Toà án Hà Nội sẽ xử kín nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng vào ngày 12/4

RFA

Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên xử sơ thẩm với hình thức xử kín vào ngày 12/4 để xét xử blogger Nguyễn Lân Thắng về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo khoản 1, Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Gia đình và luật sư xác nhận thông tin này với Đài Á Châu Tự Do (RFA)

Ông Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ và là blogger của RFA, bị bắt vào ngày 05/7/2022. Vào cuối tuần trước, toà án đã ra quyết định đưa ông ra xét xử. Ông đối diện với án tù từ năm năm đến 12 năm nếu bị kết tội.
Bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng, nói với RFA về phiên toà dự kiến vào thứ tư tuần tới:

Tôi được thông báo qua luật sư lịch xử phiên toà của anh Thắng sẽ diễn ra vào sáng ngày 12/4. Quyết định xét xử ghi là xét xử kín.”

Bà Vượng cho biết cả gia đình và luật sư đều bất ngờ về quyết định xử kín vì trong vụ án của ông Thắng không có yếu tố nào dẫn tới phải xử kín. Bà nói:

Thậm chí các luật sư cũng ngỡ ngàng không hiểu tại sao bây giờ lại có quyết định xử kín. Những cái mà quy kết cho anh ấy anh ấy hoàn toàn vô tội nhưng với một phiên xử kín thì gia đình và bàn bè rất là hoang mang.”

Điều 25 của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.”

Phóng viên không thể gọi điện cho Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội theo số điện thoại đăng trên website của cơ quan này để hỏi về lý do đưa ra quyết định xử kín trong phiên toà xử ông Nguyễn Lân Thắng.

Trong nhiều năm gần đây, các phiên toà chính trị xét xử người bất đồng chính kiến đều là phiên toà công khai, cho dù chỉ có một vài trường hợp số ít người thân được tham dự phiên toà còn bạn bè và người quen biết hay các nhà hoạt động khác hoặc bị quản thúc tại gia hoặc bị lực lượng an ninh ngăn cản bằng bạo lực khi họ đến gần khu vực xử án.

Bà Vượng cho biết không một người thân nào của ông Thắng, kể cả bà, nhận được giấy mời tham dự phiên toà. Do vậy, gia đình và luật sư đang làm đơn đề nghị toà cho phép họ được vào phòng xử án để chứng kiến phiên xử.

Dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, bà Vượng cho biết chồng bà bị cáo buộc “tàng trữ” gần 20 cuốn sách trong đó có hai cuốn Chính trị Bình dân và Phản kháng Phi bạo lực của nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang, người đang thụ án tù chín năm về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước.”

Tuần trước, ông Trương Văn Dũng cũng bị kết án sáu năm tù giam vì “tàng trữ” cuốn sách Chính trị Bình dân của Phạm Đoan Trang, bên cạnh việc trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài.

Cáo trạng cũng cáo buộc ông Thắng “tuyên truyền chống nhà nước” bằng việc tham gia với tư cách là khách mời trong 12 cuộc hội luận bàn tròn về tình hình Việt Nam của Đài BBC (Anh Quốc).

Bà Vượng cho biết những cuốn sách mà cơ quan công an thu giữ từ nhà bà là sách được tặng có chữ ký của tác giả, và một số cuốn mà bà mua ở hội chợ sách về cho con gái mình đọc.

Bà chia sẻ thêm về phần trả lời phỏng vấn Đài BBC của chồng mình:

Anh Thắng có trả lời là các phần trả lời phỏng vấn đấy của anh ấy không vi phạm pháp luật, không tuyên truyền chống phá (nhà nước- PV) và anh ấy đang cùng các luật sư làm khiếu nại để phản đối kết quả điều tra của cơ quan điều tra.”

Cáo trạng cũng đề cập đến Facebook Nguyen Lan Thang (Nguyễn Lân Ké) và trang Fanpage Nguyễn Lân Thắng nhưng thừa nhận trang này không công khai email và điện thoại cá nhân nên chưa xác định được thông tin đăng ký, tạo lập tài khoản, người quản trị trang Fanpage không công khai nên cũng không xác định được cá nhân quản lý, điều hành trang.

Phóng viên cũng liên lạc với hai luật sư của ông Thắng là Lê Văn Luân và Lê Đình Việt để đề nghị bình luận về vụ án này. Luật sư Lê Văn Luân xác nhận phiên toà sẽ xử vào tuần tới và xử kín nên không thể trả lời RFA.

Bà Vượng cho biết Công an Hà Nội đã kết thúc điều tra vào ngày 17/01 năm nay, và ông Thắng được gặp luật sư lần đầu vào ngày 26/02. Tuy nhiên, cho tới nay, gia đình vẫn chưa được gặp ông cho dù đã nhiều lần viết đơn đề nghị.
Ông Nguyễn Lân Thắng xuất thân từ một gia đình khoa bảng ở Hà Nội. Ông nội ông là giáo sư Nguyễn Lân, tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt được sử dụng từ nhiều thập niên qua. Nhiều người con của cụ Nguyễn Lân là giáo sư, tiến sỹ, hoặc bác sỹ nổi tiếng của Việt Nam.

Kỹ sư xây dựng Nguyễn Lân Thắng tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam từ năm 2011 và là một nhà nhiếp ảnh có nhiều đóng góp các hình ảnh và video về biểu tình vì chủ quyền biển đảo và đấu tranh chống bất công ở Việt Nam.

Facebook Nguyen Lan Thang (Nguyễn Lân Ké) được cho là của ông hiện nay có gần 160.000 người theo dõi, mặc dù ông đang bị tạm giam tài khoản này vẫn hoạt động bình thường với nhiều bài đăng, chia sẻ...

Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện cùng với những người cùng chí hướng, như cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt, và xây trường cho trẻ em vùng cao.

Ông Nguyễn Lân Thắng có nhiều vài bài viết về tự do, dân chủ và nhân quyền trên trang blog của RFA từ cuối năm 2013./.