Thấy Gì Ở Hội Nghị APEC Bắc Kinh 2014

Theo thứ tự, năm 2014 đến phiên Trung quốc tổ chức Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Lúc đầu chính quyền Trung quốc dự định sẽ tổ chức hội nghị này tại Hồng Kông, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay công cuộc đấu tranh đòi bầu cử tự do của người dân Hồng Kông ngày càng mạnh nên nhà cầm quyền Trung quốc quyết định dời địa điểm tổ chức sang Bắc Kinh vì không muốn cho các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị thấy cảnh người dân Hồng Kông biểu tình.

 

Chọn Bắc Kinh để tổ chức cũng gặp phải một trở ngại vì không khí ở đó đang bị ô nhiễm nặng bởi khói bụi PM2.5, thế nhưng đành phải chịu vì không một thành phố lớn nào ở Hoa lục có được bầu không khí trong lành. Để cho bầu không khí giảm thiểu ô nhiễm, chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã phải ra lịnh hạn chế lượng xe ô tô lưu thông trong thành phố bằng cách áp dụng biện pháp xe mang bảng số chẵn không được lưu thông vào ngày chẵn và ngược lại. Họ cũng ra lịnh cấm không cho 375 công xưởng quá cũ nằm trong thủ đô hoạt động. Hơn 2.390 hãng xưởng ở những vùng phụ cận Bắc Kinh cũng cùng chung số phận, và khoảng 2.450 công trình xây dựng phải tạm ngưng thi công.

Tất cả sẽ được hoạt động trở lại sau khi hội nghị APEC kết thúc. Hiển nhiên các chủ hãng xưởng, chủ các công trình xây cất cũng như nhân viên bất mãn ra mặt vì bị thiệt hại quá lớn mà chẳng được bồi thường gì. Tại Trung quốc, người ra lịnh không có trách nhiệm và cũng không cần biết đến các thiệt hại do lịnh gây ra cho dân chúng.

Những hội nghị lớn thường là nơi để lãnh đạo các quốc gia đến gặp nhau bàn về một đường lối chung hay để điều chỉnh một số trục trặc hơn là bàn về chi tiết vì phần này sẽ có các cấp dưới lo. Việc các lãnh đạo gặp nhau bắt tay cũng là phần rất quan trọng của các hội nghị lớn vì qua đó người ta sẽ thấy sự thân thiện hay đang có vấn đề căng thẳng giữa quốc gia này và quốc gia khác. Ngay cả cách thức bắt tay cũng thường cho thấy chỉ dấu về quan hệ giữa 2 nước.

Kế đến, việc sắp xếp chổ đứng để chụp hình cũng rất quan trọng. Qua đó người ta thấy nước chủ nhà trọng vọng nguyên thủ quốc gia nào. Ai cũng biết Hoa Kỳ là cường quốc số một của thế giới thế mà chổ đứng chụp hình của Tổng thống Obama ở rìa phải, cạnh nữ Tổng thống Hàn quốc, trong khi Tổng thống Nga, ông Pitin đứng giữa cạnh ông Tập Cận Bình. Điều này cho thấy rõ Trung quốc và Hoa Kỳ có vấn đề cho dù ông Tập và ông Obama vẫn tươi cười bắt tay nhau.

Truyền thông quốc tế, đặc biệt Trung quốc và Nhật Bản, chú mục nhiều vào cái bắt tay giữa Chủ tịch Trung quốc và Thủ tướng Nhật.Trong khi ông Abe bắt tay với một nụ cười ngoại giao thì ông Tập lại lạnh lùng nhìn chổ khác không muốn nhìn mặt. Truyền thông Trung quốc khi đưa hình ảnh này lên báo đài đều thòng thêm một câu bình luận rằng vì ở vị thế chủ nhà nên Chủ tịch Tập Cận Bình buộc phải bắt tay chứ chẳng thích thú gì, ngày nào mà Tokyo còn tuyên bố quần đảo Điếu Ngư thuộc chủ quyền của Nhật là ngày đó không thể nói chuyện được với họ. Truyền thông Nhật thì cho rằng chuyện hội đàm song phương giữa Nhật Bản và Trung quốc là lợì ích chung cho cả hai quốc gia chứ đâu phải riêng gì cho Nhật nên đâu cần phải nhượng bộ, mà nhượng bộ sao được khi mà quần đảo Senkaku thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của Nhật Bản. Thái độ lạnh lùng của ông Tập Cận Bình được giới bình luận Nhật xem là thiếu hiểu biết về ngoại giao.

Với các chỉ dấu đó, rõ ràng tình hình ngoại giao căng thẳng giữa Nhật và Trung quốc đang tăng chứ không giảm.

Thêm một vấn đề khác, một ngày trước khi hội nghị APEC diễn ra, các phái đoàn của 12 quốc gia đứng đầu là Mỹ-Úc-Nhật gặp nhau ở Bắc Kinh để bàn về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP), điều này đã làm cho Bắc Kinh khó chịu đến nổi phải cho phát ngôn viên Hồng Lỗi họp báo nói rằng: "Hiệp định TPP cũng quan trọng, nhưng quý phái đoàn đến đây nên chú tâm vào hội nghị APEC, chứ không phải đến đây để bàn về TPP".

Theo các nguồn từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì Tổng thống Obama đã đặt vấn đề nhân quyền và chuyện biểu tình đòi tự do bầu cử của người dân Hồng Kông trong cuộc hội đàm song phương với Trung quốc. Ngược lại, các nguồn từ Trung Quốc cho biết ông Obama đã nêu các chuyện đó, nhưng ông Tập Cận Bình trả lời đó là chuyện nội bộ của Trung quốc, Hoa Kỳ không nên nhúng tay vào. Ngoài ra ông Tập còn cho rằng chiến lược xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng cho thấy Washington muốn xen vào chuyện nội bộ của các nước trong vùng.

Giới bình luận tại Nhật đánh giá cao việc Tổng thống Obama đặt vấn đề nhân quyền trong cuộc hội đàm tay đôi với ông Tập Cận Bình, nhưng mong mỏi phía Hoa Kỳ cũng có hành động đi kèm, đặc biệt trong 2 năm cuối trong nhiệm kỳ của ông Obama.