Trương Thị Mai - nạn nhân hay phạm nhân trong cuộc đấu đá cung đình?

Nguyễn Công Bằng|
 
Chính trường Việt Nam lại tiếp tục rúng động với những thay đổi nhân sự cấp cao trong Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mới đây, Hội nghị Trung ương 9 khoá 13 của Đảng cộng sản đã chính thức tiến hành. Hội nghị này bắt đầu từ ngày 16/5 và kéo dài đến 18/5.
 
Chiều ngày 16/5, đồng loạt báo chí chính thống trong nước đã cùng loan tin bà Trương Thị Mai - Thường trực Ban bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã xin nghỉ do có những sai phạm, và được Trung ương đồng ý.

Thay thế cho bà Trương Thị Mai trong cương vị Thường trực Ban bí thư là ông Lương Cường - Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, quân đội nhân dân Việt Nam.

Đồng thời, thông cáo báo chí kết thúc ngày họp thứ nhất của Hội nghị Trung ương 9 cũng cho biết 4 nhân vật uỷ viên Ban Bí thư cũng đã được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Đó là các ông Lê Minh Hưng - Chánh văn phòng Trung ương Đàng, giờ kiêm thêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương;
Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; bà Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Những sự kiện này mang hàm ý gì? Tương lai của chính trị Việt Nam sẽ ra sao khi gần tới Đại hội Đảng lần thứ 14? Đó là những vấn đề chúng tôi sẽ trình bày với quý vị độc giả sau đây:

Sự kiện bà Trương Thị Mai xin nghỉ. Chưa đầy hai tháng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và giờ đây là “Phó Tổng bí thư” kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng phải về vườn do liên quan đến sai phạm. Trước đó, từ khi ông Võ Văn Thưởng “dứt áo ra đi” thì đã có tin đồn bà Trương Thị Mai cũng xin nghỉ nhưng chưa được ông Trọng chuẩn y. Rồi trước Hội nghị Trung ương 9 độ hai tuần, thì lại rộ lên tin đồn bà Trương Thị Mai có thể giữ chức Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch Quốc hội. Thế nhưng cuối cùng là bà Mai cũng phải nối gót theo các ông Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ về quê trồng rau. Vậy vì sao bà Mai lại  bị “bức tử” như vậy?

Thứ nhất, như đã trao đổi trong một số bài báo trước, ở Việt Nam khó có quan chức nào là trong sạch cả. Với đồng lương chết đói như vậy thì quan chức nào cũng xây dựng sân sau cho mình cả, và bà Mai cũng như ông Thưởng, ông Huệ đều không là ngoại lệ. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhiều người quan tâm sẽ là thế sao trước đây thì bà Mai hay các ông Thưởng, Huệ lại không bị ngăn chặn hay lôi ra ngay từ đầu mà phải tới bây giờ mới bị xử trảm. Đây chính là do câu chuyện đấu đá giữa ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư và ông Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an mà ra.

Ông Tô Lâm như chúng tôi có thưa chuyện trong bài kỳ trước, sắp hết hai nhiệm kỳ Bộ trưởng Công an. Ông Lâm sinh năm 1957 nên nếu ông ấy không lên được “Tứ Trụ” thì đồng nghĩa việc ông ấy sẽ phải về hưu vào chậm nhất là đầu năm 2026. Với thành tích “dũng sĩ diệt đảng viên”, ông Lâm đã đưa rất nhiều đảng viên là cán bộ cấp cao vào nhà đá nghỉ mát, thậm chí ngay cả ông Phúc, ông Thưởng, ông Huệ, bà Mai cũng đều một tay ông Tô Lâm trưng ra chứng cớ để buộc mấy người này ra đi. Chính vì vậy, ông Tô Lâm biết rằng, nếu không có người tâm phúc của ông ấy làm Bộ trưởng Công an nối tiếp, thì khi về hưu, ông Tô Lâm chết chắc. Nên ông Tô Lâm luôn muốn Tướng Lương Tam Quang - một người ông Tô Lâm tin tưởng sẽ lên làm Bộ trưởng Công an thay thế ông ta. Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng đã bất mãn với ông Tô Lâm từ lâu, từ cái vụ bò dát vàng, nhưng ông Trọng lại không thể hạ bệ ông Tô Lâm ngay được vì ông Tô Lâm nắm được an ninh tình báo của Bộ Công an, vốn được coi là thanh kiếm của Đảng, nên có những chiêu ông Tô Lâm đã giữ lại để thủ thế.

Chính vì thế, ông Trọng đã không chấp nhận cho người của ông Tô Lâm tiếp quản cái ghế Bộ trưởng Công an, kết quả ngày 16/5 đã cho thấy cả ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc (hai Thứ trưởng Công an) đều không được bầu vào Bộ Chính trị, điều này có nghĩa là cả hai ông này đều không có cơ hội ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Công an như ông Tô Lâm mong đợi. Và để tấn công lại ông Trọng, ông Tô Lâm đã sử dụng đúng cái bài “chống tham nhũng không có vùng cấm” của ông Trọng để hạ bệ những nhân vật thuộc phe Đảng của ông Trọng. Ông Thưởng, ông Huệ và bà Mai bị hạ bệ là vì lý do đó.

Từ năm ngoái tới nay, việc Bộ Công an cho bắt một loạt Bí thư, Chủ tịch tỉnh chính là con bài của ông Tô Lâm để tìm cách điều tra hạ bệ một số nhân vật ngôi sao của Phe Đảng. Trong số đó có ông Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng. Bà Trương Thị Mai tuy quê ở Quảng Bình nhưng bà bắt đầu con đường sự nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng. Nên khi Bí thư Lâm Đồng Trần Đức Quận bị bắt thì những người thao tin đã biết là ông Tô Lâm đang dồn bà Mai vào thế chiếu tướng. Chính vì ông Trọng vẫn không chấp nhận việc người của ông Tô Lâm nắm Bộ Công an, cho nên ông Lâm đã ra tay tiêu diệt bà Mai, vốn là con bài dự trữ của ông Trọng, hòng làm ông Trọng tất tay.

Câu chuyện đấu đá cung đình dẫn tới việc bà Mai phải ra đi trong bẽ bàng cay đắng là vậy. Điều đó cho thấy bản chất thật sự của chế độ mà ông Trọng và các ban bệ của ông ấy luôn ca ngợi “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” chỉ là những lời rỗng tuếch.
 
Còn ông Lương Cường, Lê Minh Hưng cùng với những chuyện thâm cung bí sử liên quan đến hai nhân vật này, chúng tôi xin phép sẽ trình bày tiếp tục trong các số báo sắp tới, xin quý vị độc giả tiếp tục ủng hộ chúng tôi./.

 Nguồn: Chân Trời Mới Media