nắm chắc sự thành công trong tay vì Thanh chỉ là một viên chức cấp trung dù có lúc đã đứng đầu Tổng công ty PVC của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Nhưng nào ngờ mẻ lưới của Trọng bị thủng ở chỉ thị 15, Thanh là đảng viên chưa bị “xử lý” về mặt đảng nên anh ta đã ung dung xuất cảnh bay sang trời Âu. Chẳng những thế, Thanh còn quay lại thách đố quyền lực tổng bí thư làm cho chiêu bài đánh tham nhũng của ông Trọng bị tan nát. Mới đây nhất, hai cán bộ lãnh đạo dầu khí khác noi gương Thanh xin đi chữa bệnh nước ngoài và biến mất khiến ông Trọng và Bộ Chính trị điên đầu.

Trong khi đang lúng túng đối phó với con dê tế thần bị sẩy, Tháng 8, 2016 ông Trọng và Bộ chính trị lại thêm một phen rúng động với những phát súng từ văn phòng tỉnh ủy Yên Bái. Hai ủy viên trung ương đảng bị một cán bộ khác hạ sát tại nơi làm việc, cho thấy nội bộ đảng trở thành đấu trường thanh toán nhau giữa các thế lực khi sự ăn chia không còn có thể tương nhượng.

Đà suy sụp của đảng đã hiện rõ hơn bao giờ hết nhưng cũng chưa dừng lại ở đó.

Dẹp nội loạn chưa xong, tiến hành chống tham nhũng theo kiểu “ngứa ghẻ” ném chuột sợ vỡ bình, người dân càng bất mãn hơn với lối giải quyết ô nhiễm lằng nhằng của đảng. Nhưng ông Trọng vẫn còn nuôi một niềm hy vọng vào lá bài TPP mà ông nghĩ khi tham gia sẽ mang lại nhiều khả năng vực dậy nền kinh tế Việt Nam đang eo sèo như buổi chợ chiều.

Không ngờ sợi dây mà bao lâu nay đảng CSVN vẫn tự tin đánh đu một cách tuyệt hảo bỗng đứt nửa chừng khi ông Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ và tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Việc tân Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP chắc chắn không có lợi cho Việt Nam. Ảnh minh họa từ internet.

Với chủ trương của ông Trump sau khi lên cầm quyền từ ngày 20 Tháng 1, 2017 sẽ tập trung củng cố nội lực của nước Mỹ nên việc cứu xét để gia nhập TPP sẽ là chặng đường dài trước mặt. Điều này chắc chắn không có lợi cho Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam trước cục diện thị trường Mỹ và thế giới sau Trump” do BSA tổ chức hôm 10 Tháng 12, Cựu Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã phát biểu rằng: “Tôi nghĩ TPP dứt khoát có tác động đến kinh tế Việt Nam trong nhiều mặt, kể cả thể chế, phát triển doanh nghiệp. Không còn TPP nữa, hàng loạt luật phải thay đổi lại bị “đóng băng” trở lại. TPP tạo ra nhiều động lực để cạnh tranh quốc tế và ngay trong sân nhà. Nếu đóng cửa lại, kinh tế sẽ trì trệ, đó là những vấn đề tôi rất lo lắng. Về độ mở, chúng ta còn mở gấp 4 lần so với Trung Quốc, không thể nói khi Mỹ thay đổi quan điểm lại không ảnh hưởng gì đến Việt Nam..”

Phát biểu của cựu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh có thể coi như một cảnh báo về những thảm họa mà đảng CSVN sẽ đối diện khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục lao xuống dốc trong tình trạng hết tiền với số nợ vay đáo hạn phải trả ngày gia tăng.

Nói tóm lại, những gì đã xảy ra cho đảng CSVN trong năm 2016 đã không chỉ báo hiệu sự suy tàn của chế độ Hà Nội mà còn cho thấy là chính ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là người kết thúc quyền lực của đảng cộng sản trong vài năm đầu của nhiệm kỳ thứ 2.

http://www.viettan.org/Tham-hoa-cua-dang-CSVN-duoc-bao.html