Thế giới bất lực trước việc cứu trợ động đất

Lương Thái Sỹ (SGN)

Trong khi tổng số người chết trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới hơn 34,000, Liên Hợp Quốc (LHQ) buộc phải tuyên bố hoạt động cứu trợ quốc tế đã thất bại ở Syria.

Sẽ không dừng ở con số 34,000 người chết

Đã gần một tuần trôi qua kể từ khi hai trận động đất mạnh tàn phá thị trấn thuộc tỉnh Gaziantep ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, các gia đình có người thân mất tích vẫn chứng kiến cuộc tìm kiếm vất vả những người sống sót.

Truyền thông địa phương đưa tin đã có một số trường hợp sống sót ngoạn mục. Chẳng hạn có một bé gái 10 tuổi bị mắc kẹt 159 giờ dưới đống đổ nát. Trong một trường hợp, toán cứu hộ phải mất nhiều giờ mới tiếp cận nạn nhân (đã chết) và cắt thanh cốt thép ra khỏi cơ thể to lớn của ông trước khi cuộn vào một chiếc túi đựng xác màu đen. Cảnh tượng bi thảm này lặp đi lặp lại trên khắp miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria, nơi số người chết vì trận động đất đã lên tới 34,000 người và còn nữa (hơn 29,600 người ở Thổ Nhĩ Kỳ; 4,500 người ở Syria).

Tại Islahiye, giống như nhiều thị trấn và làng mạc khác, cư dân hiện chủ yếu sống ngoài trời. Chính quyền thành phố cấm họ vào các tòa nhà có nguy cơ sụp đổ. Vì vậy họ phải sống trong những chiếc lều dựng tạm và đốt lửa để giữ ấm. Ahmet Kurt, một hiệu trưởng địa phương cho biết: “Bây giờ là mùa đông nhưng chúng tôi không thể vào trong nhà. Mọi người rất sợ hãi, họ bị sốc và sợ dư chấn”. Người chị Ozgul của ông được cho là bị chôn vùi dưới một ngôi nhà khác gần đó và ông không nghĩ cô còn sống. “Tất cả chúng tôi chờ đợi trong vô vọng quanh đây!”.

Hơn 1.1 triệu người mất chỗ ở tại Thổ Nhĩ Kỳ và vẫn còn vô số người nằm dưới đống đổ nát. Dù vẫn tin một số người sống sót nữa sẽ được kéo ra khỏi đống đổ nát, nhưng LHQ kết luận: Những nỗ lực cấp cứu và cứu trợ quốc tế gần như đã “thất bại” thảm hại đối với những nạn nhân sống ở khu vực phiến quân phía Tây Bắc Syria vốn nhiều năm nay trong cảnh nội chiến. Việc thiếu máy xúc nghiêm trọng khiến người ta phải tự tìm cách đào bới tìm người thân trong những công trình sụp đổ ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Khắp nơi đang cần trợ giúp về y tế và thực phẩm. Johan Mooij, giám đốc phản ứng của tổ chức World Vision Syria tuyên bố: “Chúng tôi chưa từng chứng kiến sự đau khổ và tàn phá lớn thế này trong hơn một thập niên. Lớn đến nỗi phải mất cả thế hệ mới có thể phục hồi được như cũ”.

Cả Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều thất bại trong cứu trợ

Trong sự tàn phá và thương vong khủng khiếp, sự tức giận tiếp tục dâng cao do khoảng cách cứu trợ giữa Thổ Nhĩ Kỳ (nơi hàng tấn hàng cứu trợ đã đổ vào và vô số đội trợ giúp quốc tế) và vùng Tây Bắc Syria do quân nổi dậy nắm giữ, nơi người dân gồm cả những người phải di tản vì cuộc nội chiến tàn khốc phải một mình giải quyết những hậu quả trong sự chờ đợi tuyệt vọng trợ giúp quốc tế không bao giờ đến.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã hạn chế tiếp cận với khu vực Tây Bắc do các nhóm vũ trang đối lập kiểm soát. Với sự hậu thuẫn của các đồng minh như Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an LHQ, trong quá khứ ông ta đã từng ngăn chặn hoạt động viện trợ nhân đạo, thậm chí còn xem động đất là “cơ hội” chiếm lại lãnh thổ.

Các quan chức LHQ hầu như giữ im lặng về những âm mưu chính trị cản trở chiến dịch hỗ trợ nhân đạo, một sự im lặng mà những người chỉ trích cáo buộc là nhằm cho phép LHQ giữ được mối quan hệ tốt với Damascus. Để biện minh, giới chức LHQ được giao trách nhiệm lấy cớ là những con đường đi đến điểm cứu trợ bị hư hỏng. Lo ngại về an ninh khiến việc chuyển hàng viện trợ tới vùng Tây Bắc Syria rất phức tạp.

Trong chuyến thăm vào Chủ nhật đến thị trấn Bab al-Hawa, hành lang viện trợ mở duy nhất ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, ông Martin Griffiths, điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ đã công khai thừa nhận sai sót. Griffiths viết trên Twitter: “Cho đến nay, chúng ta đã làm cho người dân Tây Bắc Syria thất vọng. Họ cảm thấy bị bỏ rơi. Nhiệm vụ của tôi và nghĩa vụ của chúng tôi là khắc phục nhanh nhất các thiếu sót. Nhưng đối với nhiều nạn nhân, việc giúp đỡ là quá ít, quá muộn!”.

Trong khi đó, Dan Stoenescu, đại biện lâm thời của Liên minh châu Âu (EU) tại Syria kêu gọi các quốc gia thành viên “đảm bảo các biện pháp trừng phạt chống lại chính phủ Syria không cản trở hoạt động cứu trợ”. Ông nói với hãng tin Reuters: “EU phải chắc chắn viện trợ không lọt hết vào tay những người trung thành với Assad”.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền đang mở rộng cuộc điều tra đối với các thầu xây dựng và những người mà họ cho là phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ quá dễ của các công trình được xem là kiên cố, trong tình hình chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang bị chỉ trích gay gắt (không phải bây giờ mà đã lâu) về việc dung dưỡng cho những kẻ vi phạm các quy tắc xây dựng cũng như thiếu chuẩn bị phản ứng nhanh đối với các thảm họa thiên nhiên.

Nhằm xoa dịu dư luận, Bộ trưởng tư pháp Bekir Bozdag cho biết các công tố viên ở 10 tỉnh đang điều tra tích cực hơn 130 nghi phạm trong ngành xây dựng để sớm đưa ra truy tố trước pháp luật. Truyền thông đưa tin hai nhà thầu chịu trách nhiệm về các tòa nhà bị sập ở Adiyaman đã bị bắt giam tại Sân bay Istanbul vào ngày 12 Tháng Hai khi họ sắp “cao chạy xa bay”. Hai người khác bị bắt ở Gaziantep vì tội danh cắt bớt cột bê tông để thêm không gian trong một tòa chung cư bị sập, The Washington Post cho biết./.